In reading, a lonely quiet concert is given to our minds; all our mental faculties will be present in this symphonic exaltation.

Stéphane Mallarmé

 
 
 
 
 
Tác giả: Doãn Quốc Sỹ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Phạm Minh Phức
Số chương: 12
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1434 / 35
Cập nhật: 2017-04-04 13:33:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
on đường Constiution Avenue rộng lớn là vậy mà hôm nay cũng bé thỏm đi với hai rừng người đứng hai bên bờ xem rừng người thứ ba lưu động khoảng giữa như một dòng sông màu sắc, đó là ngày biểu diễn xe hoa của các hoa hậu anh đào: parade of the cherry blossom princesses. Năm nay có 53 hoa hậu, ngoài 50 hoa hậu đại diện cho 50 tiểu bang Mỹ quốc còn ba hoa hậu của Nhật- bản, Guam và Gia-nã-đại nữa.
Blair đứng bên Thuận luôn miệng góp ý kiến về quay phim: «Kìa anh Thuận quay lấy cảnh đám học sinh trung học này đi, - anh có thấy họ mặc đồng phục đẹp không, nhất là đám con gái đùi trần, đi ủng màu trắng buộc giày màu đỏ - Anh quay lấy cảnh dàn nhạc kèn đồng này đi,—Anh quay thằng hề trọc đầu cao cổ nầy đi, trông ngộ không - Anh phải quay lấy cảnh người ngựa cow boy này tượng trưng cho Texas. » Nhưng mỗi khi xe hoa hậu lướt qua thì Blair cũng giơ tay vẫy và hò la với đám con gái mười bốn mười lăm tuổi gần đấy « ê, hoa hậu! hoa hậu! » Và quên cả giục Thuận quay phim. Cái vui vô tư của Blair, cái vui vô tư của cả đám quần chúng Mỹ lúc đó làm Thuận thấy trạnh lòng, và những ý nghĩ ngày nào trên tháp San-Francisco lại hiển hiện trong trí. Cuộc diễn hành khởi đầu từ mười một giờ mãi tới một giờ rưỡi mới hết, Blair gặp hai người bạn gái khác, một cô cùng làm ở tiệm uốn tóc với nàng còn cô kia là chuyên viên họa đồ cho một hãng chế tạo máy móc, cả hai đều đã đứng tuổi, khoảng hai mươi sáu hai mươi bảy và cũng chưa chồng. Thuận mời cả ba cùng đi ăn cơm Tàu ở một tiệm gần đấy, sau đó Pearl và Ann, tên hai cô bạn mới - cùng ngỏ lời mời Blair và Thuận tới thăm căn nhà nơi của hai cô mới hùn nhau mua. « Căn nhà nổi» đây là chiếc ca nô lớn đầy đủ tiện nghi: bếp nước, nhà tắm, vô tuyến truyền hình, radio, bàn ghế, lò sưởi, tủ sách, phải kể thêm cả con mèo nữa. Thuận chỉ khẩu súng treo trên tường hỏi hai cô thường thích săn gì. Pearl trả lời là súng đó còn để giữ mình nữa. Thuận cũng nói đùa « thế thì nguy hiểm cho kẻ vô đây lắm nhỉ. » Tới đây thoạt các cô chỉ cười thôi, sau cùng vẫn Pearl nói thêm: « Nhưng với anh Thuận thì không. Vì anh là phi công phản lực mà!» Câu nói đùa có lẽ vô nghĩa mà cũng làm cả ba cười rộ, trừ Blair. Thuận đưa mắt nhìn ra bên ngoài, xung quanh còn nhiều ca nô khác của nhiều gia đình sống tương tự, xe ô tô của họ đậu thành hàng dài trên bờ. Trước khi chia tay, Ann nói là nếu Thuận thích chụp ảnh hay quay phim cảnh đẹp thì thứ bảy tuần sau hai cô sẽ mang xe tới đón đi Mount Vernon xem căn nhà cũ của Washington. Theo hai cô thì cảnh từ đây đi Mount Vernon nhiều chỗ đẹp lắm. Rồi hai cô nhất định lái xe đưa Blair và Thuận về tận nhà tựa như hai cô muốn đáp lễ bữa ăn Thuận mời. Lúc đó vào khoảng năm giờ chiều Thuận bắt tay hai cô thật chặt sau khi đã xuống xe và trước khi từ biệt. Không hiểu sao nếp sống tự lập của hai cô gái muộn chồng đó như có khơi động mối cảm tình đặc biệt nào trong Thuận, điều này có thể đã làm mếch lòng Blair, vì Thuận thấy Blair đi thẳng lên phòng mà chẳng ngoái cổ lại nói với mình thêm lời nào nữa. Nằm trong phòng mình. Thuận tiếp tục nghĩ về Pearl và Ann. Cách sống của hai người con gái đứng tuổi đó tự lập mà không có vẻ đàn đúm. Các cô luôn luôn cười nói vui vẻ, lịch thiệp nhưng trên nét mặt các cô, Thuận vẫn thấy phảng phất một cái gì sầu muộn không thổ lộ ra, những tiếng cười ròn như muốn xóa nhòa sự cô độc, rút cụt sự miễn cưỡng cô độc vẫn để lại vết hằn tưởng như mờ ảo mà kỳ thực khá rõ.
