Trong lúc vươn tới các vì sao, có thể bạn sẽ không thể chạm tay tới ngôi sao nào cả, nhưng chắc chắn một điều chân tay bạn cũng không phải lấm lem vì bùn.

Leo Burnett

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Nguyên Tác Tiếng Pháp: Ebène (Aventures Africaines)
Dịch giả: Nguyễn Thái Linh
Biên tập: Lê Huy Vũ
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2271 / 103
Cập nhật: 2017-05-09 22:24:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Trái Tim Rắn Hổ Mang
ừ trạng thái hưng phấn ngất ngây ấy, hiện thực và những thử thách của hành trình nhanh chóng đưa chúng tôi trở về mặt đất. Trước hết là câu hỏi quan trọng nhất: đi đường nào? Bởi vì chúng tôi đi vào bình nguyên lớn, con đường rộng từ trước tới giờ đột nhiên bắt đầu tỏa ra, rẽ thành mấy nhánh đường mòn giống hệt nhau nhưng đi về các hướng hoàn toàn khác nhau. Và không có lấy một tấm biển, một dòng chữ, một mũi tên chỉ đường. Bình nguyên lút trong cỏ cao, phẳng như mặt bàn, chẳng có núi hay sông, không có các điểm mốc tự nhiên, chỉ có cái mạng lưới đường mòn vô tận, mỗi lúc một mù mờ, rối rắm và lộn xộn này.
Ở đây thậm chí không có cả ngã tư, chỉ là cứ vài cây số, đôi khi là vài trăm mét, lại có thêm những chùm nhánh rẽ, những mớ đường ngoằn ngoèo, những nút thắt mới, từ đó các nhánh giống nhau hỗn loạn tỏa ra các hướng khác hẳn nhau.
Tôi hỏi anh chàng Hy Lạp xem phải làm gì, nhưng anh nhìn quanh bối rối, đáp lại tôi bằng chính câu hỏi ấy. Chúng tôi cứ đi bừa khá lâu, chọn những con đường có vẻ như chạy về hướng Tây (nghĩa là về phía Hồ Victoria), nhưng chỉ cần đi vài cây số là con đường bỗng nhiên rẽ ngoặt, chẳng có lý do gì, không rõ về hướng nào. Hoàn toàn rối trí, tôi dừng xe, phân vân – đi đường nào? Nhất là khi chúng tôi không có lấy tấm bản đồ tử tế, thậm chí không cả la bàn.
Không bao lâu sau khó khăn mới lại nảy sinh, vì đã đến trưa, khoảng thời gian nóng bức nhất, khi vạn vật chìm trong tĩnh lặng và im lìm. Vào giờ này thú vật ẩn náu trong bóng cây. Nhưng cả đàn trâu thì không có nơi nào trú. Chúng quá lớn, quá đông. Mỗi đàn có đến hàng nghìn con. Một đàn trâu như thế trong giờ nóng nực cao điểm đơn giản là trở nên bất động, tê liệt. Ví dụ như bây giờ, chúng đang làm vậy trên chính con đường chúng tôi đi. Chúng tôi tiến đến gần: trước mặt chúng tôi là hàng nghìn pho tượng granit thẫm màu, gắn chặt xuống đất, như hóa đá.
Một sức mạnh vĩ đại đang ngủ yên trong đàn trâu này, vĩ đại và chết người – nếu nó bùng nổ ở đâu đó gần chúng ta. Đó là sức mạnh của trận tuyết lở trên núi, nhưng nóng hổi, điên cuồng, bị cuốn đi bằng máu sôi. Nhà động vật học Bernhard Grzimek kể chuyện hàng tháng trời ở Serengeti, ông đã theo dõi hành xử của trâu khi bay trên một máy bay nhỏ như thế nào. Một con trâu đơn lẻ hoàn toàn không phản ứng gì với tiếng ù ù của máy bay đang sà xuống: nó thản nhiên tiếp tục gặm cỏ. Nhưng khi Grzimek bay trên một đàn lớn thì khác. Chỉ cần có một con trong đàn nhạy cảm hơn bình thường – một kẻ dễ kích động hay một bông hoa xấu hổ nào đấy – khi nghe thấy tiếng động cơ và bắt đầu cuống lên, muốn bỏ chạy, lập tức cả đàn trâu rơi vào trạng thái hoảng loạn và lồng lên khiếp sợ.
