The wise man reads both books and life itself.

Lin Yutang

 
 
 
 
 
Tác giả: Selma Lagerlöf
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2503 / 24
Cập nhật: 2015-12-10 13:31:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Mỏ Bạc
ua Guixtavơ Đệ Tam đang ngự giá tuần du trong vùng Đalêcarli. Bị thời gian thúc bách, nhà vua muốn lúc nào cũng đi thật mau. Xe nhà vua phóng nhanh đến mức mấy con ngựa trông như những cái dải căng dài trên đường và khi đến những chỗ rẽ chiếc xe chỉ còn lăn trên hai bánh. Tuy vậy nhà vua vẫn thò đầu ra ngoài cửa và thét bảo người đánh xe:
- Tại sao nhà ngươi bắt ta đi chậm thế? Ngươi tưởng xe của người chở trứng đấy à?
Cứ đi mãi trên những con đường xấu với tốc độ khủng khiếp như thế, thật là kỳ diệu nếu cái xe và bộ cương thắng không việc gì. Nhưng làm sao mà giữ mãi được như vậy; đến chân một cái dốc ngược, càng xe bị gãy, thế là nhà vua phải dừng lại trên đường. Các quan hộ giá vội vàng nhảy xuống đất, thét mắng anh đánh xe; tuy nhiên xe hỏng vẫn hoàn hỏng. Xe chưa chữa được thì chẳng có cách nào tiếp tục đi cả.
Các thị thần đưa mắt nhìn quanh xem có gì để nhà vua tiêu khiển trong lúc chờ đợi không thì thấy ở cách đó xa một chút, trên đường đi, một cái tháp chuông nhô lên khỏi lùm cây. Họ bèn tâu với nhà vua tạm ngồi lên một chiếc xe nhỏ của đoàn hộ giá để đi đến nhà thờ. Hôm ấy là chủ nhật và nhà vua có thể xem lễ mixa để giết thời giờ cho đến khi chiếc xe rồng được chữa xong.
Nhà vua bằng lòng và lên xe đi về phía nhà thờ. Cho đến lúc này, nhà vua đã đi trên đường suốt một thời gian dài và ở đâu đâu nhà vua cũng chỉ thấy những khu rừng tốt bát ngát, nhưng ở nơi đây phong cảnh vui mắt hơn; bên những cánh đồng khá rộng và những làng mạc, con sông Đalep chảy giữa vô vàn cây trăn, nước trong veo và rực rỡ.
Nhưng nhà vua thật không may, đúng lúc xuống xe ở quảng trường trước nhà thờ, nhà vua nghe tiếng người hát lễ ngân nga bài thánh thi bế mạc và thấy công chúng đang bắt đầu ra về. Thấy họ đi ngang qua, nhà vua dừng lại, một chân còn ở trong xe, chân kia đặt trên bậc lên xuống và cứ đứng im như thế mải mê nhìn cảnh tượng trước mắt. Chưa bao giờ nhà vua thấy những người chững chạc như vậy. Đàn ông thì cao hơn tầm trung bình, vẻ mặt nghiêm trang, thông minh, còn đàn bà thì có dáng đi đường hoàng uy nghi, dường như cảnh thanh bình của ngày chủ nhật phản ánh vào mọi cử chỉ của họ.
Suốt ngày hôm nay, nhà vua đã than thở về cảnh hiu quạnh của vùng mà ngài đi qua và đã nói đi nói lại với đoàn hộ giá:
- Có lẽ trẫm đang đi qua vùng nghèo khổ nhất của vương quốc?
Nhưng bây giờ khi thấy dân chúng mặc y phục dân tộc rất đẹp, nhà vua hoàn toàn không nghĩ tới tình trạng nghèo khổ của họ nữa. Trái lại, nhà vua thấy trong lòng ấm hẳn lên và tự nhủ: "Tình thế của vua Thụy Điển chưa đến nỗi quá xấu như kẻ thù tưởng đâu. Chừng nào thần dân của ta trông còn được như thế kia thì ta vẫn hoàn toàn có thể bảo vệ ngai vàng và đất nước của ta."
Theo lệnh nhà vua, các thị thần loan báo cho những người qua đường rằng người lạ mặt vừa mới tới chính là Đức vua của họ và bảo họ tập hợp để ngài truyền phán.
Và nhà vua hiểu dụ dân chúng. Ngài đứng nói ở trên đầu cầu thang dẫn vào kho đồ thánh, và cái bậc thang nhà vua đứng đến nay vẫn còn.
