Số lần đọc/download: 1914 / 61
Cập nhật: 2015-07-18 13:01:35 +0700
Chương 7
C
húng tôi cuốn võng và đi ngược chiều với Phẩm. Đến nơi trời chưa tối. Nhưng chiều nay khác với những buổi chiều khác khi chúng tôi hạ trại.
Bữa nay ở địa điểm trú quân rất nhộn nhịp. Hỏi ra mới biết rằng đêm nay có Văn Công diễn phục vụ chiến sĩ. Tôi bảo Thu:
- Em đóng góp một màn đi!
- Thôi anh ơi. Em không múa nổi đâu.
- Mới hôm trước múa Hoa Champa…
- Đó là hồi em chưa trặc cổ chân kìa.
Tôi giúp nàng căng lều mắc võng. Tôi và Hoàng cũng mắc võng nằm dưỡng lão. Chuyện ăn uống chưa tính tới. Bỗng nghe tiếng loa vang vang (không có micro) giới thiệu các tiết mục. Tôi chưa kịp nói gì thì Hoàng đã bảo:
- Mày lại gặp “ẻn” rồi. Coi chừng lại đổ nợ!
Quả thật, đoàn Văn Công đang biểu diễn là đoàn của Sư đoàn 330 là lính Nam kỳ quốc của Chúng tôi. Người yêu cũ của tôi đang làm “biên đạo” vũ của đoàn này. (Biên đạo tức là viết và đạo diễn). Tôi không vui cũng không buồn, nhưng lại rất ngạc nhiên. Văn Công biểu diễn phục vụ ai ở đây? Trong khi lính cần gạo, thịt và thuốc men thì không đem tới, trái lại đem cho những thứ họ không cần – Nghe hát xướng mà no được sao?
Không biết ai có sáng kiến này, một sáng kiến lạ lùng không kém sáng kiến của Tào Tháo gạt quân sĩ đang khát nước gần chết bằng cách bảo rằng ở phía trước có vườn quít.
Nhà nước có nhiều sáng kiến kinh hoàng. Tôi còn nhớ thời kỳ Không quân Mỹ!eo thang ra Miền Bắc, Tố Hữu bắt văn nghệ sĩ phải đi thực tế bom đạn ở khu IV. Tôi đi ra đi vào Quảng Bình và Vinh đến những bốn lần trong lúc một văn nghệ sĩ chỉ cần đi một lần là đủ “tiêu khuẩn.” Một lần tôi đi cùng với đoàn Văn Công Trung lương đi vô Quảng Bình mảnh đất đang là mục tiêu đánh phá của Không quân Mỹ. Phương tiện vận tải là một chiếc xe Skoda của Hungari loại dùng làm xe bus ở Hà Nội. Ban ngày sợ máy bay đánh nên phải chui trốn và ngủ lấy sức đợi tối mới đi. Nhưng đi đêm xe phải mở đèn pha đèn cốt, nếu không thì làm sao chạy được. Để tránh làm mục tiêu cho máy bay, anh tài xế (quân sự của Bộ Quốc phòng đưa sang. Vì ở trên sợ lái xe dân sự không có kinh nghiệm) dùng một cần câu trúc dài gắn ở đầu xe và chuyền một bóng điện nhỏ ở đầu cần câu thay vì mở đèn xe. Và anh ta lái xe trên dường với cái ánh sáng to hơn con đom đóm đó. Bọn chúng tôi hỏi: Như vậy có ích lợi gì? Anh ta bảo đó là sáng kiến của Cục Vận tải phổ biến khắp các đoàn xe để thi hành, không làm khác được! Không hiểu Cục Vận tải quan niệm tầm sát thương của bom đạn như thế nào mà xài cái sáng kiến đó trong lúc máy bay của Mỹ không phải dùng mắt thường để tìm mục tiêu và nếu một quả bom ném đúng ngay vào cái đầu cần câu thì chiếc xe vẫn chạy an toàn?
