If we are peaceful, if we are happy, we can smile, and everyone in our family, our entire society, will benefit from our peace.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: George Eliot
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Mill On The Floss
Dịch giả: Ngô Đăng Tâm
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 51
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1990 / 33
Cập nhật: 2015-10-05 18:59:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
UẢ THẬT GIA ĐÌNH DODSON GỒM TOÀN những phụ nữ có nhan sắc mặn mà mà bà Glegg không phải là người kém cỏi nhứt trong các chị em. Ngay như bà ngồi trong chiếc ghế bành của nhà Tulliver, không một quan sát viên vô tư nào có thể chối cải rằng với số tuổi năm mươi, gương mặt và dáng người của bà vẫn còn thật đẹp - nhưng Tom và Maggie thì lại coi bà dì của chúng là một mẫu người xấu xí. Thật ra, bà Glegg khinh thường sư phô trương quần áo - mặc dầu theo nhận xét của bà, chẳng một người đàn bà nào ăn mặc coi cho được - nên bà chỉ ăn mặc quần áo mới khi nào quần áo cũ đã thật sự không còn dùng được nữa. Những người đàn bà khác, nếu muốn, có thể giặt các bộ ren của họ để dùng lại, nhưng khi bà Glegg chết, người ta sẽ thấy số ren trong ngăn tủ áo bên phải của bà con nhiều hơn cả số ren mà Wooll ở St. Oggs mua cả một đời, dầu bà Wooll vẫn dùng ren mua chịu. Tóc giả cũng vậy, bà Glegg có rất nhiều, từ những bộ quăn và óng mượt cho tới những bộ dợn sóng và mềm hạng trung bình. Nhưng vào ngày thường, bà vẫn ra ngoài với bộ tóc giả ưng ý vào hạng thứ ba của mình khi đi thăm viếng xã giao, nhưng chẳng bao giờ bà mang bộ tóc đó tới nhà các em, nhứt là bà Tulliver. Từ khi có chồng, bà Tulliver đã làm cho chị em xấu hổ vì không chịu mang tóc giả. Theo nhận xét của bà Glegg với bà Dean thì một người chồng hay tranh tụng như ông Tulliver thì bà Bessy đáng lẽ phải hiểu biết nhiều. Nhưng Bessy thì lúc nào cũng yếu đuối!
Vì vậy, nếu bộ tóc giả của bà Glegg hôm nay ít dợn sóng hơn thường lệ là vì bà có ý riêng: bà muốn bóng gió chỉ trích mái tóc vàng tự nhiên của bà Tulliver. Bà Tulliver đã chịu nhiều khổ sở vì thái độ khắt khe của chị mình. Bà Glegg đội nón trong nhà – chiếc nón không buộc dây và hơi lệch – bà vẫn thường đội như vậy khi đi thăm viếng hay đang lúc bực mình: sợ bị trúng gió trong các ngôi nhà lạ. Cũng vì lý do đó, bà còn mang thêm một chiếc khăn choàng cổ bằng lông chồn đen. Phải là người am hiểu về thời trang mới biết rằng cái áo lụa đen của bà Glegg được may từ thời nào, nhưng với những đốm vàng nhỏ li ti và mùi ẩm mốc thoang thoảng của nó, đã được cất giữ trong tủ khá lâu.
Cầm một cái đồng hồ, bà Glegg thông báo cho bà Tulliver, vừa từ dưới bếp lên, rằng đã gần mười hai giờ rưởi rồi.
Bà tiếp:
- Mấy lúc sau này không hiểu dì Pullet ra làm sao nữa. Chị em chúng mình vẫn có lệ tới cùng một lúc – thời ba còn sống cũng vậy – không khi nào có tình trạng người này phải chờ người kia cả nửa tiếng đồng hồ. Nhưng nếu truyền thống gia đình bị phai lạt thì cũng không phải lỗi tại tôi. Tôi sẽ không bao giờ là người tới quá trễ. Tôi cũng ngạc nhiên cho dì Dean – dì ấy giống tôi nhứt. Nhưng nếu dì nghe tôi, Bessy, dì sẽ dọn ăn sớm hơn một chút, thà sớm còn hơn là trì hoãn.
- Ồ, nhưng chắc họ sẽ tới kịp mà tới một giờ rưỡi mới nấu nướng xong. Nhưng nếu chị không muốn chờ lâu thì để tôi dọn bánh phó mát và rượu chát ra.
Bà Glegg lắc đầu, cười chua chát:
- Kìa, dì Bessy! Tôi tưởng dì hiểu tánh chị ruột của dì hơn ai hết chớ. Tôi có bao giờ ăn vào giữa hai bữa đâu, chẳng lẽ cho tới bây giờ tôi lại phải tập cái thói đó?
- Ồ, chị Jane, tôi biết làm sao bây giờ? Ông Tulliver không thích ăn trước hai giờ, nhưng tôi đã cho dọn sớm hơn nữa giờ là vì chị.
- Phải, phải, tôi biết rõ các ông lắm – họ trì hoãn đủ các thứ – họ sẽ đổi giờ ăn lại cho tới khi dùng trà xong, nếu họ có được một bà vợ quá yếu đuối. Tôi tội nghiệp cho dì lắm, Bessy, vì dì không tự chủ được gì cả. Tôi cũng mong rằng dì đừng cho chúng tôi ăn thịnh soạn quá – không nên vì chị em mà phí tiền tốn của. Hơn nữa dì còn hai đứa con nhỏ phải nuôi, dượng ấy thì cứ tiêu pha tiền của dì trong việc kiện tụng và hình như cả lợi tức của dượng ấy nữa.
Trong tình trang này, buổi họp mắt sắp tới sẽ không được vui lắm. Bà Tulliver không bao giờ muốn kéo dài cuộc đấu khẩu, nhưng đây không phải là một vấn đề mới, vì vậy bà Tulliver lại sử dụng câu trả lời của những lần qua:
- Ông Tulliver bảo rằng ông sẽ đãi đằng bạn bè hậu hỉ hơn nếu ổng có đủ tiền trang trải. Và thưa chị, ông nhà tôi có toàn quyền hành động trong ngôi nhà của ông, phải không, thưa chị?
