Làm việc cật lực mà không có tài thì đáng xấu hổ, nhưng có tài mà không làm việc cật lực thì thật là bi kịch.

Robert Half

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 256 / 21
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ue des Caravanes — phố Lữ Khách, xưa vốn là cái phố chuyên đón khách lữ hành từ các châu Pa Kha, Pha Linh, Mường Cang tới. Phố ấy bắt đầu đánh số nhà từ đầu cầu biên giới, tới đoạn có cái máy nước, ngoặt một nét ngang chữ L in thì mất số; ở đây, chỉ còn những túp nhà lợp lá, lợp cỏ và những tràn ngựa.
Khách lạ mới tới phố này, chắc chắn nhận thấy ngay mấy loại nhà xây kiểu cách khá đặc biệt. Loại thứ nhất một tầng, ngói ta, buồng ngăn chật hẹp, giống kiểu nhà vợ lính. Loại thứ hai là những căn nhà hai tầng ngói tây, trên nóc có hai trụ đèn. Đó là những căn nhà sở hữu của ông phán Thông, làm ở Tòa sứ, dân chúng thường gọi là phán đầu tòa — con rể của thổ ty Hoàng Văn Chao, người thân tín của công sứ Et-các-lát và chánh mật thám Đen-mátx. Phán Thông có hơn ba mươi căn nhà cho thuê. Y ở căn nhà gác hai tầng xinh xinh, trước có giàn hoa tigôn màu tím nhạt ở giữa phố. Cuộc cướp phá của Man-di khai sáng vừa qua là nhằm vào căn nhà đó. Dấu vết còn lại của nó là những vết rìu chém nát hai cánh cửa lim của căn nhà.
Ông chủ sự Bằng thuê của phán Thông căn nhà ở cuối phố, loại nhà ngói ta, nhỏ hẹp, tiếp giáp với nơi trú ngụ của đám dân nghèo thị trấn. Căn nhà chỉ có một buồng, một gian bếp nhỏ, nhưng có gác xép; ngồi ở đó, nhìn ra phía sau, thấy dòng sông Nậm Thi biên giới trong xanh hiền hòa.
Vợ con ở cả dưới xuôi, ở đây ông Bằng sống một mình. Năm ngoái, một bà cô ông lên đây ở cùng để cơm nước cho ông. Tới vụ lụt thì bà cụ về. Từ bấy ông Bằng ăn cơm tháng ở quán cơm một người Hoa. Dù là chủ sự, ông vẫn giữ nếp sống của một gia đình nhà nho, đạm bạc, thanh nhã, ung dung, khoan hòa.
Buổi chiều đầu đông, thị trấn miền núi mau tối. Núi tỏa sương heo heo lạnh từ quãng bốn giờ. Loáng cái, phố xá đã mờ nhòa vì những đám mù như tro bay, từ các khe núi tuôn ra mỗi lúc một dày đặc.
Hai ngọn đèn dầu hỏa đã được thắp. Một ngọn đặt ở bàn nước, một ngọn ông Bằng cầm theo, leo lên cái gác lửng. Hơn nửa tháng trời bị giam, căn gác quạnh hơi người, lạnh tanh, mạng nhện kéo tơ ngang dọc, giờ ông mới lên quét dọn, sắp xếp lại được. Ông bê bồn hoa quý ra cái ô cửa trổ ở đầu hồi. Đóa hoa quỳnh nở trong đêm vắng ông, nay đã héo quắt. Bụi phủ một lớp mỏng trên cái giá sách, ông nhận ra thế vì sờ lên mặt giá thấy nhơm nhớp bàn tay. Lôi từng cuốn ra, nâng lên, ông chúm miệng thổi bụi và khe khẽ vỗ vào mặt bìa cuốn sách. Ôi những cuốn sách rất nâng niu của ông cha; Bộ Bắc sử, bộ Khang Hy tự diễn, cuốn sách thuốc, cuốn địa lý, bộ Đường thi, Tình sử, Liêu trai và quyển Kiều, quyển Hoa tiên. Bóng hình ông cha ông như phảng phất hiện lên quanh quất nơi đây.
