Người ta sẽ học được nhiều hơn từ lỗi lầm của mình, nếu như họ không quá bận rộn chối bỏ lỗi lầm của mình.

J. Harold Smith

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Upload bìa: Lý Mai An
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2160 / 41
Cập nhật: 2015-12-15 07:35:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7/8
gười bạn cùng phòng với Nguyện đã về trước. Buổi chiều thả những hạt nắng vàng ngoài xa, in trên những bức tường xám ngoét. Nơi cửa sổ này, những buổi chiều trời sửa soạn tối, Nguyện ngồi lại một mình với căn phòng vắng, cửa kính ngăn những tiếng động bên ngoài. Nơi chỗ ngồi của Nguyện, công việc đã hết, chỉ còn lại một thời gian êm đềm, chỉ còn lại một chiếc hồn lãng đãng. Trên bàn viết của Nguyện, đợt thư mới về buổi sáng vẫn chưa được bóc. Những cái thư từ chốn xa vời, từ trong một cõi nghìn trùng nào đó. Những cái tên, những dòng chữ, và những con dấu nhật ấn của nhà bưu điện dần dần trở nên quen thuộc với Nguyện. Và cũng ở đây, trong từng buổi sáng, lúc chín giờ, Nguyện trông chờ từ tay người quen thuộc một lá thơ, một tin tức, của Hạ. Những ngày tháng đi qua dưới chân êm đềm, không gợi lên một tiếng động nhẹ, nhưng cũng làm cho lòng Nguyện chùng xuống, sầu héo như một chiếc lá. Ðồng thời, Nguyện cũng nghe như có một cơn sóng vỗ dài trong tâm hồn Nguyện. Những ngày của một tháng mới, những ngày có mưa réo rắt ngoài cửa kính. Có cây lá đổ ầm ầm trên khoảng vườn nhỏ trong sân thượng của một ngôi nhà bên dưới cửa sổ phòng làm việc của Nguyện. Có những bức tường câm, choáng váng ánh nắng của buổi chiều tàn.
Nguyện yêu đời sống của mình, yêu cái khoảng không gian thời gian im lặng tha thiết đã mất. Căn phòng này, cái cầu thang dài hiu hắt bên ngoài, và những ngày bắt đầu cho một thay đổi. Phải chăng đã trở thành những điều cần thiết nói với em?
Chiều nay không mưa, nhưng nắng yếu ớt trong bầu trời sẫm. Mây trắng nhiều như một cơn mộng tưởng trùng trùng. Nguyện ngồi trong chiếc ghế da rộng, cái bàn viết dài, và đâu đâu cũng nghe như một nỗi nhớ nhung chất ngất. Nguyện thích ở đây chờ, và để ra về một mình. Khi cánh cửa kính lớn của toàn soạn khép lại là con đường lên đèn thênh thang mở ra trước mắt, Nguyện tới một quán nước, buổi chiều nào đó Nguyện và Hạ ngồi trong cơn mưa và ra về với một chút lênh đênh trôi nổi. Ngày nào cũng như thế, nghe ở trong lòng có một sự chờ đợi, một nỗi nhớ thương. Từ xa tắp, trong một vùng sương khói phủ, và thành phố yêu dấu của em, em có nhớ không?
Tiếng điện thoại bỗng reo vang, Nguyện nhắc ống nghe lên, tiếng nói quen thuộc của Phượng pha trong nụ cười làm Nguyện ngạc nhiên. Nguyện hỏi:
- Gì đó nhỏ?
- Nhiều chuyện lắm Bạn ơi.
- Nói nghe đi.
- Khoan đã, anh biết Phượng ở đâu không?
- Ở đầu dây điện thoại.
Phượng Ư trong miệng một tiếng, rồi cười:
- Nói như thế cũng nói.
- Chứ biết ở đâu bây giờ, ngoài cái chỗ đặt máy điện thoại.
- Phượng đang ở nhà bưu điện gọi cho anh đây.
- Làm gì ngoài đó?
- Gửi thư.
- Cho ai.
- Cho ai thì Ông biết rồi, còn giả vờ hỏi.
Nguyện cười:
- Lúc này mi bắt bẻ ức hiếp ta quá. Như thế không phải là đứa em ngoan đâu đấy nhé. Coi chừng.
