Số lần đọc/download: 6632 / 41
Cập nhật: 2021-09-04 23:13:38 +0700
Chương 7 -
Mới 9 giờ sáng mà dân chúng đứng chật hai bên lề đường Trần Hưng Đạo để chờ xem cuộc diễn hành của các quân binh chủng thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Cảnh sát và quân cảnh đứng gác tại các ngã ba đường. Nhân viên cao cấp trong chính phủ, tướng lãnh và tư lệnh các quân binh chủng lần lượt đến. Trong số người tham dự có tổng thống Nguyễn văn Thiệu, phó tổng thống Trần Văn Hương, thủ tướng Trần Thiện Khiêm và chủ tịch của thượng và hạ viện quốc hội. Bên quân đội có đại tướng Cao Văn Viện, tổng tham mưu trưởng; trung tướng Trần Văn Minh, tư lệnh không quân; đề đốc Trần Văn Chơn, tư lệnh hải quân; trung tướng Phạm Quốc Thuần, tư lệnh quân khu 3; trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, tư lệnh quân khu 4; trung tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh quân khu 2 và các tướng lãnh các. Người ta còn thấy sự hiện diện của đại sứ Martin của tòa đại sứ Mỹ và đại sứ của các nước như Anh, Pháp, Úc...
Đúng mười giờ một đoàn xe xuất hiện. Dẫn đầu là xe quân cảnh, cảnh sát, tiếp theo chiếc limousine màu đen
dừng lại trước khán đài chính. Nhạc trổi lên chào mừng vị nguyên thủ của nước Việt Nam Cộng Hòa. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bước ra xe xong từ từ tiến lên khán đài danh dự. Đi bên cạnh ông ta nhưng lùi ra sau một chút là trung tướng Đặng Văn Quang, phụ tá an ninh phủ tổng thống, nhân vật được xem như thân cận và gần gũi nhất của ông Thiệu. Lần lượt bắt tay mọi người xong vị nguyên thủ quốc gia ngồi xuống ghế danh dự.
Đứng lẫn trong đám đông Đình Anh lẩm bẩm.
- Sao chưa thấy họ xuất hiện...
Giơ tay xem đồng hồ Ngọc Thụy nói với người yêu.
- Mười giờ rồi... Chắc có chuyện trục trặc...
Vừa lúc đó có tiếng súng nổ liên hồi rồi không biết từ đâu lính áo rằn xuất hiện bao vây lấy ba dãy khán đài. Tiếng chân chạy rầm rập cùng với tiếng la.
- Xung phong... Biệt động quân xung phong...
Có tiếng súng nổ từ phía lính của liên đoàn phòng vệ phủ tổng thống với quân cảnh và cảnh sát dã chiến. Mấy người lính biệt động quân chạy đầu ngã xuống. Tuy nhiên lính biệt động vẫn ào ào tiến tới. Lính phòng vệ của ông Thiệu lùi dần về phía khán đài chính.
- Biệt động quân... Xung phong...
Toán lính phòng vệ buông súng giơ tay đầu hàng. Tay cầm khẩu Colt 45 Quốc ra lịnh cho lính vây chặt khán đài danh dự.
- Các anh là ai?
Đại tướng Cao Văn Viên hỏi lớn. Giơ tay chào Quốc trả
lời bằng giọng rắn rỏi.
- Tôi là trung tá Nguyễn Bảo Quốc, liên đoàn trưởng liên đoàn 4 Biệt Động Quân. Tuân lệnh của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng tôi mời quý vị lên xe...
- Anh đưa chúng tôi đi đâu?
Tổng thống Thiệu hỏi. Quốc trả lời nhanh.
- Kể từ giờ phút này quý vị chịu sự quản thúc của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Mời quý vị lên xe...
Như được lệnh từ trước một vị đại úy biệt động quân và hai người lính mang M16 kèm sát ông Thiệu lên một chiếc xe jeep trong lúc những người còn lại được đưa lên năm chiếc GMC chạy theo chiếc xe jeep dẫn đầu. Cuộc đảo chánh đúng hơn là một " cuộc bắt cóc " xảy ra rất ngắn gọn khiến cho mọi người ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Cuộc diễn hành phải bỏ dở vì không có người chủ tọa. Dân với lính xôn xao bàn tán. Họ không để ý đôi trai gái đứng trên lề đường thì thầm to nhỏ rồi kéo nhau về hướng dinh Độc Lập.
