Số lần đọc/download: 1284 / 25
Cập nhật: 2018-08-18 10:47:52 +0700
Chương 7
D
ám chim Láo cáo từ những bụi nứa ven suối Cù Thìa vừa kêu tóa lên, bà cụ Vuông đã dậy. Bà lọ mọ xuống bếp nhặt đầy rổ khoai lang mang ra vaị nước rửa sạch sẽ cho vào cái nồi mười nhóm lửa bắc lên kiềng bếp rồi bà lấy chổi quét nhà. Thấy bà lọ mọ, thằng Hữu và cái Dần lẳng lặng chui ra khỏi mùng. Thấy hai đứa dậy sớm bà ân cần:
- Còn sớm, các cháu cứ ngủ thêm chút nữa, lúc nào khoai chín bà gọi dậy ăn uống rồi đi học là vừa.
- Vâng, chúng cháu cảm ơn bà nhưng bà cũng phải để chúng cháu giúp bà một công đôi việc chứ.
Vừa nói cái Dần vừa giằng cái chổi từ tay bà, thằng Hữu thì lẳng lặng xách hai cái bắng bằng cây bương ra suối lấy nước. Việc xong thì nồi khoai cũng sôi lên sùng sục. Thằng Hữu vén mùng đập bàn tay vào mông thằng Tùng, thằng Phú. Hai thằng giật mình lồm cồm bò dậy chui ra khỏi mùng. Thấy công việc nhà cửa đã ngăn nắp gọn gàng đâu vào đấy. Thằng Tùng bẻm mép chống thẹn:
- Cháu biết trời đã sáng, nhưng mệt quá cái mắt nó cứ díu lại, bà đừng bảo cháu học trò ngủ trưa nhá!...
- Thôi ông tướng ạ! Đi rửa mặt đi, khoai bà luộc chín sẵn rồi đấy. Ăn còn đi lên lớp.
Cái Dần giục. Thằng Tùng và thằng Phú kéo cái khăn mặt lững thững ra vại nước. Cái Dần cười nhạt bảo:
- Nước "cậu Hữu " xách đầy rồi đấy.
Nói rồi nó tủm tỉm cười. Thằng Tùng và thằng Phú biết cái Dần nhắc nhẹ đến nhiệm vụ của từng người đã phân cử từ ngoài kí túc xá. Nó lờ đi như chả nghe thấy gì.
Hai thằng rửa mặt xong thì bà cụ Vuông cũng bê rổ khoai đặt giữa nhà. Cả đám ngồi quây lại. Cái Dần sực nhớ ra có chai mật còn để trong túi rết, nó vội đứng dậy lôi ra. Giọng nó ỏn ẻn:
- Có chai mật giọt, bầm cháu bảo mang đi chấm sắn tí nữa quên mất.
Nói rồi nó vào chạn lấy cái bát đổ mật ra. Nó lễ phép mời bà cụ Vuông và các bạn. Cả nhà cùng ăn khoai và chuyện trò vui vẻ. Giọng cụ Vuông ngọt ngào:
- Trường của các cháu sơ tán về đây theo quy định của nhà trường là các cháu phải làm lán ở để giữ bí mật, gần lán còn phải đào hầm trú ẩn để tránh máy bay của thằng Mỹ. Riêng các cháu bà sẽ nói với ông giáo hiệu trưởng để các cháu được ở đây với bà, vì bà có một mình vả nhà bà cũng ở chỗ vắng, đảm bảo bí mật. Hầm hào cũng có đủ và rất an toàn. Các cháu có nhất trí ở với bà không?
- Chúng cháu cảm ơn bà! - Thằng Tùng vừa nói vừa cười sung sướng.
Cái Dần nhìn thằng Tùng rồi bảo:
- Được ở với bà là rất thuận lợi nhưng cũng không được ỷ vào bà mà ngủ trưa. Mọi việc sinh hoạt vẫn phải duy trì nhiệm vụ phân công như thời ở kí túc xá đấy.
- Vâng! Chúng tôi vẫn nhớ cả!- Thằng Tùng bĩu môi.
Bà cụ Vuông nhìn chúng cười hiền lành:
- Thế ở ngoài kí túc xá các cháu phân công nhau những việc gì?
- Dạ, ngoài việc đảm bảo học tập khi về lán thì tất cả sinh hoạt, chế độ chi tiêu là do cái Dần điều khiển, còn gánh nước là thằng Tùng, cháu và thằng Phú thì lo củi đóm ạ! - Giọng thằng Hữu vui vẻ.
- Cha bố chúng mày, nhưng biết phân việc cho nhau thế bà lão này thật là vui! Về ở đây với bà vẫn phải như thế. Chỉ riêng việc bếp núc, cơm nước bà sẽ lo cho. Các cháu cứ bỏ chế độ bố bầm các cháu gửi cho vào cái mủng sơn kia bà sẽ nấu cho, đi học về là chỉ việc ăn thôi.
- Vâng ạ!...
- Như thế thì cái Dần không phải làm gì nữa à? Phải cắt bớt việc của người khác cho nó chứ! - Thằng Tùng tị nạnh.
Cái Dần chưa kịp nói gì thì bà cụ bảo:
- Được rồi, đứa nào cũng có việc mà.
- Thằng Tùng là chúa hay tị nạnh đấy bà ạ, chưa chi nó đã sợ phải làm nhiều hơn người khác!
