Fiction reveals truths that reality obscures.

Jessamyn West

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2190 / 54
Cập nhật: 2015-12-22 12:32:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7/10
ôi điện thoại cho Vân lúc bốn giờ chiều. Lúc đó, nàng đang ngồi trong phòng khách. Câu chuyện bắt đầu với tiếng cười nhỏ của nàng.
Tôi nói:
- Chú đang gọi cháu từ chỗ làm.
- Ủa, tại sao chú không đi Ðà Lạt?
- Chú trở về vì đường đi không được.
- Chắc Hạ buồn lắm?
- Chưa biết.
- Rồi chú có đi nữa không?
- Chắc là không.
Vân im lặng một thoáng. Tôi hỏi:
- Cháu xin ở lại được chưa?
- Dạ được.
- Chút nữa, chú tới đưa cháu đi chơi, cháu thích không?
Vân im lặng. Tôi lặp lại câu hỏi và chờ.
Vân trả lời nhưng có vẻ bối rối:
- Dạ thích. Nhưng chú có bận gì không?
- Không. Chú rảnh.
- Nhưng chú định đưa cháu đi chơi đâu?
- Ði chỗ nào cháu thích.
- Cháu đâu có biết chỗ nào. Cháu quê lắm mà chú.
- Cháu cứ nghĩ ra một chỗ nào đó.
- Cháu hoàn toàn không biết chỗ nào cả.
- Vậy chú đưa đi đâu cháu đi đó nhé?
- Mấy giờ cháu tới?
- Ðể chú tới. Chú đón cháu tiện hơn.
- Chú có định vào nhà không?
- Vào nhà chứ sao không?
Vân ngần ngại:
- Thôi chú đợi cháu ngoài đường đi. Nhà không có ai nhưng sợ chị người làm biết. Mẹ cháu đi vắng, cháu sẽ biên giấy để lại xin phép. Vậy nhá chú.
- Tùy cháu. Chú sẽ đứng đợi cách nhà cháu một khoảng xa. Gần ngã tư có ông cảnh sát gát chốt đèn đỏ. Cháu biết không?
- Dạ, cháu biết.
- Chú ngừng nhé.
Tôi gác máy. Một lúc sau tôi tới chỗ hẹn. Chờ một lúc thì Tường Vân tới. Trên tay nàng luôn luông có một tờ báo hoặc một cuốn sách. Nàng cầm cho đỡ ngượng và thỉnh thoảng lại lật vài trang. Tôi vẫy một chiếc xích lô và bảo người đàn ông đạp chạy ra phố. Xe ngừng ở một ngã tư đường. Tôi đưa Vân đi bộ hòa vào đám đông trên đường phố buổi chiều. Sài Gòn giờ này vẫn còn nắng và nóng khủng khiếp.
Vân đi bên cạnh mà không hỏi đi đâu. Tôi thích thú điều đó. Tôi lập lại:
- Chú đưa đi đâu Vân đi đó nhé.
- Dạ.
Và tôi đưa Vân vào xem một phim tình cảm. Lúc vào tìm ghế tôi phải nắm tay Vân đi theo người chỉ dẫn, ánh đèn pin của ông ta làm tôi khó chịu. Vân rụt rè trong tay tôi. Lúc ngồi vào ghế tôi thấy Vân nhìn tôi, hai ánh mắt chạm nhau. Vân bối rối nói:
- Phim gì vậy chú?
- Chú cũng chưa biết, hình như là phim tình cảm.
- Cháu ít khi đi ciné lắm. Cháu thường hay đau đầu. Xem phim cháu bị đau đầu luôn.
- Sao lúc nãy cháu không chịu nói. Mình đi chơi chỗ khác?
- Không sao đâu chú.
- Chừng nào thấy khó chịu nói chú dẫn ra nhé.
- Không sao đâu chú.
