How many a man has dated a new era in his life from the reading of a book.

Henry David Thoreau, Walden

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Dos Novelas De Macondo
Dịch giả: Trung Đức
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1130 / 17
Cập nhật: 2016-06-27 09:56:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
gày chủ nhật, các con của bà quả phụ Axit đi lễ misa. Cả thẩy bảy người, chưa kể Roberto Axit. Tất cả đều được đúc nên trong chính một khuôn mẫu: lực lưỡng và rắn rỏi, cần cù như con lừa thích ứng với công việc nặng nhọc, hiền lành đối với bà mẹ. Rôbertô Axit, người con út, đã cưới vợ, chỉ giống các anh mình ở chỗ sống mũi nổi gồ lên. Với sức khỏe thất thường và thái độ hòa nhã của mình, anh là phần thưởng để an ủi bà quả phụ Axit, người từng mong đợi một cô con gái mà không thể có.
Trong nhà bếp nơi sáu người đàn ông nhà Axit đã dỡ xuống những thứ thồ trên lưng lừa ngựa, bà quả phụ Axit đi lại giữa những con gà bị trói cẳng, những bó rau tươi, những gói bơ, các thùng mật và những tảng thịt ướp để hướng dẫn bọn người hầu làm việc. Sau khi đã thu dọn nhà bếp xong, bà ra lệnh chọn thứ ngon nhất trong mỗi thứ để mang biếu cha Anghen.
Cha Anghen đang cạo râu. Thi thoảng cha chìa bàn tay ra phía sân hứng nước mưa để bôi lên bộ râu cho dễ cạo. Cha sắp cạo râu xong thì có hai bé gái đi chân đất bước vào phòng mà không gõ cửa xin phép và chúng đặt xuống trước mặt cha vài quả dứa chín, vài nải chuối xanh, mấy gói kẹo, mấy gói bơ, một sọt rau tươi và trứng gà.
Cha nháy một con mắt nhìn hai đứa trẻ. “Cái này cứ như thể giấc mơ của chú thỏ”, cha nói với chúng. Bé gái ít tuổi hơn, hai mắt mở to, chỉ vào cha nói:
- Eo ôi, các cha cố cũng cạo râu kìa!
Bé gái kia liền dắt tay nó ra cửa khác. “Con muốn gì nào”, cha cười và nói thêm: “Chúng ta cũng là người chứ sao”. Sau đó cha ngắm nhìn đống quà biếu để ngổn ngang trên sàn nhà và hiểu rằng chỉ nhà Axit mới có khả năng úy lạo nhiều như thế.
- Hãy bảo các cậu ấy rằng Chúa sẽ phù hộ cho họ mạnh khỏe.
Cha Anghen cất dụng cụ cạo râu cho dù vẫn chưa cạo xong. Sau khi nhặt các thứ thực phẩm và cất chúng bên dưới chum nước, cha bước vào kho đồ thánh rửa ráy tay chân.
Nhà thờ đã đông nghịt con chiên. Nhà Axit cùng với bà thông gia ngồi ở hai hàng ghế trên ngay cạnh bục giảng kinh. Hai hàng ghế này là do gia đình Axit cung tiến cho nhà thờ, ở phía sau tấm tựa đều có tấm biển đồng khắc tên từng người một của gia đình và mỗi khi đi dự lễ mỗi thành viên của gia đình Axit cứ việc ngồi vào chỗ có ghi tên mình. Đây là lần đầu tiên trong vài tháng nay, anh em nhà Axit cùng đi lễ misa. Khi bọn họ đến nhà thờ, người ta có cảm tưởng rằng họ cứ việc ngồi lên lưng ngựa mà nghễu nghện vào thánh đường. Crixtôban Axit, người con cả, vốn đến thánh đường từ trước nửa giờ mà vẫn chưa cạo râu, mang cả đôi ủng có đinh thúc ngựa. Cứ nhìn con người lực lưỡng kia thì sẽ thấy quả nhiên Xêxa Môngtêrô là con hoang của cụ Ađanbertô Axit, đó là điều dân chúng từng đồn đại nhưng không bao giờ được thừa nhận.
Trong kho đồ thánh, cha Anghen đang tức điên người vì thiếu mất bộ đồ hành lễ của cha. Người phụ lễ hoảng hốt, tìm khắp các ngăn kéo mà không thấy.
- Hãy đi gọi Trinidat đến – cha ra lệnh, – và hỏi cô ta xem chiếc áo thụng để ở đâu.
Cha quên mất rằng Trinidat bị ốm từ hôm thứ bảy tuần trước. Người phụ lễ nghĩ rằng chắc chắn Trinidat đã mang một vài thứ về nhà để khâu vá. Vậy là cha Anghen phải mặc lễ phục làm đám tang. Cha không tài nào tập trung được tư tưởng. Khi bước lên bục giảng kinh, người vẫn bàng hoàng thở hổn hển, lúc ấy mới hiểu rằng những luận điểm được hình thành và chín muồi trong những ngày trước đây bây giờ không còn sức thuyết phục mạnh mẽ như trong phòng ngủ cô đơn của cha.