- Được rồi, bà biết thế, bà sẽ bắt nó làm nhiều hơn- Bà cụ Vuông cười.
Cả đám cùng vỗ tay hoan hô và cười theo bà, chỉ có thằng Tùng là xị mặt ra nhưng nó vẫn phải nhe răng cười gượng và thò tay nhặt củ khoai to nhất bóc qua loa rồi dìm ngập vào bát mật cho vào mồm nhai nhồm nhoàm. Bà cụ Vuông nhìn nó ăn khoai, nụ cười từ đâu hiện tràn khắp gương mặt bà. Nhìn bà, đám cái Dần cũng khúc khích cười theo.
Ăn sáng xong mấy đứa lục đục đi lên trường. Nhìn theo chúng giọng bà cụ Vuông ngọt ngào:
- Đi qua chỗ trống các cháu nhớ lắng nghe, có tiếng tàu bay thì ngồi thụp xuống nhá!...
- Vâng ạ! - Mấy đứa cùng đồng thanh và cắm đầu đi một mạch về khu trường ở chân núi Nhội.
***
Thầy giáo chủ nhiệm đứng ở ngay gốc cây nhội đại thụ chờ học sinh. Thấy đám thằng Hữu đến gương mặt thầy tươi như hoa. Thầy ân cần bảo:
- Lớp 9A ở gần chỗ vách đá kia, các em vào lớp đi. Cô Chiều đang chờ đấy.
Đám thằng Hữu ngơ ngác nhìn. Thầy chủ nhiệm âu yếm bảo:
- Năm nay thầy không chủ nhiệm lớp các em nữa nhưng thầy vẫn dạy môn toán, ngày nào cũng vẫn gặp các em vài giờ. Chúc các em vượt qua những khó khăn của thời chiến và học thật giỏi...
- Thưa thầy vâng ạ! - Mấy đứa lại đồng thanh.
Buổi học đầu tiên ở trong rừng cả thầy trò đều lạ lẫm, vào lớp giọng cô giáo Chiều nghẹn ngào:
- Năm nay theo sự phân công của nhà trường cô làm chủ nhiệm lớp 9A, lớp đông nhất trường lại là lớp kế để chọn vào lớp 10 cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cấp ba sang năm. Qua thầy chủ nhiệm cũ cô biết lớp ta có em hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, đặc biệt là em Hữu. Nhưng Hữu lại là một học sinh giỏi toàn diện, cô đề nghị Hữu cố gắng học giỏi hơn nữa để làm gương cho các bạn. Và cô mong muốn cuối năm cả lớp ta đều được tuyển vào lớp 10 chọn của nhà trường. Các em có quyết tâm không?
- Quyết tâm ạ! - Cả lớp cùng hô vang.
Nghe các em đồng tâm một lòng một dạ, gương mặt cô giáo Chiều rạng rỡ hẳn lên. Trong lòng cô tự cháy sáng ngọn lửa nồng nàn về tình yêu nghề và những khó khăn do thời chiến gây ra cũng vợi dần đi. Cô mở giáo án ghi lên bảng đầu đề bài giảng văn: "Vòng cườm trên cổ chim cu" của nhà thơ Chế Lan Viên. Cô giáo xúc động động bảo:
- Chỗ cô trò mình đang ngồi học cũng chính là chỗ cành xanh đấy các em ạ!
Và cô đọc nguyên bản bài thơ đó trước lớp. Đến câu “chỗ cành xanh là chỗ chim gù", cô dừng lại phân tích sâu sắc nội dung câu thơ và liên hệ với nơi lớp học sơ tán để khảng định rằng bom đạn của giặc Mỹ và chiến tranh dù có ác liệt đến đâu chúng cũng không thể tiêu diệt được cuộc sống!...
Nghe cô giáo giảng bài cả lớp im phăng phắc. Thằng Hữu vừa lạc quan vừa cảm động bởi vì nó biết liên hệ từ cái nhỏ đến cái lớn và ngược lại trong đầu nó như sáng ra một lẽ sống đơn giản: Cái ác không bao giờ tiêu diệt được cuộc sống của con người!...
Tan học đám học sinh phân tán từng tốp đi về nhà. Lội qua con suối, đến chỗ cây nhội đám thằng Hữu ngồi tụm dưới gốc cây nhội nghỉ mát. Cái Dần bảo:
- Cô giáo Chiều giảng văn hay mà dễ hiểu. Nghe cô đọc và phân tích thơ tâm hồn tớ cứ như núi sông vừa điệp trùng vừa mênh mông rào rạt, thấy cả ngày xưa và thấy cả hôm nay. Cái vĩ đại và cái giản dị đang kết hài hòa làm cho mình càng thấm thía, càng yêu thêm, tự hào thêm về đất nước, con người Việt Nam ta!...
- Trong đó chắc có cả thằng Hữu? - Thằng Tùng tán tỉnh.
- Chuyện nghiêm túc chứ không phải đùa giỡn đâu nhá!- Cái Dần dằn giọng.
- Thì cũng có sao đâu Dần! Thằng Hữu cũng đáng là tấm gương để bọn mình tự hào, học tập chứ!- Thằng Phú diễn giải và tự nhiên giọng nó trầm xuống - Tao nghĩ, những ngày lão Bành gàn dở đánh đập, đốt hết sách vở, bắt nó nhịn ăn mà nó vẫn âm thầm chịu đựng vẫn lấy sách vở của cái Dần để học bài mà nó còn cảm hóa được lão Bành từ một tay nát rượu, tàn ác thành một ông bố tử tế như bây giờ, tao nghĩ thằng Hữu cũng là một tán cành xanh để cho chim gù chứ!...
