Số lần đọc/download: 4312 / 69
Cập nhật: 2017-06-11 10:57:53 +0700
Khách Nợ
L
ái Khế béo tròn như quả mít. Đầu lão bịt một vành khăn tai chó, hai tai khăn vểnh như đôi tai trâu. Trẻ con tưởng lão mới mọc hai chiếc sừng bò trên đầu. Lái Khế mặc một tấm áo nâu dày cộp, chó cắn có thể gẫy được răng. Ngang lưng cuốn một vòng thắt lưng điều cũ, rách xơ xác. Tay lão ta xách một cây hèo lua tua mấy sợi tơ đỏ.
Sớm mai đó, lái Khế lên khỏi bậc đá cửa đình làng Nghĩa Đô, sương mới bắt đầu tan. Bữa nay, hai mươi chín tháng Chạp, phiên chợ cuối năm. Con đường từ Bạc xuống, quành qua cánh đồng sau lưng làng tới tấp những người xuống chợ.
Trong làng đã lác đác vài người đi chợ. Mấy đứa trẻ, mấy bà mặc váy, thắt lưng bó que, có cả một bác lôi chó đi chợ bán. Con chó nọ hết sức phản đối. Lưng nó không chùn lại. Nhưng cái xích ống đã đóng vào cổ chó, bác ta vẫn lôi tuồn tuột được nó. Vừa lôi, bác vừa bước tất tưởi. Chợt trông thấy lái Khế đi lững thững, nách kẹp cái hèo hoa, bác kéo con chó, co cẳng chạy.
Bác nói thực lớn, cả bọn đàn bà đi trước cũng nghe tiếng:
- Lái Khế đấy!
Một mụ hỏi:
- Nó về nhà ai, nhẩy?
Bác nọ, lối thông thạo, đáp:
- Lại về nhà hương Cay. Bỏ bu anh hương Cay!
Khắp vùng này, ai nghe đến hai chữ “lái Khế” cũng khiếp như nghe tiếng cú rúc đầu nhà. Nhất là những người có nợ Bá Khoản trên Bạc. Bởi lái Khế là nặc nô đi đòi nợ cho nhà Bá Khoản. Gọi cho sang trọng thì gọi lão là ông khách nợ. Không hiểu tại sao, người ta lại trêu lão mà gọi là lái Khế. Thực lão chẳng buôn đường, bán kẹo gì bao giờ. Lão đi ở cho nhà Bá Khoản đã mấy chục năm nay. Ba mươi Tết nào lão cũng được cụ Bá cho vác hèo đi quanh hoạnh họe đòi nợ và ăn vạ những nhà có nợ ở các làng.
Bấy giờ lái Khế xăm xăm vào trong xóm. Rồi, quả nhiên, tạt về phía bên ngõ nhà ông hương Cay.
Nhà hương Cay không có cửa mà cũng chẳng có một que hàng rào. Lái Khế nhòm khắp chỗ, chẳng thấy bóng ai.
Lão nhòm cả xuống gầm phản. Chiếc phản đã mọt rủng, mối đùn dưới gậm từng đống đất to xù. Cầm cái hèo, lão đi xét thật nhanh, gõ đốp đốp vào các bức vách. Từng tảng đất vách, trấu trắng ngã xuống, lăn lóc. Rồi lão ra sân. Mảnh sân um những cây ké dại thấp lè tè, đốm hoa vàng sọng. Quanh năm, dáng chẳng ai bước vào đây. Rõ cảnh bần hàn quá, mà khô như nhà hoang. Bỗng lái Khế cong cổ lên, gọi thực to:
- Ới hương Cay! Hương Cay ơi!
Tiếng lão ồm ồm, ông ổng, nghe nhức tai. Lão gọi vu vơ. Chẳng thấy ông hương Cay ở mô tê. Trong cái hàng rào râm bụt đằng sau nhà, có đôi ba chiếc đầu trẻ con thò ra ngó lơ láo rồi lại thụt mất, theo với tiếng chân chạy huỳnh huỵch.
Lái Khế quay vào trong nhà, đặt chiếc hèo lên án thư. Lão ngồi lù lù trên tấm phản giữa. Lão ngồi ngáp rền mấy cái. Mới sáng ra lão đã ngáp. Đêm qua lão đánh chắn, thức khuya quá. Ai ngáp nghĩa là gọi con buồn ngủ tới. Con buồn ngủ đến đậu ngay hai bên mi mắt lão. Đôi mi nặng quá, cơ hồ lão phải trĩu xuống. Lão ngắm quanh quất, ý muốn tìm cái chiếu... Nhưng không có. Lão liền ôm cả cái ổ rạ dưới đất lên xếp lênh nghênh trên phản. Rồi lão chui người vào giữa ổ rạ, đầu và chân tay thò ra, cong queo như một con bò thui. Một chốc, tiếng ngáy đã vang rờn rờn...