Trung tá Trần Nguyên Trang, liên đoàn phó liên đoàn 4 biệt động quân đứng trước cổng chính của tòa đại sứ Mỹ. Bên cạnh ông ta là thiếu tá Đỗ Quang Thiều, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 44.
- Mình dô chưa anh. Tiểu đoàn 42 đã bao vây ba mặt kia rồi. Cổng chánh thời tiểu đoàn của tôi chịu trách nhiệm cộng thêm ba chiếc M41 sẽ ủi sập cổng sắt để tiến vào...
Đưa đồng hồ đeo tay lên Trang nói nhanh.
- Mình cho họ năm phút để đầu hàng. Bây giờ mới có bốn phút thôi...
Một phút trôi qua lặng lẻ. Tòa đại sứ vẫn im lìm.
- Xung phong... Thiết giáp tấn công...
Trang hô lớn. Được lịnh ba chiếc xe tăng ủi sập cổng chánh đoạn lừng lững tiến vào. Lính biệt động quân hò reo ùa vào sân. Súng trong tòa đại sứ bắn ra khá mạnh mẻ khiến cho ba chiếc M41 phải bắn trả. Tiếng súng đại bác và đại liên nổ rền. Cửa kính rơi ào ào. Đạn đại liên phòng không của thiết giáp xé không khí ghim vào vách tường tạo thành âm thanh điếc tai. Chừng mười lăm phút sau bên trong tòa đại sứ treo cờ trắng đầu hàng. Lính biệt động quân ùa vào. Tất cả mọi người được tập trung lại trong gian phòng rộng.
- Tôi là trung tá Trang của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Tôi muốn nói chuyện với một người nào có thẩm quyền nhất ở đây...
Một người Mỹ tuổi khoảng năm mươi bước ra.
- Tôi là tùy viên quân sự của tòa đại sứ Hoa Kỳ. Ông muốn nói chuyện gì?
- Kể từ giờ phút này các ông bà bị quản thúc bởi lực lượng của chúng tôi. Vì sự an toàn tính mạng tôi khuyên quý vị đừng nên có những hành vi gây rối loạn hoặc bạo động. Người nào bất tuân lệnh sẽ bị bắn bỏ...
- Các ông tấn công vào tòa đại sứ Hoa Kỳ là các ông vi phạm tới quyền lực...
- Chuyện đó tôi không cần biết. Tôi chỉ thi hành lệnh. Nếu biết điều quý vị sẽ được đối xử tử tế và sẽ được phóng thích...
Thiếu tá Thiều bước vào nói nhỏ.
- Anh Trang... Các quân nhân thủy quân lục chiến Mỹ đã bị tước vũ khí và đem ra xe rồi. Riêng nhân viên dân sự cũng sẽ được đưa tới ba địa điểm khác nhau trong thủ đô có lính canh gác...
- Thiều cho anh em đem con tin đi. Phần anh phải đi gặp anh Quốc... Thiều ở đây chỉ huy anh em...
Dân chúng ở Sài Gòn và các vùng lân cận chụm đầu với nhau lắng nghe một nhóm quân nhân tự xưng là Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đọc thông điệp của họ trên đài phát thanh.
- Kính thưa đồng bào,
Chúng tôi là một nhóm sĩ quan trẻ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Hai giờ đồng hồ trước đây chúng tôi cùng anh em binh sĩ biệt động quân và thiết giáp đã bắt sống ông Nguyễn Văn Thiệu cùng các nhân viên trong chính phủ của ông ta. Ngoài ra chúng tôi còn bao vây tòa đại sứ và quản thúc vị đại diện của chính phủ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Sở dĩ chúng tôi phải đứng lên lật đổ ông Thiệu và chính quyền hiện hữu vì nhiều lý do. Dưới sự lãnh đạo của ông Thiệu tình hình đất nước đang lâm vào tình trạng nguy ngập. Chính phủ Hoa Kỳ đã cắt giảm viện trợ khiến cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không đủ sức chống lại cộng sản miền bắc và đất nước của chúng ta sẽ bị xâm chiếm. Trước tình hình đen tối đó ông Thiệu và chính phủ của ông ta không có hành động nào khác hơn là chuẩn bị đem gia đình và của cải trốn ra nước ngoài.
