Không phải tự dưng kim cương có thể sáng lấp lánh.

Mary Case

 
 
 
 
 
Tác giả: Leonid Zharikov
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: Повесть О Суровом Друге (1937)
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 271 / 6
Cập nhật: 2019-12-06 08:59:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6 - Trận Đánh Trên Bờ Sông Kalmius
iờ chiến đấu đã tới gần
Quân thù đổ đến đọ sức cùng ta
Ai hèn nhát hãy cứ lùi ra khi còn chưa muộn
Hôm nay sẽ có nhiều người bị đưa ra bãi tha ma!
1
Thành phố nằm dọc bờ sông bên phải. Bờ bên kia là cánh đồng cỏ – cả một biển ngải cứu, cỏ ba lá và nấm sữa.
Từ phía sông dựng đứng dãy núi đá, trên đó nằm thành hàng lộn xộn những căn nhà hầm với những ô cửa không đều, những ống khói cao, dài và mái nhà nghiêng nghiêng. Đường phố quanh co, uốn lượn như những con suối chạy dài từ trong núi ra tới sông.
Những ngõ hẻm chật hẹp xen vào giữa các đường phố thành những đường cong quanh co. Chúng là những nơi chứa đựng mọi thứ rác rưởi và được gọi là “những ngõ bẩn”. Không ai đi qua những ngõ đó và đến mùa hè chúng mọc đầy những cây tân lê, tầm gửi và gai góc. Chỉ có thỉnh thoảng đây đó trong đám cỏ dại thấy có hoa hướng dương ánh vàng tự mọc trên rác rưởi.
Thế nhưng những ngõ hẻm bẩn thỉu đó lại là nơi tụ họp ưa thích nhất của chúng tôi. Chính đó là nơi chúng tôi vẫn thường giải quyết những công việc cấp bách. Và một ngày chủ nhật tháng Bảy đáng ghi nhớ của năm 1917 cũng đã diễn ra ở đây.
Chúng tôi tụ tập ở phố Bẩn từ sáng với lý do quan trọng: sẽ có một cuộc chiến đấu quyết liệt – cuộc chiến đấu một mất một còn – với bọn ca-đê.
Vaska, thủ lĩnh của chúng tôi, đọc diễn văn trước mặt chúng tôi. Cậu đứng trên chiếc xe cút-kít lật úp, mình trần đến thắt lưng (áo mẹ cậu giặt rồi) hoa hoa nắm đấm, hét lên:
- Hỡi các bạn! Chúng ta sẽ còn chịu đựng đến bao giờ nữa? Nga hoàng đã bị lật đổ chưa? Rồi! Thế nghĩa là phải được tự do rồi. Thế mà sao bọn ca-đê lại giành lấy cả chính quyền và vênh váo lên mặt?
Hai đầu sợi dây buộc quần của Vaska lay động, bay lất phất.
- Tại sao bọn con cái nhà giàu được học đọc, học viết, còn chúng ta lại không được đến trường?
Tóc Vaska vàng óng như rơm lúa mạch, mọc nhanh, dày và vô tổ chức. Nó rủ xuống vầng trán cao và hai bên thái dương thành hình lưỡi kiếm, và thậm chí còn cuộn lại thành búi sau gáy. Lông mày cậu nhíu lại dữ tợn, còn đôi mắt xanh ánh lên những tia chớp.
- Bọn ca-đê không cho chúng ta đến ao, không cho chúng ta tắm. Hôm qua thằng Senka con lão hàng giò đã đánh vỡ đầu Alyosha Pupok của chúng ta. Các cậu nhìn xem, đầu Alyosha phải băng đấy. Vì lẽ gì mà hành hạ kẻ mồ côi? Chúng ta là ai nào?
Bọn trẻ không biết trả lời thế nào và đứng im.
- Nếu chúng ta là vô sản các nước, sao chúng ta không chiếm lại ao nước của bọn ca-đê?
- Chúng ta sẽ chiếm lại! – bọn trẻ đồng thanh ủng hộ.
- Sao chúng ta lại không đánh cho bọn ca-đê một trận?
- Đánh! – Tất cả ồ lên.
- Ai đã lật đổ Nga hoàng?
- Tớ đã lật đổ! – Thằng Ucha hét lên.
- Đúng! – Vaska khẳng định. – Chính mình nhìn thấy Ucha và Abdulka cũng kéo. Thế nghĩa là ao nước giờ là của chúng ta. Tớ nói có đúng không?
- Đúng, đúng! – tiếng tán thành vang lên khắp mọi phía.
- Đây, bọn ca-đê có gửi thư cho chúng ta. – Vaska nói. – Giờ Lenka sẽ đọc, cậu ấy biết chữ.
Tôi leo lên xe. Abdulka Di-gan được trang điểm một vết tím bầm dưới mắt – “quà tặng” của bọn ca-đê – lục tìm dưới ngực áo, cuối cùng lấy ra chiếc phong bì đen sì và một lô những mẩu dây vụn, đinh gỉ và những hòn bi ve màu. Giữa phong bì có vẽ một cái đầu lâu với hai ống xương vắt chéo.
Thấy lá thư khủng khiếp tất cả đều nhổm lên phía trước.
- Thần chết! – một đứa nào đó thì thào.
- Khẽ chứ, có thể trong đó có bom, – thằng Ilyukha nói.
Tôi mở phong bì. Một tờ hai mươi rúp “kê-ren-ki” màu vàng rơi xuống chân tôi.
Bọn trẻ xô lại nhặt lên, cụng cả trán vào nhau.
- Nhìn này, tiền! Để làm gì thế nhỉ?
Vaska giật lấy đồng tiền “kê-ren-ki” ở tay Ilyukha, lật mặt sau, rồi hất đầu bảo tôi:
- Đọc đi, Lenka, rồi chúng ta khắc biết.
Tôi lấy trong phong bì ra một tờ giấy xé ở vở học sinh gập làm ba góc, chữ viết to bằng mực xanh, nét chữ rất đẹp:
- “Hôm qua ta từ Peterburg về và người ta đã than phiền rằng các ngươi, bọn ăn mày rách rưới, đã không chịu thuần phục bọn ta, và thậm chí còn dám gây gổ nữa…”
Đọc đến đấy tôi nghẹn lời.
- Đọc đi, sao lại dừng lại thế? – bọn trẻ nhốn nháo.
- Chúng nó chửi, – tôi đáp.
- Đọc đi, – chung quanh ồn ào, – cứ đọc lần lượt tất cả đi.
- “Bọn con nhà bồi bếp, bọn nô lệ đáng khinh kia! Sao chúng mày dám chống lại chủ chúng mày? Chúng mày muốn tự do! Ta sẽ cho chúng mày tự do!…”
Tôi liếc nhìn bọn trẻ. Chúng ngẩng đầu nhìn tôi thắc mắc. Tôi đọc tiếp:
- “Nói chung, như người Pháp vẫn nói ‘chiến tranh là chiến tranh’, hôm nay ta sẽ kéo quân đến chỗ các ngươi, và hãy bảo thằng thợ giày Vaska của chúng bay phải cúi rạp dưới chân ta, khi ta tới. Ta không ưa khi mọi người không chịu nghe ta!…”
Lần này tất cả đều hiểu và nổi giận.
