Người ta sẽ học được nhiều hơn từ lỗi lầm của mình, nếu như họ không quá bận rộn chối bỏ lỗi lầm của mình.

J. Harold Smith

 
 
 
 
 
Tác giả: Dave Pelzer
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3276 / 56
Cập nhật: 2017-04-04 13:32:27 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6 - Khi Cha Vắng Nhà
au tai nạn với con dao ấy, cha ngày càng ít ở nhà hơn. Ông luôn việc ra nhiều lý do để nói với cả nhà về sự vắng mặt của mình, nhưng riêng tôi thì tôi không bao giờ tin vào những lý do ấy. Những lần như thế, tôi thường ngồi run rẩy trong ga-ra, chỉ ước sao cha đừng bỏ tôi mà đi. Mặc cho những gì đã xảy ra, tôi vẫn luôn nghĩ cha là người có thể bảo vệ được cho tôi. Những lúc có ông ở nhà, hình phạt mà mẹ dành cho tôi chỉ bằng một nửa so với lúc cha đi vắng.
Mỗi khi ở nhà, cha thường giúp tôi rửa chén đĩa sau bữa cơm tối. Cha sẽ rửa còn tôi có nhiệm vụ lau khô. Trong lúc làm việc, hai cha con cố nói chuyện thật khẽ sao cho cả mẹ và mấy anh em trai của tôi không thể nghe thấy được. Cũng có lúc cả hai cha con chỉ im lặng, chẳng nói gì cả. Nhưng rồi cha luôn là người phá tan bầu không khí im lặng căng thẳng đó.
- Con thế nào rồi, Cọp con? - Cha thường hỏi tôi như thế.
Được nghe lại cái tên mà cha đã dùng để gọi tôi từ hồi tôi còn bé tí đã khiến khuôn mặt u buồn của tôi cũng phải bật cười.
- Con ổn cha ạ. - Tôi trả lời cha.
- Hôm nay con có gì để ăn không vậy?
Đáp lại câu hỏi của cha thường là cái lắc đầu kèm theo vẻ mặt buồn bã của tôi.
- Đừng lo. Một ngày nào đó cha con mình sẽ cùng thoát khỏi căn nhà điên khùng này. - Cha thường trấn an tôi như vậy.
Tôi biết cha ghét ở nhà, và tôi có cảm giác như tất cả những điều đó là do lỗi của tôi. Tôi nói với cha rằng tôi sẽ ngoan ngoãn và sẽ không ăn cắp thức ăn nữa. Tôi còn nói với cha là tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, sẽ làm việc nhà giỏi hơn nữa. Khi nghe tôi nói những lời đó, lúc nào cha cũng mỉm cười rồi xoa đầu tôi mà trấn an rằng tôi không có lỗi gì cả.
Đôi khi trong lúc đang lau chén đĩa, chẳng hiểu sao trong tôi lại ánh lên một tia hy vọng mỏng manh. Tôi biết rằng có lẽ cha sẽ chẳng làm gì để chống lại mẹ, nhưng mỗi khi đứng bên cạnh ông, tôi lại có cảm giác an toàn.
Nhưng rồi mẹ đã tạo áp lực khiến cha không thể giúp tôi rửa chén nữa. Việc này cũng dễ hiểu bởi bà từng đặt dấu chấm hết cho tất cả những gì tốt đẹp mà tôi đã có trong quá khứ. Bà ấy nhấn mạnh rằng thằng nhãi ranh không cần bất cứ một sự giúp đỡ nào cả. Bà còn nói rằng cha đã quá ưu ái tôi mà không dành đủ sự quan tâm cho những thành viên khác trong gia đình. Thế là cũng như những lần trước, cha đầu hàng mà không hề có một chút phản kháng. Giờ thì mẹ đã hoàn toàn kiểm soát được cả gia đình này rồi.
Một thời gian không lâu sau đó, cha bắt đầu vắng nhà kể cả vào những ngày nghỉ của ông. Thỉnh thoảng cha chỉ tạt ngang nhà rồi lại đi ngay. Sau khi gặp những người anh em trai của tôi, cha sẽ đi tìm tôi để nói một vài câu, rồi lại đi. Những lúc ấy, thường thì tôi đang rửa chén đĩa hoặc đang lui cui làm việc nhà ở một xó xỉnh nào đó. Những lần cha tạt về nhà như thế không bao giờ quá mười phút, để rồi sau đó cha lại trở về với nỗi cô độc của mình. Nhiều người vẫn thường bắt gặp cha ngồi một mình trong quán rượu. Khi trò chuyện với tôi, cha vẫn hay nói rằng cha đang lập kế hoạch để cả hai cha con cùng trốn khỏi nhà. Điều cha nói luôn khiến tôi mỉm cười hạnh phúc, nhưng sâu thẳm trong lòng mình, tôi hiểu rằng đó chỉ là suy nghĩ hoang đường mà thôi.
Một ngày nọ, cha quỳ xuống bên cạnh tôi và nói rằng ông rất xin lỗi tôi. Tôi nhìn vào mắt ông. Sự thay đổi ở dáng vẻ bề ngoài của cha khiến tôi cảm thấy hoảng sợ. Đôi mắt ông lờ đờ mệt mỏi với những vết thâm quầng, cổ và khuôn mặt của cha đỏ bừng như gà chọi. Đôi vai một thời vô cùng rắn chắc của ông giờ đây chừng như chỉ chực đổ sụp xuống mà thôi. Mái tóc đen nhánh của ông ngày xưa giờ đã ngã màu muối tiêu. Hôm ấy, trước khi cha bỏ đi, tôi đã ôm chặt lấy cha bởi tôi thật sự chẳng biết khi nào mới được gặp lại ông.
Ngày hôm đó, sau khi làm xong việc nhà, tôi lại xuống nhà dưới. Mẹ đã lệnh cho tôi phải giặt hết chỗ quần áo rách nát của tôi cùng với một đống giẻ hôi hám khác. Nhưng sự ra đi của cha đã khiến tôi quá đau buồn, và tôi chỉ còn biết vùi mình trong đống giẻ rách hôi hám ấy mà than khóc. Tôi đã kêu khóc mong cha quay trở về và mang tôi đi thật xa. Nhưng chỉ được một lúc, tôi đình thần và trở về với thực tại. Tôi bắt tay vào việc giặt giũ đống quần áo với những lỗ thủng như “phó mát Thụy Sỹ” của mình. Tôi đã không còn quan tâm đến sự tồn tại của mình nữa rồi. Căn nhà của mẹ đã trở nên quá sức chịu đựng đối với tôi. Tôi ước sao mình có thể thoát ra khỏi cái nơi mà giờ đây tôi chỉ có thể gọi là “Căn nhà điên rồ”.
