Số lần đọc/download: 1714 / 11
Cập nhật: 2015-08-19 12:33:14 +0700
Chương 7 -
T
ôi bước ra phòng khách ngồi xuống bộ ghế xa lông, gác chân lên bàn, chờ Trâm đến. Lúc này tôi mới lôi cái điện thoại hiệu Siemen mà tôi mua trong đợt Mỹ du hồi tháng 10 năm ngoái ra mò các chức năng của nó, lâu quá không xử dụng điện thoại di động, tôi quên sạch chả còn nhớ cách dò tìm tên người quen trong phone book, hay cách gài số điện thoại vào trong máy, và nhất là cuộc gọi nhỡ (misscall) để xác định xem cuộc gọi ấy vào lúc mấy giờ. Tôi chẳng bao giờ xem sách hướng dẫn. Có lần tôi bấm phải phần khoá máy, thế là điện thoại tịt luôn, không gọi mà cũng chẳng nghe được, phải mang lên trung tâm hãng cho người ta dò tìm lại giùm. Bởi vậy, chồng tôi rất sợ tôi đụng vào đồ vật dụng của anh, vì gặp gì tôi cũng bấm, bấm tá lả mặc dù tiếng Nhật tôi đọc chẳng hiểu gì. Từ ngày qua Nhật, tôi xơi tái của anh mất 4 cái máy điện toán, toàn thứ mắc tiền, chủ yếu là bị virus lọt vào, tôi không hiểu gì cứ ấn bừa bãi. Lần này anh ta ghét mua chương trình chống virus về gài, tôi chẳng mần ăn gì được.
Nghe tiếng chuông reo, tôi nói vọng ra:
- Cửa không khoá. Mời vô.
Trâm đẩy cửa bước vào, tay dắt theo thằng con nhỏ, đội cái nón to vành che hết cả khuôn mặt nhỏ xíu, lưng vẫn đeo cai ba lô có hình con tàu Shinkanshen mà thằng nhỏ lúc nào cũng giữ khư khư như giữ mả tổ, chẳng cho ai đụng đến bao giờ. Tôi để cái điện thoại xuống bàn, đưa tay vẫy nó lại:
- Ko chan, lại đây. Về Việt Nam vui không con?
Thằng nhỏ vẫn đứng im, nép mặt vào bên hông mẹ nó. Trâm lên tiếng:
- Đợt này nó cứ bám lấy tui không chịu rời nửa bước, bực mình dễ sợ.
- Tại nó lớn rồi, đâu còn baby như trước nữa để mày thả nó cho ai đó mà đi chơi.
- Ừa, mà không chịu nói tiếng Việt, xổ tiếng Nhựt không à.
- Vài bữa nó quen chứ có sao đâu. Mày đừng nói tiếng Nhật với nó xem, chẳng lại líu lô như con vẹt.
Tôi lại đưa tay vẫy thằng nhỏ:
- Ko chan, oide (lại đây)
Thằng nhỏ nhìn tôi toét miệng cười, dường như mắc cỡ, cu cậu lại dúi mặt vào người mẹ. Trâm dắt nó ngồi xuống ghế đối diện tôi, nói:
- Đó bà thấy chưa, nói tiếng Nhật là ảnh khoái lắm. Không chịu ăn gì hết, từ bữa hôm về tới giờ ăn mì gói không à. Rầu ghê!
- Cứ để cho đói meo ruột thì cái gì mà không ăn.
Tôi nhìn thằng nhỏ, nhìn Trâm, so sánh, đúng là một trời một vực, mẹ thì to đùng, con lại ốm quắt queo. Thằng nhỏ giống Trâm như đúc, chỉ có cái trán sói và hai lỗ tai vểnh ra là giống bố, còn đâu giống hệt mẹ.
Trâm hôm nay diện áo thung mầu xanh đọt chuối ôm sát thân người, chơi cái quần mầu cam loại lửng trên bắp vế. Trâm không có cặp mông tròn vành vạnh như trăng rằm, nó có hình bẹp lép y như ti vi mặt phẳng, nổi bật nhất là bộ ngực to như hai quả "dưa hấu". Đối với Trâm, phải dùng từ "dưa hấu" chứ hai quả "bưởi da xanh" không nhằm nhò gì với nó. Hồi tụi tôi mới qua Nhật, ti vi chiếu chương trình dự thi "ai là người vú bự", tôi nói ngay với chồng mình rằng nên đề cử Trâm đi thi, bảo đảm đoạt giải. Thế nhưng khi cuộc thi chấm dứt, tôi đành phải ngậm ngùi chấp nhậnTrâm chưa là gì so với mấy bà này. Chẳng biết dưới cặp mắt chồng nó, ông nhìn ra sao, chắc bị hai quả dưa hấu hớp hồn. Chứ riêng tôi, tôi thấy Trâm không có gì đẹp, cũng chẳng có nét gì quyến rũ...đáng yêu. Với tôi, nó chỉ đạt điểm trung bình yếu. Nước da đen thui, mũi tẹt, răng hô, trán dồ, miệng thì cheng chéc, và mái tóc lúc nào cũng bết lại giống như mấy đời chưa gội. Chẳng phải điêu ngoa, chỉ cần tôi và nó cộng thêm một con vịt bên cạnh kêu quác quác thì người ta tưởng lầm đó là một cái chợ. Trâm có tính bảo thủ nặng, tuy không hiểu biết nhiều nhưng động một chút Trâm gân cổ lên cãi sống, cãi chết, cãi cho bằng được thì thôi, nhiều lúc nói chuyện với nó tức hơn bò đá. Trâm không biết cách ăn mặc và cũng chẳng sửa soạn tự làm đẹp mình. Tôi nhớ có thời nó mặc quần jean, thắt sợi giây nịt dài lòng thòng, hình như mua ở chợ sao về để nguyên như vậy mà không biết cách cắt ngắn bớt đi cho gọn.
- Bà dự tính chừng nào về lại Nhựt? Có thay đổi gì thì nhớ cho tui biết nghen. Tui đi một mình tui ngán lắm.
- Ờ, có gì tao thông báo trước cho mà biết.
Vừa nói Trâm vừa móc trong túi quần ra sấp tiền đưa cho tôi:
- Bà đếm lại đi, hai ngàn đó.
Tôi cầm lấy, đếm đủ hai chục tờ giấy loại 100 đô la, rồi bỏ xuống bàn, chặn cái điện thoại lên cho khỏi bay tung toé khi cái quạt thổi đến. Nói với nó:
- Uống gì không? Cà phê hay nước ngọt?
