You are a child of the sun, you come from the sun, and that is something true with the Earth also... your relationship with the Earth is so deep, and the Earth is in you and this is something not very difficult, much less difficult then philosophy.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Yasunari Kawabata
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: 川端 康成
Dịch giả: Thái Văn Hiếu
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 8
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6699 / 193
Cập nhật: 2015-08-21 07:45:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7: Thu Muộn. Hai Chị Em
gày lễ Lửa ở chùa trên núi Kurama, dành cho việc xua đuổi các hung thần vốn được Chieko ưa thích hơn lễ Daimondgi. Naeko cũng thường có mặt ở lễ Lửa chính vì người ta tổ chức lễ này cách làng cô không xa, nhưng cô chưa lần nào gặp Chieko ở đấy, có lẽ vì họ không chú ý đến nhau mà thôi. Dọc các ngôi nhà trên đường tới chùa người ta dựng các bờ giậu bằng cành cây, còn mái nhà thì tưới nước để phòng hỏa hoạn.
Vào lúc nửa đêm, đám rước đuốc tiến đến chùa miệng hô "Xairya, Xairyo" 1. Người ta đưa từ chùa ra hai cỗ kiệu thiêng do những phụ nữ làng bên cạnh dùng dây thừng dài kéo (bây giờ làng này đã nằm trong phạm vi thành phố). Sau đấy người ta thắp lên ngọn đuốc chính ở chùa và thế là ngày hội kéo dài đến rạng sáng.
Tuy nhiên năm nay, để tiết kiệm đã có quyết định thôi tổ chức lễ Lửa. Thế nhưng lễ Chặt Trúc lại vẫn tiến hành như bình thường.
Lễ Củ Đậu do chùa Kitano tổ chức cũng không có. Người ta giải thích là vì mất mùa cho nên - người ta nói - không sẵn lá củ đậu để trang trí kiệu.
Kyoto còn nổi danh vì những ngày lễ như lễ Hiến Tế Bí do chùa Anrakuyodgi tổ chức, cùng bao nhiêu hội lễ khác. Có lẽ những ngày lễ này gắn liền với một vài tập tục nào đó của Kyoto và những cư dân của nó.
Những năm gần đây hội Karyobinga 2 lại được khôi phục, trong đấy có bơi thuyền rồng trên khúc sông gần Arasiyama và Kyokushinoen bên dòng suối chảy qua vườn chùa Kamigamo. Cuộc vui này hay cuộc vui kia cũng đều có dính dáng đến những thú tiêu khiển tao nhã của giới thượng lưu vào thời Heian xa xưa.
Kyokushinoen có nghĩa là Đại Yên bên dòng suối uốn khúc.
Khách khứa mang trang phục cổ ngồi rải rác dọc con suối trên đó người ta thả những chén gỗ đựng sake. Lúc chiếc chén trôi đến lượt khách nào, vị ấy phải làm một bài thơ hoặc họa một bức tranh, uống sake trong chén rồi thả nó xuống nước cho vị khách tiếp theo. Phục dịch bữa yến tiệc ấy là các cậu thiếu niên trẻ tuổi.
Năm vừa rồi Chieko đã đi xem Đại yến bên dòng suối uốn khúc. Lúc bấy giờ trong đám khách dự trang phục quần áo thời cổ của các vị cận thần quý tộc có cả nhà thơ Pshamu Yoshi 3 (mà nay thì tiên sinh đã từ bỏ thế giới này).
Cuộc vui này có vẻ lạ lẫm, chưa quen - có lẽ, là bởi vì người ta vừa mới khôi phục nó cách đây không lâu.
Chieko không tới xem lễ Karyobinga mới khôi phục nữa: ở đấy cũng đâu có cảm thấy vẻ mỹ miều của thời xưa. Ở Kyoto không kể đến nó cũng đã có bao nhiêu lễ cổ tuyệt vời.
Hoặc giả bà Xighe đã tập cho Chieko thói quen siêng năng, hoặc giả bẩm sinh cô gái vốn có đức tính ấy, dù sao thì nàng cũng luôn dậy sớm và trước tiên và cẩn thận lau chùi bụi bặm trên hàng rào gỗ.
Ngày hôm đó Chieko còn chưa kịp thu dọn bát đĩa sau bữa ăn sáng, Shinichi đã gọi điện tới.
- Hình như, chị cùng với một chàng trai nào đấy vui vẻ đi chơi lễ Kỷ Nguyên phải không. - Anh vừa cười vừa nói. Chieko hiểu ngay lần này đến lượt Shinichi lẫn lộn nàng với Naeko.
