Số lần đọc/download: 287 / 62
Cập nhật: 2019-09-26 21:42:53 +0700
Chương 6: Tìm Lại Con Người
Đ
ời sống trong tu viện Thiền được tổ chức rất hoàn bị, bắt đầu từ Bách Trượng thiền sư (770-803) của Trung Hoa và quy chế tổ chức thiền môn này gọi là Bách Trượng Thanh Quy. Tu viện của Bách Trượng thiền sư nằm trên núi Đại Hùng ở Hồng Châu tại tỉnh Giang Tây, sau này núi Đại Hùng đổi ra là Bách Trượng sơn. Bách Trượng Thanh Quy là pháp chế thiền môn được sáng tạo do sự phối hợp luật nghi đại thừa và tiểu thừa. Chính bắt đầu từ Bách Trượng mà thiền viện độc lập với Luật viện.
Bách Trượng thiền sư cũng khai sáng truyền thống “bất tác bất thực” (không làm việc thì không tiêu thụ). Tăng sĩ làm tất cả công việc có thể làm trong tu viện: làm vườn, làm ruộng, xây cất, xay lúa, giã gạo v.v… Tăng sĩ làm việc cũng nặng nhọc như mọi người khác, và sự vận động thân thể thiết lâp trên sự thăng bằng với sự vận động tâm trí của thiền quán, tạo nên trạng thái bình thường khỏe mạnh của con người.
Tu viện được đặt dưới quyền lãnh đạo của một viện chủ, có khi gọi là giám viện. Vị tăng Tri Sự là một giám đốc điều hành chịu trách nhiệm về tổ chức của tu viện. Vị Tri Viện chịu trách nhiệm về đất đai, vườn tược; vị Thủ Khố chịu trách nhiệm về các kho chứa sản và tài vật của tu viện. Vị Trí Tạng chịu trách nhiệm về thư viện; vị Trí Liêu chịu trách nhiệm về việc phân phối và quản thủ phòng ốc; vị Tri Điện chịu trách nhiệm về Phật điện cùng với vị Hương Đăng. Vị Tri Khách chịu trách nhiệm về tăng khách và tục khách; vị Duy Na chịu trách nhiệm về việc hướng dẫn các nghi lễ; vị Thư trạng hay Thư ký chịu trách nhiệm về các văn kiện và các sự ghi chép cùng thư tín; vị Tri Chúng chịu trách nhiệm về các vấn đề liên hệ sinh hoạt giữa tăng chúng v.v… Có những công tác hàng ngày được được chúng tăng luân phiên chịu trách nhiệm trong ngày về các công tác đó được gọi là Tri Nhật. Các vị nhỏ tuổi và mới được gia nhập cộng đồng tăng chúng thường được giao cho các trách vụ Thị Giả, để giúp đỡ các vị thiền sư trong các vấn đề trà nước, dọn dẹp, để có dịp thân cận các vị này mà học hỏi, mà thấm nhuần phong cách Thiền.
Mỗi tháng hai lần tất cả chúng tăng tập họp ở Phật điện làm lễ bố tát, kiểm điểm sự thi hành luật nghi, tụng đọc toàn văn giới luật và sáu nguyên tắc sống chung hòa hợp, gọi là Lục Hòa:
1.- Thân hòa đồng trú: cùng ở với nhau một nơi.
2.- Giới hòa đồng tu: cùng vâng giữ một thứ giới luật.
3.- Khẩu hòa vô tránh: cùng tránh xử dụng ngôn ngữ bất hòa.
4.- Lợi hòa đồng huân: cùng chia xẻ những điều kiện vật chất đang có.
5.- Kiến hòa đồng giải: cùng chia xẻ những kiến thức và quan niệm.
6.- Ý hòa đồng duyệt: cùng dung họp mọi ý kiến dị biệt để mọi người đều vui vẻ.
Buổi sáng, chư tăng thức dậy vào lúc bốn giờ khi nghe ba tiếng chuông “bảo chúng”. Mọi người có mười lăm phút để rửa mặt, súc miệng, xếp lại giường chiếu và mặc áo tràng. Khi đại hồng chung bắt đầu ngân từng tiếng khoan thai thì mọi người đều đã ngồi trên thiền sàng của mình và bắt đầu giờ tham thiền buổi sáng.
Cuối giờ tham thiền, chư tăng tập họp tại chánh điện để tụng kinh. Sau giờ tụng kinh buổi sáng là giờ ăn sáng. Buổi ăn sáng thường thường là cháo trắng, có khi trộn với đậu xanh, ăn với dưa cải hoặc những thứ dưa chua khác chấm với nước tương. Mọi người giữ im lặng trong khi ăn và sau khi ăn xong thì tụng Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật.
