Books had instant replay long before televised sports.

Bern Williams

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Thanh Hoa
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2256 / 36
Cập nhật: 2015-09-09 10:15:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
ảy giờ tối thứ hai. Định và Lan sửa soạn vừa xong để đi ăn cơm thì thấy chiếc trắc xông mà Lan đã thấy rồi, với lại người lái xe quen mặt, đậu lại trước cửa nhà chàng.
Định làm bộ nói:
- Nguy mất rồi Lan ơi, chắc dưới bến tàu có hàng hóa gì và cần thương lượng cấp bách nên thằng nầy nó mới tới gọi anh đây. Thôi thì em chịu phiền đi ăn cơm một mình, anh sẽ tạ lỗi với em về sau, em bắt anh lạy mấy trăm lạy anh cũng sẽ sẵn lòng lạy em hết.
Chàng vốn biết không có cái bữa ăn tối nay, nhưng không biết nói làm sao với Lan nên đi ăn cơm nơi nào, đợi người nầy đến để có cớ mà rứt.
Nói xong, chàng ôm đầu Lan rồi hôn lên tóc nàng rất dài. Lan thất vọng và buồn hiu. Càng hơi ngạc nhiên và nghe hình như có một tiếng nấc nhẹ rớt lại nơi buồng khách, khi Định bước ra khỏi cửa.
Định chạy vòng trước đầu xe để leo lên từ cửa bên kia, và trước khi hụp xuống, chàng vẫy tay như một du khách làm hiệu giã biệt người tiễn đưa.
Cửa xe đóng lại kêu một cái hụp thì chiếc trắc xông vọt liền.
Họ còn ghé một nơi kia để Định bỏ sơ mi trắng đứng đắn mà chàng thường mặc, thay vào đó một chiếc áo sơ mi bông lập thể, đeo vào mũi một cặp kiếng đen, và gắn lên môi một bộ râu giả.
Chàng phải tới sớm hơn ông Mạnh, nhưng không được để cho Liên nhận ra chàng vì Liên có thể ái ngại rồi đuổi ông Mạnh đi ngay thì hỏng cả.
Quả nhiên mười phút sau đó, người nữ thu ngân viên của vũ trường Eldorado không nhận diện được chàng. Liên vốn không hay quan sát khách, chỉ thấy thoáng qua những người ngồi gần mà thôi, mà Định đã trá hình thì không sao có thể bị lộ chơn tướng đối với nàng.
Người "bạn" của Định cấm chàng uống nước cam. Chàng phải nhờ một thứ rượu vừa đủ sức để lên tinh thần mà không quá sức để làm chàng run tay, và chàng chọn Suze.
Bấy giờ mới có tám giờ hơn mà ông Mạnh, cứ theo người "bạn" nầy thì đến sớm nào cũng tới 9 giờ rưỡi mới có mặt. Họ phải tới sớm để đề phòng mọi bất trắc chẳng hạn, vì giấc khuya ông ta bận gì, nên đổi chương trình đi chơi sớm hơn chăng?
Định bực mình. Chàng muốn được ra tay phứt đi cho xong cái nợ đời, chớ phải chờ đợi, trong sự hồi hộp như thế nầy thì giống như bị treo lơ lửng giữa không trung bằng một sợi chỉ mong manh.
Chàng nóng nảy và sốt ruột trông thấy, khiến người "bạn" của chàng phải can:
- Nên bình tĩnh. Anh nhìn tôi, tôi nói chuyện anh nghe, chớ anh hết dòm người nầy tới người khác, run đùi không ngớt, thiên hạ chú ý thì không hay chút nào.
- Ừ, anh kể một câu chuyện gì cho hay nghe chơi. Tôi chỉ muốn quên những giờ phút bứt rứt nầy thôi.
Định rất lo ông Mạnh không đến. Nếu thế, tối mai chàng sẽ ra đi như thế nầy nữa và chắc Lan nó nghi nó không để yên cho chàng đi như đêm nay đâu mà nó chưa kịp phản ứng.
- Nè anh biết hay không, người bạn nói, các nước họ tuyển mộ điệp viên toàn ở các hộp đêm không mà thôi.
- Vậy à? Sao lạ vậy?
- Có gì đâu mà lạ. Chẳng hạn anh có phận sự tuyển mộ điệp viên cho nước Ba Tư, anh vào các nơi như vầy một thời gian là anh biết thằng nào không xu mà thích ăn chơi. Thế là anh móc nối, và dính chắc chắn.
- Ờ... ờ... tôi hiểu rồi. Thì ra công việc của tôi không phải chỉ nhằm mục đích loại trừ hạm.
- Không, anh có dính với cơ quan phản gián.
- Ạ... à... à... tôi thật là một thằng mù, làm việc mà không biết rằng mình làm gì.
- Điều đó cũng chẳng lạ...
- Không. Chỉ có bọn ít xu mà ăn chơi mới nguy hiểm cho quốc gia thôi. Mấy ông triệu phú chỉ nguy hiểm cho vợ các ổng.
- Thật ra thì cũng không nguy hiểm được. Các bà vợ của triệu phú, bà nào cũng kiểm soát tiền bạc của chồng thật chặt chẽ, các ổng có nhảy dù, cũng không làm cho hụt bao nhiêu.
Tôi biết có một bà vợ ông triệu phú kia thuở hai vợ chồng còn nghèo, bả cho ổng có mèo thả cửa. Nhưng chừng ổng bả có gió rồi, thì bả phát tiền hớt tóc, tiền cà phê cho ổng.
Ổng không có quyền xê dịch bằng phương tiện nào khác hơn là xe nhà mà người tài xế là cháu ruột của bả.
- Ừ, cũng có trường hợp ấy.
- "Cũng" sao được! Thường thì như vậy. Nhưng nam phái ta luôn thắng anh à. Ông ấy vẫn có vợ bé được như thường, có con với bà nhỏ ấy, và mãi tới khi đứa con ấy được năm tuổi, bà lớn mới hay. Bọn đàn ông chúng ta tài số dách.
Cả hai cười xòa, và người bạn phụ họa:
- Ừ, dầu sao đàn ông cũng lãnh đạo mọi ngành thì các bả đâu có qua mặt ta được, chỉ trừ...
-... bà cố của chúng ta.
Đôi bạn lại cười ngả nghiêng ngả ngửa.
Thình lình Định im lặng. Chàng thấy ông Mạnh đằng kia. Ông ta chỉ mới vào thôi và còn bận "rua" các bạn quen.
Người "bạn" của Định rất kinh nghiệm, cứ ngồi tự nhiên không buồn quay lại, mặc dầu hắn đã biết ông Mạnh vào rồi.
Hắn hạ giọng mà rằng:
- Anh nhìn ông ta làm gì? Cứ nghiền ngẫm công việc của anh đi, kẻo lát nữa xúc động, bối rối rồi hỏng bét.
Lần đầu tiên, Định liếc nhìn Liên. Nàng đẹp hơn bao giờ cả và buồn bã vô hạn, nàng chơi với cây bút chì nguyên tử bằng hai tay, đặt trên mặt quầy.
Tim Định đập thình thình vì giờ nghiêm trọng đã sắp đến.
Chàng chợt thấy rằng kế hoạch của thượng cấp của chàng vẫn còn chỗ hở chớ chưa hết. Đáng lý gì nãy giờ chàng phải thăm Liên cho người ta thấy. Sau án mạng, khách họ sẽ rút êm đi hết, nhưng nhơn viên có thể bị gọi làm chứng.
Chàng không tỏ ra quen lớn với Liên thì ghen cái nỗi gì? Nếu người điều tra mà tế nhị, lục lạo ở cái điểm đó thì rắc rối lắm. Quả chàng có tán tỉnh Liên mấy tháng trước, nhưng ai mà còn nhớ. Cái điều rõ ràng là đêm nay, chàng không hề chào Liên một tiếng, nghĩa là không quen, nhưng lại ghen đến bắn tình địch. Cái mới khó tin.
Trên sàn người ta đang nhảy một điệu TĂNG-GÔ, chỉ leo heo có mấy cặp, vì đêm nay là đêm đầu tuần.
Hồi hộp quá nếu không khí nhộn hơn, chắc chàng lên tinh thần hơn.
Định bước lại đứng sát ông Mạnh rồi lấn ông ta một cái thật mạnh, nhưng vì chàng bé người, nên ông ta không trôi. Chàng nói giọng anh chị đứng bến:
- Xê ra thằng già dê. À, cô Liên xin kính chào.
Cả hai ông, Mạnh và Liên đều ngạc nhiên, trố mắt hả miệng mà nhìn người lạ mặt đối với ông Mạnh người khách mong đợi, nhưng lại đến không phải lúc đối với Liên.
Thấy ông Mạnh không phản ứng, chàng sừng sộ hỏi:
- Mầy không dang ra hả thằng già dịch?
Ông Mạnh bấy giờ mới nói được:
- Anh kia, anh đã biết vào giải trí ở đây mà lại còn tác phong côn đồ. Anh xin lỗi tôi hay không?
- Ai thèm xin lỗi thằng mọc sừng.
Tức thì chàng bị một tát tai như trời giáng. Chàng vừa ôm má, vừa chạy đi, và thấy người "bạn" của chàng đứng dậy rồi, day lại mà nhìn cái xì căn đan mà chàng gây ra.