Nhà vua bắt đầu trình bày tình hình nước nhà đang hết sức xấu. Ngài nói rằng Thụy Điển đang bị cả quân Nga lẫn quân Đan Mạch tấn công. Giá vào lúc khác thì không có gì nguy hiểm lắm, nhưng hiện nay trong quân đội Thụy Điển có nhiều kẻ phản trắc đến nỗi ngài không dám tin vào đội quân ấy nữa. Chính vì thế mà ngài không còn cách nào khác là thân hành đi tuần du khắp nước để hỏi thần dân muốn đi theo bọn phản bội hay là vẫn muốn trung thành với vua và cung cấp cho nhà vua nhân tài vật lực để cứu nước.
Những người nông dân im lặng nghe nhà vua nói và ngay cả khi ngài thuyết dụ xong, họ cũng chẳng tỏ dấu hiệu tán thành hay không tán thành.
Thế mà nhà vua đã thấy mình hôm nay rất hùng hồn. Trong lúc hiểu dụ, ngài rưng rưng nước mắt đến mấy lần. Nhưng vì nông dân vẫn giữ thái độ do dự lúng túng, không quyết định trả lời ngài, nên ngài cau mày có vẻ không bằng lòng.
Nông dân biết rằng nhà vua bắt đầu thấy mình phải chờ đợi quá lâu nên cuối cùng một người trong bọn họ tách khỏi đám đông, tiến lên nói:
- Tâu bệ hạ, xin bệ hạ thấu cho rằng chúng thần không ngờ bệ hạ đến đây hôm nay, vì thế chúng thần chưa chuẩn bị trả lời bệ hạ ngay. Thế nhưng thần xin bệ hạ vào trong kho đồ thánh tế để nói chuyện với ông mục sư của chúng thần trong lúc chúng thần bàn với nhau về việc bệ hạ vừa hiểu dụ.
Nhà vua hiểu rằng lúc này ngài chẳng có cách nào hơn vì thế đành nghe theo lời khuyên của người nông dân.
Vào đến trong kho đồ thánh, nhà vua không thấy ai ngoài một người có vẻ là một lão nông. Người ấy cao lớn, hai bàn tay to tướng hằn dấu vết lao động. Người ấy không có cổ áo, không mặc áo dài mà mặc một chiếc quần cụt bằng da và một cái áo khoác dài bằng vải thô trắng như mọi người dân khác ở vùng này. Người ấy đứng dậy khi thấy nhà vua bước vào.
- Ta cứ tưởng sẽ gặp ông mục sư ở đây, - nhà vua nói.
Ông lão đỏ mặt. Thấy nhà vua tưởng mình là một nông dân, ông ta nghĩ không nên nói cho nhà vua biết chính mình là mục sư của xã này.
- Tâu bệ hạ đúng thế, thường thường ông mục sư ở đây vào giờ này, - ông đáp.
Nhà vua ngồi vào một chiếc ghế bành lớn có lưng tựa cao bày trong kho đồ thánh lúc bấy giờ, và ngày nay vẫn còn ở đấy, hoàn toàn như xưa chỉ có khác là sau này xã đã tô điểm vào lưng ghế một vương miện mạ vàng.
- Ông mục sư của các người có tốt không? - Nhà vua hỏi để tỏ ra quan tâm đến tình hình địa phương.
Nghe nhà vua hỏi, ông mục sư càng thấy mình không thể để lộ ra mình là ai. "Thà vẫn để ngài tưởng mình chỉ là nông dân". - Ông nghĩ thầm rồi đáp rằng ông mục sư ở đây không đến nỗi quá tồi. Ông giảng đạo cũng rõ ràng, trong sáng và ăn ở theo lời dạy của Chúa.
Nhà vua cho đấy là một lời ca tụng nhiệt liệt, nhưng tai ngài rất thính nên thấy hình như giọng ông cụ hơi ngập ngừng.
- Nhưng hình như dân chúng không bằng lòng hoàn toàn ông mục sư của mình, - nhà vua nói.
- Vâng, ông ta hơi độc đoán, - ông đáp.
Ông nghĩ rằng rồi đây nếu nhà vua biết ông là ai thì ít nhất ông cũng nên tránh để nhà vua cho rằng ông chỉ biết tự khen. Vì thế ông thấy cần tự chê bai đôi lời:
- Có nhiều người cho rằng ông mục sư chỉ muốn quyết định một mình mọi công việc trong xã.
- Nếu thế chắc ông ta đã quyết định và thu xếp mọi việc một cách tốt nhất, - nhà vua nói. -Vì ngài không thích người nông dân phàn nàn về thượng cấp của họ. Hình như vùng này có nhiều thuần phong mỹ tục và vẫn sống giản đơn như trong thời cổ.