- Còn cái này nó chưa được nếm thử hay sao? – thằng Ucha giơ nạng, hét lên.
- Yên lặng, đừng phá rối, để nghe đã.
Tôi gắng cao giọng, đọc tiếp:
- “Ta ra lệnh cho các ngươi phải thu và nộp toàn bộ vũ khí trước khi ta tới. Gennady Shatokhin, học sinh lớp 5 trường ca-đê số 4 Sankt-Peterburg”.
Tiếp đó là phần tái bút viết bằng bút chì, chữ to, nguệch ngoạc:
- “Hôm nay chúng bay hãy ra bãi trống, chúng ông sẽ dần xác bọn bay. Thằng Vaska hãy mang hai mươi rúp đi đặt sẵn quan tài cho mình. Sấm và chớp – lực sĩ Senka Muromets (có hai quả đấm sặc mùi âm ti)”.
Tôi vừa đọc xong, tiếng huýt, tiếng kêu hét, giậm chân vang lên ầm ĩ không thể tưởng tượng được.
Vaska nhảy lên xe, giơ lá thư lên.
- Chúng ta sẽ làm gì đây?
- Viết thư trả lời!
- Không cần trả lời!
- Đánh bọn ca-đê!
- Biểu quyết đi!
- Ai đồng ý đánh bọn ca-đê, giơ tay lên! Thế đấy.
Chúng tôi nhất loạt giơ tay. Vaska nghiêm nghị nhìn chúng tôi và nói:
- Không ai phản đối hả. Nghĩa là chúng ta tuyên chiến với bọn ca-đê… – Vaska dừng lại và dặn thêm: – Một trận sống mái.
Thằng Abdulka mà bọn ca-đê đã chuyển thư qua nó, leo lên xe, kể lại bọn chúng đã bắt nó ra sao, đánh như thế nào, rồi sau đó đã bắt nó mang thư về. Abdulka nói là chính thằng ca-đê “chính cống” ở Peterburg về nghỉ phép đã thảo bức thư, còn phần tái bút là thằng Senka, con lão hàng giò Tsybulya viết. Ngoài ra chúng tôi còn được biết chính đích thân thằng ca-đê với thanh kiếm thật sẽ cưỡi ngựa chỉ huy đội quân địch.
- Thằng ca-đê tên là Genka, bố nó là tướng, – Abdulka kể tiếp. – Thằng Genka ấy còn phải có đầy tớ ru ngủ. Sáng ra người ta còn phải mặc quần và đi giày cho nó.
- Thế nó không tự làm lấy được à?
- Không biết mặc.
- Thật là con rắn độc!
- Chả có gì lạ cả, – thằng Ucha kết luận, – bọn giàu có, chúng muốn gì thì làm nấy thôi. Chúng chỉ thiếu có sữa chim thôi.
- Có đấy, – thằng Ilyukha kêu lên, đôi mắt trơ tráo nhìn bọn trẻ chằm chằm. – Chính tớ đã trông thấy thằng Genka uống sữa chim!
Bọn trẻ cười phá lên, còn Vaska nhảy lên xe, tức giận vung nắm đấm, lấy hết sức gào to:
- Đả đảo mười tên bộ trưởng tư bản!
- Đả đảo! – Chúng tôi đồng thanh ủng hộ, mặc dù không hiểu Vaska nói về những bộ trưởng nào. Nhưng nếu Vaska đã nói, thì nghĩa là đả đảo!
Thằng Ucha đầy khí thế chiến đấu, hoa hoa trong không khí chiếc nạng:
- Tớ sẽ viết thư cho thằng Genka của tụi chúng bằng cái bút chì này! – Và Ucha vung cái nạng lên dọa.
- Vaska, có đúng là bọn ca-đê muốn lập lại ngôi vua không?
- Đã lập lại rồi đấy, – Vaska cau có giải thích, – chỉ có điều thằng vua đó không tên là Nikolai, mà… là gì ấy… tớ quên mất rồi.
- Là Kerensky, – thằng Abdulka nhắc.
- Đúng rồi.
- Thế thằng Kerensky trông thế nào?
- Trông thô bỉ, đáng ghét: tóc nó dựng ngược trên đầu như cái bàn chải đánh giày, mũi to, còn tay phải nó đút trước ngực.
- Để làm gì kia?
- Hắn thủ hòn đá ở đó… Hòn đá, rõ không?
- Thế cũng đòi là người cầm quyền đấy. – Ucha nói. – Cũng phát hành cả tiền riêng…
Chúng tôi dồn lại xem xét đồng tiền kê-ren-ki Senka gửi tới. Nó giống như một tờ giấy bọc kẹo rẻ tiền. Trên đó cũng như trên tiền Nga hoàng có in con đại bàng hai đầu, nhưng lại bị vặt trụi lông thế nào ấy và không có mũ miện.
Vaska tiếp tục.
- Tớ sẽ kể về quân Kerensky cho các cậu nghe nhưng chỉ sợ các cậu chết cười mất thôi.
- Không chết được, Vaska, hãy kể đi.
- Quân đội của Kerensky toàn các mụ đàn bà mặc váy.
- Sao lại đàn bà? – Chúng tôi ngạc nhiên.
- Rất dễ hiểu: người ta đã mặc quần áo lính cho đàn bà, giao súng cho họ rồi bảo: “Bắn đi!”
Bọn trẻ cười phá lên, đứa vui vẻ, đứa nghi hoặc:
- Không đời nào đàn bà lại có thể bắn được!
- Chúa sẽ trừng phạt tớ!
- Thế chỉ huy cũng mặc váy à?
- Chỉ huy cũng mặc váy. Gọi là “ma-đam” đội mũ lính, chân đi ủng, còn súng thì cong cong như cái gậy thông lò ấy, bắn thẳng nhưng đạn lại ra bên cạnh.
Bọn trẻ cứ cười lăn ra.
- Đội quân đàn bà ấy được gọi là “Tiểu đoàn chết”. – Vaska kể tiếp trong tiếng cười rộ của bọn trẻ.
Thằng Ucha hỏi:
- Sao lại gọi là “Tiểu đoàn chết”?
- Vì có thể cười đến chết được vì tiểu đoàn ấy.
Vaska cầm lấy tờ kê-ren-ki hai mươi rúp, ngoắc lên mũi giáo.
- Chúng ta không công nhận bọn ca-đê! Chúng ta là bôn-sê-vích.
- Vaska, cậu kể về Lenin đi, – Abdulka đề nghị.
- Sau trận đánh sẽ kể, bây giờ không còn lúc nào nữa.
Vaska khoanh tròn tay làm ống nhòm đưa lên mắt. Cậu quan sát khá lâu như qua ống nhòm thật ấy, nhìn về phía mà từng giờ từng phút sẽ xuất hiện kẻ địch. Trận tuyến của quân ca-đê trải dài qua gò, còn của chúng tôi – ở dưới, dọc bờ sông Kalmius.
- Đến giờ chiến đấu hãy còn sớm, kể về Lenin đi Vaska, – bọn trẻ yêu cầu.
Rốt cục Vaska ngồi xuống bụi tầm gửi rậm rạp. Chúng tôi ngồi vây quanh cậu và im lặng.
