Forever is not a word…rather a place where two lovers go when true love takes them there.

Unknown

 
 
 
 
 
Biên tập: N.H.K
Upload bìa: N.H.K
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 12045 / 179
Cập nhật: 2016-07-13 10:17:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
7 — Nhà Người Thợ Giặt
I
TRÊN phản, mâm cơm đã bày sẵn. Chánh ngồi chồm hỗm, mở lồng bàn, trông thấy các thức ăn nhưng vẫn hỏi:
— Hôm nay có canh cá liệt phải không má? Chẳng đợi mẹ trả lời, Chánh nói luôn:
— Canh cá liệt nấu với cà chua. Lại có cá nục chiên nữa. Má xài sang quá!
Trên một mé phản, xếp thành từng chồng, la liệt, các quần áo đã là xong, trắng toát, khen khét mùi hồ chín. Ông Mười, hai tay chập vào nhau, ấn mạnh cái bàn là, kiễng chân lấy sức mạnh toàn thân dí miết cái bàn là nóng trên mặt vải, day qua day lại chỗ là cái túi áo cứ cộm lên. Trong lúc đợi cơm, bà Mười nhặt cái quạt tre, phe phẩy quạt lò lửa than đang nướng mấy cái bàn là. Ăn xong, việc của bà là mang quần áo đã giặt đi trả và lĩnh quần áo bẩn về.
— Thôi, không cần quạt nữa. Bà xem giùm cái thùng xíp sôi chưa. Sôi thì bỏ bột vào.
Bà Mười lấy một thanh củi luồn nhấc nắp thùng xíp lên. Hơi nước nóng có pha mùi bột tạt và cái mùi nồng nồng của mồ hôi ở các quần áo bẩn tỏa ra khắp nhà. Không kịp đậy nắp thùng lại, bà Mười hắt hơi một cái to.
— Dạ.
Mặt đỏ bừng, bà đáp, trống không.
Lại hắt hơi luôn một cái nữa, bà lại “dạ”, và nói:
— Ủa, ai nhắc mà nhắc dữ vậy?
Ông Mười đạt cái bàn là lên trên viên gạch để ở mép bàn. Ông lật sấp cái áo đang là ngước lên nhìn vợ rất nhanh rồi lại cúi xuống. Trời bắt đầu đổ tối. Ngọn đèn dầu lửa vàng tù mù làm người ta có cảm giác đêm xuống đã lâu. Ở đám đất hoang trước mặt, cỏ cao lát đầu, bóng chiều đọng lại trong cỏ một thứ cặn. Những con dế, sốt ruột, đua nhau buông những tiếng gáy ri rỉ kéo dài hòa lẫn với tiếng ve kêu lần chót trong các bụi găng rì rào nồng nồng mùi nhựa. Con đường chạy trước nhà đã vãn người đi. Nghề vào lâu rồi. Tốp các chị rỗi, quần xắn cao, vai tròn khỏe, gánh những gánh cá nặng trĩu, chân bước thình thịch, chắc hẳn đã lên tới bến xe ngựa đầu ô. Người đi chơi cũng đã về hết. Ngồi ở chỗ Chánh ngồi, có thể thấy một dải bể dài xanh sẫm, đen lại dần dần. Ngoài khơi, chỗ nối liền chân trời với mặt nước, đã nổi lên những đốm lửa câu mực. Ở cái thành phố tiêu thổ kháng chiến và tản cư này, hình ảnh những cuộc chia tay trên bến tập kết, mấy tháng sau, vẫn còn chập chờn. Đêm tháng chín trở nên lặng lẽ mau chóng. Trên những nền nhà cũ bằng xi măng, người ta mới dựng lén những túp lều bằng tranh, ở mỗi nhà leo heo một ngọn đèn nhỏ. Giữa hai nhà là hai nửa vườn thường thường trơ trụi, ở đấy bóng tối tung hoành, lùng nhùng loãng như nước mà những căn nhà mỏng mảnh như đang trôi bập bềnh. Ngoài tiếng côn trùng, chỉ còn nghe có tiếng sóng ì ầm dội lại từ biển rộng, và tiếng thình thình chăm chỉ từ chiếc bàn là bằng sắt mà người thợ giặt chốc chốc lại đập chận lên trên mặt chiếc chăn mền.
Ông Mười làm, không nói, mặt dán xuống mặt vải. Hai vợ chồng chỉ mới trở lại nghề này có hơn một tháng thôi mà trông ông Mười làm, bà Mười có cảm giác như ông vẫn đứng như thế, hai mươi năm nay không gián đoạn. Ấy là từ cái ngày hai vợ chồng cùng ba đứa con nhỏ bỏ cái đồn điền cao su ở Dĩ An về, thôi nghề nấu bếp, dành dụm được ít nhiều về quê mở một hiệu giặt là. Từ ấy đến nay, sáu đứa con khác ra đời, đứa chết, đứa hy sinh, đứa đi. Sự túng thiếu nghèo khổ thoạt đầu tưởng chỉ ghé qua, đến nằm hẳn trong nhà, có khi gây nên bất hòa giữa cha mẹ và con cái. Toàn dân nổi dậy cướp chính quyền, và cuộc kháng chiến xáo trộn hẳn cuộc đời trước kia. Những cuộc tản cư liên miên hết làng này đến làng khác, miếng ăn kiếm bằng đủ mọi nghề, cái cảm giác ngượng ngùng, khổ tâm khi thấy đời sống vất vả không cho mình tham gia bằng như mọi người. Rồi có những đứa con lớn lên. Khác hẳn trước, sống ở đâu đâu nhiều hơn ở nhà, mà lại điều khiển hết mọi việc gia đình, từ việc ở, ăn, cho đến việc học hành của mấy đứa con nhỏ. Những đứa con lớn lên không mang lại được cho nhà thêm một đồng xu nhỏ như những bố mẹ già nghèo thường mong mỏi, nhưng chúng lại vẫn như cái lưng cái vốn của gia đình. Con Bảy đang học lớp tám mừng rú lên khi có tin được chọn ra Bắc học. Thằng Sáu chớm đến tuổi trưởng thành, nhất quyết xin vào bộ đội khi giặc Pháp càng lên thị xã, đi ngay vào chuyến tàu thứ nhất. Thằng Năm đã hy sinh trên một mặt trận phía Nam, mất đứa con đó lòng cha như đánh mất một viên ngọc, nhận được tờ giấy báo tử sờ sờ ở trên tay rồi, làm lễ truy điệu rồi, mấy năm nay vẫn cứ mong mỏi là không phải. Con Bốn góa chồng, có hai con mọn, lại là cán bộ, chuẩn bị đi chắc chắn và lặng lẽ, ngày ngày nựng con, ngay trong nhà ông bà ngoại, khhông giấu giếm nỗi mong ra ngoài kia gặp gia đình bên nội. Thằng Tám là văn công, ra Bắc năm trước, vừa cùng toàn đoàn trở lại phục vụ đồng bào khu Năm, đẹp đẽ, giỏi giang, khác hẳn, mang cái hình ảnh rực rỡ của miền Bắc, làm phấn khởi, xao xuyến, háo hức mọi người ở đây, nhưng cũng lại ra đi rồi. Còn lại Chánh, cái thằng út ít mười một tuổi đầu, ban phụ trách Đoàn văn công quân đội cũng mấy lần đến nài ông bà cho đi để ra ngoài kia đào tạo. Không, trong những ngày chiến thắng, mọi người đều lấy làm tự hào về những khó khăn, vất vả mình đã trải qua, khó khăn vất vả biến thành niềm vui tất cả. Người ta đánh giá từng gia đình một cách giản đơn, bằng số con cái đi kháng chiến, đi tập kết trong nhà. Chính lòng tự hào đó, niềm vui đó đã làm nhẹ đi rất nhiều nỗi lưu luyến của những buổi chia tay, và làm cho người ta bình tĩnh, thật bình tĩnh khi chia tay rồi, thành phố vợi đi. Đáng mừng thật chứ, cho những đứa con: ra ngoài kia, tương lai chúng không cùng! Nhưng các bố mẹ già ở lại, bên cạnh nỗi mừng cho con, cho nhà, vẫn có một chút khổ tâm gì như là ghen tị.
Song anh con trai cả ở lại. Khương vốn ít nói, anh nói đâu có một lần: “Chỉ bộ đội mới phải đi. Còn những người khác không nhất thiết”. Anh chỉ nói thế thôi đấy, nhưng cha mẹ đã lấy làm vững bụng. Bản thân anh không sửa soạn gì cả, không có ý kiến gì thu xếp gia đình, như mọi lần anh đi vắng lâu không về. Ông bà cũng không rõ rồi con sẽ giải quyết đời sống ra sao, nhưng dường như rồi sau đây, lần đầu, Khương sẽ về nhà ở lâu dài cùng cha mẹ. Mỗi lần về nhà, Khương chỉ nói niềm vui về những đứa em: “Ra miền Bắc, sau hai năm về, thằng Sáu sẽ thế này, con Bảy sẽ thế kia, ba má nghĩ coi, nhà mình mà con cái được vậy có kỳ lạ không?” Kỳ lạ chứ, kỳ lạ chứ, không cần ai giảng giải, những người già sống mòn trong cái cảnh khổ nghèo thấy rõ hơn ai hết điều đó. Chính điều đó làm cho họ đủ lòng can đảm trước cái bóng tối đang lan dần tới. Suốt một cuộc đời dài đã nhẵn mặt cái bóng tối ấy, sau tám năm dưới chế độ mình, giờ lại như là lần đầu mới thấy mặt nó. Cũng có những điều muốn hỏi, nhưng Khương ở lại, hỏi con sau cũng không muộn.
Bất ngờ một đêm có tiếng đập liếp rất gấp. Khương lách vào, dáng điệu bối rối, xúc động rõ ràng, ôm lấy hai vai mẹ, đặt vào tay mẹ một gói tiền nhỏ, nói hấp tấp: “Lại phải đi. Trên quyết định chiều hôm qua, đi từ sáng giờ mới tới”. Anh vẫn cố mỉm cười: “Tưởng chuyến này, con với ba được làm việc với nhau”. Người xuống bến rầm rập ở ngoài đường. Đã gấp lắm, nhưng Khương thấy dù sao cũng không thể ra đi ngay như vậy. Anh ôm lấy đứa em nhỏ vào lòng, chần chừ mãi, an ủi mãi cha mẹ: “Mười bốn tháng nữa, cũng nhanh thôi”. Gay cấn nhất của nhà trong những năm dài là nuôi không nổi con, bây giờ các em đã ra đi gần hết, vì thế về mặt ấy, anh không ngại cho cha mẹ nhiều. Vả, Khương còn có một cô em gái kề ở lại. Quý cũng thương cha mẹ, lại có đồng ra đồng vào.
Nhưng chính vì vậy mà, giây phút cuối cùng đó, ông Mười có đôi chút không bằng lòng con trai. Ông không bằng lòng con vì anh nói với ông những lời thường tình mọi người vẫn hay nói. Vì anh chỉ thương cha mẹ, mà không thấy từ đây, ở đây, cụ thể là cha mẹ anh sẽ thay anh trong cuộc đấu tranh. Có một lúc, ông Mười muốn nói với con nhiều điều nữa nhưng không còn đủ thì giờ.
Bà Mười đứng ở lề đường trông tiễn con. Chánh chạy theo anh một quãng xa. Khi lại vạch liếp trở vào nhà, Chánh hơi ngạc nhiên thấy bố còn thức, ngồi yên chỗ cũ. Ông Mười ngửng lên, chăm chăm nhìn đứa con út, giọng hơi vỡ đi:
— Còn Chánh, chừng nào con đi?
Nói gay là cái tật của cha mỗi khi ông mích lòng. Chánh còn bé, em không hiểu được vì sao cha mích lòng, nhưng ngay hôm đó, em quyết định ở lại. Đứa bé chẳng nói với ai vì sao. Em cũng không hiểu được cho thật rõ sự thay đổi đột ngột của mình. Ngày ấy và những ngày hôm sau, em cứ chạy ra bãi bể nhìn một cách thèm thuồng các chiếc tầu neo ở ngoài khơi. Cuối cùng, em xin phép lên chơi trên nhà chị Ba, ở Đập Đá, để lại nhà một bức thư lễ phép và vụng về, nhờ bố đưa cho Đoàn văn công quân đội nếu có người đến hỏi.
Chị Ba. Trong mọi gia đình, vẫn hay có một người con hướng đi trong đời khác hẳn các anh, em. Có phải người đó thường là con gái lớn không, yên phận, tần tảo, thực tế như mẹ, không có tham vọng gì cao xa. Quý, em kề Khương, là một người đàn bà như thế. Đức, chồng chị, mở hiệu ảnh ở Đập Đá. Hòa bình lập lại, phim thuốc mua được dễ hơn, người ở người đi đều cần một chiếc ảnh lưu niệm. Đức làm việc đó gầy rộc đi nhưng chẳng mấy chốc có được một ít tiền. Ông cha vợ xin giúp được một lô đất ở sát ngã tư phố, vốn là một khoảnh nền nhà ngân hàng Pháp — Hoa cũ, Đức gửi tiền về nhờ ông trông nom xây cho một căn nhà gạch: khi việc chuyển quân hoàn thành, hiệu ảnh ở Đập Đá dời về đó. Suốt đời Đức chỉ có một mơ ước: trở nên chủ một hiệu ảnh lớn. Đức bận tíu tít. Biết mình không có đủ tiêu chuẩn đưa cả gia đình ra Bắc, Đức cũng không băn khoăn gì nhiều. “Các em cứ yên tâm mà đi — anh viết cho Bốn, Sáu, Bảy... như vậy. — Ba má sẽ về sống với anh chị, trông nom hàng họ cho anh chị, chẳng phải làm gì đâu. Ông bà đã già rồi, để cho ông bà an dưỡng”. Quý cũng biết ý định của Đức về Chánh. Nó sẽ học nghề và phụ việc ở nhà, rửa, in, chụp — đi học chữ làm gì nữa. Một dự định sắp xếp như vậy, Quý thấy lờ mờ không lấy gì làm hợp lắm với sở thích chung của nhà. Nhưng Quý không dám cưỡng lại ý chồng: từ những ngày cùng khổ đầu kháng chiến, có khi chồng đi trước xách một nồi đồng chè đậu xanh, vợ bưng một rổ bát theo sau, lội hết các chợ vùng quê, được như ngày nay, không phải ăn bữa sáng lo bữa chiều, ấy là nhờ lòng kiên nhẫn và tháo vát của Đức cả. Quý vẫn thương anh cả, phục anh, nhưng nhiều lúc nghĩ có lẽ Khương không thực tế bằng Đức thật. Các thứ vật liệu lúc bấy giờ giá rất rẻ. Với tiền dành dụm được, Đức mua thêm máy chụp, máy phóng, phim, giấy, sắp sẵn mọi việc một cách chắc chắn, có ý định sẽ phân việc nào cho người nào ở trong nhà, sửa soạn để làm ông chủ. Sắp xếp cho bố mẹ vợ, cho em vợ một đời sống phụ thuộc vào anh, vào đời sống sẽ qui mô của anh như vậy, anh tin một cách thành thật là không có con đường nào khác. “Ông bà già cũng đã đến tuổi cần được nghỉ ngơi. Trong nom công việc nhà, chơi với các cháu, thế thôi, các em không phải lo”. Các em vợ nghe lời cắt đặt đó có hơi ngờ vực, nhưng cũng chẳng có cách nào dễ hơn. Vả, phải tạm xa nhau như thế này, ở người đi kẻ ở nào mà chẳng nảy lên thêm ít nhiều dũng cảm và ý muốn đùm bọc thương yêu mới! Ông Mười có vẻ xuôi theo ý kiến đó. Cái nhà lá làm quán bán phở dựng ở lò đất bên cạnh, được giá, ông đã bán đi. Ông bà và Chánh dọn sang ở bên mấy căn nhà gạch mới, đợi hiệu ảnh chuyển về.
