Số lần đọc/download: 1654 / 78
Cập nhật: 2015-12-18 11:23:52 +0700
Chương 7
T
hế nào anh cũng về, anh nhất định về dù em nói gì đi nữa vì anh yêu em. Không những một mình anh về, anh còn muốn cả em cùng về với anh. Tại sao không? Em thử nghĩ tại sao không? Không phải anh về với ý muốn che đậy sự giả dối của mình, để vênh vang tự nhận là một người đại lượng, có lòng bao dung, thương yêu cả người không thương yêu mình. Bây giờ nếu anh không về thì chắc không bao giờ anh còn cơ hội gặp mẹ kế, cũng là dì ruột anh trước khi bà mất, sau nữa không còn có can đảm để gặp lại anh em mình dù sao cũng vẫn còn một sợi dây liên lạc vô hình, cho ngay đó là lòng đố kỵ, ghen ghét và thù hận. Và đồng thời anh còn muốn được trở về nhận một phần gia tài, nhận cái bằng chứng tấm lòng bà mẹ kế dành cho anh.
Em nói không phải không đúng: lòng anh đầy thù hận và phẫn nộ, chẳng phải riêng với người khác, mà còn cho cả anh. Anh sợ một lúc nào đó em sẽ phải chịu đựng với anh như một kẻ thù. Anh đã chẳng nguôi oán hận tại sao mình lại sinh ra ở một thời như thế này, trên một đất nước nhiều tủi nhục như thế này, và tại sao em lại yêu anh. Em chưa bao giờ nghe anh nói về quá khứ, thời ấu thơ, chưa bao giờ anh nói về gia đình, bạn bè, quê hương... Em không dám hỏi, hay em sợ phải nghe, phải chung chịu một tấn thảm kịch. Có lẽ tất cả... và chính anh, anh cũng chỉ muốn sống một mình trong thế giới của anh cho đầy đủ sự bí mật u uẩn, thiêng liêng và trĩu nặng những ảo ảnh... Cái bề mặt trong đời sống anh – có lẽ em yêu anh cái đó – cái bề mặt hiền lành ngờ nghệch đượm vẻ ngây thơ anh tạo ra không phải chỉ để cho em yêu, cho mọi người tin cậy, mà chính để cho anh sống. Vâng chỉ có thế mới nuôi anh sống được đến bây giờ.
Đời sống nhiều phức tạp, sự phức tạp làm chúng ta cô đơn xa cách mọi người. Anh không muốn nó phức tạp, cô đơn và xa cách thêm nữa. Bởi vì gần ba chục năm trời nay anh phải chịu đựng với nó. Em thử tưởng tượng...
Đời sống anh bây giờ, đời sống em thấy đó, một ông giáo tỉnh lẻ, đời sống bình thản, đều đặn, mực thước, mỗi ngày mang tập bài vào ngồi trước đám học sinh, những gương mặt ngây thơ, những mái tóc xanh ngoan ngoãn, những đôi mắt tròn đen như cặp bi ve nằm trên bàn tay hồng ửng, đôi môi đỏ còn chứa chan nhựa sống, và những cặp má mướt lông tơ, sống với đám trẻ, những lúc khen thưởng nhìn vẻ mặt cảm động rụt rè, lúc quở mắng lo lắng cuống quít, lúc nào chúng cũng vẫn lộ ra vẻ đáng yêu, như một bát nước trong mát từ giếng khơi được tưới vào tâm hồn nhiều khô cằn mệt nhọc của anh, anh không được như chúng, đó chẳng phải là điều thiệt thòi cho anh hay sao? Người ta vẫn bảo: đứa trẻ năm tuổi muốn mình chóng cao lớn để tự với lấy quả bóng đỏ bị bay lên trần nhà, người ba mươi tuổi muốn mình là đứa trẻ năm tuổi để đứng vịn nơi tay ghế khóc òa nhờ người mẹ, người chị, hay anh với hộ quả bóng... Có thực thế không? Những người như anh muốn bé lại mà chẳng được, còn đám học sinh đang ngồi nhìn bên thầy giáo kia với tất cả ước mong. Mà chắc chắn khi chúng ngồi vào đó rồi, hay ngồi những địa vị cao hơn trong xã hội rồi chúng sẽ ân hận, những niềm ân hận chúng ta không thể cưỡng lại được.
