With compassion you can die for other people, like the mother who can die for her child. You have the courage to say it because you are not afraid of losing anything, because you know that understanding and love is the foundation of happiness. But if you have fear of losing your status, your position, you will not have the courage to do it.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Dan Ariely
Nguyên tác: The Upside Of Irrationality
Biên tập: Viet Quang Luong
Upload bìa: Viet Quang Luong
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 323 / 54
Cập nhật: 2020-04-26 15:10:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần II: Lợi Ích Bất Ngờ Của Việc Phá Bỏ Những Quy Tắc Logic Trong Cuộc Sống . Chương 6: Về Sự Thích Nghi
Tại sao con người có thể thích nghi (nhưng không phải với TẤT CẢ MỌI THỨ và vào MỌI THỜI ĐIỂM) Con người là loài động vật linh hoạt, giống loài có thể thích nghi được với bất cứ thứ gì.i###(Fyodor Dostoyevsky)
Khoảng thời gian cuối thế kỉ XIX quả là thời kì khó khăn đối với ếch, giun và một cơ số những loài sinh vật sống khác. Vì những nghiên cứu sinh học nở rộ ở châu Âu và châu Mỹ (mà một phần công trạng thuộc về Charles Darwin), các nhà khoa học đua nhau nghiên cứu, phân tích, dịch chuyển và phân loại đối tượng các loài sinh vật đáng thương. Trong số những câu chuyện được truyền tụng lại, người ta nhắc nhiều đến thí nghiệm đun nóng dần dần một số loài động vật, để kiểm nghiệm xem sức chịu đựng của chúng có tăng lên khi môi trường thay đổi hay không.
Câu chuyện nổi tiếng nhất của kiểu nghiên cứu này chính là câu chuyện về con ếch trong nồi nước sôi. Giả thuyết đặt ra thế này, nếu bạn ném một con ếch vào một nồi nước sôi, nó sẽ vùng vẫy và nhảy phắt ra. Tuy nhiên, nếu bạn cho con ếch đó vào một nồi nước ở nhiệt độ phòng bình thường, thì nó sẽ nằm im trong đó không chút phản ứng. Sau đó, bạn dần tăng nhiệt độ lên, con ếch sẽ vẫn yên vị trong nồi, bởi vì nó đã dần thích nghi với việc nhiệt độ của nước tăng lên. Và nếu bạn tiếp tục tăng nhiệt độ của nồi nước lên, thì con ếch sẽ vẫn ngồi im và có thể bị đun chín.
Tôi không dám chắc thí nghiệm đun ếch này có thực là đúng như vậy không, bởi bản thân tôi chưa bao giờ thử, nhưng câu chuyện con ếch trong nồi nước nóng thể hiện được cái tinh túy nhất của nguyên tắc thích nghi. Đó là tiền đề cơ bản cho giả thuyết mọi loài sinh vật sống trên thế giới này, trong đó có cả con người, qua thời gian, đều khả năng làm quen với hầu hết vạn vật.
Câu chuyện về con ếch trong nồi nước nóng thường được kể đi kể lại với hàm ý xấu. Ông Al Gore thì thấy câu chuyện đó có nét tương đồng với việc loài người đang cố lờ đi những ảnh hưởng của Trái Đất nóng lên. Một số người khác thì dùng nó để cảnh báo về sự xói mòn quyền tự do của con người. Giới doanh nhân và những nhà tiếp thị bán hàng thì dùng nó để minh họa cho sáng kiến thay đổi trong sản phẩm, dịch vụ và chính sách – như tăng giá chẳng hạn – cần phải diễn ra một cách từ từ, chỉ như vậy thì khách hàng mới có thời gian điều chỉnh bản thân (rõ ràng là dễ chịu hơn khi tăng giá mà chẳng thèm báo trước). Những loại suy về sự thích nghi đều có một điểm rất chung, thực vậy, nó khiến nhà báo James Fallows của tạp chí The Atlantic Monthly đã lên tiếng lập luận, trên một trang Web chuyên đề có tên “Chuyện về con ếch bị nấu chín” như sau: “Loài ếch đã sống qua một thời kì khó khăn, ấy là chưa kể còn phải đối mặt với sự biến mất của nhiều đầm lầy và tình trạng các nguồn nước bị ô nhiễm. Các nhà hùng biện chính trị cũng vậy. Vì linh hồn của loài ếch, và vì những bài thuyết trình “rỗng tuếch”, hãy tống tiễn những tin vịt ngu ngốc và đừng nhắc nhỏm gì đến ếch nhái nữa.”
Trên thực tế, loài ếch đúng là loài có khả năng thích ứng đáng nể. Chúng có thể sống dưới nước hay trên cạn, chúng có thể thay đổi màu da cho phù hợp với môi trường xung quanh, và một số loài còn có khả năng bắt chước những người anh em ếch độc của mình để xua đuổi côn trùng. Cơ thể của con người cũng vậy, có khả năng thích ứng kì diệu với môi trường sống của mình, dù ở vùng lạnh giá, hoang vu ở Bắc Cực hay ở những sa mạc nóng bỏng, khô cằn. Sự thích nghi cơ học là một trong những năng lực xứng đáng được ca tụng trong danh sách những phẩm chất của loài người.
ĐỂ CÓ CÁI NHÌN tổng quát hơn về khả năng thích nghi kì diệu của con người, hãy xem xét cách vận hành bộ máy thị giác của chúng ta. Giả sử bạn bước ra cửa vào một ngày nắng mới chói chang, hay khi bước từ phòng chiếu phim tối mò ra đến bãi đỗ xe sáng chói, khoảnh khắc đầu tiên hẳn là rất choáng ngợp, nhưng sau đó, cặp mắt của bạn bắt đầu điều chỉnh rất nhanh. Di chuyển từ một phòng chiếu phim tối tăm ra ngoài trời chói nắng cho thấy hai khía cạnh của sự thích nghi. Đầu tiên, mắt người hoạt động tốt trong dải cường độ ánh sáng rộng, trải dài từ dải ánh sáng ngày (khi quang lượng có thể lên đến 100.000 lux) đến khi ánh sáng chiều (khi quang lượng có thể thấp tới 1 lux). Ngay cả đối với ánh sáng của các vì tinh tú (khi quang lượng có thể thấp tới 0,001 lux), con người vẫn có thể điều chỉnh để nhìn thấy ở một mức độ nào đó. Thứ hai, chỉ cần một vài tích tắc là mắt người đã có thể điều chỉnh rồi. Khi di chuyển từ nơi tối ra nơi sáng, có thể chúng ta không mở to mắt được ngay lập tức, nhưng chỉ trong chốc lát, chúng ta đã làm quen với môi trường mới và điều chỉnh sao cho phù hợp với môi trường mới một cách hoàn hảo. Trên thực tế, chúng ta có thể điều chỉnh dễ tới nỗi hầu như không ý thức được sự thay đổi cường độ ánh sáng xung quanh ta.
Khả năng thích nghi ánh sáng chỉ là một ví dụ về khả năng thích nghi cơ bản của loài người. Những tiến trình tương tự như vậy cũng diễn ra khi chúng ta lần đầu phải thích nghi với mùi vị, cảm giác, nhiệt độ, hoặc những tiếng ồn mới. Lúc đầu, chúng ta ý thức rất rõ về những cảm giác thay đổi ấy. Nhưng dần dần, qua thời gian, chúng ta càng lúc càng ít chú ý tới chúng, cho đến một thời điểm nào đó, chúng ta thích nghi và hoàn toàn không cảm nhận sự tồn tại của chúng nữa.
Đoạn vừa rồi chỉ là một chút quan sát và tìm hiểu về thế giới xung quanh ta – và sự thích nghi trở thành một “tấm lưới lọc lạ thường” cho phép chúng ta tập trung vào một số điểm thực sự cần sự chú ý của ta, những điểm đang vận động, từ đó, ta phân tích để tìm hiểu xem chúng mang lại cho ta cơ hội hay sự hiểm nguy. Sự thích nghi cho phép chúng ta tham dự vào những biến đổi quan trọng hơn, trong vô vàn những biến đổi đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ xung quanh ta, và loại bỏ những thay đổi bớt quan trọng hơn. Nếu mùi không khí trong phòng chẳng thay đổi gì trong suốt 5 giờ qua, thì ta chẳng việc gì phải để ý đến nó. Nhưng nếu bạn bỗng ngửi thấy mùi của khí gas khi đang nằm dài đọc sách trên trường kỉ, rất nhanh, bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi, chạy ra khỏi nhà và gọi điện thoại cho trung tâm khí đốt. Ơn trời, cơ thể con người là bậc thầy của sự thích nghi, ở rất nhiều cấp độ.
Đau đớn dạy gì cho ta về Sự thích nghi
Một loại thích nghi khác nữa có tên gọi là “thích nghi cảm giác”. Đó là cách mà chúng ta phản ứng lại với sự đau đớn hoặc những trải nghiệm hạnh phúc. Thí dụ nhé, bạn hãy thử nghĩ đến trải nghiệm này. Nhắm mắt lại và nghĩ xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu một vụ tai nạn ô tô khủng khiếp xảy đến khiến bạn bị liệt luôn nửa dưới cơ thể. Tưởng tượng đi, bạn thấy mình trong một chiếc xe lăn, không thể đi lại hay chạy nhảy gì nữa. Hãy hình dung cảnh bạn phải vật lộn với những rắc rối thường ngày, với nỗi đau tàn phế và sự bất lực khi không tài nào tham gia vào những hoạt động mà vốn dĩ bạn rất yêu thích; có thể bạn sẽ nghĩ vậy là hết, tương lai đã đóng sầm trước mặt bạn. Khi tưởng tượng đến những cảnh tượng như vậy, có thể bạn sẽ nghĩ việc mất đi đôi chân sẽ khiến bạn khốn khổ, khốn nạn suốt quãng đời còn lại.
Nhưng thực tế lại không phải vậy, hóa ra chúng ta vốn rất giỏi khi hình dung về tương lai, nhưng lại chẳng mảy may dự đoán được trước những cách ta sẽ thích nghi với cuộc sống ấy. Rất khó để tưởng tượng rằng, thời gian dần trôi, bạn có thể làm quen được với những thay đổi trong cách sống, chấp nhận sự thật rằng bạn tàn tật, và nhận thấy điều đó cũng không quá kinh khủng như bạn từng nghĩ. Điều khó khăn hơn nữa, đó là tưởng tượng ra những khám phá mới và những niềm vui không ngờ tới khi ở trong tình trạng mới.
