Người ta không đánh giá tôi bởi số lần tôi vấp ngã mà là những lần tôi thành công. Bởi thành công đó chính là những lần tôi thất bại nhưng không bỏ cuộc.

Tom Hopkins

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4033 / 187
Cập nhật: 2020-02-22 17:27:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ôi được vợ con tiếp tế thực phẩm, thuốc men, tiền bạc vào mỗi thứ năm hàng tuần như tất cả mọi tù nhân khác. Tôi ở phòng B, nhà tù sở Công An đã qua hai tuần lễ. Đầu tuần lễ thứ ba, người ta cho phép chúng tôi cắt tóc, cạo râu. May mắn, tôi gặp Nguyễn Văn Sao làm giò chả ở Gò Vấp, cung cấp hàng cho toàn khu Chợ Cũ, Sàigòn. Anh ta vượt biên từ Bắc vô Nam năm 1956, được các linh muc Gò Vấp giúp đỡ và cưới vợ cho anh ta. Sau 30-4-75, Sao là Chủ tịch ủy ban nhân dân ấp, có súng lục và nhiều quyền hành. Anh đã đào nhiệm, theo ông Đinh Xuân Cầu và bị bắt cùng ông Đinh Xuân Cầu trên đường vào nhà Thái Ngũ lần thứ hai. Ngày Sao và Cầu bị bắt, tôi biết nhưng không biết nơi giam nhốt họ. Khi tôi thấy tên ông Cầu ghim trên miếng bìa đỏ, tôi cũng chỉ đoán ông nằm ở Sở Công An. Tôi để Sao giò vẽ bản đồ Phú Quốc bằng cái tông-đơ cùn nhay tóc trên đầu, sau gáy tôi mà nói chuyện riêng.
- Ông Cầu đâu?
- Phòng A. Ông vững dạ, không ai khai gì về ông cả.
- Bảo đảm?
- 100 phần 100
- Nói với ông Cầu là ông ấy ngây thơ lắm, ông ấy bị thằng mục sự chó đẻ Trương Phiên giảng tin độc rồi. Nó nói phét, hoàn toàn nói phét.
Sau ngày Giáng Sinh năm 1975, tại nhà tôi, số 225 bis Công Lý Sàigòn 3, có một cuộc họp tay tư. Đinh Xuân Cầu, Trương Phiên, bà Th. và tôi. Linh mục Trần Hữu Thanh, theo lời Trương Phiên (tôi chưa hề gặp gỡ linh mục Trần Hữu Thanh trước kia và sau này), cứ đòi mời vợ ông chủ báo quá cố V. S. Phan Mỹ Trúc tham gia nội các. Trương Phiên từ chối. Ông Phiên đã mời bà Th., tiến sĩ, tốt nghiệp tại Mỹ. Bà Th. đồng ý nhập cuộc. Lý do Trương Phiên chê bà Trúc vì bà này có tiệm sách Giải Phóng ở Thị Nghè. Cuộc họp chớp nhoáng. Tôi được giao nhiệm vụ đi mời bà Khánh Trang, cựu bí thư của bà Ngô Đình Nhu hay bà Nguyễn Văn T., chị của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Nội các Đinh Xuân Cầu có sự tham gia của ông cựu Giám đốc VTX, thứ trưởng Bộ Thành Niên và Tuyên Truyền. Ghế Bộ trưởng còn để trống. Trương Phiên bảo mọi người tự ý chụp một kiểu ảnh, lấy chợ sách Lê Lợi làm phông, nhớ tìm quán bán lịch 1976 để ngoại quốc có chứng cớ cụ thế là nội các thành lập ngay Sàigòn rồi mới lưu vong. Tôi đến nhà bà Khánh Trang, đường Hồng Thập Tự, Sàigòn. Gặp một lô nón cối, giép râu, nói năng trỏ trẻ, không dám nói chuyện thật với bà Khánh Trang nữa. Lại ghé về đường Pasteur, vào kiếm bà Nguyễn Văn T.
- Chuyện đứng đắn hay chuyện phong thần hả, Duyên Anh?
- Chuyện đứng đắn.
- Duyên Anh có tham gia không?
- Có
- Làm gì?
- Báo.
Bà T. cáo lỗi vì bận tiếp thân chủ của bác sĩ Nguyễn văn T.. Một cách tiễn khách khéo léo. Chuyện gom góp một số người có uy tín để chiến đấu chống cộng sản sau 30-4-75 đã trở thành chuyện … phong thần. Nghĩ mà buồn bã và xót xa cho thân phận trí thức. Và tội nghiệp ông Đinh Xuân Cầu. Người ta đã và đang vượt biên trốn khỏi Việt Nam bằng thuyền gỗ đó, có chi là phong thần? Tôi bỗng nổi máu – sự nổi máu biến tôi thành tên biệt kích cuối cùng ra khỏi tù – Trước hết tôi đi tìm Bùi Duy Tâm. Ông Khoa trưởng đại học Y Khoa Minh Đức của tôi đã bị nhúm vô trại cải tạo Long Giao 3 tháng. Như Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Duy Tâm về sum họp gia đình trước Giáng Sinh. Tôi nói với Tâm sự nhập cuộc của tôi. Anh không có ý kiến gì cả, chỉ vỗ vai tôi một cách thân tình:
- Ai dám chọi nhau với cộng sản lúc này đều can đảm hơn người. Chỉ lúc này mới chứng tỏ được rằng chống cộng sản để không ăn cái giải gì ngoài lý tưởng đích thực của mình. Chức tước là thứ hình thức cần có ở một giai đoạn nào đó. Anh đừng câu nệ. Rồi ai cấm anh nhả nó ra. Tôi chưa biết cuộc phiêu lưu đưa anh về đầu, vào đâu, nhưng anh hãy yên tâm, còn ở Sàigòn ngày nào, tôi lo sức khỏe cho chị và các cháu giùm anh.
Từ giã Bùi Duy Tâm, tôi tạt sang Nguyễn Tuấn Anh. Cũng nói với Tuấn Anh như nói với Tâm. Anh giữ tôi lại khá lâu. Cuối cùng, anh tiễn tôi về với câu dặn dò cần thiết:
- Duyên Anh thận trọng nhé, tôi nghe nói nhiều người bị bắt rồi đấy!