- Anh cũng ở đấy à? Thế sao không gọi?
- Tôi thì định gọi đấy nhưng ông anh không cho, - Shinichi hồn nhiên đáp.
° ° °
Chieko không dám nói cho Shinichi biết anh ta đã tưởng nhầm cô gái khác là nàng: Thế nghĩa là Naeko có dự lễ Kỷ Nguyên và chị ấy mặc chiếc kimono do cửa hàng gửi đến cùng chiếc thắt lưng Hideo dệt.
Chieko không một chút nghi ngờ gì nữa, Hideo đã đi cùng cô gái.
Nàng không dự tính Hiedo lại mời Naeko đi xem hội chóng vánh đến thế. Song nàng thấy trong lòng ấm lên và nàng mỉm cười.
- Chieko, Chieko này! Sao chị im lặng vậy? - Giọng nói Shinichi vang lên trong ống nghe.
- Theo chỗ tôi hiểu thì anh gọi điện cho tôi cơ mà - vậy thì anh nói đi.
- Hẳn là thế rồi! - Shinichi reo to và bật cười. - Này, cạnh chị ở đằng ấy không có viên quản lý đấy chứ?
- Không, ông ta chưa xuất hiện ở cửa hàng đâu.
- Chị tự nhiên bị cảm đấy à?
- Chẳng lẽ giọng tôi khàn ư? Mà cũng có thể: tôi vẫn ra đường lau bụi hàng rào.
- Lại làm sao khó nghe... - hình như Shinichi lay lay ống nghe.
Chieko vui vẻ cười to.
- Chieko, chị vẫn nghe tôi đấy chứ? - Shinichi hạ giọng. Số là ông anh nhờ tôi gọi điện cho chị, tôi chuyển ống nghe cho anh ấy đây...
Chieko không thể tự cho phép nói năng với Riuxuke bằng giọng quá ư thiếu chín chắn được.
- Chieko, tiểu thư nói chuyện với viên quản lý rồi chứ? -Trước tiên Riuxuke hỏi.
- Rồi ạ.
- Cừ lắm - Riuxuke nói to và lại nhắc lại: - Cừ lắm!
- Nhưng ông ta than phiền với mẹ.
- Cố nhiên rồi.
- Tôi bảo ông ta: tôi muốn được biết đôi chút công việc kinh doanh của chúng tôi... và yêu cầu chỉ dẫn cho các sổ sách thu chi.
- Tuyệt. Chỉ riêng việc tiểu thư nói với ông ta điều đó đã rất thiết yếu rồi.
- Mà tôi buộc ông ta phải lấy các sổ tiết kiệm, cổ phiếu, chứng khoán trong két sắt để cho tôi xem qua.
- Chieko, tiểu thư quả là rất giỏi. Mà vẫn gây cảm tưởng là một cô tiểu thư rất đỗi hiền hòa, tốt bụng.
- Nhưng đấy chính là nhờ tiên sinh bảo ban...
- Tôi khuyên tiểu thư là vì trong giới thương gia gần đây có tiếng đồn kỳ quặc và tôi cũng đã thầm quyết định: nếu tiểu thư thấy e ngại thì cha tôi hoặc tôi sẽ làm việc này. Rất may, tự tiểu thư đã nói chuyện với ông ta. Ông ta thế nào? Sau cuộc nói chuyện của tiểu thư có thay đổi thái độ chứ?
- Có, không rõ tại sao ông ta bắt đầu xử sự khác đi.
- Không thể cũng không được. - Riuxuke im lặng một lát rồi nói thêm: - Tiểu thư đã hành động đúng.
Chieko có cảm giác như ở đằng đấy, ở đầu đằng kia dây nói, Riuxuke đang định nói một điều gì nữa mà chưa dám quyết.
- Chieko ạ, sẽ không phiền gì nếu cuối buổi tôi ghé vào cửa hiệu của tiểu thư... cùng với Shinichi chứ?... - Cuối cùng anh nói.
- Tôi đâu có quyền cấm tiên sinh... Sao lại phải xin phép ạ?
- Song dẫu sao trong nhà là một tiểu thư trẻ...
- Tiên sinh đừng nói vậy. Tôi thấy phiền lòng...
- Vậy thì tôi sẽ đến, lúc mà viên quản lý còn ở cửa hàng, cam đoan với tiểu thư, tôi không làm phiền tiểu thư một chút nào, nhưng dù sao tôi vẫn muốn được thấy nhân vật ấy tận mặt - Riuxuke cười to.
