Số lần đọc/download: 3686 / 83
Cập nhật: 2015-03-16 08:50:06 +0700
Chương 6
N
gày xưa, trong thời niên thiếu xa xăm của tôi {Chương này phần lớn là những kỷ niệm thiếu thời thực sự của Gôgôn} trong thời thơ ấu không bao giờ trở lại nữa, mà được đến một nơi xa lạ lần đầu tiên: thôn xóm, làng mạc, thị trấn hay lỵ sở tồi tàn của một tổng là lòng tôi hân hoan - con mắt trẻ thơ của tôi tìm thấy khắp nơi những đối tượng để thỏa tính hiếu kỳ. Mỗi một tòa nhà, mỗi một đồ vật có chút gì đặc sắc, đều làm cho tôi say sưa ngắm nghía. Dù là một công thự bằng đá với kiểu kiến trúc vô vị, một nửa mặt trước trang hoàng bằng những cửa sổ giả, đứng chơ vơ một mình giữa một đống nhà gỗ tồi tàn; dù là một mái vòm đều đặn lợp tuyết; hay dù là một cái chợ, một anh dân làng tự đắc trong bộ quần áo mới, lên tỉnh để vênh vang, chẳng có gì thoát khỏi sự chú ý thanh xuân, tinh vi của tôi. Dán mắt vào cửa xe, tôi ngắm một chiếc áo dài cắt theo một kiểu lạ, những hòm đựng đinh, lưu huỳnh, xà phòng, nho khô, những lọ sành đựng kẹo Mạc Tư Khoa, rắn như sừng, thoáng trông thấy trong một hiệu thực phẩm. Tôi chú ý đến viên sĩ quan chiến đấu, có Chúa biết là từ đâu đến, để chết buồn ở tỉnh xép như trong một cái hang; cũng như chú ý đến người lái buôn mặc caftan ngắn, đi chiếc đrôjki nhẹ {Xe độc mã đơn giản mà chỗ ngồi chỉ là một ghế dài để dọc trên bốn bánh; người ngồi lên đấy để hai chân hai bên ghế, như cưỡi ngựa hay ngồi xe đạp} và tôi tưởng tượng ra cuộc đời khốn khổ của họ. Gặp một công chức tôi liền tự hỏi: “- Ông ta sắp đến chơi buổi tối ở nhà một bạn đồng liêu hay là về nhà ngồi chờ trời tối nửa giờ trên ngưỡng cửa; rồi ăn bữa đêm sớm với mẹ già, vợ, em vợ, và cả nhà? Họ sẽ nói với nhau chuyện gì khi ăn xong món cháo và một chị hầu buồn, cổ đeo chuỗi hạt pha lên giả ngọc hay anh người nhà mặc áo vét vải thô, đem đến một cây nến cắm trên một cái giá cổ?”.
Chung quanh một trang viên thôn dã, tính hiếu kỳ của tôi nổi dậy khi trông thấy một tháp chuông bằng gỗ cao vút hay một nhà thờ cổ kính, tối tăm và rộng thấp. Qua những chòm lá cây tôi chờ xem mái ngói đỏ và những ống khói trắng của một tòa gia trạch {Nhà ở của quí tộc trên trang viên}, tôi sốt ruột mong nó nhô ra khỏi các chòm cây và hiện toàn bộ trước mặt tôi, nhưng than ôi, đôi mắt ấy chẳng mấy lúc đã bắt đầu chán. Nhìn cảnh vườn nhà, tôi cố đoán ra tính nết của gia chủ. Ông ta có, hay không có những cậu con trai hay là một nửa tá con gái mắt đen, tiếng cười trong trẻo, chạy nhảy nô đùa vui vẻ, và cô út nhất định là một trang tuyệt sắc? Ông ta phì nộn và vui tính hay ủ ê như tháng chín đang úa tàn? Có phải ông ta luôn luôn tra cuốn niên lịch? Hay làm phiền đám thanh niên với những câu chuyện không dứt về lúa mì hoặc lõa mạch?
Bây giờ thì có đến những trang ấp mới lạ nào, lòng tôi vẫn dửng dưng. Tôi nhìn với con mắt rầu rĩ cái vẻ tầm thường, vô vị đến ngao ngán; tất cả những gì xưa kia đã làm cho tôi thay đổi sắc mặt, bật ra tiếng cười, tuôn ra những lời nói bất tuyệt, tất cả đều trôi qua trước mắt tôi, mà đôi môi bất động của tôi vẫn lặng yên không xúc cảm. Ôi, còn đâu thời niên thiếu của tôi! Ôi, còn đâu lòng thuần phác của tôi nữa!...
Trong lúc Tsitsikôp còn nghĩ đến cái biệt hiệu mà những người mujik đã khoác cho Pliuskin và cười một mình, thì chiếc britska đã vào một thị trấn. Y chỉ biết thế khi xe lắc mạnh một cái, vì vấp phải một phiến gỗ lát đường dày to tướng; so với cái lắc ấy thì những cái lắc khi xe vấp phải những phiến đá lát đường bằng sa thạch ở các thành phố còn là lạc thú. Những phiến gỗ ấy nhô lên, thụt xuống như những phím đàn dương cầm; và khách đi đường mà không để ý thì bầm trán, sưng gáy hay là hai hàm răng cắn vào lưỡi đến chảy máu là thường.
Cái vẻ tiều tụy của thị trấn làm Tsitsikôp ngạc nhiên. Nhà nào cũng mang dấu vết đổ nát. Nhiều mái nhà thủng lỗ chỗ như mặt sàng; nhiều mái nhà chỉ còn có chiếc xà ngang và bộ cốt bằng đòn tay. Rui, mè và gỗ lợp hình như do chính cư dân đã dỡ đi hết; vì họ nghĩ rất đúng là khi mưa thì túp lều tranh như thế không thể làm nơi cư trú cho họ được; và khi trời nắng thì không việc gì mà phải sợ mưa; vả lại, nằm dài ra ở nhà thì ích gì, khi người ta có thể tự do, phóng túng ở tiệm rượu, trên đường cái hay bất cứ đâu mà người ta thích? Các cửa sổ chẳng có một tấm kính nào cả, thỉnh thoảng có cái lại bịt bằng giẻ rách hay một cái áo cũ. Các hiên bụng rắn có lan can đen trũi, dị dạng và không hiểu tại sao làm nổi bật các đầu tường của những nhà gỗ, đều là những đống hoang tàn không nên họa chút nào. Sau nhiều nhà gỗ là những đống lúa mì cao ngất phủ rạ, xếp thành hàng, và để đấy từ lâu, màu lúa nom như màu gạch nung non lửa, mà đã để lâu ngày; cỏ dại mọc trên chóp, cây con bám bên sườn. Dĩ nhiên lúa ấy là của chủ ấp. Từ bên phải hay bên trái, theo sự khúc khuỷu của con đường, hai nhà thờ của thị trấn sóng đôi nhau, nhô lên trong không khí nhẹ nhàng, trên những đống lúa và mái nhà thủng nát: một cái bằng gỗ đã hoang phế; cái kia bằng đá; tường quét màu vàng vàng đã hoen ố, nứt nẻ. Nhà trang chủ hiện ra dần dần; sau cùng khi dãy nhà gỗ dài đã hết và tiếp theo là một vườn rau hay cánh đồng bắp cải có hàng rào thấp, nhiều đoạn đã đổ nát, thì trông thấy toàn bộ. Cái gia trạch kỳ quái, dài vô tận ấy làm cho người ta liên tưởng đến một phế binh. Một phần nhà chỉ có một tầng, phần khác lại có gác; trên đôi mái u ám che không kín cảnh già nua của nó. Có hai vọng lâu đối diện nhau, đều oằn xuống và bạc màu. Những bức tường nứt nẻ đã chịu đựng sự nguyền rủa của thời gian, của mưa, của gió dữ mùa thu, để lộ cốt nan ra từng đám {Trong những bản in đầu, ở đây có một đoạn như sau: Mưa và thời gian đã làm cho các bức tường tróc vôi ở nhiều chỗ và để lại những vết lớn và một vết có hình dáng như châu Âu. Quanh sân nguyên có hàng rào khá chắc và có lẽ được sơn màu, nhưng gia chủ không hề nghĩ đến việc sơn lại, và việc ấy đã do một nhà nghệ sĩ không biết mệt làm lấy; nhà nghệ sĩ đã sơn mọi vật trên đời này, kể cả những bộ mặt nam và nữ không thèm biết rằng có cần hay không, và chúng ta có bằng lòng cái ngòi bút quét sơn của ông ta hay không. Người nghệ sĩ ấy có tên là Thời gian}. Phần lớn các cửa sổ đều đóng kín mít; mấy cái bị đóng ván vào bít hẳn lại; chỉ còn hai cái là mở, nhưng đều chột; ở một cái có dán một mảnh giấy gói đường, màu xanh sẫm, hình tam giác, như một miếng thuốc cao.