Suốt cuốn phim tôi không xem được gì. Những hình ảnh nhảy múa trước mắt. Vân ngồi im lặng nhìn lên màn ảnh nhưng tôi đoán Vân cũng không xem được gì. Cả hai, tôi và Vân đều bối rối khi ngồi gần nhau trong bóng tối. Một lúc, Vân hỏi mượn tôi cây viết. Nàng hí hoáy viết trong cuốn sổ tay một lúc rồi đưa cho tôi. Tôi phải chờ một đoạn phim sáng mới đọc được.
“Chú Lam. Tại sao chú chìu cháu quá vậy? Chú có chìu Ly Hạ như thế không, chú làm cháu bối rối quá. Cháu chỉ là con bé khó thương, rồi đây chú sẽ ghét cháu.”
Tôi biên lại bên dưới chỗ Vân viết mấy câu:
”Chú sẽ không bao giờ ghét cháu. Nhưng tại sao cháu gọi chú bằng chú trong khi Ly Hạ gọi chú bằng anh, đổi cách xưng hô lại cho ổn một chút được không?”
Vân viết:
“Cháu quen miệng rồi. Bây giờ đổi lại thấy khó và ngượng quá. Chú đổi trước đi.”
Tôi đưa trả Vân cuốn sổ tay và chúng tôi tiếp tục đối thoại với nhau trong bóng tối bằng cuốn sổ tay cho đến gần hết cuốn phim. Có nhiều khi Vân viết xong, tôi phải chờ đến mười phút mới đọc được vì lúc đó mới có một đoạn phim sáng. Vân đã bớt e dè như lúc đầu. Tôi và Vân nói chuyện nho nhỏ khi phim sắp hết. Lúc đèn bật sáng Vân bảo tôi:
- Chờ tối trở lại rồi mình hãy đi ra, chú.
Tôi hỏi Vân:
- Cháu xin phép đi chơi đến mấy giờ thì phải về nhà?
- Khoảng tám giờ.
- Chú đưa cháu đi dạo mát rồi đi ăn nhé.
Tôi vẫn chưa thay đổi cách xưng hô với Vân trước được. Tôi vẫn e ngại một điều gì đó.
- Chú xem được phim không?
Tôi cười, lắc đầu. Vân cũng cười:
- Cháu ngồi xa màn ảnh quá nên cũng không thấy rõ. Cháu bị cận mà chú.
- Sao cháu không đeo kính?
- Con gái đeo kính kỳ lắm chú.
- Gì mà kỳ? Bị cận thì đeo kính chứ kỳ gì.
- Nhưng cháu thấy dị ghê. Tụi bạn chê chết.
- Cháu không mang kính, mắt lên độ thì nguy.
- Vậy, hôm nào cháu đi đo mắt với mẹ.
Tôi và Vân đi lòng vòng hết những con đường. Một lúc Vân nói cho tôi nghe về Ðà Lạt, về ngôi trường bạn bè và tình cảm của nàng. Tôi nghe và buồn buồn. Tuy nhiên tôi không nói được gì với Vân. Thật ra thì tất cả những gì muốn nói hãy còn quá sớm. Tôi còn nhớ Ðà Lạt, muốn lên Ðà Lạt, thành phố đó như nằm trong tâm hồn tôi. Những lúc buồn chán, một mình, tôi lại nhớ Ðà Lạt với những buổi chiều sương vây lạnh, bến xe hiu hắt trong màn mưa, với những chuyến xe nhỏ đầy bụi đỏ trở về nằm xếp hàng dài. Tôi sẽ gặp lại Tường Vân ở thành phố đó, và tình cảm rồi sẽ khác.
- Chú Lam?
Tôi đưa mắt hỏi Vân. Nàng hỏi tôi:
- Cháu đã lớn chưa chú?
- Cháu còn bé.
- Cháu lớn hơn Ly Hạ chứ chú.
- Cháu bé hơn Ly Hạ.
- Mai mốt cháu về Ðà Lạt, chú nhắn gì cho Ly Hạ không?