Cha thuyết giảng trong vòng mười phút đồng hồ. Cha giảng mà lời lẽ lắp bắp chẳng đâu vào đâu vì những ý nghĩ cứ ào đến không chứa nổi trong cách thức diễn đạt quen thuộc. Cha nhận ra bà quả phụ Axit ngồi bên các con trai, cứ như thể cha nhận ra bọn họ trong tấm ảnh gia đình đã ố vàng vài thế kỷ sau này. Chỉ có Rôberca đê Axit, cô gái đang phơi cái bộ ngực nở, lộng lẫy tràn đầy sức sống, đối với cha là rất người và rất hiện thời. Cha Anghen kết thúc bài thuyết giảng mà không hề đả động trực tiếp đến hiện tượng các tờ rơi.
Bà quả phụ Axit ngồi ngây ra mất mấy phút hết tháo lại đeo chiếc nhẫn cưới với vẻ thất vọng thầm kín trong khi lễ misa được tiếp nối. Sau đó bà làm dấu thánh, rồi đứng dậy ra về, đường bệ đi giữa đám con trai của mình, trong lúc dọn bữa điểm tâm ở bàn ăn – “Chúng hôi hám làm sao, cứ như thể những con vật bị moi bụng treo lên xà nhà.”
Bác sĩ lắp bàn cạo và bắt đầu cạo râu. Mắt ông sưng húp. “Chỉ tại mình ngủ không ngon giấc đấy”, bà vợ bảo ông. Rồi với giọng nói hơi cay cú, bà nói thêm: “Rồi một trong những ngày chủ nhật này anh thức dậy mà thấy mình già rồi”. Bà mặc chiếc áo ngủ đã sờn và đầu bà cuốn nhiều lô buộc tóc.
- Hãy im mồm đi cho tôi nhờ mình ơi – bác sĩ nói.
Bà vợ vào nhà bếp, đặt ấm đun cà phê lên bếp lửa và chờ cho nó sôi trong lúc đó bà lắng nghe tiếng con vẹt hót và sau đó tiếng nước chảy trong phòng tắm. Vậy là bà vào phòng ngủ chuẩn bị quần áo sạch để khi chồng mình ra sẵn có mà thay. Khi mang thức ăn lên bàn bà thấy bác sĩ đã sẵn sàng ra đi. Bà thấy chồng mình trẻ ra trong chiếc quần kaki và chiếc áo thể thao.
Hai vợ chồng lặng lẽ ăn sáng. Cuối bữa ăn, bác sĩ nhìn kỹ vợ mình với ánh mắt âu yếm. Bà hơi thẹn, cúi mặt xuống uống cà phê.
- Mình bị gan rồi – bác sĩ nói.
- Nhầm to rồi – bà cãi mà không ngẩng mặt lên.
- Có lẽ anh đã được miễn dịch tốt. Cứ mưa thế này người ta dễ sinh bệnh gan lắm.
- Lúc nào mình cũng chỉ nói thế nhưng mình chẳng làm gì cả. Nếu mình mở mắt ra thì mình cũng phải từ biệt ngay chính mình.
Dường như ông tin điều bà vừa nói. “Tháng chạp tới chúng ta sẽ đi nghỉ mười lăm ngày ở biển”, ông tuyên bố. Ông ngắm nhìn mưa qua hàng rào gỗ ngăn phòng ăn với sân meo mốc vì mưa dai dẳng suốt cả tháng mười. Ông nói thêm: “Vậy là ít nhất trong bốn tháng nữa chúng ta sẽ không phải chịu đựng những ngày Chủ nhật như thế này”. Bà vợ xếp bát đĩa lên nhau trước khi mang chúng đi xuống nhà bếp. Khi trở lại phòng ăn, bà thấy ông đã đội mũ nan, tay xách chiếc túi xách tay.
- Vậy là bà quả phụ Axit vừa ở nhà thờ ra – ông nói.
Bà vợ đã thông báo cho ông tin này trong lúc ông đánh răng nhưng ông không để ý.
- Trong năm nay hình như nhà họ cùng đi lễ Misa tới ba lần – bà vợ khẳng định. – Cứ theo con mắt em, bà quả phụ không được vui vẻ gì hơn trước khi đi nhà thờ.
- Bọn họ đang điên cả một lũ – bác sĩ nói.
Một số bà từ nhà thờ về đã vào thăm bà góa Môngtiên. Bác sĩ chào mấy bà đứng ở ngoài phòng khách. Tiếng cười khúc khích theo chân bác sĩ đến tận cửa phòng ngủ. Trước khi gõ cửa, ông hiểu rằng trong đó đã có một số bà khác nữa. Có ai đó ra lệnh cho ông cứ việc mở cửa mà vào.
