Số lần đọc/download: 1088 / 11
Cập nhật: 2015-12-15 16:47:30 +0700
Chương 7
E
m là người tỉnh dậy đầu tiên ngơ ngác nhìn đám đông đang tụ tập tại nơi xảy ra tai nạn. Một người đàn ông kêu lên:
- Em nhỏ này đã tỉnh rồi.
Em nghe ê ẩm cả người và nhác trông thấy chiếc xe trắng với dấu hiệu chữ thập đỏ, thì ra người ta đang khiêng em lên băng ca. Em hoảng hồn gọi:
- Me ơi, dì Lan ơi, Hảo ơi.
Rồi em lại thiếp đi. Sau này em mới biết vì tránh con bò nên dì Lan lạc tay lái, cả chiếc bị lật xuống một đám ruộng gần đó.
May mà không ai thiệt mạng, chỉ có dì Lan tương đối bị nặng nhất, hình như dì bị gãy xương chân phải băng bột ít nhất vài tháng nữa mới đi lại được. Me và Hảo bị sai khớp xương tuy không nặng bằng dì Lan nhưng cũng phải nằm nhà thương lớn. Duy chỉ có em xây xát sơ sài mà thôi nên tối hôm đó, em được đưa về với ba.
Chiều nay, ba lái xe đưa em qua mua cam rồi qua nhà thương lớn thăm Me và Hảo. Em nghe lòng mình rộn rã kỳ lạ, ba sắp gặp lại me, lạy Đức Mẹ Đồng Trinh, hãy xui khiến cho hai đôi mắt trót xa lạ đó nối lại được niềm thương yêu vĩnh cửu. Suốt tối hôm qua, ba ngồi bóp dầu những chỗ đau trên người em, ba hôn lên trán em và ba tỏ ra hối tiếc tai nạn vừa xảy ra. Ba chê dì Lan lái xe dở, thấy đàn bò bên vệ đường thì đề phòng ngay, ba hỏi thăm dì Lan có can chi không, Hảo có can chi không? Cả me nữa, không biết me có chịu nổi những cơn đau không? Ba lại nhắc đến những kỷ niệm ngày xưa, hồi ba me mới cưới nhau, me đi xe đạp bị té trặc xương, me khóc, me làm nũng, me bảo ai biểu ba đi làm không chịu ở nhà đưa me sang Ngoại, để me phải đi xe đạp nên bị té. Ba bảo với em:
- Me trông vậy chớ yếu chịu đau lắm.
Đôi mắt ba long lanh, hình ảnh me chắc không bao giờ phai nhòa trong gương mặt đó. Nghe dì Phượng nói ngày xưa ba me thương nhau và lấy nhau hoàn toàn vì tình yêu, em nhớ có một lần cách đây mấy năm, dì Phượng dẫn em đi ciné gặp hai người bạn của dì, một người nựng má em và khen em đẹp thì người kia lên tiếng: “Con của chị Thúy và anh Tân thì không đẹp sao được, những đứa con đúc kết bằng tình yêu bao giờ cũng tuyệt, thiên thai trước mắt thì chắc chắn con sinh ra phải là tiên đồng ngọc nữ! “
Em là ngọc nữ giữa thiên đường đã mất. Không, vẫn có thể cứu vãn được, me vì mặc cảm không dám trở về thì em sẽ rủ ba đến thăm me.
Ba ngần ngừ:
- Không biết me có chịu tiếp ba không?
Em quả quyết:
- Chắc chắn mà ba, ba nên mở đường cho me đi.
Dãy hành lang đưa em và ba đi đến căn phòng cuối cùng. Me đang nằm một mình trên chiếc giường xám trải nệm trắng, đôi mắt me hơi bối rối khi thấy ba bước vào cửa, sau em. Em đặt gói cam lên table de nuit rồi nói nhỏ:
- Me ơi, có ba đến thăm me.
Me im lặng. Ba im lặng. Em kéo chiếc ghế đẩu:
- Ba ngồi đây đi ba.
Me nhìn ba. Ba nhìn me. Một chút êm đềm vương vấn nhẹ không gian, một làn hương mới xua tan bao muộn phiền mệt nhọc. Ba hỏi thật nhỏ:
- Mình thấy trong người ra sao?