- Vâng, dân ở đây khá lương thiện, - ông mục sư đáp, - nhưng họ sống xa mọi thứ, trong cảnh cô quạnh và nghèo nàn. Chắc họ sẽ không tốt hơn dân các nơi khác đâu, nếu những sự cám dỗ của thế gian này ở gần họ hơn.
- May mà chúng ta không phải sợ xảy ra tình hình đó, nhà vua vừa nói vừa nhún vai.
Ngài không nói gì nữa và bắt đầu lấy ngón tay gõ xuống mặt bàn. Ngài cho rằng nói chuyện một cách thân mật với ông lão thô lỗ này như thế là đủ rồi và sốt ruột không biết đến bao giờ thì đám nông dân ở ngoài kia mới chuẩn bị xong để trả lời ngài.
- Nông dân ở đây có vẻ không sốt sắng cứu giúp nhà vua của mình, - ngài lẩm bẩm. - Nếu chiếc xe chữa xong ta sẽ đi ngay mặc kệ họ với những cuộc bàn luận của họ.
Còn ông mục sư thì vẫn đang tranh đấu bản thân về một vấn đề quan trọng cần quyết định. Ông mừng thầm thấy mình không tiết lộ cho nhà vua biết mình là ai. Có thế ông mới dám trình bày với nhà vua một chuyện mà ông sẽ không dám đả động đến một cách khác.
Im lặng một lát, ông mục sư cất tiếng hỏi nhà vua rằng có đúng là quân thù sắp xông vào và đất nước đang lâm nguy không.
Nhà vua thấy ông lão thô kệch này lẽ ra nên nhã nhặn không quấy rầy ngài nữa. Ngài bèn giương mắt nhìn ông ta và không trả lời.
- Thần mạo muội xin hỏi bệ hạ như vậy, vì lúc ấy thần ở trong nhà nên không nghe rõ bệ hạ nói gì - ông mục sư giải thích. - Nhưng nếu quả đúng như vậy thì thần xin tâu để bệ hạ biết rằng ông mục sư xã này có lẽ có khả năng hiến bệ hạ bao nhiêu tiền của cũng được.
- Hình như lúc nãy trẫm có nghe ngươi nói rằng ở vùng này ai nấy đều nghèo túng, - nhà vua vừa đáp vừa nghĩ chắc ông lão này không hiểu rõ mình nói gì.
- Tâu bệ hạ, đúng thế và ông mục sư xã này còn nghèo hơn tất cả mọi người khác, - ông đáp. - Nhưng nếu bệ hạ vui lòng nghe thần nói một lát, thần sẽ kể để bệ hạ rõ vì sao ông mục sư có thể giúp bệ hạ.
- Ngươi cứ nói, - nhà vua đáp. - Ngươi có vẻ nhiều mồm miệng hơn bạn bè và hàng xóm của ngươi ở ngoài kia, họ không thể phát biểu nổi một câu trả lời.
- Trả lời bệ hạ đâu có phải chuyện dễ dàng. Thần e rằng chỉ có ông mục sư mới có thể thay mặt mọi người để trả lời bệ hạ.
Nhà vua bèn bắt chân chữ ngũ ngồi lọt vào trong chiếc ghế bành, khoanh tay lại và gục đầu xuống ngực.
- Thôi bây giờ ngươi bắt đầu đi, - nhà vua nói, giọng ngái ngủ.
- Tâu bệ hạ, hồi xưa xã này có năm người rủ nhau đi săn nai ở trong rừng, - ông mục sư bắt đầu kể. - Một người trong bọn họ là ông mục sư mà chúng ta đang nói đến. Hai người khác là lính tên là Ôlôp và Errich Xvac, người thứ tư - chủ quán trong làng và người thứ năm - một nông dân tên gọi Ixraen Pe Pecxon.
- Cần gì phải nêu nhiều tên đến thế, - nhà vua vừa lẩm bẩm vừa ngả đầu sang một bên.
- Mấy người ấy đều là thiện xạ, luôn luôn gặp may. Nhưng hôm đó họ đi mãi mà chẳng săn được gì. Cuối cùng họ đành chịu và ngồi xuống đất để nói chuyện. Họ bảo nhau rằng trong khắp rừng này không nơi nào có thể trồng trọt được, đâu đâu cũng chỉ toàn đá và đầm lầy.
- Chúa bất công với chúng ta nên mới phân cho chúng ta một vùng nghèo nàn như thế này, - một người trọng bọn nói. - Ở nhiều vùng khác nhau dân có thể kiếm đủ ăn, đủ tiêu, lại còn thừa thãi là khác, chứ như ở đây thì dù chúng ta cố gắng đến mấy vẫn khó lòng kiếm nổi miếng bánh ăn hàng ngày.