Xếp xong giá sách, ông Bằng chống cái liếp che ô cửa sổ đầu hồi. Trời đã vào tối. Cái xóm lao động vào cữ nhộn nhịp. Đấy là lúc người đi thả bè gỗ, đi lấy củi, đi cắt cỏ, đi bán công... đã về và những đàn ngựa thồ từ các xã lân cận ra họp chợ sớm mai đã rình rịch gõ móng đi tới. Trong những túp nhà ụp sụp, đã thắp lên những ngọn đèn dầu ta đỏ quạch. Tràn ngựa rộn tiếng ngựa hí, tiếng dao thái cỏ ngựa sằn sặt gấp gấp, tiếng xô nước đổ ào vào máng lẫn tiếng người gắt gỏng, kêu than, chửi bới không phút nào ngừng.
Thói quen ở cả cặp mắt, ở cả lỗ tai. Những âm thanh ấy khiến ông Bằng lặng người vì bồi hồi cảm động. Ông ngồi yên không động đậy đến mấy phút. Thế là ông đã được trở về! Vũ Khanh đã cho người đến tận nhà giam "xin lỗi" ông, trò chuyện với ông một hồi và sau đó, bọn sĩ quan đã "hộ tống" ông về tới tận căn nhà này. Trong cuộc đời công chức của ông, đối đáp với các thế lực hắc ám không chỉ có lần này, ông không phải là loại công chức già an phận. Nhưng lần này có lẽ là lần quyết liệt nhất, kỳ lạ nhất. Quyết liệt không chỉ là ở chỗ Lộc đã dùng roi, dùng gậy đánh ông. Quyết liệt chủ yếu là ở chỗ ông đã nghiến răng chịu đựng không chỉ là để bảo vệ cái nhân cách không chịu cúi luồn trước phường giá áo túi cơm, mà còn là để gìn giữ một tín điều thiêng liêng cao cả của mình. Ồ, chính là ở căn gác xép này, người chiến sĩ cách mạng ấy, anh Lê Chính đã ẩn náu trong sự che chở của ông. Lê Chính là người của Cách mạng, người của bên mình. Anh ấy đại diện cho Bắc Bộ phủ, cho Chính phủ lâm thời lên đây để thiết lập chính quyền nhân dân tỉnh. Và ông đã vui vẻ nhận lời mời của anh, đảm nhiệm chức vụ ủy viên văn xã trong chính quyền này. Một đêm, bọn Lộc làm phản, nổi loạn lùng bắt anh, chính ông, ông đã giấu anh ở căn gác xép này. Và như vậy, ở cuộc đối mặt với bọn Lộc vừa qua, một lần nữa, ông đã dứt khoát bước sang một địa vực tinh thần mới mẻ; ông đã chọn lựa con đường đi, ông đứng hẳn về phía cách mạng.
— Ông chủ sự có nhà không đơới ới...
Nghe tiếng người gọi, ông Bằng cúi xuống nhìn. Ông lão Lìu bán phá xa, người cũng vừa được bọn Quốc dân Đảng thả về, người hàng xóm gần gũi của ông, lộp khộp đôi guốc gỗ thừng mục đẽo lấy, quai giang bện, qua cổng sau, đang bước vào nhà.
— Cụ Lìu! Mời cụ lên trên này.
— Ồ, lên trên gác ấm tri kỷ vặt với nhau cũng hay đấy nhẩy.
Ông lão Lìu tay giữ thang, tay giơ cao chai rượu thuốc, chân leo thoăn thoắt. Đặt chai rượu thuốc đỏ lự xuống sàn, vén quần, ngồi xếp chân bằng tròn chỉnh tề, bấy giờ ông lão mới bỏ cái mũ phớt rách, nở tròn hai con mắt như mắt cá, hóm hỉnh và tinh quái:
— Cái anh rượu gấu tàu này là kiến hiệu lắm, bác Bằng ạ. Thằng võ sĩ Vận nó gọi em ra, nó bảo: "Lão già có thích chào bằng nắm đấm nữa không? Thích hả? Đây nhé?". Thế là “hự” một cái. Em tỉnh dậy, ngực đau tức như bị đá đè. Thế mà bà mọ nhà em xoa bóp cho nhõn có hai lần đã đỡ đỡ. Bác lấy mà bóp vào các khớp xương đau. Còn cái mật gấu hôm qua em đưa...