Đời tôi có nhiều lần ngông và lắm lần dại. Mười chín tuổi, tôi đã xách khăn gói tới nằm ở hành lang Tòa Thị Chính Hà Nội, đợi người Pháp đến đón sang phi trường Gia Lâm, bay vào Sàigòn, tứ cố vô thân. Hai mươi tuổi, tôi theo đảng Duy Dân lên Ban mê Thutc, lập chiến khu chống Mỹ, Diệm, Pháp, Bảo Đại và cộng sản. Và cả Vatican nữa! Tôi học tập Tru trị lục của Lý Đông A, ngâm thơ chính khí Lý Đông A, nghiên cứu tư tưởng chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội Lý Đông A. Rồi tôi tẩu hỏa nhập ma biến thành một ông nhóc quốc gia cực đoan rẻ tiền và lạc hậu. Rẻ tiền và lạc hậu vì không ai hiểu nổi tâm hồn Lý Đông A. Đàn anh của tôi cũng bị tẩu hỏa nhập ma. Khi tôi thấy có những bốn hệ phái Duy Dân ở Sàigòn, tôi cảm thấy mình bị lừa gạt niềm tin. Và tôi đã diễn tả trong Ảo vọng tuổi trẻ. Nhưng tôi nhờ Duy Dân mà biết Hòa Hảo, vào núi sống với Bảy Đởm, làm Cao Ba Quát cho giặc cỏ Lê Duy Mật một thời gian. Hai mươi nhăm tuổi, nhờ vài cái truyện ngắn, tôi được miễn bằng cử nhân, với sự tiến dẫn của ông Nguyễn Bích Liên, người ta nhận tôi làm Biên tập viên và người ta đẩy tôi lên hàng chủ bút! Hai mươi tám tuổi, tôi chửi nhau với Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Tú, bỏ nghề công chức ra làm báo. Bắt đầu làm báo là tôi viết bài quan trọng cho trang nhất. Từ đó là ngông nghênh và ngông cuồng. Vì từ đó tôi biết rõ trí thức khoa bảng và các thần tượng chính trị, thần tượng văn học nghệ thuật. Ba mươi lăm tuổi, tôi nhận ra tôi ngông nghênh láo lếu. Tôi bắt đầu làm lại bằng Tuổi Ngọc. Tôi cố nhịn nhục cuộc đời để dứt bỏ cái ngông nghênh ngu dại của mình. Bốn mươi tuổi, đúng cuối năm 1975, tôi lại ngông. Lần này không biết định nghĩa chữ ngông ra sao vì lần này tôi bị tước đoạt hết, kể cả quyền con người. Tôi nhận lời làm Bộ trưởng Thanh Niên và Tuyên Truyền cho nội các Đinh Xuân Cầu.
Ông Cầu không phải người đầu tiên mời tôi tham gia chiến đấu. Trước ông ta, khoảng tháng 8-1975, một người gọi dây nói cho tôi (bấy giờ, điện thoại nhà tôi chưa bi cắt) bảo rằng có người bạn cũ, đồng hương, muốn gặp tôi. Câu chuyện trong điện thoại:
- Tùy anh lựa chọn địa điểm và giờ giấc.
- Anh phải cho tôi biết tên người muốn gặp tôi.
- Để anh ngạc nhiên. Anh yên tâm, hoàn toàn thiện ý.
- Còn anh?
- Tôi hay đánh phé với anh ở nhà Trần Dạ Từ. Mấy năm trước, tôi là chánh sự vụ sở chương trình của Đài Sàigòn.
- Chiều mai, nhà hàng Kim Hoa, 5 giờ.
- Anh đến một mình nhé!
- Tôi đã không đến một mình. Đặng Xuân Côn đến với tôi. Côn đến nhà hàng Kim Hoa, đường Lê Lợi, từ 4 giờ 30. Tôi dễ dàng nhận diện người bạn tây-đầm-bồi-xì. Họ đợi tôi ở chiếc bàn góc phòng. Người bạn cũ, đồng hương của tôi rất … xa lạ với tôi. Chúng tôi chưa hề quen nhau, gặp nhau. Anh ta tự giới thiệu.
- Tôi là em vợ của Đào Quang Huy, dân Thái Bình.
Ông Đào Quang Huy, tiến sĩ luật khoa, luật sư Tòa Thượng Thẩm Sàigòn, thầy cũ của tôi, người bị tôi tặng hỗn danh Huy Cà Chua vì cái mũi to và lúc nào cũng đỏ. Tôi không thích ông Huy từ ngày ông ta làm cố vấn cho Bộ trưởng Thông Tin Linh Quang Viên và ra ứng cử dân biểu đứng dưới tên Trần Thế Minh “tâu tắng”.
- Anh gặp tôi có chuyện gì?
- Việc chung. Nhưng anh mời anh Côn sang dùng chung bữa với chúng ta.
- Xin lỗi, tôi đề phòng.
Đặng Xuân Côn không biết người biết rõ mình. Chúng tôi đi vào chuyện trước khi ăn uống. Tôi học tập Võ Tòng đối xử với Thi Ân.
- Tôi ở rừng về Sàigòn mua thuốc. Tôi trốn trình diện. Chúng tôi muốn mời anh nhập cuộc chơi mới.
- “Chúng tôi”?
- Đàn anh và thầy của tôi, các ông đại tá. Họ đã họp, đã chọn lựa và, cuối cùng, quyết định chọn anh vì ảnh hưởng sâu rộng của anh đối với tuổi trẻ. Tôi được chỉ định về Sàigòn mời anh, nhờ tôi là dân Thái Bình, em vợ anh Đào Quang Huy và chơi thân với anh Chánh sở. 1
- Tại sao chỉ mời tôi?
- Muốn các anh không cộng tác với địch.
- Phần đông nhà văn của chúng ta nghèo, anh biết chứ?
- Các ông ấy sẽ lo vấn đề mưu sinh, sẽ có tiền trao tận tay từng anh em.
- Đó là vấn đề tiên quyết. Còn tôi, tôi vào rừng?
- Anh hoạt động ở ngay Sàigòn, khi lâm nguy mới rút vào rừng.
- Cái thân tôi kể như tàn tạ rồi, chẳng sợ ai gài bẫy mình nữa. Cộng sản muốn bắt tôi lúc nào là bắt nên tôi không nghi ngờ gì anh cả. Có điều, muốn tôi nhập cuộc, phải đưa vợ con tôi ra khỏi Việt Nam. Khi tôi biết vợ con tôi an toàn ở ngoại quốc, các anh bảo tôi làm gì tôi cũng làm.