- Lenin rất hiền, vì chính Người cũng là dân nghèo. – Vaska bắt đầu. – Chẳng hạn nếu cậu, Ucha ấy, đến chỗ Người và chào: “Chào bác ạ”, – Người sẽ hỏi trước tiên: “Ăn chưa?” Tất nhiên cậu sẽ e ngại: “Cám ơn bác, cháu ăn no rồi”. Cậu thử nghĩ xem, Người có tin không? Không! “Ngồi xuống, – Người sẽ bảo, – cháu ăn đi đã, sau sẽ nói chuyện”. Người sẽ cho cậu tất cả những gì còn lại. Đó, Lenin là như thế đấy…
Bọn trẻ ngồi im ngạc nhiên và say sưa vì câu chuyện.
- Thế có đúng Người đã bị vua xiềng xích không?
- Đúng đấy. Nga hoàng đã đày Người đi Sibir. Các cậu có biết Sibir ở đâu không? Ở tận cùng trời cuối đất ấy. Mất một nghìn ngày cả đi bộ và đi xe từ đó về đây cũng không tới nơi được. Thế mà Lenin đã đi bộ về được. Bị xiềng xích mà đi thì thật là khó nhọc. Tuyết đến tận đây, ngập đến ngực, lại còn bão tuyết, rét mướt nữa chứ. Nhưng Lenin đã không đầu hàng: Người vẫn đi, chỗ đi bộ, chỗ đi tàu hỏa. Người đã tới Petrograd (Nga hoàng khi đó sống ở Peterburg). Đầu tiên Lenin đến nhà máy với công nhân, nói với họ: “Các bạn, các anh em hãy nhìn xem Nga hoàng đã xiềng xích chúng ta như thế này đây”, – rồi Người dứt khóa tay làm nó bật tung ra từng đoạn. Công nhân giương cao cờ đỏ tiến thẳng đến cung điện vừa đúng lúc Nga hoàng Nikolai đang ngồi trên ngai vàng uống rượu vốt-ca. Lenin lại gần và nói: “Hãy trao lại chính quyền cho nhân dân!” Nga hoàng để chai rượu sang bên, đáp: “Ta không trao trả, mà còn đày nhà ngươi đi Sibir thêm nữa kia”. Lenin mới bảo: “Ái chà, thằng này!” – và lật đổ Nga hoàng.
- Thế người ta trao lại chính quyền cho bọn tư sản để làm gì? – Ucha hỏi.
- Bọn tư sản đã ranh mãnh dùng mưu tự giành lấy. – Vaska giải thích. – Bọn chúng mặc quần áo công nhân, đứa mang búa, đứa cầm “mỏ nết”, đứa mang cưa lại Xô-viết đại biểu nói: “Hãy thu nhận chúng tôi, chúng tôi cũng là công nhân”. Người ta đã tiếp nhận bọn chúng và đến đêm chúng đã cướp chính quyền, lập thằng Kerensky lên.
- Còn Lenin giờ ở đâu?
- Công nhân đã giấu Lenin đi. Bọn tư sản truy tìm Người, nhưng không tài nào tìm được. Chúng treo giá đầu Người hai trăm ngàn, chúng muốn giết Người đi mà.
- Cậu nói sao cơ? – Ucha đứng phắt dậy, mặt đỏ tía, dữ tợn. – Giết Lenin của chúng ta sao? Đi chiến đấu thôi! – Ucha quả quyết ra lệnh. – Tớ không muốn biết gì hơn nữa! Nào chúng ta hãy đi đánh cho bọn ca-đê một trận đi!
Vaska lại bước ra khoảng đất trống và lại quan sát qua “ống nhòm” những vị trí chiến đấu. Bên trại bọn ca-đê đã bắt đầu nhốn nháo. Những bóng người đen sì chuyển động rối loạn như lũ kiến. Có một thằng cưỡi ngựa đi dạo dọc theo gò đất.
Vaska leo lên xe, chùi bốn ngón tay vào quần. Thế là bọn trẻ bất kể đang làm gì cũng bỏ cả mọi công việc, im lặng chờ đợi Vaska huýt sáo. Không một ai biết huýt sáo hay như Vaska của chúng tôi! Vaska khéo bắt chước chim hót, chỉ với một ngón tay út hoặc một ngón tay trỏ uốn vòng, cậu biết huýt cả với hai ngón, ba ngón thậm chí không cần ngón tay mà chỉ cần chúm môi lại, khi đó tiếng huýt thoát ra thánh thót như tiếng chim sơn ca. Vaska có lối huýt sáo gọi, cách huýt sáo chào và kiểu huýt sáo nhạo báng. Nhưng nếu được nghe cậu huýt sáo kêu gọi – thì máu trong người anh sẽ sôi trào lên.
Và đây, bây giờ cậu đang chậm rãi, trang trọng đặt bốn ngón lên miệng, ngả người về phía sau, hơi kiễng chân lên và tiếng huýt sáo kêu gọi chiến đấu vang lên.
Tôi hít không khí căng đầy lồng ngực và hét lên:
- Cầm lấy vũ khí!…
2
Bắt đầu chuẩn bị cho cuộc tấn công. Tôi đội chiếc mũ sắt của bọn Đức vứt lăn lóc ở kho nhà, ngoắc vào khuy áo thanh kiếm cong cong làm bằng sắt đai thùng. Để cho đẹp hơn, tôi buộc quanh thanh kiếm một dải băng đỏ. Sau hai bên quai mũ, tôi lại cắm hai bông hoa bồ công anh vàng cho mọi người thấy rõ mình là trung tá chính. Tôi đi đi lại lại, đầu ngẩng cao, miệng la hét bọn trẻ, nhưng trong lòng lại nghĩ giá cắm thêm bông hoa anh túc dại đỏ nữa thì tốt. Tôi liền làm như vậy, rồi liếc nhìn vào mảnh kính: quả có đẹp hơn. “Bây giờ mà Tonka thấy nhỉ!” – Tôi nghĩ. Và nó, con ngốc ấy, vừa trông thấy tôi đã quấn lấy: “Cho em đi chiến đấu với”. Tôi biết Vaska sẽ mắng tôi, cậu sẽ bảo: “Cậu dẫn ai tới thế? Chưa đủ hay sao mà còn phải có thêm lính mặc váy như của bọn Kerensky”. Nhưng Tonka cứ ba chân bốn cẳng chạy ra phố Bẩn không sao bảo dừng lại được.
Bọn trẻ lấy xe cút-kít chở ra đồng cỏ đủ loại vũ khí: đai ốc, đá, mảnh ngói vỡ. Những thứ đó được bắn vào quân thù nhờ những “súng phóng”. Để có thể “bắn” bằng súng phóng được, cần phải quay quay nó trên đầu cùng với hòn đá, xong rồi buông một đầu dây ra, thế là hòn đá bật ra và lao vút vào quân thù.
Rất nhiều đứa tự vũ trang bằng những súng phóng như vậy. Ngoài ra còn có những cái trùy nặng có đinh đâm ra tua tủa. Có cả những roi sắt uốn cong ở đầu như những chiếc gậy thông lò. Với những ngoắc nhỏ như vậy có thể khoèo cổ hoặc chân đối phương rất tốt.
Bọn trẻ đẩy cả một khẩu đại bác làm lấy bằng ống khói lò xa-mô-va và dây đeo quần bằng chun. Thực ra hai bánh xe của khẩu đại bác bị cọc cạch, gồm một bánh xe cút-kít cũ, một bánh xe ngựa gãy, mặc dù đại bác bắn không được xa, nhưng trông cũng thấy phát khiếp.
