Hãy biến vết thương lòng thành những bài học có ý nghĩa.

Oprah Winfrey

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Upload bìa: Vũ Hải
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5076 / 146
Cập nhật: 2015-03-02 12:49:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
rở về Hà Nội, Lê Hửu Cảnh lại tìm đến nhà Minh. Bao nhiêu địa chỉ quen giữa những đảng viên nội thành, gần như đã bị bật gốc hết, giờ này chỉ còn nhà Minh là nơi mà Cảnh cho là an toàn hơn cả. Chính Minh cũng bảo với Cảnh như thế và hân hoan đón Cảnh về tá túc.
Ông Sửu vẫn ngày ngày ngồi bán mũ ở bên kia đường. Ông đau xót chia sẻ với Minh từng bản tin thất trận của Quốc Dân Đảng mà ông nghe ngóng được. Có hôm ông dẹp cửa hàng sớm hơn thường lệ, nhưng không về. Ông leo lên gác ngồi nói chuyện với Minh cho vơi nỗi sầu đang chất chứa trong lòng cả hai người. Lúc ra về, ông đứng ở đầu cầu thang, nhìn sang nóc nhà hàng xóm và bảo Minh:
- Thầy còn tính trước một lúc nào đó, thầy phải leo nóc nhà người ta mà chạy không? Tôi giao hẹn với thầy thế này: Mỗi khi thấy thầy sắp sửa xuống đường, thầy nên đứng ở cửa sổ nhìn sang quầy mũ của tôi. Nếu tôi thấy có kẻ khả nghi rình sẵn, tôi sẽ lấy cái khăn mù-xoa trắng ra lau mặt. Thầy nhớ đấy. Mù-xoa trắng. Trừơng hợp ấy, thầy đừng xuống cầu thang. Thầy nên trèo nóc nhà hàng xóm mà chạy trốn!
Minh cảm động chớp mắt bảo:
- Mật thám thường chả bắt ai ban ngày đâu! Giả như chúng nó có đến vây nhà tôi thì ông đã dọn hàng về từ lâu rồi! Nhưng dù sao thì tôi cũng cảm ơn ông lúc nào cũng chu đáo!
Hôm sau, Minh đang bồn chồn lo âu thì Cảnh đến tìm. Trong đêm đảng khởi nghĩa, 10 tháng 2, Cảnh đã từng nằm đây với Minh, nôn nao chờ ngóng tin tức khắp nơi. Cảnh cay đắng không được tham dự mặt trận nào dù anh và tổng bộ có những gắn bó đồng lao cộng khổ từ buổi ban đầu thành lập đảng. Anh muốn góp một tay súng, mang kinh nghiệm cựu quân nhân của anh ra chiến đấu. Nhưng đơn vị nào dường như cũng ngại đón anh. Anh phân trần với Minh:
- Cô Giang bảo tôi lên Yên Bái. Khoảng 300 đồng chí của mình từ dưới Phú Thọ lên, tập trung trong rừng sơn. Tuyến xuất phát sẽ từ rừng sơn. Tôi biết cai Hoằng chỉ huy binh đoàn ở đấy, là người rất dũng cảm, tôi rất nể. Tôi muốn nghe theo lời cô Giang, nhập vào đoàn quân ấy. Nhưng chỉ ngại một điều là, ngộ nhỡ kế hoạch tấn công của mình bị giặc biết vì có kẻ nội phản tố cáo, thì chắc chắn sẽ có người nghi tôi là bán đứng đồng chí cho Tây! Thành ra tôi đành về đây nằm chờ!
Minh ngậm ngùi cảm thông nỗi dằn vật của Cảnh. Minh thấy Cảnh sốt ruột đi tới đi lui, chốc chốc lại thở dài. Cho đến khi nghe tin các nơi đều thất bại, Cảnh đứng ngồi không yên, tạm biệt Minh ra đi, Minh hỏi:
- Anh đi đâu bây giờ?
- Tôi phải gặp anh Học để khuyên anh ấy sang Tàu!
- Biết anh Học ở đâu mà gặp?
- Tôi đoán chỉ có vùng Gia Bình bên Bắc Ninh là an toàn khu của đảng. Anh Học sẽ chạy về đấy ẩn núp.
Thế là Cảnh tất tả lên đường và quả nhiên anh gặp Nguyễn Thái Học trên bến sông Kênh Vàng. Cảnh vẫn tiên liệu là sớm muộn gì, Nguyễn Thái Học cũng gặp nạn. Anh chỉ không ngờ buổi gặp gỡ ở Gia Bình lại là lần chót anh ăn cùng mân ngủ cùng giường với Nguyễn Thái Học.
Cảnh quay lại Hà Nội vài ngày mới hay tin Nguyễn Thái Học đã bị bắt. Tin này được thực dân loan đi rất nhanh như tiếng reo vui của bọn thống trị. Cảnh lặng người muốn té quị xuống khi biết chắc Nguyễn Thái Học đã sa vào tay giặc. Hôm ấy, hai anh em đang ăn cơm trên gác nhà Minh. Cảnh quăng đũa bát đứng dậy, ra vịn cửa sổ ngó xuống đường, mắt nhòa lệ. Với mật thám Pháp, bị bắt tức là chết mà là chết thảm sau những trận đòn tra tấn!
Từ Bắc Giang, cô Giang cũng được một đồng chí từ Bắc Ninh qua, báo cho biết Nguyễn Thái Học đã bị bắt, nhưng cô không tin. Cô nhất định không tin là người yêu của cô có thể rơi vào tay giặc một cách dễ dàng như vậy! Cô gắt lên:
- Tây nó loan tin như thế để trấn áp dư luận và để khủng bố tinh thần đảng viên, làm cho đảng viên chúng ta tuyệt vọng mà bỏ cuộc! Tôi không tin! Nhất là có Sư Trạch đi bảo vệ!
Mọi người nhìn cô tội nghiệp. Chuyện đã rõ như thế mà cô vẫn còn nuôi hy vọng. Lúc ấy, cô đang bàn với các đồng chí đánh chiếm một đồn lính Khố Xanh ở Bắc Giang để làm căn cứ địa và để gây uy tín cho đảng sau những thất bại trong đêm khởi nghĩa. Bỗng nghe chuyện Nguyễn Thái Học và Sư Trạch bị bắt ở ấp Cổ Vịt, bề ngoài cô cố nói cứng, nhưng trong lòng hoang mang cực độ. Người đưa tin, gọi riêng cô ra một góc và kể:
- Chính tôi vừa gặp đồng chí Kính tức là Chánh Kính bên Gia Bình. Anh Kính, anh Diến và anh Tuyên cùng bị bắt chung với anh Học và Sư Trạch ở ấp Cổ Vịt. Bọn tuần phu giải 5 đồng chí ấy về nộp cho thằng chủ đồn điền. Vì biết đã bắt được anh Học, chúng nó mừng quá chỉ chú ý đến anh ấy. Nhờ vậy, anh Kính, anh Diến với anh Tuyên mới liều bỏ chạy vào rừng Kiếp Bạc rồi bơi qua sông Luống về Gia Bình. Lội được giữa chừng thì anh Tuyên từ biệt hai đồng chí, tự trầm dưới đáy sông. Chỉ có anh Diến và anh Kính sống sót, hiện đang trốn trên Bắc Ninh. Anh Kính bảo tôi phải tìm cách thông báo cho chị biết tin anh Học đã bị bắt!
Thế là hết! Cô Giang nghe xong xây xẩm mặt mày té xuống. Sáng sớm hôm sau, cô quăng hết mọi việc, hoảng hốt chạy về Hà Nội tìm Lê Hửu Cảnh. Cô vẫn nhớ thuộc lòng cái địa chỉ liên lạc mà Cảnh đã cho cô ở Yên Bái.
Người giao liên đưa cô đến nhà Minh rồi bỏ đi ngay.
Lúc ấy, Cảnh đang nằm một mình trên gác, nghĩ về tiền đồ đen tối của đảng. Minh thì ngồi uống trà với ông Sửu bên kia đường, cả hai cùng sầu thảm vì thời cuộc.
Những câu chuyện bàn giữa Minh và ông Sửu chẳng còn gì mới mẻ nữa. Toàn những thở vắn than dài vì cuộc khởi nghĩa của Quốc Dân Đảng tàn lụi quá nhanh. Dư luận ít người biết đến. Báo chí An Nam hoặc lờ đi, hoặc chỉ tường thuật một cột tin nho nhỏ gọi là “hội kín nổi loạn tại một vài tỉnh Bắc Kỳ”! Tuyệt vọng hơn cả là bản tin Nguyễn Thái Học bị bắt, coi như ngọn lửa hy vọng bị phụt tắt hòan toàn. Ông Sửu phân vân hai ba lần hỏi Minh:
- Tin ấy có đúng không thầy? Hay là sở mật thám bịa ra để làm mất tinh thần đảng viên và đồng bào?
Minh biết những người kỳ vọng ở Nguyễn Thái Học đều nghĩ như thế, giống như cô Giang. Nhưng Cảnh đã xác nhận. Sự thật chứ không phải tin đồn. Minh gật đầu đáp nhỏ:
- Bị bắt thật rồi!
Minh đang định kể lại diễn tiến câu chuyện ở ấp Cổ Vịt mà Cảnh đã cho Minh biết, ông Sửu chợt ngắt lời:
- Có ai tìm thầy kia kìa!
Thấy có người con gái thập thò trước cảnh cổng nhỏ dẫn lên gác nhà mình, Minh đứng dậy trố mắt trông sang rồi từ từ bước qua. Nhìn cái dáng phụ nữ thon nhỏ, Minh cứ tưởng là cái Nhi con bà dì, hoặc người thân nào ở dưới quê lên, ghé thăm anh. Đến gần giáp mặt, anh vẫn không nhận ra cô Giang, bởi anh chỉ gặp có một lần khi theo Cảnh dự hội nghị Đức Hiệp hồi tháng 5 năm ngoái. Huống chi những ngày kề cận khởi nghĩa, cô ăn ngủ thất thường, bao nhiêu mối lo âu làm thân hình cô gầy rạc hẳn đi và nét mặt tiều tụy không cách nào che giấu được. Cô Giang gật đầu khẽ nói:
- Anh Minh phải không? Tôi cần gặp anh Cảnh!
Bấy giờ Minh mới nhớ ra, giật mình kêu lên nho nhỏ:
- Ồ! Chị Giang! Bất ngờ quá! Vâng. Anh Cảnh đang ở trên gác. Mời chị lên!
Rồi Minh lật đật mở cánh cổng đưa cô Giang vào. Anh dáo dác nhìn hai bên đường trước khi khép cánh cổng, cùng cô Giang lên cầu thang.
Trong nhà, Cảnh đang nằm ngửa, phanh ngực áo, mắt mở trừng trừng nhìn lên nóc nhà. Tương lai của đảng như một bức màn đen dày đặc căng ra trước mắt. Đảng viên như một bầy gà con bị diều hâu tấn công, tan tác mỗi người một nơi. Mất Nguyễn Thái Học là mất hẳn một điểm tựa lớn, làm lung lay bao nhiêu niềm tin của bao nhiêu đồng chí. Xứ Nhu thì đã chết, Phó Đức Chính cũng bị bắt. Tất cả những cột trụ của đảng đều gãy đổ. Cảnh có cảm tưởng mình đang ngồi trên một con thuyền nhỏ, bơ vơ giữa dòng sông mêng mông mà con thuyền không có người lái!
Nghe tiếng cửa mở, Cảnh ngồi bật lên, ngoái đầu lại. Nhìn thấy cô Giang, Cảnh xúc động quá, nước mắt tự dưng trào ra. Minh khép cửa cài then, dè dặt tiến vào kéo ghế mời. Cô Giang đặt cái giỏ xuống chân rồi nhìn Cảnh nghẹn ngào lên tiếng:
- Có tin anh Học bị bắt. Chả biết đúng hay sai?
Cảnh ngồi trên mép giường, khẽ gật đầu. Anh nói nhỏ:
- Cả Sư Trạch và Nguyễn Như Liên nữa!
Cô Giang ngồi bệt xuống sàn nhà, úp mặt vào hai đầu gối và khóc nấc lên từng cơn. Khăn vấn xổ tung ra. Mái tóc dài chảy xuống, rũ rượi như người có đại tang. Các đồng chí trên Bắc Giang đã kể hết đầu đuôi việc Nguyễn Thái Học bị bắt, nhưng cô vẫn còn nuôi chút hy vọng. Bây giờ thì chút hy vọng hão huyền ấy đã hoàn toàn mất hẳn khi Lê Hửu Cảnh xác nhận.
Minh đứng lóng ngóng chẳng biết làm gì, đành tới ngồi bên Cảnh. Tất cả những diễn tiến bất lợi cho đảng từ hôm khởi nghĩa đến nay, Cảnh đều đã kể hết cho Minh nghe, kể cả tin đảng trưởng bị bắt mà Cảnh mới biết đây hai hôm.
Cảnh đứng dậy, kéo ghế lại gần cô Giang và nói:
- Bốn ngày họp với anh Học bên Gia Bình, tôi đã hết lời van xin anh ấy ra nước ngoài. Bên Vân Nam cũng cử người về đón. Nhưng anh Học dứt khoát không đi! Thôi thì anh ấy đã chọn con đường ở lại để nằm gai nếm mật cùng với anh em. Thấy đồng chí gặp hoạn nạn, anh ấy không nỡ bỏ. Tôi giận anh ấy bướng bỉnh, nhưng cũng phục anh ấy dũng cảm!
Cô Giang không nói gì, cứ tiếp tục nức nở. Minh vừa mũi lòng vừa lo sợ vì lúc đó tiếng khóc của cô hơi lớn, sợ hàng xóm nghe thấy và đặt nghi vấn, bởi nhà Minh xưa nay vốn không có đàn bà! Minh đưa mắt nhìn Cảnh mấy lần như nhắc nhở. Nhưng Cảnh cũng không dám lên tiếng bảo cô đừng khóc! Thôi thì đành cứ để cho cô xóa bớt nỗi sầu bằng những giòng nước mắt.
Nhìn cái tay nải của cô Giang trên sàn nhà, sát bức vách, Cảnh sực nhớ ra một điều quan trọng, vội nhoài người cúi xuống, mở ra và thọc bàn tay vào lục lọi. Một nải chuối đang ăn dở dang. Mẩu bánh Tây. Bộ quần áo nâu. Chiếc áo bông mùa đông. Cái khăn lau mặt bằng vải thô. Mấy miếng cau khô và lọ dầu. Hành trang đường trường của một thiếu nữ tuổi mới đôi mươi chỉ vỏn vẹn có thế. Dĩ nhiên Cảnh không quan tâm đến những thứ ấy. Rong ruổi trên đường cách mạng thì như thế là thường. Có hôm chính Cảnh cũng đi tay không chỉ có mỗi bộ đồ đang mặc trên người. Gặp chỗ vắng, lội ùm xuống ao hay mương rạch, tắm một cái cho đỡ nóng rồi leo lên, lại mặc bộ đồ cũ vào người. Gian khổ đã quen bởi ai cũng phải chấp nhận. Cảnh thọc tay sâu xuống đáy, và quả nhiên đúng như anh dự đoán, anh moi được khẩu súng đã nạp đạn của cô Giang. Cảnh vội lấy ra đem giấu đi trong khi cô Giang vẫn gục mặt khóc. Cảnh nhớ lại hôm ở đền Hùng, cô Giang đã xin Nguyễn Thái Học một khẩu súng để chết theo Nguyễn Thái Học khi cần.
Minh ngơ ngác theo dõi, thấy Cảnh nhét khẩu súng lục vào lưng quần, phủ vạt áo sơ mi che ngoài. Minh hết nhìn Cảnh rồi lại nhìn cô Giang. Cảnh tiến lại, quì xuống bên cạnh cô Giang và bảo:
- Anh Học bị bắt là một thiệt hại lớn cho đảng. Không phải chỉ riêng cô đau buồn, mà tất cả mọi người đều đau buồn. Tôi cũng mất ăn mất ngủ từ hôm hay tin. Nhưng chúng ta phải làm gì cho anh Học, cho đảng chứ không phải ngồi đây mà khóc! Khóc không cứu được anh Học, không cứu được đảng!
Im lặng một chút, cô Giang nâng gấu váy lau nước mắt, vấn lại khăn rồi quay sang hỏi Cảnh:
- Anh định làm gì bây giờ?
Cảnh mừng rỡ đáp:
- Làm gì thì cũng phải triệu tập đại hội đảng. Nhân sự còn lại bấy nhiêu, mình gom lại bấy nhiêu, cùng vạch kế hoạch cho những ngày sắp đến. Đồng chí Minh đây sẽ giúp chúng ta một tay! Chắc cô cũng còn nhớ Minh có theo tôi sang Đức Hiệp tháng 5 năm ngoái. Đồng chí Minh dạo trước sinh hoạt trong tổ đảng của đồng chí Viên ở Thành Bộ.