Em muốn biết thời thơ ấu của anh. Bây giờ anh có thể nói cho em nghe. Mai này anh sẽ đi. Chưa hiểu chuyến đi này sẽ can dự gì đến mối tình của đôi ta. Anh không muốn biết. Có điều chúng ta đã yêu nhau. Con đường này đã bao nhiêu lần chúng ta đi với nhau. Thật không thể nhớ, chỉ biết em đã có mặt trong đời sống anh. Người trước mặt anh đây là em, người yêu của anh và anh có thể nói hết mọi điều. Nói cho ra người khác nghe để anh khỏi phải nói một mình. Trong một mùa xuân anh đã nói với một người bạn rằng: năm nay, hay bao nhiêu năm rồi, chẳng ai chúc tết mình, cho nên ở căn gác hẹp này mình để ngọn đèn về phía sau lưng, cho bóng mình đổ dài trước mặt, trước bóng đen to lớn sừng sững đó, mình nói lớn: Năm mới chúc anh nhiều hạnh phúc và may mắn... Bóng đen im lặng không nói, anh đã khóc và bóng đen nhòa tan... Em đừng khóc thêm nữa, nước mắt ấy em hãy dành cho tương lai anh, nếu không mai này anh còn gì để sống, lúc chết đi còn có giọt nước mắt nào được nhỏ ra cho anh nhắm mắt được.
Anh sinh ra trong một gia đình làm ruộng bậc trung. Ông nội anh là một người tay trắng từng làm mướn cày thuê, cố công tạo ra một sản nghiệp có ruộng để cày, có nhà để ở. Ông đã thuê mướn những ruộng xấu rẻ tiền nhất để tạo nên. Những ruộng đó hoặc ở đồng xa nước cạn, đất dắn cỏ gà mọc không được, hoặc ở đồng lầy ói nước. Ông đã đi sớm về tối đổ mồ hôi xuống đó để cấy được cây lúa. Hồi anh lớn lên, có đủ trí nhớ, khi đó mà anh đã khá hơn xưa, thế mà anh chỉ thấy ông anh thức dậy sớm, buổi sớm mùa đông lạnh như cắt, ông lấy bát triết yêu xúc cơm nguội, múc một gáo nước mưa kinh niên, lấy một quả cà bát ngâm tương ăn bữa cơm buổi sáng dù lúc đó ông đã ngoài năm mươi. Mùa rét ăn ngô rang, ông ăn những hạt cúp, những hạt rắn chắc, ông bảo: nhai kỹ nó bùi lắm; cơm ăn thứ xấu, nhiều khi là gạo xay không giã, ông bảo: có thế cơm mới ngọt. Cắt rau trong vườn ông cắt toàn chỗ già, lá gốc, nghĩa là những gì không ngon, xấu xí thì ăn, còn những gì ngon tốt thì để bán lấy tiền vun vào cái sản nghiệp nhỏ cho mỗi ngày một lớn thêm. Ông anh có theo học và biết ít nhiều chữ Hán. Những lúc thong thả ông ngồi kể lại đời cụ nội, người đã từng là anh em của Bãi Sậy, chính ông anh cũng từng đi theo hồi cụ Tán Thuật khởi nghĩa chống Pháp. Ông cụ anh bỏ mình ở đó. Ông anh vẫn thường ân hận về chuyện mồ mả, câu chuyện Bãi Sậy đã chỉ là bãi Sậy với sự huy hoàng của lịch sử, khối dũng mãnh của ông cha chúng ta, nó là ngọn lửa khi tắt đi đã để lại nhiều ghẻ lạnh, nhiều ê chề. Ông anh bảo: sau khi các cụ thất bại đâm ra chán, ai cũng thuốc phiện, ẩn dật, ông thì ông nghĩ đến con cháu, thua keo này bày keo khác. Mình ngu và yếu, chống với giày đinh mà mình trả ổi xanh, đậu tương thì nó mừng rơn. Thành Sơn thất thủ vì một ngọn đèn bay với quả bóng cao su thì thua là phải lắm rồi còn nói gì nữa, ở Hà Nội bây giờ đó, đạn đại bác nó bắn vào như thế cụ Hoàng Diệu không tuẫn tiết sao được... Khi thong thả ông đánh võng ngâm thơ. Ông không muốn con cháu thua kém người ta, ông cho cha anh đi học chữ Hán với cụ Cử Nhổn, rồi ra Hà Nội học chữ quốc ngữ, nhưng việc học nửa chừng thì bà anh mất, đám tang lớn lắm, anh còn nhớ một điều: dưới huyệt bà có những con dơi xòe cánh bay... Cái quá khứ đó trong trí óc anh như một màn sương trắng đục nhiều mơ mộng ấm áp...