Sau buổi ăn sáng, mọi người lo phận sự của mình. Người thì lo dọn dẹp Phật đường, người thì lo làm vườn, làm ruộng, người thì lo gánh nước, bổ củi… Mười một giờ rưỡi trưa thì nghỉ ngơi. Đúng ngọ là bữa cơm chánh thức trong ngày. Sau ba tiếng chuông, tất cả chỉnh tề trong áo tràng, đi thành hàng vào thực đường. Ngồi ngay thẳng trước chiếc bình bát của mình, vị tăng bắt đầu thực hiện nghi thức ngọ thực, trong đó thân, khẩu, ý cùng hòa hợp nhau từ lúc khởi đầu bữa cơm cho đến khi chấm dứt bữa cơm.
Sinh hoạt buổi chiều từ hai giờ rưỡi tới năm giờ rưỡi cũng tương tự như buổi sáng. Bữa ăn tối nếu có, chỉ là cháo trắng ăn với một vài thức dưa chấm xì dầu. Buổi tụng kinh tối bắt đầu khoảng bảy giờ. Tiếp đó là thì giờ tham cứu và tọa thiền. Mười giờ trở lên là giờ ngủ. Cá nhân có thể tiếp tục ngồi thiền cho đến khuya.
Mỗi năm từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy âm lịch, chư tăng tổ chức mùa an cư gọi là “kết hạ”. Trong thời gian này các vị tăng không đi ra khỏi giới hạn tu viện, thực tập tham cứu cùng tọa thiền một cách tích cực. Các vị giảng sư và trụ trì do tu viện gởi đi hành đạo tại các địa phương thường quy về tu viện trong mùa kết hạ này, để nhân cơ hội ấy vun đắp vốn liếng tâm linh của mình.. Trong mùa Đông cũng có một số chư tăng tổ chức an cư “kết đông” cùng với một mục đích tương tự. Những vị tăng sĩ hành đạo tại các nơi nếu không về được trong kỳ “kết hạ” thì có thể về tu viện trong kỳ “kết đông”.
Ngoài thiền đường công cộng có đủ chỗ để cho hàng chục hay có khi hàng trăm vị thiền giả tọa thiền, các tu viện còn có thể xây những thiền thất nhỏ cho cá nhân các vị thiền giả. Ở Việt Nam có rất nhiều thiền thất nhỏ như vậy được xây cất tại khắp nơi, nhất là ở thôn quê miền Nam. Ở miền Nam khí hậu ấm áp, nên có những thiền thất được xây cất vô cùng đơn giản bằng tre và lá dừa. Nhiều người gọi thiền thất là “cốc”. Một vị thiền giả có thể ở luôn ba năm, hoặc một năm, hoặc ba tháng trong thiền thất của mình với sự phụ tá của một tiểu đồng gọi là Sa di thị giả. Thời gian thiền giả thực tập thiền tọa gọi là thời gian nhập thất. Trong thời gian này vị thiền giả không đi ra khỏi khu vực thiền thất của mình. Vị Sa di thị giả làm trách vụ liên lạc giữa thiền thất và tu viện, giúp đỡ vấn đề cung cấp nước lạnh, gạo, rau đậu và trái cây. Vị thiền giả có thể tự nấu lấy thức ăn cho mình. Trong thiền thất chỉ có một giường ngủ dùng làm thiền sàng, một cái án để một cái đèn và vài cuốn kinh, một cái khăn và một bàn chải răng.
Trong thời gian kết hạ hoặc nhập thất, vị thiền giả nói rất ít, chỉ nói khi rất cần thiết, có khi không nói (tịnh khẩu). Vị Sa di thị giả cần có ý tứ, biết được những gì vị thiền giả cần và chuẩn bị chu đáo mọi thứ. Phụ tá cho một vị thiền giả như thế, vị Sa di có thể học hỏi được rất nhiều ở tư thái của vị thiền sư.
Phần lớn thì giờ trong những thời kết hạ, kết đông và nhập thất được dùng để tọa thiền. Các vị thiền giả ngồi trên thiền sàng, trong tư thế hoa sen gọi là kiết già, xếp bằng bàn chân phải đặt trên bắp chân trái và bàn chân trái được trên bắp chân phải, xương sống thẳng, đầu ngay ngắn, mắt nhìn xuống, bàn tay trái để ngửa năm trong lòng bàn tay phải. Đây là thế ngồi rất vững chãi và hùng mạnh. Những người mới tập sẽ thấy đau nhức trong thế ngồi này cho nên có thể ngồi kiểu bán già, nghĩa là bàn chân phải để trên bắp đùi trái, hoặc ngược lại.