Chàng hành động đúng y theo chương trình, chỉ có khác là người "bạn" chàng có phản ứng, hắn làm bộ kêu lên, can gián và rượt theo để cướp súng lại. Chắc hắn đã nghiên cứu chương trình giả tạo nầy sẵn trước.
Ba kẻ nầy không nghe gì cả, vì vũ trường có máy lạnh và đóng cửa kiếng lại thì lựu đạn nổ trong ấy, bên ngoài cũng chẳng hay.
Định thọc súng vào túi quần, đi ra tự nhiên như một người khách về sớm.
Chàng đi ban đầu chậm, sau thì nhanh chơn lần lần, rồi quẹo tay trái. Bây giờ mà chàng chạy thì hay lắm. Đằng kia lại có ngã tư, chàng quẹo lần thứ nhì nữa thì mất dạng. Thiên hạ có tỉnh hồn báo động cho cảnh sát viên rượt theo cũng không tìm chàng được.
Định có ý muốn chạy trốn luôn, nhưng chạy được một đỗi, chàng thấy là bậy. Không làm sao mà trốn thoát được cả, nên thượng cấp của chàng mới căn dặn chàng nạp mình.
Với lại sự nạp mình, là sự kiện không phải chịu tội nặng nề, sẽ làm cho phe ông Mạnh sợ hãi vì họ thấy rằng đối phương không ám sát (ám sát họ không sợ vì họ trốn được) mà hạ sát công khai dễ dàng quá, không phải hy sinh gì cho lắm. Thế nên rồi chàng bước chậm rãi trở lại, đi thẳng tới bót cảnh sát gần đó nhứt.
Trong vũ trường có hai phụ nữ ngất đi: cô thu ngân viên và một cô vũ nữ mới ra nghề, chưa hề thấy các tay yêng hùng đánh nhau lần nào mà lại chứng kiến ngay một cuộc đổ máu rùng rợn.
Các vũ nữ khác ôm nhau và kêu rú lên, còn khách đàn ông thì chết sững, không cử động, không nói năng.
Gần năm phút sau, người quản lý mới dám chạy xuống lầu để báo động cho cảnh sát viên gác cửa.
Khách chơi, những người nhát gan, rút êm đi hết, những người muốn quỵt tiền nước cũng vậy, vì không ai bận tâm tới việc đòi tiền họ. Chỉ còn lại mấy người can đảm hiếm hoi và bạn hữu của ông Mạnh, họ bu quanh xác chết đang nằm trên nhiều vũng máu.
Khi người "bạn" của Định xuống tới đường để cùng đi đến bót cảnh sát để trình diện thì y nghe tiếng còi của xe cứu thương. Ông cảnh sát viên gác ở đây có lẽ đã gọi xe nầy bằng điện thoại của vũ trường. Nhưng đó chỉ là một công việc thủ tục lấy lệ, vì ông Mạnh chỉ còn được đưa vào nhà xác Chí Hòa để pháp y khám nghiệm tử thi mà thôi.
Trong khi đó thì người quản lý, một mặt chụp trước kết tiền của Liên và giao lại liền cho một nhơn viên đàn ông thay thế, một mặt lo cứu cấp cho người thu ngân viên bằng cách cạy miệng nàng đổ vào trong đó vài thìa cổ nhác thuần chất.
Ả vũ nữ được chị tài phán chăm lo, xe cứu thương khiêng cái xác đi trong một trận kêu rú lần thứ nhì của các nàng tiên.
Bồi bàn được huy động để rửa máu trên gạch lập tức, và may mắn cho vũ trường là máu không bắn ra tới sàn gỗ nên dễ dọn dẹp dấu vết lắm.
Không biết ai điều khiển bao nhiêu công việc ấy và kẻ đó hẳn phải rất lạnh nơi cái đầu. Đó là thái độ đúng nhứt phải theo, bởi khách nhơn chứng rút lui vì sợ hãi, vì muốn quỵt tiền, thì khách khác, khách giấc khuya, còn đông hơn nữa, cứ vào như thường, và không hay biết gì, họ vui chơi được như thường.
Đó cũng là cái nét đặc điểm của đời sống đô thị, một quả lựu đạn nổ ngoài phố, hai ba mươi người chết, nhưng năm phút sau khi các xác người được chở đi hết rồi thì đám đông cứ đi qua đó làm như trước đó ba trăm giây đồng hồ, không có tấm thảm kịch nào xảy ra hết.
Y như là kiến. Một con kiến bị chà đạp, đàn kiến cứ lướt qua, thờ ơ, như một sự kiện như thế không đáng kể.
Khi Liên tỉnh dậy, nàng ngơ ngác nhìn quanh nàng, rồi chợt tỉnh hẳn, nàng hoảng hốt lên, kêu la bài hãi và bụm mặt lại.
Người quản lý dỗ ngọt:
- Không có gì đâu, cô nên bình tĩnh để tôi gọi xe cho người đưa cô về nhà cô, để tránh cuộc điều tra cấp bách, nếu có, trong lúc cô đang khủng hoảng tinh thần. Với lại cô không nên làm gì cho khách mới vô họ mất bình yên.
Liên khủng hoảng tinh thần thật, thưng nàng cũng cố tự trấn tĩnh, ngồi trên gạch mà làm thinh, đợi người ta kín đáo giúp nàng xuống lầu, lên xe tắc xi trong lặng lẽ, vì nàng như hóa câm rồi.
Sự sảng hoàng đã lên tới cực độ nơi nàng, sau tiếng súng đầu, nàng ngất đi sau tiếng súng thứ nhì, không thấy kết cuộc, không biết nạn nhân sống hay chết. Nàng không thương yêu gì kẻ bị giết mà cũng chưa kịp lo sợ giùm kẻ sát nhân mà chỉ sảng hoàng vì chuyện đổ máu mà thôi.
Một tiếng đồng hồ sau, nhơn viên có phận sự điều tra sơ khởi, vào vũ trường Eldorado và chỉ có viên quản lý là phải trả lời.
Mấy cô chiêu đãi viên của bar đã thôi hết từ lâu rồi vì bar không có khách, người quản lý sợ các nhơn viên khai lôi thôi, nên y hỏi cho biết mọi việc rồi y căn dặn tất cả mọi người đều chối không nghe thấy gì, một mình y nhận đã chứng kiến mọi việc từ đầu đến cuối, do sự tình cờ y có mặt gần đó, lúc xảy ra án mạng.
Nhân viên điều tra hỏi:
- Còn nhơn chứng chính là cô thu ngân viên ấy ở đâu?
- Dạ, cô ấy ngất đi, và chúng tôi cho xe đưa cô ấy về nhà cô.
- Cho biết địa chỉ.
- 418 Trần Nhật Duật.
- Liệu cô ấy sẽ trốn đi hay không?
- Dạ không, cô ấy có tội lỗi gì mà trốn. Đàn ông họ giành gái lộn xộn với nhau là chuyện thường.
- Nhưng trong trường hợp nầy, họ không chỉ xách vỏ chai băm ba đập lên đầu nhau, mà có đổ máu, có giết người.
- Thì đó cũng chỉ là một độ cao hơn của một cuộc giành gái mà thôi.
- Cô ấy có chồng hay không?
- Dạ góa chồng.
- Hừ! Góa chồng. Hạnh kiểm thế rào?
- Dạ, không có chỗ chê.
- Nhưng đàn ông lại bắn nhau vì cô ấy!
- Dạ cô ấy đẹp lắm thì họ tán tỉnh là sự thường. Kẻ giết người vì ghen, không có nghĩa là cô ấy lẳng lơ. Vì phép lịch sự, cô ấy phải vui vẻ với mọi người, họ làm xằng là tại họ.
- Chú có vẻ binh vực cô ấy lắm.
- Thôi tôi xin không nói về cô ấy nữa.
- Không có ai can thiệp để bắt kẻ sát nhơn hay sao? Sao không gọi cảnh sát viên dưới nhà?
- Dạ, hắn chĩa súng ra yêu cầu thiên hạ để yên cho hắn nạp mình. Vả lại, ai cũng sảng hoàng hết, chết điếng, không kịp phản ứng.
- Chỗ nầy mần ăn lôi thôi, phải đóng cửa mới được.
Người quản lý không cãi, vì y biết cãi vô ích. Đóng cửa hay không, do tòa Đô Chánh chớ không phải mấy ông nầy.
Mấy ông điều tra viên vẽ bản đồ nơi xảy ra án mạng, có đo đàng hoàng như cảnh sát công lộ chuẩn bị làm biên bản cho một tai nạn ô tô.
Xong đâu đó, họ gọi tất cả nhơn viên ở đây để lấy lời khai, và tất cả điều khai như nhau là họ bận chỉ chú ý đến người khách mà họ đang phục dịch, ngoài ra họ không còn biết trời đất gì nữa cả.
Mà quả đúng như vậy. Chỉ có cô em ca ve mới vào nghề là hay dòm ngó và đã thấy mà thôi, vì cô ta chưa quen với những trò xảy ra trong các hộp đêm, các chốn ăn chơi mới tò mò như vậy. Nhưng cô ta cũng đã được đưa về nhà mất rồi, sau khi cô ta tỉnh lại.
Có lẽ mai, cô ta sẽ được yêu cầu nghỉ việc trong một thời gian ngắn, kẻo việc điều tra mà tái diễn, cô ta bị hù, hoảng hốt, khai bậy bạ thì phiền ghê lắm.
