If you truly get in touch with a piece of carrot, you get in touch with the soil, the rain, the sunshine. You get in touch with Mother Earth and eating in such a way, you feel in touch with true life, your roots, and that is meditation. If we chew every morsel of our food in that way we become grateful and when you are grateful, you are happy.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 178 / 17
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
iển dắt con trâu qua suối. Đàn vịt trắng phau như những nắm bông đang chổng đuôi chúc mỏ mò cua bắt cá. Mặt suối lấp loáng những đám mây trắng nõn. Lũ nòng nọc đen nhánh ngoe nguẩy chiếc đuôi nhọn trong những vũng nước xanh rêu. Còn trên trời lúc này dù Tiển chẳng lẳng nghe thì cũng đã rộn vang tiếng kêu vui vẻ của bầy chim én.
Thực ra thì những con chim én ngực nở, ức trắng như bôi vôi, đuôi cá chép, có đòi cánh dài nhọn hoắt là lũ sinh vật thức dậy sớm nhất vào những ngày đầu hạ này. Ra khỏi nơi qua đêm là những hốc vầu ở đầu hồi, từ lúc trời còn chưa tan sương, thoạt đầu chúng trổ tài bay liệng và bắt mồi trên mặt suối. Và bây giờ khi nắng vừa lên, thì khoảng trời cao xanh trên đồng lúa mới thật sự trở thành vũ trường để bầy sinh vật có cánh này thoả sức thể hiện khả năng nhào lộn tài ba của mình. Khi lao vun vút như những mũi tên, lúc dang rộng đôi cánh xoay vòng êm ả, bầy chim lúc này như muốn chứng tỏ chúng mới thật sự là những kẻ có đặc quyền được sống tự do và sung sướng nhất trên bầu trời mùa hạ lúc sớm mai này.
Thả trâu vào đồng cỏ xong, Tiển thấy mình cũng chẳng khác gì bầy chim én nọ. Bây giờ là lúc Tiển có thể thỏa thích vui chơi. Có thể đào hang bắt những con chuột đồng ngay trên bãi cỏ này. Rừng cò ke[60] thành ngạnh kia, nơi bọn ong mật thường hay đến làm tổ, lẽ nào Tiển có thể bỏ qua. Tất nhiên, Tiển không thể quên cây hồng bì đeo chùm quả vỏ vàng chua chua ngòn ngọt cay cay, cây giâu gia lúc lỉu từng chùm quả đỏ hồng, ngọt và chua đến khé cả cổ ở khu rừng sau làng. Chính là ở bìa khu rừng đó, nơi có những bụi cây đom đóm, Tiển có thể đặt bẫy gà rừng, đón lõng chim mi. Còn ngay con suối vừa đi qua, Tiển cũng có thể tùy thích biểu diễn các kiểu bơi lặn. Tiển có thể lặn một thôi dài để bắt bọn cá trốn lẩn trong hang. Mà này, chẳng cần ai dạy, bây giờ Tiển cũng đã có thể “trồng cây chuối”, nghĩa là lộn phộc đầu xuống lòng suối, chổng ngược hai chân lên trời rồi nữa kia.