Mỗi năm, lão thường đến nhà hương Cay đòi nợ một lần, vào ngày phiên chợ cuối năm. Món nợ hơn mười đồng bạc. Không phải ông Cay nợ Bá Khoản. Khi bà cụ mất, trước mặt con và chủ nợ, bà cụ giối lại rằng: “Tôi không dám ăn cướp công ông bà đâu. Con tôi rồi nó phải chu tất. Con ơi! Mày nhớ lấy nhời mẹ...”. Món nợ được viết văn tự miệng sang tên như thế. Nó thành một thứ nợ lưu cữu truyền kiếp. Cho nên, có năm Bá Khoản quên dặn lái Khế, mà lái Khế cũng sang đòi như lệ thường. Lão đã đi nhẵn ngõ, nhớ cả ngõ có mấy hòn gạch. Vợ hương Cay sợ lão lắm. Sợ lão đánh, sợ lão “bĩnh” các trò ma ra nhà, ra cửa. Bởi thế, bao giờ gần Tết, thấy lão lù lù đi ngoài ngõ vào, bà ta phải ra đon đả, cười cười, nói nói: “Kìa ông đã sang. Mời ông vào chơi...” Rồi mụ xuýt xoa như khấn: “Năm nay hàng họ ế ẩm lắm. Nhờ ông về nói với cụ Bá thư thư cho nhà cháu đến sang Giêng ngày rộng tháng dài. Thôi gọi là...” Lão cúi cái đầu gáo dừa xuống nhìn hai hào bạc trắng nằm trong lòng bàn tay bà hương. Lão gión lấy, đút vào hầu bao, buộc thắt nút lại.
Sang năm, ngày rộng tháng dài, con nợ có trả được hay chưa, lão không cần biết.
o O o
Đến lúc lái Khế bừng thức dậy, mặt trời đã xế.
Ánh nắng nhạt luồn khe vách thủng, đọng từng miếng nhỏ lỗ chỗ trên nền đất tối. Lão vươn vai mấy cái. Cùng với tay giơ lên, miệng lão kêu “Ối giời ơi!” rầm rĩ. Cái thói của lái Khế bao giờ cũng vậy, vừa vươn vai vừa gọi giời.
Lão ngơ ngác ngó quanh nhà. Lão biết vợ chồng hương Cay chưa về. Lão ngồi ngẩn, đôi mắt liu diu, bộ suy nghĩ ráo riết.
Lão nhớ rằng nhà này vốn không phải là nhà trây lười với khách nợ. Đã từng đi đòi nợ cho chủ hàng trăm cửa, lão thuộc từ con chó đá đầu thôn đầu ngõ, đến cái bát ăn trong nhà. Bởi vì nhà nào gàn bướng keo cú, lão “đóng đô” cho mấy ngày liền. Tới khi phải lễ sống mà dâng bạc, lão mới chịu đi. Ừ, đã đành là nhà này không thể làm gì có tiền trả nợ cụ Bá. Nhưng năm nào chẳng thế, lão vừa tới cửa, không để nói lôi thôi, mụ vợ vẫn đưa biếu lão ít nhất cũng là hai hào. Khổ chủ đây không phải là một thứ khổ chủ quen lẩn khách nợ.
Nhưng năm nay, hẳn hoi là vợ chồng hương Cay định trốn lão nặc nô này. Họ lẩn đi đâu từ sáng sớm. Đi chợ? Đi chợ tất cũng phải có lúc về. Đi xa? Ba mươi Tết là hôm nay, ai còn đi khỏi nhà. Vậy thì vợ chồng nhà nó đi đâu? Mặt trời còn bóng. Rồi mặt trời nghiêng ra phía trước cửa. Nhà vẫn vắng tanh. Cả cái xóm lẻ ấy cũng vắng tanh vắng ngắt. Ngoài bờ ao, có tiếng đàn bà nói léo xéo và tiếng cọ lá dong sàn sạt. Xa xa, những hơi thở vang động của ngày phiên chợ miên man tới, mơ hồ như có như không.
Lái Khế đứng trên phản. Hai chiếc mễ già nua rên rỉ, cút kít dưới tấm ghế. Tấm ghế mọt lắc lư, chao đi chao lại như chiếc thuyền thúng.
Tự nhiên, lão vén quần đái một bãi ra giữa nhà.
Thế rồi buổi chiều bắt đầu ngả xuống. Chiều hôm nay rét mướt căm căm, nhưng thiếu gió bấc. Sương hôm đã lấp lên. Tiếng nói cười của những người đàn bà vo gạo nếp và cọ lá dong muộn ngoài bờ ao cũng không còn nữa. Nhưng thay vào đấy, văng vẳng tiếng cãi nhau đòi nợ. Và đây đó những tràng pháo nhỏ cúng Tất niên lạch tạch vẳng lên. Cái thanh vắng của một chiều hăm chín bắt làm ba mươi đó, nứt vỡ ra.
Lão không thể kiên tâm đợi thêm được. Ra vợ chồng nhà thằng này chí tình trốn khách nợ. Lái Khế, phải giở thủ đoạn của mình để thị uy với những quân ôn vật này. Lão đứng phắt dậy. Tấm phản đổ sập xuống như một cái bẫy chuột. Cả chiếc án thư cụt chân cũng giật mình nghiêng ngả chuyển răng rắc.
Chợt lão trông thấy ngoài sân, thấy ngồi sau bụi ké, một con chó vàng. Con chó gầy hốc hác, vêu bốn chiếc xương hông. Ngắm con chó thảm hại, lão lẩm bẩm:
- Con chó nhà nó cũng đói sùi bọt mép ra thế kia, mình còn hòng ăn cóc gì. Thôi, xéo.
Chiều đã muộn. Lão lái còn phải về trình cụ Bá, rồi mới được về nhà ăn Tết.
Lái Khế cố để ý một lần nữa xem có món gì khả dĩ có thể xách về được chăng. Cái phản mọt, cái án thư gãy một chân. Giường thờ, lơ láo một chiếc bát hương nhỏ. Trên vách một ống tre buộc lủng lẳng. Dáng là cái ống đựng quyển sổ biên ngày kỵ ông vải. Không có một nén hương, một mẩu nến, một trăm vàng. Một mảnh tranh gà cho trẻ con chơi cũng không nốt. Tết, Tết chẳng gợn một bóng vía ở nơi lạnh lẽo này. Nhưng lão nghĩ ra rồi. Lão xách chiếc bát hương xuống, đổ cát đi. Lão lấy chiếc ống đựng sổ. Rồi một tay cầm chiếc hèo hoa, kèm ống sổ, nách bên kia cắp cái bát hương, lão đi ra ngõ.
Tới đầu ngõ, lái Khế ghé bờ rào hàng xóm gọi với:
- Bác ấy ơi, bác ra cho tôi nhờ.
Một cái đầu đàn bà lấp ló.
- Nhà bác hương Cay đi đâu thế bác?
- Chắc ông ấy đi chợ.
- Gớm hai vợ chồng cùng đi chợ mất mặt từ sáng.
Người đàn bà nhăn nhó, cười, pha trò nhạt:
- Bà ấy xuống âm ti tháng trước rồi, chỉ còn ông ấy một mình thôi...
Không khỏi ngạc nhiên, nhưng đứng tần ngần một tí, rồi lái Khế nói:
- À nhờ bác, lúc nào hương Cay về, bác bảo sang nhà lái Khế chuộc bát hương, bài vị nhé. Mai mồng Một năm mới, không có nó thì ông vải không về được đâu.
Rồi lão rảo bước ra đường.
Bỗng khoặc một tiếng dưới chân. Vội ngoảnh lại: con chó vàng khặc khừ ban nãy chạy theo, độp trộm lão một đợp vào bắp chân. Lông nó xù dựng lên, gớm chết. Bọt mép phòi ròng ròng. Và hai mắt nó đỏ ngầu tựa hai miếng tiết bò.
Lái Khế thở xì một tiếng, giơ thẳng cái hèo hoa, phết vun vút xuống đầu con chó. Con chó chồm lên, ngoạm miếng nữa vào tay lão, rồi, nhanh như biến, cúp đuôi xuống, lưỡi đỏ thè lè, hục hặc chạy đi mất.
Lái Khế cau có chửi con chó cắn trộm mấy câu. Lão cúi xuống xem vết chó cắn. Tay chỉ hơi sờn da, còn chân thì may, nhờ cái quần nâu dày, bắp chân lão chỉ bị ngoạm một mảnh nhỏ. Máu chảy rơm rớm. Trời lạnh, lão hơi xon xót. Nhưng chẳng hề chi, lái Khế vốn lành da.
o O o
Sẩm tối, ông hương Cay dò về nhà.
Trên lưng, ông cõng thằng Ớt. Từ độ mẹ chết, thằng bé quấy quá. Thực ra, lúc chiều đã có lần ông hương ló đầu về. Nhưng nghe tiếng lái Khế còn ho khoạc khoạc trong nhà, ông lại ù té chạy. Không có xu nào biếu nó, ông không dám về. Ông sợ nó đánh.
