Số lần đọc/download: 0 / 7
Cập nhật: 2024-09-01 17:37:19 +0700
Chương 6: Cân Nhắc
R
ồi có lúc cuộc đời sẽ bù đắp cho những thiệt thòi mà nó đã gây ra. Rồi có những tiếng ca sẽ vang lên sau cơn hãi hùng của giông tố.
Đầu năm 90, sau mấy ngày nghỉ tết, một hôm đi học về, thằng bé con trai chị hí hửng khoe:
- Nội ơi! Mẹ ơi! Con được chọn đi thi học sinh giỏi cấp quận.
Bà Vú trêu nó:
- Quận mà nhằm nhò gì. Chừng nào cháu được chọn đi thi học sinh giỏi toàn quốc thì nội sẽ thưởng cho.
Thằng bé rụt đầu vào hai vai:
- Đi thi toàn quốc khó lắm nội ơi! Nhiều người học giỏi đến rùng mình luôn đấy.
Chị bật cười với sự diễn đạt của thằng bé. Từ ngày Ngạc đi, rồi mẹ chết, thằng bé và sự học của nó là niềm vui còn lại của chị. Chị biết rằng quy luật của cuộc sống là sự tiến bộ và nếu ai không tiến bộ kịp thì sẽ có ngày tự bị đào thải. Vì vậy tất cả khả năng của chị, chị đã dồn cho sự học của con; và bây giờ một bước, sự cố công của chị được bù đắp.
Chị dạy cho thằng bé gọi bà Vú là bà nội để tránh những cặp mắt xoi mói của kẻ tò mò. Một lần bị tên, cứ hễ thấy cành cong là chị sợ.
Ngạc thì đã hai lần li dị. Thủy chỉ sống với Ngạc một vài năm gì đó rồi bỏ Ngạc đi lấy chồng Mỹ. Ngạc trả đũa Thủy, cưới một cô đầm già, rồi cũng chỉ được vài ba năm gì đó. Bây giờ chả biết ra sao, chỉ biết là Ngạc đã ra trường và đã đi làm. Đời sống vật chất thì dĩ nhiên là khá giả; nhưng hơn ai hết chị biết rằng nếu Ngạc không thay đổi thì Ngạc sẽ không tìm được hạnh phúc trong cái thế giới vật chất dư thừa đó.
Khoảng tháng ba năm 90. Chị có việc phải liên hệ với một công ty xuất nhập khẩu thành phố. Tình cờ tại đây chị gặp được một người mà chị đã tưởng không bao giờ gặp lại được: anh Quãng, con trai bác Hi. Mười lăm năm trôi qua, đã bao lần tìm kiếm, chị nghĩ rằng có lẽ gia đình hai bác đã đi rồi, không đi năm 75 thì cũng vượt biên, không vượt biên thì mấy năm nay cũng đi theo diện HO rồi, thế mà bây giờ thình lình gặp lại.
Chị bỗng nghe nghẹn ngào dâng chặn đến tận cổ. Nếu không phải là chỗ đông người thì chị đã oà khóc trong vòng tay anh rồi.
Anh Quãng cũng vậy, nước mắt cứ chực trào ra má. Anh nắm tay kéo chị vào quán nước:
- Ba mẹ anh tìm gia đình em khắp nơi. Có mấy lần anh đăng báo nữa mà cũng chẳng nghe được tin tức gì nên cứ nghĩa rằng bên em đã đi cả rồi.
Chị cười như mếu:
- Em có đọc báo bao giờ đâu mà biết. Hồi mới giải phóng, có mấy lần em gởi thư về Pleiku nhưng rồi thư bị trả lại. Hồi Ngạc còn đi đây đi đó bên nầy, mẹ em có bảo Ngạc để ý tìm tin tức anh và các bác mà cũng không được. Rồi Ngạc đi, rồi mẹ em mất. Em lu bu với cuộc sống và cũng nghĩ là các bác đã đi rồi. Ai biết là bên anh vẫn còn ở lại.
- Chớ đi đâu mà không ở lại.
Rồi anh kể sơ cho chị nghe về gia đình anh trong suốt mười lăm năm qua.