Nhưng thôi, năm nay Tiển đã lên tuổi mười ba. Tuổi mười ba, theo pò nói là hết tuổi mụ, là thành người lớn rồi. Thành ra, ở hội lồng tồng năm nay, so với các trò vui như đánh én, ném còn, đánh đu, hấp dẫn Tiển hơn vẫn là trò múa sư tử và biểu diễn võ thuật! Chà chà! Trong tiếng trống nảy tùng tùng cắc, tùng tùng cắc nhịp ba một, giữa vòng người ken dày như nêm cối, một chú mãnh sư khi chồm lên, lúc rạp mình xuống cùng những chàng võ sĩ áo quần đen tuyền, côn quyền giáo mác trong tay với những động tác nhanh như sóc, mạnh mẽ như mãnh hổ, họ đã thật sự tạo nên một cơn bão lốc làm say cả đám đòng mấy trăm con người. A lúi! Mà nào có phải ai đâu xa lạ. Anh Sào, anh Mòn, các anh trong làng xã cả đấy thôi. Họ học ở lò luyện võ của bố anh Cắm. Bốn mươi ngày vừa tập võ thuật, vừa học các môn thuốc xoa bóp chân tay cho thêm rắn chắc, dẻo dai. Kìa, một cái bàn vuông đã được đặt ở giữa bãi cỏ. Hấp! Chàng võ sĩ từ xa lao tới, đầu vừa mới chạm nhẹ lên mặt bàn, chàng đã phốc ngược đôi chân thẳng dẵng lên trời. Rồi tiếp đó, giữa tiếng xuýt xoa thán phục của khán giả, chàng liền chống hai tay lên mặt bàn, “đi đi lại lại” quanh mặt bàn bằng chính đôi tay của mình. Kìa! Cái vòng tròn kết toàn bằng những con dao nhọn tua tủa cắm trên mặt bàn. Vút! Mọi người vừa kịp nín thở đã òa reo. Từ tít xa, chàng võ sĩ chắp hai tay, mình thẳng như một mũi tên, lao vút qua vòng dao. Tiết mục “qua cửa đao” vừa kết thúc đã tiếp ngay tiết mục “lật cá mè”, “đậu chuồn chuồn”, “lao ống cót”, rồi tiếp nữa là múa song kiếm, quay đoản côn, phóng đại đao...
Tiển mê các môn võ thuật lắm! Tiển đòi anh Sào phải dạy võ cho mình. Nhưng hội xuống đồng mở xong ít hôm thì tổng đoàn Ngao ra lệnh cấm hội họp tập võ thuật, lấy cớ tình hình hiện nay không yên ổn. Nhưng cấm thì cấm, Tiển nhất định vẫn cứ tập võ.
Hôm nay, Tiển tập món cặm cấy: Đi bằng hai tay. Ôi chao! Chân Tiển đã dựng thẳng được rồi. Hai con mắt Tiển hất ngược lên đã thấy vòm trời xanh ngắt có đàn én đang đan đi đan lại. Chà! Ước gì Tiển nhẹ như con chim én kia, tha hổ nhào lộn bay lượn đó đây. Áp đôi tay trên mặt cỏ, bắp tay Tiển run run. A ha, đầu Tiển đã nhích được chút ít lên khỏi mặt cỏ rồi. Cố lên! Cố lên! Kìa ai đang đánh trống, đập thanh la, gõ não bạt cổ vũ, khích lệ Tiển thế.
Mặt Tiển đỏ căng. Ha ha! Tiển sắp “đi” bằng đôi tay của chính mình được rồi. Đây này, tay Tiển đã nhúc nhắc. Nhưng mà, sao lại thế này nhỉ? Huỵch! Bỗng nhiên vòm trời nghiêng lệch hẳn về một bên. Chưa hiểu sao Tiển đã nghe thấy “ịch” một tiếng và nhận ra cả mảng lưng đã ê ê nằng nặng. Nhìn lên trời Tiển thấy đàn én đang chao đi chao lại trên cao kêu choét choét như giễu cợt mình. Mà không phải chỉ có đàn én. Có cả người nữa.
Tiển ngồi dậy. Trước mặt Tiển là một cậu bé nhỏ nhắn, da ngăm, chiếc vòng bạc đeo ở cổ lủng lẳng hai cái vuốt hổ, bụng thắt bao dao, đang cười hở hàm răng trắng bong.
- Tớ tập võ đấy. Cậu ở đâu về thế?
Chỉ tay lên lưng núi, cậu bé nọ đáp:
- Tôi ở trên U Sung, xuống tìm con trâu lạc.
Tiển đứng dậy:
- Đã thấy trâu chưa?
- Thấy rồi. Ở trong làng Hẻo. Có người bắt được, buộc ở nhà ông binh thầu, tôi chưa dám vào lấy.
- Sợ à?
- Ờ ờ...
- Cậu tên là gì?
- Bàn Văn Tả.
Có tiếng vó ngựa lịch kịch ở ngoài đường. Hai người nhìn ra. Con ngựa đã rẽ vào bãi cỏ. Ai thế nhỉ mà mũ kê pi[61] hất ngược. Tóc màu hạt dẻ xoăn xoăn. Tròng mắt xanh lơ. Chóp mũi dài thò lõ. Cổ gà chọi. Áo kaki[62] phanh ngực, hở một đám lông đỏ như râu ngô.