Trong khoảng thời gian cha bỏ đi, có lần mẹ đã bỏ đói tôi suốt mười ngày liền. Dù tôi có cố gắng thế nào đi nữa, tôi cũng không thể hoàn tất việc nhà trong khoảng thời gian mẹ đặt ra. Và kết quả tôi thường xuyên bị bỏ đói. Mẹ còn rất cẩn thận để tôi không thể lấy cắp được bất kỳ miếng thức ăn nào. Bà ấy tự tay dọn bàn ăn tối rồi quẳng hết thức ăn thừa vào máy nghiền rác. Mỗi ngày, trước khi tôi đem thùng rác đi đổ, bà đều lục tung nó lên để kiểm tra. Bà ấy khóa cửa tủ lạnh và cất kỹ chìa khóa. Tôi cũng từng quen với việc đi học với cái bụng đói, có khi đói đến ba ngày liền, nhưng khi mẹ bỏ đói tôi đến cả mười ngày thì tôi không thể chịu đựng nổi. Nước là thứ duy nhất giúp tôi sống sót. Nhân lúc cho nước vào mấy cái khuôn làm đá bằng kim loại, tôi toàn kê miệng vào góc khuôn để hứng nước uống. Còn khi ở nhà dưới, mỗi lần muốn uống nước, tôi đều rón rén đến bên bồn rửa và mở van vòi nước rồi ngậm cái vòi kim loại lạnh băng ấy uống một bụng căng đầy mới thôi. Những lúc ấy, tôi chỉ cầu mong sao cho ống nước không rung lên để mẹ không phát hiện, nếu không, chắc bà ấy sẽ giết tôi mất.
Mẹ bỏ đói tôi đến ngày thứ sáu thì sức lực trong tôi gần như kiệt quệ hoàn toàn. Sáng hôm ấy tôi thức dậy, chỉ có thể tựa mình vào thành giường chứ không tài nào gượng dậy nổi. Cả ngày hôm ấy, tôi làm việc nhà chậm chạm như một con sên. Tôi thấy cả người mình như bị tê liệt. Mọi cảm nhận trong tôi cũng không còn rõ rang. Phải mất đến vài phút tôi mới hiểu được mỗi câu mẹ hét vào mặt tôi. Khi tôi từ từ ngước đầu lên, căng mắt ra để nhìn mẹ, thì tôi nhận ra rằng đối với bà ấy, tất cả chỉ như một trò chơi - một trò chơi mà bà ấy vô cùng thích thú.
- Chao ôi, tội nghiệp cưng quá. - Mẹ nói bằng giọng điệu chế nhạo.
Rồi bà nhếch mép cười, hỏi rằng tôi cảm thấy thế nào. Mẹ cười thỏa mãn khi tôi cầu khẩn bà hãy cho tôi ăn. Cuối ngày hôm đó, sau tất cả những gì đã xảy ra, tận đáy lòng mình tôi cứ hy vọng mẹ sẽ cho tôi ăn một chút gì đó, bất cứ thứ gì cũng được. Đến giờ phút này thì tôi cũng chẳng quan tâm đến việc tôi sẽ tọng thứ gì vào miệng.
Một buổi tối nọ, sau khi tôi đã làm xong việc nhà, mẹ ném trước mặt tôi một đĩa thức ăn. Đối với tôi, đĩa thức ăn thừa nguội lạnh ấy đúng là một bữa tối thịnh soạn. Nhưng tôi chợt thấy mình cần phải đề phòng, bỗng nhiên mẹ tốt đến nỗi không thể tin được.
- Hai phút! - Mẹ quát lên - Mày có hai phút để ăn. Tất cả chỉ có thế.
Nhanh như chớp tôi thộp lấy cái nĩa. Nhưng ngay khi tôi còn chưa kịp ghim lấy thức ăn thì mẹ giật phăng cái đĩa khỏi tay tôi và trút hết tất cả vào máy nghiền rác.
- Muộn rồi. - Mẹ cười khinh bỉ.
Tôi đứng chết lặng trước mặt mẹ. Tôi không biết phải nói gì, cũng chẳng biết phải làm gì cả. Tôi chỉ có thể tự hỏi “Tại sao?”. Tôi không hiểu tại sao mẹ lại đối xử với tôi như vậy. Đĩa thức ăn đã gần tôi như vậy mà, tôi còn ngửi được mùi vị của nó nữa. Tôi biết mẹ muốn tôi phải khuất phục, nhưng tôi đã đứng phắt dậy và nuốt ngược nước mắt vào trong.
Ngồi một mình trong ga-ra, tôi cảm thấy như mình đang mất dần khả năng kiểm soát mọi thứ. Tôi them được ăn. Tôi muốn được gặp cha. Nhưng trên tất cả, tôi muốn mình được tôn trọng, dù chỉ là một chút thôi cũng được. Kê hai tay dưới mông, tôi ngồi đó bất động. Tôi có thể nghe thấy tiếng mấy an hem trai của tôi mở cửa tủ lạnh để lấy đồ ăn tráng miệng. Tôi ghét phải nghe âm thanh đó. Tôi nhìn lại mình. Da dẻ thì vàng vọt, các cơ trên người tôi thì chảy ra, mỏng mảnh. Mỗi khi nghe thấy tiếng bọn họ cười trọng lúc xem ti-vi, tôi lại kêu tên chúng mà nguyền rủa. “Những đứa con hoang may mắn! Tại sao bà ấy không thay phiên đánh đập bọn chúng để thay đổi không khí nhỉ?”. Tôi vừa trút mọi cảm xúc căm thù vừa òa khóc nức nở.
Gần mười ngày tôi sống mà không có thứ gì vào bụng. Cứ đợi tôi rửa xong dống chén đĩa của bữa tối là mẹ lại bày ra trò chơi “mày có hai phút để ăn”. Trên đĩa bao giờ cũng chỉ có một vài mẩu thức ăn thừa nguội lạnh. Tôi biết bà sẽ lại giật lấy đĩa thức ăn khỏi tay tôi lần nữa, vì thế lần này tôi hành động nhanh hơn và có tính toán hơn. Tôi không cho mẹ cơ hội để giành lấy đĩa thức ăn rồi quẳng hết tất cả vào máy nghiền rác như thế, tôi đã chộp lấy cái đĩa và nhanh chóng nuốt tất cả vào bụng mà không kịp nhai. Chỉ trong vài giấy, tôi đã ngốn hết tất cả những gì có trên đĩa và còn liếm nó sạch bong.
- Mày ăn như một con heo vậy. - Mẹ hầm hè.
Tôi cúi gằm mặt như thể tôi rất quan tâm đến những gì bà ấy đang nói. Nhưng trong bụng tôi lại cười vào mặt bà ấy. Tôi nhủ thầm: “Đồ khốn nạn! Bà muốn nói gì cũng được! Miễn là tôi có cái để ăn!”.
Mẹ còn có một trò yêu thích khác nữa dành cho tôi mỗi khi cha vắng nhà. Mẹ bảo tôi đi lau rửa nhà tắm trong khoảng thời gian quy định như thường lệ. Nhưng lần này, bà ấy lấy một cái xô, đổ vào đấy hỗn hợp amoniac và thuốc tẩy Clorox, rồi bà đặt cái xô trong phòng tắm và đóng cửa lại. Lần đầu làm như vậy, mẹ nói rằng bà ấy đã đọc một bài báo và muốn thử xem sao. Tôi làm ra vẻ như mình sợ hãi lắm vậy, nhưng thực tế, tôi lại chẳng mảy may quan tâm. Tôi đã rất dửng dưng với những gì sắp xảy đên với mình. Chỉ khi mẹ đóng cánh cửa lại và cắm không cho tôi mở ra, tôi mới bắt đầu cảm thấy lo lắng thực sự. Trong căn phòng khóa kín, không khí thay đổi một cách nhanh chóng. Từ góc phòng tắm, tôi bò lên đến nhìn vào cái xô. Một làn khói mỏng màu xám bốc lên trần nhà. Khi ngửi thấy thứ mùi ấy, tôi đã quỵ xuống và bắt đầu khạc nhổ dữ dội. Cổ họng của tôi giống như đạng bị đốt cháy. Chỉ trong vòng vài phút, cổ họng tôi khô khốc và đau buốt. Thứ khí sinh ra từ phản ứng giữa amoniac và thuốc tấy Clorox làm nước mắt tôi chảy giàn giụa. Trong tình cảnh ấy, tôi càng phát cuồng vì nghĩ đến việc có thể mình sẽ không hoàn thành việc lau rửa nhà tắm đúng thời hạn mẹ giao.
