This nice and subtle happiness of reading, this joy not chilled by age, this polite and unpunished vice, this selfish, serene life-long intoxication.

Logan Pearsall Smith

 
 
 
 
 
Tác giả: Trần Đan Yến
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Thượng Hải Đích Hồng Nhan Di Sự
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 3
Cập nhật: 2020-10-20 22:08:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
Ngày 7 tháng 12 năm 1972, cuối cùng thì các sinh viên tốt nghiệp của Học viện Âm nhạc Thượng Hải cũng được phân công công tác, nhà trường yêu cầu họ phải đến Bệnh viện trung tâm khu phố Từ Hối để khám sức khỏe. Trọng Uyển tới chậm, lúc cô vào cổng bệnh viện thì gặp Diêu Diêu đi ra, vẻ mặt buồn rầu, hai người chẳng chào hỏi gì cả, mãi sau mới biết chuyện là các bác sĩ vừa khám thấy Diêu Diêu đã có mang hơn bảy tháng.
- Tôi vội vàng đuổi theo Diêu Diêu thì cô ta đã đi xa. - Trọng Uyển thuật lại - Về tới trường tôi liền báo cáo ngay với đội tuyên truyền công nhân, lưu ý họ xem chừng Diêu Diêu, kẻo nghĩ quẩn, làm liều, sinh chuyện. Người của đội tuyên truyền bảo tôi đi tìm Diêu Diêu, tôi hỏi Hạ Lộ - bố dượng của Diêu Diêu, ông này rất lạnh nhạt trả lời, cô ấy đi đâu tôi cũng chẳng rõ. Trưa hôm sau Diêu Diêu điện thoại nhờ nhà trường báo cho tôi là cô ta đã rời khỏi Thượng Hải, đừng tìm nữa. Nhưng bẵng đi mấy tuần chúng tôi thấy có hai người áp giải Diêu Diêu trả về cho nhà trường, cô ta mặc áo bông rộng và trông rõ bụng đã rất to, Diêu Diêu cúi gằm mặt xuống, chẳng thèm nhìn ai. Sự việc của Diêu Diêu nhanh chóng loan rộng cả trường, hóa ra thời gian vừa qua cô đã cùng người bạn trai của mình tìm cách vượt biên trốn ra nước ngoài, thế là vấn đề không còn trong phạm vi sinh hoạt, luyến ái nam nữ mà đã liên can đến chính trị và nói theo ngôn ngữ lúc bấy giờ, bọn họ nay trở thành phần tử chống phá cách mạng.
Ngày thứ hai ngay sau khi khám sức khỏe Diêu Diêu và Khải Khải trốn đi Quảng Châu, họ định bụng nhờ xe đưa đến Thâm Quyến mà thời ấy còn là một làng chài tiêu điều, hiu quạnh, trên con sông ranh giới với Hồng Kông người ta chăng lưới dây thép rất cao. Từ Thâm Quyến họ sẽ bơi qua dòng sông này là tới Hồng Kông, nghĩa là tới được Mỹ, thỏa lòng mong ước đoàn tụ cùng cha, cùng mẹ. Nhưng tại nhà ga xe lửa, Diêu Diêu và Khải Khải mới hiểu ra rằng, muốn đi Thâm Quyến phải có giấy giới thiệu đặc biệt, hai người đành dừng chân ở lại Quảng Châu tìm cách đối phó. Họ tha thẩn dẫn nhau ra cảng sông Hoàng Phố, thấy cơ man là tàu ngoại quốc neo đậu, họ đến bến xe ô tô thì rõ ràng không có tuyến nào đi Thâm Quyến cả, họ về khách sạn và được biết là rất nhiều Hoa kiều hồi hương thăm viếng thân nhân, càng khiến họ nóng lòng muốn gặp cha, gặp mẹ. Rồi một hôm ngồi trên dốc cao nhìn đoàn tàu chở toàn heo xuất khẩu chạy về hướng Hồng Kông, Khải Khải bỗng nẩy ra ý định “trà trộn với đàn heo”. Diêu Diêu và Khải Khải mỗi người giữ một bản địa chỉ sẽ liên lạc sau khi gặp nhau ở Hồng Kông, và Khải Khải quyết định đi tìm tàu hàng. “Đêm ấy chúng tôi chia tay nhau ở bến xe buýt, hẹn sáng mai sẽ gặp lại tại khách sạn, Khải lên xe, tôi lủi thủi về ngủ một mình”, Diêu Diêu đã viết như vậy trong tờ khai báo.