Cũng may chứng tôi không bị máy bay tấn công lần nào nhưng từ Hà Nội vào Quảng Bình, bình thường chỉ đi một ngày, chúng tôi phải mất năm đêm. Cái sáng kiến thật rất khoa học có một không hai.
Bây giờ lại gặp cái sáng kiến đem Văn Công vô phục vụ cho chiến sĩ Trường Sơn. Nghệ sĩ biểu diễn không sân khấu không có micro. Người xem ngồi chung quanh như lửa trại hồi thời kháng chiến. Tôi mệt bã người ra, nhưng vì công việc này có dính tới nghề nghiệp mình nên cũng ráng lê chân tới ngồi tựa gốc cây xem, còn Thu và Hoàng nhất định không đi xem coi “cái tụi nhảy cóc nhảy nhái” đó, vì Thu là diễn viên ưu tú của đoàn Ca múa Trung ương, Hoàng là thầy của thầy các diễn viên này.
Tôi cố ý tìm xem ông kẹ có mặt ở buổi biểu diễn này không. Cuối cùng tôi thấy ông ta nằm võng và có người đem nước lại cho ông trong khi Văn Công biểu diễn ở ngay trước mặt ông như dành riêng cho ông vậy.
Không biết trước khi chúng tới đến, đoàn đã diễn những tiết mục gì, nhưng bây giờ thì đang sửa soạn đồng ca bài Chiến thắng Điện Biên Phủ cửa Đỗ Nhuận.
Chắc lâu lắm chiến sĩ mới thấy con gái đẹp tô son điểm phấn trước mặt mình nên họ nhìn trân trối. Nói nào ngay “chất tươi” trên đường này cũng có chứ không phải là không, nhưng nó không tươi tắn mà có vẻ nhếch nhác nên không thích mắt, hơn nữa những nữ cán bộ không biết làm bộ làm tịch như Văn Công. ‘Kìa xem, họ nghiêng qua, ngả 1ại như một đám cây rừng trong gió bật ra tiếng hát.
Những người lính ngồi nghe mê mẩn. Sau những ngày, những tháng tiêu pha sức khỏe với các em “đá tai mèo” họ được những giây phút giải lao.
Hết bài Chiến Thắng Điện Biên, tiếng vỗ tay vang lên rào rào. Tiếp theo, họ được xem “Kéo pháo” lên Điện Biên với bản nhạc nổi tiếng của Hoàng Vân, một anh nhạc sĩ rau muống được đặc ân đi học Trung Quốc nhưng khi về nước, được vinh quang đi giải phóng Miền Nam thì lại thụt lùi.
Bài Hò Kéo Pháo cũng được hoan nghênh bằng những tràng pháo tay ròn rã. Sau những phút sống lại chiến thắng hào hùng xưa, chiến sĩ ta được xem một hoạt ảnh bằng thơ có ba diễn viên. Hoạt cảnh này được viết bằng thơ tám chữ, lục bát có điểm xuyết vài đoạn bài chòi khu Năm.
Tôi xem hoạt cảnh đó đến nay đã hai mươi lăm năm rồi nên không còn nhớ lời thơ, chỉ ghi ra đây đại ý.
Màn Một: Một anh chiến sĩ nghĩa vụ quân sự được người vợ chưa cưới tiễn chân đi giải phóng Miền Nam vào một buổi sáng tươi đẹp của đồng quê miền Bắc. Hai anh chị quyến luyến nhau rất lâu và rất tình tứ pha lẫn buồn đau, nhưng hai người đều giác ngộ cách mạng cao nên đều dứt khoát nghe theo tiếng gọi của Miền Nam đau khổ. Chị hứa ở lại Miền Bắc tăng gia sản xuất và làm theo khẩu hiệu của đảng: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên.” Còn anh thì hứa hẹn sẽ làm tròn nhiệm vụ nơi chiến trường để trở về cưới em với vòng hoa chiến thắng.
