Số lần đọc/download: 2657 / 5
Cập nhật: 2016-06-02 00:11:05 +0700
Chương 7
S
au ngày cắt băng khánh thành công ty Hoài Thương hầu như chẳng còn thời gian rảnh. Tuy nhiên cô không dám quên lời dặn của bác sĩ. Dù mệt vì khối lượng công việc rất nhiều, Thương vẫn cố gắng ăn uống đủ chất. Nhưng cô không có thời gian ngủ trưa. Công ty mới thành lập đã thu hút nhiều khách hàng lớn tầm cỡ quốc gia, điều này khiến ông Hưng luôn tỏ ra nể phục Thương. Ông Hưng là người thận trọng trước lớp trẻ. Ông ít tin cậy và khen lớp kỹ sư trẻ.
Khoa là cháu ruột, nhưng cũng chưa tạo được niềm tỉn nơi ông. Vậy mà, trước Hoài Thương, ông bị bất ngờ hoàn toàn. Cô gái trẻ có dáng vẻ mảnh mai, dịu dàng lại ẩn chứa một bộ óc kinh doanh siêu việt, nhanh nhạy. Ông phải thốt lên trước mặt ông anh trai, cũng rất hà tiện lời khen của mình:
- Giá như thằng Khoa nhà mình ngang tài con bé, thì em và anh khỏi cần lo bon chen nữa.
Ông Nam trầm tĩnh:
- Tôi cùng ý nghĩ với chú. Cứ đà này công ty Việt Hưng chả mấy chốc sẽ nổi tiếng. Ngày xưa ông cha mình đó dám giao sự sản cho con gái. Cô Hoài Thương khiến tôi phải nhìn lại bản thân mình.
- Chúng ta già rồi anh ạ! Chả còn bao nhiêu thời gian nữa. Hay là anh coi thử, được thì tác hợp cho thằng Khoa. Ông Hưng cười nói, ông Nam ngỡ ngàng:
- Chú hiểu anh tác hợp cho thằng Khoa chuyện gì?
Ông Hưng từ tốn:
- Còn chuyện gì quan trọng bằng việc hôn nhân của nó nữa, năm nay thằng Khoa đã hai mươi tám tuổi. Đàn ông, muốn sự nghiệp bền vững, phải có được một người vợ hiền thục, gia Đình là nền tảng của tương lai nó, anh ạ!
Ông Nam cười tươi:
- Chú này. Anh ngỡ chú nói chuyện gì to tát, khó khăn. Chuyện vợ con của thằng Khoa nhà mình, mẹ nó đã sớm tìm cho nó một nơi rồi. Chị của chú chả khiến anh em mình lo đâu.
Ông Hưng so vai:
- Là con gái ông Châu à? Em nói anh Hai đừng buồn nghen. Bộ thành phố hết con gái hay sao, anh chị ép thằng Khoa lấy con bé ấy. Nó đẹp thật, nhưng tâm hồn con bé này rỗng tuếch. Loại đàn bà con gái "bảo gì dạ nấy" thụ động, làm sao hợp tính cách thằng Khoa nhà mình.
Ông Nam xuôi xị:
- Anh biết rõ điều đó, nhưng ngặt nỗi mẹ thằng Khoa thích con bé. Hai mẹ con thằng Khoa đã cãi vã nhau vài lần về việc này. Chị chú chả biết nghe ai ton hót, còn cấm thằng Khoa quan hệ với giám đốc Thương. Anh muốn gia đình êm ấm, nên luôn phải dung hòa hai mẹ con. Anh cũng không thích con Trân.
Ông Hưng điềm tĩnh:
- Hoài Thương! Em chấm con nhỏ này cho thằng Khoa, tính cách hai đứa có vẻ hợp nhau. Thằng Khoa lấy được con nhỏ, nhà mình nhiều phước đấy.
Ông Nam nhìn ông Hưng đăm đăm:
- Chú nói sao? Chả lẽ chú không biết con bé đã có chồng à? Bộ thằng Khoa tệ dữ vậy sao, phải lấy con bé? Anh không hiểu chú nghĩ kiểu gì vậy?
Ông Hưng điềm tĩnh:
- Em biết chứ. Như thế thì có gì không tốt? 18 tuổi, con bé lấy chồng để trả nợ công dưỡng dục cho chú thím. Sau ba năm, gia đình chồng Hoài Thương dùng thủ đoạn độc ác, hất bỏ con bé để chồng Thương danh chánh, ngôn thuận lấy người khác. Họ không hề biết rằng Hoài Thương đã có bầu, đứa cháu mà chính họ mong đợi, khát khao chưa ra đời đã bị cha ông nó từ bỏ.
Ông Nam trợn mắt:
- Nghĩa là con bé sắp làm mẹ à? Trời đất thế mà chú còn muốn đứa cháu trai duy nhất của chú lấy cô ta. Bộ đầu óc chú không bình thường nữa sao?
- Anh đừng suy luận kiểu đàn bà. Thời buổi này, người ta cần nhìn xa trông rộng, suy nghĩ thoáng hơn anh ạ! Mà phụ nữ đa tài như Hoài Thương không dễ tìm đâu. Em ủng hộ thằng Khoa nhà mình, lấy vợ kiểu búp bê hiền thục như con gái ông Châu, nhàm chán lắm.
Ông Nam nhếch môi:
- Mới một chút năng lực của cô gái này, khiến chú thay đổi cách đánh giá lớp trẻ ngày nay. Anh thật không tin được. Nói gì thì nói dù anh và chú ủng hộ Khoa, mẹ thằng Khoa cũng không bao giờ chấp nhận con dâu "nạ dòng" về nhà.
