Số lần đọc/download: 2620 / 13
Cập nhật: 2017-09-21 20:02:31 +0700
Chương 7
M
ã gặp Thắm lần đầu và để ý đến cô ngay. Không phải vì Thắm xinh mà vì cô quá giống một người đàn bà mà ông đã từng có chuyện. Cô giống con người đó cả về vóc dáng. Nhưng hình như cô trẻ trung hơn, và hình như cô hiền lành, thánh thiện hơn người đàn bà kia rất nhiều. Sự khác biệt này thật dễ lý giải. Một cô gái được học hành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, được tu dưỡng rèn luyện sống phải có lý tưởng đương nhiên phải khác với tâm thế của một cô gái nông dân lấy chồng giàu và thế là thành bà chủ. Một bà chủ thấm đượm tư tưởng phong kiến, có tí chút lõm bõm học hành. Sự nửa vời ấy tạo nên những bi kịch, mâu thuẫn trong chính con người bà ấy.
Mã là chàng trai mới lớn, kẻ làm thuê cho bà. Bà chủ chưa đến tuổi ba mươi, là gái một con trong giai đoạn vắng chồng...
Mười mấy năm trôi qua, giờ thời thế đã đổi thay, đồng bãi này, mảnh đất này không còn là của bà ấy. Mảnh đất này, đồng bãi này là của hợp tác xã của nhân dân do nhân dân làm chủ. Và Mã, qua rồi thời trai trẻ với ngày tháng đi làm thuê làm mướn. Mã giờ đây đã từng trải qua sinh tử chiến trận lập nhiều chiến công, từng suýt được phong Anh hùng. Mã là cựu chiến binh, là vị lãnh đạo, quản lý hợp tác xã, đại diện nhân dân, Mã là ông chủ.
Trong cuộc tổng động viên sức người đào mương đắp bối ngăn lũ sông Hồng, Mã ra lệnh, nếu ai không đi đủ ngày công quy định sẽ bị phạt, bị bắt giam. Vì lẽ đó, mẹ ốm, Thắm chưa đến tuổi lao động nhưng hôm nay đi làm để được chấm công thay mẹ, mẹ con cô là nông dân hợp tác xã này do Mã lãnh đạo.
Ruộng bãi quê mình cây đay, ngô lúa tốt tươi, năm nào cũng vậy, cứ đến gần ngày thu hoạch là nước lũ tràn về nhấn chìm tất cả trong biển nước. Lũ sông Hồng tàn phá tan tành chả khác nào miếng ăn đưa gần đến miệng chưa kịp ăn đã bị cướp. Thiên tai, trò đùa ác nghiệt với nông dân.
Phải cứu lấy cây đay. Phải cứu bằng được bãi đay trước khi nó bị nhấn chìm, thối ruỗng. Cứu lấy bãi đay là cứu lấy tem phiếu cứu lấy sự sống của bà con. Mã chủ nhiệm huy động toàn dân trẻ em người già ai không ốm đau đều phải ra đồng tay dao tay liềm ngụp lặn chặt, nhổ, bó, khuân, vác, xếp đay bó bè kéo vào bờ, vớt lên đê. Nước sông Hồng dâng cao quá ngực. Nón mũ đội đầu của bà con là ốc đảo lý tưởng của họ hàng châu chấu, bọ ngựa. Châu chấu, bọ ngựa, lũ côn trùng sợ nước, bâu đầy trên nón nông dân. Đay được cắt, nhổ lên, từng bó từng bó bị nước cuốn ngổn ngang xiên xẹo theo dòng nước. Dế, châu chấu, cào cào hỗn loạn bay chạy đảo điên. Nếu ai để ý sẽ thấy, khác biệt với tất cả đồng loại, loài bọ ngựa không hoảng loạn bay loạn xạ. Bọ ngựa có đôi càng dài sắc như gươm, đủng đỉnh kiên trì đậu trên nón, bám trên ngọn đay trôi bồng bềnh trên mặt nước sông ngầu đỏ.