Màn Hai: Người thanh niên đi đến Cầu Hàm Rồng thì thối chí. Ra đi từ Hà Nội, thay vì được chở chuyên bằng xe, đơn vị lại phải hành quân bộ. Đến quá Nho Quan mới được đi tàu hỏa. Với sức lực hao mòn; với những gian nan đã vượt qua, chàng hình dung trước mật cảnh tượng máu lửa hãi hùng của Miền Nam. Khi tàu hỏa đỗ lại ở ga Hàm Rồng thì chàng nhảy tàu chạy trốn nhưng bi đồng đội đuổi theo bắt lại được. Chàng phản tỉnh và tình nguyện đi giải phóng Miền Nam. Qua khỏi giới tuyến một đổi thì chàng dùng súng bắn vào chân để có lý do ở lại trong lúc đơn vi đi tới.
Màn Ba: Người thanh niên len lỏi trốn ngược ra Bắc và về tận gia đình, thú thật mọi nỗi gian truân với người vợ.. Lần này lại có thêm bà mẹ vợ. Cả hai dùng hết lời và lập trường cách mạng để giác ngộ anh chàng. Thêm vào đó anh chàng lại nhớ đến cha đá hi sinh anh dũng trong kháng chiến. Để xứng đáng là cháu ngoan bác Hồ và con của một người cách mạng, chàng thanh niên quay trở về một đơn vị bộ đội nhận sai lầm và lại tiếp tục vào Nam chiến đấu.
Khi hoạt cảnh bắt đầu diễn thì bộ đội còn ngồi xem như trước, nhưng khi diễn tới màn “ga Hàm Rồng” lác đác có người kêu mệt và bỏ về.
Khi diễn sang màn ba thì chỉ còn có ông kẹ và đoàn tùy tùng của ông. Tôi cố nán lại để gặp mấy thằng bạn trong đoàn Văn Công. Tôi né mặt để khỏi bị ông kẹ nom thấy.
Buổi biểu diễn trở nên lễnh loãng, có vẻ như muốn dứt ngang với lý do là trời đã tối, nhưng nhiều người còn thích xem nên lấy đèn pin ra thay cho ánh sáng mặt trời. Tất cả được hơn mười chiếc mà phần lớn là của đoàn tùy tùng ông kẹ. Họ bấm công tắc rồi để ghếch dầu đèn lên ba lô hoặc đít soong chảo chiếu thẳng vào “sân khấu.” Họ chơi ngông vậy có lẽ vì họ có đủ sức chơi. Riêng bộ đội thường thì đến Ban Chỉ huy cũng không có đèn pin đừng nói chi tới lính lãi.
Với ánh sáng của mấy chiếc đèn pìn vẫn tiếp tục màn ba của hoạt cảnh. Có lẽ người ta đói nên phải ăn mặc dù là món ăn là thứ gì đi nữa cho nên người ta ngồi “ăn” cái món hoạt cảnh này, càng cạn tới đáy soong nó càng nhạt ra – Có lẽ khi vét soong húp muỗng cuối cùng thực khách ân hận vi đã ăn phải ngồi đau lưng để được đãi cho một cái mơ-nuy vô bổ như thế còn đầu bếp thì tự hứa lới mình đây là lần cuối cùng nấu món “canh” hoạt cảnh này.
Tôi trông nét mặt mấy thằng quen bới hết son phấn tội nghiệp. Chắc chúng nó tự thấy trơ trẽn nên xách đàn và vác đồ lề khác lủi nhanh. Nhưng ông kẹ đã cho người gọi chúng lại. Anh trưởng đoàn đến yết kiến ông kẹ, để cho diễn viên đi rửa mật dưới suối.