Có vô số những nghiên cứu đã chứng minh con người thích nghi nhanh hơn, ở những cấp độ khó hơn so với tưởng tượng của chính họ. Vấn đề đặt ra là: sự thích nghi hoạt động thế nào, và ở cấp độ nào thì sự hài lòng của chúng ta tăng lên, sau tất cả nhưng thay đổi đó?
TRONG NHỮNG NĂM đầu tiên học tập ở trường Đại học Tel Aviv, tôi đã có cơ hội đối chiếu và sau đó là thực nghiệm về khái niệm thích nghi với đau đớn. Một trong những tiết giảng đầu tiên mà tôi được học ở trường đại học là về chức năng sinh lý của bộ não. Mục đích của bài học là hiểu được cấu trúc của từng phần khác nhau trong bộ não và liên hệ chúng với những hành vi tương ứng. Làm thế nào, Giáo sư Hanan Frenk hỏi chúng tôi, mà ham muốn, kích động và trí nhớ hoạt động? Cái gì làm phát triển và sản sinh ra ngôn ngữ? Trước khi tham dự những tiết học sinh phẫu này, tôi không có nhiều kì vọng lắm, nhưng hóa ra chúng lại mở ra rất nhiều điều kì diệu, theo nhiều cách khác nhau – trong đó bao gồm cả việc Giáo sư Frenk mang chính cuộc đời mình ra làm thí nghiệm cho đam mê nghiên cứu của mình.
Giáo sư Hanan sinh ra ở Hà Lan và nhập cư vào Israel năm 1968, khi ông chừng 18 tuổi. Không lâu sau khi gia nhập quân đội Israel, chiếc xe bọc thép mà ông điều khiển đã phát nổ khi băng qua một bãi mìn, ông buộc phải cưa cụt cả hai chân. Khi đã nghe qua chuyện này, thì chẳng có gì ngạc nhiên khi biết một trong những đề tài nghiên cứu của ông là về sự đau đớn, và chúng tôi đã đi sâu vào những chi tiết của đề tài này trong những tiết học trên giảng đường. Bởi tôi đặc biệt quan tâm tới đề tài này, nên có lúc này, lúc khác, tôi đã ghé qua phòng làm việc của giáo sư Hanan để trò chuyện sâu hơn với ông. Và vì có những trải nghiệm tương đồng, nên những cuộc thảo luận về sự đau đớn giữa chúng tôi lúc mang sắc thái cá nhân, khi lại chỉ liên quan đến công việc. Rất nhanh chóng, chúng tôi phát hiện ra cả hai có rất nhiều kinh nghiệm giống nhau liên quan đến sự đau đớn, quá trình điều trị và những thách thức mà chúng tôi phải đối mặt khi vượt qua thương tật. Chúng tôi cũng phát hiện ra rằng cả hai được điều trị ở cùng một trung tâm phục hồi sức khỏe, cùng được chăm sóc bởi những bác sĩ, y tá, bác sĩ chuyên khoa, chỉ khác nhau về thời điểm mà thôi.
Một trong những lần viếng thăm đó, tôi kể cho giáo sư Hanan nghe chuyện tôi từng yêu cầu bác sĩ nha khoa không sử dụng bất cứ loại thuốc giảm đau nào trong khi chữa răng cho tôi. “Đó là một trải nghiệm lạ kì,” tôi nói. “Rõ ràng là rất đau đớn, và tôi có thể cảm nhận được từng nhát khoan vào răng và buốt đến tận óc, nhưng điều đó với tôi chẳng xi nhê gì hết.” Thật kinh ngạc, Giáo sư Hanan cũng cho biết kể từ khi gặp tai nạn, ông cũng từ chối không sử dụng thuốc giảm đau khi đến bác sĩ nha khoa. Chúng tôi bắt đầu băn khoăn liệu chúng tôi chỉ là hai kẻ nghiện hành xác bệnh hoạn hay nhờ những trải nghiệm trong quá khứ đau thương của mình, mà chúng tôi thấy việc khoan vào răng mà không cần thuốc tê chẳng có gì đáng sợ. Bằng trực giác, mà cũng có khi vì quá yêu bản thân, mà chúng tôi cùng kết luận rằng lý do thứ hai có lẽ hợp lý hơn.
KHOẢNG MÔT TUẦN SAU, Hanan kêu tôi qua văn phòng của ông. Ông đã suy nghĩ về cuộc trò chuyện của chúng tôi và đề xuất thử nghiệm xem, với giả thiết chúng tôi là những người hoàn toàn bình thường, thì phải chăng những trải nghiệm mà chúng tôi từng trải qua khiến chúng tôi coi thường sự đau đớn. Vậy là trải nghiệm đầu tiên của tôi liên quan đến nghiên cứu khoa học xã hội đã ra đời như vậy đó.
Chúng tôi tiến hành dựng một phòng thí nghiệm nhỏ trong một nhà thương thuộc trụ sở quốc gia đặc biệt dành riêng cho những người từng bị thương trong khi phục vụ quân đội. Trụ sở quốc gia đó quả là một nơi kì diệu. Nơi có những sân bóng rổ dành cho người còn ngồi trên xe lăn, những bể tập bơi dành cho người đã cụt mất chân hoặc tay, thậm chí còn có sân tập bóng rổ cho những người khiếm thị. (Bóng rổ dành cho người khiếm thị trông giống bóng ném. Mọi người chơi trong cả một cái sân rộng, còn quả bóng thì có gắn chuông ở bên trong.) Một trong những bác sĩ điều trị cho tôi ở trung tâm phục hồi sức khỏe, Moshe, cũng bị mù đang chơi trong đội bóng đó, và tôi thực sự hứng thú khi được xem ông ấy chơi bóng.
Chúng tôi dán thông báo xung quanh trụ sở quốc gia, trong đó ghi “Cần tìm tình nguyện viên cho một nghiên cứu hấp dẫn và nhanh gọn.” Khi những tình nguyện viên nhiệt tình đến buổi thí nghiệm, tất cả bọn họ đều từng trải qua những kiểu chấn thương khác nhau, chúng tôi chào đón họ bằng một chậu nước nóng gắn liền với một bình nóng lạnh và một chiếc máy điều nhiệt. Chúng tôi đặt nhiệt độ nước nóng ở 48oC (118,4oF), và đề nghị họ cho một tay vào chậu nước. Khi tay của một tình nguyện viên bắt đầu chạm vào nước nóng, chúng tôi bật đồng hồ đếm giờ và bảo anh ta cho chúng tôi biết chính xác ở thời điểm nào thì cảm giác nóng biến thành cảm giác đau (chúng tôi dùng thuật ngữ “ngưỡng đau” để miêu tả). Sau đó chúng tôi yêu cầu tình nguyện viên giữ tay trong chậu nước nóng cho đến khi không thể chịu đựng thêm nữa, khi ấy anh ta được rút tay ra khỏi chậu nước (cái này người ta gọi là “sức chịu đựng đau đớn”). Sau đó, chúng tôi tiếp tục tiến hành thí nghiệm tương tự trên cánh tay còn lại.
Sau khi kết thúc quá trình thí nghiệm đau đớn về thể xác này với từng tình nguyện viên, chúng tôi hỏi họ những câu hỏi về lịch sử những chấn thương mà họ từng trải qua, về kinh nghiệm vượt qua đau đớn của họ khi phải điều trị trong bệnh viện ở những giai đoạn trước (tính trung bình, mỗi tình nguyện viên thường bị chấn thương cách đây 15 năm trước khi tham gia vào cuộc thử nghiệm của chúng tôi), cũng như những trải nghiệm liên quan đến sự đau đớn mà họ vừa mới trải qua trong một vài tuần trở lại đây. Tiến trình này tốn khá nhiều thời gian, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thành việc thu thập thông tin về 40 tình nguyện viên.
Tiếp theo, chúng tôi muốn tìm hiểu xem có đúng khả năng chịu đau của tình nguyện viên tăng lên sau khi họ bị chấn thương hay không. Để làm được điều này, chúng tôi phải tìm một nhóm người khác, có những ngưỡng đau đối lập và sức chịu đựng khác với nhóm người vừa tham gia vào thí nghiệm. Lúc đầu chúng tôi nghĩ đến những nhóm người chưa từng chịu bất cứ đau đớn nghiêm trọng nào về thể chất – có thể là sinh viên hoặc những người ngẫu nhiên trong một trung tâm mua sắm. Nhưng nghĩ lại, chúng tôi lo rằng sự so sánh giữa những đối tượng như vậy sẽ dẫn đến quá nhiều yếu tố khác. Ví dụ sinh viên chẳng hạn, họ quá trẻ so với nhóm tình nguyện viên từng trải của chúng tôi, còn những người lựa chọn ngẫu nhiên trong trung tâm thương mại có thể có những trải nghiệm quá rộng, họ có thể đã từng chịu thương tật và những trải nghiệm cuộc sống dầy dặn khác.
Vậy là chúng tôi quyết định phải tiếp cận theo cách khác. Chúng tôi thu thập hồ sơ bệnh án của 40 tình nguyện viên và trình cho một bác sĩ, hai y tá và một bác sĩ trị liệu ở chính bệnh viện mà Hanan và tôi từng phải điều trị trong một thời gian dài để họ xem. Chúng tôi đề nghị họ phân loại thành hai nhóm, một nhóm gồm những người bị thương nhẹ hơn và những người bị chấn thương nghiêm trọng hơn. Sau khi hoàn thành, chúng tôi đã có được 2 nhóm đối tượng khá tương đồng về nhiều phương diện (từng tham gia quân đội, từng bị thương, từng nằm viện điều trị và cùng thuộc một trụ sở quân đội quốc gia), nhưng khác nhau ở mức độ thương tổn. Bằng cách so sánh hai nhóm đối tượng này, chúng tôi hi vọng sẽ biết được những những trải nghiệm đau đớn trong quá khứ của họ có ảnh hưởng đến cách phản ứng của họ với sự đau đớn hay không.
Đại diện cho nhóm bị thương nặng là những người như Noam, lính gỡ mìn trong quân đội. Trong một lần không may, một quả mìn nổ ngay trên tay của anh, khiến cơ thể anh bị găm đầy mảnh vỡ và anh bị mất một chân và một con mắt sau vụ tai nạn đó. Còn đại diện cho nhóm bị thương nhẹ hơn là những người như Yehuda, anh từng bị vỡ khuỷu tay trong khi làm nhiệm vụ. Anh phải trải qua một cuộc phẫu thuật để phục hồi chức năng bằng cách đặt một tấm đòn bằng titanium vào cơ thể, nhưng về cơ bản thì anh vẫn rất khỏe mạnh.
