Bi kịch trong cuộc đời không phải là ở chỗ không đạt được mục tiêu, mà là ở chỗ không có mục tiêu để vươn tới.

Benjamin Mays

 
 
 
 
 
Tác giả: Agatha Christie
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: Cat Among The Pigeons (1959)
Dịch giả: Võ Hồng Long
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 365 / 60
Cập nhật: 2020-04-04 23:39:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6 - Những Ngày Đầu
rong phòng sinh hoạt chung của giáo viên, các tin tức đang được trao đổi. Những chuyến đi nước ngoài, những vở kịch đã xem, những triển lãm nghệ thuật đã tham quan. Những bức ảnh được chuyền quanh. Hiểm họa ảnh màu sắp xảy ra. Ai cũng hăng hái khoe ảnh mình, nhưng lại ngại xem ảnh người khác.
Lúc này, cuộc trao đổi trở nên ít tính cá nhân hơn. Cung Thể thao mới xây nhận được cả những lời chỉ trích lẫn ngưỡng mộ. Người ta thừa nhận đó là một tòa nhà đẹp, nhưng hiển nhiên ai cũng có ý kiến này khác về thiết kế.
Những học sinh mới cũng được nhắc đến, nhìn chung đều là nhận xét tích cực.
Hai giáo viên mới được bắt chuyện làm quen nhẹ nhàng. Cô Blanche trước đây đã ở nước Anh chưa? Cô là người vùng nào ở nước Pháp?
Cô Blanche lịch sự đáp lại, nhưng vẫn giữ kẽ.
Cô Springer thì cởi mở hơn.
Giọng cô nghe mạnh và dứt khoát, tưởng như đang giảng bài, mà chủ đề là Sự tuyệt vời của cô Springer. Với tư cách một đồng nghiệp, cô được đánh giá cao thế nào. Những cô hiệu trưởng trước đây đã nghe theo ý kiến của cô để sắp xếp lại thời khóa biểu cho phù hợp ra sao.
Cô Springer không được tinh ý lắm. Cô chẳng nhận ra sự bứt rứt trong đám thính giả. Cô Johnson đành phải hỏi, giọng nhẹ nhàng:
“Tuy nhiên, tôi cho là ý kiến của cô không phải bao giờ cũng được chấp nhận theo như - ờ - đáng lẽ ra phải vậy.”
“Thì cũng phải chuẩn bị tinh thần tiếp nhận thói vô ơn chứ,” cô Springer nói. Giọng của cô, đã to lắm rồi, lại càng to hơn. “Vấn đề là, mọi người quá hèn nhát - không đối diện với sự thật. Họ thường không muốn nhìn điều diễn ra suốt ngay trước mũi mình. Tôi thì không như vậy. Tôi đi thẳng vào vấn đề. Đã hơn một lần, tôi khui ra một vụ bê bối bẩn thỉu - đưa nó ra ánh sáng. Mũi tôi đánh hơi vấn đề rất nhanh - một khi đã lần theo, tôi không bỏ cuộc - chừng nào tôi rõ ngọn ngành mới thôi.” Cô phát ra tiếng cười ồ ồ sung sướng. “Theo ý tôi, ai mà sống đời không minh bạch thì thôi đừng đi dạy ở trường. Nếu ai có điều giấu giếm, người khác sẽ biết ngay. Ô! Các chị sẽ ngạc nhiên nếu tôi kể những chuyện tôi đã phát hiện ở mọi người. Những chuyện không ai hình dung nổi.”
“Chị thích chuyện đấy à?” cô Blanche nói.
“Dĩ nhiên là không. Chỉ làm nhiệm vụ của tôi thôi.
Nhưng tôi không được ủng hộ. Chẳng có quy củ gì hết. Nên tôi nghỉ việc - để tỏ ý phản đối.”
Cô nhìn quanh rồi lại cất tiếng cười khảng khái.
“Hi vọng ở đây không ai có điều gì phải che giấu,” cô vui vẻ nói.
Không ai thích chuyện đó cả. Nhưng cô Springer không thuộc hạng người nhận ra điều đó.
“Tôi có thể nói chuyện với bà một lát không, thưa bà Bulstrode?”
Bà Bulstrode đặt bút xuống và ngước lên nhìn khuôn mặt đỏ bừng của người y tá, cô Johnson.