Ông kẹ – tạm gọi là ông Mặt Sắt cho để nhớ. (Sau này độc giả sẽ lại gặp ông ấy ở cục R với vợ của ông anh hùng X. có nhiều pha vui lắm). Ông Mặt Sắt là dân Bình Trị Thiên khói lửa còn anh trưởng đoàn Văn Công là người cùng quê với Bác. Hai bên nói chuyện với nhau bằng những dấu nặng chình chịch nghe mệt quá, nhưng tôi cũng nán lại xem họ nói với nhau những gì. Chắc anh trưởng đoàn Văn Công biết ông kẹ là ai nên nói năng thưa dạ răng rắc.
Ông Mặt Sắt hỏi:
- Đoàn Văn Công của anh đi vô đây được bao lâu rồi?
Anh trưởng đoàn đáp:
- Dạ mới có vài tuần!
- Anh chị em khỏe cả chứ?
- Dạ không được khỏe lắm ạ!
- Mới vô mà đã không được khỏe rồi cơ à?
- Dạ sốt rét nhiều quá! Có đến gần một nửa bị sốt!
- Thế cơ à? Sao không uống thuốc. Để tôi bảo bác sĩ cho anh chị em một ít kí-nin.
- Dạ vâng!
- Sao các anh đi vào đây mà không có chuẩn bị gì hết vậy?
- Dạ, đoàn đang phục vụ ở giới tuyến mười bảy rồi được lệnh ở trên nên phải đi luôn, thành ra không có thuốc men gì hết.
- Rồi lương thực làm sao?
- Dạ có muối thôi ạ, còn gạo thì khi có khi không.
- Thế cơ à? Bộ mấy cái anh quân khu này coi chuyện vô đây như đi Hà Nội hay cao? Này! – Ông Mặt Sắt quay lại một anh đang đứng ở sau lưng – có lẽ là trưởng đội tùy tùng hay bí thư riêng – Anh gọi cho anh Nam Long lâp tức tiếp tế đầy đủ cho đoàn Văn Công phục vụ đường dây nghe chưa?
- Dạ! – Người kia đáp to.
- Gọi ngay bây giờ. Tôi muốn ngày mai đoàn Văn Công phải được trang bị đầy đủ.
- Dạ! – Người kia quay ra đi làm nhiệm vụ.
Ông Mặt Sắt hỏi tiếp anh trưởng đoàn Văn Công:
- Anh lấy đề tài cho cái hoạt cảnh ở đâu thế?
- Dạ ở cơ sở ạ!
- Cơ sở nào, hợp tác xã hay bộ đội?
- Dạ bộ đội ạ!
- Bộ đội nào ở đâu?
- Dạ bộ đội ngay trên đường này, ở cách đây vài ba trạm.
- Có thực vậy hay sao?
- Dạ, những chuyện như thế này còn nhiều ạ. Chúng tôi chỉ chọn chuyện đơn giản nhất để sáng tác. Chính đơn vị đã kể cho chúng tôi nghe để sáng tác.
Ông Mặt Sắt thở dài:
- Quái nhỉ, sao Trung ương không biết gì hết cả?
- Dạ chúng tôi cũng không biết, chỉ thấy chuyện đó là chuyện thật như bao nhiêu chuyện thật khác Tổng cục Chính trị phát động viết đề tài “Người Thật Việc Thật” và có giải thưởng cho tác giả trúng giải ạ. Những chuyện như thế này, sau khi ghi chép xong chúng tôi có đề nghị thủ trưởng đơn vị chứng nhận rồi mới dám sáng tác ạ.
- Để làm gì?
- Dạ để khi nào ở trên có hỏi chuyện xảy ra ở đơn vị nào thì chúng tôi có chứng cớ trả lời ạ. Nếu không, ở trên sẽ nói chúng tôi phịa và chúng tôi bị khiển trách.
- Anh có ghi đơn vị anh lấy được đề tài đó không?
- Dạ có!
- Đâu đưa cho tôi xem.