Kết quả cho thấy những người tình nguyện trong nhóm bị thương nhẹ hơn cảm thấy đau (ngưỡng đau) khi chạm tay vào chậu nước nóng sau khoảng 4,5 giây, trong khi những người từng bị thương nặng hơn bắt đầu cảm nhận sự đau đớn sau 10 giây. Thú vị hơn nữa là những người trong nhóm bị thương nhẹ hơn rút tay ra khỏi chậu nước nóng (sức chịu đau) sau khoảng 27 giây, trong khi những tình nguyện viên từng chịu những chấn thương nặng nề hơn giữ được tay trong chậu nước nóng trong khoảng 58 giây.
Sự khác biệt này thực sự gây ấn tượng mạnh với chúng tôi, bởi vì, để đảm bảo không ai trong số những người tham gia thí nghiệm bị bỏng, chúng tôi không cho phép tình nguyện viên giữ tay trong chậu nước nóng quá 60 giây. Chúng tôi không thông báo trước cho họ về qui định 60 giây này, nhưng nếu họ có giữ tay được hơn 60 giây, chúng tôi cũng sẽ yêu cầu họ rút tay ra. Chúng tôi không phải nhắc đến qui định này với bất cứ ai trong nhóm những người bị thương nhẹ hơn, nhưng với một vài người trong nhóm bị thương nặng hơn, chúng tôi đã phải yêu cầu họ hãy rút tay ra khỏi chậu nước nóng.
Kết thúc có hậu phải không? Hanan và tôi ít ra cũng khám phá được rằng chúng tôi không gàn dở như đã từng nghĩ, ít nhất là cũng biết tôn trọng phản ứng với đau đớn của bản thân. Hơn thế nữa, chúng tôi phát hiện ra rằng dường như có sự thích nghi cơ bản trong quá trình thích nghi sự đau đớn. Mặc dù những người tham gia nghiên cứu của chúng tôi đã phải chịu chấn thương trong rất nhiều năm trước, thì nhìn chung cách tiếp cận với sự đau đớn, khả năng cũng như sức chịu đựng đau đớn của họ đã đổi thay, và sự thay đổi này kéo dài khá lâu.
TẠI SAO NHỮNG kinh nghiệm quá khứ liên quan đến sự đau đớn lại làm thay đổi phản ứng của các tình nguyện viên đến vậy? Hai trong số những tình nguyện viên nghiên cứu đã cho chúng tôi đầu mối. Không giống những tình nguyện viên khác, những gì họ phải chịu đựng không hẳn là chấn thương thể xác, mà là bệnh tật thì đúng hơn. Một người bị ung thư; người còn lại bị bệnh viêm dạ dày nặng. Đáng buồn là cả hai đều ở giai đoạn cuối. Trên tấm biển thông báo tuyển tình nguyện viên, chúng tôi sơ suất không đưa ra những yêu cầu cụ thể hơn, vậy nên khi hai người này đến đề nghị được hợp tác, tôi không biết phải làm sao vì họ không nằm trong diện cần nghiên cứu. Tôi không muốn họ bị tổn thương một cách vô cớ, và cũng không muốn họ có cảm giác bị thiếu tôn trọng hoặc không được chào đón. Vậy là tôi quyết định sẽ vẫn đón tiếp lịch sự và tiến hành thử nghiệm với họ, dù chúng tôi sẽ không sử dụng dữ liệu thu được cho nghiên cứu.
Sau khi hoàn thành thử nghiệm, tôi xem dữ liệu của họ và nhận ra một điều khá thú vị. Ấy là ngưỡng đau của họ không chỉ thấp hơn so với những người thuộc diện bị thương nặng (nghĩa là thời gian họ giữ tay trong chậu nước nóng ngắn hơn), mà ngay cả đối với những người thuộc diện bị thương tổn nhẹ hơn, ngưỡng đau của họ cũng thấp hơn nữa. Mặc dù không thể đưa ra bất cứ phỏng đoán nào dựa trên dữ liệu chỉ gồm có 2 người, nhưng tôi tự hỏi liệu có sự khác biệt nào giữa những loại bệnh tật khác nhau, hoặc những loại thương tổn khác nhau khiến những tình nguyện viên (và tôi) đã phải trải qua có đưa ra được lời giải nào cho câu hỏi tại sao những thương tổn trong quá khứ lại khiến người ta ít quan tâm tới sự đau đớn hơn không.
KHI TÔI PHẢI điều trị trong bệnh viện, thì hầu hết thời gian phải vật lộn với bệnh tật đều hướng tới việc hồi phục dần lên. Tất cả những cuộc phẫu thuật, vật lý trị liệu, điều trị phục hồi đều vô cùng đau đớn, nhưng tôi chịu đựng chúng với niềm hi vọng là chúng sẽ khiến tôi dần khá lên. Ngay cả khi một vài trong số những cuộc điều trị bị thất bại hoặc không hiệu quả, tôi vẫn luôn hiểu rằng chúng được thiết kế để chữa trị cho tôi, vì sự hồi phục của tôi.
Ví dụ, một trong những trải nghiệm đau thương mà tôi phải chịu đựng vài năm sau chấn thương của tôi, đó là tình trạng bị căng da. Mỗi khi phải co duỗi khuỷu tay hay khuỵu đầu gối, những vết sẹo của tôi căng ra và siết chặt những vết thương trên da thịt, khiến tôi không tài nào duỗi thẳng được tay hay chân. Để chiến đấu với điều này, tôi đã phải tự mình kéo căng da và với sự giúp đỡ của một bác sĩ trị liệu – để đẩy căng da hết cỡ, mà tôi có cảm giác, nói không ngoa, là như xé da xé thịt vậy. Nếu tôi không luyện co duỗi các vết sẹo của mình nhiều lần trong ngày, thì chúng sẽ ngày càng co lại, cho đến khi tôi không thể có đủ dũng khí để mà luyện tập nữa. Thời điểm ấy, các bác sĩ trị liệu của tôi đã phải lên kế hoạch cấy ghép da cho tôi, để phủ thêm da vào những vết sẹo, vậy là quá trình căng da lại thêm một lần nữa bị lặp lại.
Trong cuộc chiến căng da ấy, có một chỗ khiến tôi cực kì khó chịu, đó là phần da ở phía trước cổ của tôi. Mỗi lần tôi nhìn xuống hoặc thả lỏng hai vai, phần da thịt chỗ đó sẽ được thả lỏng và thế là các vết sẹo bắt đầu co. Để luyện kéo giãn phần da chỗ các vết sẹo, các bác sĩ yêu cầu tôi ngủ đêm bằng cách nằm ngửa, còn đầu thì thả lỏng ra ngoài mép đệm. Như vậy, phần da ở cổ trước sẽ bị kéo giãn hết cỡ (cho đến bây giờ nỗi đau đớn này vẫn hành hạ tôi mỗi ngày, nhắc nhở tôi nhớ về thời kì khủng khiếp ấy.)
Vấn đề là mọi thứ đau đớn trong quá trình điều trị đều hướng tới mục tiêu cải thiện tình trạng sức khoẻ của tôi, gia tăng khả năng vận động của tôi. Tôi đồ rằng những người từng chịu chấn thương như tôi đều được học cách hoà hợp với nỗi đau của mình với hi vọng rằng mọi sự rồi sẽ tốt đẹp – và đó là cầu nối giữa sự chịu đựng và niềm hi vọng, làm tiêu trừ những nỗi sợ hãi tất nhiên khi phải chịu đau đớn. Nói cách khác, hai tình nguyện viên bị bệnh mãn tính đã tham gia vào nghiên cứu của chúng tôi không hề tạo được mối liên hệ giữa sự đau đớn mà họ phải chịu đựng với hi vọng phục hồi. Họ có xu hướng liên hệ sự đau đớn với việc sức khoẻ sẽ ngày càng tệ hại đi, đồng nghĩa với việc cái chết cận kề hơn. Và khi không có bất cứ mối liên hệ lạc quan nào, thì đối với họ, sự đau đớn sẽ trở nên đáng sợ hơn.
NHỮNG SUY ĐOÁN đó hoàn toàn trùng khớp với một trong những nghiên cứu nổi tiếng nhất đã từng được tiến hành về sự đau đớn. Trong Thế Chiến thứ II, một bác sĩ tên là Henry Beecher đóng quân tại chiến trường Anzio ở nước Ý đã điều trị cho 201 quân nhân bị thương. Trong quá trình điều trị, ông quan sát thấy chỉ có ¾ những người lính bị thương yêu cầu thuốc giảm đau, mặc dù tất cả họ đều phải chịu những thương tổn vô cùng nặng nề từ “gãy xương” cho đến “tổn thương nghiêm trọng phần mềm.” Beecher so sánh kết quả này với quá trình điều trị cho những bệnh nhân là thường dân, những người cũng bị đau trong các loại tai nạn, và ông nhận thấy những người bình thường yêu cầu nhiều thuốc men hơn so với những người lính từng chiến đấu trên chiến trường và chịu những thương tổn tương tự.
Những quan sát của Beecher cho thấy những trải nghiệm liên quan đến sự đau đớn phức tạp hơn rất nhiều. Ông kết luận rằng đau nhiều hay đau ít không chỉ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của thương tổn, mà còn phụ thuộc vào hoàn cảnh diễn ra thương tổn ấy, phụ thuộc vào cách diễn giải và ý nghĩa mà chúng ta gán cho những trải nghiệm đau đớn ấy. Như Beecher đã từng dự đoán, sau khi bị thương, tôi ít để tâm tới sự đau đớn của bản thân. Tôi không thích thú gì chuyện bị đau cũng như ít cảm nhận về nó hơn mọi người. Mà hơn thế, tôi có xu hướng chấp nhận nó, và tích cực “phối hợp” với sự đau đớn và điều trị làm “tắt” đi những cảm xúc bi quan vốn hay đi liền với cảm giác đau đớn.
ĐAU ĐỚN DO BỎNG VÀ SINH NỞ
Trở lại trường đại học, Giáo sư Ina Weiner dạy môn tâm lí học đã nói với chúng tôi rằng phụ nữ có ngưỡng đau và khả năng chịu đau cao hơn đàn ông bởi vì họ phải trải qua những kì sinh nở. Mặc dù giả thuyết này có vẻ hợp lý một cách hoàn hảo, nhưng nó lại không phản ánh đúng những gì tôi được chứng kiến ở khoa Bỏng. Ở đó tôi từng gặp một người phụ nữ tên là Dalia, bà khoảng 50 tuổi và phải nhập viện sau khi bị ngất vì bỏng trong khi nấu ăn. Bà bị ngã vào lò nướng và cánh tay trái bị bỏng nặng, khiến bà phải cấy ghép 2% cơ thể (đó là tỉ lệ bỏng rất nhỏ so với rất nhiều trường hợp bệnh nhân bỏng khác). Dalia sợ hãi mỗi khi thay băng và băng bó lại như tất cả chúng ta, và bà nói với tôi rằng đối với bà, thì việc đau đẻ chẳng là gì so với sự đau đớn khi bị bỏng và phải điều trị bỏng.