- Phải, Bessy, tôi không thể bỏ sót tên các con của dì trong bản di chúc của tôi. Nhưng dì đừng mong đợi một đồng nào của ông Glegg vì có lẽ tôi sẽ chết trước ông ấy, và nếu ông ấy chết trước tôi, ông sẽ gói ghém hết tiền bạc gởi về cho bà con của ông.
Tiếng bánh xe vang lên ngoài ngõ trong lúc bà Glegg đang nói, làm bà Tulliver vô cùng mừng rỡ. Bà vội vàng chạy ra đón bà chị Pullet - chắc phải là bà Pullet, vì rõ ràng là tiếng xe bốn bánh.
Bà Glegg lắc đầu khó chịu khi nghĩ đến chiếc xe bốn bánh của bà Pullet.
Bà Pullet đang khóc khi cỗ xe dừng lại trước cửa nhà, và hình như bà còn phải nhỏ thêm vài giọt nước mắt nữa trước khi bước xuống, dầu ông Pullet và bà Tulliver đang đứng chực sẵn để đỡ bà. Thế nhưng bà vẫn ngồi yên và buồn bã lắc đầu, nhìn qua màn nước mắt về một hướng xa xăm nào đó.
Bà Tulliver ngạc nhiên:
- Chuyện gì vậy chị?
Bà Tulliver không phải là người giàu tưởng tượng, nhưng cũng đoán thầm là tấm kiếng trang điểm khổng lồ trong phòng ngủ sang trọng của bà chị mình vừa bể lần thứ hai.
Bà Pullet im lim đứng lên và bước xuống xe, không buồn liếc qua ông Pullet đang nâng vạt áo lụa đắt tiền của mình cho đừng chạm đất. Ông Pullet, một người nhỏ thó, mũi cao, mắt sáng nhỏ, môi mỏng, trong bộ quần áo đen mới toanh với chiếc cà vát trắng thắt hơi siết. Bên cạnh bà vợ xinh đẹp mặc áo tay phồng, khoác áo choàng dày, đội nón rộng vành có cắm lông và thắt nơ, trông ông giống như một chiếc ghe chài nép mình bên một con tàu đánh cá hai buồm.
Thật là một cảnh tượng dễ gây cảm động – cạnh một người đàn bà ăn mặc sang trọng và hợp thời trang đang gặp cơn phiền muộn. Từ nỗi buồn của một người Hottentot (Phi Châu) tới nỗi buồn của một người đàn bà mặc áo tay phồng, tay đeo vòng vàng, đầu đội nón thắt nơ sang trọng, thật hoàn toàn cách biệt nhau.
Hai đầu vai áo của bà Pullet phớt nhẹ vào thành cửa khi bà bước vào nhà (vào thời đó, người đàn bà nào không có vai áo rộng trên một thước bốn mươi sẽ bị coi là quê mùa). Bà dừng lại vận dụng bắp thịt mặt để vắt thêm vài giọt lệ nữa trước khi vào gặp bà chị Glegg đang ngồi đợi.
Khi hai người bắt tay nhau, bà Glegg hỏi cộc lốc:
- Dì tới trễ, có chuyện gì vậy?
Bà Pullet ngồi xuống - cẩn thận kéo vạt áo lên trước khi trả lời:
- Chết rồi!
«Thì ra không phải bể kiếng», bà Tulliver nghĩ.
Bà Pullet tiếp:
- Chết hôm qua. Chân của bà ấy to bằng cả người tôi, họ rút nước liên miên – nước nhiều khủng khiếp.
Bà Glegg nói giọng quả quyết:
- Vậy thì cái bà nào đó cũng nên mừng vì đã được chết, nhưng tôi nghĩ mãi không ra cái người mà dì Sophy nói đó là ai.
Bà Pullet lắc đầu thở dài:
- Nhưng tôi biết, đó là bà cụ Sutton ở Twentylands.
- Ủa, bà ta đâu có họ hàng với dì đâu?
Bà Glegg chỉ khóc khi có chuyện gì xảy ra cho «bà con» của bà và chỉ khóc đúng mức tùy trường hợp, tùy người.
- Bà Sutton cũng là người giao thiệp rộng, tôi biết thế lúc tới thăm bà ta bị phù thủng... Lợi tức của bà ta nhiều lắm, ba tự tay quản trị tài sản tới phút chót, luôn luôn giữ bóp tiền và chìa khóa dưới gối. Tôi dám chắc ít có người đàn bà nào như bà ấy.
Ông Pullet chen vào:
- Người ta còn bảo là trước đó bà ta khỏe mạnh lắm.
Bà Pullet lại thở dài, thiểu não:
- Phải, trước kia bà ta chẳng hề đau yếu gì cả, mấy ông bác sĩ cũng không làm sao hiểu nổi. Bà ta nói khi tôi tới thăm vào dịp lễ Giáng Sinh vừa qua «Bà Pullet, bao giờ bà bị phù thủng, bà sẽ nghĩ tới tôi».
Rồi bà bắt đầu thổn thức:
- Bà ấy đã nói như vậy. Đám tang sẽ cử hành thứ bảy này, và gia đình tôi đã được lời mời đưa tiễn.
Không chịu đựng được nữa, bà Glegg kêu lên:
- Sophy, Sophy, dì làm tôi ngạc nhiên quá, dì tự hủy hoại sức khỏe vì người dưng nước lã. Ba của chúng ta ngày xưa đâu có vậy, cả dì Frances nữa và tôi có nghe người nào trong họ chúng ta làm vậy đâu. Dì còn có thể buồn nhiều hơn bây giờ nữa nếu ông anh họ Abbott của chúng ta chết bất thình lình không kịp làm di chúc.
Bà Pullet ngừng khóc, lộ vẻ khoan khoái hơn là bất mãn khi bị rầy rà. Không phải ai cũng có thể khóc lóc thương cảm cho người lối xóm của mình một cách tận tình như vậy được, nhất là khi người đó chẳng để lại cho mình một cái gì. Nhưng bà Pullet đã kết hôn với một đại điền chủ nên thừa tiền và thì giờ để thương vai khóc mướn và tập tành xử sự theo giới thượng lưu.
