Số lần đọc/download: 1419 / 66
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:48 +0700
Chương 6
M
ỗi tài liệu đều có tính cách riêng. Dù có phải là đồ giả hay không thì bức thư của Jefferson đang nằm trong két nhà Parker vẫn mang tính vương giả. Nét chữ bay bướm và cao sang như ngọc hổ phách. Còn bức thư tống tiền nằm trên bàn giám định của FBI trước mặt anh lại cẩu thả và đơn giản.
Tuy nhiên, Parker vẫn giám định nó giống như cách anh tiếp cận bất kỳ câu đố nào: không giả định, không định kiến. Trong khi giải một câu đố, trí não con người sẽ giống như một lớp thạch cao chóng khô; ấn tượng đầu tiên luôn tồn tại đến cuối cùng. Anh từ chối đưa ra bất kỳ kết luận nào cho đến khi phân tích xong bức thư. Trì hoãn đánh giá là phần khó khăn nhất trong công việc của anh.
Ba con diều hâu cùng bắt mất gà của bác nông dân...
"Những viên đạn ở Metro thì sao?", anh hỏi. "Có tìm thấy những viên bị sơn màu không?"
"Có", Jerry Baker nói. "Khoảng một tá đạn. Sơn màu đen."
Parker gật đầu. "Có phải tôi vừa nghe anh nói là đã yêu cầu một nhà phân tích tâm lý học ngôn ngữ?"
"Đúng vậy!", Geller gật đầu với màn hình máy tính của mình. "Vẫn đang chờ kết quả từ Quantico."
Parker nhìn vào chiếc phong bì đã đựng bức thư. Nó được đặt trong bao acetat, gắn trong một chùm những tấm thẻ "vật bị tịch thu" với dòng chữ METSHOOT. Ở mặt trước của phong bì, vẫn cùng nét chữ trong thư, có ghi: – Gửi ngài thị trưởng - Sự sống và cái chết
Anh đeo găng cao su vào, không phải vì sợ để lại dấu vân tay, mà là sợ làm hỏng bất kỳ vật chất nào có thể tìm được trên tờ giấy. Anh lấy chiếc kính cầm tay Leitz của mình ra. Nó có đường kính mười lăm centimet với tay cầm bằng gỗ hồng và viền kim loại bóng loáng bao quanh mặt kính hoàn hảo. Parker xem xét nắp phết hồ trên phong bì.
"Chúng ta có gì nào, chúng ta có gì nào, bất cứ điều gì?", anh khẽ lẩm bẩm. Anh thường nói chuyện một mình mỗi khi phân tích tài liệu. Nếu bọn Who có mặt trong phòng làm việc khi ấy, chúng sẽ tường những câu bình luận của anh là nói với chúng và sẽ rất sung sướng vì được can dự vào công việc của bố.
Những đường gờ mờ nhạt do máy phết hồ để lại không hề được chạm đến.
"Không có nước bọt trên lớp hồ dán", anh nói rồi tặc lưỡi bực dọc. ADN và các thông tin về huyết học có thể được lấy ra từ dấu vết nước bọt có trên bì thư. "Hắn không dán phong bì."
Lukas lắc đầu, cứ như Parker đã bỏ qua một chuyện quá hiển nhiên. "Nhưng chúng tôi không cần đến nó, nhớ không? Chúng tôi đã có máu từ thi thể và chạy trên cơ sở dữ liệu ADN rồi. Chẳng có gì cả."
"Tôi cho là cô đã kiểm tra mẫu máu của tên nghi phạm", Parker bình thản nói. "Nhưng tôi đã hy vọng Digger liếm phong bì và chúng ta có thể tra cứu mẫu nước bọt của hắn trên máy."
Sau một thoáng cô thừa nhận, "Ý hay. Tôi đã không nghĩ đến việc đó".
Không quá tự tôn đến mức chẳng biết xin lỗi, Parker nhận thấy điều ấy. Kể cả khi cô không thực sự ân hận. Anh để phong bì sang một bên và nhìn vào bức thư lần nữa. Anh hỏi, "Mà cái vụ 'Digger' này chính xác là gì đấy?".
"Phải rồi", c. p. Ardell nói lớn. "Ở đây, chúng ta có một tên điên chắc?"
Cage khơi mào, "Lại một tên Con trai của Sam khác à? Cái gã Leonard Bemstein ấy?".