Sau vài phút, tôi cảm giác như mình có thể khạc nhổ hết lục phủ ngũ tạng của mình ra ngoài. Tôi biết mẹ sẽ chẳng bao giờ thương tình mà mở cửa ra. Để sống sót trong trò chơi mới của bà ấy, tôi phải dùng đến cái đầu của mình. Nằm lăn lộn dưới sàn nhà tắm lát gạch vuông, tôi căng người ra, cố hết sức dùng chân đấy nhẹ cái xô về phía cánh cửa. Tôi làm như vậy vì hai lý do: Tôi muốn đẩy cái xô càng xa tôi càng tốt, và lý do thứ hai là trong trường hợp mẹ mở cửa, tôi muốn bà ấy phải lãnh trọng cái thứ do chính bà ấy đã tạo ra. Tôi cuộn người trong góc nhà tắm, dùng chính cái giẻ lau để che chắn cho khuôn mặt khỏi hít phải cái thứ chất độc chết người ấy. Trước khi đắp miếng giẻ lên mặt, tôi đã nhúng ướt nó bằng nước trong bồn cầu. Tôi không dám mở vòi nước trên bồn rửa vì sợ mẹ nghe thấy tiếng nước chảy. Qua lớp vải mỏng, tôi vẫn cảm nhận rõ làn khí kia đã bao phủ khắp phòng tắm. Tôi thấy như mình đang mắc kẹt trong một căn phòng chứa đầy hơi ngạt. Bỗng tôi nhớ đến cái lỗ thông hơi nhỏ trên sàn nhà gần chân tôi. Tôi biết rằng cứ mỗi vài phút là nó sẽ tự mở ra rồi đóng lại. Thế là tôi liền kê mặt vào sát cái lỗ thông hơi đó, cố hít vào phổi càng nhiều không khí càng tốt. Khoảng nửa tiếng sau, mẹ mở cửa ra và ra lệnh cho tôi đi đổ xô nước xuống cái cống dưới ga-ra trước khi tôi làm cho cả căn nhà của bà ấy sặc mùi hôi thối. Lúc ở nhà dưới, suốt cả giờ đồng hồ tôi toàn ho ra máu. Trong tất cả các trò chơi điên rồ của mẹ, tôi căm ghét trò phòng hơi ngạt này nhất.
Kỳ nghỉ hè trôi qua, tôi chắc hẳn mẹ đã cảm thấy nhàm chán lắm khi cứ phải tìm ra cách mới để hành hạ tôi. Một ngày nọ, khi tôi vừa hoàn tất phần việc nhà buổi sáng, bà bảo tôi ra ngoài để nhận việc cắt cỏ. Việc này cũng chẳng phải mới mẻ gì đối với tôi. Bởi suốt kỳ nghỉ lễ Phục sinh vào mùa xuân trước đó, mẹ cũng đã bắt tôi đi cắt cỏ. Bà ấy giao khoán cho tôi một khoản thu nhất định và lệnh cho tôi phải mang đúng số tiền ấy về cho bà. Số tiền bắt buộc ấy luôn vượt quá khả năng của tôi. Do bị dồn vào đường cùng, một lần tôi đã ăn cắp chín đô-la trong con heo đất của một cô bé nhà hàng xóm. Chỉ vài giờ sau đó, cha của cô bé sang gõ cửa nhà tôi. Dĩ nhiên, mẹ tôi trả lại tiền và mắng tôi. Sau khi người đàn ông ấy ra về, bà đã đánh tôi một trận đến khi cả người tôi bầm tím hết mới thôi. Sao bà ấy không hiểu rằng tôi ăn cắp chỉ để có đủ tiền cống nộp cho bà ấy mà thôi?
Công việc cắt cỏ trong mùa hè này của tôi cũng diễn ra không mấy suôn sẻ so với kỳ nghỉ lễ Phục sinh lần trước. Tôi đến từng nhà, hỏi từng người xem họ có cần cắt cỏ không. Chẳng ai có nhu cầu. Bộ quần áo rách nát hai cánh tay khẳng khiu chắc khiến cho bộ dạng của tôi trông thảm hại lắm. Một phụ nữ có vẻ rất thông cảm cho hoàn cảnh của tôi đã gói cho tôi bữa trưa đựng trong một cái túi màu nâu rồi dẫn tôi ra đường. Sau khi đi thêm hơn nữa dãy nhà nữa, có một cặp vợ chồng đồng ý thuê tôi cắt cỏ cho nhà của họ. Xong việc, tôi nhanh chóng chạy về nhà, trên tay vẫn khư khư cái túi đựng thức ăn màu nâu. Tôi đã định giấu nó đi trước khi vào nhà, nhưng không kịp. Ngay lúc tôi về gần đến nhà, mẹ cũng vừa lái x era ngoài. Trông thấy tôi, bà thắng gấp tấp xe vào lề. Vừa thấy mẹ, tôi vội giơ hai tay mình lên trời như một tên tội phạm. Tôi nhớ lúc đó tôi chỉ ước sao cho mình có thể giữ được gói thức ăn, chỉ một lần thôi cũng là quá tốt với tôi rồi.
Mẹ lao ra khỏi xe, một tay giằng lấy cái túi màu nâu, tay kia thoi vào người tôi túi bụi. Rồi bà ném tôi vào xe, lái thẳng nhà của người phụ nữ đã cho tôi gói thức ăn. Người phụ nữ không có nhà. Mẹ đinh ninh rằng tôi đã lẻn vào nhà người ta và tự làm bữa ăn đó cho mình. Tôi biết việc tôi có được thức ăn không phải do mẹ bố thí chính là một tội lỗi khủng khiếp nhất. Tôi chỉ biết im lặng, nhưng trong thâm tâm tôi đã tự xỉ vả mình sao không giấu gói thức ăn đó sớm hơn.
Về đến nhà, trò “bò mười vòng quanh nhà” khiến tôi ngã song soài xuống sàn. Rồi mẹ bảo tôi ra sân sau ngồi để bà đưa “các con của bà” đi sở thú chơi. Chỗ mẹ bắt tôi ngồi đầy những hòn đá to có đường kính cỡ ba phân. Khi tôi kê hai tay dưới mông và ngồi trong tư thế của một “tù binh chiến tranh”, tôi cảm giác máu trong người mình như ngừng chảy. Tôi bắt đầu mất đi niềm tin vào Chúa. Tôi nghĩ Ông ta chắc hẳn phải ghét tôi lắm. Một cuộc sống như thì còn sống để làm gì? Mọi nỗ lực cho sự tồn tại dù chỉ là mỏng manh nhất của tôi đều trở nên vô ích. Mọi cố gắng của tôi để chiến thắng được mẹ cũng là vô ích. Lúc nào cũng có một cái bóng đen to lớn bao phủ lấy tôi.