Mẹ anh là một người làng bên. Con gái cả một gia đình có học, nền nếp, ông ngoài là một nhà Nho đã nhiều lần lều chõng nhưng hai lần thi chỉ đỗ đến tú tài, ông là ông Kép, vốn nhà nghèo thi đỗ nhưng không ra làm quan, không hiểu vì thời đó cái học đã tàn không còn thích hợp hay vì một mối uất ức gì, ông chỉ mở trường dạy dăm ba đứa học trò. Nhiều kẻ sau này trong hàng huyện làm nên, cũng có khi ông còn đi để đất cho thiên hạ. Bởi thế bà ngoại anh vất vả nuôi chồng, nuôi con, giữ thanh danh cho một gia đình có học. Cha anh đã đến làm rể gia đình ấy, chịu ơn ông ngoài không những là người cha mà còn là một bậc thầy.
Không hiểu sao anh thấy em có nhiều điều giống mẹ anh, em đừng vội nghĩ là anh yêu em chỉ vì em có những điều giống người mẹ yêu quí của anh. Bởi vì anh yêu em thực. Mẹ kế anh bây giờ cũng có những điều giống mẹ anh, cái giống của hai chị em ruột, sao anh không yêu mà lại còn ghét. Anh không đổi ý kiến trở về đâu. Anh còn muốn tìm lại những nét đáng yêu của mẹ anh, và muốn cả em cùng biết nữa. Mẹ anh thấp nhỏ, mặt vuông vắn; có nước da trắng mịn, nước da như trứng gà bóc. Đôi môi lúc nào cũng đỏ vì mẹ anh nhai trầu luôn miệng, đôi má ửng hồng và núm đồng tiền xinh xinh duyên dáng.
Anh nhớ nhất mái tóc, mái tóc quấn khăn bỏ ra đằng sau chiếc đuôi gà làm dáng, tóc mẹ có tiếng cả vùng vì dài óng và xanh mượt. Em hãy tưởng tượng ra mỗi lần mẹ gội đầu mẹ phải đứng lên trên chiếc ghế đẩu cho tóc khỏi quệt xuống đất, với ánh nắng êm dịu buổi sớm mai, với gió đồng nội nhẹ thoảng, mẹ đứng ở hiên nhè nhẹ gỡ từng cuộc tóc, nhiều lần mẹ kêu tóc dài nặng cả đầu cắt đi cho xong, nhưng cho đến lúc mẹ mất tóc mẹ vẫn giữ nguyên vì mẹ yêu mến nó quá.
Tóc hồi xưa của em cũng thế, mái tóc hồi em chưa yêu anh, mái tóc tung bay trong gió mỗi buổi chiều tan học em đi ngang qua cửa ngõ nhà anh. Mái tóc như một dòng suối mun trong thần thoại của những nàng ngọc nữ thả bay trong gió. Bây giờ em cắt nó đi rồi, anh tiếc nó, bởi vì những chiếc trâm ngà không còn chỗ để được cài lên, và gió biển đêm nay cũng không còn một rừng hương để quyện vào đó nữa. Trên đầu chúng ta đã trống trải quá nhiều những thần thoại và những giấc mơ êm đềm của một suối tóc buông lơi mang nỗi mềm mại vỗ về...