Chỉ có cái vườn rộng bỏ hoang, đằng sau nhà, tràn ra quá đất làng và mất hút vào đồng nội, là đem đến một vẻ tươi đẹp trong trang viên mênh mông và ảm đạm này. Ngọn cây tiếp hợp nhau, tự ý muốn mọc thế nào thì mọc; chúng họp thành những đám mây lục, những mái vòm không đều rung rinh, chắn hẳn chân trời. Cái thân trắng của một cây bạch dương khổng lồ dựng thẳng lên như một cột cẩm thạch rực rỡ trên biển lá, cái ngọn của nó, bị sét hay bão đánh gãy, nổi bật trên màu trắng như tuyết ấy, nên cái cây nom như đội một cái mũ, hay có con chim đen đỗ trên ngọn. Hốt bố {Hốt bố là một thứ cây leo mà quả có hương vị dùng để nấu bia} mọc tranh hết đất của những bụi hương mộc, thanh lương trà và cây phỉ; nó phủ kín cả hàng rào và cuối cùng leo lên tấn công cây bạch dương gãy đến lưng chừng thân cây, nó ngã xuống, quấn vào ngọn các cây khác hay lơ lửng trong không; các tua cuốn xoăn lại thành vòng, đu đưa nhè nhẹ. Cái khối lá xanh, ngập ánh mặt trời, thường mở rộng trên một cái vực khổng lồ chìm trong bóng tối. Dưới nơi sâu thẳm tối đen ấy, người ta đoán có một con đường chạy vút qua, một hàng lan can đổ nát, một cái nhà nhỏ lung lay, cái thân rỗng của cây thùy liễu già từ đấy mọc lên chằng chịt một bụi cây cỏ đậu {Cây cỏ đậu là một thứ cây nhỏ rất phổ biến ở miền đông Nga và Xibia, tiếng Nga là Karagan, tên khoa học là Caragana arborescens}; một đống hỗn độn những lá, cành khô; và cuối cùng là nhánh cây phong non nghiêng nghiêng xòe ra những lá hình giẻ quạt xanh tươi. Một tia sáng mặt trời, không biết bằng cách nào len xuống dưới một ngọn lá phong, biến nó thành một vật trong sáng, rực rỡ tuyệt diệu giữa chốn âm u dày đặc ấy. Riêng một góc, ở tận cùng khu vườn, mấy cây hoàn diệp liễu vút lên trên tất cả mọi cây khác, đung đưa như khẽ ru mấy tổ quạ to tướng trên ngọn cao ngất. Vài cây để rủ xuống những cành lá teo tóp vì đã gần lìa khỏi thân cây. Một bức tranh toàn thiện, toàn mỹ như thế đòi hỏi những cố gắng kết hợp của thiên nhiên và của nghệ thuật, muốn có được bức tranh ấy, thiên nhiên phải thêm vào công việc, thường là quá phức tạp đối với con người; một nhát dao trổ cuối cùng, làm nhẹ bớt những khối nặng nề, phá bớt vẻ cân đối thái quá, che bớt sự trần trụi xảo diệu của đồ án, truyền một nhiệt tình tốt đẹp cho những công trình sáng tạo lạnh nhạt của tiết độ và phong nhã {Cảnh vườn hoang này cũng là một kỷ niệm thời thơ ấu của Gôgôn}.
Sau cùng, qua một hay hai chỗ rẽ nữa là nhân vật của chúng ta đến trước cái gia trạch và nhìn gần lại càng thấy thê lương hơn. Cổng chính và hàng rào đều mốc meo. Tòa ngang, dãy dọc chật cả sân - kho lương, nhà xe, chuồng xí, đều cùng một vẻ đổ nát; bên phải, bên trái đều có cửa ngăn thông sang những sân khác, tất cả những tàn tích ấy của một cuộc sống xưa kia mãnh liệt thật chan chứa nỗi buồn. Chẳng có gì làm cho cảnh sinh động lên một tí: không một cánh cửa mở; không một bóng người; chẳng có công việc gì cả; chẳng ai chăm nom nhà cửa hết. Chỉ cái cổng cho xe, ngựa ra vào là mở rộng, nhưng chỉ để cho một chiếc xe ngựa tải phủ vải bạt đi ra; đánh xe là một người mujik, dường như đã được đưa đến đấy, với dụng ý đem cho cái vương quốc của tử thần này một chút bề ngoài giả dối của sự sống. Ngoài lúc này ra, bao giờ cửa cũng đóng, then cũng gài, kín như bưng; nhìn ổ khóa to tướng treo ở cái móc sắt, cũng có thể biết rõ như vậy. Cạnh một tòa nhà, Tsitsikôp bỗng nhận ra một nhân vật lạ lùng, đang cãi nhau với người đánh xe ngựa tải. Một lúc lâu, y tự hỏi kẻ kia là đàn ông hay đàn bà. Hắn mặc một bộ quần áo không thể xác định được; giống như cái áo dài đàn bà thì đúng hơn; và đội một cái mũ vải là một vật trang sức thông thường của các chị hầu buồng; nhưng mà giọng nói thì Tsitsikôp nghe như là quá ồ ồ đối với giọng đàn bà. “- Đúng là đàn bà!” y tự nhủ, để rồi tự cãi ngay: “- Không phải!” rồi lại: “- Đúng mà!”; y kết luận như vậy sau khi quan sát kỹ hơn cái con người bí ẩn ấy; và con người ấy, về phía hắn, cũng nhìn chằm chằm vào Tsitsikôp. Có lẽ việc một người khách đến thăm đối với hắn là lạ lùng lắm; vì sau khi nhìn Tsitsikôp xong, hắn lại quay sang dò xét Xêlifan rồi đến con ngựa mà hắn thị sát kỹ suốt từ đầu đến đuôi. Theo chùm chìa khóa hắn đeo ở thắt lưng và những lời thô tục mà hắn mắng người nông dân, thì Tsitsikôp nghĩ rằng mình đang đứng trước một người đày tớ gái.
Y nhảy xuống xe vừa hỏi:
- Này, mụ, ông chủ…
- Không có nhà, mụ đày tớ ngắt ngay lời y, không chờ cho nói hết câu. Sau một phút, mụ lại nói: - Thế ông hỏi gì ông chủ?
- Có việc cần.
- Đi vào đây! Mụ đàn bà nói rồi quay lưng đi; cái áo lấm những bột, rách một miếng to tướng ở phía dưới.
Tsitsikôp bước vào một phòng áo rộng rãi, tối mò mò, ở đấy khí lạnh bốc ra như từ một nhà hầm; rồi vào một gian buồng cũng âm u, chỉ hơi lờ mờ có một tí ánh sáng lọt qua một cái khe rộng ở chân cửa. Cửa ấy mở ra, y mới nhìn thấy rõ và rất đỗi ngạc nhiên vì cảnh lộn xộn trước mắt. Hình như người ta đã chất tạm vào đây tất cả đồ đạc trong nhà khi lau sàn. Trên một cái bàn, ngất ngưỡng một chiếc ghế gãy, kèm theo một cái đồng hồ mà quả lắc đã đứng im để cho một con nhện chăng tơ. Sát bên cạnh là một cái tủ bát đĩa sườn tựa vào tường, chứa nào là bình con, đồ dùng bằng bạc cổ, đồ sứ Trung Quốc. Trên một cái bàn giấy, mà khảm hồi văn bong ra từng mảng, để lộ những ô màu vàng đựng đầy keo, thấy chất đống vô số đồ vật linh tinh: một chồng giấy rách chép đầy một thứ chữ nhỏ, để dưới một cái chắn giấy bằng cẩm thạch đã ngả màu lục mà mặt trên là một quả trứng nhỏ; một cuốn sách cũ đóng bằng bìa da bê, mép đỏ; một quả chanh khô cứng như sừng, teo lại vừa bằng hạt phĩ; một cái tay ghế bành; một cái cốc có chân, đậy bằng một cái thư, đựng một thứ nước có ba con ruồi lội; một thỏi xi; một mảnh giẻ rách; hai ngòi bút lông dây mực be bét và khô đét lại như người ho lao; một cái tăm xỉa răng vàng ngàu mà có lẽ chủ nhân đã dùng từ trước cuộc xâm lược của Pháp {Tức là trước năm 1812}.