Ông mục sư ngừng lại một lát, vì ông không rõ nhà vua có nghe không. Vua liền ngó ngoáy ngón tay út để tỏ ra rằng mình vẫn còn thức.
Đang lúc mấy người đi săn nói chuyện với nhau như vậy, ông mục sư trông thấy cái gì lóng lánh trong tảng đá ở nơi ông đã vô tình lấy chân di sạch rêu.
- Tảng đá này mới lạ chứ, - ông nghĩ rồi lấy chân đá vào đám rêu khác. Ông cúi nhặt một mảnh đá bám vào đám rêu và thấy nó cũng lóng lánh như thế.
- Lạy Chúa, cái này có phải là chì không nhỉ? - Ông nói.
Nghe thấy thế mấy người kia vội vàng đứng dậy và dùng báng súng đập sạch rêu trên tảng đá. Làm xong cả mấy người đều nhìn thấy rõ ràng một mạch quặng xuyên qua tảng đá.
- Ít nhất phải là chì hoặc kẽm, - họ bàn với nhau.
- Và khắp cả hòn núi này đều có, - ông chủ quán nói thêm.
Khi ông mục sư kể chuyện đến đây, ông thấy nhà vua hơi ngẩng đầu lên và hé mở một mắt.
- Thế trong bọn ấy có ai thạo về đá, về quặng không?
- Tâu bệ hạ, chẳng có ai thạo, - ông mục sư đáp. - Thế là nhà vua gục đầu xuống và nhắm cả hai mắt lại.
Ông mục sư và mấy người bạn tìm được cái đó rất lấy làm thích, - người kể chuyện nói tiếp, không để ý đến vẻ lạnh lùng của nhà vua. - Họ cho rằng họ vừa mới thu được một vật sẽ làm giàu cho họ và con cháu họ.
- Tôi sẽ không bao giờ phải làm lụng nữa, - một người trong bọn nói.
- Còn tôi suốt tuần lễ chẳng cần làm gì cả và đến chủ nhật sẽ đi nhà thờ bằng xe ngựa mạ vàng.
Ngày thường họ là những người rất tốt, nhưng sự phát hiện quan trọng kia đã làm cho họ mất trí đến nỗi nói năng như trẻ con. Tuy vậy, họ vẫn còn đủ lý trí để thu dọn gọn ghẽ bằng cách để những mảnh rêu phủ lên trên mạch quặng. Sau đó họ đánh dấu địa điểm rồi ra về.
Trước khi từ biệt nhau, họ nhất trí quyết định rằng ông mục sư sẽ đi Falun để hỏi ông thanh tra ngành mỏ xem thứ quặng của họ vừa tìm ra là quặng gì. Ông phải về càng sớm càng hay và họ long trọng thề với nhau rằng trong lúc chờ đợi, không ai được tiết lộ địa điểm tìm thấy quặng.
Một lần nữa nhà vua lại hơi ngẩng đầu lên, nhưng không hề ngắt lời người kể chuyện. Cuối cùng, hình như nhà vua bắt đầu tin rằng ông lão này chắc có điều gì thực sự quan trọng muốn nói cho mình, nên ông ta mới không quan tâm đến thái độ thờ ơ của ngài.
- Thế là ông mục sư lên đường, mang theo vài mảnh quặng. Ông cũng vui thích như mấy người kia, khi nghĩ rằng mình sẽ giàu có. Ông tự nhủ rằng chẳng bao lâu ông sẽ có khả năng xây dựng lại nhà xứ của mình mà hiện nay trông như một túp lều. Rồi ông sẽ cưới cô con gái của cha bề trên mà ông rất yêu! Thế mà ông cứ tưởng phải chờ nhiều năm nữa ông mới có thể cưới cô! Nghèo nàn, ở một địa vị kém cỏi như ông, ông cứ tưởng rằng phải một thời gian dài nữa ông mới lĩnh được một chức vụ có đủ bổng lộc để lấy vợ.
Ông mục sư đi hai ngày thì đến Falun và suốt ngày thứ ba ông phải nằm chờ vì ông thanh tra đi vắng. Cuối cùng, ông được gặp ông ta và đưa cho xem những mảnh quặng. Ông thanh tra cầm lấy chúng. Ông ta nhìn chúng rồi nhìn ông mục sư.
Ông mục sư kể cho ông thanh tra nghe chuyện tìm thấy những mảnh quặng ấy trong một quả núi ở xã ông và ông không rõ nó có phải là chì không.
- Không, nó không phải là chì, - ông thanh tra nói.
- Hay nó là kẽm? - Ông mục sư hỏi.
- Nó cũng không phải là kẽm, - ông thanh tra lại nói.
