Số lần đọc/download: 1590 / 33
Cập nhật: 2017-08-04 14:04:04 +0700
Chương 7
M
ưu tính cuối cùng nhằm tóm cổ anh tôi được chị Battista thực hiện. Sáng kiến của chị, tất nhiên, như mọi chuyện chị làm, được hoàn tất trong bí mật, không hề hỏi ý kiến ai. Đêm đó, chị xuất hành với xô keo và cái thang. Chị phết keo lên một cây minh quyết, từ ngọn xuống gốc. Đó là cái cây Cosimo thường ngụ lại mỗi sáng.
Tảng sáng, người ta thấy vướng dính trên cây minh quyết: những con chim sẻ vàng quẫy cánh, những con chim hồng tước toàn thân nhớp nháp, những con bướm đêm, những chiếc lá bị gió thổi đến, một mảng đuôi sóc, và ngay cả một vạt áo choàng của Cosimo. Không biết có phải do anh đã ngồi lên một cành cây và đã tìm cách thoát được, hay đúng ra, chính anh đã cố ý móc miếng vạt áo ấy lại để trêu chúng tôi (chắc là thế, bởi gần đây người ta không còn thấy anh khoác áo choàng nữa). Tuy nhiên, ngọn cây vẫn nhem nhuốc nhớp nháp keo, và sau đó thì khô quánh lại.
Chúng tôi bắt đầu đoan chắc rằng Cosimo sẽ không quay lại nữa, cả bố cũng thế. Từ khi anh tôi phong phóc trên cây cối khắp xứ BóngRâm, vị Nam tước không dám lộ diện, ông ngại cái chức danh Công tước sẽ bị tổn hại. Mặt ông ngày càng xanh xao và hằn các vết nhăn. Tôi không biết các mối ưu tư của ông, mức nào thì thuộc tình phụ tử, mức nào thì dành cho những hệ quả quan trường, song lúc ấy, hai điều đã nhập thành một; Cosimo là cậu con trai cả, người kế thừa tước vị, và nếu bàn dân thiên hạ có thể dị nghị về một vị Nam tước mà phong phóc trên cây như một chú chim đa đa, thì họ lại càng khó có thể chấp nhận kẻ thực thi việc ấy lại là một Công tước, dù vẫn còn trẻ con, và cái tước vị đang tranh chấp không thể tìm được luận cứ hỗ trợ nào từ hành vi của kẻ kế thừa này.
Đương nhiên, đó là những mối ưu tư hoài công, bàn dân xứ BóngRâm cười vào nỗi ảo vọng của bố; và các nhà quý tộc, chủ nhân của những trang viên trong vùng, thì coi bố là kẻ điên. Dạo ấy, trong giới quý tộc đã lan truyền một tập quán sống trong những trang viên ở những nơi vui tươi, hơn là trong những tòa lâu đài phong kiến, và điều này khiến họ có khuynh hướng sinh hoạt như những công dân tự do, để tránh sự buồn tẻ. Ai mà còn thiết đến cái địa vị cũ kỹ Công tước xứ BóngRâm nữa đây? Cái lạ của xứ BóngRâm là ở chỗ nó là đất của mọi người mà cũng chẳng của một ai: chịu một số ràng buộc về pháp lý với gia đình nhà Hầu tước SóngVỗBờ, những công hầu của hầu hết các vùng đất, song đã từ lâu nó là Công xã tự do, phụ thuộc nước Cộng hòa Genova; chúng tôi có thể yên lòng ở đó, trong những vùng đất mà chúng tôi được thừa kế và những vùng đất mà chúng tôi mua lại với giá rẻ mạt từ Công xã ở giai đoạn nó chất chồng nợ nần. Có thể đòi hỏi gì hơn? Hồi ấy, xung quanh đó, có một xã hội quý tộc nhỏ, với những trang viên và vườn tược chạy tới tận bờ biển; tất cả sống trong hân hoan đình đám, qua lại thăm nhau, đi săn, giá sinh hoạt rẻ, họ có một số thuận lợi của kẻ quần thần mà không chịu những mắc míu, cam kết, và những khoản chi tiêu của người phải chăm lo một gia đình hoàng gia, một thủ đô, một chính sách. Bố chúng tôi, trái lại, không thú vị với những điều này; bố cảm thấy mình là một quân vương bị truất ngai, ông đi tới việc cắt đứt mọi quan hệ với các nhà quý tộc lân cận (mẹ chúng tôi, người nước ngoài, có thể bảo rằng bà chưa bao giờ có quan hệ với họ), điều này cũng có cái lợi của nó, không giao du với ai đỡ đi nhiều khoản chi tiêu, và giấu đi được sự thiếu hụt về tài chính của gia đình chúng tôi.