Cả xã cả làng nhổ đay thâu đêm tới trưa. Cơm nắm cơm đùm gọi nhau í ới. Một ngày, hai ngày không làm sao thu hết được những ruộng đay. Những cơn mưa chợt đến chợt đi để lại sự oi ách khó chịu. Những đám lá đay đã bị phát chặt hôm trước trôi lềnh bềnh dưới cái nắng hầm hập bốc mùi tạo thành những bè phân hữu cơ thối ruỗng. Chủ nhiệm Mã lặn lội cùng bà con, nắng tháng Bảy cháy đỏ gương mặt, gai đay cào xước nát bàn tay. Thân thể bao ngày ngâm chìm trong nước sông tái nhợt, bợt bạt, khi lên bờ gặp gió se lại nhìn da ai cũng nhăn nheo teo tóp. Cứ nắng, lại mưa. Những trận mưa rào mùa Vu Lan trắng đất trắng trời, tối mày tối mặt. Nước sông ngồn ngộn dâng cao, trời sầm sập ập tối. Chủ nhiệm Mã đề nghị bà con ngừng nhổ đay, nhanh tay thu lượm đay nối thành bè kéo về bờ đê tập kết. Chủ nhiệm Mã cùng bà con vật lộn với thiên tai. Ai ai cũng kiên cường chiến đấu kéo được hết toàn bộ số đay đã được thu hoạch vào bờ, vớt, xếp đống trên con đê quai.
Xong việc của ngày, quần áo tóc tai sũng nước dính vào da, giờ mới cảm nhận được cái lạnh, mọi người lục tục ra về, bước chân trần quần quật ong õng nước. Một bà mẹ giật mình thấy thiếu hai đứa con gái sinh đôi.
- Con tôi! - Người phụ nữ thét lên như tiếng sét.
Ngay tắp lự, như mũi tên, bà lao vút về phía sông, nơi dòng lũ đã nhấn chìm đồng bãi, nơi những con đường cũng ngập chìm trong bể nước. Những ngôi nhà những ngọn cây, chòi canh gác nhấp nhô nhấp nhô như đám rác giữa bạt ngàn nước đổ mênh mông. Người mẹ lặn ngụp trong hung lũ, tiếng gọi con thảm thiết thê lương đuối dần trong chiều hoang hoải tối đen.
Chủ nhiệm cử những chàng trai mệnh danh rái cá đốt đuốc chèo thuyền lặn tìm hai em gái. Trời tối đen như mực, nước sông cuồn cuộn cồn cào. Họ tìm cả đêm không thấy xác hai em.
Sáng. Đội thợ lặn lại tiếp tục kiếm tìm. Người mẹ hôm qua no nước sông tưởng chết đuối được bà con cấp cứu kịp thời. Hình như niềm tin con còn sống, nỗi khao khát được thấy con đã giúp bà khỏe lại. Bà đi theo thuyền của đám thanh niên tìm kiếm hai em trên dòng sông đỏ máu cục cằn. Bà da diết gọi:
- Các con ơi, mẹ mang nặng đẻ đau, con sống khôn chết thiêng con ở chỗ nào nổi lên cho mẹ vớt con về con ơi...
Một bè rong rều bồng bềnh đi ngang qua.
- Các con ơi, hãy về với mẹ, về với mẹ đi con ơi...
Một cành cây to lá còn xanh mơn mởn dập dềnh dập dềnh bơi qua mũi con thuyền.
- Ba hồn chín vía con ở chỗ nào nghe tiếng mẹ gọi con nổi lên đi để mẹ thấy con mẹ vớt con về với mẹ con ơi.
Một khóm chuối hai thân nõn nà nhô lên như cá nhảy vọt giữa dòng trước mặt người mẹ rồi rất nhanh lao vút theo dòng nước. Như linh cảm mách bảo, người mẹ giằng lấy mái chèo trên tay thanh niên, vuột con thuyền đuổi theo khóm chuối hai thân, chặn lại. Không phải khóm chuối hai thân. Đó là xác hai đứa trẻ không còn sống vẫn ôm chặt lấy nhau trôi theo dòng nước! Người mẹ ném lại mái chèo nhảy tùm xuống nước ôm chặt con. Đám thanh niên cùng thuyền và những thuyền cùng đi tháp tùng kéo mẹ lên thuyền, vớt hai em lên, gương mặt hai em xinh xắn. Bụng hai đứa trẻ không hề có nước. Hai đứa trẻ chết rồi vẫn ôm chặt nhau đến mức, về tới làng, đặt các em bên gốc nhãn, người làng cẩn trọng lần lượt gỡ từng bàn tay, cánh tay... mới rời được hai đứa ra. Miệng hai đứa ộc máu tươi, chảy ròng xuống gốc cây. Hai đứa trẻ xinh quá, mới mười bốn tuổi đời.
Chủ nhiệm Mã không khóc, cũng không cười, ông không xin lỗi. Chẳng ai có thể hiểu cái đầu gộc của ông chứa bộ não vô tâm vô cảm hay đang nghĩ gì cho bà con hợp tác xã.