Bà góa Môngtiên ngồi với mái tóc xõa, hai tay ôm ghì vào ngực, đầu đội tấm ga trải giường. Trong lòng bà có một chiếc gương soi và một chiếc lược sừng.
- Vậy là cả bà cũng quyết tâm đi dự hội đấy – bác sĩ nói.
- Bà đang tổ chức mừng lễ sinh nhật lần thứ mười lăm của mình đấy, bác sĩ ạ – một bà nói.
- Mười tám chứ – với nụ cười buồn, bà góa Môngtiên sửa lại. Bà lại nằm xuống giường kéo tấm ga đắp kín đến cổ. Rồi với giọng vui vẻ bà nói thêm- Dĩ nhiên là không một người đàn ông nào được mời. Trừ ông, bác sĩ ạ, ông là một điềm gở.
Bác sĩ để chiếc mũ ướt lên chiếc bàn chân quỳ. “Hay lắm”, ông nói và đưa mắt quan sát người bệnh. “Tôi vừa chợt hiểu rằng mình chẳng có gì cần phải làm ở đây”. Sau đó ông quay về phía các bà, nói:
- Xin các bà cho phép tôi được làm việc.
Khi chỉ còn lại một mình mình với bác sĩ, bà góa Môngtiên lại để lộ nỗi buồn cay đắng của người ốm. Nhưng bác sĩ hầu như không nhận ra. Với giọng vui vẻ, ông vẫn tiếp tục nói trong khi đặt lên chiếc bàn ngủ những thứ rút ra từ trong túi xách tay.
- Bác sĩ ơi, làm ơn đừng tiêm cho tôi nữa.
- Thuốc tiêm là thứ tốt nhất mà người ta sáng tạo ra để nuôi sống các bác sĩ mà – ông vừa cười vừa nói vui.
Bà góa Môngtiên cũng mỉm cười.
- Hãy tin tôi ông bác sĩ ạ – bà nói trong lúc vỗ lên mông được che bởi tấm vải trải giường – Toàn bộ chỗ này hầu như đang mưng mủ. Ngay đến tôi cũng không thể sờ vào đó. Đau lắm.
- Đừng sờ vào – bác sĩ nói.
Thế là bà cười rất chân thành:
- Xin bác sĩ nói cho nghiêm chỉnh dẫu hôm nay là ngày Chủ nhật.
Bác sĩ vén áo một cánh tay bà để đo huyết áp.
- Bác sĩ đã cấm tôi điều đó vì không có lợi cho gan mà.
Trong lúc bác sĩ đo huyết áp, bà góa tò mò nhìn đồng hồ đo. “Đó là chiếc đồng hồ lạ hơn cả mà cả đời tôi mới thấy”. Bác sĩ lặng lẽ quan sát kim chỉ số cho đến khi nó dừng lại hẳn.
- Đó là chiếc kim chỉ chính xác giờ ta phải dậy – bác sĩ nói.
Trong lúc thu dọn đồ nghề, bác sĩ chăm chú quan sát sắc diện người ốm. Ông để lại trên mặt bàn một lọ thuốc viên màu trắng và dặn rằng cứ hai giờ thì uống một viên. “Nếu bà không muốn tiêm nữa thì không tiêm nữa”, – bác sĩ nói: “Bà còn khỏe hơn cả tôi”. Bà quả phụ tỏ vẻ nôn nóng.
- Chẳng bao giờ tôi có cái gì cả – bà nói.
- Tôi tin bà rồi mà, nhưng cũng cần phải sáng tạo ra một cái gì để đánh giá chính xác sự đo đếm chứ.
Làm ra vẻ hiểu lời bình luận ấy, bà góa hỏi:
- Tôi cần phải nằm tiếp chứ?
- Ngược lại hoàn toàn. Tôi cấm bà nằm. Bà hãy xuống phòng khách mà tiếp khách theo khả năng của mình. Ngoài ra còn có nhiều điều nói cho vui phải không nào.
Lạy chúa tôi, xin bác sĩ chớ pha trò như thế. Có lẽ ông là người viết các tờ rơi.
Bác sĩ rất thú vị trước ý nghĩ ấy của người bệnh. Khi ra ông nhìn chiếc va li da có khóa đồng chuẩn bị cho chuyến đi xa để ở một xó phòng. “Sau khi đi khắp thế gian trở về, bà nhớ mang quà cho tôi đấy”, đứng ở ngoài cửa ông nói rõ to. Bà góa lại tiếp tục công việc chải tóc của mình.
- Dĩ nhiên, bác sĩ ạ.