Thuận cố liên tưởng đến một ông già làm tại văn phòng của căn cứ không quân, ông đã sáu mươi tuổi rồi mà chưa vợ. Có lần Thuận hỏi đùa vì sao, ông lắc đầu cười rất vui và trả lời: « Chính tôi cũng không biết! » Nếu người đàn ông sống cô độc là vì họ thích thì chắc chắn đàn bà sống cô độc là vì hoàn cảnh bó buộc họ thế. Chết chưa Thuận nghĩ đến Huyền rồi! Thuận để mặc cho mình nghĩ rất nhiều về Huyền, dòng tư tưởng vốn đã được phá vỡ thì cứ thế mà chảy hoài. Thuận lại ao ước được ôm Huyền, vì quá thật ôm Huyền là ôm quê hương đau khổ vào trong lòng. Nhìn đồng hồ Thuận vùng dậy và chạy sang gõ cửa phòng Blair:
- Miss Blair nghĩ sao, chúng ta cùng đi đến tiệm Jenny's ăn cơm Tàu đi.
- Thôi cám ơn anh, tôi hiện mệt lắm! Blair vẫn nằm trên giường tự bên trong đáp ra như vậy.
Nhưng rồi hôm sau khi Thuận đưa cho Blair cuốn sách mới về thiên văn họ với nhiều ảnh, chụp những ngôi sao chổi, những định tinh, những thiên hà, thì giọng Blair lại vui tíu tít, quên khuấy hết những gì làm nàng bực dọc hôm trước.
Thứ bảy tuần sau Ann và Pearl y hẹn tới đón Thuận từ sớm, họ dời khỏi thủ đô theo đường xe buýt lớn ra khỏi ngoại ô, đi sâu vào vùng quê nước Mỹ, họ đi Mount Vernon. Thỉnh thoảng Pearl lại theo lời yêu cầu dừng xe Iại cho Thuận quay phim và ý chừng cứ quan sát cách quay phim, cách lựa chọn thông minh cảnh, vật và người của Thuận, Pearl cũng đã thấy giá trị những hình ảnh Thuận thu được nên nàng không ngớt lời tán thưởng. Quả vậy sau này khi Pearl và Ann được mời tới phòng khách nhà bà Gitting để xem chiếu lại cuốn phim đó, mọi người đều thấy Thuận đã thu được đầy đủ những nét điển hình của vùng quê nước Mỹ. Thoạt là hình ảnh con đường thiên lý rộng và hun hút màu đá mài với những vệt kẻ trắng phân đường, rồi hình ảnh những chiếc xe nhà, những chiếc xe buýt từ xa tiến lại rồi vụt xa dần. Kế đó là hình ảnh những cây hoa đủ màu sắc nở trên nền cỏ xanh, những căn nhà nhỏ gọn gàng phía xa, lũ trẻ tung tăng nô rỡn, cha mẹ đương trồng cây hay xén cỏ, rồi những con đường đất, những cảnh rừng um tùm, những sườn đồi thông xanh và thoảng, những gia đình đi picnic vợ chồng con cái nằm phơi nắng, những sân tennis ở giữa rừng, những sân golf màu cỏ mịn như nhung.
Đường đi lại sát với bờ sông Potomac nên đôi chỗ Thuận thu được hình ảnh quãng sông rềnh lên với những ca nô, yatch bập bềnh dưới nắng và bên kia bờ tít tắp là những con đường thiên lý khác với từng đoàn xe du lịch loang loáng dưới bóng cây và dưới nắng. Hình ảnh Blair, Pearl và Ann được thu vào ống kính khi mọi người khởi sự vào xem căn nhà của Washington trên đồi cao nhìn thẳng xuống dòng sông Potomac bên dưới. Blair Pearl và Ann đứng sát với mấy nữ sinh trung học mắt thơ ngây lắng nghe và lắng nhìn. Đó là lúc người Mỹ da đen gác cửa đương kể lại cho du khách nghe chuyện Washington bằng thứ giọng đều đều hoài cổ.
