Books can be dangerous. The best ones should be labeled "This could change your life."

Helen Exley

 
 
 
 
 
Tác giả: Alice Munro
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ngân Phan
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 11
Cập nhật: 2020-11-29 02:13:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
hi Johanna xuống tàu, chẳng có ai đón cô. Cô gắng không lấy thế làm lo lắng - trước đó cô đã từng nghĩ rằng lá thư của mình có thể còn đến sau chuyến tàu chở cô. (Thực ra nó đã đến nơi rồi, và đang nằm ở bưu điện chưa có người đến nhận, do Ken Boudreau, không hề ốm nặng vào mùa đông năm ngoái, mà giờ mới mắc bệnh viêm phế quản và đã mấy ngày nay không ra bưu điện kiểm tra thư từ. Đến hôm đó thì còn có một phong thư nữa cũng gửi cho gã, trong đó có tờ ngân phiếu của ông McCauley. Nhưng ông đã báo ngân hàng hủy lệnh thanh toán theo tờ ngân phiếu đó rồi.)
Điều làm cô lo ngại hơn là nơi này trông không có vẻ gì giống một thị trấn cả. Ga tàu là một gian phòng xép với mấy băng ghế xếp dọc tường, quầy bán vé thì có bức mành gỗ khô sụp xuống che khuất. Có một gian kho chứa hàng - cô đoán rằng đó là kho hàng - nhưng cửa đẩy không nhúc nhích. Cô ghé mắt nhìn qua khe cửa cho đến khi mắt quen với bóng tối, đủ để nhận ra bên trong rỗng không, sàn phủ một lớp bụi. Không có kiện hàng đồ nội thất nào hết. Cô gọi to, “Có ai ở đây không? Có ai không?” đến vài lần, dù không mong chờ có người đáp lời.
Cô đứng trên sân ga và cố tĩnh tâm lại.
Khoảng nửa dặm phía trước có một ngọn đồi thấp, dễ nhận ra nhờ vòm cây. Và cái lối mòn nâu nâu vàng vàng - mà khi nhìn từ trên tàu cô cứ tưởng là đường tắt vào một thửa ruộng - hẳn phải là đường chính. Rồi cô bắt đầu nhận ra những ngôi nhà thấp tè rải rác trong lùm cây - và một tháp nước, trông xa như một thứ đồ chơi - một anh lính chì với đôi chân lêu đêu.
Cô nhấc va li lên và cất bước - cũng chẳng nặng nhọc lắm. Xét cho cùng, cô đã mang chiếc va li đó suốt từ đường Triển Lãm ra ga cơ mà.
Có một làn gió thổi nhẹ qua, nhưng hôm nay là một ngày nóng nực - nóng hơn thời tiết ở Ontario nơi cô vừa rời đi, và làn gió cũng có vẻ phả thêm hơi nóng. Bên ngoài chiếc váy mới cô lại khoác thêm chiếc áo choàng cũ, vì nếu cho vào va li thì choán mất nhiều chỗ quá. Cô thèm thuồng nhìn bóng râm của thị trấn trước mặt, nhưng khi tới tận nơi, cô mới nhận ra đó chỉ là những cây vân sam - tán vừa hẹp vừa vươn thẳng nên chẳng có mấy bóng râm, hay cây dương lá mỏng lưa thưa, gió nhẹ cũng tạt đi và không cản nổi ánh nắng.
Cô thấy nản lòng vì có cảm giác nơi này thật thiếu quy củ, thiếu tổ chức. Không có vỉa hè, chẳng có đường rải nhựa, không có công trình nào tầm vóc ngoại trừ một nhà thờ lớn nhưng trông na ná một cái nhà kho xây bằng gạch. Có một bức bích họa trên vòm cửa, thể hiện gia đình Đức Chúa với những khuôn mặt màu đất và những đôi mắt xanh lấp lánh. Nhà thờ mang tên của một vị thánh cô chưa từng nghe - Thánh Voytech.
Các căn nhà ở đây có vẻ không được quy hoạch hay thiết kế chu đáo. Chúng nằm xiên xẹo không theo hàng lối với đường phố, và phần lớn có những ô cửa sổ nhỏ trổ ra tùy tiện trông có vẻ tồi tàn, với các mái hiên chắc tuyết như những cái hộp bên ngoài cửa ra vào. Không có ai ở ngoài sân hết, vả lại sao lại phải ở ngoài cơ chứ? Chẳng có cây cối rau quả gì cần chăm sóc, chỉ có những cụm cỏ nâu, thỉnh thoảng điểm một khóm lớn đại hoàng đã kết hạt.