Giọng me càng nhỏ hơn:
- Cám ơn mình... em khá rồi.
- Đã có ai qua thăm mình chưa?
- Dạ có Phượng, Dung, Hạnh và cả ông bà Ngoại của Trang nữa.
- Rứa à, vậy mà anh định đem xe qua nhà đón, nhưng con Trang nó thúc quá, nó nóng lòng sang thăm mình.
Me âu yếm nhìn em:
- Tính con bé khi mô cũng nóng nảy.
Đã lâu lắm rồi em mới được thấy lại không khí hòa thuận, đã lâu lắm rồi em mới cảm nhận làn gió hạnh phúc thoang thoảng đâu đây. Em mở cửa đi ra ngoài, ba gọi lại:
- Trang con đi mô?
- Dạ con đi thăm Hảo.
Hảo nằm phòng cạnh đó, nó đang ngồi dựa lưng vào tường nói chuyện với cô y tá. Thấy em, nó reo:
- Trang, phước đức ba đời ghê hí, xe lật mà ai cũng sống nhăn.
Em ngồi xuống cạnh nó:
- Mi bị trật xương hả, đau không Hảo?
Hảo vẫn miệng mồm láu táu:
- Con ni hỏi vô duyên, đau chớ răng không?
Rồi Hảo nâng má em:
- Mi không bị chi là tao mừng rồi. Khi tao tỉnh dậy thấy xung quanh chả có ai, tao hết cả hồn. Tao sợ mi chết quá Trang ơi, ngó mi yếu như con chim non.
Em vui vẻ:
- Rứa mà tao lại may nhất. Chỉ có dì Lan là nặng.
Hảo hỏi:
- Mi ghé thăm dì Lan chưa?
- Chưa nơi. Tao vừa ở phòng me xong tao qua mi liền.
Rồi em ghé tai nói nhỏ:
- Hảo ơi, ba tao có vô thăm me tao nữa nì.
Hảo tròn mắt, reo lên:
- A, nhất định là hòa bình mà, tao nói có sai mô.
Em sung sướng véo vào tay nó:
- Thôi đi mi, lần trước mi đoán sai be sai bét.
Hảo ngưng cười. Nó nhìn thẳng vào mắt em:
- Thấy mi sắp tìm lại được hạnh phúc tao mừng ghê đó Trang. Rồi Hảo cúi đầu:
- Tao nói thiệt với mi đó, chỉ có những người đầy hạnh phúc mới đáng sống thôi, còn tao, tao muốn chết cho xong.
Em đưa tay bịt miệng Hảo:
- Hảo, chi lạ rứa, mi nói chi bậy bạ rứa?
- Mi thấy không, tao chết hay sống có ai quan tâm đến mô, có ai thèm bước chân đến thăm tao mô.
Em biết Hảo đang ám chỉ chú của nó nhưng em cũng làm bộ như không hay:
- Nói hay chưa, có tao tới thăm mi đây nì.
Giọng Hảo buồn buồn:
- Hồi sáng có con Tương Như đến thăm tao nữa.
- Rứa răng mi nói không có ai tới thăm mi?
- Tao nói gia đình chú thím tao a. Thật sự ra thì tao cũng chả muốn nhắn, nhưng ở đây người ta cứ hỏi địa chỉ gia đình hoài nên tao đành cho biết. Thà đừng nhắn, xem như họ vô tình không biết có lẽ tao đỡ tủi hơn.
Em định bảo Hảo: “Sao từ trước đến nay mi làm bộ phớt tỉnh ăng lê khi nhắc đến tình thương ruột thịt?” nhưng thôi, nói ra làm gì khi em biết rõ rằng, đã bao lần Hảo cố dối lòng mình để vừa an ủi nó vừa an ủi em. Những giọt nước mắt lăn dài trên má Hảo trong giây phút cô bé đang sống thật với lòng mình... dù lần đầu tiên trông thấy Hảo khóc nhưng em không ngạc nhiên mấy vì em biết, là người ai cũng phải có trái tim. Một lúc sau em mới nói được:
-Thôi đừng buồn nữa, có tao, có Tương Như đến thăm mi là được rồi. Tao thương mi mà Hảo.