Ông Hưng nghe ông Nam nói vậy. Ông đành im lặng.
Cuối tháng đó, Hoài Thương sanh em bé. Một đứa con trai bụ bẫm, dễ thương vô cùng. Cả nhóm bạn xúm vào lo lắng cho Thương. Nhìn đứa nhỏ, Hà Thu chắt lưỡi:
- Nó giống ông Bách nhiều hơn Hoài Thương.
Thủy Tiên gật đầu:
- Y hệt bản sao từ anh ta. Chắc thời gian qua, mày không ngừng nghĩ đến Bách hả Thương?
Hoài Thương chậm rãi:
- Tao hận Bách, người ta nói, thương ghét gì đều bị ám ảnh. Tao không thích con trai tao giống Diệp Bách.
Thủy Tiến lách chách:
- Thà vậy chứ con trai giống mẹ, khó ba đời đó mày.
Châu Tuấn hỏi:
- Nếu anh ta nhận con, mày tính sao Thương?
Giọng Thương bặt lại:
- Không đời nào tao cho Bách nhận. Đứa bé là của tao, một mình tao thôi.
Thủy Tiên vỗ về:
- Mới sanh, mày không nên xúc động kẻo mắc bệnh hậu sản là khổ đó Thương. Tụi tao hứa luôn bên cạnh để bảo vệ mẹ con mày.
Hoài Thương đưa mắt nhìn sang đứa bé, nó còn nhỏ xíu, sao ai cũng nhận định nó giống Bách nhỉ? Nó nằm im chứ không khóc như những đứa trẻ khác.
Vừa chào đời nó biết cảm nhận thân phận mình rồi ư. Liệu có đúng không khi để con cô ra đời không có tình yêu thương của cha nó?
Ánh mắt buồn hiu hắt của Thương, khiến cả nhóm bạn khẽ thở dài. Vừa lúc bà Du và Hằng Dung vô tới.
Bà Du vồ vập hỏi Thương:
- Con nghe trong người thế nào hả Thương? Thím có hầm đu đủ với giò heo cho con đây. Con ráng ăn chút đỉnh nhen.
Thương liếm môi:
- Con đang đói bụng ghê lắm. Sanh xong cả người con nhẹ tênh à. Thìm không cần mua đồ bổ đâu. Con ăn gì cũng được.
Bà Du lắc đầu:
- Không đơn giản như con nghĩ đâu. Phụ nữ sanh xong, yếu như tàu lá héo vậy, ăn uống kiêng cừ dữ lắm.
Hằng Dung le lười:
- Má em giờ cưng chị Hai nhất. Má còn mua than về cho chị "nằm than" nữa kìa.
Thương cười như mếu:
- Con không nằm than đâu thím ơi! Nóng lắm!
Bà Du nghiêm giọng:
- Nóng cũng phải nằm, thím rảnh công việc. Được con bù đắp miếng ăn, nên cuộc sống không cần phải vất vả sớm hôm, Chớ hồi thím sanh bé Dung mới được một tuần phải lội ruộng vớt bèo về nuôi heo, có kiêng khem chi đâu, nên bây giờ mỗi khi trở trời là người đau nhức, yếu xìu à.
Thủy Tiên cũng cười:
- Thím tính thế là đúng. Mọi việc ở công ty đi vào nề nếp, ổn định. Tụi tao hứa không để chuyện xấu xảy ra. Ráng một tháng cũng được, công việc cả đời, mày đừng lo không được đi làm.
Hoài Thương cắn môi:
- Tất cả chỉ mới bắt đầu. Tao thật không an tâm.
- Còn các nhà đầu tư và anh Khoa, chả ai để mày phải lo lắng thời gian này.
Mày phải hiểu, mày còn rất nhiều dự tính tương lai. Mày không được quyền đau ốm, khi đã mẹ tròn con vuông.
Hoài Thương thở dài:
- Đành vậy.
Bà Du chợt buột miệng:
- Thằng ấy biết con mang thai con nó không Thương?
- Con nghĩ rằng... biết...
Bà Du lo lắng:
- Ngộ nhỡ mẹ con nó tới nhận con, nhận cháu thì sao? Mụ già ấy thèm cháu trai hơn người nghèo thèm chén cơm. Thằng nhỏ giống cha nó như vậy. Thím e mụ ta dám tới nhận cháu của mụ.
Hoài Thương nhẹ tênh:
- Con nhất định không cho những kẻ độc ác, nhẫn tâm ấy nhận con của con.
Bà Du gật đầu:
- Ừ? Chín tháng mang thai vất vả, nhọc nhằn, không thấy họ. Giờ sanh ra đứa bé dễ thương, con phải cứng lòng, tuyệt đối không cho họ nhìn nó. Thế còn tên thằng nhỏ, con đặt nó là gì?
Hoài Thương nhẹ giọng:
- Dạ, con muốn nhờ chú thím.
Bà Du vẻ suy nghĩ:
- Thím nghĩ... con nên lấy họ con đặt luôn cho nó. Mọi việc đã chấm dứt, hãy đừng bao giờ để nó biết cha nó là ai.
Hoài Thương nhói lòng. Lá rụng có về cội không? Sau này lớn lên mong con hiểu và đừng trách mẹ. Là gia đình nội con ép buộc mẹ. Con đã mồ côi khi còn là giọt máu trong bụng mẹ....
Hằng Dung vô tư.
- Con trai tên Trường, mạnh mẽ thông minh. Mẹ tên Thương, con tên Trường nghe hay lắm chị. Võ Sơn Trường.