Nhưng Khương người con trai trưởng vừa ra khỏi nhà, ông Mười liền nói ra điều vẫn nghĩ, làm cho chính Quý ngạc nhiên. Khi thấy bố tỏ ra hiểu tính chất công việc do Đức cắt đặt, Quý phát khóc. Chị phàn nàn:
— Ba lại trở lại nghề thợ giặt! Anh cả đi rồi, ba muốn làm gì ba làm hay sao?
Ông Mười nhìn con gái không đáp. Quý nhắc lại cho bố nhớ:
— Dưới đó còn hẻo lánh lắm, hai ông bà già tối lửa tắt đèn biết gọi ai! Thời thế bay giờ may ít rủi nhiều! Thằng Chánh thì còn nhỏ.
Quý làm ra mặt giận, xách nón ra xe ngựa trở về Đập Đá. Nhưng chị cũng giao cho Chánh một trăm bạc bảo đưa cho ba để làm vốn.
Không phải chỉ một gia đình ông bà Mười dọn về nữa dưới đường Khải Định. Khu Hai khu Mới, khu Một, những nơi ấy động việc gì xảy ra cũng có người biết, lại gần trụ sở ủy ban quốc tế, người về ở đông. Nhưng bên cạnh lẽ ấy, còn có tiếng gọi của mảnh đất cũ, khu vườn cũ với những kỷ niệm dù thường thường không phải là sung sướng. Những khu vườn bây giờ đen dày những cỏ sắc cao quá thắt lưng. Thỉnh thoảng, một dày hoa giấy màu tím bò lên trên một đống gạch ngói vụn. Những người bỏ thành phố ra đi giờ trở về dựng lại hoặc một túp lều, hoặc vài căn nhà con bằng gạch ngói cũ đào lên từ hầm cất giấu, hoặc từ nhà quê chở về bằng đường sông. Lều tranh hay nhà bằng gạch cũng nhỏ, cũng tồi tàn tạm bợ, thế mà trở về đó, người ta vẫn như nghe thấy một hơi hám nào thân mật và quen thuộc. Những người trở về cắm cây tre dựng túp lều lên trên chính là cái nhà gạch cũ thấy mình thiếu thốn nhiều thứ. Những năm kháng chiến, từ chỗ trong tay không có nghề gì, nay cầm cái này, mai bán cái khác, cho đến lúc dừng lại hẳn trên một mảnh đất tăng gia, đối với ai cũng vậy, nghèo là một chuyện thường. Nhưng đó là dưới “chế độ mình”. Còn bây giò là “chế độ nó” chế độ người bóc lột người đây, chế độ không có quyền không có tiền không được đây, những người đứng tuổi, những người già đã có kinh nghiệm: nghèo là một sự bất trắc vô song. Nhưng cuộc sống những năm qua đã cho người ta một niềm tự hào không thể tắt. Không ai phàn nàn kêu ca gì. Mọi người cố gắng xứng đáng với những đứa con tám năm dài không được ăn bát cơm nóng canh sốt của gia đình, bây giờ vì nhiệm vụ, lại đi ra hẳn ngoài vòng săn sóc viếng thăm của cha mẹ.
Các chủ cũ lại trở về các chỗ ở cũ, với một mảnh ba viết bằng mực xạ số nhà ngày trước. Có nhà, lạ thật, vẫn còn giữ được cái bảng chữ số bằng sắt tráng men. Nhà ông Mười số 4. Số 4 như ngày trước. Bên trái số 2, cũng lại cửa hiệu sửa chữa xe đạp của ông Lại. Bên phải, số 6, là nhà ông Lang; ông Lang mang chiếc Đơ la hay tòng tọc đi kháng chiến, giờ lại mang nó trở về thành phố, chở khách đi Hội An khứ hồi, chiếc cam nhông đít vẫn còn cái bình gadôden quay quạt bằng tay. Bên kia đường là dãy nhà số lẻ. Số 1 vẫn là nhà lão Trần Thại: năm trước, Tây đổ bộ lên, lão dắt díu vợ con xuống tàu, bây giờ điềm nhiên lão lại về đó, đang dựng lại cửa hàng đại lý bán săm sốp, sắp mở lại ga-ra chữa ô tô như ngày trước. Lão mua một cái ghế xích đu, như cái ghế xích đu ấy lão vẫn cất giấu ở đâu tám năm nay, chiều chiều lão nằm tréo mảy, quạt phe phẩy, mắt lim dim, cạnh các đống cát sạn và vật liệu làm nhà. Nhà số 5, bác Hải, anhphiếcme, vừa góa chồng, ở Huế vào xây lại nhà, sắp đợi thằng con trai út đỗ đốc-tờ ở bên Pháp về mở bệnh viện tại nhà đây. Và nhà số 3 ở trước mặt. Cái nhà số 3! Ba người lớn tản cư ba hướng giờ về nhập làm một, gia nhân còn đông hơn trước nữa kia. Bà mẹ, mụ Dục, đã già, mặc quần lụa trắng mỏng, diện kiềng vàng, như tám năm qua vẫn khao khát làm bà lớn, ngày hồi cư đầu tiên đã thấy ngồi xếp bằng, nhai bỏm bẻm bên cái cơi trầu bằng đồng, xuổng lệnh cho người nhà muối mắm bán sỉ. Người con trai cả, Võ Minh Châu, l’antrepreneur như anh ta in trên các giấy hóa đơn, chuyên nghề thầu cơm lính cơm đồn, đi tản cư sống bằng nghề cho vay lấy lãi, buôn lậu, buôn tráo thuốc tây, một dạo bị Chính phủ ta bỏ tù. Đứa con trai đầu của anh ta chán bố — hay vì sao còn chưa có thế biết được — bỏ nhà đi ra Bắc, không phải bằng tầu tập kết mà bằng đường bộ. Đối với tình hình, Châu có vẻ dè dặt. Sang nhà gặp ông Mười đang giặt một tônô lớn quần áo, anh ta nói an ủi: “Thôi, làm ăn cốt qua ngày. Đợi đằng mình về sẽ hay, cậu. Rồi đây nhà cậu không vượt hết mọi nhà sao?” Nhưng mấy hôm nay, Châu lại xin được thầu cơm tù. Nhà lao của đối phương thiết lập ở cái nhà dài lợp mái tôn vốn là trụ sở uỷ ban quân cảng. Mỗi chiều, mấy người đàn bà gia đình Châu nấu nướng trên nhà lao kĩu kịt gánh những thùng thiếc đầy cơm nguội đỏ, cả nước gạo nữa, về nhà ông chủ thầu.
Khúc đường nhựa trước mặt nhà, những hôm trời nắng, phơi đầy ruốc, chà rinh, cơm cháy. Chị rỗi nào đi qua không chịu tránh, mụ Dục ngồi trên phản the thé gọi giật chửi. Như ngày trước.
Võ Minh Sổ, em kề Châu, bị phung mòn, bàn tay đã cùi hết mấy đốt. Hắn không cầm được đũa, phải ăn cơm bằng thìa. Hủi ăn mòn một gân chân, chân thẳng chân vẹo, hắn đi lạch bạch như vịt. Cũng làm nghề như anh, vào trại lính Tây, mỗi lần về kẹp nách hai viên gạch bọc giấy cẩn thận, y như người ta gói bánh. Thế mà hắn làm được nhà gạch. Nhà đang xây dở thì kháng chiến. Hắn gỡ các vách chở đi. Gộp luôn bàn, tủ, đá hoa, các nhà láng giềng vắng chủ. Năm ngoái, Tây đổ bộ lên, hắn ló mặt, đưa giấy tờ cũ, xin Tây lại cho thầu thịt. Tây bị đánh phải rút, Sổ bị chính quyền ta bắt, nhốt vào khu hủi ở Qui Hòa bên kia đèo. Giờ nó lại về đó.
Lúc nào cũng thấy hắn mặc cái áo xítpenxe đũi cụt ngủn kỳ cục, tay phe phẩy một ngọn roi gân bò. Mỗi buổi sáng bây giờ hắn còn sai người nhà vào nghĩa địa Tây ở ngay phía sau, gỡ và khênh về những tấm đá mặt bia bằng cẩm thạch. Hắn nói có ý định đi Sài Gòn chữa bệnh, đợi có ít tiền.
Hắn qua nhà, hỏi trịch thượng:
— Con cái đi hết rồi hả? Đủ lông đủ cánh, bỏ trơ lại ông già bà già, lại đun đầu vào cái nghiệp cũ!
Để điểm cho câu nói láo xược ấy, hắn cười hì hì:
— Thôi, cậu mợ cứ chịu khó làm mà sống. Ai như thế nào còn có trời biết. Có gì tui giúp cho. Thời thế cái con chó!
Hắn vung cái roi gân bò đánh “bạch”! một cái vào chân và quay ra. Ông Mười giận run, ngồi xuống phản, bảo vợ:
— Bà phải coi chừng cái thằng đó.
Coi chừng, coi chừng cái gì? Bà mẹ không thể nào thấy được cho thật rõ. Người đàn bà già ngay thật đó vốn sống bằng lẽ phải, và chiến thắng đã cho bà một suy nghĩ đơn giản: đến thằng Tây ta còn đánh cho phải hàng nữa là! Những kẻ bên kia là những người có tội, nhưng Chính phủ ta đã khoan hồng: còn không thấy tội ư, không cảm ơn chính phủ khoan hồng ư? Họ không lấy công chuộc tội, đợi bên ta về ư? Họ dại gì! Nhưng ở quãng dưới phố này, trên bề mặt, mọi việc đột ngột lặp lại y như hồi chưa có cách mạng, nên bà cũng hơi bỡ ngỡ. Người đàn bà vốn có gì nói nấy đó lần đầu biết cần phải đối xử khác đi với những quen cũ, kín đáo hơn. Hai vợ chồng già trở về sống ru rú với đứa con út trong khu vườn trở nên quá rộng vì mái nhà tranh tạm bợ quá nhỏ. Ông giặt, bà kéo nước đổ vào tô-nô, cho thêm củi vào bếp đun thùng xíp; hoặc ông đứng là, bà ngồi cạnh quạt lửa hay nấu ăn. Chạng vạng, khi đống quần áo bẩn tối qua giờ đã lại thoảng cái mùi nửa bùi nửa khét của bột gạo, ông lật quyển sổ con đọc số hàng đã nhận, đọc đến đâu chồng lại từng chồng đến đó, mỗi chồng đánh dấu bằng một mẩu giấy con. Bà lấy một chiếc khăn trắng to, đặt tất cả quần áo giặt là xong đó, gút lại hai gút. Bà nhấc mấy cái bàn là ra dồn lại một chỗ, tưới nước vào cho nguội đi và đặt ấm nước lên trên bếp lửa than vẫn còn hồng. Xong, ông bà và Chánh mới ngồi vào mâm cơm đang chờ sẵn. Cơm xong, bà bảo Chánh:
— Chánh, đi với mẹ, con!
Hôm nào cũng một câu như vậy. Đi trả quần áo đã giặt và lĩnh quần áo bẩn về là công việc của bà và Chánh. Chánh đi theo để đọc và ghi hộ mẹ. Đêm nào Chánh cũng đi, đêm nào bà mẹ cũng thấy cần phải an ủi con. Nếu có các anh chị nó ở nhà, nó không đến nỗi khổ thế. Nó đang tuổi ăn tuổi chơi. Nhưng, khác hẳn với hai con chị nó, mười hai mười lăm năm trước, Chánh làm việc đó không lấy làm xấu hổ mà lại có vẻ thích thú nữa kia. Đến nhà các khách hàng, Chánh đứng nép bên mẹ, kín đáo nhìn vào mẩu giấy con bố ghim lên mỗi chồng quần áo, thầm đếm lại số quần áo mẹ giao trả, và dõi theo những dòng bút chì các khách hàng ghi vào sổ khi đưa loạt quần áo bẩn mới. Chẳng mấy ai chú ý đến nó, nhưng khi ra đến ngoài đường, cùng đi với mẹ dưới các bóng đen nhạt đung đưa của các cây bàng hoặc cây sục sạc, thế nào Chánh cũng nói với mẹ một nhận xét ngộ nghĩnh và hai mẹ con nức lên cười.
Tối hôm đó, bà Mười lại hắt hơi một cái nữa và lại “dạ”. Bà gắt lên, sốt ruột:
— Ủa, nhắc gì mà nhắc mãi vậy?
Chánh biết mẹ nghĩ đến ai sau khi hắt hơi, “dạ” và gắt lên trống không như thế. Bà tin như thế là có ai ở xa nhắc tới bà, có việc gì sắp xảy tới, có việc gì phải đề phòng. Nhưng Chánh không trêu mẹ như mọi khi. Chánh còn đang mải đọc nhẩm một cách kỳ quặc một bài thơ vốn là bài đọc thuộc lòng ở lớp năm cũ, cứ đọc hai chữ em lại bỏ một chữ. Khi sắp tập kết, mọi người đều quen nghe bài thơ đó nên bà mẹ cũng thuộc. Vì Chánh không trêu như mọi bận nên bà không nghĩ lâu trong năm đứa con và hai đứa cháu ngoại ra đi, đứa nào giờ này nhắc đến mình.
— Chánh, mày đọc cái gì mà lạ thế?
Chánh đang đọc suôn sẻ, bỗng vấp, dừng lại. Em ngước lên, mở to hai mắt hơi xếch — “mắt thằng anh nó” — hơi nhíu mày một chút nhìn ra xa. Những đốm lửa câu mực giờ đã đỏ đều, sin sít thành một dãy dài, thẳng từ núi Phương Mai sang Giành Ráng. Cù lao Xanh vốn nằm chính giữa, giờ như chìm đi đâu dưới mặt biển chỉ còn nhô ngọn đèn pha vàng đục, lập lòe. Chánh bật cười, đáp:
— Thế là con nên đi học rồi đấy, má.
Đọc không xuôi tức là nên đi học. Em đã đem điều vẫn băn khoăn ra bói thử như vậy. Thế là nên đi học. Lần đầu, em nói điều đó để dò ý cha mẹ.
— Ở nhà, con!
Bà liếc nhìn ông. Đi học! Mười mấy năm nay, nhà này khổ vì việc đó, ông Mười nhiều lần nói ra như vậy. Miệng ăn trong nhà ngày càng đông, đứa nào cũng đòi đi học, chẳng đứa nào chịu bỏ ngang kiếm lấy một nghề! Đáng lẽ những đứa lớn, có chữ có nghĩa tàm tạm với người ta rồi nên tự kiếm lấy ăn để cha mẹ nuôi những đứa em nhỏ. Hoặc những đứa lớn nên đồng ý cho những đứa nhỏ hơn đi bán cái bánh cái trái, đỡ cho gia đình được lưng cơm bát gạo! Nhưng ý của ông không được ai theo, cả vào những năm khó khăn nhất, Khương buộc các em phải chằm nón, nuôi gà để học.
Bà Mười liếc nhìn chồng, sợ thay cho Chánh. Nhưng ông Mười có vể không để ý.
— Sáng nay, má đi chợ gặp chị Ba mày. Nó bảo mày lên ở với nó cho vui, phụ làm ảnh với anh Ba. Trên đó, công việc nhiều, kiếm người không ra.
Chánh nói:
— Vì vậy mới đi học!
Bà mẹ hiền lành không hiểu tại sao Chánh lại nói vì vậy. Bà chỉ ngờ lờ mờ vì Khương có dặn lại, và thằng em cứ một bụng với lũ anh:
— “Họ” dạy toàn chuyện phong kiến đế quốc, học làm gì?
Chánh bật lên một tiếng cười lảnh. Em vừa có vẻ tự tin, vừa khinh miệt cái trường em sẽ đến học.
Ông Mười gấp chiếc áo, dận chiếc bàn là lần nữa lên các ve áo, một tay đặt chiếc bàn là lên mặt phiến gạch, một tay đặt chiếc áo vào chồng quần áo đã sắp trên mặt phản. Công việc trong ngày, về phần ông, thế là xong.