Quân của chúng tôi không đông, nhưng đáng tin cậy. Vaska có năm trung tá. Trung tá chính là tôi. Thứ nhì là Ucha.
Đúng ra, công bằng mà nói, trung tá chính phải là Ucha, chứ không phải tôi. Ở phố, Ucha là chiến sĩ số một. Nhanh nhẹn, sôi nổi, dũng cảm dù chỉ có một bàn chân. Chúng tôi phát ghen lên với Ucha vì nó leo cây rất nhanh, nhảy xa hơn tất cả, bơi tốt. Nó leo lên chòi nhảy đặt trên ao nước, vứt nạng xuống nước, còn mình thì ngụp theo, chân đạp đạp đến buồn cười. Trong chiến đấu không ai có thể thay thế Ucha được. Nó sử dụng chiếc nạng như một thanh gươm, mũi giáo và khi cần thì như một cái trùy. Không mấy khi đánh nhau, mà ai đó có thể quật nó xuống đất được.
Trung tá thứ ba là Abdulka Di-gan, bản chất tốt bụng, nhưng lại hay cục: khi nó nổi giận thì liệu mà chạy cho mau, không nó sẽ nện cho bằng bất kỳ cái gì vớ được. Bố mẹ nó là người Tatar, nhưng không ai biết được tại sao người ta lại gọi cậu con trai họ là Di-gan. Abdulka biết nhảy múa theo kiểu Tatar. Thường mỗi khi tụ tập ở một sân nào đó, chúng tôi hay yêu cầu nó nhảy múa. Nó đi vòng quanh, vỗ vỗ hai bàn tay vào đùi, miệng hát:
An-đưm ban-ta
San-đưm tam-ga,
I-mi-an-ga tu-ghen tan-ga.
Vaska gọi Alyosha Pupok là trung tá thứ tư. Alyosha rất nghèo. Quần nó may bằng bao bột, thủng hai bên đầu gối, dọc chéo hai bên quần vẫn còn rõ nhãn hiệu “lúa mì” không thể giặt sạch được.
Alyosha rất ít khi tụ họp với chúng tôi, vì nó còn phải đi kiếm cái ăn cho bà mẹ ốm yếu. Nó có giọng hát hay và biết nhiều bài hát. Nó lang thang qua các nhà hầm, khắp các đường phố, đặt thằng em bé trên vai, một tay giữ bàn chân bẩn thỉu của em, tay kia giơ ra xin của bố thí, miệng hát những bài não nuột khiến lòng người se lại:
Còn anh em từ lâu đã ở Sibir
Mang nặng trên người loảng xoảng xiềng gông…
Nó hát cả những bài hát của thợ mỏ – về người đuổi ngựa, về việc Marusya đã tự đầu độc ra sao, nhưng đặc biệt tôi rất xúc động khi nghe bài hát những người bị giam:
Ở nơi xa xôi, vùng Irkutsk
Giữa hai vách đá trập trùng
Vây quanh bởi hàng rào lớn
Có nhà tù lớn Aleksandrov ở phía mặt trước
Treo một tấm biển lớn
Trên đó có con đại bàng hai đầu
Sáng lên như bằng vàng…
Alyosha hát bài ca ấy buồn đến nỗi các bà chủ nhà phải ra tận cổng đứng nghe mãi, vừa nghe vừa lấy tạp dề lau nước mắt. Rồi họ mang cho nó những gì họ có.
Hôm nay Alyosha đến đây chỉ để trả thù kẻ thù không đội trời chung của nó – thằng Senka Tsybulya.
Vaska còn có một trung tá thứ năm nữa – Pashka Lửa ở mỏ Pastukhovska tới. Nó được biết ở ngoài chợ là chúng tôi sẽ đánh nhau với bọn ca-đê và đã mang bọn trẻ của nó tới giúp.
- Khá lắm, chú thợ mỏ, – Vaska vỗ vai Pashka khen ngợi. – Cậu với bọn của cậu sẽ phụ trách cánh phải.
- Có! – Pashka đáp lại, giơ tay lên vành mũ chào.
3
Mọi việc chuẩn bị cho cuộc tấn công đã xong. Tonka bị gạt ra, nhưng nó cứ ti tỉ làm Vaska không chịu được, phải phong cho nó là cô cứu thương.
Đội quân hung dữ của chúng tôi đổ ra khoảng đất trống. Từ trên đồi vọng xuống tiếng ầm ầm đầy khí thế chiến đấu.
Chúng tôi hiểu: trong trận đánh này không được xót thương một đứa nào cả.
Mối thù địch giữa chúng tôi và bọn ca-đê kéo dài đã từ lâu, mặc dù nguyên nhân của trận đánh sắp tới là cuộc xung đột mới đây ở nhà thờ.
Câu chuyện xảy ra vào chủ nhật trước.
Hôm đó, như thường lệ, không khí trong nhà thờ trang nghiêm, và có vẻ hội hè. Hàng ngàn tia lửa của các cây đèn, ngọn nến phản chiếu trong những chiếc đèn chùm, những cây thánh giá bằng bạc, trong những bức tranh tượng thánh mạ vàng, tất cả xung quanh sáng ánh lên như một ngày đầy nắng. Trong nhà thờ phảng phất mùi hương trầm. Trên bục ban đồng ca của Nhà thờ hát bài: “Ban chiến thắng cho Chính phủ lâm thời…”
Lão cố đạo đọc giọng mũi, liếc nhìn vào cuốn sách dày cộp bằng đồng, còn chúng tôi sốt ruột đổi chân nọ sang chân kia chờ đợi uống rượu ngọt, mà vì nó chúng tôi mới đến Nhà thờ.
Vì buồn chán, tôi hết bịt tai, lại bỏ ra để nghe tiếng “ca… ca…” liên tiếp.
Khi đã chán, tôi lại giở trò khác: nheo mắt trái, nhìn thấy bàn thờ và lão cố đạo, nheo mắt phải thấy ban đồng ca. Sau tôi bắt đầu ngắm nghía mọi người.
Phía trước là tướng Shatokhin đã về hưu đứng với vợ, một bà già to béo, hồng hào. Trong Nhà thờ chật chội, nhưng sau bà tướng cách đến hơn hai thước không ai đứng cả: đuôi áo dài hơn một thước của bà ta lết trên nền nhà đá. Bên cạnh lão tướng là một học sinh trường quân sự đứng ưỡn thẳng ngực, khuỳnh tay nâng chiếc mũ lưỡi trai gắn quân hiệu. Sau bọn chúng là lão hàng giò Tsybulya béo phị cầu kinh.
Những người thợ mặc áo sơ-mi sạch sẽ, tay cầm mũ mới, những phụ nữ nghèo khổ, những người lính bị thương đứng cúi đầu bên cửa ra vào.