- Chứ còn gì nữa!- Thằng Tùng lại phù họa theo.
Cái Dần lườm nó bĩu môi định nói câu gì thì giọng thằng Hữu như cái quạt:
- Thôi, đi về còn giúp cụ Vuông cơm nước chứ, ngồi mát đây, chuyện nọ dọ chuyện kia lại cãi vã nhau bây giờ.
Nói rồi thằng Hữu lặng lẽ đứng dậy. Mấy đứa nhìn nhau rồi cùng đứng lên nối hàng theo thằng Hữu đi về.
Mấy đứa vừa bước vào cửa nó đã nhìn thấy mâm cơm để sẵn ở trên bàn. Thằng Tùng toe toe:
- Bà nấu cơm chín rồi, cất sách ăn thôi - Nói rồi nó cười hi hí.
Cái Dần tròn mắt:
- Đừng có hỗn. Bà còn mồ hôi mồ kê ướt đầm ở dưới bếp kia kìa! Cứ làm như ở nhà mình á!
Nghe tiếng mấy đứa, bà cụ Vuông hất hải chạy lên. Giọng bà ân cần:
- Các cháu về cả rồi à, rửa chân tay nghỉ ngơi một tí mà ăn cơm. Bà ninh thêm nồi canh rau sắn với mấy con cá chõn cho các cháu ngon miệng.
- Vâng, chúng cháu cảm ơn bà! - Thằng Tùng bẻm mép.
Cái Dần lại lườm nó giọng làu bàu:
- Chỉ được cái mồm miệng đỡ chân tay...
- Vâng, trời sinh ra tớ đã thế. Có phải là anh Hữu, à thằng Hữu đâu!... - Thằng Tùng vẫn cười hí hí.
Bà cụ Vuông bê nồi canh từ dưới bếp lên giọng cụ vẫn ôn tồn:
- May quá, sáng nay chú Tu nó đi tát suối, chắc là gặp may, nó đem cho mấy con chõn, bà mở cái vại lại thấy còn ít rau sắn ngâm đã tháng nay, bà cho vào nấu, ngon lắm các cháu ạ! Ăn cái này vào mau lại sức lắm! Nhất là các cháu lại mới đi đường xa về. Thôi nào, ngồi cả vào mâm đi.
Mấy đứa nhìn bà rồi cùng ngồi vào mâm. Thằng Tùng vớ cái muôi gỗ vục canh chua vào bát húp xoàm xoạp. Cái Dần lườm nó định nói câu gì thì thằng Hữu cười bảo:
- Trư Bát Giới trên đường phù Đường Tăng đi lấy kinh, chỉ vì háu ăn mà bao nhiêu lần gây hỏng việc!...
- Thế mới là cái đồ "Lợn"... - Cái Dần lại bĩu môi.
- Cha mẹ chúng mày chứ, chọ chõm nhau cái gì! Bữa ăn là phải thật vui vẻ chứ! Trời đánh, tránh miếng ăn cơ mà!- Bà cụ Vuông vừa nói vừa cười âu yếm.
- Bà đừng lo, chúng nó vẫn thường xuyên chọc tức nhau thế nhưng mà trong lòng thích nhau lắm đấy bà ạ! Hôm nọ ở dưới quê cái Dần đi lấy phân xanh bị tổ ong muỗi nó đốt, thằng Tùng về khóc suốt đêm đấy bà ạ!..
- Còn lâu- Cái Dần lại bĩu môi.
- Cha cái đám mục đồng này, học hành sắp thành ông nghè ông cử rồi mà vẫn còn chọ chõm nhau. Thôi ăn đi. Ba đứa con trai là phải biết nhường nhịn cái Dần nhá! Đứa nào hư bà đánh đòn đấy
Vừa nói bà Vuông vừa cười âu yếm. Có lẽ trong lòng bà rất vui vì từ ngày lánh lên đây, nhất là từ khi ông mất, bà phải lọ mọ một mình, nhiều đêm bà từng thức trắng mà cũng không giải thích được ngọn ngành cái việc mình phải bỏ làng ra đi. Những lúc ấy bà rất oán giận thằng Bành và thương cái xót cái Khăn. Bà từng khóc nhiều đêm vì chuyện này. Bây giờ đám trẻ làng lại kéo lên đây. Mà thằng Hữu lại là mối dây ràng rịt giữa cô Khăn con gái bà với lão Bành. Ông giời còn bắt bà phải có nhiệm vụ với chúng. Nghĩ vậy bà khẽ quệt tay ngang mắt. Thằng Tùng nhìn bà hỏi:
- Bà làm sao thế?
- Không, bà có sao đâu! Các cháu ăn đi!
- Nước mắt bà chảy ra kìa! - Thằng Tùng vẫn tự nhiên.
Biết bà có nỗi niềm gì cái Dần bảo:
- Bà nấu cơm cho chúng mình ăn, khói nó vào chứ còn sao nữa! Có thế mà không biết. Từ mai là phải làm theo lịch phân công như ở ngoài kí túc xá ấy nhá, không được để bà phải nấu cơm hầu mình. Phải thế không bà nhỉ?