Cảm động, ông Bằng tay run run nâng chén trà:
— Nhờ cụ, bảy phần nay chỉ còn đau ba phần. Cụ xơi nước đi.
— Mặc em — Ông lão đón chén nước — Em nghĩ, thật ít người được như bác. Bọn gian hùng ấy...
— Có gì đâu cụ. Mình, nếu không noi theo được ông cha thì chí ít khi hai tay buông xuôi cũng để lại chút gì thiện cảm cho người đời, chứ đừng để tiếng xấu là đồ phản phúc. Chớ có nên vì danh lợi trước mắt mà để tiếng cười muôn thuở.
— Ấy, em cũng nghĩ thế đấy, người ta sống ở đời quý nhất là tấm lòng... — Ông lão nhấp chén nước, bỗng ngẩn người, khoan khoái — Chè tuyết móc câu Pa Kha phải không, bác? Em chạm đầu lưỡi một cái là biết ngay. Đúng là chưa rang đã thơm. À, hôm nào nhà anh Pao ở Pa Kha ra em bảo anh ấy lấy cho bác mấy lạng tam thất, với mấy lạng cao bạch mã, cao thật đấy. Tam thất bổ ngang sâm Cao Ly đấy, bác ạ. Chẹp! Cái nhà anh Pao người H'Mông nghĩ thật cũng hiếm. Tốt, thật tốt. Nhờ gì là làm bằng được mới thôi. Bà mọ nhà em quen anh ấy từ hồi vào bán công ở châu Pa Kha, đâu như là làm công, xây cái lâu đài cho ông thổ ty thì phải. Chẹp! Ra người thiểu số cũng lắm người tốt, bác Bằng nhẩy!
— Người xấu trên thế gian này chỉ có một nhúm thôi, cụ Lìu ạ. Cụ cứ ngẫm mà xem, có đúng thế không: — Nhìn ông lão, ông Bằng muốn nói tiếp: như cụ đấy, cụ ơi, cụ tốt quá! Nhưng ông lại nâng chén nước, ngùi ngùi: — Cụ xơi nước nữa đi. Cụ đã xơi cơm chưa?
— Cơm cháo gì đâu. Gạo hồi này kém quá, bác Bằng ạ.
Đặt chén nước vào khay, ông lão vòng hai cánh tay ôm đầu gối, rề rà:
— Bà mọ nhà em cắt cỏ ngày được có nhõn hai hào công. Mọi ngày, giá gạo hai đồng một yến thì còn được ngày hai bữa. Thế dưng mà hôm qua, lại lên bốn đồng rồi. Cả thuốc phiện, bạc trắng cũng lên giá gấp bốn, gấp năm. Chết! Cơ mầu này không khéo lại như năm Ất Dậu mất. Mà không hiểu rồi có qua được cái tao đói kém này không? Bác Bằng này, nghe nói Quốc dân Đảng họ lại chở hàng toa gạo sang Tàu. Họ bắt cả lính. Ai lại ăn ở thất đức thế. Lừa con trẻ đi họp, rồi bỏ rọ cả loạt. Có đứa mũi dãi còn chưa sạch.