- Hai be con lam gi đay?
- Trú ngô. Chăn trâu! Còn ông là ai thế?
- O là la! Khon piet ta la ai a? Ta la quan Mot đon truong nguoi Tay. Ten ta la Boruyxech ma. Ta thích tre con Tay lam!
- Brusex! Thế thì biết rồi!
- Quan Tay thich tre con Tay lam. Tre con Tay tot lam.
- Trẻ con Tày tốt. Còn quan Tây bấu đẩy.
- Cái gì?
- Quan Tây bấu đẩy!
- Bau đay la cai gi?
- Là không tốt.
- O, noi the khong đung đau.
Đầu lắc lắc, viên quan một hơi cúi xuống, lảng chuyện:
- Hai be con choi o đay hay len rung co thay ngươi la mat khon?
- Không thấy người lạ đâu. Ở đây hay trên rừng chỉ có chim, sóc, gấu, hổ và cả con khỉ lông đỏ như râu ngô thôi.
- O, hai be con gioi! Thay ngươi la thi bao quan Tay, quan Tay thương tiên nhe!
Giơ tay vẫy vẫy, viên quan một huých nhẹ gót giày vào háng con ngựa, rồi rạp mình trên lưng ngựa phóng đi. Tiển kéo tay Tả:
- Thằng đồn trưởng đồn Tây đấy. Cậu có biết nó đang đi lùng bắt ai không? - Sực nhớ lời anh Sào dặn, Tiển im bặt, giật mạnh tay Tả. - Vào làng Hẻo xem nó làm gì đi. Nhân tiện tớ lấy lại con trâu cho cậu.
o O o
Tận xẩm tối, lúc đàn én xập xè liệng những vòng cuối cùng rồi chui tọt vào các hốc đòn tay ở đầu hồi nhà, Tiển mới từ làng Hẻo dắt trâu về tới nhà.
Bước tới lưng cầu thang, Tiển bỗng dừng lại. Trên nhà có tiếng một người lạ, giọng còn trẻ.
- Bác trông còn tráng kiện lắm. Ông cụ con cũng trạc tuổi bác mà ọp ẹp lắm rồi.
- Hầy, có tiền thì tôi làm lễ sli cẩu[63] từ cách đây hai năm đấy. - Ông Yểng nói, giọng vui vẻ. - Thế ông cụ nhà anh được mấy anh chị?
- Dạ, nhà con có ba anh em. Con là thứ ba. Hai anh con kiếm ăn lưu lạc vào tận Nam Bộ, giờ chẳng hiểu sống chết ra sao.
Ông Yểng chép miệng:
- Khổ! Đã đói kém là phải li quê. Ông phó mộc bạn tôi cũng vậy. Đồng đất dưới xuôi không có hạt gạo là chỉ có đói, không như chúng tôi trên này.
- Con nghĩ, đồng bào ở trên này khổ cực cũng chẳng kém bà con ở miền xuôi chúng con.
- Hày, giật gấu vá vai, cuốc xẻng trong tay quay như cái cọn nước[64] cũng chẳng đủ ăn, anh à. Không có củ rừng thì chết từ lâu rồi. - Ngừng lại rót nước mời khách, ông Yểng nói tiếp. - Tối còn khỏe được cũng còn là nhờ ở cái cao hổ người Dao U Sung cho đấy. Ấy thế, nhưng so với ông tổ họ Trần tôi thì tôi chỉ bằng bông lau non thôi. Ông cụ tổ Trần Văn Mạc chúng tôi, chà, khỏe lắm. Ông cụ cầm cày đi trước, người bừa đuổi theo, người cấy đi sau rốt. Cày xong, cấy cũng xong. Sợ trâu giẫm phải lúa, ông cụ vai vác cày, hai tay ôm ngang hai con trâu mộng, bước lên bờ.
- Chà! - Người lạ kêu to đầy vẻ vui thích.
