Số lần đọc/download: 1657 / 17
Cập nhật: 2015-07-22 16:12:54 +0700
Chương 7
H
ầu như mỗi khi chuông điện thoại reo khi tôi có mặt ở nhà là hồi chuông đó bao giờ cũng giật tôi ra khỏi một giấc ngủ rất ngon hoặc nó tóm phải tôi đúng lúc tôi đang đứng trong bồn tắm. Buổi sáng hôm đó cũng vậy, lúc 7 giờ 55 phút.
Tôi tắt nước, quấn mình vào một chiếc khăn tắm dày rồi chập chững bước đến bên máy. – Hello? – Tôi hỏi.
- Cậu nghe tin thời sự chưa? – Phil hỏi ngay lập tức.
- Chưa. Mình đang tắm. Vào giờ này cũng không có tin thời sự. Nhưng mình dám cuộc là cậu muốn cho mình nghe tin mới.
- Ủy viên công tố vừa đòi cho bắt giam Kellin, và ngài chánh án chắc sẽ ký thôi. Bây giờ cậu nói gì?
Mặc dù hầu như đã đoán trước được điều đó, cái tin mới này vẫn giáng vào tôi nặng nề như một cú sốc.
- Kể đi, - tôi nói. – Nhưng mà kể nhanh lên. Nước đọng lại dưới chân mình thành vũng rồi.
- Anh ta bị buộc tội đã giết chết cô gái, - Phil nói.
- Cái đó mình cũng đã nghĩ tới. Tại sao anh ta phải giết cô ta mới được chứ? Anh ấy mê cô ta lắm!
- Bác sĩ tâm thần của cảnh sát đã ám chỉ đến một động cơ. Ông ta cho rằng viên đạn giết chết Labonte đã làm tín hiệu giải tỏa một làn sóng hiếu chiến bị kìm nén bấy lâu nay, nó có thể dẫn tới một hành động bạo lực vô lý. Một triệu chứng đặc trưng cho dạng hành động đó, theo bác sĩ tâm lý, là trạng thái đờ đẫn của Kellin sau khi ra tay.
- Đơn giản đến mức tuyệt vời, đúng không? Người ta không cần giết anh ấy, người ta tuyên bố anh ấy là đồ điên và có hại cho xã hội, và thế là anh ấy biến mất.
- Nếu có, thì đó chỉ là một động cơ, - Phil điềm đạm nói tiếp. - Rất có thể còn một động cơ nữa, mình sẽ nói đến ngay. Đầu tiên mình muốn điểm lại cho cậu tất cả các tang chứng gián tiếp. Anh ấy không có lý do vắng mặt...
- Đó là một tang chứng gián tiếp mỏng manh. Tên giết người đã vặn nước nóng để nhiệt độ của xác chết không cho phép người ta rút ra kết luận.
- Nếu cậu không luôn mồm ngắt lời mình như thế thì mình đã nói được vào dữ liệu chính từ lâu rồi, - Phil nói. – Nhân chứng quan trọng nhất là người gác nhà. Anh ta thề rằng không có người lạ nào vào được trong nhà và đến thăm bạn gái của Kellin. Anh ta được coi là tuyệt đối đáng tin cậy. Ngay cả khi anh ta ngủ gục trong cabin hoặc lẻn xuống tầng hầm uống một ngụm rượu nhỏ, cũng không một ai vào được trong nhà. Nhân viên của Hobson đã hỏi han tất cả những người thuê nhà mà họ gặp được. Không một ai cho một người lạ vào trong. Và nhà không có cửa khác, Jerry. Không có garage ngầm, và những cầu thang cứu hỏa thì không hề được sử dụng kể từ lần thanh tra gần đây nhất của lực lượng phòng hỏa. Gã chỉ có thể đậu bằng máy bay trực thăng lên mái nhà thôi.
Tôi biết, lời khai của gã gác cửa là hầu như không ai có thể lay lắc nổi. – Nhưng chính anh ta đã cho Kellin vào trong nhà. Anh ta không hề gọi điện cho cô Dixon và báo trước là Kellin sẽ lên đó.
- Đáng tiếc là không. Kể từ ngày hôm kia, Kellin có chìa khóa riêng của anh ấy. Những ai có chìa khóa, cũng đồng thời cầm trong tay một thứ như là vé vào cửa. Hãng bất động sản chủ nhà đã đưa cho mỗi người thuê nhà của họ hai chìa khóa cho cửa ra vào chính và hai chìa khóa cho cửa vào căn hộ. Họ khai là không có nhiều chìa khóa hơn. Chiếc chìa khóa kia được tìm thấy trong túi bộ áo liền quần của cô Dixon. Người gác cửa đã nhìn thấy Kellin bước vào đại sảnh sau lúc 7 giờ 30. Kellin đã đi lên trên bằng thang máy. Sau khoảng chừng 20 phút, Kellin xuống dưới. Anh ta gây ấn tượng hoàn toàn đờ đẫn. Người gác cửa cho rằng Kellin đã tìm cách bỏ trốn. Chỉ sau khi người gác cửa hỏi anh ta, Kellin mới gọi điện cho cậu.
Về chuyện bỏ trốn, chắc là một luật sư bào chữa sẽ đủ sức tấn công lại lời khai đó, nhưng vẫn còn lại quá đủ. Nhìn tổng thể, khó có thể đục phá hay lung lay những dữ liệu đó ở bất cứ điểm nào.
- Trong thời gian đó có những người khác đi xuống dưới không?
- Không có người lạ, Jerry, - Phil im lặng một thoáng. Khi không thấy tôi lên tiếng, anh nói tiếp.
- Nhưng bây giờ mới đến điều tệ hại nhất. Người đã chết hoàn toàn chẳng phải Cora Dixon.