Thiền giả, sau một vài giờ ngồi thiền trong tư thế kiết già, có thể đứng dậy và đi kinh hành. Đi kinh hành là đi bách bộ trong thiền đường, hoặc quanh thiền thất. Nếu là tọa thiền chung với đại chúng, thì giờ kinh hành được quy định trước. Mọi người thong thả từng bước, mắt nhìn xuống phía trước, im lặng nối thành hàng, đi nhiều vòng bên trong thiền đường, theo chiều hướng kim đồng hồ. Trong khi đi như vậy, thiền giả vẫn có thể tiếp tục thiền quán. Sự xen kẻ kinh hành với tọa thiền làm cho máu chảy đều trong cơ thể, hai chân không bị tê nhức.
Nhưng không phải thiền giả chỉ thực hành thiền quán trong khi tọa thiền và kinh hành. Thiền giả có thể an trú trong thiền ngay những khi làm việc, như khi vá áo, trồng rau, quét sân, rửa bát… Nhiều vị thiền giả đạt được sự bừng sáng trong khi “chấp tác” công việc thường nhật như vậy. Thực ra thiền giả sẽ không thể thành công nếu không thực hành thiền ngay trong các động tác hàng ngày kia. Không có sự giác ngộ ngoài sự sống thường nhật.
Có những cuộc gặp gỡ giữa thiền giả và thiền sư để thiền giả tham vấn về thiền, để trình bày những kinh nghiệm, nhưng khó khăn, những nghi vấn hoặc để trình bày cái thấy của mình, mong được sự chỉ giáo của thầy. Những buổi gặp gỡ như thế gọi là tham thiền. Tham ở đây có nghĩa là tham vấn, hoặc tham cứu. Những câu vấn đáp nẩy lửa có thể xảy ra trong các cuộc gặp gỡ như thế và đây là dịp người thiền giả đối diện trực tiếp với thiền sư về trường hợp cá nhân của mình. Những buổi hội diện cá nhân như thế, hoặc những buổi hội diện bất thường giữa thiền sư với một số thiền giả hoặc trong liêu phòng, hoặc trước hiên chùa, hoặc ngoài sân cỏ thì gọi là tiểu tham. Những buổi họp mặt có định trước trong đó toàn thể đại chúng được tham dự gọi là đại tham.
Những cuộc vấn đáp xảy ra trong các buổi đại tham có thể mang tính cách của những cuộc tỷ thí hào hùng. Một thiền giả đứng ra, đem cả bản thể mình để làm đối tượng cho một cuộc thử thách. Thiền sư dùng các câu hỏi có khi tiếng hét, có khi dùng cả tay chân hay gậy gộc để thử thách thiền giả. Tất cả đại chúng theo dõi cuộc tham vấn với một trình độ ý thức rất cao, có khi với một nỗ lực căng thẳng của trí óc. Những thiền giả tình nguyện đưa mình ra cuộc thử thách như thế gọi là “xuất trận” hay “nhập trận”.
Những thiền giả đạt đạo nhiều khi rời tu viện để an trú trong một thiền thất nơi vắng vẻ, hoặc đến trụ trì sự giáo hóa trong một tu viện mới, hoặc đi du hành.
Nhưng thiền đạo không phải chỉ để dành riêng cho giới xuất gia. Giới tại gia cũng có thể tham cứu và thực tập thiền học. Có những vị cư sĩ mà trình độ tu chứng khá cao gây được cả sự mến phục của cả hai giới xuất gia và tại gia. Giới tại gia có liên hệ tới đời sống của thiền môn qua những sự hỗ trợ về vật chất (vì sức lao động của cộng đồng tu viện có khi không đủ bảo đảm đời sống kinh tế của tu viện), và những công tác kiến trúc tu viện, những hoạt động văn hóa như ấn loát phổ biến các kinh điển và thư tịch do các thiền sư trước tác. Có những tu viện tổ chức “bát quan trai giới” cho giới cư sĩ, nghĩa là tổ chức cho giới này cư trú và thực hành thiền đạo trong hai mươi bốn hay bốn mươi tám giờ đồng hồ ngay trong tu viện. Có những dãy nhà hoặc lưu xá đặc biệt dành cho công tác này. Trong thời gian “bát quan trai giới”, giới cư sĩ thực tập theo đời sống thường ngày của giới tăng sĩ.