Anh trưởng đoàn Văn Công móc túi áo lấy một quyển sổ tay mở ra đưa cho ông Mặt Sắt.
Ông Mặt Sắt cầm lấy. Một anh chiến sĩ đứng gần đó rọi đèn pin vào.
Anh đoàn trưởng trỏ vào trang giấy có ghi nào chữ nào số đặc nghẹt.
Ông Mặt Sắt xếp lại ngay kêu lên và trả quyển sổ lại cho người chủ:
- Quái lạ, sao lại có những hiện tượng như thế này nhỉ!
Anh chiến sĩ bấm tắt đèn. Tất cả chìm trong bóng tối. Ông Mặt Sắt làu bàu:
- Thế mà các anh văn sĩ và phóng viên viết toàn chuyện anh dũng. Những chuyện như thế này thì lại bịt mất tiêu.
Rôi ông hỏi anh đoàn trưởng:
- Hồi nãy anh có nói đây chỉ là chuyện đơn giản, vậy còn những chuyện không đơn giản là những chuyện gì?
- Dạ nhiều lắm ạ, tôi không ghi nên không nhớ.
Ông Mặt Sắt ngoảnh lại anh chiến sĩ đang cầm đèn pin ở tay:
- Anh đi tìm cho tôi một ban chỉ huy đơn vị đang đi vào Nam và một anh giao liên.
- Vâng.
Ông Mặt Sắt trở lại với anh đoàn trưởng Văn Công:
- Các anh sáng tác hoạt cảnh ấy à?
- Vâng, chúng tôi hưởng ứng phong trào “tự biên tự diễn” của Tổng Cục vừa đề ra.
- Vừa leo núi vừa viết được như thế à?
- Vâng, chúng tôi họp lại bàn luận đề tài để thống nhất ý kiến rồi phân ra thành nhiều nhóm, mỗi nhóm viết một màn, xong rồi ráp lại ạ. Đó là lối sáng tác tập thể. Viết xong diễn vài lần rồi bỏ ạ. Chúng tôi toàn áp dụng phương pháp đó.
- Cái màn ba, cha mẹ vợ và vợ xây dựng anh lính trở lại đơn vị, các anh lấy ở đâu?
- Dạ, màn này thì chúng tôi tưởng tượng ra rồi phóng tay sáng tác ạ! Thật ra như thế cũng rất hợp lý cách mạng và đúng chánh sách ạ.
- Ở ngoài kia các anh có áp dụng phương pháp sáng tác tập thể đó không?
- Dạ có chứ ạ! Phương pháp này giúp cho chúng tôi tránh được chủ nghĩa sùng bái cá nhân ạ. (Ông Mặt ắt “hả” to lên) Nghĩa là không có đề tên tác giả cũng như các nghị quyết của Trung ươong để là Bộ Chính Trị chứ không đề tên ai cả.
- Ai bảo anh thế? – Ông Mặt Sắt cười gượng – Chính trị khác văn nghệ khác chứ!
- Dạ chúng tôi học tập chỉ thị của Tổng Cục đấy ạ!
- Sao tôi không biết gì hết cả vậy?
- Dạ thì tôi cũng không biết gì hết. Nhưng ở trên bảo rằng sáng tác tập thể thì vừa biểu đạt phong phú hơn sáng tác cá nhân vừa tránh được cá nhân chủ nghĩa gạ! (Ông Mặt Sắt kêu lên: Quái nhỉ!) Dạ, nếu có anh chị em nào sáng tác được một vở kịch hay một bài hát thì cũng đều mang ra tập thể xây dựng chung rồi sau đó đưa ra diễn thì giới thiệu tên của tác giả trước rồi kèm theo phải nói là “với sự đóng góp của tập thể đoàn Văn Công” ạ.