Trên tường mấy bức tranh chen chúc nhau lộn xộn. Một bức mộc bản vàng ngàu, đóng trong một cái khung bằng gỗ đào hoa tâm, không có kính và trang trí bằng những mảnh đồng mỏng và những hình hoa thị ở bốn góc; trong bức tranh vẽ một trận đánh, những cái trống to tướng, những người lính đội mũ ba góc đang la hét, những con ngựa đang chết đuối. Bên cạnh, chiếm hết một nửa bức tường là một bức tranh to rộng đã đen sạm, vẽ hoa, quả, một con vịt, đầu lộn xuống đất. Chính giữa trần nhà treo một cây đèn nhiều ngọn, phủ một tấm vải bọc mà bụi bặm đã làm cho giống hệt cái kén với con nhộng bên trong. Ở một góc, chồng chất những đồ vật thô kệch hơn, không đáng để trên bàn. Khó mà xác định được bản chất của cái đống ấy, vì bụi đã phủ dày đến nỗi sờ tay vào là y như được đeo thêm găng tay; nhưng người ta cũng phân biệt được rõ hơn một chút mảnh xẻng bằng gỗ và một đế giày cũ. Ta có thể tưởng rằng phòng này không có người ở nếu không có một cái mũ vải cũ đội ban đêm, vứt trên một cái bàn, phát giác sự có mặt của một người ở đây.
Trong khi Tsitsikôp quan sát cái kho tạp vật ấy, thì một cửa ngách mở ra cho mụ đày tớ mà y gặp ngoài sân, đi vào. Và bây giờ y lại tin rằng đó là lão quản lý thì mới đúng. Một mụ đàn bà không bao giờ cạo râu; và chắc rằng họa hoằn lắm mới đúng; vì cằm hắn ta lởm chởm như cái bàn chải ngựa. Vẻ dò hỏi, Tsitsikôp sốt ruột chờ xem lão quản lý muốn nói gì với y. Về phía hắn, thì lão này cũng chờ nghe Tsitsikôp nói. Ngạc nhiên về sự ngần ngừ ấy, sau cùng nhân vật của chúng ta phải hỏi:
- Thế nào, ông chủ có nhà không?
- Ông chủ ở đây, lão quản lý nói.
- Đâu kia? Tsitsikôp hỏi lại.
- À, thế nữa cơ? Ông mù à? Ông chủ là tôi!
Nghe đến đấy, nhân vật của chúng ta bất giác lùi lại, vừa lùi vừa nhìn chằm chặp vào người nói chuyện với mình. Y đã được thấy đủ mọi hạng người, cả những người mà bạn với tôi, bạn đọc ạ, có lẽ không đời nào được thấy đâu; nhưng mà chưa bao giờ y được gặp một nhân vật như thế này. Mặt lão cũng như mặt của nhiều người già, gầy gò, không có gì đặc biệt; chỉ có cái cằm nhô ra quá mức, đến nỗi lão phải lấy khăn tay trùm nó lại để khỏi phải khạc nhổ lên nó. Đôi mắt ti hí còn linh hoạt, chạy dưới hai hàng lông mày cao hình bán nguyệt; như đôi chuột nhắt khi mà chúng đánh bạo thò cái mõm nhọn ra khỏi cái hang tối tăm của chúng, tai vểnh lên râu phe phẩy, rình xem có con mèo hay thằng nhãi con xỏ lá nào nấp ở gần đấy, rồi hít không khí một cách hồ nghi. Bộ quần áo của lão đặc sắc hơn nhiều. Cấu tạo của cái áo dài cũ của lão chấp tất cả mọi sự tìm hiểu; ống tay và vạt áo nhờn những mỡ, bóng lên đến nỗi người ta phải bảo rằng đó là da đóng ủng; sau lưng phất phơ bốn cái đuôi én rách nát để bông độn rơi ra từng túm. Lão đeo ở cổ một vật không thể xác định được là cái gì; có thể là một chiếc tất dài, một cái dải, một vạt sơ mi, nhưng chắc chắn không phải một cái cà vạt. Tóm lại, giá Tsitsikôp gặp lão ăn vận như thế trước sân nhà thờ thì chắc rằng y đã cho lão một kẻ ăn mày; vì nhân vật của chúng ta, cũng nên nói để biểu dương, là dễ động lòng trắc ẩn và không thể không bố thí cho người nghèo. Nhưng trước mặt y, không phải là người ăn xin, mà là một vị quí tộc. Và vị quí tộc ấy có hơn một nghìn nông phu; kho lương chất những vải, dạ, da cừu sống, da cừu thuộc, cá hun khói, rau, nấm, thức ăn muối đủ thứ, khó mà có nơi nào bì kịp. Ai đã đi thăm các xưởng của lão, đầy những vật dụng đủ mọi loại, chưa bao giờ dùng đến, đều tưởng là mình đang ở Mạc Tư Khoa, tại chợ đồ gỗ là nơi mà ngày ngày các bà mẹ, vợ ân cần, có những chị bếp đi theo, đến mua sắm các thứ đồ vật dùng trong nhà; là nơi mà đồ gỗ chất từng đống cao: gỗ đã gia công, đã tiện, đã gọt, đã kết lại thành những thùng con, bông nhỏ, chậu gỗ, xô gầu, máy ép, chén uống rượu, hũ, sọt để cho đàn bà nhà quê đựng xơ gai và những của đầu thừa đuôi thẹo khác, hộp bằng gỗ hoàn diệp liễu uốn cong, đồ đựng bằng vỏ bồ đề hay bạch dương, và nhiều những vật dụng khác nữa để cho nước Nga nghèo khổ cũng như nước Nga giàu có sử dụng {Trong những lần in đầu, Gôgôn tả cái chợ như sau: … Ai đã nhìn vào các xưởng của lão, thấy chất đống hàng trăm bánh xe, gầu, thùng gỗ - dự trữ đấy mà không bao giờ dùng đến - cũng tưởng như mình được đến cái xóm rộng rãi của Mạc Tư Khoa, ngày chủ nhật, kéo dài từ phố Thợ Giát vàng cho đến quảng trường Xmôlensk, chuyên buôn đồ gỗ, mua của dân làng các vùng chung quanh đem đến - gỗ trắng và gỗ màu làm thành những vết vàng hay sẫm - cho mãi đến cầu Đôrôgômilôp và còn xuất hiện từng chỗ cho đến tận cái ngáng đường; chen chúc với những mũ lông của nông dân và những con ngựa gầy nhiều lông - suốt đến nơi mà thành phố nhường chỗ cho đồng bằng tuyết phủ mênh mông và sáng rực; trên mặt đồng bằng ấy các xe tải kĩu kịt nối đuôi nhau thành hàng dài; những người nhà quê của chúng ta chạy theo xe, giơ nắm tay dọa những con ngựa nhỏ; những khuôn mặt béo tròn của họ chạm vào nhau, hơi thở của họ bốc lên như làn khói nhẹ cuồn cuộn trong không khí băng giá; trong khi họ hỏi nhau nên giữ giá cao thấp thế nào, nên ngồi chỗ nào trong cái chợ Mạc Tư Khoa đông đúc ấy. Tất cả các vật dụng ấy đủ cung cấp cho năm trang ấp của Pliuskin, nhưng lão vẫn tham lam vô độ…}.
Không biết lắm thứ đồ đạc như thế thì phỏng có thể ích lợi gì cho Pliuskin? Suốt đời lão không thể dùng chúng làm gì cả, dù cho lão có đến hai cái ấp như ấp này đi nữa. Ngày nào cũng như ngày nào, lão đi lùng khắp các đường trong làng, nhìn ngó dưới các cầu con, cầu nhỏ, và vớ được cái gì - đế giày cũ, giẻ rách, đinh, mảnh gỗm vỡ - lão đều tha về nhà, cất vào cái đống mà Tsitsikôp đã thấy trong góc phòng. Nông dân thấy lão đi săn mồi như thế thì bảo nhau: “Đấy, lão nhặt giẻ rách đang đi thu vét!”. Và thực tình là lão đã đi qua đâu thì ở đấy sạch như chùi, chẳng còn rác rưởi gì phải quét dọn nữa. Một viên sĩ quan đi qua mà rơi một cái cựa giày là cái cựa giày được đưa vào để làm cho cái đống đồ vật của lão cao thêm; một chị nông dân bỏ quên cái thúng trên bờ giếng, là lão xoáy luôn cái thúng. Khi mà một người mujik cảnh giác, bắt được lão quả tang, thì lão trả lại ngay tang vật, không đôi co gì cả; nhưng nếu vật ấy đã vào cái đống nọ, thì thế là hết! Lão thề rằng nó là của lão, lão mua ngày nào, của ai, hay thừa hưởng gia tài của ông nội, ông ngoại lão. Ở trong phòng thì lão nhặt tất cả những gì lão trông thấy trên sàn: bút lông, mảnh giấy, thỏi xi đem để lên bàn giấy hay cửa sổ.