Những khách chơi, được lễ phép hỏi sơ, nhưng họ đều ngơ ngác. Có một bàn tuổi trẻ, bàn nầy ngồi lỳ từ đầu đến cuối. Họ không thấy gì trước khi súng nổ, nhưng có thấy họ cũng chối. Họ khai rằng họ mới vào, nên cũng ăn trớt.
Trước khi ra về, mấy ông lại hỏi người quản lý lần chót:
- Chú liệu cô ấy không trốn thật chớ?
Chú nầy là người Trung Hoa liền nói:
- Thưa quí ông, đến đàn ông còn không trốn, huống hồ gì đàn bà. Vả lại, cô ấy có ăn học, biết pháp luật, dại gì mà trốn cho khổ thân. Cô ấy có đóng ký quỹ hằng trăm ngàn mới được làm thu ngân viên, trốn thì mất tiền hết hay sao.
Họ gục gặc đầu rồi ra về.
° ° °
Lan qua một đêm không ngủ thứ nhì trong đời nàng.
Đêm thứ nhứt xảy ra ngày mà nàng nghe dấu hiệu thọ thai. Con gái nước ta ngày nay, tuy không được chính thức giáo dục sinh lý, nhưng vẫn thạo mọi khía cạnh của vấn đề ấy, nhờ các sách và các bài báo phổ thông y học, và nhờ họ cởi mở với nhau, người có kinh nghiệm truyền cho người hoàn toàn dốt, những gì họ biết.
Thành thử Lan thấy những dấu hiệu tiên phong là không còn ngờ gì nữa cả. Sự hoảng hốt của nàng suýt đưa nàng tới chỗ quyên sinh.
Nhưng nàng qua được cơn khủng hoảng và tuần lễ sau, Liên mới thấy được dấu hiệu ấy tra gạn nàng, nàng mới thú nhận một phần sự thật là nàng đã có thai có lẽ được ba tháng rồi.
Đêm nay Lan nóng nảy cho đến giờ giới nghiêm, cứ muốn đi tìm Định rồi lại thôi. Nàng suy luận rằng Định hẳn phải có nhơn tình, chớ không phải là đi giải trí ở các hộp đêm mà tìm cho mất công.
Nàng qua đủ các thứ tình, nổi giận, ghen, hờn, đau, tủi. "Thật là không may cho mình, nàng than thầm, nhè ngày mình bạo gan thoát ly gia đình thì anh ấy lại đâm ra chán mình. Nếu biết thế, mình đã cam phận, bởi đã có kinh nghiệm bạn bè truyền cho, mình biết nam phái ít có kẻ yêu bền. Mình không trách Định đâu, nhưng anh lại ác vì vô tình giả dối làm chi cho mình phải chịu cảnh tiến thoái lưỡng nan như thế nầy".
Tuy nhiên, đã trót dấn thân vào ngõ bí, Lan quyết định bảo vệ hạnh phúc của nàng, bằng đủ mọi thứ chiến thuật, chừng nào đại bại sẽ hay. Nàng sẽ vừa nhỏ nhoi với Định, chinh phục chàng bằng săn sóc, bằng âu yếm, vừa hung dữ quyết liệt, hễ chiến thuật nào "ăn tiền" thì nàng đẩy mạnh cuộc chiến đấu cam go bằng chiến thuật ấy.
Giờ giới nghiêm đã qua bốn mươi phút rồi. Bây giờ thì Định có cánh mới bay về nhà được, nên Lan giận đùng đùng, ngồi dậy, đi ra đi vào, quyết ngày mai xé xác Định nàng mới hả cơn tức cho. Cái thuật nhỏ nhoi để phối hợp với các chiến thuật cứng rắn, mới nghĩ khi nãy đây, giờ nàng quyết không thèm dùng nữa.
Lan đã nghe mình là một người vợ, mặc dầu chỉ mới tới đây ở có ba ngày, mà chỉ có sự ưng thuận miễn cưỡng của chủ nhà. Mà một người vợ thì có quyền, đủ thứ quyền, quyền chính thức ghen, quyền làm tình làm tội anh chồng khi anh ta đào ngũ gia đình ban đêm, quyền cầm tù anh ta từ đây.
Nàng sẽ sử dụng tất cả mọi thứ quyền ấy, cho đến khi nào Định liều mạng, trở ngón du côn sẽ hay. Lan không thuộc loại gái đa cảm, khóc thầm và hờn mát. Nàng thực tế và biết rằng nước mắt của người vợ chỉ có hiệu quả đối với người đàn ông nhỏ mà thôi, còn thì phải có một bàn tay sắt mới trị các ông được.
Tuy nhiên, không vì quyết định trên đây mà nàng an tâm đi ngủ được. Nàng đã yêu. Mà hễ yêu thì đau khổ khi nàng tưởng tượng chồng nàng đang âu yếm "một con đĩ chó" nào đó, giờ phút nầy đây. Vâng, tất cả những cô gái khác đối với một người vợ ghen, đều là những "con đĩ chó" tuốt hết.
Như thế, người vợ đau khổ nầy làm sao mà nhắm mắt cho được!
Người đàn bà mau già hơn người đàn ông, vì sinh nở, vì nuôi con, vì cực khổ với công việc nội trợ, mà chắc cũng vì những đêm không ngủ như thế nầy. Trong đời vợ chồng, một bà vợ của một ông chồng bê bối, trung bình, chớ không thuộc hạng đại lêu lỏng ít ra cũng đã phải thức trắng đêm lối sáu bảy chục lần như thế nầy.
Thật là tổn thọ!
Đã thế mà hồi hừng đông, lúc chuông nhà thờ đang đổ, Lan lại bị một tiếng sét bên tai.
Số là thình lình nàng nghe gõ cửa lia lịa. Nàng đinh ninh rằng Định về, vừa mừng, vừa giận vội chạy ra mở cửa để mần chàng một trận cho chàng biết tay, nhưng nàng chưng hửng vì thấy cái người quen mặt hổm nay.
Người ấy chào nàng rồi hỏi:
- Xin lỗi, có phải cô là cô Lan hay không?
- Ừ, anh muốn gì? Chồng tôi đâu?
- Khoan. Cô hãy nghe tôi căn dặn những điều cấp bách nầy. Nếu có nhà nước chức trách đến đây để điều tra chuyện gì...
- Chuyện gì?
- Cô hãy nghe tôi nói cái đã, hễ có thì cô nên khai cô là em họ anh Định, đến thăm anh ấy, thấy cửa không khóa cô vào ngồi đợi. Đó là ban ngày, Còn ban đêm chắc họ không đến đâu. Nhưng tôi cũng dặn phòng hờ vậy thôi, chớ chắc sẽ không ai đến cả.
Lan bắt đầu lo lắng, quên mất giận, hỏi:
- Chuyện gì vậy, anh có biết hay không?
- Cô nên bình tĩnh mà nghe cái nầy. Đêm rồi trong một cơn giận, anh Định đã bắn chết một người, và anh ấy đã tới bót nộp mạng mình hồi hôm rồi.
- Trời!
Lan kêu lên một tiếng rồi bủn rủn tay chân, nàng té ngồi xuống một cái ghế sa lông mồ hôi nàng nhỏ giọt.
Nàng ôm lấy đầu rên rỉ:
- Trời ơi! Chết tôi rồi! Chết anh Định rồi.
Thương ai không bằng thương mình. Lan nghĩ đến nàng trước rồi mới nghĩ đến Định, qua lời kêu than ấy.
Người khách báo tin dữ lại nói:
- Chiếc xe nầy để đây sẽ mất, bởi không chắc cô ở đây mãi để giữ nhà giữ cửa cho anh ấy. Tôi là bạn của anh ấy cô đã biết, khỏi phải chứng tỏ gì nữa. Tôi lấy xe hơi tôi cất, ngày sau anh ấy ra, tôi sẽ trả lại.
Lan không ừ hử gì hết, mắt trông vào khoảng không, đi vắng từ lâu rồi. Người ấy cũng chẳng thèm đợi ý kiến của nàng, cứ ra mở cửa xe rồ máy rồi dông đi.
Lúc giao râu giả cho người nầy cất, Định đã giao luôn chìa khóa xe cho y.
Số xe nầy lát nữa đây, sẽ được gỡ, được thay vào số ẩn tế, sung vào kho xe của sở. Nhưng Định đã được đền bù rồi thì không có gì không ổn trong vụ cướp xe nầy, nói là cướp xe thì đúng hơn.
Lan chết lặng như vậy mãi cho tới lúc ngoài kia trời sáng trưng, nàng mới đi vào trong, nằm lăn ra mà khóc.
Trận khóc của nàng chia ra làm hai giai đoạn. Trong tiếng đồng hồ đầu, nàng khóc thương phận mình, thật là phận bạc, gặp ngay trong đầu đường đời với ông Mạnh, giờ làm lại cuộc đời, cũng gặp rủi ngay trên bước thứ nhứt.
Sau đó, nàng khóc thương bạn khi nhớ lại mấy ngày yêu đương cuối cùng. Nàng hối hận lắm và đã nghi oan cho Định lúc nổi giận. Không, người đã yêu nàng nồng nàn như mấy ngày rày không thể là người đã chán nàng và đang có nhơn tình.
