To sit alone in the lamplight with a book spread out before you, and hold intimate converse with men of unseen generations - such is a pleasure beyond compare.

Kenko Yoshida

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: admin
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1343 / 13
Cập nhật: 2015-11-21 05:49:54 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
Ðối với Giác Dân và Giác Tuệ thì Giác Tân là "Ðại ca." Tuy cùng một mẹ sinh ra và sống cùng nhà, địa vị của Giác Tân hoàn toàn khác với địa vị của hai người em. Trong cái đại gia đình nhà họ Cao, chàng là con trưởng của một người con trưởng, và vì lý do ấy số phận của chàng đã được xác định ngay cái giây phút chàng bước vào đời.
Ðẹp trai và thông minh, chàng là dứa con ưa thích nhất của cha chàng. Thầy đồ tư gia cũng ca ngợi chàng. Người ta đoán chàng sẽ làm những việc vĩ đại, và cha mẹ chàng tự nhận thấy là may mắn có được một đứa con trai như chàng.
Ðược nuôi dưỡng bằng tình thương yêu, sau khi học tại tư gia được vài năm, Giác Tân vào trường trung học. Chàng là một trong những học sinh xuất sắc nhất của trường; bốn năm sau chàng tốt nghiệp đầu lớp. Chàng rất thích các môn vật lý và hóa học, và hy vọng sẽ học tiếp tại đại học Thưởng Hải hoặc Bắc Kinh, và có lẽ xuất ngoại du học tại Ðức quốc. Tâm trí chàng đầy những giấc mơ đẹp đẽ. Lúc ấy chàng là niềm mơ ước của các bạn học.
Trong năm thứ tư tại trường trung học, chàng mất mẹ. Cha chàng sau này lấy vợ kế, lần này là một người đàn bà trẻ hơn, và là em họ của mẹ chàng. Giác Tân biết sự mất mát của chàng, bởi vì chàng biết quá rõ rằng không gì có thể thay thế được tình thương của người mẹ. Nhưng cái chết của mẹ không để lại trong tim chàng một vết thương không hàn gắn được; chàng có thể tự an ủi với những giấc mơ hướng về tương lai của chàng. Hơn nữa, chàng có một người hiểu chàng và có thể an ủi chàng - đó là Lệ Mai, người em họ xinh đẹp của chàng; "Mai" có nghĩa là hoa mai.
Nhưng rồi một hôm giấc mộng màu hồng của chàng tan nát, tan vỡ một cách tàn nhẫn chua chát. Buổi tối hôm chàng về nhà, mang theo chứng chỉ tốt nghiệp, bên tai chàng vẫn còn vang vọng những lời khen ngợi của giáo sư và bạn bè, thì cha chàng gọi chàng vào phòng và nói:
"Bây giờ con đã tốt nghiệp rồi, ta muốn thu xếp việc hôn nhân cho con. Ông nội con đang mong đợi sớm có chắt nội, và ta cũng vậy, cũng muốn được bồng đứa cháu nội trong tay. Con đã đủ tuổi để lấy vợ rồi. Ta không cảm thấy thoải mái cho tới khi ta hoàn thành bổn phận tìm cho con một người vợ. Tuy ta không để dành được nhiều tiền trong những năm xa nhà làm quan, nhưng ta cũng để dành đủ cho gia đình sống sung túc. Sức khỏe của ta bây giờ không còn như trước nữa; ta đang nghĩ sẽ sớm nghỉ ở nhà, và nhờ con giúp đỡ trong công việc nhà. Ðiều ấy cũng là lý do con cần phải có vợ ngay. Ta đã thu xếp hôn nhân của con với nhà họ Lý. Ngày mười ba tháng sau là ngày tốt. Lúc đó chúng ta sẽ thông báo lễ hứa hôn. Con có thể kết hôn trong vòng một năm..."
Sự việc xảy ra quá bất ngờ. Tuy chàng hiểu biết mọi điều cha chàng nói, nhưng ý nghĩa không thực sự ghi lại. Giác Tân chỉ biết gật đầu. Chàng không dám nhìn thẳng vào mắt cha, dù người cha lớn tuổi đang thương yêu nhìn chàng.