Giữa sự im lặng trang nghiêm đó, tướng Shatokhin xỉ mũi ầm ĩ vào chiếc khăn trắng, to. Chân lão ta xỏ trong đôi giày đánh bóng loáng như gương đặt cạnh những đôi chân trần nứt nẻ, đen sì bẩn thỉu của chúng tôi. Cách đấy không xa bên cạnh giá nến bằng đồng cao bị nhỏ đầu sáp, bọn ca-đê – kẻ thù thực sự của chúng tôi – đang cầu nguyện. Bọn chúng khinh bỉ liếc nhìn về phía chúng tôi và lén nhích lên gần bàn thờ, không chịu đứng sau hàng chúng tôi khi làm lễ phát rượu.
Vaska gườm gườm theo dõi chúng và đẩy chúng tôi lên phía trước.
Bỗng trong bọn ca-đê tách ra một thằng lỏi con, nhỏ bé mặc y phục ca-đê. Nó rón rén đi qua chỗ tôi và giẫm vào chân tôi khá đau.
- Cút khỏi đây! – nó thì thầm, giọng đe dọa rồi đứng vào phía sau.
Một thằng khác có cái mũi to đùng huých vào sườn tôi, còn thằng thứ ba to như hộ pháp thì tiến lại gần, đứng lên trước, che khuất cả bàn thờ và lão cố đạo.
Đúng lúc đó ban đồng ca hát vang: “Xin hãy đón rước linh cữu chúa Giê-xu, hãy nếm nguồn bất tử”. Lão cố đạo lấy cái chén mạ vàng, và chiếc thìa con sáng chói trên bàn thờ xuống.
Chúng tôi xông lên trước.
Vaska nắm vạt áo thằng ca-đê cao lênh khênh lôi lại sau, rồi bước tới chỗ lão cố đạo.
Thằng ca-đê tức giận, khi Vaska cúi xuống nhận sự ban phước lành, thì nó cũng cúi xuống, lấy cái gì đó châm vào đít Vaska.
Vaska rùng mình và đội cả cái chén của lão cố đạo đang cầm ở tay trái lên. Rượu sánh ra làm ướt cả áo lễ dát vàng của lão ta.
- Chúng làm đổ máu Chúa rồi!
Những người đi lễ hết sức xúc động.
- Bọn phản Chúa!…
- Chuồn thôi! – Vaska hét tôi, rồi lao ra phía cửa.
Tôi chạy theo, lách qua những người đi lễ.
Sau này chúng tôi được biết bọn ca-đê phạm tội làm đổ “máu Chúa” đã bị phạt roi.
Từ ngày đó chúng tuyên chiến với chúng tôi. Chúng tôi cũng không chịu kém và, nếu có thằng ca-đê nào bị tóm ở ven thành phố thì nó sẽ bị đánh không tiếc tay. Nhưng bọn ca-đê cũng chả ra làm gì đến vùng ngoại ô, còn bọn chúng tôi ngày nào cũng chạy vào thành phố vì ở đó có phim ảo đăng và gánh xiếc rong.
Bọn ca-đê không cho chúng tôi sống nữa.
Nếu cần bổ sung thêm thì việc chúng đứng ra gây chiến, sau đó lại từ đâu đó dựng vua dậy, càng làm chúng tôi không thể chịu nổi. Khi đó Vaska mới quyết định lật đổ bọn ca-đê, giành lại chính quyền.
4
Và thế là giờ trả thù đã điểm.
Bọn ca-đê xông lên tấn công đầu tiên. Chúng khá đông, khoảng một trăm, không kém. Bọn ca-đê đi từ trên gò xuống, hàng ngũ thẳng tắp, vững tin. Có cảm tưởng như chúng tin vào một người nào đó và người đó hiện vẫn còn giấu mặt.
Trên đầu hàng quân là thằng Senka con lão hàng giò, tay cầm rìu, bên phải nó là một thằng học sinh trung học vạm vỡ với lá cờ Nga hoàng.
Mỗi thằng ca-đê mang một cái cặp đầy đá đeo lủng lẳng bên sườn. Quân địch tiến lên thành một bức tường dày đặc, và do đó làm tôi hơi bối rối.
- Cờ tiến lên trước! – Vaska ra lệnh. – Đừng sợ!
Vaska dũng mãnh vung cái móc sắt.
Bọn ca-đê đã tiến tới sát đến mức có thể nhìn thấy rõ cả vẻ mặt của chúng. Hai đạo quân dừng lại.
Cuộc chiến đấu như thường lệ bao giờ cũng bắt đầu bằng những lời lăng nhục nhau. Thằng Senka con lão hàng giò bắt đầu.
- Ê bọn không quần kia, bọn rẻ rách đi với vải vụn kia.
- Đồ bán giò thiu thối, – Ucha trả lời.
- Còn mày, thằng Hy Lạp, đồ gót chân chấm muối.
Thằng Senka ra lệnh:
- Hướng vào bọn bôn-sê-vích, toàn đại đội, bắn.
Senka trước tiên ném tấm gang sang chỗ chúng tôi, sau đó, những đứa còn lại làm theo.
Những hòn đá réo qua đầu chúng tôi, nẩy từ dưới đất lên, làm bọn trẻ bị thương.
Đúng lúc đó, đại bác chúng tôi khai hỏa nhưng những sợi dây chun cũ đã chơi xỏ chúng tôi, đạn đã rơi cả xuống, không tới chỗ quân địch được.
Tôi nhìn lại sau và thấy một số lùi lại còn thằng Ilyukha thì hèn nhát ngồi thụp xuống rãnh nước.
- Vaska, quân mình tháo chạy! – tôi hét lên.
Cậu ta nhìn lại, rồi vung cái móc sắt:
- Không được lùi lại! – Và lao lên trước, cúi thấp đầu tránh những hòn đá bay tới.
Pashka Lửa lao theo đầu tiên. Ucha đội chiếc xô sắt lên đầu, rồi chạy lên đón trận mưa đá. Đá văng vào thùng làm những gỉ vụn rơi lả tả, nhưng cũng không kìm được chân Ucha. Vaska lao lên như cơn lốc, tả xung hữu đột.
Tôi đã nhìn thấy Vaska đánh nhau dũng cảm ra sao. Và tôi xấu hổ, vì đã nhút nhát. Nhớ lại lời thề bên đống lửa, tôi cảm thấy có một cái gì đó giục giã kích thích.
- Không được lùi lại! Theo tôi! – tôi hét lên và thấy hoàn toàn không sợ nữa. Tôi cúi đầu lim dim mắt, lao thẳng vào chỗ đông nhất của hàng ngũ địch.
Bắt đầu đánh giáp lá cà.
Vừa lúc đó thằng cưỡi ngựa trắng xuất hiện. Hắn quay tít trên đầu thanh gươm sáng lấp láng và quay lại kêu gì đó. Lời hắn vọng tới chỗ tôi:
- Các ngài, hãy chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng! Cầu Chúa phù hộ, tiến lên!
Tôi đã nhận ra chính là thằng ca-đê xô xát với tôi hôm lật đổ vua. Bây giờ nó có gươm trông vẻ còn dữ tợn hơn. Giọng nó gay gắt, hách dịch, không muốn mà vẫn thấy sợ.
Thằng ca-đê đã tiến ngay vào đám đông, giơ gươm cao.
- Aleksandr Kerensky muôn năm! Xung phong! – Nó hét lên và suýt ngã vì con ngựa sợ cái gậy của một đứa nào đó đã nhảy phắt sang một bên.
Thằng ca-đê thúc ngựa tới chỗ Vaska. Chúng tôi nín thở. Bên địch cũng dừng lại.