Cuộc vui ngắn chẳng tày gang! những cuộc vui tương tự qua mau, mà Thuận thì cũng không nặng lòng lưu luyến. Thuận nhớ quê hương!
Chúng bay hãy đến nghĩa trang quân đội bên Gò Vấp mà nhìn mồ mả...
Chúng bay hãy đến đó mà căng biểu ngữ biểu tình…
Chúng bay hãy đến đó mà kiểm điểm tiền thụt két, tiền quỹ đen quỹ đỏ …
Thuận còn nhớ như in những lời nói của viên sĩ quan nhảy dù đêm nào!
Người ta nói đúng! Thế hệ các cậu ngày nay phải có mặt ở chiến trường về sau mới không bị mặc cảm. Các cậu chiến đấu cho lịch sử dân tộc, lịch sử vẫn tiến đấy chứ, lũ khốn nạn chúng sẽ bị đào thải mà. Một ngày gần đây thôi.
Thuận nhớ như in lời nói của anh Cả. Có lẻ vì vậy Thuận vẫn vui những cuộc vui nơi đây mà thực tình không nặng lòng lưu luyến. Chỉ còn một tháng nữa Thuận sẽ mãn khóa hồi hương. Trở về để nhìn những cảnh bẩn thỉu ở thủ đô, trở về để chứng kiến những cảnh tàn khốc ở nơi đồng ruộng, nhưng lời nói cũa anh Cả đã mặc khải cho Thuận: Thuận chiến đấu cho sự tiến triển của lịch sử đất nước.
Về nước chuyến này Thuận còn phải gặp Huyền nữa. Thuận phải gặp Huyền chứ! Hình ảnh Huyền đã được nghiền ngẫm kỹ trong trí Thuận!
Thuận muốn ôm Huyền, muốn hôn Huyền, hôn lên môi, lên má, lên cổ, lên bộ ngực thanh ân đó, muốn nhập vào cái đẹp đau khổ đó. Huyền đau khổ hay chính Thuận đau khổ? Đã hơn bốn tháng xa quê hương đau khỗ, trên mảnh đất đau khổ đó có một người đau khổ: Huyền! Cứ biết là Huyền đau khổ, khỏi cần nói là Huyền chỉ mới đau khổ, khỏi cần dè bỉu là cái đau khổ của Huyền khác với cái đau khổ của những người ở làng quê xấu số gục ngã dưới làn đạn của cả hai bên bất thần vào lúc đương cầm cày hay đương ăn cơm. Chính Huyền mới đau khổ nên niềm đau càng như cắt! Sự đau khổ cũng phải có thiên binh vạn trạng chứ! Huyền đau khổ ngay trên chính đất nước đau khổ không đủ sao? Mỗi người đau một niềm đau khác, và tất cả gộp lại cho ngọn lửa của niềm đau chung.
Thuận nhắm mắt lại. Thuận muốn ôm Huyền, ghì chặt lấy Huyền, ghì chặt lấy niềm đau khổ đó.
Phần lớn kiều bào nơi đây vì họ xa quê hương lâu quá rồi, họ không còn tha thiết muốn ôm quê hương nữa, sợ máu quê hương dính lên tay áo, vạt áo. Họ sợ bẩn.
Có tiếng gõ cửa bên ngoài, Thuận hỏi:
- Ai?
Tiếng Blair:
- Anh Thuận chuẩn bị đi chưa?
Thuận sực nhớ sáng thứ bảy này đã hứa cùng Blair đi tàu thủy ngược dòng sông tới Marshall Hall, Thuận vội nói.
- Miss Blair chờ tôi chừng mười phút nữa nhé
Mười phút sau.Thuận đã cùng Blair xuống phố ăn sáng rồi mới ra bờ sông lên tàu thủy đi Marshall Hall.
Marshall Hall là một khu giải trí lành mạnh, khi tàu đến cả Thuận cùng Blair đã chú ý thấy những bánh xe khổng lồ quay đều đàng xa đưa người lên cao rồi lại hạ xuống. Đặc biệt hôm nay chăng, giải trí trường có hàng ngàn nam nữ học sinh trung học tới mua vui. Thuận và Blair chỉ đi lẫn vào với bọn đó, nhìn bọn đó vui nhộn cũng đủ vui lây rồi. Họ tự nhiên và tràn đầy sức sống, tràn đầy niềm tin đời, yêu đời. Họ cười, họ nói, họ gọi nhau ơi ới những bàn đu swings, những vòng ngựa gỗ roundabouts
những cuộc thi bắn, thi quăng giây thòng lọng.... Không chỗ nào thiếu bóng họ.. Họ đua nhau lao mình nhảy lên những rolling scooters chạy từng đoàn nối đuôi nhau vùn vụt, lúc lao xuống dốc như lao xuống vực, lúc lên cao bằng bốn năm từng lầu và cứ như vậy nhấp nhô vùn vụt trôi ra xa., ra xa mãi, tiếng cười rú khoái trá của đám nam nữ học sinh đương ngự trị trên đoàn xe đó còn át cả tiếng bánh xe nghiên trên đường sắt.