- Các cháu nghĩ thế cũng chả có gì sai nhưng được nấu nướng cho các cháu ăn để đi học, bà thấy giời đã cho bà cái phần thưởng này đấy. Các cháu đừng ngại. Bà chỉ cần các cháu học thật giỏi là bà mừng, bà sẽ sống thêm được nhiều tuổi nữa đấy!
- Vâng thế thì chúng cháu hứa với bà sẽ học thật giỏi, học thành kỹ sư bác sĩ, lúc ấy chúng cháu sẽ về đón bà đi chơi khắp nơi. Đánh thắng thằng Mỹ chúng cháu còn đưa bà vào xem Sài Gòn, chỗ Bác Hồ xuống tàu đi tìm đường cứu nước ấy! Bà có đi không bà?
- Cha bố các anh các chị, lúc ấy mà còn chân cứng đá mềm thì bà thật sung sướng, bà chỉ sợ bà thay tiểu rồi mà vẫn chưa đuổi được thằng giặc Mỹ đi. Mà tiên nhân cái thằng Rôn Xôn ấy chứ bà cháu mình có trêu ghẹo gì nó đâu mà nó lại đem bom đạn đến đây đổ xuống đầu bà cháu mình! Hôm nọ nó lại đổ bom xuống đầu cầu sắt cháy hết nhà cửa, phố xá, may mà không chết ai. Thằng Rôn Xôn này ác lắm các cháu ạ! Bao giờ ta mới đánh chết hết được bọn nó?
- Sẽ đánh nó chết hết thôi bà ạ! Đận chúng cháu nghỉ hè ở quê, bọn Thần Sấm, Con Ma đánh cầu Việt Trì bị các chú bộ đội cao xạ, bộ đội tên lửa bắn cháy rực trời, một thằng Con Ma còn rơi xuống sông Lô ngay gần làng cháu. Thằng phi công nhảy ra mắc trên bụi tre nhà ông Tràng Chức bị dân quân xã lôi xuống, hai tay nó cứ nam mô lại và xin ăn, xin được tha mạng. Thằng giặc Mỹ nó chỉ hung ác, oai hùng lúc nó còn ở trên trời thôi, lúc nó rơi vào tay ta rồi nó hèn lắm bà ạ! Học hết lớp 10 cháu sẽ theo các anh, các chú ra trận đánh đuổi thằng Mỹ cút đi để bà cháu mình được sống cảnh thanh bình. Lúc ấy chúng cháu mới có điều kiện đưa bà đi chơi khắp nước được. Phải thế không bà nhỉ? - Gịong thằng Hữu thỏ thẻ.
- Phải rồi, cháu giai của bà thật là giỏi, nghĩ như người lớn ấy! - Bà Cụ Vuông nhìn đám thằng Hữu âu yếm. Trong lòng bà tự có ngọn lửa ấm áp. Bà yên lòng vì thấy vợ chồng nhà Cúc tuy xấu số nhưng nó đã để lại cho đời được một đứa con ngoan lại có hiếu với làng nước!... Bà cứ ngồi lặng ngắm thằng Hữu và hình dung ra cái làng Thông bé nhỏ ấm áp và cũng đầy gai góc một thời. Bà khẽ thở dài. Chợt thằng Tùng bảo:
- Nếu học hết lớp 10 mà thằng Hữu đi bộ đội thì có khi cái Dần nó cũng làm đơn đi bộ đội đấy bà ạ!
- Mày chỉ được cái nói trước. Chả phải bảo tao cũng làm!... - Cái Dần quả quyết.
- Vâng! Ai chả biết là con cháu Bà Trưng Bà Triệu!...
- Ờ, người tóc xanh da vàng nước mình ai cũng là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu cả các cháu ạ! Bà vẫn nghe câu nói: " Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. " Bây giờ nó mà đến đây bà cũng lấy đòn gánh bà vụt đấy.
- Hoan hô bà!
Đám trẻ cùng reo to. Không khí trong mâm cơm ở ngôi nhà lá cọ dưới tán cây nhội đại thụ này càng chan hòa ấm cúng. Trên trời tiếng động cơ thằng thần Sấm Sét vẫn gầm rú. Cái Dần lấy chiếc cù thìa nhẹ múc canh vào bát cho bà cụ Vuông. Vừa làm nó vừa đọc câu thơ: "Chỗ cành xanh là chỗ chim gù... "
- Chúng mình đang ở chỗ cành xanh, chỗ có cái tán mát của bà, sợ quái gì thằng Mỹ - Giọng thằng Hữu thanh thản, vui rộn như reo. Cả đám cùng cười rộ lên át cả tiếng gầm rú của thằng thần Sấm Sét.
Giọng bà cụ Vuông ấm áp:
- Thôi, ăn cơm đi các cháu ạ! Ăn xong còn tranh thủ nghỉ một tí rồi dậy tranh thủ mà học bài!...
- Vâng ạ! - Đám thằng Hữu cùng đồng thanh.
***
Tiếng con chim khảm khắc từ trên ngọn núi Nhội vẳng lên rồi lại rơi thõng xuống lũng, tiếng chim càng rõ, nghĩa là đêm càng khuya. Bà cụ Vuông ngó đầu ra ngoài mùng thấy thằng Hữu và cái Dần vẫn cắm mặt bên ngọn đèn và những trang sách. Giọng bà âu yếm:
- Khuya lắm rồi đấy, hai đứa bay đi ngủ đi! Làm lụng, học hành suốt buổi chiều rồi đêm lại thức khuya quá ốm ra đấy thì khổ các cháu ạ! - Bà cụ lại thở dài.