(Biệt danh của David Richard Berkowitz – sát thủ đạn 44li – kẻ giết người hàng loạt, bị kết loạt các vụ tấn công bằng súng lục ổ quay Bulldog 44 li ở TP NewYork từ tháng 7 năm án về hàng 1976)
"David Berkowitz chứ", Lukas chỉnh lại trước khi kịp nhận ra đó chỉ là câu nói đùa. c. p. và Hardy cười phá lên. Người ta không bao giờ biết khi nào thì Cage đang trêu họ, Parker nhớ lại. Đặc vụ này thường nói đùa những khi cuộc điều tra lâm vào thế bế tắc nhất. Đó là một kiểu tấm chắn vô hình, giống như của Robby, để bảo vệ con người bên trong đặc vụ Cage. Parker tự hỏi liệu Lukas có những tấm chắn như thế không. Có lẽ, cũng giống Parker, đôi khi cô mặc sẵn giáp trụ từ đầu đến chân, nhưng đôi khi lại giấu tiệt nó đi.
"Gọi bên Nghiên cứu Hành vi đi", Parker nói, "xem họ có gì liên quan đến cái tên 'Digger' này không".
Lukas đồng ý và Cage gọi xuống Quantico.
"Có mô tả nào về xạ thủ không?", Parker hỏi khi nhìn lên từ bức thư.
"Không", Cage nói. "Rất đáng sợ. Không ai thấy súng, cũng chẳng thấy ánh sáng phát ra từ họng súng, hay nghe thấy gì khác ngoài tiếng đạn bắn vào tường. À, cả vào người nạn nhân nữa."
Không tưởng, Parker hỏi, "Vào giờ tan tầm à? Không ai trông thấy gì sao?".
"Hắn ở đó rồi hắn biến mất", c. p. nói.
Hardy nói thêm, "Như một bóng ma". Parker liếc nhìn viên thanh tra. Anh ta ăn mặc gọn gàng, dáng người dong dỏng và đẹp trai. Tay đeo nhẫn cưới. Ở anh ta có đủ mọi dấu hiệu chỉ ra một cuộc đời viên mãn. Nhưng anh ta lại toát ra vẻ sầu muộn sao đó. Parker nhớ lại khi anh rời khỏi Cục, chuyên gia tư vấn về vấn đề thôi việc đã giải thích với anh, một cách không cần thiết, về tỷ lệ trầm cảm rất cao trong số những người hành pháp.
"Ma à", Lukas lẩm bẩm khó chịu.
Parker lại cúi người xuống bức thư để nghiên cứu lớp giấy lạnh lẽo và dòng mực đen. Anh đọc nó thêm vài lần nữa.
Kết thúc là đêm..
Parker để ý thấy không có chữ ký nào cả. Dường như đó là một quan sát vô vị, chỉ có điều anh từng hỗ trợ nhiều vụ án, trong đó thủ phạm đã thực sự ký tên vào thư đòi tiền chuộc. Một trong những chữ ký ấy là giả, nhằm mục đích đánh lạc hướng cảnh sát (mặc dù chính chữ ký nguệch ngoạc ấy về sau lại là bằng chứng kết tội nghi phạm). Trong một vụ khác, tên bắt cóc trẻ em đã ký tên thật của hắn, có lẽ là vô tình viết xuống trong lúc bối rối sau khi gây án. Thủ phạm đã bị bắt chỉ mười bảy phút sau khi gia đình nạn nhân nhận được yêu cầu đòi tiền chuộc.
Parker đưa chiếc đèn giám định ánh sáng mạnh tới gần bức thư. Cúi đầu xuống. Nghe thấy một lóng xương của mình kêu bốp.
Nói với ta đi, anh lặng lẽ thúc giục mảnh giấy. Kể cho ta nghe bí mật của mi...
Bác nông dân chỉ có một viên đạn trong khẩu súng mà bọn diều hâu thì đứng cách nhau quá xa, nên bác chỉ có thể bắn trúng một con...