Phố chính, cứ tạm gọi thế đi, chỉ có một bên vỉa hè lát gỗ, và mấy ngôi nhà rời rạc, trong đó chắc chỉ có một cửa hàng tạp hóa (có một gian làm bưu điện) và một ga ra sửa xe là còn hoạt động. Có một ngôi nhà hai tầng, khiến cô nghĩ đó chính là khách sạn đang tìm, nhưng hóa ra là ngân hàng và đã đóng cửa rồi.
Con người đầu tiên cô nhìn thấy - dù có hai con chó đã sủa với theo cô dọc đường đi - là một người đàn ông trước ga ra sửa xe, đang bận chất dây xích lên thùng sau xe tải.
“Khách sạn à?” ông ta nói. “Cô đi quá rồi.”
Ông ta bảo cô rằng nó ngay cạnh ga, nhưng chếch xuống một chút về phía bên kia của con đường, sơn màu xanh và không thể lẫn vào đâu được.
Cô bỏ va li xuống, không phải vì chán nản mà vì cần nghỉ tay một chút.
Ông ta nói sẽ chở cô tới đó nếu cô chờ được một lát. Và dù cô chưa từng nhận một lời đề nghị giúp đỡ kiểu đó bao giờ, ít phút sau cô đã ngồi trong buồng lái nóng nực và nhờn dầu mỡ của chiếc xe tải, chạy ngược lại con đường đất mà cô vừa vượt qua, giữa tiếng xủng xoảng của những dây xích sau thùng xe.
“Vậy… cô mang cơn gió nóng từ đâu tới đây vậy?” ông ta hỏi.
Cô đáp Ontario, với một giọng như ra dấu rằng sẽ không đáp thêm dù chỉ một lời nào nữa.
“Ontario à,” ông ta nói với vẻ hối tiếc. “Đây. Nó đây rồi. Khách sạn của cô ấy.”
Ông ta bỏ một tay ra khỏi vô lăng. Chiếc xe tải giật chồm một cái khi ông ta chỉ tay vào một ngôi nhà hai tầng mái bằng. Đúng là cô đã nhìn thấy nó từ trên tàu hỏa, trước khi vào ga. Nhưng lúc đó cô nghĩ đó là một căn nhà ở, tuy rộng nhưng cũ kỹ xập xệ và có lẽ đã bị bỏ hoang. Sau khi đã nhìn thấy các ngôi nhà khác nơi này, cô biết lẽ ra lúc đó không nên suy đoán như thế. Tường ngoài ngôi nhà được ghép bằng những tấm tôn có dập hình để lòng giống như gạch xây, và sơn màu lam nhạt. Phía trên cửa vào có một biển hiệu với chữ KHÁCH SẠN bằng đèn huỳnh quang, nhưng không còn sáng nữa.
“Tôi là một đứa tối dạ,” cô nói và đề nghị trả ông ta một đô vì đã chở cô tới đây.
Ông ta cười lớn. “Cứ giữ tiền cho chặt. Không biết khi nào cô sẽ cần tới chúng đâu.”
Ngoài cửa khách sạn có một chiếc xe trông khá tử tế hiệu Plymouth đang đỗ. Nhưng nó bụi bặm quá, mà cũng phải thôi, với tình trạng đường sá thế này thì tránh sao được?
Có vài tấm biển trên cửa quảng cáo một loại thuốc lá, và bia. Cô chờ cho chiếc xe tải đi khuất rồi mới gõ cửa - cô gõ vì khách sạn trông không có vẻ gì là đang mở cửa kinh doanh. Rồi cô thử đẩy cửa xem có mở không, và bước vào một căn phòng nhỏ đầy bụi có một cầu thang, tiếp đó là một phòng tối om có một bàn bi a, bốc mùi bia lưu cữu chua loét, còn sàn nhà thì chưa được quét dọn. Từ đó có một phòng ngách, nơi cô thấy ánh phản chiếu của một tấm gương, một bàn quầy và các kệ rỗng. Những căn phòng này đều có mành kéo kín. Nguồn ánh sáng duy nhất cô nhìn thấy là từ hai cửa sổ tròn nhỏ, đúng ra là hai ô kính gắn trên hai cánh cửa ra vào. Cô bước qua cánh cửa đó tới một gian bếp. Ở đó sáng hơn vì phía trên tường đối diện có một dãy cửa sổ nhỏ trên cao, ố bẩn, không có gì che phủ. Và đây mới có dấu hiệu đầu tiên của sự sống - ai đó đã ăn ở bàn và bỏ nguyên chiếc đĩa với những vệt xốt cà chua đã khô và một nửa tách cà phê đen đã nguội lạnh.