Tôi lắc đầu. Vân nói cho tôi nghe về mấy người bạn trai của nàng. Những tình cảm nhỏ nhoi của thời con gái. Một người tên Lộc nào đó, một thanh niên, một cậu học trò, một tình nhân. Tôi lơ mơ nghĩ và tội nghiệp cho Vân. Nàng hãy còn quá nhỏ bé trong tình cảm. Cho dù tình cảm đó mơ hồ như sương khói. Những điều Vân nói chỉ là một biểu hiện mơ hồ của thời mới lớn. Tình yêu không phải những điều để người ta nói. Tình yêu là những gì người ta giữ mãi trong im lặng. Trân trọng, nâng niu.
- Chú buồn à?
- Không, chú đang vui.
- Sao chú không nói chuyện?
- Cháu nói, chú nghe được rồi. Chú nói nữa ai nghe?
- Mai mốt sinh nhật của cháu rồi.
- Cháu có định tổ chức không?
- Cháu chưa biết. Ở đây cháu ít bạn bè. Sinh nhật phải có bạn bè mới vui.
- Nhớ, có tổ chức thì mời chú nghen.
- Dĩ nhiên. Chỉ sợ chú không tới.
- Chú tới chứ.
- Ðể cháu gặp Chi. Mọi chuyện nhờ Chi lo dùm. Năm năy cháu mười bảy tuổi, thổi mười bảy ngọn nến mệt ngất.
- Chú thổi phụ với, đừng lo.
Tôi đưa Tường Vân vào một quán ăn có cửa kính. Buổi tối những tấm màn cửa được buông rủ, giống như trong phòng khách nhà Vân. Tôi cười nói:
- Vào trong này sẽ không sợ ai ở ngoài nhìn thấy. Và cháu khỏi lo.
- Cháu lo gì đâu?
- Trông cháu vẫn có vẻ ngại ngùng.
Tường Vân trêu tôi:
- Chú bảo sẽ đổi cách xưng hô mà.
- Yên tâm, cô bé.
Tôi đẩy cánh cửa nặng nề qua một bên. Người bồi mặc toàn đồ trắng, thắt nơ đen, hiện ra với nụ cười chào mời, hướng dẫn chúng tôi đến bàn ngồi. Trong nhà hàng, đèn thắp bóng vàng, mặt tường chung quanh lót gỗ nâu bóng. Máy lạnh chạy rì rì với tiếng nhạc thật nhỏ. Giờ ăn buổi tối vắng, toàn những người ngoại quốc. Tôi và Vân ngồi chiếc bàn giữa, phía tay mặt, sát vách tường. Bàn ăn được trải khăn trắng tinh. Người bồi đưa cho tôi và Vân hai chiếc khăn trắng tẩm nước hoa, mát lạnh. Trong khi người khác chìa ra hai tấm thực đơn bằng chữ Việt và chữ Anh. Trong tấm thực đơn tiếng Việt có cả chữ Tàu. Tôi nhận tấm thực đơn chữ Việt, ngước mắt hỏi Vân:
- Cháu ăn gì?
- Chú cứ gọi.
- Gọi những món ăn mà cháu thích. Chú có thể thích ngược lại với cháu.
- Chú ăn gì, cháu ăn theo.
- Ăn cơm nhé?
- Dạ, những cái gì thật gọn, chú nhé.
Tôi gọi thức ăn và nước uống. Trong khi Vân nhẹ nhàng dùng khăn lau mặt. Vân hỏi:
- Ở đây có điện thoại không chú?
- Có, ở đằng quầy. Cháu muốn gọi điện thoại?
- Dạ, gọi về Mẹ, để Mẹ đừng mong.
Tôi đưa tiền cho anh bồi và nhờ anh đưa Tường Vân tới chỗ đặt điện thoại. Trong khi thức ăn được mang lên. Tường Vân trở lại nhìn đĩa thức ăn đầy nhóc, nàng thở ra:
- Nhiều quá, chú. Răng cháu lại đau, không ăn được thịt.
- Cháu không nói trước.
- Cháu ăn ít thôi chú nhé.