Mấy tháng trước đây chúng tôi biết tin chính phủ Hoa Kỳ và Trung Cộng đã có những thỏa thuận ngầm với nhau là để Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta rơi vào tay cộng sản.
Trước tình thế đó, là những người yêu tự do, cũng như không thể ngồi yên để cho ngoại bang bán đứng đất nước của mình cho cộng sản; chúng tôi phải đứng lên lật đổ chánh quyền của Thiệu, trục xuất tất cả người Mỹ khỏi đất nước để tự mình quyết định vận mệnh của đất nước.
Mất sự yểm trợ của Hoa Kỳ dĩ nhiên chúng ta sẽ phải trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn lúc ban đầu. Tuy nhiên chúng tôi tin tưởng rằng với sự đồng tâm nhất trí của toàn thể anh em chiến sĩ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng như sự ủng hộ tận tình của đồng bào chúng ta sẽ đánh bại kẻ xâm lăng để đem lại tự do và hòa bình cho xứ sở.
Trân trọng cám ơn đồng bào.
Sau đây là tên tuổi của các sĩ quan và tướng lãnh tham gia hoặc ủng hộ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng.
- Đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
- Trung tướng Trần Văn Minh, tư lệnh không quân.
- Đề đốc Trần Văn Chơn, tư lệnh hải quân.
- Đại tá Bùi Năng Kiếm, liên đoàn trưởng liên đoàn 31 Biệt Động Quân.
- Trung tá Nguyễn Bảo Quốc, liên đoàn trưởng liên đoàn 4 Biệt Động Quân.
- Trung tá Trần Đăng Bảo, liên đoàn trưởng liên đoàn 7 Biệt Động Quân.
- Trung tá Lê Hữu Hiện, liên đoàn trưởng liên đoàn 6 Biệt Động Quân.
- Trung tá Nguyễn Duy Minh, liên đoàn trưởng liên đoàn
32 Biệt Động Quân.
- Trung tá Hồ An Dân, liên đoàn trưởng liên đoàn 33 Biệt Động Quân.
- Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, biệt khu thủ đô.
- Thiếu tá Đỗ Quang Ánh, sư đoàn 5 bộ binh.
Nghe xong thông điệp của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng dân chúng bàng hoàng vì cái tin ông Thiệu sẽ làm theo lệnh của người Mỹ bằng cách phá nát quân lực để cho Bắc Việt đánh chiếm Việt Nam Cộng Hòa. Cũng vì lý do này mà nhóm quân nhân mới lật đổ ông ta đồng thời đuổi hết người Mỹ về nước. Tuy nhiên nếu không có viện trợ của Mỹ thời Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa dưới quyền chỉ huy của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng sẽ tồn tại được bao lâu.
Quốc, Bảo, Hiện bắt tay Kiếm, Minh và Dân thật chặt. Quốc cười nói với mọi người.
- Chúng ta đã bắt được ông Thiệu...
Vỗ vai Quốc Kiếm cười thốt.
- Đâu... Anh muốn gặp người chủ xướng cuộc đảo chánh...
Trong sáu ông liên đoàn trưởng thời Kiếm lớn tuổi nhất và lại mang cấp bậc đại tá nên được năm người kia kính nể hơn.
Hiện cười cười.
- Anh mà gặp người chủ xướng cuộc đảo chánh là anh...
Thấy Ngọc Thụy và Đình Anh đang đứng nói chuyện Hiện nói lớn.
- Ngọc Thụy... Em tới đây anh giới thiệu ba ông anh cả của anh...
Đợi cho Ngọc Thụy và Đình Anh tới Hiện cười nói.
- Đôi uyên ương này là hai người chủ xướng cuộc đảo chánh...
Ba liên đoàn trưởng biệt động quân trợn mắt nhìn đăm đăm cô gái mặt búng ra sữa cặp kè với một thanh niên vóc dáng thư sinh.
- Em là lính phải không?