Một trong những cánh cửa từ nhà bếp dẫn ra phía ngoài - nhưng đã bị khóa - và một cánh cửa dẫn tới kho chứa đồ ăn, trong đó có một ít đồ hộp, một cánh cửa dẫn tới tủ đựng chổi và giẻ lau, và một cánh cửa khác dẫn đến một cầu thang quây kín. Cô bước lên cầu thang, nhấc chiếc vali trước mặt từng bậc một vì không có đủ chỗ xách bên cạnh. Thẳng đầu cầu thang, trên gác hai cô thấy một phòng vệ sinh với bệ ngồi bồn cầu đã lật lên.
Cánh cửa phòng ngủ cuối hành lang đang mở toang, và cô tìm thấy Ken Boudreau trong đó.
Cô nhìn thấy quần áo của gã trước khi thấy gã. Áo vét của gã treo ở một góc cửa, quần treo ở tay nắm, ống quét dưới sàn nhà. Cô lập tức nghĩ đó không phải là cách giữ gìn quần áo tốt, nên bước dứt khoát vào căn phòng - bỏ lại chiếc va li ở hành lang - với ý định treo quần áo lên cho nghiêm chỉnh.
Gã nằm trên giường, chỉ đắp một tấm ga. Chăn và đồ sơ mi của gã nằm dưới sàn. Gã thở gấp như sắp dậy đến nơi, nên cô cất tiếng, “Chào buổi sáng. À buổi chiều.”
Ánh nắng rực rỡ chiếu qua cửa sổ gần như rọi thẳng vào mặt gã. Cửa sổ bị đóng chặt và không khí trong phòng bí khủng khiếp - bốc mùi, ít nhất là từ cái gạt tàn đã đầy ụ đặt trên chiếc ghế gã dùng làm bàn cạnh giường.
Gã có một thói quen tệ hại - gã hút thuốc trên giường.
Nghe tiếng cô, gã không trở dậy - hoặc gã mơ màng nửa ngủ nửa thức. Rồi gã bắt đầu ho.
Cô nhận ra ngay đây là tiếng ho đáng ngại, tiếng ho của một người bệnh. Gã cố chống người dậy, mắt vẫn nhắm nghiền, và cô bước tới bên giường để đỡ gã. Cô đảo mắt tìm khăn mùi soa hay hộp khăn giấy, nhưng không tìm thấy nên cô với lấy chiếc áo sơ mi của gã trên sàn, nghĩ rằng có thể giặt lại được. Cô muốn nhìn kỹ xem gã ho ra cái gì.
Sau khi ho rũ rượi một tràng, gã làu bàu rồi vật xuống giường, hổn hển, khuôn mặt ngổ ngáo hấp dẫn mà cô giữ trong ký ức giờ đây nhăn nhúm lại trông phát ghê. Cô biết gã đang sốt cao từ lúc chạm tay vào người gã.
Cái đống gã ho ra có màu vàng vàng xanh xanh - nhưng không có vệt nâu đỏ nào. Cô mang chiếc áo vào bồn trong toa lét, ở đó cô không ngờ lại tìm thấy một bánh xà phòng, liền đem giặt áo ngay và treo lên móc cửa, sau đó kì cọ tay thật kỹ. Cô buộc phải chùi tay vào chiếc váy mới màu nâu cho khô. Mới vài tiếng trước đây cô vừa mặc chiếc váy này trong một phòng toa lét nhỏ xinh khác - phòng vệ sinh nữ trên tàu. Lúc đó cô còn băn khoăn không biết có nên trang điểm một chút không.
Trong một buồng kho hành lang cô thấy một cuộn giấy vệ sinh và lấy mang vào phòng để lần tới gã ho có cái lau. Cô nhặt chăn lên và đắp cẩn thận cho gã, kéo mành xuống sát bệ cửa sổ và cố nâng tấm kính đang kẹt rất chặt lên vài phân, rồi chặn cái gạt tàn vừa mới rửa sạch vào để giữ khe cửa mở. Rồi cô ra ngoài hành lang, thay chiếc váy nâu bằng bộ quần áo cũ lấy ra từ va li. Cái váy đẹp và đồ trang điểm ở cái thế giới thực tại lúc này mới phù phiếm làm sao.