Bà góa không xuống nhà. Bà cứ ở trên giường cho đến khi không còn khách thăm mình nữa. Lúc ấy bà mới dậy mặc váy áo.
Carmichaen bắt gặp bà ăn cơm trước ban công mở hé cửa.
Bà góa đáp lại lời chào của ngài mà không rời mắt khỏi ban công. “Tự đáy lòng mình, tôi rất thích người phụ nữ ấy: thật dũng cảm”, bà nói. Carmichaen cũng nhìn về phía ngôi nhà bà quả phụ Axit mà cửa ra vào và cửa sổ của nó không được mở cho đến tận mười một giờ.
- Đó chính là bản thể con người bà ta – Carmichaen nói – Với tâm hồn như tâm hồn bà ta, được hóa công tạo nên chỉ để nuôi dưỡng đám con trai mà thôi, thì bà ta không thể nào khác hơn được – rồi ngài hướng sự quan tâm của mình về phía bà góa Môngtiên – Bà cũng như một bông hồng.
Với nụ cười rạng rỡ, bà gật đầu như tán thành ý kiến của ngài. “Ông có biết không?”, bà hỏi. Trước thái độ không dứt khoát của Carmichaen, bà nói luôn cho ngài biết:
- Bác sĩ Hiranđô cũng tin rằng tôi bị điên đấy.
- Làm gì có chuyện.
Bà góa gật đầu để khẳng định điều mình nói. “Tôi không lấy làm lạ rằng ông bác sĩ đã thảo luận với ông về cách thức gửi tôi đi nhà thương điên”. Carmichaen đâm ra lúng túng không biết nên giải quyết sự hiểu nhầm này như thế nào cho phải.
- Cả sáng nay tôi không ra khỏi nhà – ngài nói.
Ngài ngồi phịch xuống chiếc ghế ngay cạnh giường. Bà góa hồi tưởng lại Hôxê Môngtiên ngồi trên chiếc ghế ấy, ngã nhào vì bị xuất huyết não, mười lăm phút trước khi chết. “Trong trường hợp ấy – bà nói cố rũ bỏ kí ức rùng rợn đi – có thể gọi ông ta ngay chiều nay”. Rồi bà thay đổi đề tài bằng một nụ cười.
- Thế ông đã thảo luận với ông bạn Xabat của tôi chưa?
Carmichaen trả lời bà rằng đã thảo luận rồi.
Thực ra ngày thứ sáu và thứ bảy ngài mới chỉ thả bóng thăm dò xem phản ứng của đôn Xabat như thế nào nếu công bố bán đi tài sản của Hôxê Môngtiên. Đôn Xabat hình như sẵn sàng mua lại, ấy là theo sự phỏng đoán của ngài thôi. Bà góa nghe mà không hề nôn nóng. Nếu không phải là thứ tư tới thì cũng là tuần tới, bà góa chấp nhận ý kiến của ngài Carmichaen. Tóm lại, bà góa đã quyết chí bỏ làng để ra đi trước khi tháng mười kết thúc.
Nhanh như chớp, bàn tay phải của xã trưởng rút súng lục ra. Ngay đến cơ bắp cuối cùng trong cơ thể ngài cũng đã sẵn sàng nhả đạn, đó là khi ngài đã tỉnh ngủ hẳn và nhận ra pháp quan Accađiô.
- Đồ cứt đái – ngài rủa.
Pháp quan Accađiô đứng như trời trồng.
- Lần sau chớ có dại như thế, nghe chưa ông pháp quan – xã trưởng nói trong lúc tra súng lục vào bao. Một lần nữa lại nằm vật ra trên chiếc ghế đệm nỉ. – Khi tôi ngủ thính giác tôi càng làm việc tốt hơn đấy.
- Cửa để ngỏ – pháp quan nói.
Xã trưởng quên không đóng cửa. Vì mệt quá đến mức vừa đặt lưng xuống ghế ngài đã ngủ ngay lập tức.
- Mấy giờ rồi?
- Sắp mười hai giờ rồi – pháp quan trả lời. Trong giọng nói của ông vẫn còn run run.
- Tôi buồn ngủ đến chết mất ông ạ!
Khi vươn vai ngáp một cái rõ dài, xã trưởng có cảm giác rằng thời gian như đứng lại. Bất chấp mưu lược của ngài, bất chấp những đêm thức trắng của ngài, những tờ rơi vẫn xuất hiện. Buổi đêm về sáng hôm ấy ngài bắt gặp tờ rơi ngay ở tường phòng ngủ của mình viết rằng: “Thiếu úy, chớ nên phí đạn trong việc bắn quạ đen”. Ở ngoài đường, người ta nói toáng lên rằng chính những người tuần tra đêm đã dán tờ rơi để giải buồn trong lúc canh gác. Dân làng phải được một trận cười vỡ bụng mất, thiếu úy nghĩ.