Ông Pullet cảm thấy cần phải nói cái gì đó, yểm trợ cho những giọt nước mắt của vợ mình:
- Bà Sutton cũng chết đi mà chẳng để lại tờ di chúc nào, chúng ta đều là người có tiền bạc, nhưng người ta bảo rằng không ai có thể để lại hàng vạn bạc như bà Sutton cả. Vậy mà bà ấy chẳng để lại một tờ di tặng nào - hay nói đúng hơn - là bà ấy đã để hết của cải lại cho người cháu trai của ông Sutton.
Bà Glegg nói:
- Nếu chết đi mà chẳng còn ai để trao lại của cải ngoài một người bà con bên chồng, thì có giàu sang tới mấy cũng không vui.
- Tôi cũng nghĩ vậy.
Bà Pullet đã bình tĩnh lại, vừa nói vừa tháo khăn trùm đầu ra và cẩn thận xếp lại trước khi tiếp:
- Người được hưởng gia tài của bà Sutton thật là một người thanh nhã. Ông ta bị suyển và ngày nào cũng phải đi ngủ lúc tám giờ. Ông ta đã từng tâm sự với tôi – thành thật và cởi mở – nhân một dịp tới dự thánh lễ ở nhà thờ giáo khu chúng tôi. Ông ta che ngực bằng một tấm da thỏ và giọng nói hơi rung – đúng là một người thanh nhã. Tôi cũng cho ông biết là không tháng nào mà tôi không mời bác sĩ khám binh. Và ông ta nói: «Thưa bà Pullet, tôi rất thông cảm với bà» - Đó, ông ta đã nói y như vậy – hay làm sao!
Bà Pullet lại thở dài sườn sượt khi nghĩ tới những chai thuốc nước màu hồng, màu trắng, thuốc mạnh trong chai nhỏ, thuốc nhẹ trong chai lớn, trái gió trở trời một chút là tốn tiền thuốc men ngay. Bà quay sang chồng:
- Có lẽ tôi phải đi cất nón, ông thấy hộp nón để đâu không?
Biết bà Glegg sắp sửa rầy rà về chuyện thuốc men của Sophy, bà Tulliver vội vã kiểm cách thối thoát:
- Ở trên lầu, chị Sophy để em dẫn chị lên.
Trong số chị em, bà Tulliver thích bà Pullet nhứt, thích không phải vì được giúp đỡ nhiều; nhưng bà Pullet thì lại không bằng lòng tánh tình của Tom và Maggie. Bà Tulliver đã cố gắng hết sức nhưng không làm sao cho chúng ngoan ngoãn như con của bà Dean được. Về phần Tom và Maggie, chúng cho rằng bà Pullet còn có thể khoan thứ được, phần lớn chỉ vì bà không thể là bà Glegg. Tom chỉ chịu tới thăm các dì, dượng, mỗi nơi một lần đúng vào dịp hè, dĩ nhiên lần nào nó cũng được các dượng cho tiền, nhưng dưới hầm nhà dì Pullet có rất nhiều cóc để chơi đùa, do đó nó thích tới chơi nhà dì hơn. Maggie rất sợ cóc và vẫn thường gặp ác mộng vì chúng, nhưng cô bé lại thích nghe hộp nhạc của dượng Pullet. Tất cả các chị em Dodson đều đồng ý - lúc không có mặt bà Tulliver - rằng dòng máu Tulliver không thể hòa hợp với dòng máu Dodson. Thật vậy, mấy đứa con của Bessy đều mang đặc sệt tánh chất Tulliver và Tom, dầu có màu da của họ Dodson, cũng vẫn «ương ngạnh» y như cha nó. Còn Maggie thì giống hệt cô Moss, em ông Tulliver - một người đàn bà mảnh khảnh, đã lấy phải một ông chồng nghèo kiết xác, chẳng có món đồ nào đáng giá trong nhà và phải làm việc quần quật ngày này qua ngày nọ để kiếm tiền trả nợ. Nhưng khi chỉ có hai bà Pullet và Tulliver ở trên lầu thì những lời phê bình lại tiến triển theo một chiều hướng không mấy thuận lợi cho bà Glegg, và cả hai bà cùng đồng ý ở một điểm là không biết rồi đây chị Jane còn khó tánh tới mức nào. Những cuộc đàm luận riêng tư của họ đã phải tạm gián đoạn vì bà Deane và cô bé Lucy vừa tới. Bà Tulliver buồn thảm khi nhìn những lọn tóc vàng chỉnh tề của Lucy. Điều lạ là bà Deane, người gầy guộc và nước da xanh tái hơn tất cả các chị em Dodson, lại có một đứa con xinh xắn. Còn Maggie thì trông đen đúa gấp đôi ngày thường khi đứng cạnh Lucy.
Và hôm nay cô bé trông cũng đen như vậy khi cùng cha, dượng Glegg và Tom từ ngoài vườn trở vào nhà. Maggie đã liệng mất nón ở một chỗ nào đó mái tóc rối bù lên. Cô bé chạy ùa tới Lucy ngay. Hai chị em trông khác hẳn nhau, đối với những con mắt nông nổi thì Maggie có vẻ xấu xí hơn nhiều. Hai cô bé khác hẳn nhau như một con chó lông đen cứng khỏe mạnh khác xa với một con mèo lông trắng. Lucy chìa đôi môi nhỏ, mịn như một đóa hồng cho chị hôn, ở Lucy cái gì trông cũng có vẻ cân đối và xinh xắn cổ thon với một vòng san hô, mũi nhỏ và cao, mày nhỏ và sắc trông thật xứng hợp với đôi mắt mơ màng đang rụt rè nhin lên người chị họ. Maggie cao hơn cô em họ một cái đầu, dầu chỉ lớn hơn một tuổi. Maggie vẫn thường thích thú nhìn Lucy, cô tưởng tượng ra một thế giới gồm toàn những người tí hon, và cô là nữ hoàng của họ với chiếc vương miện và cây huyền trượng bé nhỏ... nhưng chỉ là nữ hoàng Maggie với hình dáng của Lucy.
Sau khi hôn Lucy, Maggie rối rít:
- Lucy, em sẽ ở lại chơi với chị và anh Tom, phải không kìa, hôn Lucy đi anh Tom.
Tom bước tới, nhưng không hôn Lucy – không, mà chỉ đỏ mặt, bối rối mỉm cười, rõ ràng là thái độ thông thường của tất cả các cậu bé rụt rè đang ở giữa một cuộc họp.