- Thôi, tui lên đưa tiền cho bà rồi về liền, kẻo cha xe ôm đang chờ dưới.
- Kệ thằng chả, ở đây chơi đã.
- Nắng nôi, tội người ta bà.
- Ừ, vậy cũng được. Bữa nào tao ghé nhà mày ăn bún mắm.
- Vậy tui về nghen.
Trâm đứng dậy, kéo tay thằng nhỏ nói:
- Chào Hân đi con, chào Hân rồi về.
Thằng nhỏ nói lí nhí, đưa tay lên ra dấu chào tạm biệt. Tôi tiễn mẹ con nó ra tận ngoài cửa, nhìn từ trên hành lang xuống mãi cho đến khi người lái xe ôm chở mẹ con Trâm đi khuất.
Trâm nhỏ hơn tôi tám tuổi, nhà ở Quận III, cách chỗ tôi chừng 15 phút đi bằng xe honda. Chúng tôi không thân thiết với nhau lắm mãi cho đến khi qua Nhật. Ở Nhật, tôi chỉ có nó là đứa bạn Việt Nam duy nhất cùng chia ngọt xẻ bùi.
Tôi qua trước nó ba tháng, thỉnh thoảng gọi điện thoại về kể đời sống bên Nhật cho nó hay. Trước khi đi, tôi có dắt nó lên tiệm quen để giới thiệu nó may ít bộ đồ mang sang Nhật mặc. Chồng tôi mang cuốn thời trang mới về, chỉ cho tôi những mẫu áo đẹp và kêu may lấy chục bộ mang sang bên ấy. Vậy mà khi sang đến nơi, hơn chục bộ đồ tôi may chẳng bao giờ tôi xỏ tới, nhìn trông nó cứ kỳ kỳ quê mùa. Tôi bỏ hết và xắm lại toàn đồ mới, tôi cằn nhằn với chồng: "Biết vậy mà còn xúi tôi may đồ bên Viêt Nam làm gì cho tốn tiền và mất công xách qua đây cho thêm nặng". Tôi thông báo cho Trâm bỏ lại bớt quần áo bên Việt Nam, và than thở "thèm rau muống quá!"
Cuối tháng mười hai, vợ chồng tôi ra phi trường Haneda đón Trâm từ Việt Nam qua. Máy bay hạ cánh lúc 9 giờ sáng, tụi tôi đứng ở đó chờ đến hơn 10 giờ cũng chẳng thấy bóng dáng vợ chồng nó đâu cả, đành phải quay về nhà mình. Vừa bước vào cửa đã nghe điện thoại réo ầm ĩ, Trâm bảo tìm mãi không thấy vợ chồng tôi đứng ở đâu nên tụi nó về nhà luôn, đồ chị Lan nhờ Trâm xách tay mang qua, chồng nó đã gửi bằng bưu điện từ sân bay về cho tôi rồi, chắc chiều nhận được. Tôi cảm ơn vợ chồng Trâm và hẹn tuần sau qua thăm nó.
Đúng hẹn, thứ bẩy tuần sau chồng tôi đưa tôi qua Kawasaki thăm nó. Mấy tháng trời cứ ngồi ru rú trong nhà một mình, lần này sang gặp Trâm tôi mừng còn hơn bắt được vàng. Qua mấy lần đổi tàu, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nơi Trâm sống. Ra khỏi tầu, đi xuống hai lần cầu thang mới đụng cổng soát vé. Từ bên trong, tôi nhìn thấy vợ chồng Trâm đứng góc ngoài, đang nhướng mắt nhìn vào bên trong tìm kiếm tụi tôi. Trâm cắt mái tóc ngang vai, mặc áo bành tô bằng vải jean xanh bạc, đứng co ro bên cạnh chồng. Trâm không nhận ra tôi mãi cho đến khi tôi xuất hiện trước mặt nó. "Trời! Bà thay đổi quá, tui nhìn không ra. Bà giống mấy cô gái Nhựt ở đây rồi đó!". Đôi bên giới thiệu qua lại, Trâm dẫn vợ chồng tôi đi băng qua mấy con phố về nhà.
Toà nhà "Manso" nơi nó sống thật đẹp và tân tiến, nếu không phải là người trong toà nhà này hoặc người thân, bạn bè... thì không ai có thể xâm nhập vào được, vì tấm cửa kiếng dầy cộp lúc nào cũng im ỉm đóng chặt. Tiền bảo vệ cho căn nhà khá cao, mỗi tháng phải trả hết 20.000 yên Nhật (gần 200 đô la Mỹ).Căn nhà chồng nó mới mua nên mọi thứ cái gì cũng sáng loáng, tôi nhìn không chớp mắt. Từ dạo đó tôi qua nhà nó chơi nhiều hơn. Cứ mỗi đợt chồng tôi đi công tác ngoại quốc, là y rằng tôi lại xách đồ sang nhà nó ở mấy ngày. Đây là một điều khiến chồng tôi khó chịu bởi người Nhật không có thói quen đến nhà người khác ở như vậy, anh ngại chồng của Trâm. Khi tôi nói vấn đề này ra với Trâm, nó gạt đi vì nó buồn muốn tôi sang chơi với nó thường xuyên hơn. Mùa đông, tiết trời khô hanh, lạnh lẽo, da của Trâm bắt đầu sần lên mốc meo, tôi chỉ nó mua lotion về sức. Tôi mua giùm cho Trâm đồ mỹ phẩm cao cấp, dạy cho nó biết cách trang điểm, tỉa lại cặp chân mày. Và đưa Trâm đi mua sắm quần áo. Chồng tôi bảo, em cứ bày vẽ cho Trâm như vậy, chồng cô ấy sẽ khó chịu và ghét em đấy. Tôi chẳng quan tâm lắm việc chồng nó có ghét tôi hay không. Tôi chỉ muốn Trâm thay đổi để nhìn đừng quá quê mùa. Chỉ một thời gian sau, Trâm khác hẳn, lột xác trở thành một cô gái xinh đẹp bội phần. Nhưng chưa được bao lâu thì Trâm có bầu, bụng lớn dần lên, mặt to ra sần sùi đầy những mụn trứng cá. Chồng tôi lắc đầu nói rằng với anh, Trâm đạt điềm ze dô, làm hai đứa tụi tôi ôm bụng cười rũ rượi. Sanh con ra, Trâm xồ ra trông thấy, cao chỉ 1,53 m mà nặng tới 60 ký lô, trông y như một cái nấm di động. Thằng nhỏ được cả năm mà bụng Trâm vẫn to chầng dầng, nhìn chán không thể tả. Tôi khuyến khích Trâm tập thể dục, ăn kiêng để giảm ký lô, Trâm gạt đi, bảo: "Chồng con rồi đẹp với ai nữa? Mà ông Kẹo ổng đâu cần tui đẹp." Tôi nhỏ nhẹ: "Làm gì thì cũng đừng bê bối quá, thằng chồng nào không muốn vợ đẹp, vợ sang, mấy cha nói vậy chỉ là an ủi mày thôi, coi chừng ông chán ông bỏ theo con khác bây giờ. Với lại khi nói chuyện với ông đừng có chỉ trỏ ngón tay vào thẳng mặt ông như vậy, ông quê đấy." Trâm coi thường những lời tôi khuyên bảo, nó tự ý muốn làm gì thì làm, tôi chán mặc kệ chẳng muốn góp ý.