Với dân chúng BóngRâm, không thể nói chúng tôi có quan hệ tốt hơn; bạn biết đấy, dân BóngRâm, những người có phần tỉnh khô, chỉ lo toan công chuyện của mình. Hồi đó họ bắt đầu bán được nhiều chanh, vì sự tiêu dùng nước chanh khuấy đường đã phổ biến trong giới quý tộc; họ trồng các vườn chanh ở khắp nơi, sửa sang lại cái bến cảng đã bị bọn cướp biển phá hoại khá lâu trước đó. Nằm giữa nước Cộng hòa Genova, những đất đai của Vua đảo Sardegna, của Vương quốc Pháp, và của địa phận tòa giám mục, họ làm ăn buôn bán với tất cả, và mặc kệ tất cả, trừ những khoản cống nạp phải trả cho Genova, khiến họ phải đổ mồ hôi hột vào ngày trả thuế, lý do của những vụ dấy động phản đối các viên chức thu thuế của nhà nước Cộng hòa.
Nam tước xứ Rondo, trong lúc nổ ra những vụ dấy động về thuế má, luôn tin tưởng mình đang ở thời điểm sắp được trao miện công tước. Thế là ông xuất hiện tại quảng trường, trước bàn dân xứ BóngRâm, tự xung phong mình làm quan bảo hộ. Song lần nào cũng vậy, ông phải tức tốc tháo chạy dưới một trận mưa chanh thối. Sau đó, như thường lệ, ông bảo rằng: chính những tu sĩ dòng Tên đã âm mưu chống ông. Ông nặn ra trong đầu cái ý tưởng là giữa ông và các tu sĩ dòng Tên đang diễn ra một cuộc đấu trí mạng, và cái Hiệp hội ấy không nghĩ gì khác hơn là lập kế gây thiệt cho ông. Thật vậy, đã có những xích mích từ việc tranh biện giữa gia đình chúng tôi và Hiệp hội dòng Tên về quyền sở hữu của một mảnh vườn; từ đó nảy sinh sự xung đột, và vị Nam tước, vốn có quan hệ tốt với vị Giám mục, đã thành công trong việc thuyên chuyển Linh mục trưởng địa phận ra khỏi địa hạt trực thuộc Giáo khu. Kể từ lúc ấy bố tin chắc rằng Hiệp hội đã gửi các đặc vụ đến mưu hại cuộc đời và quyền lợi của mình. Bố tìm cách lập ra một lực lượng dân quân trung tín nhằm giải phóng vị Giám mục, mà theo ý ông, đã bị rơi vào vòng cai quản của các tu sĩ dòng Tên; bố dành quy chế tị nạn và bảo trợ cho tu sĩ dòng Tên nào tuyên bố rằng mình bị ngược đãi, vì thế bố đã chọn vị thầy Trùm nửa chất Giăng-xê-nít với cái đầu luôn ở trên mây làm cha tinh thần cho chúng tôi.
Bố chỉ tin tưởng có một người, đó là ngài Trạng. Vị Nam tước tỏ ra mềm lòng đối với ông em không chính thức, như đối với cậu con trai khốn khổ và độc nhất vô nhị; bây giờ tôi không thể nói lúc đó chúng tôi có ý thức hay không về sự thể trong cách suy xét ngài Carrega chúng tôi đã có phần ganh tị – ắt phải là thế – bởi bố đã nặng lòng với cậu em trai ngũ tuần hơn là với những đứa trẻ chúng tôi. Hơn nữa, không chỉ có chúng tôi là nhìn ngài với ác cảm: bà Nữ tướng và chị Battista, ngoài mặt tỏ vẻ tôn trọng, song thật ra là chịu không thấu ngài; còn ngài, bên dưới cái vẻ ngoài tùng phục, chẳng hề quan tâm đến ai, đến điều gì, và có lẽ ngài ghét tất cả mọi người, ngay cả vị Nam tước, người mà ngài phải đội ơn rất nhiều. Ngài Trạng ít nói, nhiều lúc bị cho là câm-điếc, hoặc không hiểu ngôn ngữ: chẳng hiểu tại sao khi xưa ngài có thể hành nghề trạng sư, bởi ngay từ hồi đó ngài đã lạc loài như thế rồi, trước cả thời ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng có thể ngài từng là người có đầu óc, đã học được mọi phép tính thủy lực từ người Thổ Nhĩ Kỳ, điều duy nhất mà ngài bây giờ có khả năng thực hành, và điều mà bố khen ngợi quá đáng. Tôi chưa bao giờ biết rõ quá khứ của ngài, mẹ ngài là ai, quan hệ của ngài khi còn trẻ với ông nội chúng tôi là thế nào (hẳn ngài cũng đã được quý mến, được cho đi học làm trạng sư, rồi được nhận cái tước Ngài), cũng như tại sao ngài lại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Không ai biết rõ có phải xứ Thổ Nhĩ Kỳ là nơi ngài đã trú