A lot of parents will do anything for their kids except let them be themselves.

Bansky

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyên Phong
Thể loại: Khoa Học
Biên tập: Viet Quang Luong
Upload bìa: Viet Quang Luong
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 499 / 124
Cập nhật: 2020-08-27 22:49:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Năm
HARAOH
QUYỀN LỰC VÀ YÊU THƯƠNG
Chiều hôm đó, tôi lái phi cơ bay thẳng đến Colorado. Tôi vừa dừng xe trước nhà ông Kris thì đã thấy ông này mở cửa bước ra. Sau vài câu chào hỏi xã giao, tôi kể vắn tắt cho ông Kris nghe về trải nghiệm vừa qua, rồi hỏi:
- Khi trước ông có nói rằng ông sẽ giúp tôi nhớ lại tiền kiếp, thế thì việc này ra sao?
Ông Kris không trả lời ngay mà thong thả mời tôi vào nhà, lấy một đĩa trái cây tươi mời tôi ăn. Bất chấp cử chỉ bồn chồn, nóng nảy của tôi, ông Kris vẫn thản nhiên:
- Tôi có thể giúp vì ông đã dặn tôi từ trước. Thật ra ông phải tự mình phát triển cái khả năng mà ông đã quên trong kiếp này.
Tôi thắc mắc:
- Nhưng tôi phải làm thế nào?
Ông Kris thong thả trả lời:
- Khi xưa ông đã có khả năng này trong lúc đầu óc an tĩnh khi thiền định. Hiện nay ông đã để cho lòng ham muốn sai khiến, với tâm trí xáo động như thế thì làm sao ông có thể khôi phục khả năng này được?
Chúng tôi yên lặng nhìn nhau trong mấy phút, câu nói của ông Kris quả có một tác động khiến tôi cảm thấy yên lòng. Tôi thốt lên:
- Quả thật tình cờ khi chúng ta gặp lại nhau trong kiếp này.
Ông Kris mỉm cười:
- Như vậy hẳn ông đã đồng ý rằng chúng ta đã trải qua nhiều kiếp sống từ trước? Phải chăng ông đã tin rằng có luật Luân hồi?
Tôi bối rối cười, không nói gì cả. Ông Kris lại tiếp tục:
- Ông bạn ơi, đây không phải sự tình cờ đâu mà đã có sự sắp đặt từ trước. Do sự chi phối của những động lực trong vũ trụ qua luật Luân hồi và Nhân quả mà người này gặp gỡ người kia. Có khi là nợ, có khi là duyên, có khi gặp nhau để trả nợ, có khi gặp nhau để nối lại duyên xưa. Biết bao việc xảy ra trong đời tưởng như ngẫu nhiên nhưng thật ra đã được xếp đặt từ trước do nhân duyên để đem lại kết quả nào đó.
Nghe ông Kris nói, lòng tôi xúc động lạ thường, cho đến lúc này tôi không còn nghi ngờ gì nữa mà hoàn toàn tin tưởng rằng có quy luật Luân hồi và Nhân quả.
Ông Kris chăm chú nhìn tôi một cách tinh quái rồi lên tiếng:
- Hình như ông đang thắc mắc về một người con gái và không biết mối tình này sẽ kết thúc như thế nào phải không?
Tôi giật mình, tự hỏi làm sao ông ấy lại biết việc đó. Như đọc được tư tưởng của tôi, ông Kris mỉm cười:
- Tôi có thể biết ông đang nghĩ gì.
Tôi cố tình nói lảng đi:
- Thật ra tôi đang thắc mắc về tôn giáo thờ thần Thái Dương Amun Ra vì tôi vừa có một trải nghiệm lạ lùng khi hồi tưởng về tiền kiếp tại Ai Cập.
Ông Kris giải thích:
- Thần Thái Dương Ra chỉ là một quan niệm cổ xưa đề cập đến sự sáng tạo vũ trụ. Nó bắt nguồn từ nền tôn giáo cổ tại Atlantis, rồi truyền qua Ai Cập do những người tránh nạn đại hồng thủy đến định cư nơi đây. Lúc đầu nó bao gồm rất nhiều lĩnh vực như thiên văn, y học, toán học, kiến trúc, âm nhạc v.v… nhưng theo thời gian, một số lĩnh vực khoa học bị thất truyền. Người Ai Cập chỉ biết đến thần Thái Dương Ra như là đấng sáng tạo, cũng như ngày nay chúng ta sử dụng từ “Thượng Đế” mà thôi. Tôn giáo Ai Cập lúc đó thờ rất nhiều thần linh như thần sông, thần núi, thần đất, thần sa mạc và các vị thần bản địa. Các giáo sĩ ở thành Thebes thờ Amun, một vị thần bản địa, nhưng khi ảnh hưởng của phe nhóm này mạnh lên, được các Pharaoh nể phục, họ thay đổi tên vị thần này thành Amun Ra, đề cao vị này lên thành một thần linh tối cao để mọi người Ai Cập phải tôn thờ, nhờ thế họ bành trướng thế lực của giới giáo sĩ. Từ đó, xứ này mất đi những tinh hoa của thời đại trước mà đi vào con đường tôn giáo sùng tín, rồi dần dần trở nên mê tín chứ không còn là một nền khoa học như trước.
Ông Kris tiếp tục giải thích:
- Vào thời cổ đại, Ai Cập là một vùng đất trù phú chạy dọc theo sông Nile với những cánh đồng mênh mông, ao hồ đầy tôm cá, người dân xứ này sống hiền hòa và chịu ảnh hưởng của tôn giáo thờ thần Thái Dương, bắt nguồn từ châu Atlantis. Các vua chúa Ai Cập thời cổ đại đều xuất thân từ Atlantis nên có kiến thức về các động lực thiên nhiên ẩn tàng trong vũ trụ và biết cách kiểm soát các năng lượng xuất phát từ các tinh tú để đón nhận những vũ trụ tuyến cho các nghi thức đặc biệt. Do đó, nếu nghiên cứu kỹ, người ta sẽ thấy kim tự tháp được xây cất theo đúng vị trí nhất định để đón nhận năng lượng vũ trụ tuyến chứ không phải là lăng mộ vua chúa như các nhà khảo cổ thường nói đâu.
Tôi ngạc nhiên:
- Nhưng tôi nghe nói đó là nơi an táng thi hài các Pharaoh thời cổ xưa.
Ông Kris lắc đầu:
- Đó là một sự hiểu lầm tai hại. Vì hiện nay không ai biết rõ kim tự tháp được xây cất cho mục đích gì nên tất cả đều chỉ là giả thuyết mà thôi. Khi một nhà khảo cổ suy đoán rằng đó là mồ mả của Pharaoh, và rồi những nhà khảo cổ khác cũng nói theo, thì dư luận cũng đồng ý như vậy mà không đòi hỏi thêm bất kỳ bằng chứng gì nữa.
Ông Kris giải thích:
- Nếu quan sát kỹ, người ta có thể thấy có sự khác biệt giữa lăng mộ các vua chúa trong thung lũng mộ vua và các kim tự tháp. Các lăng mộ bao giờ cũng có các hình vẽ, điêu khắc trên vách đá để ghi nhớ, ca ngợi công lao của các vị vua đó, cùng các bùa chú, nghi thức tôn giáo, các hình ảnh người chết được phán xét bởi thần Osiris ở cõi âm v.v… Ngoài ra, các quan tài còn có nhiều lớp ván quách chồng lên nhau và rất nhiều đồ đạc, của cải, vàng bạc châu báu chôn theo. Hàng trăm ngôi mộ tại thung lũng mộ vua đều được thiết trí giống nhau như thế. Trong khi đó, tất cả vách đá trong kim tự tháp hoàn toàn trống trơn, tuyệt nhiên không có một hình vẽ hay dấu hiệu gì cả. Đã có ai hỏi tại sao lại có sự khác biệt như thế chưa?
Tôn giáo Ai Cập chủ trương trong lăng mộ phải ghi rõ các biểu tượng với bùa phép, thần chú, và cuốn Tử Thư [7] để đưa hồn người chết về cõi giới bên kia thì tại sao trong các kim tự tháp lại không hề có hình ảnh hay bất kỳ chữ viết nào? Tại sao người ta đã bỏ công ra xây dựng một công trình to lớn, vĩ đại mà bên trong lại trống trơn, chẳng có gì hết, không một hình ảnh, không một dấu tích, không một chữ viết? Như vậy nó đã được xây lên vì mục đích gì khác chứ không thể là lăng mộ được.
Hiện nay, các nhà khảo cổ cho rằng kim tự tháp vĩ đại được xây tại vùng Giza là mồ mả của các Pharaoh mang tên Khufu, Khafre và Menkaure, nhưng có ai từng tìm thấy xác ướp của những ông vua này ở đó đâu? Lịch sử Ai Cập cũng không ghi chép gì về triều đại của những ông vua này mặc dù từ ngàn xưa người Ai Cập đã biết chép sử, ghi nhận chiến công của vua chúa trong các đền thờ hay lăng tẩm. Nếu những ông vua này đã cho xây những công trình vĩ đại như thế thì hẳn họ phải là những vị vua đặc biệt, nhưng tại sao không một sách vở, tài liệu hay văn tự nào nói đến họ mà chỉ có vài giai thoại rời rạc? Đã ai biết đặt câu hỏi tại sao lại như thế không?
Phần lớn các tài liệu cổ về Ai Cập đều ghi rõ các công trình kiến trúc ở thung lũng mộ vua, trong đó có cả tên của những kiến trúc sư, giáo sĩ phụ trách công việc đó mà không tìm thấy một tài liệu nào đề cập đến quá trình xây dựng những kim tự tháp hay nó đã được hoàn thành như thế nào? Tại sao lại có sự thiếu sót như thế chứ?
Kim tự tháp vùng Giza được xây bằng những tảng đá khổng lồ, chồng khít lên nhau một cách tuyệt hảo, không sai lệch một li. Mỗi tảng đá nặng cả trăm tấn, thì làm sao người ta có thể khuân hàng ngàn tảng đá vĩ đại như vậy chồng lên cao thế được? Dù có hàng trăm ngàn nô lệ kéo những tảng đá này lên cũng không thể nào làm được như thế chỉ với sức người. Ngày nay, với máy móc hiện đại nhất, con người cũng không làm nổi việc đó huống chi là mấy ngàn năm trước? Vậy thì ai đã xây cất những kim tự tháp này và sử dụng những kỹ thuật gì?
Những tảng đá xây kim tự tháp được đục tách ra từ những rặng núi cách xa đó hàng trăm dặm, làm sao người ta có thể vận chuyển hàng ngàn tảng đá khổng lồ này đến giữa sa mạc vùng Giza trong khi người Ai Cập vào thời đại đó chưa biết sử dụng bánh xe lăn hay cần trục? Phải chăng người xưa đã sử dụng kỹ thuật nào đó thuộc một nền văn minh khác mà ngày nay không ai còn biết đến?
Ông Kris ngừng lại nhìn tôi, mỉm cười nói thêm:
- Hiện nay, trong các khu rừng rậm tại châu Phi và Nam Mỹ, còn có vô số kim tự tháp, tương tự như ở Ai Cập, mới được khám phá. Các bộ lạc sống ở vùng đó đều nói đó là đền thờ của tổ tiên họ, nơi thực hành các nghi thức tôn giáo chứ có ai nói đó là mồ mả chôn cất vua chúa đâu. Tại sao các nhà khảo cổ tin rằng kim tự tháp Ai Cập là lăng tẩm của vua chúa trong khi kim tự tháp Nam Mỹ chỉ là nơi chốn thờ phụng? Đã có ai biết hỏi tại sao lại có sự khác biệt như thế không?
Ông hãy nghĩ xem, những bộ lạc bán khai, sống trong những túp lều cất bằng cây lá, không hề biết gì về kiến trúc hay toán học, thì làm sao tổ tiên của họ lại có thể xây cất những kim tự tháp bằng những tảng đá khổng lồ như thế? Trừ phi là những kiến thức này xuất phát từ một nền văn minh từng hưng thịnh hay một chủng người nào đó mà nay đã biến mất trên bề mặt địa cầu.
Như ông đã biết, để tránh nạn đại hồng thủy, người Atlantis đã đóng thuyền đi định cư khắp thế giới và mang nền tôn giáo của họ theo. Nếu để ý thì ông sẽ thấy tất cả nơi nào có kim tự tháp đều tôn thờ thần Thái Dương, hay biểu tượng mặt trời. Tại sao ở những nơi xa xôi vạn dặm mà người dân nơi đó không thờ thần linh nào khác mà đều tôn thờ thần Mặt trời nếu nó không xuất phát từ một nguồn gốc chung?