Ngày trước, con người ấy chỉ là một người chủ gia đình cần kiệm; bạn láng giềng đến nhà lão ăn uống và học tập của lão tính tằn tiện và cách quản lý tốt công việc. Ở nhà lão tất cả mọi thứ đều tràn trề sức hoạt động; mọi việc đều hoàn thành theo một nhịp đều đặn. Các cối xay, các máy nện dạ chạy đều, các xưởng chế tạo dạ, xưởng mộc, xưởng dệt sản xuất không ngừng. Khắp đâu đâu, cũng có con mắt của người chủ trông đến; tựa hồ một con nhện siêng năng thị sát cái mạng của mình, lão đi lại, bận rộn, trên khắp trang ấp. Vẻ mặt lão biểu lộ sự thông minh. Những lời lão nói tỏ ra lão dày kinh nghiệm và rất hiểu đời, nên ai cũng thích nghe lão nói chuyện. Bà chủ nhà cũng ân cần, nổi tiếng về lòng trọng khách; hai cô con gái tóc vàng, dễ thương, tươi như hai đóa hồng, đối với khách rất niềm nở; cậu con trai cũng vậy; hoạt bát, gặp ai cũng ôm hôn, không cần biết là người ta có thích hay không. Cửa sổ không một cái nào phải bịt lại cả; tầng nhà dưới là nơi ở của một gia sư người Pháp, lúc nào cũng mày râu nhẵn nhụi và rất ham đi săn; thường xuyên mang về gà rừng, vịt trời cho nhà bếp làm bữa ăn chiều hay chỉ vài quả trứng chim sẻ, nhà bếp làm món trứng tráng mà chỉ một mình ông ta nhấm nháp. Một cô giáo, cũng người Pháp, cùng ở tầng gác ấy {Trong bản thảo đầu. Gôgôn tả cô giáo như sau: Cái con người này nom thật kỳ quái; không có lưng ong, mình cô ta thuồn thuỗn, trên dưới đều kích thước như nhau. Đàn bà Pháp mà như thế thì không hề có ở nước Pháp, hay ít ra là tôi không hề thấy có ở đấy}. Gia chủ đến buồng ăn thường mặc chiếc áo dài hơi cũ, nhưng chững chạc, không miếng vá hay phải mạng ở khuỷu tay.
Nhưng bà chủ phúc hậu sớm về chầu Chúa, để lại cho Pliuskin một phần các chìa khóa, kho tàng cùng với những lo lắng vặt vãnh về việc nhà, việc cửa. Tính lão đâm ra cáu kỉnh, gắt gỏng; như tất cả những kẻ góa vợ, lão sinh ra đa nghi và keo kiệt. Lão không thể tin cậy cô con gái lớn, Alexanđra Xtêpanôpna; mà cũng phải, vì cô ả liền bỏ nhà trốn theo một viên đại úy kị binh - có Chúa biết là thuộc trung đoàn nào - và lén lút cưới hắn trong một ngôi nhà thờ tồi tàn, vì biết cha mình ghét bọn sĩ quan, lão vốn có một thành kiến kỳ quặc rằng sĩ quan đều là bọn cờ bạc và phá gia chi tử. Con gái ra đi, bố tiễn cho mấy lời nguyền rủa làm lộ phí, nhưng không thèm đuổi theo. Nhà vắng dần. Chủ nhà càng ngày càng tỏ ra keo kiệt; tóc lão càng bạc nhiều thì thị dục ấy càng sâu sắc; bủn xỉn và đầu bạc, như ta biết, xưa nay vốn tương đắc. Bị nghi là đồng lõa trong vụ bắt cóc Alexanđra Xtêpanôpna, cô giáo phải thôi việc. Người gia sư cũng được nghỉ vì con trai lão đã đến tuổi đi lập nghiệp. Được bố cho ra tòa án ở tỉnh lỵ để làm quen với các công việc nghiêm túc, thì anh con trai lại bỏ đi tòng quân, rồi xin bố sắm cho quân trang, quân phục và dĩ nhiên là Pliuskin không thể nào mà cho được.
Sau cùng, cô gái út chết thì ông lão còn lại là người chủ duy nhất, canh giữ tất cả mọi của cải. Cuộc đời cô độc lại càng bồi dưỡng dồi dào cho tính biển lận của lão. Cái thị dục ấy ai cũng biết là tham lam vô độ, càng hốc, nó càng thấy đói. Những tình cảm của con người ở lão vốn đã chẳng sâu sắc gì, lại càng ngày càng tiêu hao; cái tâm hồn đồi phế, lang thang ấy càng ngày càng sa đọa. Như để xác nhận ý kiến của bố về các ông quan võ, cậu con trai lại thua một số tiền lớn. Lão thành tâm gửi lời nguyền rủa con và từ đấy về sau không cần quan tâm đến sự tồn tại của nó nữa. Lão bít dần tất cả các cửa sổ, chỉ trừ hai cái; mà một cái đã phải dán miếng giấy như miếng thuốc cao, ta đã biết.
Năm này qua năm khác, lão quên dần những ngành doanh lợi chính của lão, chỉ chú trọng một cách ti tiện đến những cái lông, những của thừa, đồ bỏ mà lão góp nhặt trong buồng lão. Càng ngày lão càng cố chấp, càng ráo riết đối với khách mua sản vật của điền trang lão. Chán ngán vì lối cò kè, thêm bớt của lão, bạn hàng phải bỏ không giao thiệp với lão nữa và nói rằng lão là một con quỷ hiện hình người. Cỏ khô và lúa mì mục hết; các cây rơm biến thành phân bón có thể dùng để bón cho bắp cải; trong các kho gây rượu bột cứng lại thành đá, phải lấy rìu mới bổ ra được; dạ, vải gai và các thứ vải gia dụng khác thì chẳng ai dám sờ vào, vì chỉ còn là bụi nữa mà thôi. Pliuskin đã quên mất kế toán của tài sản mình, nhưng lại nhớ rất kỹ ở xó nào của tủ bát đĩa đã cất một bình con đựng một tí rượu quả uống thừa, và có đánh dấu để cho người nhà không dám uống vụng, lão nhớ đúng chỗ cất giấu tất cả các cái lông ngỗng, tất cả các cái lông ngỗng, tất cả các mẩu xi. Tuy vậy, thu nhập của điền trang vẫn đều đặn: nông dân vẫn nộp tô như trước, đàn bà hái hồ đào vẫn nộp một phần mười như trước, thợ dệt vẫn nộp số tấm vải gai như trước.
Tất cả những thứ ấy chồng chất vào các bục chứa, ứ lại đấy, biến thành giẻ rách và mục nát; rồi bản thân Pliuskin cuối cùng cũng thành ra một miếng giẻ rách hình người.
Alexanđra Xtêpanôpna có một hay hai lần về thăm với đứa con trai nhỏ và cố xin một ít của; đời sống doanh trại chắc không thích thú như trước ngày cưới. Pliuskin rút lòng tha thứ cho con, để cho thằng bé nghịch với cả một cái cúc tìm được trên bàn, nhưng mà không nhả ra một đồng kẽm. Alexanđra Xtêpanôpna lại về lần nữa, lần này thì đem theo hai đứa con trai, một cái bánh sữa và một cái áo ngủ; vì cái áo của cha đã tã lắm, cứ mặc vào thật đến ngượng. Pliuskin vuốt ve hai cháu, để cháu ngồi lên đùi, chơi trò cưỡi ngựa với cháu, nhận chiếc bánh sữa và cái áo ngủ, nhưng vẫn thắt chặt hầu bao. Alexanđra Xtêpanôpna lại mất công, tốn của vô ích.
Cái nhân vật đứng trước mặt Tsitsikôp là như thế. Cũng xin thú thực là người như vậy cũng hiếm có ở nước Nga, nơi mà mọi vật đều muốn nở ra hơn là co lại. Nó lại càng làm cho ta kinh ngạc hơn nữa, vì ngay sát bên cạnh lại có một người lịch sự sống hào phóng vô cùng, rất thích hợp với cái óc khoáng đạt của chúng ta và như người ta nói, là đốt cây nến cả hai đầu một lúc. Trông thấy nhà ở của con người vui đời ấy, khách lữ hành phải ngạc nhiên tự hỏi là bậc vương công đương vị nào đã chơi ngông xây dựng cung điện ở giữa những dinh cơ của bọn quí tộc vô danh này. Vô số ống khói, chong chóng đo gió, vọng lâu như họp thành một cái vương miện trên một tòa nhà ở bằng đá trắng, hai bên có chái và nhiều nhà nhỏ để tiếp đón khách. Vũ hội và cuộc vui xen nhau hết đêm này đến đêm khác và suốt đêm, âm nhạc vang lừng trong vườn có pháo đốt và nến thắp sáng rực. Vui vẻ và lộng lẫy, tài tử, giai nhân của một nửa tỉnh đi dạo dưới các giàn cây, mà không thấy những gì thê lương, thảm đạm trong cái ánh sáng phũ phàng, đây đó làm cho một cành cây bạc màu và nổi bật khỏi các bụi rậm với một tư thế sân khấu, trong khi trời đêm càng tối tăm, càng như đe dọa: và những đại thụ mà ngọn rung rinh hình như mất hút vào bóng tối dày đặc, đều tức giận vì cái ánh sáng nhân tạo ở phía dưới đang chiếu vào gốc chúng.