Ngồi vào mâm, ông mới bảo Chánh:
— Mai, đi xin giấy đi.
Đến lượt Chánh không đáp. Em nghĩ về sự đổi ý đột ngột của cha. Tính tình cha vụt đổi khác. Đối với Chánh, con út, đứa con nhỏ độc nhất ở lại, ông dịu ngọt hơn. Song, tính trầm lặng, ông càng trầm lặng hơn. Việc gì ông cũng có vẻ suy nghĩ nhiều, đắn đo mãi, rồi đột ngột quyết định, có khi trái hẳn với ý nghĩ ban đầu, như về việc học của Chánh. Tại sao ba lại lạ như vậy, bây giờ Chánh hiểu rõ hơn mẹ.
Như việc đã thỏa thuận rồi, bà Mười hỏi chồng:
— Con nó đi học thì việc nhà xếp đặt ra sao, mình?
— Việc gì? — Ông mười vặn.
Chánh trả lời mẹ:
— Như cũ thôi: tối tối, con vẫn đi giao quần áo với má.
Ông Mười không nói gì thêm. Nhà bây giờ chỉ có ba người, nhiều việc trở nên đơn giản. Miễn là họ để cho mình sống yên ổn. Ai ai cũng thầm tính như vậy, và ai ai cũng chờ đợi những biến cố đột ngột có thể xảy ra. Cánh cửa lớn và hai cánh cửa sổ phía trước nhà bao giờ cũng đóng kín mít để tránh cặp mắt soi mói của những thằng như thằng Sổ Vẹo. Và để nép nhìn kín đáo sang bên kia, ở đó người ta cũng đang theo dõi mình. Ở cái thành phố này, bây giờ lại trở về gần đông đủ những bộ mặt cũ với chiếc ghế xích đu, cái roi gân bò, những giọng chửi rủa, kẻ cả, bên kia đường, và cửa hàng xe đạp, hiệu thợ giặt, chiếc Đơ La hay tòng tọc bên này đường, nhưng bên trong, sự tình đã khác. Những bức vách, những cánh cửa ván khép kín biết rõ hơn ai hết điều đó. Chưa có việc gì xảy ra ở đây cả, nhưng những điều họ đã làm trước khi đến đây, ở Duy Xuyên, Chợ Được, Cây Cốc, Bình Dương, lai lịch những tên nhảy ra làm việc, giọng lưỡi thù hằn và khoác lác chúng dùng khi nhắc đến những người vừa đi với cái nhà lao đầy ắp, (gồm có những ai? chở từ đâu đến?) buộc ai cũng phải ngờ vực và đề phòng. Nắng mùa thu miền Nam màu vàng mật, một chút hơi nước thoáng trong không, sóng biển trở nên ồn ã, phố xá cứ rậm rịch từ lúc mành vào đến lúc lên đèn; tuy vậy, người ta vẫn có linh tính những ngày tới sống chẳng dễ dàng gì.
Bà Mười ngồi vào mâm, kể lại chuyện mới xảy ra ở nhà Quý. Bữa ăn nào cũng vậy, bà mẹ cũng chỉ nói chuyện về đứa con gái lớn.
Hai vợ chồng nó giận nhau vì mình dọn đi, vì thằng Chánh không chịu lên. Con Ba dẹp cái hàng xén đi rồi. Ngồi hàng xén thì nhà trong chẳng ai viết biên lai. Bọn lính cũng quá lắm. Không có người già, chúng không nể. Thằng Ba nó hờn. Hòa bình rồi, hết khó khăn rồi, ba cần gì bọn nó.
Hết khó khăn rồi! Ông Mười thở ra. Chánh xí một tiếng. Chợt hai cha con gióng tai. Chánh vội đặt đũa xuống mâm, chân quờ guốc. Bà Mười ngăn con lại:
— Biết ai! Để má ra.
Ông Mười đứng dậy, nói độc đoán:
— Để tôi.
Chỉ mỗi việc ra xem ai gọi cổng bây giờ cũng phải dè chừng, cẩn thận, người này tranh với người kia. Đối với cái gia đình này bây giờ, không còn bà con thân thuộc nào nữa, người nào đến giờ này cũng là chuyện không tường, và sự có mặt của họ có thể sẽ thay đổi xáo lộn tất cả. Nhưng ông Mười chưa kịp bước xuống hết cái bậc gạch cũ, đã thấy dáng một người con gái hiện ra từ bóng tối. Không đợi người nhà, chị đã lách cánh cửa gai, đi men theo vách nhà, vòng qua cái giếng cũ có thành vôi, bước vào cái sân gạch lồi lõm, đi lối sau mà vào. Bây giờ chị đã đứng sững dưới cái riềm lợp lá kê, cạnh bếp lửa than vẫn còn hồng, trên đó ấm nước đã bắt đầu reo. Chị mặc một bộ quần áo đen, tóc để xõa, mấy sợi lòa xòa hai bên má, vai đeo thõng dọc theo cánh tay phải một chiếc túi vải bằng xi ta xám. Ánh lửa hắt lên, rực sáng một cặp mắt mở to, sững sờ và mệt mỏi. Ba người trong nhà ngửng lên nhìn người khách mới đến, chờ đợi đến mấy tích tắc. Và bỗng người con gái vùng chạy đến ôm lấy hai vai bà Mười:
— Má!
II
Bà Mười vuốt tóc người con gái dỗ dành:
— Khương nó đi rồi.
Cô gái vẫn úp mặt vào vai bà, gật đầu, ý đã biết điều đó. Con không liên lạc kịp với anh. Chúng nó vây chặt một phần, gia đình ngăn giữ một phần. Bước đi một bước, mẹ con theo sát một bước. Vả, chẳng có ai đưa đi, chẳng có người quen nào. Chúng nó đã vào tới sông Vệ, lính tráng đầy đường, má tính làm sao cho con đi một mình được! Anh Khương con có đợi con nhiều không hả má? Con vô đây thăm má. Từ nay má nhận con là con dâu, nghe má!
Người con gái nói thỏ thẻ, giọng Đà Nẵng thanh và ấm. Những lời chị nói, nhất là giọng chị nói, làm cho bà mẹ mủi lòng. Chao ôi, má có đến ba người con gái mà đến bây giờ mới có một đứa gục đầu cách này nói thật như vậy, yên lặng cho má vuốt ve! Hơi thở của chị luồn vào cổ mẹ âm ấm, dễ chịu. Bà mẹ ôm siết lại lưng chị, khe khẽ, nước mắt muốn ràn ra.
Ông bó đi lui lại phía đầu hồi gióng tai nghe ngóng. Mặc hai người đàn bà với nhau, ông trở ra cái sân gạch vòng qua giếng, ra đứng bên hàng rào nhìn ra. Khi ông đi qua Chánh ngước lên nhìn bố: nét mặt ông vẫn phẳng lì, chẳng có gì thay đổi. Chánh cầm lấy quyển sổ hàng đã đặt sẵn bên trên cái khăn gói, lên tiếng giục:
— Đi đã, má!
Những ngày sau chót, Khương đâu có ghé về nhà. Bà mẹ không rõ con trai có đợi hay không. Dẫu nó có về nhà, nó có đợi, mẹ cũng không biết được: thằng ấy, nó kín lắm. Bây giờ nghe nói mẹ mới hay. Chắc hẳn là nó phải đợi chứ, và thế thì tội nghiệp nó biết bao. Trên ba mươi tuổi đầu rồi, em gái đứa nào cũng bầy con, mà ông anh cả vẫn trơ trọi! Cả đời nó xa nhà, ăn mắn ăn muối, thèm lạt cái gì không ai hay, ốm không ai biết, rét không ai biết. Mấy năm nay, càng bước về già, hai ông bà càng mong mỏi con trai cả lấy vợ. Đã rất lâu, ông Mười không hay nói những điều mình nghĩ riêng với vợ nữa, vậy mà gần đây có lúc ông thổ lộ bật ra lòng mong đợi ngấm ngầm của ông, tuy ông chẳng bàn, chẳng hỏi Khương bao giờ. Còn Khương, anh tuyệt nhiên không nói với bố mẹ việc đó; chuyện tình yêu là chuyện riêng của tuổi trẻ, chỉ có thể nghiêm trang thưa với cha mẹ khi nó chắc chắn đã thành lễ nghi. Mà trong suốt cuộc đời bôn ba của Khương trước đây, yêu thương chưa lần nào bén đến mức lễ nghi cả. Bà mẹ có nghe mấy đứa em gái nói đùa loáng thoáng mỗi lần một khác. Bà mẹ hiền lành chỉ nói với con trai: “Mày kén làm gì kén dữ vậy. Đứa nào làm dâu má cũng được, con. Ba mày không nói nhưng má nóng ruột lắm đó”. Khương đỏ mặt một chút, gượng cười. Những lúc ấy, anh cũng cảm thấy mình có lỗi với cha mẹ. Nhưng anh không nói.
Người con dâu tên là Hảo đến với bà, bỗng làm rõ rệt một ý mong muốn vẫn lẩn khuất trong trí bà từ ngày các con đi, nhà cửa ba mươi năm trời trở nên hiu quạnh. “Giá có vợ con nó ở lại nhà với mẹ!” Câu nói ấy thoáng đi thoáng lại, thầm thì trong tận sâu thẳm lòng mong ước của bà mẹ già. Bỗng mong ước không đâu ấy thành sự thật. Con dâu của má đây đây. Nó cũng xinh, nước da trắng, cũng thùy mị như các con gái khác của má, nhất là cặp mắt sâu và to, sao mà giống thằng Khương! Bà mẹ bắt đầu thương, bắt đầu gắn bó, bắt đầu lẫn lộn.
— Đi đã, má.
Chánh lại giục. Muộn rồi thật. Cần giao hàng xong và trở về nhà trước giờ giới nghiêm, tám rưỡi. Bà mẹ đứng dậy, vui vẻ bảo Chánh:
— Cất cái túi cho chị Hai, con.
Hảo cầm tay đứa em nhỏ, cảm thấy sự êm đềm của bàn tay mảnh khảnh và bé bỏng ấy trong tay mình. “Em!” chị nói. Chánh ngước cặp mắt lấp lánh nhìn chị, cười thân mật. Như thường khi có điều mừng rỡ, bà Mười cuống lên. Bà nhấc cái ấm nước sôi đã lâu, xúc đổ một lớp tro mỏng lên mặt than, gấp lại cái chăn trên bàn là, lồng một ngăn cặp lồng đưa cho Chánh cầm, quàng vào vai cái khăn gói đã buộc chặt và bảo Hảo:
— Má đi một chút xíu rồi má về ngay. Kẻo đến giờ cấm rồi. Qua phố, má sẽ mua cho con bát mì, bát cháo. Chắc con đã đói lắm. Hãy rửa ráy một chút cho khỏe. Nước đây, con. Ở nhà, nói chuyện với ba.
Và bà mẹ nói chân thật:
— Má mừng lắm con ạ.
Người con gái ngồi trên phản, xoay mình lại. Bà cụ khoác cái tay nải trắng toát to trùm hết cái lưng, cùng em nhỏ lần trong bóng tối. Chị xúc động. Như thế đấy, cảnh nhà từ nay chị đến ở, công việc chị sẽ làm. Chị đã được anh em nói cho biết trước mọi điều. Không gì đáng ngạc nhiên cả.
Khó nhất là câu: “Con là dâu của má đây”. Đối với một người con gái đồng trinh, khó nhất là câu nói đó. Thế mà chị cũng nói được. Khi nói câu đó, lòng chị cảm động một cách thành thật. Chị chưa biết mặt Khương, nhưng tâm sự của chị cũng là như vậy. Trong buổi chia tay, sau buổi đó, ở nhiều người con gái và con trai miền Nam, vẫn lẩn quất một hối tiếc bâng khuâng về những cơ hội nào đó đã bị bỏ mất, có thể làm cho đời mình vui hơn. “Con là con dâu của má đây”. Khi nói câu nói không thật đó, Hảo cảm thấy mình rồi sẽ gây nên nhiều điều rất khổ tâm về sau, nhưng đồng thời, chị cũng có cái cảm giác thật lạ. Vì câu nói ấy, chị tất rồi có lần nói trong đời, — một bà mẹ chồng thể nào trong đời rồi chị chẳng có lần tìm đến — hôm nay chị đã nói. Và vì một cái gì còn thiêng liêng hơn, lớn hơn cái mà người ta gọi là tình yêu nữa. Với tất cả tấm tình yêu ước đang rung lên xao động trong lòng, với tất cả phẩm chất và mối nhiệt tình chân thật của người chiến sĩ hoạt động, tuy là người chiến sĩ còn rất nhiều bỡ ngỡ, lần đầu làm một công tác tương đối quan trọng và ở ngoài địa phương mình. Chị cũng có nghĩ đến Khương, nghĩ nhiều nữa kia. Lý lịch, tính tình, công việc của anh ta, chị đã biết tỉ mỉ hầu như thuộc làu. Mấy năm nữa anh ấy mới trở về. Lúc anh ấy trở về, không biết mình ở hoàn cảnh nào. Anh ấy sẽ lạ lắm, không hiểu thế nào cả. Nếu anh ấy hiểu thì cũng tha lỗi cho mình. Trong hoàn cảnh từ nay của miền Nam, sẽ còn diễn ra, vì lợi ích của đấu tranh bao điều khó hiểu và kỳ quặc. Trong việc này, giữa anh ấy và mình, mình chịu nhiều hy sinh hơn.
— Đồng chí...
Đang suy nghĩ miên man, Hảo chợt giật mình. Ông Mười mới trở vào nhà, thấy người con gái ngồi thừ ra, bắt đầu xưng hô như vậy, cũng chợt lo lắng vì những âm thanh bất giác buột ra ở chính miệng mình. Ông nhìn vội ra cánh cửa ngoài vẫn đóng kín và bắt đầu nói lại, hạ thấp thêm nữa giọng nói vốn đã rất thấp. Ông ghé ngồi xuống bìa phản trước mặt Hảo. Tay cần phải làm một cái gì để giúp trí óc nghĩ, ông tẩn mẩn mở cái chụp lấy que gạt cái hoa đèn. Đến lúc ấy, ông mới nhất quyết được trong việc gọi người con gái ấy bằng “con”:
— Ba rất sung sướng được có con vào đây ở với ba má.
Ông dừng một lát.
— Có đứa con lớn, nhà cửa cũng đỡ hiu quạnh. Chỉ hiềm nhà ba má nghèo. Con thấy đó...
Hảo ngước nhìn ông cụ, người đồng chí già hôm nay mình tiếp xúc. “Đồng chí”? Một người cha, một ông cha chồng hiền lành, chất phác. Một đợt đấu tranh bắt đầu. Hai con người, một già một trẻ, vì cuộc đấu tranh, gặp nhau và phải đóng một vở kịch, họ đóng khéo biết bao. Cũng không phải chỉ là kịch, chỉ là công tác. Cô gái không hết bỡ ngỡ. Sao tài quá vậy? Như vậy đó, Khương ạ, một người khác anh đã mục kích, và cảm phục cái phút đầu tiên, ông cụ anh trở thành chiến sĩ. Tôi cũng thế. Nếu không có việc gì xảy ra, tôi còn đi học ở trường huyện. Tôi cũng buộc phải trở thành chiến sĩ. Hảo bỗng ngậm ngùi nhớ đến cha đẻ. Ông cụ đây có những nét thật giống với cha mình. Toàn bộ dáng điệu và cử chỉ của ông Mười có cái gì thật thân cận với chị. Tuy mới đến đây chưa đầy nửa tiếng, cô gái đã có cái cảm giác lạ lùng và dễ chịu mình từ lâu là người quen.
Ông mười vặn to ngọn đèn:
— Ba đã tin cho anh em biết rồi.
Hảo giật mình. Bằng cách nào vậy. Bao giờ vậy?
Ông Mười nhếch mép:
— Nhà này có ba người, người nào cũng tin cậy được. Có điều...
Hảo phải cố gắng mới nghe được.