Ông mục sư thấy mọi hi vọng của mình có vẻ đang tiêu tan. Đã từ lâu, ông chưa bao giờ ủ rũ như lúc này.
-Trong xã của cha có nhiều tảng đá như thế này không?
- Có cả một quả núi như vậy, - ông mục sư đáp.
Ông thanh tra liền tiến lại gần, vỗ vai ông và nói:
- Con mong rằng cha sẽ biết cách dùng nó để có ích lợi cho cả cha lẫn tổ quốc, vì nó là bạc đấy.
- Là bạc? - Ông mục sư nhắc lại, lặng người. - Nó là bạc!
Ông thanh tra bèn giải thích cho ông mục sư nghe làm thế nào để được chính thức công nhận quyền sở hữu cái mỏ và khuyên ông rất nhiều điều, nhưng ông mục sư vẫn còn ngơ ngẩn không nghe rõ gì cả. Trong đầu óc ông cứ quay cuồng ý nghĩ kỳ diệu này: thế ra trong cái xã nghèo nàn của ông có cả một núi bạc đang chờ đón ông.
Nhà vua vội vã ngẩng đầu lên làm cho ông mục sư im bặt.
-Ta đoán rằng khi ông mục sư về đến nhà và bắt tay làm mỏ, ông ta sẽ thấy rằng ông thanh tra kia chỉ định đùa ông mà thôi, - nhà vua nói.
- Tâu bệ hạ không ạ, ông thanh tra không đánh lừa ông ta, - ông mục sư nói.
- Thôi người kể tiếp đi, - nhà vua vừa nói vừa ngồi xuống nghe.
- Khi ông mục sư về đến xã mình, - người kể tiếp, - ông ta cho rằng bổn phận đầu tiên của mình là phải thông báo ngay cho các bạn ăn của mình biết giá trị của vật tìm được hôm trước. Ông đi ngang qua quán của Xten Xlenxơn nên ông định vào báo cho ông này biết rằng quặng tìm thấy là quặng bạc. Nhưng khi tới trước cửa, ông thấy có nhiều tấm dạ treo ở các cửa sổ và một mớ cành thông băm vụn trải dài cho đến tận chân cầu thang.
- Ai chết ở đây thế? - Ông hỏi một em bé đang chơi nghịch gần hàng rào.
- Ông chủ quán chết đấy ạ, - em bé đáp. Rồi em kể cho ông mục sư biết rằng suốt cả tuần trước ngày nào ông chủ quán cũng uống rượu say.
- Trời ơi! Ông ấy uống không biết bao nhiêu là rượu mạnh, - em bé kêu lên.
- Tại sao thế nhỉ! - Ông mục sư hỏi. - Trước khi ông ấy có say rượu bao giờ đâu.
- Ông ấy uống, - em bé đáp, - vì ông ấy bảo ông ấy đã tìm được một cái mỏ. Ông ấy nói rằng ông ấy rất giàu, không cần làm gì nữa, chỉ việc uống rượu thôi. Thế rồi chiều hôm qua, ông ấy đánh xe đi lúc đang say; chiếc xe đổ, ông ấy chết thẳng.
Khi ông mục sư nghe xong, ông lại đi tiếp. Chuyện ông chủ quán làm ông buồn lắm, vì lúc ở tỉnh về ông rất vui cứ tưởng mình được báo một tin quan trọng cho mấy người bạn săn.
Mới đi được vài bước, ông trông thấy Pe Pecxơn đang tiến về phía ông. Ông ta trông vẫn như ngày thường, nên ông mục sư nghĩ thầm rằng may mà của cải chưa làm điêu tàn ông. Phải báo ngay cho ông biết rằng từ nay ông giàu có để ông thích.
- Lạy cha, - Pe Pecxơn nói. - Cha vừa mới ở Falum về đấy à?
- Phải, - ông mục sư đáp. - Cha báo tin cho con biết rằng tình hình còn tốt đẹp hơn chúng ta tưởng. Ông thanh tra ngành mỏ cho cha biết thứ quặng mà chúng ta tìm thấy là quặng bạc.
Lập tức, Pe Pecxơn biến sắc như một người thấy trời sụp.
- Cha nói gì thế? Cha nói gì thế? Bạc à? - Pe Pecxơn kêu lên.
- Phải, - ông mục sư đáp, - bọn ta bây giờ giàu rồi. Chúng ta có thể sống ung dung rồi. - Phải rồi, đó là bạc, - ông mục sư khẳng định. - Con tưởng ta nói dối con hay sao? Con cứ việc vui đi, đừng sợ.
- Vui à? - Pe Pecxơn nói. - Con mà vui được à? Con lại tưởng thứ quặng mà chúng ta tìm thấy chỉ là mica, và vì con muốn ăn chắc cho nên đã bán phần mỏ của con cho Ôlôp Xvac lấy một trăm êquy rồi.