Cô không biết gã ốm nặng đến mức nào, nhưng cô đã chăm sóc bà Willets - cũng là một người nghiện thuốc lá nặng - qua vài cơn viêm phế quản rồi, và cô nghĩ có thể tự xoay xở được trước khi nghĩ đến chuyện gọi bác sĩ. Cũng trong cái buồng kho ở hành lang ấy, cô tìm thấy một chồng khăn sạch nhưng đã sờn và bạc phếch, rồi đem nhúng nước một chiếc và lau khắp chân tay gã để hạ sốt. Trong khi cô làm thế thì gã lại tỉnh nửa vời và lên cơn ho. Cô dựng gã dậy và bảo gã khạc vào giấy vệ sinh, xem một lần nữa trước khi vứt vào bồn cầu rồi rửa tay kỹ. Giờ cô đã có khăn để lau tay. Cô đi xuống dưới nhà và tìm thấy một cái ly thủy tinh ở trong bếp, cùng một chai soda gừng lớn đã hết, cô đổ đầy nước vào chai. Cô mang chai nước lên bắt gã uống. Gã nhấp một chút rồi không chịu uống nữa, nên cô để gã nằm xuống. Khoảng năm phút sau cô lại bắt gã uống tiếp. Cô làm thêm nhiều lần cho đến khi cảm thấy gã đã uống đủ, nếu quá có thể bị nôn ra.
Lâu lâu gã lại ho và cô phải đỡ gã dậy, một tay giữ gã còn tay kia đấm lưng để giúp những thứ trong phổi long ra. Đôi lần gã mở mắt và nhận biết sự có mặt của cô mà không có biểu hiện của sự ngạc nhiên hoặc hoảng hốt - hay biết ơn vì những gì cô làm. Cô lại lau nước cho gã một lần nữa, cẩn thận kéo chăn che ngay những chỗ vừa lau qua cho gã khỏi lạnh.
Cô nhận thấy trời đã bắt đầu tối, bèn đi xuống bếp, tìm công tắc đèn. Các bóng đèn và bếp điện cũ kỹ vẫn hoạt động. Cô mở một lon cháo gà và hâm nóng rồi mang lên gác và đánh thức gã. Gã nuốt một chút từ cái thìa cô đưa. Cô tranh thủ thời điểm này, khi gã đang tỉnh táo để hỏi xem trong nhà có lọ thuốc aspirin nào không. Gã gật đầu bảo có, nhưng rồi lại lẫn lộn không chỉ được chính xác ở chỗ nào. “Trong sọt rác,” gã nói.
“Không, không,” cô nói. “Ý anh không phải là ở trong sọt rác chứ gì.”
“Ở… ở…”
Gã cố dùng tay ra dấu hình thù của cái gì đó. Mắt gã ứa lệ.
“Không sao,” Johanna nói. “Không sao đâu.”
Dù sao thì cơn sốt cũng hạ. Gã ngủ được một tiếng, có khi hơn, mà không bị ho lần nào. Rồi gã lại lên cơn sốt. Lúc đó thì cô đã tìm được lọ thuốc aspirin - nó ở trong ngăn kéo tủ bếp cùng với những thứ như một cái tuốc nơ vít, vài cái bóng đèn và một cuộn dây sợi - và cho gã uống vài viên. Một chốc sau gã lên cơn ho dữ dội, nhưng cô không nghĩ gã ho bật viên thuốc nào ra. Khi gã nằm xuống, cô áp tai vào ngực gã để nghe tiếng khò khè. Cô đã đi tìm lọ mù tạt để làm thuốc đắp, nhưng chắc trong nhà không còn. Cô lại xuống dưới nhà đun chút nước nóng, đựng vào trong một tô lớn. Cô cố bắt gã áp mặt vào, phủ khăn tắm bên ngoài để gã hít được hơi nước vào phổi. Gã chỉ nghe lời và để yên được một chốc, nhưng chắc như thế cũng có tác dụng - gã khạc ra một đống đờm.
Gã lại hạ sốt và ngủ ngon lành hơn. Cô kéo một chiếc ghế bành tìm thấy ở một phòng khác sang đó và ngủ trên gác, chập chờn, đôi lúc thức giấc lại thắc mắc không biết mình đang ở đâu, rồi chợt nhớ ra mọi chuyện, đứng dậy và đến bên giường sờ tay xem gã còn sốt không - có vẻ thân nhiệt gã đã ổn định - và dém lại chăn. Cô thì đắp chính chiếc áo choàng dạ vĩnh cửu, món quà của bà Willets.
Gã thức dậy. Trời đã sáng bạch. “Cô đang làm gì ở đây thế?” gã nói bằng giọng khè khè, yếu ớt.