— Có điều... đối với má con, con là con dâu. Nó tên là Khương, con nhớ chứ. Phải làm cho má đinh ninh như thế. Điều này là cần. Má con là đàn bà, một bà già...
Hảo chưa kịp đáp, ông cụ đã nói câu sau rốt:
— Thôi, con nằm nghỉ.
Ông chỉ cái chõng:
Con nằm đây.
Cô gái đương cần nằm một lát. Giác quan bốn ngày căng thẳng, chị mỏi mệt hết sức. Chị nằm xuống chõng. Đêm mới bắt đầu. Hơi mát lạnh của gió biển run rẩy luồn qua cành các cây phi lao còn sót, phả vào trong nhà những thoáng rợn. Trên vạt đất hoang dày đặc bóng tối, cỏ xao từng hồi. Mái lều như cũng rập rờn theo sóng vẳng lại từ xa.
Khi cô gái tỉnh dậy, bà mẹ và đứa em trai cũng vừa về.
— Con nó đâu rồi mình?
Nghe ông cụ đáp:
— Để yên cho nó ngủ.
Bà cụ lại nói:
— Hèn nào đang quạt lửa, tôi hắt hơi ba bốn cái liền. Nó có ở luôn với mình không hả ông? Con nhỏ, tôi mới thấy mặt, bắt thương liền.
Ông Mười quay sang bảo Chánh:
— Nhỏ vào nghiên mực cho tao một giọt nước. Mày hì hà hì hục cái gì đó?
Chánh đang băn khoăn trước một tờ giấy rộng trải lên mặt phản.
Em đang viết đơn xin vào học.
Ngày lao động của gia đình người thợ giặt bắt đầu từ tối ngày hôm trước. Ông Mười thả cái khăn gói đầy quần áo bẩn vợ vừa đem về, xem xét từng chiếc quần chiếc áo, lật các túi mà chủ đã lục rồi, xem vẫn còn sót cái gì có thể làm hỏng cả nồi quần áo không. Quần áo lụa giặt riêng bỏ một bên. Khăn tay, khăn mặt cột nối lại với nhau thành một dây dài. Các ký hiệu trên các cổ áo lưng quần, chữ nào mờ, ông Mười quẹt đầu bút lông lên nghiên tô đậm thêm. Bà Mười xắn tròn hai ống quần, ra giếng khệ nệ xách vào từng gầu nước nặng đổ vào thùng xíp. Nước sôi, bà trở lại phản lấy gói bột-tạt vừa mới mua về, bẻ vụn nửa gói bỏ vào nồi. Ông Mười gấp quyển sổ ghi hàng, tất cả chỗ quần áo bẩn thả vào đó. Bà Mười ngồi canh lửa cho đến khi nồi xíp sôi lần nữa, nước muối và bột bẩn trào tóe lên trên ống cù lao. Ông Mười lấy một cái chậu to ngâm các quần áo bằng lụa, lại một chậu nữa để ngâm quần áo của thằng Vẹo (nếu có quần áo của nó). Ông cẩn thận gấp quần áo của thằng phung ấy bằng hai cái que. Rồi ông lấy một cái khóa và một sợi xích to, đậy nắp và khóa thùng xíp lại.
Thường thường, vừa vặn lúc đó, tiếp xíp-lê nổi lên inh ỏi ở các phố. Tiếng còi cuống quít kéo dài như người ta đang hớt hả rượt bắt săn đuổi ai. Tiếng còi thứ nhất vừa dứt, tiếng thứ hai lại rú huýt lên liền. Một chiếc xe bánh xích chạy ầm ầm qua các phố nghiến nát các con đường nhựa. Bọn lính đứng trên đe chừng các nhà, thét líu ríu trong cổ họng, thỉnh thoảng quạt vu vơ vào bóng tối một tràng súng máy. Hai ông bà già, nâng hạ vội tấm riềm lá kè, thổi phụt ngọn đèn dầu.
Hảo lại rùng mình như những đêm trước trên đường đi ở Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Bồng Sơn. Một đêm nào đó, chiếc xe bánh xích ấy sẽ ngừng ngay lại ngay trước nhà này, rồi nghiến đè lên hàng rào mà vào: chị sẽ chạy thoát bằng cách nào? Chúng sẽ điệu chị về ngay giữa ngã ba Chợ Bà. Chúng gọi mẹ đẻ chị ra, cho bà tận mắt thấy cảnh chúng khảo chị. Chao, má của con! Trời ơi, đất ơi, con của má. Nhưng bà cụ đã sờ soạng nằm xuống chõng bên cạnh chị “Thôi đi, đừng có nhỏ em!” Một giọng nói trong lòng cất lên phàn nàn như thế. “Cô tưởng cô bé mãi đấy! Bây giờ đến lượt cô lớn lên, đến lượt cô cùng lớp thanh niên như cô, thế hệ mới, đảm nhiệm lấy việc đời, đưa tay ra giữ lấy ngọn cờ, bổ sung vào đội ngũ, thay cho những người vắng mặt. Nếu cô sợ, sáng sớm ngày mai, cô cúi gằm mặt xuống, xin lỗi, trở về cũng chưa muộn. Cô lại ngồi ở cái giường bán hàng xén trước cửa hiệu trồng răng của ba cô, tiếp tục sống cuộc đời khi trước, nếu có thể gọi như thế là đời! Có cô ngồi đó, bọn lính sẽ đến rất đông ở cửa hiệu của ba cô, đứa nào cũng cần hàm răng bịt răng cả, cốt lân la ném thư cho cô thôi mà. Để đến một ngày nào đó, ba cô sẽ nài: “Con ơi, con hãy thương ba má. Con hãy bằng lòng lấy một đứa để nhà ta được yên. Họ phá cái nhà này mất!” Từ ngày chúng nó tập kết đến, gia đình cô trở về thị trấn Chợ Bà. Cũng vẫn là cái nghề cũ trong kháng chiến thôi nhưng sự hoan hỉ thái quá trong nhà về việc mua thạch cao, xi măng, vàng làm răng được dễ dàng hơn, khách hàng đông hơn, công việc làm ăn phát đạt nhanh chóng, sự mừng rỡ đó và bao nhiêu toan tính khác trong nhà, rút cục làm cho cô ngờ ngợ. Vụ Chợ Được xảy ra, mấy ngày mấy đêm, đồng bào người người lớp lớp đấu tranh với Mỹ — Diệm. Chúng nó đến giở trò giết chóc, khủng bố ngang tàng, mọi người đứng dậy chặn tay chúng lại. Nhà cô sợ “tên bay đạn lạc” dời đi nơi khác! Cô đi theo nhưng trong lòng thấy nhục. Cái điều bỉ ổi một hôm xảy tới. Một tên lính ngụy nhăn nhở vứt vào trong tay cô một bức thư. Nó gọi cô là “quí nương”: “Nếu quí nương có lòng đoái thương, tôi nguyện có thể làm hết mọi điều cô sở thích để ái tình của đôi ta được mãi xinh như mộng, quí nương sống trong phú quí giàu sang, gót sen không bao giờ phải lấm bùn”. Cô trố mắt, bỗng lạnh mình, thấy một cách thật rõ ràng cuộc đời ghê tởm mà nếu buông xuôi, cô sẽ tiến lần tới. Làm sao, làm sao, làm sao? Một buổi trời chập choạng tối, cô ra đi. Cô tạm bỏ tất cả, bỏ cái áo nhung ba cô hứa sẽ mua chuyến đi Huế lần sau, đứa em gái út rất kháu, bà mẹ tóc đã bạc mà cô rất thương. Cô chỉ mặc một bộ quần áo bà ba, cặp một chiếc nón đã xơ, tay không, đi tới với cách mạng. Cách mạng không ở đâu xa, thế là hai thế giới khác hẳn. Các anh các chị ấy, tưởng ai, hóa ra toàn là người trong vùng cả. Họ khen cô có lòng, cô làm đúng, “nhưng nếu còn phân vân, thấy gian khổ quá sức chưa chịu đựng nổi thì tạm thời trở về cũng được”. Tưởng người ta chê bai mình, cô mủi lòng, khăng khăng xin được cùng theo anh chị em.
Một lần nữa, dòng hồi tưởng của cô gái bị cắt đứt. Bà mẹ vừa xoay mình, bỗng khẽ nắm tay chị. Bà nắm nhè nhẹ cái lòng bàn tay đó, ngập ngừng một lát, rồi mơn man ngược lên trên cánh tay của cô gái. Trong bóng tối mát lạnh của ban đêm, giữa tiếng rập rình xa xa của sóng biển, bỗng bà áp khẽ mặt bà lên bên mái tóc Hảo. Hảo run lên, toàn thân và tâm hồn kinh ngạc và sửng sốt. Trong một thoáng, chị lại nhầm lẫn: cử chỉ âu yếm của bà mẹ chị mới gặp xao động lại trong tâm tư chị cả quãng đời thơ bé, hình ảnh bà mẹ đẻ của chị. Tận cùng sự sửng sốt và xúc động, chị cảm thấy bà mẹ khe khẽ lần mò trong đêm tối rồi đeo vào cổ cho chị một cái gì, đúng cái dây chuyền vàng mà chập tối, chị thấy ló ra một chút trên cổ bà.
Sợi dây chuyền vàng, tiền bán lại gian nhà lá và lô đất trên nền nhà ngân hàng đầu phố. Chỉ mới vừa thấy Hảo, bà liền nghĩ ra rằng món trang sức thật ra là một món tiền tiết kiệm bà đeo trên cổ đây, là bà để dành cho nàng dâu cả của bà: ba má dù nghèo cũng cũng thể không có gì cho con, con dâu của má.
— Tội nghiệp, lặn lội vào đây mà tìm má! Má trông con lắm. Má trông quá trông chừng!
Vừa lúc đó, chiếc xe bánh xích của Diệm rỏn qua lượt nữa, sào sạo, ầm ầm với tiếng lên đạn lắc cắc.
III
Suốt đêm hôm đó, ông Mười không ngủ. Lần về thăm nhà ấy, Khương ạ, nếu anh ngồi nán lại nghe ba anh nói rõ những điều ông muốn nói, nếu anh giúp được cho ông cụ một lời, chắc ông không đến nỗi băn khoăn trằn trọc quá như vậy những đêm như đêm nay. Đối với lớp trẻ chúng ta khi nói đến khả năng cách mạng của quần chúng, ta thường quên bố mẹ chúng ta. Vả, đối với anh, Khương ạ, vẫn phải nói một điều nữa: “Mười bốn tháng nữa, kể từ chuyến tàu sau rốt, nào có là bao...”. Phải nói rằng nhận thức của anh lúc bấy giờ đơn gản và ngây thơ, có phần mơ hồ.
Lúc bấy giờ, hòa bình vừa lập lại. Khó khăn cũ đã qua. Khó khăn mới chưa tới. Lần đầu được ngồi với con trai trong bầu không khí êm ả, ông Mười muốn tâm sự. Ông nhận thấy rất rõ ràng là bây giờ bà con ở lại phải gánh lấy cái gánh nặng giữ gìn những thành quả đạt được rất khó khăn của cách mạng.
Ấy là vào những ngày ngùn ngụt, da diết sau những vụ Chợ Được và Cây Cốc. Lúc bấy giờ, anh không muốn đi ra Bắc, Khương ạ. Ra Bắc, trên đất nước độc lập và hòa bình, chao ôi, tuổi trẻ có thể cất cánh bay lên đến tận đâu, ai nói được cho cùng! Nhưng sao anh vẫn có cái tâm trạng như đi không đành. Anh vừa ở thị xã Công-tum về chưa được bao lâu. Những vết máu ở Tam Hải, ở Chợ Được, ở Cầy Cốc... khi “đối phương” chỉ vừa mới đến, những vết máu trên các con đường lấp lánh nắng anh từng đi công tác qua, thuộc từng chặng như muốn ghì chân anh lại. Anh tưởng mình được ở lại. Mọi việc trong những ngày ấy còn dự định, còn xếp đặt như vậy, nên anh không suy nghĩ thêm, không chú ý nhiều về những lời ba anh nói.
— Anh em có bàn công việc với ba...
Không, bây giờ xa rồi, Khương không thể nào nhớ ra được đoạn sau câu ba anh nói. Anh chẳng chú ý nhiều. Anh cho là còn nhiều dịp khác, về sau anh sẽ chú ý. Anh còn mãi ngừng lại lắng nghe tiếng rì rầm quen thuộc và màu nắng vàng tươi mát và chào mời, luôn luôn chuyển động, của vùng biển quê hương. Nếu anh có chú ý, Khương ạ, ông cụ anh tất đã làm được dễ dàng hơn một số việc thật là cực nhục khi tổ chức lại cuộc đời. Không phải bố mẹ anh khi cần phải sinh nhai thường thường bị hút vì những cách làm dễ dãi của cuộc đời “hạ tiện” cũ đâu. Trước khi “khai trương”, phải đi chào hàng lấy khách, ông cụ đã suy nghĩ mãi nên đi chào ai và không nên đi chào ai. Quần áo của lũ Trần Thại và Vẹo, ông ghét lắm, nhưng không nhận không được. Mình đi kháng chiến tám năm trời không phải để bây giờ đi giặt quần áo cho cái ngữ ấy. Công việc đã bắt tay vào, nghĩ đến đó, ông lại muốn bỏ. Nhưng cuộc đời mình sống bây giờ, có còn đâu chỉ là mình sống cho chính mình, làm cho mình mình. “Anh em có bàn công việc với ba...”. Khương ơi, lời ấy của cha anh vốn có cái nghĩa tâm sự như thế.
Khi tiếng còi giới nghiêm hét lên như ngựa rượt ở các phố, ngọn đèn dầu lửa độc nhất trong nhà đã phải tắt phụt đi, bếp nấu quần áo cũng phải phủ đi bằng mấy xẻng tro, hai cha con cùng sờ soạng tìm đến nằm xuống trên cái phản ở ngoài nhà. Chánh bắt đầu thầm thì, tỉ mẩn kể cho bố nghe những điều đáng chú ý em vừa thấy ở các nhà.
Nhà Châu có tải về một thùng tộ sành. Người ở nhà ông ta vẫn còn phàn nàn là chưa đủ, cả phạm cả lính những một trăm hai mà chỉ có trăm cái tộ. Còn bác Hải, mấy hôm nay chẳng thấy về đâu. Trong túi cái áo ngủ của anh Cấu có mẩu giấy nhỏ viết bút chì, ba tìm thấy chưa?...
Thốt nhiên, ông Mười khẽ bấm con một cái. Chánh nín bặt, hai cha con cùng lắng nghe. Trời làm động, rung bấc hay sao, phía Gành có những dây sấm nhỏ. Một cơn gió nổi quạt lên đám cỏ cao trên khoảnh đất hoang. Mấy trái phượng rơi vỡ với một tiếng “tách” khô khan và lê đi trên mặt đường nhựa. “Không — hai cha con cùng nghĩ thầm — không phải tiếng chân người đi vào trong sân”. Không có gì kể với cha nữa, Chánh dần dần ngủ thiếp. Ông già một mình nằm ôn lại những việc xảy ra từ chập tối. Khương ạ, mẹ mày thèm dâu con như thế đó! Mới nghe nói, tưởng thật, vồ lấy ngay người ta. Thật tội nghiệp, một mai bà già biết ra là không phải, bà chẳng sống được đâu. Nhưng muốn cho Hảo trú ngụ được yên ổn ở nhà này, trước hết, phải làm cho bà già tin.
