Nguyên tác: Lettres D'amour De 0 À 10
Số lần đọc/download: 2626 / 59
Cập nhật: 2016-02-13 10:38:51 +0700
Chương 6
Alphonse
Sáng chủ nhật, bà nội Ernest không ra ngồi bên bàn ăn trong bếp như mọi khi. "Đây là lần thứ hai bà như vậy trong vòng có ít ngày", Ernest nghĩ. Sống với bà chẳng mấy vui nhộn. nhưng Ernest không thể tưởng tượng được cuộc sống mình thiếu vắng bà. Mỗi sáng thức dậy và khi tối đến, được gặp bà ít nhiều cũng khiến cậu cảm thấy yên tâm. Khi cậu đem phiếu điểm về, bà đặt tay lên đầu Ernest, gần giống như người ta vuốt ve chú cún con. Điểm tốt là tất cả những gì cậu có thể mang tới cho bà từ thế giới bên ngoài. Và bây giờ có Victoire! Và món bánh xốp. Bỗng cậu cảm thấy sợ sẽ phải thấy bà bất động trên giường.
Ernest gõ cửa phòng bà. Cậu thở phào khi nghe thấy tiếng đáp lại yếu ớt "Gì thế cháu?". Cậu bước vào. Bà đang nằm vẫn với tập thư trên đùi. Bà cố giấu chúng thật nhanh dưới gối nhưng bà chẳng thể làm gì nhanh được nữa.
Ernest lại gần giường, đờ người như một người lính trước vị chỉ huy, nhưng quả quyết bởi nỗi sợ cậu vừa có, và nói: "Bà ơi, bà cháu ta đã quen biết nhau từ mười năm nay, và suốt thời gian qua của cuộc đời cháu, cháu chẳng biết gì về bà, về gia đình ta, về mẹ cháu, về cha cháu…ngoại trừ những bức chân dung của những con người không quen biết này trên tường. Chẳng hạn như ông đây". Cậu lấy ngón tay chỉ bức ảnh lớn một người đàn ông vẻ nghiêm nghị, tầm khoảng ba mươi hay bốn mươi tuổi, rất đẹp trai, vẻ hơi ngạo nghễ như một người làm dáng chụp ảnh để lại cho hậu thế.
Thật ngạc nhiên là bà cậu trả lời đơn giản, như thể câu hỏi duy nhất này là một chiếc chìa khóa sẽ mở cánh cửa của lời nói: "Ông đấy à, đó là ông nội con, chồng của bà, ông Aphonse. Ông bà sống với nhau được tám năm. Ông mất trên chiến trận năm 1940. Cha con sinh ra sau đó. Nó chưa hề biết mặt cha mình."
"Cũng như cháu ạ."
"Cũng như cháu."
Nhưng thay vì nghĩ tới thân phận mình thì cậu lại nói: "Bà ơi, đời bà khổ quá."
"Nỗi mất mát càng lớn thì ta càng ít có thể nói tới nó."
"Bà có thể kể cho cháu nghe về ông Alphonse không ạ?" Cậu nói "Alphonse" để có thể dần dần nhắc tới Gaspard, cha của cậu.
"Với ông thì chỉ có những lời khen thôi. Ông không có thời gian làm bà thất vọng." Bà đang không biết nói thế nào. "Ông rất cao lớn, vạm vỡ, tao nhã… thông minh, sáng láng, oai vệ, và đẹp trai vô cùng… giống như cháu ấy!" Bà tiếp tục nói thì thầm" "Giống cha cháu."
"Đẹp trai chỉ là hình thức bên ngoài, chẳng quan trọng. Bà nói cho cháu ông thế nào cơ."
"Ông là người luôn muốn tìm hiểu sự thật. Ông muốn hiểu vấn đề thật sâu. Ông chưa bao giờ biết nói dối. Ông lúc nào cũng suy ngẫm."
"Thế còn những lá thư bà hay đọc trên giường thì sao?"
"Bà đã thuộc lòng chúng, Ernest à. Đó là những lá thư tình Alphonse viết cho bà ở đây, tại ngôi nhà này. Ông bẽn lẽn lắm nên không thể nói với bà, vì thế ông phải viết ra giấy."
"Ông mất đã hơn năm mươi năm rồi. Bà vẫn nhớ ông sao?"
"Nhớ, nhớ lắm, nhớ từng ngày, từng phút… chỉ có điều bà không thể chạm được vào ông. Và ông cũng không thể làm như thế với bà."
"Thế còn bố cháu?" Ernest hỏi, theo bản năng, cậu biết rằng mình đã vượt qua giới hạn, như thể người ta có quyền nhắc tới người chết chứ không có quyền nói về người đang sống. Bà cậu giả như không nghe thấy gì.
"Cháu đem bữa sáng tới cho bà nhé?"
"Thôi, khỏi cần, bà dậy bây giờ đây. Cháu có thể bảo hâm nóng sữa."