Qua những liên hệ đó giữa giới tăng sĩ và cư sĩ mà bản chất đời sống thiền đạo thấm vào xã hội. Thiền ảnh hưởng tới thi ca, hội họa, kiến trúc và âm nhạc. Những truyền thống trà đạo, hoa đạo, viết chữ, thủy mặc họa v.v… đều phát sinh từ tinh thần thiền học. Trong các nghệ thuật nói trên, không những kỹ thuật của nghệ thuật phản chiếu được thiền mà cả bản chất của nghệ thuật cũng vậy. Kỹ thuật phản chiếu sự nhiếp tâm và khảng năng điều phục tâm ý; trong đó trình độ nghệ thuật phản chiếu chỗ sở đắc của nghệ sĩ. Nghệ thuật là gạch nối giữa thế giới tâm linh sở đắc của thiền và thế giới tổ chức của xã hội con người.
Hình ảnh người thiền giả ngộ đạo là hình ảnh của con người tự do, có sức mạnh tâm linh, không bị hoàn cảnh sai sử. Thiền giả ngộ đạo là người thấy được mặt mũi của chính mình, biết mình là ai và có một cái nhìn sáng tỏ về thực tại – thực tại bản thân cũng như thực tại xã hội. Cái nhìn ấy là hoa trái quý giá nhất mà thiền hiến tặng. Tư thế hiện hữu của thiền giả ngộ đạo được xem như là một đóng góp căn bản và trong lành của thiền giả trong cuộc sống cộng đồng. Thiền là một truyền thống sinh hoạt có thể giúp tạo nên những con người với nhận thức và đời sống lành mạnh, vững chãi, quân bình về mọi mặt. Nghệ thuật và tư tưởng phát sinh từ nguồn tuệ giác của thiền cũng mang tính cách vững chãi, hùng mạnh và trầm tĩnh của thiền.
Con người của thời đại chúng ta phần nhiều bị lôi cuốn trong guồng máy xản xuất và tiêu thu đến mức trở thành một bộ phận của guồng máy kia và không còn có khả năng tự chủ nữa. Cuộc sống hàng ngày phân tán tâm ý của chúng ta. Để đối phó với những vấn đề của sự sống, chúng ta ít có thì giờ và cơ hội để ý thức được mình và trở về với mình. Một ngày nào đó, quen theo đà hướng ngoại, chúng ta cảm thấy trống rỗng và cô đơn mỗi khi có dịp trở về đối diện với chính mình. Những giờ giấc rỗi rãi, chúng ta phải đi tìm bạn bè hoặc hòa mình vào trong một đám đông, hoặc nghe máy thu hanh, thu hình để bít lấp cảm giác trống rỗng kia.
Thêm vào tình trạng phóng thể đối với bản thân đó, cuộc sống bận bịu và vội vã ngày nay còn trình bày nhiều khía cạnh bực mình, làm cho ta trở nên cáu kỉnh một cách dễ dàng. Buồn, giận và những cảm xúc khác tới lung lạc ta và trấn ngự trong ta; chính những thế lực này đóng vai trò quyết định trong rấn nhiều trường hợp – Ta không có là ta thì làm sao ta có thể nói là ta quyết định về đời sống của chính ta được?
Đời sống hiện tại được tổ chức trên cơ bản sinh lý và con người tham dự vào đó với chỉ một phần nửa của bản thân mình, tức là phần trí tuệ. Phần còn lại là phần vô thức thâm sâu, tuy có liên hệ tới phần trí tuệ, nhưng không thể được phân tích nhận định bằng lý tính. Gốc rễ của hiện hữu con người nằm sâu ở phần vô thức đó. Cuộc sống hiện tại làm cho gốc rễ con người bị nhổ lên khỏi phần vô thức thâm sâu kia, do đó ta thấy có hiện tượng phóng thể của con người đối với chính bản thân mình.
Do hiện tượng phóng thể đó của con người đối với bản thân hiện hữu, cho nên con người mất dần nhân tính và trở nên máy móc. Hiện tượng nổi loạn của thế hệ thanh niên trong thấy ở cả hai hệ thống xã hội tư bản và vô sản chứng minh cho sự khao khát của con người muốn khôi phục bản tính của con người. Ta không biết hiện tượng nổi loạn này sẽ đưa về đâu, nhưng ta biết chắc một điều: nếu nhân loại không mở được một con đường văn hóa mới trong đó con người có thể khôi phục được nhân tính của minh thì nền văn minh hiện tại chắc chắn sẽ đưa con người đến chỗ tiêu diệt.