“Được, cô Johnson.”
“Là về học sinh Shaista - cô bé Ai Cập hay là gì đó.”
“Vâng?”
“Là chuyện - ờ - đồ lót.”
Lông mày bà Bulstrode nhếch lên, vẻ ngạc nhiên kiên nhẫn.
“À - chuyện áo ngực của cô bé.”
“Có chuyện gì về áo lót của cô bé?”
“À - chuyện này không bình thường - ý tôi là nó không giữ ngực, chính xác là như vậy. Ờ, nó đẩy ngực cô bé lên - thật sự không cần thiết.”
Bà Bulstrode mím môi để nén nụ cười, như bà thường hay thế khi nói chuyện với cô Johnson.
“Có lẽ tôi nên đến xem,” bà nghiêm trang nói.
Sau đó một cuộc điều tra được tổ chức, với món đồ phản cảm được cô Johnson bày ra, trong khi đó Shaista ngắm nhìn với vẻ thích thú rõ ràng.
“Như thể là có gọng và miếng độn nữa” cô Johnson bày tỏ sự phản đối.
Shaista giải thích đầy nhiệt tình.
“Nhưng cô thấy ngực em rồi đấy, chúng không lớn lắm - không đủ lớn. Trông em chẳng giống phụ nữ gì cả. Mà điều này rất quan trọng với một cô gái - chứng tỏ mình là phụ nữ chứ không phải con trai.”
“Còn nhiều thời gian cho chuyện đó. Em chỉ mới mười lăm thôi mà,” cô Johnson nói.
“Mười lăm - thế là phụ nữ rồi! Và trông em đã ra dáng phụ nữ đấy chứ, không phải sao?”
Cô bé nhìn bà Bulstrode cầu cứu, bà gật đầu nghiêm nghị.
“Ngực em ấy, lép quá. Nên em muốn trông chúng không lép như vậy. Cô có hiểu không?”
“Cô hoàn toàn hiểu,” bà Bulstrode nói. “Và cô rất đồng cảm với em. Nhưng em thấy đấy, ở đây, trong trường này em sống cùng các học sinh khác, mà phần lớn là người Anh, và các cô bé người Anh ở độ tuổi mười lăm thì thường chưa ra dáng phụ nữ. Cô muốn học trò của mình thận trọng trong việc dùng mỹ phẩm, và mặc trang phục phù hợp với giai đoạn phát triển của mình. Cô khuyên em mặc áo lót ấy khi em diện đồ đi dự tiệc hoặc đến London, còn mặc hàng ngày ở đây thì đừng. Ở đây chúng ta vận động và chơi thể thao nhiều, vì vậy cần ăn mặc sao cho em vận động được dễ dàng.”
“Nhưng mà nhiều quá - mấy chuyện chạy nhảy này,” Shaista hờn dỗi nói, “còn cái môn giáo dục thể chất nữa, em không thích cô Springer - cô ấy suốt ngày nói, ‘nhanh lên, nhanh nữa lên, đừng có lờ đờ’. Em thấy phát mệt ra.”
“Thôi đủ rồi, Shaista,” bà Bulstrode nói, giọng bà chuyển sang ra lệnh. “Gia đình đưa em đến đây để học theo lối của Anh. Và những bài tập này sẽ rất tốt cho ngoại hình của em, và để phát triển ngực của em nữa.”
Cho Shaista về nghỉ, bà mỉm cười với cô Johnson đang bực bội.
“Đúng là…” bà nói. “Cô bé này về ngoại hình đã trưởng thành rồi. Nhìn bề ngoài cứ như đã hơn hai mươi tuổi, và tâm lý hẳn cũng vậy. Cô đừng mong cô bé cảm thấy như đang ở độ tuổi Julia Upjohn, ví dụ vậy. Về mặt trí tuệ, Julia vượt xa Shaista. Về thể chất, thì cô bé này vẫn mặc yếm được.”
“Tôi ước tất cả học sinh đều như Julia Upjohn,” cô Johnson nói.
“Tôi thì không,” cô Bulstrode nói ngay. “Một ngôi trường đầy những học sinh giống hệt nhau thì tẻ nhạt lắm.”