Nghe ông Kris trình bày kỹ như thế, tôi mới nhận thấy quả là có những khác biệt rõ ràng trong các giả thuyết của các nhà khảo cổ mà ngày nay đa số mọi người đều tin chứ không kiểm chứng xem các giả thuyết đó đúng hay sai. Có lẽ chỉ khi nào người ta có thể đi ngược dòng thời gian, trở lại quá khứ, thì mới có thể hiểu rõ ý nghĩa tồn tại của các kim tự tháp này.
Tôi thắc mắc:
- Khi trước tôi nhớ lại kiếp sống tại Atlantis, còn bây giờ lại trải nghiệm một kiếp sống khác nữa ở Ai Cập. Thời gian ở Atlantis xảy ra khoảng hơn mười hai ngàn năm trước Công nguyên, rồi đến Ai Cập khoảng ba ngàn năm trước Công nguyên, vậy thì chuyện gì xảy ra giữa hai kiếp sống đó? Liệu tôi còn sống ở những đâu nữa không?
Ông Kris chăm chú nhìn tôi, rồi nghiêm nghị hỏi:
- Ông có thực sự muốn biết chuyện đó không? Liệu ông có can đảm chấp nhận sự thật không?
Tôi ngạc nhiên:
- Tại sao lại không? Nếu con người chết đi rồi tái sinh vào một kiếp sống khác thì thời gian ở giữa hai kiếp sống kéo dài bao lâu?
Ông Kris ngần ngại nhìn tôi, rồi giải thích:
- Này ông bạn, khi trước chúng ta đã nói về luật Luân hồi. Con người sinh ra rồi chết đi, chết rồi tái sinh trở lại, quanh quẩn mãi trong vòng Luân hồi - nhưng không phải ai cũng tái sinh trở lại thành người đâu. Tùy theo những nguyên nhân phức tạp mà có khi tái sinh thành loài vật, loài ma quỷ, hay các sinh vật khác nữa. Ông nên biết cõi giới chúng ta đang sống không phải là cõi giới duy nhất, còn có những cõi giới của các sinh vật khác mà chúng ta không nhìn thấy đó thôi. Ta có thể gọi đó là những chiều không gian khác nhau hay thế giới vô hình cũng được vì các giác quan hiện nay của chúng ta không thể cảm nhận được hết tất cả những thế giới này. Tuy nhiên, không nhìn thấy được không có nghĩa là chúng không đang tồn tại cùng với chúng ta.
Khi trước tôi đã nói về sự thay đổi hay tiến hóa từ loài kim thạch qua loài thảo mộc, rồi đến sinh vật cấp thấp (như côn trùng). Các loài này có một kho kinh nghiệm chung nên hành động y hệt như nhau. Cái kho này tích lũy những kinh nghiệm học hỏi được cho loài côn trùng, rồi sau đó chúng chuyển kiếp tiến hóa lên thành những loài vật như chim chóc, rồi tiến lên loài bò sát, rồi loài dã thú v.v… Sau đó, kinh nghiệm này được cá nhân hóa thành những sinh vật thông minh như gia súc hay trâu bò, chó mèo v.v… Sự hiểu biết đã được cá nhân hóa này giúp sinh vật tiếp tục tiến hóa và chuyển kiếp thành loài người với bộ óc thông minh biết suy nghĩ và phân biệt. Sự thay đổi từ loài vật cấp thấp lên đến loài người được khoa học ngày nay gọi là luật Tiến hóa.
Ông Kris nhìn tôi như để chắc rằng tôi hiểu rõ những điều ông nói, rồi tiếp tục:
- Tuy nhiên, có tiến hóa thì cũng phải có thoái hóa, nghĩa là thay đổi từ loài thông minh thành những loài cấp thấp. Một sự thông minh lớn có thể biến thành nhiều sự thông minh nhỏ. Do đó, khi một người thoái hóa thành loài thú, sự hiểu biết cũng đi theo những sự hóa kiếp đó, chẳng phải trở thành một con thú duy nhất mà thường trở thành nhiều con thú. Nếu không như thế thì chẳng lẽ một con thú cũng thông minh như người hay sao?
Hãy lấy thí dụ về một người chuyển kiếp thành mười con chó, mỗi con chỉ có một phần mười sự thông minh của người đó thôi vì sự thông minh đã bị phân tán ra thành mười phần. Trong quá trình chia cắt này, sự hiểu biết phải kém đi, do đó những con chó này không thể thông minh như người được.
Trải qua hàng triệu năm, phát triển từ loài cấp thấp lên đến loài người, sinh vật phải trải qua biết bao nhiêu kiếp, học biết bao nhiêu thứ, thanh lọc biết bao nhiêu điều mới chuyển kiếp được thành người. Con người với đầu óc thông minh, biết phân biệt điều hay lẽ phải, phải tiếp tục học hỏi để tiến lên những vị trí cao hơn, để trở thành các bậc tiên thánh. Điều đáng tiếc là thay vì học hỏi để hiểu biết nhiều hơn, họ lại hành động thiếu hiểu biết nên phải chuyển kiếp trở lại để học thêm những bài học mà họ còn thiếu sót.
Ông Kris ngừng lại như để cho tôi suy nghĩ, rồi nói tiếp:
- Luân hồi có thể tạm coi như là một trường học lớn, trong đó mọi sinh vật đều phải học cho đến khi tiến đến sự hiểu biết toàn vẹn. Sự tiến hóa hay thoái hóa là yếu tố quan trọng để chắc rằng sinh vật ấy đã tiếp thu được bài học. Nếu chưa học được thông suốt thì phải học lại, và đó là nguyên tắc của luật Nhân quả. Gieo nhân nào thì gặt quả đó. Bất cứ một hành động nào xảy ra đều có kết quả phản hồi lại, có khi xảy ra ngay lập tức, có khi xảy ra sau đó, trong kiếp sống khác.
Người thông minh sẽ nhanh chóng học được từ những sai lầm của mình, rồi tự thay đổi để không tái phạm nữa. Những người không biết học từ sai lầm sẽ phải học đi học lại mãi, trải qua nhiều kiếp sống, cho đến khi học được bài học mà họ phải học. Người thiếu hiểu biết sẽ sống bằng bản năng thay vì sử dụng bộ óc thông minh, họ thường chuyển kiếp trở lại thành những loài thú. Vì đầu óc của họ chưa phát triển đầy đủ, chưa học được bài học rõ ràng, nên phải tiếp tục học hỏi trong nhiều kiếp làm các loài vật khác nhau trước khi trở lại làm người.
Tuy nhiên, khi một người chuyển kiếp thành nhiều con thú, sự thông minh bị phân chia ra thành mười, thành trăm, thành ngàn, hay thành triệu phần thì sự hiểu biết cũng theo đó mà giảm đi, nên họ phải trải qua biết bao nhiêu kiếp sống để học thì mới có thể chuyển kiếp trở lại thành người được. Sự hiểu biết từ kinh nghiệm học hỏi khi xưa càng giảm đi chừng nào thì sinh vật càng ngu dốt thêm chừng nấy, trăm ngàn vạn kiếp sống vất vưởng, nay làm con vật này, mai làm con vật khác, cứ thế trôi nổi trong kiếp súc sinh, không dễ gì quay lại đầu thai vào thân xác con người. Vì sự hiểu biết đã bị phân tách ra thành hàng trăm, hàng ngàn mảnh thì đâu dễ gì hợp lại được nữa?
Thí dụ như những người tham lam thường chuyển kiếp trở thành loài giòi bọ, ăn hút ở những chỗ dơ bẩn, thì sự hiểu biết đã bị chia ra cho hàng triệu con giòi con bọ ấy, thử hỏi những con côn trùng ngu si này còn biết được gì nữa đây? Do đó, chúng sẽ phải trải qua biết bao kiếp sống, đi từ loài thú này qua loài thú khác để phát triển sự hiểu biết, rồi mới có thể tiến hóa lên thành người. Đối với những con côn trùng, sâu bọ thì kiếp sống của chúng chỉ kéo dài vài ngày nên chúng sẽ phải trải qua trăm ngàn kiếp sống côn trùng, lâu lắm mới có thể lấy lại sự hiểu biết để chuyển kiếp thành người. Ông nên biết trở thành người không dễ dàng chút nào và khi đã đánh mất thân xác con người thì rất khó quay trở lại. Đây là một điều hết sức quan trọng mà không mấy người được biết.
Tôi hỏi lại:
- Vậy trường hợp của tôi thì thế nào? Sau kiếp sống tại Atlantis, tôi đã đi đâu và làm gì?
Ông Kris giải thích:
- Sở dĩ tôi chưa trả lời câu hỏi của ông ngay vì phải giải thích sơ lược về luật Luân hồi, với hai yếu tố chính là tiến hóa và thoái hóa, để ông có thể hiểu rõ những điều tôi sắp nói sau đây.
Ông Kris nhìn tôi với vẻ thương xót, rồi nói tiếp:
- Trong kiếp làm người tại Atlantis, nơi mà sự hiểu biết về khoa học rất cao nhưng chưa mấy ai biết học hỏi hay phát triển tình thương. Do sự thiếu sót này nên ông cũng như mọi người khi đó, đều sống một cách vô cảm, ích kỷ, tham lam, chịu ảnh hưởng bởi môi trường chung quanh. Ông được sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp cao, có quyền bóc lột, chiếm đoạt những thứ của người thuộc tầng lớp thấp hơn, đó là luật của kẻ mạnh trong xã hội Atlantis thời đó. Do vậy, ông không ý thức về việc làm của mình. Ông gây đau khổ, thiệt thòi cho người khác nên ông đã tạo ra những ác nghiệp, vì thế phải lãnh chịu hậu quả.
Trong trường hợp của ông, khi nhìn thấy đôi chân trần của Kor, ông mê đắm và muốn chiếm đoạt cô này. Ý nghĩ tham lam ấy dẫn đến một tư tưởng điên cuồng, khởi đầu cho những hành động xấu xa sau đó. Mặc dù được huấn luyện để trở thành y sĩ, nhưng ông lại thực hành những pháp môn tà đạo của xứ Og - như giết hại loài vật để cúng tế thần linh, dùng bùa chú làm mê hoặc nhân tâm, sử dụng dược chất để đạt được những ham muốn về tình dục, vì sự hiểu biết mù quáng này nên đầu óc của ông trở nên điên đảo và tạo ra ác nghiệp rất lớn. Ông có muốn tôi nói thêm nữa không?
Tôi nhìn ông Kris, đôi mắt ông bừng sáng một cách lạ thường, toàn thân ông toát ra một khí chất nghiêm nghị. Tôi thở mạnh:
- Vâng, xin ông cứ nói. Tôi sẵn sàng nghe đây.
Ông Kris nói tiếp bằng một giọng oai nghiêm:
- Ông đã sử dụng tà thuật để chiếm đoạt người nữ tu trong trắng trong đền thờ Thái Dương, do đó ông phải gánh chịu hậu quả và chuyển kiếp trở thành một loài sâu bọ chuyên hút máu mủ trong các bàn chân phụ nữ. Nguyên nhân là vì ông say mê đôi chân trần của Kor nên tư tưởng của ông cứ theo đuổi, bám víu lấy những bàn chân phụ nữ. Sau khi chết trong cơn đại hồng thủy, ông đã chuyển kiếp trở thành hàng triệu con sâu bọ, sống chui rúc trong bàn chân ghẻ lở của phụ nữ. Ông đã phải trải qua hàng triệu kiếp làm côn trùng chỉ vì cái tư tưởng si mê mù quáng kia. Chắc hẳn ông đã biết, người ta thích gì thì có tư tưởng ham muốn cái đó, vì say mê bàn chân phụ nữ cho nên nó ám ảnh ông trong thời gian mấy ngàn năm làm sâu bọ.
Lời của ông Kris là một tiếng sấm ngang tai, khiến tôi choáng váng, không nói được gì trong một lúc lâu. Ông Kris im lặng, chăm chú nhìn tôi, ánh mắt ông trở nên dịu dàng hơn.
Đến khi tôi lấy lại được bình tĩnh, ông Kris thong thả nói:
- Ông đã trải qua rất nhiều kiếp sống trên con đường tiến hóa từ loài côn trùng cho đến các loài vật trước khi được quay trở lại thể xác con người. Tuy nhiên, kiếp sống tại Atlantis không phải là kiếp sống đầu tiên của ông đâu, còn có rất nhiều kiếp sống trước đó mà hiện nay ông không nhớ được đấy thôi. Trong những kiếp đó, ông đã giúp đỡ rất nhiều người, gieo rất nhiều nghiệp lành. Nhờ những nhân duyên đặc biệt này nên khi chuyển kiếp trở lại thành người, ông được làm Pharaoh cai trị một vương quốc lớn, hưởng thụ mọi sự vui sướng. Tuy nhiên, trong tâm của ông vẫn còn những nét hung ác bắt nguồn từ kiếp sống tại Atlantis, nên ông trở thành một nhà cai trị độc tài. Trước khi qua đời tại Atlantis, trong tâm ông phát ra sự hối hận và nảy sinh tình thương đối với Kor. Đây là một năng lực chuyển hóa rất mạnh, vì người Atlantis lúc đó chưa hề biết hối hận hay thương yêu. Chính cái nhân duyên hãn hữu này nên sau khi trải qua nhiều kiếp thú, ông được tái sinh thành người tại Ai Cập để tiếp tục bài học mà ông cần học.