- Thôi, dậy đi – pháp quan Accađiô nói – Chúng ta đi ăn đi.
Nhưng xã trưởng không đói. Ngài muốn ngủ thêm chừng một tiếng rưỡi nữa rồi tắm táp trước khi ra khỏi nhà. Ngược lại, pháp quan tươi tỉnh và sạch sẽ, về nhà ăn cơm trưa. Vào lúc đi qua phòng ngủ, vì nó để ngỏ cửa, pháp quan đã bước vào để xin giấy phép được đi lại tối nay ngay trong giờ giới nghiêm. Thiếu úy liền trả lời ngay: “Không được”. Rồi bằng giọng oai vệ của bậc cha chú, ngài nói:
- Ông nên ở yên trong nhà mình thì tốt hơn.
Pháp quan châm một điếu thuốc. Ông chăm chú quan sát ngọn lửa que diêm và chờ cho đến khi nó tắt, đồng thời mình cũng đỡ sợ hơn. Trong lúc chờ đợi ấy, ông không thấy có gì để nói.
- Đừng buồn nghe – xã trưởng nói. – Ông cứ tin rằng tôi muốn đổi địa vị hiện tại của mình cho ông đấy để tôi có thể đi ngủ từ tám giờ tối và tôi dậy khi nào tôi thích.
- Vâng ạ – pháp quan nói. Rồi bằng một giọng hài hước, ông nói thêm – Cái duy nhất mà tôi còn thiếu là cái này: một ông cha đạo mới độ tuổi ba mươi lăm. Pháp quan quay lưng về phía xã trưởng và hình như ông đang ngắm nhìn bầu trời nặng trĩu mây mưa. Xã trưởng im lặng. Sau đó bằng một giọng dứt khoát ngài nói.
- Pháp quan này – pháp quan Accađiô quay mặt về phía ngài và hai người nhìn thẳng vào mắt nhau. – Tôi sẽ không cho ông giấy phép, ông hiểu chưa?
Pháp quan cắn chặt điếu thuốc lá. Ông định nói điều gì nhưng kịp nén cơn giận lại. Xã trưởng nghe thấy ông thong thả bước xuống cầu thang. Bỗng ngài cúi xuống tầng dưới, gào to:
- Pháp quan!
Không có tiếng trả lời.
- Chúng ta vẫn là bạn của nhau nhé – xã trưởng gào.
Lần này cũng không có tiếng trả lời.
Xã trưởng cứ khom lưng cúi xuống tầng dưới theo dõi phản ứng của pháp quan Accađiô cho đến khi cửa được đóng lại và một lần nữa ngài ở một mình với các kí ức của mình. Ngài chẳng phải làm hết sức để có thể ngủ tiếp. Ngài đã thức cả đêm, chìm nghỉm trong một làng mà đối với ngài nó vẫn xa lạ và không thể hòa nhập với dân chúng của nó dù cho đã qua đi rất nhiều năm sau khi ngài thực thi chức vụ của mình. Cái đêm về sáng mà ngài bí mật đổ bộ lên làng này mang theo chiếc va li làm bằng bìa các – tông và một mệnh lệnh phải thâm nhập vào làng bằng bất cứ giá nào, chính cái đêm ấy ngài làm quen với nỗi sợ. Chỗ dựa duy nhất của ngài là bức thư gửi cho một nhân vật chỉ điểm của Chính phủ mà ngày hôm sau ngài sẽ gặp ông ta mặc quần đùi ngồi trước kho thóc. Với sự chỉ dẫn của ngài và với ba tên giết người được trả lương lòng lang dạ sói cùng đi với ngài, nhiệm vụ của ngài đã được thực thi ngay trong buổi sáng hôm ấy. Tuy nhiên, buổi chiều ấy, hoàn toàn không biết đến tấm mạng nhện mà thời gian đã bao phủ quanh ngài, chỉ một ánh chớp sáng tỏ cũng đủ để ngài tự hỏi mình rằng ai thống trị ai giữa ngài với dân chúng của làng này.
Ngài nằm mơ với hai mắt mở trừng trừng nhìn về phía ban công đang bị mưa táp vào mãi cho đến tận bốn giờ chiều. Sau đó ngài tắm, mặc bộ đồ đồng phục rồi xuống khách sạn ăn cơm. Sau đó ngài đi kiểm tra đồn cảnh sát. Bỗng ngài thấy mình đứng ở một đầu phố tay đút túi quần mà không biết làm gì.
Chủ tiệm chơi bi-a nhìn thấy ngài bước vào tiệm lúc chiều đã buông, tay đút trong túi quần. Từ cuối phòng, chủ tiệm lên tiếng chào ngài nhưng xã trưởng không đáp lời.
- Cho một chai nước khoáng – ngài gọi.
Có tiếng chai va phải nhau trong tủ ướp đá.