Chưa bao giờ hai bà cháu nói chuyện nhiều đến thế, cứ như thể bà cậu y theo danh ngôn: "Cái miệng là một cánh cửa, phải luôn đóng lại."
Nhờ những câu hỏi, Ernest đã tìm thấy một chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa, và cậu nhận thấy khi cánh cửa hé mở, bà thấy dễ chịu hơn. Và cậu cũng vậy. Trông bà như trẻ ra, và đỡ yếu ớt hơn.
Từ cửa sổ phòng bếp, Ernest thấy một mảng trời xanh và cảm nhận một niềm ao ước điên rồ muốn được ôm lấy.
"Bà ơi" - cậu nói - "chúng ta có thiếu tiền không ạ?"
"Sao cháu lại hỏi vậy?"
"Chúng ta sống thật khắc khổ."
"Chúng ta có những thứ để sống, Ernest. Song cần phải có thể sống…"
"Bà ơi, trời đẹp lắm. Hai bà cháu thay đồ và ra ngoài đi dạo đi. Bà cháu mình sẽ đi vào khu vườn tươi đẹp kia và sau đó tới nhà hàng ở góc phố."
Sửng sốt, bà cậu thở dài: "Ôi, bà không thể đi được. Bà già rồi, Ernest à. Và mệt mỏi lắm. Còn cháu thì phải làm bài tập."
"Bà ơi, cháu làm hết bài từ hôm qua rồi." Hy vọng chợt đến của cậu đã tan, nhưng cậu vẫn cố nài nỉ thêm một chút: "Nào, Bà ơi, cứ khép kín mình trong căn hộ tối om thế này thật không bình thường chút nào." Cậu nhắc lại lời nói của Victoire: "Sức lực cũng giống như cảm giác ăn ngon, nó đến trong lúc ăn."
"Germaine đã để đồ ăn cho chúng ta rồi. Không được bỏ phí… và hơn nữa, nó vượt quá sức của bà."
"Bà ạ, cần phải sống … trước khi chết."
Bà nội không nói gì thêm. Bà yên lặng dùng bữa sáng và ra khỏi phòng bếp.
Ernest cảm thấy vô cùng thất vọng, cậu mặc quần áo và ra ngồi lên chiếc tràng kỷ cũ với một cuốn sách, như thường lệ, nhưng thói quen hàng ngày đã bị nhuốm chút cay đắng. Cậu không thể dõi theo những dòng chữ trong sách, đầu cậu ngập trong một màn sương mù buồn bã.
Khi bà bất chợt xuất hiện trong chiếc áo choàng màu đen, đầu đội chiếc mũ đen và tay đeo túi sắc như một bà phù thủy, bà nói với cậu: "Cháu chưa bao giờ đòi hỏi bà điều gì. Bà có thể làm điều đó vì cháu… dù chỉ một lần."
Ernest gấp vội cuốn sách, mặc áo và khoác tay bà. Hai bà cháu làm thành một đôi kỳ lạ, như thể ở trong một cuốn sách mà cậu vừa khép lại, một cuốn sách xa xưa.
Hôm sau là một ngày thứ hai xám xịt dường như đã quên hẳn cái ánh sáng của ngày chủ nhật. Thầy giáo cứ như bị khô cổ nhức đầu vì uống nhiều rượu. Ông càu nhàu và mặt mũi thì càu quạu ngay cả với Ernest. Thay vì bắt đầu tuần học mới này với ông Bled như bình thường, thì thầy lại giở cái trò mà những ông thầy lười nhác dành cho những khi cực kỳ lười, và ông phát giấy. Thậm chí chẳng thèm nói, ông ghi lên bảng: "Ngày Chủ nhật" và làm động tác ra hiệu "Viết đi!" Quả là ngày nào cũng phải làm thầy giáo thì chẳng thú vị gì.
Ernest mừng rơn vì ít ra lần này cậu có gì đó để kể chứ không phải mệt mỏi bịa ra một câu chuyện. Cậu mỉm cười với Victoire, lấy đà, đặt ngòi bút sang bên trái dòng kẻ đầu tiên và buông cho nó chạy từ trên xuống dưới như tham gia vào cuộc đua mô tô công thức 1. Và cậu là người chiến thắng, vì, khi cậu đặt bút dấu chấm hết bài, các bạn khác vẫn đang viết. Thầy giáo ngồi ở bàn của thầy, hai tay ôm đầu, như để cho nó khỏi rơi xuống đất. Victoire vẫn đang say sưa viết. Cô ấy may mắn thật. Chỉ cần viết tên của tất cả mấy người anh của cô là đã đủ hết một trang rồi. Khi thu bài, trông thầy có vẻ tươi tỉnh hơn. Theo thói quen, thầy xếp bài của Ernest lên trên cùng để đọc nó đầu tiên, lấy dũng cảm mà đọc hết những bài còn lại. Thầy đọc to:
Ngày chủ nhật của món couscous.
