Số lần đọc/download: 3351 / 200
Cập nhật: 2017-09-12 19:28:08 +0700
Chương 4
N
hiều trang để trống. Để dành chỗ cho nhiều hình minh họa. Ảnh cũ của gia đình, cho mỗi người trong gia đình anh, quay trở lại với càng nhiều thế hệ càng tốt. Để nhìn vào chúng với sự trân trọng tuyệt đối.
Sau đó, hàng loạt bản sao, bắt đầu với những chân dung Rembrandt vẽ con trai mình, Titus. Để dồn tất cả chúng vào: từ đôi mắt của một cậu bé năm 1650 (tóc vàng óng, mũ cài lông đỏ) cho đến chân dung của Titus năm 1655 “bối rối trước bài học của mình” (đăm chiêu, ngồi ở bàn của mình, la bàn lủng lẳng một bên tay, tay kia chống cằm), tới Titus năm 1658 (mười bảy tuổi, đội chiếc mũ đỏ đẹp tuyệt, và, như một nhà phê bình từng viết, “Họa sĩ đã vẽ con mình với cùng một kiểu thâm nhập thường để lưu lại chính những đặc điểm của mình”) cho tới bức tranh vẽ Titus cuối cùng còn lại, khoảng đầu những năm 1660: “Gương mặt dường như thuộc về một cụ ông già yếu ớt vật lộn với bệnh tật. Tất nhiên, chúng ta nhìn vào tranh với kiến thức đã có – chúng ta biết rằng Titus sẽ chết trước cha mình…”
Tiếp theo là bức chân dung vẽ năm 1602 của Sir Walter Raleigh và cậu con trai tám tuổi Wat (họa sĩ không rõ danh tính) treo trong National Portrait Gallery tại London. Lưu ý: tư thế thiếu tự nhiên tương đồng giữa họ. Cả cha và con đều nhìn về phía trước, tay trái đặt lên hông, chân phải chĩa ra thành một góc bốn mươi lăm độ, chân trái hướng về phía trước, và vẻ cương quyết mờ nhạt trên mặt cậu con bắt chước cái nhìn thẳng đầy tự tin và uy quyền của ông bố. Để ghi nhớ: khi Raleigh được thả ra sau mười ba năm bị giam giữ tại Tháp London (1618) và khởi hành chuyến đi bi đát tới Guiana để rửa sạch thanh danh, Wat đã đi cùng ông. Hãy nhớ rằng Wat, lãnh đạo một đội quân liều mạng chiến đấu chống lại quân Tây Ban Nha, mất mạng trong một khu rừng rậm. Raleigh viết cho vợ: “Ta chưa bao giờ biết nỗi đau khổ là gì cho đến lúc này.” Và vì thế ông quay lại Anh để cho đức vua chặt đầu mình.
Tiếp theo là nhiều hình ảnh khác, có thể là hàng tá: Con trai của Mallarmé, Anatole; Anne Frank (“Đây là tấm ảnh cho thấy tôi như tôi vẫn muốn trông như vậy. Nhờ vậy tôi chắc chắn có cơ hội tới được Hollywood. Nhưng giờ đây, thật không may, tôi thường trông khác lắm”); Mur, những đứa trẻ ở Campuchia; những đứa trẻ ở Atlanta. Những đứa trẻ đã chết. Những đứa trẻ sẽ biến mất, những đứa trẻ rồi sẽ chết. Himmler: “Tôi đã đi đến quyết định là sẽ tiêu diệt tất cả những đứa trẻ Do Thái khỏi bề mặt trái đất.” Không có gì ngoài các tấm ảnh. Bởi vì, ở một điểm nào đó, ngôn từ dẫn người ta đến với kết luận là chúng chẳng nói lên được gì nữa. Bởi những tấm ảnh ấy là thứ không thể nói thành lời.
* * *
Anh đã dành một phần đáng kể của quãng đời trưởng thành để đi dạo qua các thành phố, trong số đó có nhiều thành phố ở các nước khác. Anh đã dành phần lớn hơn của quãng đời trưởng thành để gù lưng trên một mảnh gỗ hình chữ nhật, tập trung vào mảnh giấy trắng thậm chí còn nhỏ hơn. Anh đã dành phần lớn hơn của quãng đời trưởng thành đứng lên ngồi xuống bước tới bước lui. Thế giới chúng ta đã biết có những giới hạn. Anh lắng nghe. Khi anh nghe thấy gì đó, anh bắt đầu lắng nghe lại. Rồi anh đợi. Anh quan sát và đợi. Và khi anh bắt đầu nhìn thấy gì đó, anh lại quan sát và đợi. Thế giới chúng ta đã biết có những giới hạn.