Mẹ anh con nhà Nho, biết chữ, nhưng khi về nhà chồng không bao giờ nghĩ đến, mẹ chỉ làm một đứa con dâu hiền thục phụng dưỡng cha mẹ nhà chồng, làm một người vợ ngoan, mẹ dấu mái tóc vào trong chiếc khăn mỏ quạ, đi chân đất, bỏ đôi tay trắng ngà xuống nước đục ruộng lúa, vơ cỏ, cấy lúa, bỏ phân... Mẹ theo nhà chồng sống chết với ruộng đất. Không hiểu sao mẹ anh đã không chọn một gia đình phong lưu nhàn nhã sống cuộc đời khuê các của mình. Mẹ bỏ quên đời mẹ như thế. Mẹ bảo: mẹ không biết sống đài các, và những gia đình ấy họ khinh người lắm. Không biết thật như thế không, hay mẹ tự an ủi đời sống của mình. Có một mùa hạn hán, vùng quê anh hạn hán luôn, ruộng thường mất mùa, mẹ và cha anh đã phải thức nhiều đêm chờ tới phiên tát nước, phải tát nước rất xa, qua nhiều đạy mới tới ruộng mình, sau những đêm đó mẹ kể trong lúc chờ đợi mẹ thấy có hai bà cụ ở bên bắt chấy cho mình từ bao giờ, nhưng bàn tay sao lạnh như đá, mẹ kêu: tay gông lạnh như tay ma ấy, hai bà cụ quay lại lè lưỡi xanh lét ra: chả ma thì gì, rồi hai bà cụ biến mất trong khi mẹ sợ không kêu được thành tiếng. Từ đó mẹ chẳng bao giờ còn dám ngồi một mình nữa. Trí nhớ của anh hình như chỉ bắt đầu có vào lúc lên bảy lên tám gì đó. Mẹ anh sinh người anh đầu không được, người con thứ hai là con gái, về sau chị ấy lấy chồng không bao giờ thấy trở lại nữa, sau đó là anh, dưới anh là người em trai, mẹ anh mất, nó đi theo sống với chú thím. Ba chị em ruột nhưng không bao giờ đoàn tụ bên nhau. Rồi mỗi người một phương như đã chết. Những ngày thơ ấu anh được hưởng quá ngắn, cho tới trước chiến tranh được vài năm khi tiếng súng bùng nổ. Đã chẳng phải là từ đó tất cả dân tộc chúng ta bắt đầu khổ sở, quay cuồng, và đời anh đã chẳng phải cái tang chứng đích thực cho nỗi đau khổ, niềm u tối nhục nhằn đó sao? Anh không muốn nói đến đó vội. Anh vẫn còn muốn anh được trở về cái quá khứ ngắn ngủi êm đềm, cái quá khứ thần thánh của đời mình, anh muốn dìu em về thuở mà làng nước những đêm trăng vang lên tiếng hát: hát ghẹo cho chéo củ gà, đàn ông hát trước đàn bà hát sau... Mẹ anh hát hay lắm, nhiều cô gái vẫn đến nhờ mẹ anh dạy, trí nhớ của mẹ anh thật thanh, mẹ nghe quan viên tế ở đình, mẹ thuộc lòng lời xướng lễ, mẹ dạy anh và cắt nghĩa cho anh nghe thế nào là độc trúc, tiến tửu, tẩy trần, tại sao khi một, khi hai chủ tế, mẹ nhớ cả những ngày hội hè đình đám, các tiết mỗi năm. Mẹ anh đã từng đi hội chùa Hương Tích với bà nội, anh nhớ những trái mơ xanh mẹ mang về ngâm muối làm thuốc ho và những chú sâu đá như hòn bi được để nơi hòn non bộ. Mẹ kể hội chùa Thầy có trò múa rối, có hang Gió, cũng như dấu tích nơi Từ Đạo Hạnh đã hóa... Anh đã được nuôi lớn lên với tiếng hát lời ru, và bao nhiêu chuyện cổ tích, cùng với những cổ tục tập quán xưa vẫn còn lưu giữ đầy hoang đường và linh thiêng.