Ngay cả mặt trời dường như cũng muốn lẩn tránh tôi, nó ẩn mình sau một đám mây lớn trôi lờ lững phía trên kia. Tôi thu mình ngồi ủ rũ cùng những giấc mơ cô độc của mình. Chẳng biết tôi đã ngồi đó được bao lâu, nhưng rồi tôi giật mình khi nghe tiếng xe của mẹ chạy vào ga-ra. Thời gian ngồi trên đá của tôi kết thúc. Không biết mẹ sẽ dành cho tôi trò gì nữa đây. Tôi cầu nguyện sao cho đó sẽ không phải là trò phòng hơi ngạt. Từ trong nhà xe, bà hét vọng ra bảo tôi lên nhà trên. Rồi bà dẫn tôi vào nhà tắm. Tim tôi như ngừng đập. Tôi thấy mình sao bi đát quá. Tôi bắt đầu ra sức hít thở thật nhiều không khí vì biết rằng lát nữa đây tôi sẽ rất cần nó.
Nhưng tôi hơi ngạc nhiên khi chẳng thấy có cái xô hay chai lọ nào trong nhà tắm cả. “Mình thoát chết rồi sao?” - Tôi tự hỏi. Chuyện này có vẻ như quá dễ dàng. Tôi nép người rụt rè quan sát mẹ vặn vòi nước lạnh cho nước chảy vào bồn tắm. Quái lạ thật, sao mẹ không mở luôn vòi nước nóng kia chứ. Khi nước lạnh đã chảy đầy vào bồn tắm, mẹ lột hết quần áo của tôi và bắt tôi bước vào. Tôi run rẩy bước vào trong bồn tắm và nằm xuống. Một cái lạnh thấu tim gan chạy khắp cơ thể tôi.
- Thấp người xuống! - Mẹ thét lên - Cho cái mặt của mày xuống dưới nước như thế này này.
Nói rồi bà khom người, hai tay chộp lấy cổ tôi, nhận đầu tôi xuống nước. Theo bản năng, tôi vùng vẫy, quẫy đạp, cố gắng một cách vô vọng ngoi đầu lên khỏi mặt nước để thở. Nhưng bàn tay gọng kìm của bà quá mạnh. Bị nhấn đầu xuống nước, nhưng tôi vẫn cố mở to mắt để còn hiểu chuyện gì đang xảy ra. Trong lúc vùng vẫy la hét, tôi thấy những quả bóng nước đua nhau thoát ra từ miệng tôi rồi nổi lên mặt nước. Càng cố vùng vẫy, cảm giác ngộp thở càng nhanh chóng cuốn lấy tôi. Những quả bóng nước nhỏ dần, nhỏ dần rồi thưa hẳn. Tôi biết mình đang đuối dần đi. Nhưng bản năng sinh tồn khiến tôi lại cố sức chống chọi điên cuồng. Tôi trồi người lên và túm lấy vai bà ấy. Trong lúc hoảng loạn, hẳn là các ngón tay của tôi đã bấu vào bà ấy rất mạnh nên bà mới buông tôi ra. Bà ấy nhìn tôi mà thở không ra hơi:
- Giờ thì mày phải tự ngụp đầu xuống nước như vậy đi, nếu không thì lần sau mày sẽ phải chịu như thế lâu hơn nữa đấy!
Tôi hít một hơi dài rồi từ từ dìm đầu mình xuống nước. Tôi cố tình chừa lại đúng cái mũi bên trên mặt nước mà thôi. Tôi thấy mình không khác gì một con cá sấu nằm dưới đầm lầy. Khi mẹ quay lưng rời khỏi nhà tắm, tôi đã hiểu bà ấy muốn gì ở tôi. Nằm duỗi thẳng tay chân trong bồn tắm, tôi cảm nhận rõ cái lạnh thấu xương đang ăn dần ăn mòn da thịt mình. Cảm giác tê buốt ấy chẳng khác nào tôi đang bị nhốt trong một cái tủ lạnh. Tôi sợ mẹ đến nổi không dám cử động, chỉ cố giữ cho đầu mình luôn ở bên dưới mặt nước theo lệnh của bà ấy.
Nhiều giờ trôi qua, da tôi bắt đầu nhăn nhúm lại. Tôi không dám động vào bất cứ phần nào trên than thể của mình để làm ấm nó. Thỉnh thoảng tôi nhổm cao đầu lên khỏi mặt nước để tai có thể nghe thấy mọi động tĩnh xung quanh. Mỗi khi nghe thấy có tiếng ai đó gần nhà tắm, tôi lại lẳng lặng dìm đầu xuống dưới mặt nước lạnh băng.
Tiếng bước chân tôi nghe thường là do mấy người an hem trai của tôi đi về phòng ngủ hoặc vào nhà tắm để sử dụng toa-lét. Thấy tôi nằm đó trong bộ dạng như vậy, họ chỉ liếc nhìn tôi lắc đầu rồi bỏ đi. Tôi nhắm mắt cố tưởng tượng mình đang ở một nơi nào khác, nhưng tôi thật sự không còn tâm trí và sức lực đâu mà mơ mộng nữa.
Trước khi vào bàn ăn tối, mẹ bước vào nhà tắm và hét vào mặt tôi, bảo tôi hãy ra khỏi bồn tắm mà mặc quần áo vào. Tôi lập tức làm theo, chộp lấy một cái khăn tắm toan lau khô người.
- Ồ, không! - Bà ta lại hét lên - Mày cứ thế mặc quần áo vào cho tao!
Không chút do dự, tôi ngoan ngoãn làm theo lệnh của bà. Rồi cũng theo yêu cầu của bà, tôi chạy ra sân sau và lại ngồi trên mấy cục đá trong bộ quần áo ướt sũng. Mặt trời đang dần khuất bóng, nhưng nửa phần sân ngoài cùng vẫn còn sáng lắm. Tôi men đến ngồi ở nơi có ánh nắng, nhưng mẹ bắt tôi phải ngồi vào chỗ nào có bóng râm. Ngồi trong góc sân với tư thế của một tù nhân chiến tranh, tôi bắt đầu run cầm cập, hai hàm răng đánh vào nhau kêu lạch cạch. Tôi chỉ muốn được sưởi ấm dù chỉ vài giây ít ỏi thôi, nhưng cứ mõi phút trôi qua, ánh mặt trời lại nhạt dần và cơ hội cho tôi hong khô quần áo hầu như chỉ là ảo tưởng. Qua ô cửa sổ ở nhà trên, tôi có thể nghe thấy những âm thanh lanh canh của chén đĩa trong lúc “gia đình” mình chuyền cho nhau những đĩa thức ăn đầy ắp. Thi thoảng tôi còn nghe thấy những tràng cười ngả ngớn vọng xuống. Từ lúc cha còn ở nhà, tôi đã biết mẹ nấu món gì cũng ngon. Tôi muốn mon men đến gần để xem họ ăn uống, nhưng tôi không dám. Tôi thuốc về một thế giới hoàn toàn khác. Thậm chí tôi còn không được phép liếc nhìn những người hạnh phúc hơn tôi.