Và một đàn trâu như thế đang ở trước mặt tôi. Phải làm gì đây? Dừng lại và đứng yên? Nhưng đứng yên đến bao giờ? Quay trở lại chăng? Đã quá muộn rồi: tôi không dám quay lại vì đàn trâu có thể lao vào chúng tôi. Đó là những con vật ngoan cường, dẻo dai và nhanh khủng khiếp. Tôi làm dấu Thánh rồi từ từ, từ từ, cài số một, chân đạp nửa côn, tiến vào đàn trâu. Đàn trâu rất lớn, kéo ra đến gần tận chân trời. Tôi quan sát những con trâu ở phía trước. Những con đứng ngang đường bắt đầu uể oải, chậm chạp dịch ra một khoảng vừa đủ cho xe đi qua. Chúng không dịch ra nhiều hơn mức cần thiết dù chỉ là một phân, và chiếc Land Rover cứ cạ vào sườn chúng suốt. Người tôi ướt đẫm. Giống như thể chúng tôi đang đi qua bãi mìn. Tôi liếc nhìn Leo. Mắt anh nhắm nghiền. Từng mét một, từng mét một. Cả đàn trâu yên lặng. Bất động. Hàng trăm đôi mắt lồi đen trên những cái đầu khổng lồ. Những đôi mắt ấy mờ đục, uể oải, không cảm xúc. Chúng tôi đi qua rất lâu, hành trình dường như vô tận, song rốt cuộc chúng tôi cũng về được bên phía an toàn – đàn trâu đã ở lại phía sau, cái vệt thẫm sậm của chúng trên nền Serengeti xanh mướt trở nên nhỏ dần và nhỏ dần.
Thời gian càng trôi, chúng tôi càng đi xa, quanh quẩn và lung tung, thì tôi càng cảm thấy bất an hơn. Từ sáng, chúng tôi chưa gặp ai. Cũng không gặp bất kì con đường cái hay bất kì tấm biển chỉ đường nào hết. Nóng khủng khiếp, mỗi phút lại càng nóng hơn, dường như con đường, hay thậm chí là mọi con đường có thể đều dẫn thẳng đến mặt trời, và tựa hồ khi đi như thế, chúng tôi tiến gần đến khoảnh khắc mình bị thiêu cháy như những vật tế nằm trên bàn thờ mặt trời mà không cách gì chống đỡ. Không khí bị nung nóng bắt đầu run rẩy và bồng bềnh. Mọi thứ trở nên lỏng, mọi hình ảnh đều rung rinh và nhạt nhòa như trong một cuốn phim mờ. Chân trời lùi ra xa và nhòe đi, như thể nó tuân theo quy luật thủy triều lên xuống của biển. Tán ô của các cây keo xam xám của bụi bặm chuyển động đều đặn và biến đổi, như thể những người điên đang cầm chúng vật vờ lang thang, chẳng biết phải đi đâu.
Nhưng tệ nhất là cái mạng lưới những con đường đang giam giữ chúng tôi trong cái bùng nhùng xảo trá và ngột ngạt của nó từ vài giờ qua cũng run rẩy và bắt đầu chuyển động. Tôi nhìn thấy cái mạng ấy – cả một mớ hình học rối rắm mà thú thật tôi không thể giải mã, nhưng lại là một phần bất biến, cố định trên bề mặt thảo nguyên xa-van – giờ đây đang dậy sóng và trôi dạt đi. Nó trôi đi đâu? Nó kéo chúng tôi, những người đang mắc kẹt vùng vẫy trong những sợi lưới của nó, đi đâu? Chúng tôi bị cuốn đi đâu đó, Leo, chiếc xe và tôi, những con đường, thảo nguyên xa-van, những con trâu và mặt trời, và một không gian xa lạ, chói lọi và sáng lòa.