Mẹ anh xoa đầu anh: khiếp cái đầu nó như gáo dừa, hồi có mang sao nó đạp khỏe thế, to đầu khó chui sau này là bướng phải biết, tóc như rễ tre đêm rúc mẹ không chịu được, thôi đi mà ngủ với bố cho xong – dù thế cho đến khi mẹ mất anh vẫn ngủ với mẹ, dù có em bé đi nữa. Quê anh ngoài làm ruộng còn có trồng dâu nuôi tằm và dệt vải, ngoài vụ cấy hay gặt mẹ lại đêm đêm thức với khung cửi, chiếc thoi bằng sừng nhẵn bóng qua lại thoăn thoắt. Từ bao nhiêu năm nay anh không ăn được miếng cơm nào gọi là cơm nữa. Anh nhớ bát cơm cháy của mẹ mỗi lần đạp sợi. Những hạt gạo trắng ngần nấu bằng nồi đất mới, cơm dùng đạp sợi nhưng bao giờ cũng thổi dôi ra một ít rồi đánh lên lẫn với cháy, mẹ cho vào mấy hạt muối trắng nắm từng nắm nhỏ chia cho các con. Cơm dẻo và thơm, ăn nắm cơm đó chúng ta mới hiểu vì sao những miếng cơm, cũng là cơm cả mà lại ngon với không ngon. Đã chẳng phải là vì những hạt cơm đó đã được nằm trong bàn tay một người mẹ, cũng từ đó sẽ hiểu vì sao người làm ruộng quí ngày xôi mới, ngày mà người dân quê được ăn nắm xôi đậu đen nấu bằng những hạt gạo đầu tiên của vụ gặt, thưởng thức cái hương thơm nồng nàn của gạo mới sau bao nhiêu khó nhọc...
Người con trước lại là con gái nên anh càng được nuông chiều, cũng như nhiều bà mẹ khác lo cho số mệnh của con mình, mẹ đã bán anh cho nhà chùa. Một đứa con cầu tự, một đứa con của Phật. Những phiên chợ mang tơ lụa hay vải đi bán chẳng bao giờ mẹ quên mua kẹo bột Thanh Trì, bánh hòn Thượng Hiệp về cho. Đã gần như thường lệ, đến khi lớn vẫn thế. Chú bảo như vậy là hư, con trai đòi quà mẹ mãi làm hèn cả người, dù vậy mẹ vẫn mua và dấu vào buồng cho anh như thường. Anh nhớ một lần, lần cuối cùng, để từ đấy không còn dám đòi quà mẹ nữa. Buổi sáng vừa đi học về, chú ngồi ở hiên nháy bảo: này cháu mang sách lại chú coi xem hôm nay tô thế nào nào – chú gọi lại gần và nói khẽ vào tai – lại có kẹo giấu trong miệng chum đó. Anh đưa sách rồi chạy vội vào buồng, ở chỗ thường lệ có một bọc lá chuối khô, rõ ràng như những gói kẹo bột mỗi lần, mang ra ngoài ăn sợ chú cười, hoặc chị trông thấy đòi chia như mỗi lần, anh mở gói kẹo một cách vội vàng, nhưng sao kẹo lần này lại ướt và có vẻ đen đen. Trong buồng tối nhìn không rõ, anh nghĩ chắc bánh gai nên dẻo, anh cầm cả lá chuối đưa lên miệng ngoạm, nhưng anh vội buông bỏ và phun ra, không phải kẹo hay bánh gì hết mà là phân gà sáp, nhưng đã muộn, nó dây ra chi chát cả miệng, chú đã chực sẵn chạy vào cửa buồng hỏi: cái gì đó cháu, cái gì đó cháu... Anh khóc òa lên vì biết mình bị lừa. Anh xấu hổ từ đó không dám đòi quà để khỏi mang tiếng là ăn tham, là con trai hèn...