* * *
Căn phòng. Đề cập ngắn gọn đến căn phòng và/hoặc những mối nguy hiểm bị che giấu bên trong nó. Và trong hình ảnh: Hölderlin[15] trong phòng ông.
Để hồi sinh lại những ký ức của bí ẩn, ba tháng chu du bằng cách đi bộ, một mình vượt qua những ngọn núi vùng Massif Central, ngón tay ông nắm chặt lấy khẩu súng trong túi; hành trình từ Bordeaux tới Stuttgart (hàng trăm dặm) báo trước cho đợt suy sụp tinh thần năm 1802.
“Bạn thân mến… Tôi đã không viết cho anh trong suốt một quãng thời gian dài, và trong khi đang ở Pháp nhìn thấy vùng đất cô đơn sầu thảm này; những người đàn ông, đàn bà chăn cừu của vùng Nam Pháp và những cá nhân xinh đẹp, đàn ông và đàn bà, những người lớn lên trong tình trạng chính trị bất ổn định và đói khát… Những phẩm chất mạnh mẽ, ngọn lửa thiên đường và sự im lặng của nhân dân, cuộc sống của họ giữa thiên nhiên, sự hạn chế của họ, sự mãn nguyện của họ, không ngừng làm tôi xúc động, và như ai đó từng nói về những người anh hùng, tôi có thể tự tin mà nói với mình rằng Apollo đã tìm đến tôi.”
Đến được Stuttgart, “xám ngoét, rất gầy gò, với đôi mắt hoang dã trống rỗng, mái tóc dài, và ăn mặc như một gã ăn mày,” ông đứng trước mặt bạn mình là Matthison và chỉ nói ra một từ: “Hölderlin.”
Sáu tháng sau, Suzette thân yêu của ông qua đời. Vào năm 1806, mắc chứng hoang tưởng, và sau đó, ba mươi sáu năm, gần nửa đời mình, ông sống cô đơn trong tòa tháp được Zimmer, người thợ mộc từ Tübingen, xây cho mình – zimmer, trong tiếng Đức nghĩa là phòng.
GỬI ZIMMER
Những chỉ tay cũng khác nhau như những con đường hay như
Giới hạn của những ngọn núi, và như chúng ta
Dưới này, trong sự thuận hòa, trong sự chuộc lỗi Trong bình yên vĩnh cửu, một vị chúa sẽ kết thúc nơi ấy
Ở phần cuối cuộc đời của Hölderlin, một vị khách tới thăm lâu đài và nhắc tới tên Suzette. Thi sĩ trả lời: “A, Diotima của ta. Đừng nói với ta về Diotima của ta. Mười ba đứa con trai nàng sinh cho ta. Một là Giáo hoàng, đứa khác ở Sultan, đứa thứ ba là Hoàng đế nước Nga….” Và rồi: “Ông có biết chuyện gì đã xảy ra với nàng không? Nàng phát điên, đúng thế đấy, điên, điên, điên.”
Trong những năm ấy, chuyện kể lại là, Hölderlin hiếm khi bước ra ngoài. Khi ông rời khỏi phòng, thì chỉ là để đi dạo vô mục đích dọc vùng nông thôn, nhét đầy túi với đá sỏi và những bông hoa mình hái, thứ mà sau đó ông sẽ xé nát vụn. Ở thành phố, bọn học trò cười cợt ông, và lũ trẻ sợ hãi chạy biến đi khi ông tiến tới chào hỏi chúng. Về cuối đời, trí óc ông trở nên hỗn loạn đến mức ông bắt đầu tự gọi mình bằng nhiều cái tên khác nhau – Scardinelli, Killalusimeno – và một lần, khi một người tới thăm chậm trễ trong việc rời khỏi phòng ông, ông dẫn ông ta ra cửa và nói, với ngón tay giơ cao cảnh báo: “Ta là Chúa Bề trên.”