Thình lình máy tắt và chiếc xe đột ngột khựng lại. Leo thấy có điều gì đó không ổn xảy ra với tôi, đã vặn chìa khóa ngắt máy. “Đưa tôi” – anh nói – “tôi sẽ lái tiếp”. Chúng tôi cứ đi cho đến khi cái nóng dịu xuống và nhìn thấy ở đằng xa hai túp lều châu Phi. Chúng tôi đến gần. Đó là những căn nhà nhỏ bị bỏ hoang, chẳng có cửa ra vào lẫn cửa sổ. Bên trong có mấy tấm phản gỗ. Rõ ràng đây là nhà vô chủ, chỉ để cho lữ khách nghỉ chân.
Tôi không biết mình đã nằm lên tấm phản như thế nào. Tôi đã dở sống sở chết. Nắng on gong trong đầu. Để thắng cơn buồn ngủ, tôi châm một điều thuốc. Thuốc không ngon. Tôi muốn dụi nó đi và khi bằng bản năng nhìn xuống bàn tay đang hướng về phía sàn nhà, tôi thấy mình đang muốn dập điếu thuốc lên đầu một con rắn nằm dưới phản.
Tôi chết cứng. Tôi tê liệt đến mức thay vì rụt nhanh tay cùng điếu thuốc đang chay về, tôi lại cứ để nguyên nó trên đầu con rắn. Nhưng rốt cuộc tôi cũng nhận thức được tình thế của mình: tôi đã là tù nhân của một loài bò sát chết người. Có một điều tôi biết chắc chắn: không được phép cử động. Nó sẽ lao vào và mổ. Đó là một con rắn hổ mang Ai Cập, xám vàng, nằm cuộn tròn trên nền đất. Nọc độc của nó làm chết người rất nhanh, mà trong hoàn cảnh của chúng tôi – chẳng có chút thuốc men nào – chết là chắc. Có thể trong thời điểm đó con rắn đang ở trạng thái cứng đơ (trạng thái tê liệt và ngủ lịm rất đặc trưng của các loại bò sát này), bởi vì nó nằm yên, không động đậy. Lạy Chúa, tôi phải làm gì đây? – tôi sốt ruột nghĩ, đã tỉnh táo lại hoàn toàn.
- Leo – tôi lớn tiếng thì thào – Leo, rắn!
Leo ở trong xe, đang lấy hành lý ra. Chúng tôi im lặng, không biết phải xử lý thế nào, mà lại không còn thời gian nữa, nếu con rắn hổ mang thức dậy từ trạng thái cứng đơ, nó sẽ lao vào tấn công ngay. Vì không có bất kỳ một thứ vũ khí gì, bất kì một thứ dao rựa nào, không có gì hết, chúng tôi quyết định để Leo lấy một cái can trong xe và sẽ thử đè chết con rắn hổ mang. Đó là một sáng kiến mạo hiểm, nhưng bị bất ngờ với tình thế không mong đợi này, chúng tôi không nghĩ ra được điều gì khác. Phải làm một cái gì đó. Sự chậm chạp của chúng tôi sẽ làm cho con rắn có lợi thế.
Những cái can chúng tôi mang theo là đồ quân dụng của Anh, rất to, có cạnh sắc nhô ra. Leo, vốn là một anh chàng lực lưỡng, lấy một cái can ra và bắt đầu rón rén tiến vào lều. Con rắn hổ mang nằm im, không động đậy. Leo cầm quai can, giơ lên cao và chờ. Anh cứ đứng như vậy, tính toán, định vị, nhắm đích. Tôi nằm bất động trên phản, căng thẳng, sẵn sàng. Và thình lình, trong tích tắc, Leo cầm chiếc can trước mặt, ập xuống con rắn bằng toàn bộ sức nặng của mình. Trong khoảnh khắc ấy tôi cũng đè cả thân mình lên anh bạn. Đó là những giây mà mạng sống ngàn cân treo sợi tóc – chúng tôi biết thế. Nhưng thực ra sau đó chúng tôi mới nghĩ về điều này, vì trong thời điểm ấy, khi cái can, Leo và tôi đổ ập xuống con rắn – bên trong túp lều đã biến thành địa ngục.