Giác Tân không có một lời phản đối nào, và chàng cũng không bao giờ có một ý tưởng phản đối. Chàng chỉ gật đầu tỏ cho biết chàng tuân theo ước muốn của cha. Nhưng sau khi về phòng riêng, và đóng cửa lại, chàng nằm vật xuống giường, lấy mền che mặt và khóc. Chàng khóc cho giấc mơ đã mất.
Chàng biết có một sự mai mối với con gái nhà họ Lý. Nhưng chàng không bao giờ được phép biết toàn thể sự việc, và vì thế chàng không đặt nhiều tin tưởng vào chuyện này. Một số gia đình có con gái chưa chồng, rất thích vẻ khôi ngô tuấn tú và học hành thành công của chàng, đã chú ý tới chàng; lúc nào cũng có những bà mối tới cửa nhà chàng. Cha chàng loại bỏ từng ứng viên một, cho tới lúc chỉ còn hai người đáng cân nhắc. Rất khó cho ông Cao làm một lựa chọn; cả hai bà mối đều ngang nhau về uy tín và quan trọng. Cuối cùng ông quyết định quay trở về với thần linh. Ông viết tên của mỗi cô gái lên một miếng giấy đỏ, cuộn tấm giấy thành một trái banh tròn, rồi sau khi cầu nguyện sự hường dẫn trước bài vị tổ tiên, ông chọn lên một.
Như vậy sự kết hôn với nhà họ Lý đã được quyết định. Nhưng mãi bây giờ Giác Tân mới được thông báo kết quả.
Phải, chàng mơ ước một chuyện tình lãng mạn. Người con gái trong tim chàng là người con gái hiểu chàng và có thể an ủi được chàng - đó là người em họ tên là Lệ Mai. Ðã có lúc chàng tin chắc nàng sẽ là người bạn đời của chàng, và chàng tự khen ngợi nếu chuyện ấy thành tựu, bởi vì trong gia đình chàng, sự kết hôn giữa bà con là việc thông thường.
Chàng rất yêu Lệ Mai, nhưng bây giờ cha chàng đã chọn một người khác, một người con gái chàng chưa trông thấy bao giờ, và chàng phải kết hôn trong vòng một năm. Hơn nữa, hy vọng tiếp tục học thêm của chàng tan vỡ như một bong bóng nước. Thực là một sự xúc động kinh khủng cho Giác Tân. Tương lai chàng thế là hết, những giấc mộng đẹp của chàng đã chấm dứt.
Chàng khóc cho sự bất mãn và cay đắng của chàng. Nhưng cánh cửa đã đóng và đầu Giác Tân vẫn bên dưới cái mền. Không ai biết. Chàng không chống lại, chàng chưa bao giờ nghĩ đến sự chống đối lại cha. Chàng chỉ than khóc cho số phận. Nhưng chàng chấp nhận cái số phận ấy. Chàng tuân theo ý muốn của cha mà không có một sự bất mãn nào. Nhưng trong tim chàng, chàng khóc cho chính chàng, khóc cho người con gái chàng yêu quý - Lệ Mai, "bông hoa mai diễm lệ" của chàng.
Trong ngày lễ hứa hôn của chàng, chàng bị trêu chọc và lôi quanh như một hình nhân, và được trưng bầy như là một kho tàng quý hiếm. Chàng không sung sướng mà cũng không buồn rầu. Chàng làm những gì người ta bảo chàng làm, như thể những hành động này là những bổn phận mà chàng bắt buộc phải thi hành. Vào buổi tối, khi tấn hài kịch chấm dứt, và khách khứa đã ra về hết, Giác Tân mệt nhoài. Chàng đi vào giường và ngủ mê mệt.
Sau lễ hứa hôn, chàng trôi nổi lơ lửng ngày này qua ngày khác. Chàng sắp xếp sách vở ngăn nắp trong tủ sách và không nhìn tới nữa. Chàng chơi mà chược, đi coi hát, uống rượu và đi thu xếp những việc cần thiết cho việc hôn nhân, theo đúng sự chỉ dẫn của cha chàng. Giác Tân suy nghĩ rất ít. Chàng bình tĩnh chờ đợi cô dâu.
Trong vòng sáu tháng, cô dâu tới. Ðể ăn mừng hôn lễ, cha và ông nội của Giác Tân lập một sân khấu xây cất đặc biệt để trình diễn những vở tuồng bên trong khuôn viên của dinh cơ.