Ông ta tuyệt vọng và khi ông mục sư đi khỏi, ông ta vẫn còn đứng khóc trên đường cái.
Về đến nhà, ông mục sư sai đầy tớ đi báo cho Ôlôp Xvac và người em ông ta biết rằng quặng tìm được là bạc. Vì ông đã chán việc đích thân đi báo tin mừng rồi.
Nhưng đến tối, khi ngồi nhà một mình, ông lại thấy trong lòng vui sướng, ông ra khỏi nhà, bước vào chỗ tối tăm rồi trèo lên quả đồi là nơi ông định xây nhà xứ mới. Dĩ nhiên ngôi nhà này phải thật lộng lẫy, không thua bất kỳ tòa giám mục nào. Đêm đó ông đứng lâu ngoài trời không phải chỉ muốn xây lại nhà. Ông chợt nghĩ rằng một khi xã ông giàu có như vậy, nhiều người sẽ từ các nơi kéo đến và cuối cùng có lẽ người ta phải dựng cả một thành phố mới quanh cái mỏ. Và khi đó, ông sẽ phải xây một ngôi nhà thờ mới thay cho ngôi cũ. Chắc một phần tài sản của ông sẽ phải chi vào việc đó. Nhưng tâm trí ông không dừng lại ở đây, ông nghĩ rằng khi nào ngôi nhà của ông được xây xong, ắt nhà vua và nhiều vị giám mục sẽ tới làm lễ dâng nó lên Chúa. Nhà vua sẽ phán rằng ở đây không có chỗ nào xứng đáng để nhà vua nghỉ. Và thế là ông lại phải xây một hoàng cung trong cái thành phố mới này.
Lúc đó, một ông quan hộ giá mở cửa bước vào tâu với nhà vua rằng xe rồng đã sửa xong.
Thoạt tiên nhà vua định đi ngay nhưng rồi đổi ý.
- Ta cho phép ngươi kể nốt câu chuyện, - nhà vua bảo ông mục sư. - Nhưng phải kể mau mau lên. Ta đã biết ông mục sư nghĩ gì và ước gì rồi, bây giờ ta muốn biết ông ấy làm gì.
- Nhưng đang lúc ông mục sư mơ ước như thế, - ông mục sư kể tiếp, - thì có người đến báo tin rằng Pe Pecxơn đã tự tử. Ông ta chịu không nổi, khi nhớ lại rằng mình không thể ngày ngày đứg trông kẻ khác hưởng những của cải đáng lẽ thuộc về mình.
Nhà vua đổi tư thế ngồi trong ghế bành, mắt mở to.
- Quả thật, nếu ta là ông mục sư đó, ta cũng đến chán cái mỏ ấy!
- Đức vua là một người giàu có, - ông mục sư nói. - Ngài muốn gì được nấy chứ đâu như một ông mục sư nghèo khổ chẳng có gì cả.
Khi ông thấy Chúa không ban phúc lành cho việc làm của ông, ông nghĩ: Thôi từ nay, mình chẳng mơ ước được giàu có và được trọng vọng nhờ có kho của cải này nữa, nhưng mình không thể để nó thành vô dụng trong lòng đất. Mình phải lấy nó lên và đem cho kẻ khó. Mình phải khai thác cái mỏ này để làm cho toàn xã được sung túc.
Thế là một hôm ông mục sư đi đến nhà Ôlôp Xvac để bàn với anh em ông này về cách sử dụng núi bạc kia.
Khi ông đến nhà Ôlôp, ông gặp một chiếc ô tô có nhiều nông dân đi xung quanh và trong xe có một người ngồi, tay bị trói quặt ra sau lưng, cổ chân cũng bị trói bằng dây thừng.
Khi ông mục sư đi ngang qua, chiếc xe dừng lại, nên ông có thể nhìn người bị bắt. Đầu người này quấn đầy băng nên ông khó nhận ra đích xác là ai, nhưng hình như đó là Ôlôp Xvac.
Ông nghe thấy người tù xin những người đi canh cho phép mình nói vài lời với ông mục sư.
Ông mục sư bèn bước lại gần, người tù quay lại và nói:
- Bây giờ thì cha sắp thành người duy nhất biết cái mỏ ấy ở đâu.
- Ôlôp, con nói gì thế? - Ông mục sư hỏi.