- Kìa tiên sinh?! - Chieko lấy làm lạ.
Cha Riuxuke được coi là nhà buôn lớn ở vùng Muromachi, còn trong số bạn bè ông thì có không ít những thương gia thế lực. Ngay cả Riuxuke, cho dù đang nghiên cứu khoa học vẫn chú ý cả đến việc kinh doanh của cha.
- Giá mà ta thưởng thức món ba ba thì ý tiểu thư thấy thế nào? - Riuxuke chuyển sang chuyện khác. - Ta đi ăn tối ở hiệu ăn "Daiychi" bên Kitano nhé. Cương vị tôi mà ngỏ lời mời cả song thân tiểu thư thì hỗn hào quá, vì vậy tôi chỉ mời mình tiểu thư nhập bọn thôi - với tôi và "chú tiểu bé bỏng" của chúng ta.
- Được ạ - Chieko giờ đã đâm e dè, cực chẳng đã chỉ thốt lên được có thế.
Hơn chục năm đã trôi qua kể từ lúc Shinichi đóng vai chú tiểu ngự kiệu trong lễ Ghion, thế mà đến giờ Riuxuke còn gọi anh ta là "chú tiểu bé bỏng của chúng ta". Có lẽ cũng vì cái tính nết nhu mì và xinh đẹp mà đến phụ nữ cũng phải ganh tị.
- Shinichi gọi điện, nói là ngày hôm nay sẽ cùng với Riuxuke ghé vào nhà ta, - Chieko nói với mẹ.
- Thế à? - Đối với Xighe tựa hồ đây là một điều bất ngờ.
Sau lúc trưa Chieko lên phòng mình, trang điểm sơ một chút nhưng cẩn thận. Nàng chải gỡ tóc ra và sửa sang lại rất lâu, song kiểu tóc vẫn không được như ý nàng muốn. Sau đấy nàng bắt đầu ướm thử kimono nhưng không sao quyết định được nên chọn cái nào. Cuối cùng khi nàng xuống nhà dưới thì cha đã không còn ở đấy: có lẽ ông đi công chuyện một chốc.
Chieko khêu lại lửa trong lò rồi ngó quanh phòng khách. Nàng nhìn cả ra vườn. Rêu trên thân cây phong già vẫn còn xanh nhưng lá mấy khóm hoa tím đã bắt đầu úa.
Ở cây trà cạnh chiếc đèn Cơ đốc những đóa hoa đỏ thắm đã nở. Đối với nàng thì hoa trà tựa hồ dịu hiền hơn những bông hồng đỏ chói.
Bước vào nhà, đầu tiên hai anh em lễ phép cúi chào bà mẹ, sau đấy Riuxuke một mình tiến về phía bàn giấy nơi viên quản lý đang ngồi. Uemura tất tưởi rời bàn giấy và cúi xuống một lúc lâu, quá lâu vái chào Riuxuke. Anh lịch thiệp đáp lễ mặc dù nét mặt lại cau có, điều mà Uemura chẳng lỡ dịp nhận xét ngay.
"Hắn cần gì ở mình nhỉ - gã sinh viên oắt này này - Uemura nghĩ thầm, song vẫn hiểu: hãy nên cẩn thận đề phòng.
Đợi cho viên quản lý ngừng lời một phút mà lấy lại hơi xong, Riuxuke bình thản nói:
- Hình như, việc kinh doanh của ngài đang phát đạt thì phải.
- Như người ta có câu: sở cầu như ý đấy ạ.
- Thì cha tôi vẫn nói: tất thảy là nhờ ở chỗ ngài Xada có người quản lý giàu kinh nghiệm.
- Cảm ơn vì đã có lòng quá khen, nhưng phải chăng có thể đem cửa hiệu chúng tôi sánh với hãng buôn Midzuki được sao?
- Ngài nhầm đấy, chúng tôi mới đang bắt tay vào mọi việc, chứ quả thực cửa hàng nhà tôi chỉ là một cửa hiệu nhỏ nhoi tầm thường. Điều hành một công việc như vậy tôi không được vừa ý lắm. Rất tiếc là các hãng buôn có uy tín như của các ngài ngày một ít đi.
Uemura còn đang sửa soạn đáp lại, Riuxuke đã quay lưng về phía ông ta, đi vào phòng khách, nơi Chieko và Shinichi đang đợi anh.
Uemura dõi ánh mắt lo lắng theo bóng anh vừa đi khuất. Ông ta lập tức đoán ra ngay là giữa yêu cầu cho xem sổ sách kế toán của Chieko với cuộc viếng thăm hôm nay của Riuxuke có một mối liên hệ gì đó.
