Số lần đọc/download: 2012 / 28
Cập nhật: 2015-07-18 07:16:29 +0700
Chương 7
K
hi sao mờ dần trên nền trời, Sinh trở về gốc cây, nơi chủ nằm. Tay trái mang chiếc nồi đầy ắp món ra gu ngon lành, tay phải xách cái xô đầy nước, và kèm thêm vài miếng thịt nướng nữa. Sinh nói như hét:
- Thưa ông chủ! Con đây! Con đem thịt, đem nước về đây, ngon lắm, ông ơi?
- Cám ơn con! Nhưng đừng đánh thức rừng già?
Lời mắng yêu của chủ làm Sinh sung sướng, vui vẻ ông chủ tỉnh táo lắm rồi! Sinh mang nồi thịt đến, nhưng bỗng nó xịu mặt:
- Chết con rồi?
Ông Ngọc Sơn ngạc nhiên:
- Có gì vậy?
- Dạ thưa ông, con quên mất, không lấy cái muỗng với cái nĩa cho ông dùng, con tệ quá...
- Tưởng gì... ta có cái nĩa của ông A Đam đây! Đừng quan tâm, bên xứ ta, họ nói rằng những ngón tay được sinh ra trước cái nĩa mà! Đừng bày vẽ nếu như không thể ăn thiếu nĩa thì làm sao sống trong rừng già? Ủa, mà này... Sinh! Con tìm đâu ra thịt đây?
Một ý nghĩ khủng khiếp hiện ra trong óc làm ông rụng rời, ông lo lắng hỏi:
- Bốp đâu? Con không…
Đúng lúc đó, Bốp kêu lên vì mùi thịt trong nồi làm nó quá thèm, con vật hiện ra trước mặt ông, đuôi ve vẩy thích thú và nếu tiểu chủ nó không kịp giữ nó lại, nó đã vục đầu vào nồi thịt, quên cả lễ phép, tôn ti!
Ông Ngọc Sơn ngồi yên, đợi cho Sinh ăn thật no rồi mới bắt đầu ăn. Bây giờ, cái bụng lép đã đầy, Sinh liến thoắng kể hết đầu đuôi câu chuyện mạo hiểm vừa rồi. Đến đoạn Sinh dùng Bốp làm mồi, ông ngừng nhai, rụng rời, sửng sốt. Một lát sau ông mới tiếp tục ăn, và ông nói nho nhỏ:
- Ta không trách con, nhưng thật ta không bao giờ dám táo gan đến mức dám làm như vậy, lỡ con chó chết thì sao? Đó chính là nhược điểm của ta, ta nhiều tình cảm quá.
Sau bữa ăn, ông Ngọc Sơn thấy khỏe nhiều, như được sống lại. Cậu y tá bất đắc dĩ lại rửa vết thương và lấy thuốc rắc lên, băng bó dán kín như cũ. Xong đâu đó, ông đề nghị:
- Ta cần phải ngủ! Chúng ta cần phải ngủ, nhất là con.
Ông ngã mình xuống, nhắm hai mắt lại. Từ hai ngày qua, Sinh không ngủ được quá một giờ. Nó sung sướng làm theo lời chủ, nằm xuống toan đánh một giấc ngon lành.
Thình lình, Bốp vểnh tai lên và gầm gừ trong cổ họng. Sinh mở choàng mắt, đặt tay lên mõm nó, con vật hiểu ý im ngay. Ban đầu Sinh không nghe gì, trừ tiếng côn trùng vo vo giữa các lùm cây. Rồi nó nghe rõ ràng có tiếng người, thứ tiếng người quen thuộc: tiếng tên Hiếu.
-... Và chúng đi bằng ngã này, thấy không, rong rêu trên tường tuột mất. Đưa khẩu súng đây! Tôi leo ra vườn...
Sinh chộp ngay khẩu súng trường. Bụi rậm thầy trò nó nấp chỉ cách lâu đài trên năm mươi thước là nhiều. Chắc chúng sẽ đến khóm cây này và lục soát liền bây giờ. Làm sao đây? Ông chủ yếu quá, không đi được. Ở yên đây thì chúng sẽ khám phá ra liền, trừ khi có phép tiên. Chỉ còn một cách cuối cùng; mình rời nơi này để chúng đuổi theo rồi tìm cách làm chúng lạc hướng. Sinh nghĩ thêm: phải đem Bốp theo, kẻo nó làm lộ chỗ chủ
nằm. Sinh quả quyết đứng lên, mò ra, tiến về hướng tiền diện lâu đài. Nó phóng một cái qua khỏi tảng đá và huýt sáo gọi Bốp theo.