Lan hơi hơi nghĩ rằng Định có toan tính việc giết người nầy, hay ít ra linh tính của chàng đã báo trước cho chàng biết cái gì, bằng những lời nói khó hiểu của chàng mỗi khi chàng khuyên nàng nên về với Liên.
Bây giờ phải làm gì đây? Tính sao đây? Đã hơn tám giờ sáng rồi mà Lan vẫn còn nằm đó, đầu cổ chôm bôm, mặt nàng bơ phờ mệt nhọc vì một đêm không ngủ và nửa giờ đồng hồ xúc động mãnh liệt.
Nàng đã thôi khóc rồi, nhưng vẫn cứ nằm đó cho đến không biết tới chừng nào.
° ° °
Đêm rồi cũng là đêm không ngủ của Liên, cũng như đó là đêm không ngủ của không biết bao nhiêu người trong đô thành, của Định, của vợ con ông Mạnh, và của ông chủ vũ trường, ông ta lo bị đóng cửa, một đêm không mở cửa là một đêm mất lời cả vạn bạc chớ ít ỏi gì đâu.
Về tới nhà, nằm cả tiếng đồng hồ rồi mà Liên cứ sảng hoàng như vừa qua một cơn ác mộng.
Nếu đó chỉ là cuộc chém giết nhau giữa hai người đàn ông thường, có lẽ nàng đã tiếp tục làm việc được sau khi tỉnh dậy, nhưng kẻ phạm tội là người nàng nhớ thương, mong từ bao lâu nay.
Hy vọng của nàng tuy rất mong manh, nhưng vẫn hy vọng được hoài, giờ thì thật là hết rồi.
Người thường, như bạn, như tôi, như Liên, không thể nào biết được những khúc mắc của pháp luật, là cứ đinh ninh rằng hễ giết người là phải chịu tử hình, hoặc chung thân khổ sai. Nên chi, Liên thấy rằng hy vọng của nàng đã tiêu tan không còn gì mà mong mỏi nữa.
Ban đầu, lúc về tới nhà xem lại chi tiết của khúc phim nghẹt thở ấy, nàng nhớ đã bất bình trước tác phong du đãng hạ cấp của Định. Trong giây phút nàng khinh con người ấy mà nàng không dè thô lỗ đến thế.
Nhưng giờ nghĩ lại, nàng đã tha thứ cho Định được rồi. Khi một người con trai ít kinh nghiệm mà ghen thì hắn điên tiết lên như vậy, không còn biết lễ độ gì nữa cả.
Và chao ôi, nàng sung sướng không biết bao nhiêu mà ngỡ biết được rằng Định đã yêu nàng. Vâng, nếu chàng không yêu nàng, yêu đến điên dại, thì không thể nào mà chàng đi tới cái nước liều lĩnh đến thế kia? Nhưng mỉa mai thay, đã muộn rồi!
Giờ thì hai người chỉ biết ôm mối tình của họ, mỗi người một nơi, để khóc cho tới lúc đầu bạc răng long, nếu may ra Định thoát khỏi đoạn đầu đài.
Liên ngạc nhiên tự hỏi Định bị ngăn trở gì, gió nào bắt mưa nào cầm, mà từ bấy lâu nay chàng bặt tin luôn, rồi vừa trở lại là nổi ghen đùng đùng.
"Hay là chàng ở tù mới ra? Vâng, rất có thể lắm, Liên tự bảo như vậy. Đời bây giờ các cậu ngang ngược, dám đánh người ta lỗ đầu, sặc máu mũi và ngồi tù mấy tháng là sự thường. Chàng cũng có thể làm chợ đen, chợ đỏ gì, hoặc chính trị, chính triết gì cũng nên. Vâng, chỉ có vì vậy mà con người yêu mình thật nhiều nầy mới không trở lại vũ trường Eldorado từ ấy những nay mà thôi".
Liên nghe một mơn trớn dụi nhẹ nơi lòng trước những suy tư trên đây, rồi càng đau không biết bao nhiêu. Cũng như Lan, nàng thấy phận nàng bạc quá, được một người con trai như vậy yêu tới mức cao độ, nhưng rồi chẳng đi tới đâu cả.
Liên cũng khóc suốt mấy tiếng đồng hồ, rồi cũng trằn trọc một đêm. Nàng không còn nghĩ Lan đến ở với Định nữa, bởi Định đã yêu nàng đến thế, thì không thể nhận Lan. Có lẽ đêm nay, chàng tới để nối lại mối dây lòng mấy tháng trước, nhưng gặp bạn, thì chuyện không may xảy ra.
Sáng ra, đầu cổ Liên cũng chôm bôm, gương mặt nàng cũng bơ phờ, hốc hác y như Lan và nàng ngủ lại được, mặc dầu cơn khủng hoảng đã dịu rồi. Đói quá bữa như nghe no, mà thức quá canh cũng hết buồn ngủ.
Hồi tám giờ sáng, nàng vừa sai chị bếp đi mua cà phê sữa, vì nàng thấy hễ thức luôn thì phải tỉnh táo, thì có ai gọi cửa ở ngoài trước. Chị bếp chạy ra rồi hai phút sau, hớt hơ, hớt hải trở vô với một mảnh giấy nhỏ. Chị ta hổn hển nói:
- Cô ơi lính! Có giấy đòi cô đây nè!
- Không có gì, chị cứ đi mua cà phê cho tôi. Họ đã đi rồi, hay còn muốn hỏi gì thêm.
- Dạ, họ đi rồi.
Liên vội đi rửa mặt, rồi trang điểm sơ sài vừa xong, thì cà phê về. Nàng uống hết ly cà phê sữa, mặc áo vào thì đã nghe hơi tỉnh, rồi bớt uể oải và nghe sự đi đứng không khó nhọc, không ngao ngán như trước nữa.
Giấy gọi nàng phải có mặt tại Tổng Nha Cảnh Sát Công An hồi chín giờ, mà bây giờ đã tám giờ rưỡi rồi, đi là vừa, nên nàng dặn chị bếp đi chợ nên về cho lẹ, bởi cửa khóa bên ngoài không được bảo đảm lắm, đoạn ra đi trước chị ấy.
Tới nơi, trình giấy để vào cửa. Liên ngồi tại phòng chờ mà đợi cho tới mười giờ mới được gọi.
Điều tra viên là người đàn ông trạc bốn mươi, nước da ngâm ngâm, không râu, nói giọng Nam, nhưng còn pha giọng Bắc, chắc ông ấy gốc người miền Bắc, nhưng đã vào đây ít lắm cũng trên hai mươi năm rồi.
Nàng được mời ngồi trên chiếc ghế để trước bàn giấy của ông ta, rồi phải thêm một hồi lâu nữa, mới được hỏi cung. Sau những câu hỏi cổ điển thường lệ, tên họ, tuổi tác, nhà cửa, cha mẹ, chồng con, ông ấy khởi sự lấy lời khai chính:
- Cô vui lòng cho biết tính cách sự quen biết giữa cô và ông Nguyễn Văn Mạnh.
- Ông Nguyễn Văn Mạnh có phải chăng là ông Mạnh bị nạn đêm rồi, thưa ông? Tôi chỉ biết tên ông ấy chớ không biết họ.
- Vâng, đúng là ông ấy.
- Ông Mạnh hình như là khách quen của vũ trường từ lâu, còn tôi chỉ vào làm hai năm nay thôi, và chỉ mới quen với ông ấy từ một năm nay thôi.
- Quen nhau trong trườg hợp nào và sự thân thiết đến độ nào?
- Một người quen chung, ông Lê Văn Cầu, nhà xuất bản mễ cốc, giới thiệu chúng tôi với nhau, năm ngoái, ngày tháng nào không nhớ, trước quầy thu tiền của tôi.
Cũng chỉ quen vậy thôi, ông ấy có lẽ vào giải trí thường, nhưng vài ba tháng ông ấy mới tới chào tôi một lần.
- Lần nầy cũng vậy?
- Không, suốt nửa tháng nay, đêm nào ông ấy cũng cà rà trước quầy thâu tiền của tôi.
- Để nói gì?
- Có lẽ ông ấy tán tỉnh tôi.
- Cô đón nhận những lời tán tỉnh của ông ấy bằng cách nào?
- Vì ông ấy biết lịch sự, nên tôi cũng lịch sự lại, chỉ có thế thôi.
- Không hề có tỏ tình.
- Không.
- Giờ tới ông yên hùng oắt con Trần Văn Định. Ông ấy quen với cô từ bao lâu rồi, trong trường hợp nào và sự thân thiết đến đâu?
- Ông ấy tự nhiên đến tán tỉnh tôi chớ không được ai giới thiệu hết, chuyện ấy đã xảy ra bốn tháng rồi.
- Và cô đón nhận thế nào?
- Cũng lịch sự thôi vì ông ấy cũng lịch sự.
- Không hề tỏ tình.
- Không.
- Cô không khuyến khích ông ta?
- Không.
- Thế thì thật là lạ. Chỉ có một thằng điên mới ghen như vậy. Đâu cô kể đầu đuôi câu chuyện xảy ra đêm rồi thử xem.
Người nhơn chứng quan trọng nầy còn thấy ít hơn là viên quản lý nữa, vì cô ta ngất đi sau tiếng súng đầu. Nhưng những lời cô ta khai phù hợp với lời khai của Định, của người công an viên uống rượu với Định, và viên quản lý vũ trường.