Tsitsikôp đứng sững trước mặt Pliuskin mấy phút liền, mà lão cũng lặng thinh. Kinh ngạc vì quang cảnh dị kỳ của ngôi nhà và của người chủ, y chẳng biết nói năng làm sao để gợi chuyện, chẳng biết dùng lời lẽ thế nào để cắt nghĩa lý do của việc đến thăm. Y sắp nói với Pliuskin là tiếng tăm về đức hạnh của lão đã thúc giục y phải thân hành đến tỏ lòng tôn kính chính đáng với lão, nhưng một lần nữa, liếc thấy cái cảnh chợ trời bán đồ cũ của gian phòng, y bèn nghĩ nên thay chữ đức hạnh bằng mấy chữ ngăn nắp và cần kiệm thì hơn. Y liền chữa lại ngay và nói rằng đã được nghe thiên hạ ca tụng tinh thần cần kiệm và tài quản lý gia sản khéo léo của lão, nên y thấy phải đích thân đến tỏ lòng cung kính. Đáng lẽ y có thể kể ra một duyên cớ khác, khéo hơn, nhưng lúc bấy giờ y chẳng kiếm ra được cái gì nữa cả.
Để đáp lại, Pliuskin lầu bầu, - tôi không nói là giữa hai hàm răng, vì lão chẳng còn có răng nữa, - mà là giữa đôi môi, mấy tiếng nghe không rõ, nhưng mà chắc là muốn nói: “- Quỷ bắt anh đi, cả anh lẫn lòng cung kính của anh!”. Nhưng mà ở nước ta, tục trọng khách đã thành ra những đạo luật có uy quyền đến nỗi chính một tay keo kiệt cũng không dám vi phạm. Vì vậy lão nói thêm và rõ ràng hơn: - Ông ngồi đây, mời ông. Tôi không tiếp khách đã từ lâu lắm và thú thật là không thấy cần phải có khách. Thật là cái tục lệ chết tiệt! Phải bỏ hết công việc, rồi lại còn phải cho ngựa của các ngài ấy ăn cỏ khô! Tôi ăn chiều đã lâu rồi, bếp lại bé và thấp; cái lò đã đổ nát; đánh liều mà đun lên thì có thể đốt cháy cả nhà.
Tsitsikôp nghĩ thầm: “- Tuyệt quá! May mà mình đã xơi ở nhà Xôbakiêvits cái bánh hấp pho mát và miếng thịt cừu!”
- Và ông thử nghĩ rằng tôi chẳng còn lấy một nắm cỏ khô nào nữa, Pliuskin nói tiếp. Vả lại, làm sao mà tôi lại không lâm vào cảnh này được kia chứ? Đất thì tôi chỉ có một miếng tồi tàn, nông dân thì đều khoanh tay không chịu làm, chỉ nghĩ đến chè chén… Ông cũng thấy là tôi về già, họ làm cho tôi thì đến phải vác bị đi ăn xin mất.
- Người ta vẫn bảo tôi là cụ có hơn nghìn nông phu, Tsitsikôp khẽ nhắc như vậy.
- Ai bảo ông thế? Một kẻ đùa nhảm! Đáng lẽ, ông phải nhổ vào mặt nó, vì nó nhạo ông đấy… Nghìn nông phu! Thôi đi, đếm mà xem, ông sẽ thấy còn lại bao nhiêu! Ba năm nay, cái bệnh sốt nóng chết tiệt đã cướp của tôi đi hàng đống.
- Thật à! Tsitsikôp thốt lên vẻ thương hại.
- Vâng, chết nhiều lắm, ông ạ.
- Cụ cho phép chúng tôi hỏi câu này. Chúng chết độ bao nhiêu?
- Tám mươi.
- Lẽ nào nhiều đến thế?
- Tôi không quen nói dối, ông ạ.
- Cụ cho phép một câu hỏi nữa: số nông phu ấy, cụ kể từ lần khai dân số trước, có phải không ạ?
- Chưa. Nếu kể từ lúc ấy thì phải tới trăm hai.
- Trăm hai, cụ bảo thế nào? Có thể như thế được không? Tsitsikôp ngạc nhiên đứng há hốc mồm.
- Tôi già rồi, không phải ở cái tuổi nói dối cho vui nữa, ông ạ; tôi đã sắp bảy mươi, Pliuskin cãi lại vì câu nói của Tsitsikôp, gần như một tiếng reo vui, hình như xúc phạm đến lão.
Tsitsikôp hiểu rằng ít quan tâm đối với bất hạnh của người khác là thiếu lễ độ; y bèn thở dài một tiếng và ngỏ lời thông cảm với Pliuskin.
- Tôi dùng làm gì lòng thông cảm của ông? Lão nói. Tôi không thể đút túi nó được. Tôi có một thằng cha láng giềng là đại úy, cứ tự nhận là họ hàng với tôi, nhưng có Chúa biết được là hắn từ cái xó nào mà chui ra. Hắn vừa hôn tay tôi vừa kêu lên: “- Bác của cháu, bác của cháu!”. Và khi mà hắn bắt đầu thông cảm thì hắn hét đến vỡ cả tai người ta ra. Hắn mê cái món ba-sáu lắm, nhìn bộ mặt đỏ gay cũng đoán biết được. Chắc là để sống cuộc đời sĩ quan, hắn đã ăn sạch hết vốn liếng, nếu không phải là hắn đã tự để cho một con đào hát vặt trụi lông. Tại sao mà hắn cứ phàn nàn với tôi? Tại thế đấy.
Tsitsikôp cố cắt nghĩa là lòng cảm thông của y không giống như của viên đại úy và y còn muốn tỏ lòng cảm thông ấy bằng cách khác những lời nói hão. Chẳng hạn y tự nguyện thay Pliuskin nộp thuế thân cho tất cả những nông phu đã không may mà chết.
Lời đề nghị hình như làm cho Pliuskin sững sờ. Đôi mắt thao láo, lão nhìn Tsitsikôp hồi lâu và cuối cùng hỏi y:
- Này, tiên sinh, tiên sinh cho tôi biết: tiên sinh không phải là nhà binh đấy chứ?
Paven Ivannôvits ranh mãnh đáp:
- Không; tôi phụng sự bên quan văn.
- Bên quan văn à! Pliuskin vừa cắn môi vừa nói. Vậy ông không biết rằng làm như thế là ông thiệt à?
- Để vừa ý cụ, tôi xin vui lòng chịu thiệt.
- À, tôn ông thân mến! À, ân nhân của tôi! Ông đem đến cho tuổi già của tôi một niềm an ủi lớn biết bao! A, lạy Chúa tôi! A, hay các thánh trên Thiên đường! Pliuskin than như vậy và trong lúc vui sướng, không thấy rằng thuốc lá từ mũi lão chảy xuống nom như bã cà phê và các vạt áo rách của lão phanh ra để lộ những quần áo mặc trong rất kém lịch sự.
Pliuskin không thể nói gì hơn nữa. Nhưng, một lúc sau, cái niềm vui đã bỗng nhiên làm cho bộ mặt gỗ ấy linh hoạt lên, liền nhường chỗ cho một vẻ lo âu, cũng rất đột ngột. Lão phải lấy cả mùi soa ra lau mặt, rồi cuộn nó lại mà thấm thấm mồ hôi ở môi trên.
- Xin phép hỏi ông một điều: ông định năm nào cũng nộp thuế cho đấy chứ? Ông sẽ giao tiền cho tôi hay tự tay ông nộp thẳng cho người đương sự?
- Chúng ta chỉ lập một văn tự bán, xem như là chúng còn sống, mà cụ bán cho tôi vậy.
- Đúng như thế, một văn tự bán… Pliuskin lại vừa cắn môi vừa nói. Nhưng, cũng phải mất lệ phí. Bọn luật sư chúng nó ăn tham lắm. Ngày trước chỉ vài đồng tiền với một túi bột là xong, bây giờ thì phải một gánh bột sấy hảo hạng kèm theo một tờ bạc đỏ {Bạc đỏ là tờ mười rúp} nữa. Chà mới tham làm sao! Nhưng chẳng hiểu tại sao mà không có ai nhắc chúng nó phải biết điều, cho chúng nghe một bài giảng đạo đức có thể cứu vớt chúng {Câu này là Gôgôn đã chữa lại theo yêu cầu của kiểm duyệt. Trước tác giả viết: - Chẳng biết tại sao các giáo sĩ không để ý đến việc ấy và không cho chúng một bài giảng đạo đức: dù có nói gì đi nữa, cũng chẳng ai có thể cưỡng lại lời nói của Chúa}? Ai mà có thể cưỡng lại một bài giảng đạo đức ý sâu và lời rõ?