- Thưa cha, nghĩa là con xin nói cho cha rõ rằng từ khi chúng ta tìm ra núi bạc, anh em con không thể sống hòa thuận với nhau như trước nữa. Chúng con luôn luôn cãi nhau. Chiều qua chúng con lại cãi nhau về vấn đề ai là người đầu tiên trong số năm người chúng ta tìm ra cái mỏ, thế rồi anh em con đánh nhau. Con giết chết em con, còn hắn thì làm cho con bị thương ở trán. Con sẽ bị treo cổ và sau đó chỉ còn một mình cha biết cái mỏ ấy ở đâu. Chính vì thế mà con muốn nhờ cha việc này.
- Con có điều gì nghĩ ngợi con cứ nói - Ông mục sư đáp, - Cha sẽ cố sức giúp con.
- Cha cũng biết rằng con đông cháu, - người tù nói.
Ông mục sư ngắt ngay lời Ôlôp:
- Về chuyện đó, con cứ yên tâm. Phần mỏ của con sẽ thuộc về các cháu, y như con còn sống vậy.
- Không, con có muốn nhờ cha như thế đâu. Con xin cha không cho chúng bất cứ tí gì về cái mỏ đó cả.
Ông mục sư lùi lại một bước rồi đứng sững.
- Nếu cha không hứa với con như vậy, con sẽ không yên tâm mà chết, - người tù nói.
- Được, - ông mục sư phải cố gắng lắm mới đáp thành tiếng và ông nói rất chậm. - Cha hứa làm theo lời con dặn.
Rồi người tù bị giải đi, còn có một mình ông mục sư đứng trên đường, suy nghĩ miên man không biết giữ lời hứa với người tù như thế nào. Trên đường về, ông chỉ nghĩ đến đống của kếch sù đã có lúc làm ông rất vui thích, nhưng nếu bây giờ nhân dân xã ông không kham nổi sự giàu có thì sao? Mắt ông đã trông thấy bốn người chết, mà trước kia tất cả bốn đều là những người trung hậu, dũng cảm. Trước mắt ông dường như hiện ra tất cả mọi người dân trong giáo xứ và ông có cảm tưởng rằng cái mỏ bạc sắp làm cho họ lần lượt gặp tai họa. Ông là người có nhiệm vụ chăm sóc phần hồn của những con người tội nghiệp ấy, vậy ông có thể làm ngược lại trách nhiệm của mình không và đẩy họ đến chỗ sa đọa hay không?
Nhà vua đang ngồi trong chiếc ghế bành bỗng đứng phắt dậy và nhìn chăm chú người đang nói chuyện với ngài.
- Quả thật, - ngài nói, - quả thật ngươi làm cho ta hiểu rằng ông mục sư ở một nơi hẻo lánh như xứ này nhất định phải là một kẻ khác người.
- Nhưng như thế chưa hết đâu ạ, - ông mục sư nói tiếp. - Cái tin tìm ra mỏ bạc càng lan rộng bao nhiêu thì nhân dân trong xã càng lười nhác bấy nhiêu. Họ không chịu làm việc nữa, cứ đi rong chơi chờ cái ngày của cải tuồn vào nhà họ. Tất cả những tên lưu manh ở quanh vùng đều kéo đến và chẳng bao lâu ông mục sư chỉ nghe nói toàn những chuyện say rượu và đổ máu.
Có rất nhiều người chẳng làm ăn gì cả ngoài việc luôn luôn sục sạo khắp rừng để tìm mỏ, và ông mục sư để ý thấy hễ ông ra khỏi nhà là có kẻ rình mò theo gót xem ông có lên mỏ không để ăn cắp bí mật của ông.
Thấy tình hình như vậy, ông mục sư bèn triệu tập giáo dân trong xứ lại.
Thoạt tiên, ông kể lại với họ những tai họa mà việc tìm ra cái mỏ gây ra, rồi ông hỏi rằng họ muốn xuống hỏa ngục hay là muốn cứu rỗi mình. Rồi ông bảo họ đừng có trông mong ông mục sư của họ lại góp phần làm hại họ. Ông quyết định không nói cho ai biết cái mỏ ấy ở đâu và ông cũng không muốn kiếm lợi cho bản thân ông. Cuối cùng, ông hỏi các nông dân rằng họ muốn tương lai của họ như thế nào. Nếu họ cứ mất công tiếp tục tìm cái mỏ để làm giàu thì ông sẽ ra đi để khỏi phải nghe nói về chuyện đó nữa. Nhưng nếu họ định thôi không nghĩ đến cái mỏ và lại sống như trước thì ông sẽ ở lại với họ.
- Nhưng dù các con định thế nào đi nữa, các con hãy nhớ rằng cha sẽ không bao giờ hở cho ai biết tí gì về núi bạc kia cả.
- Thế các nông dân định thế nào? - Nhà vua hỏi.