Cái Dần và thằng Hữu nghe lời bà lặng lẽ tắt đèn đi ngủ.
Cái Dần chui vào mùng, vòng tay ôm lấy lưng bà và rúc cái đầu vào bọc bà, chỉ một lúc là nó ngáy như dế. Tiếng ngáy của nó như mang về bên bà cả cái làng Thông nhọc nhằn và êm ấm, cái làng mà bà đã gắn bó cả cuộc đời với biết bao nhiêu vui buồn mất mát. Bà phải dứt ruột bỏ nó ra đi!...
Bây giờ mấy đứa trẻ lại quây tụ đến đây với bà. Bà thật biết ơn trời đất. Bà cứ dờ tay xoa khắp người cái Dần, thấy nó như ruột thịt của mình. Trong lòng bà cứ ánh lên những hy vọng, tin đến đời chúng nó cái làng Thông sẽ êm đẹp hơn và cả những chuyện khuất tất trong làng cũng sẽ được chúng nó gỡ ra, cái cuộn chỉ bị rối mà có người lần được đầu mối thì nó vẫn được gỡ ra. Chuyện của gia đình bà cũng chỉ tại "ông con rể" quý tử đặt điều! Cái Khăn nó bỏ đi là có lí... nhưng cái Khăn bỏ đi nó lại làm khổ mẹ con cô Cúc. Chính vì không chịu nổi nhãn tiền bà mới phải bỏ làng ra đi cho khuất tắt. Bây giờ đám trẻ về đây trọ học chả cần hỏi chúng bà cũng biết nội sự ở cái làng ấy. Bà yên lòng vì bà biết đích thị thằng cháu Hữu con của mẹ Cúc còn ở với lão Bành. Nó lại là đứa chịu thương chịu khó. Bà mừng lắm! Bà bo cái Dần thật chặt vào lòng nằm nghe tiếng con chim khảm khắc vẳng vào đêm.
Tảng sáng bà đã dậy, lủi ra vườn dứt đám cỏ bòng bong cài thật dày vào các vòng nguy trang cho mấy đứa. Thấy bà rọc rạch làm việc, cái Dần cũng vục dậy nhóm bếp, quét nhà, thằng Hữu cũng tung mùng chạy ù mấy vòng quanh cái sân và xách cái bắng giục thằng Tùng và thằng Phú cùng ra suối xách nước đổ đầy cái chum. Việc xong chúng cùng quây tròn vào rổ khoai lang bà cụ đã bày lên bàn còn nghi ngút hơi. Nhìn chúng vừa ăn, vừa thổi bà cụ Vuông vui lắm! Từ ngày chúng nó trọ học ở đây sáng nào nồi khoai cũng được luộc đầy, bà sung sướng lắm. Bà ôn tồn bảo:
- Ăn thật no vào các cháu ạ! Ăn no mới có sức để học bài.
- Vâng, hôm nay có năm tiết, về trưa lắm đấy bà ạ!- Thằng Tùng vừa nhồm nhoàm nhai vừa nói và tự nhiên cổ nó ứ lại.
Bà cụ Vuông nhìn nó cười:
- Cháu lại uống ngụm nước là khỏi.
Thằng Tùng lẳng lặng đi lại chỗ ấm nước vối. Cái Dần bĩu môi:
- Giá việc học hành và xách nước đổ vào chum cũng hăng hái như ăn khoai thì đám mình cũng đỡ mệt đây!...
- Thôi, giời đánh tránh miếng ăn, đừng để nó lại sặc nước nữa thì khổ!
Mấy đứa lại cười rinh lên. Thằng Tùng chả làm thế nào được cũng tít mắt cười hề hề và chúng cắp sách, khoác vòng ngụy trang đi học. Bà cụ cứ đứng nhìn theo và dường như sáng nào bà cũng đứng nhìn theo chúng như thế. Hình ảnh bà cứ mỗi ngày càng in đậm vào đầu đám trẻ. Đến chỗ gốc cây nhội cái Dần dừng lại vẫy tay chào bà. Việc ấy lặp đi lặp lại mãi thằng Tùng bảo:
- Nhờ cái Dần nó khéo nịnh bà già, bọn mình cũng sướng lây, chả ai phải vất vả cơm nước gì mấy.
- Mày đừng nói thế, bà nghe thấy bà mắng cho đấy. Bà còn đẻ được ra bố, ra mẹ chúng mình rồi sao lại bảo bà ưa nịnh! Bà thương yêu chúng mình chứ!- Giọng thằng Phú như giảng giải.
- Đúng thế đấy, chúng mình như con cháu của cụ, cụ quý mến, phải học hành thật siêng năng để cụ vui. Chúng mình có phúc mới được lộc của người già ban cho đấy! Ngày bầm tao còn sống, bầm tao vẫn bảo phải biết kính già, già sẽ để tuổi cho - Giọng thằng Hữu bùi ngùi
- Đúng, bầm tao cũng bảo thế, vì ngày bà nội tao còn sống tao hay cãi bà nội tao mà! Mỗi lần tao cãi bà nội tao, bầm tao lại bảo vậy. Bây giờ bà nội tao chết rồi, tao mới thấy ân hận! - Thằng Phú bày tỏ. Câu chuyện về bà cứ thế rì rầm đến tận lớp học.
