Never judge a book by its movie.

J.W. Eagan

 
 
 
 
 
Tác giả: Bà Tùng Long
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2808 / 46
Cập nhật: 2015-07-10 14:34:22 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
hi Nga đang ngồi vẽ trong phòng thì chị Tâm chạy vào:
- Có khách, cô ạ.
- Ai thế?
- Một người Tàu. Ông đi chiếc xe hơi nhà, bảo là tìm nhà cả giờ mới được. Phi Nga biết là ông Trần Phong đến thăm mình, bất giác nhìn đồng hồ và thấy mười giờ. Phi Nga nghĩ:
- Dũng gần về rồi...
Nếu gặp ông Trần Phong chắc chắn Dũng sẽ không vui, mặc dù mấy lúc sau này Dũng thường khuyên Phi Nga vẽ.
Phi Nga nói:
- Chị ra ngoài mời ông Trần Phong vào phòng khách rồi đi nấu nước và dọn ấm chén sẵn giùm.
Nói xong Phi Nga đi rửa tay, thay áo, định đi ra tiếp khách. Rồi không hiểu nghĩ sao, nàng vào phòng bé Hoàng. Hoàng đang ngồi chơi, thấy mẹ vào liền hỏi:
- Mẹ đi đâu đó cho con đi với.
Phi Nga kéo tay con:
- Đi ra chào khách với mẹ.
Thấy Phi Nga bước ra, dắt theo bé Hoàng, ông Trần Phong nói:
- Tìm nhà cô khó quá. Hỏi cô Phi Nga không ai biết hết.
- Phải hỏi nhà ông giáo Dũng thì ai cũng biết.
- Một ông giáo mà thiên hạ biết hơn một họa sĩ à? Lạ quá!
Rồi ông Trần Phong hỏi tiếp:
- Cô vẽ được gì chưa? Xưởng vẽ của cô đâu?
- Tôi không có xưởng vẽ. Tôi chỉ vẽ trong một căn phòng riêng.
- Thế cô vẽ được mấy bức tranh rồi? Có thể cho tôi xem không?
Phi Nga nhìn bé Hoàng. Thằng bé ngạc nhiên trước ông khách lạ nên nhìn ông ta không nháy mắt. Nàng nói:
- Đây là con trai đầu lòng của tôi. Có phải nó đẹp lắm không ông?
Ông Trần Phong cau có:
- Cô cứ mất thì giờ vì những đứa con thì sẽ không làm được trò trống gì hết.
Thấy ông Trần Phong nhìn mình với đôi mắt giận dữ, bé Hoàng rút tay ra khỏi tay mẹ, toan chạy vào nhà. Ông Trần Phong liền nói:
- Đó, cô thấy không? Nó có thích đứng ở đây với cô đâu. Hãy buông tay ra cho nó đi chơi.
Phi Nga chưa kịp nói gì thì chị Tâm bưng nước lên. Bé Hoàng chụp lấy chị:
- Đưa em đi bắt bướm đi.
Ông Trần Phong hỏi:
- Chị vú đó à? Để chị ấy đưa nó đi chơi. Chúng ta còn nói về tranh.
Phi Nga pha trà trong khi chị Tâm đưa bé Hoàng ra sân. Ông Trần Phong ngồi nhìn Phi Nga rót trà ra những cái chén nhỏ, rồi không đợi Phi Nga mời, ông bưng một chén trà uống cạn ngay. Phi Nga rót chén khác, ông cũng uống cạn và cứ như thế làm một hơi cả bốn chén trà nóng. Ông nói:
- Khát nước quá! Trà của cô ngon lắm, sao cô không uống?
- Tôi uống trà ít lắm.
- Thế cô ghiền thứ gì?
Lúc đầu Phi Nga không hiểu câu hỏi của ông Trần Phong, nhưng rồi nàng nhớ đến một bài báo về những cái ghiền của nhà văn. Như Victo Hugo mỗi khi viết văn thì mặc chiếc áo màu đỏ; Balzac thì mặc chiếc áo đen có thêu ren trắng ở tay, ở cổ; Lý Bạch phải có rượu mới làm được thơ... Phi Nga mỉm cười:
- Tôi không ghiền gì hết.
Ông Trần Phong giải thích:
- Cô phải có một sự ham mê nào chớ.
- Khi tôi làm việc thì quên tất cả.
- Có quên con cái không?
Phi Nga muốn thú nhận là nàng quên tất cả, kể cả tiếng con khóc, nhưng nàng không nói, chỉ rót trà thêm vào chén ông Trần Phong. Nhưng ông đã đẩy lui chén trà, đứng dậy:
- Nào, cho tôi xem những bức tranh của cô đi. Tôi lên đây chỉ có một mục đích này thôi.
Phi Nga đành đưa ông vào phòng vẽ, hồi hộp đứng chờ ông xem những bức tranh của nàng, ông Trần Phong xem hết bức này đến bức khác, không nói một lời. Khi xem đến bức tranh gia đình của Phi Nga, ông Trần Phong gật đầu:
- Giỏi lắm! Cô thông minh lắm. Phải vẽ như thế này mới đúng.
Rồi ông nói như để tự hỏi mình:
- Tại sao khi vẽ một gia đình sum họp thì người ta thường có ý nghĩ người vợ phải nhìn chồng hoặc nhìn đứa con đang ẵm trên tay?
Quay lại Phi Nga, Trần Phong hỏi:
- Chồng cô đây phải không?
Phi Nga gật đầu thì ông Trần Phong lắc đầu tỏ vẻ thương hại:
- Cô Phi Nga, cô có tài như thế này, tại sao lại chịu sống trong bóng tối? Tại sao cô chưa chịu xuất đầu lộ diện?
- Tôi mới tập vẽ. Thật ra tôi chưa hài lòng về những bức vẽ này.
Rồi Phi Nga nói về tấm tranh “Người gánh lúa” mà nàng đã bán cho ông Malê.
Nghe đến tên ông Malê, ông Trần Phong hỏi:
- Có phải ông ấy đi sưu tầm tranh không? Tôi gặp ông ấy nhiều lần lắm, ông ta có mua của tôi mấy tấm tranh lụa. Nếu ông Malê đã khuyên cô như vậy, thì cô nên nghe lời. Ông ấy sưu tầm tranh lẽ dĩ nhiên có đôi mắt tinh đời.
Ngừng một lát, ông Trần Phong nói tiếp:
- Cô hãy để tôi chỉ thêm cho cô. Những bức tranh này tuy vậy vẫn còn những khuyết điểm nhỏ về kỹ thuật.
- Tôi sẽ thu xếp thì giờ để lên thọ giáo với ông.
Thấy mình dùng tiếng “ông” có vẻ khách sáo quá, Phi Nga sửa lại:
- Tôi sẽ lên thọ giáo với thầy.
- Không cần học nhiều. Mỗi tuần hai buổi là đủ rồi.
Vừa nói ông Trần Phong vừa đi ra khỏi phòng vẽ, ngồi trở lại chỗ cũ. Phi Nga pha ấm trà khác, ông Trần Phong uống cạn ba chén nữa rồi đứng dậy:
- Tôi phải về Sài Gòn ngay bây giờ. Học trò của tôi đang đợi. À, cô có đọc những bài phê bình của các báo về cuộc triển lãm tranh của bà Châu chưa?
- Tôi chưa đọc.
Ông Trần Phong cười:
- Có người bảo bà ấy chỉ chép lại một số tranh của tôi. Làm bà ấy giận lắm.
- Nhưng chắc cũng có báo khen?
- Tôi không thấy ai khen. Muốn được nhà báo khen thì phải có cái gì cho họ. Họ hiếm khi vô tư mà cũng không có tinh thần khuyến khích người khác. Ở nước Việt Nam dường như người ta không thích thấy phụ nữ múa may trên sân khấu đời để phô trương tài năng của họ.
- Tại bà Châu không có thực tài. Khi người nào có thực tài thì tự nhiên thiên hạ sẽ biết. Thầy lầm đó, người ta ghét những kẻ múa rối, chớ ai lại ghét kẻ thực tài?
Ông Trần Phong nhún vai:
- Chẳng những ở Việt Nam mà ở bất cứ nước nào cũng vậy, kế cả bên Âu, bên Mỹ, người phụ nữ có tài vẫn thiệt thòi hơn nam giới. Cô tưởng giới văn nhân, nghệ sĩ tử tế lắm sao? Họ luôn ganh ghét nhau.
Phi Nga cười:
- Tôi không thấy điều đó. Bằng chứng rõ ràng là tôi chưa phải là kẻ có tài mà thầy, ông Malê và nhiều người nữa còn khuyến khích, giúp đỡ, huống chi là đối với những người có tài thật sự.
Ông Trần Phong ngồi vào xe còn nói với:
- Cô lạc quan quá, tại cô chưa chen chân với đời.
Phi Nga đứng nhìn theo xe của ông Trần Phong cho đến khi nó chạy khuất rồi mới trở vào nhà, ngồi ngẫm nghĩ về những lời của ông Trần Phong vừa nói với mình.
Một lát sau, Dũng đi dạy về. Thấy dấu bánh xe in trên sân đất ướt, Dũng hỏi vợ:
- Bà Châu đến thăm em phải không?
- Không phải. Ông Trần Phong đó. ông ấy lên đây để xem qua những bức tranh của em.
- Ông ấy nói sao?
- Ông ấy khen em vẽ được, nhưng còn những khuyết điểm nho nhỏ. Ông hứa sẽ dạy cho em một tuần hai buổi, dạy không lấy tiền.
Dũng nói:
- Đã học thì phải trả tiền. Không nên nhờ không người ta như vậy. Theo anh thì em nên học với ông Trần Phong. Ông ấy lớn tuổi bao giờ cũng hơn.
- Để em sắp lại thì giờ đã.
- Thế em trả lời cho ông Trần Phong về việc này chưa?
- Em bảo là chưa rảnh. Và anh vẫn chưa được khỏe nhiều.