Thế nên người điều tra viên tạm ngưng lấy lời khai, căn dặn Liên ở lại độ nửa tiếng đồng hồ để ký tên lên bản đánh máy lời khai của nàng, và căn dặn nàng phải luôn luôn sẵn sàng để trở lại nữa, nếu được giấy gọi, sẵn sàng đi hầu biện lý sau nầy, và sẵn sàng hầu tòa, ngày xử án.
Liên ra về hồi mười một giờ mười lăm.
° ° °
Lan chưa biết nàng phải làm gì, nhưng nàng quyết nằm lỳ tại nhà nầy. Chủ phố chắc không hay biết gì, nhưng nếu họ có biết, đến đây nàng sẽ nói láo là nàng đã có hôn thú với Định, có tên trong tờ khai gia đình, tức nàng có quyền tiếp tục ở đây thì họ phải nhượng bộ vậy.
Nàng nằm đó cho tới mười giờ trưa thì khóa cửa lại đi một vòng, không thăm bạn hữu nữa, cũng chẳng mua sắm gì, đoạn ghé một hiệu thực phẩm tại đường Lê Lợi, mua hai ổ bánh mì và bốn hộp thịt, định nằm nhà luôn hai ba ngày để nghiền ngẫm về tương lai của mình.
Lan về nhà, ăn trưa rồi đánh một giấc để bù đêm trắng vừa qua. Nàng dậy hồi bốn giờ chiều, tắm rửa rồi mặc bộ đồ bi da ma sạch để đi lại đầu phố mua một tờ báo.
Trên đường về nàng không dám đọc, không biết là sợ cái gì, nhưng cứ muốn lùi lại cái phút biết sự thật tinh tường, mặc dầu nàng đã trông đợi báo chiều ngay từ lúc mà cái người tự xưng là bạn của Định tới báo tin chẳng lành.
Vũ trường Eldorado náo động và đẫm máu.
5 phát súng lục bắn cách một thước
TỶ PHÚ NGUYỄN VĂN MẠNH
ngã gục trước người đẹp đôi mắt bồ câu
Tên sát nhơn Trần Văn Định
tự động nạp mình.
Thoạt tiên Lan chỉ thấy có tên Nguyễn Văn Mạnh mà thôi, trong cái tít chạy dài năm cột vì hàng chữ ấy to nhất, nàng giựt nảy mình, vì cái tên gợi nhớ một dĩ vãng không hay của nàng, chớ không phải biết tin nầy nói về án mạng của Định gây ra.
Tò mò nàng đọc luôn mấy hàng phó đề dưới rồi run lên.
Lan đặt báo xuống, nhìn vào khoảng không. Nàng nhớ rằng Định có nổi giận một lần, chỉ một lần thôi, khi chàng nhắc đến ông Mạnh, ngày chàng yêu nàng rồi. Nhưng chàng chỉ nổi giận tới mức độ vừa chừng vậy thôi, rồi không hề nói đến ông ấy nữa.
Như vậy thì tại sao lại còn cái việc trả thù trễ muộn nầy. Nàng run lên vì quá xúc động trước hai tên người đàn ông có dính líu đến đời nàng, được phối hợp với nhau trong một cái tít của một bài tường thuật một vụ án mạng, mà nàng là nguyên động lực.
"A, Lan reo thầm lên, nhưng sao lại có "người đẹp mắt bồ câu" nào đây? Hay là..."
Lan không dám nghĩ xa hơn vì khó tin quá. Quả chị Liên của nàng có đôi mắt bồ câu thật đó, nhưng Định đã chọn nàng.
Lan không dám nghĩ xa hơn, chưa dám đọc vội bài báo. Dầu cho người đẹp ấy là Liên hay là ai đi nữa thì Định cũng giết người vì một người đẹp không phải là nàng.
Lần nầy, nàng cũng run, nhưng vì lý do khác. Nàng run vì tức giận. Thì ra quả thật Định vắng mặt đêm rồi vì phản bội. Mà nàng không được bảo vệ hạnh phúc của nàng bằng chiến thuật cứng rắn như đã định, mới là đau cho chớ, vì chàng sẽ lên đoạn đầu đài!
Lan mệt quá vì trong vòng có mấy phút mà nàng phải trải qua nhiều thứ tình, mà cơn bão táp tình cảm nào cũng dữ dội như cuồng phong Thái Bình Dương. Giờ nàng lại đuối sức vì bao xúc động ấy là vì đau xót phận mình...
Nàng nằm xuống giường để khóc thêm một trận nữa.
Ngoài kia, xe cộ rộn ràng và đô thành bắt đầu vui nhộn với những gia đình đi ăn ở ngoài, đi dạo phố, đi chơi mát, với những bà mẹ dẫn con ra đón chồng đi làm về, chỉ căn nhà nầy là nặng đau thương mà một cô gái vừa lấy thẻ kiểm tra gánh chịu hết một mình.
Lâu lắm, Lan với tay lên đầu giường rút khăn lông xuống lau lệ, vặn lại cây đèn giường, vì trong buồng hơi tối, để đọc bài báo mà nàng trông đợi, nhưng rồi lại không buồn xem.
"Sai gon (Tin riêng).
- Đêm rồi, hồi 10 giờ 5 phút, một cuộc lưu huyết rùng rợn diễn ra tại vũ trường Eldorado, khiến bao nhiêu khách hào hoa phong nhã giải trí nơi đó đều dao động tinh thần, lần lượt ra về sau những giây phút kinh hoàng.
"Mặc dù, nguyên động lực của cuộc đổ máu vẫn cứ là nguyên động lực cổ điển: "gái", án mạng nầy mang một đặc điểm khác là hai đương sự tranh giành người đẹp không hoàn toàn thuộc lứa tuổi trẻ hung hăng và vô danh, mà là một nhà doanh thương cao niên, tên tuổi lừng lẫy trên thương trường Việt Nam, ông Nguyễn Văn Mạnh, mà ai cũng nghe tiếng.
"Kẻ sát nhơn là một anh cuộc chê giúp việc cho hãng MT Benelux chuyên môn nhập cảng xe cam nhông Đức quốc. Người nầy tuy trẻ tuổi (24 t), nhưng cũng không phải là cao bồi du đãng, mà có công ăn việc làm đứng đắn.
"Nội vụ xảy ra như sau: ông Nguyễn Văn Mạnh vừa vào vũ trường không quá hai mươi phút, qua các bàn nói dăm ba câu với bạn hữu, rồi đi thẳng lại quầy thu tiền để thăm cô thu ngân viên là Huỳnh Thị Liên mà ông đeo đuổi vô hiệu quả từ hơn hai tuần nay.
"Ông chưa kịp nói gì với người đẹp, sau câu chào hỏi thường lệ thì người cuộc chê Trần Văn Định, một người khách không lạ, mà cũng không thường trực của vũ trường, đang ngồi gần đó uống rượu với một người bạn đồng lứa, nhảy đến gây sự với ông Mạnh bằng những lời lẽ kém lịch sự.
Ông Mạnh bắt anh cuộc chê xin lỗi, anh ta không phục thiện, lại còn vô lễ hơn. Nên bị ông Mạnh tát cho một tát tay.
"Tự ái bị tổn thương, người cuộc chê Trần Văn Định nổi điên lên, chạy về bàn, cướp cây súng lục của người bạn rượu của hắn, người nầy vốn là một công an viên, rồi quay lưng lại nổ liền năm phát liên tiếp.
Nhà tỷ phú Nguyễn Văn Mạnh lãnh bốn viên đạn, viên thứ nhất vào ngực, ngay tim, hai viên kế vào đầu, một viên bay tuốt vào tường và viên thứ năm vào bụng ông.
"Ông Mạnh chỉ ngã sau khi lãnh đủ cả bốn viên đạn, mặc dầu ông đã tử thương ngay ở phát súng đầu.
"Sau đó, cuộc chê Trần Văn Định chĩa súng vào đám đông. Yêu cầu tất cả để yên cho anh ta đi nạp mình.
"Cô Liên, người đã vô tình châm ngòi cho tấm thảm kịch, là một trong mấy người đàn bà đẹp nhất thủ đô. Mặc dù, cô không phải là một góa phụ "Tiết hạnh khả phong", chớ cô ta cũng chưa hề mang tai tiếng gì, từ ngày vào làm vũ trường Eldorado, cách đây hai năm.
"Nhà doanh thương Nguyên Văn Mạnh thì khét tiếng trong giới làm ăn, mà cũng khét tiếng trong giới ăn chơi. Còn người cuộc chê Trần Văn Định là một thanh niên tăm tối chưa hề được ai biết đến bao giờ...
"Đó là ba nhơn vật chính của tấm thảm kịch đêm rồi. Đợi có tin gì thêm, bổn báo sẽ loan báo".
Thì ra người đẹp "với đôi mắt bồ câu" đúng là Liên. Lan buông tờ báo rồi ôm mặt khóc oà.
Ông Hứa Hui Tchai, chủ nhơn vũ trường Eldorado họp bộ tham mưu ngay sáng hôm sau khi xì căng đan xảy ra.
Bộ tham mưu nầy gồm đa số là người Trung Hoa, người Việt chỉ leo heo ba mạng, nhưng đầu não là một người da trắng, ông Carabelli, người Ý có Pháp tịch.