Tôi chưa từng nghĩ trong một sinh linh nào lại có nhường ấy sức mạnh. Nhường ấy sức mạnh khổng lồ, khủng khiếp, ghê gớm. Tôi tưởng cạnh của cái can sẽ cứa con rắn ra dễ dàng, nhưng làm gì có chuyện ấy! Tôi nhanh chóng nhận ra rằng phía dưới chúng tôi không phải là con rắn, mà là một cái lò xo sắt đang rung lên, đang đập mạnh, không cách nào bẻ gẫy hay nghiền nát. Con rắn chồm lên và đập xuống sàn với một sự điên cuồng mãnh liệt đến mức bên trong túp lều trờ nên tối mù vì bụi. Nó đập đuôi mạnh đến nỗi nền đất sét vụn ra và tung lên, làm chúng tôi mù mắt vì các mảnh vụn. Đã có lúc tôi sợ hãi nghĩ rằng chúng tôi không xong rồi, con rắn sẽ trườn thoát ra và trong thương tích, đau đớn, điên tiết, nó sẽ cắn chết chúng tôi. Tôi đè mạnh hơn nữa lên người anh bạn. Anh rên lên trong khi nằm áp ngực xuống cái can, ngạt thở.
Rốt cuộc – nhưng điều đó kéo dài rất lâu, như thể vô tận – những cú đập của con rắn hổ mang cũng bắt đầu mất dần sức mạnh, sinh lực, cường độ. “Nhìn kìa” – Leo lên tiếng. “Máu”. Quả thật, theo vết nứt trên sàn đất giờ đây nom tựa như cái đĩa gốm vỡ nát, một dòng máu nhỏ từ từ rỉ ra. Con rắn hổ mang yếu dần, cái can cũng rung lên yếu dần, những cái rung mà chúng tôi cảm nhận suốt thời gian qua và nhờ chúng, con rắn cho chúng tôi biết lòng hận thù và sự đau đớn của nó, những cái rung đã giam chúng tôi trong nỗi sợ hãi và hoảng sợ liên tục. Nhưng giờ đây, khi tất cả đã qua, khi tôi và Leo đã đứng dậy, bụi đất bắt đầu lắng xuống và rơi ra, tôi nhìn lại lần nữa dòng máu nhỏ đang thấm đi rất nhanh ấy, thay vì mạn nguyện và vui mừng, tôi cảm thấy trong mình sự trống rỗng, thậm chí còn hơn thế - tôi cảm thấy buồn, vì trái tim nằm dưới tận đáy sâu của cái địa ngục mà mới đây thôi, tất cả chúng tôi vừa cùng có mặt trong một sự ngẫu nhiên kỳ quặc, trái tim ấy đã ngừng đập.
Ngày hôm sau chúng tôi gặp được con đường đất đỏ lớn bao quanh Hồ Victoria bằng một vòng cung rộng. Theo đường này, sau vài trăm cây số lái xe qua một vùng châu Phi xanh mướt, trù phú, màu mỡ, chúng tôi đến được biên giới Uganda. Thực ra đó không phải là biên giới. Một cái lán sơ sài đứng bên đường, trên cửa có dòng chữ nung trên tấm bảng gỗ “Uganda”. Cái lán trống và đóng cửa. Những biên giới mà vì chúng máu đổ mãi sau này mới xuất hiện.
Chúng tôi đi tiếp. Đã là đêm. Tất cả những thứ mà ở châu Âu gọi là hoàng hôn và chiều tối, ở đây chỉ diễn ra trong vài phút, thậm chí không tồn tại.. Đang là ngày và ngay sau đó là đêm, tựa như ai đó tắt máy phát điện của mặt trời đi bằng một động tác gạt công tắc. Phải, đêm đen xuống ngay lập tức. Trong khoảnh khắc ta đã ở ngay cái tâm đen tối nhất của nó. Nếu gặp nó đang đi qua rừng, ta phải dừng lại ngay: ta không nhìn thấy gì hết, tựa như ai đó thình lình chụp cái bao lên đầu ta. Ta mất phương hướng, không biết mình đang ở đâu. Người ta trò chuyện trong bóng tối như thế, hoàn toàn không nhìn thấy nhau. Họ muốn gọi to lên mà không biết rằng đang đứng cạnh nhau. Bóng tối chia rẽ và qua đó làm tăng thêm nỗi khao khát được ở bên nhau, trong một nhóm, trong một cộng đồng.