Cô Giang gật đầu:
- Tôi nhớ! Anh Học cũng có nhắc đến anh, gọi là “Minh nhà báo”.
Minh đứng dậy bảo cô Giang:
- Chị ngồi lên ghế cho đỡ mỏi chân! … Anh Cảnh nói đúng đấy chị ạ! Phải tìm cách đối phó ngay với tình thế mới!
Cô Giang đã lấy lại phần nào điềm tỉnh. Cô nói:
- Anh Cảnh. Anh ấn định ngày họp đi, rồi tìm cách liên lạc với các đồng chí trong nhóm “cải tổ” của anh. Gặp nhau càng sớm càng tốt.
Cảnh hăng hái gật đầu:
- Tôi cũng đang định như thế. Việc liên lạc thì phải nhờ anh Minh giúp hộ một tay, vì anh Minh chưa bị địch nghi ngờ, có giấy chứng nhận nhà báo, đi lại dễ dàng.
Minh nhìn Cảnh gật đầu:
- Vâng, anh để đấy cho em!
Cô Giang đột ngột đổi đề tài, hỏi Cảnh:
- Anh vừa bảo Nguyễn Như Liên cũng bị bắt rồi ư?
Cảnh gật đầu:
- Bị bắt rồi!
Cô Giang ngậm ngùi cúi xuống. Cô còn nhớ nguyên hình ảnh anh sinh viên 20 tuổi, bí danh Ngọc Tỉnh, từ Phú Thọ cùng với 300 đảng viên dân sự lên tham gia trận Yên Bái. Tuy chưa có kinh nghiệm chiến trường, nhưng Ngọc Tỉnh hò hét xung phong và lăn sả vào quân Pháp, coi cái chết nhẹ như bông.
Cảnh lại nói:
- Đồng chí Nho, em ruột của anh Học, nghe đồn cũng bị bắt!
Nghe Cảnh nhắc đến em ruột của Nguyễn Thái Học đang bị giam trong Hỏa Lò, cô Giang lại liên tưởng ngay đến chị ruột của mình là Nguyễn Thị Bắc, chi bộ trưởng chi bộ phụ nữ, cũng đang bị kìm kẹp trong sở mật thám. Cô ngẫng lên quắc mắt bảo Cảnh:
- Mối thù này lớn lắm! Phải trả, không cách này thì cách khác!
Cảnh hài lòng:
- Đúng! Mình bắt tay vào việc ngay!
Thế là ngay hôm ấy, Cảnh giao cho Minh công tác liên lạc mời họp. Nhóm của Cảnh gồm những nhân vật chính là Nguyễn Xuân Huân, Lê Tiến Sự, Nguyễn Đôn Lâm, Phạm Văn Hể và Nghiêm Toản cùng một số đồng chí khác ở cấp thành bộ và tỉnh bộ. Cảnh muốn tìm Ký Con Đặng Trần Nghiệp, nhưng anh đã trốn khỏi Hà Nội từ sau đêm khởi nghĩa. Mật thám dán hình Ký Con khắp nơi, kèm theo 5.000 đồng tiền thưởng. Vì vậy Ký Con và toán ám sát không dám lưu lại thủ đô.
Ngồi trong phòng họp, Cảnh bùi ngùi nhớ lại bao nhiêu khuôn mặt tri kỷ buổi ban đầu, nay chẳng còn ai. Do lời đề nghị của cô Giang, đại hội bầu Lê Hửu Cảnh lên nắm quyền đảng trưởng thay thế Nguyễn Thái Học. Nguyễn Xuân Huân làm phụ tá. Cô Giang làm cố vấn và Minh “nhà báo” làm thư ký.
Cảnh bị đẩy lên làm đảng trưởng trong tình thế hết sức tuyệt vọng vì các chi bộ khắp nơi trên toàn lãnh thổ Bắc Kỳ, chả biết đơn vị nào còn, đơn vị nào mất. Mà dù có còn hoạt động đi chăng nữa thì việc liên lạc cũng gần như bị tê liệt hoàn toàn, mỗi nơi phải tự sinh hoạt theo từng hoàn cảnh riêng của mình, không có tiếng nói thống nhất từ tổng bộ. Sau tổng khởi nghĩa, sự mất mát quá lớn lao về nhân sự cộng thêm cái tin Nguỵễn Thái Học bị bắt, Nguyễn Khắc Nhu tự tử chết, làm đảng viên khắp nơi bị giao động tinh thần, mất hết niềm tin vào khả năng chiến thắng của đảng. Cảnh không thể nào khôi phục lại được. Nhiều đồng chí đang trốn tránh, đêm ngày chỉ tìm cách lẻn sang Trung Hoa, không muốn ở lại chiến đấu nữa. Mật thám Pháp thì phấn khởi tinh thần, coi Quốc Dân Đảng chỉ là một đám tàn quân, tung vài mẻ lưới nữa là xong!
Giữa tình thế khốn đốn ấy, để gây lại uy tín cho đảng, cô Giang tức tốc họp với tổng bộ và đưa ra vài kế hoạch cụ thể. Lúc này, sau những cơn vật vã thảm sầu, cô đã bình tỉnh trở lại và thấy cần phải tạo niềm tin trong quần chúng và nhất là hàng ngũ đảng viên. Cảnh và cô cũng đã gián tiếp liên lạc được với Nguyễn Thái Học trong tù và cam kết với đảng trưởng là anh em bên ngoài vẫn hoạt động như thường. Cô nói:
- Việc đầu tiên tổng bộ phải làm là thi hành bản án tử hình đội Dương! Tên phản bội này đã làm hỏng hoàn toàn kế hoạch tổng khởi nghĩa của ta, giết hại bao nhiêu người của cách mạng!
Mọi người nhao nhao đồng ý ngay.
Thật ra thì sau khi Phạm Thành Dương công khai trở mặt, rút súng bắn Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính ở nhà Lý Cả, tòa án cách mạng đã tuyên án tử hình cả hai cha con đội Dương. Ngày 22 tháng 12 năm 1929, Nguyễn Xuân Huân cùng Nguyễn Văn Nho định thanh tóan cả hai cha con là Phạm Huy Du và Phạm Thành Dương tại nhà đội Dương, số 34 Ngõ Hồng Phúc sau phố Hàng Đậu. Nhưng hôm ấy chỉ có giáo Du đi dạy về, có xe kéo riêng đưa đến tận nhà để nghỉ trưa. Nguyễn Văn Nho, em ruột của Nguyễn Thái Học, lúc ấy mới 17 tuổi, dáng người thấp bé, trắng trẻo hiền lành, bước đến thưa chuyện rất lễ phép, gọi giáo Du bằng thầy, trao cho giáo Du tờ giấy có ghi bản án rồi bắn hai phát súng xuyên tim và đùi. Giáo Du té xuống chết tại chỗ. Người phu xe sợ quá bỏ chạy một mạch về nhà ở bãi Phú Xá!
Vụ xử giáo Du ở thanh thiên bạch nhật tại con phố đông người qua, làm chấn động Hà Thành, nhất là khi có bản án đeo ở cổ. Mật thám quả quyết Ký Con là thủ phạm, bởi lúc ấy cái tên Ký Con nổi như cồn vì hành tung xuất quỉ nhập thần vô cùng gan dạ. Ít ai bịết người bắn giáo Du lại là một cậu học sinh mặt non choẹt, có sự hỗ trợ của tay thiện xạ Nguyễn Xuân Huân đứng đằng sau.
Vũ Đình Phú, người giới thiệu Dương với Nguyễn Thái Học, cũng trở mặt theo Tây, nên cũng bị xử tử chết như giáo Du.
Phạm Thành Dương tội nặng hơn cha, nhưng từ ngày lộ tông tích, Dương sợ quá xin chuyển ngành, sang làm việc cho sở mật thám và ẩn mình luôn trong đó, tránh ra ngoài. Thành ra cái án tử hình của Dương mà Nguyễn Khắc Nhu thay mặt đảng tuyên bố, giờ này vẫn chưa thi hành được. Nghe cô Giang đề nghị, Nguyễn Xuân Huân nói:
- Tôi chưa giết được thằng giặc ấy thì tôi vẫn còn nợ các đồng chí đã bị nó hại. Tôi xin lĩnh công tác này, đích thân tôi sẽ xử tử nó!
Cô Giang lại nói:
- Giết đội Dương chỉ là việc nội bộ. Muốn tạo lại uy tín lớn cho đảng, phải tổ chức ám sát toàn quyền Pasquier và thằng tay sai Vi Văn Định. Đánh lớn không được thì bây giờ ta đánh lẻ!
Cảnh phân vân nói:
- Giết được Pasquier thì nhất rồi! Nhưng hơi khó, vì ít có cơ hội lại gần nó. Vi Văn Định cũng thế!
Cô Giang dứt khoát:
- Phải nghiên cứu, phải tìm cách móc nối với người nào thân cận Pasquier rồi chờ dịp ra tay!
Một đồng chí tênTô Phúc Dịch phát biểu:
- Pasquier thì tôi không có cách nào đến gần. Nhưng Tổng Đốc Thái Bình Vi Văn Định thì tôi xin nhận. Tôi biết đường đi nước bước của nó! Mấy tháng nay, nó càn quét lực lượng của ta đến tận gốc rễ. Tội ấy không tha được! Xin tổng bộ cứ thảo bản án, giao cho tôi. Giết xong, tôi sẽ buộc vào cổ nó!
Cảnh mừng rỡ kết luận:
- Pasquier thì tổng bộ sẽ nghiên cứu sau. Trước mắt, đồng chí Huân phụ trách xử tử đội Dương. Đồng chí Dịch xử tử Vi Văn Định. Thi hành càng sớm càng tốt, nhưng phải hết sức cẩn thận, đừng để đảng bị thiệt hại thêm người nào nữa!
Hội nghị giải tán, chỉ còn lại cô Giang, Cảnh và Minh. Ba người trở lại căn gác nhà Minh, ngồi ăn khoai lang luộc uống nước vối. Cảnh bảo Minh:
- Chốc nữa cậu thảo hộ tôi bản án kết tội toàn quyền Pasquier và tổng đốc Vi Văn Định!
Minh chưa kịp đáp thì cô Giang nói:
- Bản án Vi Văn Định thì nhờ anh Minh. Còn toàn quyền Pasquier thì anh để cho tôi. Tôi sẽ đọc, nhờ anh Cảnh viết hộ, cả tiếng Tây lẫn tiếng ta!
Minh nhìn rõ cái hào khí cách mạng bừng bừng trong lòng cô Giang qua một thời gian ngắn làm việc chung, khiến Minh cảm thấy xấu hổ. Anh được tiếng là khí phách, là ngang tàng từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường. Thế mà nay lại thua kém cả một phụ nữ!
Nghĩ thế, Minh lên tiếng hỏi:
- Chị Giang, lúc này tình hình khó khăn, vai trò của Chi Bộ Phụ Nữ rất quan trọng …
Cô Giang ngắt lời:
- Chi Bộ Phụ Nữ thật ra mới chỉ có một chị Bắc bị địch bắt ở Yên Bái. Tất cả những chị em khác đều còn nguyên, nhưng tạm thời phân tán mỗi người mỗi nơi!
Cảnh nói:
- Tôi đang định nhờ chị làm cách nào bắt liên lạc với chi bộ Phụ Nữ. Minh nói đúng. Phải nhờ các chị ấy liên lạc với các Tỉnh Đảng bộ, xem mỗi nơi còn mất thể nào! Rồi từ đó Tổng Bộ mới định kế hoạch cho những ngày sắp tới!
Cô Giang quả quyết:
- Tôi sẽ làm việc ấy. Nguy hiểm lắm, nhưng tôi sẽ làm.
Minh Nói:
- Mấy tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Yên Bái thì tạm thời chị nên lánh mặt vì chắc chắn chúng nó đang rình để bắt chị!
Cô Giang suy nghĩ một chút rồi bất ngờ hỏi Cảnh:
- Anh Cảnh! Có thể nào mình phá ngục Hỏa Lò để giải thoát cho anh Học và các đồng chí trong ấy không?
Cảnh đang cắn củ khoai, giật mình khựng lại nhìn cô Giang vì không ngờ cô có ý tưởng táo bạo như vậy! Minh lại càng ngạc nhiên hơn vì thấy cô Giang quá … lảng mạng! Nội việc đề nghị ám sát tòan quyền Pasquier đã là không tưởng rồi vì từ sau vụ Phạm Hồng Thái mưu sát toàn quyền Melin, những vị toàn quyền kế tiếp cũng như viên chức cao cấp của chính quyền bảo hộ, đi đâu cũng cắt đặt người bảo vệ cẩn mật, không cho người lạ đến gần. Thanh tóan Pasquier đã là chuyện đội đá vá trời, huống chi đòi tấn công ngục thất Hỏa Lò!
Cảnh cũng cùng một ý như Minh, nhưng không muốn gạt phắt ước muốn của cô Giang. Ông ra chiều đăm chiêu nói:
- Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện ấy. Cứu được anh Học là cứu được đảng. Chính bởi vậy từ trước đến nay tôi vẫn cứ đề nghị anh Học nên sang Tàu, bởi anh Học còn thì linh hồn của đảng vẫn còn …. Giả như lực lượng của ta còn mạnh như trước ngày tổng khởi nghĩa, thì tôi có ngại gì mà không tập trung đánh phá Hỏa Lò một trận để cứu hàng nghìn tù nhân chính trị ở trong đó ra. Mình chỉ cần đánh vào, bên trong sẽ nổi loạn, giết cai ngục và phá nhà tù giống như ngục Bastille ở Paris trong cuộc cách mạng 1789! Nhưng cô nghĩ xem, bây giờ người không còn, hoặc còn mà không liên lạc được. Bom đạn lại cũng không còn. Thằng đội Dương đã dẫn Tây đi tịch thu hết sạch của chúng ta. Lấy gì để tấn công!
Cô Giang nghe Cảnh phân trần, buồn bã thở dài. Cảnh lại thêm:
- Không biết cô đã vào thăm ai trong Hỏa Lò chưa? Nếu đã vào thì chắc cô cũng biết cách sắp đặt bên trong và sự canh phòng của Tây kỹ lưỡng như thế nào!
Minh chen vào:
- Vâng. Em đã bị nhốt mấy tháng ở trong ấy. Em biết. Mặt tiền dọc trên đường Rue de la prison chỉ có một cánh cổng sắt duy nhất, nếu tấn công thì phải tấn công vào đấy. Bên trong có đến ba lớp cổng sắt. Qua một mảnh sân lại thêm 2 lớp cổng sắt nữa, rồi mới đến khu nhà giam …
Cảnh ngắt lời:
- Các mặt khác cũng thế. Muốn đánh thì phải dùng rất nhiều tạc đạn, bộc phá, chất nổ lọai mạnh và bom hạng nặng để phá tường. Tất cả những thứ ấy, giờ này ta không còn
Minh hiểu ý Cảnh, phụ họa theo:
- Hôm nọ chị có nói: Lúc này không đánh được trận lớn nữa mà chỉ đánh lẻ được thôi. Tôi thấy tạm thời mình phải chịu vậy thôi chị ạ!
Cô Giang buồn rầu không nói gì nữa.
Ngày 8 tháng 3, Ngô Hải Hoằng, Nguyễn Thanh Thuyết và hai đồng chí nông dân gốc Phú Thọ tham dự trận Yên Bái, bị lên máy chém ở Yên Bái. Cô Giang nhớ lại hình ảnh dũng cảm của cai Hoằng mà lòng quặn thắt xót xa. Trước giờ xuất quân trong rừng sơn, cai Hoằng rút phắt thanh gươm chém ngang cây sơn và ra nghiêm lệnh:
- Đã đến giờ xung phong giết giặc. Ai mà bàn ngang thì sẽ như cây sơn này! Tôi tình nguyện giết quan ba Jourdain. Nếu không giết được nó, tôi sẽ nộp đầu tôi thay thế!
Quả nhiên cai Hoằng đã giữ đúng lời hứa, xông pha lửa đạn chỉ biết tiến chứ không biết lùi. Khi bị bắt ra trước tòa, chánh án Hội Đồng Đề Hình Poulet Osier – thanh tra chính trị mới bổ nhiệm đặc trách xử án vụ Quốc Dân Đảng – bảo cai Hoằng:
- Mày thật là kẻ vô ơn! Quan ba Jourdain là quan thầy của mày, đối xử hết sức tử tế với mày mà mày nở giết ông ấy đầu tiên khi nổi loạn!
Cai Hoằng hiên ngang đáp:
- Đại úy Jourdain quả thật rất tốt đối với tôi. Nhưng đó là tình riêng. Tôi giết ông ta vì bổn phận của tôi đối với đảng. Tình riêng không thể lớn hơn nghĩa công được!
Osier lại hỏi:
- Đảng của mày là đảng nào?
Ngô Hải Hoằng nhấn mạnh:
- Đảng của tôi là Việt Nam Quốc Dân Đảng!