Hảo đưa tay quệt nước mắt:
- Tội nghiệp con Tương Như, nó mua cho tao cả kí pomme và ngồi chơi với tao thật lâu.
- Bữa ni mi đừng ghét nó nữa nghe.
Hảo nắm tay em:
- Tao đã hứa với mi rồi mà.
Sực nhớ đến mấy trái cam mua cho Hảo còn để bên phòng me, em đứng dậy:
- Để tao đi lấy cam cho mi.
Em mở nhẹ cửa phòng me, em thấy ba đang nắm bàn tay me trong khi me ngồi dựa lưng vào gối, gương mặt cúi xuống và đôi vai run run. Có lẽ me đang khóc. Ôi những giọt lệ mừng vui, những giọt lệ cuốn trôi nỗi đau sầu chất ngất ăn năn. Em đứng nơi ngưỡng cửa bất động, em sợ làm vỡ tan giây phút thiêng liêng ngàn đời không tìm thấy lại. Thời gian như ngừng trôi.
° ° °
Dì Lan nằm nhà thương cả tuần lễ có em và dì Phượng lại thăm mà thôi. Thỉnh thoảng, vú Lành làm xúp bới qua cho me rồi luôn tiện đem cho dì và Hảo luôn. Chú của Hảo có ghé thăm nó một lần, cho một số tiền rồi thôi, từ đó chẳng thấy tăm hơi, thiệt em chưa thấy người chú ruột nào lại tệ đến như vậy. Ba dù bận công việc nhưng vẫn chịu khó sang thăm me đều, ông bà Ngoại mừng, các dì của em mừng, vú Lành mừng và chắc chắn em là người mừng nhất.
Noel năm nay me vẫn còn nằm nhà thương, Hảo cũng kẹt ở đó nên em không thực hiện được mộng “Du đêm Giáng Sinh”. Hảo cứ nói với em hoài:
- Uổng ghê, nếu tao không bị xui ri thì tụi mình rủ con Tương Như đi chơi luôn Trang hí.
Nhưng em không lấy thế làm buồn mà vui là đằng khác. Em bàn với Ba nên đem cây thông Noel vào phòng me rồi ăn réveillon ở đó luôn, ba tán thành liền, còn vú Lành thì hứa quay ba con ngỗng thật ngon, để mời ông bà Ngoại, các dì và cô bé Hảo nữa.
Đêm Giáng Sinh mọi người đều vui vẻ chỉ riêng có dì Lan gương mặt phảng phất vẻ buồn. Theo như dì Phượng cho biết, dì Lan đang oán giận ông Thận đã lạnh nhạt, hờ hững với dì khi hay tin dì bị nạn gãy chân. Em liên tưởng đến gương mặt người đàn ông có bộ râu mép đáng ghét và lời của bà ngoại: “cái thứ đó mà tiếc làm chi, còn tiền còn xe thì còn nhân nghĩa, cô Lan bây giờ bị nạn, xe cũng hư rồi thì thôi, còn nhờ chi được nữa”. Cũng theo lời dì Phượng nói, ông Thận đã lợi dụng sự nhẹ dạ của dì Lan để vay tiền làm áp phe, nhưng sự thật y đã đem tiền đó ăn tiêu phung phí, tổ chức tiệc tùng này nọ nên cả gia tài sự nghiệp của dì Lan dần theo đó vơi đi. Dù cho dì không gặp nạn thì ông Thận cũng sẽ tìm cách bỏ dì một ngày rất gần đây. À, em quên điều này, đêm Giáng sinh tổ chức tại phòng me nhưng dì Lan vẫn dự được là vì dì sang phòng me trên chiếc xe lăn tay đấy. Đáng lẽ em cũng mời Tương Như nữa nhưng cô bé vào Đà Nẵng cùng ba má nó mất rồi. Hảo thì đã khá mạnh, nghe bác sĩ nói có lẽ sau tết tây me và Hảo sẽ được xuất viện.