Lúc Riuxuke bước vào phòng khách, Chieko đưa mắt nhìn anh vẻ dò hỏi.
- Tiểu thư Chieko ạ, mạn phép tiểu thư tôi có hơi làm ông quản lý xuống tinh thần một chút.
Chieko cúi đầu im lặng và bắt đầu pha trà cho Riuxuke.
- Anh này, trông những cây hoa tím ngoài vườn kìa - chúng mọc trên thân cây phong già. Có hai khóm cả thảy, mà đã từ lâu Chieko ví chúng như đôi tình nhân bất hạnh... Ở ngay cạnh nhau mà chẳng bao giờ kết lại được...
- Tôi có thấy. - Phụ nữ chỉ toàn thích chuyện mủi lòng.
- Anh không biết hổ thẹn hay sao hả, Shinichi. - nàng đặt trước mặt Riuxuke chén trà vừa pha xong. Hai tay nàng hơi thấy run run.
Họ đến hiệu ăn bằng chiếc xe hơi của hãng buôn Midzuki.
"Daiychi" là một cao lâu kiểu cổ, có tiếng cả với khách ở xa đến.
Người ta đưa họ vào một gian phòng trần thấp, các bức tường đã biến màu vì thời gian.
Đầu tiên người ta dọn món ba ba tần, sau đấy người ta cho thêm gạo và rau vào chỗ nước hầm còn lại.
Chieko có cảm giác một luồng hơi nóng dịu nhẹ đang lan khắp thân thể nàng, thậm chí nàng hơi chếch choáng say.
Mặt và cổ Chieko ửng hồng. Sắc đỏ hồng đã tạo thêm cho cái cổ tươi trẻ, trắng muốt, không một tì vết của nàng vẻ đáng yêu đặc biệt. Cặp mắt nàng sáng lên, chốc chốc nàng lại đưa tay xoa má.
Lẽ dĩ nhiên, đến chạm môi vào chén sake của mình Chieko cũng không, nhưng nàng không biết rằng món nước hầm ba ba chứa một nửa là rượu sake. Lúc họ bước ra phố, nơi chiếc xe đỗ đợi họ, Chieko cảm thấy hai chân không phục tùng nàng nữa. Nàng đâm ra vui vẻ, lời lẽ cứ từ miệng buông ra dễ dàng tới kỳ lạ.
- Shinichi này! - Nàng quay sang phía người em. Với anh ta nàng không thấy rụt rè. - Đi với chàng thanh niên hôm lễ Kỷ Nguyên không phải là tôi đâu. Có lẽ anh trông từ xa nên nhầm đấy.
- Chị kín đáo thật đấy! - Shinichi cười rộ.
- Việc gì tôi phải giấu. - Chieko ấp úng. - Nói thật nhé, cô gái mà anh tưởng tôi, là chị tôi đấy.
- Không có nhẽ? - Shinichi hoài nghi nhìn Chieko.
- Đúng thế, anh nhìn thấy không phải tôi đâu, chị tôi đấy. - Chúng tôi... - Chieko ngừng bặt, sau đấy gật mạnh đầu quả quyết và nói: - Chúng tôi là chị em sinh đôi...
Điều này thì Shinichi mới nghe thấy lần đầu.
Cả ba người im lặng một lúc.
- Mà trong hai người chúng tôi, người ta đã vứt bỏ tôi, - Chieko kết luận.
Dạo họ đến chùa Kiyomdzu ngắm hoa anh đào, Chieko đã thú nhận với Shinichi rằng nàng là con bỏ rơi. Anh ta chắc phải kể chuyện ấy cho Riuxuke biết rồi. Mà cứ cho là anh ta làm thinh đi thì từ miệng hàng xóm Riuxuke vẫn có thể biết chuyện đó như thường.
- Tiểu thư nói gì thì nói, chứ thực ra, giá người ta đem bỏ cô bé Chieko ở cạnh nhà tôi thì tôi đã rất sung sướng... Đúng, giá người ta vứt bỏ tiểu thư ở cạnh nhà tôi thì có phải hay hơn không, - Riuxuke trầm ngâm nhắc lại.
- Anh ơi! - Shinichi phì cười. - Chớ có quên là lúc người ta vứt bỏ Chieko, chị ấy đã phải là cô gái lớn rồi đâu mà chỉ là đứa trẻ còn ẵm ngửa thôi.
- Dù là đứa trẻ đi, tôi vẫn cứ muốn người ta bỏ cô ấy ở cạnh nhà mình.