Im lặng, ông Bằng cắn cắn môi dưới. Lòng dạ ông lại nao nao. Bức tranh trước mắt thật là đen tối đấy. Nhưng không thể như thế mãi được. Ông tin là vậy. Chao! Niềm tin mới mẻ này đang tẩy rửa cái tâm sự bi thiết gia truyền trong gia tộc ông, ở ông. Sao ông biến đổi nhanh vậy? Phải chăng do ông đã được chứng kiến cảnh lũ đầu trâu mặt ngựa phải bó tay trước nhân cách cứng cỏi của ông? Hay vì ông được thấy tận mắt cuộc đối mặt hết sức dữ dội của Tâm với kẻ thù. Tâm, hòn đá cuội, Tâm, gang thép. Ở trong thế bị động, Tâm vẫn là người thắng cuộc. Màn đêm còn phủ nơi đây nhưng cả khoảng trời rộng lớn đằng kia đã rạng sáng. Và ngay ở đây, trong màn đêm, những con người của một thời kỳ lịch sử mới cũng đã xuất hiện, và ông là một ví dụ đó thôi.
— Bác Bằng à, bà cô bác từ độ về xuôi có tin tức gì nữa không? Bác gái, các anh, các chị dưới ta chắc vẫn mạnh khỏe, bình an, bác nhẩy?
— Vẫn chưa có tin tức gì, cụ ạ — Ông Bằng đáp đăm chiêu.
Tặc tặc lưỡi, ông lão Lìu tiếp:
— Chẹp! Chắc ở dưới xuôi ta có Chính phủ cụ Hồ, nó chẳng như trên này đâu. Dà, hỗn quân hỗn quan, hiếp đáp ông già con trẻ thế này thì chẳng được mấy nả đâu. Em nói thật đấy, bác Bằng ạ. Đừng cứ tưởng ngựa xe võng lọng phây phây ra đấy mà bền. Các câu chuyện cổ người ta kể là nó có ý nghĩa cả đấy chứ. Thế nào rồi Tiết Đinh San cũng đẹp duyên với Phàn Lê Huê, rồi con cháu đầy đàn cho mà xem, bác nhẩy.
Nói hết câu, ngồi im, lòng lâng lâng, ông lão Lìu cười một mình.
Ông lão Lìu ở đất này đã gần nửa thế kỷ. Nửa thế kỷ toàn là những đói khát cơ hàn, tha phương cầu thực. Tám tuổi, bị mẹ mìn bắt từ Thanh Hóa lên bán cho một người Quản Mán ở Tà Ngào. Mười hai tuổi chẳng chịu được thân phận tôi đòi, ông trốn khỏi làng Mán, nhưng chẳng biết đi đâu vì đến cả tên làng cũng chẳng biết, chỉ mang máng nhớ quê mình ở tỉnh Thanh, làng có tháp chuông nhà thờ, nhiều cau và ở cạnh một con sông, bố mẹ tên gọi là Hai Cư thôi! Đến ở cái thị trấn biên giới đang độ tấp nập này, ông Lìu khi làm thằng nhỏ, làm bồi bếp, kéo quạt, lúc đi bổ củi, chở bè mảng, xẻ gỗ kiếm ăn lần hồi. Về già, học được cách ủ húng lìu với lạc rang thì ông lão đi bán phá xa. Năm mươi tuổi, ông Lìu mới làm bạn với bà ấy bây giờ. “A! Gái này chẳng phải là cua là cáy, là cái hạng đòn gánh chắp vai đâu. Đây chẳng thèm làm bà lý, bà chánh, đây mới chịu lên đây. Chứ cái hạng nhà mày chỉ đáng làm thằng ở xách dép, bưng tráp cho nhà bà thôi!". Cái lúc bà chửi ông, bà tự khoe bà như vậy. Nhưng cũng là nói cho sang thôi. Còn sự thật thì nhà bà cũng nghèo, ở ngoại ô Hải Phòng, tám chín miệng ăn mà chỉ có độc một sào thổ canh. Năm mười tám tuổi, bà là cô gái có nhan sắc, lý trưởng làng bà vốn là đứa dê cụ, thèm khát bà lắm. Lão tìm mọi cách ép bà. Gia đình bà mắc nợ lão nên đành chịu gả bà cho lão. Nhưng bà thì bà không chịu. Ở nhà lão chưa đầy tuần, bà trốn biệt. Lang bạt kỳ hồ mãi, cuối