- Anh cam kết?
- Phải, tôi cam kết.
- Tôi sẽ về cho các ông ấy biết điều kiện của anh và sẽ gặp anh tại nhà anh. Tôi sẽ lái chiếc Cortina số ED, đậu bên kia đường. Thời gian chờ đợi, cần liên lạc gì, anh liền lạc với anh Chánh sở. Anh ấy bán xăng lẻ dưới gốc cây đường Trần Quý Cáp, lưu động dọc đường nầy. Đó là một trong những địa điểm của chúng tôi.
- Tôi nhớ.
- Anh Duyên Anh, chẳng cần dấu diếm anh làm gì, nếu hôm nay anh không nhận lời mới của chúng tôi, chúng tôi sẽ bắt anh đưa vào rừng.
Tôi giật mình. Rồi nhìn chung quanh. Có đến năm người nhìn tôi, cười thân mật.
- Sự hợp lý của anh là điều kiện anh nêu ra. Ta cứ coi đây là buổi sơ ngộ.
Ngày hôm sau, tôi đảo dọc đường Trần Quý Cáp tìm người bán xì-phé. Anh ta cho tôi biết em vợ Đào Quang Huy là sĩ quan tình báo và những người có mặt hôm qua đều là biệt kích. Người anh em đã tin tôi, tôi đặt hết niềm tin vào họ. Hai tuần sau, vào một buổi sáng trời mưa, người anh em bấm chuông cổng nhà tôi. Tôi nhìn sang bên kia đường có chiếc Cortina ED đậu. Người anh em che ô đến, dáng điệu bình thản. Tôi biết, bên ngoài còn nhiều anh em khác.
- Các ông ấy đồng ý. Anh cho chị và các cháu chuẩn bị sẵn sàng. Như là đi du lịch, thật giản dị. Sẽ có một em gái trạc 16 tuổi, mặc quần áo hướng đạo đến báo tin và hẹn giờ giấc, địa điểm. Chị và các cháu sẽ đi bằng thuyền nên anh phải lo thuốc chống say sóng. Chuyến này, chị và các cháu đi với một nhân vật quan trọng của chúng tôi. Nếu lỡ, chuyến sau, chị đi với những người vượt biên. Sau khi chị và các cháu an toàn ở Mỹ, chúng tôi sẽ thảo luận kế hoạch đối kháng kẻ thù. Anh cần hỏi gì thêm?
- Nhà tôi được mang theo tiền bạc chứ?
- Được. Theo tôi, vàng bạc, hột xoàn nên để lại. Đi tay không là an toàn nhất.
- Tôi sẽ nghe lời anh.
- Tôi về, ngồi lâu không tiện vì anh có thể bị chúng nó theo dõi.
Người anh em thật chí tình. Ba hôm sau, buổi chiều, một em bé gái, mặc quần áo hướng đạo, đến bấm chuông. Vợ tôi đang lên cơn sốt nặng lúc đó. Tôi dẫn em bé vào phòng. Em bé chứng kiến vợ tôi đang vật vã trên giường. Tôi nhờ em nói giùm là chuyến nầy vợ con tôi không thể đi. Em bé trở lại buổi tối, bảo tôi yên tâm đợi chuyến sau và phải đợi lâu. Mãi đến khi ông Đinh Xuân Cầu tìm tôi, em bé gái vẫn không trở lại trong thao thức chờ đợi của tôi. Tôi đã mất một cơ hội. Chẳng phải tại tôi. Định mệnh đã an bài như thế, đã an bài nỗi thống khổ mà vợ con tôi cam đành chịu đựng cùng với tôi gần trọn một thập niên. Người anh em tuyệt tích. Tuyệt tích luôn người bạn xì-phé bên đường Trần Quý Cáp. Tạm biệt anh em, chúng ta sẽ gặp lại hình ảnh kỷ niệm tuyệt vời ở phòng 6 khu C1, đề lao Gia Định với Thanh Thương Hoàng Nguyễn Thanh Chiểu, chủ tịch Nghiệp Đoàn Báo Chí Việt Nam.
Ông Đinh Xuân Cầu mừng rỡ khi tôi quyết định dấn thân. Tôi muốn giúp ông ta, đi mời nhiều nhân sĩ, trí thức nhưng tất cả đều cho chuyện lập nội các, họp báo quốc tế rồi lưu vong là chuyện phong thần. Miếng đỉnh chung không nhìn thấy, chỉ nhìn thấy con đường dẫn vào nhà tù, vào sự chết thảm, chết vô danh, chết không một nấm mồ; danh vọng không nhìn thấy chỉ nhận thấy cái án tích phản động tập trung cải tạo, sự mỉa mai của bọn thiếu can đảm nhưng đầy ác ý, sự phiền trách của vợ con, nên cái hợp thời và khôn ngoan nhất là tìm cách vượt biên hay ngồi yên hưởng nốt của cải còn lại. Tôi không muốn nhận tôi là người can đảm. Tôi không thích danh vọng chính trị vì tất cả danh vọng của Bộ trưởng, Thủ tướng, Tổng thống Việt Nam không lừng lẫy và vĩnh cửu bằng danh vọng của một nhà văn nổi tiếng. Tôi đã nổi tiếng, ở Việt Nam, chẳng thèm nhờ chức tước Bộ trưởng mà nổi tiếng. Nhận làm Bộ trưởng, lúc này, không ngu thì ngông. Tôi ngông. Thế thôi. Và tôi nghĩ tôi đủ khả năng làm đến nơi đến chốn nhiệm vụ người ta giao phó cho tôi. Điều oái oăm trong số phận của tôi là, người ta chỉ giao phó nhiệm vụ cho tôi, tin tưởng tài năng của tôi vào thời gian bóng xế, vào không gian quạnh hiu của nền chống cộng, vào thời buổi chẳng ai còn một đồng bạc nào cho nhau, chẳng lạc quyên ở đâu nửa cắc để uống nước mía mà làm … Bộ trưởng!
- Ông Cầu, khi ra ngoại quốc, ông tìm người khác thay thế tôi nhé!
- Ông phải làm việc tới khi thành công.
- Tôi không biết làm chính trị. Tôi nói trước kẻo ông sẽ trách tôi, sang nước ngoài, tôi làm cu li mưu sinh. Bấy giờ, mọi việc dễ dàng, ông kiếm Bộ trưởng không khó. Tôi nhắc lại: Tôi chỉ tin ông, không tin Trương Phiên. Và tôi cũng không tin Trương Phiên đem vợ con tôi ra khỏi Việt Nam.