Bất ngờ; Sinh đụng đầu ngay với Tư Gấc. Tên béo phị này nhát gan cho đến nỗi không dám theo đồng bọn vào lâu đài, hắn bảo Giang Khâm thế này:
- Để tôi đứng đây canh chừng cho, trường hợp tụi nó…
Và thế là Giang Khâm nghe lời, để hắn đứng cạnh. Nhưng nhác thấy Sinh, hắn sửng sốt, đôi bên chưa biết nên đối phó với nhau cách nào thì Bốp sủa to lên.
Tư Gấc nhảy chồm lên như thể đã bị chó cắn vào bắp chân đầy mỡ vậy. Hắn rống:
- Cứu tôi! Cứu… Giang Khâm ơi... Cứu! Cứu!
Và hắn chạy tuốt vào lâu đài, nhảy bừa lên mấy đống đá nhanh nhẹn, dễ dàng như một con cheo, trái với thói quen nặng nề của hắn mỗi khi di chuyển.
Trong lâu dài, chỗ ông Ngọc Sơn nằm hôm qua. Giang Khâm sắp đưa súng to nòng cho tên Hiếu. Tên này ngồi vắt vẻo trên cành cây chìa vào cửa sổ, Kha thì đứng lên vai Giang Khâm để vói đưa súng lên. Khi nghe Tư Gấc rống, Giang Khâm quên Kha đang đứng trên vai mình, quay lại làm Kha mất thăng bằng, hét dựng lên và nhảy bừa xuống cho khỏi té nặng. Không may, hắn nhảy nhằm hòn đá nhọn làm bàn chân bị thương. Kha chửi rủa liên hồi trong khi tên Gấc chạy như ma đuổi bên lưng. Tư Gấc thở hồng hộc, mặt đỏ như gấc, mồ hôi chảy trên má.
- Chúng ở ngoài kia, chúng... có cả con chó quỉ! May cho tôi thoát được! Ông Ngọc Sơn nhắm bắn tôi, tôi phảỉ chạy…
- Anh thì chỉ biết có... chạy trốn! - Giang Khâm khinh bỉ nói - Vậy chớ tôi đã giao cho anh khẩu súng, sao không bắn ông? Mà lại chạy?
- Bắn ư? Đâu có kịp? Tôi phải lựa hai đường: chết hay chạy trốn, chúng bò dọc theo vách mà đến, bất ngờ quá, khi tôi vừa thấy ông Ngọc Sơn, mũi súng đã chĩa vào tôi. Không hiểu sao tôi chưa chết chớ?
Giang Khâm nhíu mày suy nghĩ đoạn đưa mắt lên cành cây chỗ Hiếu ngồi:
- Xuống đi! Mình phải đổi kế hoạch mới xong.
Và quay sang tên Gấc, hỏi gặng:
- Chắc không? Chắc anh thấy ông chủ không? Theo tôi, có lẽ anh chỉ thấy con chó với thằng nhỏ, tôi dám cá là không có ông Sơn.
Gấc hơi trù trù một chút, mà thôi, thà là nói dối chớ hắn không muốn mang tiếng nhát gan, xấu hổ chết đi được. Gấc xác nhận:
- Có chớ! Có ổng. Giang Khâm ơi! Ổng coi không khỏe lắm mà... mà tôi dám chắc anh thấy ông cầm súng, anh cũng phải... ngán. Tôi thấy rõ ràng cả ba: Ngọc Sơn, con chó với thằng Sinh, đủ mặt.
Giang Khâm thở dài bất mãn, hắn đặt khẩu súng trường to mà hắn đánh cắp đêm qua xuống đất, nói dè chừng:
- Tôi nghi quá, nếu không nghe tiếng con Bốp, tôi dám tin là anh thấy ảo ảnh. Anh tồi lắm, chắc anh nói dối, anh không thấy ông Ngọc Sơn.
Đợi cho Hiếu trụt xuống xong, cả bốn người lục tục kéo về trại. Gần đến lều hắn bỗng dừng lại, nắm vai tên Gấc lay mạnh:
- Thú thật đi! Thú là anh đã nói dối đi!