cùng bà trôi dạt tới phương trời này. Cái xốc vác của người ven thành, nỗi căm uất của kẻ bị giày xéo cũng hòa trộn trong bà. Bà sống tự lập, xoay xỏa đủ nghề. Đánh gianh thuê, gánh nước tháng, làm vú em, rồi bán sủi dìn, bán lèng phân *. Sống qua hết các châu huyện. Quen thuộc nhiều, thổ ty nào vợ cả vợ lẽ, gia sản, ruộng nương bao nhiêu, biết hết. Đáo để, đanh đá, dạn dày, cứng cỏi loại có nanh có mỏ, đố ai bắt nạt, ăn hiếp được. Nhưng lại thấu lý, thấu tình, giàu lòng thương kẻ hoạn nạn, nghèo khó. Kết bạn với nhau khi đã già, hai ông bà chẳng có được một mụn con nào. Bà lão, có bao nhiêu tình thương thì dồn cho ông lão cả. Nhưng những yêu thương trìu mến thì chẳng mấy khi biết nói thành lời mà những điều chê bai, ca cẩm về ông lão thì lại quá dồi dào chữ nghĩa. Bà chê ông lù đù, ngốc nghếch, thật thà đến vụng dại. “Ôi dào! Cái thứ đàn ông đàn ang gì mà đần đến thế. Có miệng mà câm như hến, sức dài vai rộng mà để nó trói, nó đánh đòn săng tan cho có nhục không? A! Trói thì giãy, giãy không được thì chửi, cùng kỳ lý thì ra tòa áo đỏ áo đen chứ. Bà ấy à, bà mà thế thì bà...". Bà nhiếc ông như vậy. Vì chính bà đã nhao ra đường chắn xe ô tô của Vũ Khanh. “Ối ông đảng trưởng ơi là ông đảng trưởng ơi! Con mèo đen nhà tôi người ta bảo là con mèo gở, người ta đánh chết nó". "A, mèo không gở tại sao lại ăn than! Đánh chết là phúc đấy”. Ối giời ơi! Phải mục sở thị chứ. Rán mỡ, mỡ nó mới dào xuống than. Con mèo ăn than vì than có mỡ chứ, nó có phải con mèo gở đâu...”. Bà la lối om sòm. Bà đòi ông lão về. Ông lão được về, bà bỏ cả mấy ngày công, thuốc thang tẩm bổ cho ông lão. Nhúc nhắc chân tay được, ông lão định đeo cái hòm phá xa đi thì bà giằng lấy: “Lại muốn nó cho vào xà lim hả! Lù đà lù đù thế thì từ nay ở nhà mà uống rượu. Sợ gái già này không mua nổi cho chai lớn chai bé à!”.
— Bác Bằng à — Ông lão Lìu sau một hồi im lặng, chợt ngẩng lên — cứ nghe nói Việt Nam hoàn toàn độc lập là bụng em nó no kếnh lên. Bao giờ thế, em thế nào cũng nhờ bác đăng nhật trình tìm quê rồi về, bác ạ.
Ông Bằng gật gù:
— Yên hàn ra thì tôi cũng về...
— Nghe đâu, ông giáo Huyền sau hôm cướp dân đểu bắt lính, bỏ việc xin xuôi, không được ông Khanh bằng lòng, về nhà ốm liệt, không chịu đi làm ở trụ sở nữa.
— Thật à, cụ?
— Ấy là tôi nghe học trò nó kháo, ông ấy muốn thôi chức chủ tịch Ủy ban Hưng Việt. Ông Khanh không nghe, lại còn bắt ông ấy đứng ra lập Tỉnh đoàn thanh niên Quốc dân Đảng. Ông Khanh nói: Đại quân sắp kéo sang đánh Việt Minh rồi. Bác Bằng à, mặt ông Khanh là mặt đại gian đại ác đấy. Ác mà thâm kia. Nghe nói, ông ấy giam cả một ông bạn đồng liêu vào lô cốt rồi thả hơi ngạt vào giết chết. Là em nghe hai chú lính trốn đi làm nghề cốn bè kể lại. Lính họ bị lừa, họ trốn về xuôi vô khối ra. À mà bác Bằng này, cái cô gì là nhân tình của anh nhạc sĩ ấy mà, nghe đâu nhận lời lấy ông Khanh rồi đấy!