- Anh ạ, anh cứ nói thế là bởi anh thấy Chieko như chị ấy bây giờ.
- Chú nhầm.
- Ngài Xa da mất bao nhiêu năm đem lòng thương yêu nuôi dạy cô bé ấy mới trở thành Chieko ngày nay, - Shinichi nói. - Với lại lúc ấy thì ngay anh cũng là thằng bé, biết gì đâu. Thử hỏi, liệu một cậu bé như thế có thể trông nom đứa trẻ còn ẵm ngửa được không?
- Có thể lắm chứ, - Riuxuke quả quyết đáp.
- Rõ thật! Anh thì chỉ được cái khăng khăng. Bao giờ anh mới chịu thừa nhận mình sai nhỉ?
- Chả phải tôi khăng khăng bướng bỉnh đâu, nhưng dù sao tôi vẫn rất sung sướng giá như được đảm nhiệm việc nuôi dưỡng cô bé Chieko. Thiết tưởng thế nào mẹ chả giúp tôi.
Cơn say của Chieko biến mất. Mặt nàng tái đi.
° ° °
Liên hoan ca vũ mùa thu ở Kitano kéo dài nửa tháng. Và hôm trước ngày chót của liên hoan, Takichiro đến phòng hòa nhạc Kitano. Ông đi một mình mặc dù người ta đã gửi cho ông mấy chiếc vé vào cửa. Takichiro không muốn đem ai đi theo. Trước kia sau một dịp thế này ông thường cùng bạn hữu đi chơi bời tiêu khiển, nhưng thời gian gần đây những trò chơi bời ấy thành ra một gánh nặng đối với ông.
Trước giờ mở màn Takichiro tạt vào phòng trà. Một cô kỹ nữ không quen biết ngồi xuống cạnh ông - có lẽ là đến lượt cô ta phục dịch khách.
Cạnh đấy là bảy, tám cô bé đứng thành hàng dài giúp việc đưa thức ăn thức uống vào. Các cô gái đều mặc kimono màu hồng dài tay như nhau. Chỉ có một cô mặc màu thiên thanh. Takichiro dừng ánh mắt ở cô ta và khó khăn lắm mới nén được tiếng kêu kinh ngạc. Mặt cô bé trang điểm cẩn thận nhưng ông ta nhận ra cô ta ngay: cô ta đã đi đúng chuyến xe điện "Đin-đin" cùng với bà chủ phòng trà. Tại sao chỉ cô ta là mặc kimono màu thiên thanh, hay đến phiên cô ta phục dịch chăng? - Takichiro nghĩ.
Cô bé áo thiên thanh mang trà vào, đặt xuống trước Takichiro. Vẻ nghiêm trang ngưng lại trên mặt cô. Không một bóng dáng nụ cười. Hệt như qui định.
Vậy mà ngay lập tức Takichiro thấy lòng ông rộn lên.
Ở nhạc phòng Kitano lần này người ta diễn Gubidginso 4 - vở vũ kịch tám cảnh. Vở kịch thuật lại mối tình bi thảm của Xian Iuy và Iuy Tsi này nổi tiếng lắm. Ở cảnh đầu Iuy Tsi đâm kiếm vào ngực mình rồi lặng nghe những âm thanh của khúc hát về miền Tsu cố hương và hấp hối với niềm hoài hương, trong vòng tay Xian Iuy.
Còn chàng này thì tìm cái chết nơi chiến trận. Sau đấy, địa điểm của tích truyện chuyển từ Trung Quốc sang Nhật Bản. Các nhân vật chính của lớp này là Naodzane Kumagai, Atsumori Taira và hoàng cô Tamaorihime. Kumagai, sau khi giết Atsumori thì đi tới ý tưởng về sự vô nghĩa của kiếp sống phù du. Chàng rời bỏ ngôi nhà thân yêu lên đường đến nơi chiến địa cũ để cầu siêu độ cho Atsumori. Lúc chàng nói lên lời cầu nguyện thì những bông hoa mỹ nhân trổ ra quanh nấm mồ Atsumori. Nghe có tiếng tiêu, hồn Atsumori hiện lên yêu cầu Kumagai hiến "cây tiêu xanh" gia bảo của họ vào chùa Kurodanhi. Hồn Tamaorihine xuất hiện đòi theo những đóa mỹ nhân đỏ đã nở trên mộ tiến dâng bệ thờ Đức Phật.
Sau khi kết thúc vở kịch người ta trình diễn những điệu múa hiện đại vui nhộn "theo lối Kitano".