- Tùy cháu. Có gặp Mẹ?
- Có. Mẹ cháu cũng mới về.
- Mẹ cháu nói gì không?
- Mẹ cháu chỉ dặn về sớm. Không có gì.
Tường Vân ăn những miếng thịt nhỏ nhoi do tôi cắt ra. Nàng có vẻ giống con thỏ con đang nhai lá khoai. Trong khi ăn Tường Vân nói chuyện về chị em nàng. Tôi biết thêm những cái tên mới. Tên con gái. Tường Vy, em kế, Tường Anh, Tường Quân. Tường Lan, Tường Mai, Tường Minh, với vẻ ngỡ ngàng. Vân nói:
- Cháu là chị hai của sáu đứa em.
- Chị không dành ăn chứ?
- Cháu lo lắm chú ơi. Cháu phải đậu, nhưng biết đâu.
- Ðậu hay rớt ăn nhằm gì?
- Con gái thi rớt buồn lắm chú ơi. Khóc suốt một năm học. Phải đậu để mấy đứa em nhìn vào ráng học nữa chứ.
- Cháu lo quá nên đau đầu.
Tôi nhận thấy ở Tường Vân là hai con người khác biệt nhau với số tuổi của nàng. Một lúc nào Tường Vân còn cái vẻ ngây thơ, hồn nhiên của cô gái vừa tròn mười bảy tuổi, lúc khác, Tường Vân có cái vẻ lo âu già dặn của một người lớn hơn. Tường Vân có những cái lo thật đáng thương, cũng như khi thấy nàng hồn nhiên vui đùa rất tội. Sau bữa ăn, tôi biết thêm một chút về hoàn cảnh gia đình nàng. Tường Vân cũng không hơn gì tôi, hai người ở trong một hoàn cảm khá bi đát mà khi lớn lên sống trong không khí đó chả ai hiểu vì sao.
- Cháu buồn không?
- Buồn lắm chú. Nhưng cháu thương cả Bố lẫn Mẹ cháu.
- Ðúng ra không ai muốn như thế.
- Cháu cố không nghĩ gì hết.
- Chúng ta không thay đổi được gì. Tốt nhất là làm như điều cháu nói.
Lúc ra khỏi nhà hàng tôi nhìn đồng hồ và đề nghị với Vân:
- Còn sớm. Mình đi dạo một lúc rồi về.
- Tùy chú.
Tôi đưa Tường Vân tới cửa hiệu bán hoa giấy đường Nguyễn Huệ lựa mua cho nàng một bình hoa mười cành Forget me not màu tím. Tôi hỏi:
- Cháu có thích hoa này?
- Nhưng tại sao lại “đừng quên tôi” hở chú?
- Mai mốt cháu sẽ hiểu.
- Ở Ðà Lạt hoa này nhiều lắm chú.
- Nhưng hoa này không tàn được. Chú muốn cháu để trên trên bàn học.
- Bàn học của cháu nhỏ xíu. Cháu phải dẹp bớt mấy cuốn sách đi mới được.
Tôi trả tiền, ra cửa. Bình hoa được để trong một cái hộp giấy lớn, gói giấy hoa rất đẹp mắt. Tôi nói với Vân:
- Quà sinh nhật của cháu đấy.
- Chú làm cháu cảm động quá.
- Cảm động thôi, đừng khóc.
Tường Vân nguýt tôi một cái dài. Buổi tối đi về hướng bờ sông, gió từ đó thổi lên mát rượi. Tôi nhìn những đỉnh cây nhuộm ánh đèn xanh biếc, con đường sạch mát chạy dài thoải mái trong đêm. Sài Gòn chỉ ban đêm mới đẹp, mới thật sự là một thành phố. Chúng tôi đang đi trên con đường đẹp nhất của thành phố.
- Sài Gòn ban đêm với Sài Gòn ban ngày thật khác xa, chú Lam nhỉ?
- Chú chỉ thích buổi tối ở Sài Gòn từ bảy giờ trở đi.
- Chú thường đi chơi?