Tôi ngập ngừng hỏi:
- Vậy thì tôi đã học được gì khi tái sinh ở Ai Cập?
Ông Kris chăm chú nhìn tôi:
- Ông được sinh ra vào triều đại thứ hai mươi ba trong giai đoạn cuối cùng của các vua chúa thời cổ đại ở Ai Cập. Lúc đó, Ai Cập đã suy thoái và kiệt quệ, như là hậu quả của việc xây cất các lăng tẩm, mồ mả cho các Pharaoh trước đó. Vào lúc này, phần lớn các Pharaoh không mấy ai ngồi trên ngai vàng được lâu vì những tranh chấp giữa phe giáo sĩ và các Pharaoh. Trong giai đoạn cuối, văn hóa xứ này suy đồi; dân tình nghèo đói khốn khổ; quan lại tham nhũng; cường hào ác bá nổi lên chiếm đoạt tài sản, đất đai, nhà cửa, ruộng vườn của người dân; pháp môn phù thủy thịnh hành; giới giáo sĩ nắm quyền sinh sát; các Pharaoh bất tài, chẳng ai cai trị được lâu.
Tôi thắc mắc:
- Nhưng trường hợp của tôi thì sao? Làm sao tôi có thể nhớ lại tiền kiếp của mình ở Ai Cập?
Ông Kris mỉm cười:
- Tối hôm nay, khi đầu óc của ông thảnh thơi, tôi sẽ giúp ông quay trở lại ký ức của kiếp đó. Bây giờ ông nên nghỉ ngơi tĩnh dưỡng vì ông đã mệt mỏi khi lái phi cơ đến đây rồi.
Buổi tối hôm đó, sau khi dùng ít trái cây, ông Kris yêu cầu tôi ngồi yên trên ghế bành tĩnh tâm một lúc, rồi bước đến nói nhỏ vào tai tôi một câu với ngôn ngữ lạ lùng khiến tôi thiếp đi và trở lại với ký ức khi xưa ở Ai Cập.
***
Tôi thấy mình trở về cung điện sau khi có một trải nghiệm lạ lùng ngoài sa mạc. Vừa vào đến nơi, tôi g ặ p ngay m ộ t s ố t ướ ng l ĩ nh đ ang ch ờ đợ i t ạ i đ ó. Amed, v ị t ướ ng ch ỉ huy báo cáo:
- Thưa Pharaoh, theo thông lệ hàng năm, chúng ta đều kéo binh chinh phạt những nước quanh đây. Hiện nay ngân quỹ đ ang thiếu hụt, không đủ cho việc rèn đúc khí giới và chiến xa. Chúng tôi xin Pharaoh tăng thuế để có đủ tiền cho việc này.
Theo tiền lệ của các Pharaoh đời trước, mỗi năm Ai Cập đều kéo binh chinh phạt các nước quanh đó và mang về nhiều chiến lợi phẩm như vàng bạc, tài nguyên và nô lệ. Mặc dù chỉ mới lên ngôi được vài tháng, tôi cũng đã chuẩn bị cho cuộc chinh phạt này, nhưng hiện nay ngân quỹ lại thiếu hụt vì xây dựng đền thờ quá nhiều.
Tôi cho gọi Satt vào. Hắn vừa đến nơi, tôi h ỏ i ngay:
- Ngươi đã điều tra những kẻ lạm dụng công quỹ xây dựng chưa?
Satt trả lời:
- Thưa Pharaoh! Tôi đ ã tìm ra một kẻ lạm dụng việc xây cất nhưng cần thời gian để điều tra thêm những kẻ khác nữa.
Tôi nóng lòng lắc đầu:
- Nếu kéo dài thời gian thì lấy đâu ra ngân quỹ để rèn đúc khí giới cho cuộc chiến sắp tới? Không có khí giới thì không thể chiến thắng và mang vàng bạc, nô lệ về cho các ông xây đền thờ được. Chúng ta không thể để cho việc xây dựng này ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của quân đội.
Satt nhìn tôi một cách lạnh lùng, rồi nói:
- Bề tôi đã điều tra việc xây cất lăng tẩm cho Pharaoh. Sau đây là bản báo cáo về Setau, người kiến trúc sư trông coi việc xây cất lăng tẩm cho ngài. Tôi đã có bằng chứng rõ ràng cho thấy Setau đã lấy đi một số vật liệu để xây mồ mả cho chính hắn.
Tôi cầm bản báo cáo, nhìn những con số vật liệu và nô lệ đã bị Setau cắt xén và lời khai của những nhân chứng trong cuộc. Satt quan sát tôi cẩn thận, rồi nói:
- Xin Pharaoh xét xử tên tội phạm này.
Tôi nghĩ thầm: “Gã giáo sĩ này quả thật có bản lĩnh. Mình đang muốn điều tra việc xây cất đền thờ của đám giáo sĩ thì hắn lại cho điều tra việc xây cất lăng tẩm của mình và tìm ra một tên tội phạm - quả là một đòn phép nghi binh né tránh gian xảo”.
Dĩ nhiên việc thâm lạm ngân quỹ xây cất lăng mộ Pharaoh là một trọng tội, không thể tha thứ. Với bằng chứng rõ ràng như thế, tôi không thể nào làm gì khác hơn là tuyên án xử tử Setau ngay. Ngay lập tức, tôi quát lớn:
- Quân sĩ đâu! Bắt ngay Setau ném vào hầm sư tử cho ta! Những người trong gia đình hắn phải bị đày ra sa mạc và không bao giờ được trở về nữa.
Tuy nhiên, không chịu thua ván cờ này, tôi quát tiếp:
- Này Satt! Việc điều tra của ngươi chỉ là bước đầu, chắc còn những kẻ khác nữa. Từ nay ta muốn đích thân điều tra công trình xây dựng đền thờ của các giáo sĩ để trừng trị những tên tham lam, lạm quyền vi phạm luật pháp!
Toàn thể triều đình lập tức chấn động vì ai cũng biết một khi tôi đã đích thân điều tra là chắc chắn có nhiều kẻ bị ném vào hầm sư tử. Họ đã thấy rõ cơn thịnh nộ của tôi khi ban hành những đạo luật nghiêm khắc như thế nào. Tôi giơ cao vương ấn quyền uy lên:
- Đây là lệnh của ta! Lập tức ngưng ngay các công việc xây dựng đền thờ cho đến khi ta điều tra xong mọi việc.
Amed bước ra:
- Thưa Pharaoh! Việc điều tra sẽ mất thời gian. Xin ngài cho tăng thuế ngay để chúng thần chuẩn bị rèn đúc vũ khí.
Tôi định đồng ý ngay nhưng không hiểu sao lúc đó lại nghĩ đến câu chuyện với người y sĩ già hôm trước về việc tăng thuế làm dân chúng thêm khổ cực, tôi lắc đầu:
- Việc đó tính sau. Hiện nay ta ưu tiên điều tra việc xây cất trước đã.
Amed vội vã bẩm tấu:
- Chúng ta cần vũ khí để chuẩn bị cho cuộc chiến trước khi mùa mưa đến. Nếu để chậm thì các chiến xa không thể đi trên bùn lầy được.
Là người chỉ huy quân lực, dĩ nhiên tôi biết điều này, nhưng vì đã quyết ra đòn nên tôi quát lớn:
- Đây là lệnh của ta! Các ngươi không ai được nói nữa!
Sau khi ra lệnh, tôi bỏ vào trong cung mặc cho đám võ quan ngơ ngác vì không ai ngờ được phản ứng của tôi lại quyết liệt như thế. Satt nối gót theo sau:
- Thưa Pharaoh, tại sao ngài lại cho ngừng việc xây cất ạ?
Tôi quay lại nhìn thẳng vào mặt hắn, gằn từng chữ:
- Ta có lý do của ta! Nhà ngươi muốn làm phản ta chăng?
Satt lùi lại, mặt mày tái nhợt:
- Không ạ! Không bao giờ ạ. Chính chúng tôi đã giúp ngài lên ngôi Pharaoh thì tại sao lại có thể làm phản ngài?
Tôi cười gằn:
- Nếu ngươi từng có âm mưu tạo phản thì giờ này làm gì còn chiếc đầu trên cổ nữa?
Satt thở hổn hển:
- Thưa Pharaoh, đúng vậy. Nhưng tại sao ngài lại cho ngưng việc xây cất đền thờ?
Tôi nổi giận:
- Là Pharaoh, ta muốn gì là quyền của ta! Ta còn có thể phá nát tất cả đền thờ của các ngươi, giết không còn một tên giáo sĩ nào nữa.
Satt lui lại dựa lưng vào vách tường, khuôn mặt xám lại vì hắn biết rõ bản tính ngang tàng hung bạo của tôi:
- Pharaoh nên bình tĩnh lại. Chúng ta đã đồng ý với nhau là khi lên ngôi, Pharaoh sẽ cho xây thật nhiều đền thờ ở khắp nơi. Ngài quên rồi sao? Nếu ngưng tất cả công trình lại sẽ khiến cho hàng ngàn thợ thuyền không có việc làm. Rồi họ sẽ lấy gì để sống đây? Ắt sẽ có loạn xảy ra. Tôi e việc này sẽ có hại nhiều hơn là có lợi.
Câu nói của Satt làm tôi giật mình suy nghĩ một lát, nhưng lệnh đã ban ra không thể thu lại. Tôi tiếp tục:
- Ta biết rõ điều đó, nhưng ta muốn xem xét tại sao lại cho xây quá nhiều đền thờ như thế.
Satt xuống giọng cầu xin:
- Xin Pharaoh hãy xét cho kỹ, ngưng xây dựng đền thờ sẽ làm xáo trộn rất nhiều việc. Từ bao năm nay, xây cất là công việc quan trọng nuôi dưỡng biết bao nhiêu thợ thuyền và nô lệ. Không thể để cho họ không có việc làm được.
Tôi trừng mắt:
- Ta đã quyết. Nhà ngươi còn dám cãi lệnh ta hay sao?
Satt cố gắng giải thích:
- Không phải như vậy. Nhưng chúng ta cũng cần tiếp tục xây lăng tẩm cho ngài nữa. Nếu Setau bị xử tử thì phải tìm người khác thay thế. Ngài cần chuẩn bị cho đời sống ở cõi bên kia. Ngài nghĩ sao khi gặp các thần linh mà ngài vừa bắt ngưng xây cất đền thờ của họ?
Câu nói của hắn làm tôi càng nổi giận hơn, tôi quát lớn:
- Ngươi tưởng ta không biết việc ngươi đã cho xây hàng trăm đền thờ, nuôi dưỡng hàng ngàn giáo sĩ và quyến thuộc của họ hay sao? Tại sao chỉ trong một thời gian ngắn mà số đền thờ và giáo sĩ lại tăng lên nhiều đến thế? Phải chăng các giáo sĩ lại có nhiều vợ và nô lệ hơn cả Pharaoh? Ai là người cai trị Ai Cập? Pharaoh hay giáo sĩ?
Câu nói của tôi như trúng tim đen làm Satt chột dạ, hắn lo sợ thực sự và không dám nói gì nữa. Tôi hầm hầm bỏ vào hậu cung để mặc hắn đứng đó.
Đối với tất cả Pharaoh Ai Cập, việc quan trọng nhất khi lên ngôi là lo xây cho mình một lăng tẩm vĩ đại để đảm bảo đời sống ở cõi giới bên kia. Do đó, việc tìm một kiến trúc sư để xây cất lăng tẩm ngay từ sớm là việc làm ưu tiên, vì công trình thường kéo dài trong suốt nhiều năm. Lăng mộ càng lớn thì công trình được xây cất càng lâu, có khi kéo dài cả vài chục năm. Không ai biết Pharaoh có thể sống được bao lâu, nhưng nếu khi chết mà lăng mộ vẫn chưa xây xong thì thật là điều bất hạnh. Vì không có mồ mả đẹp thì không thể có một đời sống tốt đẹp ở thế giới bên kia. Tuy nhiên, việc tìm một kiến trúc sư thay thế không hề dễ dàng vì công trình này luôn luôn được giữ bí mật. Chỉ riêng Pharaoh và kiến trúc sư hay vài người liên quan trong việc xây cất mới biết rõ mà thôi. Lăng mộ của các Pharaoh Ai Cập đều được đào sâu vào vách núi ở một nơi được gọi là thung lũng mộ vua, với quân sĩ canh gác rất cẩn mật. Mọi ngôi mộ đều được thiết kế với nhiều
chi tiết đặc biệt để phòng ngừa trộm cướp. Trong lăng mộ có rất nhiều phòng ốc và lối đi khác nhau với các cạm bẫy để đánh lừa những kẻ đào mồ trộm của và những cạm bẫy này chỉ có riêng kiến trúc sư mới biết. Do đó, việc thay thế kiến trúc sư khi việc xây cất còn dở dang là một vấn đề hết sức phức tạp, nan giải.