Thế rồi một lần từ Việt Nam qua, Trâm gọi điện thoại cho tôi hỏi xin toa thuốc giảm cân, nó vừa cười vừa nói: "Tui phải giảm cân bà à, nhìn tui bây giờ ghê quá. Bữa hôm ra chợ Bến Thành mua tôm khô, tui trả giá vì tôm hơi mắc, không biết nhìn tui làm sao mà con mẹ bán hàng biểu: Thấy cô bầu bì, tui bán cho mau mắn. Còn nữa, mụ chủ nhà chỗ tụi thằng Kobarashi mướn gặp tui cười la lên: A! Em bé Liên Xô. Quê dễ sợ luôn!" Tôi cười rũ rượi bảo với nó: "Nếu tao không biết mày thì tao cũng nghĩ mày đang có bầu bảy tháng." Vậy là Trâm bắt đầu ăn kiêng, trước tiên là chỉ ăn táo và uống nước, sau hai ngày, nó sụt được hơn hai ký lô. Chồng nó cũng khuyến khích vợ bằng cách tặng thưởng, nếu giảm xuống còn 54 ký sẽ lãnh 500 đô la, xuống còn 50 ký được 1000 đô la. Trâm cười tít mắt. Phải công nhận nó nhịn ăn giỏi, chỉ trong hai tháng nó ốm thấy rõ, trông sáng sủa hẳn lên, nõn nà theo kiểu: "Gái một con trông mòn con mắt." Vì nuôi con vất vả, nó xin chồng được mang con về Việt Nam ở vài tháng. Có lần chị Lan tôi bảo: "Trâm bây giờ đẹp ghê, thấy khác hoàn toàn." Vậy mà cứ từ Việt Nam trở về Nhật, nó lại mập ú ù, nó bảo: "Về Việt Nam đồ ăn ngon quá, lúc nào cũng đưa tới tận miệng, nhịn sao nổi bà. Qua đây ăn kiêng lại mấy hồi." Rồi bài thuốc ăn táo không còn hiệu nghiệm nữa, với lại ăn nhiều quá đâm ngán, nhìn thấy táo là dội. Trâm ăn theo phương pháp khác, phương pháp này coi bộ xuống nhiều hơn, sau một đợt hai ngày xuống được ba lý lô, thấy ham Trâm cứ làm liên tiếp, đến một bữa, đói quá, nó xỉu. Chồng Trâm không cho ăn kiêng nữa.
Dạo sau, tôi ít qua nhà nó hơn vì đã quen đời sống bên Nhật, chỉ thỉnh thoảng chồng tôi đi công tác ngoại quốc, tôi mới qua chơi một ngày rồi về lại nhà mình. Thằng nhóc con đã biết đi, biết nói, và líu lô tối ngày. Chồng của Trâm keo kiệt bủn xỉn, tuy khá giả nhưng ông không dám ăn xài, chỉ bo bo cất tiền trong nhà băng. Trâm thường than vãn với tôi cuộc sống của vợ chồng nó quá nghẹt thở, đôi khi muốn bỏ quách ông về Việt Nam cho rồi, nhưng lại thương con. Tôi an ủi nó: "Thì ông kẹo, mai mốt tiền bạc để dành cho mẹ con mày chứ cho ai? Chết có mang theo được đâu nào." Trâm bảo: " Bực mình lắm. Bà không phải là người trong cuộc, bà không hiểu đâu." Rồi thì bao nhiêu nỗi ấm ức bực dọc Trâm tuôn ra bằng sạch. Có lần nó gọi điện thoại cho tôi cả hai tiếng đồng hồ chỉ tâm sự mỗi chuyện chồng con. Tôi gọi chồng tôi bằng tên "Lùn sàn", còn Trâm gọi chồng nó bằng danh từ "ông Kẹo". Hai đứa tôi nói chuyện với nhau thật là vui, cứ ông Kẹo nhà tui, cha Lùn nhà bà riết quen miệng. Lúc vui vẻ chồng tôi cũng tự xưng mình là Lùn san, nhưng khi bực bội anh phản đối quyết liệt, tôi ậm ừ cho qua chuyện, nhưng quen miệng vài ngày sau đâu vào đấy: "Lùn sàn, Lùn san". Một lần tôi sang nhà Trâm chơi ngủ lại đó, mùa đông, tiết trời lạnh buốt, tôi thức giấc đã lâu nhưng còn cố nằm nướng trong phòng chiếu. Bên ngoài, thằng bé lẽo đẽo chạy bám theo cha miệng líu lô: "Papa chẹo ơi, Papa chẹo ơi" (papa kẹo ơi), làm tôi bật cười khúc khích. Trâm bảo với tôi ông nghe từ đó ổng ghét lắm, ông hỏi tui từ đối nghĩa của kẹo là gì, tui trả lời "xộp", ông dạy cho thằng nhỏ gọi ổng là Papa xộp ơi, nhưng thằng nhỏ không chịu gọi.