- Thế tại sao ông nhận lời?
- Vì ông tin tấm lòng trong sách của tôi, tin tài năng của tôi. Cũng vì tôi tuyệt vọng, tôi muốn tìm từ trong nỗi tuyệt vọng một niềm hy vọng mới. Tôi đã là con số zéro, tự làm thành con số 9. Hôm nay, tôi lại trở về con số zéro. Tôi không tiếc rẻ sự mất mát. Sự khó khăn của tôi hiện tại chỉ là trách nhiệm của tôi đối với vợ con tôi. Nếu tôi độc thân hay nếu vợ con tôi đã di tản, tôi chấp hết.
- Tôi xin được phép chia xẻ một phần trách nhiệm với ông.
- Cám ơn ông. Tôi sẽ chọn lựa một người làm việc chung với tôi.
- Ông toàn quyền.
Tôi rủ Mai Thảo lên Kim Hoa ăn sáng, nói cho anh ta biết tôi đã tham gia một tổ chức chống cộng sản. Tôi cũng trình bày cái nội các lưu vong và mục đích của nó. Tôi mời Mai Thảo vào cuộc chơi. Anh ta bằng lòng. Rất khiêm tốn, tôi nói:
- Tôi biết ông không câu nệ chức này, chức nọ. Hãy coi tôi làm chủ nhiệm và ông làm chủ bút hoặc ông làm phụ tá.
Mai Thảo cười:
- Xong rồi.
- Ông vì vợ con tôi mà đừng nói chuyện này với ai.
- Tôi hứa.
Mai Thảo hứa và Mai Thảo nuốt lời hứa. Anh ta đem chuyện chống cộng sản cô đơn và lãng mạn của tôi (và của anh nữa vì anh ta đã nhận lời) kể vung vít. Chắc chắn, với sự mỉa mai của anh ta và với những nụ cười khinh mạn của những người nghe anh ta kể. Ít nhất đã 3 người nghe Mai Thảo kế. Doãn Quốc Sĩ, khi nằm chung đề lao số 3 khu C1 đề lao Gia Định, đã thuật lại với tôi. Hoàng Hải Thủy, khi tôi trở về cuối năm 1981, đã thuật lại với tôi và trách móc: “Tại sao mày rủ thằng Mai Thảo mà không rủ tao?” Bà Nguyễn Đình Vượng tâm sự với vợ tôi rằng: “Ông Mai Thảo dặn tôi đừng tin Duyên Anh”, cứ làm như thể tôi sẽ … quyên vàng của bà ta để kháng chiến! Mai Thảo không hề biết chính tôi phải ủng hộ tổ chức của tôi một lạng vàng. Và trong cái lạng vàng chia cắt ra mua xăng nhớt, có mấy chục dúi vào tay Mai Thảo ở nhà hàng Kim Hoa. Nhớ kỹ đi, Mai Thảo. Nhớ thêm có một lần tôi chở Mai Thảo bằng chiếc R-8 xuống làng Báo Chí kiếm Nguyễn Đình Toàn, ăn nhậu ở nhà Toàn, kéo nhau lên Phan Đình Phùng, hút thuốc phiện trên Quang Minh Đỉnh. Lần đó, Mai Thảo khuyến cáo tôi: “Đừng nói gì với Nguyễn Đình Toàn, miệng nó hở lắm”. Trong số nhà văn Việt Nam, tôi có nhiều kỷ niệm với Mai Thảo. Tôi không hề dính dáng tới Sáng Tạo hay Nghệ Thuật của anh ta. Tôi chơi với Mai Thảo khi tôi đã có Hoa Thiên Lý, Thằng Vũ, Mây Mùa Thu. Kỷ niệm khởi sự, Mai Thảo không biết, không muốn biết. Lúc ấy, anh ta nằm ở Grall để … tị nạn tình yêu sau khi bị Lê Quỳnh sửa một trận kỹ lưỡng, rạch trán Mai Thảo vì Mai Thảo dan díu với Thái Thanh. Năm giờ sáng, Anh Ngọc mò lên toà soạn nhật báo Sống, yêu cầu chúng tôi loại bỏ cái tin “từ thành đến tỉnh”, thứ tin xe cán, chó chết, “Mai Thảo bị đánh ghen”, nằn nì chúng tôi và xin các báo bạn đừng đăng tin này, đừng tạo ra xì-căng-đan ầm ỹ. Chúng tôi đã “bao kín”. Tôi quen và thân Mai Thảo từ đó. Được nghe một chuyện tình lớn của anh ta, được nghe tâm sự ủ ê của lãng tử độc thân, tôi mến Mai Thảo. Anh ta trầm lặng, anh ta đứng đắn. Nhưng, cuối cùng, anh ta đã dẫm lên lòng quý mến của tôi dành riêng cho anh ta. Có lẽ, anh ta tưởng tài năng của anh ta quần chúng thiên hạ, bất khả xâm phạm chăng? Có lẽ, anh ta tưởng tôi sẽ chết rủ trong ngục tù, chẳng còn dịp gặp anh ta nữa chăng? Tôi đã hiện diện. Tôi còn sung sức. Mai Thảo thì tàn tạ, cằn cỗi rồi. Tôi không hề có ý “tính sổ” với anh. Chỉ nhắc nhở anh một sai lầm đi ra ngoài cái thiên chức của một nhà văn tự nhận mình là “chef de file” khi anh rỉ tai với Nguyễn Tuấn Anh: “Duyên Anh bậy lắm, trong tù, nửa đêm nó bảo anh em đun nước pha cà phê uống, rồi nó uống một mình!” Làm gì có chuyện ấy, làm như có chuyện xích lô chạy ở Pleiku như anh viết trong tiểu thuyết của anh. Anh chưa có một ngày trong tù cộng sản nên anh không biết rằng, ngay cả cả phê cũng bị cấm đem vào nhà tù nói chi lửa bếp. Ở đề lao Gia Định, đến tháng 8-1976, cà phê và trà bị cấm tiếp tế. Trước đó, cà phê được phép và chỉ pha bằng nước nóng của trại phát buổi sáng và buổi trưa. Tù nhân nào hâm đồ, đun nước, bằng bao túi ni lông trong xà lim, bị phát hiện, sẽ bị còng chân nhốt ở cachot, sẽ bị cấm viết thư, nhận thư và thăm nuôi. Ở Chí Hòa, kỷ luật khe khắt hơn. Bị gọi ra đánh sưng mày mặt. Ở các trại tập trung, nếu lén lút gởi mua được cà phê, tù nhân pha ngoài bãi lao động hoặc chủ nhật tự do nấu nướng trong bếp của trại. Tôi thấy Thế Phong xếp anh vào loại nhà văn viễn mơ không sai. Anh ham ngồi xích lô, nên anh cho nhân vật của anh ngồi xích lô trên đường dốc Pleiku. Anh ghét tôi, ghét kẻ luôn luôn yêu mến anh, ghét kẻ thường xuyên thù tạc anh champagne và vin, ghét kẻ luôn luôn bênh vực anh, ghét kẻ luôn luôn dùng uy thế của mình với các nhà xuất bản để bán tác phẩm dùm anh khi anh đã hoàng hôn xế bóng và anh cho tôi “pha cà phê trong ngục thất nửa đêm” và nhiều chuyện bịa đặt nham nhở khác. Anh Mai Thảo, với anh thì tôi chỉ cần nói sự thật. Và anh đừng quên không phải là tôi không có tài tưởng tượng, thêu dệt.