Tuy nhiên, ngay sáng hôm sau, Satt đã dẫn đến một kiến trúc sư mới, dáng cao lớn. Satt nói:
- Thưa Pharaoh, Samut đây đã từng làm phụ tá cho Setau trong công trình xây cất tại Kanak và Luxor trước đó nên quen thuộc với các đồ án xây dựng của Setau để lại. Xin Pharaoh thu dụng người này.
Vừa nhìn thấy Samut, tôi giật mình vì đó chính là người thanh niên tôi đã gặp ở nhà người y sĩ già cùng với Cihone hôm trước. Dĩ nhiên Samut lúc đó không nhận ra tôi, một phần vì hôm đó trời đã tối, tôi lại che một phần mặt và còn khoác một tấm áo choàng cũ. Còn giờ đây tôi đang ngồi trên ngai vàng oai phong lẫm liệt nên Samut không dám nhìn lâu mà quỳ rạp xuống chờ lệnh.
Tôi ngập ngừng:
- Nhà ngươi có biết việc xây cất này phức tạp như thế nào không?
Satt vội vã đáp thay:
- Tôi đã đưa cho Samut xem qua đồ án xây dựng và hắn biết rõ từng chi tiết. Vì đã làm việc với Setau từ trước nên hắn còn biết khả năng của những người làm dưới quyền ông này. Hiện nay khó có thể tìm được người nào hơn thế. Xin Pharaoh cho phép hắn tiếp quản công việc này.
Tôi còn suy nghĩ thì Samut đã nói:
- Thưa Pharaoh, tôi đã xem qua đồ án xây dựng của Setau và biết rõ công việc này phải làm như thế nào.
Satt tiếp tục:
- Mỗi kiến trúc sư có cách thiết kế và ý tưởng khác nhau, tìm người mới để tiếp tục công việc dở dang này có thể làm trì hoãn việc xây cất. Xin Pharaoh quyết định.
Trước một việc hệ trọng như thế, dĩ nhiên tôi không thể trì hoãn việc xây dựng lăng mộ cho mình được nên đành chuẩn y cho Samut được làm việc đó. Công nhân xây cất lăng tẩm cho Pharaoh phải làm việc trong thung lũng mộ vua, cách thủ đô Thebes khá xa, vì thế những người này đều đưa gia đình của họ đến trú ngụ ở một ngôi làng nhỏ gần đó tên là Deir el-Medina. Ít lâu sau, tôi cho gọi Erhu, một thám tử thân tín đến:
- Ta muốn ngươi theo dõi nhân công xây dựng lăng mộ của ta, có chuyện bất thường gì thì báo cho ta biết. Ta muốn biết rõ chi tiết để không kẻ nào gian lận được nữa.
Erhu bật cười:
- Sau cái chết của Setau, hạ thần đảm bảo không còn tên nào dám giở trò nữa đâu, thưa Pharaoh.
Tôi nói thêm:
- Ta muốn biết về Samut, xem hắn làm việc như thế nào.
Erhu báo cáo:
- Sau khi được giao phó trọng trách cao hơn với mức lương hậu hĩnh của một kiến trúc sư. Samut lập gia đình ngay và dọn về sống ở Deir el-Medina gần với công trình.
Tôi hỏi:
- Gia đình của hắn gồm những ai?
Người thám tử trả lời:
- Chỉ có hắn và một cô vợ trẻ ở đó thôi ạ.
Tôi không nói thêm gì nhưng trong lòng tự nhiên dâng lên một cảm xúc kỳ lạ vì biết người con gái mà tôi rất có thiện cảm kia đã thuộc về người khác.
Vài hôm sau, Satt bước vào trình lên một báo cáo:
- Thưa Pharaoh, tôi đã điều tra xong những công trình xây dựng đền thờ và nhận thấy một số việc không minh bạch cùng những kẻ có liên quan, xin Pharaoh cho trừng trị ngay những kẻ này.
Tôi nghĩ thầm: “Tên giáo sĩ này quả to gan, ta đã tuyên bố sẽ đích thân điều tra việc xây dựng của giáo sĩ mà hắn lại đưa ra ngay vài con tốt thí để che đậy cho phe nhóm của hắn”.
Thay vì nổi giận, tôi lạnh lùng nói:
- Nếu thế ngươi cứ xét theo luật mà thi hành, ta không cần phải xem nữa.
Nghe vậy Satt mừng rỡ nói ngay:
- Nếu thế xin Pharaoh cho chúng tôi được tiếp tục công việc xây dựng đền thờ.
Tôi trả lời:
- Để ta suy nghĩ thêm đã, hôm nay ta muốn đi xem việc xây lăng tẩm của ta đang tiến hành như thế nào đã.
Tuy khó chịu nhưng Satt cũng thu xếp một đoàn quân sĩ hộ tống tôi và hoàng hậu Nedjem đến thung lũng mộ vua.
Được tin Pharaoh đến, Samut vội vã ra đón. Anh ta tường trình cho tôi biết công việc đang được tiến hành theo như lịch trình và đưa tôi tham quan công trình đang được đào sâu vào lòng núi. Đến giờ ăn trưa, quân sĩ dâng lên những món ăn đã được chuẩn bị từ trước để tôi và hoàng hậu Nedjem dùng bữa. Tôi ngồi ăn dưới mái lều được dựng trên một mô đất cao. Từ đây, tôi có thể quan sát những thợ xây và nô lệ đang làm việc phía dưới. Đang ăn, tôi bỗng nhìn thấy một thiếu nữ từ xa mang một giỏ thức ăn đến phân phát cho thợ, một bóng dáng rất quen thuộc. Trong tôi tự nhiên như bừng lên một luồng gió mát - người thiếu nữ đó chính là Cihone.
Erhu đứng gần đó vô tình báo cáo:
- Đó là vợ của Samut. Vào giờ ăn, vợ của những người thợ xây phải mang thức ăn đến, nhưng chỉ những người lớn tuổi già nua thôi. Những người vợ trẻ ít ai dám mạo hiểm đi vào giữa đám đông trai tráng thợ thuyền mà không sợ bị trêu chọc hay quấy rối. Tuy nhiên, cô này thì khác, không phải vì cô là vợ của Samut đâu, ngày trước vợ của Setau cũng không dám đến đây nhưng…
Tôi hỏi dồn:
- Nhưng làm sao?
Gã thám tử hơi ngạc nhiên:
- Cô này thì khác, Pharaoh có thấy không? Cô ta mang rất nhiều thức ăn phát cho những người chưa có gia đình không có ai lo cơm nước và những người lớn tuổi mà người vợ già không thể đi từ làng Deir el-Medina đến đây được. Trước giờ chưa có ai làm như vậy.
Mặc dù lúc đó cũng có nhiều phụ nữ mang đồ ăn đến cho chồng nhưng Cihone đi đến đâu là đám đông đều tránh ra một bên. Không ai tỏ thái độ đùa cợt, trêu chọc như thường thấy ở những công trường xây dựng khác. Cihone thong thả phát thức ăn cho mọi người, rồi quay qua băng bó cho những người bị thương khi làm việc. Tôi nhìn Samut, hắn vẫn cắm cúi vừa ăn vừa xem xét bản vẽ công trình như để hết tâm trí vào đó, không chú ý gì đến người vợ trẻ đang ở trong đám đông đàn ông kia.
Erhu nói thêm:
- Vợ Samut là con của một y sĩ nên biết cách băng bó, săn sóc các vết thương. Mặc dù công trường cũng có y sĩ túc trực tại đây nhưng ai cũng muốn được cô này săn sóc cho. Từ khi cô này có mặt, không có những vụ xung đột, đánh nhau giữa các đám thợ nữa.
Tôi nhìn Cihone săn sóc cho những người bị thương, cô vừa băng bó vừa ân cần nói chuyện khích lệ họ. Đám thợ đứng chung quanh nhìn cô với thái độ cảm kích vì cô ăn nói dịu dàng, hòa nhã với từng người. Không ai có thái độ bất nhã trước người con gái khả ái đó.
Tôi đang dõi mắt quan sát Cihone thì bất chợt có tiếng ồn ào, rồi có tiếng của một người phụ nữ đang kêu gào gần đó. Tôi thấy đám binh sĩ đang cố gắng kéo người phụ nữ đó ra xa. Erhu chạy đến xem rồi báo cáo:
- Thưa Pharaoh, đó là vợ Setau, theo án lệnh của ngài thì toàn thể gia đình Setau phải bị đày ra sa mạc nhưng cô này trốn thoát. Hôm nay biết tin Pharaoh sẽ tới đây nên cô ta đã liều lĩnh đến để muốn gặp Pharaoh và xin cho cô ta được ở lại để sinh con.
Tôi chưa kịp phản ứng thì đã thấy Cihone bước vội đến bên người phụ nữ kia để an ủi, đám binh sĩ không biết phải xử trí ra sao trước hai người phụ nữ này. Thấy vậy, Erhu quát:
- Làm sao ả trốn ở đây mấy hôm nay mà không ai biết. Phải bắt ả đày ra sa mạc.
Không hiểu sao, tôi ngăn lại:
- Đem cô ta đến đây cho ta xét xử.
Erhu vội truyền lệnh, đám quân sĩ đưa người đàn bà đến trước tôi. Cihone cũng đi theo. Vợ của Setau quỳ lạy:
- Thưa Pharaoh, tôi biết chồng tôi có tội và đã bị xử tử. Nhưng hiện giờ tôi sắp sinh con, nếu bị đày ra sa mạc thì mẹ con tôi không thể sống được nữa. Xin Pharaoh thương tình cho tôi được ở lại đây để nuôi con.
Ngày trước, tôi đã từng sống với đoàn quân trấn đóng vùng biên thùy ở sa mạc nên rất hiểu tình trạng tại đó. Bị đày ra sa mạc thì có thể coi như là án tử vì ở đó không có điều kiện sinh sống. Hầu hết những kẻ phạm tội bị đày ra sa mạc ít ai sống được vài tháng, huống chi một người đàn bà bụng mang dạ chửa sắp đến ngày sinh như thế này. Tuy nhiên, đã ra lệnh thì không dễ gì làm khác được.
Tôi nhìn Cihone đang ân cần an ủi người phụ nữ này và chợt nghĩ đến quan niệm về tình thương mà tôi đã nói chuyện với người y sĩ già hôm trước. Tôi vẫn đang suy nghĩ thì Cihone chợt bước tới quỳ xuống trước mặt tôi:
- Xin Pharaoh hãy ban ơn, cho phép chị ấy được ở lại để sinh con. Cha đứa trẻ có tội nhưng đứa trẻ đâu có tội gì. Nếu Pharaoh cho phép, tôi xin tình nguyện săn sóc chị ấy cho đến khi sinh nở xong.
Câu nói của Cihone làm tôi ngạc nhiên và có một sức mạnh kỳ lạ, tôi gật đầu rồi giơ tay lên ra chỉ thị:
- Được rồi, ta cho phép ngươi được ở lại Deir el-Medina để sinh con, rồi sẽ thụ án sau.
Vợ của Setau mừng rỡ quỳ xuống líu ríu vài câu cảm ơn rồi lui ra. Cihone cũng bước đi theo. Tôi bâng khuâng nhìn theo bóng dáng cô khuất dần sau cồn cát sa mạc.
Từ mấy tuần lễ nay, việc ngưng các công trình xây dựng đền thờ đã tạo ra một luồng dư luận bất lợi trong vương quốc vì thợ và nô lệ đột nhiên không có việc làm để kiếm sống. Không ai biết vì sao lại có lệnh đó. Đối với Ai Cập, việc xây cất lăng tẩm, mồ mả hay đền thờ là một nghề quan trọng giúp nuôi sống hàng trăm ngàn người. Hiện nay tất cả đều ngừng lại tạo ra tình trạng hoang mang rối loạn vì không ai biết việc gì sẽ xảy ra. Giới giáo sĩ bất mãn nhưng chưa dám tỏ thái độ vì từ trước đến nay tôi vẫn luôn là ân nhân của họ. Các quan lại triều đình cũng bất mãn vì tôi không cho tăng thuế. Mặc dù các tướng lĩnh đã nhiều lần đến xin nhưng tôi vẫn cương quyết không cho phép vì nghĩ đến những hậu quả mà dân chúng phải gánh chịu như lời nói của vị y sĩ già.