- Anh khỏe nhiều mới đi dạy được như thế này. Lúc này đã có chị Tâm. Chị ấy nấu ăn không thua gì em, vừa miệng lắm. Em nên đi học vẽ, một tuần hai buổi không mất bao nhiêu thì giờ. Sáng em dậy sớm đi Sài Gòn, độ một giờ trưa em đã về đến rồi. Nếu em học buổi chiều còn tiện hơn nữa.
Phi Nga nhìn Dũng, thấy đôi mắt Dũng quầng đen, làn da còn xanh thì nói:
- Lạ quá, anh uống bao nhiêu thuốc bổ mà sao trông anh vẫn chưa được khỏe.
- Nếu chưa khỏe, bác sĩ đã không cho anh nghỉ ưông thuốc bổ. Em biết rành hơn bác sĩ sao?
Phi Nga bỗng thở dài rồi đi xuống bếp, phụ chị Tâm dọn cơm.
Hai người vừa ngồi vào mâm cơm thì Phi Anh đến. Phi Nga buông đũa chạy ra đón em:
- Em ở dưới nhà lên?
- Không, em ở Sài Gòn lên, vì thế mà không có quà của mẹ gởi cho chị. Ngày mai thế nào Phi Yến cũng lên.
Phi Nga vội vàng bảo:
- Vô dùng cơm với chị rồi nói chuyện sau.
Phi Anh chào Dũng:
- Nghe nói anh bị bệnh, nay đã khỏe chưa?
Dũng nói:
- Anh đã khỏe rồi, cô dùng cơm với anh chị luôn thể.
Chị Tâm đưa hai đứa bé ra mừng dì. Phi Anh ôm bé Hoàng, hôn lên tóc và hỏi:
- Có nhớ dì không? Lên trên này rồi không còn biết dì cháu gì nữa cả. Phi Hồng lại dì ẵm nào.
Chị Tâm trao Phi Hồng cho Phi Anh rồi đi lấy chén đũa bày thêm lên bàn. Phi Anh nói:
- Cháu Phi Hồng giống chị quá, vì thế trông tui nó cũng giống em.
Dũng nói:
- Cô trả nó lại cho chị Tâm, lại dùng cơm kẻo nguội.
Phi Anh ngồi vào bàn:
- Anh chị dùng trước đi, em còn no. Lúc mười giờ em gặp bà Quỳnh với cậu Paul, bà Quỳnh mời em đi ăn sáng vì thế đến giờ này chưa nghe đói. Cậu Paul hỏi thăm chị rối rít. Cậu ấy bảo thế nào cũng lên thăm chị.
Phi Nga vừa ăn cơm vừa nhìn em. Phi Anh trông đẹp hơn trước nhiều. Mới tuần trước đây, Phi Anh có viết một bức thư cho chị biết nàng đã học xong một khóa kế toán đánh máy và đã được ông hiệu trưởng nhận làm thư ký. Phi Nga hỏi:
- Thế nào, em đã đi làm được ngày nào chưa?
- Ông hiệu trưởng cho em làm thư ký, nhưng em không làm vì lương ít quá. Bà Quỳnh hứa sẽ giới thiệu em cho một ông chủ hãng buôn ngoại quốc.
Dũng nói:
- Cô may mắn thật, vừa học xong đã có chỗ làm.
Phi Nga hỏi:
- Em về thăm nhà hồi nào?
- Cách đây ba hôm. Em không định lên đây thăm chị, nếu không em đã rủ Phi Yến cùng đi rồi. Phi Yến vừa xin được cha mẹ cho lên Sài Gòn học sinh ngữ.
- Đi hết chắc cha mẹ buồn lắm.
Phi Anh nhún vai:
- Thế còn chị? Từ ngày dọn về đây chị không về thăm nhà, cha mẹ chưa biết mặt cháu Hồng, chị tệ thật. Bà Quỳnh bảo sẽ đem xe lên đây rước chị về quê chơi.
Nhìn Phi Nga, Phi Anh nói tiếp:
- Chị có đi xem triển lãm tranh của bà Châu không? Em nghe bà ấy bảo là đem xe lên đây rước chị.
- Thế em có đi xem không?
- Cũng đi cho biết. Nhưng bà Châu thì vẽ vời gì! Bà ấy đã bán đám ruộng để mua cái danh nữ họa sĩ đó.
Dũng hỏi:
- Cô nghe ai nói vậy?
Phi Anh cười:
- Em biết rõ lắm. Lúc đầu bà ấy học vẽ với một họa sĩ còn nhỏ tuổi, chuyên vẽ quảng cáo. Nói là học vẽ cũng không đúng. Bà ấy đã bỏ tiền ra thuê ông này vẽ cho bà chừng một chục bức tranh, rồi mang những bức tranh ấy đến ra mắt ông Trần Phong.
Dũng nói:
- Hèn gì!
Phi Anh nói tiếp:
- Ông Trần Phong tưởng bà Châu vẽ được nên thu nhận bà làm môn đệ.
Phi Nga cãi:
- Ông Trần Phong đâu có tệ như vậy? Ai có tài hay không ông ấy biết mà.
- Nhưng bà Châu cứ theo năn nỉ. Lại đóng tiền tử tê thì ông Trần Phong tiếc gì mà không cho bà ấy một chỗ ngồi tại xưởng vẽ của ông ta.
Dũng hỏi:
- Đến đó ngồi chơi sao?
Phi Nga cũng nói:
- Bà Châu cũng phải vẽ trước mặt ông Trần Phong chứ.
- Bà ấy cũng phải vẽ, nhưng mà vẽ xấu lắm, ông Trần Phong phải sửa nhiều. Bà Châu còn nhờ các bạn học vẽ dùm, bà ấy vung tiền ra, thứ gì mà không được. Vì thế những bức tranh của bà có vẻ chép cóp, mất cả sự linh động. Hôm đến xem triển lãm, em nghe một họa sĩ phê bình: “Không được tự nhiên. Có những nét tài tình, nhưng lại có những nét rất học trò”. Quả là phê bình xác đáng, những nét tài tình là do ông Trần Phong vẽ, còn những nét “học trò” là của bà Châu. Nhưng dù sao cũng nên khuyến khích bà ấy. Bà đã lớn tuổi mà còn chịu khó đi học. Người ta còn nói nhiều về chuyện bà Châu và ông Trần Phong...
Nói đến đây, như sực nhớ là không nên, Phi Anh tóp ngay lại:
- Chị không chịu học để theo kịp thiên hạ, em tiếc lắm. Bà Quỳnh cũng đã nói với em như thế.
- Chị đang sắp đặt thì giờ để đi học đây.
Dũng chen vào:
- Anh cũng đang nhắc chị về chuyện đó.
Phi Anh nhìn Dũng và khen:
- Thế thì anh tiến bộ quá rồi. Anh thấy đó, bà Châu đâu có tài gì, vậy mà bây giờ nhiều người đã nói đến bà, ai cũng gọi bà là nữ họa sĩ. Có một người vợ tên tuổi cũng là một vinh dự, sao anh cứ muốn giấu chị ru rú trong nhà?
Phi Nga vội nói:
- Anh đâu có giấu chị, đừng nói thế anh buồn. Chính anh đã thúc hối chị đi học vẽ với ông Trần Phong đó.
- Chị thấy ông ấy thế nào, có tài không?
- Có chứ.
Phi Anh muốn nói gì nhưng lại thôi. Khi ăn cơm xong, Dũng đi ngủ, Phi Anh ngồi lại bên chị:
- Người ta bảo bà Châu là tình nhân của ông Trần Phong, vì thế ông ta mới 0 bế đẩy bà ấy lên như thế. Chớ bà đâu có vẽ gì được.
Phi Nga rầy em:
- Em đừng nói như vậy, đàn ông nghe được họ cười cho. Tại sao chúng ta không chịu tin là người của phái mình có tài? Chị nghe nhiều bà chê nữ bác sĩ sẽ không giỏi bằng nam bác sĩ, hoặc nữ luật sư không có tài hùng biện bằng nam luật sư. Phụ nữ đành rằng đi sau, bước chậm, nhưng chị em phụ nữ với nhau mà không có tinh thần nâng đỡ nhau, chỉ biết dèm pha nhau thì thật là một chuyện đáng buồn. Rồi khi thấy có ai được bên nam giới giúp đỡ, khuyến khích thì thiên hạ lại nghi ngờ người ta không đứng đắn.
- Chị muốn nói bà Châu có tài thật sự?
- Chị không nói như thế, nhưng chị nhận thấy bà Châu có cố gắng chịu khó học. Chính ông Trần Phong cũng bảo là bà Châu không có tài.
- Thế tại sao ông Trần Phong giúp bà ấy triển lãm tranh? Không có tài thì đem ra phô bày làm gì?
Phi Anh cười lạt và nói tiếp:
- Lẽ dĩ nhiên ông ấy phải nói như thế, nhưng thiên hạ họ nghĩ khác. Mà thôi, chuyện của người ta mình nói làm gì, nói thì người khác cho rằng mình ganh tị. Nói về việc của chị đi. Bao giờ chị mới chịu đi học? Và bao giờ chị mới về thăm cha mẹ?
Phi Nga cười:
- Các cháu còn nhỏ, đi đường xa chị sợ các cháu bị cảm nắng. Còn về việc học vẽ, lẽ dĩ nhiên chị sẽ nghĩ đến... Chị muốn hỏi em về chuyện tình duyên. Thế nào, em tìm được người lý tưởng chưa? Nếu đi làm thì mỗi tháng được bao nhiêu tiền? Cha có nói gì về chuyện em đi làm không?
Phi Anh cũng cười:
- Chị định hỏi em thật nhiều để đừng trả lời những câu em hỏi chị chớ gì? Cha cho phép em đi học thì cha phải vui lòng cho em đi làm. Học để mà hành, chớ bộ học để đem về nhà xào nấu gì sao? Chị thấy em độ rày ăn mặc có bảnh hơn lúc trước không?