Bà Glegg bất bình, nói lớn:
- Ủa, trẻ con bây giờ vào phòng mà không chào hỏi các dì và dượng của chúng nữa sao? Ngày xưa tôi đâu có vậy.
Bà Tulliver gọi:
- Tới chào các dì dượng đi.
Bà lộ hẳn nét lo âu và buồn thảm, chỉ muốn bảo nhỏ Maggie đi chải tóc lại cho thật gọn gàng.
Giọng bà Glegg lại oang oang:
- Tốt, dì mong rằng các cháu đều là những đứa ngoan.
Vừa nói, bà vừa nắm tay chúng, mấy chiếc nhẫn kịch cộm của bà làm chúng đau tay. Bà hôn lên má chúng:
- Ngước đầu lên, Tom, con trai đã tới tuổi đi học nội trú phải biết ngước mặt lên. Vén tóc ra sau tai đi, Maggie, giữ cổ áo cho ngay thẳng.
Bà Glegg vẫn thường gằn giọng như vậy khi nói chuyện với lũ nhỏ, làm như chúng toàn là những đứa điếc hay ngốc nghếch. Bà nghỉ rằng với cách đối xử như vậy, bà sẽ làm cho chúng cảm thấy chúng có tội, và sẽ giúp kềm chế tánh hư hỏng lại. Mấy đứa con của Bessy được nuông chiều thái quá cần có người làm cho chúng rõ được bổn phận cháu con.
Bà Pullet thì lại khác:
- Các cháu của dì giỏi lắm. Các cháu mau lớn quá.
Rồi làm ra điệu buồn buồn, bà nhìn lại mẹ chúng:
- Con nhỏ có nhiều tóc quá. Tôi mà như dì là tôi sẽ tỉa mỏng và cắt ngắn bớt đi, để vậy có hại cho sức khỏe của nó lắm. Nếu tôi không lầm thì có lẽ vì vậy mà nước da của nó quá đen, phải không dì Deane?
Bà Deane mím môi và nghiêm khắc nhìn Maggie:
- Tôi không nói có lẽ, mà chắc chắn là vậy.
Ông Tulliver xen vào:
- Không, không, con nhỏ, con nhỏ vẫn như thường – chẳng có triệu chứng bệnh hoạn nào cả. Cũng lúa mì có thứ nâu thứ trắng, và có người lại thích lúa nâu hơn. Nhưng tôi thấy Bessy cũng nên cắt tóc ngắn cho nó để được gọn gàng hơn.
Một quyết định ghê gớm lóe ra trong đầu Maggie, nhưng cô bé liền dẹp qua một bên để hỏi xem dì Deane có để Lucy ở lại chơi không. Sau vài lời từ chối khéo, bà Deane quay sang gọi Lucy:
- Con có muốn ở lại chơi vài ngày mà không có má không, Lucy?
Lucy đỏ bừng mặt, ấp úng:
- Dạ muốn.
Ông Deane can thiệp:
- Được rồi, cứ cho nó ở lại đi.
Thân phụ của Lucy là một người dềnh dàng nhưng lanh lợi, với một gương mặt có thể tìm thấy trong khắp các giai tầng xã hội Anh - đầu sói, râu đỏ, trán cao, dáng dấp gọn gàng. Người ta có thể trông thấy một nhà quý phái giống hệt như ông Deane cũng như có thể gặp một người bán tiệm hay một công nhân lương ngày chẳng khác gì ông ta. Nhưng có lẽ ít người nào có được đôi mắt nâu sắc bén như ông, không một người đàn ông nào ở St. Ogg’s được trọng vọng bằng ông, và có một số người cũng đồng ý rằng cô Susan Dodson - người trước đây đã lấy chồng bất xứng nhứt trong các chị - một ngày kia sẽ có xe nhà và sang trọng hơn chị Pullet nữa. Hiện thời, ông Deane đang có chân trong ban quản trị một nhà máy lớn, một hãng tàu với sự yểm trợ của một ngân hàng, người ta không hiểu rồi đây ông ta sẽ còn đi lên tới tận đâu.
Ngay khi chuyện cho Lucy ở lại được dàn xếp xong, bà Tulliver vẫy tay gọi Maggie và bảo nhỏ:
- Maggie, đi chải đầu lại đi – lẹ lên, xấu hổ quá. Má đã dặn con là hãy tới gặp chị Martha trước khi vào phòng khách mà.
Lúc đi ngang Tom, Maggie kéo tay áo anh, thì thầm:
- Anh Tom đi với em.
Tom đi theo ngay, không một chút do dự.
Ra tới cửa, Maggie nói nhỏ:
- Lên lầu với em nghe. Em muốn làm xong chuyện này trước khi ăn.
Chẳng mong gì hơn là tới bữa ăn, Tom đáp:
- Không đủ thì giờ để chơi trò gì đâu.
- Đủ mà, cái này không mất thì giờ đâu, đi với em đi, anh!
Tom theo Maggie đi lên lầu vào phòng riêng của mẹ. Cô bé đi ngay lại tủ vật dụng, lấy ra một cây kéo lớn.
Tom ngạc nhiên:
- Lấy kéo làm gì vậy, Maggie?
Maggie trả lời bằng một phát kéo cắt ngang khoanh tóc nơi giữa trán. Tom trố mắt:
- Trời đất ơi, mày bị đòn cho coi. Thôi đừng cắt thêm nữa.
Soạt. Lưỡi kéo lại nhấp thêm một nhát nữa trong khi Tom nói. Chẳng hiểu vì sao thằng bé bỗng thấy vui vui, có lẽ tại Maggie trông dễ tức cười.
Bị kích thích bởi sự liều lĩnh của chính mình và cũng mong muốn làm xong công việc cho mau, Maggie bảo:
- Nè, Tom, cắt mớ tóc phía sau cho em đi.
Tom ngần ngại cầm chiếc kéo:
- Thế nào mày cũng bị đòn.
Maggie dậm chân:
- Không sao – mau lên!
Mớ tóc thật đen và dày – không gì quyến rũ bằng một tiếng soạt ngon lành, một tiếng rồi tiếng nữa, mái tóc nặng nề rớt xuống sàn nhà. Maggie đứng im với mái tóc ngắn, lởm chởm, nhưng lại có cảm giác trống trải và tự do như từ một khu rừng rậm chui ra một cánh đồng bằng.
