Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 4: 30% Sự Thật
Ở đời, một nửa bánh mì thì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì lại không phải là sự thật. Các báo cáo của nhiều địa phương về tình hình tiêm chủng cho gia cầm khẳng định rằng 100% gia cầm đã được tiêm chủng. Thế nhưng, sự thật ở trong đó có vẻ chỉ đạt được khoảng 30%. Tỷ lệ này đã được một vị Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đưa ra sau khi đi kiểm tra tình hình tiêm chủng cho gia cầm ở các địa phương. Như vậy, sự quá quắt của các báo cáo nói trên nằm ở chỗ chúng cung cấp một tỷ lệ sự thật còn thấp hơn mức mà sự thật không còn là sự thật nữa.
Chúng ta sẽ được gì và mất gì với 30% sự thật như vậy?
Có vẻ như cái được duy nhất chỉ là một sự hân hoan không đáng có vì những thành tích ảo.
Cái mất thì lại rất nhiều.
Trước hết là mất tiền và mất sức. Tiêm chủng chỉ 30% gia cầm là không hiệu quả. Dịch sẽ tiếp tục lây lan trong số 70% gia cầm còn lại và tiếp tục bùng phát. Công sức, tiền của bỏ ra để tiêm chủng cho 30% gia cầm gần như là đổ xuống sông, xuống biển. Tiếp nhận 100% cơ số thuốc nhưng chỉ sử dụng 30% còn
70% bỏ lại trong kho cũng gây ra lãng phí. 70% cơ số thuốc này có thể hết thời hạn sử dụng và phải vất bỏ. Năm 2008 vừa qua, nước ta phải nhập đến 200 triệu USD tiền vắc xin phòng chống dịch cúm gà, vì vậy số tiền bị lãng phí là không hề nhỏ. Rồi chuyện viết báo cáo, gửi báo cáo với những số liệu không có thật cũng chỉ là việc làm phí tiền, phí sức.
Cái mất thứ hai là mất khả năng chỉ đạo, điều hành chính xác, hiệu quả. Với những số liệu về cơ bản là được lấy từ trên trần nhà xuống, các cơ quan Trung ương không thể nắm chính xác tình hình phòng chống dịch bệnh và đề ra được các chính sách và giải pháp kịp thời. Hậu quả là các vấn đề liên quan đến dịch bệnh cho gia cầm, gia súc chỉ ngày càng thêm trầm trọng.
Cái mất thứ ba là mất niềm tin. Khi đó, các cơ quan nhà nước không dám sử dụng các thông tin và số liệu trong các báo cáo để hoạch định chính sách, mà bắt buộc phải tìm cách xác minh. Điều này không chỉ làm cho việc ban hành quyết định bị chậm trễ, mà chi phí cho việc ban hành quyết định cũng trở nên tốn kém hơn nhiều.
Tóm lại, không nên cung cấp chỉ 30% sự thật và cũng không thể hài lòng với 30% sự thật. Phương án tốt nhất là nên tiêm chủng cho tất cả 100% gia cầm. Tuy nhiên, nếu các địa phương không đủ năng lực và điều kiện để làm được điều đó, thì tiêm chủng được bao nhiêu phần trăm cần báo cáo bấy nhiêu phần trăm. Trong trường hợp này, số 30% gia cầm được tiêm chủng vẫn là 100% sự thật.