Hơi thở âm ấm của đứa con trai út phả vào mặt ông Mười. Những lúc ở nhà một mình với cha, Chánh hay khúc khích cười trộm mẹ vì nỗi mẹ ngây thơ, và có hơi lẩm cẩm. Ông cha và đứa con trai sống với nhau, cảm thấy dễ chịu trong một công tác bí mật, một già, một trẻ lần đầu tiên thấy mình được làm, và làm một việc quan trọng, lần đầu tiên được góp phần cụ thể vào công việc chung, được thay thế những người đi vắng và sắp sẵn để mặt đối mắt với quân thù. Không phải ông Mười không lo sợ cho con. Nhưng nào có cách nào khác? Chánh làm tròn công việc giao cho một cách khôn ngoan và dễ dàng: việc của em là làm sợi dây liên lạc giữa bố em và anh Cầu ở đầu phố, với những mẩu giấy nhầu nhỏ, “bỏ quên” trong các áo quần lĩnh về hay mang giả. Cùng với việc ấy, em phải để ý xem xét mọi việc ở các nhà em cùng mẹ đến. Với những điều con kể, ông Mười ráp lại, dần dần vẽ lại được một bức tranh chung về hoạt động trong thành phố. Những đứa có oán với kháng chiến đã trở về, thôi cái rụt rè lúc ban đầu, nay đã ra miệng chế giễu mọi người. Những đứa bụng dạ muốn đổi thay từ lâu nay cũng dần dần rõ mặt. Cũng có nhiều người co lại, lo lắng một điều gì không rõ, sắp xảy tới. Ngày đêm họ ru rú ở trong nhà. Trên các đường phố mà bụi cây đám cỏ um tùm vẫn còn nhiều hơn nhà cửa và những con người, kinh nghiệm cho họ biết thủ đoạn thông thường của “đối phương”: sau khi “thân ái” chào vẫy, ấn vào tay người ta một lá cờ ba que, chúng mở một cuộc “cứu tế” tuyên bố mở lại trường, hiểu dụ cất nhắc người vào các cơ quan, khi không còn một danh từ đường mật nào là không được dùng nữa, ấy là lúc sự khủng bố trả thù bắt đầu. Những chiếc xe bịt kín chập choạng tối mới vào thành phố, chạy luôn vào trong nhà lao rồi trở ra ngay. Lại trở ra thành phố, là những chiếc xe gì? “Nhà Châu vừa thấy tải về một thúng tộ sành. Người ở nhà ông ta vẫn còn phàn nàn là chưa đủ. Cả phạm cả lính những một trăm hai mà chỉ có trăm cái tộ”. Số phạm nhân tăng lên, số phạm nhân ấy từ đâu tới? Số đồng bào các xe bịt kín chở tới lần sau cùng có phải là những đồng bào trong cuộc đấu tranh ở Duy Xuyên, chúng nó mang về giam ở Hội An, rồi lại tráo trở chở đi nơi khác cho phi tang không? Có phải là số đồng bào mà anh em Duy Xuyên, mà Hảo đang đi tìm để bảo vệ tính mạng cho họ, và lấy chứng cớ để tố cáo bọn Mỹ—Diệm ra trước Ủy ban quốc tế và dư luận hay không? Trong bóng tối của sự xảo trá, kẻ thù vẫn làm cái việc thường ngày của nó, tâm địa chẳng dịu đi, chẳng đổi thay một chút nào. Những sự điều động rậm rịch xê dịch những len lét thì thào chỉ trỏ ở các đám đông, nhất là giọng dọa dẫm láo xược thù hằn và rất đỗi “anh chị”, tất cả những cái đó chẳng hứa trước một điều gì tốt đẹp.
Bỗng ông Mười lặng người đi: giữa hai ngọn gió xao lên những ngọn cỏ và tiếng côn trùng ở bên ngoài, ông vừa nghe có tiếng động khẽ: lẹp... quẹp rồi lẹp... quẹp. Đúng là có tiếng chân người. Người ấy đứng đây, ngay cạnh đầu phản ông nằm đây, chỉ cách có một tấm riềm lợp lá kè. Yên lặng đến nghe được tiếng thở phì phò của hắn. Yên lặng đến nghe được tiếng đập thình thịch của quả tim mình. Và nghe tiếng nước trong cái thùng xíp ở bên ngoài chốc chốc lại trào lên lục rục. Chúng nó dò, vẫn dò mình đêm đêm, rõ ràng là như vậy. Thế đấy, cuộc sống đâu có dễ dàng. Cuộc đấu tranh đâu có dễ dàng. Lẹp... quẹp, lẹp... quẹp, tiếng chân rón rén nhè nhẹ quay ra, thành thuộc, chẳng phải dò dẫm lần mò gì. Lẹp... quẹp: tiếng chân thọt, không những thọt mà... vẹo!
— Dậy, bà!
Gà gáy canh Năm. Một cánh cửa sổ đẩy mạnh va vào vách đánh “cạch!” một tiếng khô khan ở nhà ông Lang, vườn bên cạnh. Có lẽ Vẹo nó cũng vào đấy. Hôm nay ông Lang nghỉ xe, vì là ngày họp “liên gia”. Chẳng nghe tiếng xôn xao của hành khách, tiếng người lái xe và người phụ sửa soạn dụng cụ lục cục lạc cạc xếp buộc hành lý như mọi khi.
Bà Mười trỗi dậy, nói ngay: “Chống riềm lên giùm mình!”. Và bà đến góc nhà, lấy gàu đi ra giếng. Bà sẽ xách đầy hai thùng tô nô nước trong lúc ông đốt lại cái lò than, đun ấm nước, uống xong cốc nước chè đặc thường lệ. Rồi ông tháo xích, mở nắp nồi xíp, vớt quần áo đã luộc ra. Hơi nóng trong nồi bốc lên ấm và nồng tỏa khắp một góc khu vườn nhỏ. Quần áo vớt ra chất đầy mấy cái chậu to. Ông Mười sẽ đứng giặt một mình cho đến lúc mặt trời lên độ hai con sào, bắt đầu xả nước lã. Bà nấu cháo sáng, quét dọn xong, giúp ông vắt các thứ màn và chăn to.
— Cho con làm với!
Hảo trỗi dậy theo bà mẹ. Giấc ngủ tuy ngắn nhưng làm cho chị bình tĩnh và lanh lợi hơn. Chị búi lại mớ tóc xõa, thay một cái áo cánh vải đen. Công việc lao động ở nhà này chẳng lấy gì làm khó, nhưng tốt nhất là phải cẩn thận. Vả, chị thấy trước rất cụ thể, như chị đã thấy nhiều lần rồi, những việc thế nào cũng xảy ra cho cái thành phố này, và điều đó làm cho chị trở nên dũng cảm và nhẫn nhục. Chị lại cố mỉm mười, khi thay áo, cảm thấy cái khoan khoái của một người bước vào một đời mới. Và biết mình đã vượt qua nỗi bỡ ngỡ ban đẩu.
Ông cụ ngăn chị lại ở ngạch cửa xuống nhà dưới:
— Khương đây.
Ông cụ đưa cho chị một chiếc ảnh cỡ bưu thiếp. Người con gái cầm lấy đưa chiếc ảnh vào sát ảnh đèn. Chị hơi giật mình nhìn thấy mặt người trong ảnh. Như ta hay sửng sốt, buổi ban đầu khi ta gặp người mà ta biết trước có để ý đến ta, có yêu ta. Chị lại mỉm cười nữa rồi bỏ vội chiếc ảnh vào trong túi.
IV
Người con gái bắt đầu mó tay vào chậu thau quần áo bẩn vừa vớt ở thùng xíp ra và vặn lại thành từng lọn còn ấm và nồng mùi bột tạt. Chị cúi xuống nhặt lấy một lọn rồi đứng vào chiếc bàn giặt trước mặt “cha chồng”. Chị bắt đầu trải chiếc áo ra thì ông Mười bất giác có một cử chỉ như muốn ngăn chị lại. Nhưng vừa rảy mạnh bàn tay cho bọt xà phòng rơi xuống đất, ngoẹo đầu sang một bên vai để lau mặt, ông cũng vừa nhận thấy tường tận khuôn mặt trắng hồng của Hảo dưới ánh sáng ban ngày. Người con gái có vẻ cam chịu, đúng hơn, bình tĩnh và thản nhiên với công việc mới, với nhiệm vụ của mình. Chị trải cái áo ra, cầm lấy cục xà phòng xát, rồi lại chải bằng cái bàn trải rễ tre. Cử chỉ chắc chắn, không chút ngợ ngàng. Chị có vẻ thành thạo, quen thuộc công việc, như người con dâu thực trong nhà vẫn giúp bố chồng một bàn tay đắc lực. Cái áo của con đang làm đấy là của lão Trần Thại. Nói cho thực ra, nó là một thằng Việt gian. Mồ hôi của nó đấy, của cái giống ấy đấy, con xem... Thoạt tiên, ba không muốn cho con làm là vì thế. Bàn tay đàn bà con gái, hãy để mà giặt giũ cho chồng cho con.
Chỉ nghĩ thầm mà ông Mười có cảm giác như mình đã nói. Và thấy như nhẹ đi nỗi cô độc vẫn đè nặng lên hai vai. Và như thế đấy mà, Khương ạ, một người con gái hai mươi tuổi đến nương náu ở gia đình anh năm bữa nửa tháng, cũng có thể chỉ là đôi ba ngày, dần dần biết rõ hơn hết thảy mọi người khác, hết thảy mọi người đàn bà khác, về anh. Có thể là trong cuộc chiến khốc liệt ở miền Nam, một ngày nào đó, chị sẽ sa vào cạm bẫy của quân thù Mỹ — Diệm và ngà xuống. Sau này, khi đất nước được thống nhất, anh trở về nhà, cha mẹ già anh và thằng em nhỏ của anh bấy giờ đã lớn sẽ kể lại cho anh nghe chuyện chị Hảo nào đó, và câu chuyện ấy có thể làm cho anh nghĩ ngợi, băn khoăn, lướt qua trăm nghìn câu chuyện éo le, kỳ lạ khác của gia đình như một ánh sao băng vằn qua bầu trời một vệt sáng. Cũng có thể là Mỹ — Diệm không làm thế nào mà động vào người, mà ám hại chị được, vì chị trẻ và khỏe, và dần dần sẽ trở nên một chiến sĩ dạn dày, hay trở nên một bậc anh hùng, ai biết. Chị sẽ điềm nhiên, thẳng thắn tìm đến gặp anh và kể cho anh nghe, với một mối thương yêu lẫn hàm ơn trong giọng nói làm cho chính anh cũng bỡ ngỡ, rằng cha mẹ già anh đã sống như thế nào, đi tới với cách mạng như thế nào, hằng ngày trông ngóng anh và chết anh dũng như thế nào. Tất nhiên là chị sẽ không hé răng nói nửa lời về mối tình kỳ lạ của chị đối với anh bây giờ mới được gặp, nhưng mà như thế đấy, trong đời anh, đó là người con gái đầu tiên suy nghĩ nhiều về anh...
Cô gái dần dần biết hết từng chặng đời tuổi trẻ của Khương, anh ưa ai, không ưa ai ở trong nhà, quý riêng đứa em nào, tính anh lầm lì ít nói, ngay thật song không thực tế, ba mươi tuổi đầu rồi mà đôi việc còn chứng tỏ chưa thật là chín chắn. Anh sống lúc nào cũng có vẻ vất vả, không được sung sướng. Với những lời tỉ tê tỉ mẩn của bà mẹ, người con gái ấy có biết thêm cả những điều lặt vặt chẳng hạn như “tạng người anh vốn háo, mâm cơm cho anh thế nào cũng phải có canh, anh thích nhất canh dứa hay canh dưa hồng, hôm nào không có canh, mẹ phải thay vào một cốc nước đun sôi để nguội.
Người cha đi thẳng vào việc:
Chỉ có thế thôi ư?
— Ba cho là dễ à?
— Anh em tính trước rằng con có thể cày cục cho được vào làm trong nhà lao. Phải mất đến hàng tháng; nhưng không biết có thật có số bà con ấy ở đây không?
— Chỉ biết có chở người ở nơi khác tới. Có lẽ không cầu xin vào làm trong nhà lao đâu. Có cái nhà bên kia kia.
Hảo kinh ngạc vụt ngoảnh nhìn ra ngoài đường, chỉ nghe sào sạo đều đều tiếng bàn tay gụt vải. Bọt xà phòng trắng xóa ùn lên từng đụn cao rồi vỡ đi thành một dòng nước nhỏ chảy xuống mép bàn. Nhà mụ Dục bên kia đã chống riềm lên. Bọn người nhà, quần xắn lên tận nửa bắp đùi nâu láng và lực lưỡng, bặm miệng khệ nệ khênh từng nia chà-rinh lớn ra đổ và rải ra trên mặt đường nhựa. Gió bỗng chốc toát lên một mùi hăng mặn. Một người đàn ông cao lêu khêu hơi khòm, ở đâu vừa đi vào. Ông Mười thầm thì:
— Người đó tên là Châu. Nhà bên đó.
Và bỗng nhiên, ông nói hấp tấp:
Nhà Châu vừa thấy tải về một thúng tộ sành. Người ở nhà ông ta vẫn còn phàn nàn là chưa đủ. Cả phạm cả lính những một trăm hai mà chỉ có trăm cái tộ.
Y nguyên những lời Chánh kể lại cho bố nghe. Không, không phải là ông nói với Hảo đâu. Tất cả mối lo nghĩ, mối băn khoăn, mối hồi hộp của ông từ đêm qua đến giờ vẫn luẩn quẩn ở điều Chánh kể ấy.
Ý chừng Châu vừa đi chợ về. Hắn đi vào trong nhà, tay còn cầm một cuốn sổ dài cuộn tròn và một cây bút chì. Một lát mới thấy hai chị đàn bà gánh hai gánh rau lớn đi theo sau hắn. Hai chị đàn bà đặt hai gánh rau trước cửa rồi đi người không vào lối cổng nách. Sáng nào cũng vậy, Châu dậy đi mua bán sớm. Hắn ra cửa ô đón mua rau. Rau luộc dậy đi mua bán sớm. Hắn ra cửa ô đón mua rau. Rau luộc, chà-rinh kho khô: đó là bữa ăn muôn đời của tù nhân.
Mắt ông Mười sáng lên khi trông thấy cuốn sổ trong tay Châu. Rồi khi hắn đã đi khuất, trán ông lập tức hằn lên mấy nếp răn:
— Chính cuốn sổ ấy hay là cuốn sổ khác. Thế nào Châu chẳng có một cuốn sổ chấm cơm, có đủ tên tù nhân. Kẻ địch chẳng nghĩ đến sơ xuất ấy đâu. Có thể lại dễ thôi.
Ông Mười nói bật ra câu cuối cùng đó.
Hảo mừng rỡ:
— Ba định xin cho con sang làm bên nhà hắn?
— Cũng còn khó.
— Tại sao?
— Vì con là dâu của ba.
Chợt, ông nói:
— Riêng thằng cha đó có một đứa con. Không hiểu sao nó lại cho thằng con đó vượt tuyến ra Bắc học. Để ba còn nghĩ xem có cách nào khác không?
Vừa lúc đó có tiếng bà Mười từ trong sân trong:
— Mình vô đây tui nhờ một chút:
Ông Mười gạt tất cả bọt xà phòng trên bàn xuống mặt đất, nhúng hai tay vào tô nô nước sạch, vừa chặc lưỡi và nói tiếp:
— Nó đã bắt tay vào hãm hại bà con. Tưởng nó còn chần chừ, không ngờ nó làm ngay. Nếu ba biết trước con vào thì việc con dễ như không, chẳng phải vất vả như vậy, đáng tiếc...
Khương ơi, ở cái thành phố này, ở con đường này, những sự việc tưởng đã chết đi hàng chục năm nay lại sống trở lại. Sổ Vẹo lại mặc cái áo xít pen xe đũi kỳ cục ấy, cầm chiếc roi gân bò kỳ cục ấy, ngang nhiên huýt huýt quệt quệt thét bảo đầy tớ khiêng các tấm mộ chí ở nghĩa địa Tây về nhà mình. Lão Trần Thại vắt vẻo trên chiếc ghế xích đu có đứa đứng canh quạt hầu, mụ Dục nhai trầu bỏm bẻm và cả bà Hải anh-phiếc-me tương đối vô sự, họ lại về đấy, cho mình là quyền quý và ngang nhiên gọi cha mẹ anh là “mầy”, thân tình một cách kẻ cả. Bà mẹ anh từ sáng đưa Chánh tới trường, gãi đầu gãi tai “con không dám nào thưa ông…” mãi, lão tổng giám thị khinh khỉnh mới thôi lắc đầu. Y hệt cảnh hai mươi năm trước, mỗi lần anh ốm, hay vờ ốm, mẹ cầm lá đơn cuộn tròn lên hầu xin cho anh nghỉ.