Hai tướng chỉ huy mặt giáp mặt trước hai hàng quân.
Thằng ca-đê nhổm người trên bàn đạp làm chiếc yên ngựa kêu cót két, đưa mắt nhìn hết lượt chúng tôi rồi hỏi:
- Nào, đứa nào ở đây muốn tự do?
Chúng tôi im lặng.
Thằng ca-đê giơ gươm nhắc lại:
- Lần lượt tiến gần lại đây, tao sẽ ban tự do cho.
Thằng Senka đứng sau lưng thằng ca-đê che tay cười khinh bỉ.
Thằng ca-đê làm ra vẻ không nhìn thấy Vaska. Rồi bỗng như tình cờ thấy, nó lấy mũi kiếm hất mũ Vaska xuống.
- Có phải mày là thằng thợ giày Vaska không? Nào, nhắc lại theo tao: “Ngài Kerensky muôn năm!”
Vaska thu người lại, chuẩn bị nhảy.
Thằng ca-đê giơ thanh gươm lóe lên rợn người dưới ánh mặt trời trên đầu Vaska.
- Tao ra lệnh cho mày thế nào hả thằng vô lại kia? Hãy phục lạy dưới chân tao, mau!
Không, dù nói thế nào đi nữa Vaska vẫn đẹp hơn thằng ca-đê. Trông thằng ấy gầy gò thảm hại thế nào ấy, còn Vaska thật là một tráng sĩ! Cậu gườm gườm nhìn thằng ca-đê và im lặng thủ roi trong cả hai tay. Đôi vai rám nắng bóng lên ánh đồng. Dù sao tôi vẫn thấy sợ cho Vaska. Nhỡ thằng ca-đê ngu xuẩn lại chém vào đầu cậu ta!
- Tao cảnh cáo lần cuối cùng, – thằng ca-đê ra giọng mệnh lệnh. – Hãy nhắc lại theo tao: “Ngài Kerensky…”
- Thằng Kerensky đầy chấy rận của mày ra cái đếch gì đối với tao! – Vaska nói xong giơ cao cây roi, hô lớn: – Lenin muôn năm!
- Muôn năm!… – chúng tôi đồng thanh hòa theo.
Thằng ca-đê đập cả thanh gươm vào người Vaska. Vaska ngồi thụp xuống nhưng không phải vì đòn đánh ca-đê mà để vung tay cho nhẹ hơn. Cậu quất roi vào mõm ngựa làm con vật chồm bổng lên hai chân sau. Thằng ca-đê xô hẳn người sang một bên, cuống cuồng dùng cả chân lẫn tay quặp chặt lấy mình ngựa, nên đánh rơi mất thanh gươm.
Vaska nắm lấy chân thằng ca-đê, lôi nó xuống ngựa.
Con ngựa phi mất. Thằng ca-đê định với lấy thanh gươm, nhưng Vaska đã giẫm đè chân lên.
Đặt hai ngón tay lên miệng, vị chỉ huy của chúng tôi huýt sáo ré lên.
Chúng tôi lao vào quân địch, Ucha nhảy đến thằng cầm cờ, quật nó xuống đất, giật lấy cờ. Bọn ca-đê bỏ chạy tán loạn. Thằng Senka “lực sĩ” vừa lùi chạy vừa vung tít chiếc rìu quanh mình và không hiểu sao lại hét lớn:
- Xung phong!!!
Thằng ca-đê đánh trống, khiếp sợ giơ tay lên:
- Xin hàng! Xin hàng!
Bọn trẻ lao tới, quật ngã thằng Senka, bắt làm tù binh.
Đội quân anh hùng của chúng tôi dưới sự chỉ huy của Ucha nổi nóng, reo hò, huýt sáo truy đuổi đối phương, còn chúng tôi – những phụ tá hộ vệ của Vaska, đứng lại bên cậu.
Thằng ca-đê bị trói quặt tay sau lưng, nằm lăn lóc dưới chân Vaska. Mặt nó tái đi vì căm thù.
- Cởi trói cho thằng khoác, – Vaska ra lệnh, không thèm liếc nhìn thằng ca-đê.
Tôi lại gần tên tù binh và loay hoay cởi nút dây da thắt chặt. Thằng ca-đê chậm chạp vươn thẳng người dậy. Nó đứng cau có, mắt ánh lên giận dữ.
Cần phải bắt giữ thằng ca-đê theo đúng luật: tịch thu tất cả tài sản – và tôi tháo bỏ dây lưng cùng dây đeo vỏ kiếm của nó. Tôi nhặt thanh gươm lên, tra vào vỏ và đeo bên sườn.
Thằng ca-đê lao lại tôi:
- Trả gươm đây, thằng đê tiện!
Nhưng tôi chỉ thanh gươm cong bằng đai thùng và bảo:
- Đứng im, không nhúc nhích, đồ tư sản!
Vaska nhìn chúng tôi:
- Chúng ta sẽ làm gì với tên tù binh đây?
- Đánh, – Ucha đề nghị ngắn gọn.
- Đổ nước vào tai cho nó phát điên lên, – thằng Ilyukha nhắc.
- Sao chúng mày lại dám thế! – thằng ca-đê hét lên. – Tao mách bố tao, rồi sẽ treo cổ tất cả lũ chúng mày.
Vaska kiêu hãnh nhìn kẻ thù.
- Cúi lạy dưới chân tao! – cậu điềm nhiên ra lệnh.
- Sao mày dám!… – thằng ca-đê kêu lên và òa khóc.
- Không muốn à? – Vaska hùng hổ nói. – Hay là, có thể, mày không biết cúi lạy thế nào, hả? Nào, Abdulka, cậu giúp nó đi.
Ucha từ đằng sau tiến lại và bắt đầu ấn đầu thằng ca-đê xuống đất.
Vừa lúc đó trên gò xuất hiện một cô bé. Cái váy ngắn màu xanh của nó bay phần phật trước gió như một ngọn lửa.
- Genya! Genya! – con bé kêu lên. – Bọn chúng giết anh mất, Genya!
Nó chạy lại chỗ chúng tôi, vừa khóc vừa nhặt đất ném chúng tôi và hét lên:
- Bọn mọi rợ! Đây cho chúng mày, cho chúng mày!
Tôi nhận ra con ca-đê. Chính là con bé đã cho tôi bánh mì trắng và không cho anh nó đánh tôi hôm lật đổ vua. Mắt nó xanh như màu áo. Cả người nó trong sáng và mảnh dẻ như một con bướm.
Vaska lúng túng liếc nhìn cái bụng bẩn thỉu, sây sát của mình… Tôi thấy xấu hổ vì thanh kiếm bằng đai thùng của mình. Tôi thản nhiên quẳng nó sang bên và ưỡn thẳng ngực.
Nhác thấy con ca-đê, cái Tonka như một con mèo cái xù lông ra. Nó hung hăng lấy tay áo quệt mũi và xông lại con ca-đê:
- Mày muốn gì hả? Mày muốn cái gì?
- Không được động tới nó, – Vaska nghiêm khắc ra lệnh, rồi chậm rãi, nặng nề từ trên gò bước xuống.
Chúng tôi im lặng bước theo.
Thằng ca-đê chậm chạp đứng dậy và như không tin mình đã thoát nạn quá dễ dàng như vậy, tập tễnh chân phải đi về.