Tên đầu bếp hoảng hồn muốn trả lời nhưng thốt không ra tiếng. Khâm càng nắm chắc vai hắn, lắc dồn:
- Đồ heo mập! Nói thật đi! Sự thật! Mày nghe chưa? Mạng sống tụi mình tùy vào đó, ông Ngọc Sơn có mặt cùng với thằng Sinh không? Nói mau!
Hắn nới tay ra, Tư Gấc lảo đảo lùi lại, hai tay bưng lấy cổ, sợ hãi nhìn cả ba bạn, run rẩy nói:
- Tôi lầm! Có lẽ tôi thấy lầm, không có ông Sơn nhưng tôi thề là có thằng Sơn với con chó, có cả súng.
- Đủ rồi tôi tin anh (quay sang hai tên kia, hắn nói) các anh nghe đây: Ông chủ bị thương nặng không đi được, nó giấu ông đâu đó đi kêu cứu. Thằng này phải chết! (hắn nghiến răng nghe kèn kẹt) Nó phải chết! Rượt theo ngay! Không khó khăn chi đâu. Đừng quan tâm đến chủ nó, ông ta sẽ chết dần...
- Anh tính giết thằng nhỏ à? Nó còn nhỏ... tôi tự hỏi mình có nên…
- Đừng, tôi đã biểu, đừng giở giọng nhân đạo. Nó mà thoát thì không khác gì ông Sơn sống, nó sẽ liên kết với cảnh binh. Không sớm thì muộn chúng ta sẽ bị tù chung thân là ít nếu không bị treo cổ.
Cả bọn lặng thinh. Giang Khâm thêm:
- Các anh biết đảo Andaman chớ? Có nghe nói chớ? một người ngu thì chịu được cảnh tù đày, nhất là tù ngoài đảo đó, còn tôi, dân Bản Thượng thì không, không đời nào. Thà tôi chết tức thì do một con rắn độc còn hơn, tôi không thích chết dần mòn ngoài đó với lũ trộm cướp, bất lương nhan nhản trên xứ Ấn Độ này!
Tên Tư Gấc nghĩ sao? Hắn nghĩ thế này: "Dóc hoài! Làm như giòng giống Bản Thượng là giống quí tộc không bằng, cả mày nữa, Khâm ơi! Mày thì lương thiện cóc gì mà chê tụi tù ngoài đó bất lương, không muốn sống chung? Chính mày là đầu têu, lôi tao vào cái vòng oan nghiệt này”.
Nhưng có cho Gấc một nắm tiền vàng, hắn cũng không mở miệng nói ra câu đó. Nói ra làm chi? Đặng Giang Khâm nó bóp cổ cho ư? Gấc đâu ngu dữ vậy. Gấc tán đồng liền:
- Phải! Phải! Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Tự do sướng hơn!
Trong khi đó, Hiếu với Kha lo lắng trông thấy. Chúng đều nghe đến tên hòn đảo này, đảo nằm trong vịnh Bengale. Tù khổ sai được đưa ra đó, đời sống thật là khủng khiếp, không mong gì vượt ngục, vì quanh đó là biển xanh và cá mập nhiều như rươi, lúc nào cũng lảng vảng tại đó chờ mồi!
Giọng Hiếu lạc đi vì lo lắng:
- Làm sao cho thằng tiểu quỉ câm đi được? Ông Ngọc Sơn thì sẽ chết vì đói và vết thương hành, chớ nó, nó lanh như con sóc mà lại có súng bên mình...
- Anh đừng lo, nếu nó đi, nó phải đi về phía làng nào gần nhất, hướng đông. Mà qua hướng này nó phải đến một cái vực vừa hẹp vừa sâu. Mình chỉ cần đến trước nó, chặn nó ngang chỗ hai cái cầu dây là mọi việc tốt đẹp liền.
Kha reo lên một tiếng biểu lộ sự mừng rỡ. Hắn biết rõ vực này, không thể lội qua được vực ấy, vì có một con suối chảy rất mạnh, dù về mùa khô ráo nhất trong năm. Giang Khâm nói:
- Tôi có kế này! Anh Hiếu chạy mau đến phía cầu và cắt đứt cầu đi, chúng tôi...
- Sao? Cắt đứt cầu đi hả? Cha! Đừng giỡn mà! Cảnh sát biết được, họ chặt tay đó!