Dìm đầu trong bồn tắm và ngồi trên đá ở sân sau đã sớm trở thành hình phạt thường xuyên và quen thuộc. Thỉnh thoảng khi tôi đang bị bắt nằm trong bồn tắm, các an hem của tôi còn dẫn bạn bè của chúng đến để nhìn cảnh tôi trần truồng. Mỗi khi thấy tôi như thế, bọn chúng vẫn thường hỏi một cách dè bỉu:
- Lần này cậu ấy phạm lỗi gì vậy?
Và lần nào cũng vậy, bao giờ các an hem của tôi cũng chỉ nhún vai và trả lời gọn lỏn:
- Tớ không biết.
Mùa thu đến, bọn trẻ chúng tôi lại bước vào mùa tựu trường. Đối với tôi, được đi học trở lại là niềm vui khôn xiết bởi tôi sẽ phần nào thoát khỏi cuộc sống ảm đạm, u tối khi ở nhà. Nhà trường thông báo giáo viên dạy lớp bốn của chúng tôi đang bị bệnh, vì thế chúng tôi có cô giáo dạy thế trong hai tuần đầu tiên. Cô giáo dạy thế ấy trẻ hơn nhiều so với hầu hết các giáo viên khác, và trông cô cũng rất phúc hậu nữa. Vào cuối tuần lễ thứ nhất, cô đã tặng những que kem mát lạnh cho những học sinh có hạnh kiểm tốt. Tôi không nằm trong số đó ở tuần đầu tiên, nhưng tôi đã cố gắng rất nhiều và nhận được phần thưởng của cô vào cuối tuần lễ thứ hai. Cô còn mở cho chúng tôi nghe đĩa nhạc gồm những bài hát nổi tiếng. Chúng tôi thật sự rất quý mến cô. Buổi chiều thứ Sáu hôm ấy, tôi không chịu ra về. Sau khi các bạn học khác của tôi về hết, cô cúi xuống sát bên tôi và nói rằng tôi phải về nhà thôi. Cô còn nói rằng cô biết tôi là một học sinh cá biệt. Tôi nói với cô tôi muốn được ở bên cạnh cô. Cô ôm lấy tôi một lát rồi đứng dậy và mở bài hát mà tôi thích nhất. Sau cùng tôi cũng phải ra về. Vì về trễ, nên tôi cố hết sức chạy về nhà càng nhanh càng tốt và tiếp tục chạy đua với núi công việc của mình. Xong việc, mẹ lại bắt tôi ra ngoài sân, ngồi lên trên cái bục xi-măng lạnh cóng.
Hôm thứ Sáu đó, khi nhìn lên bầu trời u ám dày đặc một màn sương mờ, trong tôi như bật khóc. Cô giáo ấy đã đối xử rất tốt với tôi. Cô ấy đối xử với tôi như với một con người thực sự, chứ không phải như với một thứ rác rưởi nằm sâu dưới cống rãnh. Tôi ngồi đó, cảm thấy thương cảm cho chính mình. Rồi tôi tự hỏi không biết giờ này cô giáo đang ở đâu và cô đang làm gì. Tôi đã không hiểu được cảm giác đó là thế nào, nhưng hình ảnh cô giáo gần như đã chiếm trọn trái tim tôi.
Tôi biết chắc rằng đêm hôm đó và cả hôm sau nữa, tôi sẽ bị bỏ đói. Kể từ khi cha không còn ở nhà, những ngày cuối tuần đối với tôi quả là những ngày tồi tệ. Ngồi trên bậc thềm dưới màn đêm giá lạnh ngoài sân, tôi nghe rõ tiếng mẹ đang cho các an hem của tôi ăn. Nhưng tôi không quan tâm. Tôi nhắm mắt lại, gương mặt dịu dàng đang mỉm cười của cô giáo lại hiện rõ trong tôi. Đêm hôm ấy, tôi ngồi run rẩy giữa trời đêm giá lạnh, nhưng vẻ đẹp và sự tử tế của cô giáo đã khiến lòng tôi ấm lại.
Vào tháng Mười, cuộc sống khốn khổ của tôi chuyển sang giai đoạn cao trào. Thức ăn ở trường tôi trở nên khan hiếm. Ngoài ra, tôi còn trở thành nạn nhân của bọn học sinh côn đồ, chúng có thể đánh tôi bất cứ khi nào chúng muốn. Sau giờ học, tôi đều chạy về nhà và nôn hết những gì có trong bụng ra cho mẹ kiểm tra. Có hôm mẹ để cho tôi bắt đầu làm việc nhà ngay, nhưng cũng có hôm bà lại muốn chơi trò đổ đầy nước lạnh vào bồn tắm rồi bắt tôi dìm đầu vào. Nếu hôm nào thực sự khỏe, bà ấy sẽ pha cho tôi hỗn hợp hơi ngạt trong nhà tắm. Còn hôm nào bà ấy chán ngán vì cứ phải lặp đi lặp lại các hình phạt với tôi xung quanh nhà, bà lại đẩy tôi ra đường để đi làm công việc cắt cỏ; tất nhiên là chỉ sau khi đánh đập tôi chán chê mà thôi. Có vài lần bà ấy còn dùng dây xích chó để quất vào người tôi. Rất đau, nhưng tôi đã cố cắn răng chịu đựng. Nhưng đau đớn nhất đối với tôi là bị mẹ dùng cán chổi đánh từ phía sau vào hai chân. Có khi những cú đánh thẳng tay đó khiến tôi ngã sống soài trên nền nhà, đau đớn đến nỗi không thể gượng dậy. Có lần sau khi bị đánh xong, tôi cũng phải cố lồm cồm bò dậy rồi tập tễnh xuống đường, tay đẩy cái máy cắt cỏ cũ kỹ, có lê lết từ nhà này sang nhà khác để xin cắt cỏ và kiếm tiền mang về cho bà ấy.
Thế rồi cũng có một ngày cha tạt ngang về nhà, nhưng rồi mọi thứ chẳng khác gì so với lúc không có cha, bởi mẹ đã cấm không cho cha gặp tôi. Những tia hy vọng còn sót lại trong tôi bỗng trở nên mong manh hơn bao giờ hết, và tôi bắt đầu tin rằng cuộc đời của tôi sẽ mãi mãi không bao giờ thay đổi. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ làm nô lệ cho mẹ đến khi nào tôi chết đi mới thôi. Từng ngày trôi qua, ý chí và nghị lực sống trong tôi trở nên cạn kiệt. Tôi không còn hơi sức đâu mà mơ mộng về siêu nhân hay bất kỳ một vị anh hùng nào nữa. Tôi cũng lờ mờ nhận ra lời hứa ngày trước của cha chỉ là một trò lừa bịp. Tôi thôi không còn cầu nguyện gì nữa và chỉ tập trung vào việc làm sao để sống cho qua ngày mà thôi.