Tôi đã mất ngủ nhiều đêm vì cứ phải đắn đo suy nghĩ về những việc này. Nếu để mọi việc xảy ra thành tiền lệ - tăng thuế để lấy tiền rèn đúc vũ khí cho chiến tranh để làm vui lòng các võ quan, tiếp tục xây cất đền thờ để làm vui lòng giới giáo sĩ thì thật dễ dàng - thì dân chúng sẽ là những người phải chịu đựng áp lực này. Tương lai của họ sẽ như thế nào khi mà điều kiện sinh sống trở nên khó khăn, rồi những đứa trẻ lớn lên không được dạy dỗ cẩn thận thì sẽ ra sao?
Tôi chạnh lòng nghĩ về địa vị Pharaoh quyền uy của mình và sự cô đơn trong cung điện đầy mỹ nữ xinh đẹp này rồi chợt tự hỏi không biết Cihone có nhớ hay nghĩ gì đến tôi không? Tôi nghĩ đến đấng Thái Dương và trải nghiệm lạ lùng ngoài sa mạc, cũng như việc phung phí tài nguyên vào những đền thờ to lớn cho những giáo sĩ đã đưa tôi lên ngôi vị như ngày nay. Tôi nghĩ đến quan niệm về tình thương trong cuộc sống mà trước đây tôi không hề biết đến và người con gái xinh xắn đã dùng tình thương yêu để săn sóc những đứa trẻ bị bệnh. Tôi thầm nghĩ, nếu tôi được làm một thường dân như Samut và có một người vợ như Cihone thì tôi sẽ hạnh phúc biết bao.
Tôi đang trong dòng suy nghĩ mông lung thì hoàng hậu Nedjem ở bên ngoài bước vào. Đã lâu rồi tôi không tiếp xúc với Nedjem, cuộc hôn nhân với người thiếu nữ quý tộc chưa đầy mười sáu tuổi này chỉ là một sự dàn xếp quyền lực. Sau hôn lễ, tôi đã khéo léo ra lệnh ngăn Nedjem không được vào phòng riêng của mình để được tập trung suy nghĩ.
Tôi nghiêm giọng nhìn Nedjem:
- Ai cho phép nàng vào đây?
Nedjem nhẹ nhàng thưa:
- Thiếp biết Pharaoh không được an ổn và thường mất ngủ. Là vợ chồng, tuy không chung phòng nhưng thiếp vẫn thường xuyên theo dõi sức khỏe của Pharaoh. Gần đây thiếp biết Pharaoh không thích tiếp xúc với các cung nữ, mặc dù triều đình đã tuyển nhiều người đến từ các nơi xa để phục vụ cho ngài.
Tôi tức giận quát lên:
- Đó là việc của ta. Ai cho phép nàng can dự vào?
Nedjem lên tiếng:
- Xin Pharaoh hãy bớt giận và suy nghĩ lại, ngài chưa có con nối dõi. Nếu có chuyện gì xảy ra thì ai sẽ là người kế vị? Dù sao đi nữa, trước sau gì thì ngài cũng cần phải có hoàng tử để nối nghiệp, do đó thiếp sợ...
Tôi nổi giận:
- Ta biết! Nhưng bây giờ không phải là lúc nói việc đó.
Nedjem dịu dàng nhìn tôi, rồi nhỏ nhẹ nói:
- Thiếp biết cuộc hôn nhân của chúng ta chỉ là một sự dàn xếp để ngài lên ngôi Pharaoh, nhưng thiếp chấp nhận việc đó. Thiếp đã thấy chỉ trong vòng mấy tháng mà Ai Cập có đến ba Pharaoh lên ngôi, người nào cũng chỉ cai trị được vài tháng rồi chết, nội bộ tranh chấp, triều đình bất an, quốc gia rối loạn, Nubia xâm lăng nên thiếp sẵn sàng chấp nhận để ngài được cầm quyền cai trị vì chỉ ngài mới có thể cứu được Ai Cập. Tuy nhiên, thiếp sợ nếu không có người nối ngôi sẽ có những biến cố xảy ra cho Ai Cập trong tương lai.
Tôi bật cười lớn:
- Nàng không cần phải nói xa xôi. Ta biết nàng đang muốn gì nhưng ta không muốn làm việc đó. Nàng hãy lui ra cho ta nghỉ ngơi.
Nedjem vẫn kiên nhẫn nhẹ nhàng:
- Xin Pharaoh đừng hiểu lầm ý thiếp. Thiếp biết ngài không để ý đến thiếp trước giờ và nay ngài đã để ý đến một người con gái khác.
Tôi chột dạ nhưng bình tĩnh gạt đi:
- Nay nàng hết việc làm rồi hả? Nàng chớ có ăn nói bậy bạ, nàng biết gì mà nói. Đừng làm ta nổi giận.
Nedjem nhìn tôi mỉm cười kín đáo:
- Xin Pharaoh hãy lắng nghe. Tuy ngài không hề nói nhưng thiếp vẫn biết.
Tôi cười lớn:
- Tất cả các cung nữ trong cung này, ta không để ý đến một ai hết. Tất cả chỉ toàn đồ ăn hại. Ta sẽ đuổi hết chúng đi cho xong.
Nedjem vẫn nhẹ nhàng:
- Thiếp biết Pharaoh không để ý đến một ai trong cung nhưng lại vương vấn tâm tư một người con gái khác.
Tôi đổi giọng nổi giận quát:
- Nàng đang ám chỉ đến ai?
Nedjem nói nhỏ để vừa đủ cho tôi nghe:
- Thiếp biết Pharaoh đang để ý đến vợ của Samut.
Câu nói của Nedjem tựa tiếng sấm ngang tai, khiến tôi giật mình ngồi phắt dậy. Theo phản ứng tự nhiên, tôi chụp lấy cổ của Nedjem quát lớn:
- Nàng nói gì?
Nedjem gỡ tay tôi ra một cách nhẹ nhàng, rồi tiếp tục:
- Trước đây thiếp nghĩ Pharaoh bận việc triều chính nên không thích gần gũi với đám cung tần mỹ nữ, nhưng hôm đi kiểm tra việc xây lăng tẩm, thiếp nhận ra ánh mắt Pharaoh không rời người vợ Samut. Thiếp nói có gì không phải xin Pharaoh bỏ qua.
Cách nói bất ngờ đầy chân tình, quan tâm của Nedjem khiến tôi luống cuống. Nedjem tiếp tục:
- Nếu Pharaoh thực sự đã muốn thì việc gì mà chẳng được. Chỉ cần ngài ra lệnh là xong ngay.
Tôi lúng túng thực sự:
- Không phải thế. Ta không làm thế được.
Nedjem thong thả nói:
- Nếu Pharaoh ngại, thì đích thân thiếp sẽ làm. Thiếp chỉ muốn ngài thật thoải mái tinh thần để trị vì Ai Cập thôi. Từ nhiều năm nay, Ai Cập không có ai tài giỏi, bản lĩnh như ngài. Nhờ ngài mà tình hình triều chính được ổn định nhiều và tránh được nạn ngoại xâm. Tuy chỉ là một công chúa nhỏ tuổi sống trong cung nhưng thiếp cũng biết quan sát, nhận xét. Thiếp chấp nhận cuộc hôn nhân với ngài để giữ cho tình hình vương quốc ổn định. Thiếp muốn ngài có niềm vui để định hướng đúng cho vương quốc này và thiếp sẵn sàng hy sinh tất cả cho Ai Cập.
Từng lời nói của hoàng hậu Nedjem làm tôi giật mình. Từ trước đến nay, tuy mang danh nghĩa vợ chồng, nhưng chúng tôi thực sự không mấy khi gần nhau hay trao đổi điều gì cả - trừ những ngày đầu. Vì cuộc hôn nhân này chỉ là một sự sắp đặt từ trước nên tôi không biết gì về người vợ này. Và lời tâm sự chân thành của Nedjem đã khiến tôi ngạc nhiên vô cùng.
Nedjem tiếp tục nói:
- Nếu Pharaoh muốn gặp vợ của Samut thì đâu có gì khó. Thiếp đã cho gọi cô ấy vào cung. Nếu ngài muốn, thiếp sẵn sàng thu xếp để cô ấy hầu hạ ngài.
Tôi vừa ngạc nhiên vừa tức giận:
- Nàng nói sao? Ai cho phép nàng làm chuyện đó?
Nedjem trả lời rất chân thành:
- Thiếp trước giờ chỉ thật tâm mong được làm điều gì đó vì Pharaoh. Thiếp đã mạn phép cho người gọi cô ấy vào cung để nói chuyện và nếu ngài đồng ý, ngài có thể…
Tôi không biết nói gì lúc đó:
- Ta không thể làm như vậy được.
Nedjem khích lệ nhìn tôi:
- Pharaoh hãy yên lòng, hiện nay cô ấy đang chờ ở phòng riêng của thiếp. Ngài có thể ngồi sau tấm màn để nghe thiếp và cô ấy nói chuyện.
Nedjem thong thả bước ra khỏi phòng, tôi không kịp phản ứng gì, cũng đứng dậy đi theo người vợ hoàng hậu trẻ tuổi này. Tôi bước vào phía sau phòng riêng của Nedjem, tôi thấy Cihone đang khép nép ngồi chờ sẵn tại đó có lẽ cũng lâu rồi, vẻ mặt lo lắng hiện ra. Hoàng hậu phất tay ra hiệu, đám cung nữ vội vã kéo hết ra ngoài. Trong phòng chỉ có hai người phụ nữ. Tôi bối rối đứng sau tấm màn lớn, mà cũng không thật sự hiểu tại sao mình lại làm thế. Cihone bình dị nhưng sao lại như đang tỏa sáng một góc phòng thu hút tâm trí tôi.
Nedjem lên tiếng:
- Ngươi có biết tại sao ta cho gọi ngươi vào đây không?
Cihone lễ phép lắc đầu:
- Tôi thật sự lo lắng vì không biết vì sao Hoàng hậu lại cho triệu một thường dân như tôi vào đây ạ.
Nedjem mỉm cười, nói một cách thân mật:
- Ngươi không còn là thường dân nữa, ngươi là vợ của người xây cất lăng tẩm cho ta và Pharaoh, sở dĩ ta gọi ngươi vào đây là để khen ngợi ngươi đã can đảm xin cho vợ của Setau được ở lại Deir el-Medina để sinh con. Chắc ngươi biết một khi Pharaoh đã ra lệnh thì không thể sửa đổi, nên ta muốn biết tại sao ngươi làm việc đó?
Cihone cúi đầu:
- Việc tha tội cho vợ của Setau là do sự đại lượng sáng suốt của Pharaoh chứ tôi nào biết gì...
Nedjem tiếp tục:
- Ngươi trả lời khôn khéo lắm. Nhưng tại sao ngươi lại lên tiếng cầu xin tha tội cho vợ Setau?
Cihone ngập ngừng:
- Tôi cũng không biết, nhưng tôi không đành lòng nhìn một người đàn bà vô tội và đứa trẻ chưa sinh ra đã phải chịu một án lệnh nặng nề như thế. Nếu tôi có làm gì sai, xin Hoàng hậu lượng thứ chỉ dạy cho.
Nedjem lắc đầu:
- Không! Ta thán phục lòng can đảm thương người của ngươi, do đó ta có thiện ý muốn đưa ngươi vào cung để giúp việc cho ta.
Cihone thoáng giật mình:
- Tại sao ạ? Trong cung có thiếu gì người làm việc đó...
Nedjem nhẹ nhàng bảo:
- Nhưng ta vẫn thích những người can đảm, dám nói lên sự thật như ngươi. Được đưa vào cung, dù chỉ làm người phục dịch hầu hạ thôi vẫn là một ân huệ lớn với nhiều người. Vì đời sống trong cung sung sướng hơn bên ngoài rất nhiều, còn lo được cho cả gia đình nữa.
Cihone ngập ngừng thưa:
- Xin Hoàng hậu nghĩ lại, tôi vừa lập gia đình, phải chăm lo cho Samut và những thợ xây cất không ai lo cơm nước.
Nedjem vẫn thản nhiên:
- Ta biết điều đó và đã sẵn sàng gửi người đến săn sóc cho những người thợ xây này. Sống trong cung, xa cách với mọi sự bên ngoài, ta cần có một người hiểu biết, can đảm như ngươi để tâm sự chia sẻ. Những cung nữ hầu hạ quanh ta không có ai được như ngươi.
Cihone rụt rè:
- Xin Hoàng hậu nghĩ lại, tôi chỉ là một cô gái thường dân, không hiểu biết gì đến việc triều đình. Xin Hoàng hậu cho phép tôi được trở về Deir el-Medina.
