Số lần đọc/download: 8379 / 334
Cập nhật: 2014-12-04 16:31:53 +0700
Chương VI - Mấy Bức Thư Tình
B
à Kiểm lâm đã giới thiệu cho tôi quen bà cai Bu-Dích nhưng bà này không mời tôi về nhà mà mời lại chơi nhà người “bạn đồng nghiệp”. Theo dòng chữ bút chì nguệch ngoạc trên mảnh giấy xé ở sổ thợ giặt ra, tôi cứ việc thấy cái sân có rào găng ở một ngõ lách thuộc phố Nhà Ngựa là vào.
Mới để chân trước cổng đã thấy một giọng lanh lảnh hát:
Bạc đồng me sừ chớ có mà phát xê...
At tăng moa rắc công tê tú sà! (1)
Nàng Thơ ở đây, dù sao, cũng đã “dung Âu hợp Á” thành ra văn minh hơn mình, hơn Nàng Thơ của cái “kêu đường giới” ở những chỗ tránh xe điện.
Đương đứng lắng tai muốn nghe thêm nữa thì đã thấy tiếng guốc từ nhà ra sân.
- Ông cứ vào, chị em tôi đương đợi mãi.
Đó là bà Cai. Tôi ngả mũ rồi vào. Đây là một gian... vừa là phòng khách, phòng ăn, và phòng ngủ. Có thể gọi là nhà thờ cũng được, vì bên cạnh cái giường tây gỗ, có thấy đóng một cái xích đông bên trên bày đồ thờ, thờ một cái tranh con hổ. Chẳng biết Sơn quân ngài có biết xơi bơ không? Ai đã chơi khăm, để ngay ở đây một hộp như muốn cúng ngài thế?
Trên giường có hai me ngồi, ngồi chầu một cỗ tổ tôm. Nếu phân tích kỹ lưỡng ra, cái giường ấy lý tất nhiên đã là cái sòng, đã chứng kiến cho bao nhiêu tối tân hôn, và biết đâu lại không là vật tòng phạm của bao nhiêu cuộc ngoại tình nữa! Cái giường của một me Tây cũng như cái dùi cui của một thầy cảnh sát, cũng như cái búa của bác thợ rèn, cũng như cái cổ của một ông nghị viện Việt Nam. Trong cái kỹ nghệ lấy Tây, thợ chỉ làm việc trên giường.
Thấy tôi vào, hai bà khép nép thu bớt những bộ đùi quần trắng lồm lộp lại, ngồi cả vào một chỗ, mời tôi ngồi ngay bên. Một bà hỏi bà cai Bu-Dích:
- Ông ấy đấy à?
- Phải.
Bà kia lại mỉm cười:
- Thế ông định viết báo nói xấu chị em chúng tôi những gì thế ông?
Tôi đáp:
- Không, tôi không muốn nói xấu ai, tôi chỉ muốn rõ sự thực.
Bà cai Bu-Dích cũng đỡ lời một cách quyền hành:
- Nỡm lắm! Cứ bông lơn làm gì thế? Người ta đến đây để nói đùa hay sao?
Tôi lại phải lựa lời:
- Hai bà nên rõ cho rằng chúng tôi chỉ muốn rõ những cuộc phối hợp của đàn bà với người Tây phương có may, có rủi thế nào? Chúng tôi để ý nhất là trẻ con lai. Số này đông lắm nên vấn đề trẻ con lai sau này tất làm bận lòng các nhà cầm quyền lắm. Xưa nay hình như ta có cái thành kiến: nếu ai lấy Tây chỉ là vì tiền. Thế thì có bao giờ bà nào lấy Tây vì ái tình không?
Nào ai ngờ mới nói qua loa thế thôi mà hai me kia đã hầu như nổi trận lôi đình. Cả hai đều xô xô lên rằng:
- Chứ không ư? Việc gì mà lại chẳng vì tiền? Ông tính chúng tôi với họ thì còn có thể nào vị tình vì nghĩa gì được nữa? Vả lại họ lấy chúng tôi cũng chẳng phải vì tình. Đối với họ, chúng tôi chỉ là những cái đồ chơi trong một hạn kha khá dài mà thôi.