Lũ đã rút đi, để lại bãi ầng ậc phù sa nhão nhoét. Những hàng cây, ngôi nhà khoác áo giáp màu nâu trĩu mái. Hết những cơn mưa mùa hạ. Thu. Không còn trăng quầng, trăng tán, chỉ có trăng lạnh lẽo buồn vằng vặc. Trăng mùng một, mùng hai. Trăng mười ba mười bốn. Trăng rằm, mười sáu. Đêm trăng thanh tịnh, đêm trăng buồn, đêm trăng không ngủ, đêm không trăng, chủ nhiệm Mã một mình quần xắn gối lội bãi phù sa nhão nhòe nhoẹt. Đồng bãi rộng mênh mông ẩm ướt màu nâu đỏ lấp lánh ánh trăng suông, chỗ này, đoạn kia lóa sáng như chiếc gương phản chiếu lên trời. Đó là những khoảng ruộng trũng, nước sông không kịp ra nguồn đọng thành ao thành đầm. Và có chỗ lũ sóng to ụ phù sa đọng cao như đống gò.
Đêm. Chủ nhiệm Mã một mình lội ruộng, bì bõm liêu xiêu nhỏ thó giữa đồng. Mã lặng lẽ một mình đi trong đêm tìm cho ra kế sách trị thủy sông Hồng. Phù sa đầm đìa, nặng trĩu ống quần, bước chân ì ạch nặng nề. Phù sa như những dấu chấm than bắn chíu chít trên mặt Mã như những lời than, ai oán của dân làng, dấu than khô làm cơ mặt ông cứng lại, mắt không chớp được mi. Trăng lạnh lùng lếnh láng tràn lên khắp bãi bồi, lấp loáng như mắt đêm. Kìa, bóng ai nhấp nhổm xa xa, oàm oạp, chang chang như múc ánh trăng vàng. Giữa biển khơi tìm thấy kẻ đồng hành, ông lội đến gần, thì ra người nông dân hớt bùn vun thành luống dài chia ruộng thành ô, khơi rãnh tạo thành con lạch cho nước chảy thành dòng đặt đăng đơm cá. Mã vỗ đùi, giản đơn thế mà bao đời không nghĩ ra.
Mùa khô năm ấy, kế hoạch đào mương làm bối, xây cống ba cửa của Mã chủ tịch xã kiêm chủ nhiệm, xã đội trưởng, trở thành một quân lệnh. Một cuộc tổng động viên sức người sức của. Tất cả bà con già trẻ gái trai, tuổi từ mười tám đến sáu lăm ai cũng phải có nghĩa vụ đóng góp dân công đào mương đắp bối bảo vệ mùa màng. Ông kêu gọi cả bà con hợp tác xã khác cùng đóng góp tham gia. Bởi công trình mang lợi ích cho toàn khu vực.
Người đầu tiên khiêng mai đất khởi công chính là ông. Đảng viên đi trước, làng nước theo sau, ai ai cũng phải đóng góp ít nhất một trăm ngày công. Ai tham gia không đủ ngày công quy định sẽ bị phạt. Ai tham gia làm đêm có chế độ bồi dưỡng đặc biệt. Ai đau ốm, cán bộ y tế đến tận nhà khám kiểm tra sức khỏe. Ai trốn, dân quân tự vệ đến tận nhà đọc lệnh bắt giam, phạt làm nặng hơn hoặc bắt đi cải tạo. Quân lệnh như sơn, trên dưới một lòng theo lệnh cán bộ Mã. Người khen Mã cũng nhiều, người chê Mã cũng không ít. Kẻ căm ghét nói rằng, Mã ác như Tần Thủy Hoàng!
Hàng ngàn dân công già trẻ, gái trai đứng nối nhau tạo thành một đường dây, người đào đất, người nâng miếng đất lên vai người này chuyền vai người kia. Bà con thuộc tầng lớp địa chủ, phú nông đứng dưới nhấc thép đất lên vai tầng lớp trung nông. Đất trên vai trung nông chuyển sang vai bần nông, và cuối cùng tầng lớp cố nông vinh hạnh đặt khúc đất nặng như cái cối đá đắp thành bờ bối, con đê phụ cản trở nước sông Hồng mùa lũ, giữ nước sông mùa hạn.