Tôi nói với Giáo sư Weiner điều này, nhưng bà có vẻ không để tâm tới câu chuyện liên hệ này. Vậy nên tôi đã dựng lên thí nghiệm nước nóng trong phòng thí nghiệm khi làm việc bán thời gian cho một chương trình thử nghiệm và tiến hành một cuộc kiểm tra nhỏ. Tôi mời ngẫu nhiên những sinh viên đi qua đặt tay vào nước nóng, giữ tay ở đó cho đến khi không thể chịu nổi, để đo khả năng chịu đau của họ. Tôi cũng ghi nhận giới tính của họ nữa. Kết quả quá rõ ràng: Đàn ông giữ tay trong nước nóng lâu hơn rất nhiều so với phụ nữ.
Đến tiết học sau, tôi rất háo hức giơ tay và nói với Giáo sư Weiner và cả lớp về kết luận của tôi. Không hề bối rối và chẳng thèm chớp mắt, bà nói với tôi rằng kết quả đó chỉ chứng tỏ rằng đàn ông thật là một lũ ngốc. “Tại sao tất cả mọi người,” bà cười giễu, “lại chịu để tay trong nước nóng để phục vụ cho nghiên cứu của anh? Nếu đó là một cái đích cụ thể cần đạt tới, thì anh sẽ thấy phụ nữ cũng sẽ làm được như vậy.”
Ngày hôm đó tôi đã nhận được một bài học quí giá về nghiên cứu khoa học, và cả về phụ nữ nữa. Tôi học được rằng nếu một người đã tin tưởng chắc chắn vào điều gì, thì rất khó thuyết phục người ta thay đổi.
Thích nghi cảm giác
Giờ thì hẳn là bạn, bạn đọc yêu quí, đã hiểu cơ bản về cơ chế hoạt động của những thích nghi thể xác (ví như hệ thống thị giác của bạn) và cách thích nghi sự đau đớn, giờ thì hãy xem thích nghi cảm giác – quá trình làm quen với những nơi ta sống, với tổ ấm của ta, với người bạn đời lãng mạn hay hầu hết mọi vật trên đời này diễn ra như thế nào nhé.
Khi chuyển đến một căn nhà mới, chúng ta có thể sẽ rất vui sướng khi thấy sàn gỗ sáng bóng, hoặc cảm thấy thất vọng về màu vàng xanh chói lọi của gian bếp. Sau một vài tuần, những yếu tố này phai nhạt đi trong tổng thể chung. Một vài tháng sau, chúng ta sẽ thấy cái màu chói mắt đó chẳng gây chút phiền toái nào, đồng thời vẻ đẹp đẽ của sàn nhà cũng chẳng mang lại nhiều niềm vui như hồi đầu nữa. Những cảm xúc này nhạt dần – khi những cảm xúc tích cực ban đầu nhạt dần, còn những cảm xúc tiêu cực hình như cũng tiêu bớt – đó là quá trình mà chúng tôi gọi là “thích nghi cảm giác”
Cũng như đôi mắt của chúng ta có khả năng thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của ánh sáng và môi trường, con người chúng ta cũng có khả năng thích ứng với những thay đổi về kì vọng và trải nghiệm. Ví dụ, Andrew Clark đã chứng minh được rằng người lao động Anh quốc cảm thấy hài lòng nhất với nghề nghiệp khi công việc đó có sự thay đổi về tiền lương, chứ không phải bản thân mức lương mà công việc ấy mang lại. Nói cách khác, thường thì người ta có xu hướng quen với mức lương được trả, dù nó cao hay thấp. Cứ tăng lương thì thích, giảm lương thì chán, kể cả mức lương hiện thời của họ có là bao nhiêu đi nữa.
Trong một trong số những nghiên cứu sớm nhất về thích nghi cảm giác, Philip Brickman, Dan Coates và Ronnie Janoff-Bulman đã so sánh về mức độ hạnh phúc nói chung của 3 nhóm người: những người bại liệt chi dưới, những người trúng số độc đắc và những người hoàn toàn bình thường, không tàn tật cũng không có vận may đặc biệt. Nếu dữ liệu được thu thập ngay sau tai nạn khiến người ta trở thành tàn tật, hoặc ngay sau khi trúng số biến một người trở nên giàu có, thì người ta dễ dàng đoán được kết quả, người tàn tật sẽ đau khổ hơn rất nhiều so với người bình thường, còn người trúng số thì hiển nhiên là hạnh phúc nhất trong 3 nhóm người. Tuy vậy, dữ liệu lại chỉ được thu thập 1 năm sau khi các sự kiện trên diễn ra. Và, mặc dù có sự khác biệt hạnh phúc trong các nhóm đối tượng, nhưng thứ tự hạnh phúc xếp thế nào thì lại không giống như bạn hình dung đâu. Dù người tàn tật không hài lòng với cuộc sống như người bình thường, và người trúng số có vẻ hài lòng hơn một chút, thì cả hai nhóm người tàn tật và trúng số hoá ra cũng chỉ có mức độ hài lòng cuộc sống ở mức tương đương với người bình thường mà thôi. Nói cách khác, dù cuộc sống của họ có đổi thay sau một tai nạn khủng khiếp hoặc sau khi trúng số bất ngờ, nhưng nhìn toàn cục, thì yếu tố này cũng phai nhạt theo thời gian.
“THUỐC GIẢI” CHO NHỮNG CÕI LÒNG TAN NÁT
Khi chàng Romeo đau đớn vì bị cô bạn gái đầu tiên trong đời, Rosaline, từ chối, bạn có thể tưởng tưởng nổi không, như thể là tận cùng trái đất ấy. Cả đêm chàng không hề chợp mắt, ban ngày thì khoá trái mình trong phòng. Cha mẹ chàng vô cùng lo lắng. Khi anh họ của chàng hỏi chàng đau khổ đến mức nào, Romeo nói như có thể chết đi được vì người con gái chàng yêu đã từ chối chàng. “Nàng thề non hẹn biển,” chàng giải thích, “và trong lời thề đó/ta sống mà như đã chết.” Đêm hôm ấy, chàng gặp Juliet và quên tiệt mọi thứ về Rosaline.
Dù không phải ai cũng dễ rung động như chàng Romeo, nhưng chúng ta lại có khả năng phục hồi nhanh hơn chúng ta tưởng khi bị thất tình. Trong một nghiên cứu với đối tượng là các sinh viên, kéo dài 38 tuần, Paul Eastwick, Eli Finkel, Tamar Krishnamurti và George Loewenstein được trải nghiệm cảm giác yêu đương tưởng tượng và thực tế. Đầu tiên, các nhà nghiên cứu hỏi những sinh viên đã từng yêu đương say đắm xem họ hình dung cảm giác của mình thế nào nếu phải chia tay (họ đã nghĩ họ sẽ có cảm giác giống Romeo, thời còn say đắm nàng Rosaline), và rồi họ chờ đợi. Sau thời gian dài nghiên cứu, hiển nhiên là trong số sinh viên tham gia thí nghiệm, đã có những người trải nghiệm cảm giác chia tay, đó chính là cơ hội để những nhà nghiên cứu tìm hiểu xem thực tế thì cảm giác của những sinh viên này là thế nào, sau khi tan nát cõi lòng vì thất tình. Sau đó, các nhà nghiên cứu so sánh với những gì mà những sinh viên này dự đoán trước kia với phản ứng thực tế của họ.
Hóa ra là chia tay tình yêu cũng chẳng phải là tận cùng thế giới như những sinh viên này từng tưởng tượng, và nỗi buồn tan biến nhanh hơn rất nhiều so với những gì họ lường trước. Điều đó không có nghĩa là chia tay người mình từng yêu không đau khổ, mà nó chỉ ít đau khổ hơn so với những gì chúng ta tưởng thôi.
Giả thiết là những sinh viên này chưa tốt nghiệp, họ thiếu kinh nghiệm sống nên cũng dễ “lung lay” hơn đi (đặc biệt là trong lãnh địa tình ái), nhưng khi thực hiện thí nghiệm trên những đối tượng ở mọi lứa tuổi khác, kết quả cũng không thay đổi là mấy. Nhìn chung, con người không giỏi tiên đoán hạnh phúc cho chính mình. Thử hỏi một cặp đôi đã kết hôn xem họ cảm thấy thế nào nếu phải ly hôn, hẳn nhiên là họ sẽ cho rằng như vậy là bi kịch mười mươi rồi. Và vì những dự đoán ấy hơi “đen tối” quá mức cần thiết, nên khi một cuộc ly dị diễn ra, thì té ra cũng không quá tệ hại như cả hai từng lường trước. Tôi không chắc việc đưa ra kết luận này có ảnh hưởng tới cách hành xử của mọi người hay không, nhưng chúng tôi chỉ muốn nói là chúng ta không nên quá lo lắng về việc chia tay. Cuối cùng thì chúng ta cũng sẽ thích nghi theo một cách nào đấy, và đó há chẳng phải là cơ hội tốt để chúng ta tiếp tục sống và nhận ra rằng mình lại có thể yêu sao.
Rất nhiều những nghiên cứu trong suốt một thập kỉ qua đã củng cố quan điểm cho rằng mặc dù trọng tâm hạnh phúc có thể đi chệch khỏi “trạng thái tĩnh” của nó khi có các sự kiện bất ngờ diễn ra trong cuộc sống, nhưng qua thời gian, nó thường có xu hướng trở lại đúng với bản chất của nó. Mặc dù chúng ta không dễ có cảm giác thích nghi đối với mọi hoàn cảnh mới, nhưng chúng ta chấp thuận nó, chấp thuận rất nhiều thứ, và đến một cấp độ nào đó – thì chúng ta hoàn toàn cảm thấy quen thuộc với căn nhà mới, chiếc xe hơi mới, những mối quan hệ mới, những tổn thương mới, công việc mới, thậm chí là cả cái… nhà tù mới.