Ở Thất lâu Thượng quận này, chiếm ưu thế là trường phái vũ đạo Hanayaghi, khác với trường phái Inoue thịnh tại vùng Ghion.
Rời phòng hòa nhạc, Takichiro quay trở lại chính ngôi phòng trà kiểu cổ mà ông đã rẽ vào trước buổi biểu diễn và lặng lẽ ngồi một góc.
- Ông muốn cho mời ai đây? - Bà chủ sở tại đã lập tức lại gần ông.
- Gọi cái cô đã cắn lưỡi khách ấy... Cả cô bé áo thiên thanh nữa.
- À, cái cô ông gặp trên xe điện "Đin-đin" phải không? Tôi sẽ gọi, nhưng với điều kiện các vị chỉ chào hỏi nhau thôi chứ làm gì nữa thì không đâu nhé.
Tới lúc cô kỹ nữ xuất hiện thì Takichiro đã chếnh choáng lắm rồi. Ông đứng dậy, bước ra hành lang để tỏ thái độ. Cô kỹ nữ đi theo ông.
- Em cắn ngay bây giờ đấy phỏng? - Ông hỏi đùa.
- Vậy ra tiên sinh còn nhớ ư? Đừng lo, em không cắn đâu, tiên sinh không tin sao? Tiên sinh thè lưỡi ra đi nào.
- Ghê thật?
- Đừng sợ đấy nhé?
Takichiro thè lưỡi. Cô kỹ nữ thận trọng chạm vào cặp môi ấm nóng, mềm mại của ông rồi hít riết lấy.
- Em là người đàn bà hư hỏng rồi. - Takichiro nhè nhẹ vỗ vào lưng cô ta.
- Phải chăng em đã làm điều gì đồi bại ư?
° ° °
Takichiro chợt muốn súc miệng, song cô kỹ nữ còn đứng cạnh, trước mặt cô ta như thế thật bất tiện.
Hành vi của cô kỹ nữ đối với Takichiro có vẻ quá bạo dạn, mặc dù hành vi ấy tựa hồ cũng chẳng chứa đựng ẩn ý nào rõ rệt. Ít nhất thì ông cũng đoán định vậy. Cô kỹ nữ trẻ này không khiến ông khó chịu, và ông không thấy có gì là sỗ sàng trong cái ngỗ nghịch của cô ta.
- Tiên sinh gượm đã. - Cô kỹ nữ ngăn Takichiro lại lúc ông đã rục rịch trở vào phòng khách.
Cô rút khăn tay ra, cẩn thận lau môi cho ông. Chiếc khăn vương lại những vệt son. Cô kỹ nữ sát lại gần, chăm chú nhìn vẻ mặt ông.
- Giờ thì ổn rồi, - cô nói.
- Cám ơn... - Takichiro nhẹ nhàng đặt tay lên vai cô ta, rồi quay về chỗ mình.
Cô kỹ nữ dừng lại trước gương để tự sửa sang cho mình.
Phòng khách không có ai, nên Takichiro uống liền mấy chén sake đã nguội, lấy đó mà súc miệng.
Nhưng dẫu sao, cái mùi của chính cô kỹ nữ hay của thứ nước hoa cô dùng không rõ nữa vẫn không mất đi, Takichiro mơ hồ cảm thấy dậy lên nguồn sức lực trẻ trung mà đã lâu ông chưa từng nếm trải.
Trò đùa lả lơi của cô kỹ nữ hai mươi tuổi này lại có một nét duyên thầm nào đó, Takichiro nghĩ.
Bà chủ cắt đứt luồng suy ngẫm của ông. Bà ta dẫn cô bé mặc kimono màu thiên thanh vào.
- Ông muốn gặp cô ấy. Đừng quên điều chúng ta thỏa thuận nhé. Xin ông chú ý cho, cô ấy còn nhỏ tuổi quá.
Takichiro chăm chú ngắm cô bé.
- Hôm nay các cô đãi tôi trà... - ông mào đầu.
- Thưa vâng, - không chút ngượng nghịu gì khác thường, đúng như qui định đối với một cô bé ở phòng trà, cô đáp. - Em nghĩ: đây đúng là tiên sinh ấy rồi nên em mạn phép mang trà đến cho ngài.
- Ra thế...Cám ơn cô...Hóa ra cô chưa quên tôi ư?
- Thưa không, em vẫn nhớ.
Cô kỹ nữ vào.
- Ngài Xada rất thích Chiy-chian, - bà chủ nói với cô.