Thủy Tiên và Tuấn đồng nói:
- Tuyệt vời! Nhỏ Dung nhìn vậy chứ khi cần cũng thông minh thiệt. Đồng ý vậy đi Thương.
Hoài Thương nhìn bà Du:
- Thím thấy sao ạ?
Bà Du cười:
- Ăn thua nơi con, chứ thím quê mùa, cục mịch. Để thím đặt chỉ sợ con chê thôi, hơn nừa tên đặt mà gọi đáng nói là sau này con phải dạy dỗ thằng nhỏ đàng hoàng, chớ để nó mặc cảm.
- Con biết rồi.
Nhóm bạn còn bàn luận một hồi về tên thằng bé. Cuối cùng mọi người vẫn nhất trí đặt nó tên Sơn Trường. Hoài Thương nhắm mắt, vậy nghen con trai. Mẹ thành lập công ty chế xuất gỗ. Con mang tên của núi rừng, non nước. Mong sao mai này con lớn lên, vững vàng như núi non, rừng cây qúi hiếm.
Buổi tối, Khoa lại đến thăm cô. Anh ít nói, nhưng cử chỉ thì rất dịu dàng khi chăm sóc cô. Anh còn mang cho cô bình trà nóng hổi. Thương bị bất ngờ vì Khoa mới tiếp xúc cô một thời gian ngắn, vậy mà anh biết rõ sở thích, thói quen của cô. Thương ngần ngại nói:
- Cám ơn anh đã nhớ đến tôi. Từ mai anh đừng vào đây nữa. Chỗ này không thích hợp cho những người đàn ông... chưa vợ.
Anh còn công việc, giúp tôi quản lý công ty là quí rồi.
Khoa trầm giọng:
- Tôi không ngại, mắc chi em phải ngại. Công việc tôi không bê trễ. Tôi muốn được chăm sóc em. Làm vài điều có ích cho em.
Nhưng gia đình anh, họ không chấp nhận đâu. Xin anh đừng khiến tôi khó nghĩ.
- Tôi mặc kệ. Tôi sống cho bản thân tôi. Em là bạn tôi, cao hơn nữa là sếp của tôi. Bạn bè quan tâm, chăm sóc nhau có gì không đúng?
Hoài Thương im lặng. Cô biết lúc này cô không thể thuyết phục được Khoa.
Nhìn anh lăng xăng bên con trai cô, lòng Thương thêm nát buồn "Người ta đi biển có đôi. Còn tôi đi biển mồ côi một mình".
Câu ca dao ví thân phận người đàn bà lúc sanh nở, không có chồng một bên, giờ như thấm đẫm nỗi đau của Thương. Giá như bà Bình đừng chia rẽ vợ chồng cô. Thì cô đã có Bách một bên. Tình yêu anh dành cho cô chưa nhạt nhòa. Biết trách ai khi dòng đời đẩy đưa từng số mệnh con người.
Bên Bách tối nay là Mỹ Linh, anh nào biết cô vừa trải qua một cơn đau khủng khiếp nhất để sanh ra một đứa con trai. Đứa con ra đời không có cha, chỉ một mình mẹ nó vật vã bên những người thân của mẹ Trường. Trong ấy, Khoa chính là điểm tựa cho ô dựa lúc đớn đau. Cô nợ Khoa nhiều rồi.
Bà Bình nhìn sững Diệp Bách, thật lâu bà nói khó nhọc:
- Con nói gì hả? Hoài Thương sanh con trai thật à?
Diệp Bách ngán ngẩm:
- Thật trăm phần trăm.
Bà Bình dè dặt:
- Nó là con của ai?
Diệp Bách gằn gằn:
- Mẹ nghĩ nó là con của ai? Mẹ vu oan bôi nhọ Thương bao nhiêu đó đủ rồi.
Mẹ đừng gán thêm tội danh cho Thương nữa kẻo gia đình ta lãnh quá báo đấy:
Bà Bình xuôi xị:
- Mẹ....tại lúc đó, thế chẳng đặng đừng, mẹ còn cách lựa chọn sao? Mẹ không thể hi sinh con hoặc tài sản họ Trần. Đành phải đem Hoài Thương làm vật "tế thần". Mẹ biết làm thế là ác độc, trời bất dung gian. Nhưng mẹ đã cùng đường.
Bách cay đắng:
- Lẽ ra mẹ có thể nói thẳng. Hoài Thương hiểu điều hơn lẽ thật. Con tin rằng cô ấy chấp nhận chia tay trong danh dự để con được bình an. Mẹ không hỏi qua con một lời, tự dựng lên màn kịch loạn luân khốn nạn nhất để hại cô ấy. Ba con vì uất ức trở thành người lúc điên lúc tỉnh. Rồi mẹ sẽ không được yên ổn, khi mỗi ngày mỗi nghĩ cách đối phó Mỹ Linh. Cô ta chẳng thích an phận, cùng không muốn sanh con. Mãi mãi mẹ sẽ không mong có cháu nội nối dõi tông đường.
Bà Bình bật khóc:
- Con nói đi! Mẹ phải làm gì để chuộc lỗi với mẹ con Hoài Thương?
Bách trầm tĩnh:
- Mẹ không phải làm gì hết. Hãy để mẹ con cổ yên ổn.
- Mẹ sốt ruột lắm, thà không nghe, không biết. Chứ biết mình có cháu nội trai, mẹ không làm sao ngồi yên.
- Mẹ cứ coi như không nghe gì hết.