Osier hỏi câu ấy vì dư luận Pháp lúc đó cứ bị ám ảnh bởi thế lực cộng sản do Liên Xô điều động. Bên mẫu quốc chưa chú ý nhiều đến Quốc Dân Đảng bởi Quốc Dân Đảng phát triển nhanh quá, chưa có thời gian để quần chúng chú ý. Thậm chí sau đêm tổng khởi nghĩa, một số báo chí Paris đã chạy tin bừa bãi rằng: Có khoảng 60 đảng viên cộng sản cùng một số binh sĩ nổi loạn! Đến ngay như Ký Con mà mật thám cũng nghi là Cộng Sản!
Vì không muốn giam tù nhân Quốc Dân đảng lâu trong ngục, sợ có biến, nên mọi thủ tục pháp lý tiến hành rất nhanh. Ngày 10 tháng 2, đánh Yên Bái. Ngày 27 tháng 2, xử án. Và ngày 8 tháng 3, đưa lên đoạn đầu đài!
Sau cái tin 4 đồng chí đầu tiên bị lên máy chém, cô Giang nghĩ ngay đến Nguyễn Thái Học và các đồng chí khác chắc chắn cũng sẽ như vậy. Cho nên cô bàn với Cảnh:
- Anh Cảnh! Có thể nào mình tập trung lực lượng, đánh vào pháp trường Yên Bái để giải cứu các đồng chí của mình không?
Cảnh vốn là người gan dạ nhưng không liều lĩnh. Anh nhìn cô Giang tội nghiệp, giải thích:
- Thứ nhất, mình không còn lực lượng vũ trang. Nói đúng ra là còn, nhưng không liên lạc được. Thứ nhì, ngày đưa các đồng chí của mình lên máy chém, tất nhiên Tây sẽ canh phòng rất nghiêm ngặt. Thứ ba, quan trọng hơn cả, là mình không biết trước được ngày nào chúng sẽ thi hành bản án. Mà không bíêt trước được ngày giờ thì làm sao ước hẹn được các đồng chí của mình tập trung về đấy! Ấy là chưa kể, chắc gì mai kia chúng nó sẽ xứ tử các đồng chí của mình ở Yên Bái. Bất ngờ, chúng nó có thể đưa máy chém đi nơi khác cũng chưa biết chừng!
Cô Giang cũng biết trước câu trả lời của Cảnh sẽ như vậy. Nhưng cô vẫn muốn liều mạng một trận để cứu Nguyễn Thái Học vào phút chót.
Ở Hỏa Lò, ngày 3 tháng 2, thân mẫu Nguyễn Thái Học, khuê danh Nguyễn Thị Quỳnh, từ làng Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên được Tây cho vào thăm con. Nguyễn Thái Học quì lại và nói:
- Con đành cam tội bất hiếu với mẹ, vì trung hiếu không thể vẹn hai đường! Xin mẹ tha tội cho con!
Tổng Đốc Hà Đông Hòang Trọng Phủ cũng vào nhìn mặt Nguyễn Thái Học vì Quốc Dân Đảng đã xử tử cháu ông ta. Phu tò mò hỏi Nguyễn Thái Học:
- Lúc thầy bị bắt, thầy có súng trong tay sao không bắn trả?
Nguyễn Thái Học đáp:
- Mấy người tuần phu bắt tôi chỉ là thuộc hạ tay sai, tôi không nỡ giết. Tôi chỉ muốn giết Tây và bọn tham ô quan lại mà thôi!
Hoàng Trọng Phu ngượng ngùng bỏ ra.
Pháp kiều ở Hà Nội bấy giờ rất hiếu kỳ vì uy danh Nguyễn Thái Học cũng như Quốc Dân Đảng từng làm cho họ mất ăn mất ngủ 2 năm qua. Nay nghe tin hùm thiêng sa lưới, họ rủ nhau kéo vào xem dung mạo Nguyễn Thái Học như thế nào. Có đến khoảng 100 phụ nữ đòi gặp Nguyễn Thái Học. Giám đốc sở mật thám Bắc Kỳ là Amox chiều ý họ, đích thân dẫn họ vào Hỏa Lò. Các bà các cô đầm đều gọi là “general Nguyen Thai Hoc”. Nhưng Amox xua tay bảo các bà:
- Không nên gọi Học là tướng. Vì Học chỉ là một tướng … cướp mà thôi!
Nguyễn Thái Học mắng Amox bằng tiếng Pháp:
- Ông nên lễ độ một chút! Tôi làm người cách mạng cứu nước tôi!
Amox muốn thị oai trước mặt phụ nữ, nên giơ thẳng ba-toong vụt mạnh ngang vào mặt Nguyễn Thái Học, dù ông bị trói cả chân tay. Các bà đứng vây quanh, nhiều người bất bình kêu lên và che mặt quay đi. Bị rụng hai cái răng cửa, Nguyễn Thái Học ngẫng lên mắng:
- Đó là văn minh của nước Pháp chúng mày, đánh người đang bị trói! Thế mà chúng mày đòi sang khai hóa dân tôc tao!
Amox ngượng ngập mời mọi người giải tán.
Ngày 23 tháng 3, Nguyễn Thái Học và 80 đồng chí được dẫn ra trước Hội đồng đề hình thiết lập tại Yên Bái, vẫn do Poulet Osier ngồi ghế chánh án. Tuy gọi là phiên xử công khai, nhưng vì phòng họp quá chật chội, sức chứa chỉ được vài chục người mà thực dân lại muốn chắc ăn, không để những người ủng hộ Quốc Dân Đảng vào trà trộn, sợ xẩy ra hô hoán gì thì chúng mất mát. Cho nên chỉ ai có thân thế và có lập trường thân Tây, mới được cho vào. Minh cố gắng xin dự với tư cách nhà báo, nhưng không được, vì chỉ có nhà báo tiếng Tây mới được vào tòa.
Nguyễn Thái Học khẳng khái tự nhận hết trách nhiệm thủ lãnh cuộc khởi nghĩa và không cần ai biện hộ bởi tòa án này chỉ là hình thức giả tạo của cường quyền mà thôi.
Phó Đức Chính cũng hùng hồn tự nhận mình đã thảo truyền đơn kêu gọi dân chúng vùng lên, đồng thời soạn kế hoạch cho cuộc tổng khởi nghĩa. Ông dứt khoát không xin khoan hồng, không xin ân xá. Ông nói lớn:
- Được chết cho tổ quốc là một vinh dự! Tại sao phải xin ân xá!
Cô Nguyễn Thị Bắc thì lớn tiếng mắng bọn thực dân xâm lăng và bảo chúng hãy về Pháp, giật đổ tượng Jeanne d’Arc cho khỏi xấu hổ!
Mọi người đều đóan trước những bản án tử hình, nên chẳng có gì làm ngạc nhiên bất cứ ai. Cô Giang cũng biết trước, nên cứ lay hoay tìm cách giải cứu cho các đồng chí mà đành bó tay. Tất cả tù nhân được chuyển về Hỏa Lò để chờ ngày lên máy chém.
Từ ngày Nguyễn Thái Học và các đồng chí nhận bản án tử hình, cô Giang ruột rối như tơ vò, lại thêm chị mình là Nguyễn Thị Bắc bị 5 năm lưu đày cấm cố. Mưu tính ám sát Pasquier và Vi Văn Định để trả hận một phần nào, cũng chưa thực hiện được. Cô bứt rứt bàn luận với Cảnh, thì chính Cảnh cũng thấy bế tắc vì địch quá mạnh mà ta quá yếu!
Một hôm, vào hạ tuần tháng 4, Cảnh cùng Minh gặp riêng phụ tá Nguyễn Xuân Huân và một đồng chí thân tín của Huân là Nguyễn Văn Quất để bàn một việc quan trọng. Cảnh nói:
- Ngay từ buổi đầu mới thành lập đảng. Tổng Bộ đã đặt nặng vấn đề kinh tài cho đảng. Bởi không có tiền thì không thể hoạt động được. Một mặt, chúng ta mở những cơ quan kinh tài chính thức như khai thác Khách sạn Việt Nam, mặt khác chúng ta có những vị hào phú yêu nước, đóng góp vào quĩ của đảng, hoặc những đảng viên có điều kiện tài chánh, xuất vốn ra giúp đảng, chẳng hạn như đồng chí Quách Vy, tuần phủ tỉnh Hòa Bình. Ngày nay, sau tổng khởi nghĩa, các cơ quan kinh tài chánh thức không còn nữa, mà những nhà Mạnh Thường Quân giàu lòng ái quốc cũng lần lượt bị bắt cả. Đồng chí Quách Vy thì mới đây, còn bị tờ báo Volonté indochinoise bên Tây chẳng những tố cáo đích danh là người của ta, mà báo này còn thổi phồng lên, cho rằng đồng chí ấy mới thật là đảng trưởng, còn Nguyễn Thái Học chỉ là thừa hành mà thôi! Từ đó, đồng chí Quách Vy phải cắt đứt mọi liên lạc với chúng ta ….
Huân gật đầu ngắt lời:
- Vâng. Công lao của anh Vỵ to lắm. Một mình gây dựng tỉnh đảng bộ Hòa Bình, lôi kéo được rất đông quan lang, thân hào nhân sĩ Mường và Mán, ủng hộ Quốc Dân Đảng. Anh Vỵ chưa bị bắt, chưa bị cách chức là may đấy!
Cảnh tiếp:
- Dù mới đây đảng bị thất thoát nhiều, hoặc bị chết hoặc bị đi tù, nhưng chúng ta còn ở ngoài thì vẫn còn tiếp tục công tác của đảng. Ta vẫn tiếp tục chế bom, nhưng mới đây thử vài quả, thấy sức công phá còn yếu lắm. Cần phải có tiền, mua thêm thuốc nổ và hóa chất. Quan trọng hơn cả là phải mua thêm súng đạn. Mua súng đạn thì không thể mua trong nước. Tôi đã bắt liên lạc được với đồng chí Lương Nguyên Minh tức là Nguyễn Thế Nghiệp bên Vân Nam, đảng bộ bên ấy đang phát triển thuận lợi, có thể mua được vũ khí của Quốc Dân Đảng Trung Hoa, chờ dịp thuận tiện chở về trong nước
Cảnh ngừng nói để uống nước. Minh sốt ruột hỏi:
- Anh có kế hoạch gì để có tiền gửi sang mua vũ khí?
Hai đồng chí Huân và Quất cũng đăm đăm nhìn Cảnh chờ đợi câu trả lời. Cảnh uống cạn bát nước rồi đáp:
- Người của ta vừa cho biết cứ vào ngày cuối tháng thì tham tá ở sở Công Chánh là Nguyễn Văn Bình sẽ ngồi xe kéo lên ngân khố trung ương lĩnh tiền về phát cho nhân viên. Tổng số bạc ông ta ôm về là mười một nghìn. Đây là tiền của Tây, không phải bất cứ cửa người An Nam nào. Mà tiền của Tây tức là tiền bóc lột của dân ta …
Minh ngắt lời:
- Ý của anh là mình cướp số tiền ấy?
Cảnh gật đầu:
- Đúng! Tôi đã hứa sẽ chuyển sang anh Nghiệp số tiền là 5 nghìn đồng. Số còn lại mình giữ để chi dụng trong công tác bên này! Tôi đề nghị anh Huân đi với anh Quất. Bình ngồi xe kéo, ôm cặp bạc, chắc chắn là không đề phòng vì chẳng bao giờ nghĩ rằng có ai dám cướp tiền của Tây! Anh anh chỉ việc phóng xe đạp đến gần, giật cái cặp da trên tay Bình là xong!
Nguyễn Văn Quất gật đầu quả quyết:
- Việc này anh giao cho tôi, thể nào cũng xong! Có anh Huân đi kèm bên cạnh tôi càng lên tinh thần!
Cảnh lại thêm:
- Tôi tính thế này! Nếu mọi chuyện êm xuôi, lấy được món tiền ấy, ta sẽ nhờ một cán bộ phụ nữ cầm sang giao cho anh Nghiệp bên Vân Nam một nửa. Nói gì thì nói, cần phải gây dựng chi bộ bên ấy thật vững mạnh, chỉ chờ dịp tổng khởi nghĩa lần thứ 2 … Phần tiền còn lại, ta sẽ lập cơ sở thương vụ ở Hải Phòng, kinh tài hợp pháp để lấy tiền cho quỹ của đảng. Đây là chuyện đường dài!
Mọi người đều nhất trí với Cảnh.
Cũng như dự tính, ngày 30 tháng 4, Huân và Quất đạp xe đến đứng chờ trước kho bạc. Tham tá Bình lĩnh tiền xong, ôm cặp bước ra leo lên xe kéo. Xe chạy được một quãng thì Huân và Quất rướn người đạp theo. Xe chạy lên song song với Bình. Bất thần Huân đưa tay ra chợp cái cặp da, trao lại cho Quất để Quất ôm tiền chạy vào con hẽm nhỏ. Bình lao xuống níu lấy Huân rồi kêu cứu inh ỏi giữa phố xá. Vừa kêu vừa chửi rủa thậm tệ:
- Cướp! Ối làng nước ôi! Cướp! Ai cứu tôi với! Tiên sư bố chúng mày! Quân ăn cướp!
Huân hoảng quá, vội nạt:
- Tiền của Tây chứ tiền của mày hay sao mà to mồm thế? Câm. Không ông bắn bỏ mẹ bây giờ!
Bình cứ tiếp tục gào. Bất đắc dĩ Huân phải rút súng bắn vào ngực Bình để tẩu thoát.
Những ngày kế tiếp, sóng gió vẫn tiếp tục xẩy đến với Quốc Dân Đảng, như ngọn đèn dầu trong cơn phong ba, không biết sẽ cầm cự được bao lâu trước khi phụt tắt. Lê Hửu Cảnh một mặt cử người cầm tiền sang Trung Hoa đưa cho Nguyễn Thế Nghiệp để Vân Nam Đạo Bộ xử dụng trong việc mua súng đạn và vận động kiều bào, chủ yếu là nhanh chóng phát triển lực lượng đảng viên vũ trang. Mặt khác, đích thân Cảnh xuống Hải Phòng gặp một số đồng chí chưa bị lộ tông tích, tìm cách công khai kinh doanh hợp pháp để tăng cường ngân sách trường kỳ cho đảng. Cô Giang thì sốt ruột chỉ muốn làm bất cứ điều gì để giải cứu các đồng chí trong Hỏa Lò. Nhưng Lê Hửu Cảnh tính chuyện đường dài, chờ khi sức mạnh của đảng phục hồi thì sẽ tái phát động cuộc tổng khởi nghĩa thứ hai. Cảnh từng nhiều lần khuyên Nguyễn Thái Học xuất ngoại. Nhưng chính Cảnh, giờ đây dù bao nhiêu nguy hiểm vây quanh, Cảnh lại chọn con đường ở lại để xây dựng đảng.
Lê Hửu Cảnh đi Hải Phòng hy vọng sẽ gặp được Ký Con Đặng Trần Nghiệp ở dưới ấy, nhưng xuống tới nơi thì các đồng chí cho biết Ký Con đã trốn sang Nam Định nên hai người không có dịp tái ngộ. Trước khi rời Hà Nội, Cảnh cùng Nguyễn Xuân Huân ghé qua nhà Minh ở Khâm Thiên để dặn dò vài công việc. Minh đòi thoát ly theo Cảnh nhưng Cảnh không đồng ý. Theo Cảnh, các cơ quan của đảng thuộc Thành Bộ Hà Nội đều bị giặc phát giác. Chỉ còn một địa điểm duy nhất là căn gác nhà Minh ở trọ. Minh phải bám lấy để làm chỗ giao liên khi cần thiết. Cảnh nắm tay Minh và dặn:
- Cậu cứ ở đây. Tôi sẽ quay lại gặp cậu! Tôi đã dặn cô Giang, nếu cần liên lạc với tôi thì cứ cho cậu biết! Thỉnh thoảng tôi sẽ cho người đến gặp cậu! Thế nào cô Giang cũng cần đến cậu!
Rồi Cảnh lấy ra mảnh giấy nhỏ có ghi địa chỉ trạm giao liên ở Hải Phòng, trao cho Minh và bảo:
- Cậu học thuộc địa chỉ này và xé bỏ mảnh giấy đi. Tôi đã dặn cậu nhiều lần, nguyên tắc căn bản là không bao giờ để lại bút tích gì cả. Ngô nhỡ địch khai thác được!
Minh nhét mẫu giấy vào túi rồi dè dặt hỏi:
- Chị Giang có đi chuyến này với hai anh không?
Nguyễn Xuân Huân đáp thay:
- Không. Chị ấy phải nán lại Hà Nội chờ nghe tin tức các đồng chí trong Hỏa Lò.
Phân vân một chút. Minh lại hỏi:
- Anh có tính sang Vân Nam không, anh Cảnh?