Sau khi đưa mẹ con chị lên chiếc xe Jeeps thì bác Hi cũng lần lượt gởi từng người của gia đình bác lên những chiếc xe nhà binh khác. Họ tập kết ở trại tiếp cư Tuy Hoà rồi theo đoàn người di tản lần về Sài Gòn trước ngày giải phóng Sài Gòn. Sau giải phóng, hai bác theo người quen về sống ở Long Khánh. Những năm đầu nói chung là vất vả, thế nhưng rồi tình hình ngày càng sáng sủa. Hai bác mua đất, làm rẫy, lập vườn, trồng cà phê, trồng tiêu và cây ăn quả.
- Hôm nay anh xuống là để liên hệ bán mớ cà phê và tiêu của nhà. Bán trực tiếp có giá hơn. Xe nhà chở nên khỏi tốn tiền vận chuyển.
- Ôi! Bác vẫn còn chạy xe à?
- Học nó chạy đấy. Nó có vợ có con rồi. Ba anh mua cho nó chiếc xe chạy đường Long Khánh - thành phố nè. Ngày nào nó chẳng đậu ở Văn Thánh.
Chị nghe như tiếc rẻ. Ôi! Mỗi ngày Học có mặt ở thành phố, thế mà bao nhiêu năm rồi không làm sao mà biết tin nhau. Có nhiều khi, nửa vòng trái đất cũng là chật mà đôi lúc cái chu vi nhỏ hẹp của một thành phố lại rộng quá đến như vầy.
Chị nhìn anh Quãng, anh không thay đổi. Mười mấy năm rồi, anh vẫn không thay đổi.
- Anh học tập mấy năm?
- Tám năm. Anh chạy bỏ Ban mê thuột, xuống đường Đơn Dương, tưởng đã chết vì mấy quả C.P.U của bạn Mỹ hồi ấy rồi chớ. May mà bị mấy ổng bắt rồi đưa thẳng đi luôn.
- Hồi đó không tìm thấy Học trong đám xe Honda ở chỗ gì trên Tuy Hoà đó, em cứ sợ cho Học. Tại hồi đó người ta đồn là mấy ổng dắt vô rừng rồi mới lập toà án nhân dân, bắn bỏ.
- Bậy bạ. Họ cho học tập đâu mười lăm ngày gì đó rồi giải phóng Tuy Hoà họ thả. Nó cũng lần dò vô đến Sài Gòn thì gặp lại gia đình.
Gát hết mọi việc phải làm ngày hôm đó, anh Quãng về ăn trưa với mẹ con chị. Trong nước mắt, chị kể hết cho anh nghe những tháng ngày trôi dạt nhọc nhằn của mình và chị bỗng nghe lòng mình vơi nhẹ. Bao nhiêu nỗi phiền não, bao nhiêu nỗi buồn tủi của mười mấy năm chị trút đổ theo những giọt nước mắt trên vai anh y như ngày nào còn bé bị anh Vinh ăn hiếp chị chạy qua bác Hi méc với anh vậy. Anh xót xa nhìn chị:
- Rồi nếu không có Vú thì em làm sao?
- Em cũng chẳng biết nữa. Có lẽ Chúa đã sắm sẵn Vú để nâng đỡ em trong những bước gian nan của cuộc sống.
Bác Hi phúc hậu quá. Biết được tin chị, ngay ngày hôm sau một hai bác bắt anh Quãng chở xuống thăm.
Bà Vú xuýt xoa mãi khi bác đã đi về:
- Ông già thiệt hết sức biết. Từ tuốt trên Long Khánh mà ổng bắt thằng nhỏ chở xuống nào gà, nào vịt, nào nếp, nào đậu. Gì mà bốn năm thứ đậu: đậu phụng, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu trắng. Cứ như là kiểu ở nhà quê người ta đi hỏi vợ cho con vậy.
Rồi Vú than thở:
- Tại cái phần số mầy nó lận đận nên mầy mới phải lạc mất gia đình ông ấy. Nếu mấy năm trên mà gần gũi ổng bả thì mầy đâu đến nỗi gian nan quá thể vầy con.
Chị cười với Vú:
- Thì bộ Vú hổng tốt với con sao mà Vú nói vậy.
- Con nói vậy chớ làm sao bằng được con. Con thấy đó, Vú vừa nghèo, lại vừa là đàn bà giá.