Nhìn chung, dường như thích nghi là một phẩm chất của loài người. Nhưng thích nghi cảm giác lại có thể trở thành vấn đề cho những quyết định mang tính hiệu quả, bởi vì chúng ta thường không dự đoán chính xác những gì chúng ta sẽ thích ứng – ít nhất là tới mức độ mà thực tế ta sẽ đạt được. Hãy nghĩ đến những người bại liệt hoặc những người trúng số độc đắc một lần nữa. Gia đình cũng như bạn bè của họ, chẳng ai lường được khả năng thích nghi của họ thế nào đối với hoàn cảnh mới. Tất nhiên, có bao nhiêu hoàn cảnh khác nhau trên đời này, thì cũng có bấy nhiêu sự thích nghi khác nhau trong từng tình huống, từ chuyện chia tay mối tình đầu, cho đến việc không được thăng chức trong công việc, hay chuyện ứng cử viên yêu thích bị loại sớm khỏi vòng tranh cử. Trong tất cả những trường hợp như vậy, chúng ta đồ rằng mình sẽ khốn khổ trong một thời gian dài, chỉ vì mọi sự không diễn ra như hi vọng của ta; đồng thời, ta cũng tưởng rằng nếu mọi thứ cứ diễn ra như ý muốn của mình, thì hạnh phúc mà ta đang có sẽ kéo dài mãi mãi. Nhưng nhìn chung mà nói, thì các dự đoán của ta đều sai toét.
Kết cục là, mặc dù chúng ta dự đoán rất chuẩn xác về chuyện bước từ phòng chiếu phim tối mò ra đến khu để xe chói loá, nhưng chúng ta lại dở tệ khi tiên đoán về khả năng cũng như tốc độ thích nghi cảm giác của chúng ta. Thường là đoán sai hết cả. Về lâu về dài mà nói thì con người ta, khi gặp chuyện vui thì chớ nghĩ hạnh phúc sẽ kéo dài mãi, còn khi gặp phải chuyện dở thì cũng đừng nên cho rằng đời vậy là hết, buồn sầu thiên thu.
MỘT LÝ DO khiến chúng ta gặp khó khăn khi dự đoán khả năng mở rộng thích nghi cảm xúc đó là khi đưa ra các dự đoán, chúng ta thường quên tính đến một thực tế là cuộc sống vẫn tiếp diễn, và những sự kiện (cả tốt và xấu) sẽ vẫn tuần tự xuất hiện, tất cả sẽ đều tác động tới thái độ sống của chúng ta. Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn là một tay chơi vĩ cầm kì cựu, bạn sống chỉ để chơi những bản nhạc của Bach. Âm nhạc là cả cuộc đời và niềm vui của bạn. Nhưng một tai nạn xe hơi xảy đến, phá hủy tay trái của bạn, vĩnh viễn cướp đi cơ hội kéo vĩ cầm của bạn. Ngay sau tai nạn, bạn chắc chắn sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm khủng khiếp và nghĩ rằng bạn sẽ bất hạnh trong suốt phần đời còn lại. Chẳng phải âm nhạc đã từng là cả cuộc sống của bạn, giờ thì mọi thứ đã chấm hết rồi đó sao. Nhưng trong bất hạnh và hoảng loạn, bạn thực sự không hiểu nổi tại sao mình lại có được khả năng phi thường đến vậy.
Hãy nghe câu chuyện của Andrew Potok, một nhà văn mù từng sống ở Montpelier, Vermont. Potok từng là một hoạ sĩ bất hạnh khi dần bị mất thị giác bởi căn bệnh di truyền, viêm võng mạc sắc tố. Khi không còn nhìn được nữa, thì một điều kì diệu đã xảy ra: ông bắt đầu nhận ra mình có thể vẽ bằng ngôn từ thay vì vẽ bằng màu sắc, vậy là ông viết một cuốn sách kể về chuyện ông trở nên mù loà như thế nào. Ông nói, “Tôi từng nghĩ mình rớt xuống đáy vực và đâm đầu vào đá rồi, mình sẽ mắc kẹt trong đống bùn lầy này mất, nhưng tự do, tự nó đã tìm được con đường giải thoát. Một đêm nọ, tôi nằm mơ thấy những con chữ cứ tự nhiên tuôn ra từ miệng tôi, như những cái cây đâm chồi nảy lộc, như hương vị ngọt ngào của một bữa tiệc đang được gió mang tràn tới. Những từ ngữ đó tựa như những màu sắc đẹp diệu kì. Tôi tỉnh dậy sau giấc mơ và nhận ra một điều gì mới vừa được sinh ra. Tôi cảm thấy lấp lánh hạnh phúc trong tim mình khi những từ ngữ đẹp đẽ đó thoát ra. Thật ngạc nhiên, hoá ra chúng cũng làm những người khác cảm thấy như vậy. Và khi chúng được xuất bản, tôi lại thấy mình như một bậc quyền năng mới được tái sinh.”
“Một trong những vấn đề khó khăn đối với người khiếm thị là làm cái gì cũng chậm chạp,” Potok nói thêm. “Bạn quá bận óc tập trung xem mình đang ở đâu trên hành trình, bạn phải chú ý nghiêm ngặt tới điều đó suốt thôi. Dường như ai cũng đi vút qua bạn. Và thế là một ngày nọ, bạn bỗng nhận ra sự chậm chạp hoá ra cũng chẳng quá tệ, thế là bạn muốn viết một cuốn sách có tên Ngợi ca sự chậm trễ.” Tất nhiên, Potok luôn cảm thấy tiếc vì không nhìn được, bởi có biết bao phiền toái hàng ngày xảy ra vì điều này. Nhưng nó dường như lại trở thành tấm hộ chiếu để ông bước vào một miền đất mới mà trước đây ông không bao giờ có thể tưởng tượng ra.
Vậy hãy thử lại tưởng tượng mình là một nhạc công vĩ cầm. Dần dần bạn cũng sẽ phải thay đổi cách sống và dần hoà nhịp với những thứ mới mẻ. Bạn có thể sẽ thiết lập những mối quan hệ mới, dành nhiều thời gian hơn cho những người bạn yêu, theo đuổi một khoá học về lịch sử âm nhạc hay làm một chuyến du ngoạn tới Tahiti. Bất cứ thứ gì diễn ra đều sẽ có ảnh hưởng rất nhiều tới tâm trạng của bạn và thu hút sự chú ý cảm xúc của bạn. Bạn sẽ luôn tiếc vì tai nạn đã xảy ra – về cả sự mất mát thể xác lẫn cảm giác tiếc nuối về cuộc sống cũ – nhưng những tác động của nó sẽ không luôn tươi mới như những ngày đầu, hoặc ít nhất là đậm đặc như hồi đầu bạn nghĩ nữa. Câu cách ngôn “Thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương” quả thực chính xác, bởi vì qua thời gian, bạn sẽ dần dần thích nghi với tình hình mới trong thế giới mới của bạn.
Vòng xoáy hưởng lạc
Do không lường được hết khả năng thích nghi cảm giác của mình, nên chúng ta, cũng giống những người nghiện mua sắm, ngày càng có nhiều ham muốn hơn với hi vọng rằng những vật dụng mới sẽ khiến chúng ta hạnh phúc hơn. Thực thế, có một chiếc ô tô mới ư, nghe tuyệt đấy. Nhưng đáng buồn là, niềm vui ấy chỉ kéo dài có vài tháng. Chúng ta dần quen với chiếc xe hơi và cảm giác xốn xang mất dần đi. Vậy là chúng ta lại tìm kiếm những thứ khiến ta hạnh phúc: có thể là cặp kính mát mới, một chiếc máy tính, hoặc một chiếc xe hơi khác. Cái vòng quay ấy khiến chúng ta luôn có cảm giác “cỏ nhà hàng xóm xanh hơn cỏ nhà mình”, cảm giác ấy được đặt tên là “vòng xoáy hưởng lạc”. Chúng ta trông ngóng những thứ khiến ta hạnh phúc, nhưng chúng ta lại không nhận ra thứ hạnh phúc ấy “phận mỏng” đến chừng nào, và khi đã thích nghi với nó rồi, ta lại tiếp tục tìm kiếm thứ hạnh phúc kế tiếp. “Lần này”, chúng ta tự nhủ, “mình sẽ bằng lòng với thứ này trong một thời gian cho mà xem.” Những kẻ điên trong guồng quay hưởng lạc được minh hoạ trong bức tranh vui dưới đây. Người phụ nữ trong bức tranh có thể có một chiếc xe hơi duyên dáng, và sắp có một cái bếp mới, nhưng mức độ đòi hỏi của bà ta thì dường như không đổi. Cũng giống như câu thành ngữ “Mèo lại hoàn mèo”.
zzzUntitled.jpg
Chú thích tranh: “Anh yêu, năm ngoái khi mua cái xe này, em sướng phát rồ lên được, nhưng giờ em chả thấy vui thích nữa. Hay ta sửa lại cái bếp đi, anh nghĩ sao?”
David Schkade và Danny Kahneman đã tiến hành một nghiên cứu phản ánh nguyên tắc này. Họ quyết định điều tra xem người dân ở thành phố California (Mỹ) có hạnh phúc hơn không – vì dẫu sao họ đang sống ở California, nơi thời tiết quanh năm đẹp tuyệt vời*. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những người sống giữa miền Tây nắng gió cho rằng những người dân sinh sống ở vùng California mưa thuận gió hoà nhìn chung sẽ hài lòng với cuộc sống hơn họ, còn những người California thì nghĩ những người sống giữa miền Tây nhìn chung là phải ít hạnh phúc hơn họ bởi vì họ phải chịu đựng mùa đông dài, có khi nhiệt độ xuống dưới 0oC. Rút cuộc, họ đi tới kết luận là nếu một người Chicago chuyển xuống vùng California đầy nắng thì sẽ là cả một bước tiến dài trong cách sống, còn người ở vùng San Diego chuyển qua miền Tây ở thì kiểu gì cũng phải giảm mức độ hạnh phúc xuống thảm hại.
Những tiên đoán này đúng được bao nhiêu phần? Hoá ra là họ chỉ đúng một tí tẹo. Thực sự thì dịch chuyển đến nơi ở mới mang lại những trải nghiệm hạnh phúc hơn hay buồn sầu hơn cho cuộc sống, chỉ vì khí hậu ở đó khác với nơi cũ. Nhưng cũng giống mọi thứ khác, một khi đã thích nghi được với nhịp sống ở nơi mới, người ta sẽ lại quen với cuộc sống ở thành phố mới, và rồi chất lượng cuộc sống của họ sẽ trở lại mức độ ban đầu. Chốt lại: dù bạn có cảm thấy phấn khích đến mức nào với một thứ gì đó mới mẻ, thì về lâu về dài, cái thứ ấy cũng chẳng đủ sức làm bạn phấn khích mãi, tương tự, điều đó đúng cả với những bất hạnh nữa.