Anh tự hỏi nghi phạm có giả mạo chữ viết của mình hay không. Rất nhiều tên tội phạm, chẳng hạn những kẻ bắt cóc đòi tiền chuộc, sẽ cố gắng giả mạo chữ viết của chúng để khiến việc so sánh trở nên khó khăn hơn. Chúng dùng những nét xiên và cách viết chữ kỳ lạ. Nhưng thường thì chúng không thể làm thế một cách trơn tru, các nét sổ luôn có sự run rẩy, khi ai đó cố làm giả chữ viết của mình. Nhưng ở đây không có nét run nào cả. Đây là nét chữ thật của tên nghi phạm.
Thông thường, bước tiếp theo trong những vụ phân tích chữ viết nặc danh như thế này sẽ là so sánh tài liệu nghi vấn với những tài liệu đã nhận diện, bằng cách cử đặc vụ cầm bản sao bức thư đòi tiền chuộc tới các văn phòng lưu trữ công cộng và đào xới trong đống hồ sơ để tìm được bản khớp với nó. Không may cho đội đặc nhiệm METSHOOT, hầu hết các hồ sơ lưu trữ công cộng đều được viết bằng chữ hoa, hoặc "dạng bản thảo" ("Vui lòng in ra", các chỉ dẫn luôn luôn nhắc nhở) mà bức thư lại dùng lối viết thảo. Ngay cả một chuyên gia giám định tài liệu cỡ Parker Kincaid cũng chẳng thể so sánh chữ in với chữ viết thảo.
Nhưng vẫn có một điểm có thể giúp họ tìm kiếm trong đống hồ sơ công cộng. Chữ viết của một người thường bao gồm các đăc tính chung và riêng biệt. Đặc tính chung là những yếu tố về lối viết mà họ học được từ cách dạy viết ở trường. Nhiều năm trước, nền giáo dục có rất nhiều phương pháp dạy viết chữ cố định và rất dễ phân biệt; một nhà giám định tài liệu có thể thu hẹp vị trí của kẻ tình nghi đến mức độ vùng miền trong nước. Nhưng những hệ thống chữ viết kiểu ấy, chẳng hạn kiểu chữ bay bướm "Bàn tay quý bà", giờ đã biến mất và chỉ còn lại rất ít cách viết, đáng chú ý hơn cả là hệ thống Zaner-Bloser và phương pháp Palmer. Nhưng chúng lại quá chung chung để có thể xác định người viết.
Về phương diện đặc tính riêng biệt thì lại hoàn toàn khác. Có những nét bút nhỏ chỉ mình chúng ta có: cách vẩy nét hoa, cách kết hợp giữa chữ in và chữ viết thảo, những nét sổ vô thưởng vô phạt, kiểu như nét gạch ngang ở đường chéo của chữ z hay số 7 chẳng hạn. Đó chính là những đặc tính riêng biệt đã mách nước cho các nhà giám định biết rằng cuốn nhật ký của Hitler "được phát hiện" vài năm về trước thực tế chỉ là đồ giả. Hitler ký họ của mình bằng một chữ H viết hoa rất đặc thù nhưng hắn chỉ dùng nó trong chữ ký, chứ không phải chữ viết nói chung. Kẻ làm giả tài liệu đã dùng chữ H hoa mỹ ấy xuyên suốt cuốn nhật ký, việc mà Hitler thật sẽ chẳng bao giờ làm.
Parker tiếp tục lướt chiếc kính cầm tay trên bức thư tống tiền, tìm xem tên nghi phạm có bất kỳ đặc tính riêng biệt nào trong cách viết hay không.
Ba ơi, trông ba kỳ quá. Cứ như Sherlock Holmes ấy..
Rốt cuộc anh cũng phát hiện ra một thứ.
Dấu chấm trên chữ i viết thường.
Hầu hết những dấu chấm trên chữ i và j đều được hình thành bằng cách gõ ngòi bút trực tiếp lên mặt giấy, nếu ai đó viết nhanh, chúng sẽ tạo thành nét gạch ngang với vết chấm phía bên trái và đuôi mờ phía bên phải.
Nhưng tên nghi phạm của vụ METSHOOT lại tạo ra một dấu khác thường phía trên các chữ i, đuôi dấu chấm hướng thẳng lên trên, khiến nó trông giống như một giọt nước rơi xuống. Nhiều năm trước, Parker đã nhìn thấy kiểu chấm tương tự, trong loạt thư do một tên biến thái gửi tới người phụ nữ mà sau này hắn đã sát hại. Những lá thư được viết từ máu của chính tên sát thủ. Parker đã đặt biệt danh cho dấu chấm ấy là "giọt lệ quỷ" và mô tả về nó trong một cuốn sách của anh về đề tài giám định tài liệu.