“- Chính lão có thể cưỡng lại thừa đi đấy, lão già ạ!”, Tsitsikôp nghĩ vậy, nhưng rồi nói là vì kính nể lão, y xin sẵn sàng chịu mọi thứ lệ phí. Nghe điều ấy, Pliuskin không còn nghi ngờ gì về sự ngu ngốc của người khách nữa: dù cho hắn có nói là phụng sự bên quan văn đi nữa, cũng có thể đoán biết hắn là một tay sĩ quan chuyên tán tỉnh bọn đào hát. Tuy vậy, lão cũng không thể giấu được nỗi vui sướng, lão rối rít chúc cho Tsitsikôp và cho các con y mọi điều hạnh phúc có thể được, không cần biết là y có con hay không. Lão đi ra phía cửa sổ, gõ vào kính, gọi: - Này! Prôska.
Sau một phút, nghe có tiếng ồn ào kéo dài ở phòng ngoài. Rồi cánh cửa mở, Prôska vào. Nó là một đứa con trai mười ba tuổi, diện đôi ủng to đến nỗi bước đi là như sắp rơi mất ủng. Người ta ngạc nhiên không hiểu tại sao mà nó lại vướng vít như vậy; xin nói ngay là tại sao. Tất cả các đầy tớ của Pliuskin đều chỉ có một đôi ủng để dùng chung, thường xuyên để ở phòng ngoài. Khi một người trong bọn họ nghe gọi thì đi chân đất qua suốt cả cái sân rộng, vừa đi vừa nhảy, nhưng phải xỏ ủng vào trước khi vào các phòng. Đi ra thì để ủng lại chỗ cũ, rồi rút lui chân không. Sáng sáng mùa thu, vào độ bắt đầu có sương muối, mà nhìn ra cửa sổ thì có thể thấy tất cả đám đầy tớ biểu diễn những điệu antrasat mà có lẽ diễn viên vũ đạo linh hoạt nhất cũng không thể thực hiện được trên sàn gỗ.
- Nhìn cái mõm này tí, tiên sinh ạ, Pliuskin nói và chỉ Prôska. Ngốc như ngỗng mà hễ cứ để cái gì ra là nó móc lấy ngay. Mày vào đây làm gì, đồ ngu, nói ngay.
Lão lặng thinh một lúc, Prôska cũng vậy.
- Sửa soạn Xamôva đi, nghe chưa? Đưa cái chìa khóa này cho Navra; bảo nó vào mở tủ thức ăn, trong ấy còn mẩu bánh sữa mà Alexanđra Xtêpanôpna đem đến; bảo nó dọn lên với trà… Thong thả, đồ ngốc; chạy đi đâu đấy? Quỉ ám mày à? Nghe người ta dặn đã. Mẩu bánh có hơi mốc, bảo nó lấy dao cạo đi; nhưng mà không được ném các vụn bánh mà mang ra cho gà. Còn mày, thằng kia, đừng có bén mảng vào nhà kho, liệu mà ăn đòn đấy! Mày hốc đã khỏe lắm rồi, vào đấy được kích thích mày lại càng muốn hốc tợn. Cố, cố mà luồn vào kho đi; tao nhìn thấy hết từ cửa sổ này đấy.
- Không thể nào tin chúng được, lão quay lại nói tiếp với Tsitsikôp, sau khi Prôska và đôi ủng đã chuồn ra khỏi phòng. Nhưng tức khắc, lão lại sinh lòng nghi ngờ khách: rộng rãi như thế đối với lão thật là khó tin lắm, lão nghĩ: “- Rút cục, có lẽ chỉ là một tên nói khoác, như tất cả những đứa hoang phí kia thôi! Để kiếm một chén trà, chúng tán hươu, tán vượn đủ mọi thứ, xong rồi chào anh, tôi biết anh rồi!”. Vì vậy, để phòng bất trắc và để thử lòng Tsitsikôp, lão khẽ nhắc là nên lập ngay văn tự, đừng chờ đợi gì nữa vì con người ta không bao giờ tin chắc ở ngày mai được.
Tsitsikôp sẵn sàng lập văn tự ngay tức khắc; y chỉ yêu cầu một danh sách nông phu cho chính xác.
Điều ấy làm cho Pliuskin yên tâm. Bỗng lão như nghĩ ra một việc gì, cầm chùm chìa khóa, mở cửa tủ bát đĩa xục xạo hồi lâu trong đám cốc, tách, rồi nói:
- Mình còn một ít rượu quả rất ngon kia mà; bọn đày tớ chết treo này đã nốc đi rồi chắc? Chẳng thể nào mà tìm ra được. À thong thả, có phải đây không nhỉ?
Tsitsikôp thấy tay lão cầm một cái bình còn bám đầy bụi.
- Cái này là của mồ mả nhà tôi để lại. Con mẹ ranh tiết kiệm ấy, giờ chẳng còn phải bận tâm gì nữa. Nó quên đậy cả nút lọ. Đủ thứ con gì chết đuối trong ấy, nhưng tôi đã vớt ra hết; nom nó đã trong như trước rồi đấy; để tôi rót cho ông một cốc con.
Không có ý muốn thử thứ cam lộ ấy, Tsitsikôp xin lỗi là hôm nay đã ăn uống no say rồi.
- Ông đã ăn uống đủ rồi! Pliuskin nói. Đúng thế, người thượng lưu nhìn là biết ngay; không cần ăn cũng no; thằng bợm non nào dẫn xác đến cũng chẳng tài nào mà cho nó ăn no được… Này nhá, chẳng hạn cái thằng cha đại úy, cứ mỗi lần đến thăm tôi là lại nói: “- Thưa bác, bác cho cháu ăn chút gì đi!”. Tôi không phải là bác nó, mà nó là ông nội tôi đấy. Ở nhà nó chẳng có gì nhai, nó bắt người ta nuôi nó… Nhưng, xin lỗi, ông muốn có danh sách tất cả những thằng ăn hại ấy à? Được. Tôi vừa lập sẵn một cái đây, để đến kỳ điều tra sắp đến thì xóa tên chúng đi.
Pliuskin đeo kính vào, lục lọi giấy má, tháo hàng đống gói giấy ra; bụi tung lên làm cho khách phải hắt hơi. Sau cùng thì tìm được một tờ giấy chi chít những chữ. Tên nông phu chết chen chúc nhau như ruồi, đủ mọi thứ: Paramônôp, pimiônôp, pantêlêimônôp, cho đến một gã nào đấy tên là Grigôri, Đi mà không đến - tổng số là hơn một trăm hai mươi. Nhìn thấy đám đông ấy, Tsitsikôp mỉm cười và đút tờ giấy vào túi. Bây giờ y mới nhắc Pliuskin phải lên tỉnh để lập văn tự.
- Ra tỉnh à? Ông cho là có thể đi được à?... Làm sao bỏ nhà mà đi được? Tất cả bọn đày tớ nhà này mà không phải là kẻ trộm thì cũng là kẻ cắp; chỉ một ngày là chúng khuân sạch chẳng còn lấy cái đinh để mắc chiếc áo nữa.
- Nhưng chắc cụ có quen ai ở tỉnh chứ.
- Không, tất cả người quen của tôi đều chết cả, hay là mất hút đâu cả rồi… Bỗng lão kêu lên: à, có có, xin lỗi, ông ạ, không biết đầu óc tôi để đâu? Tôi còn một người quen, đích danh là ông chánh án, ngày trước ông ấy đến chơi tôi luôn. Chúng tôi là bạn với nhau hồi trẻ nhỏ; có thời cùng nhau đi trèo tường. Thế mới gọi là một chỗ quen biết… Hay là tôi biên thư cho ông ta?
- Thế thì hay quá!
- Ừ, phải, đó là một chỗ quen biết cũ. Chúng tôi thân nhau từ hồi còn đi học.
Trên bộ mặt gỗ ấy bỗng thoáng qua một tia nắng, một ánh hồi quang bạc nhược của tình cảm. Có lúc, ngẫu nhiên người chết bỗng nổi lên mặt nước, làm cho quần chúng xúm xít trên bờ reo lên một tiếng vui mừng. Anh em chị em của họ ném dây xuống, hy vọng thấy nổi lên lại cái lưng hay hai tay của người bị nạn; nhưng vô ích vì anh ta đã kiệt lực trong khi chống chọi với nước. Chẳng còn có gì cựa quậy nữa và đại dương trở lại yên lặng, càng thêm khủng khiếp, càng thêm hoang vu. Bộ mặt của Pliuskin cũng thế, sau cái ý muốn linh hoạt lên, sinh động lên ấy, nó liền trở lại phẳng lặng hơn, vô tri vô giác hơn trước nữa.