Cảnh quả quyết:
- Tôi ở lại. Nhất định ở lại. Tổng Bộ giao phó trách nhiệm cho tôi. Tôi đi sao đành! Đồng chí Huân đây và tất cả nhóm chúng tôi đều ở lại, nhưng nếu gặp Ký Con, tôi sẽ khuyên cậu ấy nên qua bên kia biên giới, vì hình ảnh của cậu ấy bị giặc dán khắp nơi, khó lòng mà thoát được. Trường hợp Ký Con thì nên xuất ngoại!
Rồi Cảnh chia tay, cùng Huân lên đường. Minh nói:
- Nếu hai anh gặp anh Doãn, nhớ cho em gửi lời thăm!
Cảnh gật đầu bước đi. Doãn tức là bí danh của Ký Con Đặng Trần Nghiệp. Kể từ đêm ném bom ở Hà Nội để làm kế nghi binh hỗ trợ cho các trận đánh tại các tỉnh, Ký Con bị giặc truy lùng gay gắt với hàng vạn cáo thị và hình chụp dán khắp đó đây kèm theo món tiền thưởng tương đương với Nguyễn Thái Học là 5 ngàn đồng. Biết không thể lưu lại Hà Nội, Ký Con tìm đường sang Hải Dương, tạm trú tại nhà một đồng chí làng Dư Hàng, huyện An Chương. Nương náu một thời gian, Ký Con thấy nơi đấy bất ổn vì mật thám tung hoành dữ dội. Anh liền trốn qua Nam Định, tá túc trong nhà một đồng chí ở làng Năng Tĩnh, huyện Mỹ Lộc, phủ Xuân Trường, quê hương của Trần Tế Xương.
Lẽ tất nhiên, Ký Con chẳng dám ở đâu lâu vì sợ lộ tông tích. Với số tiền thưởng quá lớn, với hình ảnh và cáo thị dán khắp nơi, dễ gì anh thoát được. Tay sai làm việc cho Tây muốn lấy điểm với quan thầy cũng nhiều, mà những kẻ không óan thù với Ký Con nhưng tham tiền thì cũng lắm. Anh luôn luôn là cái mồi ngon cho chúng. Bởi vậy, ở Nam Định được vài đêm anh đã thấy không ổn. Anh nói với chủ nhà:
- Mai tôi đi sớm anh ạ! Tôi linh cảm thấy ở đây không yên!
Chủ nhà nhìn Ký Con thương cảm. Mới 22 tuổi, mặt non trẻ, da dẻ hồng hào trông như một cậu học sinh nhút nhát, thế mà 2 năm qua Ký Con đã tạo được những thành tích kinh thiên động địa. Chủ nhà vốn cảm phục sự gan dạ của Ký Con nên ngỏ ý ân cần giữ anh lại:
- Lúc này cậu đi đâu cũng chả yên! Bắc Ninh và Bắc Giang là hai cái nôi của đảng, giờ này bật gốc hết. Sơn Tây, Phú Thọ, Yên Bái, rồi ngay cả Hưng Yên, Hải Phòng cũng chẳng còn đất dung thân. Thôi thì cứ tạm ở lại đây chứ đi đâu bây giờ!
Ký Con trầm ngâm nói:
- Tôi định quay lại Hải Phòng! Có thể gặp anh Cảnh dưới ấy!
Chủ nhà ngậm ngùi nói:
- Tùy đồng chí thôi! Nếu đồng chí không muốn nán lại đây với tôi thì sáng mai nên đi thật sớm. Tôi có sẳn đôi quang gánh, đồng chí giả làm người bán rong buổi sớm, chúng nó không để ý!
Ký Con đồng ý. Rồi hai người nằm bên nhau thì thầm cả đêm, ôn lại bao nhiêu kỷ niệm của hai năm sóng gió nhưng hào hùng vừa qua. Những yếu nhân rường cột của đảng mà Ký Con đã từng tiếp xúc, từng sát cánh hoạt động, giờ này hầu như chẳng còn ai. Không bị xử tử thì cũng bị lưu đày biệt xứ. Nhắc tới mà cả hai không cầm được nước mắt. Mãi đến gần sáng, chủ nhà mới bùi ngùi bảo Ký Con:
- Thôi, đồng chí nghỉ một tí đi. Lấy sức chốc nữa lên đường!
Sau câu nói ấy, cả hai cùng im lặng, nhắm mặt nhưng không ai ngủ được vì những ưu tư đang trĩu nặng trong đầu.
Bấy giờ ở Nam Định và Thái Bình, Đông Dương Cộng Sản Đảng đã thành lập vài chi bộ khá mạnh. Lùi trở lại nửa năm trước, tức là tháng giêng năm 1930, khi Quốc Dân Đảng đang ráo riết chuẩn bị tổng khởi nghĩa, thì những đảng viên Tân Việt Cách Mạng Đảng có khuynh hướng Cộng Sản, đứng ra thành lập một tổ chức lấy tên là Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn, địa bàn hoạt động chính là Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Như vậy, trên thực tế có ba nhóm Cộng Sản: Thứ nhất, Đông Dương Cộng Sản Đảng, do Nguyễn Đức Cảnh bí danh Cả Trọng, Ngô Gia Tự bí danh Sĩ Quyết, Trần Văn Cung bí danh Quốc Anh, Đỗ Ngọc Chu bí danh Phiếm Chu, Trịnh Đình Cửu, Dương Hạc Đính, Nguyễn Phong Sắc và Kim Tôn thành lập tại phố Hàm Lòng Hà Nội tháng 3 năm 1929. Đây là nhóm Cộng sản tiên phong tại quốc nội, bất chấp sự ngăn cản của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Thậm chí Trần Văn Cung từng phát biểu công khai tại hội nghị:
- Đồng chí Nguyễn Ái Quốc tuy đi sát lập trường quốc tế vô sản, nhưng đồng chí ấy chỉ ở nước ngoài, không về hoạt động tại quốc nội, nên không thể nắm vững tình hình như chúng ta!
Ngô Gia Tự thì cứ nhắc đi nhắc lại mãi một câu:
- Trong điều kiện phứt tạp hiện nay, Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội không còn đủ khả năng lãnh đạo cuộc cách mạng đến thành công. Để phù hợp với yêu cầu cấp bách của nhân dân, đã đến lúc vai trò lãnh đạo của cách mạng phải giao lại cho giai cấp công nhân. Không còn đường nào khác!
Thế là nhóm này hăng say khai tử Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội để thay bằng bảng hiệu Đông Dương Cộng Sản Đảng, giao cho Nguyễn Đức Cảnh xúc tiến soạn thảo các văn kiện đảng.
Rồi ngày sau đó, nhóm này phân tán đi khắp các tỉnh bộ để thuyết phục họ bỏ tên cũ lấy tên mới. Dĩ nhiên chẳng phải ai cũng nghe, bởi nhiều người đứng vào Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội chỉ để đánh Tây, chứ chọn hẳn chủ nghĩa Cộng sản thì họ chưa có ý niệm dứt khoát.
Dù sao đi nữa, đây cũng là những viên gạch đầu tiên xây dựng cho tòa nhà Cộng Sản tại Việt Nam, để lót đường trải thảm cho ngày vinh quang của Nguyễn Ái Quốc sau này.
Thứ hai: An Nam Cộng Sản Đảng mới thành lập hồi tháng 11 năm 1929 tại miền Nam. Nhóm này không muốn nằm trong vòng ảnh hưởng của nhóm Bắc Kỳ, nên ra một tờ báo riêng lấy tên là Bônsêvich và công bố điều lệ riêng cho đảng của mình. Bolsevik (bônsêvich) theo cách dùng của Lenin có nghĩa là Ủy Ban, là thành viên của đám đông, của đại đa số quần chúng tức là giới vô sản (prolateriat), cần dùng bạo lực để nắm chính quyền.
Thứ ba: Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn vừa ra đời ngày 1 tháng 1 năm 1930. Nhóm này thoát thai từ đảng Phục Việt, sau đổi thành Tân Việt Cách Mạng Đảng với Tôn Quang Phiệt, Trần Phú, Vương Thúc Oánh. Các đảng viên Tân Việt có khuynh hướng quốc gia từ đây trở thành bơ vơ rút lui khỏi đảng, hoặc gia nhập đoàn thể khác, hoặc không hoạt động gì nữa.
Tình trạng tam phân giữa ba nhóm cộng sản cùng hiện diện, đưa đến việc tranh giành quần chúng và không tránh khỏi sự bất hòa. Nhìn thấy nguy cơ đó, nhân dịp tết Canh Ngọ, mùng 3 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đang ở Thái Lan, khẩn cấp triệu tập đại hội ở Hồng Kông, mời đại biểu 3 nhóm cộng sản quốc nội sang họp bàn việc thống nhất. Gọi là thống nhất, nhưng thật ra hai nhóm kia phải nhập chung vào Đông Dương Cộng Sản Đảng của Nguyễn Ái Quốc. Biết thế nên Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn không cử đại biểu sang dự. Muốn cho họ khỏi tự ái, Nguyễn Ái Quốc liền bỏ danh xưng Đông Dương Cộng Sản Đảng, đặt ra một cái tên mới là Đảng Cộng Sản Việt Nam và kêu gọi hai nhóm kia đứng vào.
Cái lợi thế của Nguyễn Ái Quốc là ông nhân danh chỉ thị của quốc tế cộng sản để trấn áp và ép buộc 3 nhóm phải ngồi chung vào một chiếu. Đảng viên phải nghe lời, bởi cộng sản tự căn bản là một đảng quốc tế do Liên Bang Xô Viết đứng đầu. Nguyễn Ái Quốc chính là nhân vật Việt Nam duy nhất được quốc tế cộng sản ủy thác hoạt động tại Đông Dương, cho nên tiếng nói của Nguyễn Ái Quốc cũng chính là tiếng nói của Liên Bang Xô Viết. Nhóm nào không nghe là đi ngược lại đường lối quốc tế vô sản Liên Xô sẽ không công nhận.
Hội nghị Hồng Kông chỉ có 2 phái đoàn tham dự từ mùng 3 đến 7 tháng 2 năm 1930. Nhưng 3 tuần sau, tức ngày 24 tháng 2, Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn cũng phải xin gia nhập. Cái thế tam phân từ đó qui về một mối dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh sau này.
Nguyễn Ái Quốc đã thành công và từ đây trên nguyên tắc, Đảng Cộng Sản Việt Nam được chính thức khai sinh. Tuy nhiên trên thực tế, người ta vẫn quen gọi là Đông Dương Cộng Sản Đảng hàm ý bao trùm luôn cả ba nước Việt Miên Lào. Hai tháng sau, Nguyễn Ái Quốc nới rộng địa bàn hoạt động, thành lập thêm một số chi bộ cộng sản tại Vientien và Nam Vang, để dùng với danh nghĩa đông dương khi báo cáo thành tích lên Liên Xô. Nguyễn Ái Quốc là người cộng sản tiên phong, mọi hoạt động đều theo đúng đường lối cộng sản quốc tế. Nhưng cho đến thời điểm ấy, ông vẫn chưa muốn công khai công bố sự thành hình của đảng công sản tại Việt Nam vì đa số quần chúng còn dè dặt với hai tiếng “cộng sản” và vì các quốc gia Tây phương đang đồng loạt nhìn ra hiểm họa lâu dài của chủ nghĩa cộng sản. Dựng bảng hiệu Đảng Cộng Sản sẽ rất khó hoạt động. Nhưng đám thanh niên tân học đàn em Nguyễn Ái Quốc thì lại rất nóng lòng muốn đứng dưới lá cờ cộng sản bởi vì sứa hấp dẫn quá mãnh liệt của chủ nghĩa mới mẻ này đã lôi cuốn họ. Muốn đạt được hai mục tiêu là giải phóng dân tôc và xóa bỏ bất công xã hội thì không có con đường nào hay hơn lý thuyết cộng sản. Nguyễn Ái Quốc đã chiều ý họ nên phải ra mặt mà thôi! Chứ với ông thì thời điểm ấy chưa đúng lúc!
Ở miền Nam là nơi có nhiều nhà máy, bến cảng, hỏa xa v.v. Đảng Cộng Sản ngấm ngầm vận động thành lập hàng loạt công hội đỏ ở mỗi xí nghiệp, tiến đến hình thành Tổng Công Hội Nam Kỳ vào tháng 4 năm 1930 do Lê Quang Sum làm bí thư đầu tiên. Từ đấy, những hoạt động của cộng sản trong giới thợ thuyền bắt đầu đặt được nền móng và dễ dàng lan rộng vì công nhân bị bốc lột sẳn sàng hợp tác đấu tranh, không cần biết mình đang bị lợi dụng làm quân cờ cho một chủ nghĩa mới.
Tháng sau, 5 -1930, miền Nam có thêm một số nhân vật trí thức đang du học bên Pháp bị trục xuất về. Nhóm 19 người này gồm những thanh niên tân học, phần đông có khuynh hướng cộng sản, hoặc theo Nguyễn Ái Quốc hoặc khai mở con đường đệ tứ quốc tế ở Việt Nam. Đó là Trần Văn Giàu, Tạ Thu Thâu, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Văn Tạo, Hùynh Văn Phương, Lê Bát Cang, Trần Văn Chiêu v.v.
Phía Quốc Dân Đảng tại miền Nam cũng có những hạt nhân xuất sắc nhưng không may đều bị bắt cả: Trần Huy Liệu, Cao Hữu Tạo, Nguyễn Phương Thảo, Nguyễn Hòa Hiệp, Phạm Hoài Xuân, Võ Công Tồn v.v. đều nằm trong khám lớn. Và đúng như Lê Hửu Cảnh tiên đóan, khi đảng trưởng Nguyễn Thái Học bị bắt, khi tổng bộ Quốc Dân Đảng tan vỡ, thì sẽ có những đảng viên không còn điểm tựa để trong mong ngày chiến thắng, họ sẽ bị lung lạc và bị quyến rũ về phía Cộng sản. Đó là trường hợp Trần Huy Liệu bỏ Quốc Dân Đảng sang Cộng Sản làm đến bộ trưởng tuyên truyền của chính phủ lâm thời Việt Minh. Hoặc Nguyễn Phương Thảo cũng bỏ Quốc Dân Đảng sang Cộng Sản và trở thành tướng Nguyễn Bình lừng lẫy sau này.
Trở lại đầu năm 1930, toàn cõi Bắc Kỳ sôi sục những vụ bắt bớ Quốc Dân Đảng. Phía Cộng Sản muốn tạo uy thế, liền xúi giục nông dân biểu tình trong dịp lễ Lao Động Quốc Tế ngày mùng 1 tháng 5. Ở Thái Bình, mật thám bắt được hàng loạt truyền đơn và cờ búa liềm ném đêm 30 tháng 4. Sáng hôm sau khoảng 300 nông dân kéo đến đình công sứ tỉnh. Mật thám cứ tưởng rằng đám nông dân ấy đều là đảng viên cộng sản nên nã súng bắn chết tại chỗ 15 người và cả trăm người khác bị thương. Nhóm cộng sản lãnh đạo thì giấu mặt, nên chẳng ai hề hấn gì cả!
Ngày 5 tháng 5, nhóm Cộng Sản Nam Định trong khi đang họp với tỉnh bộ Thái Bình để rút kinh nghiệm về cuộc biểu tình bị thảm sát vừa qua thì tình cờ biết được tin Ký Con từ Hải Dương sang Nam Định. Thời ấy, ranh giới Quốc Cộng chưa rõ nét, chưa thù hận. Những người yêu nước hoạt động phần lớn là biết nhau, có khi là bạn học chung lớp chung trường rồi mỗi người theo một phía. Đặc biệt là bên Quốc Dân Đảng thì hết sức lơ là, chẳng bao giờ đề phòng sự phản bội của phía Cộng sản. Ký Con lại là nhân vật nổi, tiếng tăm lừng lẫy, hầu như nhóm cách mạng nào cũng biết. Thành ra khi Ký Con về Nam Định, mật thám chưa có tin tức gì mà nhóm Cộng Sản tại đây đã hay biết rồi!
Tuy 3 nhóm Cộng Sản đã kết hợp hoạt động chung, nhưng trên thực tế thì lãnh đạo các tỉnh bộ tại miền Bắc đều nằm trong tay Đông Dương Cộng Sản Đảng tức Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội ngày trước. Nhân danh lý tưởng đảng, nhóm này luôn luôn chủ trương sắt máu và tàn nhẫn, điển hình là hồi tháng 5 năm ngoái, chính họ giết hai đồng chí của họ là Trịnh Thị Nhu và Trịnh Thi Uyển ở Hải Phòng rồi loan tin Quốc Dân Đảng là thủ phạm.