Nedjem dõng dạc nói:
- Chắc ngươi cũng biết, không có bất kỳ ai dám trái lệnh ta hay Pharaoh. Ý của ta hay Pharaoh một khi đã muốn thì ngươi phải tuân lệnh. Tuy nhiên, ta không coi ngươi như là một người hầu hạ mà là một người bạn để chia sẻ tâm sự với ta, vì ta thán phục những người có tâm như ngươi.
Cihone nhìn hoàng hậu:
- Xin Hoàng hậu cho phép tôi bàn việc này với Samut.
Nedjem mỉm cười:
- Ta đã cho người hỏi Samut rồi và hắn ta đã đồng ý.
Cihone thảng thốt:
- Samut đã đồng ý ư? Tại sao tôi không biết gì về việc này?
Nedjem bật cười:
- Được lên địa vị kiến trúc sư xây cất lăng tẩm cho Pharaoh đã là một vinh dự lớn, và vợ mình cũng được đưa vào trong cung thì địa vị và ảnh hưởng của Samut càng lên cao hơn nữa. Đã mấy ai có được cơ hội tốt như thế?
Cihone im lặng trong giây lát, và vẫn cương quyết:
- Nhưng tôi muốn bàn chuyện này với Samut.
Nedjem gật đầu:
- Dĩ nhiên, ngươi có thể trở về Deir el-Medina bây giờ nhưng đừng quên rằng khi ta gọi thì ngươi phải vào gặp ta ngay lập tức. Nên nhớ đây là mệnh lệnh của hoàng hậu.
Khi Cihone vừa quay người đi khỏi, tôi bối rối bước vào:
- Tại sao nàng lại làm như thế?
Nedjem nhìn vào mắt tôi:
- Pharaoh không muốn có dịp được gần gũi Cihone sao?
Tôi thoáng đỏ mặt nhưng tỏ vẻ khó chịu:
- Đây là việc riêng của ta, không cần nàng can dự vào.
Nedjem thản nhiên:
- Thiếp biết Pharaoh muốn gì và sẵn sàng làm ngài vui lòng để ngài có thể an lòng cai trị vương quốc này. Hiện nay tình hình đang có những chuyển biến tốt nên thiếp không muốn những việc xáo trộn như trước xảy ra nữa.
Cả đêm hôm đó tôi trăn trở nghĩ về đám giáo sĩ, về Cihone và cuộc trò chuyện của Nedjem đến gần sáng mới chợp mắt.
Theo phong tục tại Thebes, pho tượng thần Amun Ra được giữ gìn cẩn thận trong một phòng kín, chỉ vài giáo sĩ cấp cao được phép bước vào đó mà thôi. Mỗi năm một lần, pho tượng này được mang ra ngoài, làm lễ rước quanh Thebes để ban phép lành cho dân chúng. Đây là một buổi lễ quan trọng, lúc đó dân chúng mang phẩm vật đến cúng dường khi pho tượng này được rước qua khu phố họ cư ngụ. Đây cũng là lúc mọi người hướng những lời cầu xin đến vị thần này. Đám rước được cử hành hết sức long trọng và trang nghiêm. Pho tượng được đặt trên một chiếc kiệu lớn do mười giáo sĩ khiêng. Sau chiếc kiệu là một dàn chiêng trống của những nhạc công do một giáo sĩ lớn tuổi điều khiển. Sau cùng là kiệu của Pharaoh và hoàng hậu, cùng các quan lại trong triều. Dân chúng trong phố bày những tấm thảm lớn trước nhà với các lễ vật dâng cúng. Khi đám rước đi qua, một nhóm giáo sĩ đi sau sẽ thu nhận những lễ vật mang về đền thờ để chia chác. Tôi ngồi trên kiệu nhìn pho tượng được rước đi quanh khu phố, những phẩm vật dâng cúng được bày ra hai bên đường và thầm nghĩ đấng Thái Dương mà tôi chiêm ngưỡng trong linh ảnh ngoài sa mạc có liên quan gì đến pho tượng được rước kia không? Ai đã bày ra những việc như thế này? Tôi nghĩ đến tiếng nói vô thanh “Ta chính là tình thương”, rồi tự nhiên cảm thấy khó chịu khi nghe những lời cầu xin của dân chúng hai bên đường, cùng những hứa hẹn của các giáo sĩ đang vơ vét những phẩm vật.
Hôm sau, Satt vào gặp tôi:
- Có lẽ Pharaoh đã thấy, năm nay số lễ vật thu nhận được không nhiều như mọi năm. Đa số dân chúng vẫn hoang mang vì tình trạng ngừng xây cất. Nhiều người không có việc làm, không thể nuôi gia đình nên không dâng cúng nhiều như trước. Tôi đã cho xử tử những kẻ phạm pháp rồi. Xin Pharaoh cho phép chúng tôi được khởi sự xây cất trở lại.
Tôi lắc đầu:
- Ta đã suy nghĩ kỹ, việc xây cất quá nhiều đền thờ, nuôi dưỡng quá nhiều giáo sĩ và gia đình của họ quả là một gánh nặng cho công quỹ triều đình nên ta quyết định cắt giảm việc xây cất lại. Ngoài ra ta cũng muốn trừng trị những kẻ làm thâm thủng công quỹ triều đình để việc này không tái diễn nữa.
Satt hoảng hốt:
- Ngài không thể làm thế được. Nếu không cho xây cất thì dân chúng và nô lệ sẽ làm gì đây?
Tôi quát lớn:
- Nhà ngươi đang thách thức ta?
Satt lắc đầu:
- Tôi không dám thế nhưng Pharaoh đã hứa trước các thần linh thì phải giữ lời ạ.
Tôi bật cười:
- Ngươi đừng mang các thần linh ra dọa ta.
Nói xong, tôi đưa cho hắn xem tờ báo cáo của các thám tử riêng:
- Ngươi hãy nhìn đây! Số tội phạm ngươi đưa ra chỉ là phần rất nhỏ, không đáng kể. Ta đã cho điều tra kỹ để bắt hết những kẻ cầm đầu và trừng trị chúng. Này Satt! Ngươi tưởng ta không biết những tên đó hay sao? Nhưng ta muốn chính tay ngươi đưa ra danh sách để chứng minh ngươi trung thành với ta.
Khuôn mặt của Satt chuyển sang tái mét, hắn ngập ngừng:
- Thưa Pharaoh, nếu ngài trừng trị những người này, tôi sợ rằng sẽ gây ra nhiều xáo trộn, bất lợi hơn nữa. Chúng ta không thể làm thế được.
Tôi lạnh lùng dằn giọng:
- Vậy là ngươi đã biết những kẻ đó là ai rồi!
Satt im lặng sợ hãi.
Tôi quát:
- Tại sao ngươi biết những kẻ đó mà không báo cáo?
Satt cúi đầu:
- Hiện nay việc ngừng xây cất đã gây ra nhiều bất mãn trong dân chúng. Việc cần làm ngay khi ngân quỹ thiếu hụt là tăng thuế, đánh chiếm các nước khác để lấy tài nguyên. Tôi chắc các tướng lĩnh đều mong đợi cơ hội này.
Tôi quát lớn:
- Ta tăng thuế lúc nào cũng được nhưng hiện nay ta muốn trừng trị những kẻ lạm dụng công quỹ đã. Ta muốn ông đưa danh sách những kẻ phạm pháp đó cho ta xét xử, nếu không thì ta lập tức sẽ có biện pháp mạnh với ông.
Nói xong, tôi hầm hầm bỏ vào trong cung.
Vừa vào đến nơi, tôi được kẻ hầu cho biết hoàng hậu Nedjem cho mời tôi đến phòng riêng vì có khách đến viếng. Dĩ nhiên tôi đoán biết ngay đó là ai. Như lần trước, tôi đứng sau tấm màn quan sát Nedjem trò chuyện với Cihone. Cihone lần này nói chuyện với Nedjem tự tin hơn.
Tôi nghe Nedjem hỏi:
- Ta được biết ngươi còn có khả năng chữa bệnh cho trẻ nhỏ nữa. Không ngờ ngươi lại có nhiều tài đến vậy. Ngươi học những điều này ở đâu?
Cihone lắc đầu:
- Tôi không được ai dạy bảo gì hết ạ. Tôi chỉ biết yêu thương những đứa trẻ mà thôi.
Nedjem bật cười:
- Ngươi không cần phải khiêm nhường như thế. Cha của ngươi là y sĩ mà cũng không chữa được, nhưng giao những đứa trẻ cho ngươi săn sóc thì mọi bệnh đều khỏi. Hẳn ngươi phải có bí quyết nào đó?
Cihone lắc đầu:
- Không ai bảo tôi phải làm thế cả. Tôi chỉ biết thương yêu, và cảm nhận rằng một khi được thương yêu, con người có thể mạnh mẽ, khỏe mạnh hơn, và trẻ con cũng vậy.
Nedjem nghe chăm chú, nhìn Cihone một lúc rồi hỏi:
- Nếu bây giờ, có một người đàn ông yêu thương một người phụ nữ, muốn nàng hoàn toàn thuộc về, thì như ngươi nói, tình thương yêu đáp lại của người phụ nữ đó sẽ làm người đàn ông mạnh mẽ hơn. Ngươi sẽ nghĩ sao?
Cihone suy nghĩ, rồi trả lời:
- Thưa Hoàng hậu, tôi không biết đó có phải là tình yêu thương thực sự không, hay là một sự chiếm hữu - sự chiếm đoạt sẽ gây ra đau khổ. Tình yêu thương phải từ hai phía chứ không thể gây đau khổ cho người khác được.
Câu nói của Cihone làm tôi chấn động vì từ trước đến nay tôi chưa nghe ai nói rành rọt đến thế. Ước ao thầm kín có được Cihone tự nhiên cũng tan ra như bọt nước. Nedjem cũng lặng người bất ngờ về câu trả lời, nhưng vẫn tiếp tục hỏi:
- Nếu có một người phụ nữ hy sinh cho một người đàn ông khác mặc dù người đàn ông đó không để ý đến mình thì ngươi có cho đó là tình thương yêu không?
Tôi chợt nhận ra Nedjem nói đến tình cảnh của nàng.
Cihone lên tiếng:
- Thưa Hoàng hậu, tình yêu thương thật sự không thể tạo ra đau khổ mà chỉ mang lại niềm vui. Nếu hy sinh mà gây ra sự chịu đựng, đau khổ thì đó là một cái gì đó khác chứ không phải là tình thương yêu chân thật.
Nedjem im lặng rồi thở dài:
- Ngươi thật là một người lạ lùng, ta chưa bao giờ nghe ai nói như vậy hết. Nếu như thế, tình thương yêu là gì?
Cihone đáp:
- Tôi chỉ biết yêu thương vô điều kiện mà thôi.
Câu nói của Cihone làm tôi nghĩ đến tiếng nói vô thanh của đấng Thái Dương - “Ta chính là tình thương.” - và chợt hiểu Ngài không đòi hỏi một điều gì cả vì Ngài chính là tình thương. Tôi nghĩ đến những đòi hỏi của các giáo sĩ, những phẩm vật dâng cúng, những đền đài nguy nga, những ruộng vườn của gia đình giáo sĩ và những thợ thuyền, nô lệ được mang đến để phục vụ cho những người này. Tôi đứng đó nhưng đầu óc biến chuyển với những luồng suy nghĩ xáo trộn.
Mải suy nghĩ, tôi nghe Nedjem hỏi:
- Nếu vậy, tình thương giữa vợ chồng thì như thế nào? Liệu người ta có thể thương yêu nhau như thế không?
Cihone vô tình nói:
- Nếu họ yêu thương chân thành, không thiết tha bám víu hay đòi hỏi một điều gì cả thì đó là tình thương thật sự. Nếu bám víu, lệ thuộc vào một điều gì đó thì đấy chỉ là sự hấp dẫn, vì nếu không được gần nhau, không được đền đáp, họ sẽ đau khổ. Tình thương thật sự không thể dẫn đến đau khổ. Những người biết thương yêu nhau như thế, dù có xa cách thì tình yêu của họ dành cho nhau cũng không bao giờ thay đổi.
Nedjem thốt lên:
- Những điều ngươi nói thật thú vị, nhưng ai đã dạy ngươi như thế? Làm sao ngươi biết được những điều này?
Cihone trả lời:
- Khi còn nhỏ, tôi nghe cha mẹ nuôi tôi nói đến điều này nhưng sau đó tôi cảm thấy đó là bản tính tự nhiên của tôi. Cha nuôi tôi được rèn dạy trong đền thờ Thái Dương, chuẩn bị làm giáo sĩ nhưng do bất đồng ý kiến với giáo lý đền thờ nên chuyển qua làm y sĩ.