- Ngốc! Họ làm sao biết nổi trừ khi chính miệng anh khai ra. Làm việc với bọn nhát gan như anh, chán quá đi! Ai ở đó mà thấy anh cắt cầu, may ra có khỉ... Đó, hãy nghe tôi, tôi tính kỹ rồi, một là mình cắt đứt một cầu, đón nó cầu kia, hai là không cắt cầu nào hết, thì chia hai tốp canh chừng ở hai cầu. Nhưng chính lỗ miệng anh mới nói đó: thằng Sinh nhanh như sóc. Vậy nên tụ lại một cầu mà chận nó thì chắc ăn hơn.
Bàn qua tính lại một hồi,.chúng thuận nghe lời Khâm: Hiếu đi cắt cái cầu phía bắc, tức cầu dây Ramesshwat, còn Khâm, Gấc, Kha thì núp ở đầu cầu phía nam. Gấc chuẩn bị một giỏ thức ăn rồi bọn người rời trại. Sinh núp thấy hết mọi cử động, nhưng rủi cái là nó không nghe được gì cả.
Sinh cũng muốn rời khu rừng nhưng cố nán lại vì sợ bọn này lừa mình rồi sẽ quay lại. Được một lúc khá lâu, nó tin rằng sự ra đi này không phải là cái bẫy như nó nghĩ, yên lòng chui ra.
Bọn bất lương để lại rất nhiều thức ăn, nó phục hồi can đảm trở lại, nó sắp hai giỏ thức ăn thật to mang về cho chủ và kể rõ chuyện chúng bỏ đi.
Ông Ngọc Sơn trông thật thảm hại, ông không còn bị hành hạ vì vết thương, lại bị sức nóng hành. Không ăn muối từ hai ngày nay - người ta biết rằng muối rất cần cho cơ thể, nhất là tại những xứ nóng, vì cơ thể cần chất này để thay thế chất muối tiết ra theo mồ hôi.
Biết chắc quân gian bỏ trại, Sinh chạy bay về lều, lấy cho ông chủ mấy viên muối. Ông Ngọc Sơn cũng muốn cùng Sinh góp sức trong công cuộc chiến đấu khổ nhọc này sau khi đã để Sinh gánh vác nhiều ngày, nhưng ông đứng lên không nổi. Ông lơ lửng giữa không trung, mình trên trời đầu dưới nước.
"Mình phải ngủ, vì biết đâu lát nữa mình có thể thức thay cho Sinh?" Và ông làm liền điều đó. Khi tỉnh dậy, ông thấy tỉnh táo hơn dù vết thương làm ông nhức tận xương. Sinh thì nằm dài trên đất, ngủ ngon lành như chưa từng được ngủ nhiều ngày. Trông nét mặt ngây thơ, vô tư lự của nó, ông thương xót vô cùng. Tội nghiệp nó! Nó đã hành động như là một người từng trải, nhiều tuổi vậy! Tuy nhiên, hẳn còn nhiều thử thách nữa cũng lại nhờ ở mỗi mình nó thôi, ta vô dụng quá! Ông toan đánh thức nó song do dự, không đành lòng.
Sau cùng, ông lay nhẹ Sinh. Sinh mở mắt còn trĩu nặng, ngồi lên ngáp dài rồi cắm cúi thu xếp vật dụng. Nó làm một cái lều tranh gần con suối chảy ra ao, đoạn mang giường mùng ra đó. Nó dìu ông chủ đến giường nằm sau khi thăm lại vết thương lần nữa.
Ngần ngừ giây lâu, Sinh cương quyết đứng lên:
- Thưa, bây giờ con đi kêu cứu. Con sẽ trở lại trong bốn ngày...
- Ô! Sinh! Con còn mệt lắm, khoan đã, đừng đi ngay bây giờ. Vả lại trời sắp xế rồi. Phải những hai ngày đường mới đến nơi gần nhất. Trong tình trạng này, con đi ngay vô ích, hãy ngủ! Ta sẽ đánh thức con dậy lúc trời sáng…
- Con sợ mất nhiều thì giờ quá, nếu con không đi liền…
- Con sẽ ngã quị dọc đường nếu đi ngay bây giờ. Con hãy nghe ta, ta khôn hơn, con biết đời sống trong rừng già nhưng hiện giờ thì ta có lý, con ngủ đi!
Sinh vâng lời chủ, ngủ liền một giấc từ đó cho tới bình minh. Khi những tia sáng đầu tiên ló dạng, ông gọi nó dậy. Sinh ngồi lên, có cảm tường mới ngủ mười lăm phút trước đây! Vậy mà khi ông chủ bảo ngủ nó khăng khăng đòi lên đường kêu cứu!