Diệp Bách bỏ lên phòng vì anh thấy Mỹ Linh đang vào nhà. Anh hạ giọng vừa đủ bà Bình nghe:
- Mẹ không được cho Mỹ Linh biết Hoài Thương sanh con trai.
Bách không ngờ rằng Mỹ Linh được Bảo Trân kể cho nghe tất cả. Ghen tức đến giận dữ, Linh đã về nhà bằng khuôn mặt đầy...sát khí.
Cô nhìn quanh phòng khách, không chào bà mẹ chồng một câu, còn hỏi trống:
- Bách đi đâu nhỉ?
Bà Bình chợt giận:
- Con hỏi ai vậy?
Mỹ Linh thản nhiên:
- Ngoài mẹ, còn ai trong phòng đâu.
- Hóa ra vậy. Mẹ lầm mất rồi, bỏ vàng lượm đất về nhà.
Mỹ Linh cười giòn tan:
- Mẹ tiếc à? Tội nghiệp mẹ, già rồi nên thèm con thèm cháu:
Mẹ nghe chuyện Hoài Thương chưa?
Bà Bình lảng:
- Hoài Thương làm sao?
Mỹ Linh ngạo nghễ:
- Nó vừa sanh con trai. Bỏ chồng mới mấy tháng đã kịp cặp bồ với người khác. Đứa con sanh ra không biết chồng cũ hay của người đàn ông mới. Là con vô tình nghe được lời bạn bè cô ta bình luận.
Bà Bình chậm rãi như răn đe:
- Từ nay, con đừng đem chuyện Hoài Thương kể ở nhà. Chồng con, nó ghét nói xấu người khác lắm. Chia tay rồi, nó đã quên, con phải biết bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Mỹ Linh vẻ biết lỗi:
- Con cám ơn lởi mẹ dạy. Tự nhiên con thấy xốn xang, tiếc giùm mẹ. Biết đâu đứa bé là con của anh Bách? Mẹ đang mong cháu nội đích tôn, chả lẽ mẹ dứng dưng nhìn cháu mình trong tay người khác.
Bà Bình thản nhiên:
- Dù chính xác đứa bé là con thằng Bách mẹ cũng đành bó tay. Tòa án đã phán xử Thằng Bách lấy vợ ngay sau đó. Hoài Thương không nói việc nó có thai. Mẹ không thể dày mặt đi nhận cháu. Con còn trẻ, từ từ con sẽ thấy cuộc sống vợ chồng cần đứa con như thế nào. Mẹ mong con sanh cho mẹ những đứa cháu thông minh, xinh xắn. Chúng ta chấm dứt vấn đề hôm nay nghe con. Mẹ không muốn nghe ai nhắc tên vợ cũ của chồng con nữa. Hạnh phúc của con do chính con nắm giữ. Mẹ già rồi, mọi tính toán sai lầm đều có thế xảy ra. Mẹ muốn gia đình ta bình yên trong những tháng năm còn lại của mẹ. Mẹ xin con đó.
Dứt câu, bà mệt mỏi về phòng. Phía sau bà, Mỹ Linh so vai vẻ đắc ý.
Diệp Bách không có trong phòng, chết tiệt, chắc chắn lại trên sân thượng.
Anh ta muốn chọc giận cô hay sao? Mỹ Linh đoán không sai. Bách ngồi im lìm trước tách trà đã nguội ngắt. Những tia nắng cuối cùng trong ngày chiếu lên khuôn mặt Bách vàng như nghệ. Anh có vẻ đau đớn suy sụp. Cây xương rồng trên bàn đá hoàn toàn đối lập Bách. Màu xanh cùng gai nhọn của nó dười ánh nắng chiều tà toát lên vẻ thanh tao, mạnh mẽ. Mỹ Linh mím môi. Cây xương rồng của Hoài Thương, những lúc nhớ đến cô ta, Bách đều ngồi hàng giờ câm lặng, ngắm cây gai vô tri vô giác này.
Không nhìn, Bách vẫn nói:
- Em về rồi hả? Tìm anh phải không?
Mỹ Linh kiêu kì:
- Nếu không vì sự trói buộc gia đình, em đâu bỏ cuộc chơi giữa chừng để về nhà nhìn anh nhớ người khác.
- Em đừng suy đoán bậy bạ. Anh không nhớ ai cả, trừ...
Mỹ Linh lạnh lùng ngắt lời Bách:
- Trừ bà Kim Ngọc và hai cô vịt trời của anh chứ gì. Người như anh cũng biết nói dối à?
- Thật ra em muốn gì đây Linh? Hiện tại tôi là chồng em. Tôi im lặng không hề can thiệp vào việc em chơi bời bên ngoài. Không nói chứ không phải tôi không biết sự quan hệ của em với những người đàn ông khác.
Giọng Bách chát đắng.
- Em không cần bao biện, không cần lo sợ. Lòng tôi nguội lạnh, trái tim tôi tan nát từ khi mẹ tôi dựng lên một tội danh cho Hoài Thương. Mẹ tôi nghĩ em là ân nhân, là những gì vui vẻ trong cuộc đời còn lại của bà. Bà sai lầm, tôi nhu nhược, u mê, đam mê phù phiếm mới. Tôi chia tay Thương, gia đình tan vỡ.
Vĩnh viễn tôi không bao giờ còn hạnh phúc. Tôi mặc kê tình người, dửng dưng nhìn em trong tay người đàn ông khác. Em nghĩ tôi bị em cắm sừng, tôi mù quáng đúng không?