Nedjem tò mò:
- Cha mẹ ngươi đã dạy ngươi những gì?
Cihone thưa:
- Cha nuôi tôi dạy rằng có hai động lực điều khiển đời sống con người: lòng tham và tình thương. Lòng tham dẫn đến việc sử dụng tất cả mọi thứ, kể cả bạo lực, để chiếm lấy cái mình muốn. Tình thương thì khác, nó chỉ biết cho đi chứ không đòi hỏi gì hết. Mẹ nuôi tôi cũng dạy rằng cha mẹ không bao giờ đòi hỏi con cái phải làm gì để bù lại những hy sinh của họ. Bổn phận của họ là thương yêu con cái, có thế thôi. Từ đó, tôi biết trong mọi việc, dù lớn hay nhỏ, đều phải có thái độ như thế. Đừng mong mỏi hay đòi hỏi được đền đáp điều gì. Nên là người cho đi, nên là người giúp đỡ người khác, thương yêu tất cả, dù bị lường gạt cả trăm lần. Đừng kể những điều tốt đã làm, đừng nhắc những gì đã cho, đừng chờ đợi ai trả ơn, đừng cố muốn có những gì vốn không thuộc về mình - và hãy vui tươi thanh thản sống như thế thì sẽ hạnh phúc thực sự.
Tôi lặng người đứng yên nhưng đầu óc hoàn toàn chấn động, tự nhiên toàn thân tôi run lên như có một luồng điện mạnh chạy qua vì tất cả những thắc mắc, những điều tôi muốn biết đã được giải đáp đầy đủ. Tôi tự hỏi tại sao một người lại có thể yêu thương tuyệt đối như thế được? Linh ảnh về đấng Thái Dương lại hiện về trong tâm trí tôi, vọng về tiếng nói vô thanh: "Ta chính là Tình Thương". Phải chăng Cihone luôn yêu thương vì cô có một trái tim lúc nào cũng hướng đến những điều thanh cao, trong sạch mà tuyệt đỉnh chính là đấng Thái Dương. Cô không phải là một giáo sĩ, và cô cũng chưa hề đi đến các đền thờ, nhưng cô lại gần với đấng Thái Dương hơn bao giờ hết. Vì cô chính là hiện thân của tình thương, một thứ tình thương thuần khiết cao thượng, vô điều kiện, hòa hợp tự nhiên với đất trời, với vạn vật - chính tình yêu thương đặc biệt đó đã tạo nên những năng lượng, sức mạnh diệu kỳ có khả năng hàn gắn, chữa lành được những tổn thương, bệnh tật và có thể tác động làm chuyển biến được nội tâm con người.
Bất chợt tôi nghĩ đến phe nhóm giáo sĩ với những đòi hỏi, yêu sách mà họ đang gây áp lực với tôi. Tôi tự hỏi: "Họ đã âm mưu, toan tính gì khi biết tôi quyết thay đổi, ngăn chặn những thói quen tham lam ác độc cố hữu đã có từ rất lâu của họ? Họ đã biết gì về đấng Thái Dương? Họ đã biết gì về tình thương? Phải chăng họ chỉ biết đến quyền lợi của riêng họ đội lốt dưới vỏ bọc tôn giáo, và sẵn sàng làm tất cả, không từ một thủ đoạn nào để duy trì ảnh hưởng lợi ích phe nhóm? Thực sự họ tạo ra các nghi thức cúng lễ không hề có một tác dụng hay kết quả gì chỉ để bóc lột tài sản tiền bạc của dân chúng, như những kẻ cướp hợp pháp mà sao tôi lại phải bảo bọc cho họ?“.
Đã từ bao năm nay, mặc dù giới giáo sĩ không bao giờ cầm quyền nhưng họ chính là thế lực đứng đằng sau tất cả những Pharaoh. Họ xúi giục Pharaoh gây chiến tranh với các nước xung quanh để chiếm tài nguyên, của cải và nô lệ về để phục vụ cho phe nhóm của họ. Họ xây cất những đền thờ để phục vụ cho quyền lực phe nhóm của họ. Pharaoh như tôi đây cũng chỉ là một quân cờ trên bàn cờ đã được sắp đặt sẵn bởi nhóm này. Và các nước đi quân cờ cũng do họ quyết định - Tôi mà đi khác nước cờ thì họ sẽ làm gì tôi?
Cơn giận dữ ở đâu bỗng trào lên, dòng máu hung dữ ngang tàng của giống dân Kusk chảy rần rần trong huyết quản tôi khiến tôi nghiến chặt răng lại: "Không thể được! Ta không thể để cho đám giáo sĩ này lộng hành như thế được nữa. Dù sao ta cũng là Pharaoh, là người có quyền uy sinh sát trong tay - ta phải nắm lấy cơ hội này để thay đổi vương quốc, thay đổi tất cả. Đã đến lúc ta thôi trì hoãn mà phải chứng tỏ ta mới là người quyền lực nhất xứ này và sẽ dạy cho chúng một bài học.
Những luồng suy nghĩ quyết đoán chạy nhanh như tia chớp trong đầu tôi, quên mất sự có mặt của Cihone và hoàng hậu Nedjem, nắm chặt thanh bảo kiếm, tôi thét lên một tiếng vang dội khắp hoàng cung...
Tự nhiên tôi cảm nhận một lực rất mạnh dội vào lồng ngực khiến tôi choáng váng, đầu óc quay cuồng, mắt nhắm lại... và sau đó, tỉnh dậy chợt thấy mình người ướt đẫm mồ hôi đang ngồi tựa lưng, hai tay nắm chặt vào thành chiếc ghế bành ở nhà ông Kris.
***
Tôi bàng hoàng ngồi bật dậy, tay dụi mắt, nhìn thấy ông Kris đang ngồi đối diện, liền kêu lớn:
- Tại sao lại thế này ông Kris? Tôi đang ở trong cung mà sao giờ lại ở đây? Tôi đã rời căn phòng này bao lâu rồi?
Ông Kris mỉm cười ân cần đưa cho tôi một ly nước mát lạnh, tôi thấy khắp người nóng rực, đầu óc chếnh choáng với một cảm giác lạ lùng.
Tôi cầm ly nước uống một hơi dài như chưa từng được uống, nước đi tới đâu tôi cảm nhận được đến đó. Ông Kris đỡ ly nước từ tay tôi, đưa tôi một cái khăn, chờ tôi trấn tĩnh lại rồi ông mới thong thả nói:
- Ông đã may mắn trải qua một hành trình thám hiểm quá khứ của chính mình nhiều trăm năm trước ở Ai Cập. Hẳn ông đã nghiệm ra được điều ông muốn học trong kiếp sống ở đó rồi. Tuy nhiên, thấy ông chấn động, đầu óc náo loạn nên tôi phải đưa ông trở lại, nếu không thì ông có thể bị tổn thương nặng. Hiện nay ông chưa tự chủ hay biết kiểm soát tâm trí khi chuyển qua các vùng ký ức tiềm thức với sự tiếp sức của vũ trụ nên việc nhớ lại những trải nghiệm quá khứ có thể gây ra nguy hiểm cho ông.
Tôi dường như đã lấy lại bình tĩnh, hỏi dồn dập, mắt mở căng như muốn giữ lại tất cả những gì diễn ra trong ký ức:
- Nhưng tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra cho tôi sau đó? Tình hình Ai Cập tiếp theo như thế nào? Mọi thứ đang còn dang dở ở đó. Tôi đã làm gì đám giáo sĩ? Hoàng hậu Nedjem, cô gái Cihone nữa... họ sau đó ra sao rồi?
Ông Kris nheo mắt nhìn tôi thong thả nói:
- Giờ mà ông còn nhớ đến Cihone nữa là tốt rồi. Đúng là sức mạnh tình yêu hiếm hoi của một vị Pharaoh cô độc. Trước khi trả lời các câu hỏi của ông, tôi muốn nói về Ai Cập để ông có thể liên tưởng và hiểu rõ hơn. Vào thời cổ đại, Ai Cập gồm nhiều bộ lạc sống bên bờ sông Nile, đất đai màu mỡ do được phù sa bồi đắp nên việc canh tác nông nghiệp thuận tiện, đời sống dễ dàng và thanh bình. Ai Cập được bao quanh bởi sa mạc khổng lồ nên giao thông không thuận tiện, do đó người Ai Cập khi ấy không bị ảnh hưởng bởi nền văn minh Lưỡng Hà hay Babylon gần đó. Khi người Atlantis tránh nạn hồng thủy đến định cư ở nơi đây, họ mang theo tôn giáo thờ Thái Dương bao gồm nhiều bộ môn khoa học như kiến trúc, toán học, y học, dược học, âm nhạc, triết học v.v… Người Ai Cập được tiếp xúc với nền văn minh này nên chỉ trong một thời gian ngắn, những bộ lạc nhỏ tập hợp lại thành một quốc gia lớn, với một nền văn minh khác hẳn những nền văn minh quanh đó.
Vào lúc đầu, nền văn minh này đã đưa đời sống và dân trí Ai Cập lên một mức rất cao như ông đã thấy, tiêu biểu qua quan niệm của người y sĩ già, cha của Cihone. Tuy nhiên, vì đời sống thoải mái trên mảnh đất hàng năm được bồi đắp bởi phù sa, trồng trọt dễ dàng, tôm cá đầy đồng nên những người đến định cư tại đây dần dần trở nên lười biếng. Các thế hệ con cháu đời sau không còn gìn giữ được tinh hoa của nền văn minh xưa nên nhiều môn khoa học bị thất truyền. Ngoài ra, một số người Atlantis cũng mang theo một tôn giáo khác với những tà thuật, bùa chú, kêu gọi sự tiếp xúc với sinh vật của cõi giới vô hình nên xảy ra những cuộc tranh chấp giữa hai nhóm người này.
Khi nhóm này muốn hủy diệt nhóm khác, không ai chịu nhường ai, gây ra những tranh chấp tôn giáo khiến cho đời sống Ai Cập không còn yên ổn. Từ những tranh chấp nhỏ giữa các cá nhân dẫn đến những tranh chấp lớn giữa những phe phái, rồi hai bên sử dụng tất cả những kiến thức sẵn có để mưu hại lẫn nhau. Khi tinh hoa của các bộ môn khoa học bị thất truyền, phe nhóm sử dụng tà thuật chiếm ưu thế, các đền thờ trở thành nơi buôn thần bán thánh thay vì học hỏi kiến thức cao siêu. Các giáo sĩ biến nó thành một tôn giáo thờ thần quyền và mê tín. Nền văn minh khoa học được thay thế bằng những đền thờ to lớn với các giáo sĩ chỉ biết thực hành các nghi thức nhưng không hiểu gì nhiều. Giới giáo sĩ và gia đình của họ trở thành đẳng cấp cao với thế lực mạnh, khiến dân chúng phải phục vụ và chu cấp cho họ. Việc phân biệt đẳng cấp cao thấp từ châu Atlantis lại được phục hồi vì những người này chưa học được bài học mà họ cần phải học.
Khi tôn giáo thờ Thái Dương biến thành một thứ tôn giáo thiên về thần quyền và mê tín thì xã hội Ai Cập cũng thay đổi. Với tham vọng bành trướng thế lực tôn giáo, các giáo sĩ xúi giục các Pharaoh mở mang bờ cõi qua việc xâm lăng những nước khác. Những triều đại Pharaoh như Ahmose, Thutmose, Amenhotep, Seti, Ramses đều là những bạo chúa luôn luôn gây chiến với những quốc gia lân cận. Trong số tất cả những Pharaoh vào thời đại đó (1800 - 1400 trước Công nguyên), trừ Akhenaten, Pharaoh duy nhất có đức hiếu hòa [8], phần lớn các Pharaoh khác đều thích gây chiến làm suy kiệt nhân lực xứ này và tạo ra những ác nghiệp rất sâu. Ramses II, vị vua cai trị lâu nhất, hơn sáu mươi lăm năm, đã gây chiến khắp nơi, tàn sát dân chúng các nước quanh vùng. Phía Bắc đánh dẹp người Hittite, dồn họ lên các vùng núi non khô cằn tại Mitani, gây ra nạn đói và dịch bệnh làm thiệt hại phân nửa dân số nước này. Từ đó, dân Hittite kiệt quệ, và bị người Assyria tiêu diệt. Phía Nam, Ramses chiếm đoạt hầu hết các mỏ vàng của xứ Nubia, bắt hàng chục ngàn nô lệ để xây lăng mộ cho mình rồi xua quân phá tan kinh đô nước Kush. Trong các cuộc chiến xâm lược này, biết bao dân lành vô tội đã chết. Do đó, sau này Ai Cập phải gánh chịu những nghiệp quả do mình gây ra.