Ngắt quãng Thích nghi Cảm xúc
Đến giờ thì khái niệm về thích nghi cảm xúc đã khá rõ ràng, vậy thì bạn có thể đặt ra câu hỏi, liệu chúng ta có thể dùng sự hiểu biết này để phục vụ cho cuộc sống tốt đẹp hơn? Phải điều khiển sự thích nghi theo ý muốn của ta (kiểu như nhanh chóng quen với cuộc sống sau khi bị tàn tật), phải làm sao để tiến trình thích nghi này diễn ra khi ta muốn. Thế còn khi ta không muốn thích nghi thì sao? Giả dụ ta cứ thích tận hưởng cảm giác lạ lẫm với chiếc xe mới, với thành phố mới, mối quan hệ mới, v..v.. thì sao?
Chìa khoá để làm chậm quá trình thích nghi chính là “phá đám” quá trình ấy. Đó chính xác là những gì Leif Nelson và Tom Meyvis đã làm. Trong một loạt những thí nghiệm đồng bộ, họ kiểm tra xem những cuộc cắt ngang giữa chừng – mà họ gọi là “ngắt quãng sự thích nghi” - ảnh hưởng như thế nào tới cảm giác vui vẻ hay bực tức mà chúng ta có được sau những trải nghiệm dễ chịu hoặc bực dọc. Chủ yếu là họ muốn biết nếu ngắt quãng giữa chừng một trải nghiệm dễ chịu có làm tăng cảm giác dễ chịu lên không, hay nếu ngắt quãng giữa chừng một trải nghiệm khó chịu thì có làm cho cảm giác tệ đi không.
Trước khi tôi miêu tả thí nghiệm và kết quả của nó, hãy nghĩ về một việc vặt trong nhà mà bạn thực sự chả thích chút nào. Có thể đó là những việc như chuẩn bị chứng từ để nộp thuế, học thi, lau sạch tất cả các cửa sổ trong nhà hoặc viết thư cảm ơn sau kì nghỉ cho Dì Tess kinh khủng hoặc tất cả mọi người trong họ tộc đông đúc. Bạn dành riêng quỹ thời gian là một ngày để “đá đít” cái nhiệm vụ khó nhằn này, và giờ thì bạn đối diện với câu hỏi: tốt hơn hết là cố sức hoàn thành nhiệm vụ liền một mạch hay là giữa chừng ta nên nghỉ một chút? Hoặc giả là bạn đang đầm mình trong bể sục jacuzzi bên cạnh một ly trà mát lạnh, thư thả nhấm nháp từng quả dâu tươi ngon, hoặc đang tận hưởng cảm giác sung sướng của một bữa massage đá nóng. Liệu bạn muốn trải nghiệm sự sung sướng này liền một mạch, hay là giữa chừng nghỉ một chút, làm một việc khác trong một chốc lát?
Leif và Tom nhận thấy rằng, nhìn chung, khi được hỏi về sở thích nghỉ ngơi giữa chừng, mọi người muốn được nghỉ một chút khi đang làm một việc gì chán chường, nhưng lại thích tận hưởng cảm giác sung sướng liên tục mà không bị ngắt quãng chút nào. Nhưng theo nguyên tắc cơ bản của sự thích nghi, thì Leif và Tom lại cho rằng thực ra phải làm ngược lại mới đúng: con người sẽ ít phải chịu đựng hơn khi thực hiện một việc chán ngán liền một mạch, và sẽ hài lòng hơn khi trải nghiệm thích thú bị ngắt quãng. Bất cứ sự ngắt quãng nào, theo họ, cũng đều tách đối tượng ra khỏi tiến trình thích nghi, điều đó có nghĩa là sẽ tệ nếu ngắt quãng trải nghiệm bực mình, nhưng lại hiệu quả nếu đó là trải nghiệm thích thú.
Để kiểm tra giả thiết của mình, Leif và Tom chụp tai nghe vào những người tham gia thí nghiệm và bật cho họ nghe một đoạn âm thanh của… máy hút bụi. Mà không phải loại máy Dusbuster êm ái đâu; nó là âm thanh kéo dài 5 giây kinh hoàng của một chiếc máy hút bụi khổng lồ. Nhóm thứ hai, cũng trải nghiệm tương tự, nhưng kéo dài đến 40 giây.
Hãy tưởng tượng những người tình nguyện đáng thương nắm chặt tay và nghiến chặt răng. Nhóm cuối cùng thì trải qua 40 giây tiếng hút bụi khó chịu đầu tiên, sau đó là vài giây im lặng, và rồi lại thêm 5 giây hút bụi ầm ĩ. Như vậy là, nhóm cuối cùng phải chịu đựng tiếng ồn của máy hút bụi lâu nhất so với hai nhóm còn lại. Vậy họ có khó chịu hơn không? (Bạn có thể thử thí nghiệm này ở nhà. Bảo bạn của mình cứ bật/tắt máy hút bụi liên tục khi bạn nằm gần đấy – và thử cảm nhận xem bạn khó chịu thế nào khi nghe 5 giây cuối cùng trong mỗi trường hợp.)
Sau khi nghe đoạn âm thanh, những người tham dự sẽ đánh giá mức độ khó chịu của họ trong 5 giây cuối của thí nghiệm. Leif và Tom nhận ra nhóm ít bị làm phiền nhất – những người chỉ phải chịu đựng 5 giây tiếng máy hút bụi – lại cáu kỉnh hơn so với những người phải nghe tiếng máy hút bụi lâu hơn họ rất nhiều. Các bạn có thể đoán được là kết quả này sẽ gợi ý cho thấy những người chịu đựng tiếng máy hút bụi trong vòng 40 giây đã bắt đầu quen với tiếng ồn đó, và thế là 5 giây cuối cùng của trải nghiệm hoá ra lại chẳng tệ quá. Còn những người có quãng nghỉ thì sao? Kết quả cho thấy quãng nghỉ lại làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Sự thích nghi bị đuổi đi, chỉ còn sự khó chịu ở lại.
Ý nghĩa của thí nghiệm này? Bạn sẽ nghĩ nghỉ ngơi một chút trong một trải nghiệm buồn chán sẽ tốt hơn cho bạn, nhưng sự ngắt quãng đó lại làm giảm thiểu khả năng thích nghi của bạn, khiến cho trải nghiệm đó trở nên tệ hại hơn khi bạn bắt nhịp lại với nó. Khi phải lau nhà hay tính toán tiền thuế, mẹo nhỏ là đừng bỏ ngỏ cho đến khi bạn hoàn thành nó, bật mí là bạn nên chết dí với nó cho đến khi hoàn thành.
Thế còn trải nghiệm vui thú thì sao? Leif và Tom lại mời hai nhóm tình nguyện viên đến mát xa trong vòng 3 phút, ở một spa mà phải xếp hàng mới đặt được chỗ ở Brookstone. Nhóm đầu tiên được chăm sóc trong liền 3 phút. Nhóm thứ hai được chăm sóc trong vòng 80 giây, rồi nghỉ khoảng 20 giây, rồi lại tiếp tục được mát xa sao cho tổng số thời gian được mát xa chỉ là 2 phút 40 giây, nghĩa là kém 20 giây so với nhóm đầu tiên. Cuối buổi mát xa, mọi người được yêu cầu đánh giá mức độ hài lòng của họ trong cả buổi thí nghiệm. Kết quả là những người được mát xa ít thời gian hơn và bị ngắt quãng giữa chừng không chỉ thích thú hơn, mà còn nói họ sẵn sàng chi trả gấp đôi để nhận được khoảng nghỉ giữa chừng khi đang mát xa như vậy.
Kết quả rõ là không cảm tính nhé. Có hay ho vui vẻ gì đâu khi bạn cho phép bản thân rời khỏi mớ tính thuế hỗn độn dù chỉ trong vài phút? Tại sao bạn lại muốn đặt chiếc thìa xuống khi đang ăn dở cốc kem Ben & Jerry, nhất là khi bạn đã trông chờ cả ngày giời thời điểm đó? Tại sao lại bước ra khỏi bể sục nước nóng để tự mình đi lấy đồ uống chứ không sai phái người khác?
Vậy thì mẹo đây: thay vì nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi một chút, kiểu để hồi phục, khi đang làm một việc đáng chán, thì hãy nghĩ đến lúc bắt nhịp lại với nó mới khó khăn thế nào. Tương tự, nếu bạn không quyết tâm đứng dậy, ra khỏi bể sục để đi lấy đồ uống cho mình (hoặc cho bạn tình của mình), thì hãy nghĩ đến cảm giác vui thích khi được trở lại bể nóng (tất nhiên đừng tiết lộ với bạn của bạn rằng bạn chỉ đang kéo giãn cảm giác sung sướng cho bản thân mình, mà hãy để họ cảm kích trước sự “hi sinh” của bạn.)
Thích nghi: Giới hạn tiếp theo
Thích nghi là một quá trình lạ thường nhưng phổ biến, diễn ra ở mọi cấp độ, thể xác, tâm lý và môi trường, và nó ảnh hưởng đến rất nhiều phương diện cuộc sống của chúng ta. Bởi tính phổ biến và rộng khắp của nó, nên sẽ có rất nhiều điều ta không thể hiểu hết về sự thích nghi được. Ví dụ như ta không thể khẳng định liệu chúng ta đã thực sự trải nghiệm đến tận cùng, hay chỉ là một phần của sự thích nghi cảm xúc khi chúng ta bắt đầu làm quen được với tình hình cuộc sống mới. Cũng như không thể chắc chắn được chuyện thích nghi cảm xúc thì kì diệu rồi, nhưng liệu có những cách khác để đi đến cái đích ấy không. Tuy vậy, những câu chuyện mang tính cá nhân sau đây có thể nhen lên một đốm lửa cho đề tài quan trọng này. (Và đừng rời khỏi chỗ ngồi nhé, sẽ còn có rất nhiều thí nghiệm thích nghi cảm xúc sắp được tiết lộ.)
ĐỂ CHỨNG MINH cho tính phức tạp của thích nghi cảm xúc, tôi muốn chia sẻ cho các bạn một vài ví dụ về những lần tôi không thể thực sự thích nghi hoàn toàn được với hoàn cảnh của mình. Bởi vì cơ thể tôi nhằng nhịt những vết thương mà mắt thường cũng có thể nhìn thấy (tôi có rất nhiều sẹo ở cổ, mặt, tay, chân…), nên hồi đầu bị thương, tôi mới bắt đầu để ý cách mọi người xung quanh nhìn mình. Nỗi sợ hãi về hình ảnh của mình trong mắt người khác khiến tôi khốn khổ biết bao nhiêu, trong nhiều năm ròng. Hồi ấy, tôi chẳng gặp gỡ nhiều người mới trong cuộc sống thường nhật, bởi vậy tôi không nhạy cảm lắm về cách tôi nhìn người khác. Nhưng khi ở giữa một đám đông, đặc biệt là khi ở bên cạnh những người tôi không biết hoặc vừa mới gặp lần đầu, tôi mới nhận ra mình rất ngần ngại và nhạy cảm về cách người ta nhìn mình. Chẳng hạn khi tự giới thiệu với một ai đó, tôi tự động khắc ghi cảm nhận của mình về cách người ấy nhìn tôi, cô ta hoặc anh ta có bắt tay phải bị thương của tôi không, và bắt tay như thế nào.