Em trở lại nội trú với nỗi mong ngóng ngày tháng qua mau, để me trở lại căn nhà màu hồng, để em giã từ đời sống gò bó mà với tính phóng túng của em, em chịu hết nổi rồi.
Ăn cơm chiều xong, em rủ Tương Như ra sân chơi, trời không mưa nhưng lạnh, em phải chạy vào phòng lấy áo manteau khoác ngoài. Hai đứa đang nắm tay nhau bước chậm rãi về phía cổng thì chợt có chiếc xích lô rẽ vào. Hảo ngồi trên xe la chí choé:
- Trang, Tương Như! Trang, Tương Như!
Em mừng rỡ, bỏ tay Tương Như chạy lại:
- Ủa, mi về chi mau rứa, nghe bác sĩ nói còn 4 ngày nữa mà.
Hảo đưa gói áo quần trên tay cho em:
- Mới hồi sáng, bác sĩ khám lại và cho về. Me mi cũng về đó Trang ơi.
Tim em đập mạnh:
- Me tao về hả, về khi mô?
Hảo bước xuống xe:
- Về một lần với tao nì.
Em hỏi dồn dập:
- Me tao về mô Hảo? Về nhà ông bà Ngoại hay về nhà ba tao?
Hảo lắc đầu:
- Ai mà biết, tao thấy me mi kêu xích lô nhưng không biết đi ngả mô.
Em nhíu mày phân vân, Tương Như bóp tay em:
- Chắc chắn me mi về nhà ba mi rồi, thắc mắc làm chi cho mệt rứa không biết.
Hảo chen vào giữa hai đứa, nói với em:.
- Sáng mai chủ nhật, chi cũng có xe tới đón mi, mà lần ni thì đặc biệt, bên cạnh ba mi còn có me mi nữa.
Tương Như nựng cằm em:
- Vui chưa Trang?
Hảo pha trò:
- Từ đây, con Trang là “mít ráo”.
Tương Như hỏi:
- “Mít ráo” là răng?
- “Mít ráo” là mít không... ướt, có rứa cũng hỏi, răng mi u mê rứa không biết?
Cả ba đứa cùng phá lên cười, chưa bao giờ cảm thấy yêu đời bằng hôm nay.
° ° °
Nội trú, đêm hạnh phúc...
Me ơi, con biết thế nào sáng mai ba cũng đưa me sang trường đón con, nhưng có lẽ con sẽ qua nhà tìm me trước. Con không đủ can đảm ở lại trường chờ đợi me ơi, sự hồi hộp sẽ làm con đứng tim mất.
Hơn nữa, con muốn tìm cảm giác sung sướng khi bước chân vào mái nhà thân yêu, người mở cửa để ôm con trong vòng tay là me chứ không phải là vú Lành như thường lệ. Ba sẽ lái xe đưa me và con đi ăn sáng, rồi chúng ta đi cine hay viếng đồi Vọng Cảnh, rồi… trời ơi, tâm tư con đầy ắp giấc mơ, nói làm sao, tả làm sao cho hết nỗi mừng vui trong con...
Buổi sáng em dậy thật sớm nhưng mãi đến 8 giờ em mới được ra khỏi cổng trường. Ngồi trên xích lô em nóng nảy thúc dục khiến bác đạp xe phải la lên:
- Trời ơi, cô hối vừa vừa chớ, tui quýnh lên đây nì. Xe cộ đầy đường làm răng mà đi mau cho được.
Rồi ngôi nhà thân yêu cũng hiện ra, khóm trúc đào trước cổng rào ngả nghiêng chào đón và lối gạch hồng soi bóng nắng lung linh nâng gót em qua. Cửa chính đóng kín mít, chắc ba em còn ngủ, em đưa tay bấm chuông. Có tiếng guốc quen thuộc của vú Lành từ nhà sau bước đến gần, cửa mở vú thò đầu ra, ngạc nhiên:
- Kìa, Trang, đi mô mà sớm ri con, răng không đợi ba tới đón? Sáng ni ba ở nhà để đưa con đi chơi mà.
Vú Lành ôm vai con đẩy vào trong nhà:
- Thôi vô đây ngồi đợi ba, ba tới trường không có con chi cũng về đây lại.