Tai Mỹ Linh ù đặc. Cô ngỡ mình nghe lầm. Nét mặt Diệp Bách cho cô biết lời anh nói rất thật. Lòng kiêu hãnh của cô bị tổn thương. Cô luôn tự hào về sắc đẹp của mình, thêm tài sản kếch sù của ông bố ruột là người Mỹ. Về Việt Nam, cô ngỡ mình sẽ là số một. Cô yêu Bách từ khi cô còn là một con bé lai đen nhẻm, suốt ngày bị người ta dè bỉu. Vì thế cô trở lại quê hương không ngoài mục đích có được anh. Trời tạo cơ hội cho cô giúp đỡ mẹ anh, để cô trở thành vợ anh, cô đã phải mất một số tiền rất lớn. Bách muốn chia tay Hoài Thương bằng sự đền bù sòng phẳng. Nó là số tiền Thương được nhận trong phần gia sản đang mong manh bên bờ phá sán của Bách.
Vậy mà chỉ sau tuần trăng mật, Bách tỏ ra chán cô. Anh luôn phiền muộn, quan hệ vợ chồng như một sự bắt buộc "trả nợ'. Mỹ Linh nổi loại vì bách lạnh nhạt. Cô muốn anh đau đớn, ân hận khi coi thường cô. Rốt cuộc cô thêm một lần sai. Những người đàn ông cô quen, chỉ như một nốt nhạc hay, nho nhỏ trong cuộc sống của cô. Chia tay họ, cô về nhà là quên hết họ là ai. Duy nhất người đàn ông khiến con tim cô rung động như cô từng rung động quay quắt trước Bách. Chua chát thay, Khoa không hề nghĩ đến cô. Cô từng muốn khiêu khích nhỏ em họ để trả hận. bây giờ, Bảo Trân cũng không tồn tại nơi người đàn ông quyết rũ đó. Hai chị em cô đều thua Hoài Thương. Cô muốn hoài Thương phải đau đớn, song Hoài Thương hầu như không chấp nhận Khoa, cô ta luôn xua đuổi Bách. Cô không tìm được lý do khiêu khích Thương. Mím môi, cô nhìn Bách bằng ánh mắt đỏ lửa:
- Can đảm lắm. Tôi không dễ thua cuộc đâu, anh chờ đi!
Bách trầm tĩnh:
- Em muốn trút hận hãy trút lên anh. Em không nên hành hạ bản thân. Anh mệt mỏi lắm rồi, chỉ muốn lui về quê, sống cuộc đời dung dị, bình yên.
Mỹ Linh hét lên:
- Đồ điên! Đang nhà cao cửa rỗng, tiện nghi đủ đầy, về quê hửI mùi bùn à?
Tôi không ly dị. Anh đừng hòng.
Cô chụp cây xương rồng ném xuống đất. Bình đựng cây vỡ, cát sỏI văng tung toé, nhưng cây xương rồng không hề gãy một nhánh gai nhỏ. Trái lại bàn tay cô bị gai đâm vô, đau buốt, những giọt máu li ti rỉ đỏ da. Cây xương rồng vẫn lạnh lùng, gai góc trước cơn giạn điên cuồng của Linh.
Diệp Bách âm trầm kéo cô xuống phòng ngủ. Anh không quên nhẹ tay nhặt lại cây hoa đặt tạm vào chậu mai trúc thuỷ. Mặt Diệp Bách kín bưng. Mỹ Linh run rẩy bờ môi, cặp mắt ánh lên tia gờn gợn...
Ngày đầy tháng con trai, Hoài Thương tổ chức đơn giản, chỉ một bàn tiệc đủ mặt Thu - Tuấn - Tiên, Hằng Dung và vợ chồng chú thím Du. Khách mời duy nhất một mình Khoa. Dù mọi người năn nỉ cỡ nào, Thương vẫn nhất định không thay đổi.
Thủy Tiên xụ xị:
- Mày kỳ thiệt, cả công ty mọi người mong có dịp tới chúc mừng thằng Nhí.
Tại sao mày không tổ chức cho thằng nhỏ. Tụi tao hùn tiền kia mà.
Hằng Dung cũng chát chét:
- Đúng đấy, Phải để gia đình ba thằng Nhí biết mà "đau" chứ.
Hoài Thương chậm rãi:
- Vấn đề không phải tao sợ tốn kém. Tại tao không thích. Hãy bình thường như cuộc sống mỗi ngày của mình. Chờ ngày thôi nôi, khi ấy công ty ăn nên làm ra, tao hứa khao mọi người một bữa thật linh đình:
Tính Hoài Thương nói gì làm đó, khó ai ép Thương được nếu bản thân cô không muốn. Buổi chiều, quanh chiếc bàn tròn kê nơi phòng khách là nhóm bạn "4T". Cu Nhí được đặt trong nôi, bà Dụ cho nó bú sữa bình, theo đúng cách nuôi trẻ, nên mới 1 tháng tuổi thằng Nhí trông bụ bẫm, kháu khỉnh vô cùng. Nó rất ít khóc. Mọi người. lần lượt bồng nó lên tay để Khoa chụp hình. Nụ cười trẻ thơ đọng mãi trên môi thằng nhỏ. Càng lớn, cu Nhí càng giống Bách. Điều này khiến Thương luôn mơ hồ một nỗi lo lắng. Chú thím Du tặng cu Nhí chiếc kiềng bạc, có chùm lục lạc xinh xắn kêu leng keng. Thím Du bảo:
- Con nít đeo đồ bạc, kỵ gió cảm nắng.
Nhóm 4T mua nguyên thùng đồ chơi đầy nhóc, đủ 4 loại xe, máy bay và tàu thủy.
Hằng Dung le lưỡi:
- Cu Nhí còn tí tẹo, biết chơi đâu, các anh chị mua chi cho tốn.