- Bảnh lắm! Em mặc áo gì mà sát vào người quá vậy?
- Người ta mặc sao thì mình mặc vậy. Chị hỏi em gặp người lý tưởng chưa à? Em chưa lập gia đình lúc này. Em muốn sống những ngày thật tự do, tận hưởng cuộc đời được nuông chiều của người con gái. Lấy chồng thì còn gì vui nữa?
- Em phải cẩn thận đấy nhé. Tự do cho lắm thì khổ.
- Chị đừng lo. Em biết cách giữ mình mà. Em đi làm vài năm, kiếm tiền may sắm quần áo và nếu có thể thì học thêm. Em không nghĩ như chị. Muốn làm gì thì hãy làm trong lúc chưa lập gia đình, chớ khi đã có chồng rồi thì tài cho nhiều, giỏi cho lắm cũng chẳng làm được gì.
Ngừng một lát, Phi Anh nói:
- Anh Dũng độ rày trông không được khỏe. Có phải anh đang có chuyện lo nghĩ không?
- Anh Dũng đâu có chuyện gì phải lo nghĩ. Con người anh ấy không phải là hạng suy tư, em ạ.
- Chị lầm đấy. Anh ấy có vẻ không được vui. Chắc vì không ngăn cản được chị...
Phi Nga không để em nói tiếp:
- Đổi chỗ ở, đổi khí hậu, anh Dũng bị sốt.
Phi Anh lắc đầu:
- Anh Dũng sợ chị ở dưới quê gặp bà Quỳnh bà Châu thường nên mới xin đổi lên đây để cắt đứt liên lạc giữa chị và những người ấy. Nào ngờ những người ấy vẫn tìm lên đây, lại thêm ông Trần Phong nữa... Hết ông Malê đến ông Trần Phong, chắc anh ấy buồn thúi ruột!
Phi Anh đứng lên đi xem khắp nhà, rồi quay vào nói tiếp:
- Nhà này chị đã mua, sao chị không trang hoàng kỹ lưỡng như ngôi nhà trước?
- Chị dọn về đây lúc có thai gần ngày, vì thế cũng hơi lười. Ngôi nhà trước tuy không phải nhà của mình, nhưng là tổ ấm đầu tiên. Nay thời kỳ trăng mật qua rồi.
- Chớ không phải chị giận anh Dũng xin đổi đi đột ngột nên không thèm trang hoàng nhà cửa?
- Đâu phải. Em chưa thấy phòng vẽ của chị và phòng ngủ của bé Hoàng. Chị trang hoàng hai càn phòng ấy đẹp lắm.
Rồi Phi Nga đứng lên đưa em qua phòng vẽ. Phi Anh ngồi bên giá vẽ và hỏi:
- Chị vẽ thêm được những gì nào?
- Vẽ được nhiều lắm, em ạ. Lúc này anh Dũng khuyến khích chị làm việc vì anh thấy bà Châu nổi tiếng.
- Lòng tự ái của người chồng! Nhưng chính vì thế mà anh buồn đó. Anh đâu ngờ dọn về đây, anh không tránh được gì hết. Chị ráng vẽ nghe chị Phi Nga, hội họa mới là người chồng vĩnh viễn của chị. Chớ còn anh Dũng hay ai khác nữa cũng chỉ là người chồng giai đoạn mà thôi.
- Người chồng giai đoạn? Em nói nghe lạ tai thật. Chị luôn yêu anh Dũng.
Phi Anh cười:
- Chị chưa biết yêu là gì. Chị chỉ mến anh Dũng thôi. Một ngày nào đó, chị sẽ yêu đúng với cái nghĩa của nó, nhưng đến khi đó thì chị sẽ thất vọng.
Phi Nga cũng cười:
- Em làm như em thạo đời lắm vậy.
Phi Anh nằm duỗi chân trên ghê dài, đầu gác lên đùi của chị đầy vẻ thân mật:
- Người như chị chỉ nên lựa một người chồng, là hội họa, là nghệ thuật. Với người chồng ấy chị có thể hy sinh tất cả cuộc đời của chị cũng không sao. Chớ còn anh Dũng...
Phi Nga lấy tay bụm miệng em:
- Em hay nói nhảm quá.
Phi Anh gỡ tay chị ra:
- Em dám nói sự thật chớ không phải nói nhảm. À chị nè, cậu Paul con bà Quỳnh, bao nhiêu tuổi sao ăn nói khôn quá. Lại còn đứng cao hơn em một cái đầu nữa.
- Nó nhỏ tuổi hơn Phi Yến, nhưng khôn đáo để. Người Âu Mỹ cao lớn, chớ tuổi tác Paul chưa được bao nhiêu.
Phi Anh tâm sự:
- Paul rủ em đi chơi, nhưng em không nhận lời. Nó còn nhỏ lại là người ngoại quốc, đi với nó cũng ngượng. Nó hứa khi nào lên đây nó sẽ lại rủ em cùng đi.
- Lâu quá không gặp Paul, chị cũng thấy nhớ nó. Nó có tài lắm, thế nào cũng thành một họa sĩ.
- Nó bảo chị có tài hơn cả anh của nó. Ông Malê cũng bảo thế.
Hôm ấy Phi Anh chuyện trò với chị rất lâu và đợi Dũng ngủ dậy mới cáo từ trở về Sài Gòn. Phi Anh đi rồi, Dũng nói:
- Phi Anh thật lắm chuyện. Độ rày nó thay đổi ghê quá. Ăn mặc cũng khác nữa.
- Còn con gái thì để nó chưng diện chút ít. Khi có chồng rồi thì đâu sẽ vào đó.
Dũng phân bua:
- Anh khuyên mãi mà em không chịu nghe, để bây giờ Phi Anh trách anh.
- Phi Anh đâu có trách anh, nó nói chuyện cho vui vậy thôi.
- Anh thấy sao hai cô em của em có nhiều ác cảm với anh quá, lần nào các cô đến thăm cũng đều trách móc, chê bai anh.
Nói xong, Dũng buồn bã sửa soạn đi dạy.
* * * * *
Phi Nga đang vẽ thì chị Tâm đi vào:
- Có một thanh niên người nước ngoài nhưng nói tiếng Việt rất thạo hỏi cô. Cậu ấy có vẻ vô lễ quá, vừa bước vào cổng đã hỏi om sòm: Cô Phi Nga có ở nhà không? Sao lại chạy trốn tận trên này?
Phi Nga mỉm cười:
- Cậu Paul đó. Cậu ấy có mẹ người Việt.
Rồi nàng đứng dậy, mặc nguyên chiếc áo blouse trắng đi ra ngoài. Vừa thấy Phi Nga, Paul đã reo lên:
- A, em đến gặp lúc chị vẽ. Khen chị đấy.
Paul chạy lại bắt tay Phi Nga và hôn lên má nàng. Cử chỉ thân mật kiểu Tây phương ấy của Paul làm chị Tâm khó chịu, ngó Phi Nga sửng sốt. Phi Nga hiểu ý chị nên hói:
- Cậu Paul còn nhỏ lắm, mới mười sáu tuổi.
Paul đính chánh:
- Chưa tới mười sáu tuổi, còn ba tháng nữa.
Rồi Paul chạy lăng xăng hỏi:
- Phòng vẽ của chị đâu? Chị vẽ được gì cho em xem với?
Phi Nga đưa Paul vào phòng vẽ. Xem xong các bức tranh, Paul nói:
- Em không biết gì nên không dám phê bình, nhưng em phải khen chị chịu khó làm việc. À, có phải chị sắp lên Sài Gòn học với ông Trần Phong không?
Phi Nga gật đầu:
- Chị tính thế.
- Tốt lắm, chị nên học với ông ấy. Cha em bảo ông ấy có tài lắm, lại có tinh thần nâng đỡ những họa sĩ mới. Như bà Châu chị thấy không, bà ấy đâu biết gì vậy mà ông Trần Phong đã dạy bà vẽ được, còn giúp bà triển lãm... À, em vừa nhận được thư của cha em ông bảo sắp qua Sài Gòn vì chuyện của chị.
- Tại sao ông phải mất công như vậy?
- Tìm thêm cho ngành hội họa một nhân tài đâu phải dễ. Những họa sĩ có thể vì ganh tài mà dìm chị, còn một người sưu tầm tranh thì đời càng có nhiều họa sĩ, họ càng kiếm được nhiều tranh chớ có sao đâu. Cha em bảo lần này qua thế nào cũng rầy chị.
Phi Nga cười:
- Nhưng chị đang vẽ, sắp sửa đi học với ông Trần Phong thì rầy cái gì nữa?
- Nếu như vậy thì thôi. Để em viết thư nói cho cha em biết.
Rồi Paul ngắm lại tấm ảnh của Dũng và hỏi:
- Anh ấy độ này làm gì?
- Thì vẫn đi dạy.
- Thế anh ấy nghĩ thế nào về chuyện chị đi học vẽ với ông Trần Phong?
- Anh ấy khuyên chị nên đi học.
Thấy bé Hoàng chạy ra đứng bên mẹ, Paul lại hỏi:
- Con chị đấy à? Sao chóng lớn quá vậy?
Phi Nga đi ẵm bé Hồng ra:
- Còn một em gái nữa.
Paul lắc đầu:
- Như vậy chị còn thì giờ đâu mà vẽ?
- Chị có thuê một người giúp việc.
Paul ngồi xuống ghế và nói:
- Em thấy chị quyết tâm vẽ rồi đó. Em mừng cho chị. Em sẽ viết thư cho cha em biết.
- Bà có thường đi Sài Gòn không?
- Mẹ em hiện ở Sài Gòn. Mẹ có đi xem triển lãm tranh của bà Châu. Hôm ấy em thấy mẹ buồn lắm.
- Tại sao vậy?
- Mẹ em tiếc cho chị.
Phi Nga cười:
- Em thật khéo bày chuyện.
- Em nói thật, chớ sao lại bày chuyện? Hôm nào mẹ em lên đây, chị sẽ nghe mẹ em nói. À, tại sao chị không dọn về Sài Gòn, em sẽ đến học vẽ với chị.