Nói đại khái thế rồi, cả hai me ra vẻ lấy làm hả lắm.
Tôi thật không ngờ.
Dễ thường nếu mình ra ý phỉnh nịnh, đã nói trước rằng họ lấy nhau vì tình chẳng hạn, có lẽ các bà này coi mình như đã... mai mỉa các bà cũng nên.
Song, từ xưa đến nay, mấy nghìn mấy vạn bà vợ Tây, phải chăng bà nào cũng cùng một quan niệm như thế?
Chợt một bà vội dặn:
- Nêu ông có viết vào nhật trình thì cứ viết phăng rằng chúng tôi lấy họ là vì tiền, thế thôi! Mà hạng đàn bà chúng tôi là hạng bỏ đi, xã hội không cần kể đến nữa.
- Nếu những cuộc nhân duyên của các bà có thể chép vào thanh sử được thì trong cuốn sử ấy, từ khi người Tây sang đất nước này tưởng cũng đã có nhiều đoạn oanh liệt và vẻ vang.
Thế là bà Cai nói ngay:
- Người đàn bà Bắc Kỳ thứ nhất lấy Tây là bà Đội Chóp. Bà này chính là... chính là tổ sư nghề lấy Tây. Ông đội chết rồi, bà ta cũng chẳng nghèo, chẳng giàu. Con cái chẳng có, bà đội về già thì để tâm tư vào một việc, một việc ta cho là từ thiện: cái việc khóc ma mướn.
- Ới ai ơi là ai ơi: Trăm đường nghìn nỗi, ai ơi ... Ai đi đâu bỏ cửa bỏ nhà, bỏ anh em cha mẹ, họ hàng, ai ơi...
Bốn mươi năm trước đây, người Việt Nam, ngoài sự lo tưới nước luộc lợn vào xác người chết, lại còn muốn người chết phải cảm động bởi những câu khóc lóc khéo của kẻ sống ở sau cái quan tài! Nhà nào sợ vì lẽ gì tang gia bối rối mà không đủ lời lẽ thảm thiết thì mời bà Đội Chóp giúp hộ một miệng. Bà Đội Chóp, một người có lòng từ thiện, đã vui vẻ mà khóc, tươi cười mà khóc, khóc một cách chu đáo, mà lại không tính tiền, nghĩa là khóc ga-tuýt vậy.
- Ới ai ơi là ai ơi!...
Nhưng thôi, chúng ta để bà cai kể nốt:
- Nước ta có số vạn trẻ con lai vô thừa nhận với số vạn nữa, thiếu niên, thiếu nữ lại có Pháp tịch, được hiển đạt, tội ấy và công ấy ở cả bà Đội Chóp mà ra. Bà ta đã có can đảm đánh trống ra lệnh cho chị em hậu sinh chúng tôi không nơm nớp sợ những ông khổng lồ tóc đỏ mắt xanh, nói thì oang oang như gắt, chân tay hay giơ lên như sự sừng sộ... Phải, mỗi khi người đàn bà bỡ ngỡ nghĩ đến sự trao xương gửi thịt cho những người xa lạ ấy mà nơm nớp lo sợ, mà trù trừ đo đắn, thì hầu như có linh hồn của tổ sư hiện lên an ủi rằng: “Không sợ! người Tây văn minh ra phết, họ không ăn thịt mình, cứ lấy bừa đi!”.
Bọn chúng tôi không ai nhịn được cười. Ấy là bà Cai mấy hôm nay vừa bị ông Cai chạy làng cho một vố, nghĩa là bị chồng bỏ, nghĩa là bà vừa trải qua một trận phong ba, mà còn có gan bông lơn như thế. Đủ biết quả tim kia không rung động nữa rồi. Lấy chồng hay bỏ chồng, bà này chỉ thấy là tậu được một cái chén hoặc nhỡ tay đánh vỡ mất mà thôi!
Lúc này, một lũ trẻ con bà Cai dắt díu nhau lúc nhúc kéo sang. Đứa nào trông cũng hay hay, tinh khôn nhanh nhẹn lạ. Nhất là đứa bé ba năm trông y như trẻ quảng cáo của hiệu sữa “con chim” vậy.