Cho nên Khương ạ, ở cổng trường ra, khi lão cai trường mặc cái áo bành tô vàng đã đưa Chánh vào lớp, bà Mười đi thẳng ra chợ và y hệt hai mươi năm trước những khi anh ốm dậy, để tạ ơn thần phật — bà lại mua một bộ thủ vĩ luộc, về nhà se sẽ vào trong sân, đặt tất cả lên chiếc mâm đồng và phủ lên trên bằng một lá mỡ sa rất lớn. Tính bà mẹ như thế đấy: không thể để mọi sự việc lớn vui buồn ở trong nhà đi qua lặng lẽ mà không làm một cái gì. Nhất là những việc có dính dáng đến đứa con trai cả của bà, bà cưng nhất.
Ngay đến ông Mười cũng đột ngột gần như kinh dị lúc trong thấy mâm thủ vĩ. Nhưng rồi hiểu ra ngay, ông chỉ phàn nàn:
— Bà hay bày đặt!
Hảo ngửng lên nhìn vào phía trong sân, thấy mâm cúng, mang máng việc ấy có dính dáng đến mình. Má cúng để cầu cho mình được bình yên đấy: chị liền thấy hơi cay cay ở mắt, ngửng lên nhìn mãi. Từ tối hôm qua đến ở nhà này, càng lúc chị càng nhận ra rằng sự việc diễn biến thực tế không đơn giản như mình trưởng tượng trước khi bắt đầu nhận nhiệm vụ, ra đi. Mỗi lúc chị càng thấy đi sâu thêm vào gia đình này, vào quả tim của bà mẹ kia khó lòng rút ra nổi. Đang lúc bồi hồi như vậy thì xảy ra một việc.
Có một người rất gầy, mặt nhọn, vừa dựa xe đạp ở ngoài cổng. Rồi một chiếc xe kéo sơn đen gọng đồng, có một người bưng ống điếu bịt bạc chạy liền sau, đổ xuống ngay trước cửa. Trên xe bước xuống một lão già, hai ria đen, cằm cạo nhẵn, mặc áo sa đen, đi giày hạ, ở trên xe bước xuống cùng đi vào với người gầy mặt nhọn. Người gầy mặt nhọn đằng hắng một tiếng, đang định bước lên thềm gọi mở cửa trước thì nhác thấy Hảo. Hai người liền đi thẳng đến chỗ người con gái đang giặt. Hảo rùng mình. Linh tính báo trước cho chị họ đến đây là vì chị, có chuyện không hay rồi. “Chắc để bắt mình. Chúng nói biết rồi! Đứa nào báo? Người phụ xe, hay một tên điệp nào đó ở trong xe?” Trong một thoáng, chị lại nghĩ đến khoảng ngã ba chợ Bà, cảnh bọn Mỹ — Diệm thúc lưỡi lê đẩy chị lên bục.
Nhưng mà chúng nó đi lâu quá! Từ cổng vào đến giếng và chỗ kê bàn giặt chỉ chừng năm sáu chục thước, nhưng tên già mặc áo sa đen cứ lạch bạch từng bước một. Còn cái tên mặt gầy thì cứ vênh lên nhìn láo liên và cười tủm. Bỗng nhiên, Hảo lộn mửa! Kẻ thù đấy! Chúng nó đấy! Hay là những tay sai của chúng nó đấy! Những thứ rác rưởi, những đứa đào ngũ, những đứa được tha tội chết ngày hôm qua. Chúng là phi nghĩa, là bóng tối. Còn mình, mình là chính nghĩa, là ánh sáng, mình lại run lên trước mặt chúng nó ư?
Mình tình nguyện tham gia công tác cách mạng nhưng với điều kiện là phải nấp dưới cánh của đồng chí, không bao giờ dám mặt đối mặt với kẻ địch ư? Chúng nó đã đối xử với đồng bào mình như thế nào, với anh em mình như thế nào? Hàng chục người bị mổ bụng, bị cột đá nhận chìm đến thân thể sình thối ở dưới đập, hàng trăm anh em bị tra tấn giam cầm, bị chết trong ngục. Hàng trăm anh em khác, để hòng trốn khỏi sự đấu tranh của nhân dân, chúng nó chở đi, phân tán đi đâu không biết... Và rồi còn một nửa chiếc khăn tay của Lịch... Khi bị bắt giải đi một giờ trước khi bị hãm hại, Lịch còn xé gửi lại cho chị, người bạn thân nhất trong những ngày gian khổ, một nửa chiếc khăn tay của mình... Và nửa chiếc khăn tay ấy vẫn còn kia, ở trong túi vải kia...
Không! Người con gái ngửng phắt lên, vì cố gắng để can đảm, để xứng đáng, rồi vì khinh bỉ, vì căm giận. Và vì hai thằng cứ lạch bạch lâu quá, nên từ sợ đến trấn tĩnh, đến thản nhiên, tâm trạng chị có thì giờ đứng dậy.
Lão già hỏi, giọng lè nhè kẻ cả, nhìn chị từ đầu xuống chân, lại từ chân lên đầu rồi ngoái nhìn vào trong nhà:
— Á à! Chị đó! Vợ chồng Mười đâu rồi?
— Dạ, hai bác vô chơi. Ba má cháu kia. Hảo đáp lại, bình tĩnh rành rọt.
Nghe người con gái xưng hô, lão già toan bước đi liền quay lại:
— Chị là con gái vợ chồng Mười à? Con Vinh hay con Quý mà tôi không biết?
Hảo bẽn lẽn khôn khéo:
— Dạ, không phải. Cháu tên là Hảo.
Lão già nhíu mày:
— Hảo nào?
Tức thì người cằm nhọn nghiêm sắc mặt:
— Chị vô trong nhà chúng tôi có chuyện nói một chút!
— Bẩm ông. Chào ông tới chơi.
— Ông.
Thấy Trần Thại và người lạ mặt vào, vợ chồng ông Mười cố nén bối rối, nói khúm núm:
— Ời! Trần Thại đáp, trịch thượng, hai tay cứ chắp đít, chân giày hạ ung dung đặt lên bậc cấp bước vào trong nhà và đi thẳng lên nhà trên. Không đợi ai mời, lão kéo ghế ngồi:
— Cha, cúng tế gì mà thủ vĩ đó?
Hảo khoa tay vào trong tô-nô rửa tay. Chị thản nhiên đi theo chúng, bước lên nhà trên, đứng bên vách, đối diện với Trần Thại. Tên mặt nhọn ngồi trước mặt lão, các ngón tay gõ nhịp hồm hộp lên mặt bàn. Để giấu nỗi bối rối của mình, ông Mười giục vợ pha nước. Sực nhớ, Hảo quay lại, nhấc ấm nước sôi còn bắc trên lò. Nhưng bà mẹ liền giằng lấy. Bà vội vàng rót nước cho hai người khách, đặt ấm nước xuống chân bàn, rồi lại đến đứng bên Hảo, người như che lấy Hảo. Lần đầu tiên, bà thấy tường mặt một sự chẳng lành. Hảo nhích ra, bà nhích ra. Hảo dịch vào, bà dịch vào. Giống hệt một con gà mái mẹ thoáng thấy bóng diều hâu xòe cánh, kiên quyết bảo vệ con. Bà mẹ bắt đầu nói, giọng như rên, cướp lời chồng:
— Dạ, cúng tế gì đâu. Nhân có con nhỏ, vợ thằng Khương, ở Quảng Nam vô được để gặp thăm chồng nó thì chồng nó đi tập kết mất rồi. Nó mới vô xẩm tối hôm qua nên tôi cũng chưa kịp có chén trầu đĩa cau gì đến trình ông, trình hội đồng. Đạn lạc tên bay, thời buổi này vào được đến đây là mừng lắm. Sắm mâm cơm cúng âm hồn phù hộ cho con lớn con nhỏ...
Trần Thại vuốt ria mép, cười ngất.
— Ý nó muốn nói “âm hồn” là những người như tôi với thầy đó!
Và ra vẻ thành thạo, Thại vặn:
— Chớ thằng Khương lấy vợ bao giờ tao không hay?
Ông Mười ngồi xổm xuống đất bập một hơi thuốc, thong thả đưa điếu thuốc ra trước mắt nhìn đăm đăm.
— Dạ. — vẫn bà Mười đáp — chúng nó gặp nhau ở Quảng Nam đâu cái ngày cứu đói, rồi làm lễ ở ngoãi cái hồi thầy xuống tàu vô trỏng. Chúng nó lo hết, nhà có tốn đồng xu nào đâu.
Một thoáng đỏ phớt qua trên mặt Thại. Lão hất hàm:
— Thầy cần hỏi, thầy hỏi đi.
Tên mặt nhọn quay lại, Hảo bước ra một bước. Bà Mười cũng liền bước ra một bước. Tên mặt nhọn quát:
— Bà già này làm cái gì vậy? Sợ ai nuốt mất dâu bà hay sao?
Hảo bước lại một bước để khỏi khuất mẹ. Bà Mười cũng liền bước lại một bước che ngay con dâu.
Tên mặt nhọn nhìn thẳng vào mặt chị, nhưng không thể nào nhìn rõ mặt chị được, hắn hỏi liên tiếp mấy câu. Các câu hắn hỏi, không quanh co gì cả, ngay đơ, sống sượng, khắc nghiệt như là hắn cốt thử lại những điều hắn đã biết rồi, xem người bị hắn cật vấn nói có đúng không, có bối rối không, có vấp váp không, chứ không phải hắn cốt biết thêm:
— Chị là người lạ mặt nên “nhà nước” cần hỏi chị: Chị ở đâu đến? Tên họ là gì? Bao nhiêu tuổi? Quê quán ở đâu? Con cái nhà ai? Chồng chị tên là gì? Trước làm công tác gì cho VIệt Minh? Hai người làm thế nào mà gặp nhau? Chị có tiêu chuẩn đi tập kết không? Sao lại không đi? Sao lại vào trễ? Ý định làm gì bây giờ?
Hảo thở ra một cái khẽ, nhẹ nhõm. Có lẽ chị cũng có hơi mỉm cười. Như thế, chị trả lời được. Chị quả quyết ngăn mẹ lại, và bước ngang qua một bước, cho hai người trông rõ mặt, để tỏ ra mình quang minh chính đại, chị không sợ, và bắt đầu nói. Chị nói thật về chị. Đang học lớp bảy lên lớp tám, cha mẹ tản cư ở Tam Kỳ. Tập kết đến, trường đóng cửa. Nấn ná mãi mới trốn được cha mẹ. Muốn đi vì đã lỡ kết nghĩa với nhau rồi, đi cho có vợ có chồng... Chị nói tỉ mỉ, một thôi một hồi nói cả những điều tên mặt nhọn không hỏi. Kể lể kề cà như thói thường của đàn bà. Những điều “ba má” chị nói về Khương, vừa đêm qua, vừa lúc nãy đây, hãy còn mới quá, chị chưa quên. Chị nói lại, giọng nhỏ nhẻ, điềm đạm như vuốt ve, như nâng niu từng kỷ niệm nhỏ của chồng, lúc lại như trách móc, tủi phận và thốt nhiên, chị rút ở trong túi áo ra một cái ảnh, cái ảnh của Khương và ngồi sụp xuống.
Bà mẹ òa lên.
Trần Thại và tên mật thám đưa mắt nhìn nhau, đứng dậy. Trần Thại nhăn mặt, mắng:
— Cái con Mười! Mầy làm cái gì mà như con cọp cái! Tuy vậy, đại diện hội đồng khu, tao cũng không thể nhận nó là dân ở trong khu tao. Dâu con thì dâu con, thời buổi khó khăn này, tao chỉ cho ở thăm nhau năm bảy bữa rồi ai về nhà nấy, nghe chưa? Thôi, thôi, phép nước đâu có vị tình thân, nói gì thêm cho mất công, như vậy cũng là làm ngơ rồi đó. Còn thằng Mười nữa: nhà nào nhà nấy việc phân loại đã xong, hôm nay miễn họp. Tới “liên gia” mà nhận cái biển đeo trước cửa nhà cho “nhà nước” người ta dễ nhận, nghe chưa? Nhà mầy thuộc loại nhà có người đi tập kết, phải treo lên cho mầy nhớ là người ta lúc nào cũng dòm ngó mầy, chẳng lơ là đâu. Tốt nhất là đừng có làm bậy. Tao ở cửa giữa, không làm thì “nhà nước” bắt quanh bắt quéo, làm thì bọn bay trách nọ trách kia. Thôi, tao đi.
V
Ông Mười đóng cái biển đen có ghi chữ “A2” lên cột hàng rào và đứng nhìn sững một lúc. Đây là lưỡi dao Mỹ — Diệm treo lên cổ những gia đình kháng chiến như gia đình ông. Phân biệt đối xử, ngờ vực, rình bắt, trả thù, hành hạ.
Ngắm mãi, ông quay ra ngồi xổm bên lề đường trước nhà, hút thuốc, xem người qua lại, vẻ như chờ đợi điều gì. Trời bây giờ đã chạng vạng. Trong cái bụi găng đã sậm đen, những con ve sầu đang rộ lên những hồi than vãn cuối cùng. Từ trên cành xương các cây phượng vĩ, những cánh hoa đỏ bầm rụng lả tả xuống mặt đường khi có một ngọn gió thổi qua cùng với một trái phượng vĩ khô đen rơi đánh cạch một tiếng và lê đi một quãng. Trời động. Mặt biển lấp ló ở phía xa ầm ì đục bẩn. Người đi hóng gió thưa thớt. Đôi chị rỗi, quần xắn cao, gánh hoặc bưng những cái thúng chai nhẹ sóng sánh một ít con mực ống màu tím hoặc những con sứa xanh trong màu nước bể, đi ngược lên phố. Nhà thờ lớn kéo hồi chuông cuối cùng, tiếng ngân ngắn ngủi khua động bầu trời xanh sẫm được một tí rồi mọi vật trở lại im lìm. Người thành phố mấy năm nay tỏa ra sống ở các làng xã trong tỉnh, kể cả những người bám được chuyến tàu lửa cuối cùng ngày giặc Pháp chọc thủng mặt trận Ninh Hòa, đi Huế, đi Đà Nẵng nhưng vẫn nhớ tưởng cái thành phố cũ xưa, kể cả những người tứ xứ đến đây lợp qua quít một túp lều tranh với hai tấm riềm lá kè, dân số tăng lên gấp bội nhưng thành phố vẫn còn như rộng quá, trống trải quá. Chẳng có gì thay thế được chỗ trống mà những người ra đi để lại, trong thành phố quê hương và trong lòng những cha mẹ già.
Chợt có tiếng la thất thanh ở ngoài bãi. Nhiều giọng gào khác nhau, giọng của người lớn, giọng của con trẻ, nhưng đều ơi ới thảng thốt, lạc đi, vỡ đi như nhau. Biển rộng mông mênh, bóng chiều không dừng bước, những tiếng thét lao xao cũng thể như những chiếc kim bé nhỏ... Nhưng bạn là người ở vùng này, ở những cái phố nhỏ sát bờ bể đây, bạn có thể hiểu được những tiếng thét kêu thường nổi lên trên bãi, những buổi chiều trời động, nước biển đục bẩn, vào lúc đêm tối sắp khép lại vội vã ấy là những tiếng kêu gì. Và những lời xôn xao bàn tán như thế này là có việc gì xảy ra: “Ông ấy mới đây! — Ngọn sóng to như cái nhà! — Lại trúng cái lòng chảo rồi! Mấy năm nay chẳng ai tắm táp sửa sang gì, cái lòng chảo lở thêm, hỉ? — Không ỷ tài thì đâu đã đến nỗi! — Còn mi nữa, liệu cũng có ngày! — Chỉ thấy cái bàn tay vây vẫy một chút rồi chìm rồi chìm mất, ấy, chỗ nớ đấy!” Tìm kiếm, van xin, mặc cả nữa, nhưng cũng chỉ la hét là nhiều, thật ra là chờ đợi một cách tuyệt vọng, một giờ, hai giờ, ba giờ, dưới ánh những ngọn đuốc bó vội vã dài như những con sào quơ trên mặt sóng loáng thoáng... Những người tụ tập đã về dần, chỉ còn lại có một mình bà mẹ ngồi úp mặt vào vạt áo dài, sát bên rìa sóng, bên cạnh bà là một cái chõng thấp trên có một chiếc chiếu mới rất rộng, và một khuôn vải điều, chờ đợi.