Em đến canapé thả mình lên tấm nhung êm:
- Ba đi chi mà sớm rứa?
Vú Lành vừa quay ra nhà sau vừa trả lời:
- Nghe nói ba đến nhà bác Kiệt có tí việc trước khi tới đón con.
Em thoải mái nhìn khắp phòng khách, trang hoàng bằng nhiều đồ vật đắt tiền. Hai chiếc đôn khảm xà cừ, tấm thảm Thái Lan cùng cặp ngà voi uy nghi bên áng sách... Trên tường quét vôi hồng nổi bật vài bức tranh sơn dầu tuyệt mỹ, rồi đây bức hình màu đám cưới ba me lại được treo vào chỗ cũ và tất cả sự việc đáng tiếc vừa xảy ra trôi qua như cơn ác mộng chẳng ai buồn đề ý đến.
Vú Lành tươi cười đi ra:
- Cho con chó con của Vú miếng chả mực đây nì. Ba biểu vú làm để trưa ni cho con ăn đó. Thôi chừ nếm thử coi có ngon không nghe.
Em đón lấy miếng chả trắng thơm tho:
- Me cũng đi với ba hả vú?
Vú Lành ngạc nhiên:
- Me... me mô?
- Ơ me... me về đây rồi mà...
- Trang, chắc con nằm chộ rồi đó, à vú biết rồi, có phải hồi hôm con nằm chộ me về đây không? Hèn chi sáng ni con sang sớm ghê.
Em lại sững im. Em nhìn thẳng vào mặt vú, nhưng em không thấy gì cả, những bức tranh sơn dầu quay tròn, miếng chả trên tay em rơi xuống đất. Vú Lành kêu:
- Trang, con... con răng rứa Trang?
Me không về đây rồi, me bỏ con, bỏ ba, bỏ căn nhà này rồi, me ơi. Em ôm mặt khóc. Vú Lành đến bên em:
- Trang.
Vú đặt tay lên vai em nhưng em hất tay vú đi. Em phải sang Ngoại, ngay bây giờ, để hỏi cho ra lẽ, em cũng đến không hiểu nổi me. Sự ăn năn niềm hối hận đó chỉ là giả tạo thôi ư?
Em chạy bay ra cửa mặc cho vú Lành réo gọi, em kêu xích lô ra bến xe buýt, phải đi xe buýt lên Kim Long mới nhanh được chứ ngồi xích lô từ đây lên đó đến sốt ruột mất.
Dù em có bồn chồn nôn nóng, chiếc xe buýt vẫn dừng lại đón khách tại mỗi trạm bên đường. Người lên mỗi lúc một đông, lại thêm hơi xăng nhức cả đầu, em bị ép ngồi sát trong góc nhưng vẫn cố gắng nhướn người ra ngoài xem thử xe đã đi ngang nhà Ngoại chưa?
- Cho tôi xuống đây đi bác tài ơi!
Em hét to lên để át tiếng máy xe ồn ào.
Em chạy qua một quãng đường đất đỏ, đến cổng nhà Ngoại; qua chiếc cầu gỗ... đôi chân em như mọc cánh, em chả thèm để ý gì đến cảnh vật chung quanh.
Hình như cả nhà đi vắng, chỉ có con Vện nằm trước cửa thấy em vào vẫy đuôi chào mừng. Em đi thẳng vào phòng khách, dì Hạnh đang ngồi chép bài hát bên cửa sổ. Em hỏi:
- Dì Hạnh, cả nhà đi mô hết rồi?
Dì Hạnh bỏ viết xuống:
- Đi ăn kỵ hết rồi Trang ơi, nhưng có me của Trang nằm trong buồng dì Phượng à.
- Trang.
Có tiếng gọi em và gương mặt me xanh xao hiện ra bên ngưỡng cửa dẫn vào nhà trong. Em lắp bắp:
- Me. Rồi em òa khóc.
Me đến bên em, kéo em ngồi xuống ghế salon:
- Răng con lại khóc?
Em nghẹn ngào gục đầu vào vai me:
- Me ơi, răng me không về với ba mà me lại về đây?
Me vuốt tóc em:
- Me... me còn ngại....