Tôi buồn rầu vì chợt nghĩ đến bố mẹ chúng. Bọn trẻ ấy sau này sẽ có tương lai ra sao?
- Má ơi, má trông thằng Gioong nó đeo vào yếm rãi nó cái mỏ neo nó nhặt được đây này!
Con chị rầm rộ chạy vào, giơ thằng em ra khoe.
- Bước ngay! Bà đang có khách, đừng có đến ám quẻ bà nhé!
Quát rồi, bà Cai Bu-Dích nhặt cái guốc giơ rõ cao. Mấy chị em hãi hùng, dắt bíu ẵm bế nhau cút mất!
Không, một người đàn bà, dù là quái vật đi nữa, khi đã thành một người mẹ rồi thì khi nào lại nỡ cứ quái vật với cả lũ con mình rứt ruột đẻ ra. Vậy thì sao trước lũ trẻ đang hôn hít nâng niu kia, mẹ chúng lại có cái cử chỉ như của cai ngục đối với tù nhân thế?
Tôi đã muốn bất bình...
May sao, tôi nghĩ ra ngay.
Trong khi người đàn bà chỉ nghĩ đến tiền, người đàn ông chỉ nghĩ đến nhục dục, giữa hai bên hầu như có bức tường ghê gớm mà sự thành thực không thể nhảy qua được, chưa chi người ta đã nghi ngờ rồi. Những lời ân ái tự đáy lòng thốt ra đều đã bị coi là giả dối cả!
Khốn nỗi, không phải ai cũng có gan dùng đến cách đề phòng sự sinh dục cả. Từ những cuộc... cẩu hợp đó có những kết quả là bọn trẻ kia. Có con là sự quý báu đối với ai, chứ đối với hạng vợ chồng này, có con là một cái hoạ. Người đàn bà hầu như chửa đẻ để rồi mà hối hận. Anh đàn ông, nếu không hối là đã điên có khi cũng bán tín bán nghi đánh mấy cái dấu hỏi: có phải chính đó là lũ con cùng máu với mình?
Sự nghi hoặc đã sinh ra lòng căm hờn, mà bao nhiêu lẽ công phạt của lòng căm hờn đều chỉ trút lên đầu những đứa bé ngây thơ và vô tội!
Những đứa trẻ kia rất đáng yêu thương.
Song le, hoặc con người, hoặc con ta, bà Cai có cần... “đếch” gì?
Bà cũng y như nhà nước! (2)
Vì rằng bà lại thản nhiên cho tôi nghe thêm mấy chuyện:
- Bà Đội Chóp chỉ được tiếng là tiên phong thôi chứ cũng chẳng vẻ vang gì. Một người đã khóc ma mướn cho qua ngày đoạn tháng thì còn hay hớm gì nữa! Cứ kể cho đúng, trong bọn chúng tôi mà oanh liệt nhất thì có một số rất ít. Xin kể: bà Tây Cú, bà Chánh Tý, bà La Oa, bà Đuy Kiềng. Ngoài ra còn nhiều bà lấy được những ông xi-vin sang trọng, quan cai trị, tây buôn. Thế mà, những bà hiển đạt liệu có vì ái tình không? Chắc ông chẳng dám phán đoán. Thôi, ông cứ yên tâm... Một người lấy Tây, cả họ được nhờ!
Đương dở chuyện, có hai me nữa bước vào, Me đi giày đầm và khoác áo tơi nói oang oang:
- Gớm! Con mẹ Bôn bây giờ đắt lựa, hợm hĩnh tệ!
Me thứ hai vứt ô trên bàn đánh sình một cái:
- Bà cho bị chạy làng một vố thì lại hiện nguyên hình! Chị em còn nhớ chuyện me cai Phăng-Xoa không?
Thế rồi đến những chuỗi cười rúc rích. Bà Cai bảo một me vẫn ngồi im từ nãy:
- Muốn nhờ ông ấy làm đơn cho thì nhờ đi. Tôi xin phép ông nhé?
Rồi thì... đám chắn tay tư.
Một me không đánh, kéo tôi ra chỗ cái bàn.