Cả đời tôi chưa một lần đến nhà hàng. Tôi chưa bao giờ đi chơi ngày chủ nhật. Tôi chưa bao giờ được ăn món couscous. Từ khi biết Bà nội cho tới nay, chưa bao giờ tôi thấy bà rời khỏi phòng riêng của mình. Ngày mà chúng tôi xóa bỏ đi cái từ "chưa bao giờ" là một ngày thật quan trọng. Ngày mà chúng tôi xóa bỏ đi ít nhất ba từ "không bao giờ" để thay vào đó những lần đầu tiên thì càng quan trọng gấp bội phần.
Hôm qua, tôi đã đi ra ngoài với bà nội, tới một quán ăn ở góc phố nhà chúng tôi, để ăn món couscous.
Món couscous là một món ăn đặc sản của dân vùng Bắc Phi, được làm bằng hạt bột lúa mỳ cứng. Ông chủ nhà hàng đã trịnh trọng bê món này tới bàn, chia làm bốn phần. Gồm có:
1/ couscous,
2/ nước dùng và rau,
3/ thịt,
4/ một thứ nước sốt dậy mùi.
Cách dùng như sau: người ta vun bột mỳ thành một hình như ngọn đồi nhỏ trong cái đĩa sâu của mình, trên đó bày thêm rau gồm có cà-rốt, củ cải tây, tỏi tây và những viên nhỏ là những hạt đậu mỏ. Người ta còn dùng thêm thịt và rưới nước dùng vào. Nếu dũng cảm, ta có thể cho thêm nước sốt harissa(1), ớt đỏ, làm cháy lưỡi bởi sức nóng của những xứ sở chan hòa ánh nắng.
Lúc đầu Bà sợ không dám ăn, nhưng rồi bà cũng ăn ngon miệng. Mỗi miếng là một sự ngạc nhiên. Và thật tuyệt vời khi cảm nhận được những hương vị của miền xa xôi ấy và được những mùi vị nóng bỏng xâm nhập vào cơ thể giữa mùa đông giá lạnh. Niềm thích thú mang tới năng lượng và sự dũng cảm. Thấy rõ hiệu quả nhất là ở Bà, bình thường vốn lặng lẽ, giờ đã bắt đầu nói chuyện. Bà nói về những cuộc chiến và về những người đã quá cố, về nỗi đau và mất mát. Nhưng thà nói về người chết để họ được sống thêm một chút còn hơn là để họ chết mỗi ngày thêm một chút. Mỗi lần ta nhắc đến kỷ niệm nào đó, ta làm họ sống lại một chút, dù chỉ bằng một giọt nước mắt.
Và ngay cả chúng tôi, những người đang sống thực sự, những người đang sống chả ra sống, điều đó có vẻ như ngốc nghếch, nhưng món couscous gợi cho tôi ý nghĩ rằng chúng ta vẫn có thể học cách sống, nếu có một người thầy giỏi và sức mạnh. Tôi rất muốn có sức mạnh đó, và muốn được học không chỉ các kỹ thuật như đọc và viết, mà cả học cách sống, bởi vì sau đó người ta phải chết và như vậy sẽ quá muộn.
Bà khó chấp nhận trả tiền. Bà cho là bữa ăn đắt quá và có lẽ những đồng xu đã trở thành một phần xương thịt của bà. Bà đã đọc đi đọc lại hóa đơn tới năm lần với đôi kính bé tý nửa tròng. Bà còn bắt tôi kiểm tra lại.
Trên đường về nhà, hai bà cháu tôi đi qua khu vườn. Dường như bà đã biết khu vườn này từ kiếp trước. Chắc chắn, bà đã biết khu vườn bởi vì bà vẫn sống ở khu này. Bà đi thẳng tới một chiếc ghế băng như bà là chủ nhân của nó. Hai bà cháu ngồi yên lặng chẳng nói gì, như thường lệ. Nhưng lời nói đã bao quanh chúng tôi như một lời hứa nhẹ nhàng về kỷ niệm của bữa ăn đặc biệt mà hai bà cháu vừa cùng ăn, khoảnh khắc đáng nhớ trong một cuộc đời nhạt nhẽo. Trên đường về, khi ngang qua trước nhà hàng Trung Quốc bên kia phố, tôi đã nói với Bà nội: "Để dành cho chủ nhật sau bà nhỉ." Và Bà đã trả lời: "Đâu có đó."
Cả lớp im phăng phắc và Ernest thấy xấu hổ đã dốc hết bầu tâm sự vào bài luận. Victoire nắm lấy bàn tay cậu đang để trên đùi. Cô giơ bàn tay cậu lên và cọ cọ vào má mình.
Và Ernest nhớ lại là hôm qua, lần đầu tiên hai bà cháu không lôi bức thư ra ngắm nghía.
Chú thích
(1) Nước sốt làm từ dầu ăn và ớt,có nguồn gốc từ Bắc Phi - ND