“Em mới đến hôm qua,” cô đáp. “Em mang đồ nội thất đến cho anh. Tàu hàng chưa đến nơi, nhưng đang trên đường tới. Lúc em đến em thấy anh ốm, và anh trở bệnh gần như suốt đêm. Giờ anh thấy thế nào?”
Gã nói, “Khá hơn,” và bắt đầu ho. Cô không phải đỡ gã dậy nữa, gã đang tự ngồi rồi, nhưng cô vẫn tới bên giường và vỗ lưng cho gã. Khi hết cơn ho, gã nói, “Cảm ơn.”
Da gã giờ đã mát như da cô rồi. Và trơn mịn, không vết sần sùi hay bệu mỡ. Cô có thể chạm thấy xương sườn gã. Gã giờ đây giống như một cậu trai mảnh khảnh ốm yếu. Người gã ngửi như mùi ngô.
“Anh cứ nuốt đờm,” cô nói. “Đừng làm thế, không tốt đâu. Giấy vệ sinh đây, phải nhổ đờm ra. Cứ nuốt thế có thể bị suy thận đấy.”
“Tôi đâu biết như thế,” gã chống chế. “Cô có tìm được cà phê không?”
Máy pha cà phê đóng cặn đen sì bên trong. Cô cố rửa đi rửa lại kỹ hết sức trước khi cho cà phê vào. Rồi cô đi tắm rửa và chải chuốt qua, vừa băn khoăn không biết nên cho gã ăn gì. Trong kho chứa đồ ăn có một hộp bột bánh bích quy. Thoạt tiên cô nghĩ phải dùng nước để pha, nhưng sau tìm thêm được một hộp sữa bột. Khi cà phê pha xong cô đã có một khay bánh quy trong lò.
Khi vừa nghe tiếng cô nấu nướng trong bếp, gã tự dậy đi vào nhà vệ sinh. Gã yếu hơn gã tưởng - phải khom người và chống một tay vào két nước. Rồi gã tìm thấy ít đồ lót ở đáy buồng kho ngoài hành lang, nơi gã để quần áo sạch. Đến lúc đó gã đã nghĩ ra được người phụ nữ đó là ai rồi. Cô ta nói đến đây để mang đồ nội thất cho gã, dù gã không bảo cô, hay bất kỳ ai khác mang đồ nội thất gì cả, chỉ cần tiền thôi. Gã chắc mình biết tên cô, nhưng không nhớ ra. Vì thế gã mở ví cô, đang để trên sàn ngoài hành lang cạnh va li của cô. Có một biển tên được may vào lớp lót.
Johanna Parry, và địa chỉ của ông bố vợ gã, ở đường Triển Lãm. Có một vài thứ khác nữa. Một cái túi vải đựng vài đồng tiền giấy. Hai mươi bảy đô la. Một cái túi nữa đựng xu lẻ, gã không buồn đếm. Một cuốn sổ trương mục ngân hàng màu lam nhạt. Gã mở ra một cách vô thức, không mong đợi sẽ nhìn thấy điều gì bất thường.
Vài tuần trước, Johanna đã chuyển được tất cả số tiền thừa hưởng từ bà Willets, cộng với tất cả các khoản đã dành dụm được vào chung một tài khoản. Cô giải thích với người quản lý ngân hàng rằng không biết mình cần đến số tiền đó khi nào. Số dư không phải quá khủng, nhưng cũng đủ gây ấn tượng. Điều đó khiến cô có vị thể hẳn lên. Trong đầu Ken Boudreau, con số đó như bọc thêm một lớp nhung lên cái tên Johanna Parry.
“Lúc trước em mặc một cái váy nâu cơ mà?” gã nói, khi cô mang cà phê lên.
“Vâng, em có mặc. Lúc mới tới đây.”
“Anh nghĩ đó là một giấc mơ. Hóa ra là em thật.”
“Đúng như trong giấc mơ kia anh,” Johanna nói, cái trán đầy tàn nhang của cô đỏ rực lên. Gã không biết điều đó nghĩa là gì, và không đủ sức để hỏi lại. Có lẽ là một giấc mơ gã đã lảm nhảm ra miệng và bị cô chứng kiến đêm qua - mà giờ đây chính gã cũng chẳng nhớ nổi. Gã lại ho, nhưng nhẹ hơn và cô đưa cho gã dải giấy vệ sinh.
“Rồi,” cô nói, “giờ anh muốn để cà phê của anh ở đâu?” Cô đẩy chiếc ghế gỗ vào chỗ cũ, trước đó cô đã bê dịch nó ra ngoài để đến bên giường gã nhanh hơn. “Đây nhé,” cô nói. Cô xốc nách gã dậy và lót gối vào lưng gã. Chiếc gối bẩn thỉu, không có vỏ gối, nhưng đêm qua cô đã dùng khăn tắm phủ lên.