Bây giờ nghe tin Ký Con đang ở Nam Định, mà biết rõ cả địa chỉ Ký Con đang tạm trú, nhóm Cộng Sản Nam Định và Thái Bình họp liền họp nhau bàn kế hoạch ứng xử sao cho có lợi! Một đảng viên tên Đặng Xuân Nghiêu thuộc tỉnh đảng bộ Nam Định, hùng hồn phát biểu:
- Từ sau vụ bạo động ở Yên Bái hồi tháng 2, Quốc Dân Đảng kể như chấm dứt vai trò lịch sử của mình! Xong hẳn rồi, không còn gì phải bàn đến nữa! Vài đảng viên còn xót lại, tạm thời trốn tránh, sớm muộn gì thì cũng bị bắt nốt thôi! Bây giờ chỉ còn lại đảng Cộng Sản của chúng ta tiếp tục sự nghiệp đánh đuổi thằng Tây. Ký Con, tức là Đặng Trần Nghiệp bí danh là Doãn, trưởng ban ám sát của Quốc Dân Đảng, vừa từ Hải Dương trốn sang đây. Tây thù Ký Con ngang với Nguyễn Thái Học, cho nên nay mai khi biết Ký Con ở đây, mật thám sẽ huy động lực lượng lớn về đây lùng bắt. Chừng ấy, tỉnh đảng bộ chúng ta sẽ bị vạ lây! Chi bằng chúng ta đi một bước trước, báo cho Tây biết. Ký Con người nhỏ bé, trói gà không chặt, chỉ cần một thằng mật thám là thừa sức bắt trói Ký Con. Nghĩa là mật thám không cần phải đưa lực lượng lớn về đây làm liên lụy đến chúng ta. Chẳng những thế, chúng ta lại còn có món tiền thưởng 5 nghìn đồng để sung vào quĩ đảng! Nhất cữ lưỡng tiện, cơ hội này không nên bỏ qua!
Đại đa số các đồng chí trong phòng họp đều gật gù tán thành, cho là diệu kế. Nhưng cũng có người gay gắt phản đối:
- Không được! Quốc Dân Đảng làm cách mạng tư sản. Chúng ta làm cách mạng vô sản. Tuy đường lối khác nhau nhưng họ cũng là những người yêu nước, nỡ nào ta đi ốt cáo! Từ vụ ám sát Bazin cho đến bạo động Yên Bái, họ đã cống hiến cho đất nước biết bao nhiêu liệt sĩ và biết bao nhiêu người hiện đang bị tra tấn trong tù. Ta tố cáo Ký Con là sai nguyên tắc đạo đức cách mạng! Ta giết Tây chứ không giết đồng bào! Xin hội nghị bác bỏ ý kiến của đồng chí Nghiêu!
Chưa ai kịp lên tiếng thì Nghiêu lại phân trần thêm:
- Tôi không có oán thù gì với Ký Con. Chẳng những thế, tôi còn quen anh ta từ lúc còn bé ở Phố Hàng Sơn. Bố tôi quen với bố Ký Con là ông Ba làm thợ vàng (thợ vàng hay thợ bạc vậy cha nội??) ở số 36 Phố Hàng Bạc Hà Nội. Tôi quen Ký Con và phục Ký Con. Nhưng tôi biết chắc là Ký Con sắp bị bắt. Nguyễn Thái Học đã bị bắt rồi. Tổng bộ Quốc Dân Đảng tan rã rồi. Mật thám đang càn quét mẻ lưới cuối cùng để xóa sổ Quốc Dân Đảng. Đàng nào Ký Con cũng bị bắt thì chẳng thà mình chỉ cho mật thám bắt để mật thám đừng bắt lây anh em của mình. Vả lại, 5 nghìn đồng là một món tiền lớn, ta dùng được biết bao nhiêu việc! Tôi vì đảng mà đề xuất ý kiến này!
Hội nghị biểu quyết thông qua, giao cho Đặng Xuân Nghiêu cùng hai đồng chí đi gặp mật thám. Nghiêu cùng phái đoàn chuẩn bị đi Hà Nội ngay. Có đồng chí ngạc nhiên hỏi
- Ơ hay, sao không báo ngay cho sở mật thám Nam Định mà phải lên tận Hà Nội là thế nào?
Nghiêu đáp:
- Louis Marty, tổng giám đốc tổng nha liêm phóng Đông Dương là người ký bản cáo tri tặng tiền thưởng cho ai bắt được Ký Con. Phải gặp nó mới chắc ăn. Báo cho mật thám Nam Định, ngộ nhỡ mật thám Nam Định trở mặt, không trả tiền mình thì làm sao? Với lại Louis Marty không biết mình là ai. Chứ biết đâu sở mật thám Nam Định có hồ sơ của mình, rồi họ loan tin là mình tố cáo thì mang tiếng lắm!
Mọi người đều khen Nghiêu suy nghĩ thấu đáo.
Thế là Nghiêu dẫn hai đồng chí ngày đêm chạy sang Hà Nội, đến đường Gambetta (nay là Trần Hưng Đạo), xin vào gặp Marty, nhân vật lớn nhất của hệ thống mật thám bao trùm cả ba nước Việt, Miên, Lào. Nhân viên canh gát hỏi Nghiêu:
- Các anh là ai mà xin gặp quan Tổng Giám Đốc?
Nghiêu khúm núm đáp:
- Bẩm, chúng tôi là nông dân ở Nam Định. Có việc cơ mật cần trình với quan tổng giám đốc!
Nhân viên canh gác tò mò hỏi thêm:
- Việc cơ mật là việc gì?
Nghiêu liền rút trong túi áo ra tờ cáo thị và bức hình của Ký Con, mở ra và hạ giọng nghiêm trọng:
- Chúng tôi biết chỗ Ký Con đang trốn!
Gã nhân viên đứng bật dậy. Trước khi vào trình với Louis Marty, anh ta chỉ mặt Nghiêu và dọa:
- Việc này không phải là chuyện đùa! Nếu không chắc chắn thì đừng có mất thì giờ của quan lớn!
Nghiêu gật đầu quả quyết:
- Chúng tôi là dân quê mùa, có đâu dại dột lại gõ cửa quan nếu không dám chắc! Nhờ ông làm phước vào bẩm với quan hộ chúng tôi!
Anh ta chạy vào trình rồi quay ra xét tỉ mỉ từng người xem có mang thứ vũ khí nào trong mình không. Gặp Louis Marty, Nghiêu khúm núm trình bày cặn kẽ. Louis Marty giật mình sửng sốt, gọi ngay Amoux, giám đốc nha liêm phóng Bắc Kỳ, chỉ thị điều động khẩn cấp lực lượng mật thám Hà Nội, kéo tốc sang Nam Định.
Lộ trình 85 cây số, chỉ vài tiếng đồng hồ sau Amoux đã có mặt. Gã đến thẳng sở mật thám Nam Định, tập họp tất cả nhân viên và mắng như tát nước vào mặt:
- Đồ ăn hại! Ký Con đang có mặt tại đây, cả tỉnh Nam Định đều biết mà tại sao chúng mày không biết! Cáo thị dán đầy đường mà nó ngang nhiên đi lại trước mắt chúng mày. Chúng mày mù hết cả rồi phải không?
Rồi Amoux đưa địa chỉ và bố trí nhân viên về làng Năng Tình. Lực lượng tiến công chủ yếu là mật thám Hà Nội. Nhân viên mật thám Nam Định chỉ theo tăng cường mà thôi.
Sáng hôm sau, Ký Con thức dậy từ giã gia chủ và khăn gói ra đi. Nhưng vừa mới đẩy cửa ra, đã thấy cả một rừng mật thám Tây và ta vây chặt quanh nhà, súng ống loảng xoảng, vừa xông vào vừa quát tháo ầm ĩ. Chúng đập bá súng vào đầu vào bụng Ký Con liên tiếp rồi còng tay anh đẩy lên xe. Gia chủ chứa Ký Con cũng bị đánh nhừ tử tại chỗ rồi đưa về sở mật thám Nam Định để khai thác thêm. Hôm ấy là mùng 8 tháng 5, 1930. Trước khi đưa Ký Con về tổng nha ở Hà Nội. Amoux tập họp nhân viên mật thám Nam Định một lần nữa và nặng lời xỉ vả những kẻ tắc trách. Mấy gã trưởng toán người Việt, bị Amox lôi ra, tát mỗi đứa một cái tát tay nảy đom đóm mắt! Tất cả đều chỉ biết cúi đầu nhận lỗi!
Bản tin bắt được Ký Con được sở mật thám Hà Nội loan đi rất nhanh như một chiến thắng lớn. Chẳng những đám ký giả Pháp đang có mặt tại Hà Nội tò mò muốn đến nhìn mặt và phỏng vấn, mà ngay cả những kiều dân thường, không dính dáng gì đến chính quyền bảo hộ, cũng hiếu kỳ đòi vào gặp Ký Con, giống như họ đòi gặp Nguyễn Thái Học trước đây. Danh tiếng Ký Con lan truyền hai năm nay vì những hành động xuất quỉ nhập thần của trưởng ban ám sát, chuyên thi hành bản án của tòa án cách mạng. Anh lại được nhiều người thiêu dệt thêm cho anh trở thành huyền thoại.
Đến khi họ gặp thì họ càng sửng sốt vì Ký Con chỉ là một cậu thanh niên thư sinh hiền hòa, dáng người vốn nhỏ bé lại càng gầy guộc vì trốn tránh mấy tháng nay.
Gặp Ký Con trong văn phòng Amoux, nhà báo Louis Roubaud nêu nhận xét:
- Amoux là giám đốc công an của Pháp. Ký Con là giám đốc công an của Quốc Dân Đảng! Chẳng qua Ký Con thua, nên trở thành tù nhân của Amoux!
Rồi Rouboud hỏi Ký Con một câu quan trọng:
- Ông có phải là Cộng Sản không?
Ký Con nhấn mạnh:
- Tôi chỉ là một người cộng hòa, làm cách mạng giải phóng đất nước tôi!
Dĩ nhiên Rouboud biết điều đó. Nhưng quần chúng Pháp ngày ấy ít có ai có cảm tình với Cộng Sản, nên Rouboud muốn Ký Con xác nhận.
Bắt được Ký Con rồi, tổng nha mật thám đông dương giữ đúng lời hứa, trao tặng Đặng Xuân Nghiêu và hai đồng chí số tiền thưởng 5 nghìn đồng. Cả bọn hí hửng nhận tiền về Nam Định chuẩn bị ăn mừng.
Nhưng, thiên bất dung gian! Sở mật thám Nam Định từ khi bị Amoux khiển trách, ấm ức cho người điều tra xem đứa nào đã lên gặp Louis Marty. Trong sở có ông Phán Tảo phụ trách hồ sơ công văn, từ lâu vốn biết Đặng Xuân Nghiêu là đảng viên Cộng Sản mà Pháp thì đang rất ghét Cộng Sản. Biết, nhưng ông Tảo không nói ra vì công việc của ông chỉ lo giấy tờ, không phải nhiệm vụ đi bắt người. Nay thấy cả sở bị thượng cấp xỉ nhục, lại thêm mối bất mãn là đảng này tố đảng kia, ông Tảo liền cho xếp biết cái nhóm đi tố Ký Con chính là tỉnh đảng bộ Cộng Sản tỉnh Nam Định. Sở mật thám Nam Định điều tra thêm và xác nhận viên Cộng Sản.Thế là tiền thưởng chưa kịp tiêu đã bị đòn nhừ tử. Chánh sở mật thám Nam Định đích thân tát cho mỗi đứa mấy cái nẩy lửa và mắng:
- Tiên sư cha chúng mày! Ký Con về Nam Định, tao ngồi lù lù ngay ở đây, sao chúng mày không đến báo cho tao biết, mà chạy tuốt xuống tận Hà Nội để tâng công với tổng giám đốc Louis Marty! Tao không đáng để chúng mày nói chuyện à? Tao bị tổng giám đốc mắng như tát nước vào mặt vì tắc trách, thì hôm nay tao sẽ không tắc trách nữa. Tỉnh đảng bộ Cộng Sản của chúng mày sẽ tan tành!
Lập tức đàn em ùa vào lôi cổ họ xuống nhà giam và bắt đầu hỏi cung! Bấy giờ cả bọn mới chửi đồng chí thân yêu Đặng Xuân Nghiêu là vụng tính!
Tin Ký Con bị bắt làm Lê Hửu Cảnh choáng váng, dù rằng ông đã đoán trước việc ấy sẽ xẩy ra. Ông chỉ tiếc rằng không gặp được Ký Con từ sau đêm khởi nghĩa đến giờ. Trong thâm sâu, ông vẫn nhớ ơn Ký Con đã không thủ tiêu ông theo lệnh của Tổng Bộ. Giờ này thì chắc chả bao giờ còn trông thấy nhau nữa bởi ông tin chắc Ký Con sẽ lãnh án tử hình. Ông cũng chưa biết việc Ký Con bị bắt là do nhóm Cộng sản chỉ điểm. Vốn có ác cảm với Cộng Sản, nếu ông biết rõ việc này, thì mối hận của ông sẽ tăng lên gấp trăm lần!
Lê Hửu Cảnh ở lại Hải Phòng lo việc kinh doanh, nhưng mọi kế hoạch đều gặp trở ngại vì chẳng biết tin ai để mời hợp tác mặc dầu đã có số vốn khá lớn trong tay. Nhóm của Cảnh không biết tin ai đã đành mà chính những người dân thường chưa phải đảng viên cũng né tránh, ngại giao dịch với Quốc Dân đảng vì biết đoàn thể này đang bị lùng bắt khắp nơi. Tình trạng này, Cảnh đã từng gặp phải ở Hà Nội mấy tháng trước. Lúc được bầu lên nắm quyền đảng trưởng thay Nguyễn Thái Học. Cảnh nhìn trước trông sau thấy nhân sự của đảng thưa thớt quá, ông mới liên lạc với chi bộ học sinh để tìm vài đoàn viên trẻ, nâng lên làm việc cho cho bộ. Chi bộ học sinh vốn do Hồ Văn Mịch gây dựng từ khi đảng mới thành lập năm 1928. Hồ Văn Mịch là tấm gương sáng, có tác phong lãnh tụ nên được giới trẻ đặc biệt tin tưởng. Mịch cũng là người ở trọ chung nhà với Nguyễn Thái Học và được đảng trưởng hết lòng quí trọng. Chi bộ học sinh đang phát triển mạnh và vững thì Hồ Văn Mịch bị bắt sau vụ ám sát Bazin. Lúc ấy, Hồ Văn Mịch đang mắc bệnh lao, thân thể gầy gò, nằm điều trị trong nhà thương Phú Doãn. Mật thám vào còng tay, đưa anh đi và Hội Đồng Đề Hình kết án 10 năm cấm cố. Nhưng anh mới ở tù được 3 năm thì mất ngày 8 tháng 4 năm 1932 tại Côn Đảo.
Chi bộ học sinh từ ngày Mịch vào tù vẫn sinh hoạt đều đặn bởi Tổng Bộ còn hiện diện. Nhưng từ sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái và nhất là sau khi Nguyện Thái Học bị bắt, các đoàn viên trẻ như đàn ong vỡ tổ, xẩy đàn tan nghé, hoang mang như những con thuyền giữa đêm khuya mà không còn nhìn thấy ánh sáng hải đăng. Họ phân tán, không dám họp nhóm như thường lệ. Gặp nhau ở trường ở lớp thì né tránh nhau vì trường nào cũng bị Tây gài mật thám thật nhiều ăn-ten chỉ điểm. Tình hình bi đát ấy làm Lê Hửu Cảnh hết sức thận trọng. Ông cần người để hoạt động, nhưng cái hào khí của 2 năm trước, đang bị bao phủ bởi một lớp mây đen sợ hãi khiến ông chẳng biết tin ai. Hở một tí là bị Pháp chặc đầu hoặc đày đi biệt xứ, nhất là khi cả đảng trưởng Nguyễn Thái Học cũng như những nhân vật thần tượng của giới trẻ đều không còn hiện diện.
Bây giờ sang Hải Phòng tìm người hợp tác kinh doanh cũng vậy. Cảnh gặp muôn vàn vất vả, lại phải trốn tránh, thay đổi chỗ ở thường xuyên và cải trang liên tục. Giấc mộng đường dài phục hồi đảng của Lê Hửu Cảnh khó mà thực hiện được!
Từ Hỏa Lò, tin tức đưa ra cho biết: Ngày 17 tháng 6, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí sẽ lên đoạn đầu đài. Người dân bấy giờ vẫn quen miệng dùng chữ thời phong kiến gọi là “xử trảm”!
Chiều ngày 16 tháng 6, từ xà-lim dành cho những người lãnh án tù, nhóm tù nhân Quốc Dân đảng bị xích hai người làm một, dẫn ra khỏi Hòa Lò để ra ga Hàng Cỏ đi xe lửa lên Yên Bái. Nguyễn Thái Học đi ngang bất cứ phòng giam nào cũng nói thật lớn:
- Vỉnh biệt anh em! Chúng tôi đi trả nợ nước đây! Cờ độc lập phải nhuộm bằng máu! Tổ quốc còn cần đến sự hy sinh của con dân nhiều hơn nữa. Nước nhà thế nào cũng được độc lập tự do. Kính chào các anh em ở lại!