Sáng hôm sau, rồi sáng hôm sau nữa, Khải Khải vẫn không về, tiền lưng đã cạn, Diêu Diêu đành điện báo sang Hồng Kông hỏi tung tích Khải, nhưng vô hiệu, không ai hồi đáp, cô báo công an tìm người, và cũng chẳng có kết quả gì hơn, cuối cùng chỉ còn cách cầu cứu Thượng Hải, gia đình xuất tiền, đội tuyên truyền công nhân nhà trường cử người đi áp giải. Về đến Thượng Hải Diêu Diêu mới biết, ngày 29 tháng 12 năm 1972, Khải Khải 18 tuổi đã bị công an tóm gọn trên đường trốn ra nước ngoài, cô than với Trọng Uyển rằng: “Do mình hết, vì mình mà Khải Khải liên can, đắc tội, khổ thân cho Khải Khải...” Người ta giam Diêu Diêu tại Nhạc viện, như vậy là nhẹ, đáng ra phải ngồi tù tới mọt gông, ngày 4 tháng 1 năm 1973, cô hoàn thành bản khai báo và 13 hôm sau thì sinh hạ đứa con trai đầu lòng, giọt máu của Khải Khải.
Bà đỡ cho Diêu Diêu sinh con ngày 17 tháng 1 năm 1973 vẫn còn sống, cụ kể rằng “cô ta chẳng quằn quại kêu đau mà rất bình tĩnh thực hiện các động tác do tôi hướng dẫn”. Lúc hỏi chuyện tung tích của thằng bé thì cụ cự tuyệt và bảo rằng “đời tư người ta tôi không có quyền tiết lộ với nhà văn”, khi nghe Đăng Đăng giải thích anh là cậu ruột, nay vì chị mình mà tìm cách giúp đỡ cháu trai, cụ vẫn lắc đầu “thiên hạ cứ thích hiếu kỳ, vẽ chuyện, không khéo lại rách việc, hại người”.
- Diêu Diêu quyết định không nuôi con, cô cho vợ chồng người bác sĩ nọ đứa bé đã mang nặng đẻ đau, họ gửi lại cô hai trăm nhân dân tệ để gọi là bồi bổ sức khỏe. - Cụ già chỉ kể với chúng tôi ngần ấy, còn vợ chồng nuôi dưỡng đứa bé là ai thì cụ không biết, cũng có thể là không muốn nói ra.
Diêu Diêu chỉ còn lại hai người thân, ông Diêu Khắc - cha đẻ - đang ở tận bên Mỹ, biết lúc nào mới đoàn tụ gặp nhau, em trai cùng mẹ khác cha là Đăng Đăng thì chưa trưởng thành, tuổi tuy nhỏ nhưng sớm chịu nhiều ngang trái, chị thực sự bơ vơ giữa cuộc đời sóng gió. Phần nhà trường vốn đã có kế hoạch phân công Diêu Diêu về đội hợp xướng đoàn ca nhạc Thượng Hải, nhưng vì hai trọng tội, chửa hoang và âm mưu vượt biên trốn ra nước ngoài nên họ thay đổi quyết định, tống chị đi nông thôn làm công nhân nông nghiệp cho nông trường Hoàng Sơn. Diêu Diêu không chấp nhận, một mực cương quyết đòi ở lại Thượng Hải, chị bỏ tất cả đồ dùng cần thiết vào một cái túi, hễ ông Hạ Lộ mà về là chị lại xách túi lang thang. Lúc này Trọng Uyển sắp lên đường nhận công tác ở Cát Lâm - vùng Đông Bắc xa xôi và giá rét, còn Trương Tiểu Tiểu thì chỉ được sáu mét vuông nhà ở, đành đắp điếm giúp Diêu Diêu độ nhật qua ngày. Giữa bước đường cùng như vậy may sao Diêu Diêu gặp được dì Thương.
- Thưa dì, ngày ấy cháu và má cháu đến doanh trại của dì xem các dì, các chú dàn dựng vở “Bạch mao nữ”, má cháu nói phải học tập giải phóng quân diễn kịch cách mạng.
- Thế cháu đây là Diêu Diêu, con gái bà Thượng Quan Vân Châu đó ư? - Dì Thương sung sướng kêu lên và lấy làm ngạc nhiên - ngày ấy cháu còn nhỏ thế này này, trên đầu cài cái nơ con bướm, bây giờ đã lớn tướng, lại đẹp như hoa hậu, chả trách mà dì chóng già, nay thành bà lão.