Càng ngày Trâm càng than thở hơn về chồng nó. Tôi chưa hẳn tin vì tôi vẫn thấy ông kẹo đối xử với vợ chu đáo, và đối với tôi rất lịch sự. Nói ra điều này với Trâm, nó dãy nảy la lên lại "Ông đóng kịch đó. Tụi tôi từ trước tới nay toàn đóng kịch trước mặt mọi người không à. Có bà tui mới tâm sự, chớ người khác còn khuya." Bẵng đi một thời gian khá lâu vợ chồng tôi qua nhà nó chơi, ở lại ăn cơm chiều rồi mới về. Hôm ấy ông Kẹo đối xử với Trâm khác hẳn, khó chịu ra mặt, cáu bẳn và có vẻ không vui. Từ đó tôi chấm dứt không sang nhà Trâm nữa, khi nào thấy buồn Trâm mang con qua nhà tôi ở cả tuần lễ. Vậy mà chẳng bao giờ thấy ông Kẹo gọi điện thoại qua hỏi thăm. Vợ chồng nó đã đến giai đoạn căng nhưng sợi dây đàn.
Một thời gian sau tôi phát hiện Trâm có bạn trai, lúc đầu tôi phản đối quyết liệt, nhưng rồi lại đồng tình vì thấy tội nghiệp. Chồng đã đối xử không ra gì, mà gia đình bên Việt Nam thì toàn thứ cô hồn các đãng, chỉ trực bám vào vòi vĩnh tiền bạc từ Trâm.
Lần đầu tiên gặp bạn trai của Trâm, tôi giật mình không ngờ bởi cái tướng tá bề ngoài dễ thu hút phái đẹp. Anh không có nét lấc xấc của chồng tôi và cũng chẳng có cái vẻ uỷ mị "gà mái" như chồng nó. Trâm quen với anh từ lâu, nhưng vì anh đã có gia đình nên chia tay nhau để Trâm an phận đi lấy chồng. Thế rồi có lẽ là duyên phận hai người chưa dứt, tình cờ Trâm gặp lại anh, họ lao vào nhau như những con thiêu thân không sợ chết, chuyện tình của nó giống như tiểu thuyết. Tôi thường nhắc nhở nó: "Mày suy nghĩ cho kỹ đi, chờ đến lúc chàng nghỉ hưu, 60 tuổi rồi đó nha, lum khụm rồi nha, còn yêu nổi không?" Mặt Trâm tối sầm, tối như cái tương lai mù mịt của nó...
Có lần Trâm dắt con lên thăm anh tuốt ở mạn Bắc Nhật Bản, nó gọi điện thoại cho tôi nhờ tôi canh me ông Kẹo giùm nó: "Bà nhớ nghen, nếu ổng có gọi hỏi tui thì trước 9 giờ tối bà biểu tôi dắt con đi chơi, hay đi tắm, còn sau 9 giờ bà cứ bảo tui đi ngủ rồi hén. Tui chỉ phòng vậy thôi chứ ông không có gọi đâu, có gọi thì ông gọi vào đi động. Tui biết tánh ổng mà." Nó đi một ngày nào, tôi lo ngày nấy, buổi tối bắt đầu từ lúc chồng tôi đi làm về, tôi ngồi lỳ trước bàn máy điện toán vờ đọc báo bởi cái điện thoại để ngay bên cạnh. Tôi không dám đi đâu vì ông Kẹo gọi lại, chồng tôi bắt máy, bể mánh chết. Có lần, tôi đang gọt trái cây, điện thoại réo, tôi bỏ dở trái cây đang cắt chạy xộc lại, thế nhưng cứ a lô mãi mà không ai lên tiếng, vừa cúp máy xuống để tiếp tục công việc thì điện thoại lại reo, tôi quay ngược trở lại. Chồng tôi ngồi ở ghế coi ti vi, nheo mắt, nghi ngờ: "Em đang chờ điện thoại của ai hả?". Bụng bảo dạ tôi than trời: " Đúng là cái đồ ngu, chuyện của người ta mà cứ nhặng xị cả lên, coi chừng anh chàng tưởng mình đang chờ điện thoại của thằng nào thì chết mẹ."
o O o
Ông xe ôm chở mẹ con Trâm đi khá lâu, tôi mới quay vào nhà bếp, ngồi phụ lặt rau với cô em dâu út.
- Chị Trâm về rồi hả chị?
- Ừ.
- Sao lên gì có tí xíu vậy?
- Nó lên đưa tiền đó mà.
- Dạo này thấy chị đẹp ra hén?
Tôi không trả lời mà nheo mắt nhìn nó từ đầu tới chân, nói:
- Còn mày nữa đó, ăn mặc như con bỏ làng, phải biết tự chăm chút cho nhan sắc mình chớ. Mai mốt thằng chồng mày có bồ, ở đó mà khóc.
Mặc tôi nói gì thì nói, đứa em dâu vẫn cứ tiếp tục công việc của mình, không thèm trả lời trả vốn. Tánh nó vẫn vậy, ai nói gì thì nói, nó cứ làm lơ như không nghe thấy gì, giống như kiểu vừa câm vừa điếc, đôi lúc làm tôi tức muốn điên lên. Thằng cu Tin nghe tôi mắng mẹ nó thì đưa mắt liếc xéo tôi một cái, miệng thì lầm bầm như thể đang chửi lại, nhưng tôi không nghe được nó nói cái gì, bèn hỏi nó:
- Tin, lùng bùng cái gì trong miệng đấy? Mắng bác hả?
Thằng bé gườm mắt nhìn tôi quát lên:
- Không được nói xấu mẹ!
- A! Cái thằng này to gan hén, bố mày bác còn lôi ra wính đòn đấy nghe chưa! Coi chừng đó.
Tôi đưa ngón tay dí dí vào trán nó. Tôi vẫn nghe mấy đứa ở nhà kể chuyện nó bênh mẹ nhưng chưa bao giờ được chứng kiến, hôm nay được nghe tận tai nên khoái chí cười ha hả. Bỗng nghe tiếng chuông cửa réo om xòm, thằng cu Tin đứng bật dậy, nhanh như cắt, chạy bịch bịch lên nhà mở cửa. Tôi nghiêng người dòm lên trên phòng khách xem ai vừa tới, ánh sáng phản chiếu làm tôi chói mắt không nhận ra người nào, từ đằng xa, thấy bóng một người đàn bà đang xoa đầu cu Tin hỏi:
- Bác Hân có nhà không con?
- Có.
Nghe giọng nói, tôi đoán là chị Nguyệt nên cất tiếng gọi lớn:
- Em đây, xuống dưới này, chị ơi.
Chị Nguyệt dắt cu Tin đi về phía tôi, chị cởi áo khoác ngoài, gỡ cái nón trên đầu xuống than vãn:
- Nắng nôi quá! Em về đám giỗ mẹ rồi phải không?