- Một ngày như những ngày này – chủ tiệm nói, – cần phải giải phẫu nó và ngài sẽ thấy buồng mật toàn là bong bóng.
Xã trưởng nhìn chiếc cốc. Ngài uống một ngụm, hai khuỷu tay chống lên mặt bàn, mắt không rời khỏi chiếc cốc. Quảng trường vẫn vắng bóng người.
- Có chuyện gì không? – Xã trưởng hỏi.
- Có đấy. Hôm nay là ngày Chủ nhật.
- À!
Ngài đặt một đồng tiền trên quầy bán rồi bước ra mà không chào ai cả, ở ngay đầu phố ăn thông vào quảng trường có người đang đi bộ kéo theo sau mình một cái đuôi to bự nói với ngài về một cái gì đó mà ngài không hiểu. Sau đó ngài liền có ngay phản xạ cần thiết. Ngài mơ hồ hiểu rằng có chuyện đang xảy ra và ngài liền đi ngay về đồn cảnh sát. Ngài nhảy đại liền mấy bậc để lên cầu thang mà không để ý đến những tốp người đang tụ tập ngay ở cửa ra vào. Một lính cảnh sát bước ra đón ngài và trao cho ngài một tờ giấy. Chẳng cần phải đọc, và chỉ loáng nhìn, ngài đã hiểu nó là thứ gì rồi.
- Cậu ta đang phân phát truyền đơn này ở bãi chọi gà – lính cảnh sát báo cáo với ngài.
Xã trưởng chạy theo dọc hành lang. Ngài mở cửa phòng giam, đứng yên một lúc tay vẫn nắm quả đấm cửa, cố làm quen bóng tối cho đến khi có thể nhìn được: đó là một thanh niên trạc tuổi hai mươi, mặt dài như lưỡi cày, chi chít nốt rỗ.
Câu ta đội một chiếc mũ thể thao, đeo kính cận.
- Tên gì hả?
- Pêpê.
- Pêpê gì?
- Pêpê Amađô.
Xã trưởng quan sát cậu ta một lúc lâu và cố nhớ xem cậu ta con nhà ai. Anh thanh niên ngồi trên tấm ván được dùng làm giường nằm cho người tù. Anh ta có vẻ bình tĩnh. Anh ta tháo kính ra, lấy vạt áo lau mặt kính rồi nháy mắt nhìn xã trưởng.
- Chúng ta đã gặp nhau ở đâu rồi phải không? – Ngài hỏi.
- Ở chỗ ấy – Pêpê Amađô trả lời.
Xã trưởng vẫn đứng nguyên tại chỗ. Ngài vẫn nhìn người tù, vẻ suy tư rồi khóa cửa phòng giam lại.
- Pêpê ạ, tôi thiết tưởng rằng tự cậu làm khổ cậu đấy.
Xã trưởng khóa cửa, đút chìa khóa vào túi quần, rồi về phòng đọc đi đọc lại tờ truyền đơn.
Ngài ngồi ngoài ban công mở toang cửa, tay vỗ đen đét để giết muỗi, trong khi các đường phố vắng bóng người đã lên đèn. Ngài đã quen lắm với thứ yên tĩnh lúc trời chạng vạng tối. Trước đây, trong một buổi chiều tối như buổi chiều tối này, ngài đã hoàn toàn sung sướng trước cảm giác mình có đủ thứ quyền lực trong tay.
- Vậy là truyền đơn xuất hiện trở lại như trước đây – xã trưởng nói to ý nghĩ của mình.
Đúng thế, truyền đơn đã xuất hiện trở lại. Cũng như trước đây, chúng được in bằng đá litô cả hai mặt, ở bất cứ lúc nào và bất cứ đâu chúng cũng có thể được nhận ra bởi cái dấu ấn vội vàng mà sự hoạt động bí mật đã in lên chúng.
Trong bóng tối xã trưởng suy nghĩ rất lâu, hết mở ra lại gấp lại tờ truyền đơn, trước khi đi đến quyết định. Cuối cùng ngài cất nó vào túi và sực nhớ đến chìa khóa phòng giam.
- Rôvira – ngài gọi.
Người lính tin cẩn của ngài xuất hiện trong bóng tối. Xã trưởng đưa cho y chùm chìa khóa.
- Anh có trách nhiệm phải khai thác thằng ấy nghe chưa. Hãy thuyết phục để nó nói cho anh biết tên những ai mang truyền đơn về làng. Nếu không thuyết phục được thì anh hãy dùng mọi biện pháp buộc nó phải khai ra.
Người lính ấy nhớ ra rằng đêm nay mình có phiên gác.
- Không phải lo chuyện gác nữa – xã trưởng nói. – Anh hãy lo chu đáo nhiệm vụ tôi giao cho đến khi nào có lệnh mới. Thêm một nhiệm vụ nữa cho anh đây: hãy tống cổ đám người đang tụ tập ngoài sân. Đêm nay không phải gác.