Cái Dần chẳng nói gì nhưng suốt buổi học hôm nay nó cứ tần ngần, trong đầu nó cứ mờ tỏ hình ảnh một con người giống y hệt bà cụ mẹ cô Khăn bây giờ đang là bà lang ở xóm Đồng Mụng mà thằng Hữu đã có lần dẫn nó đi lên đấy lấy thuốc cho lão Bành. Nó cố hình dung ra những nét xưa cũ của bà cụ còn đọng trong đầu nó, từ hồi nó còn bé tí bé tẹo!...
Tan học nó vẫn lững thững đi một mình, thằng Hữu thấy lạ hỏi:
- Hôm nay mày ốm à Dần?
- Không!
- Sao mày cứ lầm lì thế?
- Tao đang nghĩ một chuyện này, cũng đang định hỏi mày đây, mày đi lùi lại một tí không có hai thằng phổi trâu kia nó nghe thấy!
Thằng Hữu hiểu, nó từ từ bước ngắn ngắn lại cho cái Dần đến gần. Giọng cái Dần như người nói thầm:
- Này, tao thấy bà cụ Vuông giống bầm của cô Khăn và cô Lụa ở làng mình lắm nhá!
- Mày có nhầm không?
- Thì có nhớ đâu mà nhầm, ngày lão Bành giở quẻ bọn mình còn nhỏ xíu!
- Thế bầm của cô Khăn tên là gì nhỉ?
- Tên cái các cụ ai mà biết được!
- Thế thì tao mù tịt, vì tuổi thơ của tao tắm trong những trận mưa đòn của lão Bành còn biết gì nữa!...
- Ừ, tao hỏi thế thôi, mày đừng để tâm nhiều nhé!- Cái Dần căn dặn.
Thấy hai đứa càng ngày càng tụt lại xa, thằng Tùng ngoái cổ lại giọng bô bô:
- Hai đứa mày ăn mảnh cái gì thế?
Nói rồi nó cười hi hí một mình. Thằng Hữu rảo bước định thanh minh điều gì thì cái Dần ngoặc tay vào thằng Hữu đi song đôi. Thằng Tùng tròn mắt bảo:
- Tàu bay nó mà nhìn thấy thì toi mạng chó nhá!...
Cái Dần bĩu môi cười hồn nhiên. Thằng Tùng chả làm gì được vùng vằng bảo:
- Mai ông thưa cô giáo Chiều!...
Thằng Phú cười ha hả:
- Biết ghen rồi, biết ghen rồi! Chúng mình sắp thành người lớn rồi! Hoan hô, hoan hô!... - Cả đám lại cuời lên rinh ran. Tiếng cười của chúng lan theo gió hòa lẫn tiếng chim rộn rã khắp rừng trưa.
***
Tàu bay của thằng Mỹ ngày càng nhiều hơn. Hôm nào cũng vậy, buổi sáng cứ từ chín giờ, buổi chiều từ mười ba giờ là từng tốp bay chạt mặt rừng. Chúng thả bom xuống khu vực Đá Trơn, bệnh viện A Tuyên Quang... chỉ cách khu trường sơ tán vài chục cây số đường chim bay. Dân làng phải dậy đi làm từ gà gáy. Công việc học hành của đám trẻ cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Nhà trường phải cho các em nghỉ học để đào hầm hào. Lớp học nào cũng phải có đủ bốn đường hào thông từ cửa lớp vào lòng núi. Bọn trẻ sáng đi học, chiều lại cuốc thuổng đi đào hầm. Thấy đám thằng Hữu vất vả bà cụ Vuông xót từng khúc ruột. Nom chúng nó hốc hác vì nhọc nhằn thiếu ngủ lại ăn uống đạm bạc. Cơm chỉ có rau muống luộc chấm với nước muối trắng. Giúp gì chúng nó được khi tuổi bà cũng đã cao mà trong nhà cũng chẳng có thứ gì đáng để bán. Khổ, chúng nó ăn chay tịnh mấy ngày nay rồi! Bà đứng tần ngần giữa sân. Bóng nắng lọt qua tán cây mít rớt xuống mái đầu bạc phơ của bà làm cho gương mặt phúc hậu của bà càng vò võ. Mấy thằng Con Ma từ đâu lại chạt qua làm cho bầu trời gầm rú lên lồng lộn. Bà vội cầm cái sào nứa lao lên trời đuổi nó như đuổi quạ, vừa đuổi bà vừa rủa:
- Cha bố tiên nhân quân ăn cướp, quân xâm lược! Bà mà biết bay bà xé xác chúng mày ra làm trăm mảnh! Cha bố quân ăn cướp, quân xâm lược! - Cứ thế bà rủa cho đến khi tiếng gầm rú của đám Con Ma tắt tịt phía chân trời.
Bầu trời trở lại yên tĩnh. Bà đứng tần ngần giũa sân, nắng chiều cũng đã quá sau rặng núi Nhội. Chợt nhớ ra việc cơm nước cho bọn trẻ, bà vội lấy cái nơm, vốc mấy hạt lúa gọi đàn gà tơ về. Bà tóm một con mổ thịt bồi dưỡng cho đám trẻ trong những ngày chúng vừa phải học vừa phải lao động đào hầm, đào hào. Bà vừa túm được con gà thì từ ngoài cổng có tiếng léo nhéo. Bà nhìn ra thì thấy đám thằng Hữu đang dìu cái Dần đi về. Bà vội nhét con gà vào cái nơm lật đật chạy ra. Giọng bà hốt hoảng:
- Sao thế các cháu? Xảy ra chuyện gì thế này?