Sở dĩ có sự khẳng định trên là vì con đang đứng trước những hiểm họa chưa từng có trong lịch sử, trong khi chính con người không nắm vững được chính bản thân mình và hoàn cảnh mình. Hệ thống kinh tế chánh trị và quân sự của con người đã tạo ra, giờ đây đã trở lại thống trị con người: đó là nguyên nhân của hiện tượng phi nhân hóa của thời đại.
Các nhà khoa học và xã hội học của thời đại đã báo động. Giới thanh niên đã nổi loạn. Nhưng cơ cấu kinh tế và xã hội của chúng ta chưa có dấu hiệu gì thay đổi.
Hầu hết chúng ta vẫn còn tiếp tục cuộc sống lâu nay, góp sức duy trì cơ cấu sản xuất và tiêu thụ hiện tại. Chúng ta vẫn ăn, uống, làm việc và giải trí như không có gì nguy hiểm sẽ xảy ra.
Vấn đề của chúng ta đâu có phải là thiếu một lý thuyết để Gandhi thực hiện việc cứu đời. Vấn đề của chúng ta là một sự tỉnh thức. Sự tỉnh thức này giúp ta nhận rõ được tình trạng của ta và đồng thời phục hồi lại được khả năng chủ động của con người. Chúng ta đã tạo nên những cơ cấu kinh tế xã hội hiện tại và hiện giờ đang bị những cơ cấu ấy khống chế, tước đoạt mất nhân tính và khả năng chủ động. Chúng ta như một người cưỡi ngựa, bị con ngựa dữ mang đi không biết về đâu mà không thể kiểm soát được ngựa. Như vậy con đường thoát của nhân loại là một hướng đi văn hóa mới, trong đó con người khôi phục được quyền hạn và nhân tính mình.
Thiền cũng như các truyền thống sinh hoạt tâm linh Âu Á khác trong quá khứ đã đóng góp phần mình trong sự tạo dựng chiều sâu của con người. Thiền đã soi sáng con đường tư duy, nghệ thuật, văn hóa của con người. Nhưng thiền cũng như những truyền thống sinh hoạt tâm linh khác đã bị trấn áp nặng nề bởi những thế lực của nền văn minh cơ khí hiện tại.
Sự phát triển của kỹ nghệ Tây phương mang tới nhu yếu chinh phục các quốc gia Á Phi nhằm mục dích khai thác nguyên liệu kỹ nghệ và thị trường tiêu thụ sản phẩm kỹ nghệ. Sự vùng dậy chống đối của các quốc gia này tạo nên chiến tranh giải phóng và nhu yếu kỹ nghệ hóa xứ sở để đủ sức đương đầu với các cường quốc đang âm mưu thống trị hoặc bằng kinh tế hoặc bằng quân sự hoặc bằng chánh trị. Chiến tranh tạo thêm sự nghèo đói. Sự gia tăng dân số trong nửa thế kỷ gần đây làm cho vấn đề càng nan giải. Tất cả đều gây xáo trộn lớn lao trong xã hội các nước Á Châu. Những cơ sở và truyền thống sinh hoạt thiền bị lay chuyển và đổ vỡ. Ở Việt Nam, phần lớn các tu viện thiền đều nằm ở những khu đồi núi yên tịnh, bị chiến tranh tàn phá và đe dọa phải giải tán hoặc dời về đô thị. Thì giờ và nhân lực bị động viên vào chiến tranh và tranh đấu hòa bình.
Ở Trung Hoa, xã hội chủ nghĩa động viên hết nhân sự và thì giờ vào việc thực hiện đường lối và kỷ luật của đảng để sản xuất, học tập chánh trị và vũ trang quân đội. Nền kinh tế Nhật Bản đưa Nhật Bản vào tình trạng những cường quốc kinh tế Tây Âu, trong đó những giá trị văn minh tinh thần nhường bước cho những giá trị văn minh vật chất. Chùa chiền và tự viện cũng phải thuận theo đà sinh hoạt kinh tế hiện tại, dựa vào những nhu yếu sản xuất và tiêu thụ của xã hội hiện tại để sinh tồn, và không còn thực sự đóng vai trò lãnh đạo tinh thần cho đời xống xã hôi như ngày xưa. Thiền, ngay trên phần đất phát sinh và trưởng thành của nó, đang bị đe dọa trầm trọng.