Thủy Tiên trợn mắt:
- Thì từ từ vài tháng, biết bò, biết ngồi, thằng nhóc sẽ chơi được. Bộ tốn tiền của nhỏ sao mà tiếc.Dì Út keo kéo quá.
Dung chu môi:
- Chờ vài tháng đồ chơi thay đổi mô đen, lúc đó đồ xịn của chị thành đồ dỏm. Ý em muốn nhắc chị thôi. Em thiết thực hơn, cứ sữa, thịt chất vào tủ, bồi dưỡng cho nó mỗi ngày.
Bất chợt có tiếng chuông cổng vang lên. Hằng Dung bỏ lửng câu nói, hấp tấp:
- Ai vậy nhỉ? Để em ra coi ai?
Hằng Dung mới kéo cổng được chút ít, vừa đủ cô nhận ra "người khách".
không mời.
Hằng Dung cau mặt:
- Là anh à? Anh tới đây chi vậy.
Diệp Bách nhìn vào sân, vài chiếc xe máy dựng trong sân. Anh biết mình đến đúng ngày cần đến. Anh cười nhẹ với Hằng Dung.
- Anh muốn vào thăm chị Thương.
Hằng Dung dấm dắng:
- Chị tôi đau ốm gì mà phải thăm nom. Chị ấy dặn tôi không cho anh vô nhà bất cứ lúc nào. Anh về đi!
Diệp Bách vẫn nhún nhường:
- Anh năn nỉ em mà Dung. Anh biết chị em sinh em bé. Hôm nay là ngày đầy tháng đúng không? Anh muốn chúc mừng chị em.
Hằng Dung cương quyết:
- Không được. Chị ấy còn yếu, tôi không thể cho anh vô nhà, lỡ xảy ra chuyện gì tôi kham không nổi, anh làm ơn đừng quấy rối gia đình tôi nữa.
Diệp Bách thở dài:
- Anh chỉ muốn nhìn mặt đứa bé, vài phút thôi.
Hằng Dung lo lắng:
- Anh về quê mà xem, con gái anh lớn tới đâu, muốn ngắm nghía, nâng niu bao lâu mặc sức. Nhìn chi con người khác để rồi... thèm.
- Dung ơi! Khách nào vậy em, sao không mời vô nhà?
Giọng Thủy Tiên vang lên.
Hằng Dung bực bội:
- Anh về cho tôi đóng cửa. Chị Tiên thấy anh, mệt hơn tôi đấy.
Diệp Bách chưa kịp trả lời, Thủy Tiên đã mau mắn bước ra cổng. Cô nhìn trân trối vào Diệp Bách, y như anh ta từ hành tinh lạ rơi lạc vào nhà Hoài Thương vậy.
Diệp Bách chịu đựng ánh mắt của Thủy Tiên. Anh còn cố gắng hỏi:
- Thủy Tiên phải không?
Thủy Tiên nhếch môi:
- Anh ngạc nhiên à? Tôi đây thì có gì anh ngỡ ngàng nhỉ. Anh biết quan hệ của tụi tôi mà. Anh đến tìm bạn tôi hả?
Diệp Bách nuốt nước bọt:
- Anh nghe tin Thương sanh em bé cả tháng rồi, nhưng anh không thể thăm cô ấy. Hôm nay chắc cổ làm đầy tháng cho con, anh muốn chúc mừng mẹ con cô ấy.
Thủy Tiên điềm tĩnh:
- Tôi sẽ chuyển lời giùm anh, Còn vô nhà thì không được. Chồng nó ghen dữ lắm, ảnh biết chuyện anh và nó hồi xưa. Quá khứ đã ngủ yên, anh chả nên đánh thức nó dậy.
Diệp Bách ngỡ ngàng:
- Cô ấy lấy chồng hồi nào? Sao tôi không biết?
- Anh hỏi một câu thật tức cười. Năm nay Thương mới hai mươi mốt tuổi, anh bỏ nó là cưới vợ ngay. Chả lẽ nó phải ở giá trọn đời vì một sai lầm dại dột năm nó 18 tuổi? Có người thương, cảm thông hoàn cảnh, nó phải lấy chứ. Con gái tụi tôi luôn cần một chỗ dựa vững chắc từ người đàn ông. Đứa con của nó chính là từ cuộc kết hôn lần này đó. Tuy thiếu tháng nhưng đứa nhỏ rất mạnh khỏe, dễ thương. Tôi cho anh biết bao nhiêu đó đủ rồi, anh về đi!
Miệng nói, Thủy Tiên dùng tay đẩy Bách ra ngoài. Cô sập cửa thật nhanh mặc cho Bách như van xin bên ngoài:
- Thủy Tiên, bé Dung, hãy làm ơn một lần. Tôi hứa nhìn thấy mẹ con Thương, tôi sẽ quay ra ngay:
Nhưng hai cô gái chẳng ai lên tiếng. Trở vào nhà, Hằng Dung than thở:
- Ai nói mà ông ta biết vậy chứ? Người gì mà lì thấy sợ.
Thủy Tiên hạ giọng:
- Chị sợ Bách sẽ đeo bám nhỏ Thương nữa. Con Mỹ lai ấy quan hệ lăng nhăng lắm nên anh ta chán là cái chắc. Chúng ta phải làm sao bảo vệ được mẹ con Thương.
- Chị Thương đi làm, chỉ định ở luôn ngoài Đồng Nai. Dạo trước, chị ấy đã tính thế. Em linh cảm thằng cu Nhí gặp tai họa.