Kiếm nhỏ nhẹ hỏi khi nhìn cái đầu tóc ba phân của Đình Anh.
- Dạ... Em làm ở bộ tổng tham mưu...
Quốc cười với Ngọc Thụy.
- Ngọc Thụy đây là cháu của đại tướng Cao Văn Viên...
Dân nói với giọng ngạc nhiên.
- Trời đất... Anh tưởng em phải binh ông Thiệu chứ...
Ngọc Thụy cười nói một câu mà khi nghe xong bảy ông lính đều gục gặt đầu tỏ vẻ ưng ý lắm.
- Em không binh ai hết... Em chỉ binh dân mình và nước mình thôi...
Dân cười ha hả.
- Cô em bé tí ti này nói chuyện nghe được lắm...
Kiếm đưa bàn tay xạm nắng và gân guốc của một người lính chiến ra bắt lấy bàn tay nhỏ nhắn và mềm mại của Ngọc Thụy. Điều đó tượng trưng cho sự hợp tác và tình
thân hữu của những kẻ cùng chung chí hướng.
Nhìn mọi người Kiếm nghiêm nghị nói.
- Chánh trị thời anh không thông lắm nhưng đánh nhau với cộng sản thời anh làm được... Em muốn anh làm gì?
- Em chỉ cần các anh chia nhau giữ chặt thủ đô phòng ngừa quân ủng hộ ông Thiệu về cứu viện ông ta. Mình sẽ cho người đi gặp các ông tư lệnh sư đoàn 5, 7, 18 và 25 để trình bày mục đích của mình và mời họ ủng hộ hay hợp tác với phe đảo chánh... Riêng em sẽ đi gặp ông đại sứ Mỹ để điều đình...
Nghe Ngọc Thụy nói sẽ điều đình với đại sứ Mỹ Quốc dặn dò.
- Em nhớ đòi cho được súng đạn càng nhiều càng tốt nghe...
- Em nhớ... Đó là mục đích chính của mình mà anh...
Ngọc Thụy vừa quay lưng đi Đình Anh nói với sáu ông tá Biệt Động Quân.
- Việc đầu tiên của mình là tìm xem anh Hùng với Ánh bị giam ở đâu để giải thoát cho họ. Thứ nhì là mấy anh lựa xem trong nhóm người bị bắt ai không quan trọng hoặc không cần thiết giam giữ thời ta nên thả họ ra. Các nhân vật dân sự hay các ông bộ trưởng trong chính phủ nếu họ bằng lòng hợp tác thời ta sẽ phóng thích họ và để họ giữ chức vụ cũ. Phần các ông tướng tư lệnh vùng 2, 3 và 4 hoặc các nhân vật đầu não ta sẽ tạm giữ họ thời gian ngắn để thuyết phục họ tham gia phe đảo chánh...
Sáu liên đoàn trưởng biệt động quân chỉ huy lính của mình đi lo công chuyện. Kiếm bàn riêng với năm người bạn.
- Anh biết ông Giai nhiều vậy để anh gặp ổng nói chuyện. Hy vọng ổng sẽ bằng lòng hợp tác với mình...
Chừng nửa tiếng sau lính áo rằn hò reo vỗ tay mừng rỡ khi thấy thiếu tướng Đỗ Kế Giai và đại tá Kiếm song song bước ra.
Đại sứ Martin thong thả dạo từng bước quanh căn phòng vuông vức chừng mươi thước. Vừa bước ông ta vừa suy nghĩ. Tại sao phe đảo chánh lại bắt mình? Họ là ai? Đảo chánh ông Thiệu để làm gì? Lật đổ chính phủ hiện tại với mục đích gì? Xuyên qua những cuộc đảo chánh đã xảy ra trong quá khứ thời các nhân vật của phe đảo chánh không bắt ông mà họ còn vui vẻ tới gặp ông ta để năn nỉ hay cầu cạnh sự giúp đỡ. Tuy nhiên lần này lại hoàn toàn khác. Họ bắt ông ta như bắt một người thường. Họ cố tình làm ngơ cái uy quyền của một ông đại sứ đại diện cho siêu cường mạnh nhất thế giới. Họ không tới gặp ông ta để xin chỉ thị. Họ không xin yết kiến ông ta để cầu cạnh việc này việc nọ như một vài giới chức trong chính quyền đã làm.