- Không sợ anh đâu đừng dọa.
- Ðến đây ta gửi mấy cái Cốc.
Phượng cười ròn rã:
- Anh còn ngồi đó tới mấy giờ?
- Tới khi nào mi thấy ở ngoài đường đèn đã bật sáng.
- Phượng tới ngay, anh dắt ra ngoài quán nước gì đó. Phượng thích ngồi trong chiếc ghế mây rộng ngó xuống bên dưới đường phố đã lên đèn.
- Ðồng ý, nhưng nhỏ viết thư cho Hạ nói gì?
- Nhiều lắm, nói anh Nguyện nhớ tiểu thư lắm.
- Nói ẩu.
- Nói đúng.
- Ðừng nhắc nhở gì tới ta cả, anh của mi thích im lặng, bởi trong nỗi im lặng ngàn đời này có một cái hạnh phúc tuyệt vời. Ta thích thế. Và sẽ không ai được biết.
- Chà, anh đang viết văn đó hả?
- Ta làm thơ nữa, nhỏ.
- Mới có gần tháng mà tiến bộ ghê.
- Thôi đừng đùa, mi đùa nhiều quá.
- Phượng tới ngay, chờ nhé?
- Ta ít khi chờ ai quá mười phút.
Phượng cười, gác máy. Nguyện ngồi bật ra trong lòng ghế rộng. Ngoài cửa những bông hoa nở rực rỡ, làm chói chang mấy góc đường. Mấy con chim bồ câu bay la đà trên các mái nhà. Màu áo của ai phơi trên dây kẽm vàng quá, vàng như nắng, vàng như lá, vàng như một nỗi nhớ thương.
Một lúc sau, Phượng tới. Cánh cửa kính đẩy nhẹ vào, Nguyện bắt gặp ngay nụ cười của Phượng. Lúc này Phượng trông xinh ra, màu áo vàng của Phượng làm Nguyện nhớ quá một người. Tại sao Phượng và Hạ lại có thể giống nhau trong đôi mắt?
- Ngồi xuống đây đi em.
Phượng ngồi xuống ghế, nhìn Nguyện tủm tỉm cười. Nguyện thở ra một vòng khói thuốc, nói:
- Ta gọi mi bằng em không được sao?
- Tự nhiên sao mà cảm động quá.
- Lúc này trông mi lớn lên, xinh ra. Ta có một thằng bạn thân...
- Ðịnh giới thiệu?
- Khá thông minh.
- Bạn thân của anh có gàn gàn như anh không?
- Mi nghĩ sao về người gàn gàn?
- Sợ.
- Ta hiền lắm, yếu đuối lắm.
- Mắt của ông to quá ông ơi, mỗi lần giận ai ông trợn lên làm người ta lạnh gáy. Ông bạn quí của anh mắt có to như vậy không?
- Nó mắt lươn, mắt ti hí.
- Như vậy lại càng không nên quen. Mấy người mắt lươn ghê lắm, cho xin cái ông bạn quí của anh đi.
- Nói đùa, nó bô lắm. Ta muốn làm ông mai.
- Phượng còn nhỏ, anh Nguyện tính chi sớm thế?
- Thôi đừng có làm bộ.
- Anh đã từng gọi nhỏ này, nhỏ kia, không nhớ sao?
- Ta nhớ, bây giờ gọi mi là người lớn. Mi chịu chứ?
- Không chịu.
Phượng chớp mắt, cười:
- Phượng vẫn còn nhỏ bé lắm, anh biết không?
Nguyện thảy ra trước mặt Phượng một con búp bê thắt bằng dây nhựa màu xanh. Con búp bê nhảy tưng tưng mấy cái mới vào trong tay Phượng. Phượng thích thú hỏi:
- Ở đâu thế anh?
- Có một cô bé thắt cho anh.
- Chắc dễ thương lắm?
- Ta chưa biết mặt.
- Cho Phượng?
- Ừ, cho mi.
Phượng mân mê con búp bê nhỏ xíu. Nguyện ngồi nhìn Phượng. Sau mùa thi Phượng trông lớn ra, khôn hơn, và xinh xắn khéo léo hơn. Nguyện cười:
- Tại sao mi bà con với ta, Phượng nhỉ?
- Tại trước kia anh là tờ giấy chậm, em là dòng mực tím.