Những giờ đồng hồ đầu tiên của đêm là khoảng thời gian thân mật nhất ở châu Phi. Khi đó không ai muốn ở một mình. Một mình? Đó là bất hạnh, là đọa đày! Ở đây, trẻ con cũng không đi ngủ sớm. Chúng ta cùng nhau vào sứ mộng – cả gia đình, cả thị tộc, cả làng xóm.
Chúng tôi đi qua một Uganda đã ngủ say, vô hình sau bức màn đêm tối. Chắc chắn ở đâu đó không xa là hồ Victoria, đâu đó là vương quốc Ankole và Toro, những đồng cỏ Mubende, thác Murchison. Tất cả những thứ ấy nằm trong đáy đêm đen như bồ hóng. Một đêm đầy tĩnh lặng. Đèn pha của chiếc xe xuyên sâu vào bóng tối, trong ánh sáng của nó đàn ruồi, muỗi, bọ cánh cứng điên loạn quay cuồng, chúng xuất hiện dường như chẳng từ đâu, trong tích tắc biểu diễn trước mắt ta vai diễn cuộc đời chúng – điệu nhảy ma quái của côn trùng – rồi sau đó lả tả rơi xuống, bị tấm kính trước của chiếc xe đang lao nhanh giết chết một cách không thương xót.
Chỉ rất thảng hoặc, trong cái khối tuyền bóng tối ấy xuất hiện một ốc đảo ánh sáng, lấp lóe từ xa, một cái lêu màu sắc sặc sỡ: đấy là cửa tiệm Ấn Độ, duka. Trên những núi bánh quy, trà hộp, thuốc lá và diêm, trên những hộp cá mòi và những bánh xà phòng, nhô lên cái đầu được ánh đèn huỳnh quang soi sáng của ông chủ - một người Ấn ngồi bất động, kiên nhẫn và đầy hy vọng chờ những người khách đến muộn. Ánh sáng của các cửa tiệm ấy như thể xuất hiện và tắt đi theo tiếng gọi của chúng tôi, soi sáng cho chúng tôi – tựa những cột đèn đường đơn côi trên phó vắng – trên suốt con đường đến Kampala.
Kampala đang chuẩn bị cho ngày lễ. Vài ngày nữa – mồng 9 tháng Mười – Uganda sẽ tiếp nhận nền độc lập. Những trò chơi và thủ đoạn phức tạp vẫn tiếp tục cho đến tận phút cuối cùng. Mọi thứ trong nền chính trị nội bộ châu Phi và trong từng quốc gia của nó đều rối rắm, phức tạp. Điều đó bắt nguồn từ việc các thực dân châu Âu dưới sự lãnh đạo của Bismarck trong hội nghị tại Berlin, khi chia nhau châu Phi, đã nhồi nhét gần mười nghìn vương quốc, liên bang và các liên minh thị tộc vô chính phủ nhưng độc lập, những gì đang tồn tại trên châu lục này vào giữ thế kỷ XIX, vào trong biên giới của vỏn vẹn bốn mươi thuộc địa. Trong khi đó, nhiều vương quốc và các liên minh thị tộc này có với nhau cả một lịch sử dài những cuộc chiến tranh và xung đột. Và rồi, chẳng hề được hỏi ý kiến, bỗng nhiên chúng cùng nằm trong một thuộc địa, bị cùng một chính quyền (ngoại bang) và cùng một thứ luật pháp cai trị.
Giờ đây, thời đại phi thực dân hóa bắt đầu. Những mối quan hệ liên sắc tộc xa xưa mà chính quyền ngoại bang chỉ làm đóng băng, hay thông thường là lờ đi, đột nhiên sống dậy, lại trở nên nóng hổi. Cơ hội được giải phóng xuất hiện, đúng, nhưng giải phóng với điều kiện các đối thủ và kẻ thù ngày hôm qua lập ra một nhà nước mà họ sẽ là những người chủ, những người bảo vệ và yêu nước đồng lòng. Các đế quốc thực dân xưa kia và thủ lĩnh các phong trào giải phóng châu Phi đã chấp nhận một nguyên tắc: nếu trong thuộc địa nào đó bùng nổ các cuộc nội chiến đẫm máu thì lãnh thổ ấy sẽ không thể giành độc lập.