Hai ba người chạy ngược lên phố, hớt hải. Chánh đi đầu, mặt em, vai em, lưng em, vẫn chưa tan những vết bầm, vết lằn vì được “thử thách” trong buổi học đầu tiên, ở nhà trường của chế độ “mới”, sáng hôm nay. Tái xanh, tái lét, em nói với cha mẹ:
— Anh Sổ Vẹo chết đuối rồi ba ạ.
Nói chưa hết câu, em chạy sang nhà mụ Dục, đập cửa:
— Bà ơi, bà ơi, anh Sổ chết đuối!
Mụ Dục chưa kịp vấn tóc, bỏ guốc chạy, chạy mấy bước nữa mới biết rõ hẳn là chuyện gì, tức thì rú lên những tiếng khủng khiếp. Châu đâm bổ ra, chạy theo mẹ, miệng méo xệch. Vợ Châu cũng chạy. Bọn người nhà cũng chạy ra cả.
Trên bãi bể cát trắng đã ngả sang màu phớt tím, những người đi hóng mát buổi chiều đang xúm xít lại quanh cái áo xítpenxe, cái quần đũi, đôi dép, chiếc roi gân bò của Sổ còn nằm một đụn trên bãi cát bàn tán. Mụ Dục chạy tới ngã sấp xuống đó, trong lúc Châu thất thanh gọi những người chài lưới đang đốt lửa hơ dầu rái quét lại thuyền đã kéo lên và còn úp sấp.
Vẹo không nhận ra khu nghĩa địa âm u ngay phía sau nhà hắn mà hẳn chỉ vào để bóc những vòng hoa bằng cườm và những mặt bia hoa cương. Ông Lại xe đạp giải Vẹo tới, ấn hắn ngồi lên một mô đất. Hắn đưa tay sờ soạng, bàn tay gặp một chữ thập bằng xi măng. Đến lúc đó, hắn vốn đã lạnh người, bắt đầu lên cơn rét run, một bàn chân hắn lẩy bẩy quờ quạng ra phía đằng trước xem có phải người ta đã đào sẵn huyệt, sắp chôn sống hắn không. Xung quanh hắn, có nhiều người. Không phân biệt được người với những bụi cây và những tấm mộ chi chít những cây thánh giá lùng nhùng bóng tối cái cao cái thấp lố nhố trong nghĩa địa. Bàn chân hắn đang đi trên mặt đất bần bật thành tiếng như hắn lên cơn kinh giật. Hắn bắt đầu rưng rức.
— Im!
— Mầy còn nhìn láo liên làm gì nữa hử, thằng kia? Để đi tố cáo, hử?
Một giọng dõng dạc, rõ ràng, nghiêm khắc cất lên. Hắn giật bắn mình không ngờ người nói ngồi gần hắn đến thế, ngay trước mặt hắn:
— Tốt lắm, anh không nhìn thấy gì đâu. Nhưng rồi anh sẽ được thấy: đây có đủ mặt những người anh vẫn gặp gỡ hàng ngày. Và rình mò hàng đêm nữa. Cũng là những người dân có dự phiên tòa trước xử anh, vẫn theo dõi giám sát anh. Thấy anh có mòi quên cái phiên tòa đó, chúng tôi họp lại nhắc cho anh nhớ. Anh biết anh phạm tội gì không?
Vẹo lại rưng rức:
— Bẩm... dạ... dạ... con... con.
Người vừa nói khạc một cái mạnh, đột ngột tức giận:
— Thế là rõ! Trước mặt nhân dân, khi cần nói chuyện phải chăng, anh cúi mọp xuống, anh cũng tự thấy anh hèn. Nhưng sau lưng người ta, anh làm nhiều chuyện tệ hại lắm. Nhân dân không cần anh xưng con, không cần anh bẩm dạ, chỉ cần anh sống lương thiện thôi, hiểu chưa?
— Dạ... bẩm...
— Chúng tôi nói ngay để anh yên tâm mà nghe cho rõ: hôm nay, nhân dân chưa muốn diệt anh đâu. Nếu muốn diệt anh, lúc nãy cứ bỏ mặc anh chết chìm ở ngoài biển, tiện lắm. Nhưng nhân dân chưa cần phải làm thế. Phiên tòa trước, còn chiếu cố anh có bệnh, nên không xử bắn anh như Hà Huy Thao, chỉ quyết định đưa anh vào trại hủi. Tập kết xong, anh trốn về ở nhà. Thôi thì mặc anh, cũng được đi. Nhưng sao anh không chịu yên thân? Đau ốm như anh, sức là mấy? Anh lùng sục, rình mò, tố giác, siêng năng lắm. Ai bảo anh góp ý với Mỹ — Diệm phân loại nhà nào “A một”, nhà nào “A hai”, cung cấp tài liệu: nhà nào mấy con cán bộ, nhà nào mấy con Đảng viên? Mục đích gì? Chúng tôi, đại biểu nhân dân sáu khu thị xã này, chúng tối bố trí gặp anh để hỏi anh: có phải anh khăng khăng liếm gót giặc quyết hại bà con hay không? Có phải anh cho kết luận của phiên tòa trước buộc tội anh thầu cơm thầu thịt tiếp tế cho Tây đổ bộ là không đúng và anh đem lòng thù oán hay không?
Vẹo nấc lên khóc, trả lời trong cổ họng:
— Bẩm...bẩm...
— Im! Đã bảo không phải bẩm dạ gì hết! Nhiều cuộc xét ráp xảy ra, người chỉ điểm là anh. Anh nhận làm “cố vấn” cho “phong trào cách mạng quốc gia”. “Cố vấn” bí mật, chỉ điểm giấu mặt, vì anh sợ. Và vì anh mong người ta mất cảnh giác với anh. Bọn Trần Thại hiểm độc, chính anh hiểm độc hơn chúng. Anh muốn cai quản bọn Trần Thại kia. Tỉnh trưởng, thị trưởng chúng có rồi, anh mong chúng thí cho anh chức gì? Anh đi yết kiến Ngô Đình Cẩn. Nó hỏi anh dóng một như hỏi vấn đáp. Anh mất cho nó một bộ chén ngọc, rốt cục nó chỉ hứa sẽ “giúp” anh nếu sau này anh thi vào trường sĩ quan. Một người như anh, đôi đũa ăn cơm còn không cầm được, lại còn thi vào trường sĩ quan! Thật là hề. Thế mà anh không biết nhục. Sổ!
— Dạ.
— Nhân dân hôm nay họp để cảnh cáo anh. Anh có điều gì nói thì nói đi. Nếu tiếp tục làm hại bà con thì chớ trách...
Bên kia bờ thành, trong sân nhà Sổ, hai người ở trai và ở gái của hắn vừa vội vã bó rơm để làm đuốc, vừa cấu chí nhau cười rúc rích rồi huỳnh huỵch đuổi nhau chạy ra bể. Từ ngoài bãi, trong cảnh vắng lặng lạ thường của khoảnh đường này ban đêm, vẳng lên mồn một tiếng kêu gào của mụ Dục bây giờ lạc đi, vỡ đi như đã lên cơn điên, hú lên từng hồi ma quái.
— Hú ú ú ú! ba hồn chín vía Sổ ơi!
— Hú ú ú ú! ba hồn chín vía Sổ ơi!
VI
Dọn dẹp rửa ráy xong, Quý vực các con lên giường. Mấy đứa bé thường chưa hết bữa ăn đã díp mắt ngủ lây lất chỗ này một đứa, chỗ kia một đứa, thằng bé nhất còn cầm cả đũa, ôm cả bát cơm, lúng búng cơm ở trong mồm mà ngủ. Biết tật xấu của con như vậy nhưng Quý chẳng làm sao được. Hiệu ảnh nhiều khách quá. Quý chỉ có việc biên hóa đơn, biên giấy hẹn và thu tiền cũng đã mệt lử, thở không ra hơi. Hiệu ảnh đến giờ đóng cửa, lúc bấy giờ Quý mới chạy đi, tất tả nấu nướng chút ít cho bữa chiều. Đức thì sửa soạn đồ lề để vào buồng tối. Bây giờ đã dọn về thị xã rồi nhưng nhà cửa vẫn chưa có điện, máy in máy phóng đã mua sẵn còn xếp đó. Buồng tối bằng gạch tuy rất đẹp đẽ nhưng cũng không khác cái buồng tối dựng ở Đập Đá ngày kháng chiến: tất cả dụng cụ của anh chỉ là một ngọn đèn dầu hỏa, như đèn xe kéo, phía trước có hai mặt kính, một trắng, một đỏ, mặt đỏ đẩy qua đẩy lại được trên mặt trắng. Cạnh anh là mấy đĩa thuốc in ảnh và một chậu nước lã. Đức làm được một lúc đã thở rốc, và mặc vợ ngủ, anh tự đi pha sữa, và cứ như thế hì hà hì hục đến gần sáng. Đêm nào cũng vậy, không có người giúp, Đức gầy rộc đi nhanh chóng.
Thái độ Quý gần đây không ủng hộ Đức lắm. Quý chẳng làm gì ầm ĩ, thỉnh thoảng chỉ chậc lưỡi một cái, có vẻ cay đắng và chịu đựng. Đức vờ không biết. Vợ anh bao giờ cũng vậy. Cô ta tính có vẻ nhường nhịn, nhẫn nhục, nhưng nếu Đức mở mồm cự hơi nặng lời, Quý sẽ làm toáng lên. Những lúc ấy, Đức như không nhận ra người vợ vốn dịu dàng và nhỏ bé. Và đột nhiên, Quý sẽ bật gào lên những nhận xét rất thô mà rất thật, mà Đức chẳng muốn nghe một tí nào. Những lúc ấy, Đức thấy vợ hoàn toàn không phải là người đàn bà vâng chịu, trăm sự tùy anh như anh nghĩ. Mấy ngày hôm nay, lòng tự trọng của Quý bị tốn thương dữ dội. Ngay sáng nay, một tên trung úy của Diệm trong lúc đợi giả lại tiền, thử đặt tay lên ngực Quý. Lập tức, Quý đóng sập ngăn kéo, ném giả mấy đồng bạc vào mặt tên trung úy. Lần đầu, trong đời, hơn cả hồi hai vợ chồng phải xách cái nồi ba chè đỗ xanh đi lang thang ở các chợ vùng quê ngày đầu kháng chiến. Đức thấy tủi hổ. Không, có thể rồi ngày mai, chỉ sáng mai đây thôi, Đức sẽ nghĩ khác: nghề ảnh một vốn mười lời, hình ảnh sự giàu sang tráng lệ trông thấy sờ thấy còn cám dỗ mê muội những người như Đức một thời gian nữa. Nhưng ngày hôm nay, Đức thật tình thấy xấu hổ, cay đắng trong lòng. Anh cảm thấy như có lỗi đối với vợ con, và có một cái gì đã bắt đầu rạn nứt, vỡ lở trong nhà anh. Trong một lúc, anh vô cùng chán nản. Anh ngồi chế thuốc pha vào trong hai chiếc đĩa sắt, rửa các cuốn phim chụp trong ngày cặp phơi lên một sợi dây thép dài ở hiên sau, lau hai mặt kính trắng đỏ, bỏ sẵn hộp giấy in vào ngăn kéo, vốc sẵn chậu thau nước... Vừa làm, anh vừa nghĩ miên man, chẳng đâu vào đâu, mệt mỏi và không hứng thú.
Chợt có tiếng gõ cửa.
Quý đang phe phẩy quạt cho đứa con nhỏ, rứt núm vú ở miệng con ra, ngồi ngay dậy.
— Ba!
Chị không nhầm.
Ông Mười bước vào kéo luôn cánh cửa phía sau lưng. Chỉ vừa trông thấy mặt cha, đột nhiên Quý xúc động. Nỗi tủi cực nhận thấy những ngày hôm nay, lên cực điểm hôm nay, cứ bàng bạc miên man trong lòng. Giờ khi chị nhác thấy nét mặt điềm đạm của cha bỗng bật thành tiếng kêu. Quý ôm chầm lấy ông cụ. Ông Mười dìu con ngồi xuống giường.
— Đã “sướng” chưa con?
Đó là tất cả những lời ông Mười nói với Quý lúc đó. Hãy tha lỗi cho ông cha già: ông cụ có tật hay nói gay với vợ con, cả khi ông khổ tâm như lúc này. Biết sao được? Cuộc đời cơ cực đã nhào nặn ông như vậy đấy. Nói gay, có lẽ đó là vũ khí độc nhất của ông già vốn không làm hại đến một con kiến nhỏ. Hay đó cũng chỉ là một tiếng kêu, một tiếng phàn nàn.
— Thằng Đức đâu.
Đức cũng vừa lên.
— Anh ngồi xuống đây, tôi nói chuyện.
Đức thở ra. “Xem ông già giở trò gì, trách cứ chê bai điều gì”. Nhưng Đức bỗng chú ý thấy giọng nói, trong mắt nhìn của bố vợ hằn lên rất rõ cái vẻ của một con người biết mình có uy quyền. Như là một tháng qua không gặp nhau đã đổi thay ông già thành người khác hẳn. Quý còn thút thít một lúc nữa mới nín. Đức nhẫn nại lắng tai, chờ đợi. Ông Mười hạ giọng:
— Tôi nhờ anh một việc. Coi như cá nhân tôi nhờ anh.
Ông dừng lại đó, không nhìn Đức. Đức nín thở. Quý kinh dị chằm chằm hết nhìn cha lại nhìn chồng. Ông Mười chậm rãi nói tiếp:
— Mỹ, Diệm đi đến đâu giết chóc đến đó. Chúng hãm hại hàng trăm người ở Duy Xuyên, Quân Rường, Cây Cốc, Bình Dương... băm thây uống máu người ta. Nếu không chặn tay chúng lại, đến lượt thị xã này.
Ông quay lại bảo con gái:
— Nó treo cái biển đen ở trước nhà ba má rồi. Chỉ ngày một ngày hai thôi. Nó vừa bắt một loạt anh em nữa ở Duy Xuyên, giam người ta ở nhà lao Hội An. Đồng bào ngoài ấy đấu tranh, nó có chở hai mươi người vào nhà lao này. Nếu không có cách chặn tay, nó giết anh em mất. Giết được anh em là rồi sẽ giết mình, giết ba má.
Giọng ông Mười trở nên dịu dàng:
— Ba có một tài liệu. Theo tài liệu đó, quả chúng có chở vào đây hai mươi anh em Duy Xuyên không sai. Phải làm dữ mới được, ba cần chụp ảnh tài liệu đó thành nhiều bản. Chụp ngay bây giờ. Sắp giới nghiêm rồi, ba phải về. Hai vợ chồng giúp ba.