- Trên bàn này mình có một vuông giấy trắng, có Chúa biết nó đâu rồi! Ông thấy tôi có thể tin cậy được gì vào những quân vô lại ấy đâu.
Lão đảo mắt nhìn trên bàn, rồi dưới bàn, lục lọi khắp nơi rồi kêu lên: - Mavra, này, Mavra!
Nghe tiếng, một người đàn bà chạy vào, tay bưng một cái đĩa có mẩu bánh sữa trứ danh. Và câu chuyện sau này bắt đầu qua lại giữa hai người:
- Mày đút tờ giấy của tao vào đâu rồi, đồ kẻ cướp?
- Ông bảo giấy gì? Xin thề là tôi chẳng thấy tờ giấy nào khác cái tờ ông đậy cốc cả.
- Tao thì tao nhìn đôi mắt mày, tao cũng biết là mày đã xoáy của tao rồi.
- Để mà làm gì cơ chứ? Tôi chẳng biết viết, biết đọc thì lấy làm gì?
- Mày nói dối! Mày mang cho thằng con trai lão trợ tế, nó hí hoáy viết lách suốt ngày.
- Nó mà có cần giấy, thì nó biết nơi kiếm. Nó thèm vào những đồ giẻ rách của ông đấy.
- Thong thả; đến ngày tài phán cuối cùng {Theo đạo Cơ đốc, đến ngày tận cùng của thế giới, Thượng đế sẽ phán quyết về số phận của tất cả mọi người đã chết từ trước đến nay} rồi mày sẽ được nếm đinh ba của bọn quỉ sứ; mày sẽ biết nó nướng mày như thế nào!
- Lạy Chúa, tại sao như vậy, tôi có tội gì đâu nào? Tôi có mó vào giấy của ông đâu. Tôi có thể có lúc yếu đuối, nhưng chưa bao giờ ai trách tôi được là ăn cắp, bất cứ một tí gì.
- Mày sẽ biết tay chúng. Chúng sẽ nói “- A! a! cái con vô lại này mày lừa dối chủ mày! Này, này!”. Bấy giờ mới đến những chiếc đinh ba của chúng.
- Tôi sẽ bảo chúng nó: - Tại sao, lạy Chúa, tại sao? Tôi có lấy gì đâu?... A, kìa, giấy của ông đấy, trên bàn ấy. Lúc nào cũng mắng oan người ta!
Pliuskin nhận ra tờ giấy của lão thật, lầu bầu, rồi nói:
- Đấy, nó cút đi rồi đấy, đồ quạ cái! Người ta nói một nó cãi mười! Thôi đừng giũa nữa, đem lửa vào đây để tao niêm cái thư… Hãy gượm! Thế nào mày cũng mang vào cả một cây nến cho mà xem, mày đâu biết tính rằng mỡ bò mà đã cháy là mất toi. Không; đem cho tao một cái đuốc nhựa thông thôi.
Mavra ra rồi. Pliuskin ngồi vào một cái ghế bành, cầm một cái bút, hết quay ngang lại quay dọc tờ giấy. Sau cùng, tin chắc rằng không còn có thể rọc bớt đi một mẩu nhỏ nào cả, lão mới chấm bút vào một cái lọ mực đựng một thứ nước mốc meo, có khá nhiều xác ruồi chết đuối, rồi bắt đầu kẻ những chữ nom như những nốt nhạc. Mỗi lúc, lão lại cố giữ cho bàn tay khỏi phóng bút; lão bủn xỉn viết dòng nọ khít liền vào dòng kia, mà vẫn tiếc những khoảng cách giữa các chữ dù thế nào cũng không thể lấp hết được.
Làm sao mà một con người lại có thể sa đọa đến thế, trở thành hèn hạ đến thế, đê tiện đến thế, keo kiệt đến thế? Có thể như thế được không? Có thể lắm chứ, bản tính con người có thể thành ra thế nào cũng được. Người thanh niên hăng hái hôm nay trông thấy ông lão là hình ảnh của nó một ngày kia, mà ghê sợ. Khi từ giã những năm tháng đáng yêu của tuổi trẻ, bạn bước vào con đường gay go của thời trung niên, bạn hãy mang theo, làm tiền ăn đường, những tình cảm nhân đạo đầu tiên của bạn; nếu không, bạn sẽ chẳng tìm thấy được những tình cảm ấy nữa. Tuổi già đe dọa bạn, cái tuổi già khốc liệt không để cho ta lấy lại bất cứ cái gì ta đã trót bỏ đi. Nấm mồ còn rộng lượng hơn, vì trên mộ người ta còn đọc được mấy chữ: Ở đây an nghỉ một người; còn trên những nét ảm đạm và lạnh ngắt của tuổi già vô nhân đạo, ta chẳng đọc được gì cả.
Pliuskin gấp lá thư lại rồi hỏi: “- Ông có người bạn nào cần đến nông phu trốn chủ không?”
- Cụ cũng có à? Tsitsikôp sực tỉnh, hỏi lại.
- Có, thế mới khổ! Con rể nhà tôi đã mở cuộc điều tra; nó bảo rằng chúng mất hút, chẳng còn tăm hơi gì; nhưng cái thằng nhà binh ấy chỉ giỏi rung rinh đôi cựa giày hơn là đến thỉnh cầu cửa quan.
- Vậy cụ có tất cả bao nhiêu?
- Độ bảy chục.
- Không có lẽ!
- Thề danh dự! Bọn ăn hại ấy chỉ biết hốc cho nhiều, còn tôi thì chết đói. Vì vậy mà quân tạp ăn ấy năm nào cũng có mấy đứa bỏ trốn… Họ trả bao nhiêu tôi cũng nhận. Ông khuyên bạn ông mua chúng nó cho tôi; rồi chỉ tìm lại được mươi đứa thôi là lãi biết mấy rồi! Mỗi nông phu đăng ký sổ đinh trị giá trên dưới năm trăm rúp đấy!
“- Không, mình sẽ không để cho một ai đánh hơi được món này”. Tsitsikôp nghĩ thế, rồi liền nói là không có một người bạn nào muốn điều đình một việc mua bán như thế cả: lệ phí tốn kém lắm và chẳng thà ném cho chúng nó cái đuôi áo còn hơn là đi tìm những quân quỉ quái ấy. Tuy vậy, Pliuskin đã túng quẫn đến thế thì y cũng vì lòng trắc ẩn, đồng ý mua cho lão bọn nông phu bỏ trốn, nhưng chỉ có thể trả rất ít, chẳng đáng là bao…
- Vậy thì bao nhiêu? Pliuskin hỏi, lão đã biến thành một người Do Thái thực sự: hai bàn tay lão run run như thủy ngân.
- Hăm lăm kôpek một đứa.
- Tiền mặt?
- Tiền mặt.
- Nhưng, tiên sinh rủ lòng thương cảnh cùng khổ của tôi, cho tôi ít ra là bốn mươi kôpek.
- Thưa tôn lão, không phải tôi chỉ trả cụ bốn mươi kôpek mà rất sẵn lòng trả năm trăm rúp, vì thấy một người trung hậu mà sa sút vì lòng tốt của mình, tôi thật quá thương tâm.
- Đúng thế, đúng thế! Mọi việc đều do lòng tốt của tôi mà ra cả; Pliuskin tán thành, vừa nói vừa trịnh trọng gật gật cái đầu cúi thấp.
- Cụ thấy đấy, tôi hiểu ngay tính cụ, tôi nói là tôi sẵn lòng biếu cụ năm trăm rúp một đứa, nhưng khốn nỗi… gia sản của tôi không cho phép; nhưng mà tôi cũng xin thêm năm kôpek, vị chi ba mươi kôpek một đứa.
- À, tiên sinh, xin tiên sinh thêm cho hai kôpek nữa!
- Thì vâng, để cho cụ vui lòng. Cụ có tất cả bao nhiêu đứa? Cụ nói bảy mươi thì phải?
- Tất cả là bảy mươi tám.
- Bảy mươi tám đứa, mỗi đứa băm hai kôpek, vị chi… Chỉ sau một phút suy nghĩ là nhân vật của chúng ta rất giỏi tính, lại nói ngay: vị chi hăm bốn rúp, chín mươi sáu kôpek.