Tây phương nghe nói tới thiền khi ở Á châu thiền đã bắt đầu suy đồi rõ rệt. Một số trí thức và thanh niên Tây phương yêu chuộng thiền, có lẽ vì họ đã no nê ớn chán nếp sống văn minh vật chất và thuần lý. Họ thấy nhân tính họ bị tước đọat và tâm tính cũng như khối óc của họ mệt mỏi. Nền văn minh vật chất lấy căn cứ trên lý luận khoa học đã lên tới đỉnh cao của nó và bắt đầu tạo nên khủng hoảng và nổi loạn. Đó là nguyên nhân thuận lợi để con người thấy được giá trị của thiền. Trong lúc đó, các nước Á châu vì nhu cầu tự vệ đang đi về hướng thực hiện kỹ nghệ hóa và con người đang đòi thụ hưởng những tiện nghi vật chất như ở Tây phương. Thời gian và năng lực của con người bị chi phối bởi những ý lực kia, cho nên thiền không còn đóng được vai trò chủ động trong văn hóa. Đông phương cũng như Tây phương đã và đang chứng kiến sự phá sản tâm linh của con người. Con người chạy theo hoàn cảnh và bị khống chế bởi hoàn cảnh. Hiểm họa của một thế chiến thứ ba tiêu diệt nhân loại chỉ có hy vọng tránh thoát, nếu con người tìm được một hướng đi văn hóa mới. Tìm được hướng đi đó, con người mới thực sư xây dựng được một nền văn minh nhân bản, trong đó yếu tố tâm linh sẽ đóng vai trò lãnh đạo quan trọng. Thiền có thể đóng góp vào công cuộc thực hiện hướng đi văn hóa mới kia.
Tôi đã nói vấn đề của chúng ta không phải là sự thiếu thốn một lý thuyết mà là nhu yếu của một sự tỉnh thức có khả năng phục hồi lại sức mạnh tâm linh của con người. Yếu tố làm cho thánh Gandhi thành công trong cuộc tranh đấu bất bạo động cho nền độc lập Ấn Độ không phải là một lý thuyết, dù là lý thuyết tranh đấu bất bạo động. Yếu tố làm cho Gandhi thành công là con người cỉa Gandhi, sức mạnh tâm linh của Gandhi. Ngày nay người ta nghiên cứu, phân tích và áp dụng lý thuyết của ông, nhưng không thể nào tạo ra được cái sinh khí tưng bừng của thời đại ông. Lý do là tại những người theo Gandhi không có được sức mạnh tâm linh của Gandhi – họ tin vào lý thuyết và kỹ thuật tranh đấu bất bạo động, nhưng họ không tạo được sự đoàn kết lớn, bởi vì nhân cách họ không đủ để tạo nên tình thương và ý chí hành động. Nếu con người còn bị khống chế bởi hoàn cảnh, bởi nhịp điệu quay cuồng của guồng máy sản xuất và tiêu thụ, thì con người không bồi đắp được sức mạnh tâm linh. Đời sống giản dị của Gandhi, thân choàng một tấm vải, hai chân đi bộ đường trường, ăn uống đơn sơ thanh đạm là biểu hiện cho sự tự do đối với những khống chế của các tiện nghi vật chất và cũng là biểu hiện cho một sức mạnh tâm linh lớn lao. Khởi điểm của nền văn hóa mới mà nhân loại đòi hỏi chính là thái độ quyết liệt của những con người không chịu để tiện nghi vật chất khống chế, không chịu góp phần duy trì cơ cấu tiêu thụ và sản xuất bất công và phá sản tâm linh hiện tại. Những con người như thế phản chiếu ý thức giác ngộ hoàn cảnh và bản thân. Họ chiến đấu chống lại sự khống chế của guồng máy và trở về khôi phục nhân tính mình.
Nhu yếu trở về khôi phục nhân tính được thấy rõ nơi thế hệ thanh niên Tây phương hiện tại. Nhiều người trẻ tuổi trong lúc có những điều kiện để sống đời sống vật chất đầy đủ đã nổi loạn chống lại cơ cấu xã hội hiện tại. Họ đã tìm thấy một nhu yếu mới, vốn là nhu yếu căn bản của con người lâu nay bị bít lấp: đó là nhu yếu được làm người. Họ không còn muốn làm một cái máy hoặc bộ phận của một guồng máy. Nhu yếu này là hy vọng lớn nhât của sự phát sinh và trưởng thành của nền văn minh tinh thần tương lai của nhân loại.