Ai nghe ông nói cũng bùi ngùi rơi lệ, kể cả những tù hình sự. Phó Đức Chính cùng những đồng chí khác cũng lập lập lại cái ý nghĩ của đảng trưởng, nhắn nhủ và từ biệt mọi người.
Sở dĩ bên ngoài biết được là vì trong số những nhân viên cai ngục ở Hỏa Lò,có người mang nặng thiện cảm với Quốc Dân Đảng nói chung và kính nể Nguyễn Thái Học nói riêng, đã tìm cách loan báo bản tin ấy từ mấy hôm trước. Ông ta báo với người giao liên của cô Giang:
- Lúc đầu, Tây định kín đáo xử bắn thầy Học và các đồng chí của thầy ngay ở cổng Hỏa Lò để tránh mọi rắc rối. Nhưng quan Thống sứ bắt đưa lên Yên Bái vì hôm nọ đã xử trảm 4 người của Quốc Dân Đảng là nhóm Cai Hoằng, Cai Thuyết với hai nông phu ở pháp trường Yên Bái rồi. Quan Thống sứ bảo không có gì phải lo, vì sẽ có lính Lê Dương, lính Khố Xanh, lính Khố Đỏ, lực lượng cảnh binh và lính kín giữ trật tự! Tối 16 sẽ đáp tàu hỏa lên. Tảng sáng hôm sau là hành quyết!
Người giao liên tất tả chạy đi báo cho cô Giang biết. Cô Giang sai anh ta chạy lại nhà Minh để tìm Lê Hửu Cảnh. Nhưng Cảnh đã đi Hải Phòng rồi.
Minh theo người giao liên đến gặp cô Giang tại nhà của một đồng chí thuê buồng trọ ở phố Đỗ Hữu Vỵ, cửa bắc thành Hà Nội. Đỗ Hữu Vỵ là con của Đỗ Hữu Phương, nhân vật nổi tiếng trung thành với Pháp, mà người dân quen gọi là Tổng Đốc Phương. Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xương, tứ Lộc. Bốn người giàu nhất mịền Nam nhờ bổng lộc của Pháp. Con gái Tổng Đốc Phương lấy Hoàng Trọng Phu, Tổng Đốc Hà Đông, cũng là một nhân vật tay sai khét tiếng, từng vào nhìn mặt Nguyễn Thái Học ở Hỏa Lò vì hiếu kỳ Ba người con trai của Tổng Đốc Phương mang quốc tịch Pháp, người đầu làm đến đại tá trong quân đội Pháp, người kế làm chánh án của Pháp và bản thân Đỗ Hữu Vỵ là Đại úy không quân, tử trận trong đệ nhất thế chiến, được Pháp đặc tên phố ở Hà Nội. Sau này Đỗ Hữu Vỵ được đổi lại là Cửa Bắc, con phố nhỏ này có khá đông người tứ phương đến tạm cư, trong đó có nhiều người hoạt động cho cách mạng cả hai phía, Quốc Dân Đảng cũng như Cộng Sản.
Trong căn buồng nhỏ ở trên gác, Minh thấy cô Giang nước mắt lưng tròng, đứng ngồi không yên. Cô hỏi Minh:
- Anh Cảnh đâu?
Minh chớp mắt đáp nhỏ:
- Anh Cảnh xuống Hải Phòng rồi!
Cô Giang im lặng. Minh ái ngại hỏi:
- Chị có cần tôi xuống Hải Phòng tìm anh Cảnh không?
Cô Giang ngồi bệt trên sàn nhà, tựa lưng vào vách, y như cái hôm cô đến nhà Minh gặp Cảnh sau khi nghe tin Nguyễn Thái Học bị bắt. Cô quệt nước mắt và bảo:
- Tôi hỏi thế thôi, chứ đã đến nước này thì anh Cảnh cũng chịu bó tay chứ làm gì được! Vả lại, anh xuống Hải Phòng đã chắc gì gặp được anh ấy ngay. Chỉ còn có hai hôm nữa!
Cô bỏ bỡ câu nói, đầu gục xuống. Minh sớ rớ đứng bên cạnh, không bịết làm gì. Anh nhìn rõ tâm trạng của cô Giang. Trong giờ phút quá tuyệt vọng, cô muốn gặp Cảnh cùng các đồng chí khác chỉ để nhìn nhau mà cùng rơi lệ thôi, chứ làm gì được nữa! Muộn quá rồi! Một lúc sau, cô ngẫng lên lạnh lùng bảo Minh:
- Anh đi với tôi lên Yên Bái!
Minh gật đầu hăm hở nói:
- Chị muốn tôi đi đâu tôi cũng đi! Anh Cảnh đã dặn tôi ở lại đây nếu chị cần gì thì tôi … đỡ chị một tay! Huống chi chính tôi cũng mong muốn được chứng kiến giờ phút lịch sử của anh Học, của đảng!
Im lặng một chút, Minh cảm động tiếp:
- Tôi nhớ cái đêm anh Viên giết Bazin, cũng chạy lại kể hết đầu đuôi với tôi và bảo tôi mai sau phải viết lại lịch sử đảng vì tôi là nhà báo duy nhất của đảng chưa bị đi tù! Pháp trường Yên Bái còn quan trọng gấp vạn lần vụ Bazin. Tôi sẽ đi cùng chị!
Cô Giang không nói gì nữa, mắt mở trừng trừng nhìn qua cửa sổ. Mấy phút im lặng qua đi, cô quay lại bảo Minh:
- Bây giờ anh về đi. Chiều ngày kia anh lại đây! Lại sớm một tí!
Minh gật đầu:
- Vâng! Độ quá trưa thì tôi sẽ lại đây gặp chị. À. Nhưng mà tôi phải nói luôn. Tin đồn nhiều lắm chị ạ. Có người bảo tôi là Tây chỉ đưa những người tòng phạm lên Yên Bái thôi. Còn anh Học và anh Chính thì Tây đã xử bắn ngay trong Hỏa Lò rồi!
Minh muốn kể thêm một số tin đồn nữa mà giới nhà báo đang xầm xí mổ xẻ. Nhưng cô Giang xua tay nói:
- Anh cứ về đi! Trưa ngày kia anh lại đây. Tôi với anh đi Yên Bái!
Minh gật đầu chào và bước xuống thang gác.
Từ ngày gia nhập Quốc Dân Đảng, đây là lần đầu tiên Minh được đi công tác chung với cô Giang, nên trong lòng anh rất xúc động, mặc dầu anh biết chuyến đi này hết sức nguy hiểm, có thể là một cuộc hành trình sinh tử đối với Minh. Anh ngạc nhiên là cô Giang không rủ ai, mà lại kéo có mình anh theo. Chắc là vì cô biết anh là người tín cẩn của Lê Hữu Cảnh.
Từ giã căn gác trọ của cô Giang ở phố Đỗ Hữu Vỵ, Minh trở về căn phòng đìu hiu của mình, lòng xao xuyến hỗn độn, vừa lo âu vừa háo hức. Anh chưa biết ý định của cô Giang thế nào nên chẳng biết mang theo những gì. Anh ngồi xuống mép giường, lơ đảng lấy gói thuốc Mélia ra hút. Trong làn khói xanh đục, anh nhớ lại hình ảnh cô Giang đến đây lần đầu, ngồi bệt trên sàn nhà nức nở khóc vì Nguyễn Thái Học bị bắt. Rồi từ cô Giang, Minh miên man nghĩ đến Duyên và lòng thấy nao nao tội nghiệp. Duyên đã tìm đến với Minh, đã nằm trong cánh tay Minh để rồi từ giã chẳng biết bây giờ ở đâu. Với Minh thì quan hệ tình cảm giữa hai người không nghiêm trọng lắm, nhất là anh đang bị dày vò bởi viễn ảnh thê lương của đảng. Nhưng Minh biết, trên đường đời hôm nay và mãi mãi sau này, Duyên sẽ chẳng bao giờ phai mờ được hình ảnh của Minh trong tim. Chính trên chiếc giường nhỏ này, nằm bên Minh, Duyên đã tha thiết nói:
- Dù mai sau có gặp lại anh hay không thì em cũng cứ xem như em đã có chồng rồi!
Câu nói chân thành làm Minh cảm động lắm, mấy đêm liên tiếp nằm một mình cứ thao thức nhớ đến Duyên. Nhưng nhớ thì nhớ chứ hy vọng tái ngộ thì khó khăn muôn trùng bởi thời này hầu như bất cứ ai dấn thân vào đường cách mạng đều khó thoát khỏi tù đày, hoặc có khi mất mạng.
Xế trưa ngày 16 tháng 6, Minh đến nhà cô Giang như đã hẹn trước. Anh chuẩn bị sẳn hành trang đơn giản cho chuyến công tác đặc biệt sắp tới. Chuẩn bị cả tinh thần cho cuộc mạo hiểm bên cạnh người phụ nữ mà anh hết sức cảm phục. Nhưng vừa thấy Minh thì cô Giang xua tay bảo:
- Anh về đi. Tôi đi mình tiện hơn!
Minh há mồm ngơ ngác nhìn cô Giang. Chưa kịp hỏi tại sao cô đổi ý thì cô tiếp:
- Tôi nghĩ lại rồi. Anh không nên đi!
Minh chì chiết:
- Chị cho tôi theo chị chuyến này. Tôi muốn được nhìn anh Học và các đồng chí lần cuối.
Cô Giang nhắc lại:
- Tôi đi mình dễ xoay trở hơn. Dù sao mấy năm nay tôi cũng đã quen rồi. Anh về đi. Có cần gì thì tôi sẽ nhờ người liên lạc với anh!
Minh đứng sớ rớ một lúc rồi chia tay. Nhưng anh không về nhà. Anh ra thẳng sân ga Hàng Cỏ chờ cô Giang ngoài ấy. Trời còn sớm, nắng chưa tắt hẳn. Chung quanh Minh, đủ mọi thứ âm thanh hỗn độn vang lên. Tiếng còi tàu, tiếng rao hàng, tiếng nói chuyện, tiếng khóc trẻ con, tiếng quát nạt của đội xếp. Tiếng bước chân thình thịch đuổi theo một đứa ăn cắp vặt. Hoạt cảnh huyên náo này diễn ra hàng ngày nhưng chả bao giờ Minh chú ý cho đến hôm nay mới có dịp quan sát tỉ mỉ làm anh nảy ra ý định sẽ viết một bài phóng sự về đời sống ở nhà ga.
Minh tạt vào một quán nước ngồi lẫn trong đám đông những người lao động vất vả quanh năm. Anh cũng ăn mặc nghèo nàn như họ, cũng đội cái nón vải cũ mượn của ông Sửu, nên không ai để ý. Anh sốt ruột nhìn quanh sân ga, định bụng lát nữa sẽ nài nỉ cô Giang cho đi chung lên Yên Bái.
Ga Hàng Cỏ thành lập từ đầu thế kỷ, là một khúc rẽ quan trọng của thủ đô Hà Nội. (Ông Ngạn này, Hà Nội lúc bấy giờ đâu còn là thủ đô. Trình đình Nguyễn đóng đô ở Huế kia mà!!) Do nhu cầu phát triển kinh tế và chuyển vận quân sự, toàn quyền Paul Doumer đã xây dựng nhà ga cùng với cầu Sông Cái, thường được gọi là cầu Paul Doumer hoặc cầu Long Biên. Từ Hà Nội, các tuyến đường sắt nối liền biên giới Hoa Việt, trạm dừng ở Lạng Sơn, Lào Kay và tỏa đi Hải Phòng vào Vinh, sang Vientien và Nam Vang. Paul Doumer xuất thân là nghị sĩ của Pháp, làm toàn quyền Đông Dương từ năm 1897 cho đến 1902, sau khi khánh thành ga Hàng Cỏ thì về nước. Sau này, ông làm tổng thống Pháp và bị ám sát chết năm 1932. Năm năm toàn quyền Đông Dương cho ông nhiều kỷ niệm sâu sắt, được ông ghi lại trong cuốn Souvenirs.
Nơi đây, ở nhà ga tiên khởi này, chỗ Minh đang ngồi, ngày trước thời Hà Nội còn mang tên thành Thăng Long, là những bãi hoang bát ngát, dân tứ xứ đến cắt cỏ, bày thành một cái chợ nhỏ bán cho người trong thành để nuôi bò nuôi ngựa. Từ đó mới có tên Hàng Cỏ. Hàng Cỏ nằm ở khu vực Tây Nam Hà Nội. Ngày Noel năm 1898, chính phủ Pháp ban hành đạo luật thành lập đường xe lửa trên toàn cõi Đông Dương, kêu gọi cổ phần của các công ty lớn tham gia đầu tư. Năm 1902, nhà ga hòan tất và những năm kế tiếp, các tuyến đường chính yếu lần lượt được hoàn thành.
Nhà ga nhìn bề ngoài văn minh bề thế lắm, nhưng quanh khu vực nhà ga thì nhà cửa thưa thớt tiêu điều vì người An Nam chưa quen lối di chuyển bằng tàu hỏa, cho nên xe lửa phần lớn chỉ dùng để vận tải hàng hóa. Phải mất đến 20 năm sau, phố Hàng Cỏ mới dần dần lôi cuốn người về xây dựng nhà cửa tương đối sầm uất.
Minh đang miên mang nghĩ ngợi thì giật mình nghe tiếng hò hét từ ngoài cửa. Anh đứng bật dậy chạy ra xem. Chiếc xe tù nhân vừa đỗ lại. Một lực lượng hùng hậu gồm đội xếp, lính Lê Dương và mật thám áp giải 13 đồng chí Quốc Dân Đảng lên tàu hỏa. Minh không dằn nổi xúc động, nước mắt tự nhiên cứ trào ra. Anh cố xông lại gần, nhưng cũng giống như bao người dân hiếu kỳ khác, anh bị xua đuổi, đẩy hẳn ra xa, đứng lẫn vào đám đông, ứa nước mắt nhìn theo. Chỉ có 2 người Minh biết mặt là đảng trưởng Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính. Những người khác đều thuộc Binh Đoàn Yên Bái ở vùng khác đến tham gia trận đánh nên Minh chưa gặp bao giờ. Tất cả đều gầy guộc xanh xao, chân tay vướng xiềng xích loảng xoảng, nhưng vẫn giữ nét hiên ngang của những tấm lòng yêu nước thiết tha. Minh nhớn nhác nhìn quanh tìm cô Giang nhưng không thấy. Rồi chỉ trong khoảnh khắc, tất cả các tù nhân đều bị đẩy lên toa tàu, khép cửa kín lại và tiếng còi rít lên, bánh sắt từ từ nghiến trên đường rầy, đưa các anh hùng Yên Bái vào lòng đất mẹ. Chuyến tàu định mệnh được canh chừng cẩn mật, tăng cường tối đa lính gác ở mỗi toa. Minh không làm cách nào lên được. Anh chỉ biết nghẹn ngào đứng trông theo cho đến khi đoàn tàu khuất hẳn. Anh biết chắc bên cạnh anh cũng có nhiều đảng viên Quốc Dân Đảng ra tiển biệt đảng trưởng và 12 đồng chí. Nhưng anh không biết họ cũng như họ không nhận ra anh là người cùng đảng.
Minh nán lại, đi thơ thẩn trên sân ga, tự hỏi giờ này không biết cô Giang đang ở đâu. Có thể cô cũng như Minh, chỉ biết đau đớn đứng nhìn 13 đồng chí lên xe rồi khóc thầm bỏ về, chứ biết làm gì bây giờ!
Thật ra thì Minh đoán có phần đúng. Cô Giang cũng sẽ không thể lên được con tàu lịch sử này nếu không nhờ 2 đồng chí phụ đốt than và thợ máy trên tàu tìm cách đưa cô lên. Họ đưa bộ quần áo đàn ông cho cô mặc để giả làm thợ máy, rồi suốt quãng đường dài, cô ngồi giấu mình trong toa than, không đi sang toa khác được vì lính canh đứng ngồi rải rác khắp nơi.
Ngồi ủ rũ trong toa than, lòng cô cồn cào như lửa đốt. Trong cái tay nải nâu của cô đặt bên cạnh, có khẩu súng lục đã nạp đạn sẳn và mấy quả bom. Cô tưởng mình có thể cho nổ toa tàu chở tù nhân để giải cứu các đồng chí. Cô dự tính trong đầu là khi toa tàu vỡ tung, các đồng chí bỏ chạy thì mình cô sẽ đứng lại, dùng súng đương đầu với lính canh để các đồng chí thoát thân. Cô sẳn sàng hy sinh nằm xuống vì Nguyễn Thái Học và các đồng chí. Nhưng giờ này ngồi đây, tuy cùng chung một chuyến tàu, cô mới thấy đó chỉ là chuyện giả tưởng. Cô không thể nào tới gần cái toa tàu chở tù nhân được. Mấy trái bom đang nằm im trong tay nải kia, không biết rồi cô sẽ xử dụng vào việc gì!