- Dạ, mới lên tối hôm qua.
Tôi quay sang nhắc cu Tin:
- Tin, hồi nãy bác dạy con làm sao, không được nói trống không mà. Ai hỏi thì phải thưa dạ nghe chưa?
- Dạ.
- Ừ, như vậy mới ngoan.
- Sao bác lại "ừ", phải "dạ" chứ.
Tôi cười xoa đầu nó, bảo:
- Bác là người lớn, bác "ừ" được, còn con là con nít thì phải "dạ", hiểu
không?
- Dạ hiểu.
- Tốt. Đi chỗ khác chơi để bác nói chuyện.
Chị Nguyệt mỉm cười, ngồi xuống cái ghế đặt ngay gần cửa bếp, nhìn tôi:
- Chị có nghe chị Lan nói em đã về, dặn chị phải ra em sớm (cười hì hì...) ra sớm mới còn quà không thôi sợ hết phần.
Tôi cũng cười tít mắt:
- Sao "gành" dữ!
Tôi nhìn chị một lúc rồi, không đợi chị hỏi, nói luôn:
- Chỉ có quà của em thôi còn quà của người nhà chị thì...không có.
Tôi thấy chị có vẻ buồn nhưng lại mỉm cười ngay tức khắc, nói với tôi:
- Kệ, không có thì thôi chứ biết làm sao. Mình đâu có thể đòi hỏi người ta
ho quà mình mãi được
- Trước khi em về, em có gửi email cho ổng hai lần, nhắc khéo, nhưng em
không nhận được thư trả lời nên im luôn. Thật tình em cũng ngại.
Tôi đưa tay bóp mạnh vai chị như muốn an ủi. Những lần trước về thăm nhà, lần nào tôi cũng mang cho chị cái bao thơ trong chứa khi thì 1000, khi thì 500 đô la do người nhà chị gửi cứu trợ, còn lần này về tay không, nhìn chị thất vọng tôi cũng buồn theo. Tôi thì có cái tật lanh chanh ưa đi "ăn mày" cho người khác, tôi hiểu hoàn cảnh của bạn bè mình bên Việt Nam, bởi vậy giúp họ được gì tôi đều sẵn lòng cả.
- Thôi quên chuyện đó đi em, nhắc tới mất vui. Kỳ này em ở chơi khi nào
mới đi?
- Em ở đúng một tháng, ra Tết, khoảng ngày 15 là em đi rồi.
- Vậy còn lâu hén?
- Dạ.
Tôi đứng dậy kéo chị Nguyệt vô phòng mình, không quên dặn đứa em dâu:
- Lát nữa luộc cái chân giò heo chấm mắm ăn cơm trưa, nước luộc thì bỏ nắm rau bí vào làm canh nghen Linh, đừng có cho nhiều bột ngọt quá ăn ớn lắm, tụi bay ưa cho bột ngọt nhiều quá.
- Dạ.
Vào trong phòng, tôi mở từ lấy cho chị Nguyệt hũ kem dưỡng da buổi tối, một túp kem trị nám mặt, nói:
- Cái này em, mua cho chị, chị xài thử đi xem có bớt nám không hén. Em xài thì thấy tốt lắm. Còn cái này chồng em tặng chị, ổng vẫn nhớ lần trước chị dặn mua loại này.
Tôi đưa chị túp kem trị ngứa và mấy thứ kia cho chị. Chị đón nhận với nụ cười rạng rỡ:
- Trời ơi, sao em mua cho chị nhiều vậy, mấy thứ này bộn tiền à nghen. Hàng của Nhựt tốt ghê lắm. Cám ơn Lùn san giùm chị hén, chồng em tử tế quá. Nhớ giữ gìn cẩn thận đừng làm mất ổng nghe cưng.
Tôi cười nheo mắt với chị, hỏi cắc cớ:
- Giữ gìn cẩn thận là làm sao? Chuyện tới đâu thì tới chứ biết cách gì để mà giữ gìn.
Chị Nguyệt không nói gì, kê hai cái gối cho cao và nằm ngửa ra, tôi ngồi xuống giường, tựa lưng vào bờ tường đối diện chị, hỏi:
- Nghe nói chị mua xe hơi cho thằng Tú rồi hả? Xe đẹp không chị?
- Ờ, Anh Hai chị bán được miếng đất dưới quê, chia tiền cho nó đâu được một tỷ đồng, mua cái xe hơi hết 25000 đô la, còn lại, nó mua được miếng miếng đất xây nhà dưới Gò Vấp, nợ như chúa chổm em ơi. Chị rầu ghê.
- Thôi, vậy là được rồi, nợ thì nó đi làm kiếm tiền trả, chỉ sợ nó ăn chơi hết mới lo chứ chị.
- Bữa nào, chị chở em xuống dưới cho biết nhà, nhà Tú xây cũng đẹp lắm.
- Hiện giờ ai ở dưới đó với nó vậy?
- Bà ngoại, nó kêu chị về hoài mà thôi, ở đây một mình cho khoẻ. Chị đang dự tính mở phòng mát xa nữ tại nhà, chừng nào lấy được cái bằng của Hội Phụ Nữ cấp, chị sẽ mở.
- Mát xa giống như hồi năm ngoái chị dẫn em đi đó hả?
- Ừa, em nằm xuống để chị mát xa thử cho em coi tay nghề.