Nữ cựu chiến binh tên là Thương kể cho tôi nghe câu chuyện tình cờ gặp được Diêu Diêu sau bao nhiêu năm xa cách, bà nói, thoạt đầu không ai biết Diêu Diêu đang đau khổ thế nào, cô ta nói chuyện rất có duyên và nhất là vui vẻ nhận lời khi mọi người yêu cầu hát, Diêu Diêu hát một cách hồn nhiên, nhưng tôi cứ thấy nghẹn nghẹn thế nào, mãi sau hàn huyên qua lại mới thấu tỏ ngọn nguồn, tôi thở dài não nuột, thương cho bà Thượng Quan Vân Châu chết sao mà thảm khốc thế, bà là người quen của chúng tôi và từ đó tôi tự nguyện nhận lãnh trách nhiệm cưu mang Diêu Diêu.
Hồi Đại cách mạng văn hóa gia đình chúng tôi cũng bị chỉ trích và chụp cho cái mũ “phái đi theo chủ nghĩa tư bản”, thật là trớ trêu quá, đã đi lính, đã làm quân nhân chuyên nghiệp, đã từng sĩ tốt cho Đảng mà nay lại còn phái này phe nọ, thôi đành “ngậm miệng ăn tiền”, dẫu sao đó cũng là một đợt giáo dục, cảnh tỉnh. Tất nhiên trong quân ngũ, nếu người đàn bà nào phạm sai lầm về sinh hoạt nam nữ thì cả đời cũng không cất đầu lên nổi. Tôi còn nhớ ở đơn vị chúng tôi có một cô gái như thế, mọi người thi nhau chửi bới, cô gái chẳng còn mặt mũi nào nữa mà nhìn thiên hạ. Song đến thời Đại cách mạng văn hóa mới giác ngộ ra rằng mình hành động như vậy là quá ư tàn nhẫn, do đó lúc bấy giờ tôi hoàn toàn thông cảm với Diêu Diêu, tự xem mình như mẹ của cô ta vậy.
Giờ đây nhắc lại chuyện cũ, hình ảnh Diêu Diêu lại hiện lên trước mắt tôi và văng vẳng đâu đây giọng nói của cô thủ thỉ mỗi tối trước khi chợp mắt “Dì Thương ơi dì Thương”. Diêu Diêu ăn ở với tôi đúng ba năm và theo hướng dẫn của tôi, ngày ngày có mặt tại Nhạc viện để thách giá, trả giá về vấn đề phân công công tác, kiên trì nguyên tắc “đông này xuân sau”, nghĩa là mùa hè mà chưa toại nguyện thì đợi đến mùa đông, mùa đông vẫn không xong, chớ nản lòng, hãy chờ mùa xuân tới. Quả nhiên nhà trường xuống thang dần, từ nông trường Hoàng Sơn đổi thành tỉnh Hồ Nam, nhưng Diêu Diêu vẫn không chịu, cứ đòi ở Thượng Hải với lý do độc thân, mồ côi, cuối cùng đành đưa về Hàng Châu - Đoàn ca múa tỉnh Triết Giang, đến đây thì Diêu Diêu phải ngã giá, chấp nhận, nếu căng quá là dễ đứt luôn. Tôi thở phào nhẹ nhõm, có công việc làm ăn, Diêu Diêu sẽ ổn định dần, rồi mới bàn tới chuyện thành lập gia đình, giúp cô sống cuộc sống bình an. Một tin vui nữa đến với Diêu Diêu là từ Mỹ, ông Diêu Khắc gửi thư về căn dặn cô hãy chờ đợi, ắt có ngày cha con đoàn tụ gặp nhau. Ông đưa ra ba địa điểm Trung Quốc, Mỹ hoặc Hồng Kông, nhưng vì Mao Trạch Đông thù oán ông, nếu dẫn xác hồi hương thì dứt khoát bị diệt vì vậy ông thiên về hai chỗ, Mỹ hoặc Hồng Kông. Diêu Diêu lóe lên niềm tin được qua Mỹ gặp cha, chịu khó học hành, làm lụng, đợi đủ tiền, sẽ về lại Trung Quốc tìm con.