Ngày nay, lịch sử Ai Cập đề cao Pharaoh Ramses như là vị vua vĩ đại vì công lao mở mang bờ cõi, xây cất các đền đài và lăng tẩm nguy nga với hơn hai trăm phòng đục sâu vào trong vách núi. Hầu hết những nhà viết sử chỉ biết đề cao công trạng của những bạo chúa qua các chiến công hiển hách mà không nói gì đến hàng chục ngàn nô lệ đã vong mạng trong quá trình hoàn thành những lăng mộ này, cũng như hàng trăm ngàn người đã thiệt mạng trong các cuộc chiến với các vương quốc lân cận. Chính vì những tham vọng điên cuồng của các Pharaoh mà người dân Ai Cập đã phải trả một cái giá rất đắt.
Tôi mất kiên nhẫn, hỏi dồn điều tôi muốn biết ngay lúc đó:
- Thế số phận của tôi - vị Pharaoh đơn độc sau đó đã ra sao? Tôi có triệt hạ được đám giáo sĩ tà giáo đó không? Hoàng hậu Nedjem thế nào? Nàng Cihone nữa?
Ông Kris chăm chú nhìn tôi, mỉm cười, rồi kể tiếp:
- Ông không đơn độc, nhưng tính ông vốn không chấp nhận nên trở nên khác biệt, vì thế mà cô độc. Trong kiếp sống tại Ai Cập, ông là một trong số những Pharaoh thuộc triều đại cuối cùng của Ai Cập thời cổ đại. Ông làm Pharaoh khi Ai Cập đã suy thoái kiệt quệ vì các tranh chấp cung triều cũng như hậu quả của việc xây cất các lăng tẩm cho các Pharaoh trước đó. Vào lúc này, quyền hành của phe giáo sĩ đã rất mạnh nên ông không cai trị được lâu. Vì thiếu vũ khí và không được chuẩn bị đầy đủ nên mùa đông năm đó, quân lực Ai Cập đi xâm chiếm các nước quanh vùng và bị thua trận thảm hại. Giới giáo sĩ đã biết ý đồ của Pharaoh muốn triệt họ nên đã đổ tội cho Pharaoh vì đã ra lệnh ngưng việc xây cất đền thờ và dâng cúng phẩm vật cho thần linh. Còn dân chúng bất mãn vì không có việc làm nên đã nổi loạn. Là Pharaoh, ông chưa kịp làm đến cùng đã phải chịu trách nhiệm về những việc này. Ông đã bị nhóm giáo sĩ ra tay đầu độc chết trước khi khởi binh đối phó với đám giáo sĩ cùng loạn quân. Vì lăng tẩm của ông lúc đó chưa hoàn tất, hoàng hậu Nedjem đã phải âm thầm mai táng ông một cách vội vàng ở một nơi khác, nên ít lâu sau ngôi mộ của ông bị kẻ trộm đến đào lấy châu báu. Phe giáo sĩ lợi dụng cơ hội xã hội hỗn loạn đã mang quân đi kiểm soát thành Thebes và vùng thượng lưu sông Nile. Những người trong hoàng tộc phải trốn về miền Nam sát biên giới Nubia, rồi đưa con cháu lên ngôi Pharaoh để lập một triều đình tại đó nhưng không ai làm được việc gì đáng kể.
Tôi ngạc nhiên đến sửng sốt khi nghe kể số phận quá bi thảm của mình, nên định hỏi, nhưng ông Kris không cho tôi ngắt lời, kể tiếp:
- Chỉ ít lâu sau, Nubia đánh chiếm Ai Cập, vua Nubia cũng xưng là Pharaoh nên lịch sử Ai Cập trở nên phức tạp vì không còn ai phân biệt được giữa Pharaoh Ai Cập và Pharaoh Nubia nữa. Người Ai Cập lúc đó phải phục dịch cho dân Nubia, tộc người mà họ vốn khinh bỉ, coi là man di mọi rợ.
Sau đó, người Assyria ở phía Đông Bắc đánh đuổi phe giáo sĩ ở Thebes, cũng như triều đình vua chúa Pharaoh Nubia, chiếm trọn Ai Cập và thành lập đế quốc Assyria. Dân Ai Cập lại phải trả một món nợ rất đắt, cắm đầu phục vụ cho người Assyria. Rồi sau đó, Ba Tư xâm lăng đế quốc Assyria, đặt Ai Cập dưới ách cai trị của họ, và một lần nữa dân Ai Cập lại phải gánh chịu thảm cảnh bị đô hộ. Sau đó, Hy Lạp dưới sự chỉ huy của Alexander Đại đế chiếm Ba Tư, đặt Ai Cập dưới ách đô hộ. Các tướng lĩnh Hy Lạp lại trở thành Pharaoh của Ai Cập. Khi đế quốc Hy Lạp suy vong, người La Mã chiếm Ai Cập, cai trị xứ này trong mấy trăm năm. Rồi người Ả Rập chiếm Ai Cập, xóa bỏ văn hóa xứ này, sáp nhập nước này vào lãnh địa Caliphate của họ. Gần đây hơn, các nước Pháp và Anh cũng chiếm Ai Cập, cai trị Ai Cập cho đến năm 1922 mới bắt đầu cho dân xứ này được tự trị một phần nào.
Ông Kris thở dài nhìn tôi, lúc đó vẫn chưa hết bàng hoàng:
- Ông có thấy không? Trải qua gần ba ngàn năm, người dân Ai Cập phải sống dưới ách đô hộ xâm lăng. Hầu hết văn hóa, các phong tục, chữ viết, văn chương của
Ai Cập đều bị xóa bỏ, chỉ còn lại một vài kim tự tháp và lăng tẩm của các Pharaoh để nhắc nhở người Ai Cập về quá khứ huy hoàng của họ mà thôi. Bây giờ ông có thể hiểu nghiệp quả của các cuộc chiến tranh mà vua chúa Ai Cập khi xưa đã gây ra cho xứ này như thế nào rồi.
Trong tôi lúc đó tràn đầy xúc cảm:
- Tôi đã học được bài học về tình yêu thương tại Ai Cập, nhưng còn số phận của nàng Cihone và hoàng hậu Nedjem sau đó đã ra sao? Ông vẫn chưa kể...
Ông Kris mỉm cười nhìn tôi đồng cảm:
- Ông đã nặng tình thì ắt có duyên. Ông đã có mối liên hệ khá sâu sắc về tinh thần với những người phụ nữ này nên chắc chắn cũng gặp lại họ ở những kiếp sống sau.
***
Thomas đã chia sẻ với tôi về tình trạng Ai Cập thời cổ, cũng như sự sa đọa của tầng lớp giáo sĩ, họ đã lợi dụng đức tin của dân chúng để củng cố quyền lực cũng như gia tăng quyền lợi của họ. Đối với các giáo sĩ, việc xây cất các đền thờ to lớn là một hình thức củng cố niềm tin vào các uy lực thần quyền mà họ là đại diện trung gian. Tầng lớp giáo sĩ lúc đó đều có gia đình và được hưởng quyền lợi rất lớn (như được triều đình cấp phát đất đai, nô lệ và hưởng thụ các phẩm vật dâng cúng).
Vào giai đoạn cuối của triều đại Pharaoh Ai Cập, phe nhóm giáo sĩ trở thành một quyền lực rất mạnh chi phối mọi sự, kiểm soát kinh tế, thuế má, thậm chí quân đội. Họ kiểm soát hơn một nửa Ai Cập, từ thành Thebes lên phía Bắc, trong nhiều năm. Con cháu Pharaoh phải chạy trốn xuống miền Nam, lập một triều đình sát biên giới Nubia và ít lâu sau bị người Nubia chinh phục.
Theo ông Thomas, việc xây cất các đền thờ khắp nơi, gia tăng thuế để nuôi tầng lớp giáo sĩ, lúc đó đã lên đến hàng trăm ngàn người, chỉ hưởng thụ mà không làm gì, cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng tuyệt vọng, chán nản trong dân chúng, khiến Ai Cập trở thành miếng mồi ngon cho các nước quanh đó như Assyria, Nubia và Ba Tư.
Ông Thomas cũng chia sẻ thêm rằng qua việc tiếp xúc với Cihone và Nedjem, ông đã học được bài học về tình yêu thương và sự hy sinh, đó là những bài học đã giúp ông rất nhiều trong những kiếp sống sau đó.
Tôi hỏi ông về việc chuyển kiếp thành loài sâu bọ qua sự tiết lộ của ông Kris. Ông ngậm ngùi nói rằng ông không nhớ gì về việc này, nhưng tin rằng được làm người là một vinh dự to lớn và không dễ gì được mang thân xác con người, và nếu để mất đi thì không dễ gì trở lại được. Ông nói nếu ý thức như thế thì phải biết sống làm sao cho đúng với ý nghĩa của một con người.
Khi chúng tôi nói chuyện về các trận chiến trong lịch sử của nền văn minh cổ, như trận chiến thành Troy, tôi có hỏi ông Thomas quan niệm của ông về chiến tranh. Ông nói rằng chiến tranh là một động lực có tính chất tàn phá hết sức ghê gớm vì nó gây tổn thất về sinh mạng, tài sản, cũng như phá hoại các nền văn hóa và những gì tốt đẹp nhất của con người. Nguyên nhân của chiến tranh bắt nguồn từ lòng tham. Tham danh, tham lợi, tham quyền và tham vọng muốn chiếm đoạt tất cả. Từ lòng tham này mới sinh ra sự ganh ghét, hận thù và nuôi dưỡng mầm mống của chiến tranh.
Mặc dù cuộc chiến thành Troy bắt nguồn từ nguyên nhân là Hoàng tử Paris của Troy đã bắt cóc Helen, vợ của Menelaus, vua xứ Sparta mang về xứ Troy, sau đó Menelaus kêu gọi các đồng minh của mình mang quân vây thành Troy để đòi lại vợ, nhưng theo ông Thomas, đó chỉ là nguyên nhân câu chuyện được ghi lại trong thần thoại Hy Lạp qua ngòi bút của thi sĩ Homer. Nguyên nhân chính là các nước đồng minh của Sparta đã lợi dụng cơ hội này để tấn công xứ Troy vì đây là một xứ rất giàu mạnh, nằm ở một vị thế quan trọng, kiểm soát các hải lộ chính của Hy Lạp đến các nước vùng Trung Á. Chiếm được thành Troy là kiểm soát được toàn bộ nền kinh tế, thương mại, giao thông của vùng Địa Trung Hải. Do đó, Agamemnon, Achilles, Odysseus và rất nhiều tướng lĩnh khác của Hy Lạp đều muốn chiếm đoạt miền này. Trận chiến thành Troy kéo dài hơn mười năm, khiến biết bao nhiêu binh sĩ cả hai bên thiệt mạng. Ngay sau khi trận chiến kết thúc, những nhân vật sống sót cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn, trở ngại mới có thể trở về quê hương; nhưng khi về đến nơi, họ nghiệm ra rằng tất cả đều đã đổi khác, ngay cả những người khi xưa cũng không còn như trước nữa. Đấy chính là bi kịch của cuộc chiến thành Troy, một câu chuyện thần thoại Hy Lạp về thảm cảnh của chiến tranh.
Theo ông Thomas muốn chấm dứt chiến tranh, chúng ta không thể phản đối hay chống lại nó, vì nếu phản đối chiến tranh thì trong lòng chúng ta lại có một cuộc chiến khác khởi phát. Khi chúng ta phản đối một người nào, một ý tưởng nào, hay một quan niệm nào thì chính chúng ta đang khơi dậy một cuộc chiến khác nằm sâu trong tâm của mình. Cũng vì lý do đó mà trong lịch sử nhân loại, chiến tranh không bao giờ chấm dứt. Hết cuộc chiến này lại có cuộc chiến khác vì trong lòng mọi người lúc nào cũng có sự hận thù. Nếu biết quay về nhìn lại các bài học lịch sử, ta sẽ thấy rõ nguyên nhân của các trận chiến là lòng tham, sự ích kỷ và hận thù. Chính chúng đã nuôi dưỡng những quan niệm, những lý thuyết và mục đích sai lầm, dẫn đến xung đột giữa các phe nhóm đối lập. Khi có lòng thù oán, sân hận thì lúc nào chúng ta cũng sẵn sàng gây chiến. Biện pháp tốt đẹp nhất để chấm dứt chiến tranh là xóa bỏ sự thù hận ngay trong tâm mình bằng việc phát triển tình thương và lòng từ bi.
Ông Thomas cho biết, qua các trải nghiệm ở nhiều kiếp sống, động lực quan trọng dẫn dắt cuộc đời của ông là tình yêu thương, nhờ yêu thương mà ông đã vượt qua nhiều thử thách, để tiếp tục học hỏi thêm về nó.
Many Lives - Many Times Many Lives - Many Times - Nguyên Phong Many Lives - Many Times