Tàu dừng lại ở ga Yên Bái. Chiếc xe đen của nhà lao Yên Bái đã chờ sẳn. Mười ba tù nhân được đưa ngay vào nhà tù mấy tiếng đồng hồ rồi lại đưa trở ra pháp trường lúc gà vừa gáy sáng. Mọi việc xảy ra nhanh chóng dưới sự canh phòng của lực lượng vũ trang đông đảo. Dân chúng đứng xem xa xa. Trong màn sương vắng lặng, họ nghe tiếng hô vang của tù nhân “Việt Nam muôn năm! Việt Nam bất diệt”. Mỗi tiếng hô là một cái đầu rơi. Khoảng 5 giờ 30, tử tội cuối cùng là đảng trưởng Nguyễn Thái Học, chưa dứt tiếng hô, lưỡi dao đã phập xuống! Năm ấy, ông tròn 28 tuổi.
Cô Giang thất thiểu trở về. Mộng lớn không thành mà tình riêng cũng chẳng vẹn. Cô quyết định tìm cho mình một hướng đi. Cô viết lá thư tuyệt mệnh với tư cách là con dâu gửi lại song thân Nguyễn Thái Học. Rồi cô tìm cách sang chánh quán Nguyễn Thái Học, tức quê chồng ở làng Thổ Tang, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Cô vào từ biệt gia đình chồng rồi đi bộ ra Xóm Mới làng Đông Vệ, cách Thổ Tang chừng một cây số. Ở đó có cái quán bán nước chè xanh của bà hàng quen thuộc dưới gốc cây đề, nơi cô từng ngồi với Nguyễn Thái Học và vài đồng chí Tổng Bộ. Cô vào uống nước xong, mới ra gốc cây dùng súng kết liễu đời mình như lời thề năm xưa ở đền Hùng. Hôm ấy là ngày 18 tháng 6 năm 1930, cô vừa tròn 22 tuổi.
Cái chết của đảng trưởng Nguyễn Thái Học là một sự giao động lớn trong lòng các đồng chí nhất là những người đang ở tù. Họ mất hết niềm hy vọng của tương lai. Nguyễn Thái Học như cây cột chống đỡ mái nhà, nay cây cột bị chặt đứt, họ biết căn nhà sớm muộn gì cũng sụp đổ.
Tuy thế, một số đồng chí vẫn kiên trì giữ vững mạch sống của đảng, nhưng chuyển hướng sang một con đường an toàn hơn. Ba hôm sau ngày 13 liệt sĩ bị hành quyết trên Yên Bái, Vũ Văn Giản vượt biên sang Trung Hoa và đổi tên là Vũ Hồng Khanh, trở thành một lãnh tụ quan trọng sau này.
Thầy giáo Vũ Văn Giản tham gia Quốc Dân Đảng từ buổi đầu, được nâng lên hàng cán bộ trung ương từ Hội Nghị Đức Hiệp, tháng 5 năm 1929, vì cần bổ xung nhân sự bị bắt sau vụ ám sát Bazin. Tại Hội Nghị Mỹ Xá bàn việc tổng khởi nghĩa, Vũ Văn Giản được giao công tác cùng 2 đồng chí Nguyễn Văn Chấn và Phạm Văn Tình, phát động các trận tấn công Kiến An và Hải Phòng. Cuộc khởi nghĩa thất bại, 75 đảng viên bị bắt, Vũ Văn Giản chạy thoát và bị tuyên án khiếm diện 20 năm tù. Bây giờ ông tìm đường trốn sang được Trung Hoa, liên lạc ngay với các đồng chí và kiều bào bên ấy. Vân Nam Đạo Bộ bầu ông lên thay thế Nguyễn Thế Nghiệp, bởi dù sao ông cũng trực tiếp có mặt trong cuộc khởi nghĩa đánh thực dân Pháp. Một số các đồng chí khác cũng dần dà từ trong nước trốn qua Trung Hoa để tiếp tục hoạt động, chẳng hạn như Trần Đông A và vợ là Mỵ Nương, Nguyễn Ngọc Sơn và vợ là Lê Thị Thăng, Bùi Văn Hạch, Lê Tùng Sơn, Vũ Tiến Lữ v.v. Trần Đông A, Bùi Văn Hạch và Lê Tùng Sơn sau này đều theo Việt Minh cả
Ở lại trong nước, chỉ còn nhóm Lê Hữu Cảnh quyết bám trụ.Ông thường xuyên ở Hải Phòng để lo công việc kinh doanh. Lâu lâu có việc cần mới về Hà Nội thì căn gác trọ của Minh là điểm hẹn để ông gặp gỡ một vài đồng chí tín cẩn. Việt Nam Quốc Dân Đảng vốn đã tiêu điều từ sau cuộc khởi nghĩa, lại càng xác xơ sau khi Nguyễn Thái Học bị xử tử. Các đồng chí chưa bị bắt thì cố gắng phân tán, trốn tránh, không dám hội họp với nhau. Trung ương gần như mất hẳn liên lạc với các tỉnh bộ. Mỗi địa phương đành phải thu hẹp hoạt động trong phạm vi riêng lẻ của mình.
Gần một tháng sau, đêm ngày 10 tháng 7 năm 1930, vào lúc tảng sáng, một toán khá đông mật thám bủa vây căn nhà ở Hải Phòng, nơi vẫn được coi là cơ quan cải tổ đảng, tức là chỗ liên lạc của tân ban chấp hành Tổng Bộ từ sau khi Nguyễn Thái Học bị bắt. Chúng đạp cửa lao vào, Lê Hữu Cảnh và Nguyễn Xuân Huân đang ngủ trên giường, bị mất gã mật thám xông thẳng vào, vừa hò hét vừa rọi đèn, chẹn lấy cổ và toàn thân hai người. Cả Cảnh và Huân đều có súng lục để ngay ở đầu giường nhưng không lấy kịp, đành phải cắn răng chịu những cú đấm dữ dội vào mặt và vào bụng rồi tra tay vào còng. Ở buồng trong, lũ mật thám cũng vừa túm lấy đồng chí Lê Thị Thành lôi ra. Chúng lục lọi một lúc, lôi trong cặp da của Lê Hữu Cảnh tờ giấy ghi bản án tử hình toàn quyền Pìerre Pasquier mà Cảnh và cô Giang đã soạn từ mấy tháng nay. Ở buồng trong, chúng cũng khám phá ra hàng đống dụng cụ chế bom cùng công thức làm các loại chất nổ.
Tại Sở Mật Thám, trong căn phòng điều tra ở lầu 1, chỉ huy trưởng toán cảnh sát đặt biệt Pujol dùng mọi cực hình tra tấn Lê Hữu Cảnh và Nguyễn Xuân Huân. Lê Hữu Cảnh giả vờ bằng lòng hợp tác, sẳn sàng khai hết bí mật của đảng. Pujol cho Cảnh ngồi đối diện. Bất ngờ, Cảnh chộp bình mực trên bàn, ném thẳng vào mặt Pujol rồi lao đầu qua cửa sổ, nhảy lầu tự tử. Nhưng số ông chưa chết được, vì lầu thấp quá! Chúng lôi Cảnh vào nhà ngục giam cùng Nguyễn Xuân Huân. Năm sau hai người cùng bị xử tử ở trước cổng Hỏa Lò. Năm ấy Lê Hữu Cảnh 35 tuổi.
Hơn mười năm sau, tên Lê Hữu Cảnh được đặt cho một con phố ở Hà Nội để ghi nhớ một anh hùng chống Pháp giống như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu và Ký Con. Nhưng khi Việt Minh cướp chính quyền, họ đã xóa tên Lê Hữu Cảnh khỏi con phố ấy!
Trở lại chuyện Hà Nội tháng 7 năm 1930, từ khi cô Giang tự tử và nhất là Lê Hữu Cảnh bị bắt, Minh khủng hoảng tinh thần trầm trọng, nằm liệt giường đến cả tháng. Đảng viên chẳng còn ai liên lạc với Minh nữa. Lý do đơn giản chỉ có hai người biết địa chỉ của Minh thì đều không còn nữa. Ngày ngày Minh nằm bẹp trên căn gác đìu hiu nóng nực. Thuốc thang thì chỉ có mình ông Sửu khập khiễng đi lên đi xuống, vừa chữa bệnh cho Minh, vừa tìm lời trấn an. Ông bảo Minh:
- Thầy cố tịnh dưỡng cho lại sức đi đã. Rồi nếu thầy còn muốn tiếp tục con đường cách mạng của thầy thì, cứ như tôi xét, giai đoạn này tạm thời thầy phải lánh sang Tàu. Bên ấy, nghe bảo lực lượng Việt Nam Quốc Dân Đảng lúc này hùng hậu lắm!
Minh thở dài đáp:
- Chắc cũng đành phải thế thôi. Đàng phải sang Tàu thôi. Ở lại thì hết đường hoạt động! Cô Giang thì chết rồi. Anh Cảnh, người đỡ đầu của tôi mà lúc nào tôi cũng tôn là bật thầy, chắc chắn sẽ bị chúng nó chặt đầu nay mai. Tôi phải làm gì để trả thù cho anh ấy chứ chẳng nhẽ lại bỏ cuộc!
Ông Sửu phân vân không nói gì. Ông cũng đồng ý với Minh bởi ông thấy rõ ở trong nước, Quốc Dân Đảng đã hết đất dụng võ, Minh nên ra ngoài chờ thời cơ.
Hai tháng sau, Minh bình phục hẳn mặc dầu người gầy xọp đi. Anh khỏi bệnh rồi, cái Nhi con bà dì, mới tình cờ biết tin anh bị đau. Cô chạy lại thăm hỏi và nấu cháo cho Minh liên tiếp cả tuần lễ, miệng cứ lập đi lập lại mãi một câu:
- Chết! Ốm nặng như thế mà chả cho em biết! Anh tệ thật! Ngộ nhỡ có thế nào thì làm sao?
Minh chỉ mệt mỏi cười không đáp. Cả năm nay, Minh tránh không liên lạc với gia đình bà dì vì Lê Hữu Cảnh thường đến gặp anh. Anh không muốn chuyện rủi ro của anh làm liên lụy đến người thân, nên anh không đến thăm Nhi, làm như anh đã dọn nhà đi chỗ khác! Anh dự định ăn uống nghỉ ngơi một thời gian cho lại sức rồi sẽ đi tìm đường qua bên kia biên giới.
Minh khỏi bệnh được khoảng hai tuần thì một hôm, lúc trời xế chiều, anh đang ngồi với ông Sửu bên kia đường, bỗng giật mình thấy một thiếu nữ đến trước cổng nhà anh, đứng thập thò trông lên gác. Rõ ràng người ấy đang tìm Minh. Anh nhíu mày nhìn sang. Cái dáng ấy làm anh nao nao nhớ đến cô Giang hôm tìm anh lần đầu. Cô gái vẫn đội nón lá nên anh không nom rõ mặt. Anh đứng dậy băng ngang qua đường, đến gần mới sửng sốt nhận ra Duyên! Anh đứng ngây người một lúc khá lâu vì bất ngờ, rồi mới định thần lật đật đẩy cánh cổng, kéo Duyên lên gác.
Chia tay đã hơn nửa năm, bao nhiêu sóng gió vây quanh, Minh chẳng bao giờ tin rằng còn có ngày gặp lại Duyên ở Hà Nội. Hai người bước vào phòng, khép cửa lại rồi ôm chầm lấy nhau. Duyên quăng cái nón xuống chân rồi gục mặt vào cổ Minh và lập đi lập lại:
- Em nhớ anh quá! Em lúc nào cũng nhớ anh!
Minh dìu Duyên lại, ngồi xuống giường và nói:
- Anh tưởng em đi công tác xa lắm rồi! Hóa ra vẫn quanh quẩn ở đây ư?
- Không! Quanh quẩn ở đây thế nào được! Em đi xa rồi chứ, sang mãi tận bên Thái Bình cơ mà! Nhưng em về hôm qua! Chạy liều lại đây thăm anh một tí rồi em lại đi ngay
Minh không ngạc nhiên:
- Thế lần này đi đâu?
- Em chưa biết!
Lúc bấy giờ Duyên mới nhận ra cái nét xanh xao ở Minh. Cô lo âu hỏi:
- Dạo này sao anh gầy thế? Nom như người mới ốm đấy!
Minh cười:
- Thì anh mới ốm dậy thật chứ nom cái gì!
Duyên chợt nhớ đến căn bệnh sốt rét của anh Tân cô thuở trước, lo lắng nắm tay Minh và bảo:
- Chết! Anh phải tẩm bổ vào! Khổ thân anh! Ốm đau mà chả có em bên cạnh!
Minh lại cười để trấn áp nỗi xúc động trong lòng. Anh bảo:
- Tại nhớ em quá nên mới ốm đấy!
Duyên sung sướng áp má vào ngực Minh. Nhưng cô lại buồn ngay vì sắp sửa chia tay người yêu, làm công tác giao liên khá xa, chẳng biết bao giờ mới gặp lại.
Vào thời điểm ấy, trong lúc Quốc Dân Đảng bị mật thám vùi dập tan tác thì phía Cộng Sản vẫn tung ra nhiều hoạt động mà chủ yếu là dùng nông dân làm bình phong. Đó là phong trào thành lập các công hội đỏ, một hình thức nghiệp đoàn có sức hấp dẫn giới lao động, thợ thuyền, bần nông, vì quá mới lạ và lôi cuốn. Lần đầu tiên trong truyền thống xã hội mà giới bình dân luôn bị bỏ quên, những người chân lấm tay bùn được chú ý đến, được cán bộ đến hòa mình chỉ bảo quyền lợi của mình! Thành ra họ hăng hái tham gia bất chấp nguy hiểm. Đáng chú ý nhất là cao trào Sô Viết Nghệ Tỉnh có đến mấy ngàn nông dân vác cuốc đi biểu tình. Cao trào này do Nguyễn Phong Sắc chỉ đạo. Sắc là một trong những đảng viên cộng sản tiền phong trong nhóm Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự. Sau khi thành lập đảng Cộng Sản tại Hà Nội tháng 3 năm 1929, Sắc giữ chức Bí Thư Thành Bộ Hà Nội. Năm sau, Sắc vào miền Trung tổ chức nông hội đỏ, xúi nông dân biểu tình. Pháp dùng máy bay ném bom, giết chết 217 nông dân. Riêng Sắc và các cán bộ thì không hề hấn gì cả. Nhờ thành tích ấy, Sắc lên làm Bí Thư Xứ ủy Trung Kỳ. Mật thám biết Sắc là đầu não của phong trào nông dân nổi loạn, nên cử nhân viên theo dõi và năm sau thì bắt được Sắc ở ga Hàng Cỏ, đem thủ tiêu mất xác.
Từ Hà Nội, Duyên nhận công tác đầu tiên ở Thái Bình, cùng với nông dân tham gia cuộc biểu tình. Duyên có nhiệm vụ là trà trộn vào đám đông để hò hét, xúi bẩy. Pháp bắn chết 15 nông dân, nhưng may mắn Duyên không sao. Cô được đánh giá phẩm chất cách mạng cao và lại được điều về Hà Nội nhận nhiệm vụ khác.
Sang tháng 8 năm 1930, Đại Hội Công Hội Đỏ Quốc Tế họp ở Maxcơva, trong đó thông qua nghị quyết thúc đẩy vận động công hội đỏ Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc bí mật thông báo cho các đồng chí trong quốc hội biết, sẽ triệu tập Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ nhất tại Hồng Kông vào tháng 10, nhằm bầu ban chấp hành trung ương đảng, đồng thời cải danh đảng Cộng Sản Việt Nam thành Đảng Cộng Sản Đông Dương theo chỉ thị của Liên Xô. Lúc ấy, một đệ tử thân tín của Nguyễn Ái Quốc là Trần Phú, 26 tuổi, vừa tốt nghiệp khóa huấn luyện chính trị ở đại học Đông Phương bên Liên Xô về, sẽ ngồi ghế trụ trì đại hội vì Nguyễn Ái Quốc muốn tấn phong Trần Phú lên chức Tổng Bí Thư tiên khởi của đảng.
Được tin này, các đồng chí trong nước vội vàng thành lập ngay một toán giao liên gồm toàn phụ nữ, để cử đi liên lạc các nơi, thông báo mệnh lệnh của Nguyễn Ái Quốc. Duyên là một trong những phụ nữ ấy. Cô có nhiệm vụ cầm tờ mật lệnh viết bằng ám hiệu vào Nghệ Tỉnh để đưa tận tay Nguyễn Phong Sắc, bí thư Xứ Ủy Trung Kỳ. Về Hà Nội, Duyên vẫn ở tạm hiệu thuốc Bắc của ông Chu và dự định ngày mai sẽ lên đường.