Quá trình phi thực dân hóa phải được tiến hành – như người ta đề ra – bằng các biện pháp hợp tiến, bên bàn tròn, không có các bi kịch chính trị lớn, bên cạnh đó phải giữ được điều trọng yếu nhất: để sự luân chuyển của cải và hàng hóa giữa châu Phi và châu Âu được tiếp tục mà không gặp trở ngại gì đáng kể.
Hoàn cảnh bước nhảy vọt tới vương quốc tự do đặt nhiều người châu Phi trước sự lựa chọn khó khăn. Bởi vì trong họ có hai kí ức, hai lòng trung thành xung đột với nhau trong mối quan hệ mâu thuẫn không giải quyết được và đầy đau thương. Một mặt, đó là kí ức đã ăn sâu của lịch sử thị tộc và nhân dân mình, về các đồng minh trong hoạn nạn, các kẻ địch phải căm thù, nhưng mặt khác người ta lại muốn hội nhập vào gia đình các cộng đồng tự do, tiên tiến, mà điều kiện của nó chính là rũ bỏ mọi sự cố chấp và mù quáng mang tính chủng tộc.
Đó chính là vấn đề đã tồn tại ở Uganda. Trong biên giới hiện hành, đây là một đất nước nón trẻ mới được vài chục tuổi. Nhưng có bốn vương quốc cổ nằm trên lãnh thổ của nó: Ankole, Buganda, Bunyoro và Toro. Lịch sử ân oán và các xung đột của chúng đầy màu sắc và phong phú như lịch sử chiến tranh của người Celtic và người Saxon hay của người Guelph và người Ghibelline.
Hùng mạnh nhất trong số đó là vương quốc Buganda, thủ phủ của nó – Mengo – là một khu của Kampala. Mengo đồng thời cũng là tên ngọn đồi nơi cung điện hoàng gia tọa lạc. Kampala là thành phố đẹp là thường, đầy hoa, cọ, xoài và nhất phẩm hồng, nằm trên bảy ngọn đồi xanh mềm mại, một phần trong số những ngọn đồi ấy thoải thẳng xuống mép hồ.
Xưa kia trên những ngọn đồi này các cung điện hoàng gia lần lượt được dựng lên: nếu nhà vua băng hà, cung điện sẽ bị bỏ ngỏ, cung điện mới sẽ được xây trên ngọn đồi kế tiếp. Mục đích là để không cản trở người đã khuất trong việc cai trị vẫn đang đươc tiếp tục, dù đã là từ thế giới bên kia. Như thế, cả triều đại cùng cai trị, còn vị vua đương nhiệm chỉ là người trực ban, là đại diện lâm thời.
Vào năm 1960, hai năm trước khi giành độc lập, những người không chịu khuất phục vua Buganda đã thành lập đảng UPC (Uganda People’s Congress – Đại hội Nhân dân Uganda), đảng giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử đầu tiên. Đứng đầu đảng này là công chức trẻ tuổi Milton Obote, tôi đã gặp anh từ khi còn ở Dar es Salaam.
Các nhà báo mà Kampala chờ đón được ở trong các trại của một bệnh viện cũ nằm gần như ngoài thành phố (bệnh viện mới – quà tặng của hoàng hậu Elizabeth – đang chờ được khai trương). Chúng tôi đến đầu tiên, các dãy trại trắng tinh và sạch sẽ vẫn còn vắng hoe. Tôi nhận chìa khóa phòng trong tòa nhà chính phía trước. Leo đã đi lên miền Bắc để ngắm thác Murchison. Tôi ghen tị với anh, nhưng phải ở lại để thu thập tư liệu cho phóng sự. Tôi tìm thấy khu trại của mình, nó nằm ở bên lề, xa xa, giữa những cây me và quế um tùm. Lối vào phòng của tôi nằm tận cuối hành lang dài. Tôi bước vào, đặt vali và cái túi xuống, đóng cửa lại. Đúng lúc ấy, tôi thấy cái giường, cái bàn và cái tủ ở đó tự nâng lên cao, chạm đến tận trần, chúng bắt đầu quay tít mỗi lúc một nhanh hơn.
Tôi ngất đi.
Gỗ Mun Gỗ Mun - Ryszard Kapuściński Gỗ Mun