Bạn có thể kì vọng rằng sau vài năm tôi sẽ phải thích nghi với hình ảnh mới của mình, nhưng sự thực là thời gian chẳng xoá nhòa được cảm giác của tôi. Chắc chắn là tôi trông khá hơn trước đó (các vết sẹo mờ dần qua thời gian, và tôi đã trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật), nhưng nhìn chung những ngại ngần của tôi về phản ứng của người khác đối với ngoại hình của mình vẫn không giảm đi mấy. Tại sao tôi lại thất bại khi thích nghi trong trường hợp này? Có lẽ cũng giống như thí nghiệm với máy hút bụi vậy. Mỗi lần có một người nhìn vào tôi, thì phản ứng của họ lại nhắc nhở tôi về vẻ bề ngoài của mình, điều đó ngăn cản quá trình thích nghi của tôi.
Câu chuyện về thất bại thích nghi thứ hai của cá nhân tôi liên quan đến những giấc mơ. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, có một hình ảnh xuất hiện lặp đi lặp lại trong những giấc mơ của tôi là thân hình trẻ trung, khoẻ mạnh, và không có lấy một vết sẹo nào như trước khi tôi bị tai nạn. Rõ ràng là tôi không thể phủ nhận hay chối bỏ sự thay đổi hình dạng của mình. Vài tháng sau, một sự thích nghi khác bắt đầu thế chỗ; tôi bắt đầu mơ về những cuộc điều trị, những thủ tục bệnh án, cuộc sống trong viện và những dụng cụ y tế vây quanh tôi. Trong tất cả những giấc mơ ấy, hình dung của tôi về bản thân mình vẫn vậy, không sẹo nhằng sẹo nhịt; tôi xuất hiện với bộ dạng rất khỏe khoắn, ngoại trừ một chuyện tôi bị đủ loại thiết bị y tế đè dí xuống. Cuối cùng, khoảng một năm sau tai nạn, tôi không còn thấy bất cứ hình ảnh nào về mình trong những giấc mơ nữa – như thể tôi bắt đầu đứng từ xa quan sát chúng vậy. Tôi không còn tỉnh dậy trong quay cuồng cảm xúc khi thêm một lần nữa nhận thức về sự tàn tật của mình (điều này thật tốt!), nhưng tôi cũng không bao giờ quen được với hình ảnh mới về mình – một người tàn tật (điều này thì không tốt chút nào!). Bản thân tôi không còn liên hệ với những giấc mơ của chính mình nữa, theo một nghĩa nào đó, là một điều tốt, tuy vậy, với những nhà phân tích giấc mơ theo trường phái Freud thì dường như sự thích nghi của tôi với hoàn cảnh biến đổi này phần nào đó đã thất bại rồi.
Ví dụ thứ ba cũng liên quan đến sự thích nghi cá nhân của tôi đó là khả năng tìm kiếm hạnh phúc trong sự nghiệp như một nhà nghiên cứu. Nhìn chung, tôi đã tìm được một công việc cho phép tôi làm việc nhiều hơn khi thấy khoẻ mạnh, và nghỉ ngơi một chút khi mệt. Trong lựa chọn sự nghiệp của mình, tôi hoài nghi và cho rằng khả năng chung sống với những giới hạn còn rất nhiều thứ cần phải làm, mà tôi gọi đó là “chủ động thích nghi”. Loại thích nghi này không phải là thích nghi thể xác cũng như cảm xúc; thay vào đó, nó là một loại chọn lọc tự nhiên theo học thuyết tiến hoá, nền tảng của nó dựa trên việc tạo ra rất nhiều sự thay đổi nhỏ trong cả một quá trình dài đưa ra quyết định, vì thế kết quả cuối cùng sẽ phù hợp với hoàn cảnh và khả năng của từng người.
Khi còn là một đứa trẻ, tôi không bao giờ mơ trở thành một nhà nghiên cứu (ai mà mơ như vậy chứ?), và cách tôi lựa chọn con đường sự nghiệp của mình cũng rất chậm rãi, tuân thủ từng bước, từng bước một trong vòng nhiều năm.
Khi lên trung học, tôi là một người khá trầm lặng trong lớp, góp chuyện trong những cuộc đùa vui nhưng hiếm khi tham gia vào một cuộc tranh luận học thuật nào. Trong năm đầu tiên ở trường đại học, tôi vẫn phải tiếp tục điều trị và mặc bộ đồ Jobs (một bộ đồ chùm từ đầu tới chân được thiết kế để tạo áp lực lên từng mô biểu bì), chính vì thế tôi bị bó hẹp, không thể tham gia những hoạt động không phù hợp với tình hình của mình. Vậy thì tôi biết làm gì đây? Tôi lao đầu vào những việc mà tôi có thể làm được: nghiên cứu (một việc mà không giáo viên nào trước đây của tôi có thể tưởng tượng ra được).
Dần dần tôi bắt đầu gắn kết nhiều hơn và nhiều hơn với những công việc học thuật. Tôi bắt đầu yêu thích học hành và nhận ra niềm thích thú khi chứng tỏ được khả năng của mình cho chính mình và cho người khác thấy, ít nhất là một phần trong tôi không hề thay đổi: đó là trí óc của tôi, ý tưởng của tôi và cách suy nghĩ của tôi nữa. Cách tôi sử dụng thời gian và các hoạt động tôi yêu thích cũng dần thay đổi, cho đến một lúc nào đó, nó trở nên hoàn toàn vừa vặn với giới hạn của tôi, khả năng của tôi và một cuộc sống học thuật. Quyết định đó của tôi không đến một cách đột ngột; mà hơn thế, nó được hình thành từ một loạt những bước đi nhỏ bé, mỗi bước đi lại đẩy tôi lại gần hơn và gần hơn nữa với cuộc sống hiện tại, mà giờ tôi thấy nó hoàn toàn vừa vặn với mình và vậy là tôi đã thành công trong việc làm quen với nó. (May mắn thay, đó lại là một cuộc sống mà tôi vui vẻ thấy rằng nó là một cuộc sống tuyệt vời.)
TRÊN TẤT CẢ, khi tôi nhìn vào những thương tích của mình – nặng nề, đau đớn và kéo dài như thế - nó khiến tôi ngạc nhiên vì ngờ đâu cuộc sống của tôi thay đổi đến vậy. Tôi đã tìm ra cách sống hạnh phúc tuyệt vời trong cả cuộc sống cá nhân và sự nghiệp của mình. Hơn thế nữa, nỗi đau mà tôi trải qua dường như ngày càng nhỏ đi khi dòng đời cứ trôi; không phải chỉ vì tôi đã học được cách thoả hiệp với nó, mà còn bởi vì tôi đã khám phá ra những thứ mà tôi có thể làm để chế ngự nó. Vậy là tôi đã hoàn toàn thích nghi với tình trạng hiện tại của mình? Không. Nhưng tôi đã thích nghi được ở mức cao hơn rất nhiều so với những gì tôi hình dung được khi ở tuổi 20. Và tôi thành thực cảm ơn sức mạnh kì diệu của sự thích nghi.
Làm sao để sự thích nghi phục vụ chúng ta?
Giờ chúng ta đã hiểu thêm hơn về sự thích nghi rồi, vậy chúng ta có thể sử dụng những nguyên tắc của sự thích nghi để điều khiển cuộc sống của ta cho tốt đẹp hơn chăng?
Hãy xem xét trường hợp của Ann, một sinh viên đại học sắp tốt nghiệp. Trong 4 năm liền, Ann đã sống trong một căn phòng kí túc bé tẹo, không có máy điều hoà nhiệt độ, với những đồ đạc cũ nát và chả mấy sạch sẽ cùng với hai người bạn cùng phòng khác. Hồi đó, Ann ngủ trên tầng cao nhất của chiếc giường tầng, chỗ đó bé đến nỗi cô không thể để quần áo, sách vở, thậm chí là một cuốn sổ sưu tầm nho nhỏ nữa.
Một tháng sau khi tốt nghiệp, cô nhận được một công việc thú vị ở Boston. Cô rất háo hức khi chuyển đến căn hộ đầu tiên, và được nhận tháng lương đầu tiên trong đời, cô đã viết ra cả một danh sách những thứ cô muốn mua. Vậy cô ấy sẽ quyết định chi tiêu như thế nào để mang lại nhiều hạnh phúc nhất trong khoảng thời gian dài nhất đây?
Một khả năng có thể xảy ra là Ann sẽ lấy chi phiếu của mình (sau khi trả tiền thuê nhà và các hóa đơn nhu yếu phẩm khác, tất nhiên), cô sẽ đến một trung tâm mua sắm. Ở đó cô có thể ném tiền qua cửa sổ, mua một chiếc đi văng mới, một chiếc giường thiết kế kiểu phi hành gia, một chiếc ti vi màn hình plasma “khủng” nhất có thể, thậm chí là vài chiếc vé thi đấu của đội Celtics mà cô hằng ao ước. Sau một thời gian dài sống kham khổ, giờ cô tự nhủ “Đã đến lúc chơi tới bến!” Một khả năng nữa là cô sẽ chi tiêu một cách từ từ. Có thể bắt đầu bằng một chiếc giường êm ái. Sáu tháng sau, cô có thể tiến tới mua một chiếc ti vi và năm sau sẽ là một chiếc ghế sô pha.
Mặc dù hầu hết những người ở vào địa vị của Ann đều nghĩ rằng thật tuyệt vời khi được trang bị đầy đủ cho căn hộ của mình, và thế là họ hăm hở đến trung tâm mua sắm, nhưng đến giờ phút này, với những hiểu biết về khoảng ngừng thích nghi, thì ta có thể khẳng định rằng cô ấy chắc chắn sẽ hạnh phúc hơn khi ngắt quãng thời gian mua sắm. Cô ấy có thể chạm được vào nhiều “hạnh phúc mua sắm” hơn nếu cô ấy biết tự giới hạn chi tiêu, ngừng lại nghỉ một chút, và làm chậm lại tiến trình thích nghi.