Chủ nhiệm từng là lính trận, huân chương chiến công đầy trên ngực áo. Xuất thân từ hoàn cảnh gia đình bần hàn, Mã vẫn chưa hết ác cảm với những người từng thuộc thành phần địa chủ cường hào ác bá. Bần nông cố nông dẫu sao cũng chịu nghèo khổ bao đời, giờ có hợp tác xã đề cao bình đẳng bác ái, họ phải được ưu ái hơn. Nên ông xếp theo thứ tự bà con bần, cố nông được đứng ở vị trí trên cao công việc đỡ mệt nhọc. Ngụ ý như vậy nhưng ông đâu có lường được những ngày gió bấc mưa phùn, đứng trên bờ cao gió đông bắc phần phật rít gào cứa vào da thịt kèm mưa phùn rét tái tê. Ông phát cho bà con những cái áo mưa, gió xô đẩy, thổi lạng người bà con đứng trên cao trông như những hình nộm phất phơ giữa trời. Những dân công thành phần phú nông trung nông đứng dưới thấp cái gió bị khuất thành ra lại ấm áp, dễ chịu hơn.
Hợp tác xã điểm danh chấm công từng ngày. Cờ đỏ sao vàng, cổng chào, khẩu hiệu, biểu ngữ, trống chiêng rộn ràng. Không khí công trường vui như ngày hội. Chiều tan học, các em học sinh xếp hàng dài xuống đường diễu hành khắp làng quê hô vang khẩu hiệu “Toàn Đảng, toàn dân gia sức thi đua làm thủy lợi”; “Thi đua, thi đua”; “Quyết tâm quyết tâm”.
Thắm đi làm thay mẹ. Những người cùng tổ lao động với em, họ vui vẻ nói cười những chuyện không liên can tới mẹ em. Những người ở tổ lân cận, thấy em, họ lại được dịp bàn tán về em về mẹ của em. Không hiểu có phải lần đầu tiên hăng say lao động quá sức mình, Thắm thấy phía bụng dưới đau tức nhẹ. Thắm đâu có buồn tè, mà mỗi khi Thắm nhấc khuôn đất lên vai, hay khi ném xuống, ở chỗ ấy ứa một chút nước âm ấm đũng quần giống như tè dầm. Để kiểm tra, Thắm lẳng lặng lội vào ruộng ngô thật xa, nơi em cảm thấy an toàn. Em vén quần, nhìn xuống chỗ kín. Trời ơi, đỉa cạn cắn tự bao giờ, máu loang nhòe hai bên đùi, ướt sũng đũng quần lụa đen. Không khóc được. Em bình tĩnh bứt một nắm cây nhọ nồi mọc trong ruộng ngô nhai nhỏ mịn đắp vào chỗ ấy, tháo chiếc khăn đang là quai nón làm băng gạc. Em tập trung thao tác đến mức ruộng ngô xanh rậm rạp cỏ dại, con thằn lằn từ đâu chui vào ống quần lúc nào cũng không biết. Đến khi nó rúc rúc vào cạp quần em mới nhận thấy. Nhanh như một tia chớp, giũ giũ ống quần, em chạy bạt mạng như ma đuổi, ngã sõng soài bên bờ ruộng, lịm đi.
- Cô nào đây? Sao lại trốn việc vào đây ngủ thế này! - Thắm mơ màng nghe thấy tiếng người.
Người đàn ông tiến lại gần, nhìn thấy chiếc khăn trên tay Thắm có dính máu hồng, ông ta tủm tỉm cười:
- Eo ơi, con gái lớn mà vẫn dùng vải màn vắt mũi.
Mấy từ “vải màn vắt mũi” làm Thắm tỉnh lại. Cô ngồi bật dậy, bỏ chạy. Cô chạy vội tới mức không kịp nhận ra con người đó, giọng nói đó là Mã chủ tịch kiêm chủ nhiệm hợp tác xã mình. Ông ta tranh thủ đi thăm đồng bãi cây trồng.
Cô gái chưa kịp nhìn rõ mặt người đàn ông. Nhưng người đàn ông nhìn rõ gương mặt cô gái. Chỉ có điều, cô gái chạy xa rồi, ông mới nhận thấy điều gì rất quen ở cô gái. Mã liền gọi với theo:
- Này, này. Đứng lại. Em ơi! Em gì ơi, có phải em là...