- Vậy thì đúng là ... – tôi nói.
- Nhưng chẳng phải thứ mà cậu nghĩ đâu, Jerry. Đó là người phụ nữ mà Kellin cứ tưởng là Cora Dixon xứ Flagstaff. Nhưng ban trọng án đã gọi điện cho cảnh sát trưởng Flagstaff, và chỉ một tiếng đồng hồ sau anh ta đã gọi điện trở lại, khẳng định chắc chắn là cô Cora Dixon kia đang còn sống và rất khỏe mạnh.
Nếu người đã chết không phải là Cora Dixon, vậy cô ta là ai? Giờ tôi mới hiểu Phil muốn ám chỉ điều gì ngay từ đầu, khi anh nói là có thể còn một động cơ nữa cho hành động. Kellin rất có thể đã phát hiện ra Cora là ai. Yếu tố bất ngờ có thể đã thúc cho tính hiếu chiến bị dồn nén bùng nổ, thứ mà bác sĩ tâm lý đã nói tới.
Ôi cha, tình hình quả thật rất u ám đối với Mike Kellin, rất rất u ám.
Mặc dù vậy tôi vẫn không tin là anh đã đập chết người phụ nữ đó. Kể cả trong một cơn cuồng nộ bất lường.
Đối thủ của anh lần này đã nghĩ ra một chuyện hoàn toàn mới...
- Ủy viên công tố có tuyên bố sẽ họp báo vào lúc 10 giờ. Cậu có tới đó không?
- Mình đến đó làm gì? Chỉ phí thời gian. – Tôi giải thích với bạn tôi dự định của mình, rồi yêu cầu anh: - Cậu bám theo đi! Bọn mình cần cái tên đích thực của người đã chết. Mà phải thật nhanh.
- Mình sẽ làm hết sức.
- Cậu có biết cô ta sống trong căn hộ đó bao lâu rồi không?
- Mình có ghi lại. Đây rồi. Ba tuần. Không, tổng số chính xác bốn tuần.
- Hãy gắng tìm cho ra liệu trước đó cô ta có ở một nơi nào khác tại New York không. Nếu cô ta mới tới Manhattan từ bốn tuần nay và cô ta đến bằng máy bay, có thể lúc đó cô ta đã sử dụng cái tên Dixon. Hãy hỏi các hãng hàng không! Và gửi lời mô tả nhận dạng cũng như dấu vân tay của cô ta về Flagstaff cũng như tới Washington!
- Không thành vấn đề. Hobson cũng đang làm chuyện đó.
- Thế thì hãy nói chuyện với đám người ở văn phòng giới thiệu nhà đất! Hỏi họ xem cái cô Cora Dixon đó có tự thân đến thuê căn hộ, liệu cô ta có đi một mình khi ký hợp đồng. Sau đó đòi họ trao cho cậu danh sách tất cả những người thuê nhà ở đó! Kiểm tra lại tất cả những người chuyển vào hay chuyển ra khỏi ngôi nhà đó trong vòng sáu tuần lễ qua, à mà không, tám tuần lễ vừa qua.
- Cậu đi tìm một người đã quên nộp chìa khóa hay sao? – Đâu có thể giải quyết vấn đề dễ dàng như thế được. Có những cơ sở bất động sản đổi khóa mỗi lần có người thuê nhà chuyển đi. Khi một chiếc chìa khóa không được trao trả hoặc bị mất, ổ khóa cũng sẽ được thay ngay lập tức.
- Cứ làm những gì mình nói đi, - tôi nói với hơi một chút bực bội, vì tôi đang ướt và bắt đầu thấy rét. – Và cậu cũng nên quan tâm đến cả những căn hộ dù đã có người thuê, nhưng không được sử dụng thường xuyên.
- Mình đi đây. Cũng may mà cái nhà đó chỉ có 120 căn hộ.
- Thì xưa nay cậu vốn là tay may mắn mà. – Tôi nói và đặt máy.
Mùi hương và màu sắc khiến khách thăm muốn đê mê. Đằng sau những mảng tường kính rất rộng là vô vàn những cụm phong lan đang nở hoa trong không khí nóng ẩm miền xích đạo.
Tôi quan sát những loài hoa xa lạ đang đua nhau khoe màu sắc và đường nét dưới thứ ánh sáng nhân tạo được điều chỉnh cho thích hợp tốt nhất với sự phát triển của chúng. Ở đây rõ ràng đã có một người có kiến thức chuyên ngành và lòng đam mê tạo dựng nên một thiên đường nho nhỏ.
Mario Aldina không đơn giản chỉ là một người thợ làm vườn như Lucky Falcone đã nói. Hoa phong lan của Mario Aldina nổi danh khắp xa gần. Trước khi lên đường sang New Jersey, tôi đã bỏ công thu thập thông tin. Aldina cung cấp hàng cho những cửa hiệu hoa đắt tiền nhất từ Atlantic City tới Manhattan. Mỗi tuần hai lần, gã tự tay lái chiếc xe có gắn mad1y điều hòa nhiệt độ đến chợ hoa Manhattan bên Phố Số 28 và Đại Lộ Số 6, nơi cung cấp hàng đêm của những người bán sỉ.
Tôi đã biết được đôi điều về Mario Aldina. Gã ta 46 tuổi, cha gã đã bỏ mạng trước đây 40 năm trong một trận đọ súng giữa hai băng đảng gangster cạnh tranh. Mẹ gã lấy chồng lần thứ hai, một người có tên là Ernest Labonte. Một người do chính “gia tộc” cũ của cha Mario chọn lựa. Ernest Labonte chết trong nhà tù tiểu bang Maryland. Không một ai đó có thể nhanh chóng nói cho tôi biết bà mẹ giờ ở đâu.