Martin ngẩng đầu lên khi nghe có tiếng mở cửa. Ông ta ngạc nhiên khi thấy một cô gái bước vào. Vóc người nhỏ nhắn. Chiếc áo dài màu tím. Nét mặt xinh xinh. Mái tóc dài buông lơi. Cô gái Việt Nam mỉm cười thân thiện.
- Kính chào ngài đại sứ...
Đại sứ Martin hỏi gọn.
- Cô là ai?
- Thưa ngài... Tôi là người đại diện của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng...
- Họ muốn gì?
Ông đại sứ hất hàm với thái độ trịch thượng. Dù thấy cử chỉ của ông ta nhưng cô gái vẫn nhã nhặn lên tiếng.
- Kính thưa ngài... Tên của tôi là Ngọc Thụy. Vâng lệnh của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng tôi tới đây vấn an ngài. Chúng tôi thành thật xin lỗi đã có hành động bất nhã với ngài và các nhân viên của tòa đại sứ...
Vị đại sứ cau mày. Dĩ nhiên ông ta đủ khôn ngoan và lịch lãm để biết không những cá nhân mình mà nhân viên của ông ta đang là tù nhân của phe đảo chánh.
- Quý vị đã bao vây tòa đại sứ của tôi?
Ngọc Thụy vui vẻ trả lời.
- Chúng tôi đã làm chủ tòa đại sứ cũng như nhân viên của ngài đang bị sự quản thúc của chúng tôi...
- Cô có biết làm như thế là vi phạm quốc tế công pháp, thương tổn tới tình hữu nghị của hai quốc gia, đụng chạm tới thể diện và quyền lực của nước tôi...
Đại sứ Martin nhấn mạnh câu nói của mình để cho người nghe hiểu như là một đe dọa ngầm. Vẫn nụ cười tươi tắn trên môi, vẫn với giọng nói lịch sự và nhã nhặn, cô gái mặc chiếc áo dài màu tím hoa ô môi cất giọng thanh thanh.
- Kính thưa ngài đại sứ... Chúng tôi đã suy tính cẩn thận trước khi lật ông Thiệu cũng như quản thúc ngài cùng nhân viên tòa đại sứ và tất cả công dân Hoa Kỳ đang có mặt tại nước tôi. Chúng tôi cũng biết hành động như vậy là vi phạm quốc tế công pháp, đụng chạm tới thể diện cũng như quyền lực của một siêu cường mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên chúng tôi phải làm vì chính phủ ngài đã đẩy chúng tôi vào cái thế phải làm một hành động thương tổn tới tình
hữu nghị của hai nước...
- Xin cô cho phép tôi được ngắt lời...
Đại sứ Martin dịu giọng với người đại diện của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Không phải ông ta sợ hoặc muốn cầu cạnh điều gì. Sở dĩ ông ta dịu giọng chỉ vì biết mình đang nói chuyện với một cô gái trẻ tuổi nhưng thông minh và khôn ngoan. Không những nói tiếng Anh trôi chảy, cô ta còn có cái đặc tính ít người có được. Đó là sự " biết người biết ta " hay là cái " chất ngoại giao " của một người đi thương lượng hoặc điều đình với kẻ khác.
- Lính của nước tôi đã đổ mồ hôi, nước mắt và tánh mạng để giúp đỡ dân Việt Nam chống cộng sản...
- Kính thưa ngài đại sứ... Cá nhân tôi và dân tộc tôi biết điều đó. Chúng tôi thành thật tri ân sự giúp đỡ của những người lính Hoa kỳ đã hy sinh cho lý tưởng tự do. Tôi thành kính nghiêng mình trước vong linh của những người đã chết...
- Dân tôi, chính phủ của nước tôi đã hao tài tốn của để giúp Việt Nam Cộng Hòa đứng vững cho tới ngày hôm nay. Dù hòa bình chưa thấy trên phần đất nhiều điêu linh này cũng như tình thế có đổi thay nhưng chính phủ tôi vẫn tiếp tục yểm trợ Việt Nam Cộng Hòa chống cộng sản...