Tom vừa cười vừa nhảy nhót chung quanh em:
- Ồ, Maggie, trông mày tức cười quá! Mày soi kiếng thử coi - giống y như thằng khùng thường bị tụi tao ném vỏ hồ đào ở trường.
Maggie bỗng cảm thấy hối tiếc. Cô bé chỉ có ý định thoát khỏi mái tóc đã gây nhiều phiền phức cho mình và sự chiến thắng của mình trước mẹ và các dì nhờ hành động táo bạo này. Maggie không mong ước làm cho mái tóc mình đẹp ra – đây là một cuộc vượt ra ngoài khả năng – cô bé chỉ muốn chứng tỏ cho mọi người thấy mình là một đứa bé gái thông mình mà đừng chỉ trích, rầy rà thêm nữa. Nhưng bây giờ, khi Tom đã cười ngạo và bảo cô giống một thằng khùng, câu chuyện lại chuyển sang một chiều hướng mới. Maggie nhìn vào kiếng, gương mặt đỏ hồng từ từ tái lại, môi run run.
Tom cũng đâm lo:
- Maggie, sắp phải xuống ăn tiệc rồi! Trời đất ơi!
- Tom đừng cười em nữa.
Maggie nói bằng giọng van lơn, nước mắt hờn giận bỗng trào ra. Cô bé dậm chân và đẩy mạnh anh.
- Ê, đừng nóng! Mày cắt tóc để làm gì? Tao phải đi xuống đây, tao ngửi thấy mùi đồ ăn rồi.
Tom vội vàng trở xuống, bỏ mặc đứa em đáng thương ở lại với một cảm giác tan vỡ, thứ cảm giác thường có nơi tâm hồn bé bỏng của cô. Bây giờ Maggie mới nhận ra hành động của mình thật điên rồ, từ đây có sẽ phải nghe và nghĩ tới mái tóc của mình nhiều hơn bao giờ hết. Maggie vẫn thường hành động nông nổi và nhứt thời, nhưng ngay sau đó, không những thấy trước được hậu quả của hành động đó, mà lại còn biết được những gì sẽ xảy ra nếu không hành động như vậy với đầy đủ các chi tiết trong các trường hợp có thể xảy ra. Tom không bao giờ có những hành vi điên cuồng như em, nó có năng khiếu giúp nhận rõ những gì có thể gây bất lợi cho mình, vì vậy rất ít khi bà Tulliver có thể trách mắng Tom là đứa hư hỏng được. Nhưng nếu đã lỡ phạm một lỗi lầm vào loại đó, nó nhứt định không cho là mình có lỗi, nó tự binh vực lấy và «không hối hận». Nhưng với Maggie, khi đứng khóc trước tấm kiếng, cô bé thấy ngay rằng khó mà xuống ngồi vào bàn ăn được để phải chịu đựng những ánh mắt cùng những lời khắc nghiệt của các dì, trong khi Tom, Lucy, Martha, chị hầu bàn, và có lẽ cha và các dượng sẽ cười nhạo cô – bởi vì nếu Tom đã chế nhạo thì dĩ nhiên các người khác cũng như vậy cả. Phải chi mình đừng cắt tóc, mình sẽ được ngồi chung với Tom và Lucy, sẽ có bánh đậu và bánh kem! Bây giờ cô chỉ còn biết ngồi khóc bơ vơ, tuyệt vọng giữa các nắm tóc đen của mình như Ajax khi ngồi giữa đàn cừu bị tàn sát của y...
Chị người làm Kezia bỗng hấp tấp vào phòng:
- Cô Maggie, cô phải xuống ngay. Ủa, cô làm gì vậy? Chưa bao giờ tôi thấy một bộ tóc xấu xí như vậy cả.
Maggie cáu kỉnh:
- Kệ tôi, Kezia. Chị đi đi.
- Nhưng cô phải xuống ngay lập tức, má cô bảo thế.
Kezia vừa nói vừa bước tới Maggie, nắm tay cô bé kéo lên.
Maggie trì lại:
- Đi ra ngay, Kezia, tôi không muốn ăn gì hết. Tôi không xuống.
- Cũng được, tôi không thể ở lại đây được. Tôi còn phải lo hầu bàn.
Kezia vừa nói vừa ra ngoài. Mười phút sau, Tom ló đầu vào:
- Maggie, đồ ngốc, tại sao mày không xuống ăn? Có nhiều món ngon lắm, má biểu mày xuống. Tại sao lại khóc, đồ ngu?
Ôi, thảm thương chưa! Tom lại tàn nhẫn và lạnh lùng, nếu là Tom ngồi khóc trên sàn thì Maggie cũng đã khóc theo rồi. Và còn buổi tiệc, vô cùng thịnh soạn trong khi bụng cô bé cồn cào.
Nhưng Tom cũng không đến nỗi tàn nhẫn lắm. Nó không khóc và cũng không thấy nao lòng vì nỗi buồn của em, nhưng nó cũng bước tới, cúi xuống, dịu dàng an ủi:
- Mày không xuống thiệt hả? Vậy để tao đem bánh lên cho... bánh kem và các thứ khác nữa?
Maggie bắt đầu cảm thấy cuộc đời đáng khoan thứ hơn:
- Dạ... ạ!
- Được.
Tom bước ra, nhưng tới cửa, nó chợt quay lại:
- Nhưng tốt hơn hết là nên xuống với tao. Còn có đồ tráng miệng hột bồ đào và rượu ngọc trâm nữa.
Maggie thôi khóc và đắn đo nhìn theo Tom. Thái độ chiều chuộng của anh làm cô bé vơi buồn, vả lại, hột bồ đào cùng rượu ngọc trâm cũng quyến rũ vô cùng.
Bỏ lại những nắm tóc vung vãi trên sàn, Maggie từ từ xuống thang. Cô bé tựa vai vào cửa phòng ăn, nhìn vào. Còn một chiếc ghế trống giữa Tom và Lucy, cùng một chiếc bàn phụ dọn sẵn thật nhiều bánh kem. Cơn đói và nổi thèm ăn ngon chiến thắng một cách mau lẹ. Maggie bước vào.