- Họ làm theo ý muốn của ông mục sư. Họ hiểu rằng ông mong điều tốt lành cho họ, ông đành chịu nghèo túng vì họ. Họ mới nói ông lên rừng lấy đá và cành cây lấp kín cái mạch quặng để không ai có thể tìm ra nữa, kể cả họ lẫn con cháu của họ.
- Thế sau đó ông mục sư vẫn sống nghèo như các người khác à?
- Tâu bệ hạ vâng, ông ta vẫn nghèo túng như các người khác.
- Nhưng ông ta cần lấy vợ và xây nhà xứ mới kia mà, - nhà vua hỏi.
- Không, ông không có điều kiện để lấy vợ và ông vẫn ở trong túp lều cũ.
- Câu chuyện người vừa kể rất hay, - nhà vua gật đầu nói.
Ông mục sư đứng im lặng trước mặt nhà vua. Một lúc sau, nhà vua nói:
- Có phải lúc nãy ngươi định ám chỉ cái mỏ khi ngươi nói ông mục sư ở xứ này có thể cung cấp cho ta bao nhiêu tiền bạc cũng được?
- Tâu bệ hạ, vâng. - Ông mục sư đáp.
- Nhưng ta không thể sai xích tay ông ta, - nhà vua nói. - Mà nếu không làm thế thì làm cách nào ép một người như ông ta chỉ đường vào mỏ được? Ép sao nổi một người đã quyết tâm từ bỏ không cưới người vợ chưa cưới của mình và cả của cải trên thế gian này.
- Đó là một chuyện khác, - ông mục sư đáp. - Nếu bây giờ Tổ quốc cần kho báu ấy, chắc chắn ông mục sư sẽ nhượng bộ.
- Ngươi có bảo đảm như vậy không? - Nhà vua hỏi.
- Dạ có, tôi xin đảm bảo, - ông mục sư đáp.
- Thế ngươi không quan tâm đến số phận của nhân dân trong xã ngươi nữa ư?
- Lạy Chúa tôi, xin Chúa tôi khoan thứ cho họ.
Nhà vua rời chiếc ghế bành, đi đến bên cửa sổ. Ngài nhìn dân chúng đang đứng bên ngoài. Nhà vua càng nhìn họ, mắt ngài càng bừng sáng và toàn thân hình như lớn hẳn lên. Cuối cùng nhà vua nói:
- Ngươi nói hộ với ông mục sư của xã này rằng trong con mắt của nhà vua Thụy Điển không có cảnh nào đẹp bằng cảnh dân chúng đang đứng kia.
Rồi nhà vua quay mặt về phía ông mục sư, nhìn ông ta và mỉm cười.
- Hay là ông mục sư xã này nghèo đến nỗi làm lễ mixa vừa xong là ông ta phải cởi bộ quần áo đen để mặc quần áo nông dân vào? - Nhà vua hỏi.
- Vâng, ông ta nghèo như vậy, - ông mục sư đáp, và bộ mặt rắn rỏi của ông đỏ ửng.
Nhà vua trở lại bên cửa sổ. Ngài rất vui. Những lời mà ngài vừa mới nghe đã thức tỉnh trong tâm trí những tình cảm cao đẹp và nhân từ nhất.
- Cha nên để yên cái mỏ đó, - nhà vua nói, - Vì cha đã lao tâm khổ tứ suốt đời để làm cho nhân dân ở đây trở thành những người như cha muốn, cha sẽ phải gìn giữ cho họ vẫn được như bây giờ.
- Nhưng nếu Tổ quốc lâm nguy thì sao ạ? - Ông mục sư hỏi.
- Con người phụng sự Tổ quốc tốt hơn tiền bạc, - nhà vua đáp.
Nói đoạn nhà vua từ biệt ông mục sư và bước ra khỏi kho đồ thánh.
Ở bên ngoài, dân chúng vẫn im lặng, cũng ít nói như khi nhà vua gặp họ lúc nãy. Lúc nhà vua xuống cầu thang kho đồ thánh, một nông dân tiến lên tâu với ngài:
- Tâu bệ hạ, bệ hạ đã gặp ông mục sư của chúng tôi chưa?
- Đã, - nhà vua nói, - ta đã nói chuyện với ông mục sư của các ngươi rồi.
- Thế chắc ông mục sư đã trả lời bệ hạ rồi? - Người nông dân nói. Chúng tôi đã tâu xin bệ hạ gặp ông mục sư của chúng tôi chính là để ông trả lời bệ hạ.
- Phải, - nhà vua nói, - ông mục sư đã trả lời ta rồi.
TÔ CHƯƠNG dịch
Chiếc Xe Của Thần Chết Chiếc Xe Của Thần Chết - Selma Lagerlöf Chiếc Xe Của Thần Chết