Một buổi sáng nọ khi tôi đang ở trong lớp học, cô ý tá của trường yêu cầu tôi ra gặp cô. Cô cứ gặng hỏi tôi về quần áo cũng như về những vết bầm tím khắp hai cánh tay của tôi. Lúc đầu, tôi chỉ nói với cô ấy những gì mẹ đã dặn tôi. Nhưng chẳng hiểu sao sau đó tôi lại cảm thấy tin tưởng cô, và thế là tôi đã nói với cô nhiều, nhiều điều hơn về mẹ. Cô ghi chú lại tất cả và nói rằng bất cứ khi nào tôi muốn chia sẻ điều gì, hãy đến tim gặp cô. Một thời gian sau đó, tôi mới biết rằng cô ý tá ấy đặc biệt quan tâm đến tôi là do cô giáo dạy thế hồi đầu năm học đã nhờ cô lưu ý đến tôi.
Trong suốt tuần lễ cuối cùng của tháng Mười, gia đình tôi có một truyền thống là các cậu con trai sẽ được khắc nhiều hình thù lên những quả bí đỏ. Tôi không còn đặc quyền này kể từ khi tôi mới lên bảy hay tám tuổi gì đó. Tối hôm đó, ngay khi tôi vừa hoàn tất việc nhà, mẹ đã cho nước chảy đầy vào bồn tắm. Bà lại cảnh cáo rằng tôi phải để đầu ngập dưới mặt nước, nếu không sẽ biết tay bà. Như để lời cảnh cáo thêm phần hiệu lực, bà ấy thộp lấy cổ tôi, dìm thẳng đầu tôi xuống nước. Rồi bà lao ra khỏi nhà tắm, không quên với tay tắt đèn. Tôi nhìn qua ô cửa sổ nhỏ trong nhà tắm, màn đêm đang dần buông xuống một cách nặng nề. Tôi giết thời gian bằng trò đếm nhẩm. Tôi bắt đầu đếm từ một đến một nghìn. Rồi lặp lại nhiều lần như vậy. Nhiều giờ trôi qua, tôi cảm giác nước trong bồn đang dần vơi đi. Nước càng rút bớt thì cả người tôi càng tế cóng. Tôi kẹp hai tay vào giữa hai chần và thu người co ro vào cạnh bồn tắm. Tôi có thể nghe văng vẳng bài hát phát ra từ đĩa nhạc Halloween mà mẹ đã mua cho Stan nhiều năm trước đó. Tiếng yêu quỷ, ma cà rồng rít hú liên hồi, và cả tiếng những cánh cửa mở kêu ken két nữa. Sau khi mấy người anh em trai của tôi khắc xong hình lên những quả bí, tôi lại nghe tiếng mẹ kể cho họ nghe chuyện kinh dị bằng một giọng êm dịu mà chắc chắn là không bao giờ bà dành cho tôi. Càng nghe, tôi càng thấy căm ghét tất cả bọn họ. Đối với tôi, việc phải ngồi trên đá phơi mình như một con chó ngoài sân trong lúc họ ăn tối đã là quá đủ. Đằng này, trong khi họ vừa được ăn bỏng ngô vừa được quây quần nghe mẹ kể chuyện thì tôi lại thu lu trong cái bồn nước lạnh giá, điều này đã quá sức chịu đựng của tôi và tôi chỉ muốn gào thét lên thật to mới vơi bớt những uất ức và hờn tủi trong lòng.
Giọng nói dịu dàng của mẹ đêm hôm đó làm tôi nhớ về một người mẹ mà tôi đã rất mực quý yêu nhiều năm về trước. Còn bây giờ, ngay cả các anh em trai của tôi cũng lờ tôi đi như thể tôi không hề tồn tại trong căn nhà ấy vậy. Đối với họ, tôi còn không bằng những hồn ma kêu gào trong đĩa hát của Stan nữa. Sau khi các cậu con trai đi ngủ, mẹ mới đi vào nhà tắm. Bà giả vờ giật mình khi nhìn thấy tôi vẫn nằm trần truồng ở đấy.
- Con có lạnh không nào? - Bà mỉa mai. Tôi run rẩy gật đầu để bà ấy thầy là tôi đang rất rất lạnh. Bà lại buông lời giễu cợt - Chà, tại sao thằng con yêu quý bé bỏng của ta không vác xác ra khỏi bồn tắm mà vào giường cha nó ngủ cho ấm nhỉ?
Tôi đứng bật dậy, suýt ngã khỏi bồn tắm, vội vàng mặc quần áo lót vào người rồi bò ngay vào giường của cha. Tôi làm ướt hết ra trải giường vì cả thân người tôi ướt sũng. Chẳng hiểu sao mẹ lại để cho tôi được ngủ trên giường lớn, còn bà ấy ngủ cùng phòng với các con của bà ở nhà trên. Tôi chẳng mấy quan tâm, miễn là tôi không phải ngủ trên cái giường cũ kỹ trong ga-ra lạnh lẽo là được rồi. Đêm hôm ấy, cha về. Nhưng tôi chưa kịp nói với ông lời nào thì đã ngủ thiếp đi vì quá kiệt sức.
Khi Giáng sinh đến cũng là lúc tinh thần tôi sa sút nghiêm trọng. Tôi ghét cay ghét đắng khi phải ở nhà trong suốt kỳ nghỉ kéo dài hai tuần liền. Tôi cứ mang tâm trạng thấp thỏm và nôn nóng đợi đến ngày được đi học trở lại. Vào ngày lễ Giáng sinh, tôi nhận được món quà là một đôi giày trượt pa-tanh. Tôi rất ngạc nhiên chẳng hiểu sao mình lại được nhận quà. Nhưng khi mở ra, tôi hiểu ngay đôi giày trượt pa-tanh ấy không phải một món quà được ban cho tôi theo tinh thần của ngày lễ Giáng sinh. Chắc hẳn đôi giày chỉ là một công cụ mới mà mẹ dùng để bắt tôi ra khỏi nhà và khiến tôi phải chịu đựng một đau đớn nào đấy. Mọi chuyện diễn ra đúng như tôi đoán. Vào những ngày cuối tuần, trong khi các anh em của tôi được ở trong nhà để tránh cái rét mướt của thời tiết thì mẹ lại bắt tôi phải ra ngoài trượt pa-tanh với đôi giày ấy. Tôi cứ thế trượt lên trượt xuống các dãy nhà, trên người thậm chí cũng không có lấy một cái áo khoác để giữ ấm. Lúc đó, tôi là đứa trẻ duy nhất lang thang ở ngoài đường. Có lần, khi người hàng xóm của tôi là Tony ra ngoài sân để lấy báo đã bắt gặp tôi đang trượt pa-tanh giữa trời giá rét. Ông chỉ kịp nhìn tôi cười thật tươi rồi vội vã quay trở vào nhà để tránh cái lạnh buốt thịt buốt da. Để giữ ấm cho cơ thể, tôi cố sức trượt càng nhanh càng tốt. Tôi thấy khói bốc lên từ ống khói của những ngôi nhà có bếp lửa. Tôi ước sao mình cũng được ở đó, ngồi sưởi ấm bên bếp lửa hồng. Mỗi lần tống tôi ra ngoài, mẹ bắt tôi phải trượt trong nhiều giờ liền. Bà chỉ gọi tôi vào nhà khi muốn tôi làm cho bà việc nào đó mà thôi.
Cuối tháng Ba năm ấy, mẹ tôi đau đẻ trong lúc chúng tôi đang được nghỉ học nhân dịp lễ Phục sinh. Khi cha lái xe đưa bà đến bệnh viện ở San Francisco, tôi đã cầu mong cho đó là sự thật. Tôi muốn mẹ ra khỏi nhà vô cùng. Tôi biết rằng nếu không có bà ở nhà, cha sẽ cho tôi ăn. Và tôi cũng rất hạnh phúc vì sẽ thoát khỏi đòn roi của mẹ.