Bà Tulliver buột miệng kêu khe khẽ khi thấy Maggie, chiếc muỗng canh trong tay bà rớt xuống dĩa, bắn nước tung tóe. Kezia đã không nói cho bà rõ tại sao Maggie không chịu xuống, chị người làm không muốn bà chủ của mình phải bối rối giữa lúc này, trong khi bà Tulliver cứ đinh ninh là Maggie trở chứng và đã định sẽ phạt bằng cách bớt phần ăn.
Tiếng kêu của bà Tulliver làm mọi cặp mắt cùng đổ dồn về phía Maggie, má và tai cô bé nóng bừng lên khi dượng Glegg, một ông già quí phái, tóc bạc, mặt có vẻ hiền từ, lên tiếng hỏi:
- Ủa! Con nhỏ nào đây? Chị lượm được nó ngoài đường hả Kezia?
Ông Tulliver vừa cười vua nói nhỏ với ông Deane:
- Nó tự cắt tóc đó. Dượng có thấy con nhỏ nào như nó không?
Ông Pullet cũng không thể ngồi im:
- Nè, cháu tự làm cho cháu trông buồn cười quá.
Có lẽ trong đời ông chưa bao giờ nói một câu tàn nhẫn như vậy cả. Chỉ có bà Glegg là khiển trách với một giọng nặng nề và khắc nghiệt hơn ai cả:
- Xấu hổ quá sức rồi! Con gái mà tự cắt tóc cho mình đáng bị trừng phạt bằng cách cho ăn bánh mì không với nước lã – và không được phép ngồi chung với các dì dượng của nó.
Ông Glegg muốn giảm bớt tánh chất khắc nghiệt trong lời buộc tội của vợ mình:
- Này, tôi nghĩ là nó đang bị bỏ tù và cạo trọc đầu.
Bà Pullet nói giọng xót thương:
- Coi nó giống y như dân du mục. Da đen như vậy có lẽ là điềm xấu cho nó, Bessy, tôi sợ sau này nó sẽ chịu nhiều vất vả.
Nước mắt long lanh, bà Tulliver rầu rĩ:
- Nó hư hỏng quá, cứ làm khổ má nó luôn.
Tất cả mọi người đều trách mắng và chế nhạo Maggie. Thoạt tiên, Maggie chỉ cảm thấy giận, cơn giận đó tạo cho cô bé một sức thách đố nhứt thời. Tom thì lại nghĩ rằng mình thật can đảm, nó thì thầm với Maggie:
- Thấy chưa, tao đã nói rồi mà!
Nhưng Maggie lại tưởng Tom khoái trá vì thấy mình bị rầy la. Sức chịu đựng mỏng manh của cô bé tan biến ngay tức khắc, tim se thắt lại, cô bé chạy tới bên cha, giấu mặt sau vai ông, khóc nghẹn ngào:
- Nào, nào, con gái, đừng buồn, con có quyền cắt tóc đi nếu nó làm phiền con, đừng khóc nữa, ba binh vực con mà.
Ôi những lời an ủi quí quá biết bao! Maggie không bao giờ quên những lúc được cha hứa «binh vực» cho mình. Cô giữ những lời hứa đó trong tim và vẫn còn nhớ mãi luôn nhiều năm về sau nữa, trong khi ai cũng cho rằng cha cô chỉ nuông chiều và làm hư hỏng con cái mà thôi.
Bà Glegg nói với bà Tulliver:
- Chồng của dì nuông chiều con bé quá mức, Bessy! Dì mà không cẩn thận là nó hư luôn đó. Ba chúng ta ngày xưa đâu có quá dễ dãi với con cái như vậy.
Bao nhiêu chuyện phiền muộn đã dồn dập ùa tới dường như làm cho mọi cảm giác của bà Tulliver tê liệt. Bà không buồn chú ý tới lời trách cứ của chị, mà chỉ lầm lì chia bánh, sửa soạn tráng miệng.
Bữa tráng miệng là cả một sự giải thoát cho Maggie, vì bọn trẻ đã được báo trước là nếu trời tốt chúng sẽ được dùng hột bồ đào và rượu vang ngoài nhà mát; bây giờ chúng chạy ùa ra vườn, đùa giỡn giữa những bụi hoa hồng như con thú con.
Bà Tulliver có lý do riêng khi chúng ăn tráng miệng ngoài vườn. Vừa ăn uống linh đình xong, người ta sẵn sàng cởi mở với nhau, đó là thời gian thích hợp nhứt để ông Tulliver cho biết ý định về việc học của Tom. Trẻ con vẫn thường được tự do nghe chuyện người lớn bàn về chúng, vì dầu có chú ý mấy chúng cũng chẳng hiểu được gì. Nhưng lần này bà không muốn cho Tom nghe vì bà cho rằng Tom coi chuyện đi học trọ ở nhà một giáo sĩ cũng khổ sở như đi học tại nhà một ông tuần phu. Bà chợt thở dài khi nghĩ tới tánh ngoan cố của chồng, ông Tulliver vẫn luôn làm theo ý riêng, dầu bà Glegg và Pullet có nói gì cũng mặc; theo bà, ít ra cũng không nên để cho họ có dịp trách cứ - sanh chuyện rắc rối về sau - là Bessy cứ nhắm mắt nghe theo lời chồng mà xem thường mọi ý kiến của họ.
Bà Tulliver ngắt ngang câu chuyện giữa hai ông Tulliver và Deane:
- Ông Tulliver, tôi thấy đã tới lúc ông nên báo cho các dì dượng của bọn trẻ hay những dự định của ông về thằng Tom.
Ông Tulliver hỏi gắt:
- Được rồi, tôi thấy không có gì phải giấu những quyết định của tôi về thằng Tom.
Ông nhìn về phía ông Glegg và Deane:
- Tôi đã quyết định gửi nó tới học nơi ông Stelling, một giáo sĩ ở King’s Norton – một người đặc biệt khôn ngoan, tôi biết – ông ta sẽ dạy dỗ nó nên người.