Phi Nga làm thinh không nói gì, thì Paul nói:
- Có người bảo là chồng chị đem chị giấu lên đây để mọi người không đến thăm chị được. Nhưng anh ấy lầm phải không chị? Bà Châu, rồi em và cả ông Trần Phong lên thăm chị nữa, mới buồn cười chớ.
Paul nói xong, đứng dậy:
- Em thăm chị một chút rồi em về Sài Gòn. Chị có đi Sài Gòn, ghé thăm em chị nhé.
Đi dạy về và nghe Phi Nga nói có Paul đến thăm, Dũng hỏi:
- Đến bao giờ em mới chịu lên Sài Gòn học vẽ với ông Trần Phong? Nếu em chưa đi học vẽ thì rồi đây bà Quỳnh, bà Châu rồi ông Trần Phong sẽ lại lên đây tìm em, và biết đâu họ không nghĩ là tại anh không muốn cho em đi học. Anh bực mình về chuyện này nhiều rồi.
Phi Nga nói:
- Việc gì mà anh phải bực mình? Chuyện của em để em thu xếp.
- Ngày mai em lên Sài Gòn tìm ông Trần Phong đi.
- Thì ngày mai em đi.
Sáng hôm sau, Dũng dậy sớm đưa Phi Nga ra tận bên xe. Chàng có vẻ săn sóc và lo lắng cho nàng nhiều lắm. Ngồi trên xe đò, Phi Nga nghĩ nhiều về chuyện học vẽ này. Nàng không biết Dũng có buồn phiền gì không, và theo lời Phi Anh thì Dũng không được khỏe cũng vì chuyện Phi Nga với những hy vọng trở thành họa sĩ. Phi Nga nghĩ:
- Bây giờ thì không thể lùi bước được nữa. Ta phải học thêm với ông Trần Phong.
Không khí ban mai đã giúp Phi Nga tỉnh táo, vui vẻ. Khi xe ngừng trước nhà ông Trần Phong, Phi Nga bước xuống, đứng nhìn một lúc lâu rồi mới bước vào. Mấy người học trò đang ngồi vẽ ở phòng ngoài nhìn thấy nàng, không khỏi ngạc nhiên. Một thanh niên ngồi ngoài hỏi nàng:
- Cô tìm ai?
- Tôi tìm ông Trần Phong.
- Cô tìm có việc gì?
- Tôi muốn gặp ông ấy.
Thanh niên ấy quay lại nhìn một thiếu nữ ngồi ở trong cùng:
- Chị Dục Tú, chị vào thưa cho thầy biết đi.
Dục Tú nhún vai và hỏi Phi Nga:
- Cô muốn gặp thầy có việc gì hãy cho tôi biết để tôi vào thưa lại với thầy.
- Ông Trần Phong mời tôi đến đây.
Dục Tú nhìn Phi Nga từ đầu đến chân:
- Thầy tôi nhờ cô làm người mẫu phải không?
Phi Nga bực dọc nói:
- Không.
Vừa lúc ấy ông Trần Phong từ trong nhà bước ra. Nheo mắt và sửa lại cặp kính trắng, ông kêu lên:
- Cô Phi Nga! Cô đã quyết định rồi à? Hôm nay đến học phải không?
Phi Nga bối rối cúi đầu chào ông Trần Phong. Những người học trò của ông nhìn nàng không nháy mắt. Ông Trần Phong giới thiệu:
- Đây là cô Phi Nga mà thầy đã nói với các con. Cô ấy tài lắm.
Rồi ông quay qua Phi Nga:
- Mấy hôm nay cô vẽ thêm được gì chưa?
Phi Nga lùi lại mấy bước:
- Tôi đến xin học với thầy.
Ông Trần Phong cười lớn:
- Tốt lắm! Vào đây! Tôi đang có đề tài cần thực hiện gấp. Cô vẽ thử đi. Tôi đã phác họa được một phần rồi.
- Tôi đem giá vẽ ra làm việc chung với mấy anh chị này, thầy cho phép chớ?
- Cũng được. Nhưng tại sao không vẽ trong này yên tĩnh hơn? Cô hãy vào đây xem qua đề tài của tôi. Mặt trời lặn ở thôn quê. Cô vẽ được không?
Phi Nga cười tự tin:
- Tôi sống nhiều ở thôn quê nhưng đề tài này tôi chưa vẽ. Ông cho tôi mượn cái giá và dụng cụ. Hôm nay tôi không mang những thứ ấy theo.
Ông Trần Phong đưa Phi Nga vào phòng trong, chỉ bức vẽ ông đang phác họa. Phi Nga đứng ngắm một lúc rồi nói:
- Cùng một đề tài nhưng tôi sẽ vẽ khác thầy.
- Được, hãy ngồi đây mà vẽ.
- Ngồi vẽ trước mắt thầy à? Không, tôi thích ngồi vẽ một mình. Tôi không muốn nghe một tiếng động nào quanh tôi, tôi cũng không muốn ai để ý đến trong lúc tôi vẽ.
- Vậy thì cô hãy ngồi đây, tôi đi ra ngoài.
Phi Nga ngồi trước giá vẽ, đôi mắt đăm đăm nhìn lên tấm giấy căng trước mặt, tập trung tư tưởng một lúc lâu rồi cầm bút vẽ. Nàng phác họa một cây dừa nghiêng thân trên sông, một chiếc đò dọc thả xuôi theo dòng nước. Một cặp vợ chồng ngồi trên đò, vợ thổi cơm, chồng ngắm nhìn trời. Nàng vẽ nhanh lắm, không còn biết gì nữa cả. Cho đến khi nghe có tiếng xì xào sau lưng, Phi Nga buông cọ quay lại thì thấy ông thầy và mấy người học trò đang đứng sau lưng, ông Trần Phong sửng sốt nhìn vào bức vẽ, nét mặt đăm chiêu. Mấy người học trò thì khen:
- Giỏi thật! Vẽ nhanh thật!
Và nhìn nhau tỏ vẻ khâm phục Phi Nga. Họ cũng nhìn ông Trần Phong vì thấy ông đứng sững sờ, chưa thốt lời nào, chỉ thở dài, lắc đầu. Một lúc lâu, ông mới hỏi:
- Cô biết mấy giờ rồi không?
Phi Nga lắc đầu thì Dục Tú cười:
- Hai giờ chiều rồi.
Ông Trần Phong nói:
- Thượng đế không lựa người mà vung rải tài...
Phi Nga vội vàng đứng dậy:
- Chết rồi, tôi phải về Biên Hòa. Tôi tưởng còn sớm.
Ông Trần Phong nói:
- Mấy người này đi ăn trưa cả rồi. Cô không nghe đói à?
Phi Nga cười:
- Bây giờ nghe thầy nhắc đến chuyện ăn, tôi mới thấy đói. Nhưng không sao, tôi sẽ ăn trên xe. Một khúc bánh mì đủ rồi. Chồng và con tôi đang chờ.
- Lại nhắc đến chuyện chồng con!
Vừa nói ông Trần Phong vừa nhìn các môn đệ, lắc đầu. Lê Thanh ngạc nhiên:
- Cô ấy có chồng rồi à?
- Có chồng và làm mẹ hai con nữa!
Trong phòng có ba nam môn đệ là Lê Thanh, Hà Nam và Vũ Minh. Cả ba đều cau mày. Dục Tú nói:
- Chị đợi tôi chạy sang tiệm gần đây mua bánh cho chị ăn.
- Để tôi ghé mua rồi ra đón xe luôn thể.
Ông Trần Phong hỏi:
- Bao giờ cô trở lại học?
- Thứ sáu. Mỗi tuần tôi học hai ngày như lời thầy dặn. Lần sau tôi sẽ đem đủ dụng cụ.
Ông Trần Phong đưa Phi Nga ra cửa:
- Cô ráng đi học đều đặn nhé. Với một người học trò như cô, ông thầy nào mà không nể.
Khi trở vào phòng vẽ, thấy Lê Thanh còn đứng tần ngần trước bức vẽ của Phi Nga, ông Trần Phong vô nhẹ lên vai Lê Thanh:
- Phải chi con hay Hà Nam, Vũ Minh có được cái tài ấy.
Đôi mắt của ông Trần Phong đượm một nét buồn kín đáo. Lê Thanh hỏi:
- Cô ấy đã học với ai rồi?
- Chỉ học lúc còn ở chương trình phố thông.
Lê Thanh ngạc nhiên:
- Lạ thật. Cô ta có chồng thật rồi sao thầy?
Hà Nam chọc:
- Nãy giờ tôi thấy anh chỉ thắc mắc có chừng ấy.
Dục Tú nói:
- Có chồng vẫn học được. Nhưng vẽ như thế đã lấy gì làm tài. Cũng đề tài ấy, thầy vẽ đẹp hơn nhiều.
- Cô không thích thấy một phụ nữ giỏi hơn cô. Cô học mười năm nữa chưa chắc đã vẽ được như vậy. Ngay tôi đây mà tôi cũng không thể không mến phục cô ấy được. - Ông Trần Phong đáp lời Dục Tú.
Hà Nam nói:
- Người có tài có khác, không cần đến cách phục sức. Đẹp như vậy mà không để ý là mình đẹp.
Ông Trần Phong nói:
- Có vậy mới phụng sự nghệ thuật được.
Ông Trần Phong ngồi xuống ghế nhìn bức vẽ của Phi Nga, tâm trí để tận đâu đâu, không còn nghe câu chuyện giữa mấy môn đệ của ông nữa. Rồi ông đứng lên như một người mê ngủ, đi lại giá vẽ của mình, ngắm một hồi lâu. Lê Thanh ra dấu cho mấy bạn cùng nhìn về phía ông Trần Phong. Dục Tú nói nhỏ vào tai Hà Nam:
- Thầy tức mình vì thấy Phi Nga có tài quá.