Đại sứ Martin ngừng nói khi bắt gặp nụ cười của người đối diện. Nó như là sự mỉa mai, cay đắng, buồn rầu và phẫn hận.
- Thay mặt cho mười bảy triệu dân của Việt Nam Cộng Hòa tôi cám ơn sự giúp đỡ của dân chúng Hoa kỳ. Tuy nhiên...
Nhìn thẳng vào mặt vị đại sứ Hoa Kỳ Ngọc Thụy nghiêm giọng.
- Gần đây chúng tôi đã khám phá ra một điều là chính phủ của ngài đã đâm sau lưng chúng tôi bằng một hành động mà chúng tôi không thể chấp nhận được...
Đại sứ Martin lờ mờ hiểu điều mà cô gái muốn nói nhưng ông ta vẫn im lặng như chờ xem sự tiên đoán của mình đúng hay sai.
- Chính phủ của ngài định bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa của chúng tôi vào tay cộng sản...
- Làm sao cô biết được chuyện này?
Đại sứ Martin buột miệng hỏi. Ông ta quên mất hỏi một câu như vậy là xác nhận chuyện đó có thật.
- Hành động " bán bạn " của tòa Bạch Ốc đẩy chúng tôi vào tình thế chỉ có một chọn lựa. Sống tự do hay là chết. Chính phủ của ngài đã phủi tay. Đã dứt khoát không giúp đỡ, chính phủ của ngài còn dàn dựng để đẩy mười bảy triệu dân vô tội của Việt Nam Cộng Hòa vào gông cùm cộng sản nhanh hơn, gọn hơn qua các hành động không can thiệp bằng quân sự khi cộng sản Bắc Việt vi phạm những điều mà họ đã cam kết trong hiệp định Paris. Cắt giảm viện trợ để cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa của chúng tôi không còn sức chiến đấu; chính phủ của ngài thản nhiên nhìn ba nước Nga, Tàu và Bắc Việt xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa của chúng tôi. Tình đã hết. Nghĩa đã cạn. Chúng tôi, một nhóm người yêu tự do phải đứng lên lãnh trách nhiệm bảo vệ tổ quốc bằng cách lật đổ ông Thiệu và thành lập một chính phủ...
Đại sứ Martin nhếch môi cười. Ngọc Thụy hiểu được nụ
cười của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Nó có nghĩa là: " À thì ra là thế. Chính phủ của cô sẽ phải năn nỉ, van lạy tôi để xin được thừa nhận và phải ngửa tay xin tiền viện trợ như một kẻ ăn mày đê tiện...".
- Sau khi thảo luận, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng của chúng tôi đi tới một quyết định quản thúc nhân viên tòa đại sứ và tất cả công dân Hoa Kỳ và sau đó sẽ trục xuất họ về nước...
Câu nói của cô gái tựa như gáo nước lạnh tạt vào mặt vị đại sứ nhiều quyền uy và cũng nhiều kiêu hãnh. Ông ta chới với, bàng hoàng vì không ngờ tới lời nói thẳng thừng và lạnh lùng của cô gái tuổi chỉ đáng con cháu mình.
- Cô dám...
Không trả lời Ngọc Thụy mỉm cười nhìn quanh quất căn phòng trống trơn. Hiểu ý của cô gái ông đại sứ nín lặng. Bỏ ngoài quyền lực của chính phủ với một quân đội hùng mạnh nhất thế giới, bản thân ông và những nhân viên dưới quyền hiện đang là tù nhân của cô gái trẻ tuổi vóc dáng mảnh khảnh đang đứng trước mặt mình.
- Cô và chính phủ của cô muốn gì? Thương lượng? Điều đình?
Đại sứ Martin gằn giọng. Ngọc Thụy cười nhẹ.
- Chúng tôi không muốn gì hết. Chính phủ của tôi không muốn thương lượng hay điều đình việc gì hết...
Ông đại sứ già tuổi đời và già tuổi ngoại giao nhìn đăm đăm vào mặt của cô gái như muốn tìm hiểu và để bắt mạch. Tuy nhiên ông ta chỉ thấy một khuôn mặt xinh xắn, đôi mắt long lanh và nụ cười thật dễ thương.