- Không, mi là vai cầu, ta là cơn sóng vỗ.
- Chà, một câu thơ tuyệt vời.
Phượng nhìn quanh căn phòng làm việc của Nguyện. Tuy đây không phải là lần đầu tiên Phượng tới. Phượng đã tới đây đôi ba lần rồi, nhưng căn phòng vẫn làm Phượng lạ mắt. Căn phòng đẹp quá, hai cái bàn dài, hai cái ghế ngồi, hai cái điện thoại sơn màu đỏ và xanh, thêm cái máy điện thoại nội bộ màu đen nữa. Cứ như là bàn làm việc của ông lớn. Cửa kính trong suốt có màn phủ. Tiếng máy lạnh chạy rì rì. Cái tủ đựng hồ sơ sách vở thư từ một góc phòng. Phượng nhìn thấy những cái bì thư với những con tem xinh xắn. Phượng hít hà:
- Mỗi lần bóc thư anh Nguyện đều bỏ tem cả phải không?
- Chứ ta biết làm gì khác hơn đâu.
- Cho Phượng đi?
- Bày đặt sưu tập tem à?
- Không. Phượng thích những con tem xinh xắn.
- Cho mi đấy, nhưng bóc cho đàng hoàng, rách cái nào đền cái nấy.
- Phượng cẩn thận lắm.
Phượng lấy cái kéo, đẩy đống thư về trước mình cắt từng cái. Nguyện cười:
- Coi chừng độc giả của ta phiền lòng vì cái kéo ác nghiệt của mi.
- Ðã bảo em cẩn thận kia mà, bộ anh không tin Phượng biết cầm kéo sao.
- Ta chưa thấy mi trổ tài may vá bao giờ.
- Hôm nào em sẽ may cho anh cái áo sơ mi cho anh hết hồn.
- Cám ơn, áo mi may cho chắc ta không dám mặc. Ta không thích một diễn viên xiệc.
Nguyện đứng lên, đi lòng vòng trong căn phòng chờ Phượng cắt xong đống thư. Nắng nhạt dần qua mấy góc tường.
- Phượng sẽ khoe với Hạ là anh có nhiều tem. Chắc Hạ đến nài anh mà xin xỏ, lúc đó anh tha hồ mà lên mặt nhé?
- À, viết thư cho Hạ nói gì đấy, mi đừng lờ đi chứ?
Phượng cười, cho những con tem vào một bì thư, đáp:
- Chuyện riêng, chỉ nói anh gửi lời thăm thôi. Sao anh không biên thư cho Hạ?
- Buồn quá, ta biên không được.
- Có cần Phượng làm cố vấn không?
- Mi cố vấn thì tan nhà nát cửa người ta.
- Chưa chắc, chuyện của anh rồi sẽ cần đến nhỏ Phượng dễ ghét này.
- Chừng nào cần ta cho biết.
- Không lâu đâu.
- Mi vẫn ồn ào như con ong bầu trên cây khế ở quê nhà ta.
- Rồi anh sẽ thấy rất cần một người ồn ào như nhỏ Phượng lọ lem này.
- Mi xinh như mộng.
- Em xin anh mà, em vẫn ngại ra tiệm chụp hình là anh biết như thế nào rồi.
- Ðâu phải siêng thăm viếng phó nháy là người xinh đẹp đâu. Trái lại người đẹp phải đốt đuốc đi tìm.
- Như anh đốt đuốc đi tìm Hạ của anh vậy.
Nguyện cười, Phượng bỏ bì thư đựng tem vào bóp. Chiếc bóp anh Nguyện cho thật tiện lợi, ngoài công dụng chứa những thứ vặt vãnh của con gái, còn có thể bỏ thêm vào mấy trái cốc, mấy trái mận. Bây giờ Phượng còn có thể bỏ thêm được cái bì thư và những con tem. Phượng mang bóp, đứng lên hỏi:
- Ði chưa anh Nguyện?
- Ðã cắt hết tem chưa?
- Hết rồi.
- Mai mốt cho mi cái Truyện Dài tem thư. Mi chịu không?
- Phượng độc quyền hả?
- Yên chí, ta cưng nhỏ nhất.
- Eo ôi là cảm động.