Nhưng họ càng ngạc nhiên hơn khi thấy ông Trần Phong rút tấm giấy trên giá rồi xé mạnh làm hai, liệng lên cái bàn gần đó...
Hà Nam kéo các bạn ra phòng ngoài:
- Hãy để yên cho thầy nghĩ ngợi.
Ra bên ngoài, Dục Tú nói với các bạn:
- Cô Phi Nga vẽ ra sao mà thầy giận xé tấm vẽ của thầy, các anh nhỉ?
Hà Nam bực mình nói:
- Vẽ làm sao cô không thấy à? Sao hồi nãy cô lại khen là đẹp?
- Tại các anh khen nên tôi cũng khen theo.
Mọi người nghe thế cười rộ lên, rồi Lê Thanh nói:
- Vậy mà sáng nay khi thấy cô Phi Nga đến, chị Tú dám hỏi cô Phi Nga có phải đến để làm người mẫu cho thầy không.
Dục Tú nói:
- Trông chị ấy không có vẻ gì là một họa sĩ cả.
Vũ Minh hỏi:
- Thế cô ấy có vẻ gì là một người mẫu không? Cô ấy không chưng diện như chị.
Ngẫm nghĩ một lát, Vũ Minh nói tiếp:
- Nhưng trông cô ấy đẹp lắm. Người nào không quan tâm nhiều đến nhan sắc của mình thì người đó lại có một vẻ đẹp tự nhiên.
Dục Tú thở dài:
- Mấy anh kỳ quá, cả thầy lẫn trò đều hết hồn hết vía vì một cô Phi Nga.
Lê Thanh nói:
- Tôi phục tài là một việc khác.
Hà Nam cũng nói:
- Cùng một đề tài mà bức tranh của Phi Nga linh hoạt làm sao ấy. Cảnh chiều là cảnh tàn tạ mà Phi Nga làm cho nó sống động như vậy. Cuộc đời của Phi Nga chắc sẽ rực rỡ, tương lai sáng lạng lắm.
Dục Tú bĩu môi:
- Anh này còn làm nghề thầy bói nữa mà mình không hay. Thế còn tương lai anh thế nào, anh có biết không?
Hà Nam tức giận nói:
- Sao lại không? Tôi cũng trở thành một họa sĩ, nhưng chắc chắn không phải là một thiên tài như chị Phi Nga. Với sự cố gắng, mọi người đều có thể thành công, nhưng không phải họa sĩ nào cũng là một thiên tài. Thầy Trần Phong còn phải phục chị ấy.
Không còn biết bắt bẻ gì các bạn được, Dục Tú liền nói:
- Các anh buồn cười quá. Với Phi Nga, các anh khi thì gọi bằng cô, khi thì gọi bằng chị.
Vũ Minh cãi lại:
- Vì chị ấy chưa có dịp để chuyện trò với chúng ta, nên chúng ta chưa biết phải xưng hô như thế nào. Cùng học một thầy tức là bạn đồng môn thì gọi bằng chị là phải. Nhưng vì chưa quen thì cũng có thể gọi bằng cô, như thế có gì lạ đâu mà chị lại thắc mắc, cái điều đáng thắc mắc là tại sao chị lại không thấy vui mừng khi gặp một thiên tài như chị Phi Nga. Lẽ ra chị phải hãnh diện vì có một người bạn gái có tài như thế.
Dục Tú nhún vai:
- Hãnh diện lắm chớ. Cũng như trước đây, tôi đã hãnh diện vì có được một bạn đồng môn là bà Châu.
Hà Nam nói:
- Bà Châu thì khỏi phải nói, đó là trường hợp đặc biệt mà.
Lê Thanh hỏi:
- Sao lại đặc biệt? Dù sao một người đàn bà đã lớn tuổi mà có chí như thế không đáng khen hay sao?
Vũ Minh nói:
- Đáng khen lắm. Chị Dục Tú cũng đáng khen lắm nữa. Chị ấy là con nhà giàu, ở nhà đi chơi cũng sung sướng chán, việc gì phải đi học vẽ? Vậy mà chị cũng chịu khó ngày hai buổi đến đây học với thầy.
Dục Tú nói:
- Tại thầy là bạn của cha tôi, đến nhà chơi thấy tôi có khiếu vẽ, mới bảo tôi đến đây thầy dạy cho. Chứ học cho cố đến khi có chồng con rồi thì cũng dẹp lại một chỗ.
Vũ Minh hỏi:
- Sao chị Phi Nga không dẹp?
- Chị ấy khác. Lại nữa có lẽ chồng chị ấy khờ lắm nên mới chịu được người vợ có nghệ sĩ tính như chị ấy. Vẽ gì mà quên cả đất trời, quên cả ăn uống, quên cả chồng con chờ đợi.
Lê Thanh nói:
- Như vậy mới là nghệ sĩ. Còn vẽ như tụi mình chỉ là học trò.
Phi Nga học với ông Trần Phong được sáu tháng, cảm thấy mình đã tiến bộ nhiều. Từ khi nàng đi học vẽ, cuộc sống gia đình vẫn yên vui, không có gì xáo trộn. Nàng vẫn săn sóc Dũng đầy đủ như trước. Nhiều hôm ở phòng vẽ của ông Trần Phong ra, Phi Nga ghé chợ Sài Gòn mua thức ăn, bánh trái mang về cho Dũng và nàng cùng ăn. Bà Quỳnh đến thăm Phi Nga và khi thấy nàng đã chịu khó đi học vẽ thì tỏ ý vui mừng, khen ngợi nàng không hết lời. Bà còn mua của Phi Nga mấy bức tranh. Phi Nga hiểu là bà muốn giúp nàng một số tiền để đi học. Ông Trần Phong cũng giới thiệu bán cho nàng mấy bức vẽ. Ông nói:
- Để cô có tiền tiêu xài thêm trong khi đi học. Kể ra bán những bức tranh ấy lúc này uổng lắm. Tranh của một họa sĩ chưa nổi tiếng với tranh của người đã nổi tiếng khác nhau rất xa. Cũng bức tranh này của cô bán bây giờ không được bao nhiêu tiền, nhưng để sau này, giá sẽ lên gấp đôi, gấp ba. Nhưng Phi Nga hiểu tại sao tôi bán dùm cô mấy bức tranh này không?
- Thầy nghĩ là tôi cần tiền?
Ông Trần Phong cười:
- Không phải thế. Tôi bán những bức tranh này để cô vẽ cái khác. Cô thấy cô đã vẽ được nhiều rồi thì không chịu cố gắng vẽ thêm nữa. Nhưng đến khi cô triển lãm tranh, tôi có thể đi mượn những tranh này lại cho cô triển lãm.
Phi Nga cười:
- Một khi tôi đã ham làm thì dù có vẽ mấy chục bức rồi, tôi cũng chưa thấy là nhiều. Có điều thưa thầy, cần cái phẩm hơn cần cái lượng. Vẽ thật nhiều mà không đẹp, không có gì đặc sắc thì cũng không ích gì.
Ông Trần Phong gật đầu mà không nói gì.
Lần nào cũng vậy, hễ đến phòng vẽ là Phi Nga cắm cúi làm việc, ít khi trò chuyện với ai. Ngay với ông Trần Phong cũng thế, Phi Nga chỉ hỏi những điều cần thiết, hay chỉ phát biểu ý kiến mỗi khi ông hỏi nàng về một họa phẩm của ông. Dục Tú thường tìm cách hỏi chuyện Phi Nga, nhưng Phi Nga không thích chuyện trò. Còn các anh Lê Thanh, Hà Nam, Vũ Minh thấy Phi Nga quá lạnh lùng với họ, nên cũng ít khi trò chuyện thân mật với nàng. Mỗi khi Phi Nga vẽ xong và ra về rồi thì họ mới đến ngắm những gì Phi Nga vừa vẽ được.
Có lần Lê Thanh mời Phi Nga lên xe Vespa để đưa nàng ra Sài Gòn vì nghe nàng nói với ông Trần Phong là còn phải đi mua hàng:
- Sẵn đường xin cho phép tôi đưa chị ra Sài Gòn, đi xe buýt chen lấn phiền lắm.
- Cám ơn anh. Nhưng đi xe buýt cũng có cái thú riêng của nó. Mình có dịp được ngắm khách đồng hành và đó là những đề tài sống để mình thực hiện lên tranh sau này. Tôi lại không biết cách ngồi sau xe Vespa. Tôi sợ té lắm.
Cũng có lần Hà Nam mời các bạn đi ăn cơm rồi mời luôn Phi Nga:
- Chị đi dùng cơm với chúng tôi.
Phi Nga từ chối:
- Tôi không quen ăn cơm nhà hàng. Xin anh hiểu cho.
Một hôm, Phi Nga đang chuẩn bị vẽ thì nghe có tiếng người lạ nói chuyện với Lê Thanh ở phòng ngoài. Nàng nhận ra tiếng ông Malê, nhưng vẫn ngồi im chờ xem ông đến có việc gì.
- Ông Trần Phong có ở nhà không?
Lê Thanh trả lời:
- Dạ có, để tôi đi mời thầy tôi.
Ông Malê nói:
- Đây, tấm danh thiếp của tôi.
Lê Thanh đi qua trước mặt Phi Nga và nói nhỏ:
- Có ông Malê đến. Chị biết ông ấy chớ?
Phi Nga chỉ gật đầu. Một lát ông Trần Phong ra với Lê Thanh trong chiếc áo dài Thượng Hải, trông có vẻ đạo mạo và trịnh trọng lắm. ông Trần Phong hỏi Phi Nga:
- Không ra đón ông Ma Lê à?
Phi Nga nói:
- Ông ấy đến thăm thầy.
Ông Trần Phong mỉm cười, đi thẳng. Phi Nga nghe hai người chào nhau bằng tiếng Anh và họ cũng chuyện trò với nhau bằng thứ tiếng ấy. ông Trần Phong mời ông Malê vào nhà trong. Khi đi ngang qua phòng vẽ của Phi Nga, ông Malê ngạc nhiên khi:
- Hôm nay cô vẽ ở đây à? Sao cô không ra mừng tôi?