Hôn lễ trở nên không đơn giản như Giác Tân mong đợi. Chính chàng cũng trở nên một diễn viên, và chàng phải trình diễn suốt ba ngày trước khi chàng có được cô dâu. Chàng bị điều khiển như một hình nhân, lại được trưng bày như là một kho tàng hiếm quý. Chàng không vui mà cũng không buồn - chàng chỉ mệt thôi, mặc dù cũng bị khích động bởi cái quang cảnh náo nhiệt.
Tuy nhiên sau khi sự trình diễn của chàng chấm dứt, và khách khứa ra về rồi, chàng không thể nào quên được tất cả và không ngủ được. Bởi vì nằm bên cạnh chàng bây giờ là một cô gái xa lạ. Chàng vẫn còn phải tiếp tục đóng một vai trò nữa.
Giác Tân đã lấy vợ. Ông nội chàng bây giờ có một cô cháu dâu và cha chàng có một cô con dâu, và những người khác vui thích có một khoảng thời gian vui nhộn. Cuộc hôn nhân cũng không phải là một mất mát hoàn toàn cho Giác Tân. Chàng đã lấy được một cô gái dịu hiền dễ thương, đẹp như người chàng vẫn mơ tưởng. Chàng thoả mãn. Trong một thời gian chàng mê man với lạc thú mà chàng không tưởng là có được, trong một thời gian chàng quên những giấc mộng đẹp, quên người con gái khác, quên cả tương lai đã mất của chàng. Chàng say sưa với tình yêu của một cô gái dịu dàng xinh đẹp bây giờ là vợ của chàng. Lúc nào chàng cũng mỉm cười, và luẩn quẩn trong phòng với nàng suốt ngày. Người ta thèm thuồng hạnh phúc của chàng, và chàng tự coi là rất may mắn.
Một tháng như thế trôi qua.
Một tối cha chàng gọi chàng vào phòng và nói:
"Bây giờ con đã có vợ rồi, con phải lo sinh kế của con, nếu không người ta sẽ nói ra nói vào. Ba đã nuôi con tới tuổi trưởng thành và đã tìm vợ cho con. Ba nghĩ người ta có thể nói ba đã hoàn thành nhiệm vụ của một người cha rồi. Từ nay con phải tự lo liệu cho mình. Chúng ta có đủ tiền gửi con tới đại học ở miền xuôi để tiếp tục sự học, nhưng trước hết là con đã có vợ, thứ hai là tài sản gia đình vẫn chưa chia cho ba và các em của ba, và ba là người trông coi sổ sách của gia đình. Nếu ba lấy tiền của gia đình cho con học đại học thì có vẻ thiên vị quá. Ngoài ra ông nội con sẽ không đồng ý. Vì thế ba tìm cho con một việc làm tại công ty Tây Tứ Xuyên Thương Cuộc. Lương bổng không nhiều lắm, nhưng cũng đủ cho con và vợ con một số tiền để tiêu dùng. Hơn nữa nếu con làm việc chăm chỉ, thì chắc chắn con sẽ tiến lên cao hơn. Ngày mai con bắt đầu làm việc. Chính ba sẽ dẫn con tới. Gia đình chúng ta có một số cổ phần trong công ty này, và một số giám đốc của công ty là bạn của ba. Họ sẽ chăm sóc cho con."
Cha của Giác Tân nói bằng một giọng đều đặn, như thể bàn cãi một vấn đề gì rất thông thường. Giác Tân lắng nghe và đồng ý. Chàng không nói chàng sẵn sàng hay không. Chàng chỉ có một ý tưởng trong tâm trí "Mọi việc chấm hết rồi." Tuy chàng có nhiều điều trong lòng, nhưng chàng không nói một lời.
Ngày hôm sau, sau bữa ăn trưa, cha chàng bảo chàng một vài điều và cách một người ra đời phải cư xử thế nào, và Giác Tân thận trọng ghi nhớ. Những chiếc kiệu đưa hai cha con tới công ty Tây Tứ Xuyên Thương Cuộc. Khi bước vào, trước hết chàng gặp giám đốc họ Hoàng, một người khoảng bốn mươi tuổi để ria mép và lưng hơi còng; ông Trần, kế toán viên, một người có bộ mặt của một bà già; người đi thu hoá đơn họ Vương, cao và gầy nhom; và hai hoặc ba nhân viên thường khác trong văn phòng. Viên giám đốc hỏi chàng vài câu hỏi; chàng trả lời đơn giản, như thể là học thuộc lòng. Mọi người nói chuyện với chàng rất lịch sự; từ hành động và cách nói năng của họ, chàng biết họ không giống chàng. Chàng ngạc nhiên trước kia chàng chưa bao giờ gặp loại người như thế này.