Người Ý chuyên môn khai thác khách sạn, tửu quán trà đình, hộp đêm vì họ lắm mưu lược vắt máu khách hàng và ép xác các em út.
Bộ tham mưu không phải là nhơn viên ăn lương tháng, mà là một ban cố vấn không công, tuy không công nhưng được hưởng nhiều lợi lộc trong xí nghiệp, trong trường hợp cơ sở làm ăn là một hộp đêm thì họ có quyền ăn chơi thả cửa với bất kỳ bao nhiêu bè bạn của họ mà không phải trả một đồng xu nào cả. Như vậy, mỗi tháng họ có thể tiêu xài bạc muôn ở đây chớ không ít, mà vẫn khỏi phải mở bóp phơi lần nào hết.
Điểm chính trong chương trình nghị sự không phải việc chạy chọt cho vũ trường khỏi bị đóng cửa, mà là vấn đề "cô Liên".
Ông Hứa Hui Tchai đặt câu hỏi rõ rệt là có nên cho cô Liên nghỉ việc hay không? Sở dĩ có câu hỏi nầy, vào một buổi họp quan trọng là vì ông ngại người đẹp gieo tiếng không hay cho vũ trường, mặt khác người đẹp là một người được ông Sang, trong bộ tham mưu tiến dẫn và bảo vệ.
Cô Liên trước kia là nhơn tình của ông Sang nầy, ông ta bỏ rơi cô, nhưng thương tình tìm việc cho cô để an ủi cô.
Trừ hai người, tất cả đều đồng thanh đề nghị cho cô Liên nghỉ việc.
Ông Sang không dám có ý kiến, vì ông sợ mang tiếng vị thân.
Nhưng ông Carabelli, nói tiếng Việt rất sành, lại cười ha hả mà rằng:
- Các bồ lầm to. Nếu tôi là chủ nhân, tôi sẽ tăng lương cho cô ấy, kẻo thằng khác nó chuộc mất. Các bồ nên nghĩ rằng không phải ai cũng dè có một người đẹp tên Liên làm ở đây. Khách họ sẽ đổ xô lại đây cho mà xem.
Cho cả đến những người đã biết cô Liên rồi, cũng chợt nhớ sực ra rằng cô ta đẹp và họ sẽ trung thành hơn trước với Eldorado.
Chỉ có một lá thăm binh vực thôi, nhưng lá thăm độc nhứt ấy lại biểu quyết cho quyết định cuối cùng là cô Liên sẽ được săn sóc, được đưa rước bằng xe vũ trường, ít lắm cũng trong vài tháng.
Quả nhiên, xế hôm ấy, người quản lý vũ trường và vợ ông Hứa Hui Tchai, một người đàn bà Minh Hương, đến tận nhà Liên để hỏi thăm sức khỏe của nàng và căn dặn nàng từ đây, tối tối đừng gọi tắc xi hãy đợi xe của vũ trường tới rước.
Ông Hứa Hui Tchai kinh ngạc biết bao mà thấy Liên đến xin nghỉ việc, bốn hôm sau đó. Ông nói:
- Hò, cái lầy cú nường nghỉ làm gì, có muốn ăn lương thêm, ngộ trả thêm cho mà!
- Thưa ông chủ, tôi xin nghỉ việc vì lý do khác.
- Đi làm chỗ khác nhiều tiền hơn chớ gì?
- Không phải vậy.
- Cú nường muốn pao nhiêu ngộ cũng trả hết mà! Hay là lấy hai muôn xài chơi?
- Không tôi chỉ lấy tiền thế chơn lại mà thôi.
- Kỳ cục quá mà!
Ông Hứa Hui Tchai không thuyết phục cô Liên được, đành viết cho nàng cái séc. Ông không cần cô ở lại vài hôm, để ông tìm người thay thế, bởi thiên hạ giới thiệu với ông hằng trăm người đẹp, toàn là của các ông bự gởi gắm không mà thôi, nhưng ông ta chưa thỏa mãn họ được. Giờ ông chỉ nhắc máy điện thoại lên là có người lập tức, có thể còn đẹp hơn Liên nữa, chỉ phiền là họ không nổi danh.
Dân đực rựa lạ lắm. Họ thích yêu người đẹp thì thật là hữu lý, nhưng họ dám hy sinh người đẹp để bám một người kém đẹp hơn, nếu người nầy nổi danh, bất cứ danh gì.
Có những người mơ yêu ca sĩ hoặc đào hát, có những người làm tất cả để cưới cho một cô vô địch bóng bàn.
Và vô lý nhứt là những người chỉ cần ngắm một người đẹp nổi danh mà thôi, cũng đủ lắm rồi, không cần yêu cũng được. Họ làm như đến uống rượu ở một nơi có người đẹp nổi danh. Họ cũng được ké thơm lây của người đẹp vậy.
Trong khi đó thì các công tư sở lại sợ người đẹp nổi danh như sợ cọp, bởi các bà xã mà nghe sở tuyển dụng người đẹp nổi danh là sanh nghi ngay.
Thế nên Liên lấy tiền ký quỹ ra xong, đi tìm việc luôn luôn đụng đầu với sự lạnh lùng của các văn phòng xí nghiệp, không phải vì họ không cần người. Quả ít có nơi cần người thật đó, nhưng nếu cần, họ cũng rất dè dặt bởi nàng đã bị nhựt trình đăng ảnh nhiều quá, ai cũng biết mặt nàng cả.
Tiền ký quỹ, tức là vốn liếng của Liên. Ngay ngày đầu, nàng đã tiêu hết mười ngàn rồi cho vị luật sư mà nàng nhờ biện hộ cho Định.
Đọc báo, Liên thấy nói rằng Định không có họ hàng thân thiết gì cả, nên nàng tội nghiệp cho Định quá, phải hy sinh như vậy. Nàng không dè rằng thiếu tá Bân đã mượn đến hai ông luật sư cho người nhơn viên không may mắn của ông ta.
Ngày mà Liên nhờ luật sư Thịnh theo dõi vụ của Định để biện hộ cho chàng thì cuộc điều tra đã hoàn tất, nên Định được đưa vào khám Chí Hòa.
Ba hôm sau, nàng đến văn phòng luật sư Thịnh để hỏi thăm tin tức, thì ông ấy nói:
- Cô đừng lo gì cả, tôi đã biết hồ sơ ông ấy, đã hỏi tỉ mỉ ông ấy rồi. Chắc chắn là ổng không được tha bổng đâu, nhưng cũng chắc chắn là ổng sẽ được hưởng trường hợp giảm khinh và tòa sẽ kêu án nặng lắm là ba năm thôi, vì tôi sẽ khai thác triệt để một điểm kia lúc biện hộ cho ông ấy.
Tuy nhiên chắc còn lâu mới xử.
- Lâu là bao lâu ông?
- Ít lắm là ba tháng.
- Tại sao không xử liền ông?
- Ta theo truyền thống của pháp đình Âu Châu. Những vụ mà báo chí khai thác rùm beng quá như vụ nầy, người ta sợ các ông tòa bị ảnh hưởng của dư luận công chúng, nên người ta cứ để vậy cho mọi việc lắng xuống, cho các nhân vật bình tĩnh lại, chừng ấy cuộc xử án mới hoàn toàn công minh, vì các ông tòa đã lạnh cái đầu rồi.
Cô có theo dõi báo chí hay không?
- Dạ không.
- Họ chia ra làm hai phe, một phe binh vực ông Định, một phe lên án ông Định, bên nào cũng nặng chủ quan và nhơn dục thì làm thế nào mà xử án cho thản nhiên được trong một bầu không khí sôi động và đầy xuyên tạc như vậy.
- Thưa ông, ông có nói là tôi gởi lời thăm anh ấy hay không?
- Sao lại không. Tôi có nói cả cái điều cô không có dặn, là chính cô nhờ tôi biện hộ cho ông ấy. Ông ấy nghe rồi rưng rưng nước mắt. Lúc bắt tay tôi, ông ấy nhắn lời rằng ông ấy ghi nhớ ơn cô ngàn năm.
Liên cũng rưng rưng nước mắt. Nàng hỏi:
- Tôi muốn xin phép thăm và nuôi anh ấy quá, nhưng không biết được hay không?
- Không nên. Đợi xử xong rồi hãy nuôi. Cô không biết rằng báo chí quả quyết cô là tình nhơn của ông ấy mà còn... ơ hơ... ban bố nụ cười với ông Mạnh nên ông ấy mới ghen hay sao?
- Nhưng đó là xuyên tạc.
- Họ không có xuyên tạc gì hết ráo. Họ chỉ viết tiểu thuyết ly kỳ để bán báo cho chạy thôi. Nhưng lại có lợi cho ông ấy lắm. Bị tình phụ, ghen rồi làm xằng thì có thể được tòa thông cảm cho phần nào.
Nếu bây giờ mà cô đi thăm, tức cô không có phụ bạc ông ấy, ông ấy không có lý do ghen thì chết ông ấy mất. Cô hiểu chưa?
- Dạ hiểu.
- Vậy cô muốn nói gì, cứ nhắn lời, tôi trao lại cho ông ấy.
- Tôi chỉ nói rằng tôi đã yêu anh ấy từ lâu và đợi anh ấy ba mươi năm, tôi vẫn sẵn sàng đợi.
- Tốt, tôi sẽ nói lại như vậy.