- Ông đến tìm ông Trần Phong...
Ông Malê nhìn Phi Nga bằng đôi mắt trách móc:
- Vì tôi không biết có cô ở đây. Tôi định ở đây ra là đi thăng lên Biên Hòa thăm cô, hay nói cho đúng là đề nghị với cô một việc.
Ông Trần Phong hỏi:
- Ông có thể nói chuyện với cô ấy ở đây không?
Ông Malê nói:
- Nếu cô ấy bằng lòng.
Phi Nga nói:
- Bây giờ ông là khách của thầy tôi.
Ông Trần Phong hiểu ý Phi Nga nên rước ông Malê vào phòng khách. Dục Tú chạy theo vào để pha trà. Phi Nga vẫn ngồi vẽ. Xong việc, Dục Tú ra nói với Phi Nga:
- Chị quen ông ấy à?
- Tôi quen với vợ ông ấy. Bà Malê đã mua của tôi nhiều bức họa.
- Tại sao lúc nãy chị không ra chào ông Malê?
- Ông ấy đến tìm thầy chớ nào phải tìm tôi.
Dục Tú ngạc nhiên:
- Chị câu nệ quá, mất cả sự thân mật.
- Thân mật thái quá, mất cả phép lịch sự.
Dục Tú nghe thế đi thẳng lại chỗ giá vẽ của mình và bắt đầu làm việc lại.
Ông Malê nói chuyện với ông Trần Phong một lúc lâu, mới trở ra ngoài, đi lại bên Phi Nga, nhìn bức tranh nàng đang hoàn thành và hỏi:
- Bao giờ thì cô về Biên Hòa?
- Một giờ trưa.
- Cô cho phép tôi đưa cô về nhé. Trén xe chúng ta có thể nói chuyện với nhau, như thế khỏi mất thì giờ của cô.
- Tôi không thích như vậy.
- Cô không thích thì thôi. Hôm khác tôi sẽ lên thăm cô. Thấy cô chịu đến học với họa sĩ Trần Phong, tôi mừng lắm. Lúc này cô vẽ khá hơn nhiều. Cô đã đọc những bài báo nói về bức tranh “Người gánh lúa” của cô rồi phải không?
- Tôi đã đọc rồi. Xin thành thật cảm ơn ông.
- Việc ấy không có gì đáng cám ơn. Tôi thúc giục cô bước vào con đường nghệ thuật bằng cách ấy. Tôi thấy chỉ có cách ấy là có hiệu quả thôi.
Phi Nga cười:
- Ông nghĩ với cái giải khuyến khích kia tôi sẽ mạnh dạn bước vào con đường nghệ thuật, không còn rụt rè, do dự nữa? Ông không thể nào hiểu tôi được.
Ông Malê cũng cười:
- Có lẽ tôi không thể nào hiểu con người của cô, nhưng về tài năng, cách ham làm việc của cô, tôi đoán hiểu cô sẽ đi đến đâu.
Xây lại ông Trần Phong, ông Ma Lê hỏi:
- Có phải cô ấy có tài lắm không?
Ông Trần Phong gật đầu:
- Có tài hơn cả bọn đàn ông. Cô ấy được Thượng đế biệt đãi quá.
Hai người đàn ông nhìn nhau cười. Phi Nga không để ý đến cái cười đầy ý nghĩa của họ và chỉ có họ hiểu riêng với nhau mà thôi.
Ông Malê hỏi:
- Thế còn ông giáo, chồng cô, ông ấy lúc này làm gì?
- Vẫn đi dạy học.
Ông Trần Phong nói:
- Lúc nào cô ấy cũng nói đến chồng con. Tôi bảo chuyện sanh con đẻ cái, bất cứ người đàn bà nào cũng làm được, nhưng cô Phi Nga cười tôi nói nhảm.
Phi Nga đứng lên, chỉ về bộ bàn ghế gần đó để ông Trần Phong và ông Malê khỏi đứng sau lưng nàng mà chuyện trò:
- Xin mời thầy, mời ông ngồi.
Ba người ngồi quây quần bên cái bàn. Ông Ma Lê nói:
- Họa sĩ Giang sắp về đây rồi. Ông ấy nóng lòng được gặp cô. Hình như họa sĩ Giang chưa quen nhiều với cô.
- Họa sĩ Giang là bạn thân với một người bạn của tôi. Tôi chỉ được gặp anh ấy có một lần và khi ấy anh không biết tôi vẽ. Sau này bạn tôi nói lại anh ấy mới biết. Và để biết qua về cái tài vẽ của tôi, anh Giang có nhờ bạn hỏi mua của tôi hai bức tranh, lúc ấy tôi không chịu bán.
Ông Trần Phong nói:
- Cô Phi Nga tự ái lắm.
Ông Malê nói:
- Cô ấy chỉ ao ước những chuyện thật cao.
Rồi ông gật đầu nói tiếp:
- Nhưng mà rồi cô ấy đạt được, vì như tôi đã bảo với ông, Thượng đế đã thiên vị người đẹp, đến nỗi trao cả kho thiên tài cho cô ấy nắm.
Ông Trần Phong thở dài:
- Vậy mà cô khinh thường không chịu dùng kho tài năng mà Thượng đế ban cho để phục vụ nghệ thuật.
Ông Malê hỏi:
- Cô vẽ được mấy bức tranh rồi?
Ông Trần Phong nói:
- Cô ấy vẽ nhanh lắm. Có nhiều bức khá đẹp. Cô ấy mà chịu khó đến đây học độ một năm thì chắc chắn sẽ nổi tiếng.
Ông Malê nói với Phi Nga:
- Ông Trần Phong là một giáo sư dạy vẽ. Một họa sĩ vào bậc thầy, ở các nước người ta gọi là Maitre đó. Ông Giang mà về đây cũng sẽ đến học vẽ trên lụa với ông Trần Phong. Ông Giang thạo tranh sơn dầu.
Phi Nga nói:
- Tôi không hiểu có thể học lâu được không? Tôi bận nhiều việc khác.
Ông Trần Phong ngạo:
- Lại nói đến chuyện chồng con rồi.
Ông Malê đứng lên cáo từ ông Trần Phong, rồi nói với Phi Nga:
- Tôi sẽ lên Biên Hòa thăm cô.
Lúc ông Malê đi rồi, ông Trần Phong nói:
- Coi bộ ông ấy phục tài cô lắm.
- Ông ấy chỉ khuyến khích chớ không phải phục tài vì tôi chưa có gì đáng gọi là tài. Nếu tài, tôi không đến đây học với thầy. Thầy khen tôi nhiều quá khiến tôi ngượng.
Hôm ấy Phi Nga về nhà thì thấy Dũng không được vui và có vẻ mệt. Phi Nga vội vàng hỏi:
- Anh nghe trong người thế nào?
Dũng vỗ nhẹ đầu:
- Anh nghe nhức đầu.
Nhìn đồng hồ thấy gần hai giờ rồi, Phi Nga hỏi:
- Anh đi dạy được không? Hay xin nghỉ một hôm?
- Để anh đi dạy. Ở nhà cũng nằm vậy thôi.
- Nằm cho khỏe. Hôm nay vì có ông Malê đến thăm ông Trần Phong nên em về hơi trễ. Anh dùng cơm chưa?
Dũng lắc đầu:
- Anh chưa ăn gì hết vì nghe mệt.
Phi Nga vội vàng thay áo:
- Vậy để em làm sữa cho anh, chúng ta cùng ăn luôn thể. Rồi chiều nay anh đi bác sĩ.
- Anh thấy anh có đi bác sĩ rồi cũng vậy, không bớt chút nào. Ông ấy cứ cho uống thuốc bổ, mà nào anh có lên được cân nào đâu.
Chị Tâm dọn cơm xong ra mời Phi Nga:
- Ở nhà tôi có thưa để tôi nấu cháo cho thầy dùng nhưng thầy không chịu.
Dũng có vẻ giận:
- Chị không biết là tôi sợ cháo lắm hay sao? Lúc tôi còn nhỏ, mỗi lần tôi đau mà mẹ tôi nấu cháo dọn lên là tôi ngồi dậy, hết bệnh.
Phi Nga hỏi chị Tâm:
- Tại sao chị không khuấy sữa cho thầy?
- Thầy bảo đợi cô về.
Khi ăn xong, chị Tâm nói riêng với Phi Nga:
- Lúc mười hai giờ rưỡi, thầy ra bến xe đón cô đón mãi không thấy cô về thầy bực mình lắm. Vì thế mà thầy nghe nhức đầu. Mọi ngày cũng đến giờ này cô mới về chứ đâu phải sớm hơn. Thầy dường như có chuyện gì lo nghĩ.
Phi Nga thở dài. Nàng nhớ lại lúc nãy có cho Dũng biết là có ông Malê đến nhà ông Trần Phong, vậy mà nàng không nghe Dũng hỏi gì về việc ấy.
Đến ba giờ, Dũng sửa soạn đi dạy. Phi Nga hỏi:
- Anh không ở nhà nghỉ à? Để em đi xin phép ông hiệu trưởng.
- Để anh đến xin phép nghỉ một tuần. Anh đi bác sĩ xin giấy xác nhận sức khỏe.
Phi Nga nhìn theo Dũng rồi chờ Dũng ra khỏi cửa, đi ngay vào phòng vẽ. Nàng dọn dẹp lại căn phòng, treo thêm những bức tranh đã vẽ xong lên vách. Nàng cũng lấy bức tranh của ông Trần Phong tặng treo ngay giữa phòng. Nàng làm việc cho đến lúc Dũng ở trường về.
Nghe tiếng Dũng ở phộng ngoài, Phi Nga đi ra, đã thấy bé Hoàng ngồi trong lòng Dũng thỏ thẻ:
- Cha bệnh phải không? Cha nằm đi Hoàng đấm lưng cho.