Kể từ 10 phút nay, tôi biết điều đó ...
Sau khi được chỉ hướng, tôi đã nhanh chóng nắm được khá nhiều thông tin về gia đình của gã anh trai cùng cha khác mẹ của kẻ đã chết. Tôi cũng được biết rằng suốt quãng đời cho tới nay Mario Aldina chưa hề gặp khó khăn với cảnh sát, ngoại trừ những lỗi lầm nho nhỏ trong giao thông. Nhân thân của gã có thể coi là hoàn toàn sạch sẽ.
Nhưng không một ai biết gã lấy đâu ra tiền để tạo dựng nên trang trại trồng hoa phong lan bên rìa khu South Orange. Người ta nói là gã tạo dựng từng bước một, từ nhỏ lên lớn. Đầu tiên gã chỉ trồng hoa như một thú vui. Gã xây ngôi nhà kính đầu tiên hồi nào? Chắc khoảng 10, 12 năm về trước. Giờ có tới một tá nhà kính duỗi dài bên dưới bầu trời thu dịu dàng.
Tôi đi giữa những hộp gỗ chứa những thông bông hoa đẹp nhất. Ngay trong phòng tiếp khách ở phía trước là bà mẹ Labonte, đã rất già và hầu như mù. Bà ta ngồi đằng sau bàn. Không khí ấm và ẩm thấp rất tốt cho những khúc xương già nua. Khi tôi bước vào trong và yêu cầu được xem hoa mẫu, bà ta nghiêng đầu sang bên và trân trân nhìn tôi từ hai con mắt đục lờ.
Như thể bản năng vừa cho bà ta biết điều gì đó.
- Hoa đẹp lắm, đúng không? - Một giọng trầm trầm cất lên đằng sau tôi.
Tôi không giật mình, mặc dù tôi không hề nghe thấy tiếng bước chân người đàn ông đó. Chỉ có duy nhất một vệt nắng phản chiếu nhỏ li ti trên một tấm kính nằm nghiêng thầm cảnh báo trước.
Tôi chầm chậm xoay về. Tôi nhìn vào gương mặt có những đường nét rất sắc sảo của một người đàn ông có làn da thẫm màu và mái tóc xoăn màu đen. Ông ta mặc một chiếc áo tạp dề màu xám, che một thân hình mảnh dẻ săn chắc.
- Rất đẹp, - tôi đồng tình.
- Ông là người yêu hoa phong lan? Hay là một nhà buôn? Hoặc cả hai?
- Tôi thích tất cả những gì đẹp đẽ, - tôi nói. – Có phải ngày hôm qua là ngày họp chợ của ông ở New York?
Mario Aldina không rung động lấy một sợi lông mi. – Đêm thì phải. Và phần sáng sớm.
- Vậy thì ông cũng biết là vào buổi tối hôm trước đó em trai ông đã bị bắn chết.
- Tôi có đọc chuyện đó. Ông là ai? - Giọng Aldina nghe nông, vô cảm. Chỉ có hai cánh mũi phập phồng cho biết sự bối rối bên trong.
- Tôi là Jerry Cotton, FBI, - tôi nói.
- Có phải ông là người...
- Một bạn đồng nghiệp. Mechael Kellin. Chắc ông đã đọc báo.
- Đúng, nhưng tôi không quan tâm đến em trai tôi.
- Không hả? Mặc dù chính ông đã đưa anh ta về New York?
- Ai nói điều đó? - Giọng Aldina bây giờ nghe có phần mất bình tĩnh.
Tôi nhún vai. – Thì tôi nghe chỗ này chỗ kia. Nhưng chắc chắn ông đã chia tay với em trai ông rồi. Chắc là ông đã cư xử đúng, bởi vì anh ta là một tội phạm. Anh ta đã chủ tâm thực hiện một vụ giết người có chủ đích. Giết một cảnh sát viên.
- Tôi có đọc đó là chuyện nhầm lẫn.
- Cái gì là chuyện nhầm lẫn?
- Rằng chuyện viên cảnh sát đó là nhầm người.
- Không, ông Aldina, đó không phải chuyện nhầm lẫn, bởi vì người mà ông muốn nói tới là Elmar Rank, vào thời điểm đó ông ta đã chết rồi. Tên giết người đã để lại dấu vết.
Hai chúng tôi nhìn nhau. Ánh mắt vặn xoắn vào nhau.
- Tôi thậm chí còn nghi rằng, - tôi tiếp tục, - chính kẻ giết Rank đã lừa em trai ông vào tròng.
- Tại sao? Cái đó tôi không hiểu.
- Tôi nghĩ có khả năng em trai ông hoàn toàn không biết gã sẽ chĩa súng vào ai. Nếu gã biết đó là một cảnh sát viên, chắc chắn gã sẽ không nhận làm thuê. Ông nghĩ sao?
- Làm sao mà tôi biết được chuyện đó? Chúng tôi sống trong hai thế giới khác nhau.
- Chỉ cách nhau có một tiếng đồng hồ đi ô tô thôi. Tôi sẽ đi hỏi Riccardi xem ai đã đưa em trai ông đến gặp gã.
- Riccardi là ai?
Tôi cười chế giễu. – Cho tới cách đây 10 năm, ông ta là một con thú dữ. Giờ ông ta là con số không. Người ta đã lừa ông ta và nẫng mất toàn bộ số tiền của ông ta, giờ ông ta cuốn bạn bè xưa cùng sa vào thảm họa.
Aldina đã bình tĩnh lại. Gã im lặng, mà vẫn không gây ấn tượnhg ngượng ngùng hay để lộ điều gì khác. Tôi chầm chầm quay trở lại phía cửa ra.