Giai đoạn đầu của sự xây dựng nền văn minh tinh thần này hẳn là giai đoạn của những nỗ lực tạo điều kiện sinh hoạt xã hội, do đó con người có thể khôi phục nhân tính mình. Sự có mặt của những người trí thức và trẻ tuổi có ý thức giác ngộ sẽ chắc chắn đưa đến sự thành lập những cộng đồng nhỏ, trong đó nếp sống vật chất sẽ trở thành đơn giản và thanh đạm. Thì giờ và tâm lực con người do đó sẽ được hướng về bồi đắp tâm linh và khôi phục nhân tính. Những cộng đồng nhỏ này có thể được xem như là những tu viện thiền kiểu mới, trong đó không có giáo điều nào ngự trị ngoài mục đích giải phóng con người khỏi những kềm tỏa và những chứng bệnh của thời đại. Tư tưởng, nghệ thuật và sức mạnh tâm linh của con người sẽ dọn đường cho hướng đi văn hóa mới.
Đông phương hiện giờ còn nhiều tu viện thiền và ảnh hưởng của thiền trong văn học, nghệ thuật và xã hội Đông phương vẫn còn dấu tích. Nhưng chính nhu yếu về thiền của giới trí thức và thanh niên Tây phương lại rõ rệt và mạnh mẽ hơn, trong thời đại hiện tại giới trí thức và thanh niên Đông phương hiện giờ còn đang bận rộn về cách mạng chánh trị, về nhu yếu phát triển kỹ nghệ. Họ chưa nếm đủ cái mùi vị của nền văn minh vật chất và chưa thấy được tất cả tính cách phi nhân của nền văn minh này.
Cuối thế kỷ 19 và trong thế kỷ 20, chính là nhờ thái độ hâm mộ và kính phục của các học giả Tây phương đối với Phật học và nghệ thuật phật giáo mà người Á châu đã lấy lại đức tin nơi truyền thống tôn giáo và nghệ thuật của mình, do đó đã có phong trào phục hưng Phật giáo tại nhiều nước. Ngày nay cũng thế, nhờ có một số trí thức và học giả Tây phương ham chuộng thiền mà một số người Á châu bắt đầu để ý tới thiền, vốn là truyền thống tâm linh lâu đời trong văn hóa họ. Chỉ tiến là thiền hiện giờ không còn khí sắc rực rỡ như ở những thời đại trước.
Sự chống đối lại cơ cấu hệ thống kinh tế và xã hội hiện tại của một số người ý thức tuy khó khăn, nhưng đã rõ rệt và dứt khoát. Làm sao thoát ra khỏi sự kềm chế hiện tại của guồng máy? Đó là câu hỏi căn bản. Họ biết gia nhập vào cuộc tranh chấp giữa những thế lực kinh tế, quân sự và ý thức hệ không phải là câu trả lời. Họ hướng về Đông phương để tìm một nguồn cảm hứng mới. Họ thấy ở Đông phương cái tinh thần đạo học hòa đồng làm dịu mát tâm hồn người, Họ thấy Đông phương, tuy nghèo khổ, đã không rên xiết hàng thế kỷ dưới bạo lực và cuồng tín như Tây phương. Nhưng Đông phương đã bị áp bức khổ nhục; Đông phương đã trỗi dậy để chống lại Tây phương và bằng những khí giới của chính Tây phương. Chính vì vậy mà từ trước tới nay Tây phương khó đối thoại với Đông phương. Trong ý định tìm học ở Tây phương những bí thuật khoa học để chống lại Tây phương, người Đông phương biết mình có thái độ khiêm nhượng, không có mặc cảm, sẵn sàng học tập. Người Tây phương, khi nghiên cứu về văn hóa và đạo học Đông phương, không có được thái độ này. Họ rất bằng lòng với phương pháp về lề lối của họ. Họ dùng những tiêu chuẩn của văn minh họ, họ dùng những phạm trù tư tưởng họ để khảo sát Đông phương. Họ không dám rời bỏ những cái bảng giá trị của họ. Do đó họ khó hiểu được Đông phương.
Văn minh Tây phương đã dẫn nhân loại đến bờ vực thẳm. Văn minh Tây phương đã biến người thành máy. Ý thức giác ngộ của một số trí thức và thanh niên Tây phương này đã làm đổ vỡ mặc cảm tự tôn nơi họ về nền văn minh mà ngày xưa họ đã tự hào. Họ đi tìm, họ muốn học hỏi. Nhưng họ vẫn chưa có thể thoát ra khỏi nhưng lề lối suy tư đã điều khiện hóa họ trong hàng thế kỷ.