Tẻ nhạt, bà nghĩ, khi bà quay về chấm điểm bài luận về Kinh thánh. Dạo gần đây, từ này lặp lại rất nhiều trong tâm trí bà. Tẻ nhạt…
Nếu kể một đặc tính mà ngôi trường của bà không có, thì ấy là sự tẻ nhạt. Trong suốt đời làm hiệu trưởng, chính bà chưa bao giờ cảm thấy nhàm tẻ. Có nhiều khó khăn phải đối phó, những khủng hoảng bất ngờ, sự bực bội với các phụ huynh, với các học sinh: các biến động trong gia đình. Bà đã gặp và xử lý thảm họa chớm nảy sinh, biến chúng thành chiến thắng. Tất cả đều rất kích thích, gây phấn chấn, và cực kỳ xứng đáng. Ngay cả lúc này, dù bà đã quyết định, bà vẫn không muốn ra đi.
Về thể chất, sức khỏe của bà rất tốt, mạnh mẽ như hồi bà cùng Chaddy (ôi Chaddy trung thành!) khởi một cuộc thử thách tuyệt vời chỉ có vài học sinh và sự ủng hộ của một ngân hàng có tầm nhìn xa khác thường. Thành tích học thuật nổi bật của Chaddy tốt hơn thành tích của bà, nhưng chính bà mới là người có tầm nhìn, và lên kế hoạch biến ngôi trường này thành một nơi danh tiếng khắp châu Âu. Chưa bao giờ bà e sợ thử nghiệm cái mới, trong khi Chaddy lại hài lòng giảng dạy những điều hợp lý nhưng không hấp dẫn, những điều bà ấy biết. Thành tựu to lớn nhất của Chaddy ấy là luôn có mặt ở đó, kề cận, là cái đệm giảm xóc trung thành, nhanh chóng giúp đỡ khi cần có sự giúp đỡ. Như sự cố với bà Veronica xảy ra hôm khai giảng. Chính sự vững chắc của bà ấy, bà Bulstrode ngẫm lại, mà một công trình lớn thú vị được xây lên.
Ồ, nói về vật chất, cả hai bà đều kiếm bộn từ ngôi trường này. Nếu giờ cả hai nghỉ hưu, họ sẽ có nguồn thu nhập tốt bảo đảm cho phần đời còn lại. Bà Bulstrode băn khoăn liệu khi bà nghỉ hưu rồi thì Chaddy có muốn nghỉ không? Có lẽ là không. Có lẽ, với bà ấy, ngôi trường này chính là nhà. Bà ấy sẽ tiếp tục, trung thành và trách nhiệm, làm chỗ dựa cho người kế nhiệm bà Bulstrode.
Vì bà Bulstrode đã quyết định - nên phải có người kế nhiệm. Ban đầu là cùng bà quản lý, rồi sau đó sẽ làm việc độc lập. Biết chọn thời điểm ra đi - ấy là chuyện tất yếu tuyệt vời trong cuộc sống. Ra đi trước khi quyền lực của mình bắt đầu suy tàn, sức kiểm soát lỏng dần, trước khi mình thoáng cảm thấy sự thoái trào, thiếu tinh thần đương đầu với việc phải cố gắng liên tục.
Bà Bulstrode đã chấm xong các bài luận và nhận thấy rằng cô bé nhà Upjohn suy nghĩ rất độc đáo. Jennifer Sutcliffe hoàn toàn thiếu óc tưởng tượng, nhưng cô bé cho thấy khả năng nắm bắt thực tế tốt khác thường. Mary Vyse, dĩ nhiên, thuộc hạng học thuật - một trí nhớ dai dẳng tuyệt vời. Nhưng mà cô bé tẻ nhạt làm sao! Tẻ nhạt - lại cái từ ấy. Bà Bulstrode xua nó đi khỏi tâm trí, và nhấc máy gọi thư ký.
Bà lại đọc cho thư ký viết thư.
Bà Valence kính mến. Jane có chút vấn đề về tai. Tôi gửi kèm theo báo cáo của bác sĩ - v.v…
Nam tước Von Eisenger kính mến. Chắc chắn chúng tôi có thể thu xếp cho Hedivig xem opera nhân dịp Hellstern nhận vai Isolda…
Một giờ nhanh chóng trôi qua. Bà Bulstrode hiếm khi dừng lại để tìm lời. Chiếc bút chì của Ann Shapland chạy thoăn thoắt trên mảnh giấy.