- Mẹ ông có biết là Pat chết rồi không?
- Bà ấy biết.
- Có phải vì thế mà ông tới đây? Để nhục mạ tôi? Hay là ông muốn tiết kiệm cho nhà nước khoản tiền đám tang? Cái đó ông có thể làm qua điện thoại.
- Tôi muốn làm quen với ông, ông Aldina. Rất có thể chúng ta còn gặp lại nhau.
- Về phía tôi chắc chắn không.
- Cái đó tôi tin, tin từng lời là đằng khác, ông Aldina. À mà suýt chút nữa tôi quên – tôi muốn gửi tới ông lời chia buồn sâu sắc về cái chết của người em trai cùng cha khác mẹ!
Khuôn mặt Mario Aldina nhăn lại thành một cái mặt nạ của sự căm thù. Dù chỉ thoáng qua thôi, nhưng khiến tôi rởn người.
- Cuộc họp báo thế nào? – Tôi hỏi Phil?
Tôi hầu như không hiểu được câu hỏi trả lời của anh. Tôi đang đứng trong một quán cà phê ở Pulaski Skyway và ép chặt ống nghe vào tai. Đằng sau con đường dẫn vào bếp đang có một máy rửa bát kêu ầm ầm, và những người đầu bếp cùng cánh bồi bàn đang sa vào một trận chiến ngôn từ ồn ã.
- Lệnh bắt giam vẫn còn, nhưng quan tòa tạm hoãn, Kellin tạm thời bị cho nghỉ việc. Anh ấy bây giờ được tự do. Không cần tiền chuộc, nhưng thay vào đó là một loạt các quy định.
- Vậy ra quan tòa coi những bằng chứng đó là chưa mang tính quyết định, - tôi nói đầy hy vọng.
- Có thể, - Phil đồng tình. – Nhưng nếu ông ấy biết những gì mà mình vừa biết được...
- Cái gì? – Tôi thét lên.
Mình vừa đưa dấu vân tay của cô bạn gái đã chết của Kellin về Washington. Cô ta được ghi danh ở đó. Cô ta đang bị truy nã trong mối liên quan tới cái chết của chồng cô ta, một người tên là David G. Hayes, người đã bị giết cách đây sáu tuần tại Los Angeles. Tên thật sự của cô ta là Donna Hayes, họ cha sinh mẹ đẻ là van Pelt. Đầu tiên cô ta đã bị tống giam được người tình của cô ta, gã tên là Brad Nelford, và gã này thú nhận đã giết chết David Hayes, thì lời buộc tội Donna được chuyển thành tội xúi giục giết người. Cho một khoản tiền chuộc rất lớn, cô ta được thả ra ngoài. Ngay lập tức cô ta trốn đi. Người ta bảo món tiền chuộc đó là do một người tình cũ khác đưa ra. Cô nàng Donna xinh đẹp có một quá khứ đầy ắp sự kiện. Trong cái thời huy hoàng trẻ trung, cô ta đã nhảy thoát y tại Las Vegas. Bây giờ cậu nói gì?
Tất cả các dấu vết đều dẫn từ Las Vegas về New York. Đã có kẻ sử dụng một cô gái điếm để tiện vu vạ trong một giây phút thích hợp cho một người đàn ông ngang bướng. Mọi dữ liệu đều rất thích hợp với nhau.
- Nhưng Brad Nelford còn ngồi tù chứ? – Tôi hỏi lại.
- Không. Gã đã đột ngột đổi luật sư và rút lại lời nhận tội của mình. Vĩ nữ nhân chứng buộc tội duy nhất, tức là cô nàng Donna xinh đẹp, không còn hiện diện nữa, nên buổi tối ngày hôm kia gã đã được thả ra khỏi nhà tù. Luật sư mới của gã bây giờ là một tay luật sư gangster nổi tiếng. Món tiền chuộc cho thân chủ được gã trả bằng tiền mặt.
- Và bây giờ đến Nelford cũng trốn đi rồi, - tôi đoán.
- Này, làm sao mà cậu đoán được? – Phil chế giễu. – Mình vừa mới nhận được một bức ảnh của gã qua đường truyền dữ liệu. Mình cũng đã cho đòi cả ảnh của cô nàng
Donna xinh đẹp. Mình hy vọng, làm như thế là vừa ý cậu, bởi vì người ta không thể mang ảnh của cô Donna đã chết mà đi trình khắp nơi.
- Một sáng kiến hay, - tôi nói. - Cậu nghĩ sao, Brad nelford ở New York chăng?
- Có thể lắm. Gã đã giết chết Elmar Rank, gã có bằng chứng vắng mặt tốt nhất trên thế giới, - tôi nói. – Lúc đó gã vẫn còn ngồi trong nhà ngục điều tra.
Tôi nghĩ đến Mario Aldina. Tôi đã đặt toàn bộ quân bài vào gã. Thế rồi bây giờ, như từ cái mũ của một ảo thuật gia, bất thình lình xuất hiện một ứng cử viên mới.
Một ứng cử viên khác? Hay là ứng cử viên thứ hai?
- Ai nói đến chuyện ông Rank đâu! – Phil hăm hở nói. – Không hiểu sao mình không tin là vụ giết cô ả Donna xinh đẹp đã được lên kế hoạch trước. Nó mới chỉ trở thành cần thiết khi vụ giả giết nhầm Kellin thất bại. Lúc bấy giờ thì có kẻ đã dán người vào máy telephone và rung chuông báo động, mà là rung chuông rất nhanh. Mình thật là muốn biết, Riccadi làm thế nào mà hẩy được cô nàng Donna vào tay Kellin.