ngụ trong một thời gian dài, hay lại là ở một xứ Béc-be nào đó, Tunisia, Algeria, chẳng hạn, đại để, một xứ của người Hồi, và thiên hạ còn bảo rằng ngài cũng đã xin theo đạo Hồi. Còn rất nhiều lời đồn: rằng ngài đã nhận những chức vụ quan trọng, quan chức cao cấp của Vua Thổ Nhĩ Kỳ, Chuyên gia Thủy lực học của Nội các, hoặc những chức khác tương tự, rồi một âm mưu thâm cung bí sử, hay một cơn ghen vì các bà, hoặc một món nợ bài bạc đã khiến ngài bị thất sủng, rồi bị đem bán đi như nô lệ. Người ta biết rằng ngài đã được tìm ra khi bị xích vào một mái chèo giữa đám người nô lệ trong một chiếc thuyền galê của người Ottoman bị người Venise bắt giữ, và ngài được họ thả. Tại Venise, ngài sống gần như một kẻ hành khất, cho tới khi, không biết vì do biểu dương trò gì, một vụ ẩu đả đã xảy ra (với ai vậy nhỉ, một người dút dát như thế, chỉ có trời mới biết), và cuối cùng thì ngài lại bị cùm. Thông qua đường giây ngoại vụ của nước Cộng hòa Genova, bố chuộc lại ngài, và thế là ngài rơi tọt giữa chúng tôi, một người đàn ông nhỏ con, đầu hói râu đen, hớt ha hớt hải, nửa câm nửa điếc (lúc đó tôi là một đứa bé, song cái cảnh tượng buổi tối hôm ấy đã hằn trong tôi), thụng thịnh trong bộ quần áo quá khổ không phải của ngài. Bố bắt mọi người coi ngài là người có thẩm quyền, phong cho ngài chức quản gia, dành cho ngài một căn phòng làm việc nơi ngài sẽ chất đầy giấy tờ ngày càng hỗn độn. Ngài Trạng mặc một chiếc áo choàng dài và đội một chiếc mũ chỏm đuôi seo, như thói quen thời đó của nhiều nhà quý tộc và trưởng giả trong buồng làm việc của họ; chỉ có điều là, thật ra, trong căn phòng làm việc hầu như chẳng bao giờ có mặt ngài; người ta bắt đầu trông thấy ngài ra ngoài, cũng ăn mặc như thế, rảo quanh các thôn trang. Rốt cuộc ngài còn trình diện tại bàn ăn trong các bộ áo choàng kiểu Thổ Nhĩ Kỳ ấy, lạ là bố, người chú trọng phép tắc, lại tỏ ra dễ dãi với ngài.
Giữ nhiệm vụ quản gia, song ngài Trạng hầu như không bao giờ trao đổi chuyện trò với những người trách nhiệm về tài sản, những người thuê đất, hoặc những người cố nông, cũng bởi sự rụt rè và sự khó khăn trong ăn nói, mọi lo lắng thực tế, những lần đưa ra mệnh lệnh, những lúc thúc bảo mọi người, luôn là phiên của bố. Ngài Enea Carrega GỗDày giữ sổ chi tiêu, tôi không biết sự thể việc làm ăn của nhà chúng tôi diễn tiến tệ như thế có phải là do cách ngài tính sổ, hay là vì cuộc tính sổ tệ như thế là do cách diễn tiến việc làm ăn của nhà chúng tôi. Thế rồi, ngài thực hiện những con toán và những biểu đồ của những dàn ống dẫn nước, lấp đầy một tấm bảng lớn với những đường kẻ, những con số, cùng với những câu viết bằng chữ Thổ. Thỉnh thoảng bố cùng với ngài đóng cửa trong căn phòng làm việc hàng giờ (đó là những buổi ngồi lại lâu nhất của mà ngài Trạng thực hiện được), và một chốc sau đó, từ cái cánh cửa đóng kín vẳng ra giọng nói bực tức của vị Nam tước, những tiếng gằn giọng chí chóe của một cuộc cãi vã, song hầu như người ta không nhận ra được giọng của ngài Trạng. Thế rồi, cánh cửa mở toang, ngài Trạng, với những bước ngắn tất tả dưới những nếp áo choàng, chiếc mũ đuôi seo thẳng đứng trên chỏm đầu, đi về phía cái khung cửa vừa làm cửa ra vừa làm cửa sổ, chạy ra vườn, rồi ra đồng.
– Enea GỗDày! Enea GỗDày!
Bố la lớn, đuổi theo ngài, song ông em đã lẫn trong những rặng nho, hoặc giữa những hàng cây chanh, và người ta chỉ còn thấy chiếc mũ đuôi seo đỏ bướng bỉnh tiến đi giữa lá. Bố bám sát, gọi ngài; được một lúc, chúng tôi thấy hai người quay lại, vị Nam tước vẫn bàn cãi, quơ quơ cánh tay, ngài Trạng nhỏ bé cạnh ông, khập khà khập khệnh, tay nắm chặt trong túi áo choàng.