Phi Nga hỏi:
- Bác sĩ bảo thế nào?
- Bác sĩ cho anh nghỉ một tuần. Ông ấy bảo anh bị sốt rét. Có lẽ tại anh không hạp khí hậu ở đây.
Phi Nga ngồi xuống bên Dũng. Dũng nói:
- Anh hay nông nỗi này thì không xin đổi về đây làm gì. Bây giờ mình lỡ mua ngôi nhà này rồi.
- Anh không muốn ở đây nữa thì chúng ta bán cho người khác, xin đổi về chỗ cũ.
- Như thế cũng phiền lắm. Công việc của em đang tiến hành một cách khả quan. Ở đây, em đi Sài Gòn học được.
- Việc của em không quan hệ đâu. Anh hãy lo sức khỏe của anh trước đã. Anh không chịu được khí hậu ở đây thì cứ xin đổi về chỗ cũ, chỗ nào mà anh thích.
Dũng chán nản nói:
- Anh không biết thích chỗ nào. Chỗ nào đối với anh bây giờ cũng vậy. Được nghỉ một tuần, anh định về quê thăm cha mẹ và các em.
- Anh không được khỏe, đi làm gì?
- Anh muốn về thăm nhà, sợ rồi đây không có dịp đi nữa.
Câu nói của Dũng làm Phi Nga lo lắng. Dũng hiểu ngay sự lo lắng ấy nên nói:
- Đi để đổi không khí luôn thể. Em cứ yên lòng để anh đi ít hôm. Về phần em cứ tiếp tục đi học vẽ như thường, em nhé.
Nói đến đây, giọng của Dũng dịu hẳn lại, vẻ mặt thật hiền lành dễ mến.
- Về nhà cha mẹ, ai lo ăn uống cho anh?
Dũng cười:
- Thì anh mang sữa theo uống. Lúc này anh cũng chẳng ăn uống được bao nhiêu.
Thế là ngày hôm sau Phi Nga thu xếp đồ đạc cho Dũng về quê. Dũng nói lần này chàng sẽ ở với cha mẹ đúng năm ngày mới về.
Khi Dũng đi rồi, Phi Nga không giấu được sự lo lắng, nói với chị Tâm:
- Thầy không được khỏe mà đòi về quê thăm ông bà nội của Hoàng, tôi lo quá.
- Cô cứ để thầy đi cho vui. Nghề dạy học bộ mệt nhọc lắm hay sao mà trông thầy lúc nào cũng không được khỏe.
- Dạy học cũng mệt thật, nhưng với ai yêu nghề thì sẽ không thấy mệt.
- Cô nói phải đó, làm việc mà không thích thì dễ chán lắm.
Phi Nga vào phòng làm việc. Nàng định hoàn thành bức tranh “Ngày mùa” đã vẽ hai tuần nay. Nhưng nàng vừa ngồi vào giá vẽ thì có tiếng còi xe trước cửa. Một lát chị Tâm đi vào và nói:
- Có một người ngoại quốc đến tìm cô. Ông ấy nói được tiếng Việt.
Phi Nga nói:
- Chắc là ông Malê đó.
Phi Nga vào thay áo và ra tiếp ông Malê.
- Chào cô, tôi tìm mãi mới ra nhà cô. Cô đang vẽ à?
- Tôi định hoàn thành bức vẽ đã hai tuần nay. Ông Malê kéo ghế ngồi:
- Thế tôi có phá rầy cô không?
- Ông đến chắc có việc gì dạy bảo tôi. Xin để tôi pha trà đã, ông đi nắng cũng mệt.
- Xin cô ngồi đây nói chuyện đã. À, cô đã có người giúp việc rồi phải không? Có vậy cô mới học được chớ.
Chị Tâm đã mang ấm tách lên. Phi Nga pha trà trong khi ông Malê nói:
- Ở đây các họa sĩ sắp mở một cuộc triển lãm chung các tác phẩm đặc sắc nhất của họ. Tôi định đem bức tranh cô được giải thưởng ở Pháp đến dự cuộc triển lãm ấy. Nếu cô có những bức tranh nào khác ưng ý thì cũng nên gởi dự luôn thể.
Phi Nga do dự một chút rồi nói:
- Họ là những họa sĩ đã có tên tuổi. Tôi chưa được ai biết đến, triển lãm tranh chung liệu họ có bằng lòng không?
- Đây là một nhóm họa sĩ tự do. Ai có tranh cũng có thể dự được.
- Gởi tranh đến dự lúc này hơi sớm. Vả lại tôi mới học được mấy tháng, chưa tiến bộ nhiều.
Uống xong chén trà, ông Malê đứng lên:
- Cô cho tôi xem qua những bức tranh của cô.
Phi Nga đưa ông Malê vào phòng vẽ cho ông xem từng bức tranh, ông Malê nói:
- Cô tiến bộ nhiều lắm. Tôi thấy có nhiều bức đem ra triển lãm được. Dù sao thì đây cũng là một dịp đua tài, không nên do dự, mạnh dạn một chút.
Khi thấy bức tranh của ông Trần Phong, ông Malê nói:
- Ông ấy mến cô lắm nên mới tặng cô bức này. Tôi hỏi mua mấy lần mà ông ấy không bán, bảo đó là một kỷ niệm.
Phi Nga ngạc nhiên:
- Một kỷ niệm à?
- Ông Trần Phong bảo ông vẽ bức tranh này lúc mẹ ông mới mất được mấy hôm.
Phi Nga không giấu được sự cảm động khi nghe ông Malê nói. Nàng không ngờ ông Trần Phong lại tử tế với nàng đến thế.
- Tôi khen bức tranh này đẹp. Mà đúng thế. Mỗi khi có chuyện bực mình, ngắm bức tranh này, tôi thấy người như nhẹ ra.
- Có những bức họa mà khi mình nhìn đến, nếu có bệnh sẽ khỏe hơn, nếu có chuyện đau khổ, chuyện đau khổ nhẹ bớt. Tôi có đọc một bài hồi ký của một nhà văn Mỹ. Ông này sau một chuyến di chuyển nhọc nhằn, được đưa vào một khách sạn ở Tokyo. Lúc ấy ông vừa đói, vừa mệt, vừa cảm thấy xa nhà, lạ chỗ. Vậy mà sự trang trí của căn phòng khách sạn khiến ông nghe nhẹ người. Chỉ cần vài bức tranh đơn sơ nhưng tuyệt bút treo trên vách của một họa sĩ Nhật đã làm người du khách mệt mỏi quên tất cả để sống với những cảm giác mới mẻ, đẹp đẽ. Khi trở về nước ông ta đã viết: “Tôi không bao giờ quên được những kỷ niệm êm đềm của chuyến viếng thăm nước Phù Tang”. Cô thấy đó, hội họa có một sức quyến rũ khá quan trọng và cũng như âm nhạc, nó làm cho tâm hồn con người êm dịu lại.
Khi đọc đến câu đề tặng của ông Trần Phong, ông Malê cười:
- Lời đề tặng hay lắm đấy!
Rồi ông xem lại các bức tranh một lần nữa, chọn lấy hai bức “Chợ chiều” và “Hoàng hôn ở thôn quê”:
- Cô cho tôi mượn hai bức tranh này. Tôi lấy ngay bây giờ. Cô hãy yên lòng về việc triển lãm này, cứ để tôi lo cho. Tôi quen gần hết các họa sĩ nổi tiếng ở đây.
Thấy Phi Nga có vẻ do dự, ông Malê nói:
- Cô không nên do dự. Mạnh dạn mà bước vào con đường danh dự, cô sẽ thành công. Hãy tin tôi.
Ông Malê ôm hai bức tranh đi ra ngoài, vẫn còn có vẻ luyến tiếc:
- Còn mấy bức tranh có thể mang đi triển lãm được.
Phi Nga mỉm cười:
- Mở màn để tôi bước ra trình diễn trên sân khấu đời.
Ông Malê sửa lại:
- Trình diễn trên sân khấu nghệ thuật. Tôi tin chắc sau cuộc triển lãm này, người ta sẽ chú ý đến cô. Cô không thấy các báo bên Pháp đã nói về cô hay sao? Mấy lần tôi viết thư xin cô một tấm ảnh, cô không chịu cho, nếu không thì ảnh của cô đã được đăng trên các báo rồi.
- Chưa phải lúc, ông ạ. Bao giờ tôi vẽ được nhiều đã. Tôi chưa tin mình bằng những họa sĩ khác. Thật ra tôi cũng chưa thấy những họa phẩm của ông Giang. Tôi không biết ông ấy vẽ như thế nào.
- Thế cô thấy ông Trần Phong hơn cô ở chỗ nào?
Phi Nga liền kể ông Malê nghe chuyện nàng đã chê một bức tranh của ông Trần Phong làm ông này tức giận như thế nào. Ông Malê cười:
- Ông Trần Phong không thích ai chê ông ta. Vì ông ta tự hào mình là bực thầy rồi. Cô khen ông ấy thì không sao, chớ cô chê thì liệu hồn.
Nhưng ông Malê vội vàng nói tiếp:
- Cũng may cô là phái đẹp. Người ta bao giờ cũng nể người khác phái. Với người đẹp không ai nỡ làm dữ.
- Lúc đầu ông ấy giận lắm, nhưng rồi ông đã nhận là ông vẽ sai. Theo lời các bạn cùng học trong lớp kể lại thì ông Trần Phong đã xé bức tranh đang vẽ lỡ dở sau khi bị tôi chê. Tuy vậy, ông Trần Phong là người hết lòng phụng sự cho nghệ thuật, cho cái đẹp. Đôi khi ông xem tôi như người bạn cùng phái, không còn nhớ tôi là học trò của ông hay tôi là một phụ nữ. Có hôm say sưa sáng tác, ông ấy không còn biết có tôi ở đó... Tôi chỉ phân vân có mỗi một chuyện này.
- Chuyện gì?