Những người từ Đông phương tới, thao thức muốn giới thiệu cho Tây phương truyền thống sinh hoạt tâm linh của mình, không phải không có. Tuy nhiên đứng trên mảnh đất Tây phương, họ chưa thoát được những hình thức Đông phương của họ và do đó chưa thực sự khai thị cho người Tây phương bản chất của sinh hoạt tâm linh Đông phương. Người Tây phương sống ở xã hội Tây phương, trong bối cảnh xã hội Tây phương, có những cảm nghĩ và sinh hoạt Tây phương. Bắt người Tây phương bắt chước làm theo người Đông phương, đó không phải là thiền. Nếu thiền là sự sống và nếu thiền Đông phương có hình thức Đông phương, thì ở Tây phương thiền cũng phải có hình thức Tây phương của nó. Sự bắt chước những hình thái sinh hoạt Đông phương chứng tỏ thiền chưa có mặt ở Tây phương. Khi người Tây phương nắm được bản chất thiền, thì những hình thái sinh hoạt thiền Tây phương sẽ tự nhiên được phát hiện để trở nên truyền thống. Do đó phải có sự cố gắng của những người Tây phương khi tìm học về thiền và những người Đông phương khi muốn khai thị về thiền. Người Tây phương phải có khả năng từ bỏ mọi hành trang trí thức và phương pháp của mình để sẵn sàng đi vào những kinh nghiệm mới. Người Đông phương cũng cần thoát khỏi sự khống chế của tập tục và hình thức, nắm được văn hóa và nếp sông Tây phương để có thể thực sự dâng hiến thiền cho các bạn Tây phương trong những hình thái phù hợp với văn hóa họ. Chỉ có những cố gắng như thế mới có thể tạo được những truyền thống sinh hoạt thiền trên mảnh đất Tây phương.
Thiền là con đường thực hiện con người thực (chân nhân) của chúng ta và là câu trả lời mà ta đi tìm. Nhưng Tây phương cũng đã từng có những truyền thống sinh hoạt tâm linh, những nguồn tuệ giác phát hiện từng giai đoạn trong lịch sử và những truyền thống và tuệ giác này cũng nhắm tới mục đích thực hiện con người toàn vẹn như thiền. Ngày nay những nguồn tuệ giác này đã khô cạn. Các tổ chức giáo hội tượng trưng ít cho quyền lực tâm linh mà nhiều cho quyền lực chánh trị. Các giáo hội trở nên giàu có. Thúc đẩy bởi những quyền lực chánh trị và vật chất, các giáo hội gia nhập vào những cuộc tranh chấp lớn nhỏ hiện tại mà không còn chú tâm đến sứ mạng giải phóng con người.
Văn minh cơ khí trong những thế kỷ qua luôn luôn tạo thêm những nhu yếu tiêu thụ mới cho con người, những nhu yếu vật chất và không thực sự căn bản. Thấy người khác thỏa mãn những nhu yếu này, ai cũng muốn tranh đấu để cũng được bình đẳng về phương diện hưởng thụ. Nhân loại bị cuốn đi theo đà đòi hỏi hưởng thụ. Nhưng văn minh cơ khí đã gây khổ đau, đã trình bày tình trạng bất công và phi nhân của cuộc sống, đồng thời làm hiển lộ ra một nhu yếu căn bản: nhu yếu khôi phục nhân tính. Đây là một diễn biến lành mạnh. Nhu yếu này cần được khai thác và làm hiển lộ. Nhu yếu này sẽ dọn đường cho văn hóa mới. Các tổ chức giáo hội nếu muốn khôi phục uy tín lãnh đạo tinh thần của mình, cần phải chú trọng đến nhu yếu này. Với những phương tiện nằm trong tầm tay mình, các giáo hội phải hỗ trợ công cuộc thể hiện những trung tâm văn hóa mới, những cộng đồng sinh hoạt, trong đó con người có thể sống một nếp sống có nhân tính, không bị guồng máy sản xuất tiêu thụ khống chế và kiểm soát. Chỉ có dứt khoát với guồng máy này thì mới có thể thắng vượt được nó mà mở ra một đường thoát mới. Con người sẽ được cứu thoát khỏi tình trạng hiểm nghèo hiện tại, khi thấy rằng hạnh phúc không nằm trong sự hưởng thụ hối hả trên khổ đau và cái chết của người đồng loại, mà là trong ý thức trách nhiệm đại đồng. Cái nhìn ấy, Thiền, cũng như những truyền thống tâm linh khác, có thể khai thị cho con người.
Hết