- Thế, thế! - Như được đà, ông Yểng càng cao giọng hào hứng. - Một bận ông cụ đi chợ mua muối. Lúc trở về, gánh hai sói muối đầy. Giữa đường, một bọn cướp ra chặn. Ông cụ bình tĩnh đặt gánh muối xuống đất, bảo bọn cướp: “Các chú muốn lấy gánh muối của ta cũng được thôi. Nhưng bây giờ các chú rút thử cái đòn này lên xem. Rút được thì cứ việc gánh hai sọt muối đi.” Nói đoạn, ông cụ cầm cái đòn càn, cắm đánh phập xuống đất. Bọn cướp, từng đứa, hai đứa, rồi cả bọn xúm vào hợp lực rút. Thế mà cái đòn cứ trơ trơ như cái cây có rễ ăn sâu vào lòng đất.
- Chết chết, ông cụ khỏe quá!
Ông Yểng ngửa cổ gãi, đắc ý:
- Tôi mà không bị cái chân thì cũng còn sức.
- Chân bác làm sao thế ạ?
- Thì cái hồi đi phu làm đường Sa Pa cho Tây đấy. Đá lăn phải tưởng gãy cả cái chân bên này nữa cơ. - Ông Yểng vừa nói vừa xoa xoa một vết sẹo chạy ngang ống đồng chân phải.
Người trẻ tuổi xót xa:
- Thế Tây nó có bồi thường gì cho bác không ạ?
- Nó bồi cho mấy cái gậy rồi đuổi về. - Ông Yểng lại đưa tay xoa cái bàn chân quẹo, lật ngửa, giọng căm tức. - May mà có bố anh Cắm cho thuốc chứ không thì mất cả người. Giờ thì tập tễnh ở nhà, ăn nhờ con.
- Quê cháu cũng vậy. - Người trẻ tuổi tiếp lời. - Nhiều người đi phu đồn điền may mắn trở về được thì chỉ còn cái xác người.
Ông Yểng rưng rưng:
- Nam quốc Nam nhân thật ai cũng khổ! Chẳng hiểu ở nơi khác thế nào, chứ ở đây thì khổ từ lúc mới lọt lòng. Đẻ con ra, xin được cái giấy khai sinh cho nó phải mất ba hào cho lí trưởng. Lớn lên lấy vợ lấy chồng thì đủ tục lệ. Muốn làm cái nhà ở cũng thật khốn khổ. Tôi làm cái nhà này xong phải lấy bùn xoa vào cột cho nó cũ đi, chứ nếu không thì kiểm lâm nó phạt ngay. Không được lĩnh ruộng công thì chỉ có cách là vỡ lấy. Đổ mồ hôi khai ruộng xong, tổng đoàn Ngao dựng đứng lên là đất của nó. Nó cướp trắng ba mươi cân giống ruộng tốt. Thế mà còn bị phạt hơn trăm đồng vì chưa kịp đóng thuế. Không có tiền, phải vay lí Tăm. Vay không trả được, thế là thằng Tiển phải chăn trâu không công cho nhà nó, thằng Sào phải cày ruộng không công cho nhà nó. Tiếng là được ở nhà mà khác gì cần khỏi.
Người trẻ tuổi cất giọng trầm trầm:
- Chúng con là dân sơn tràng[65], đi đây đi đó nhiều, trông thấy nhiều cảnh đến rớt nước mắt.
Ông Yểng lặng đi có đến mấy phút. Khuôn mặt vuông vức rắn lại, đỏ dâng:
- Anh người Kinh à. Tào mộc nư chu sầy hon hỉ. Kì lẳn sảy chỉ hùng kha cai. Cây cỏ khắp nơi đều vui vẻ. Phố phường ánh bóng kì lân. Có câu thơ cổ vậy đó. Kì lân, sư tử là điềm lành chứ. Thế mà nó cấm không cho người ta chơi, anh. - Giọng ông Yểng rắn đanh lại. - Tôi là tôi căm chúng nó lắm. Anh cứ ở đây với chúng tôi. Người nghèo không thương người nghèo thì còn thương ai!
o O o
Tiển đứng ở ngoài cửa. Tình cờ, chỉ trong ít phút, chú đã thấu hiểu gần như tất cả nỗi khổ của cha anh mình, của chính mình. Hóa ra chú là đứa trẻ chăn trâu trả nợ cho nhà lí Tăm! Hoá ra chú cũng là loại người tôi tớ như anh Lẳng thôi. Nhưng mà chú sẽ không vì thế mà tủi thân đầu. Việc gì mà tủi thân. Ông tổ họ Trần nhà chú đấy, sức vóc và oai hùng khiến bọn cướp phải khiếp vía thế cơ mà.