- Thì con cũng y như Vú thôi. Vú nghèo mà Vú vẫn bảo bọc được mẹ con con cả bao nhiêu năm nay. Ơn nầy con không biết lấy gì mà trả cho Vú được. Bộ Vú không nghe anh Quãng ảnh nói sao? Nếu không có Vú thì rồi con làm sao? Thiệt chớ, nếu không có Vú, hổng biết rồi mấy năm nay mẹ con con ra làm sao nữa.
- Thôi thì nói làm gì. Chỉ có cái là Vú tiếc cho con. Có người thân tốt như vậy mà mười mấy năm trời chịu lận đận.
Bác Hi giỏi thật, từ hai bàn tay trắng sau khúc ngoặc của đất nước và trải suốt những ngày khó khăn chung, bác vẫn vững vàng gây dựng lại sự nghiệp, dựng vợ gả chồng cho con cái, nuôi hai đứa cháu nội con anh Quãng học hành tới nơi tới chốn. Một đứa đã tốt nghiệp đại học và một đứa còn đang học ở thành phố. Đã vậy, gia đình bác tài và anh phụ xe ngày trước cũng được bác dắt dìu, giúp đỡ. Thế mà chị, chỉ một cái vẫy tay, cuộc đời hất chị đi xa như chiếc lá rơi vào dòng nước rồi cứ bị sóng gió cuộc đời dồn dập hết cơn nầy qua cơn khác. Nếu không có chiếc neo của Vú, không biết rồi dòng đời sẽ còn đưa đẩy chị trôi dạt đến tận ngõ ngách nào nữa.
Từ hôm gặp lại nhau, cứ vài ba tuần anh Quãng lại ghé thăm. Cả Vú lẫn chị đều nghe lòng mình ấm lại bởi sự chăm sóc tế nhị cuả một người đàn ông vững vàng và mạnh mẽ. Vú thắc mắc:
- Sao nó không cưới vợ khác nhỉ? Hình như nó chỉ có hai đứa con gái?
- Vâng, ảnh chỉ có hai đứa con gái; mà chắc là ảnh để qua Mỹ cưới vợ đầm cho ngon.
Anh Quãng nghe được cười nhạt:
- Tây Mỹ gì! Đi đâu rồi cũng làm mới sống chớ bộ qua bên ấy ở không họ phát tiền cho mình đi du lịch à?
Rồi anh tâm sự:
- Em biết đấy, anh đã từng ở Mỹ, chả sung sướng gì đâu. Họ sống như cái máy chạy đua với thời gian. Làm việc, làm việc, và khi anh không còn đủ sức để làm việc theo cái kiểu chạy đua với thời gian thì a-lê hấp. Vất! Cái khoản mà họ gọi là trợ cấp thất nghiệp thật ra chỉ là những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình nó trích ra rồi đến lúc mình bị sa thải nó thí lại nhỏ giọt cho mình. Cái óc phân biệt giai cấp, phân biệt chủng tộc còn rất nặng trong những người giàu có ở Mỹ, nhất là ở các bang miền Nam. Có những chỗ nó vẫn để bảng “Cấm chó và người da màu”. Chẳng phải là thiên đường hạ giới đâu mà ham qua bên ấy. Họ sống hiện thực trên bất cứ lãnh vực nào kể cả phương diện tình cảm, anh cho tôi, tôi cho anh. Huề. Dân mình trầm lặng, tình cảm sâu sắc, sống hướng nội. Khi va chạm với cuộc sống thực tế của bọn Mỹ, biết bao nhiêu người bị dội ngược. Anh biết sức mình không kham nổi cuộc sống chạy theo đồng bạc và chạy theo thời gian nên anh không bao giờ nghĩ đến việc ra đi. Nhiều người bảo, cứ đi cho con cái có tương lai. Chưa hẳn là vậy. Ở bên nầy, như anh đây, gần năm mươi tuổi đầu vẫn còn ở với ba anh; nhưng qua bên đó, con cái tới tuổi thành niên rồi là chúng không còn là con mình nữa. Tuổi già bên ấy cô đơn lắm. Còn chuyện học hành thì em thấy đấy. Càng lúc người ta càng nhận ra thôi. Thằng bạn anh ở Tuy Hoà, mấy năm mới giải phóng, thằng con lớn của nó thi đại học cứ hỏng lên hỏng xuống vì lý lịch. Rồi tới năm trong nầy chấm đậu thì Ban tuyển sinh Tuy Hoà đánh hỏng. Phẩn chí, thằng bé vượt biên vì nó bảo nhà nước Việt Nam áp dụng chính sách ngu dân, đố kỵ tài năng, vùi dập nhân tài. Thế mà năm nay, thằng con út của nó một mình nhận hai cái học bổng, một của tỉnh cấp, một của báo chí cấp. Đấy, em coi, rồi người ta cũng phải nhận ra vấn đề thôi.