“Có phải em là...”, em là con gái bà chủ của anh ngày xưa! Đúng rồi, đôi mắt! Đôi mắt trẻ thơ. Chính đôi mắt này gần hai mươi năm về trước, trân trân nhìn mẹ nó cùng Mã dập dềnh, bồng bềnh trên chiếc phản giữa nhà. Chính đôi mắt ấy sáng lên trong màn đêm đen như mực. Đôi mắt ấy trong veo như mắt cú, từ trong buồng ngủ đứa bé bò ra nhà ngoài tìm mẹ. Trong đêm u tịch, đôi mắt trẻ thơ như chiếc đèn pin rọi trong hầm mỏ. Đứa trẻ ê a, nhún nhảy, gật gù theo nhịp đàn ông, đàn bà nằm trên nhau. Khi nó vui thích cười lên thành tiếng, bà chủ mới nhận ra con. Bà xấu hổ ôm nó vào lòng, trùm chiếc áo che mắt nó lại. Bà cho nó bú. Và Mã, Mã nhìn thấy con bé từ khi nó còn đang bò ngoài cửa. Nhưng Mã đang ngồi trên yên ngựa phi nước đại, không thể dừng lại được. Mã không chịu rời bà chủ.
Giờ đây, ánh mắt thân quen từ đôi mắt Thắm như đôi bóng đèn điện ngủ quên trong căn phòng quá khứ bỗng dưng có điện bừng sáng lên. Quá khứ sáng choang, đồ vật thức giấc hiện nguyên hình. Mã xốn xang, xao động.
Mã thở dài, xua quá khứ bằng những động tác chỉnh lại tư thế chiếc xà cột đeo bên hông.
Gió sông Hồng ào ạt, bãi ngô non dào dạt xôn xao.
Con bé giờ đã là một thiếu nữ đầy đặn. Một thiếu nữ đầy đặn nhưng đôi mắt vẫn như xưa. Đôi mắt biết nói. Mã vô tình nhìn vào đôi mắt ấy ngỡ như đọc được, thấy được quá khứ của chính mình. Và Mã sợ.
Mã sợ Thắm nhận ra Mã. Một đứa trẻ lên hai cũng có thể biết, cũng có thể nhớ những gì nó nhìn thấy, nó nhìn thấy ông và mẹ nó? Và mẹ nó, ký ức của riêng bà, nhớ lại, nhìn lại, bà nghĩ gì về những việc ấy? Nhớ lại, nghĩ lại, bà có dằn vặt cho rằng đó là vết nhơ bẩn tưởi nhất trong đời không? Còn ông, đương nhiên đó là vết nhơ dai dẳng ám ảnh ông, ngự trị ông đến mức ông không hề hây hấn, rung động, ham muốn trước những cô giao liên, y tá xinh đẹp chăm sóc, tình ý với ông trong suốt thời gian ông trong quân ngũ.
Trạng huống con người thật kỳ lạ. Lúc thế này, lúc lại thế kia. Cùng một sự kiện, vừa kịp nhớ lại là tự dưng mặt mũi đỏ phừng phừng vì hổ thẹn, căm giận chính bản thân mình tại sao lại như thế. Cũng sự kiện ấy, bí mật ấy, có lúc nhớ lại thấy lòng rạo rực lâng lâng.
Mã đã từng ân hận, hổ thẹn với chính mình về cuộc tình với mẹ của Thắm. Mã đã từng tự trừng phạt bằng những kỷ luật hà khắc tự đề ra. Nhưng ái tình là thứ ma mị, đã có một lần thì khó có thể chịu nổi sự nổi loạn của khát khao. Có những lúc ngắm cảnh sinh tình, cơ thể nổi hứng dục cảm, đói khát, ước ao. Thèm một đêm sáng trăng tĩnh mịch lúa chín ngập đường làng, trên cánh đồng mênh mông bát ngát, được cùng người ấy yêu đương. Thèm một tấm phản, gầm chiếc xe bò cải tiến, một đống lúa mới gặt chất ngất giữa cánh đồng mông quạnh...
Những người lính chiến cùng doanh trại, nào ai biết những lúc như thế ông đã phải làm gì để trôi đi, để chống chọi với chính mình. Những lúc buồn, thèm thuốc lá thuốc lào người lính trận có thể xin nhau, sẻ chia cho nhau. Nhưng những nỗi buồn, những góc u tối trong tâm hồn không ai có thể đồng tình, sẻ chia, cho bớt cho ai được. Hơn thế, nếu bị phát hiện rất có thể sẽ bị kỷ luật.
Ngày trở về được như hôm nay, ngẫm lại, một phần có công của người đàn bà ấy. Mã cảm ơn người đàn bà ấy bởi, những kỷ niệm cuộc tình đã theo Mã, ám ảnh Mã, Mã coi đó là những thước phim là niềm an ủi là món ăn thầm kín của riêng mình. Tự khoái lạc, tự giải tỏa. Mã không hề vướng mắc một chuyện tình cụ thể một con người cụ thể nào trong đơn vị. Mã sạch sẽ cho tới ngày rời quân ngũ.