Bài học rút ra được ở đây chính là việc hãm bớt sự sung sướng lại. Một chiếc đi văng mới có thể làm bạn vui sướng trong 2 tháng, nhưng đừng mua chiếc ti vi mới cho đến khi niềm thích thú về chiếc đi văng bắt đầu hạ nhiệt. Hành động ngược lại có thể khiến bạn vật vã một chút khi phải cắt giảm chi tiêu. Khi giảm bớt thú tiêu dùng, có thể bạn sẽ còn chuyển tới căn hộ nhỏ hơn, không truyền hình cáp gì hết, thậm chí là cắt giảm cả tiền mua cà phê loại xịn cùng một lúc – tất nhiên, trước mắt thì bạn sẽ thấy khổ sở hơn, nhưng về lâu về dài thì hành động đó lại làm giảm thiểu sự thiệt hại hơn rất nhiều.
Còn một cách nữa khiến sự thích nghi phục vụ cho chúng ta đó là giảm dần các giới hạn tiêu dùng – ít nhất là giảm tiêu dùng đối với các chất uống có cồn. Một trong những nhà tư vấn ở trường đại học của tôi, Tom Wallsten thường nói, ông muốn trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực rượu có giá từ 15 đô-la trở xuống. Ý tưởng của Tom đưa ra là nếu ông mua rượu bắt đầu ở mức giá 50 đô-la/chai, thì dần dần ông sẽ quen với cấp độ rượu đó, và thế là ông sẽ không chịu nổi cảm giác khi phải mua chai rượu với giá rẻ hơn. Hơn thế nữa, ông lập luận rằng nếu ông bắt đầu tiêu dùng ở mức giá 50 đô-la/chai, thì dần dần ông sẽ tăng dần chi phiếu cho những chai trị giá 80 đô-la, 90 đô-la và 100 đô-la, đơn giản là vì khả năng khẩu vị của ông cũng dần thích nghi với những cấp độ rượu cao hơn. Cuối cùng, ông cho rằng nếu không bao giờ thử mua rượu ở mức 50 đô-la/chai thì khẩu vị của ông cũng sẽ theo đó mà điều chỉnh một cách cực kì tinh tế, tức là nó sẽ phù hợp với những loại rượu nằm trong mức chi phí ông định ra, và dần dần, sự thỏa mãn của ông cũng được tăng lên. Với những lập luận như vậy trong đầu óc, ông từ chối sự thích nghi khoái lạc, ông kiểm soát chi tiêu của mình, trở thành chuyên gia rượu 15 đô-la/chai, và sống rất hạnh phúc theo cách của mình.
VỚI NIỀM CẢM hứng tương tự, chúng ta có thể biến sự thích nghi làm thỏa mãn tối đa trong cuộc sống bằng cách chuyển hướng đầu tư từ những sản phẩm và dịch vụ mang tính cố định sang những trải nghiệm ngắn ngủi và phù du hơn. Ví dụ, trang bị dàn loa đài và đồ gỗ mang lại một trải nghiệm bền vững, vì thế ta sẽ thích nghi với nó rất nhanh. Ngược lại, những trải nghiệm ngắn ngủi (như du lịch 4 ngày, hoặc bay dù lượn hoặc đến dự một buổi hòa nhạc) lại rất phù du, thế nên thích nghi với nó sẽ khó khăn hơn một chút. Tôi không khuyên bạn bán bộ sofa để bay dù lượn, nhưng việc hiểu được giá trị của từng loại trải nghiệm lại rất quan trọng và quyết định đến cảm giác thích nghi nhiều hay ít. Vậy thì, nếu bạn băn khoăn xem nên đầu tư vào một khoản phù du (dù lượn) hoặc cố định (sofa mới), và bạn dự tính rằng niềm vui của cả hai trải nghiệm mang lại cho bạn là tương đương nhau, thì bạn hãy chọn cái phù phiếm hơn đi. Hiệu quả lâu dài của một bộ sofa mới sẽ có thể thấp hơn so với kì vọng của bạn, trong khi niềm vui lâu bền và những kỉ niệm về chuyến bay lượn trên trời có thể kéo dài hơn rất nhiều so với dự đoán của bạn.
Mua sắm mang lại hạnh phúc như thế nào
Biểu đồ dưới đây biểu thị 2 cách ứng xử trong chi tiêu của Ann. Nét đứt thể hiện sự vui thích của cô khi chọn chiến lược mua sắm vung tay ở trung tâm thương mại. Sau khi ở đó ra, Ann sẽ rất hạnh phúc, nhưng rồi niềm hạnh phúc của cô nhạt dần khi các đồ vật cô sắm sửa được bớt dần đi vẻ kiêu sa ban đầu. Nét liền thể hiện sự vui thú của Ann nếu đi theo chiến lược kiềm chế chi tiêu. Trong trường hợp này, có thể lúc đầu cô sẽ không thấy hạnh phúc bằng trường hợp kia, nhưng niềm vui của cô sẽ tiếp tục được làm mới bởi sự thay đổi được liên tục lặp đi lặp lại. Vậy ai sẽ thắng đây? Bằng cách giới hạn chi tiêu, nhìn chung, Ann có thể tạo ra cấp độ vui vẻ cho bản thân cao hơn.
ĐỂ LÀM TĂNG thêm cấp độ vui thú, bạn cũng nên nghĩ đến chuyện đưa vào cuộc sống của mình những yếu tố may rủi, khó định đoán. Đây là một minh chứng nho nhỏ. Đã bao giờ bạn để ý xem tự cù ki mình khó gây nhột đến như thế nào chưa? Tại sao? Bởi vì khi tự cù mình, ta biết chắc ngón tay ta sẽ di chuyển đến đâu, và nó tiên đoán chắc chắn điểm đến của nó. Điều thú vị là, nếu ta dùng tay phải để cù vào bên thân phải thì ta chẳng cảm thấy buồn cười tẹo nào; nhưng nếu ta dùng tay phải để cù phía thân trái, thì trong tích tắc, khi hệ thần kinh não phải và thân trái của ta chưa kịp kết nối với nhau, nghĩa là khả năng dự đoán bị thấp đi một chút, như vậy ta sẽ cảm thấy hơi nhột một tẹo.
Thay đổi những trải nghiệm trong cuộc sống cá nhân và trong tình yêu rõ ràng là rất hiệu quả, nhưng bài học này cũng được áp dụng rất chuẩn trong công việc. Theo nhà kinh tế Tibor Scitovsky đã lập luận trong cuốn The Joyless Economy: The Economy of Human Satisfaction (Tạm dịch: Kinh tế học không mấy vui vẻ: Khía cạnh Kinh tế của sự Thỏa mãn), rằng con người ta luôn có xu hướng chọn những con đường an toàn và dễ đi trong công việc, cũng như làm những việc mà ta biết chắc sẽ dẫn đến thành công. Nhưng Scitovsky đã nói, những thành công thực sự - và cả những niềm vui thực sự - chỉ đến khi bạn chấp nhận mạo hiểm và thử làm những thứ mới mẻ. Vậy, lần sau khi bạn phải diễn thuyết hay làm việc theo nhóm, hoặc lựa chọn dự án mới để làm, hãy cố gắng thử làm những thứ mới. Nỗ lực cũng như dự án trái tay của bạn có thể thất bại, nhưng cân nhắc kĩ, bạn sẽ thấy đó mới là cái có thể tạo ra sự khác biệt thực sự.
MỘT BÀI HỌC khác về thích nghi có thể xảy ra nữa, đó là khi người khác có những thứ mà ta không có, thì rất dễ nảy sinh sự so sánh, và hậu quả là chúng ta có thể khó thích nghi với điều này. Với tôi, 3 năm điều trị trong bệnh viện không gặp phải trở ngại gì nhiều bởi vì tất cả mọi người xung quanh tôi đều thế, ai cũng bị chấn thương, nên tôi có khả năng làm được gì cũng như không làm được gì đi nữa thì tôi cũng không lạc lõng so với những người xung quanh tôi. Chỉ khi tôi rời khỏi bệnh viện, lúc ấy tôi mới thực sự ý thức được hết những hạn chế cũng như khó khăn của mình – cái sự nhận ra ấy mới thực khó khăn và nặng nề biết bao.
Một ví dụ cụ thể nhé, giả dụ như bạn rất thích một chiếc laptop đặc biệt nào đó, nhưng bạn quyết định sẽ không mua vì nó quá đắt. Nếu cuối cùng bạn bằng lòng với một chiếc laptop thường thường bậc trung, thì qua thời gian, bạn cũng sẽ dần quen với nó. Trừ khi… người đồng nghiệp ngồi ngay sát bạn lại mua được chính chiếc máy tính mà bạn hằng ao ước. Trong trường hợp này, sự so sánh sẽ làm chậm lại quá trình thích nghi của bạn với chiếc máy tính của mình, và khiến bạn bớt vui đi. Vậy nhìn chung thì nguyên tắc này cho thấy khi chúng ta xem xét một quá trình thích nghi, chúng ta phải tính đến rất nhiều yếu tố đa dạng trong môi trường sống của chúng ta, và chúng sẽ ảnh hưởng thế nào tới khả năng thích nghi của chúng ta. Tin xấu là hạnh phúc của chúng ta phần nào lại phụ thuộc vào việc “cỏ nhà gã hàng xóm có xanh hơn cỏ nhà mình” không. Nhưng tin tốt là vì biết được như vậy, nên ta có thể kiểm soát phần nào đó môi trường sống của mình – chừng nào ta có thể chọn “gã hàng xóm” để ở cạnh không thấy thua kém khi so sánh, chừng ấy ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn đôi chút.
BÀI HỌC CUỐI CÙNG đó là không phải mọi trải nghiệm đều có thể được thích nghi ở mọi cấp độ, và không phải tất cả mọi người đều phản ứng giống nhau khi phải thích nghi với cùng một thứ. Vì vậy lời khuyên của tôi ở đây là hãy khám phá những tiềm năng của riêng bạn, học cách nhấn nút “thích nghi” khi cần và cả khi không cần đến nó.
Rốt cuộc thì tất cả chúng ta đều là những con ếch trong chậu nước sôi. Nhiệm vụ của chúng ta là tìm hiểu xem cơ chế thích nghi của chúng ta hoạt động như thế nào, để từ đó lợi dụng cái tốt, giảm thiểu cái hại. Để làm được điều đó, chúng ta phải đo nhiệt độ của nước. Khi nó bắt đầu nóng lên, ta cần phải nhảy ra, tìm lấy một cái bồn mát mẻ hơn, nhận biết nó và tận hưởng niềm vui sống. Nào thì trích dẫn một câu triết lý của chú rối Ếch Kermit: “Phải có ruồi thì đời mới vui!”
Lẽ Phải Của Phi Lý Trí Lẽ Phải Của Phi Lý Trí - Dan Ariely Lẽ Phải Của Phi Lý Trí