- Thì hồi trước Ngạc cũng thường nói với em như vậy. Rồi đến lúc người ta sẽ tỉnh táo lại. Chỉ có điều tiếc là cho đến lúc họ tỉnh táo lại và nhận ra vấn đề thì mình đã bị một lỗ hổng lớn và lỗ hổng đó lại chứa đựng một lớp người băng hoại mới.
- Làm sao tránh được em. Đó là hậu quả của cuộc chiến kéo dài suốt ba mươi năm đấy. Chiến tranh kèm theo sự lạc hậu. Sự tàn phá vật chất thì ngày một ngày hai có thể xây dựng lại chớ còn những sự tàn phá của tâm hồn, của đạo đức và của sự thiếu hụt trong nhận thức thì để lại hệ quả sâu hơn là người ta nghĩ.
Hè năm 90, con trai chị được tuyển thẳng lên cấp ba, lại được lãnh giải thưởng Lê Quý Đôn, một giải thưởng dành cho học sinh giỏi toàn diện của quận. Khỏi lo thi cử, anh Quãng dẫn nó đi Long Khánh chơi cả nửa tháng trời. Từ bé đến giờ, chưa lần nào xa mẹ thế mà nửa tháng rong chơi với vườn với rẫy, với núi với rừng, thằng bé còn chưa thấy nhớ mẹ.
- Nếu không vì sợ mẹ mong thì bác Quãng đã đưa con đi Bảo Lộc chơi luôn rồi đấy. Con thích khung cảnh ở thôn quê hơn là ở thành phố mẹ ạ.
- Ừ, hồi trước ba con cũng thích vậy, thế mà rồi ba con lại đi Mỹ đấy.
Thằng bé bênh cha:
- Ở Mỹ cũng có thôn quê chớ bộ.
- Thì dĩ nhiên. Điều mẹ muốn nói là con người có thể bị thay đổi ý muốn của mình bởi hoàn cảnh hoặc bởi người khác chi phối.
- Con mong rằng con vẫn là con trong bất cứ hoàn cảnh nào. Có thể có một lúc nào đó vì lý do nầy hoặc lý do khác mình phải chìu theo cuộc sống để tồn tại thì con cũng sẽ cố giữ để không mất đi những cái đẹp mà mình nuôi dưỡng.
Chị tròn mắt nhìn thằng bé, chị không ngờ thằng con chị lại chững chạc trong trong suy nghĩ đến vậy. Chị hỏi vặn:
- Thật thế không con?
- Thật chứ sao không mẹ. Con có trao đổi ý nghĩa nầy với bác Quãng thì chính bác Quãng cũng đồng ý với con như vậy. Bác Quãng…
Và thế là nó khoe một hơi đủ thứ về cái bác Quãng của nó. Nó có vẻ quý và kính anh. Tội nghiệp thằng bé, Ngạc đi mười mấy năm rồi. Mười mấy năm con trai chị chỉ thấy bên mình là một bà già và một người đàn bà yếu đuối bị dồi dập trong sóng gió cuộc đời. Bây giờ, một người đàn ông rắn rỏi, cương nghị xuất hiện, nó như bị cuốn hút. Anh Quãng cũng mến nó, chả là anh không có con trai. Anh tập cho nó chạy xe gắn máy. Nó khoe:
- Bác còn bảo hè năm tới chưa phải thi con lên chơi với bác suốt cả ba tháng. Bác sẽ dạy con lái xe hơi luôn.
- Dẹp, hè tới lo học thêm để chuẩn bị cho lớp mười hai. Ở đó chưa gì đã có chương trình đi chơi.
- Thì đó là ý của bác Quãng chứ đâu phải ý con.
Ngày giỗ thứ mười sáu của bố chị, anh Quãng và cả bác Hi cùng vào với chị.
- Anh không ở ngoài nhà giỗ chị.
- Có làm ngày hôm qua rồi. Hôm nay ba anh bảo đưa ba vào đây với em.