Trong thời gian mẹ nằm viện, cha để cho tôi chơi với các anh em của mình. Tôi lập tức được đón nhận trở lại. Chúng tôi chơi trò “Star Trek” [1], và Ron trao cho tôi vinh dự được làm Thuyền trưởng Kirk. Ngày đầu tiên không có mẹ ở nhà, buổi trưa cha cho chúng tôi ăn bánh sandwich và tôi được ăn những hai cái. Khi cha đến bệnh viện để thăm mẹ, cả bốn anh em chúng tôi chạy sang nhà hàng xóm là cô Shirley để chơi. Cô Shirley rất tốt với chúng tôi. Cô ấy đối xử với chúng tôi như với con ruột của mình vậy. Cô ấy cho chúng tôi được chơi đùa thoải mái với nhiều trò chơi thú vị như đánh bóng bàn, trốn tìm... Cũng có khi cô để cho chúng tôi tự do chạy nhảy trong sân nhà cô ấy, muốn làm gì thì làm. Chẳng hiểu sao ở cô Shirley có một vài điểm gợi tôi nhớ đến mẹ - vào những ngày xa xưa khi mà bà chưa hành hạ đánh đập tôi.
Vài ngày sau đó, mẹ trở về nhà. Cùng xuất hiện với mẹ là em bé bà mới sinh, tên Kevin. Chỉ sau vài tuần, mọi chuyện lại trở về như cũ. Cha lại đi biền biệt. Tôi lại tiếp tục làm vật cho bà trút những cơn thịnh nộ.
Mẹ tôi rất hiếm khi giao du với hàng xóm, vì vậy thật khó hiểu khi bà và cô Shirley lại chơi rất thân với nhau. Họ thăm hỏi nhau hàng ngày. Mỗi lần cô Shirley sang chơi, mẹ lại đóng vai một bà mẹ dịu dàng yêu thương con cái. Vài tháng sau đó, cô Shirley có hỏi mẹ tôi rằng tại sao David không được chơi chung với những đứa trẻ khác. Cô ấy cũng rất tò mò không hiểu tại sao David lại hay bị phạt như vậy. Mẹ có rất nhiều lời giải thích khác nhau. Lúc thì David bị cảm hay David đang làm việc cho một chương trình nào đó ở trường học. Sau cùng thì bà ấy cũng nói với cô Shirley rằng David là một đứa hư hỏng và đáng bị cho ở dưới tầng hầm mãi mãi.
Rồi thì mối quan hệ giữa cô Shirley và mẹ cũng trở nên căng thẳng. Đến một ngày nọ, chẳng vì lý do gì, mẹ đã chắm dứt mọi quan hệ với cô Shirley. Con trai của cô ấy không được chơi với anh em nhà chúng tôi nữa, còn mẹ thì cứ đi vòng quanh nhà mình và gọi cô ấy là con chó cái. Cho dù tôi không được chơi chung với đám trẻ, nhưng khi cô Shirley còn qua lại với mẹ, tôi cũng cảm thấy mình được an toàn hơn.
Vào một ngày Chủ nhật trong tháng hè cuối cùng, mẹ đi thẳng vào giường ngủ lớn, nơi tôi đang bị bắt phải ngồi trong tư thế của tù nhân chiến tranh. Bà gọi tôi và ngồi vòa một góc giường. Bà nói với tôi rằng bà đã quá chán ngán với cảnh sống này rồi. Bà nói rằng bà xin lỗi tôi và rằng bà muốn bù đắp cho tôi vì những thiệt thòi tôi đã chịu đựng trong thời gian vừa qua. Tôi cười toe toét, lao vào vòng tay của mẹ và ôm bà thật chặt. Khi mẹ đưa tay vuốt tóc tôi, tôi đã khóc. Mẹ cũng khóc. Tôi bắt đầu cảm thấy khoảng thời gian tồi tệ của mình đã kết thúc. Tôi buông mẹ ra rồi nhìn sâu vào mắt bà. Tôi muốn thật chắc chắn về điều này. Tôi phải nghe bà ấy lặp lại một lần nữa. Tôi rụt rè hỏi mẹ:
- Tất cả đã chấm dứt thật rồi hả mẹ?
- Đã chấm dứt rồi, con yêu ạ. Kể từ giây phút này, mẹ muốn con hãy quên đi tất cả những gì đã xảy ra. Con sẽ cố gắng trở thành một đứa con ngoan của mẹ, đúng không nào?
Tôi gật đầu. Rồi bà nói tiếp:
- Rồi mẹ cũng sẽ cố gắng là một người mẹ tốt.
Sau khi nói chuyện xong, mẹ cho tôi tắm nước ấm và mặc quần áo mới cho tôi. Bộ quần áo mới đó là món quà tôi nhận được vào Giáng sinh năm ngoái nhưng mẹ chưa bao giờ cho tôi chạm vào nó. Rồi mẹ đưa anh em chúng tôi đi chơi bowling, còn cha ở nhà trông Kevin. Trên đường đi chơi bowling về, mẹ ghé qua cửa hàng tạp hóa mua cho mỗi chúng tôi một món đồ chơi đắt tiền. Về tới nhà, mẹ nói tôi có thể chơi cùng với các anh em của mình. Nhưng vì quá vui mừng với món đồ chơi mới, tôi đã mang nó về phòng để chơi một mình. Ngoại trừ những dịp lễ khi có khách đến chơi nhà, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, tôi lại được ngồi ăn bữa tối cùng bàn với mọi người trong gia đình. Mọi thứ diễn ra quá nhanh và tôi có cảm tưởng như chúng tốt đẹp đến mức khó tin. Tôi cảm nhận niềm hạnh phúc ấy mong manh như thể tôi đang đi trên vỏ trứng vậy. Tôi nghĩ thế nào rồi mẹ cũng sẽ tỉnh ra và quay trở về với bản chất của bà. Nhưng mẹ đã không như tôi nghĩ. Tôi được ăn bất cứ thứ gì tôi thích trong bữa tối. Bà còn để cho tôi được xem ti-vi với các anh em mình trước khi đi ngủ. Tôi thất thật kỳ lạ khi mẹ vẫn muốn tôi tiếp tục ngủ với cha, nhưng bà chỉ nói rằng bà muốn được ở gần em bé mới sinh mà thôi.
Buổi chiều hôm sau, trong lúc cha đi làm, một phụ nữ ở tổ chức dịch vụ xã hội đã đến nhà chúng tôi. Mẹ xua tôi ra ngoài chơi với các anh em để bà nói chuyện với khách. Họ đã nói chuyện với nhau hơn một giờ đồng hồ. Trước khi người phụ nữ ra về, mẹ gọi tôi vào nhà. Người phụ nữ ấy muốn nói chuyện với tôi một lát. Bà ấy muốn biết xem tôi sống có thoải mái không. Tôi trả lời bà rằng tôi đang rất vui. Bà ấy lại hỏi tôi có hòa thuận với mẹ không. Tôi trả lời là có. Cuối cùng, bà hỏi rằng mẹ có bao giờ đánh đập tôi không. Trước khi trả lời câu hỏi ấy, tôi ngước lên nhìn mẹ. Mẹ đang mỉm cười đầy ẩn ý. Đột nhiên tôi cảm thấy như vừa có một quả bom đã nổ thành một cái hố thật sâu trong lòng mình. Giờ thì tôi đã hiểu tại sao mẹ lại thay đổi như vậy và tại sao mẹ lại tốt với tôi vậy. Tôi thấy mình như một thằng khờ vì đã tin vào tất cả những điều đó. Tôi đã quá khao khát được yêu thương đến nỗi đã lãnh trọn cả một vố thật đau.