- Vụ đó không phải do Riccardi, - tôi nói chầm chậm.- Có một đường dây khác, một đường dây trực tiếp chạy trên đầu Riccardi.
- Mà ngoài ra, - Phil nói. – Các bạn đồng nghiệp ở khu Queens đã khẳng định lý thuyết của mình là đúng! Kẻ giết ông Rank đã trèo qua mái nhà để xe! Họ tìm thấy dấu vết ở đó. Và tìm thấy thêm cả một vài sợi len màu xanh dương trên mái nhà. Thế còn cuộc trò chuyện của cậu với Aldina ra sao?
- Rất khó nói. Phải chờ chút mới biết liệu mình có gây được chút hiệu ứng nào không. Giờ mình muốn đến thăm Riccardi và Greenfield.
- Trời đất, Jerry, nếu cậu muốn nắm áo Greenfield, cậu phải có một cái gì đó chắc chắn trong tay đã!
- Mình cũng không muốn bị bỏng tay đâu. Trước khi nói chuyện với ông ta, mình sẽ nói chuyện thêm một lần nữa với Kellin. Cậu có sắp xếp được không?
- Mình cũng muốn hỏi anh ấy vài câu đây. Bao giờ thì cậu về tới đây?
- Khoản năm giờ. Cho mình biết địa điểm.
- Được thôi. Nhưng mà cẩn thận đấy!
- Cho tới lúc đó mình sẽ làm việc với Dom Riccardi, - tôi nói. Trong khuôn bếp của quán cà phê có ai đó vừa đập cặp khay nướng bánh làm bằng nhôm xuống nền đất.
- Ai kia? – Phil thét lên.
- Riccardi. Riccardi! – Tôi gầm trở lại.
Lần này tôi nói quá to, vì cái tiếng loảng xoảng kia đã bất chợt ngưng lại. Bất giác, tôi giật mình nhìn quanh. Nhưng chẳng một ai nhận thấy tôi vừa nói ra cái tên của một tay trùm gangster ngày xưa thét ra lửa, kẻ đã từ ngôi nhà dưỡng lão quay trở lại đường phố và thêm một lần nữa đem theo cái chết.
Demenico Riccardi ngồi trong ban công của tòa biệt thự cao, người quấn chăn, giơ gương mặt già nua hướng về phía vầng mặt trời mùa thu nhợt nhạt.
Riccardi yêu bức tranh đang trải ra trước mặt mình, từ tầm cao của căn hộ sang trọng này. Những mái nhà bằng kính của tòa nhà Liên Hiệp Quốc óng ánh màu xanh lục như thành của một bể cá khổng lồ. Làn nước của dòng East River lóng lánh lạnh lùng như băng giá. Nếu đưa ánh mắt dõi dọc theo những khoảng hở của các đại lộ về hướng Nam, Riccardi nhiều khi có thể nhìn thấy cả khu Staten Island.
Ngày trước, khi chưa bị những tòa tháp óng ánh màu bạc của Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế che mất tầm nhìn, người ngồi ở đây thậm chí có thể nhìn thấy cả bức tượng Thần Tự Do. Dù là rất nhỏ, nhưng hình ảnh đó đã chưa bao giờ ra khỏi trí não Riccardi, kể từ khi nhìn thấy bức tượng đó lần đầu tiên, cách đây đã trên 60 năm, từ boong một con tàu chở dân nhập cư. Ngày đó cha ông ta đã cầm trong tay ông ta, và hai cha con bồi hồi đứng ngắm biểu tượng của tự do và tinh thần hành động.
Người đàn ông không quay về khi đằng sau ông ta vang lên tiếng bước chân khe khẽ. Đó là Sal, người đang bước ra ban công và đặt máy điện thoại lên đùi Riccardi. Sal Bartoli, giờ cũng đã trên 50 tuổi, không hề rời Riccardi nửa bước kể từ 30 năm nay.
- Las Vegas, thưa ông Riccardi, - Sal nói. Không một tiếng động, người hầu thân tín lại rút lui.
Dom Riccardi rút một cánh tay ra khỏi lần chăn đắp, cầm lấy ống nghe điện thoại. Làm da phủ giống như một lớp giấy dó trên khúc xương tay gầy guộc.
- Hallo, - người đàn ông nói khe khẽ, giọng nông.
- Ông khỏe không, Dom? - Một giọng nói xa xôi hỏi thăm.
- Phải anh không, Sonny?
- Dĩ nhiên rồi, Dom. Trong tuần tới, ủy ban xây dựng sẽ cho đấu thầu hợp đồng của đoạn đường thứ hai thuộc xa lộ Bay-Ridge. Theo những nguồn thông tin tin cẩn của tôi thì người thắng cuộc trong vụ này sẽ là một liên doanh của ba hãng nằm trong quyền kiểm soát của tôi. Như thế có nghĩ là có việc phải làm, Dom! Trong những ngày tới, tôi sẽ nhận được tên của các thanh tra được cơ quan kiểm soát ngành xây dựng chỉ định. Ta phải kéo họ đứng về phía ta.
Tôi không tham gia, - Riccardi nói.
Sonny Galano cười. – Thôi nào, Dom, bọn ta là một cặp bài trùng ăn ý mà.
- Anh là một thằng lưu manh cò con khốn nạn, Galano. Vào thời trước, người của tôi sẽ treo anh lên bằng hai ngón tay cái, cho tới khi bê-tông cứng lại dưới chân anh….
- Tôi sẽ gửi một chuyển thư. Sáng sớm ngày mai anh ta sẽ đến chỗ ông. Với năm ngàn. Tạm thế cũng đủ rồi.