Tsitsikôp bảo Pliuskin ký giấy nhận tiền rồi trả ngay; lão già vồ lấy cả hai tay và đem đến đặt trên bàn giấy, cẩn thận chẳng kém gì mang một chất nước, mỗi lúc lại sợ nó đổ ra. Đến bàn giấy, lão đếm lại lần nữa, rồi cũng cẩn thận như thế, cất tập bạc vào một ngăn kéo, đó là mồ chôn chúng cho đến ngày mà Cha Karp và cha Polykarp {Karp tiếng Nga nghĩa là cá chép, Polykarp là tên Gôgôn đặt ra với tiếp đầu ngữ poly nghĩa là nhiều, và karp là cá chép} hai vị giáo sĩ trong xứ, sẽ làm ma cho lão với nỗi vui mừng khôn xiết của con rể lão, con gái lão và có lẽ cả viên đại úy tự nhận là bà con của lão nữa. Tiền chôn rồi, Pliuskin lại rơi phịch xuống chiếc ghế bàn và như chẳng còn có thể tìm ra điều gì để chuyện trò nữa.
Sau cùng thấy Tsitsikôp như định rút mùi soa, lão liền hỏi: - Ông muốn đi rồi à?
Câu hỏi như nhắc nhân vật của chúng ta rằng y chẳng còn có lý do gì để nấn ná thêm nữa.
- Vâng, tôi phải đi ngay, y vừa nói vừa cầm mũ.
- Thế không uống trà à?
- Nếu cụ cho uống thì xin để lần khác.
- Thế mà tôi lại bảo chúng nó đun bếp lò! Nói thật thì tôi không thích trà đâu: tốn, mà đường lại đắt quá không thể mua nổi. Prôska, đừng mang xamôva lên nữa. Đem miếng bánh sữa xuống cho Mavra, bảo nó cất đi; hay là thôi, đưa đây tao, tao cất lấy. Thôi, chào tôn ông phúc đức, cầu Chúa ban phúc cho ông! Đừng quên cái thư gửi ông chánh án; ông ta là chỗ quen biết cũ, ngày trước chúng tôi ăn học với nhau!
Rồi con bù nhìn teo tóp ấy đưa khách ra tới cổng, và lập tức bắt đóng lại ngay rất cẩn thận. Sau đấy, lão đi thị sát các nhà kho, xem cho tận mắt bọn canh gác có mặt không, bọn này báo hiệu cho nhau, không phải bằng cách thông thường là lấy một tấm gang làm kẻng mà lại lấy xẻng đập vào một cái thùng rỗng; lão đảo xuống bếp, lấy cớ nếm thức ăn chiều của đày tớ để tọng đầy một bụng xúp bắp cải nấu với lúa mì đen. Cuối cùng, sau khi đã nhiếc mọi người là quân ăn hại, là đồ vô dụng, lão lui về buồng riêng. Ngồi một mình, lão ngẫm nghĩ đến cách cảm tạ lòng hào hiệp, quả thật là có một không hai, của người khác. Lão quyết định: “- Mình sẽ biếu ông ta cái đồng hồ quả quít. Cái đồng hồ ấy đẹp lắm, bằng bạc chứ có phải bằng đồng mắt cua, đồng thau đâu; kể ra nó chạy không đúng lắm, nhưng ông ta đưa đi chữa chứ; ông ta còn trẻ, cần có đồng hồ để cho vợ chưa cưới thích chứ. Hay là thôi, - sau một lúc suy nghĩ, lão lại quyết định thêm, - mình để lại cho ông ta bằng di chúc, để ông ta giữ một kỷ niệm tốt về mình sau khi mình chết…”
Nhân vật của chúng ta không cần phải có đồng hồ tý nào, cũng tỏ ra rất vui. Tậu được món bất ngờ như thế, bở chẳng kém gì được ai cho cái quà quí nhất: cả chết lẫn trốn, tổng số nông phu hơn hai trăm! Dĩ nhiên, vừa đến nhà Pliuskin, y đã đánh hơi ngay là có món bở, nhưng quả thật y chẳng bao giờ dám mong được may mắn đến thế. Bởi vậy mà suốt dọc đường, y vui đến điên lên được, y huýt sáo mồm, nắm tay lại đưa lên mồm thổi, giả tiếng kèn, cất tiếng hát một bài bất ngờ đến nỗi Xêlifan, sau khi lắng nghe hồi lâu, phải gật gù nói: - Ấy, ấy, hôm nay ông chủ vui quá nhỉ!
Trời chập choạng tối thì họ về đến ven thành phố. Ánh sáng và bóng tối hòa vào nhau; đồ vật nom lẫn lộn hết. Thanh gỗ dài sơn sặc sỡ, dùng làm cái ngáng đường, không còn thấy rõ là màu gì; trên mặt người lính gác không biết đâu là cái mũ; bộ ria mép tựa hồ dán lên trán, cao hơn cặp mắt nhiều. Những cái xóc bắn người báo rằng chiếc britska đã lăn trên đường lát đá. Đèn ngoài phố chưa thắp. Chỉ mới vài cửa sổ bắt đầu lên đèn; trong lúc các phố xép, ngõ cụt được dùng làm sân khấu cho những tấn tuồng và câu chuyện thường diễn ra trong cái giờ ấy, ở tất cả mọi thành phố đông nhung nhúc những lính tráng, người chở xe thuê, thợ thủ công; ở đấy những con người quàng khăn san đỏ và đi giày cao cổ mà không có bít tất, lượn chập chờn như những con dơi ở ngã ba, ngã tư. Tsitsikôp không để ý đến họ, cũng chẳng để ý đến nhiều công chức, người lều khều, tay cầm can, chắc là đi dạo mát ở ngoài đồng về. Chốc chốc, tai y lại nghe những lời thốt lên, chắc là với giọng nữ: “- Nói dối, đồ say rượu; có bao giờ tôi lại để cho nó làm như thế!”. Hay là: “- Đừng mó vào tôi, đồ mất dạy! Đến đồn đi, tôi sẽ cho biết ai có lý!...” - Tóm lại là những lời khó nghe, có thể làm hoảng hốt người thanh niên mơ mộng, hai mươi tuổi đầu, khi xem hát về đang nhớ lại một cảnh đêm Tây Ban Nha, một cô gái yêu kiều, tóc uốn quăn, với cây đàn ghi ta. Đang say sưa trong cảnh thần tiên, bay lượn trên mấy tầng trời, trò chuyện với Sinlơ {Schillier (1759-1805): thi hào Đức, tác giả nhiều bi kịch}, - thì bỗng nhiên những lời nói không tránh được đập vào tai họ như một tiếng sấm, làm họ bừng tỉnh, thấy mình đang ở trên mặt đất và đứng trên quảng trường hàng Cỏ, cạnh một tiệm rượu, trước cái cảnh sống thường lệ hàng ngày.
Một cái lắc cuối cùng nữa, rồi chiếc britska chui lọt qua cổng khách sạn, như qua cánh cửa của một cái bẫy. Pêtruska ra đón Tsitsikôp, đưa một tay đỡ chủ xuống xe, còn tay kia thì túm túm vạt áo dài của hắn, không muốn để bay phất phơ. Người hầu khách sạn cũng chạy ra, tay cầm nến, khăn vắt vai. Chủ về làm cho Pêtruska vui, nhưng hắn không hề để lộ ra một vẻ gì cả; họa chăng khi trao đổi một cái liếc mắt với Xêlifan, hình như bộ mặt khắc khổ của hắn mới tươi lên được một chút.
- Ngài đi đường được tốt lành chứ ạ? Người hầu, vừa soi đèn cho Tsitsikôp lên thang gác, vừa hỏi.
Đến bậc bằng giữa thang, Tsitsikôp đáp:
- Tốt, còn chú mày thế nào? Khỏe chứ?
Người hầu cúi gập người lại, cung kính nói:
- Ơn Chúa, thưa ngài, cũng bình thường; hôm qua có một người khách nhà binh đến trọ, một trung úy; ở buồng mười sáu.
- Một trung úy?
- Cháu không được biết ông ta là ai, nhưng ông ta từ Riazan đến và có những con ngựa hồng bờm đen, chân đen đẹp lắm.
- Tốt, tốt, chú mày cứ ăn ở cho phải phép thế là tốt. Tsitsikôp nói xong thì vừa lên đến buồng. Đi qua gian ngoài, y nhíu lỗ mũi lại và bảo Pêtruska:
- Mày mở cửa sổ ra một tí chứ!
- Con mở ra cả rồi đấy chứ! Pêtruska trâng tráo cãi lại.
Chủ biết là tớ nói dối nhưng chẳng nói gì thêm. Cuộc lữ hành làm y mệt nhoài. Y ăn tối một miếng lợn sữa rồi cởi quần áo, chui vào chăn và tức khắc đánh một giấc say, giấc ngủ tuyệt diệu, đặc hữu của những kẻ phù sinh sung sướng không hề biết rệp đốt, bệnh lòi dom {Chính Gôgôn bị bệnh ấy} và trí thông minh thái quá.