Các ngón tay Quý run bần bật. Thì ra ông cha già thân yêu của con là như thế đấy. Suốt một đời nghèo khổ, bị khinh rẻ, ngoài xã hội, và bị lấn át ngay cả trong nhà... Thế mà... cha già quá mất rồi, tóc đã thưa và bạc hết. Chúng nó giết ba mất. Quý đưa mắt nhìn Đức. Đức cúi đầu không nói. Anh gõ nhịp ngón tay trỏ vào lưng ghế, và bỗng đứng dậy. Anh đến phía cửa sổ nhìn ra ngoài đường. Bên ngoài, nhà cửa cây cối phơn phớt màu tím nhạt của ráng chiều. Người hàng nước què trước đền bên kia đường tập tềnh tì trên một cái gậy gỗ xếp vào một chiếc hòm gỗ to các li cốc và thùng thuốc lá, thùng kẹo bột. Người bán vằn thắn bây giờ không đứng dưới cây vòng đồng gõ xì tắc nữa mà ghé vai gánh gánh hàng bắt đầu đi từng nhà. Xe cộ thưa thớt. Bất giác, Đức lùi lại: anh vừa trông thấy một tên cảnh sát lao xe đạp tới. Nhưng tên cảnh sát vừa đi khuất cửa sổ thì anh cũng vừa định thần lại được. Mình sợ cái gì chứ? Ngày kháng chiến, mình cũng đã từng giúp được Ty công an như thế này trong nghề nghiệp của mình. Trước ngày chuyển quân, anh em công an khen mình mãi, gọi mình là một người cộng tác vô danh. Mình hứa với anh em trong hoàn cảnh miền Nam sẽ tiếp tục trở nên tốt. Mình sợ vì bây giờ mình trở lại là mình chăng? Vì lúc này cha vợ mình có mặt ở trong nhà mình chăng? Có mặt mình đấy, chúng nó ngang nhiên ném thư cho vợ mình, chớt nhả trêu ghẹo vợ mình. Thế mà mình ngoảnh mặt đi, vờ như đang bận rộn không trông thấy, không nghe thấy gì hết... Mình hèn...
Quý thở dài. Đức nghe Quý bỏ chân xuống giường quờ guốc, rồi có tiếng chìa khóa chuông lanh canh mở nắp chiếc giường thùng trong đó anh cất giấu vàng bạc và các máy móc quý, đêm đêm nằm đè lên trên, anh biết Quý đang tìm lấy máy ảnh. Anh quay lại:
— Lấy cái máy mua ở Nha Trang ấy.
Và anh chìa tay về phía cha vợ:
— Đưa đây cho tôi.
Ông Mười rút từ trong áo ra một tập giấy. Ông lật rất nhanh chỉ cho Đức một trang khoanh lại bằng mực tàu cuốn sổ chấm cơm của thằng Châu.
Khi Đức đã đi xuống nhà dưới, ông Mười mới để ý nhìn con: Quý đã già đi, gò má nhô, hai lõm mắt quầng tím. Quý rút trong túi ra một tập giấy bạc.
— Cho ba để ba uống rượu. Ba phải cẩn thận. Rủi có việc gì...
Ông Mười định kể với con điều gì, lại thôi. Một lúc sau, ông mới nói thong thả:
— Con có lo cho ba cũng chẳng được nào. Mà ba cũng chẳng giúp được con. Chúng nó như con cọp lảng vảng xung quanh mọi nhà. Mỗi người mình chẳng tự lo cho mình được đâu. Muốn sống phải hùn sức lại không sống lẻ loi được. Nếu mình không muốn trở nên thứ người bỏ đi...
VIII
Giờ này phố sá còn ngủ yên cả. Khách đi ô tô chở hành lý đến bằng xe kéo. Phần lớn hàng họ là cau khô, mắm chuồn, cá nục. Còn chỗ ngồi, nhưng ông Lang cứ cho xe chạy. Lấy cớ không chở hết đồ đoàn của bà ta, ông Lang hẹn bà Hải nán chuyến sau. Bà Hải anhphiếcme giận run khi, một ngày một đêm liền phải túc trực để băng bó cho tù nhân bị ta tấn ở ty an ninh, về nhà, bà nhận được cái biển đen do Trần Thại đưa lại. Bà ta nhất định bỏ công việc, bỏ cái nhà bắt đầu làm và trở về Huế.
Tên cảnh sát gác cổng đầu ô, mắt cay sè, cầm chiếc đèn đỏ càu nhàu đi vòng quanh xe một lượt, soi mặt từng người, ghi số xe rồi giở barie. Qua khỏi cổng, ông Lang bóp còi toe toe liên tiếp mấy tiếng và liếc nhìn người con gái ngồi cạnh. Chị nhắm mắt như đang ngủ. “Chị này hay thật chứ. Đến ở nhà người ta mới một ngày chứ mấy, mà đã bịn rịn dữ! thua chị một trận lớn lắm mà chưa biết”.
Nó đang thua một trận lớn lắm thực. Ngày mai, chúng nó còn xảo trá bỉ ổi như thế nào nữa, chưa rõ, nhưng đối phó với âm mưu mới của địch, tất nhân dân có hành động mới. Bây giờ đây, còn nhiều điều cần phải đề phòng, nhưng đã hoàn toàn có khả năng cứu sống được hai mươi anh em Duy Xuyên mà Mỹ, Diệm tạm thời chở đến giam ở nhà lao thị xã này. Mục tiêu đấu tranh cũng không chỉ nằm riêng hai chục anh em ấy. Hảo cũng sững không ngờ nhiệm vụ mình hoàn thành chóng vánh như thế. Hóa ra chị chỉ đóng cái vai giao thông liên lạc. Mỗi người một tí, nhân dân địa phương đã góp phần mình, và một công việc thoạt đầu tưởng rất khó trở nên rất dễ. Chị đi đến đâu cũng có sẵn một bộ máy để giúp đỡ chị. Ở đâu cũng là một lòng yêu nước rộng lớn, lòng yêu nước gắn chặt mọi người lại và đó là sức mạnh của nhân dân. Đó là bài học đầu tiên và đơn giản mà chị cán bộ trẻ tuổi rút ra được từ trong thực tế chị mới bước vào.
Kể từ giờ này, nhân dân địa phương sẽ để mắt tới nhất cử nhất động của Mỹ — Diệm ở cái nhà lao ấy. Và nội nhật ngày hôm nay, một đại biểu trong Tổ quốc tế sờ vào túi áo mình sẽ thấy một báo cáo rõ ràng và một tấm ảnh về việc này. Cái thùng thư của Ủy ban quốc tế cái thùng thư ấy trở nên vô giá trị vì sự bao vây khủng bố của Mỹ — Diệm. Chúng nó làm cho các Tổ quốc tế sống cô lập như những hòn đảo giữa nhân dân địa phương. Vì vậy, ta phải có cách khác, có nhiều cách. Tâm trí đang phấn khởi của Hảo dễ dàng liên tưởng tới những cuộc đấu tranh hàng nghìn con người như ở Quán Rường hay ở Chợ Được dạo nọ, kéo đến nhà tên tỉnh trưởng Quảng Nam hay vây quanh cái nhà lao của thị xã này, hùng hậu, kiên quyết đòi kẻ địch thừa nhận và từ bỏ tội ác của chúng.
Nhưng Hảo vẫn bàng hoàng khi ôn lại những việc xảy ra cho chính mình ở đây vừa qua. Hơn một ngày mà chừng như thật lâu, như trên đường đời, chị vừa rẽ sang một ngả quặt.
Tối qua, từ nhà Đức mang tập ảnh quí giá trở về, ông Mười thấy Hảo chong đèn ngồi một mình ở nhà trên. Bà Mười và Chánh đã gửi chồng quần áo, giặt là xong đi rồi. Tội nghiệp thằng nhỏ! Dân tộc đang buổi khó khăn, mày đang tuổi ăn tuổi chơi cũng chịu vất cả. Vì mày là “con em Việt cộng”, sáng nay thằng thầy chó má nó mượn tay lũ học trò dại dột, nó giã cho mày một trận gọi là để thử. Từ chiều, mày làm được bao nhiêu việc. Thằng nhỏ đóng kịch đã khéo. Thừa lúc cả nhà mụ Dục hoảng hốt chạy ra biển, thoáng cái nó đã vào lấy được quyển sổ của thằng Châu. Thoáng cái nó đã chạy ra đứng cảnh giới ở phía sau nghĩa địa. Giờ hai mẹ con chắc đang lùi lũi dưới bóng đen nhạt của hàng cây bàng hay cây sục sạc ở con đường nào đó, nói với nhau các nhận xét về sự việc thấy ở các nhà và cười rúc rích.
Hảo đang ngồi gục đầu lên trên mặt bàn như đang ngủ. Ông Mười đã vào đến chỗ các bàn là, đã vào đến phản, đã bước qua ngưỡng cửa nhà trên mà chị vẫn chưa hay biết. Trước mặt chị, trên mặt bàn, là một cái dây chuyền vàng và một cái ảnh. Chính là cái dây chuyền vàng của bà Mười, và mẹ chồng len lén đeo vào cổ con dâu đêm hôm qua, và cái ảnh của Khương mà ông đưa cho chị tảng sáng hôm nay.
Ông Mười hiểu ngay. Ông kéo ghế ngồi trước mặt chị và nói:
— Con hãy cất mấy chiếc ảnh ba vừa cho chụp xong này đi. Hay muốn cẩn thận, để ba bảo ông Lang lái xe ông ấy giữ cho. Ba cũng giữ mấy cái. Một cái sẽ gửi đến tận tay Ủy ban quốc tế, ngày mai.
Cả ngày hôm nay, ông Mười vẫn xưng hô với Hảo như thế. Nhưng bây giờ, Hảo hơi ngạc nhiên. Công việc đã có thể gọi là xong, trong nhà không còn ai. Chị ngửng lên nhìn ông như dò hỏi.
Song ông Mười đã lại điềm đạm nói thêm, sau khi đẩy chiếc dây chuyền vàng về phía chị:
— Cất luôn cái này nữa đi. Đeo ngay vào kẻo bà già về tới bây giờ.
Hảo tự trấn tĩnh, muốn nói với ông Mười điều gì nhưng không nói được. Ông Mười giục:
— Con hãy đeo vào. Đây là quà của ba má cho con.
Ngẫm nghĩ một lúc ông lại nói:
— Sáng mai, con phải lên đường ngay. Cho đến bây giờ, ba cũng chưa biết rồi sẽ nói với bà già ra sao. Nhưng con hãy cứ đeo vào giúp ba đã. Cuộc đấu tranh chắc hẳn còn dài. Ba má thật ra cũng chẳng giàu có gì, chắc con nghĩ không nỡ lấy. Cám ơn lòng ngay thẳng của con. Nhưng sống ở thời buổi này, có như bà con mình tham gia hôm nay mới biết ở đời còn có nhiều cái quí hơn vàng bạc. Con cũng nên cảm cái tình của bà già, chứ món trang sức này có đáng gì đâu.
— Cũng cần phải nói rõ điều này, — ông Mười chậm rãi tiếp tục ba má chẳng có điều gì ràng buộc con cả. Chúng ta đi chung một con đường, biết thế là đủ. Cầu cho con được khỏe mạnh an toàn. Nếu vẫn còn son rỗi, thời thế sáng sủa hơn, thỉnh thoảng nhớ tới, vào đây ghé thăm ông bà già vài bữa.
Hảo xô ghế đứng dậy. Ông già đỡ cô gái, như đỡ đứa con gái lớn của mình.
Một lúc thì bà Mười và Chánh về. Ông Mười lại mài mực xạ trong nghiên, lấy cái bút chữ nho, làm công việc thường ngày, tô đậm các ký hiệu trên các quần áo lĩnh về, soát lại cái túi áo túi quần: trên một mẩu giấy thuốc lá nhầu nát, anh Cầu viết mấy chữ nguệch ngoạc đồng ý cho Hảo sáng mai lên đường. Đặt lên ngọn đèn đốt xong mẩu giấy đó, ông ôm cả vốc quần áo vừa kiểm thả hết vào thùng xíp. Bà Mười ngồi bên bếp canh lửa một lúc thì cái thùng sôi lên sùng sục, nước tóe ra trên chỏm ống cù lao. Ông đậy nắp và loảng xoảng xích khóa thùng xíp lại. Công việc vừa xong, cũng như mọi ngày, tiếng xíp lê nổi lên inh ỏi ở ngoài đường, cuống quít kéo dài như rượt bắt rồi tiếng một chiếc xe bánh xích sào sạo ầm ầm chạy qua với những tiếng thét líu ríu và bâng quơ của các tên lính ngụy trên xe.
Hảo giúp bà Mười hạ tấm riềm xuống. Ông Mười thổi tắt ngọn đèn và nhấc đặt cây đèn dưới đầu phản. Xong, mọi người sờ soạng tìm về chỗ nằm.
Câu chuyện bà mẹ nói bắt đầu bằng những tiếng thì thầm âu yếm: “Ở nhà, con đã ngủ được chút nào không?” Bỗng, từ quãng nào Hảo cũng chẳng để ý nữa, bà chuyển sang cái đề tài độc nhất bà nói đi nói lại hoài: Khương hồi nhỏ quặt quẹo lắm, nuôi được nó đã gian nan. Nó ít nói lắm, cứ ru rú như con gái nhà lành. Thế mà lớn lên, vào Nam ra Bắc, thế nào lại gặp con. Đi công tác tận đâu đâu, năm bảy tháng về nhà, mẹ đi chợ cứ dặn mẹ mua cho mấy cái bánh xoài. Hết khen, bà mẹ chuyển sang kể các tật xấu của con, giọng bà vẫn âu yếm như thế. Thương em lắm nhưng lại ít có thân mật với em. Khi bận, mặt mũi cau cau có có. Mỗi lần về nhà, kéo theo một đám bạn, bắt nhà phải sắm ăn, nhiều lúc mẹ phải chạy mệt.
Hảo sè sẹ tháo cái vòng ngọc chị đang đeo ở cổ tay trái khẽ chuồi dưới chiếc gối chị đang kê đầu.
Bốn giờ sáng, khi đã hết giờ giới nghiêm, ông Lang và người phụ dậy sửa soạn xe. Ông Mười cũng cất tiếng gọi bà và Hảo. Ông thò tay xuống gầm phản lấy cây đèn thắp và đặt giữa bàn rồi nói với bà, giọng điềm nhiên:
— Hôm nay con Hai nó phải về. Thằng Trần Thại, thằng Vẹo và bọn Mỹ — Diệm ở đây muốn kiếm chuyện bắt nó thế cho thằng Khương. Phải cho nó đi ngay.
Lạ là bà Mười không nhúc nhích, không nói gì hết, hai mắt mở trân trân.
Ông Mười giục Hảo sửa soạn. Chánh đang ngủ say. Hảo cúi xuống khẽ hôn lên trán em, xong trở lại cầm tay mẹ.
Bà Mười im lặng.
— Bà đi với con ra xe một chút. Thôi, con đi.
Y hệt ngày anh lên đường đi tập kết, qua phố Gia Long trước nhà để xuống tàu. Không, Khương ạ, ba anh ở trong nhà, không ra tiễn Hảo. Ông bố thật ra tính tình có nhiều cái giống anh: không muốn cho ai biết có lúc mình mềm yếu...
Bà Mười im lặng, ngoan ngoãn đi theo cánh tay choàng qua vai riết khe khẽ của Hảo, Hảo nói với bà:
— Con tránh đi ít lúc, tình hình yên rồi con vào. Muốn vào cũng dễ thôi, má à. Có xe bác Lang đây...
Chị quay mặt đi:
— Yên rồi con sẽ vào ở hẳn với má chứ. Cũng đến lúc phải yên đi chứ. Cố gắng cho em con nó học, má nhé. Má bảo chú Đức, cô Quý con gửi lời thăm. Chưa gặp được cô chú đã phải đi rồi.
Ông Lang đã ngồi sẵn trên xe, bên tay lái, rồ máy và bóp ba tiếng còi.
Hảo cúi xuống hôn mẹ. Rồi bước lên xe.
Bà mẹ đứng im, vẫn ngó trân trân nhìn theo chiếc xe chở người con dâu cả của bà ra đi.
Bên sông Hiền Lương 1962
Hà Nội 1971
Giữa Trong Xanh Giữa Trong Xanh - Nguyễn Thành Long Giữa Trong Xanh