Nhưng ngày 23 tháng 9 năm 1975, Thượng Hải vào thu, trời mưa phùn, thì sự cố xảy ra - Diêu Diêu bị xe ôtô cán chết, vé tàu hỏa Thượng Hải - Hàng Châu sáng 24 tháng 9 năm 1975 trở thành vô hiệu, sinh viên khoa thanh nhạc Học viện Âm nhạc Thượng Hải với tên họ chính danh Vi Diệu mãi mãi không bao giờ về Đoàn ca múa Triết Giang nhận công tác nữa. Và thật là kỳ lạ, chiếc xe đạp cô đi, cái túi cô mang đều nguyên vẹn, trong đó là tấm thẻ sinh viên và bức ảnh lịch sử chụp chung ba mẹ con bà Thượng Quan Vân Châu, Diêu Diêu và Đăng Đăng, toàn một màu áo sơ mi trắng, đồng phục giản dị và gò bó nhất của dân chúng Trung Quốc thời Đại cách mạng văn hóa những năm 60.
Học viện Âm nhạc Thượng Hải tổ chức “nghi thức cáo biệt” Diêu Diêu, so với truy điệu thấp thua một cấp, người ta viện lý do Diêu Diêu chưa có đóng góp gì cả, vả lại đây là tai nạn rủi ro. Đưa tiễn Diêu Diêu về cõi vĩnh hằng chỉ khoảng 30 người, dì Thương, Đăng Đăng, Trương Tiểu Tiểu và cả Khải Khải vừa mãn hạn ra tù. Trương Tiểu Tiểu một mực nói như đinh đóng cột, mai đi Hàng Châu nhận công tác, hôm nay Diêu Diêu chắc muốn tìm ai đó dặn dò, tâm sự, nhưng trắc trở thế nào nên mới ra nông nỗi, Khải Khải nghe vậy, chột dạ khóc than, về sau bỏ đi mất hút và cho đến bây giờ chẳng rõ tung tích ở đâu.
Năm 1978, bà Thượng Quan Vân Châu được phục hồi danh dự, người ta kết luận “bà bị Lâm Bưu và bè lũ bốn tên Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn bức tử”, hôm lễ truy điệu tìm mãi không ra một tấm hình của ngôi sao điện ảnh này vì cách mạng đã đốt sạch sành sanh.
Năm 1979, Học viện Âm nhạc Thượng Hải tổ chức lễ tưởng niệm những sinh viên và giáo chức hy sinh trong Đại cách mạng văn hóa, nhiều gương mặt quen thân được trùng hiện trên các tấm di ảnh, nhưng không có Diêu Diêu. Cũng năm ấy Đăng Đăng quyết định hai điều, rời Thượng Hải lên Bắc Kinh làm việc, dẫu đây là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng với anh quả đã thấm đầy nươc mắt. Ngoài ra anh còn đổi tên thay họ, từ nay gọi là Vi Nhiên, cũng như chị Vi Diệu (tức Diêu Diêu), anh muốn người đời hiểu anh là em ai, con ai.
Năm 1995, Đăng Đăng trở thành một biên tập viên kỳ cựu, anh quyết định căn cứ ngày sinh (17 tháng 1 năm 1973) lần tìm đứa bé, con trai, cốt nhục của Diêu Diêu, nhưng chưa thành công. Mãi tới gần đây nhờ sự giúp đỡ của “Tân Dân vãn báo” anh đã gặp được cha mẹ nuôi cháu, ông bà đều là những bác sĩ rất thật thà và nhân hậu, họ không muốn khuấy động cuộc sống yên tĩnh hiện thời của nó.
- Chúng tôi giữ kín các tư liệu báo chí có liên quan đến bà Thượng Quan Vân Châu cùng cô con gái, đợi cháu nó già dặn, trưởng thành và sớm muộn gì rồi cũng sẽ nói lên sự thực. - Vợ chồng người bác sĩ hứa với Đăng Đăng như vậy và anh yên tâm, không truy tìm nữa.
Bản thân tôi là người viết nên câu chuyện thương tâm này cũng phân vân, liệu nói rõ với chàng thanh niên đó, mẹ anh như thế này, cha anh như thế kia thì phỏng sẽ giúp đỡ được gì. Nhưng ngược lại có người lập luận, tại sao cứ lừa dối con trẻ mãi, hãy cho nó biết quá khứ, lịch sử một cách chân thực để nó càng nhận thức được hạnh phúc hiện tại đúng đắn chứ sao?
Xin dừng bút tại đây và thắp một nén nhang cho những hương hồn quá cố.
oOo
Hết
Hồng Nhan Thượng Hải Hồng Nhan Thượng Hải - Trần Đan Yến Hồng Nhan Thượng Hải