Cha chàng ra về, để Giác Tân ở lại. Chàng cảm thấy cô đơn và lo sợ, như kẻ bị bỏ rơi trên một hoang đảo. Người ta không giao việc gì cho chàng. Chàng chỉ ngồi trong văn phòng giám đốc và nghe ông Hoàng bàn cãi công việc với nhiều người khác. Sau hai giờ như thế, viên giám đốc bỗng nhận ra sự hiện diện của chàng và lịch sự nói, "Hôm nay không có gì cho huynh đệ làm. Ngày mai xin trở lại."
Như một người tù được ân xá, Giác Tân sung sướng gọi một chiếc kiệu và cho địa chỉ. Chàng cứ thúc hối phu kiệu đi mau hơn. Chàng dường như thấy trên đời này không có một nơi nào tuyệt vời bằng dinh cơ nhà họ Cao.
Khi về tới nhà, trước hết chàng báo cáo cho ông nội biết, và được nghe những lời chỉ dạy. Rồi chàng đi gặp cha, và cũng được ban những lời chỉ dạy. Cuối cùng chàng trở về phòng riêng. Chỉ tại đây với lời hỏi ân cần và cặn kẽ của vợ, chàng tìm thấy bình an và thoải mái.
Ngày hôm sau, sau bữa điểm tâm, chàng lại đi ra Thương Cuộc và mãi đến năm giờ chiều mới trở về nhà. Ngày hôm ấy chàng có văn phòng riêng. Dưới sự chỉ dẫn của giám đốc và các bạn đồng sở, chàng bắt đầu làm việc.
Như vậy, chàng thanh niên mười chín tuổi này đã làm một bước tiến dài vào thế giới thương nghiệp. Dần dần, chàng trở nên quen với môi trường, và học được một lối sống mới. Rồi chàng quên hết những kiến thức chàng thu thập đuợc trong bốn năm trung học. Chàng bắt đầu cảm thấy thoải mái trong công việc. Lần đầu tiên chàng nhận được lương tháng hai mươi bốn quan, chàng bị giằng xé giữa niềm vui và nỗi sầu buồn. Ðây là lần đầu tiên chàng kiếm được tiền, và tiền lương là kết quả những hoa trái đầu tiên của nghề nghiệp. Nhưng năm tháng trôi qua, số tiền lương hai mươi bốn quan một tháng không gợi lên một cảm xúc đặc biệt nào nữa.
Cuộc đời chịu đựng được, không hạnh phúc, không đau buồn. Tuy chàng trông thấy cùng những bộ mặt ấy mỗi ngày, nghe cùng những cuộc nói chuyện không đáng chú ý, làm cùng một công việc buồn tẻ, nhưng tất cả đều bình yên và bảo đảm. Không người nào trong nhà quấy rầy chàng tại nhà; chàng và vợ được phép sống lặng lẽ.
Gần sáu tháng sau, một sự thay đổi lớn xảy ra trong đời chàng. Một bệnh dịch đã đốn ngã thân phụ chàng; tất cả nước mắt của Giác Tân và các em trai em gái không cứu được cha chàng. Sau khi cha chết, gánh nặng gia đình đè xuống vai Giác Tân. Ngoài việc chăm sóc cho kế mẫu, chàng còn phải chịu trách nhiệm cho hai người em gái và hai người em trai đang đi học. Lúc đó Giác Tân mới chỉ hai mươi tuổi.
Chàng đau đớn khóc thương tiếc người cha dã mất. Chàng không hề ngờ rằng số phận lại có thể bi thảm như thế. Nhưng dần dần nỗi lo buồn của chàng biến đi. Sau khi chôn cất cha, Giác Tân hầu như quên cả cha. Không những chàng quên cha, chàng còn quên mọi chuyện xảy ra, chàng quên cả tuổi xuân của đời mình. Chàng bình tĩnh đặt gánh nặng gia đình lên đôi vai còn trẻ của chàng.