Ông Bằng cau mày:
— Cụ nghe tin ấy ở đâu?
— Là nghe học trò nó bảo: ông Khanh sai lính đưa cô ấy lên ở cái nhà lầu bên dinh tỉnh trưởng. Tù nhân hóa thành tình nhân mà.
Ông Bằng thở đánh phào:
— Thế thì chắc gì đã phải!
Bỏ lại câu chuyện vừa kể, ông lão Lìu ghé sát mặt ông Bằng, hai con mắt đưa đẩy nhoay nhoáy xung quanh như soát xem có kẻ nào nghe trộm hay không, rồi hạ thấp giọng:
— Bác Bằng ơi, bác đã biết tin về anh thợ ở đề-pô chưa?
— Anh Tâm ấy à?
— Phải. Anh Tâm hòn đá cuội ấy. Anh ấy chưa chết, bác ơi? Anh ấy bị chúng đâm ở cầu Cốc Lếu rồi đẩy xuống sông. Xuống tới sông thì anh ấy tỉnh, anh ấy bơi. Anh ấy, vốn là dân sông nước nên bơi giỏi lắm. Thế rồi bên mình có người biết trước đón sẵn. Bác Bằng ơi, anh ấy sống, anh ấy đem quân về đây...
Giọng ông lão Lìu nao nức lạ. Ông Bằng bừng hai con mắt, lòng dạ ông râm ran, rạo rực hết cả lên.
Tuy nhiên, hai người đàn ông chỉ được hưởng nỗi vui thầm kín do chính mình tạo ra một lát thì đã nghe thấy tiếng bà lão Lìu réo gọi ở bên nhà.
— Cái gì mà quang quác cái mồm thế! — Ông lão Lìu lập cập xuống thang đi ra cửa, miệng làu bàu.
Trên cái sân đất trước nhà, bà lão Lìu nhỏ choắt, áo bông tuột khuy, quần xếch chéo, đang chân nhảy, tay xỉa vào khoảng không, xoe xóe:
— Cao cao chi tổ, hạ chi tồn, đồng môn ông vải nhà mày, dỏng búi tai, gài búi tóc dựng dọc mặt mà nghe bà đọc kinh sám hối nhà mày nhé é é... Con gà nó ở trong tay bà, nó là con gà con qué. Con gà nó về tay mày, nó là con cú con cáo, mày thò tay cướp con gà của bà, tay mày lên bìm bìm bắp chuối, chân mày lên đầu gối ông voi. Mày ăn một chết một, ăn năm chết năm, nhớ ớ ớ...
Đứng lại ở trước cửa nhà ông Bằng, ông lão Lìu giậm đôi guốc cành cạch, nhìn bà vợ, mặt bỗng tươi rờn:
— Chửi ai mà giòn thế, bà mọ?
— Chửi ai à? Chửi cái đứa chết tử chết tiệt nó đang tay cướp sống cướp chín con gà mái tơ mồ hôi nước mắt của nhà người ta, chứ còn chửi ai vào đây nữa!
Phẩy tay, ông lão Lìu nhếch mép:
— Dà... Có thế mà làm ầm ĩ cả lên.
— Ầm ĩ chứ lại không à? Người ta đi chợ về, công lao bao ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho giời mới được đồng bạc mua cho chồng con người ta con gà, thế mà nó sấn sổ ngay lại, giả đò lục soát rồi ôm con gà ba chân bốn cẳng chạy biến.
— Dưng mà nó là đứa nào? Đứa nào nó chém tre không dè đầu mặt, nó dám cướp con gà của bà?
— Còn đứa nào nữa! Hai thằng lính Quốc dân Đảng chứ còn thằng nào!