“Em tìm giúp xem dưới nhà còn điếu thuốc nào không?”
Cô lắc đầu, nhưng vẫn nói, “Em sẽ tìm. Em đang nướng bánh trong lò.”
Ken Boudreau bị nhiễm thói hay cho người khác vay tiền, cũng như hay phải đi vay. Hầu hết các việc phiền phức rơi vào đầu gã hay nói cách khác là gã tự chui đầu vào, là do gã không biết từ chối bạn bè. Lòng trung thành. Không phải gã bị loại khỏi binh chủng Không quân trong thời bình, mà tự xin xuất ngũ để tỏ lòng trung thành với người bạn bị kỷ luật vì chửi rủa viên sĩ quan chỉ huy trong buổi liên hoan đơn vị. Trong những bữa tiệc liên hoan như thế, ai cũng biết mọi việc chỉ là bông đùa và không ai để bụng cả, thì việc bạn gã bị kỷ luật là bất công. Và gã bị mất việc ở công ty phân bón vì đã lấy xe tải của công ty vượt biên giới sang Mỹ mà chưa xin phép, lại vào ngày Chủ nhật, để đón một chiến hữu vừa dính vào một vụ ẩu đả và đang lo bị bắt và truy tố.
Càng hào hiệp với bạn bè bao nhiêu thì lại càng khó làm vừa lòng cấp trên bấy nhiêu. Gã sẵn sàng thổ lộ là rất khó quỵ lụy người khác. Các từ thưa bẩm sao mà khó bật ra từ miệng gã thế. Gã cũng không bị đuổi khỏi công ty bảo hiểm, nhưng bị bỏ qua nhiều đợt xét lên lương, lên chức cứ như là người ta muốn thách xem gã có dám bỏ việc không, và cuối cùng gã bỏ thật.
Cũng phải nói là tật uống rượu có góp phần không nhỏ. Phần nữa là tư tưởng cho rằng sống ở đời phải có tính trượng phu, mà thời buổi này dường như người ta quá thiếu. Gã thích kể với mọi người rằng gã đã thắng được cả cái khách sạn trong một canh xì tố. Gã không hẳn là một tay sành cờ bạc, nhưng hình như phụ nữ thích nghe những câu chuyện kiểu như vậy. Gã không muốn thú nhận là gã đã nhận bừa bất động sản đó, chỉ nhìn lên giấy tờ, khi người ta gán nợ. Ngay cả khi đã nhìn tận mắt rồi, gã vẫn tự an ủi và có thể cải tạo được, ý tưởng được tự làm chủ đã hấp dẫn gã. Gã không coi đó là nơi mọi người đến thuê phòng để ngủ lại, may ra chỉ có đám thợ săn đến đây vào mùa thu. Gã dự tính sẽ mở quán bán đồ uống và một nhà hàng. Nếu kiếm được một đầu bếp tốt. Nhưng trước khi khởi động được những việc đó, cần phải rót tiền vào. Có quá nhiều việc phải làm - và dù chẳng phải kẻ vụng về, chắc một mình gã cũng không kham nổi. Gã nghĩ nếu trụ được qua mùa đông và túc tắc tự làm được kha khá việc để chứng tỏ quyết tâm tu chí, có lẽ gã sẽ thuyết phục được ngân hàng cho vay khoản tiền đầu tư. Nhưng gã cần một khoản vay nhỏ hơn để tồn tại qua mùa đông, và thế là gã nghĩ đến ông bố vợ. Gã biết là vay của người khác sẽ tốt hơn, nhưng chẳng ai khác có sẵn tiền để bơm cho gã dễ dàng thế.
Gã nghĩ có khi hỏi vay tiền dưới hình thức đề nghị mang bán đống đồ nội thất lại là một ý tốt, vì gã biết ông già chẳng bao giờ lại chịu động chân động tay làm việc đó cả. Gã biết, tuy không cụ thể, vẫn còn các khoản vay cũ chưa trả được - nhưng gã cũng tự trấn an được rằng mình đáng được hưởng những khoản đó vì đã từng cưu mang Marcelle trong quãng thời gian hành xử vô lối (tất nhiên là nói về cách sống của cô ta, chứ gã lúc đó chưa hành xử như vậy) và vì đã nhận Sabitha là con mình, mặc dù gã có nghi ngờ. Ngoài ra, nhà McCauley là những người duy nhất gã quen biết có tiền không phải do những người đang còn sống làm ra.
Em mang đồ nội thất đến cho anh.