Dĩ nhiên, tất cả những chuyện này cô không thể kể với Minh, dù cô đã từng thú nhận là cô hoạt động cho Đông Dương Cộng Sản Đảng. Cô chỉ có khoảng một giờ đồng hồ để ngồi bên Minh cho vơi nỗi nhớ nhung từ hôm chia tay, cho nên cô không muốn nhắc đến hoạt động trong trái tim đang rung động. Cô nũng nịu hỏi:
- Anh có nhớ em thật không hay là chỉ nói nồm cho em mừng?
Duyên vừa dứt câu, Minh chưa kịp đáp, chỉ ngồi sát lại gần Duyên hơn thì cánh cửa bật tung. Hai gã mật thám, hai khẩu súng chỉa vào. Minh và Duyên cùng hốt hoảng đứng bật dậy. Một gã mật thám nhe răng cười hềnh hệch, nhìn Duyên bằng ánh mắt đắc thắng, nói giọng riễu cợt:
- Chào đồng chí Ly! Chúng tôi theo đồng chí từ Thái Bình về đây vất vả quá!
Quay sang Minh, gã hỏi:
- Còn đồng chí này tên gì? Bí danh là gì?
Gã hỏi câu đó là hỏi thật vì chưa biết Minh là ai. Khi phát hiện ra Duyên là đảng viên Cộng Sản vận động cuộc biểu tình ở Thái Bình, mật thám không muốn bắt ngay. Bắt một con bé này thì có lợi gì đâu! Phải khám phá ra những đứa chỉ huy Duyên mới đáng làm! Chúng theo Duyên về tận nhà ông Chu, gài người phục kích để xem những ai ra vào hiệu thuốc Bắc đó. Rồi chúng lại theo Duyên đến căn gát của Minh và tin chắc nhà Minh phải là một cơ quan quan trọng của Thành Bộ Đảng Cộng Sản Hà Nội.
Duyên tái mặt không biết nói gì, trong khi đứa thứ hai nhét súng vào cạp quần để còn Minh. Gã quay sang bảo đồng nghiệp:
- Hóa ra cái ổ Cộng Sản nằm lù lù ngay ở đây mà mãi đến hôm nay mình mới biết!
Minh cố lấy lại bình tỉnh đáp:
- Tôi đâu có phải Cộng Sản? Các ông bắt tôi về tội gì? Tôi là nhà báo, các ông không có quyền bắt người trái phép!
Gã mật thám đang nhe hàm răng ám khói ra cười với Duyên, bổng nghiêm mặt, cầm súng lục đập thật mạnh vào mặt Minh làm anh tóe máu ở miệng và sưng vù một bên ở mắt. Gã nói:
- Câm mồm! Tao không hỏi, ai cho phép mày nói? Về sở Liêm Phong tha hồ mà nói! Mày không phải Cộng Sản sao mày lại chứa chấp con Cộng Sản này? Mày là gì của nó? Chồng nó hay đồng chí của nó?
Bây giờ Duyên cũng bắt chước Minh, lên tiếng:
- Các ông nhầm rồi! Tôi không có tội gì cả! Sao lại bắt?
Gã mật thám đáp:
- Vũ Thị Duyên, ở Hải Ninh, ai chả biết mà bày đặt đổi tên là Ly. Con chị của mày là Hậu cũng bày đặt lấy bí danh là Quyết! Đừng có nỏ mồm nữa. Con chị của mày trong Hỏa Lò đã khai hết rồi!
Bây giờ Duyên mới biết mình bị lộ tông tích từ vụ biểu tình ở Thái Bình. Nhưng chúng không bắt ngay. Chúng theo chân Duyên về Hà Nội để tóm trọn ổ những cơ quan mà Duyên liên lạc, trong đó có Minh.
Hai gã đẩy Minh và Duyên ra cửa, Minh vừa đi vừa nói:
- Tôi không phải là Cộng Sản. Tôi là nhà báo, không tin các ông cứ liên lạc với tòa báo của tôi!
Gã mật thám nạt:
- Câm mồm! Ông lại vả cho mấy cái nữa bây giờ! Đi!
Ra khỏi cửa, Minh thấy lố nhố có mấy gã mật thám nữa đứng trên nóc nhà hàng xóm. Nhìn xuống chân thang, còn có một thằng Tây đeo kính đen, tay lăm lăm khẩu súng ngắn. Minh nhướng mắt nhìn sang bên kia đường. Quầy mũ của ông Sửu đã đóng cửa và chắc ông vừa về thì mật thám đến vây nhà Minh.
Gã mật thám đứng né sang một bên để tránh lối cho Minh và Duyên bước ra lề đường. Chiếc xe tù đã đậu sẳn trước mặt. Hai gã mật thám đẩy Minh và Duyên lên xe. Thằng Tây từ từ bước theo, leo lên băng trước.
Vừa chui vào xe, Duyên giật mình sửng sốt thấy vợ chồng ông Chu đã ngồi sẳn trên đó, hai tay bị còng quặt ra phía sau. Hai chân cũng bị xích vào thành ghế. Cả hai khuôn mặt đều bê bết máu me. Ông Chu ngước nhìn Minh rồi quay sang Duyên bằng ánh mắt oán hận. Không biết ông oán hận vì Duyên đã không kín đáo, để vợ chồng ông bị bắt lây, hay ông đã oán hận vì Duyên đã đi làm cách mạng mà vẫn còn mê trai, tranh thủ tìm đến với Minh!
Duyên không quan tâm, cô đau đớn nhìn vết máu trong miệng Minh ứa ra và nhất là một bên mắt sưng húp lên, làm biến đổi hẳn khuôn mặt của Minh. Cô nức nở bảo Minh:
- Chỉ vì em làm liên lụy đến anh!
Minh chỉ khẻ mép cười gượng. Anh cười vì bấy lâu nay anh cứ nghe ông Sửu và nhất là Lê Hửu Cảnh đả kích Cộng Sản, đồng thời khuyên anh nên đề phòng Cộng Sản. Ấy thế mà cúôi cùng mật thám lại bắt Minh vì tội hoạt động cho Cộng Sản! Cuộc đời thật lắm trớ trêu!
Hai gã mật thám ngồi canh chừng tù nhân, nghe Duyên tỉ tê với Minh, đưa mắt nhìn nhau mĩm cười khinh bỉ! Chúng đâu có lạ gì những màn kịch quá quen thuộc này. Duyên giả vờ làm như Minh không liên quan gì đến hoạt động của Duyên để gỡ tội cho Minh! Câu nói ấy của Minh làm cho chúng tin chắc Minh là nhân vật quan trọng của Thành Bộ Cộng Sản Hà Nội mà Duyên phải hy sinh nhận tội một mình hòng cứu Minh. Trò này chúng đã gặp quá nhiều lần rồi! Duyên không thể qua mặt chúng được!
Riêng ông Chu nghe Duyên tâm sự với Minh, ông ứa gan chỉ múôn chồm lên vả cho Duyên mấy cái. Ông không nhận ra Minh đã từng đến hiệu thuốc của ông hai lần. Không nhận ra vì mắt của anh sưng húp, mất hết mọi nét cũ. Ông chỉ biết Duyên đã nhận công tác của Đảng mà lại vi phạm nguyên tắc bí mật, đến gặp người yêu thì tội ấy không thể dung tha được! Một kẻ đã thóat ly làm cách mạng thì dù tình cờ có gặp bố mẹ mình cũng phải tránh mặt, huống chi là người yêu! Con người sơ hở như thế thì làm sao tránh khỏi bị mật thám theo dõi. Mà vì Duyên bị theo dõi từ Thái Bình nên vợ chồng ông Chu mới bị bắt! Trong khoảnh khắc ông nhận ra tất cả sự tầm thường ở con người Duyên, từng làm bí thư chi bộ xã Hải Ninh mà không ngờ lại yếu mềm tình cảm đến thế! Trâu tìm cọc chớ bao giờ cọc lại tìm trâu! Thế mà Duyên lại tự ý mò đến với Minh! Ông lắc đầu thở dài, cúi xuống....
Xe đã đóng kín cửa và máy vẫn đang nổ, nhưng thằng Tây ngồi phía trước vẫn chưa cho lệnh chạy. Vì lúc nãy, khi hai gã mật thám đẩy Minh và Duyên ra xe thì hai gã mật thám khác từ nóc nhà nhảy xuống vào nhà Minh để lục lọi tìm tài liệu. Khá lâu, một gã mới xúông, nói nhỏ với thằng Tây vài câu. Bây giờ thằng Tây mới phất tay ra hiệu cho xe lăn bánh, đưa Minh ra khỏi khu Khâm Thiên để về sở Liêm Phóng trên đường Gambetta. Qua ô cửa mắt cáo nhỏ xíu bên hông xe, Minh cố ngoái nhìn lại căn gác của mình một lần cuối, vì chẳng biết bao giờ mới có dịp quay trở lại.
Năm 1936, Mặt Trận Bình Dân lên nắm chính quyền ở Pháp, báo chí Pháp thường gọi là Le Front Populaire, là tập họp của 3 đảng: Đảng Xã hội, Đảng Xã Hội Cấp Tiến và Đảng Cộng Sản. Do cuội nổi dậy của dân chúng và thợ thuyền ngày 6 tháng 2 năm 1936 chính phủ tư bản phải từ chức để nhường cho Mặt Trận Bình Dân nắm quyền. Sự kiện này phần nào làm thay đổi bộ mặt các xứ thuộc địa, điển hình là những tù nhân chính trị phạm án nhẹ được đồng loạt phóng thích.
Không hẹn mà gặp, chị em Hậu và Duyên cùng ra tù chung một đợt với Minh. Kiệt, người yêu của Hậu cùng bị bắt ở ngã Lò Rèn, vì là bí thư chi bộ nên bị đưa ngay ra Côn Đảo lãnh án lâu dài cùng với Lê Tiến
Ở nhà tù ra, Hậu, Duyên và Minh được lệnh phải trở về trình diện quan Huyện nguyên quán rồi chờ lý trưởng Hải Ninh lên lãnh về làng để giáo dục và kiểm soát!
Ông bà Truyền đón Minh về, bảo con ở lại Hải Ninh lấy vợ, đừng lên Hà Nội nữa. Minh chỉ cười, vì Minh cũng chưa biết mình sẽ làm gì trong những ngày sắp tới. Dự tính mà anh nung nấu suốt gần 6 năm tù là anh sẽ viết lại những chuổi ngày hào hùng của Việt Nam Quốc Dân Đảng từ buổi thành lập cho đến khởi nghĩa Yên Bái. Đó là công tác mà anh cho là ý nghĩa nhất trong đời.
Tính ra, chỉ trong hai năm 1929-1930, thực dân Pháp đã đưa lên máy chém 37 chiến sĩ Quốc Dân Đảng và khoảng 1000 đồng chí bị lưu đày. Trong những năm Minh ở tù, tình hình bên ngoài thay đổi khá nhiều: Việt Nam Quốc Dân Đảng lớn mạnh bên Trung Hoa, nhưng lại âm thầm tại quốc nội. Một số những mất mát đáng tiếc là nhiều đảng viên bỏ hàng ngũ chạy sang phía cộng sản.
Hậu và Duyên trở về mái nhà xưa ở Hải Ninh, xum họp với ông bà giáo Lương rồi ngay đêm đầu tiên gặp lại vài đồng chí trong chi bộ. Gọi là tái ngộ nhưng thật ra người cũ chẳng còn ai. Nhâm thoát ly ngay sau khi Duyên ra đi. Kết cũng được kết nạp và được gọi sang Thái Bình. Những cô khác lần lượt đều lên đường và đa số hiện ở tù hoặc được thả về nay mai.
Về lại căn nhà xưa, mọi thứ chung quanh Hậu và Duyên chả có gì thay đổi. Có chăng chỉ cũ nát thêm cùng với tuổi già của ông bà Lương. Duyên như người chết sống lại, vui mừng không những chỉ vì được trả tự do mà còn vì gặp lại Minh. Cô sang thăm bố mẹ Minh, hy vọng nối lại mối tình xưa để được về làm dâu ông bà Truyền. Đường cách mạng xem chừng phai nhạt dần trong lòng Duyên.
Hậu thì khác, mấy năm tù đày không làm cô nản chí. Cô sẽ bắt liên lạc lại và quay về lý tưởng đánh Tây
Hôm ấy, cả nhà đi vắng. Hậu thơ thẩn ra đầu hiên, ngồi bên gốc mít cạnh cái cối xay mà hai chị em thường xay lúa những đêm trăng, ôn lại bao nhiêu kỷ niệm từ lúc anh Tân còn sống. Những khuôn mặt đã đi qua chặng đường sóng gió của Hậu, trong chốc lát đều hiện về rõ mồn một trong trí nhớ. Trần Khải, Lê Tiến, Ngô Gia Tự... Rồi những đồng chí sống chung khi Hậu mới thoát ly, xuống ngõ Lò Rèn Hà Nội. Anh chàng Thông hiền hòa, thằng Mão phản bội đã đưa Hậu vào tù, và nhớ nhất là Kiệt, người yêu ngắn ngũi của Hậu giờ đang ở Côn Đảo. Bất giác Hậu thở dài và lệ trào ra khóe mắt.
Một tháng sau, khi mọi việc đã trở lại bình thường, hai chị em đã tẩm bổ ăn uống cho lại sức, thì bí thư chi bộ Hải Ninh đến tìm Hậu và Duyên. Bí thư bây giờ không còn là phu nữ nữa, mà là một anh thanh niên làm nghề thợ mộc trong làng. Hậu cũng có biết anh ta trước khi Hậu đi tù. Anh tên Đỗ, thuở nhỏ thường chăn trâu cho ông chánh tổng. Từ hôm Hậu về, anh biết Hậu bị lý trưởng theo dõi nên anh tránh mặt. Hôm nay anh phải giả vờ đến gặp ông Lương để hốt thuốc và tìm cách gặp Hậu. Anh đưa cho Hậu mảnh giấy nhỏ rồi ra về ngay.
Hai hôm sau, Hậu cắp thúng ra đồng, đi về hướng lò gạch cũ của làng Hải Ninh. Cái lò gạch ấy giờ này đã bỏ hoang vì người ta xây lò mới gần bờ sông. Đỗ đang chờ Hậu ở trong đó. Chi bộ cần bố trí ngay công tác mới cho chị em Hậu, vì tình hình chính trị lúc này tương đối dễ thở hơn nhờ sự can thiệp của mặt trận bình dân bên Pháp. Nhưng trước khi giao nhiệm vụ, đồng chí bí thư huyện cần gặp riêng những người đã từng ở tù để động viên cũng như kiểm tra thái độ của họ, bởi kinh nghiệm cho thấy nhà tù thực dân với những trò tra tấn quá dã man, đã làm nản chí nhiều người rồi đâm ra bỏ cuộc.
Hậu vừa khom người chui vào, Đỗ đon đả đứng dậy và bảo:
- Đồng chí bí thư huyện hẹn chúng mình ở đây. Chắc cũng sắp đến!
Hậu ngạc nhiên hỏi:
- Từ huyện xuống đây cũng xa chứ?
- Không, không! Đồng chí ấy đang công tác ở dưới này. Đêm qua đồng chí ấy ngủ ở Hải Ninh!
Rồi Đỗ ân cần thăm hỏi sức khỏe của Hậu và Duyên. Dù sao, Đỗ cũng nể Hậu vì cô từng là bí thư đầu tiên, đã có công gầy dựng nên chi bộ Hải Ninh, lại ngồi tù đến 6 năm. Hai nguời trao đổi kinh nghịêm một lúc thì trên con đường đất băng ngang cánh đồng, có bóng người đàn ông đội nón, vác cuốc, đi lại phía lò gạch. Đỗ nhỏm người trông ra và bảo:
- Chắc anh Mão đấy! Đúng rồi! Anh Mão! Gặp chị, chắc anh ấy mừng lắm!
Nghe đến tên Mão, Hậu sửng sốt trố mắt hỏi lại:
- Anh Mão nào?
Đỗ cười:
- Anh Mão, bí thư huyện chứ anh Mão nào! Đồng chí ấy có nhiều kinh nghiệm công
tác, đi sát quan điểm vô sản và làm việc gì cũng có lý có tình!
Hậu đứng bật lên, tiến ra cổng lò gạch và trố mắt nhìn ra đường. Trong giây phút cô cay đắng nhớ lại hôm mật thám xông vào bắt cô và Kiệt chỉ vì Mão ghen tức, đi tố cáo. Cô thấy uất nghẹn trong cổ, mặt cứ tái dần. Cho đến khi ngừơi đàn ông tiến lại gần, còn cách khoảng hơn mười bước thì Hậu run rẩy muốn ngả quị, vì quả thật đó là Mão của 6 năm trước ở chung nhà, đóng vai làm chồng Hậu tại ngã Lò Rèn!
Dòng Mực Cũ Dòng Mực Cũ - Nguyễn Ngọc Ngạn Dòng Mực Cũ