Ngài gọi ba người lính bị cấm trại theo lệnh của mình đến văn phòng. Ngài ra lệnh cho họ mặc đồng phục được cất cẩn thận trong tủ. Trong lúc bọn họ mặc quần áo, ngài thu vén các viên đạn giấy đêm trước phát cho đám dân làm nhiệm vụ tuần tra còn để trên mặt bàn và lấy từ trong két sắt ra một vốc đạn. “Đêm nay các anh sẽ phải làm nhiệm vụ tuần tra đêm”, ngài nói với bọn họ trong lúc trao cho ba người những vũ khí tốt nhất. “Các anh sẽ chẳng phải làm gì hết mà chỉ cần làm sao cho dân chúng biết chính xác các anh là những người đang có mặt ở ngoài đường”. Khi tất cả đã có súng rồi, ngài phát đạn cho họ. Ngài đứng trước mặt họ, căn dặn:
- Nhưng các anh hãy nghe cho rõ đây: ai dám phá quấy ngoài đường tôi sẽ bắt đứng úp mặt vào tường và tử hình luôn – ngài dừng lại chờ phản ứng của họ nhưng không thấy – Nghe rõ chưa?
Trong số ba người lính ấy có hai người giống dân Anhđiêng vóc dáng bình thường, còn một người tóc hung, mắt xanh trông đang có chiều hướng lớn nhanh thành người lực lưỡng. Cả ba người trong lúc vừa lắp đạn vào băng vừa nghe ngài nói. Cả ba cùng đứng nghiêm, đáp:
- Báo cáo, rõ.
- Còn một điều nữa – xã trưởng chuyển sang giọng khác thường, nói: – đám con trai nhà Axit đang có mặt tại làng. Các anh không nên ngạc nhiên khi thấy một trong những người ấy có mặt ngoài đường, đang say rượu và làm chuyện bậy bạ. Tóm lại là dù thế nào chăng nữa các anh không được đụng đến họ – lần này xã trưởng cũng không thấy có phản ứng trong đám lính. – Rõ chưa?
- Báo cáo thiếu úy, rõ.
- Vậy là các anh đã hiểu nhiệm vụ của mình rồi – xã trưởng kết luận. – Các anh hãy cẩn thận nghe chưa.
Sau khi cầu kinh Rôbertô, vì lệnh giới nghiêm nên phải làm sớm hơn thường lệ một giờ đồng hồ, cha Anghen ngửi thấy thoáng có mùi thối rữa. Nó chỉ thoáng qua thôi nên cha không thể xác định ngay là mùi gì. Sau đó trong lúc rán dòn những lát chuối xanh và đun sôi sữa để ăn bữa tối cha đã tìm ra được nguyên nhân của cái mùi khó chịu kia: Trinidat, vì ốm từ hôm thứ bảy, đã không thu nhặt xác chuột chết. Thế là cha đi trở lên nhà thờ mở cửa rồi thu dọn các bẫy chuột cho sạch sẽ. Sau đó cha đến nhà Trinidat chỉ cách nhà thờ hai ô phố.
Chính ông Tôđô Vixban mở cửa cho cha. Trong căn phòng tối mờ mờ trên tường treo vài bức ảnh và dưới sàn bầy biện lộn xộn mấy chiếc ghế bọc da, bà mẹ và bà của Mina đang cùng uống thứ nước nóng nấu lá thơm, Mina đang làm hoa giấy.
- Thưa cha, đã mười lăm năm không thấy cha đến nhà – bà cụ già mù lòa nói.
Quả đúng thế. Chiều nào cha cũng đi dạo qua trước cửa sổ Mina ngồi làm hoa giấy, nhưng cha không hề bước vào nhà.
Thời gian trôi đi không tiếng động, cụ ạ. – Cụ nói trong lúc làm hiệu cho Tôđô Vixban rằng mình đang vội – Tôi đến để xin ông cho Mina sáng mai đến nhà thờ làm nhiệm vụ trông nom các bẫy chuột. Trinidat bị ốm từ hôm thứ bảy – cha giải thích.
Ông Tôđô Vixban đồng ý cho Mina đến nhà thờ giúp cha.
- Đó là những mong ước làm mất thời gian – cụ già mù lòa chen ngang câu chuyện. – Cuối cùng rồi thì thế giới sẽ kết thúc trong năm nay.
Bà mẹ Mina đặt tay lên đầu gối bà cụ ra hiệu cho cụ đừng nói nữa. Bà cụ mù lòa gạt tay bà đi.
- Chúa trừng trị kẻ dị đoan – cha nói.
- Kinh thánh cha đã viết rằng – bà cụ mù lòa nói – máu chảy ngoài đường và không một sức mạnh nào của con người có thể ngăn được nó.