Đầu tháng giêng năm 1976, ông Đinh Xuân Cầu phát một tín hiệu mới: Một nửa nội các ra đi, một nửa ở lại hoạt động ngay tại Sàigòn. Tôi đến căn nhà của người thợ may, anh ruột của Trần Văn Lợi, khu chợ An Đông, nằm trên gác cùng với ông Cầu. Bây giờ, tổ chức có thêm Đặng Xuân Côn, đặt địa điểm liên lạc với Trương Phiên tại trụ sở Mai Hà công ty, đường Lê Lợi. Sáng 2-1-76, Đặng Xuân Côn tới An Đông để tiễn chân tôi. Buổi trưa, Trương Phiên xuất hiện. Ông ta nói tình hình bất ổn trong chiến khu. Nguyễn Cao Kỳ đã về nước, khống chế lực lượng của Bùi Thế Lân và bắt giam Lân. Kỳ muốn nắm nội các! Trương Phiên phàn nàn linh mục Trần Hữu Thanh không dứt khoát đi hay ở. Chuyến đi phải hoãn. Tôi ngỡ ngàng một chút và ngờ vực nhiều chút. Khởi sự, nội các họp báo quốc tế, cầm chân các thông tin viên bốn tiếng, rút vào bưng, xuất ngoại. Rồi một nửa nội các ra đi không kèn không trống. Rồi tình hình chiến khu bất ổn. Và, sau hết, Trương Phiên bảo tôi:
- Anh đừng về nhà nữa. Công an của phòng chính trị bảo vệ đã bao vây nhà anh.
Trương Phiện dặn dò chúng tôi cách khai báo, nếu rủi ro bị bắt. Phiên quả quyết người của tổ chức nằm ở hàng ngũ công an chấp pháp Sở Công An, không sợ hãi gì cả, anh em sẽ giải thoát. Tôi thực sự lưu vong ở … Sàigòn. Người ta tìm một căn nhà ở Tăng Bạt Hổ, đưa ông Cầu và tôi đến tá túc. Chủ nhà là một kỹ sư nông nghiệp hồi hưu, người miền Nam. Ông cụ biết mưu đồ của chúng tôi và tỏ ra quý mến chúng tôi. Cụ bà càng tha thiết, quyến luyến. Các cụ có 2 người con trai, một du học bên Pháp, ở lại, lấy vợ Pháp; một phi công trực thăng, đã hy sinh tại mặt trận Pleiku. Trần văn Lợi giới thiệu tôi đến đây. Ba người con gái của cụ, một cô là hotesse de l’air đường bay quốc ngoại, đã lấy chồng; hai cô đang còn là sinh viên và là độc giả của tôi. Rất lãng mạng, dù trong nghịch cảnh, hai cô mường tượng nhân vật Dũng cách mạng của Nhất Linh là tôi. Và tôi, tôi cũng thấy ở một cô, dáng dấp của Loan. Nếu sự “bôn ba" của chúng tôi chỉ là một trò chơi của gián điệp Mỹ Trương Phiên thì đau đớn quá. Trò chơi này đã xấc xược bước lên niềm tin của nhiều người bằng gót giày thô bỉ của nó. Tôi đã nghĩ, sau này, nếu tôi còn sống và được viết không gây nguy hai chi đến gia đình ân nhân của tôi, căn nhà số chẵn đường Tăng Bạt Hổ phải là một truyện dài tình nghĩa. Nó phải được ghi rõ số nhà cùng tên tuổi thật của những người cư ngụ trong đó.
Trương Phiên lại đến Tăng Bạt Hổ. Ông ta đưa cho tôi chút tiền. Khi Trương Phiên về, tôi và Đinh Xuân Cầu thảo luận trong nỗi bực tức của tôi.
- Tôi không tin những gì Trương Phiên nói.
- Tôi tin.
- Tôi cũng không tin nó vừa đi Mỹ về.
- Tôi tin.
- Ông tin là quyền của ông, tôi muốn tìm hiểu sự thật với chứng cớ cụ thể.
- Tôi có chúng cớ cụ thể.
- Hai tuần nữa, không rời khỏi Việt Nam, tôi về nhà tôi. Tôi không muốn bị bịp.
Tôi bàn với Đinh Xuân Cầu cái kế hạ sách của tôi bắt trói Trương Phiên lại, sai Sao Giò tra tấn y, Trương Phiên sẽ phải khai sự thật. Ông Cầu cười. Tôi cười. Chúng tôi cười rũ rượi, cười ngây ngất. Đinh Xuân Cầu, rốt cuộc, chỉ là một nghệ sĩ, ngây thơ và mơ mộng. Ông ta đã vẽ ra cảnh đất nước toàn thiện, toàn mỹ khi quyền bính về tay người quốc gia chân chính.
- Nếu Trương Phiên bị bắt, tôi bảo đảm, chỉ vài tháng sau nó được tự do.
- Tại sao?
- Vì nó là gián điệp.
- Còn ông?
- Tôi chết mục trong tù.
- Còn tôi?
- Thôi, đừng nói chuyện này nữa, ông Duyên Anh.