Một thư ký rất tốt, Bulstrode nghĩ. Tốt hơn Vera Lorrimer. Một cô gái khó chịu, Vera ấy. Bỏ việc quá bất ngờ. Trầm cảm nặng, cô ta đã nói vậy. Chuyện liên quan đến đàn ông, bà Bulstrode cam chịu nghĩ. Thường là liên quan đến đàn ông.
“Xong rồi đấy,” bà Bulstrode nói, khi bà đọc từ cuối cùng. Bà cất tiếng thở dài nhẹ nhõm.
“Quá nhiều việc tẻ nhạt phải làm,” bà cảm thán. “Viết thư cho phụ huynh chẳng khác nào cho chó ăn. Ném những lời dễ chịu nhàm chán vào mấy cái miệng đang há ra chờ.” Ann bật cười. Bà Bulstrode nhìn cô dò xét.
“Sao cô lại chọn công việc thư ký?”
“Tôi cũng rõ. Tôi không có sở thích gì đặc biệt, và đấy là công việc mà hầu hết mọi người sẽ làm thôi.”
“Cô không thấy nó đơn điệu à?”
“Tôi cho là mình gặp may. Tôi đã làm rất nhiều chỗ khác nhau. Tôi đã làm việc cho ngài Mervy Todhunter, nhà khảo cổ học, trong một năm, sau đó tôi làm việc cho ngài Andrew Peters ở tập đoàn Shell. Tôi làm thư ký cho diễn viên Monica Lord một thời gian - công việc quả thực rất bận rộn!” Cô mỉm cười hồi tưởng.
“Ngày nay có rất nhiều người như các cô,” bà Bulstrode nói. “Cứ lông ba lông bông.” Nghe giọng bà có vẻ không hài lòng.
“Thực ra tôi không thể làm việc gì lâu được. Tôi có một bà mẹ ốm yếu. Bà thỉnh thoảng lại phát bệnh. Nên tôi phải về nhà chăm bà.”
“Tôi hiểu.”
“Nhưng dù vậy, tôi e là mình cứ phải thay đổi thế này. Tôi không có khả năng làm việc gì liên tục quá lâu. Tôi thấy thay đổi công việc lại đỡ tẻ nhạt hơn.”
“Tẻ nhạt…” bà Bulstrode lẩm bẩm, từ chết người đó lại hiện ra.
Ann ngạc nhiên nhìn bà.
“Đừng bận tâm,” bà Bulstrode nói. “Chỉ là đôi khi một từ đặc biệt nào đó cứ tình cờ xuất hiện trong đầu. Cô có thích làm giáo viên không?” bà hỏi, với chút tò mò.
“Tôi e là mình ghét công việc ấy,” Ann nói thẳng thắn.
“Tại sao?”
“Tôi thấy nó tẻ nhạt khủng khiếp - Ô, tôi xin lỗi.”
Cô dừng lại vẻ lo lắng.
“Dạy học không phải công việc tẻ nhạt đâu,” bà Bulstrode nói, lòng phấn chấn. “Đó có thể là điều thú vị nhất trên đời. Khi về hưu tôi sẽ nhớ nó kinh khủng.”
“Nhưng có chắc là…” Ann nhìn chằm bà. “Bà đang tính chuyện nghỉ hưu sao?”
“Đã quyết định rồi - đúng. Ô, nhưng phải một vài năm nữa tôi mới nghỉ.”
“Nhưng - tại sao?”
“Vì tôi đã cống hiến những gì tốt nhất của mình cho ngôi trường này rồi - và nhận được điều tốt nhất từ ngôi trường này. Tôi không muốn điều tốt thứ nhì.”
“Ngôi trường này vẫn tồn tại chứ?”
“Có chứ. Tôi có một người kế nhiệm tốt.”
“Cô Vansittart, tôi nghĩ vậy?”
“Vậy cô tự động nghĩ đến cô ấy à?” bà Bulstrode thình lình nhìn cô, “Thú vị thật…”
“Tôi e là mình chưa thực sự nghĩ về việc đó. Tôi chỉ nghe các giáo viên nói chuyện. Tôi cho rằng cô ấy sẽ tiếp quản rất tốt - chính xác theo truyền thống của bà. Và cô ấy có vẻ ngoài rất thu hút, xinh đẹp, và phong thái khá là tốt. Tôi những tưởng điều đó là quan trọng, không phải ư?”