- Sinh! Con ngủ mấy giờ, con biết không? Gà gáy cả chục lần...
- Thưa ông, con có nên đem cả súng theo hay đừng?
- Thôi, con ạ! Con mà lọt vào bẫy chúng thì tên cướp càng giết con sớm hơn.
Thầy trò chia tay, ông Ngọc Sơn còn dặn dò năm lần, bảy lượt:
- Con cố mở mắt cho to mà đề phòng. Đừng liều lĩnh nghe chưa! Thôi con đi! Xin Thượng Đế phò hộ cho con! Dù ta có chết đi nữa, ta vẫn biết ơn con. Cố mà bảo toàn
tính mạng! Ta tiếc không sống lâu để thương yêu, bù đắp cho con …
Sinh nghẹn ngào:
- Xin ông chủ tin con! Chúa sẽ thương mà giúp con đi về bình yên! Ông chủ sẽ nằm trên cái võng... Ông chủ đừng lo ngại gì hết. Ông chủ vẫn thường nói rằng: "những kẻ ăn ở hiền lành sẽ được bình an sau cùng” mà, ông quên sao? Sinh suýt khóc nhưng gượng kịp, nó tin là khi ra đi mà khóc e rằng không hên. Nó cúi xuống chào ông theo phong tục xứ mình, rồi lên đường. Bốp theo sau. Ông Sơn dõi mắt theo thằng bé, lòng bồi hồi thương cảm, ông nở nụ cười buồn.
- Thật khó mà tìm thấy một đứa trẻ thứ hai như thế, can đảm, bền chí hơn cả người lớn, trung thành hơn cả một vú già trong thế kỷ trước tại xứ mình! Trời ơi! Sao tôi lại dính chặt tại cái giường này? Không biết lần này nó có thoát khỏi quỉ kế của thằng Khâm không? Lạy Chúa! Thà con giảm thọ hay con chết, nhưng xin Chúa che chở cho Sinh được an lành!
° ° °
Sinh thì không có nghĩ ngợi lôi thôi, nó chỉ tự hỏi: "Mình sẽ đi đến đâu trong ngày hôm nay?" Sinh đi gần như chạy. Có lúc nó chạy thật sự. Mỏi, nó lại đi. Sau lưng nó, Bốp theo bén gót, mình đầy bụi bặm, nó thở hồng hộc như cái đầu máy xe lửa già nua lên dốc chậm.
Thì giờ trôi qua, Sinh không dám nghỉ hay chậm bước chút nào, ngay cả lúc mặt trời lên cao nhất. Thỉnh thoảng nó mở bình nước ra uống một hớp và cho con chó một phần bằng phần nó mà thôi. Con vật chỉ ưng uống hết tiệt một lần cho đã khát.
Mặt trời như thương tình, dịu xuống và dần khuất về phía chân trời. Sinh khuyến khích con vật:
- Ráng lên! - Cây cầu dây ở phía Nam không còn bao xa nữa. Qua tới bên kia có một cái hồ nước trong lắm, Bốp ơi t
Một con chuột chạy ngang bụi rậm gây nên tiếng động khả nghi làm Sinh giật mình ngừng lại. Khi thấy không có gì đáng lo, nó tiếp:
- …Và tao biết cái hồ nhỏ có nước trong, mát quanh năm... Anh em mình ngừng lại, ăn uống đàng hoàng rồi tìm một cái cây to có cành cao mà đánh một giấc cho đến sáng mai, khỏi sợ gì hết.
Sự sung sướng làm Sinh tưởng tượng xa vời thêm ra:
- Đây rồi, sau khi mình kêu cứu, ông chủ sẽ nằm một võng, tao với mày nằm một võng, bắt tụi Giang Khâm khiêng, sang hơn cả ông hoàng. Chịu không?
Con vật nũng nịu dụi đầu vào chân Sinh, kêu lên nho nhỏ, Sinh cúi xuống:
- Chà! Không chịu nằm chung với tao hả? Thôi được, tao sẽ bắt tụi nó dệt riêng cho mày một cái võng bằng gấm cho sang hơn, nghe? Tao sẽ ra lịnh cho tụi nó kêu ông chủ bằng cụ, kêu tao bằng ông, còn mày thì bằng cậu, ưng không?
Và Sinh cười sang sảng, tiếng cười trong trẻo vang động cả rừng già làm cho vài con chim nhút nhát vội vàng vỗ cánh, bay lên...