Thủy Tiên kêu nhỏ:
- Phỉ phui cái miệng ăn mắm, ăn muối của em. Cu Nhí có mẹ em chăm sóc, ai dễ gì gạt nổi bà.
Hằng Dung vẫn lo lắng:
- Không ai nói chắc được đâu chị ơi? Mẹ em đâu phải lúc nào cũng một bên thằng nhỏ. Em không ngán ông Bách, bởi coi vậy chứ ổng thật bụng, thật tình.
Chia tay chị em cũng vì ổng nghe lời bà mẹ. Bà Bình vốn độc ác, thủ đoạn. Bà ta dám làm bất cứ chuyện gì, miễn sao bà ta có lợi. Nếu biết Cu Nhí là con ông Bách, em sợ bà ta thuê người bắt cóc thằng bé.
Nói tới đó, cả hai đều vào tới phòng khách. Hà Thu nhìn Dung:
- Ai vậy Dung?
Hằng Dung thản nhiên:
- Một người bà con gì đó của ông Bách đi làm xa ghé thăm cháu. Em nói mãi người ta mới chịu đi.
Hoài Thương vô tình:
- Em chỉ nhà Bách cho họ không?
- Dạ có. Chị từng dặn em đã làm ơn thì làm ơn cho trót. Em đâu thể sai.
Bà Du lườm con gái:
- Con bé này, độ rày cũng ưa "chảy cối" tay đôi với chị Hai lắm. Coi chừng nghen con, Lớn rồi phải dịu dàng, thùy mị, không thôi ế chồng cho đó.
Hằng Dung ré lên:
- Mẹ xưa quá rồi. Thời này đàn ông thích vợ có cá tính mạnh mẽ. Cãi nhau là văn nghệ, đánh nhau là thể thao, nhà cửa vui vẻ chứ má. Hiền quá, ra ngoài để bị ăn hiếp à? Dì nói vậy phải không cu Nhí?
Cả nhà cười rộ. Hoài Thương cười rạng rỡ, ước gì cuộc sống mãi dung dị, nhẹ nhàng với mẹ con cô.
Qua hôm sau, Hoài Thương đến công ty sau khi đã dặn dò bà Du từng chút về giờ giấc ăn ngủ của cu Nhí. Các đồng nghiệp thấy cô đều tíu tít hỏi thăm. Sự chân tình của mọi người khiến Thương ấm lòng.
Buổi sáng, Khoa ghé công ty xây dựng giải quyết những văn bản, hợp đồng trong thời gian hơn 70 phút. Anh không ăn điểm tâm, ly cà phê Bảo Trân pha đã nguội ngắt, anh vẫn không đụng đến. Bảo Trân thấy lạ nhưng cô không dám hỏi. Khoa luôn tạo một khoảng cách giữa hai người. Bà Nam chỉ đạo cho cô chăm sóc anh từ ly cà phê, tách trà. Khoa nhận và cám ơn như một lẽ tự nhiên.
Anh là sếp thì nhân viên phải phục vụ anh chu đáo, tận tình. Anh chưa một lần đi ăn điểm tâm với cô. Trừ những bữa cơm trưa hầu như được bà Nam ra lệnh.
Anh phục tùng trong im lặng.
- Bảo Trân! Tôi phải xuống công ty Việt Hưng, thông báo giúp tôi với khách hàng, hẹn họ gặp lại vào sáng mai. Cần thiết, cô gọi điện cho ba tôi, ông sẽ giúp cô, nhớ nhé!
Giọng Khoa chợt vang lên. Bảo Trân nhìn anh:
- Việt Hưng đâu phải khách hàng của ta. Anh quên chiều nay anh hẹn gặp ông bà Thạch Như Quân à? Họ cần những thông tin chi tiết về căn biệt thự.
- Tôi đã ghi đầy đủ ra giấy. Cô thay tôi đưa cho họ coi. Giá cả không do cô thương lượng, nếu họ cần gấp, cô thu xếp để họ gặp ba tôi hoặc chú tôi. Đừng để anh rể tôi gặp Bảo Trân thở dài:
- Tôi biết rồi. Nhưng anh chưa ăn sáng, bác gái mua đồ ăn và cho tài xế đưa tới. Anh ăn rồi hãy đi!
Khoa cau mày:
- Mẹ tôi, bà thật kỳ cục, tôi đâu phải cậu nhóc quảng khăn đỏ nữa. Thật mất mặt, nếu chuyện mẹ tôi mua đồ ăn cho tôi đồn ra ngoài. Cô giải quyết giùm tôi luôn đi nghe, vì cô cũng chưa ăn sáng mà.
Anh nheo mắt, làm một cứ chỉ ghẹo cô. Anh vô tình không biết đã tạo thêm một nét buồn trong mắt cô. Khoa chạy xe thẳng xuống Đồng Nai. Anh bước vào phòng làm việc của Thương, vừa lúc Thương đứng lên. Giờ này ở nhà cô phải cho cu Nhí bú dặm sữa mẹ. Bây giờ sữa căng cứng ngực khiến cô khó chịu.
Thím Du đã dặn nếu căng sữa phải nặn bớt sữa bỏ đi, nếu không cô sẽ đau nhức lắm. Sự xuất hiện của Khoa khiến cô bối rối. Khoa nhìn cô, quan tâm:
- Thương không khỏe à?
Hoài Thương lắc đầu:
- Tôi không sao? Anh xuống thật đúng lúc, tôi có vài việc muốn hỏi ý kiến anh.
Khoa trầm tĩnh:
- Tôi xin lỗI! Lẽ ra tôi phải xuống từ sáng, nhưng tôi kẹt những hợp đồng ở công ty tôi. Tôi sẵn sàng nghe Thương phân tích công việc.