- Tôi không muốn nhận của bố thí, Galano. Tôi rút tất cả người của tôi về. Chuyện kết thúc rồi. Để đám chính trị gia hay những thứ người khác của anh thử làm việc bẩn thỉu đi!
- Ông đâu có thể đột nhiên xuống tàu, Dom!
Tôi có thể, Galano. Và còn điều nữa, đồ ăn mày bẩn thỉu. Từ bây giờ thì anh nên cẩn thận! Một ngày nọ tôi sẽ gửi một người liên lạc đến chỗ anh. Không phải hôm nay hay ngày mai, nhưng nhanh thôi. Anh biết là tôi có một người liên lạc rất tốt.
Sonny Galano cười vô tư. – Ông đâu còn tiền để thuê sát thủ, Dom.
- Anh sẽ không bao giờ biết là lòng chung thủy, nghĩa tình và tình bạn có ý nghĩa gì. Tôi đã biến anh ta thành người giàu có. Anh ta biết anh ta nợ tôi những gì.
- Đây không thể là kết luận cuối cùng của ông được, Dom! Ông nghe này! Ta hãy bàn bạc về chuyện đó!
- Muộn rồi, Galano.
- Tự tôi sẽ đến.Với toàn bộ số cổ phiếu.
Dom Riccardi chần chừ. Ánh mắt của ông ta vuốt về hướng Nam. Chưa bao giờ ông ta thấy Manhattan đẹp như bây giờ. Tòa biệt thự trên cao này, Sal, cô y tá và vị bác sĩ, một vài cận vệ, chiếc xe hạng sang và ngôi nhà ven biển ở Long Island, tất cả tốn chừng 200 ngàn đô – la mỗi năm. Nếu bây giờ có rút ra toàn bộ số tiền còn rút được, ông ta cũng chỉ nhận được tròn 150 ngàn. Tất cả những thứ khác đã bị nạn lạm phát ngốn sạch. Ông ta đã đặt tất cả niềm tin vào đồng đô – la và đã mất tất cả. Chỉ còn lại phần đầu tư ở Las Vegas, mà số tiền đó lại bị một con chó cong đuôi đểu giả như Galano lấy mất.
150 ngàn đô – la. Chẳng đủ cho một năm tồi tệ. Người đàn ông già nua hoàn toàn không có ý định bỏ tòa biệt thự trên cao này mà vào sống trong một nhà dưỡng lão. Hoặc là còn tệ hơn nữa; sống bám vào cô con gái ở Italia. Thà chết đi còn hơn. Suy nghĩ đến cái chết đã từ lâu không còn khiến cho ông ta sợ hãi. Một thằng lưu manh nhãi ranh như Sonny Galano chắc chắn không thể tưởng tượng ra chuyện đó.
- Bây giờ sao rồi, Dom? Ta tiếp tục thương thuyết nhé? Tôi sẽ đến chỗ ông. Trưa ngày mai nhé? Tôi sẽ mang cổ phiếu đi theo. Ta tạm thời như thế này, ngày mai một nửa, còn một nửa sau khi dự án Bay – Ridge được thực hiện.
Dom Riccardi thoáng nhắm mắt. Người đàn ông hiểu ra rằng Galano rồi sẽ tiếp tục nhũng nhẵng bắt ông chờ đợi như một thằng tống tiền cỏn con nhờn nhụa.
- Anh mang cho tôi số cổ phiếu! Sau đó chúng ta nói chuyện. – Dom Riccardi đặt máy.
Sal bước ra ban công rồi cầm máy điện thoại lên. – Ông Cotton muốn nói chuyện với ngài, ông Riccardi. Ông ấy đợi bên dưới sảnh.
- Cotton? Cotton? Tôi có quen không?
- Ông ấy là một sĩ quan đặc nhiệm.
- Anh ta đến một mình sao? – Riccardi hỏi. Khi Sal gật đầu, người đàn ông ra lệnh: - Gửi anh ta lên đây và ở gần bên tôi.
Dom Riccardi đã lùn đi khá nhiều kể từ lần gặp cuối, nhưng vẻ cứng rắn và nét tinh ranh thì không hề giảm sút, tôi nhận ngay ra điều đó.
Tại sao tôi lại đến gặp gã? Tôi không có trong tay bất cứ một thứ gì chống lại gã, và tôi cũng sẽ không xoay ra được bất cứ thứ gì. Nhưng đã nhiều lần tôi hích được cho một sự kiện nổ ra, sau khi trực diện đến khuấy đảo những kẻ tham gia và nói thẳng cho chúng biết là tôi đang bám theo chúng, rằng tôi đang nghi ngờ điều gì đó.
Thỉnh thoảng, những kẻ trong cuộc trở nên thận trọng hơn.
Một lần khác, chúng lại coi hành động của tôi là một lời khiêu khích và ra tay phản ứng tùy theo tính khí bản thân, nhiều khi phản ứng với bạo lực. Đã nhiều lần tôi dùng cách này đẩy cho tốc độ một vụ án tăng lên. Phía đối diện phạm sai lầm khi chúng bất ngờ bị đẩy đến những hành động không lên kế hoạch trước.
- Tôi biết người ta đang chơi một trò đểu giả đến mức nào với ông, ông Riccardi, - tôi nói sau một vài câu chào hỏi vô nghĩa. – Tìm ra chuyện đó chẳng khó đâu.
Trên gương mặt đã quắt queo, những nếp nhăn lại chuyển động khi người đàn ông già nua mỉm cười. – Anh biết gì không, anh biết tại sao không bao giờ anh đưa được vào lỗ, Mr. Cotton? Không biết hả? Vì tôi chưa một lần trong đời bị mắt lòe. Vì thế.