- Cứ bình tĩnh bà ơi! Cái Dần nó bị cảm, đang làm tự nhiên mặt nó cứ trắng bạch ra! Cô giáo Chiều bảo đưa đi bệnh viên. Nhưng chả cần đâu bà ạ. Nhà có khóm gừng nào không bà?
- Có đấy, có đấy! Vừa nói bà vừa lập cập chạy ra góc vườn. Đám thằng Hữu dìu cái Dần vào giường và cùng bà rửa gừng cho vào cối giã, lấy mật pha vào nước đổ cho cái Dần uống. Nước trôi khỏi miệng một lúc thì cái Dần mở mắt ra. Bà cụ mừng quá cứ nắm chặt hai bàn tay nó vừa xoa vừa nói:
- Cháu bà làm việc nặng quá sức đấy mà! Làm bà hết hồn, hết vía. Thôi, thế là tai qua nạn khỏi rồi.
- Nó bị cảm đấy bà ạ! Cũng tại nó đang đào hầm mồ hôi mồ kê nhễ nhõa lại uống nước lã vào mà! - Giọng thằng Hữu thỏ thẻ vừa yêu thương vừa trách cứ.
- Thôi được rồi, cái nước gừng mật thế mà như thuốc tiên ấy bà nhỉ! Thằng Hữu thế mà nhiều tài lẻ thật, sau này có khi nó làm bác sĩ tài ba đấy bà ạ!
- Ừ, bà cũng mong thế! - Giọng bà cụ Vuông ân cần. Bà lại âu yếm xoa nhẹ bàn tay vào hai bàn chân của cái Dần.
- Chân nó ấm lại chưa hả bà?
- Được rồi! Cháu còn bé mà đã biết bài thuốc chữa cảm lạnh? Thế mà lúc ấy bà chả nhớ ra đâu nhá!...
- Bà Tứ bày cho cháu đấy! Chả là ngày bố Bành cháu uống rượu say nằm ngoài hè, bị cảm, hai hàm răng còn cứng đờ ra, cháu sợ quá chạy đi gọi bà Tứ. Bà ấy chạy đến bảo cháu đào gừng pha với đường rồi cạy răng ông ấy ra đổ vào. Thế là ông ấy tỉnh. Qua cái đận thập tử nhất sinh ấy ông ta không đánh đòn, không đốt sách của cháu nữa! Chắc là ông ấy nghĩ ra. Vả lại có thầy giáo Thuyên luôn đến thăm hỏi khuyên bảo nên ông ấy nể. Bây giờ ông ấy yêu quý và chăm lo cho cháu còn hơn con đẻ ấy bà ạ! Đi học xa thế này cháu cũng thương ông ấy lủi thủi một mình, đơn độc lắm đấy bà ạ!
Nghe thằng Hữu kể, tự nhiên bà cụ Vuông cứ thở ngắn thở dài. Thằng Hữu lại thỏ thẻ:
- Bà sao thế?
- Không, bà có sao đâu. Bà thương cái Dần quá thôi mà! À, mấy đứa mang con gà bà nhốt ở trong cái nơm mổ thịt nấu cháo mà ăn với nhau. Được bát cháo này là cái Dần nó tỉnh nhanh lắm đấy các cháu ạ!...
- Nhưng mà có mấy con gà phải để nuôi cho nó đẻ trứng chứ bà!... - Thằng Hữu do dự.
- Đành là thế các cháu ạ! Nhưng mà những lúc ốm đau cần phải bán hết để lấy tiền thuốc men cũng phải làm chứ! Thôi, mấy đứa mỗi chân, mỗi tay nhanh lên nào- Bà cụ giục.
Mấy đứa nhìn nhau rồi chúng cùng xoay trần vào công việc. Thằng Tùng lóng ngóng định bóp cổ con gà. Thằng Phú cười bảo:
- Thôi, vác cái búa đi bổ củi, để bọn anh làm cho. Thịt gà phải cắt tiết chứ ai lại bóp cổ hả chú em!- Thằng Phú và thằng Hữu nhìn nhau cười rúc rích.
Thằng Tùng vác cái búa vừa đi vừa lủng bủng:
- Bọn mày tài thì làm hết đi, bổ xong củi là ông khếnh!...
- Khếnh thì cho ăn khoai luộc chấm muối vừng... - Thằng Phú và thằng Hữu lại cười rúc rích.
Loay hoay mãi nồi cháo cũng được bắc lên kiềng và sôi lên sùng sục.
Khi con gà nứt ra, thằng Hữu vớt ra lọc bỏ xương vào cái cối dã nhừ rồi cho vào cái sô màn lọc lấy nước, nó đổ cả thịt và nước xương vào nồi cháo đánh nhừ và cho hành vào. Hơi cháo bay lên thơm ngậy. Nó múc một loa cháo đầy để bà cụ bón cho cái Dần rồi đậy vung lại. Thằng Tùng nhìn theo nuốt nước miếng ừng ực. Cái Dần nhìn thấy thế nó vừa nhổm dậy vừa nói:
- Xới ra mâm, mời bà ra ăn một thể. Dần khỏi rồi, chả phải bón đâu.