Hai anh em vui vẻ xuống cầu thang. Phòng làm việc của Nguyện trên lầu ba nên cầu thang dẫn xuống quá dài, Phượng có cảm tưởng như cái đường hầm. Trên trần, ngọn đèn bóng vàng tỏa ánh sáng xuống, chỗ làm của anh Nguyện vào buổi chiều tối im vắng quá. Ở đây ra về qua một thành phố náo nhiệt anh Nguyện có thấy cô đơn không?
Thấy Nguyện nối tiếp một điếu thuốc khác. Phượng nhăn mặt:
- Ðộ sau này anh Nguyện hút thuốc nhiều.
Anh Nguyện cười:
- Mi có nghe mấy câu thơ này lần nào chưa?
- Sao anh?
- Trên đường về nhớ đầy, chiều chậm đưa chân ngày, nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền bay lên cây.
- Ðó là thơ của Hồ Dzếnh, anh định đổi thành: Nhớ người châm điếu thuốc, khói huyền bay lên cây chăng?
- Mi khá thông minh.
Nguyện dẫn Phượng đi qua những con đường đông người. Ðèn đường dã thắp sáng nhưng nắng vẫn còn bằng một màu nhạt kem của những bức tường.
- Anh Nguyện đi nhanh quá, đợi Phượng một tí.
- Ráng đi nhanh lên nhỏ, ra đời còn phải chạy đua theo người ta nữa chứ.
- Chà, mới đi làm đã dạy khôn.
- Ðó là kinh nghiệm.
Nguyện đưa Phượng qua một con đường khác, đằng sau khu phố đông đúc người và xe cộ. Phượng nhìn hai hàng cây thẳng tắp, chạy dài hun hút với màu lá xanh thẫm trên một khoảng trời sẫm lại. Lũ chim én ở đâu trở về vượt qua những vuông cửa sổ với tiếng kêu tíu tít.
- Ngó những vuông cửa sổ kia xem coi anh Nguyện.
- Ngày nào, giờ này anh cũng ngó.
- Những vuông cửa sổ buồn quá, phải không anh?
Anh Nguyện im lặng. Ðôi mắt của anh chớp nhẹ sau làn kính. Phượng nhớ lúc nhỏ, được về quê của anh chơi, cái tỉnh lỵ buồn tẻ nhưng êm đềm nằm nép mình bên con sông hiền hòa bát ngát. Phượng vẫn được anh dắt vào vườn trái cây nghe hương thơm của trái chín đầu mùa. Ngôi nhà ngói cổ của anh đẹp lắm. Những con đường sỏi buồn chung quanh con sông đưa dài tiếng hát. Gió mùa dâng hương. Và những ngày mưa mờ mịt trên cây lá sau vườn. Trong căn nhà ấy, anh Nguyện sống với mẹ anh, và những ngày tháng dài tuổi thơ anh trải ra. Anh Nguyện không nói nhưng chính cái im lặng đó mới là tiếng khóc, mới là một nỗi ngậm ngùi. Phượng thương anh hơn lòng mình tưởng. Mối giây liên hệ từ một kiếp nào, có ở mãi khi ngày mai cả hai đều bước xuống cuộc đời, bước riêng về hai ngả đường, bước riêng về hai phía đời sống không?
- Nghĩ gì mà ngẩn người vậy nhỏ?
Phượng cười, hai người băng qua đường để vào quán. Ðèn đã bật lên trong quán. Ðây là một phần dưới của một nhà hàng lớn. Nguyện thích ngồi ở đây vào những buổi chiều tối, đèn thắp vàng và ướp nồng cái không khí lãng đãng chung quanh. Những chiếc ghế mây rộng thênh thang, cái bàn nhỏ nhắn, ngồi xuống đã thấy một cảm giác ấm cúng. Phượng nhìn ra con đường lớn, sạch sẽ, tươi mát, thấy một niềm vui thanh thản sau một ngày dài nắng lửa. Những buổi chiều Nguyện cũng thường ngồi ở đây, Nguyện nghe mênh mang với cơn mưa đổ nhẹ và buồn bên kia khu phố và công viên vắng. Những cái cây cao, thẳng vút từ lâu đời còn lại trong một bầu trời mù, mờ mịt những giọt mưa đan như một giấc mộng lấp lững, mơ hồ trong một cõi nào hiu quạnh lắm. Nguyện ngồi ở đây để nhớ Hạ, nhớ tới thành phố xa vời kia Hạ đã trở về.