Trong mấy tháng đầu không có vẻ nặng nề lắm; chàng không gặp một sự căng thẳng nào. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều mũi tên, khi thì rõ khi thì không rõ, bắt đầu bắn về phía chàng. Chàng có thể tránh né được một số, nhưng cũng bị trúng vài mũi. Chàng khám phá một cái gì mới lạ, chàng bắt đầu trông thấy một khía cạnh khác của đời sống trong một gia đình trưởng giả. Bên dưới cái bề mặt bình lặng và tình thương, những sự thù ghét và xung đột đang ngấm ngầm; chàng đã trở thành mục tiêu tấn công. Tuy hoàn cảnh chung quanh chàng làm chàng quên mùa xuân của đời mình, nhưng ngọn lửa của tuổi trẻ vẫn còn cháy trong tim chàng. Chàng trở nên tức giận, chàng tranh đấu bởi vì chàng tự coi mình có lẽ phải. Nhưng những cuộc tranh đấu của chàng chỉ đem lại cho chàng thêm nhiều rắc rối và kẻ thù mà thôi.
Nhà họ Cao chia làm bốn gia đình. Thoạt đầu ông nội Giác Tân có năm người con trai, nhưng người con thứ hai đã chết nhiều năm rồi. Chú Khắc Minh của Tam gia thường hoà hợp với Nhất gia mà bây giờ Giác Tân làm chủ. Nhưng Tứ gia và Ngũ gia thì bất hoà với Giác Tân; hai bà vợ của hai gia đình này bí mật mở ra những cuộc xung đột với chàng và Nhất gia, và tung ra những lời đồn đại về chàng.
Phấn đấu không đem lại một lợi ích gì, và chàng mệt mỏi lắm. Chàng tự hỏi những cuộc xung đột vô tận này có ích lợi gì? Những người đàn bà này không bao giờ thay đổi, và chàng cũng không thể bắt họ chịu thua. Tại sao phí phạm năng lực để tìm sự rắc rối? Giác Tân nghĩ ra một cách mới điều khiển mọi việc - hoặc có lẽ đúng hơn là điều khiển gia đình. Chàng chấm dứt cuộc chiến đấu với hai bà thím. Chàng giả bộ đi theo ước muốn của họ bất cứ khi nào chàng có thể. Chiều theo ý muốn của họ, chàng gia nhập cuộc chơi mà chược với họ, giúp họ mua sắm... Tóm lại, chàng hy sinh một phần đời mình để chiếm được cảm tình của họ. Tất cả những gì chàng muốn là sự bình an lặng lẽ.
Sau đó ít lâu, một người em gái cuả chàng chết vì bệnh lao phổi. Tuy chàng khóc thương em gái, nhưng trái tim chàng cảm thấy đôi chút dễ chịu, bởi vì cái chết của người em gái làm giảm gánh nặng của chàng rất nhiều.
Một thời gian sau, đứa con đầu tiên của chàng ra đời - một đứa con trai. Giác Tân cảm thấy một lòng biết ơn đối với vợ. Ðứa trẻ ra đời đem lại cho chàng hạnh phúc lớn lao. Chính chàng là một người không hy vọng; chàng không có cơ hội thực hiện được những giấc mơ đẹp đẽ của chàng. Cái nhiệm vụ duy nhất của đời chàng là mang gánh nặng trên vai, để giữ vững cái gia đình mà cha chàng để lại. Nhưng bây giờ chàng có một đứa con trai, là máu thịt của chính chàng. Chàng sẽ nuôi con một cách đầy tình thương, và để thấy con thực hiện được cái sự nghiệp mà chàng đã bỏ mất. Ðứa con là một phần của chàng, và hạnh phúc của con chính là hạnh phúc của chàng. Giác Tân cảm thấy an ủi trong ý nghĩ này. Chàng cảm thấy sự hy sinh của chàng không vô ích.
Hai năm sau, năm 1919, phong trào Ngũ Tứ bắt đầu. Những bài báo đanh thép chua chát đánh thức trong Giác Tân những kỷ niệm của tuổi trẻ. Giống như hai người em trai, chàng hăm hở đọc những bản tin của Bắc Kinh đăng lại trên báo địa phương, và tin tức về những cuộc đình công lớn tại Thượng Hải vào ngày 3 tháng 6 tiếp theo. Báo địa phương in lại những bài báo từ tờ Tân Thanh Niên và Tin Tức Tuần Qua, chàng vội lại tiệm sách duy nhất bán những báo này, và mua số mới nhất, và vài tờ số thứ hai. Những bài báo ấy giống như những tia lửa gây nên những cơn bốc lửa trong trái tim của ba anh em. Kích thích bởi lối văn bạch thoại và những câu nẩy lửa, ba anh em hoàn toàn đồng ý với tác giả bài báo.