Con ca-đê đi sau lải nhải:
- Đấy, em về mách bố cho, em sẽ kể tất cả cho bố nghe cho mà xem.
Tôi đuổi theo kịp bọn trẻ và phấn khởi vì đã chiến thắng, chúng tôi vui vẻ hát vang:
Một, hai, ba
Chúng ta những người bôn-sê-vích
Ta không hề sợ bọn ca-đê
Ta sẽ đi đánh giáp lá cà!
5
Chúng tôi đã đi tới gần chỗ bắt đầu cuộc tấn công của mình, thì bỗng thằng Senka con lão hàng giò từ phố Bẩn nhảy ra trong tiếng huýt sáo và tiếng cười ầm ĩ. Nó mặc chiếc quần đùi ngắn cũn. Cây tầm gửi cao quất vào đôi đầu gối trần của nó. Nó chạy kéo lê thê đằng sau chiếc xô sắt buộc vào chân nẩy nẩy lên kêu ầm ĩ.
Vaska chạy tắt lên, quật thằng Senka xuống đất, thúc đầu gối lên ngực nó.
- Mày cưỡi Lenka để làm gì?
- Tao sẽ không thế nữa, Vaska…
- Thế mày đặt trước quan tài cho ai trong thư hử?
- Đó là tao… không phải tao… tao… – thằng Senka òa khóc.
- Thế ao nước bây giờ là của ai?
- Của các anh, của mày. Thả tao ra, tao sẽ mang giò biếu mày.
Vaska nhăn mặt vì ghê tởm thứ giò của thằng Senka:
- Cút mau với cái giò thiu thối của mày!
Thằng Senka nhỏm phắt dậy, ba chân bốn cẳng chạy mất. Tôi còn kịp lấy cán cờ quất cho nó một gậy cháy lưng.
Một bộ ba, trong đó có Alyosha Pupok từ góc phố bước ra đón chúng tôi.
Một đứa, vừa cười vừa đưa cho Vaska một cái quần mới và giải thích:
- Chúng tớ vừa tịch thu của thằng con lão hàng giò.
Vaska trao lại cho Alyosha:
- Cậu cầm lấy. Cái con rắn độc ấy đã hành hạ cậu.
Alyosha đón lấy chiếc quần của thằng con lão hàng giò, nhưng không mặc vào mà lánh sang một bên. Nó thu nhặt những mảnh giấy vụn, que và cỏ khô, không hiểu để làm gì. Nó vun tất cả những thứ đó thành một đống con rồi đốt lên (cái thằng Alyosha ấy đúng là một thằng bé khó hiểu) rồi quẳng chiếc quần mới vào lửa và chạy mất. Bọn trẻ chỉ vừa kịp lôi chiếc quần ra.
Tôi và Vaska cầm lá cờ ba màu của bọn ca-đê và sau khi đã giấu thanh gươm của thằng Genka dưới áo, chúng tôi bò lên trần nhà. Ở trên đó, chúng tôi mới đem thanh gươm ra ngắm nghía. Nó khá nặng. Lưỡi gươm dài, sắc lạnh, lấp lánh ghê rợn trong bóng tối và làm người ta khiếp đảm.
Vaska để ý thấy có dòng chữ gì đó trên thanh gươm. Chúng tôi lại gần ô cửa tò vò. Trên đốc kiếm bịt bạc có khắc: “Kính tặng ngài S. P. Shatokhin, tướng bộ binh, vì những chiến công”.
Chúng tôi kinh sợ: hóa ra thanh gươm là của chính tướng Shatokhin. Có thể vì nó mà sẽ bị liên lụy.
Làm sao bây giờ? Quẳng ra khe Bogodukhovskaya hay chôn nó xuống đất? Sau chúng tôi nghĩ ra: đêm đến sẽ quẳng nó xuống giếng lò mỏ “Italia”.
Nhưng việc đó cũng nguy hiểm. Dọc đường ai đó có thể nhìn thấy. Thì thầm bàn bạc mãi cuối cùng chúng tôi quyết định giấu nó trên trần nhà dưới mái ngói. Vaska bảo thanh gươm có thể sẽ có ích cho các chú công nhân.
Giấu xong chúng tôi bí mật tụt xuống.
- Chúng mình đi tắm ngoài ao đi – Vaska rủ. – Bây giờ chính quyền là của chúng ta, và ao nước là của chúng ta… Chúng ta còn được bọn ca-đê bồi thường nữa chứ.
6
Chúng tôi mừng chiến thắng.
Hôm ấy dù xuất hiện ở đâu đi chăng nữa bọn ca-đê cũng lẩn tránh chúng tôi. Chúng tôi đã bắt làm tù binh một thằng học sinh trung học và bắt nó canh giữ đồ đạc cho chúng tôi.
Chúng tôi cởi quần áo, bện cho mình những cái mũ bằng hoa ngưu bàng, trát bùn vào người, rồi chạy đuổi nhau dọc bờ ao.
Thật thú vị được chạy từ trên gò xuống rồi phóng thẳng xuống làn nước ao lạnh mát: những tia nước, bọt sủi lăn tăn, tiếng la hét rồi những ánh nắng mặt trời đùa giỡn trên mặt nước – vui biết bao nhiêu!
Tắm táp thỏa chí rồi, chúng tôi mới thả thằng học sinh về, bắt nó truyền lại cho đồng bọn là không được đến ao nước khi chưa được phép của chúng tôi.
Như những người chiến thắng, chúng tôi đội những vòng hoa sặc sỡ lên những mái đầu rậm rì chưa cắt của mình.
Thảo nguyên rộng mênh mông xanh biếc gợi lên cảm xúc tự do. Bây giờ tất cả đều thuộc về chúng tôi: cả ao nước, cả cánh đồng cỏ và ngay cả hầm mỏ nữa vì cha anh chúng tôi đều làm việc ở đó, ở dưới đất ấy.
Chúng tôi về thẳng nhà qua cánh đồng cỏ. Ucha nhặt được ở đâu đó một cái ấm xa-mô-va đồng bẹp dúm dó, mốc meo. Nó buộc ấm vào một sợi dây, kéo lê theo sau, miệng hét: “Đã tóm được thằng Kerensky!”
Thấy tôi nhặt được một chiếc giày rách, Vaska bỗng ra lệnh:
- Hãy đứng lại! Tôi tuyên bố xử bắn chính phủ Kerensky!
Cậu cầm lấy ấm xa-mô-va, giật chiếc giày ở tay tôi, kiếm được dưới mương một cái chai đựng dầu hỏa và một mẩu chổi cùn. Cậu xếp tất cả những thứ đó thành một hàng, rồi bảo:
- Đây sẽ là Kerensky! – Cậu vỗ vỗ vào cái ấm xa-mô-va. – Còn đây là Milyukov. – Vaska chỉ vào chiếc giày ló ra ở đám cỏ. Trong tiếng cười rộ của bọn trẻ, cậu gọi cái chổi là Guchkov, còn cái chai là Rodzyanko. Vaska không quên một thằng nào trong chính phủ Kerensky và đều kết án chúng tử hình.
Con Polkan như cảm thấy sắp bắt đầu một cái gì đó lạ thường và như một mũi tên nó lao đến chạy quanh những thứ đã đặt, lấy chân cào cào đất và sủa vào chúng.