Mẹ đặt tay lên vai tôi khiến tôi giật mình trở về với thực tại.
- Nào, trả lời cô ấy đi con yêu. - Mẹ lại nói và mỉm cười - Nói rằng mẹ đã bỏ đói con và đánh đập con như đánh một con cún vậy.
Mẹ lại khúc khích cười, cố pha trò cho người phụ nữ kia cũng cười theo.
Tôi nhìn người phụ nữ. Khuôn mặt tôi biểu lộ vẻ xúc động, và tôi cảm nhận rõ mồ hôi đang rịn ra trên trán mình. Tôi không đủ can đảm để nói cho người phụ nữ ấy biết sự thật.
- Không, không phải như thế đâu cô ạ. Mẹ cháu đối xử với cháu cũng tốt lắm.
- Vậy là mẹ chưa hề đánh cháu? - Người phụ nữ hỏi lại lần nữa.
- Không... à... ý cháu là, cháu chỉ bị phạt... khi nào cháu hư thôi.
Tôi cố lấp liếm để che giấu sự thật. Nhìn ánh mắt mẹ, tôi biết mình phải nói dối. Mẹ đã tẩy não cho tôi trong nhiều năm qua, và giờ đây tôi buộc phải nói đúng những điều xảo trá đó một cách bài bản. Qua cuộc trao đổi giữa mẹ và tôi, tôi nghĩ chắc người phụ nữ ấy cũng đã tin hoàn toàn những điều tôi vừa nói.
- Thôi được rồi. Tôi chỉ muốn ghé thăm và chào gia đình một tiếng thôi. - Người phụ nữ nói.
Sau khi chào tạm biệt nhau, mẹ tiễn người phụ nữ ra cửa.
Khi người phụ nữ ấy vừa đi khỏi hẳn, mẹ đóng sầm cửa lại trong một cơn cuồng nộ thấy rõ.
- Mày đúng là thằng ngu. - Bà thét lên.
Theo bản năng, tôi đưa hai tay che mặt lại để tránh những cú đấm bắt đầu trút xuống liên tục của bà. Đánh tôi một trận nhừ tử xong, bà lại tống tôi xuống ga-ra. Sau khi cho các con ăn, bà gọi tôi lên để làm những công việc thường lệ của buổi tối. Lạ thay, trong lúc đứng rửa chén, tôi cảm thấy mọi chuyện cũng bình thường. Ngay khi bà vừa thay đổi thái độ với tôi mấy hôm trước, từ tận sâu trong tâm khảm, tôi cũng đã nghĩ mẹ đối xử tốt với tôi chẳng qua là vì lý do nào đó, chứ chẳng phải vì bà thực sự yêu thương tôi. Tôi đã biết rằng mẹ không đời nào lại có ý tốt như thế, vì bà ấy đã hành động y như những lần nhà tôi có khách đến chơi. Nhưng ít ra thì tôi cũng đã có được hai ngày vui vẻ. Cũng đã rất lâu rồi tôi không có được những ngày vui và thoải mái như thế, vậy nên xem xét cho cùng thì điều đó cũng đáng lắm chứ. Tôi lại trở về với cuộc sống bình thường như những ngày trước đó. Tôi lại nương nhờ vào chính sự cô độc của mình để tiếp tục tồn tại từng ngày một. Ít ra thì tôi cũng không phải sống trong thấp thỏm, không phải tự hỏi chẳng biết lúc nào thì ống trời sập xuống để chôn vùi tôi trong tận cùng hố sâu. Mọi thứ lại trở về bình thường, tôi lại trở về làm tên đầy tớ của gia đình.
Mặc dù đã dần chấp nhận số phận của mình, nhưng cứ vào mỗi buổi sáng khi cha từ biệt cả nhà đi làm, tôi lại cảm thấy lạc lõng hơn bao giờ hết. Vào những ngày làm việc, cha luôn thức dậy lúc năm giờ sáng. Cha không biết rằng tôi cũng luôn thức dậy theo ông. Tôi nghe thấy tiếng ông cạo râu trong nhà tắm, rồi tôi nghe thấy tiếng chân ông đi vào nhà bếp tìm thứ gì đó để ăn. Tôi còn biết lúc cha lúi húi mang giày vào cũng là lúc ông sắp ra khỏi nhà. Nếu thấy tôi thập thò đâu đó, ông sẽ gọi tôi lại và hôn lên trán tôi rồi căn dặn:
- Cố mà làm vui lòng mẹ con, và tránh xa bà ấy ra con nhé.
Những khi nghe cha nói như vậy, tôi luôn cố để không bật khóc, nhưng lần nào cũng vậy, mắt tôi lại nhòe nhoẹt nước. Tôi không muốn rời xa cha. Tôi chưa bao giờ nói ra điều đó, nhưng tôi biết chắc rằng cha hiểu. Sau khi đóng cửa trước lại, tôi bắt đầu đếm số bước chân cha, hình dung thấy ông ra đến đường lớn. Tôi còn cố dõng tai để nghe thấy tiếng chân cha bước đi trên đường. Tôi còn tiếp tục hình dung thấy cha rẽ trái đi xuống con đường chính trong khu phố và đón chuyến xe buýt đến San Francisco. Đôi khi, tôi đánh liều chạy đến bên cửa sổ để được nhìn thoáng qua bóng cha một lần nữa. Sau khi biết chắc là cha đã đi, tôi nằm lăn qua lăn lại bên phần giường vẫn còn vương lại hơi ấm của cha. Nhưng cũng chính vào lúc tôi biết là cha đã đi khỏi, tận sâu trong hồn mình tôi lại cảm thấy một cảm giác thật trống rỗng và lẻ loi. Tôi yêu cha nhiều lắm. Tôi muốn được ở bên cạnh ông ấy mãi mãi. Nước mắt lại chảy trong lòng tôi, bởi tôi không bao giờ biết được rằng khi nào tôi mới lại được nhìn thấy cha.
Chú thích:
[1] Star Trek là một sê-ri phim truyền hình khoa học giả tưởng của đạo diễn Gene Roddenberry được phát sóng trong suốt ba năm, từ 08/09/1966 đến 02/09/1969. Bộ phim nói về những chuyến thám hiểm của phi hành đoàn do Thuyền trưởng James T. Kirk dẫn đầu trên phi thuyền mang tên Enterprise trong bối cảnh của thế kỷ 23. Phiên bản gốc của Star Trek đã được Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận là chương trình truyền hình sản sinh ra nhiều sản phẩm phụ nhất trong lịch sử truyền hình ở Mỹ.
Không Nơi Nương Tựa Không Nơi Nương Tựa - Dave Pelzer Không Nơi Nương Tựa