"Phát hiện ra một điều", anh nói.
"Cái gì?" Cage hỏi.
Parker giải thích về dấu chấm và tên anh đã đặt cho nó.
"Giọt lệ quỷ à?", Lukas hỏi. Có vẻ cô không thích cái tên. Anh đoán cô cảm thấy thoải mái hơn với khoa học và các dữ liệu chính xác. Anh nhớ lại cô từng có phản ứng tương tự khi Hardy nói rằng tên Digger giống như một bóng ma. Cô vươn người tới trước. Mái tóc vàng cắt ngắn xõa xuống và phần nào che bớt khuôn mặt cô. "Có liên hệ gì với thủ phạm của anh không?", cô hỏi. "Trong vụ bám đuôi phụ nữ ấy?"
"Không, không", Parker nói. "Tên kia đã bị hành quyết từ nhiều năm trước rồi. Nhưng cái này.. anh gật đầu về phía tờ giấy,.. có thể là chìa khóa để tìm ra nơi ở của cậu bé của chúng ta".
"Bằng cách nào?", Jeny Baker hỏi.
"Nếu chúng ta có thể thu hẹp phạm vi tìm kiếm xuống một hạt, hay tốt hơn nữa, một khu dân cư thì chúng ta sẽ có thể điều tra các hồ sơ công cộng."
Hardy khẽ bật cười. "Anh thực sự tìm được người ta theo cách đó à?"
"Ồ, có chứ. Anh biết Michele Sindona không?" c. p. lắc đầu.
Hardy liền hỏi "Ai cơ?".
Lukas lục lọi tủ lưu trữ hồ sơ tội phạm rõ ràng là rất lớn trong đầu mình và nói, "Gã chuyên gia tài chính phải không? Kẻ quản lý tiền của Vatican?".
"Đúng. Lão ta bị bắt vì lừa đảo tín dụng, nhưng đã biến mất ngay trước phiên tòa. Vài tháng sau, lão tái xuất hiện và tuyên bố mình đã bị bắt cóc, bị ném vào ô tô và đưa đến một nơi không xác định. Nhưng lại có tin đồn rằng lão chẳng hề bị bắt cóc mà đã trốn đến Ý, rồi trở lại New York, tôi nghĩ chính một nhà giám định ở hạt Southern đã lấy được mẫu chữ viết tay của Sindona và phát hiện ra lão có kiểu viết điệu đàng riêng: Lão chấm một chấm bên trong vòng tròn mỗi khi viết số 9. Các đặc vụ đã tra cứu trong hàng ngàn biên bản khai báo hải quan trên các chuyến bay từ Ý tới New York. Cuối cùng họ tìm được một dấu chấm trong chữ số 9 trên dòng địa chỉ do một hành khách khai. Hóa ra, vị khách này đã dùng tên giả. Và họ lấy được dấu vân tay của Sindona từ đó."
"Trời ơi", c. p. lẩm bẩm, "bị bắt chỉ vì một dấu chấm. Thứ nhỏ nhặt như thế".
"Ồ", Parker nói, "thường thì chính những thứ nhỏ nhặt khiến bọn tội phạm sẩy chân. Không phải lúc nào cũng vậy nhưng khá thường xuyên".
Anh đặt bức thư dưới chiếc máy soi VSC. Thiết bị này dùng những nguồn sáng khác nhau, từ tử ngoại đến hồng ngoại, cho phép các nhà giám định nhìn qua lớp tẩy xóa và thấy được những chữ cái đã bị xóa trước đó. Parker tò mò muốn biết chữ bị gạch đi ở trước từ "bắt" là gì. Anh soi toàn bộ bức thư nhưng không tìm được vết tẩy xóa nào ngoài vết đó. Sau đó, anh kiểm tra phong bì và cũng chẳng thấy vết nào nữa cả.
"Anh tìm được gì?"
"Một phút nữa tôi sẽ nói cho ông biết. Đừng có theo tôi sát sàn sạt thế, Cage."
"Đã hai giờ hai mươi rồi", viên đặc vụ nhắc nhở.
"Tôi biết xem giờ, cảm ơn ông", Parker lẩm bẩm. "Bọn trẻ của tôi đã dạy tôi rồi."