Bác Hi thút thít khóc:
- Mười sáu năm rồi, từ hai bàn tay trắng bác đã làm lại được tất cả. Bác đã cố công tìm lại gia đình con rồi bây giờ ơn trên cũng đã giun rủi cho bác gặp được, tiếc là mẹ con và thằng Vinh đã mất. Vậy mà có một việc bác đã hứa mà bác chưa làm được đó là tìm thăm mộ bố con và mộ Lan, vợ Quãng. Tội nghiệp anh tôi, tội nghiệp dâu tôi, mười sáu năm nằm bơ vơ giữa núi rừng không người thăm viếng. Không biết bây giờ có còn tìm được dấu vết hay không. Bác hứa với lòng mình là thế nào bác cũng phải đi một chuyến về lại con đường cũ để tìm mộ bố con và mộ vợ Quãng.
Chị thắc mắc với anh Quãng:
- Có phải vì vậy mà anh chưa cưới vợ khác?
- Không hẳn vậy, anh cũng không biết tại sao nữa. Mấy năm trước có ông bạn cũ giới thiệu anh với cô em gái ổng. Cô ấy cũng giỏi lắm, ba mươi mấy tuổi rồi mà chưa lập gia đình. Lúc đầu anh cũng tính coi thử ra sao, thế rồi tự dưng anh thấy không được.
- Tại sao không được?
- Cũng không biết nữa. Có lẽ như ông bà mình bảo, tại không duyên không nợ.
Thằng bé con chị càng ngày càng quấn quýt cái bác Quãng của nó và ngược lại, anh cũng vậy. Một vài tuần mà anh không ghé là thằng bé lại mong như mong mẹ đi chợ về. Hè năm ngoái, bác cháu nó đưa nhau đi Vũng Tàu, vừa là anh lo công việc làm ăn, vừa là anh đưa nó đi đây đi đó vì anh biết rằng chị không làm sao có nhiều thì giờ cho nó.
Bà Vú hỏi chị:
- Chớ nó chẳng nói gì với con hết sao?
- Nói gì vậy Vú?
- Thì, Vú nghĩ là nó thương con đấy.
- Anh vẫn thương con từ hồi nào tới giờ mà Vú.
- Cái con nầy, Vú nói là vì Vú thương con đấy thôi. Vợ nó thì chết lâu rồi, còn mầy thì chồng bỏ cả mười mấy năm nay. Vú nghĩ, không có gì là trở ngại.
Vâng, thì không có gì trở ngại, thế nhưng, từ phía chị cũng như từ phía anh Quãng, cả hai đều dừng lại ở một chừng mực nào đó. Chị biết rằng chỉ có một lằn ranh quá mong manh ngăn cách họ, thế mà cả anh Quãng lẫn chị đều đang cố giữ lằn ranh đấy.
Hồng sủa tuôn vào mặt chị:
- Bộ mầy tính một đời chung thuỷ với ông anh cà chớn của tao à? Mầy có biết, sau cái bà đầm già, ông ấy sống chung với biết bao nhiêu người đàn bà nữa ở bên ấy không?
- Đó là quyền tự do của Ngạc.
- Chớ rồi quyền tự do của mầy?
- Thì tao vẫn đang là người tự do mà Hồng!
- Tự do cái con khỉ mốc. Mầy đã tự trói đời mầy bằng những sợi dây vô hình ngu ngốc. Tao là con em họ bên chồng của mầy mà tao phải xúi mầy đi lấy chồng khác là mầy biết mầy thuộc cái loại cà quỷnh tới nước nào rồi.
Hôm Noel vừa rồi, Hồng nói thẳng vào mặt Quãng:
- Anh ngu bỏ mẹ. Anh cưới quách con nầy đi, để nó ở vậy làm gì cho càng ngày càng thấy phát ghét.
Anh Quãng cười đỏ mặt không tìm ra lời chống chế.
_
Thế mà bây giờ nó lại rầu rầu bảo chị:
- Tuần sau ông Ngạc về đấy. Mầy tính sao bây giờ.
Còn biết tính làm sao! Mười hai năm trước Ngạc ra đi, có nói với chị tiếng một tiếng hai gì đâu mà bây giờ bảo chị phải tính. Chị chẳng tính toán gì và Ngạc cũng chẳng có quyền gì để tính cho chị. Nỗi bận tâm duy nhất của chị bây giờ là không biết con trai chị sẽ xử sự như thế nào nếu ba nó quyết định đem nó đi.