Ông Cầu rời Tăng Bạt Hổ đi đâu, tôi không biết. Tôi ở lại đây một tuần lễ. Khi tình yêu của tôi với cô con gái út của ông cựu kỹ sư vừa chớm nở thì Sao Giò chở tôi đến căn nhà của ông trùm xóm đạo, đường Tô Hiến Thành, Hòa Hưng. Người ta đã tổ chức cầu nguyện cho chúng tôi. Người ta đã cung phụng cho chúng tôi những gì người ta có. Người ta tin tưởng chúng tôi. Chắc chắn, tôi phải tìm cách giết Trương Phiên, nếu trò chơi của nó làm mất niềm tin của nhiều người. Ông Cầu, Sao Giò và tôi tá túc tại Tô Hiến Thành hai ngày. Chúng tôi di chuyển xuống ngã tư Bảy Hiền. Các chức sắc Xóm Mới thay phiên nhau đến thăm chúng tôi. Tôi áp lực với ông Cầu phải bắt Trương Phiên nói sự thật. Ông Cầu đi gặp Trương Phiên.
- Tôi đem các con tôi ra thề với ông rằng, chính mắt tôi, đã coi những dias mà Trương Phiên chụp đứng cạnh Lý Quang Diệu. Trương Phiên nói, để chứng minh sự thật, y sẽ đưa Ngô Quang Trưởng về Sàigòn gặp chúng ta.
- Tôi vẫn chưa tin.
- Vì ông tỏ vẻ không tin nên Trương Phiên có ý đề phòng ông.
Tôi nổi giận:
- Nó đề phòng tôi, tôi sợ gì nó!
Ông Cầu trấn an:
- Ông đừng hiểu đề phòng theo nghĩa xấu. Ngày mai, tôi hẹn Trương Phiên ở nhà em tôi, Đinh Xuân Thọ, đường Nguyễn Hoàng.
Chúng tôi đợi Trương Phiên. Ông ta đã tới. Trương Phiên trả lại tôi một lạng vàng. (Tổ chức mượn tôi 2 lạng). Ông ta đưa tôi coi một tờ báo bí mật in roneo của Phục Quốc. Rồi ông ta nói:
- Nếu các ông nóng lòng ra đi, tổ chức sẽ chỉ lo các ông tới Thái Lan thôi. Tương lai chính trị của các ông sẽ mất mát nhiều, vì các ông khó trở về Việt Nam.
Tôi nói:
- Tôi không cần tương lai chính trị, không cần ra đi. Tôi chỉ cần biết ông kéo dài trò chơi này bao lâu và trò chơi của ông nhằm mục đích gì?
Trương Phiên nghiêm nghị:
- Trước hết, tôi không phải là cộng sản. Thế thì hành động của chúng ta không phải là trò chơi.
Tôi đập bàn:
- Vậy các ông hành động đi, tôi bỏ cuộc.
Tôi về nhà tôi. Tôi không thấy một dấu hiệu nào của sự bao vây, theo rõi tôi. Sao Giò vẫn liên lạc tôi qua Đặng Xuân Côn. Tôi biết ông Cầu đã gặp Thái Ngũ ở Chợ Lớn và đã nhận được tài trợ của Thái Ngũ. Ông Cầu hẹn tôi ở Bảy Hiền. Tôi giới thiệu Hoàng Ngoc Thân với ông Cầu. Ông ta cho chúng tôi hay mọi diễn tiến tốt đẹp. Cuối tháng 1-1976, ông Cầu và Sao Giò bị bắt trên đường vào nhà Thái Ngũ. Chính Trương Phiên lên Nam Hà công ty báo tin này cho Đặng Xuân Côn. Trương Phiên hẹn gặp tôi ở nhà Đặng Xuân Côn. Ông ta đã thất hẹn. Sau Đinh Xuân Cầu, linh mục Trần Hữu Thanh bị bắt. Rồi Trần Thiện Ngọ, Hà Tường Cát … Tôi bắt đầu lo lắng. Ăn tết xong, tôi vẫn chưa bị bắt. Đặng Xuân Côn thường xuyên liên lạc với Trương Phiên. Ông ta nói với tôi rằng không muốn gặp tôi vì tôi nóng tính. Côn có vẻ tin Trương Phiên, ít nhất, tin rằng người của tổ chức nằm ở Sở Công An, do đó, tôi không bị bắt. Tôi cứ thắc mắc tại sao Trương Phiên, kẻ chủ chốt, vẫn khơi khơi ngoài đời?
Nguyễn Văn Sao, từ Sao Giò, chuyển lời của tôi cho ông Đinh Xuân Cầu khi anh ta về phòng. Buổi chiều, anh ta ra hành nghề hớt tóc tù, Sao xin phép cán bộ tặng tôi khúc bánh mì chả quế. Tôi hiểu ý, moi ổ bánh mì, lôi mẫu thư của Cầu: “Ông bi quan quá, mục sư vẫn là mục sư. Tôi tin.” Tôi không tin mà yên tâm ông Cầu đã quên tôi trong “tự khai”. Ba Trung cũng chẳng đề cập gì đến “Nội các Đinh Xuân Cầu” khi mạn đàm với tôi. Nó không gọi tôi ra viết tự khai nữa. Bản tự khai của tôi chưa hết quá trình từ 10 tuổi đến khi tôi di cư vào Sàigòn. Ba Trung bỏ rơi tôi. Nó gọi Đằng Giao. Nó gọi Nguyễn Viết Khánh. Nó gọi Thanh Thương Hoàng. Thời gian này, phòng B tiếp nhận một nhân vật của sách vở Sàigòn: Ông Nguyễn Văn Trường, chủ nhân nhà sách Khai Trí, chủ nhiệm tuần báo Thiếu Nhi. Ông Trường vào với tin sốt dẻo: Các giám đốc của các nhà phát hành Nam Cường, Đồng Nai, Việt Nam đã bị bắt hết. Nguyễn Hữu Hiệu phát biểu một câu chính xác: “Ở chế độ mới, những ai dính líu vào chữ nghĩa mà không bị bắt là một điều ô nhục!” Rất nhiều kẻ không những đã không bị bắt mà còn rạch miệng theo thời kết án những người bị bắt. Thí dụ tên Hồ Thành Đức, chồng của Bé Ký, đã đăng đàn nhục mạ vợ chồng Trần Dạ Từ. Thí dụ con gái tên cộng sản nằm vùng, đã đứng trong phòng triển lãm tội ác Mỹ Ngụy, nhìn sách của Nhã Ca trình bầy mà cười sung sướng. Vân