— Ha! Bật cười, ông lão Lìu gãi gãi cằm: Thôi thế thì từ nay đừng chê tớ hèn nữa nhá!
— Chứ lại không à! Nó mà không nhanh chân thì đã ăn mấy đòn gánh của người ta rồi. Cha năm đời mười đời cái quân cướp ngày ấy nhớ...
— Thôi bà ạ, bà thí cho nó.
— Thí là thí thế nào! Tôi là tôi phải gặp hẳn cái nhà ông Khanh.
— Thôi bà ơi! Thiện hữu thiện báo. Ác hữu ác báo. Bà mua để tẩm bổ cho tôi, tôi thí cho nó vậy. Nó làm càn, nó chẳng sống được mấy nả nữa đâu. Công bà rồi thế nào cũng được ông trời xanh soi xét đền bù, bà ạ.
Bà lão xem chừng đã nguôi nguôi, gắt ông Lìu mấy câu rồi chui vào bếp.
Lòng vui vui, ông Bằng xuống thang gác, mặc áo pa-bờ-xuy, choàng cái phu-la len, rồi đi thăm ông giáo Huyền.
Hơn mười giờ đêm, ông Bằng mới rời nhà ông giáo Huyền trở về. Đêm sâu, lạnh giá. Sương sa kín đặc đường phố. Nhưng người ông Bằng bừng bừng nóng ấm, lại ngây ngất như có chút men rượu.
Nghe thấy một tiếng ngựa, thở brừ brừ, ông Bằng ngẩng lên thì đã thấy căn nhà của mình. Ông bước lại cửa, móc túi tìm chìa khóa. Quái, chìa khóa đâu nhỉ? Ông lục túi áo.
Túp nhà bên cạnh có vệt sáng đèn chuyển dịch. Con ngựa đứng ở trước cửa túp nhà quay đuôi. Làn da nó óng ánh hơi sương bắt ánh đèn đỏ hồng dậy. Ông Bằng ngước lên nhìn ánh đèn nhà bên thì vừa lúc nghe thấy tiếng vợ chồng ông lão Lìu cùng reo:
— A! Tả cố. Pao! Tả cố * Pao! Vào đây! Vào đây! Cho ngựa vào đây!
Một người trai trẻ đáp, giọng lơ lớ:
— Chào hai ông bà nhé!
— Anh Pao, sao lâu mới ra phố thế?
— Hầy dà! Đi lại bây giờ khó khăn quá. Hôm nay, đi từ trong ấy ra đến dốc Trung Đô thì gặp hai thằng Quốc dân Đảng.
— Suỵt, khe khẽ chứ, Pao à.
— Ừ, một thằng bé bé đen đen, một thằng nữa đeo kính. Thằng bé bé đen đen hỏi thăm nhà ông Chao, tôi bảo: ông thổ ty không hợp tác với Quốc dân Đảng đâu. Nó lại bảo tôi có thuốc phiện không, rồi sấn lại khám, cướp mất.
— Có nhiều không? — Tiếng bà cụ Lìu hỏi đầy lo âu.
— Một lạng.
— Cha con đẻ mẹ nó chứ...
— Tôi ra đây định tìm mua một khẩu súng.
— Tưởng anh có súng rồi?
— Có súng kíp thôi. Giờ phải có súng trận cơ. Hố pẩu * nói: Còn loạn lạc đấy! Không có súng, mạng người không yên đâu. Nghe nói, lính Quốc dân Đảng nó hay bán súng lắm mà, cụ Lìu?
— Anh Pao cứ để yên tôi dò mối cho nhé.
Ông Bằng tìm thấy chìa khóa, mở cửa, vào nhà. Ông xòe diêm. Mấy lần mà không châm được đèn. Tay ông cóng rét hay câu chuyện của người trai H'Mông tên Pao nọ gây tê buốt đến cả ngón tay ông? Đêm giá lạnh đen thui, có cảm giác như đêm giao thừa.
Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe - Ma Văn Kháng Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe