Số lần đọc/download: 816 / 4
Cập nhật: 2015-12-15 07:55:17 +0700
Chương 7
S
áng hôm sau, một buổi sáng không có nắng tạo cho lâu đài vẻ ngột ngạt khó thở. Ai nấy đều ít nói khi ngồi vào bàn ăn bữa điểm tâm. Chủ nhân lên tiếng:
- Ông Vinh, đêm qua tôi quên chưa giới thiệu những người trong lâu đài này.
Và chủ nhân bèn giới thiệu mọi người, riêng đến nhà thám tử, ông ta nhấn mạnh:
- Đó là Vũ Thành, một người bạn vong niên rất tâm đầu ý hợp của tôi.
Bạn vong niên! Ba chữ ấy mang thật nhiều ý nghĩa: chúng biểu lộ cảm tình sâu đậm của chủ nhân dành cho Vũ Thành vì không muốn cho ông Vinh biết rõ nguyên nhân tại sao có sự hiện diện của nhà thám tử. Mọi người cầm đũa, bất đầu ăn uống vui vẻ, một sự vui vẻ giả tạo bên ngoài che đậy những đợt sóng ngầm ghê gớm bên trong. Chủ nhân hướng câu chuyện về các món ăn, vấn đề khí hậu thời tiết… để khỏa lấy sự căng thẳng đang diễn ra. Nhưng dù cố gắng đến đâu, ai tinh ý vẫn còn nhận thấy những nét vụng về giả tạo ở chủ nhân vì ông ta là bác sĩ thần kinh chứ không phải… kịch sĩ chuyên nghiệp.
Riêng phần Vũ Thành, chàng kín đáo quan sát thật kỹ ông Vinh, mong tìm được điểm sơ hở. “Ông ta quá bình tĩnh và đóng kịch rất khéo”, Vũ Thành nghĩ như vậy vì luôn luôn mang ý nghĩ không tốt về ông Vinh. Mãi đến cuối bữa ăn, nhà thám tử mới bắt gặp một cái nhìn trộm của ông ta, cái nhìn với ánh mắt sắc lạnh như chứa sự đe dọa ngấm ngầm bên trong.
- À, cậu Thành này, trước khi anh Hòa chết có lưu lại giấy tờ hay dấu vết gì không?
Đây là lần đầu tiên nhà thám tử nghe ông Vinh nhắc tới vụ án. Chàng chậm rãi đáp:
- Không, ông Hòa chết rất đột ngột vì ám sát mà làm sao trối trăng gì được.
- Thật đáng tội nghiệp! Tôi không ngờ anh Hòa…
Đến đây ông Vinh chợt bỏ lửng vì nhận ra sắc mặt chủ nhân đang tái đi, có lẽ ông giận dữ khi nhớ lại cái chết của người em. Vũ Thành vội lảng sang vấn đề khác:
- Từ đêm qua tới giờ, ông thấy tòa lâu đài này tốt chứ?
- Tôi rất hài lòng vì đời sống ở đây thoải mái yên tĩnh, tôi định tăng giá mua lên khoảng 30 triệu.
Chủ nhân gật đầu, đáp:
- Tốt lắm. Vài ngày nữa ông sẽ được trả lời dứt khoát.
Sau đó, chủ nhân bỏ lên phòng. Ông Vinh nhìn theo mỉm cười, một nụ cười bí mật, nhưng tắt ngay khi bắt gặp ánh mắt của Vũ Thành. Chàng trai đang nhìn ông ta với cặp mắt khó hiểu, nghi ngờ. Tuy nhiên sau đấy, nhà thám tử hỏi bằng giọng thân mật:
- Ông quen ông Hòa lâu chưa? Có thân lắm không?
- Chúng tôi quen biết nhau từ mấy chục năm nay nhưng cũng cách biệt một thời gian khá lâu và mới gặp lại hồi năm ngoái.
Bà Hòa xen vào;
- Thế ông quen với chồng tôi trong dịp nào? Từ trước đến nay, chồng tôi vẫn ít bạn bè.
Ông Vinh chợt có vẻ bối rối. Ông cau mày như để nhớ lại dĩ vãng xa xưa rồi đáp ngập ngừng:
- Dường như hồi ấy, chúng tôi học chung với nhau trong năm thi tú tài hai.
Giọng bà Hòa lạnh như tiền:
- Ông nói sai sự thật. Chồng tôi sau khi đỗ tú tài một đã bỏ học vĩnh viễn thì sao còn có chuyện tú tài hai.
Ông Vinh ngẩn người, biết mình lỡ lời nên vội vã chữa:
- Nếu thế có lẽ tôi nhầm. Chuyện ấy cách đây hai mươi năm, xa xưa quá và cũng… không quan trọng.
Rồi nhìn quanh, thấy mọi người có vẻ không tin, ông ta nói tiếp:
- Nếu mọi người nghi ngờ sự liên hệ giữa tôi với anh Hòa thì tôi xin chứng minh: ở bàn tay trái, anh Hòa có mang một cái nhẫn nạm kim cương rất quý giá. Trên cái nhẫn có khắc hai chữ T.
Vũ Thành nhìn bà Hòa như để hỏi ý kiến vì bàn tay trái của ông Hòa đã bị chặt đứt trong vụ án mạng thì làm sao kiểm chứng đượ? Bà Hòa gật đầu, đáp:
- Ông nói rất đúng, đáng tiếc là chiếc nhẫn đã biến mất theo bàn tay.
Ông Vinh chưa kịp trả lời thì nhà thám tử chợt nhảy xổ tới, nắm bàn tay ông ta giơ lên cao. Mọi người chưa hiểu lý do thì Vũ Thành nói:
- Tại sao chiếc nhẫn ông Hòa lại ở đây?
Quả thật, ở ngón áp út của ông Vinh có mang một chiếc nhẫn kim cương hệt như lời ông ta mới tả. Bà Hòa bước lại gần xem cho kỹ trong khi ông Vinh toan rụt tay về nhưng bị nhà thám tử giữ chặt. Bàn tay chàng trai lúc này cứng rắn như một gọng kìm sắt…
- Cậu bỏ ra đi. Hãy từ từ để nghe tôi giải thích. Nguyên nhân là anh Hòa có hai chiếc nhẫn giống nhau, tặng cho tôi một chiếc làm kỷ niệm. Chuyện chỉ có vậy thôi.
Vũ Thành nghe có vẻ hợp lý liền buông tay ra dù chưa hoàn toàn tin tưởng vào lời giải thích. Nhà thám tử nói:
- Xin lỗi ông về sự hiểu lầm vừa rồi. Tôi nóng nảy quá.
Ông Vinh không nói gì, xoa cổ tay còn hằn vết ngón tay với vẻ bực tức. Sau cùng, ông bỏ ra vườn với dáng điệu khó chịu, chán nản. Giữa lúc ấy:
- Chú Thành, chú theo cháu ra vườn một chút nghe.
Tiếng thằng Khang nổi lên, hôm nay nghe rất lạ lùng. Nhà thám tử đang mải suy nghĩ về chiếc nhẫn, giật mình quay lại:
- Thôi, cháu ra một mình đi, chú đang bận.
- Không được. Cháu cho chú xem cái này hay lắm.
Vũ Thành nhớ ra thằng bé điên này muốn gì là đòi cho bằng được mới nghe nên sau cùng phải chiều ý nó.
Thằng Khang dẫn chàng ra phía sau nhà, vượt qua các lùm cây um tùm một đoạn khá xa mới dừng lại. Trước mắt Vũ Thành hiện ra một cái hố khá lớn, đúng hơn là cái huyệt để an táng người chết. Nhà thám tử đứng yên một lúc lâu rồi hỏi:
- Cháu phát giác ra cái huyệt đã lâu chưa?
- Mới chiều qua. Nhưng không phải do cháu tìm thấy đâu.
- Vậy nghĩa là sao, chú chưa hiểu?
- Chính tay cháu đào cái huyệt ấy với mục đích rất đặc biệt và lý thú.
Vũ Thành mỉm cười, nhìn thẳng vào mặt thằng bé như muốn tìm hiểu những ý nghĩ sâu kín nhất. Xong, chàng đoán thử với giọng vui vẻ:
- Cháu đào để chôn chú Ba phải không? Cháu chọn được nơi này phong cảnh cũng nên thơ lắm.
- Không!
Thằng Khang đáp với giọng quả quyết. Nó làm ra vẻ bí mật, để nhà thám tử đoán mấy lần nữa rồi mới tiết lộ:
- Cháu đào để chôn chú đấy, chú Thành!
Dầu biết thằng Khang điên nhưng Vũ Thành cũng giật nảy mình. Chàng tưởng mình nghe lầm thì thằng Khang nói tiếp:
- Cháu ghét chú lắm. Chú chết sớm ngày nào là cháu thích ngày ấy.
- Nhưng liệu cháu có giết chú nổi không?
- Được chứ.
Và thằng bé chứng minh ngay lời nói của mình bằng cách rút ra một con dao găm sáng quắc, hầm hầm tiến về phía Vũ Thành. Nhà thám tử lùi dần từng bước, không phải vì sợ thằng Khang mà vì muốn kéo dài thời gian để tìm cách đối phó hữu hiệu nhất. Tiếng thằng Khang vẫn vang vọng bên tai:
- Cháu sẽ chặt bàn tay của chú làm kỷ niệm rồi vùi xác xuống cái hố kia. Nếu không cháu sẽ chết…
- Đừng, Khang. Cháu phải bình tĩnh lại. Chú ở lâu đài này có làm hại ai đâu?
- Nhưng chú điều tra thủ phạm vụ án mạng. Hơn nữa, đêm qua cháu mơ thấy chú Ba hiện về, bảo cháu phải giết chú cho bằng được.
Vũ Thành biết không còn cách gì thuyết phục thằng Khang. Ngay lúc ấy, chàng vừa lùi sát một thân cây thì thằng bé đã nhào tới, đâm thẳng con dao vào bụng chàng. Nhà thám tử nhoài người né được và nhanh như chớp, dùng một đòn nhu đạo khóa chặt tay cầm dao cửa thằng Khang một cách dễ dàng. Sau đó, Vũ Thành đoạt lấy con dao và bỏ tay ra để xem phản ứng của thằng bé. Chàng tưởng nó sẽ nhào tới, đòi giết chàng lần nữa nhưng không ngờ, đột nhiên thằng Khang òa khóc, khóc thật say sưa và thành thật làm nhà thám tử bối rối vô cùng. Vũ Thành cố lấy giọng êm dịu hỏi:
- Chú bẻ tay cháu có đau lắm không? Thôi ra đây chú bảo.
Thằng bé giờ đây ngoan ngoãn thật lạ lùng khác xa thái độ hung hăng mấy phút trước. Nó chạy lại bên Vũ Thành nín khóc rồi nói nhỏ:
- Bây giờ cháu không ghét chú nữa.
Ôi! Thằng bé này đổi ý kiến nhanh chóng quá. Nhưng có lẽ đó là việc đáng mừng. Vũ Thành nói:
- Từ giờ cháu không nên chơi đùa với dao đầu lâu nữa. Những vật đó không thích hợp…
- Không chú trả cháu con dao mau lên!
Nhà thám tử lắc đầu chán nản vì thấy thằng Khang lại nổi cơn điên. Thấy thế, thằng bé tưởng là chàng từ chối nên hét lớn:
- Chú không trả, cháu cũng kiếm một con dao khác.
- Nhưng cháu lấy dao làm gì?
- Giết ông Vinh!
Và tiếp theo câu nói, thằng Khang bỏ chạy vào nhà để mặc cho Vũ Thành gọi với theo. “Thằng bé này dám giết người lắm”. Nhà thám tử nghĩ thế rồi vội vã đuổi theo. Lúc bắt kịp thì chàng thấy nó đang quỳ trước quan tài của ông Hòa, miệng lẩm bẩm nói nhỏ, cặp mắt như nhìn vào một thế giới xa xăm nào khác. Đợi một lát sau vẫn không thấy gì, Vũ Thành hỏi:
- Khang, cháu làm gì đó?
Thằng bé quay lại:
- Chuyện này bí mật, chú đừng nói cho ai biết hết. Cháu đang nói chuyện với chú Ba… À, có phải chú cho rằng người chết không biết nói? Vậy là lầm, chính chú Ba đã nói tên thủ phạm giết chú ấy đêm hôm nọ.
Nhà thám tử không nén được sự tò mò, hỏi:
- Ai vậy?
- Thì ông Vinh, Lê Trọng Vinh. Cháu nghe rõ ràng từng tiếng một như thế. Chú Ba còn bảo chính ông Vinh đã đoạt cái nhẫn kim cương.
Nhìn vẻ mặt điên loạn của thằng Khang, Vũ Thành biết không nên kéo dài câu chuyện theo chiều hướng ấy nữa. Nhưng chàng cũng chưa kịp nói gì thì thằng Khang chợt mở nắp quan tài người chết. Một mùi tanh bốc lên và khuôn mặt tái nhợt của ông Hòa lại hiện ra. Con dao cắm nơi ngực đã được lấy đi nhưng sao bỗng Vũ Thành thấy như mình phải chịu phần nào trách nhiệm trong vụ án mạng. Bất giác, nhà thám tử ngồi xuống bên quan tài, nhìn sững xác chết và những chuyện quá khứ như một cuốn phim quay chậm hiện ra trong trí nhớ Vũ Thành…
Thời gian trôi qua, khoảng mười phút sau, Vũ Thành chợt thấy một điều khác lạ: ở miệng xác chết rỉ ra một dòng máu tươi, dòng máu chạy dài xuống cằm tạo cho khuôn mặt vẻ ma quái, ghê rợn như ác quỷ Dracula khi hút máu người. Chàng tưởng chừng xác chết sắp sống dậy, nhưng không, xác chết vẫn im lìm vì từ xưa nay, có bao giờ người chết sống dậy được đâu? Cũng lúc đó, nhà thám tử thấy thắc mắc về dòng máu vì ông Hòa đã chết từ tối hôm kia. Hay ông ta chết oan hộc máu miệng? Vũ Thành không thể tin trường hợp đó, vì chàng vốn là một con người khoa học, chỉ tin những việc kinh dị khi chính mắt mình nhìn thấy. Vũ Thành lấy tay vạch miệng xác chết và chỉ trong một thoáng ngắn ngủi là hiểu ngay nguyên nhân: bốn chiếc răng cửa gẫy!
- Cậu Thành, việc gì xảy ra thế?
Nhà thám tử quay người lại và thấy ngay chủ nhân đang đứng sau lưng. Chàng bình tĩnh, giơ bàn tay vấy máu của mình lên đáp:
- Tôi vừa phát giác rằng trước khi nạn nhân bị giết chết, có một trân xô xát đã xảy ra.
- Cậu căn cứ vào đâu?
Vũ Thành vạch miệng ông Hòa cho chủ nhân thấy bốn cái răng gẫy rồi kết luận:
- Đó là bằng chứng hùng hồn và đầy đủ chứng minh lời nói lúc nãy. Ông đồng ý chứ?
Và lần này thì giả thuyết của Vũ Thành là sự thật. Ngoài mấy chiếc răng gãy, trên ống quần ông Hòa còn bị rách một đường dài và lấm tấm vết bột trắng. Đó chỉ là bột mì thông thường nhưng trường hợp này thì lại giúp ích thật nhiều cho công cuộc điều tra. Nhà thám tử hỏi:
- Trong lâu đài, bột mì được cất ở đâu?
- Ở trong một nhà kho rất rộng gần bếp. Cậu nghĩ rằng cuộc xô xát đã xảy ra gần đó sao?
- Phải. Tôi chưa đến đó bao giờ nên không rõ tại sao ông Hòa lại xuống nhà kho để xô xát tại đấy. Tuy nhiên, những chi tiết tìm thấy hôm nay còn mang nhiều ý nghĩa khác nữa. Tôi có thể loại bỏ một vài người từ trước đến nay vẫn bị nghi ngờ mà thực sự vô can.
- Cậu muốn ám chỉ ai?
- Bà Hòa.
Câu trả lời của nhà thám tử làm chủ nhân hơi kinh ngạc. Ông ta nói:
- Từ hôm xảy ra án mạng, tôi yên chí chính bà ta giết em tôi để đoạt số tiền bảo hiểm năm triệu vì bà ấy rất tham tiền và sống với em tôi cũng không mấy hạnh phúc. Vài ngày trước, họ có cãi nhau một trận kịch liệt về vấn đề tiền bạc.
Vũ Thành mỉm cười:
- Nhưng bà Hòa không thể là thủ phạm vì cuộc xô xát xảy ra, nạn nhân bị gẫy bốn cái răng tỏ rõ thủ phạm có một sức mạnh ghê gớm và như vậy có lẽ kẻ sát nhân là đàn ông.
Chủ nhân gật đầu đồng ý nhưng cả hai quên rằng nếu bà Hòa là kẻ chủ mưu thì sao? Bà ta có thể toa rập với một người khác để giết chồng và lúc đó lý luận của Vũ Thành sẽ hoàn toàn sai. Thêm một điều nữa là cuộc đối thoại của hai người cũng đã bị theo dõi, không bỏ sót tiếng nào…