Ra khỏi phòng của luật sư Thịnh, Liên giựt mình khi nhớ lại vụ báo chí mà ông luật sư ấy cho nàng biết. Nàng chỉ có đọc một tờ báo mà thôi, mà đó là một tờ báo thông tin thuần túy, chỉ loan tin tức mà thôi chớ không hay có những trận đả kích, những điều tra phóng sự giựt gân về bất cứ chuyện gì.
"Thì ra, mình đã nổi danh và sở dĩ ông Hứa Hui Tchai mà cố giữ mình lại, chắc cũng để thương mại hóa cái danh (nhơ) của mình mà thôi.
Và mình chết chính vì sự nổi danh bất đắc dĩ của mình, cho đến đỗi mấy hãng quen có cần người thật sự, anh Sang lại có gởi gắm nữa, mà chẳng có hãng nào buồn cứu xét lời xin việc của mình cả."
Trong giây phút, Liên có ý muốn đi tìm ông Hứa Hui Tchai, nhưng nàng lại thôi.
Trước khi thôi việc nàng rất khổ sở mỗi đêm mà bị người ta nhìn, người ta chỉ chỏ. Biết rằng ngày kia họ sẽ quên, thế mà nàng còn chịu không được thay, huống hồ gì ngày nay nàng ý thức được rằng có sự thương mại hóa tên tuổi nhan sắc của nàng một cách gián tiếp.
Trở lại chỗ cũ, tức là chấp nhận sự thương mại hóa ấy. Nó là một hình thức đánh đổi cuộc đời của nàng, tên tuổi, mặt mũi của nàng, càng tủi hổ hơn trước khi nàng ý thức không biết bao nhiêu.
Không, bản tánh của nàng không chịu được tình trạng như thế. Trong đời góa bụa của nàng, nàng chỉ có làm một việc không hay là lợi dụng Định, nhưng vì trường hợp đặc biệt, vì một gia cảnh không ngõ ra, nhưng nàng thật tâm đền bù cho Định, chỉ vì hắn không nhận sự đền ơn mà thôi. Từ đây, nàng sẽ thực hiện sự đền bù ấy, ngoài ý muốn của hắn, mà không ai nói được rằng nàng có hậu ý quyến rũ trai tơ, bởi hắn phải ngồi khám rất lâu. Như thế lương tâm nàng đã để và sẽ để nàng yên thân, chớ như không bán cái tên, bán cái bản mặt của nàng trong một hộp đêm.
Liên lững thững bước rồi bật cười. Nếu giờ nàng trở lại Eldorado chắc nàng sẽ còn nổi danh hơn nhiều vì ông Hứa Hui Tchai sẽ nhờ vài tờ báo làm rùm hơn trước nữa, quanh cuộc đời tình ái tưởng tượng của nàng (cuộc đời tình ái nầy thật ra chỉ được diễn một lần, rất sạch sẽ với ông Sang, một người đàn ông góa vợ), theo lối Hồ Ly Uốt lăng xê các cô đào chiếu bóng.
Vương tôn công tử sẽ qui tụ về Eldorado để nộp tiền cho ông Hứa Hui Tchai cất thêm buyn đin, và riêng phận nàng thì nàng sẽ thấy cảnh "xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến anh". Sẽ có những ông tỷ phú, những ông triệu phú, những ông vạn phú, đổ tiền ra giành người đẹp và nàng muốn gây thảm kịch nữa, dễ dàng lắm, cứ cho mấy ông triệu phú chầu rìa mà lại gật đầu với những công chức cấp cao. Họ sẽ thụt két, sẽ tự tử hay vào tù, và nàng còn nổi danh hơn bây giờ nữa.
Đàn ông họ ngốc lắm, giờ họ ao ước được nàng vì chỉ nhan sắc của nàng bị báo chí phóng đại. Nhưng về sau, họ lại ao ước nàng vì lẽ khác nữa.
Họ tự bảo: "Mẻ, cô ả nầy gần xế bóng rồi, sao thiên hạ lại mê dữ vậy? Chắc cô ả có những ngón đòn tình ái mê ly gì ấy. Mà như vậy thì mê cô ả là hữu lý bởi những ngón đòn tình ái, tuy là giả tạo, nhưng là một ngàn lần thần tiên hơn tình yêu chân thật và thật thà là thứ tình yêu của các bà xã ở nhà, tức không có gì hay ho cả".
Thế nên, đáng lý gì một người như thế phải bị họ sợ, họ tránh, nhưng lại quyến rũ hơn, vì họ mong mỏi vào bí quyết gì chưa rõ của nàng, họ biết rằng nguy hiểm, nhưng cứ thích được hưởng tài nghệ tưởng tượng của kẻ nguy hiểm.
Hôm nay Liên về nhà, nghe vui vui trong lòng mặc dầu không tìm được việc làm như bao ngày qua, và mặc dầu nàng đã bắt đầu nhớ Lan ghê lắm.
Cái thời hạn ba năm tù của Định mà ông luật sư Thịnh đã tiên đoán, chưa chắc đúng, nhưng chắc cũng không sai lầm nhiều lắm. Nếu phải năm năm, nàng cũng chưa già bao nhiêu.
Năm nay nàng băm ba là quá già đối với những kẻ háo sắc, nhưng băm chín vẫn là người vợ "coi được" đối với một người cám nghĩa nàng.
Nàng sẽ nuôi Định, sau ngày xử án, nuôi y như vợ nuôi chồng, cho đến ngày Định ra khỏi khám Chí Hòa, thì chàng sẽ xử trí sao tùy chàng, nhưng không lẽ chàng lại thờ ơ với một người đàn bà yêu chàng đến như thế ấy.
Chỉ phiền là sinh kế bây giờ đây. Nàng chưa túng thiếu nhưng vốn liếng sẽ hao lần hồi, ngồi không mà ăn, núi cũng phải lở chớ đừng nói gì là chín chục ngàn bạc, huống gì nàng lại quen sung sướng, quen làm dáng quá rồi, mức sống của nàng là mức sống của vợ một công chức cao cấp, thì chín chục ngàn bạc vèo một cái, năm sáu tháng là chẳng còn đồng xu nào cả.
Kể từ hôm đó, Liên theo dõi báo chí, những tờ báo chuyên khai thác cái chuyện giựt gân, không phải vì tò mò đối với những tiểu thuyết ly kỳ mà nàng biết hơn ai hết rằng láo khoét, cũng không phải có bụng tham sau lời gợi ý của luật sư Thịnh, mấy hôm sau ngày nàng biết có trận đả kích nàng trên báo.
Ông Thịnh đã nửa đùa nửa thật:
- Nè cô Liên, họ thương mại hóa đời tư của cô đó. Nếu họ nói ẩu, cô có thể thương mại hóa lại trò thương mại của họ, bằng cách kiện họ về tội mạ lỵ, đòi bồi thường một số tiền lớn.
Nàng cũng cười và đáp:
- Họ nói sai sự thật hết, nhưng một đồng bạc danh dự, chỉ mua đủ một gói xôi, lại chọc cho họ chửi thì mình lỗ.
- Làm gì mà chỉ có một đồng bạc? Cô đã than rằng cô mất chỗ, cô không tìm việc được cũng chỉ vì những tờ báo ấy, thì cô có thể đòi bồi thường một số tiền lớn.
Không, Liên theo dõi báo chí để biết ngày sự rùm beng lắng dịu, để đi tìm chỗ làm mà thôi.
Những tiểu thuyết ly kỳ, gay cấn, được mệnh danh là phóng sự điều tra, về "Người đàn bà gieo họa" về "Người đẹp Eldorado", về "Đời tình ái sôi ruổi của cô thu ngân viên", kéo dài trên một tháng mới chấm dứt một cách miễn cưỡng, bởi nhiều chuyện giựt gân khác xảy ra, chuyện cô Liên bị độc giả chán ngấy rồi.
Liên thở ra nhẹ nhõm. Nghẹt thở trong trận nầy, không phải là độc giả mà chính là nhơn vật chính của các pho tiểu thuyết điều tra hóa ấy.
Có một vở tuồng cải lương chấp nối nhiều đoạn của nhiều thiên điều tra nằm nhà đó, cấu tạo nên một bức tranh xã hội tả chân, đúng là tả chân, vì trong tuồng có một màn khiêu vũ, nhiều phụ nữ mặc duýp cao hơn gối. Tuồng hát thì sống dai hơn bài đăng báo hàng ngày, nhưng nó không ồn, nên Liên không sợ, miễn báo nín đi cho thì thôi.
Phước sao lại trùng lai, Liên gặp ngày vui lại được vui thêm, vì Lan xuất hiện thình lình quá, khiến chị nàng chết sững cho đến lúc Lan chạy lại ôm nàng mà khóc, nàng mới khỏi sững sờ và cũng ôm em mà khóc như mẹ vừa tắt nghỉ không bằng.
Liên đã nuôi em từ năm Lan lên bảy, đã từng vỗ về, vuốt ve, nựng nịu, đánh đòn Lan như con, nên lắm lúc nàng quên mất rằng Lan là em nàng, cứ tưởng đứa em ấy là đứa con thơ dại.
Chính giữa lúc hai chị em ôm nhau mà khóc là lúc mà ảo tưởng ấy của Liên mạnh hơn hết từ mấy năm nay.