Bước chân vào nhà, ông đánh hơi thấy mùi hăng hăng. Ông bèn sang bên hàng xóm xin ít lửa và nhân tiện lấy cái đèn. Sáng sớm, lúc đi trốn khách nợ, có cái đèn, cái vò gạo và cái điếu ăn thuốc ông đã đem gửi bên này. Những việc hằng năm vẫn gửi ấy, đã thành kinh nghiệm và thói quen. Hàng xóm kể lại cho ông nghe những điều lái Khế nói lúc nãy. Ông hương nức lên mấy tiếng, hai tròng mắt đỏ hoe nước mắt.
Ông lật đật đi về, rồi ông lại sang.
- Nó đái ỉa cả ra nhà tôi đấy, lấy bát hương bài vị nhà tôi, lại dắt mất cả con chó vàng ốm của tôi đi rồi.
- Hoài của.
Nhưng người vợ nói:
- Bấy giờ tôi không thấy nó lôi chó mà!
Anh chồng bảo:
- Chẳng nó thì ai vào đấy!
Ông hương Cay thở dài:
- Thế là bố con tôi mất cái thịt Tết.
o O o
Hôm mùng bảy hạ nêu, lái Khế uống một bữa rượu say. Lão quát con, chửi vợ rầm. Rồi lão gục xuống chiếu, ngủ ngáy khò khò...
Ngủ được một giấc ngắn, lão tỉnh dậy ngay. Quái, sao đầu nặng như mới đeo thêm cái cối xay. Khéo mình bị men rượu bốc lên đầu. Chống khuỷu tay, đứng dậy. Khuỷu tay lão quỵ gập xuống, lái Khế lăn ngay ra. Một cơn sốt kéo đến hun đốt ruột gan, da thịt lão. Sốt đến nỗi lão phải rên hu hú, và tuy trời lạnh buốt, mồ hôi trán cứ vã ra.
Vợ lão lấy gừng và rượu đánh gió cho lão. Nhưng mụ vừa mó tay vào chân, lão đã giẫy nẩy, đẩy ra. Da lão sởn vẩy ốc lên. Lão sợ ai đụng vào người, sợ cả gió, cả cánh cửa mở.
- Đóng hết cửa lại cho tao. Đóng lại. Gió lùa vào thì ông chết tươi ngay bây giờ đây này.
Dần dần, càng sốt già. Lão sốt cuồng. Lão sốt, múa cả hai chân, hai tay lên. Vợ lão khiếp quá, cứ chạy quanh quẩn từ trong nhà ra ngoài sân, lại từ ngoài sân vào trong nhà. Mụ rụt rè không dám chạy đi gọi ai. Năm mới chưa động thổ, bà con anh em nào dám đến thăm người bệnh.
Bấy giờ cái mặt lão lái Khế đỏ xuống tận quanh cổ. Hai tay lão cũng đỏ tía. Mắt lão trợn ngược lên, đục ngầu, thắm đòng đọc. Sốt lâu quá. Lão cứ phải luôn há miệng. Cái lưỡi thè ra thê lễ. Lão lái Khế có cái dáng của con chó vàng ốm của nhà ông hương Cay hôm nọ. Đúng là giống một con chó dại.
Đến chiều, nóng ruột không thể đừng được, mụ lái phải ra kể bệnh chồng cho ông lang trên đầu chợ nghe.
- Hỏng! Hỏng! Hỏng!
Rồi tiếp:
- Lão nhà bị chó cắn. Mau mau về xem có phải bị chó cắn không?
Lúc mụ về đến nhà thì lão lái Khế đã không còn là lão lái Khế. Lão mê rồi. Quần áo, lão xé toang, không còn dính một mảnh vào người. Lão không biết rét. Mụ vợ đi vào, lão chồm ngay lên. Mụ chạy tụt ra. Vồ trượt vợ, lão ngã lăn như một quả dừa rụng.
Hôm sau, lái Khế chết. Lão chết điên, cứ móc hai bàn tay vào họng. Vợ con đứng ngoài cửa nhòm vào. Tịnh không có một người tới thăm. Cụ Bá Khoản nghe tin lái Khế chết, cho tiền mua cái áo quan gỗ tạp.
Đám ma lái Khế, bốn người khiêng cái hòm ra bãi tha ma sau làng. Theo sau quan tài, vợ lão khóc ti tỉ. Thằng con lếch thếch đi bên cạnh mẹ. Bố nó cao lớn thế mà nó gầy đét như chiếc tăm.
Sài Goòng, mùa mưa 1942