Khoảng hai giờ chiều khi bọn họ kéo nhau ra bến thì mặc dầu vẫn còn lại hàng ngàn người khác mà linh hồn khu giải trí dường như bị hút cán theo đi hết. Blair và Thuận cùng lên lầu ra về với đám tuổi trẻ đó. Khắp nơi trên tàu trên boong dưới sàn đều nhộn nhịp chật ních bọn họ, thường một chú lại cập kè với một cô, vỗ bụng vỗ mông và ôm nhau hôn nhau tự nhiên như không ngay trước mắt các hành khách mọi cở tuổi khác. Trông chúng thật «cao bồi » một cách hồn nhiên và đáng yêu. Đa số con gái đều mặc quần đùi hoặc quần chẽn ống, chân đi giày vải, có cô tay xách giày chân đi đất, cặp chân trắng nõn, cô cô cởi áo ngoài khoanh đai giắt vào vành quần, có cô vớ đâu được chiếc chemisette con trai rộng thùng thình mặc chùng ra ngoài, họ kết thành từng đám lốm đốm sặc sỡ khắp nơi trên tầu, chỗ nào trên tầu cũng có liếng họ cười to hét lớn, chuyên trò « nhồm nhoàm », hô hóa cả chuyến tầu thành giải trí trường của họ mất rồi. Tầu qua cầu Wilson Memorial Bridge, còi kéo tu hụ, tức thì máy chạy kéo hai đoạn giữa lên như kéo hai cánh cửa nặng nề lắm cho bổng tít lên trời với hai ánh đèn đỏ nhấp nháy để bảo hiệu cho máy bay khỏi lúc phải. Cả đám trẻ thấy hay hay nhất loạt đứng lên ngó trước ngó sau ngẩng đầu chỉ trỏ, cho đến khi tầu đã qua và hai phần câu đã hạ xuống. Khi tầu gần cập bến đám trẻ bỗng im lặng hẳn. Sắp chia tay rồi chúng càng khắng khít dữ, nhìn bốn phía đâu đâu Thuận và Blair cũng thấy lũ trẻ măng đó kết thành từng cặp âu yếm nhau như những cặp «vợ chồng chim khuyên », có cặp ôm khít nhau như anh bế em vậy.
Thuận và Blair chỉ trở lại với chủ quan mình khi đã xuống bến, đi đã khá sâu vào các đường phố lớn và không còn một bóng nam sinh nữ sinh nào xung quanh. Blair kéo Thuận vào Wax Museum, bên trong ánh đèn lờ mờ, hai bên là những ngăn nhỏ có tượng các danh nhân Mỹ: các vị Tổng Thống, các nhà bác học, các nhà thám hiểm, cả mấy nhà vô địch điền kinh và quyền Anh nữa, có cảnh tượng Lincoln bị ám sát khi đang ngồi cùng vợ trong rạp hát, có cảnh Edison ngồi ở ghế sau xe Henry Ford do chính ông này cầm lái, bên cạnh Edison là chiếc máy hát do chính ông sáng chế. Khi bước tới trước cảnh một nhà thám hiếm bị dân da đỏ trói giật khuỷu tay nằm ngửa dưới đất và sắp giết, bộ ngực ông ta có máy làm thở phập phòng như người thực, thì cả Thuận và Blair cùng dừng lại. Thuận ôm lấy Blair, Blair ôm ghì lấy Thuận, Thuận cúi xuống hôn Blair, làn môi Blair in hằn lên môi Thuận, mớ tóc Blair lòa xòa cảm giác lên cổ tay Thuận, cả bộ Blair đè ép cảm giác bên dưới khoảng ngực Thuận. Đó là cái hôn mở đầu của tình yêu. Phía sau đã có người tiến tới. Thuận và Blair tiếp tục âu yếm khoác tay nhau theo lối đi vòng vèo mà xem nốt các cảnh, thực ra cả hai cũng chẳng để ý ngắm thấy gì thêm nữa.
Đốt Biên Giới Đốt Biên Giới - Doãn Quốc Sỹ Đốt Biên Giới