vân … Tôi ái ngại nhất trường hợp Đằng Giao. Cả đời cậu Trần Duy Cát chưa hề vẽ một bức tranh chống cộng sản. Đằng Giao bị bắt chỉ vì là con rể của Chu Tử. Trước 30-4-75, Chu Tử đã yếu lắm rồi, sắp chết rồi. Tay Chu Tử run. Môi Chu Tử thường xuyên mấp máy. Chu Tử theo đứa con trai đầu lòng xuống tàu. Việt cộng bắn tàu. Tất cả sống nhăn hoặc bị thương, trừ Chu Tử bị chết và bị quăng xác giữa biển khơi. Đằng Giao, Chu Thị Thủy ở lại, biến 104 Công Lý thành quán cà phê, bún chả, bánh mì… Bạn bè tá túc 104 Công Lý có Ninh Chữ be be chửi cộng sản, có Nguyễn Hữu Đống, tự Đống hói, giép râu túi vải thời thượng khó hiểu. Anh em văn nghệ tới Đằng Giao ăn uống giúp đỡ bạn đều bị ghi tên vào số đen. Ai ghi? Đằng Giao biết và Đằng Giao chẳng thể tuyết hận được vì kẻ ấy đang có mặt ở Paris, cũng sinh hoạt hội đoàn sôi nổi! Người ta bắt Đằng Giao, bắt vợ Đằng Giao, bắt con mới sinh ra được 3 ngày của Đằng Giao vì 104 Công Lý là nơi tụ tập phản động. Không, vì không bắt nổi Chu Tử, cộng sản giận cá chém thớt. Và đó là đạo đức cách mạng, là khoan hồng chủ nghĩa, là phẩm cách cộng sản! Người ta còn nói thêm, đó là cái “bách chiến bách thắng”, cái “ưu việt” của chủ nghĩa", cái nôi của loài người. Cộng sản là những người trả thù vặt vãnh, là những người nuôi thù hận cả nghìn đời. Hãy nghe một bài hát của họ:
Ta là người nông dân
Mặc áo lính
Chiến đấu vì giai cấp bị áp bức từ bốn nghìn năm…
Từ bốn nghìn năm cũ, con người đã là đối tượng thù hận của cộng sản. Tất cả đều là kẻ thù của cộng sản khi họ đến. Phải đợi 100 năm sau, khi cộng sản “trồng người” thành công cụ bịt tai, che mắt và chỉ biết tiến lên tuyến đầu mà chết thảm, bấy giờ, họ mới hết nội thù. Nhưng vẫn còn ngoại thù.
…Sống tập đoàn cùng thế giới công khai
Và kiến thiết xã hội ngày mai
Lúc đế quốc đang sắp tan rã dần.
Ta tiền phong tiến tới
Sức chiến đấu đi xuống miền Đông Nam
Lúc đế quốc đã tàn …
Bạn ơi, lúc đế quốc tàn là đời bạn cũng tàn, là con cháu bạn phải hứng đau khổ giùm bạn. Lúc ấy là da đen, da đỏ biến thành công cụ của thù hận trừng phạt da trắng. Và người cộng sản thì làm linh mục, mục sư, giảng phúc ấm về đạo đức, khoan hồng, phẩm cách, ưu việt, hạnh phúc, tự do, dân chủ, hòa hợp… Đừng nghĩ rằng nước Mỹ không thể bị thôn tính bởi cộng sản. Vũ khí tiêu diệt toàn bộ nước Mỹ của cộng sản là lòng ích kỷ, sự trịch thượng và tinh thần thân cộng làm dáng tiến bộ của người Mỹ. Cộng sản luôn luôn tự hào mình giỏi sáng tạo nỗi khổ. Họ sẽ có dịp sáng tạo nỗi khổ trên khắp nước Mỹ. Một trong những nỗi khổ mà người Mỹ ớn hơn bị mọi da đỏ lột da đầu là xuống hầm phân cải tạo, dùng tay bốc cứt, với hàng tỉ con ròi bỏ lên thân thể, chui vào lỗ mũi, lỗ tai. Wait and see, American!
Cuối tuần lễ thứ ba xảy ra một chuyện toát mồ hôi lạnh. Vào lúc 11 giờ đêm, chúng tôi đang nằm yên, bỗng nghe tiếng chìa khóa tra vào ổ. Người cai ngục đã chứng tỏ một nghệ thuật siêu đẳng về sự gây ra tiếng động hăm doạ chết chóc. Chúng tôi vụt ngồi dậy. Cai ngục kéo cánh của sắt thật chậm chạp, cố tình tạo âm thanh “két két” nổi da gà. Hắn vào phòng, cầm tờ giấy, soi dưới ánh đèn vàng:
- Năm người có tên sau đây chuẩn bị đồ cá nhân. Khẩn trương!
Chúng tôi hồi hộp. Tim đập thình thịch. Khoảnh khắc sợ hãi đó, mỗi người trong chúng tôi đều chỉ nghĩ tới sự bất hạnh khốn cùng. Có thể chúng tôi bị bắn. Có thể chúng tôi bị thủ tiêu. Có thể chúng tôi bị lưu đày. Ai là năm người? Ai cũng mong đừng là mình, dám là mình. Cảm giác này không bao giờ có ở những anh bên ngoài nhà tù giải thích về lòng can đảm và phán xét sự khiếp nhược. Những anh ưa giải thích lòng can đảm trong bình yên sẽ xón đái, vải cứt ra quần ngay, sẽ ngất xỉu khi nghe gọi tên mình. Không chừng, quýu quá, mấy anh phán xét rẻ tiền sẽ móc lỗ đít, đưa lên ngửi, rồi nếm và hy vọng đó là phép lạ cứu mình! May quá, chúng tôi không có ai xón đái, tuy rất sợ hãi.
- Nghe tôi đọc tên, đáp có, xách hành lý ra khỏi phòng ngay.
Cai ngục hắng giọng:
- Hoàng Anh Tuấn!
- Có.
Hoàng Anh Tuấn chụp vội cái điều cày và bước ra hành lang.
- Trần Duy Cát!
- Có.
- Nguyễn Hải Chí!
- Có
Cửa phòng khép lại, khóa kỹ. Những người lọt sổ thở phào. Một tiếng đồng hồ sau, khi mồ hôi lạnh của tôi vừa kịp khô thì chìa khóa lại tra vào ổ rất điệu nghệ.