- Uống gì Phượng?
- Uống trà đi anh.
- Ừ, có lẽ nên uống trà.
Nguyện nói với người hầu bàn mặc đồng phục trắng thắt nơ xanh đứng chờ bên cạnh. Một lúc sau ông ta mang ra hai tách trà đặt trước mặt Nguyện và Phượng. Cái túi trà nâu nâu ngâm trong nước, miệng tách trà trắng ngà bốc khói, miếng chanh để kẹp trong lòng đĩa. Nguyện vắt chanh và bỏ đường cho Phượng.
- Thử xem ngọt không Phượng?
Phượng húp một muỗng nhỏ:
- Ðược rồi anh, sao anh không để em quậy đường cho. Công việc đáng lý phải của em mà?
- Hôm nay anh chiều cô bé.
- Chỉ hôm nay thôi sao?
Phượng cười, ngó Nguyện. Chiếc muỗng trên tay Nguyện nhịp vào thành ly. Nguyện cũng cười:
- Chỉ hôm nay thôi.
- Tại sao?
- Rồi sẽ có người khác chiều Phượng thay anh.
Phượng mắc cỡ, cúi xuống với chiếc muỗng kéo lơ ngơ trên mặt bàn:
- Chưa đâu anh, ngày đó còn xa vời quá.
- Biết đâu.
- Ít nhất cũng còn một năm nữa để anh tin như thế.
- Nhiều khi mấy cô còn đi học người ta đến rước cũng bỏ trường mà đi như thường.
- Em sẽ ở lại, trường là cánh cửa cuối cùng giữ tâm hồn mình còn bé nhỏ. Phượng chưa muốn làm người lớn.
- Nói nghe cảm động lắm, nhưng lòng các cô như những bông mười giờ.
- Bông mười giờ vẫn đỏ thắm lúc học trò ra chơi.
- Anh thương mến Phượng như thương mến anh vậy, biết không?
Phượng ngó anh Nguyện, muốn khóc hết sức. Nhưng Phượng gượng một nụ cười, và gật đầu. Anh Nguyện nói nhẹ như một hơi thở:
- Tại sao chúng ta lại liên hệ với nhau nhỉ. Anh chỉ thích sống ở quê nhà, hằng ngày, ngồi nghe tiếng nước sông, tiếng sóng vỗ, nghe hương thơm cây trái đầu mùa trong vườn nhà anh. Nhưng rồi anh cũng lại bỏ đi.
- Anh đi để làm người lớn.
- Anh đi để làm một cánh chim bồ câu trắng dính bùn nhơ của cuộc đời.
- Anh nói gì nghe buồn quá.
- Hình như đời sống là một tiếng hát buồn.
- Anh sẽ vui khi Hạ trở lại.
- Ðâu phải anh chỉ chờ mong có chuyện đó.
- Lẽ ra anh phải tới nhà em. Hai anh em ở trên căn gác vẫn còn rộng chán.
- Anh thích ở một mình.
- Và thích một không khí yên tĩnh.
- Có lẽ.
- Bà chủ nhà tốt quá anh Nguyện nhỉ?
- Bà xem anh như người thân.
- Sống trên căn gác đó mỗi ngày anh làm gì?
- Ði học, đi làm, đi ra đi vào, ca hát, vui buồn.
- Và nhớ thương?
- Tò mò.
- Ðúng.
- Mi tò mò nhiều quá sẽ thành con dế nhũi. Ngày xưa cũng có một người tò mò như vậy mà bị hóa thành con dế nhũi chui dưới đất đấy.
Phượng hỉnh mũi, bỗng từ ngoài có tiếng gọi:
- Phượng, Phượng.
Phượng quay ra, reo lên:
- Thảo, Thảo vào đây.
Thảo với người thanh niên ngần ngại một thoáng rồi bước vào. Phượng chỉ hai chiếc ghế trống:
- Ði đâu đấy, ngồi xuống đây một tí.
Phượng giới thiệu luôn:
- Anh Nguyện, còn đây là Thảo, bạn học cùng lớp với Phượng và anh Hảo, anh của Thảo.