Giây lâu, nàng vừa hôn lên đầu em vừa vỗ vỗ vào lưng nó mà nói:
- Chị nhớ em không biết bao nhiêu! Sao em lại hờn chị vì một lời nói lẫy của chị?
Lan ngộ nhận là Định và Liên yêu nhau, nên thấy rằng lúc ấy Liên có quyền ghen, và Liên chính đáng, nên nàng hối hận lắm. Nàng nói:
- Thôi, chị đừng nhắc chuyện cũ nữa làm gì. Cái gì qua thì cứ để cho nó qua như nước chảy dưới cầu cho rồi.
- Nhưng em hết hờn chị chớ?
- Cố nhiên, nếu còn em đâu có về thăm chị.
- Vậy em nên trở về với chị. Ta chỉ có hai chị em trên đời, sao lại xa nhau như thế nầy!
Lan đánh trống lấp nói:
- Giờ chị làm gì ở đâu?
- Em biết chị thôi việc chỗ cũ?
- Biết!
- Chị chưa tìm được chỗ làm.
- Trời! Hơn một tháng rồi! Vậy tiền đâu chị tiêu xài?
Lan không biết rằng muốn làm thu ngân viên phải có tiền thế chưn, và hễ thôi việc thì được chủ nhơn hoàn lại số tiền ấy.
Nàng chỉ rõ tình trạng không dư dả của Liên mà thôi lên mới ái ngại như vậy.
- Thì cũng tạm vá víu vậy.
Lan mở xắc ra, lấy một ghim giấy một trăm dúi vào tay chị và nói:
- Chị tạm cất đỡ số tiền nầy, rồi em sẽ có thêm cho chị.
Liên ngạc nhiên hỏi:
- Em làm gì coi bộ thong thả về tiền bạc như thế nầy?
Lan muốn bịa rằng nàng có chỗ làm, nhưng nàng thấy cần cho Định hay một tin giựt gân nên nàng đã bịa khác.
- Em không nói giấu gì chị, em đã lấy chồng.
Thấy Liên làm thinh, nghĩ ngợi và buồn thiu, Lan giải thích:
- Tụi nầy yêu nhau, định đặt vấn đề với chị thì chị em ta giận hờn nhau, nên em tự do kết hôn.
Liên thở dài rồi nói:
- Đã trót rồi thì biết sao! Nhưng sao hai vợ chồng không đưa nhau về đây cho nó ra mắt chị?
- Em sợ chị chưa nguôi giận và giận thêm về hôn nhơn ấy.
- Vậy, để rồi em đưa nó về đây, giờ mà chị em ta hòa thuận lại rồi. Còn số tiền nầy, xin em lấy lại. Chừng nào chị thật cùng quẫn lắm rồi sẽ hay. Nó làm nghề gì?
- Dạ thông ngôn cho Mỹ.
- Như vậy lương đâu có bao nhiêu.
- Không, anh ấy làm ở hãng thầu RMK
- BRJ, lương cao lắm.
- Dầu sao, em cũng phải lấy tiền lại.
Lan năn nỉ đôi ba phen mà Liên vẫn một mực chối từ. Nàng ở lại với chị hơn một tiếng đồng hồ, cố tránh nói chuyện Định rồi sau đó ràng ra đi.
Trên xe, Lan không biết mình làm đúng hay làm sai khi gián tiếp nhắn cái tin láo khoét ấy cho Định. Vâng, nàng đinh ninh rằng thế nào Liên cũng có đi nuôi Định trong khám, và sẽ cho chàng biết tin ấy.
Hắn sẽ, hoặc là buồn, nếu hắn có yêu nàng chút nào, hoặc là dửng dưng, nếu hắn chỉ qua đường với nàng.
Giả thuyết thứ nhứt, nên loại đi ngay bởi rõ ràng là Định đã giết người vì Liên. Trong giả thuyết thứ nhì tin nàng lấy chồng sẽ giống như tiếng sét bên tai người điếc.
Nàng muốn báo thù, làm cho Định đau khổ bằng cái tin vịt đó nhưng Định không có yêu nàng lần nào hết, trong cả hai trường hợp thì Định chỉ khinh nàng mà thôi chớ không có đau chút nào hết.
Nàng đáng khinh thật. Người yêu
- mà nàng vừa đến sống chung như vợ chồng
- vừa lâm nạn mới có một tháng, mà nàng đã đi lấy chồng rồi. Nhưng anh chồng ấy hẳn phải cua nàng trước đó, ít lắm là nửa tháng và nàng đã đón nhận tán tỉnh của hắn nên hắn mới được nàng. Thế nghĩa là nàng đã quên người cũ mười lăm ngày sau khi hắn vào nhà giam.
Lan thấy mình vô lý quá. Nàng đã cố ý khinh ghét Định vì giả dối của hắn, thì còn muốn cho hắn đau khổ làm gì?
Nàng không biết rõ lòng nàng là nàng cứ còn yêu người con trai ấy. Nàng đã làm một sự việc, vì sinh kế, vì chán nản không thấy còn lẽ sống mà cũng là để báo thù, thì tức là giữa hắn và nàng không thể có sự thờ ơ thật sự.
Lan cứ lối nửa tháng về thăm chị một lần để vấn an sức khỏe của Liên, để xem Liên đã tìm việc được chưa hầu giúp đỡ, nhưng Liên vẫn cứ từ chối sự giúp đỡ của em nàng.
Lần thứ nhì mà Lan về nhà, vào chiều thứ bảy, Liên chưng hửng hỏi:
- Còn chồng mầy đâu?
Lần đầu, Lan đã làm thinh trước đòi hỏi của chị, và Liên đinh ninh rằng làm thinh và ưng thuận vì mong đợi biết mặt mũi đứa em rể nàng.
- Dạo nầy anh ấy đi làm xa.
- Ở đâu mà xa?
- Trên Pleiku.
- Sao lại đi xa?
- Chị hỏi lạ quá! Hãng thầu RMK
- BRJ có chi nhánh khắp mọi nơi trong nước, thì đi Pleiku hay đi Đà Nẵng, Cam Ranh là chuyện thường.
Liên không thấy em nàng thay đổi. Lan vẫn cứ mặc đầm như thường lệ, vẫn cứ trẻ đẹp ngây thơ như nữ sinh, chỉ có khác một tí là nàng có đánh phấn sương sương, chỉ có thế thôi, mà con gái đã lấy chồng rồi mà trang điểm như thế là khiêm tốn đến tột độ rồi vậy.
- Nhưng nhà cửa tụi bây ở đâu? Nó có cha mẹ gì hay không? Mầy làm dâu hay tự do?
- Ảnh còn cha, nhưng ông cụ ở Ba Xuyên, chỉ được báo tin bằng thơ mà thôi. Tụi nầy ra riêng, trong một căn nhà lụp xụp ở một ngõ hẻm khỏi chợ Hòa Hưng, xóm Cống Bà Xếp.
Lan bịa rất ổn và rất dễ tin, nên Liên không hỏi vặn gì thêm.
° ° °
Thời gian trôi chậm quá đối với người trong khám và đối với người đợi ngày tòa xử để đi nuôi bạn, tuy nhiên nó chỉ chậm vì ảo tưởng của họ mà thôi, chớ nó vẫn đi thoăn thoắt.
Liên đã qua một trận đau ốm, rồi lại phải mổ ruột dư trong thời gian ấy, nên số tiền chín mươi ngàn, sau ba tháng ở không ăn xài, thuốc men chỉ còn lại ba mươi ngàn thôi mà nàng lại sực nhớ ra rằng phải đóng thêm cho luật sư Thịnh mười ngàn đồng bạc nữa, mười ngàn bạc trước, chỉ là tiền ứng trước mà thôi.
Hôm ấy Lan về, cũng lại nài nỉ giúp chị như trước, Liên nói:
- Hiện chị còn ba chục ngàn. Chị phải gởi kho tiết kiệm mười ngàn, không dám rớ tới, số tiền đó là tiền chị sẽ dùng để mượn luật sư biện hộ cho anh Định vì dầu sao anh ấy cũng là lâm nạn vì chị, mà ảnh không có gia đình, chị không nỡ bỏ.
Như thế, có lẽ rồi chị sẽ phải cần đến sự giúp đỡ của em một ngày gần đây. Nhưng bây giờ thì chưa.
Lan quyết không thèm nói tới cái tên Định như Liên đã nhắc Nhưng nàng cứ tò mò không chịu được nên nói:
- Anh ấy thế nào?
- Chị chưa hề gặp mặt, vì luật sư khuyên chị nên đợi tòa xử rồi hãy đi thăm.
- À, ra vậy. Nhưng sao lâu quá mà không nghe xử.
- Nghe đâu là sẽ xử ngày mai.
- Liệu anh ấy thoát khỏi tử hình hay không?
- Chắc chắn là thoát.
Liên ngạc nhiên mà thấy em nàng không hề đá động đến những điều họ viết trong báo và nhất là thấy Lan buồn vô hạn.
Lẽ dĩ nhiên là nàng không thể cười giỡn sau loại câu chuyện như thế nầy, nhưng nỗi buồn của nàng thật là không phù hợp với tâm trạng một kẻ không hề dính líu đến câu chuyện.
Lữ Đoàn Mông Đen Lữ Đoàn Mông Đen - Bình Nguyên Lộc Lữ Đoàn Mông Đen