Thấy em bước vào nhà thật mạnh bạo, tự nhiên, Sào đứng dậy, giới thiệu với người khách lạ:
- Thằng Tiển em trai em đấy, anh Tố à.
- Chào em. - Tố, người đó chính là Tố, quay lại, vồn vã và hình như chợt nhớ lại điều gì, vẻ mặt thoáng chút ngờ ngợ.
Sào bước lại gần em:
- Sao về muộn thế?
Ông Yểng quay lại với Tố:
- Nó tinh nghịch lắm. Thả trâu đấy, chạy nhông suốt ngày. Tháng trước, con trâu nó chăn lạc vào rừng gianh, gặp con hổ, bị con hổ cào. Thế mà con hổ không vật nổi con trâu đâu.
Tiển ngước nhìn anh trai và liếc mắt về phía người khách lạ, khe khẽ:
- Em vào làng Hẻo. Tây đồn nó đang đi lùng bắt Việt Minh đấy. Ai đấy, anh Sào?
- Người sơn tràng!
Đưa mắt liếc nhanh qua mặt người nọ một lần nữa, rồi Tiển mới quay đi, tủm tỉm cười. Sào đe em:
- Này, cấm không được bép xép với ai là anh ấy ở đây, nhớ chưa?
- Sao thế?
- Vì người ta là dân sơn tràng. Kiểm lâm nó biết thì nó sẽ hoạnh họe bắt bớ người ta.
- Phải rồi!
Tiển vào bếp lục cơm nguội ăn, rồi đến nằm kềnh trên cái chiếu ở góc nhà.
Ông Yểng bắc nổi cháo trên kiểng xuống sàn, quay lại với Tố:
- Nào, ta ăn bữa slíu dề[66] với nhau! Chả có gì đâu! Cháo thôi, anh à. Bao giờ người Tày tôi được đầy đủ ngày ba bữa, bữa kin ngài, bữa kin piầu, bữa slíu dề, bữa sáng, bữa trưa, bữa tối, tôi phải bảo thằng Sào đánh thư nhắn ông phó mộc lên chơi cho bõ lúc cơ hàn mới được.
Tố quay lại:
- Chú Tiển đâu? Dậy ăn cháo với anh chứ.
Tiển đã ngủ từ lúc nào. Người chú lửng lơ trôi trong làn sương bạc. A, chú trồi, chú bay rất nhanh. Cứ như chú hoá thành con chim én vậy. Chú đuổi kịp thằng Tây đồn. Chú vượt lên và quay lại. Trước mặt chú hoá ra là có cả Tây đồn, tổng đoàn Ngao và lí Tăm. Thì ra chúng nó bắt được anh sơn tràng rồi. Anh sơn tràng có cặp mắt thâm trầm và cái sống mũi dọc dừa trăng trắng hình như Tiển đã gặp ở đâu đó rồi thì phải. Kìa! Chúng trói anh. Tiển chạy lại, tay cầm cái đòn càn, miệng hét to: “Đứng lại!” Bọn kia giật mình ngơ ngác, Tiển cắm phập cái đòn càn xuống đất, thách: “Chúng mày hãy nhổ cái đòn càn này. Không nhổ được thì thả người sơn tràng đó ra.” Tổng đoàn Ngao hầm hầm bước tới. Y mắm môi mắm lợi ôm cây đòn, cố sức. Huỵch! Y tuột tay, ngã ngửa. “Để tao!” Lí Tăm tụt dép chạy lại. Lão lay, lão ôm cây đòn, dún chân, ra sức giật ngược lên. Roạt, cái áo dài của lão rách toạc một vệt dài. Ha ha ha ha... Tiển bật cười...
Ông Yểng đặt bát cháo xuống mâm, lẩm bầm:
- Cái thằng, ngày nghịch ngợm, tối ngủ toàn nói mê. Sào à, rồi mày nhờ anh đây dạy mày và thằng Tiển học chữ đi, kẻo quên hết rồi đấy.
Chim Én Liệng Trời Cao Chim Én Liệng Trời Cao - Ma Văn Kháng Chim Én Liệng Trời Cao