- Thế ư? - Cô kỹ nữ đưa mắt nhìn Takichiro. - Ngài sành thưởng thức lắm, thưa Xada tiên sinh. Phải đợi ba năm nữa thôi. Với lại xuân sang là Chiy-chian sang quận Bonto rồi.
- Sang Bonto à? Sao thế?
- Học múa. Cô bé mơ ước trở thành vũ nữ.
- Tôi hiểu, nhưng học múa ở Ghion có phải hơn không?
- Sự thể là ở chỗ, dì cô ấy sống bên Bonto.
Takichiro ngắm nghía cô bé nghĩ: dù đi đâu học chăng nữa thì nhất định cô ấy cũng sẽ thành một vũ nữ hạng nhất.
° ° °
Liên hiệp các thợ dệt Nhixidgin đã bắt đầu thực hiện một phương sách quyết liệt, từ trước đến nay chưa từng thấy: yêu cầu tất cả các xưởng dệt ngừng máy trong tám ngày - từ mười hai đến hết mười chín tháng mười một. Trên thực tế sản xuất chỉ tạm dừng có sáu ngày thôi, vì ngày mười hai và mười chín rơi vào chủ nhật.
Nguyên nhân ở đây thì nhiều, song trước hết là các nguyên nhân kinh tế. Đã phát sinh tình trạng sản xuất thừa, trong các kho chứa ứ đọng trên một trăm ngàn tan 5 vải. Việc trước tiên là phải thu xếp số hàng dư này đi đâu đã, và phải ký các hợp đồng mới với những điều khoản có lợi hơn cho thợ dệt. Thêm nữa, dạo gần đây cũng xuất hiện những rắc rối về mặt tín dụng.
Từ mùa thu năm ngoái đến hết mùa xuân năm nay, nhiều hãng buôn vẫn mua vải may kimono sản xuất ở Nhixidgin đã theo nhau phá sản.
Việc dừng các máy dệt tám ngày có nghĩa là cắt giảm sản xuất ở Nhixidgin từ tám mươi đến chín mươi ngàn tan. Dẫu sao một biện pháp thế này cuối cùng cũng mang lại kết quả.
Ngay cả những thợ dệt tiểu cá thể nhận việc về nhà làm, loại thợ dệt hết sức đông trong các quận Kiya và Yoko, cũng hưởng ứng lời kiêu gọi của liên hiệp.
Trong những căn nhà nhỏ một tầng chật chội, mà cho dù có hai tầng đi nữa thì trần cũng rất thấp, là các xưởng dệt tí hon chen chúc nhau. Ở các xưởng thuộc quận Yoko quang cảnh mới thật thảm thương, suốt từ sáng tới đêm khuya ầm ầm tiếng máy dệt - mà thường không phải máy riêng mà là đi thuê.
Chỉ có ba mươi thợ dệt xin phép không phải dừng công việc, bởi lẽ việc này có cơ làm gia đình họ túng đói.
Ở xưởng của Hideo người ta chỉ dệt thắt lưng cho kimono. Với những máy dệt cao takabata kể cả ban ngày cũng phải làm việc dưới ánh đèn điện, mặc dù căn phòng làm xưởng tương đối sáng sủa. Song địa phận sinh hoạt trong nhà thì thật rách nát, đồ lề tối cần thiết trong bếp cũng không đủ. Thậm chí khó mà hình dung được đâu là nơi những người trong gia đình nghỉ ngơi sau giờ làm việc đâu là chỗ họ ngủ.
Hideo vốn kiên nhẫn trong công việc, anh đặt vào đấy cả tâm hồn đồng thời lại là người có tài năng xuất chúng. Song ngồi lì trên thanh ván hẹp suốt ngày này qua ngày khác chẳng phải là đơn giản hay nhẹ nhõm chút nào, và chắc hẳn Hideo cũng bị không ít các vết thâm tím, chai sần.
Trong lễ Kỷ Nguyên hôm ấy anh không để mắt đến đám rước sặc sỡ muôn màu bằng ngắm bộ trang phục xanh của đám thông trong khu vườn hoàng cung rộng mênh mông, có lẽ là vì việc đó giúp anh quên lãng đời sống thường nhật. Khó mà nói được liệu Naeko có thông hiểu anh không - bởi cô ấy làm việc trong khung cảnh thiên nhiên, giữa núi non...
Từ cái ngày Naeko mặc chiếc thắt lưng do anh dệt đi dự lễ, Hideo càng hăng hái lao mình vào công việc hơn...
° ° °
Kể từ buổi Riuxuke mời Chieko đến quán ăn "Daiychi", nàng đâm ra tư lự. Không thể bảo là nàng non nớt đến mức độ ấy, song dẫu sao vẻ đăm chiêu ở nàng vẫn là do những nỗi xúc động nào đấy gây nên.