- Nhưng thay vào đó thì ông đã mắc bẫy một tên lừa đảo, ông Riccardi. Tình hình bây giờ đã thay đổi. Ngày hôm nay bọn lưu manh làm việc với cuốn sách luật trong một tay và bàn phím máy tính trong tay kia. Và chỉ những khi bắt buộc phải mó tay vào những chuyện bẩn thỉu, người ta mới đi kiếm một vài gã ngốc không thức thời.
- Tôi cũng chẳng bao giờ để người khác khiêu khích mình, - Riccardi thân thiện mỉm cười. – Nhưng dù sao anh cũng đã khiến cho tôi tò mò đấy.
- Tôi chỉ muốn khuyên ông xuống tàu đi, ông Riccardi. Ông không nhìn thấy lại được xấp cổ phiếu của ông đâu. Chắc là ông cũng đã rõ như thế, ông vốn là một con cáo già.
Hai làn môi của người đàn ông đối diện với tôi đột ngột đổi màu xám như giấy. Đúng thế, tôi đã bắn trúng hồng tâm, nhờ tin tức từ người bạn tuyệt vời xứ Las Vegas của anh bạn già Neville.
- Trong một chừng mực nhất định, tôi đến gặp ông hôm nay trong tư cách cá nhân, ông Riccardi, - tôi nói tiếp, tự tin hơn một chút, bởi tôi cảm giác mình đang bước trên đất chắc. – Tôi không có quyền đưa ra một lời đề nghị hoặc hứa hẹn điều gì với ông. Nhưng tôi sẽ sẵn sàng đóng vai người môi giới cho ông, nếu ông muốn nói điều gì với ủy viên công tố liên bang. Vì lý do tuổi tác, tôi đoán thế, chắc sẽ không bao giờ người ta đưa ông vào tù nữa đâu. Mà chúng tôi cũng không nhắm tới ông, chúng tôi nhắm tới gã đàn ông ở Las Vegas.
Cặp môi người đàn ông bây giờ đã bớt nhợt nhạt, và những nếp nhăn trên gương mặt quắt queo kia lại chuyển động. – Ngày trước anh đã dùng chính cách này để thúc ép đám người của tôi, đúng không? Đã tìm cách khích cho họ chống lại tôi, đã hứa hẹn với họ là sẽ không phải ngồi tù, hứa hẹn với họ một sự tồn tại mới mẻ và chắc chắn. Toàn trò dớ dẩn. Người của tôi luôn luôn trung thành với tôi. Hôm nay vẫn thế.
Ông ta nói đúng. Chỉ riêng Lucky Falcone đã buông ra vài lời bóng gió. Mà chẳng phải bởi anh ta căm thù người đàn ông cao tuổi này, mà bởi anh ta bây giờ có quá nhiều thứ để mà mất.
- Ông biết là ở Las Vegas có một gã đàn ông, gã ta chẳn thèm quan tâm liệu các công trình xây dựng ở đây có bị sụp đổ và đè chết người! Hậu quả chỉ xuất hiện sau một quãng thời gian dài. Riccardi, Ông cũng là người New York! Chẳng lẽ ông cứ ngồi yên nhìn bọn Las Vegas cướp bóc thành phố này và thậm chí đóng góp vào sự hủy diệt nó? – Tôi trỏ tay qua khoảng không gian phía bên ngoài lan can về phía Nam, nơi những tòa nhà chọc trời của khu Downtown đang vươn cao dưới bầu trời mùa thu trong sáng. – Đây cũng là thành phố của ông!
- Thành phố điên khùng này rồi sẽ tự hủy diệt nó, - Riccardi lẩm bẩm. – Nhưng mà anh có lý. Nếu nói về New York, thì tôi là kẻ đa cảm. Mặc dầu vậy, anh không bao giờ có thể đẩy tôi đến nói chuyện với một ủy viên công tố liêng bang. Trong bất cứ trường hợp nào, không, ông Cotton, không, tôi rất tiếc.
Lời khuyên bố mang màu sắc chung cuộc. Tôi biết thế. Từ hai con mắt trống rỗng, người đàn ông già nua nhìn ngang qua mặt tôi. Đúng lúc tôi muốn xoay người và bước đi, thì ông gật đầu gọi tôi lại gần.
- Ông đưa tôi vào trong! – Ông ta ra lệnh.
Cái ghế ông ta ngồi có bánh xe. Sal, cận vệ của Riccardi, mở cánh cửa kéo.
Thế rồi tay trùm gangster già nua nói ra một điều bất ngờ:
- Anh có lý... Người ta đã lừa dối, người ta muốn lấy hết của tôi, nhưng không kẻ nào có thể lừa đảo một người như Domenico Riccardi rồi tiếp tục làm ăn mà không bị trừng phạt. Tôi già rồi, nhưng tôi chưa thối rữa. Rất có thể tôi sẽ cho anh một cơ hội, anh bạn trẻ, có thể. Nếu sáng mai tôi gọi cho anh, thì anh phải tới đây ngay, không đặt câu hỏi nào. Giờ anh đi đi, anh đi đi ...
Khi hai chuỗi ảnh cảnh sát ghi hình Donna Hayes, tên khai sinh là Donna Van Pelt, bí danh là Cora Dixon, cùng tay người tình cũ Brad Nelford của cô ta xuất hiện trên màn hình của máy nhận ảnh đường dài, Phil đã ngay lập tức chuyển chúng vào phòng thí nghiệm, yêu cầu nhân bản và đưa hai tá ảnh vào cuộc điều tra. Các cảnh sát viên, các thanh tra và các sĩ quan đặc nhiệm sẽ mang ảnh nay đi hỏi tất cả những người có khả năng nắm thông tin trong các hãng hàng không, các khách sạn và tất cả những nơi nào hứa hẹn.