Gã không luận ra được điều đó sẽ mang lại hậu quả tốt xấu ra sao cho gã tại thời điểm này. Gã đã quá mệt rồi. Khi cô mang bánh bích quy đến (và không có điếu thuốc nào) gã thấy thèm ngủ hơn ăn. Để làm cô vui lòng, gã cố ăn một nửa cái. Rồi gã ngủ như chết. Gã chỉ lơ mơ tỉnh khi cô lật nửa người gã qua một bên rồi lật lại qua bên kia để rút tấm ga giường bẩn ra, rồi nhét tấm mới vào mà vẫn không phải đánh thức gã dậy hoặc bắt gã rời khỏi giường.
“Em tìm thấy một tấm ga sạch nhưng nó mỏng tang,” cô nói. “Lại có mùi lưu cữu khó chịu nữa, nên phải phơi trên dây một lúc.”
Sau đó gã nhận ra âm thanh kéo dài triền miên trong giấc mơ của mình hóa ra là tiếng máy giặt. Gã thắc mắc sao lại có thể thế được, vì bình nước nóng hỏng từ lâu rồi. Chắc cô ta đun từng nồi nước trên bếp điện. Lát sau, gã nghe tiếng xe ô tô quen thuộc của mình nổ máy và chạy đi. Chắc cô ta đã tìm thấy chùm chìa khóa trong túi quần gã.
Cô ta có thể đã lấy đi tài sản duy nhất có giá trị và bỏ gã lại, trong khi gã chẳng thể nào gọi điện cho cảnh sát để truy tìm cô ta. Dù gã có lần ra được tới chỗ để máy thì đường dây điện thoại cũng đã bị cắt từ đời nào rồi. Tình huống ấy lúc này cũng có thể xảy ra - lấy trộm đồ rồi bỏ đi - nhưng khi gã trở mình trên tấm ga mới, có mùi gió đồng nội và mùi cỏ, gã chìm lại vào giấc ngủ, biết chắc rằng cô chỉ đi mua sữa, trứng, bơ, bánh mì và các đồ ăn thức dùng khác - có khi cả thuốc lá nữa - cần thiết cho một cuộc sống tử tế, và rồi cô sẽ về đây và bận rộn việc nọ việc kia dưới nhà, dệt nên các tiếng động như một tấm lưới an toàn nâng đỡ gã, một món quà trời ban không cần thắc mắc.
Hiện giờ gã cũng đang gặp phiền phức với phụ nữ. Đúng ra là hai người phụ nữ, một cô trẻ và một mụ già hơn (có nghĩa là tầm tuổi gã) chợt biết về chuyện của người kia với gã, và sẵn sàng xé xác nhau khi có dịp. Gần đây, mỗi khi gặp họ, gã chỉ được nhận những lời nhiếc móc và kêu ca, điểm thêm những câu nhắc nhở cắm cảu rằng mình yêu gã hơn người kia. Có lẽ giải pháp cho vụ phiền phức đó cũng đã đến.
Lúc đang mua đồ trong tiệm tạp hóa, Johanna nghe thấy tiếng tàu hỏa và trên đường lái xe về khách sạn, cô thấy một chiếc xe đỗ ở ga tàu. Chưa kịp dừng hẳn chiếc xe của Ken Boudreau, cô đã nhìn thấy các kiện đồ nội thất xếp trên sân ga. Cô nói chuyện với nhân viên đường sắt - đó chính và chiếc xe của anh ta - và anh ta tỏ ra vừa ngạc nhiên vừa khó chịu vì những kiện hàng lớn như vậy lại được chuyển đến ga này. Khi cô moi được thông tin về người có xe tải từ anh ta - mà cô đòi hỏi phải là xe tải sạch sẽ, cô dùng điện thoại của nhà ga để gọi người này, nhà cách đó hai mươi dặm và thỉnh thoảng làm thêm dịch vụ chở hàng, nửa ra lệnh nửa dụ dỗ anh ta phải đến ngay. Rồi cô buộc người nhân viên đường sắt phải ở lại trông kiện hàng cho đến khi xe tải đến.
Quãng sau bữa tối xe tải mới tới, rồi chủ xe cùng với con trai dỡ đồ xuống và mang vào phòng chính trong khách sạn.
Ngày hôm sau cô xem xét kỹ xung quanh. Cô đang nung nấu một ý định.