Trong những năm gần đây, đã có nhiều suy đoán mới về cuộc đời của Hölderlin trong căn phòng ấy. Một người cho rằng bệnh điên của Hölderlin chỉ là giả mạo, và đó là cách ông đáp trả với những phản ứng chính trị đầy mâu thuẫn bao trùm lên nước Đức theo sau cuộc cách mạng Pháp, thi sĩ muốn rút lui khỏi thế giới. Ông sống, như người ta nói, dưới tầng hầm của tòa tháp. Theo như giả thuyết này, tất cả những tài liệu ghi chép về bệnh điên của Hölderlin (1806-1843) trên thực tế được soạn ra bằng mật mã bí mật, thuộc về cách mạng. Thậm chí có cả một vở kịch phát triển theo ý kiến này. Trong cảnh cuối của vở kịch đó, chàng trai Marx trẻ trung đã đến thăm Hölderlin tại tòa tháp của ông. Chúng ta được đưa đẩy tới một dự đoán là từ cuộc gặp gỡ này, chính nhà thơ già nua đang chờ chết đã trở thành nguồn cảm hứng cho Marx viết ra Bản thảo kinh tế và triết học 1844.Nếu chuyện này là sự thật, thì Hölderlin không chỉ là nhà thơ Đức vĩ đại nhất trong thế kỷ mười chín, mà còn là nhân vật trung tâm của lịch sử tư tưởng chính trị: cầu nối giữa Hegel và Marx. Với một sự thật được tài liệu ghi nhận là thời còn trẻ Hölderlin và Hegel từng là bạn bè. Họ là bạn đồng môn tại một trường dòng ở Tübingen.
Tuy nhiên, suy đoán về những điều ấy chỉ khiến A. thấy chán ngắt. Anh chẳng gặp khó khăn gì với việc chấp nhận sự tồn tại của Hölderlin trong căn phòng. Anh có thể đi xa đến mức khẳng định Hölderlin chẳng thể sống sót nổi ở đâu khác. Nếu không nhờ lòng nhân ái và tốt đẹp của Zimmer, thì có thể đời Hölderlin đã kết thúc sớm từ lâu.
Lẩn trốn vào trong một căn phòng không có nghĩa là con người đó đã bị che mắt. Bị điên không có nghĩa là con người ấy trở nên câm điếc. Rõ ràng hơn hết, căn phòng ấy đã đưa Hölderlin trở lại với cuộc sống, trả lại cho ông bất cứ điều gì cuộc đời đã để dành lại cho ông để ông sống. Như Jerome bình luận về Sách về Jonah, tụng ca đoạn văn miêu tả Jonah trong bụng con cá voi: “Bạn sẽ phải nghi nhớ rằng nơi bạn tưởng là kết thúc của Jonah, thì đó chính là nơi an toàn nhất với anh.”
“Hình ảnh của một người đàn ông có mắt,” Hölderlin viết, trong năm đầu tiên của đời mình trong căn phòng ấy, “trong khi mặt trăng có ánh sáng. Vua Oedipus có một con mắt cũng có thể là quá nhiều. Nỗi thống khổ của người đàn ông này, dường như là không thể diễn tả nổi, không thể nói ra, không thể bộc lộ. Nếu những vở kịch tái hiện lại những điều này, thì đó là lý do. Nhưng điều gì ùa đến với tôi khi tôi nghĩ tới anh vào lúc này? Nhưng những con suối kết thúc điều gì đó cuốn tôi đi, nó loang rộng ra như châu Á. Tất nhiên, nỗi đau đớn này, Oedipus cũng từng nếm. Tất nhiên, đó chính là lý do. Liệu Hercules có từng chịu đựng không? Thực sự… Để chiến đấu với Chúa, như Hercules, đó chính là nỗi thống khổ. Và sự bất tử giữa thói ghen tỵ của người đời, góp phần vào đó, cũng là một nỗi thống khổ. Nhưng đây cũng là nỗi thống khổ, khi một người đầy tàn nhang, bị tàn nhang phủ kín người không chừa chỗ nào. Mặt trời xinh đẹp gây ra chuyện đó: vì nó giận dữ với mọi điều. Nó dẫn lối cho những người thanh niên cùng với bạn bè anh ta với vẻ đường mật của tia sáng chói lọi như với những đóa hồng. Nỗi thống khổ mà Oedipus chịu đựng dường như là vậy, như khi một người nghèo than thở về thứ ông ta thiếu thốn. Con trai của Laios, kẻ lạ mặt nghèo nàn ở Hy Lạp! Sự sống là cái chết và cái chết là một kiểu của sự sống.”
Căn phòng. Sự biện bác lại với bề trên. Hoặc: Những lý do để ở trong phòng.