- Ông Trần Phong không chịu nhận học phí của tôi, ông ấy bảo dạy không cho tôi, nếu phải dạy hết những gì ông biết về nghệ thuật hội họa, ông cũng không tiếc. Ông chỉ tôi cách pha màu, cách tô và những bí quyết để vẽ tranh lụa. Ông tiết lộ là ông chưa dạy ai những bí quyết ấy và chỉ dạy cho tôi. Nếu ông chưa kịp dạy đến mà gặp tai nạn thì ông cũng đã viết sẵn trên một tờ di chúc để lại cho tôi.
Ông Malê nghe thế hết sức ngạc nhiên:
- Ông Trần Phong bảo như thế à?
Phi Nga gật đầu. Ông Malê nhìn Phi Nga một lúc lâu, bỗng thở dài quay lưng lại, giả vờ nhìn một bức tranh.
Phi Nga chỉ bức tranh gia đình và hỏi ông Malê:
- Ông nghĩ thế nào về bức tranh này?
- Đẹp lắm, nhưng là tranh gia đình của cô, triển lãm chắc không được.
- Nhà tôi không thích bức tranh này.
Ông Malê cười lớn:
- Ông ấy đâu phải là một họa sĩ mà bảo thích tranh.
Phi Nga vội vàng giải thích:
- Nhà tôi không thích cách tôi trình bày bức tranh.
- Trình bày? À, tôi hiểu rồi. Tại cô không ngoảnh mặt về phía ông ấy? Một người như cô không ngoảnh mặt nhìn ai hết. Cô đang sống với nội tâm của cô, hơn nữa lúc vẽ, cô đáu có nghĩ đến chồng con mà chỉ nghĩ đến đề tài của mình. Chồng cô không thể hiểu cô được. Nhưng chịu cho cô đi học vẽ là ông ấy cũng đã nhượng bộ phần nào rồi.
Ông Malê ôm những tấm tranh ra xe rồi cáo từ ra về:
- Hôm nào khai mạc triển lãm tôi sẽ cho xe lên rước cô.
Phi Nga quay vào, chưa bao giờ cảm thấy vui vẻ như hôm ấy. Nàng đi ngay vào phòng vẽ và tiếp tục làm việc.
Tuần sau, khi Phi Nga đến lớp vẽ của ông Trần Phong thì ông này hỏi:
- Ông Malê mang hai bức vẽ của cô đi dự triển lãm phải không?
- Tôi bảo để hỏi ý kiến thầy nhưng ông ấy nhất định gỡ xuống và mang đi.
- Ông ấy sợ bị từ chối. Nhưng không sao, thế nào cô cũng được vài giải thưởng...
Phi Nga cười:
- Có hai bức tranh mà được vài giải thưởng?
- Ông ấy đến đầy lấy thêm hai bức tranh của cô để đây nữa...
- Sao thầy lại để ông ấy mang đi?
Ông Trần Phong cười:
- Tôi có quyền gởi tranh của học trò tôi dự thi mà! Cô không cho phép à?
Rồi ông hỏi tiếp:
- Nếu không được giải thưởng thì cô có thất vọng không? Nếu các báo chê ầm lên, hay các họa sĩ trong ban giám khảo phê bình còn kém thì cô thấy thế nào? Có vì thế mà cô chán nản không muốn vẽ nữa không?
- Không bao giờ. Con người của tôi chưa biết chán nản lần nào. Một khi tôi thích cái gì thì khó ai làm tôi bỏ sự ham thích ấy. Tôi đã thích vẽ, thì nhất định suốt đời phải vẽ.
Ông Trần Phong cười lớn:
- Tốt lắm! Đừng vì sự thất bại này mà bỏ cả ý nguyện lớn. Tôi chỉ nói đề phòng như thế, chớ chắc gì cô đã thất bại.
- Nếu lần này mà tôi thất bại trong việc gởi tranh dự thi, thì sự thất bại này là của thầy, của ông Malê chớ không phải của tôi.
- Sự thất bại của tụi tôi?
- Vì các ông quá tin tưởng vào tôi nên mới gặt lấy sự thất bại ấy...
Ông Trần Phong gật đầu:
- Cô nghĩ trước như vậy để sau này khỏi phải buồn, cũng hay lắm đó.
Phi Nga liền hỏi:
- Thầy có gửi tranh của bà Châu đi dự thi không?
- Không... Làm gì mà trúng thưởng. Tôi định gởi vài bức tranh của tôi.
Phi Nga nhún vai:
- Thầy nói đùa.
- Tôi không nói đùa. Nhưng các họa sĩ không cho phép tôi dự thi, sợ tôi chiếm hết các giải thưởng. Sự thật họ quá lo xa. Hậu sanh khả úy, trò hơn thầy là chuyện rất thường và con hơn cha là nhà có phúc. Thôi, chúng ta làm việc vậy.
Phi Nga ngồi vào giá vẽ thì ông Trần Phong như nhớ ra điều gì, hỏi:
- Ông Malê thấy tấm tranh tôi tặng cô phải không?
- Trước đây ông ta đòi mua mà tôi không bán.
Phi Nga nhìn ông Trần Phong vì nhớ đến lời nói của ông Malê, bức họa ấy ông Trần Phong vẽ sau ngày mẹ ông ấy mất, đó là một kỷ niệm. Đôi mắt nàng gặp ngay đôi mắt sáng ngời của ông Trần Phong, nét mặt ông như tươi trẻ hẳn ra:
- Tôi vẽ sau khi mẹ tôi mất được một tuần. Lúc ấy tâm hồn tôi xao xuyến vì quá thương tiếc mẹ tôi.
- Nhưng bức vẽ ấy lại có được cái nhiệm mầu làm dịu tâm hồn đang đau khổ. Chính bức tranh này đã khuyến khích tôi nhiều lắm. Tôi thành thật cảm ơn thầy.
Ông Trần Phong quay lưng vào nhà trong chốc lát rồi đi trở ra, cầm một khung ảnh nhỏ đưa cho Phi Nga:
- Đây là ảnh của thân mẫu tôi. Thân mẫu tôi mất cách đây ba năm, thọ bảy mươi hai tuổi. Mẹ tôi hiền lắm, nhưng cũng như tất cả những người mẹ khác, mẹ tôi không thích tôi làm một nghệ sĩ. Mẹ thường nói với tôi: Mẹ muốn cho con học trường y, sau này khi mẹ già yếu, con chữa cho mẹ. Tôi đã không làm toại nguyện mẹ tôi. Tôi nhất định học vẽ. Nhưng đến khi tôi nổi tên tuổi thì mẹ tôi rất hãnh diện có được một đứa con làm họa sĩ. Lúc còn sinh thời, mẹ tôi rất thích những bức tranh lụa. Vì thế khi mẹ tôi mất, mỗi lần nhớ đến mẹ tôi, là tôi lại vẽ tranh lụa.. Tôi sẽ nhờ cô một việc.
Phi Nga vội vàng hỏi:
- Thưa thầy việc gì?
Ông Trần Phong do dự một lúc rồi mới nói:
- Đợi khi nào triển lãm xong đã. Nói bây giờ hơi sớm.
- Ai lo việc triển lãm ở đâu chớ tôi có bận gì đâu. Thầy có việc gì thì cứ dạy.
Ông Trần Phong nghiêm nghị:
- Tôi muốn nhờ cô họa ảnh mẹ tôi cho lớn hơn. Để làm kỷ niệm luôn thể. Cô là đàn bà, nét bút thế nào cũng dịu dàng, vì thế thích hợp với việc vẽ chân dung phụ nữ. Nhất là mẹ tôi có nét mặt hiền lành quá.
Phi Nga cảm động thấy ông Trần Phong nhờ nàng việc ấy, nên nói:
- Thầy tin tôi vẽ được và muốn giao tôi việc ấy thì tôi xin nhận lãnh, tôi chỉ sợ phụ lòng tin cậy của thầy mà thôi.
Vừa nói Phi Nga vừa cầm khuôn ảnh của thân mẫu ông Trần Phong, nhìn kỹ một lúc lâu. Ông Trần Phong nhìn Phi Nga chăm chú với đôi mắt đã dịu hẳn lại:
- Tôi thấy cô có một nét gì rất giống mẹ tôi. Có lẽ đó là sự hiền thục của người phụ nữ.
Phi Nga để khuôn ảnh lại trên bàn:
- Tôi vẽ xong bức tranh này sẽ vẽ bức ảnh của cụ bà.
Ông Trần Phong nhắc lại:
- Đợi có kết quả cuộc thi tranh này đã.
- Tại sao vậy?
Ông Trần Phong mỉm cười:
- Cô thông minh mà không hiểu nổi ý tôi sao?
Phi Nga suy nghĩ một chút rồi nói:
- Tôi hiểu rồi. Thầy chờ có kết quả, nếu tôi được giải thưởng, lúc ấy tôi là một họa sĩ có tên tuổi ký tên dưới bức ảnh của bà, bức ảnh ấy có thêm giá trị.
- Cô hiểu rồi đó. Thật sự dù không có cuộc thi này, tôi đã thừa nhận cô là người có tài. Tôi muốn làm thêm vinh dự cho mẹ tôi.
Phi Nga không bằng lòng:
- Giá trị của một bức họa là ở nét vẽ, không phải ở tên người vẽ.
Ông Trần Phong gật đầu:
- Đúng vậy.
Phi Nga cắm cúi làm việc, không còn nghe ông Trần Phong nói gì nữa. Ông cứ ngồi gần đó và nhìn Phi Nga làm việc suốt mấy giờ như vậy.
Khi Phi Nga ngẩng đầu lên, ông Trần Phong nói:
- Lạ thật, khi cô làm việc hăng say, trông cô trẻ làm sao ấy.
Phi Nga ngạc nhiên:
- Nãy giờ thầy vẫn ngồi đây sao?
- Cô không hay biết là tôi nhìn cô vẽ à?
Phi Nga đứng lên, sửa soạn ra về, không nói năng gì...
Con Đường Một Chiều Con Đường Một Chiều - Bà Tùng Long Con Đường Một Chiều