Cha nhìn bà cụ một cách thương hại. Cụ đã già lắm rồi: da bệch bạc nhưng đôi mắt hết sức sống lại dường như đang xâm nhập sâu vào các sự kiện.
- Rồi chúng ta sẽ tắm trong máu – Mina nói để giễu cợt.
Thế là cha nhìn Mina. Cha thấy cô hiện lên với mái tóc dày đen huyền và nước da xanh tái. Nom cô tựa như một bức tranh ngụ ngôn trong một hội vui ở nhà trường.
- Và con đang làm việc trong cả ngày Chủ nhật phải không.
- Con chẳng đã nói với cha rồi sao – bà cụ mù lòa chen ngang câu chuyện, nói – Tro bỏng sẽ mưa lên đầu cha.
- Nỗi túng quẫn mang bộ mặt chó, cha ạ – Mina cười và nói.
Vì cha vẫn đứng nên ông Tôđô Vixban kéo một chiếc ghế mời cha ngồi, ông là một người đàn ông mảnh khảnh và nhút nhát.
- Cảm ơn ông – cha từ chối – Tôi phải về kẻo đang đi đường thì kèn giới nghiêm thổi mất – cha chăm chú lắng nghe cái yên tĩnh của làng và bình luận: – Có lẽ đã hơn tám giờ.
Thế là cha biết rõ: Sau gần hai năm phòng giam không có tù nhân, bây giờ Pêpê Amađô đang ở trong nhà giam và làng đang bị ba tên tội phạm chà đạp. Ngay từ sáu giờ chiều dân chúng không ai dám ra khỏi nhà mình.
- Đến là lạ – cha hình như đang nói với chính mình – Một sự kiện như thế đáng nản lòng.
- Sớm muộn gì cũng phải xảy ra – ông Tôđô Vixban nói – Cả nước đang bị bao bọc bởi một tấm mạng nhện.
Ông theo chân cha ra tận cửa.
- Thưa cha, cha chưa thấy truyền đơn à? – Ông hỏi.
- Lại có truyền đơn nữa sao – cha ngạc nhiên hỏi.
- Tháng tám tới – bà cụ mù lòa lại nói chen vào câu chuyện của hai người đàn ông – sẽ có ba ngày tối tăm.
Mina vươn người, đưa cho cụ một bông hoa đang làm dở. “Cụ ơi, xin cụ im cho và hãy làm xong bông hoa này”, cô nói với cụ. Bà cụ cầm lấy bông hoa ngay.
- Vậy là truyền đơn lại xuất hiện – cha nói.
- Gần một tuần nay rồi, thưa cha. – Ông Tôđô Vixban nói – Ngay nhà con đây cũng có một tờ cho dù chẳng ai biết kẻ nào đã bỏ ở đây. Cha có biết người ta nói gì trong đó không.
Cha gật đầu khẳng định rằng mình chưa biết.
- Người ta nói rằng tất cả lại y như trước. Thay đổi chính phủ, hứa sẽ đem lại hòa bình và an ninh và thoạt đầu người ta tin. Nhưng các quan chức vẫn chính là những quan chức cũ.
- Đúng thế đấy – bà mẹ Mina tham gia câu chuyện – Ngay ở làng ta đây, lại thiết quân luật và ba tên tội phạm ấy đang ngông nghênh súng ống ngoài đường.
- Nhưng có tin mới đấy – ông Tôđô Vixban nói. – Bây giờ có tin đồn rằng tại vùng nội địa của nước ta người ta đang tổ chức chiến tranh du kích để chống lại chính phủ.
- Tất cả đều có viết trong kinh thánh rồi. – bà cụ mù lòa nói.
- Thật là ngu xuẩn – cha nói vẻ suy tư. – cần phải thừa nhận rằng thái độ đã thay đổi. Hoặc chí ít – cha tự sửa chữa – đã thay đổi cho đến tận đêm nay.
Mấy giờ sau đấy, trằn trọc trong hơi nóng màn giường cha Anghen tự hỏi trong mười chín năm thực thi nhiệm vụ chăn dắt con chiên ở nhà thờ giáo khu này, trên thực tế thời gian có chuyển động hay tĩnh tại một chỗ? Ở phía trước nhà mình cha nghe thấy chính cái tiếng động của ủng và súng ống mà trước đây từng gây nên những loạt súng nổ. Lần này chỉ khác trước ở chỗ tiếng ủng ngày một xa dần và hơn một giờ sau nó lại trở lại để lại xa dần mà không vang lên tiếng súng nổ. Sau đó ít lâu, lo lắng vì sự lùng sục của quân lính ở ngoài đường và mệt mỏi vì cái nóng, cha mới hiểu ra rằng gà vừa gáy được một lúc rồi.
Giờ Xấu Giờ Xấu - Gabriel José García Márquez Giờ Xấu