Rồi hôm sau nữa, khi xét thấy Ken Boudreau đã có thể ngồi dậy và lắng nghe, cô nói, “Bỏ tiền vào chỗ này như bỏ xuống giếng thôi. Thị trấn này sắp hết đát rồi. Giờ việc cần làm là dỡ tất cả những gì có thể bán lấy tiền mặt được, đem bán ngay. Em không nói tới đống đồ nội thất mới mang tới, chỉ nói những thứ như bàn bi a, bếp điện. Sau đó chúng ta phải bán ngôi nhà cho ai có thể bóc những tấm tôn bọc tường ra bán sắt vụn. Có nhiều thứ anh tưởng không có giá trị gì nhưng có thể bán ra tiền, dù ít dù nhiều. Rồi… Trước khi ôm cái khách sạn này, anh tính sẽ làm gì?”
Gã nói rằng gã từng có ý định đi tới vùng British Columbia, tới thành phố Salmon Arm nơi gã có một người bạn có lần nói sẽ tìm được cho gã việc quản lý vườn cây ăn trái. Nhưng khi đó gã không đi được, vì xe ô tô của gã cần thay lốp mới và chỉnh sửa trước khi có thể chạy đường dài, mà tiền gã có chỉ đủ sống qua ngày. Rồi cái khách sạn đột nhiên rơi vào tay gã.
“Vâng, như quả tạ ngàn cân ấy,” cô nói. “Đầu tư tiền mua lốp và sửa xe còn tốt hơn là chi thêm một đồng một cắc nào vào cái nơi như giếng không đáy này. Nên sang tới bên đó trước khi tuyết bắt đầu rơi thì tốt hơn. Và chúng ta lại chuyển đống đồ nội thất này bằng tàu hỏa, để dùng khi đến đó. Đống đồ đó đủ để trang bị cho một ngôi nhà.”
“Có lẽ lời hứa giúp tìm việc đó cũng không chắc chắn lắm đâu.” Cô nói, “Em biết. Nhưng rồi mọi việc sẽ ổn thôi.”
Gã hiểu rằng cô biết thật, và mọi chuyện đã ổn, sẽ ổn. Có thể nói rằng xử lý những trường hợp như của gã là sở trường của cô.
Không hẳn là gã sẽ vô ơn. Gã đã hiểu ra rằng cảm giác biết ơn không phải là gánh nặng, khi nó đến tự nhiên, nhất là khi không đòi hỏi. Trong gã bắt đầu dấy lên ý nghĩa sự hồi sinh. Đây chính là sự thay đổi ta đang cần. Trước đây gã đã từng nói câu đó, nhưng lần này mới thực sự đúng. Mùa đông không quá khắc nghiệt, mùi những cánh rừng thông và táo chín. Chúng ta chỉ cần có thế để xây dựng một gia đình.
Gã có lòng tự trọng, cô nghĩ. Đó là điều đáng ghi nhận. Có lẽ tốt hơn hết là không bao giờ nhắc lại những lá thư trong đó gã đã trải lòng với cô. Trước khi rời nhà, cô đã hủy hết thư từ. Đúng ra, cô đã hủy ngay từng bức thư sau khi đọc đủ kỹ để nhớ thuộc lòng được, và đối với cô chuyện đó không mất nhiều thời gian. Một trong những lý do làm thế là cô không bao giờ muốn những lá thư đó rơi vào tay bé Sabitha và con bạn gian giảo của nó. Nhất là đoạn trong bức thư sau cùng, về chiếc váy ngủ và trên giường. Không phải là những chuyện đó không thể xảy ra, nhưng người ta sẽ nghĩ viết ra trên giấy trắng mực đen thì dung tục, hoặc sến sẩm, hay dễ làm mồi cho những lời châm chọc đàm tiếu. Cô không nghĩ họ sẽ gặp bé Sabitha thường xuyên. Nhưng cô sẽ không bao giờ ngăn cản, nếu gã muốn gặp con bé nhiều.
Cảm giác choáng ngợp về trách nhiệm và tình cảm này không hẳn là một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ với Johanna. Cô đã trải qua cảm giác tương tự với bà Willets - một con người cũng dễ nhìn, đồng bóng, luôn cần được chăm sóc và quản lý. Hóa ra Ken Boudreau lại nặng về những điểm như thế hơn cô hình dung lúc ban đầu, cộng thêm những điểm khác biệt cần phải lường trước được vì gã là đàn ông, nhưng không có điểm nào ở con người gã mà cô không thể xử lý được.
Sau bà Willets, trái tim cô đã khô cằn, và cô tưởng rằng mình sẽ như thế suốt đời. Giờ đây, thật là một sự xáo trộn ấm áp, một tình yêu bận bịu.
Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới - Alice Munro Ghét, Thân, Thương, Yêu, Cưới