Anh còn biết bao nhiêu chuyện để kể cho em nghe. Em cười vui chưa? Thuở nhỏ chúng ta là những đứa trẻ thộn và ngu đần một cách hạnh phúc, ngày nay chúng ta khôn ngoan lanh lẹ một cách bất hạnh, thật chả nên lớn khôn làm gì... Anh muốn dành cả đời anh để chỉ nói về những kỷ niệm đầy hạnh phúc đó, những hạnh phúc chúng ta đã đánh mất, như những hạt sương sớm long lanh trên thảm cỏ đã bị thiêu đốt bốc hơi. Mẹ anh đã chiều anh, bà ngoại còn chiều anh hơn nữa, cháu bà nội tội bà ngoại, thật chả sai. Bà đi chùa có lộc bao giờ cũng để phần cho cháu, từ một góc oản, trái chuối. Ông ngoại trong những lần đi làm đất xa về mang theo những chiếc bánh đa khoai tròn nhỏ bằng lòng bàn tay. Những buổi tối mùa đông được ông nội gọi vào đấm lưng rồi kể truyện cho nghe. Sao đời sống anh không trôi theo cái dòng sông lặng lờ xuôi chảy đó, ở giữa gia đình êm ấm, trong lũy tre xanh bao bọc, với tiếng sáo diều trên không. Nhưng chúng ta có bao giờ được sống với sự mong ước của mình...
Đời sống anh lớn lên và biết, biết nỗi khổ của rượu lậu chôn giấu nơi ruộng, của quan huyện, của lính lệ, lúc đó anh còn nhỏ lắm...
Nhưng đến năm súng nổ ở Hà Nội, sau là những thằng lùn đeo kiếm lê tới mặt đất về làng, lúc đó anh đã mười tuổi. Những ngày vui đã chẳng còn. Cha anh nói quân Nhật giỏi lắm chỉ có mấy người vác súng chạy quanh thành Hà Nội mà Tây phải thua. Anh trông thấy lính Nhật thì sợ run. Chúng đội mũ lưỡi chai, mặc áo dạ xanh đi ủng cao. Chúng về làm gì em biết không? Chúng về cắm đất ở bên bãi, những vùng đất tốt nhất trồng dâu đang xanh đen và mía đang được mấy giống, chúng bắt phá đi trồng đay, nghe đâu để làm thuốc súng. Dân làng gạt nước mắt phá màu mỡ. Khi đay lên cao, dân phải chặt về ngâm xuống ao thối hết những vỏ cây xanh trơ lại những sợi đay trắng rồi đem nộp chúng. Anh nhớ một hôm đi nộp đay về mẹ anh sưng húp cả mặt mày, cha anh thì bất tỉnh vì số đay không được trắng. Không phải chúng đánh đập đâu, chúng đánh làm gì cho mỏi tay, cho mệt sức, mẹ kể lại: chính chúng bắt mẹ phải đánh cha và cha phải đánh mẹ, không đánh chúng ra kiểu cho mà bắt chước, chúng bắt mẹ lấy đòn gánh phang vào lưng cha cho đến khi ngã gục mới buông tha, chúng bắt dân mình đánh lẫn nhau, chúng coi vỗ tay cười. Thật nhục nhã đau đớn biết chừng nào... Nhưng rồi chúng chẳng ở được lâu, đảo chính đến, và chiến tranh tiếp theo... Đời anh, thời thơ ấy đã chấm dứt để bước sang những ngày đen tối. Mẹ mất. Thầy lấy vợ kế... Thôi anh không muốn kể cho em nghe làm gì những cảnh đen tối, những khổ nhục mà anh phải chịu đựng. Tại sao chúng ta lại không quên nó đi mà sống với thực tại đầy yêu mến, sống với mối tình của em dành cho anh... Có phải thế không em... nhưng hình ảnh mẹ anh không bao giờ quên được. Nhớ tới mẹ, anh thấy mình có thêm can đảm và nghị lực để sống và đồng thời được vuốt ve vỗ về trong những khi buồn chán mệt nhọc. Em hãy ở với anh đi, em hãy nhận trở về cùng anh, rồi sau đó chúng ta chung sống với nhau. Em đang là bao nhiêu hình bóng của mẹ anh dồn chứa lại. Anh chẳng bao giờ xa em. Đây là đất thánh của tình yêu. Anh yêu em ở đây và chết ở đây. Anh về để biết có một người mong đợi mình, để tìm lại những gì mình đã mất...