Tôi nằm xuống thả lỏng cơ thể cho chị dễ nắn bóp. Chị ấn những ngón tay vào mấy huyệt trên sống lưng làm tôi có cảm giác dễ chịu. Nhớ lại đợt trước về thăm nhà, thấy tôi than đau nhức mình mẩy, chị xuống chở tôi đi "mát xa mát gần" trên một cơ sở tư nhân nằm trong hẻm đường Cách Mạng Tháng Tám (tức đường Lê Văn Duyệt cũ) khúc trên chợ Hoà Hưng. Đây là một căn nhà ba tầng lầu trông khá khang trang, không đề bảng hiệu. Tụi tôi được hướng dẫn đi thẳng vào bên trong, và bỏ giầy dép lại bên ngoài. Tôi cúi xuống cởi đôi giầy, ngần ngừ cầm trên tay chưa biết nên đặt ở đâu, nửa muốn mang theo, nửa thấy kỳ kỳ nên hỏi nhỏ chị Nguyệt: "Giầy dép để đây có sao không chị?" " Chắc không sao đâu, ai mà thèm lấy dép của em." Tôi thì nghĩ khác, dép của tôi mới mua hơn 200 đô la, lỡ để ở đây đứa nào thấy đẹp chôm đi mất thì biết bắt đền ai? Khách khứa ra vào tấp nập, ai ở không mà trông dép cho mình. Thấy tôi ngần ngại, chị chủ nhà nói khéo: "Em để đôi dép của em vào gần trong quầy này chị ngó giùm cho, bảo đảm không mất đâu, mất chị đền. " Tôi an tâm xách đôi dép mình đến bỏ ngay trong góc gần chỗ chị đang đứng, và theo chị Nguyệt leo lên cầu thang nhỏ trên tuốt lầu hai, bước vô một cái phòng tối mờ, mát lạnh, thoang thoáng mùi dầu long não. Trong phòng kê đến gần chục cái giường nhỏ dùng để mát xa, được phủ ra trắng muốt, ba, bốn người đàn bà đang nằm dài trên đó cho các cô nhân viên xoa bóp, có một điều cả mấy bà này ai cũng trần như nhộng, nằm tô hô chẳng có lấy một cái gì che đậy. Chị Nguyệt kéo tôi vào phía góc trong cùng, đặt giỏ xách lên cái giường còn trống, dục tôi cởi bỏ hết quần áo ra, máng lên móc treo trên tường để leo lên giường nằm cho mấy cô đến mát xa. Tôi hỏi nhỏ: "Cái gì? Cởi hết đồ ra hả? Kỳ thấy mồ." "Kỳ cái gì, người nào cũng giống nhau, ai dòm em đâu mà sợ". Vừa nói, chị Nguyệt vừa cởi bỏ quần áo và leo lên chiếc giường trống nằm úp xuống. Tôi cười khúc khích, đưa mắt nhìn tứ phía, các bà nằm đấy, chẳng ai ngó ngàng gì đến nhau, hình như họ đã quen rồi. Tôi cũng bắt đầu cởi bỏ quần áo của mình treo lên máng, để cái giỏ xách trên đầu giường, tôi bắt chước chị Nguyệt leo lên nằm, miệng vẫn còn cười khúc khích. Một cô gái còn khá trẻ đến bên giường tôi hỏi: "Chị làm mấy xuất?" Ở bên kia, chị Nguyệt vọng sang: "Làm cho chị ấy hai xuất em ơi." Cô gái nọ dạ lên một tiếng và bắt đầu bôi lên cơ thể tôi một chất kem nhớt nhợt, thoa đều và xoa bóp, cô xoa bóp tùm lum từ chân cho tới đầu, nằm xấp rồi nằm ngửa, cô bóp mạnh hai cánh tay khiến tôi đau nhói, đến phần bụng thì tôi ngăn lại nói không cần phải xoa bóp phần này vì tôi không có nây bụng. Hồi trước tôi cũng đã thử mát xa bụng một lần, cái Hạnh em tôi bắt tôi nằm xuống cho nó thực hành, không biết nó đánh tan mỡ bụng làm sao mà ngày hôm sau tôi đau gần chết, đi không nổi cả tuần lễ. Ở Nhật, tôi cũng thường đi châm cứu mát xa, cả Thái Lan tôi đã từng thử qua rồi, chưa thấy mát xa ở đâu mà bắt cởi hết quần áo như ở Việt nam này cả. Tại Thái Lan, họ cho mình mặc một bộ đồ bằng lụa mỏng, chẳng hề xức loại kem gì lên người mình. Còn ở Nhật ngoài bộ đồ họ đưa cho mình thay vô, họ còn phủ lên người mình một tấm khăn lông cứ như sợ chạm phải thân thể mình là có tội. Nhưng đó mới thực sự là mát xa, bấm huyệt.
Qua đúng 90 phút, cô gái lấy khăn lau kem dính trên người tôi và nói: "Xong rồi đó chị. Chị có muốn xông hơi thì xuống lầu I ". Cô gái đưa cho tôi một cái khăn lông khá lớn để tôi quấn quanh thân thể mình, tôi ôm hết cả đồ và giỏ xách theo cô gái xuống dưới, cô gái chỉ đây là phòng tắm, còn đây là phòng xông hơi, chị chờ một chút cho đủ độ nóng thì hẵng vô, canh 10 phút thôi chị hén. Nói rồi cô ta bỏ đi, tôi máng quần áo và giấu cái giỏ xách vào phía bên trong, dội nước, xát xà bông kỳ cọ cho hết kem nhờn nhờn hồi nẫy cô gái thoa lên người tôi, xong, tôi mở cửa bước vào trong phòng xông hơi, ngồi lên ghế. Mùi dầu long não thơm thơm, cùng hơi nóng phà vào mặt, một lúc mồ hôi trên người, trên mặt, trên đầu tôi tứa ra đầm đìa, ngó đồng hồ đã được hơn 10 phút, tôi mở cửa bước ra vào phòng tắm lấy nước lạnh xối lên người. Cô gái hồi nãy đi ngang qua nhìn thấy vội la lên: "Chị ơi, vừa mới xông hơi nóng chị đừng có tắm nước lạnh, bệnh chết đó ". Tôi ngạc nhiên khi nghe cô gái giải thích như vậy vì mỗi khi tôi tắm sauna, nóng quá là tôi lại ra ngoài dội nước lạnh rồi vào ngồi tắm tiếp, nghe nói làm như vậy mới tốt cho cơ thể mình, sao cô này là nhân viên mat xa lại chẳng hiểu cái gì cả. Tôi lau người mặc lại quần áo xong thì chị Nguyệt cũng vừa xuống tới. Cả hai chị em tôi cùng nhau xuống cầu thang, ra phòng khách tính tiền. Chị chủ nhà tươi cười chỉ vào đôi dép của tôi: "Vẫn còn nguyên xi đó nghen em, không có mất cái hạt xoàn nào đâu.". Tôi mỉm cười, mở giỏ xách lấy tiền thanh toán cho chị, cô gái ngồi ở bộ ghế xa lông ngay phòng khách lên tiếng: "Chị ơi, cái giỏ xách của chị dễ thương quá! Chị mua ở đâu vậy?" Giọng con gái Hà Nội nghe ngọt dịu khiến tôi ngẩng mặt lên nhìn xung quanh ngơ ngác: "Em hỏi chị à? " Cô gái người Bắc xinh xắn nở một nụ cười gật đầu, "Chị mua ở Tokyo." " À vậy hả, chứ ở đây em đâu thấy bán. Dễ thương quá chị nhỉ." "Em muốn mua thì lại khách sạn New Words, hình như ở đó có bán đấy." "Xin lỗi chị cho em hỏi thêm, giá bao nhiêu vậy hả chị? " "Hồi đấy chị mua 150.000 yên Nhật khoảng 21 triệu đồng" "Ôi giời ôi, sao mắc thế! Chắc em chẳng dám mua đâu. Đẹp thì đẹp thật nhưng mà mắc quá." Cái gái đứng lên bước lại gần tôi ngắm nghía cái giỏ, thốt: "Ô...! Channel, em nghe cái hiệu này mắc tiền lắm.".