Nguyện cười, bắt tay Hảo. Hai người ngồi xuống. Thảo đưa mắt nhìn Nguyện, có một vẻ ngạc nhiên trong đôi mắt ấy. Phượng cũng nhận ra ngay bằng một nụ cười ra hiệu cho Nguyện. Hảo đây sao, người Phượng nói quen Hạ hôm trước.
- Ði đâu đấy Thảo?
- Anh Hảo dẫn đi ciné.
- Phim hay không?
- Ðược.
- Ðậu rồi đi chơi dữ?
- Phượng cũng thế.
Nguyện ngồi một lúc nhớ ra hai người Nguyện đã gặp một tối nào đi với Phượng trong cơn mưa nhỏ. Ðúng rồi, họ là hai anh em, Hảo và Thảo. Nguyện mỉm cười với chính mình. Thảo cũng kêu lên:
- À, anh Nguyện, nhớ ra rồi.
- Anh Nguyện đấy.
- Bây giờ mới nhận ra.
Thảo ngó Nguyện, rồi quay hỏi Phượng:
- Bồ có nhận được thư của Hạ? Hạ chừng nào trở xuống?
- Có nhận thư, nhưng không biết bao giờ Hạ xuống.
Hảo hình như cũng chờ đợi câu trả lời của Phượng. Nguyện đọc thấy một vẻ thất vọng trong đôi mắt của anh ta. Thảo nói:
- Tụi này định đi Ðà Lạt.
- Bao giờ?
- Hai ngày nữa.
- Sướng nhỉ? Phượng chả biết bao giờ mới được đi.
- Phượng đi không, đi luôn với tụi này.
- Ði thì lúc nào cũng sẵn sàng, nhưng có xin phép được ở nhà không mới là chuyện đáng nói chứ.
Thảo cười:
- Thi đậu đi chơi ít hôm chứ. Phượng phải vòi vĩnh mới được.
- Có ai đâu mà vòi vĩnh. Ông già đập chết tươi.
Hảo lên tiếng:
- Chắc sẽ ghé tìm Hạ. Phượng nhắn gì không?
- Biết nhắn gì bây giờ.
- Nhắn Hạ xuống sớm nhé?
- Ừ... ừ, có lẽ nên nhắn như vậy.
- Thôi tụi này đi, để trễ xuất.
Hảo và Thảo đứng lên. Nguyện đưa tay ra bắt tay Hảo. Hai anh em họ bước ra đường. Phượng quay hỏi Nguyện:
- Anh nghĩ gì?
- Không nghĩ gì cả.
- Họ sung sướng quá anh nhỉ, muốn đi đâu cũng được. Cả đời em chắc giam mình trong cái thành phố đáng ghét này và căn gác nóng như lò bánh mì.
Câu nói của Phượng thật tội nghiệp. Nguyện nói:
- Khi nào anh đi Ðà Lạt, anh cho Phượng theo.
- Khi nào anh đi?
- Chưa tính.
- Anh tính nhanh đi chứ, anh lờ đờ quá. Anh tới xin phép cho em nhé.
- Ừ.
- Mà nhanh lên mới kịp à.
- Kịp gì?
- Hảo sẽ gặp Hạ trước ở thành phố đó. Thành phố đó nghe nói là một thành phố dễ gây xúc động. Anh hiểu em muốn nói gì chứ?
- Anh hiểu.
- Như thế anh đừng lờ đờ lững đững nữa nhé?
- Anh tin ở một khoảng thời gian tuyệt vời đã có giữa anh với Hạ.
- Có chắc không?
- Anh hy vọng thế.
- Anh làm em ngại ngại. Em thương Hạ lắm. Em không muốn Hạ ở ngoài mối giây liên hệ của mình.
- Cám ơn nhỏ, bây giờ nhỏ uống nước đi.
Phượng chớp mắt, tưởng như đã có những giọt nước mắt rơi. Hạ ơi mi biết không chiều nay ta và anh Nguyện đang ngồi đây, trong một thành phố lãng đãng sương khói để nhớ tới mi, nhắc nhở mi, yêu dấu mi. Ta mới biết nơi lòng anh Nguyện có một vết thương, nhưng là một vết thương hạnh phúc, vết thương không đau, vết thương càng lớn, mi có dịp về để lấp kín vết thương ấy không?
Mùa Áo Vàng Mùa Áo Vàng - Từ Kế Tường Mùa Áo Vàng