- Thưa ngài đại sứ... Tôi chỉ muốn biết là sinh mạng của ngài với mấy ngàn công dân Hoa Kỳ đang ở tại Việt Nam Cộng Hòa trị giá bao nhiêu tiền. Chắc phải là vô giá thưa ngài đại sứ?
Đại sứ Martin giật thót người khi nghe người đại diện của phe đảo chánh nói. Ông ta lờ mờ suy nghiệm ra một điều.
- Chính phủ của chúng tôi sẽ long trọng tiển đưa ngài và mọi công dân Hoa Kỳ về nước với một lời yêu cầu nhỏ...
- Cô cứ nói...
- Lời yêu cầu nhỏ nhoi của chúng tôi là sự giúp đỡ một lần nữa thôi, lần cuối cùng của chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ. Đó là quân viện mà chúng tôi cần để chống lại cộng sản...
Đại sứ Martin trầm ngâm. Tuy cô gái nói là yêu cầu giúp đỡ nhưng ông ta biết đây là một trao đổi. Chính phủ của ông ta phải thỏa mãn điều kiện của đối phương nêu ra thời họ mới phóng thích con tin.
- Đây là một blackmail...
Đại sứ Martin nói gằn. Ngọc Thụy cười khẽ.
- Ngài nghĩ như thế nào cũng được. Chúng tôi chỉ xin ngài trình bày nguyện vọng của chúng tôi lên chính phủ của ngài. Chúng tôi không đòi hỏi tiền bạc mà chỉ xin súng đạn và vật dụng tiếp liệu để đánh nhau với cộng sản...
Đại sứ Martin thở dài thầm lặng. Ông ta biết mình không có chọn lựa nào khác hơn là xin với chính phủ chấp thuận điều kiện của đối phương. Ngoài ra nhìn vào khuôn mặt xinh xắn cũng như ánh mắt van lơn của cô gái ông ta cảm
thấy có chút mủi lòng. Dù ít hay nhiều ông ta cũng không đồng ý với quyết định bỏ rơi đồng minh của chính phủ của mình nhưng ông ta không thể ngăn cản được. Quyền hạn và ảnh hưởng của một vị đại sứ rất hạn chế trong mọi quyết định của chính phủ.
- Tôi sẽ trình bày với chính phủ của tôi nhưng chấp thuận hay từ chối là chuyện vượt ra ngoài quyền hạn của tôi...
Ngọc Thụy cười vui vẻ.
- Cám ơn ngài đại sứ... Tôi tin là chính phủ của ngài sẽ chấp thuận lời yêu cầu xin trợ giúp của chúng tôi...
- Tôi cần nói chuyện với White House...
- Chúng tôi sẽ hộ tống ngài đại sứ trở lại nhiệm sở...
Trước khi khép cửa lại Ngọc Thụy cười nói thêm một câu.
- Tình thế gấp rút lắm và chúng tôi cũng không có nhiều thời giờ. Ngài chỉ có bảy mươi hai tiếng đồng hồ...
- Nếu chính phủ tôi không chấp thuận thời cô sẽ làm gì?
- Tôi nghĩ là White House coi trọng sinh mạng của công dân Hoa Kỳ hơn là súng đạn. Hết chiến tranh rồi chính phủ của ngài giữ làm chi đống sắt mục đó...
Ngừng lại giây lát Ngọc Thụy nhìn vị đại sứ Hoa Kỳ với cái nhìn nghiêm lạnh đồng thời giọng nói cũng trầm xuống.
- Tôi xin nhắc cho ngài đại sứ biết là chánh phủ của ngài đừng nên nghĩ tới giải pháp quân sự để giải thoát con tin. Nó chỉ làm máu đổ nhiều hơn mà thôi. Các công dân Hoa Kỳ đã được lính của chúng tôi giam giữ nhiều nơi khác
nhau trong thủ đô Sài Gòn. Nếu có chuyện gì xảy ra thời họ sẽ là những người bị chết trước nhất...
Đại sứ Martin lo lắng vì hiểu được lời đe dọa ngầm của cô gái. Ngọc Thụy lui ra. Năm phút sau một chiếc xe du lịch màu đen đậu ngay cửa. Đình Anh và tiểu đội lính áo rằn hộ tống ông đại sứ Hoa Kỳ trở lại nhiệm sở.