Chị Nguyệt cúi lom khom tìm đôi dép trong góc nhà, nhưng mà mãi chẳng thấy đâu cả. Chị thỏ thẻ hỏi chủ nhà: "Em ơi, có đứa nào lấy lộn dép của chị đi không vậy? Hồi nãy chị nhớ để đây mà.". Chị chủ nhà hỏi vọng vào bên trong: "Có đứa nào lấy dép của khách đi không vậy? " Chị quay qua tươi cười nói với chị Nguyệt: "Chị chờ em một chút xíu nghen." Chị đi vào trong nhà quát tháo ấm ĩ, một lúc sau chị mang ra đôi dép mầu tím ra giơ lên hỏi: "Phải đôi dép này của chị không?" Chị Nguyệt gật đầu. "Thằng nhóc con em nó mang đấy chị ạ, nó thấy mầu tím lạ mắt nên nó xỏ vô." Chị Nguyệt nhận lại đôi dép từ tay chị chủ nhà, bỏ xuống dưới đất, xỏ chân vô. Tôi đeo cái giỏ vô vai và mặc áo khoác ra bên ngoài, chào chị chủ nhà và cô gái hồi nãy ra về. Tôi chở chị Nguyệt thẳng đường Lê Văn Duyệt, ra Sài Gòn hướng về nhà tôi. Chị Nguyệt thả tôi trước cửa và về nhà chị luôn. Sáng hôm sau ngủ dậy, tôi thấy cánh tay trái mình đau nhức, nhìn ra thấy hằn dấu tay của cô gái mát xa ngày hôm qua đã chuyển sang mầu tím bầm. Từ đấy tôi không dám đi mát xa mát gần nữa. Có lần tôi đọc báo thấy tin tức nói rằng một ông khách cảm thấy trong người mệt mỏi, bèn kêu người xát xa dạo về đám bóp, chẳng biết đấm bóp cái kiểu gì mà ông khách đi chụp hình thấy gẫy cả xương sườn. Cũng may là tôi mới chỉ bị để dấu lại mấy đầu ngón tay.
- Em thấy chị làm có khá không? Mở tiệm được chưa?
- Đỡ hơn con nhỏ hồi năm ngoái.
Tôi cất tiếng cười khanh khách, chị nguyệt cũng cười theo:
- Ừ, mấy đứa đó làm dở thấy mồ. Vậy mà sao đông khách ghê, bả mua thêm cái nhà bên cạnh nữa đó.
Tôi ngồi hẳn dậy, khuyến khích chị:
- Thì chị ráng đi, mai mốt mở tiệm, phấn đấu mua thêm mấy cái nhà nữa.
- Chị chỉ cầu đủ ăn thôi, ở đó mà ham làm giầu.
Sau khi tôi trở lại Nhật được vài tháng, tôi nhận email chị viết báo tin đã mở tiệm, khách khứa lai rai, làm tôi mừng thầm. Thế nhưng mới hơn một tháng, chị đã nản muốn đóng cửa cho thuê nhà để về Gò Vấp sống với con, chị bảo lúc đầu mở ra có được mãy chục khách, làm lai rai kiếm tiền chợ, nhưng được một tháng thì khách biến mất chỉ còn duy nhất có một người, đó là Thương bạn thân của tôi. Đọc thư chị viết tôi cũng rầu hết sức. Người nhà của chị bên này thì vẫn biệt tăm.
Có tiếng lách cách mở cửa, rồi một bóng người đi vào nhà. Tôi nghểnh cổ nhìn ra xem là ai, đó là con bé cháu đi học về. Cởi nón, cởi áo khoác ngoài, cởi khẩu trang bịt mặt, nó mới cất tiếng chào:
- Chào Dì, chào cô Nguyệt đến chơi.
- Bé Trâm hôm nay đi học về sớm vậy.
- 11 giờ rưỡi rồi mà cô.
- Lẹ quá hén, mới đó mà đã trưa rồi.
Con bé lúi húi cất tập vào trong học tủ, nó xục xạo một hồi rồi lôi ra một lá thư đưa cho tôi nói:
- Dì có thư này.
Tôi cầm lấy đưa lên coi, nét chữ quen thuộc, bay bướm lả lướt. Nhìn dòng chữ ghi địa chỉ nhà Dì tôi bên Đông Du, tôi biết là của ai.
Tần ngần nhìn bức thư một lát, định bụng mở ra đọc thì cu Tin chạy lên kêu:
- Bác, mẹ kêu xuống ăn cơm.
Tôi gật đầu với thằng nhỏ và quay sang mời chị Nguyệt:
- Xuống ăn cơm luôn chị ơi.
- Em ăn đi, chị mới ăn sáng rồi.
- Ăn một chút cũng được, trưa trật rồi còn gì.
Tôi nhét lá thư vào dưới gối nằm, nắm tay chị Nguyệt kéo xuống bếp. Thức ăn đã được dọn ra, một dĩa thịt chân giò heo luộc bốc mùi thơm phức, thêm dĩa rau đắng cũng luộc và tô canh đọt bí xanh rờn. Bé Trân đang lúi cúi rót mắm từ trong chai ra cái chén nhỏ, tôi chẳng biết gọi là mắm gì, chỉ thấy có mầu đỏ au và nhìn thật hấp dẫn. Tôi đưa đũa gắp một miếng thịt chấm vào chén mắm ăn thử, gật đầu khen rối rít:
- Mắm ngon thật. Mắm này mua ở đâu vậy Trân?
- Cháu không biết, dì Hạnh cho đấy. Nghe dì bảo mua đâu ngoài Nha Trang thì phải.
Tôi không hỏi thêm, dục mọi người:
- Thôi mời cả nhà ăn cơm.