Nhiều tiếng kêu ngạc nhiên đồng loạt nổi lên. Ta có thể nghe được những âm thanh đó trong các ngôi thánh đường miền quê, khi các nông dân nghe ám chỉ tới những hành động thường ngày của họ từ trên giảng đường. Các dì dượng của bọn trẻ cũng biếu lộ cùng một sự ngạc nhiên khi nghe nói có một giáo sĩ tham dự vào việc nhà Tulliver. Chủ điền Pullet là người đầu tiên lên tiếng, ông không hiểu tại sao một giáo sĩ lại có thể làm một nhà giáo được.
- Tại sao dượng lại phải gởi nó tới một nhà tu hành?
Ông vừa hỏi vừa nhíu mày quan sát hai ông Glegg và Deane, xem họ có hiểu biết chút gì về sự kiện này hay không.
- Tại sao à? Bởi vì các thầy tu đều là những ông giáo giỏi nhứt. Ông thầy Jacobs ở học viện không phải là giáo sĩ, ông ta chẳng dạy thằng Tom được cái gì cả, còn tôi thì nhứt định phải tiếp tục cho nó học, phải có người nào khác hơn ông Jacobs. Và đó là ông Stelling, thuộc hạng người tôi cần. Tôi đã quyết định cho thằng Tom di học ở nhà ông vào khoảng giữa hè này.
Ông Deane vừa nói vừa hít thuốc ngửi ầm ỉ, đó là thói quen mỗi khi ông quyết định đứng giữa:
- Vậy là anh sẽ phải tốn khá nhiều tiền, phải không Tulliver?
Vốn là nguoi khôi hài, ông Glegg không bỏ lỡ cơ hội:
- Sao? Dượng tưởng một tu sĩ có thể dạy nó biết thế nào là một giống lúa tốt à?
- Như dượng biết, tôi đã có sẵn một chương trình cho thằng Tom rồi.
Bà Glegg chua chát:
- Còn tôi, nếu tôi được phép nói, nhưng ít khi người ta cho tôi cái vinh hạnh đó, thì tôi sẽ nói rằng tại sao lại phải cho thằng bé học hành quá cái địa vị của nó mai sau?
Ông Tulliver trả lời nhưng không nhìn bà Glegg mà chỉ nhìn về phía các ông:
- Kìa, mọi người đều biết rằng tôi đã nhứt định không cho thằng Tom học nghề của tôi. Tôi muốn nó có một nghề nghiệp không cần nhiều vốn liếng, tôi muốn tạo nó thành một người trí thức gì đó để có thể đương đầu với bọn thầy kiện hay những hạng người tương tự như vậy, và thỉnh thoảng giúp ý kiến cho tôi.
Bà Glegg cười khảy:
- Tốt hơn là đừng nên đụng chạm tới hạng người đó.
Ông Deane hỏi:
- Có phải vị giáo sĩ nào đó cũng là hiệu trưởng của trường văn phạm như giáo sĩ ở Market Bewly không?
Ông Tulliver đáp:
- Không, không phải vậy. Ông ta chỉ nhận hai hoặc ba học sinh là cùng và như thế, dượng thấy, ông ta có đủ thì giời để chăm sóc chúng.
Ông Pullet đã bắt đầu hiểu rõ hơn câu chuyện khó khăn này:
- À, như vậy thì nó sẽ được học sớm hơn, càng ít học trò càng dạy mau.
Ông Glegg nói:
- Chắc ông ta đòi nhiều tiền lắm.
Ông Tulliver đáp:
- Chỉ một trăm bảng mỗi năm thôi. Nhưng đó là một cuộc đầu tư, học vấn của thằng Tom là số vốn của nó sau này.
Ông Glegg gật gù:
- À! Thì ra vậy. Được, được lắm, dượng Tulliver, dượng có lý - «khi đất đai không còn và đồng tiền mất giá, thì sự học là điều quí giá nhứt». Tôi nhớ đã đọc câu này trên một cánh cửa sổ ở Buxton. Nhưng đối với những kẻ thất học như chúng ta thì nên dành dụm tiền của là tốt hơn, phải không dượng Pullet?
Ông Glegg vừa nói vừa xoa đầu gối với vẻ khoái trá.
Vợ ông cằn nhằn:
- Ông Glegg, sao lạ vậy? Già rồi mà không chịu tề chỉnh chút nào.
Ông Glegg nheo mắt:
- Cái gì mà không tề chỉnh, bà Glegg? Cái áo choàng xanh mới may của tôi hả?
- Tôi thương hại cho ông quá, ông Glegg, ai đi đùa cợt khi thấy bà con của mình sắp sửa bị phá tan sự nghiệp.
Ông Tulliver nóng mặt:
- Nếu chị muốn ám chỉ tôi thì tôi cũng xin nhắc chị đừng quá lo lắng cho tôi. Tôi có thể tự lo liệu lấy công việc của mình, không cần quấy rầy tới ai.
Ông Deane nghiêm giọng:
- Tôi vừa nhớ ra một chuyện, có người nói với tôi là luật sư Wakem sắp cho thằng con của ông ta – cái thằng có tật đó – tới học tại nhà một giáo sĩ – phải vậy không Susan? (Ông quay sang vợ.)
- Tôi không nhớ rõ lắm.
Bà Deane không phải là hạng người hay xen vào những màn nguy hiểm.
Ông Tulliver nói với giọng thật tươi, chứng tỏ cho bà Glegg biết rằng ông chẳng để ý gì tới bà cả:
- Được, nếu Wakem đã quyết định gởi con đi học tại nhà một giáo sĩ thì quyết định của tôi về thằng Tom không vướng một lỗi lầm nào. Wakem là một tên đại lưu manh, nhưng hắn biết cách chọn người lắm. Ậy, ậy, hãy nói cho tôi biết ai bán bánh cho Wakem, tôi sẽ cho bạn biết nên mua bánh ở đâu.
Riêng bà Pullet thì lại thấy cuộc thảo luận này có sắc thái của một đám tang:
- Nhưng thằng con của trạng sư Wakem hơi gù lưng nên gởi nó tới học ở nhà một giáo sĩ là chuyện thường.
Ông Glegg diễn giải lời nhận xét của bà Pullet:
- Phải, dượng phải chú ý tới điều đó, dượng Tulliver. Có lẽ thằng con của Wakem sẽ không kham nổi một nghề nào, nên ba nó mới quyết định biến nó thành một nhà quí phái.