Vừa nói nó vừa kéo tay bà cụ đứng dậy. Cả nhà cùng ngồi tụm vào cái mâm. Nhìn đám trẻ xì xụp, bà cụ Vuông thấy vô cùng sung sướng và hạnh phúc. Sự cô độc cố hữu bấy nay tan biến, nó giống như tiếng gầm rú của đám Con Ma, Thần Sấm Sét tắt ngấm cuối chân trời! Bà cứ ngồi ngẩn nhìn chúng nó ăn. Bà như gặp lại tuổi thơ của mình từ năm, sáu mươi năm về trước ở làng Thông. Lúc này tự lòng bà giống như củ sắn, củ khoai. Bà muốn bóc trần ra cho bọn trẻ xem, để bà không phải giấu chúng cái điều có thật mà bấy nay bà phải gói kín trong lòng nữa!... Thấy bà tần ngần, cái Dần lấy muôi múc thêm thịt đổ vào bát bà, giọng nó nũng nịu:
- Bà ăn đi, bà cứ ngồi, cháu cũng chả ăn nữa đâu!...
- Cha mẹ cô!
Bà cụ âu yếm. Bà bưng bát cháo lên húp một miếng rồi đặt bát xuống mâm. Giọng bà rầu rầu:
- Bà kể cho mấy đứa nghe chuyện này nhá!
Mấy đứa tròn mắt rồi cùng đồng thanh reo to:
- Vâng ạ, bà kể đi!
- Thoắt đấy mà cũng hơn mười năm rồi đấy các cháu ạ!- Giọng bà cụ thì thầm vừa gần gũi vừa xa ngái - Các cháu đến đây ở chỉ vài hôm là bà nhận ra các cháu là người làng Thông mình rồi! Bà chính là người ở làng Thông. Bà bỏ làng lên đây lâu rồi!
Giọng bà nghẹn lại, bà khẽ kéo vạt áo lau mắt. Thằng Tùng mau miệng:
- Sao bà phải bỏ làng đi hả bà?
- Để im bà kể, chưa chi đã tọc mạch.
Cái Dần đưa mắt lườm thằng Tùng. Mấy đứa cùng im phắc. Giọng bà như nước trên mái gianh sau cơn mưa vừa tạnh cứ rớt xuống tí tách:
- Bà phải bỏ làng đi cũng là việc bất đắc dĩ phải đi. Bà có hai người con gái, một người lấy rể, một gả cho anh Bành con nuôi của bà cụ Đỡ. Chỗ làng xóm với nhau, bà cụ Đỡ lại hiếm hoi, bà thì toàn con gái, hai nhà cũng đặt niềm tin để nhờ cậy con cái lúc tuổi già sức yếu. Đời ai tính hết chữ ngờ. Vả cũng ai đo đếm được cái sấp ngửa trong bụng dạ người! Khi gây ra lỗi, thời cơ thấy có lợi cho mình anh Bành lại đổ cho người khác.
- Lỗi gì hả bà? - Thằng Tùng lại láu táu.
- Anh ấy hút thuốc lào rồi dụi tàn vào khe liếp, lăn ra ngủ. Cái tàn còn đỏ cứ thế bén vào phên liếp bốc cháy ngùn ngụt. Nhà cháy, năm ấy anh Bành lại là thành phần bần cố, được các ông ở trong đội đánh đổ địa chủ cường hào tin cậy, anh ấy nói gì đội cũng tin, thế là cái tội anh ấy vu cho người nhà bà càng to lớn thêm ra. Cái mái nhà vốn êm ấm của bà đành mỗi người một phương- Bà thở dài.
Thằng Tùng lại láu táu:
- Bà kể tiếp đi.
- Thôi!- Cái Dần hất hàm bảo thằng Tùng và ngước mắt nhìn bà, nước mắt nó rơm rớm chảy ra. Giọng nó thỏ thẻ:
- Bà ơi! Chuyện ấy chúng cháu cũng mờ mờ biết rồi. Bà đừng kể nữa, thằng Hữu nó buồn vả cũng thêm đau lòng bà. Điều vui là bây giờ lão Bành cũng ngộ ra rồi. Lão ấy thương yêu thằng Hữu như con đẻ thật. Giờ đám chúng cháu đều gọi lão bằng bố. Những ngày còn học ở trường làng đêm nào chúng cháu cũng tập trung ở nhà bố Bành để học nhóm với thằng Hữu, có thời gian bọn cháu còn phải cùng với thằng Hữu đi bắt đom đóm thả vào cái chai làm đèn để học vì nhà thằng Hữu nghèo chả có dầu đèn mà! Bây giờ chúng cháu đi học xa, bố Bành phải ở một mình thương lắm ạ! Hay là!... - Cái Dần ngập ngừng!...
- Thôi, bà biết rồi, chuyện gì thì cũng phải có đầu, có cuối và thời gian nữa các cháu ạ. Bây giờ có bà cháu mình ở đây là cũng tốt lắm rồi! À, bà dặn nhá: chuyện bà vừa kể là chỉ bà cháu mình biết với nhau thôi, về làng đừng đứa nào nói với ai bà còn sống và đang ở đây!....
- Vâng ạ!
Mấy đứa cùng đồng thanh và chúng ngồi quây tròn quanh bà. Ở ngoài bờ suối đám chim láo cáo cũng sà về ríu rít tìm chỗ ngủ. Thằng Hữu cao hứng lại đọc câu thơ:" Chỗ cành xanh là chỗ chim gù... "