Sáng tới giờ chưa có gì lót bụng, tôi đói meo cả ruột, ăn món nào cũng thấy ngon như cao lương mỹ vị, phần có đông người vui vẻ, tôi quất một lúc hết hai chén luôn. Chị Nguyệt tuy miệng bảo rằng chị không đói nhưng tôi thấy chị ăn cũng "bạo" lắm.
- Ăn chực sao thấy ngon ghê vậy đó. Bữa nào chị xuống Gò Vấp, chị sẽ mua cho em rau lang và đọt bí hén, ở gần nhà chị là chợ đầu mối, rau ngon lắm.
- Dạ, khi nào gặp chị nhớ mua giùm, mà mua nhiều nhiều nghen, nhà em ăn rau dữ lắm.
- Vài bữa nữa chị về quê viếng mộ ba chị, gần Tết rồi.
- Chị có về nhớ hú em với, em cũng muốn đi chơi một chuyến.
- Ừa, trước khi đi chị sẽ gọi điện thoại báo cho em chuẩn bị hén.
- Dạ.
Cả nhà đang ăn cơm thì nghe tiếng chuông gọi cửa vang lên. Cu Tin nhấp nhổm định chạy nhưng lại liếc mắt nhìn tôi, tôi khẽ gật đầu thế là cu cậu vọt liền. Cửa mở, mang theo tiếng ồn từ bên ngoài lùa vào cho đến khi cánh cửa khép lại như cũ. Thằng cu Minh lon ton chạy vào trước, kế đến là cu Tin, và cuối cùng là Hạnh đủng đỉnh vào sau chót. Hạnh đứng ngay cửa bếp, cởi áo khoác ngoài vứt lên ghế. Tôi nhìn nó hỏi:
- Mẹ con mày ăn cơm chưa?
Hạnh lắc đầu.
- Thế thì lấy chén đũa ra mà ăn luôn đi.
Hạnh bước xuống phía hành lang giếng trời, nơi đặt cái tủ kiếng nhôm dùng để đựng chén dĩa, mở ra lấy hai cái chén và đôi đũa cùng muỗng, cầm trên tay đi lại phía bếp nơi tụi tôi đang ngồi ăn cơm, xà xuống kêu bé Trân bới cho một chén đầy, Hạnh gắp thịt, xé nhỏ, chan thêm canh vào chén cơm rồi kêu cu Minh lại ăn. Tôi nhìn hai mẹ con nó mỉm cười:
- Mẹ con mày canh đúng giờ thế!
Hạnh nhìn tôi toe toét cười.
Tôi đã no bụng, đứng dậy, mở tủ lạnh rót ly nước mang lại ghế ngồi uống, bật cười nhớ lại chuyện cũ. Hồi đấy cái Hạnh vừa có bầu thằng cu Minh, lần nào về thăm nhà đều than mệt và "Em chẳng ăn được gì cả", thế nhưng chỉ một lúc sau lại hỏi: "Nhà còn cơm nguội không chị?” rồi tự động vô bếp lục tìm đồ ăn. Có bữa chẳng còn gì cả, nó lảng vảng một lúc rồi biến mất, tôi mò xuống dưới Chín Đen, thấy nó và chị Chín đang ăn hủ tiếu gõ, ăn một lúc hai tô còn kêu thêm xí quách. Tôi đứng chống nạnh một bên hất hàm nhìn nó bảo: “Em chẳng ăn được cái gì mà xuống đây quất một lúc hai tô thế này hả?..." Nó cười chống chế: "Cái tô nhỏ xíu này, quơ một đũa là hết mẹ nó rồi, ăn nhằm gì.” Chị Chín thì bảo: "Mày nói quá, em bé ăn chớ nó ăn hồi nào?"
- Chị chưa đi đâu à?
- Chưa, vừa mới ngủ dậy thì chị Nguyệt tới chơi. Bây giờ nắng quá làm biếng đi ra ngoài. Với lại mệt thấy bà, nghỉ ngơi vài bữa đã.
- Hôm qua em cũng ngủ một giấc đã thật, trưa trật mới tỉnh dậy, cho thằng
Minh nghỉ học luôn.
- Mua đồ gửi cho bà Phương chưa?
Hạnh quay sang bé Trân hỏi:
- Mày mua chưa Trân?
- Dạ chưa, để chiều nay cháu mua.
Tôi nói tiếp:
- Mua sớm mà gửi sớm đi, gần tết rồi, chẳng biết có kịp nhận trước tết nữa không đây? À nhớ đừng gửi một lượt mấy thứ dì mang về nhé, từ từ mỗi lần một ít thôi không vào trong đó bọn cán bộ nó xin hết đấy.
- Dạ.
Quay đi quẩn lại, thời gian qua nhanh như thoi đưa, mới đó mà chị Mỹ Phương ở tù sắp được tròn sáu năm. Tôi nhớ rõ như in ngày chị bị bắt trùng với ngày chị Mỹ Lan sinh thằng cu Dừa tại bệnh viện Từ Dũ. Tin chị bị bắt không làm tôi ngỡ ngàng, vì tôi đoán sẽ có ngày này từ trước, thế nhưng định mệnh đã an bài cho số phận chị tôi mặc dù tôi cố gắng ngăn cản nhưng vô vọng, chị tôi cứng đầu cứng cổ không chịu nghe lời tôi, và phải trả giá đắt bằng bản án 20 năm khổ sai. Bắt đầu từ năm nay chị được xếp vào loại giảm án, tù nhân phải ở hết 1/3 án mới bắt đầu được xét giảm từng năm vào mỗi kỳ lễ lớn như tết Nguyên Đán, lễ Độc Lập 2-9, kỷ niệm “giải phóng miền Nam 30-4 “... chủ tịch nước ban lệnh đặc xá, ai hên thì được về (mà phải nói đúng là ai hối lộ nhiều và biết điều thì được tha về sớm)...lúc này tù nhân có cơ hội được giảm án đang mong ngong người nhà lo chạy chọt để hưởng khoan hồng. Càng nghĩ đến chị tôi càng não hết cả ruột gan, nửa thì muốn ra ngoài đó coi tình hình ra sao, nửa lại làm biếng đi vì đường xá xa xôi hẻo lánh, và lại nghe nói chị mới chuyển trại ra miền rừng núi Cẩm Thuỷ, đường đi cheo leo nguy hiểm làm tôi thấy ớn lạnh.