Dĩ nhiên, phần quan trọng nhất được Phil dành cho bản thân mình. Đầu tiên, anh đến Gotham Apartment Service, chính cái cơ sở bất động sản đang cho thuê những căn hộ ở Phố Số 79 khu Đông. Phil đã hẹn trước với một nhân viên tên là O’ Malley. Cái tên O’Malley được viết trong bản hợp đồng thuê nhà mà ban trọng án đã tìm thấy trong căn hộ của Cora Dixon, tức Donna Hayes. O’Malley đã hứa sẽ giúp đỡ Phil trong mọi phương diện và tập hợp một danh sách tất cả những người thuê nhà đã chuyển vào hay chuyển ra trong tám tuần vừa qua.
O’Malley là một chàng trai còn trẻ, nét mặt thân thiện nhưng nhợt nhạt. Mất bình tĩnh, anh ta cứ đưa tay sờ nắn cặp kính đeo trong khi đưa Phil vào phòng khách.
- Tôi có thể mời ông uống được gì không? Cà phê?
- Không, cám ơn, ông O’Malley, tôi muốn chúng ta vào việc ngay.
O’Malley gật đầu và mở ra một cặp hồ sơ. – Đây là bản sao các hợp đồng thuê nhà mà ông đã yêu cầu tôi lọc ra, ông Decker, - anh nói. - Tổng số có 34 hợp đồng. Nhưng để bảo vệ quyền lợi cho hãng chúng tôi, Gotham Apartment Service, cũng như để bảo vệ quyền lợi cho những người thuê nhà, chắc tôi có thể yêu cầu ông đảm bảo tính kín đáo khi điều tra.
- Dĩ nhiên, ông O’Malley. – Phil nói và đút tập hồ sơ vào cặp mình. Sau đó, anh đặt ảnh Donna Hayes lên bàn. Những tấm ảnh này mới được chụp cách đây chừng bốn tuần, và mặc dù đã được chuyển qua đường số hóa, trông chúng vẫn rất rõ nét.
- Đây có phải là người đàn bà đã xưng danh Cora Dixon và mướn căn hộ ở tầng tám? – Phil hỏi.
Anh cho câu hỏi của mình chỉ là động tác bắt buộc theo thủ tục, chẳng mấy hứa hẹn. O’Malley cúi người xuống bên những tấm ảnh, đưa tay sửa kính, rồi ngồi thẳng lên và bối rối nhìn Phil.
- Không, thưa ông, tôi chưa bao giờ nhìn thấy người đàn bà này, - anh quả quyết. – Tôi xin lỗi!
- Anh không cần phải xin lỗi đâu, - Phil đáp như tự động, khẽ nghiến răng. Vụ án này rõ ràng đang chậm nhưng mà chắc trở thành một trò chơi hóa trang không thể giải đáp. O’Malley khăng khăng bảo vệ lời khai của anh. Cả khi Phil đặt lên bàn ảnh của Brad Nelford, chàng nhân viên cũng khẳng định chưa bao giờ nhìn thấy người đó trong đời.
Còn lời miêu tả của O’Malley về người phụ nữ đã ký bản hợp đồng thuê nhà kia lại rất mù mờ, chung chung. Điều này không nhất thiết chứng tỏ O’Malley thiếu khả năng quan sát, mà đúng hơn là kết quả của sự tinh ranh mà phía đối diện lộ rõ trong mọi bước hành động.
Phil ghi lại rằng người đàn bà đó có mái tóc thẫm màu, để xõa, rằng chị ta khoảng ngoài 30 tuổi và ăn mặc tương đối bảo thủ. À phải, chị ta có đeo kính nữa. Đấy là tất cả những gì mà nhân viên của hãng Gotham nhớ được. Một hình ảnh phụ nữ hết sức bình thường, có thể nhầm lẫn với hàng trăm ngàn người khác...
- Người đàn bà đó khai tên tuổi ra sao? – Phil hỏi.
O’Malley đỏ mặt. – Tôi đã e ngại sẽ có câu hỏi này, - anh ta đau buồn thú nhận. – Cô ta đặt lên bàn một tấm thẻ lái xe miền Arizona. Thẻ lái xe xứ Arizone không có dán ảnh, chắc là ông cũng biết. Cô ta cũng có cầm trong tay một thẻ tín dụng có tên Cora Dixon. Nhưng cô ta nói là cô ta muốn trả tiền nhà bằng séc.
- Vậy ra cô ta đã điền vào tấm séc? – Phil hỏi, đầy hy vọng.
- Không, thưa ông, cho tháng đầu cô ấy muốn trả bằng tiền mặt, vì cô ấy tiện thể đang ở chỗ tôi. Tôi thấy không có lý do gì để khăng khăng bắt cô ấy trả bằng séc hoặc bằng thẻ tín dụng, thưa ông.
- Thế còn tiền nhà cho tháng này, - Phil hỏi.
O’Malley đỏ mặt lần nữa. – Nó chưa được trả, thưa ông. Hôm nay mới là ngày mồng 8. Chúng tôi chỉ gửi giấy cảnh báo vào khoảng giữa ngày mồng 9 và ngày 11 trong mỗi tháng.
Vậy là không thể mong đợi gì hơn ở đây. Phil được biết là trong trò chơi này có một người phụ nữ thứ ba. Vậy người đã chết trong căn hộ bên Phố Số 79 thật sự là ai? Người duy nhất có thể trả lời câu hỏi này một cách trôi chảy có lẽ chỉ là Brad Nelford. Và Phil thầm nghĩ trong bụng, anh cũng đã biết cần phải bắt đầu từ đâu nếu muốn tìm gã đàn ông đó.