Chúng tôi nhặt đầy hai tay đá.
- Hãy vẽ thêm râu cho thằng Kerensky! – thằng Abdulka đề nghị.
- Gắn râu cho nó bằng xơ rửa bát ấy, đây cho mày nắm xơ này!
Vaska cầm nắm xơ bẩn thỉu gắn vào vòi ấm xa-mô-va. Bọn trẻ lăn cả ra mà cười.
Vaska hạ lệnh:
- Nhằm thẳng Chính phủ lâm thời Kerensky nhất loạt, bắn!
Ngay loạt đạn đầu chiếc ấm xa-mô-va – Kerensky đã bị gãy mũi (vòi ấm). Chai – Rodzyanko bay thành mảnh. Còn tôi đã hạ chiếc giày – Milyukov.
Polkan ngoạm lấy chiếc giày – Milyukov, nhay nhay rồi tha chiếc giày chạy khắp cánh đồng cỏ, xong lại vừa sủa vừa ghì chiếc giày xuống cỏ và cắn xé nát ra.
Thật vui thích biết bao nhiêu!
Chúng tôi tiếp tục đi dọc cánh đồng cỏ.
Xa xa đã thấy hiện ra đống than hình chóp cũ kỹ của mỏ “Italia” bỏ hoang.
Thằng Ilyukha kể là từ khi xảy ra vụ nổ, ở đó đêm đêm từ dưới đất cứ vọng lên lời cầu nguyện.
Chúng tôi kinh sợ đi vào trong. Tòa nhà mỏ trên giếng lò sụt lở gần hết. Những đường ray nhỏ hẹp, han gỉ dẫn tới giếng lò và tới sát miệng hố đã đổ cả xuống vực thẳm.
Chúng tôi cúi nhìn xuống giếng lò. Mùi ẩm ướt, hôi hám bốc lên. Thằng Ilyukha ném xuống một hòn đất, nghe thấy tiếng gió, tiếng đá va vào thành giếng lộc cộc, và mãi mới vọng lên tiếng rơi tõm xuống nước.
Chúng tôi rời bỏ tòa nhà u ám đó, trong lòng thấy nhẹ nhõm và đến khi ra khỏi nhà máy mới biết ngoài cánh đồng trời đã tối. Đám mây đen xịt viền quanh bằng những mảng trắng dài đang kéo tới. Xa xa rền vang tiếng sấm.
7
Chúng tôi rảo bước và khi tới gần ven thành phố thì một đám trẻ ùa ra đón. Chúng thì thào, giọng hoảng hốt, rằng trong thành phố mọi người đang kinh hoảng: bọn cảnh sát của Chính phủ lâm thời đang lùng tìm một thanh gươm nào đó bằng vàng thật của vị tướng.
Tôi và Vaska liếc nhìn nhau, rồi không nói một lời bò lên chỗ trần nhà. Chúng tôi lấy thanh gươm ra và quyết định đem nó ném ngay lập tức xuống giếng lò mỏ “Italia”.
Vừa bò trên trần nhà xuống thì nghe thấy tiếng vó ngựa, chúng tôi quay trở lại. Qua ô cửa tò vò có thể nhìn rõ một phần phố xá.
Chúng tôi thấy rất nhiều kỵ binh. Một thằng là học sinh trường quân sự, còn bọn kia là cảnh sát Chính phủ lâm thời với băng trắng có hai chữ “C.S.” ở cánh tay áo. Thằng cảnh sát Zagrebay mặc thường phục đi đi lại lại trong bọn chúng.
Sấm rền không ngớt trên bầu trời, gió bắt đầu thổi mạnh.
Bọn kỵ binh tụt xuống ngựa cạnh nhà Vaska. Hai thằng vào sân nhà tôi, bọn còn lại – vào nhà Vaska. Nghe rõ thấy chúng đang cuốc xới ngoài sân, đập phá cái gì đó ở nhà kho. Sau đó hai thằng cảnh sát lôi ra ngoài sân nhà Vaska một ôm giáo bằng sắt và những thanh gươm tự rèn. Vaska nắm tay tôi.
- Chúng đã tìm thấy giáo và gươm.
- Giáo nào đấy?
- Người ta cất giấu ở nhà tớ. Bố cậu đã mang đến lúc đêm.
- Để làm gì kia?
- Cậu, trời ơi, thật cứ như trẻ con ấy, lúc nào cũng phải kể với lể. không tự đoán ra được… Cậu không nhớ các chú công nhân đến Petrograd làm gì sao?
Chúng tôi ngồi trên trần nhà, lắng nghe tiếng rì rầm dưới sân, nhưng không nghe rõ được một lời vì tiếng mưa to ầm ầm. Bỗng tiếng sấm vang lên, dường như trái đất nứt toác ra. Chớp đánh qua ô cửa tò vò, chiếu sáng cả một góc trần nhà. Nhìn qua cửa sổ lúc này thật sợ, nhưng tôi vẫn lại gần và nhìn thấy chúng giải bố tôi từ trong nhà ra, thúc báng súng vào lưng, dẫn bố tôi đi trên phố. Tôi không hiểu ngay được là bố tôi bị bắt và chúng giải bố tôi vào tù. Tiếng khóc của mẹ tôi đâm nhói vào tim.
- Làm sao thế hả chú Anisim? – mẹ tôi vừa khóc vừa hỏi chú Anisim Ivanovich, chú vừa đi xe ở sân ra. – Ông tướng mất gươm mà bọn chúng làm náo động tất cả, bỏ tù cả những người vô tội.
- Sự thể không phải ở thanh gươm bị mất đâu, thím Grunya ạ, – chú đáp. – Đó chỉ là mưu mẹo thôi. Chúng cần có lý do để lục soát, tìm vũ khí và dọa nạt quần chúng. – Im lặng một chút rồi chú nói tiếp: – Bọn tư sản chà đạp chúng ta. Nhìn đâu đâu cũng thấy bọn men-sê-vích và bọn cách mạng xã hội. Trong ủy ban là chúng, trong Xô-viết cũng là chúng.
- Còn như thế đến bao giờ nữa, chú Anisim? – Mẹ tôi lại hỏi. – Thế mà người ta đã nói biết bao nhiêu về tự do!
- Tự do! – Chú nói. – Làm sao có thể có tự do được khi chính quyền trong tay thằng hàng giò Tsybulya? Thím hãy nghĩ xem đó là loại tự do gì? Tự do áp bức và cướp bóc người lao động, tự do phì nộn và tắm người trong vàng bạc. Còn với chúng ta, với tôi và thím, chỉ có một thứ tự do – tự do chết đói, và cứ thế mãi… Nhưng tôi xin nói: bọn tư sản muốn chôn vùi cách mạng quá sớm. Cách mạng vẫn sống và chẳng bao lâu nữa sẽ ra tay. Cứ chờ đã, thím Grunya ạ, chúng ta sẽ tập hợp lực lượng. Không phải chờ đợi lâu nữa đâu. Không phải hôm nay thì ngày mai dông tố sẽ nổ ra trên đất nước Nga, sẽ nổ ra một cơn dông tố vĩ đại!…
Người Bạn Kiên Nghị Người Bạn Kiên Nghị - Leonid Zharikov Người Bạn Kiên Nghị