Đến đây thì anh thư ký riêng trở lại báo cáo:
- Thưa anh Sáu, đồng chí Nam Long nhận khuyết điểm đã điều động văn ông vào mà không trang bị cho họ đầy đủ vì đồng chí ấy bận bố phòng các trận địa pháo ngày đêm di chuyển luôn. Ngày hôm nay hai tàu gạo của ta bị máy bay Mỹ đánh chìm tại Vinh, hiện đồng chí đang huy động dân và bộ đội mò moi gạo lên và cho không dân chúng ai móc được bao nhiêu lấy bấy nhiêu.
- Có chuyện đó nữa à?
- Dạ thưa có ạ! Chính đồng chí Tu lệnh Nam Long trực tiếp nói với tôi như thế. Đồng chí còn bảo ước gì đem được số gạo đó vô đây cho anh em binh sĩ thì hay biết mấy.
- Còn việc tiếp tế cho Văn Công? Ông Mặt Sắt gạt ngang, gắt.
- Dạ, đồng chí Nam Long nói là gạo muối thuốc men thì có đủ nhưng nếu đem vô tới đây ít ra cũng một tháng, nhanh lắm cũng ba tuần lễ, vì ta không có phương tiện gì hết. Xe hơi chỉ đến làng Ho là phải ngừng lại. Ngoại trừ có trực thăng thì mới đem được gạo muối cho Văn Công nhanh chóng.
- Thôi được! Cảm ơn đồng chí Văn Công nhé! Sáng mai đồng chí đến gặp tôi.
- Vâng!
- Các anh lấy thịt kho và thuốc men dành cho tôi đưa cả cho đồng chí trưởng đoàn – Ông Mặt Sắt bảo đoàn tuỳ tùng và làu bàu – Con người đâu phải con vật mà muốn ném đâu thì ném. Hậu cần như thế này có nghĩa là tự mình chuốc lấy nhục và bại thôi. Này, nói với anh chị em nghệ sĩ rằng tôi tặng huân chương Giải Phóng cho đoàn về việc biểu diễn bữa hôm nay.
- Vâng! Xin cảm ơn anh Sáu.- Anh trưởng đoàn bắt mò được cách xưng hô do anh thư ký lộ bí mật vừa rồi.
Người chiến sĩ cầm đèn pin đưa anh giao liên và hai người trong ban chỉ huy một đơn vị luồn vào Nam đến trình diện anh Sáu.
Anh Sáu hỏi:
- Hai đồng chí là chỉ huy?
- Vâng, chúng tôi là D trưởng và D phó ạ!
- Còn chánh trị viên đâu?
- Dạ đã hi sinh rồi ạ!
- Tại sao?
- Dạ, cây ngã đè chết ạ!
- Lạ nhỉ!
- Dạ trong một cơn bão ạ. Thưa cũng không lạ gì ạ. Chúng tôi đã có kinh nghiệm khi có mưa to gió lớn thì bảo chiến sĩ chớ có mắc võng gần cây cao. Cây cao dễ tróc gốc.
- Đơn vị các anh còn đủ quân số không?
- Dạ…
- Các anh hãy nói thật để tôi biết, không nên giấu giếm. Giấu giếm có tôi!
- Dạ, tôi là tiểu đoàn trưởng, tôi phải nói trước! … Thưa đồng chí chủ nhiệm Tổng Cục…
- Ấy đừng gọi tôi thế. Tôi chỉ là chiến sĩ Trường Sơn thôi.
- Dạ thưa đồng chí…
- Cũng không dạ thưa…
- Tôi phải báo cáo với đồng chí sự thực là đơn vị tôi còn già nửa quân số!
- Tại sao?
- Dạ, tại vì… lính trốn nhiều quá!
- Tôi, tiểu đoàn phó, xin bổ sung! – Một giọng khàn khàn tiếp theo – Thưa đồng chí, chúng tôi được đảng giao phó cho chỉ huy một tiểu đoàn bộ binh nhưng vào đến đây thì phải dừng lại chờ gạo. Không có gạo, núi non như thế này lại mang súng đạn, không trèo nổi. Trong lúc chờ gạo lính trốn khá đông.