- Chú là cái chân đi. Không nơi nào là không có chú. Nhất là về ban đêm.
- Biết rồi. Thanh Chi bảo chú thường trực ở mấy quán cà phê.
- Thanh Chi xạo.
- Chứ chú đi đâu?
- Ði khắp mọi nơi. Thiếu gì chỗ đi. Ðâu phải chỉ có mấy quán cà phê?
- Chú có nhiều bạn?
- Nhiều. Nhưng bạn thân lại ít.
- Chú gầy quá.
Tôi cười. Ðau buồn. Từ lâu tôi chưa hề nghĩ đến sức khỏe của mình. Chưa hề quan tâm đến mình. Bây giờ nghe Tường Vân bảo tôi mới biết mình gầy và như thế chắc tôi còn gầy hơn lời Tường Vân nữa. Tôi đùa:
- Chắc chú phải mua một tấm gương để mỗi ngày nhìn vào xem mình mập ra được bao nhiêu, nếu ăn thật lực vào.
- Chi bảo chú qua cầu có khi gió thổi bay mất.
- Chú cầu được như thế, nhưng sao chú cứ ở lỳ trong cái thành phố đáng ghét này. Mong có trận gió nào thổi chú bay mất tiêu như lời Thanh Chi.
- Thì chú đã bay lên Ðà Lạt gặp Hạ rồi đó.
- Ừ nhỉ, Hạ sắp về.
- Bao giờ, chú?
- Cuối tháng tám.
- Tiếc nhỉ, khi đó cháu không còn ở đây.
Tôi đưa Vân đi vòng trở lại. Hình như chỉ có tôi và nàng trên một quãng đường vắng với rất nhiều bóng cây cô đơn đứng bên lề. Hết đường, tôi nói:
- Bây giờ đi đâu nữa?
- Về thôi, chú.
- Chú muốn đi hoài đừng về nhà.
- Mẹ la chết.
Tôi cười, vẫy một chiếc xích lô. Lúc lên xe Vân im lặng nhìn về phía trước. Tôi nhìn nghiêng thấy mái tóc nàng đổ xuống như một giòng suối đêm. Chiếc xe lướt êm trên con đường vắng. Qua ngang một công viên. Tường Vân hỏi tôi:
- Có bao giờ chú vào công viên không?
- Có chứ. Ngày nhỏ chú trốn học.
- Vào đấy làm gì, chú?
- Lượm sỏi bắn những con chim đậu trên cây.
- Còn bây giờ?
- Chú chỉ ngồi trong quán nước, nhìn những cặp tình nhân nào đó tình tự. Ðẹp lắm.
- Chú có bao giờ như thế không?
- Không. Chú chỉ có một mình, tình tự với ai?
- Chú xạo thấy mồ. Những người yêu của chú đâu? À, chú có nhiều người yêu lắm phải không?
Tôi lắc đầu, cười buồn. Nhưng Tường Vân có vẻ không tin, mà cũng không hỏi gì thêm. Xe qua cầu, gần tới nhà Vân tôi nói:
- Ngày mốt sinh nhật cháu. Chú muốn đưa cháu đi chơi cả ngày, cháu thích không?
- Ở nhà một mình cháu buồn lắm. Nhưng đi cả ngày sợ Mẹ không cho. Chú xin phép giùm cháu đi.
Tôi ngần ngại, từ trước tới giờ tôi chưa làm công việc này. Tôi cười:
- Chú sẽ gồng mình đến xin phép cho cháu. Nhưng nếu mẹ cháu không bằng lòng chú quê chết.
- Mẹ cháu sẽ bằng lòng. Vì Mẹ chỉ sợ cháu đi một mình. Với Mẹ, cháu lúc nào cũng còn bé bỏng, khờ khạo.
- Chú làm việc này lần đầu tiên trong đời.
- Chú chưa xin phép cho ai đi với chú bao giờ sao?
- Chưa.
- Cháu không tin đâu.