- Ba người có tên sau đây …
Rồi tiếp tục. Đến 4 giờ sáng. Cuối cùng, phòng B còn lại Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Hữu Hiệu, Hồng Dương và tôi là văn nghệ sĩ. Chúng tôi có tin lành sáng hôm sau. Chú công an Hồng nói, đêm qua chuyển tội phạm sang đề lao Gia Định. Năm chúng tôi bị chấp pháp bỏ rơi. Nguyễn Hữu Hiệu nói:
- Nó sẽ phân tán mỏng chúng ta. Gom toàn bộ nhà văn một phòng, tin tôi đi, chúng ta sẽ lập thuyết, sẽ có thuyết mới ra đời.
Tôi cần nói thêm, chúng tôi sống chung với Trịnh Quới Tài, nhân viên của Phòng Nhì cũ, tiếp tục nghề nghiệp qua các chế độ Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu. Ông ta bị bắt từ 1-5-75. Chức tước của ông ta: trung tá phủ đặc ủy Tình Báo Trung Ương. Ông Trịnh Quới Tài làm tự khai ngày nầy qua ngày khác. Thiếu thuốc phiện, trí nhớ của ông ta sụt giảm. Sở Công An biết điều này, mỗi ngày cho ông ta “làm việc” một lần. Ông được hút thuốc phiện và khai báo đủ thứ chuyện. Một nhà báo liếc đọc trên tờ khai của ông ta có tên Thanh Thương Hoàng, Tô Ngọc, Trịnh Viết Thành… Tất cả ký giả nhận tiền của Trung Ương Tình Báo đều bị Trịnh Quới Tài … tự khai. Tuy không liên hệ gì với Trung Ương Tình Báo, Mậu, Hiệu và tôi rất ngán ông Tài. Chúng tôi chỉ sợ làm mất lòng ông ta. Ông Tài thích kể kỷ niệm xuống Long Xuyên, vây bắt bố vợ tôi, ông Nguyễn Ngọc Đề, người “chống luật người cày có ruộng không biết mệt mỏi”.
Cùng với những người bị bắt về đủ thứ tội, cụ già và con nít, chúng tôi ở Sở Công An đã qua bầu cử. Chúa ngục Hai Phận hân hoan bao tin:
- Bầu cử quốc hội cả nước thành công vĩ đại.
Y trơ trẽn nói:
- Gia đình các anh rất cảm động khi đọc thư các anh. Vợ con các anh khen các anh đã vào tù mà còn nhắc nhở bổn phận bầu cử!
Hai Phận bắt chúng tôi viết đúng boong câu mồi của chế độ rồi y khen chúng tôi! Trong một nghìn nỗi bất hạnh con người phải chiu đựng, nỗi bất hạnh chảy nước mắt nhiều nhất là vào nhà tù cộng sản để có ông thầy Hai Phận, biểu tượng thê thảm của chủ nghĩa ưu việt. Cộng sản kiêu ngạo một cách ngu xuẩn. Họ mắc cái bệnh thích làm thầy mọi người. Họ khoái được giáo dục con người. Cứ mở miệng là họ đòi … giáo dục. Họ đã giao nhiệm vụ giáo dục chúng tôi cho Hai Phận dốt nát. Mỗi sáng thứ bẩy, y ngồi chễm chệ trên ghế đẩu, giảng dạy văn hóa Mác xít như Hồ Chí Minh giảng dạy cách giết người. Chúng tôi phải nghe. Không dám cười.
- Hôm nay, tôi dạy các anh về bệnh ghẻ. Các anh có biết tại sao miền Nam ghẻ mà miền Bắc không ghẻ không?
Im lặng, Hai Phận cười:
- Cần một anh trả lời và hỏi. Học, hỏi, hiểu, hành. Học mà không hỏi thì hiểu gì mà hành!
Trưởng phòng bèn lễ độ:
- Thưa ông Trưởng trại, chúng tôi không hiểu tại sao?
Hai Phận gật gù:
- Thế mới phải học. Học, học, học nữa, học mãi. Miền Nam ghẻ vì dân miền Nam mặc quần áo ni-nông. Quần áo ni-nông bí lắm, mồ hôi nhễ nhãi gây ngứa, gãi lung tung rồi nhiễm trùng là sinh ghẻ. Còn miền Bắc mặc quần áo vải, thấm mồ hôi không có ngứa. Đấy, bệnh ghẻ là do ni-nông! Hay chưa? Vỗ tay đi!
Chúng tôi vỗ tay. Hai Phận quả thật vĩ đại hơn Hồ Chí Minh. Y có cả một triệu bài học. Bài học thứ 2 y dạy chúng tôi là … kinh tế:
- Kinh tế miền Nam là kinh tế phồn vinh giả tạo. Cho các anh biết tất cả của cải miền Nam gộp lại cũng chỉ xây nổi một nửa Lăng Bác thôi. Mấy cái máy lạnh, tủ lạnh, xe hơi, honda, ti vi của miền Nam thấm tháp gì! Miền Nam có mỏ dầu hỏa chưa? Miền Bắc đã có, ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đó. Cần quái gì phải giàn khoan, cứ cắm ống nứa xuống đất là dầu phụt lên, muốn xăng có xăng, khí đốt có khí đốt.
Kết luận của bài học kinh tế, Hai Phận hỏi:
- Các anh có muốn ăn thịt lợn quay không?
Trưởng phòng đáp:
- Muốn.
Hai Phận nói:
- Muốn thì chung tiền lại, chiều nay cán bộ đi mua về cho mà ăn.
Hôm nay, chúng tôi nhiệt liệt vỗ tay hoan hộ Hai Phận. Thế giới gọi các nhà tù cộng sản là trại học tập cải tạo. Thế giới dùng chữ nghĩa của cộng sản một cách khơi khơi. Và nếu đúng ý muốn của cộng sản và thế giới tự do, tôi, một tù nhân lương tâm, đã học tập được ở trại cải tao Sở Công An hai bài học phi thường: Bệnh ghẻ do mặc quần áo ni-nông và không cần giàn khoan, cắm ông nứa xuống mỏ, dầu phụt lên, phân loại xăng, khí đốt, khỏi cần lọc!
--------------------------------
1 Tôi quên mất tên của ông chánh sở chương trình và em vợ Đào Quang Huy.
Nhà Tù Nhà Tù - Duyên Anh Nhà Tù