Anh bước tới chỗ thiết bị phát hiện tĩnh điện. Chiếc ESDA được dùng để kiểm tra các tài liệu hòng tìm được chữ viết hoặc dấu vết in hằn trên giấy khi người nào đấy viết lên đó. Lúc đầu người ta phát triển thiết bị ESDA để lấy dấu vân tay trên các tài liệu. Nhưng hóa ra, nó hoàn toàn vô dụng đối với mục đích ấy, bởi vì nó cũng làm hiện lên cả những chữ ẩn, và như vậy sẽ che mất các dấu vân tay. Trên các show truyền hình, vị thám tử thường tô bút chì trên mảnh giấy để tìm ra những chữ cái hằn lên. Ở đời thực các nhà giám định tài liệu không đời nào làm vậy; việc đó có thể hủy hoại phần lớn các chữ ẩn. Chiếc máy ESDA làm việc như một máy photocopy, làm lộ ra những chữ cái in hằn cách đến mười mặt giấy.
Không ai hiểu được tường tận tại sao ESDA hoạt động hiệu quả đến vậy, nhưng chẳng nhà giám định tài liệu nào lại có thể thiếu nó. Đã có lần Parker được thuê phân tích một bản di chúc do nhà tài phiệt giàu có đã chết để lại, trong đó ông ta tước quyền thừa kế của tất cả con cháu nhưng lại trao toàn bộ tài sản cho một cô hầu trẻ. Parker suýt nữa đã tuyên bố nó là thật. Chữ ký trên bức thư rất hoàn hảo, ngày tháng trên di chúc và phụ lục rất logic. Nhưng chiếc máy ESDA đời mới nhất của anh đã làm hiện lên dòng chữ có dụng ý là "cái này có thể lừa được bọn ngốc". Cô hầu về sau đã buộc phải khai nhận chuyện mình thuê người làm giả chúc thư.
Lúc này, Parker đang đưa bức thư tống tiền vào máy, anh nhấc tấm nhựa lên và kiểm tra tờ giấy.
Không có gì
Anh thử với phong bì. Parker giở lớp giấy mỏng ra và giơ trước ánh sáng trước khi cảm thấy một cú thúc mạnh trong dạ dày lúc trông thấy nét chữ viết tay màu xám tinh tế.
"Tuyệt!", anh reo lên thích thú. "Chúng ta đã tìm được một thứ."
Lukas vươn người tới và Parker ngửi thấy hương thơm thoang thoảng. Nước hoa à? Không. Tuy mới quen cô được một giờ nhưng anh dám chắc cô không phải kiểu người thích dùng nước hoa. Có lẽ đó là mùi xà phòng thơm.
"Chúng ta có vài vết chữ ẩn", Parker nói. "Tên nghi phạm đã viết gì đấy trên một mảnh giấy đặt đè lên phong bì này"
Parker giơ tờ tĩnh điện bằng cả hai tay và lộn nó lại để chữ hiện lên rõ hơn. "Được rồi, ai đó làm ơn ghi lại. Từ đầu tiên, Chữ c-l-c viết thường, rồi đến một khoảng trống. Chữ M viết hoa, chữ c viết thường. Hết rồi."
Cage viết các chữ cái trên một tờ giấy ghi chú màu vàng và nhìn vào. "Nó có nghĩa gì?" Viên đặc vụ nhún vai bối rối.
c. p. gãi tai mình và nói, "chẳng hiểu gì cả".
Geller, "Nếu không phải bit và byte thì tôi chịu chết".
Lukas cũng lắc đầu.
Nhưng Parker chỉ cần liếc một lần vào các chữ cái là hiểu ngay lập tức. Anh ngạc nhiên vì sao không ai hiểu ra.
"Đó là hiện trường đầu tiên."
"Ý anh là sao?", Jerry Baker hỏi.
"Đúng rồi", Lukas nói. "Dupont C-i-r-c-l-e, chữ M viết hoa trong Metro."
"Ừ nhỉ", Hardy thì thầm.
Câu đố nào khi giải xong mà chả thấy dễ.
"Địa điểm đầu tiên", Parker lẩm bầm. "Nhưng bên dưới vẫn còn chữ gì đấy. Cô có nhìn thấy không? Có đọc được không?" Anh chuyển mặt giấy lần nữa, giơ nó ra cho Lukas. "Chúa ơi, cái này khó nhìn quá!"