Tường Vân hỉnh mũi trêu tôi. Xe dừng lại trước cổng nhà Tường Vân. Tôi trả tiền cho ông tài xế trong lúc Tường Vân ấn chuông. Chị Như ra mở cửa cho chúng tôi. Lúc vào sân tôi thấy hai người đàn bà đi ra. Tường Vân ghé vào tai tôi nói nhỏ gì đó nhưng tôi nghe không rõ. Tôi nhận thấy Tường Vân có vẻ bối rối trước Mẹ. Nàng cũng nói với bà những câu tôi nghe không rõ. Hình như là để giới thiệu tôi. Tôi gật đầu chào hai người đàn bà. Tôi không biết ai là Mẹ cuả Vân. Nhưng lúc vào nhà thì tôi biết rõ. Mẹ Tường Vân hỏi thăm tôi vài câu xã giao. Tôi cũng trả lời vài câu rồi ngồi im. Mẹ Vân nói giọng Bắc lai. Tôi hoàn toàn không hiểu gì về tình cảm người Bắc. Tôi e ngại một cách tự nhiên khi ngồi nghe chuyện giữa Vân và Mẹ nàng. Mẹ Tường Vân còn quá trẻ, vui tính. Tuy nhiên và cũng làm tôi hơi khớp lúc mới bước vào. Một lúc Tường Vân cười cười hỏi Mẹ:
- Sinh nhật con Mẹ phải cho con đi chơi nguyên ngày nhé?
- Ði chi mà lắm thế, con?
- Ði lang thang.
Mẹ Tường Vân đùa:
- Buồn chi mà đi lang thang. Ở nhà chơi với Minh Không vui à?
Tường Vân đưa mắt nhìn tôi. Mẹ Vân hiểu cái nhìn ấy. Bà ngó tôi hỏi:
- Hay là anh Lam đưa cháu đi?
Tôi gật đầu nói mấy câu đại ý nhân ngày sinh nhật Tường Vân tôi định gặp bà để xin phép cho Vân đi chơi trọn ngày. Ði ra khỏi thành phố, về ngoại ô chẳng hạn. Hoặc là đi ăn trái cây trong vườn. Mẹ Vân không nói ra là bà có bằng lòng hay không. Bà chỉ nói đại ý bà ngại đường xa, nhất là vào vườn trái cây chẳng có gì vui. Tốt hơn, nếu tôi có phương tiện nên đưa Vân đi chơi lòng vòng trong phố. Tường Vân cáo từ lên lầu. Tường Vân hỏi tôi:
- Chú tính sao? Ðừng buồn mẹ cháu nhé.
Tôi lắc đầu cười:
- Ðành đi chơi lòng vòng trong phố như hôm nay vậy.
- Mẹ cháu sợ đường xa không yên, lỡ có gì...
Tôi nói:
- Chú biết. Chỉ sợ đi mãi trong thành phố này cháu chán.
- Cháu không chán đâu.
Lúc Mẹ Tường Vân trở xuống, tôi chào bà xin phép về. Tường Vân nói với Mẹ rằng bữa đó chỉ đi loanh quanh trong thành phố. Rồi nàng đưa tôi ra cổng. Chúng tôi còn đứng nán với nhau một lúc. Những chiếc lá bắt ánh đèn đẹp quá làm tôi nhìn mãi. Và Tường Vân đứng cười, mắt chớp nhanh khi tôi vẫy một chiếc xe chạy trờ tới. Tôi băng qua đường và nhìn thấy bóng mình ngã dài dưới chân. Tường Vân vẫn đứng nhìn tôi dưới những chòm lá lấp lánh ánh đèn. Ðêm hình nhưng đã muộn. Tôi ngả người trên ghế, nhắm mắt lại và ngỡ chiếc xe đang lướt trong một giấc mơ thật dịu dàng. Trong giấc mơ Tường Vân vẫn nhìn tôi đăm đăm.
Như Mưa Ngọt Ngào Như Mưa Ngọt Ngào - Từ Kế Tường Như Mưa Ngọt Ngào