Em ngẩng đầu lên:
- Me ngại chi? Ba với me đã hòa nhau rồi mà, những lần ba đến thăm me không nói lên được điều đó răng?
Me thở dài:
- Nhưng ba chưa đòi hỏi ở me sự trở về.
Một tiếng nói đầm ấm quen thuộc cất lên:
- Có chứ.
Ba bước vào nhà như bóng dáng thiên thần, ánh nắng tràn theo ba lung linh đổ hoa trên nền đá trắng. Em gọi tiếng ba mơ màng như trong giấc mộng đẹp. Ba đến gần me:
- Răng mình lại nói với con chi lạ rứa? Đã có lần anh nhắc đến điều đó nhưng mình gạt đi cho nên anh thôi không nói nữa. Anh định ngày mình xuất viện anh sẽ nói, rồi đón mình về nhà chúng ta luôn. Không ngờ bác sĩ lại cho mình về sớm hơn ngày dự liệu.
Em nhìn me:
- Đó me thấy chưa?
Dì Hạnh rút ra nhà sau. Ba nâng nhẹ bàn tay gầy xanh của me:
- Sáng nay, anh sang trường đón con Trang qua thăm mình, thì được Sơ cho biết con nó đã về nhà. Anh trở về nhà không gặp nó, Vú Lành cho biết con Trang nó vừa đi xong, nó đã khóc rất nhiều khi hay tin mình xuất viện mà không chịu về nhà. Mình, hãy nhìn kỹ con đi mình, mấy tháng qua, con Trang nó gầy ốm hốc hác đến tội nghiệp. Cái tuổi mười bốn là tuổi dễ xúc động nhất nên việc làm của chúng ta đã ảnh hưởng đến tâm hồn nó rất nhiều.
Bàn tay me run rẩy:
- Mình, em biết, con Trang nó khổ... lỗi lại em...
Ba ôm lấy me vào ngực:
- Đừng nói vậy Thuý... Lỗi cả hai chúng ta...
Đôi mắt em nhòa lệ, mơ hồ gương mặt ba cúi xuống tóc me:
- Thúy, chúng ta hãy bỏ qua tất cả nghe...
Me nấc lên, lần này me khóc thật to, me gục đầu vào ngực ba, những ngón tay hồng níu lấy đôi bờ vai rắn chắc. Khóc nữa đi me, khóc đi một lần cuối để nụ cười từ đây nở thắm trên môi, để vòm trời hạnh phúc mở rộng vòng tay bao la mật ngọt...
Ba rút mùi soa lau nước mắt cho me.
- Nín đi... Thúy.
Me ngước lên đôi mắt đẹp mọng đỏ:
- Mình, tha thứ cho em.
Ba vuốt tóc me:
- Anh đã tha thứ cho mình từ lâu. Thôi mình vào sửa soạn về với anh với con nghe...
Me đứng lên, dì Hạnh chạy ra:
- Chị về hả chị Thúy? Anh chị ở lại chơi đây chiều hãy về. Trưa ni, mạ làm món bún thịt nướng đặc biệt lắm.
Me cười nhìn ba như hỏi ý. Ba cũng cười:
- Ừ, thì để trưa anh chị sẽ ghé lại thưởng thức món ăn tuyệt diệu của mạ. Chừ để anh đưa chị và cháu Trang đi chơi một vòng đã. Hạnh đi không? Vào thay áo quần đi luôn.
Dì Hạnh phụng phịu:
- Em thích đi bắt chết, nhưng phải ngó nhà anh chị ơi. Bữa ni ở đây ăn trộm nhiều lắm, hở một chút là nó rinh đi hết.
Me nói với ba:
- Thôi để khi khác rồi cho Hạnh nó đi.
Ba gật đầu, ba quay sang em:
- Còn Trang, răng mà mặt mũi tèm lem nước mắt rứa, tới đây ba lau cho.
Em đến tựa đầu vào cánh tay me, ba âu yếm lau nước mắt cho em bằng tấm khăn mềm, tấm khăn nhung êm đan bởi tơ trời xóa hết sầu đau. Nắng ấm soi vào hồn em những bông hoa kỳ diệu.