“Đúng, đúng vậy. Tôi dám chắc Eleanor Vansittart là người phù hợp.”
“Cô ấy sẽ kế tục ở nơi bà bỏ lại,” Ann thu dọn đồ đạc. Nhưng mình có muốn như vậy không? Bà Bulstrode tự vấn khi Ann đi ra. Tiếp nối ở nơi mình bỏ lại? Đấy chính là điều Eleanor sẽ làm! Không thử nghiệm mới, không yếu tố cách mạng. Đấy không phải cách mà mình đã tạo nên Meadowbank như ngày hôm nay. Mình chớp lấy cơ hội. Mình đã làm nhiều người thất vọng. Mình đã lấn áp, thu phục, và từ chối đi theo mô hình những trường khác. Đấy không phải là điều mình muốn tiếp nối ở đây sao? Có người thổi đời sống mới vào ngôi trường này. Một cá tính năng động… như là, phải rồi, Eileen Rich.
Nhưng Eileen chưa đủ chín chắn, chưa đủ kinh nghiệm. Cô ấy biết động viên, và biết giảng dạy. Cô ấy có những ý tưởng. Cô ấy không bao giờ tẻ nhạt - Vớ vẩn, bà phải tống cái từ đó ra khỏi đầu mình. Eleanor Vansittart không tẻ nhạt… Bà ngước lên khi bà Chadwick bước vào.
“Ồ, Chaddy,” bà nói. “Gặp chị mừng quá!”
Bà Chadwick tỏ ra hơi ngạc nhiên.
“Tại sao? Có chuyện gì vậy?”
“Do tôi. Tôi không biết đầu óc mình làm sao nữa.”
“Thật không giống chị chút nào, Honoria ạ.”
“Đúng thế, không phải sao? Kì học này thế nào, Chaddy?”
“Khá ổn, tôi cho là vậy.” Giọng bà Chadwick không chắc chắn.
Bà Bulstrode hỏi gặng.
“Nào. Đừng vòng vo nữa. Có chuyện gì vậy?”
“Không có gì cả. Thực ra, Honoria ạ, không có gì hết. Chỉ là…” Bà Chadwick nhăn trán và trông như một chú chó Boxer đang lúng túng - “ồ, cảm giác thôi. Nhưng thực sự, tôi cũng chẳng thể điều chỉnh gì được. Những học trò mới có vẻ rất được. Tôi không quan tâm nhiều lắm đến cô Blanche. Nhưng tôi cũng chẳng thích Genevieve Depuy. Ranh ma.” Bà Bulstrode không quan tâm nhiều đến những lời chỉ trích này. Trong mắt bà Chaddy thì người Pháp nào cũng thế cả.
“Cô ta không phải là giáo viên tốt,” bà Bulstrode nói. “Thật ngạc nhiên. Những lời nhận xét trong hồ sơ lại rất tốt.”
“Người Pháp không bao giờ biết làm sư phạm cả. Không có kỷ luật,” bà Chadwick nói. “Và thực sự thì cô Springer quá lắm. Bản chất cô Springer cũng như cái tên cô ấy…”
“Cô ấy làm tốt việc của mình.”
“Ồ vâng, nhất hạng.”
“Giáo viên mới luôn gây rầy rà ít nhiều mà,” bà Bulstrode nói.
“Vâng,” bà Chadwick tán thành nhiệt liệt. “Tôi chắc là chẳng có chuyện gì khác nữa đâu. Mà cậu làm vườn mới ấy còn trẻ quá. Thật bất thường ở thời nay. Không thợ làm vườn nào lại trẻ thế. Đáng tiếc trông cậu ta lại điển trai. Chúng ta nên để mắt đến anh chàng này.”
Hai bà gật đầu đồng thuận. Không ai hiểu rõ hơn họ về sự tàn phá mà một anh chàng điển trai gây ra cho những trái tim thiếu nữ.
Con Mèo Giữa Đám Bồ Câu Con Mèo Giữa Đám Bồ Câu - Agatha Christie Con Mèo Giữa Đám Bồ Câu