- Bao nhiêu?
- Mười bảy chiến sĩ.
- Họ đi đâu?
- Họ trở về Hà Nội.
- Tại sao?
- Họ bảo đi nam không có tương lai… Dạ ngoài ra họ còn tự bắn vào đùi hoặc vào chân để có lý do nằm lại. Như đồng chí thấy trong hoạt cảnh…
- Đó là sự thực à?
- Vâng!
(Tôi thầm bảo: còn nhiều sự thực bi đát hơn, định xía vô câu chuyện nhưng chưa chưa kịp nói thì viên tiểu đoàn phó nói tiếp.)
- Họ còn tự sát nữa cơ!
- Có chuyện đó nữa cơ à?
- Dạ tôi đâu dám bịa tạc những chuyện tày trời như thế.
Ông Mặt Sắt thở dài rất to. Im lặng hồi lâu.
- Rồi các đồng chí giải quyết như thế nào?
- Dạ nếu có gạo thì mới giải quyết được, ngoài ra không có cách gì khác.
Anh giao liên lên tiếng sau khi nghe mọi chuyện của tiểu đoàn trưởng và tiểu đoàn phó.
- Họ đã từng đánh tôi, thưa đồng chí thủ trưởng!
- Vì sao?
- Tại vì tôi dắt họ đi lãnh gạo, đến kho thì quản kho không còn ở đó.
- Tại sao?
- Dạ không rõ. Còn khi thì không còn gạo. Chắc có lẽ đồng chí sợ bộ đội đánh.
- Tại sao?
- Dạ, giận cá chém thớt vậy thôi. Cũng có khi họ cho là quản kho giấu gạo để ăn riêng không phát. Họ giận lây họ đánh cả giao liên.
Lại tiếng thở dài.
- Này gọi Tư lệnh Nam Long cho tôi nói chuyện.
- Vâng!- Người thư ký dáp rồi gọi người chiến sĩ mang máy bồ-đàm tới (đây là loại tê-lê-phôn của nhà binh mang trên lưng, tôi không hiểu vì sao có cái tiếng bồ-đàm này. Cũng như cái bình thủy được gọi là cái “phuých” nước.)
Người chiến sĩ cầm ống gọi. Một chập, trao cho ông Mặt Sắt và nói:
- Dạ đây là Tư lệnh Nam Long, xin anh Sáu cho chỉ thị.
- Alô! Đồng chí Nam Long đấy hả… Tôi đang trên đường vào … Gạo nước thế nào? Không có đủ cũng phải kiếm cho đủ. Để các đơn vị khác thiếu cũng được. Riêng trên đường này không được thiếu. Chiến sĩ ở đây không có gạo. Giải phóng Miền Nam sẽ không thành công nêu không có gạo cho bộ đội ăn. À, thuốc men nữa… Không có thì chạy đi tìm. Hai tàu gạo…đồng chí cho bảo vệ thế nào lại bị đánh chìm thế hở…? Hừ, thì phản lực nhanh nhưng nếu ta có pháo phòng không giữ kỹ thì nó đâu có đến được… Núi Quyết nữa cơ à? Có thiệt hại gì không? tốt lắm. Tôi nhắc lại: Gạo và thuốc men cho đường này ưu tiên một nghe không?…
Tôi phải vào…chưa biết chừng nào mới đến… Tưởng là đi xe suốt, nhưng vào đến đây, đường bị phá không đi xe được. Cố gắng nhé. Tôi còn nằm ở đây… Chưa biết bao lâu!..
Ông Mặt Sắt đưa ống nói cho anh chiến sĩ và nói với các người khác:
- Cảm ơn! Các đồng chí về nghỉ, mai đến gặp tôi.