Thương cười nhẹ:
- Anh chờ tôi ít phút. Đừng căng thẳng quá. Có bình trà xanh, anh tự rót uống nhé!
Khoa gật đầu. Thương vội vã đi sang phòng vệ sinh của phòng hành chính.
Hằng Dung hỏi cô:
- Chị sao vậy? Mặt mũi nhăn nhó thế kia, không phải chị đói chứ?
- Vừa đói mềm người, nhưng cái chính là chị căng sữa, nhức quá trời luôn.
Chị mượn toa lét bên em một chút.
- Sao không vào toa lét ở phòng chị?
Thương chép miệng:
- Có kỳ đà ở đó, ai mà dám.
Hằng Dung rùn vai:
- Hả? Là ai nhỉ? Ai đủ bản lĩnh khiến chị phải dời tổng hành dinh đi nơi khác?
Thương đóng cửa toa lét thật mạnh:
- Muốn biết, qua đó mà hỏi.
Hằng Dung suy nghĩ một lát rồi đi sang phòng giám đốc. Cô đẩy cửa và bật cười, khi nhận ra con "kỳ đà"? chính là Khoa.
- Cười gì vậy cô bé?
Khoa nheo mắt.
Hằng Dung bắt lỗi:
- Người ta 19 tuổi, không phải "bé này bé nọ" để anh gọi đâu nghen. Anh còn gọi thế, người ta ế thật, anh đền không nổi đâu.
- Anh xuống đây lâu chưa?
Khoa cười:
- Chà? Chưa gì đã sợ. Yên tâm đi Dung? Anh có thằng bạn Việt kiều sắp về nước, anh giới thiệu cho em nhé.
Hằng Dung cong môi:
- Ai thèm ham Việt kiều cho mệt. Anh lo cho anh kìa, coi chừng chị Trân giận thì mẹ anh đánh đòn anh đấy.
Khoa trợn mắt:
- Dám chọc quê anh hả nhỏ.
- Em chỉ nói sự thật.
- Cho anh xin sự thật đó đi Dung. Anh đang đói nghe em than van, anh muốn xỉu quá.
Hằng Dung nhìn đồng hồ:
- Anh chưa ăn gì hả?
Khoa nhẹ cười:
- Lu bu công việc, đến ly cà phê con chưa kịp uống, giờ mới thấy đói bụng.
Hằng Dung liếng láu:
- Sao hai người kẻ đầu sông, kẻ cuối sông lại giống nhau thế. Chị em cũng đang than run tay, mờ mắt. Thật chán!
- Nói xấu chị chuyện gì vậy Dung?
Thương quay lại, vẻ mặt tươi tỉnh hơn.
Hằng Dung rùng vai:
- Ngu sao nói xấu chị. Em đang rủ anh Khoa đi ăn.
Thương kêu lên:
- Ôi sao trùng hợp quá vậy. Có thực mới vực được đạo. Nếu anh không ngại, chúng ta ra ngoài tìm món gì dằn bụng.
Khoa mừng rỡ, Thương nổi tiếng khó tính nhất. Ngoại trừ mấy người bạn chung nhóm, cô chẳng chịu ăn cơm khách bao giờ. Bất đắc dĩ là cô lôi anh chàng phó giám đốc đi thế cô. Hôm nay số anh thật may.
Ăn xong bữa sáng muộn màng, Dung đi lo công việc của cô. Khoa ở lại phòng giám đốc cùng Thương giải quyết những tồn đọng về mặt giấy tờ, trong thời gian cô nghĩ việc:
Gần hết buổi chiều, Khoa nhận được điện thoại của Bảo Trân. Cô báo tin mẹ anh đến tìm anh ở công ty. Cô đã nói dối bà nhưng bị Hải thông báo. Mẹ anh rất giận khi biết anh xuống Việt Hưng. Trân muốn anh biết để an ủi mẹ anh. Khoa cám ơn cô và tắt máy luôn. Anh rời phòng làm việc của Thương trước cô. Anh đề nghị được chở cô về, nhưng Thương từ chối. Cô trải lòng mình trước công việc, nhưng khép kín mọi cảm xúc về tình cảm trong ngăn tim từng một lần rỉ máu, một mình cô ngậm ngùi, chứ không thích chia sẻ với ai.
Vừa đẩy xe khỏi bãi, Khoa nghe tiếng Hằng Dung gọi ơi ới phía sau. Khoa dừng lại hỏi Dung:
- Chuyện gì vậy Dung?
Hằng Dung thở dài:
- Xe chị Thương nghẹt xăng rồi. Bác thợ nói phải xúc bình xăng con mới nổ máy được. Em sợ về trễ mẹ em lo lắng nên nhờ anh cho chị em quá giang về trước, không làm phiền anh chứ?
Khoa sốt sắng:
- Sao lại phiền. Nhưng về sau một mình Dung sợ không?
- Không anh ạ. Ngoài xa lộ đèn sáng trưng, xe chạy suốt đêm. Dạo trước, ngày nào em và chị Thương cũng về muộn quen rồi.
Hoài Thương không thể từ chối nữa. Ngày đầu tiên xa cu Nhí, cô thấy nhớ và thương con thật nhiều. Vừa đầy tháng, đã phải ở nhà với ngoại để cô đi làm.
Tội nghiệp con và cả tội nghiệp cho mình nữa. Cô mong về nhà thật nhanh để ôm con vào lòng nhìn con cười, cô sẽ vơi bớt những mệt nhọc của công việc.