Vậy là ở Kyoto người ta đã hối hả sửa soạn cho ngày tết đầu năm.
Thời tiết thành ra thất thường, đúng như vẫn thường thấy ở đây mỗi khi mùa đông đến. Trời đang trong trẻo bỗng sa xuống trận mưa phùn, mà những hạt mưa thì lấp lánh trong ánh nắng. Tuyết ẩm thay thế mưa, rồi trời lại quang râm và sau đấy một lần nữa mây đen lại bao phủ.
Việc chuẩn bị đón năm mới ở Kyoto bắt đầu từ ngày mười ba tháng chạp. Theo tập tục xưa, mọi người đi thăm và tặng quà nhau.
Tập tục này được gìn giữ đặc biệt chu đáo trong các quận son phấn vùng Ghion.
Các kỹ nữ và vũ nữ maiko sai nô bộc mang bánh tròn bột gạo biếu các bà chủ phòng trà đã bảo trợ họ năm qua, biếu các thầy dạy ca, dạy vũ, biếu các kỹ nữ lớn tuổi hơn. Sau đấy đích thân các kỹ nữ đến thăm viếng, mừng ân nhân mình nhân dịp năm sắp đến, chúc an khang và bày tỏ hy vọng rằng cả từ nay về sau những người này cũng đừng quên chú ý tới họ.
Cái cảnh tưởng mỹ lệ nơi những người kỹ nữ trang phục đỏm dáng đi thăm viếng đã tạo ra những ngày này bầu không khí hội hè ở vùng Ghion từ khá lâu trước đêm giao thừa.
Nhưng trong vùng mà gia đình Takichiro sống, cảnh sắc ngày lễ còn chưa thấy rõ.
Sau bữa ăn sáng Chieko lên phòng mình để trang điểm, nhưng hai tay nàng cứ lóng nga lóng ngóng. Chốc chốc nàng lại tư lự điều gì đó.
Lời Riuxuke nói vẫn làm trái tim nàng xốn xang như trước. "Giá người ta đem bỏ cô bé Chieko ở cạnh nhà tôi thì tôi đã rất sung sướng", - ở quán ăn khi ấy anh đã nói vậy, và ý tứ câu nói này thật quá rõ ràng.
Shinichi kết bạn với Chieko từ thời thơ ấu. Tình bạn ấy tiếp diễn cả trong những năm cắp sách đến trường. Chieko hiểu: Shinichi say mê nàng, song nàng cũng hiểu rằng không bao giờ anh ta dám bạo dạn cư xử với nàng như người anh anh ta. Khi Riuxuke bắt chuyện với Chieko, đúng là nàng ngừng thở.
Nàng chải gỡ thật kỹ mớ tóc dài của mình, hất ra sau lưng rồi đi xuống nhà dưới.
Lúc đang ăn sáng, Naeko đã từ làng gọi điện tới:
- Tiểu thư ạ, em đang cần gặp chị.
- Chào Naeko, được nghe tiếng chị nói thật thú vị biết mấy... Ta gặp nhau vào ngày mai đi - được chứ chị?
- Lúc nào em cũng sẵn lòng...
- Vậy chị đến đằng cửa hiệu nhà em nhé.
- Em không muốn thế đâu.
- Em đã kể chuyện chị với mẹ rồi, cha cũng biết nữa.
- Nhưng có lẽ đằng ấy còn có những người làm.
- Thôi được em sẽ đến chỗ chị, - Chieko nói sau một thoáng tần ngần.
- Em sẽ rất vui sướng, tuy là chỗ em trời đã trở lạnh...
- Không sao đâu. Em đang rất muốn được ngắm thông liễu...
- Chị mặc ấm ấm vào nhé. - Có thể mưa đấy. Của đáng tội, nhóm đống lửa chả khó khăn gì, nhưng dù sao... Giờ em đang làm ở ngay cạnh đường nên sẽ thấy chị ngay thôi.
--------------------------------
1 Chúc một ngày lễ may mắn.
2 Karyobinga: chim thụy hồng trong huyền thoại, có giọng hót hay tuyệt trần.
3 Pshamu Yoshi: Thi sĩ và kịch tác gia Nhật Bản, tác giả Khúc ca Chion rất nổi tiếng.
4 Gubidginso: hoa mĩ nhân.
5 Một tan tương đương 10,6cm.
Cố Đô Cố Đô - Yasunari Kawabata Cố Đô