Bà Glegg cáu kỉnh:
- Ông Glegg, ông nên im miệng là hơn. Ông Tulliver đâu có muốn nghe ý kiến của ông hoặc của tôi đâu. Trên đời này bao giờ cũng có những người khôn ngoan hơn tất cả bao nhiêu người khác.
Ông Tulliver giận thật:
- Kìa, vậy mà tôi tưởng chị là một trong những người đó.
Bà Glegg mỉa mai:
- Thôi, tôi không nói gì hết là xong. Không bao giờ người ta chịu hỏi ý kiến tôi và bây giờ tôi cũng sẽ không góp một ý nào cả.
Ông Tulliver nói:
- Lần đầu tiên mới nghe chị nói như vậy. Ý kiến là vật duy nhất mà lúc nào chị cũng sẵn sàng cho người khác.
- Nếu tôi không sẵn sàng cho thì tôi cũng sẵn sàng cho mượn. Có nhiều người đã mượn tiền của tôi, nhưng hối tiếc nhứt là tôi đã cho bà con mượn tiền.
Ông Glegg xoa dịu:
- Thôi mà, thôi mà.
Nhưng ông Tulliver vẫn không kềm hãm được:
- Và chỉ đã lấy lời năm phần trăm, bà con hay không bà con gì cũng vậy.
Bà Tulliver nài nỉ:
- Chị dùng rượu chát đi, để tôi lấy thêm cho chị một ít hột hạnh nhân và nho nữa.
Bà Glegg chộp lấy cơ hội:
- Bessy, tôi thương hại cho dì lắm. Tới lúc này mà còn nói chuyện ăn uống chi nữa.
Bà Pullet bắt đầu sụt sùi:
- Chúa ơi! Chị Glegg, đừng gây gỗ nữa – giữa chị em với nhau mà làm như vậy coi không được.
Bà Glegg bóng gió:
- Phải, mời chị em tới nhà để gây gỗ và phỉ báng thì quả thật không tốt chút nào.
Ông Glegg nài nỉ:
- Thôi mà – Jane – bình tĩnh lại.
Nhưng khi ông Tulliver nổi giận rồi thì khó mà nguôi được:
- Ai gây với chị? Chính chị mới là người lúc nào cũng tìm cách dằn vặt người ta. Tôi không hề muốn gây lộn với người đàn bà nào nếu họ biết yên phận một chút.
- Yên phận? Ông nói tới ông thì đúng hơn, ông Tulliver. Ông đã đối xử với tôi không thích đáng chút nào hết, nếu người trong gia đình tôi không lấy phải một ông chồng bất xứng thì dượng đã không bao giờ gặp được tôi.
- Chị đã nói vậy thì tôi cũng xin nhắc chị nhớ là gia đình tôi cũng đâu có kém gì gia đình chị – và có lẽ còn khá hơn nữa vì gia đình tôi chẳng có một người đàn bà nào hay quạo quọ như vậy cả.
Bà Glegg đứng lên:
- Ông Glegg, tôi không hiểu ông nghĩ gì mà cứ ngồi yên để nghe họ nhục mạ tôi. Riêng tôi thì sẽ không ở lại trong nhà này thêm một phút nào nữa. Ông có thể ở lại về sau bằng xe, để tôi đi bộ về được rồi.
- Thôi mà! Thôi mà!
Ông Glegg lập đi lập lại một cách buồn bã trong khi theo vợ bước ra ngoài.
Bà Tulliver nước mắt viền quanh:
- Ông Tulliver, tại sao ông lại ăn nói với chị ấy như vậy?
Nước mắt của vợ cũng không thể lung lạc ông Tulliver được:
- Cứ để bả đi, càng sớm càng tốt.
Bà Tulliver thất vọng:
- Chị Pullet, chị thấy có nên theo xin lỗi chị ấy hay không?
Ông Deane xen vào:
- Không nên, không nên, để vài ngày nữa đã.
Bà Tulliver lau nước mắt:
- Thôi được, bây giờ chị em mình ra vườn thăm mấy đứa nhỏ đi.
Không còn đề nghị nào thích hợp hơn nữa. Ông Tulliver cảm thấy trời trong sáng và dễ thở hơn khi các bà đã kéo nhau ra khỏi phòng. Ông rất thích bàn chuyện vặt với ông Deane, ông coi ông Deane như là người hiểu biết sâu rộng duy nhất trong đám người quen, hơn nữa lối nói chuyện của ông Deane lại rất thích hợp với ông. Và khi các bà đã đi rồi, họ có thể bàn luận với nhau về Quận công Wellington và cách điều binh của ngài trong trận Waterloo, trận chiến mà ngại không bao giờ thắng được nếu chẳng có cả một đạo quân khổng lồ ở sau lưng. Nhưng hai người lại bất đồng ý kiến về Thống chế Phổ Blucher, nhân vật mà theo ông Tulliver được biết - qua một người am tường về trận Waterloo - là đã mang quân tới trợ lực Quận công Wellington một cách kịp thời và hữu hiệu; nhưng ông Deane lại cho rằng không thể tin cậy được người Phổ - cách đóng tàu buồm vụng về và rượu bia Bantzic của họ đã khiến ông Deane coi thường họ. Bị đánh bại trong lãnh vực này, ông Tulliver chuyển sang đề tài khác, ông bày tỏ mối lo ngại trước sự suy thoái của nước Anh, nhưng ông Deane thì lại quả quyết rằng nước Anh vẫn đang trên đà phát triển, ông đưa ra một số các chi tiết về tình hình nhập cảng, đặc biệt nhứt là về da thuộc và kẽm, nhằm giải tỏ nỗi bi quan của ông Tulliver vì một viễn ảnh nước Anh bị làm mồi cho bọn Giáo Hoàng Chủ nghĩa và bọn Cấp Tiến xâu xé.
Ông Pullet cứ lặng thinh chăm chú lắng nghe những vấn đề cao siêu đó. Ông không hiểu chính trị và cũng không cần tìm hiểu – nhưng có một điều mà ông có thể đúc kết được xuyên qua câu chuyện của hai người cùng bàn: Quận công Wellington nào đó không thể bằng ông được.
Dòng Sông Tuổi Dại Dòng Sông Tuổi Dại - George Eliot Dòng Sông Tuổi Dại