Cô cúi xuống và đọc. "Có ba chữ cái. Tôi chỉ nhận ra có thế. Chữ t-e-l viết thường."
"Còn gì khác không?", Hardy hỏi.
Parker nheo mắt. "Không, chẳng còn gì."
"t-e-l", Lukas lẩm bẩm.
"Điện thoại, công ty điện thoại, hay viễn thông?", Cage hỏi. "Ti vi?"
c. p. đoán, "Có thể chúng sẽ tấn công một trường quay nào đấy đang lên sóng chẳng hạn".
"Không, không", Parker nói. "Hãy nhìn vị trí của những chữ cái trong chuỗi c-l-e M-e. Nếu gã đang viết trên những hàng tương đối ổn định thì chữ t-e-l sẽ xuất hiện ở cuối từ." Rồi Parker luận ra. Anh nói, "Đó là một..
Lukas buột miệng, "Khách sạn (hotel). Mục tiêu tiếp theo là một cái khách sạn".
"Đúng rồi."
"Hoặc nhà trọ (motel)", Hardy gợi ý.
"Không", Parker nói. 'Tôi không nghĩ vậy. Tên xạ thủ cần đám đông. Nhà trọ không đủ để đáp ứng. Tất cả những sự kiện của đêm nay đều diễn ra trong các phòng hội nghị của khách sạn lớn."
"Và", Lukas nói thêm, "có thể hắn sẽ chọn đi bộ hoặc dùng phương tiện công cộng. Nhà trọ thường nằm ở khu vực ngoại ô. Đêm nay giao thông quá tệ nên hắn không thể di chuyển bằng ô tô được".
"Tuyệt lắm", Cage nói rồi chỉ ra, "nhưng trong thành phố này dễ có đến hai trăm cái khách sạn".
"Làm sao chúng ta thu hẹp phạm vi xuống được?", Baker hỏi.
"Theo tôi, ta nên tìm ở những khách sạn lớn.. Parker gật đầu về phía Lukas. "Cô nói đúng... có lẽ là gần các nơi có phương tiện di chuyển công cộng và đông dân cư."
Baker thả phịch cuốn Những trang vàng xuống bàn. "Chỉ trong nội đô D.c. thôi hả?" Anh ta mở sách ra. c. p. Ardell đi đến và bắt đầu nhìn qua vai chuyên gia tác chiến.
Parker cân nhắc câu hỏi. "Chúng tống tiền D.c. chứ không phải bang Virginia hay Maryland. Tôi cho là nên tập trung vào D.C. thôi."
"Đồng ý", Lukas nói, "Chúng ta cũng nên loại hết những chỗ có chữ 'Khách sạn' ở đầu, chẳng hạn như 'Khách sạn New York'. Bởi vị trí của các chữ cái trên phong bì. Và cũng chẳng cần tìm Nhà trọ (inn) hay Nhà nghỉ (lodge)."
Cage và Hardy cùng kết hợp với c. p. và Baker. Cả bốn người cúi đầu trên cuốn danh bạ. Họ bắt đầu khoanh tròn các lựa chọn, bàn xem cái này hay cái kia hợp lý hơn.
Sau mười phút, họ đã có một danh sách gồm hai mươi hai khách sạn. Cage ghi lại tên chúng bằng nét chữ chính xác của ông và đưa tờ danh sách ấy cho Jerry Baker.
Parker gợi ý, "Trước khi cử người tới những chỗ ấy, anh hãy gọi điện trước rồi hỏi xem đêm nay ở đó có sự kiện nào cho các chính khách và nhà ngoại giao không. Chúng ta có thể loại các địa điểm đó ra."
"Tại sao?", Baker hỏi.
Lukas trả lời, "Vệ sĩ có vũ trang, đúng không?".
Parker gật đầu. "Còn Sở mật vụ nữa. Nghi phạm sẽ tránh những điều ấy."
"Đúng rồi", Baker nói và vội rời khỏi phòng, vừa đi vừa mở điện thoại.
Nhưng kể cả khi đã loại bớt chừng ấy, họ vẫn còn bao nhiêu điểm đến nữa? Parker tự hỏi.
Rất nhiều. Quá nhiều.
Quá nhiều giải pháp khả thi...
Ba con diêu hâu cùng bắt mất gà của bác nông dân...