Do đó ba anh em mua tất cả những tờ báo tiến bộ mà họ trông thấy, kể cả những số cũ, gồm có các tờ Tân Thanh Niên, Sóng Mới, Phê Bình Tuần San và Tin Tức Tuần Qua, ngay cả những số cũ của tờ Tuổi Trẻ Mới, tiền thân của tờ Tân Thanh Niên cũng được lục soát bên dưới những chồng báo cũ của tiệm sách. Mỗi tối chàng và hai em thay nhau đọc những tờ báo này, không bỏ một mục nào, ngay cả mục Thư Gửi Chủ Nhiêm. Ðôi khi họ có những buổi bàn cãi sống động về những đề tài do tờ báo nêu lên. Các em của Giác Tân cực đoan hơn chàng, bởi vì chàng chỉ là người đi theo tư tưởng Hồ Thích, mà cuốn "Luận Về Ibsenism" đã có phần hơi quá cực đoan đối với chàng. Chàng thích "Lý thuyết về Bất Ðối Kháng" của Tolstoy, mặc dù chàng không đọc gì khác của Tolstoy, ngoại trừ truyện ngắn "Ivan The Fool".
Thực vậy, Giác Tân vốn là người ôn hoà và thấy rằng triết lý "chiếc cung cong" và "chính sách bất đối kháng" rất hữu ích. Nhờ đó chàng có thể hoà hợp một cách dễ dàng cái lý thuyết trong tờ Tân Thanh Niên với thực tế của một đại gia đình. Thực là một an ủi cho chàng, nó cho phép chàng tin vào những lý thuyết mới trong khi vẫn tin theo những quan niệm phong kiến. Chàng không thấy một sự mâu thuẫn nào.
Giác Tân trở thành một người có hai cá tính. Trong xã hội cổ, giữa cái gia đình cổ hủ của chàng, chàng là một Thiếu Gia không xương sống, nhu nhược; giữa các em trai, chàng là một thanh niên của thời đại mới.
Dĩ nhiên các người em của chàng không thể hiểu được lối sống này. Hai người thường chê bai lối sống của Giác Tân, và chàng thản nhiên chấp nhận sự chỉ trích của các em. Chàng vẫn tiếp tục đọc sách báo mới, và tiếp tục sống trong một gia đình cổ điển như cũ.
Chàng nhìn đứa con trai đầu tiên tập bò, rồi tập đi, tập nói một vài lời. Ðứa bé thật dễ thương, thông minh, và Giác Tân đã dành hết tình thương cho đứa con trai. Giác Tân nghĩ, "Nó sẽ làm được những gì ta không làm được." Chàng từ chối nuôi vú em, đòi vợ chàng phải cho con bú. May mắn thay vợ chàng có đủ sữa. Một sự việc như thế chưa hề xẩy ra trong một gia đình giầu có, và gây ra nhiều chuyện ngồi lê đôi mách. Nhưng Giác Tân chịu đựng được tất cả, tin tưởng rằng chàng hành động cho quyền lợi tốt nhất của đứa con.
Mỗi tối, khi vợ và con đi ngủ rồi, chàng thường ngồi bên cạnh, tha thiết nhìn đứa con ngủ trong cánh tay vợ. Nhìn mặt đứa con, chàng có thể quên hẳn mình. Giác Tân không thể cưỡng lại được hôn lên má mịn màng của đứa con. Chàng khẽ thở ra những lời cám ơn, hy vọng và yêu thương, những lời nói mơ hồ, nhưng tự nhiên tuôn ra từ môi chàng như nước chảy ra từ vòi nước.
Giác Tân không biết rằng cha mẹ chàng đã yêu thương chàng cũng bằng một sự say đắm như thế khi chàng còn nhỏ. Cha mẹ chàng cũng thở ra những lời cám ơn, hy vọng và yêu thương.
Dòng Thác Cuốn Dòng Thác Cuốn - Nguyễn Vạn Lý Dòng Thác Cuốn