Số lần đọc/download: 1155 / 27
Cập nhật: 2017-04-04 13:33:18 +0700
Chương V - Nhớ Lại
O
ng ta ngồi đó đúng như khi hắn bỏ ông lại, đằng trước lò sưởi.
A. Christie, VỤ ÁM SÁT ROGER ACKROYD.
Đây là thời điểm tôi tham dự tấn trò này lần thứ hai. Corso lại tới, tôi nhớ hình như gã đến trước khi đi Bồ Đào Nha. Về sau gã nói với tôi, lúc đó gã ngờ rằng bản thảo của Dumas và Chín cánh cửa của Varo Borja chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Để hiểu rõ mọi chuyện, trước tiên gã cần tìm cho ra những tình tiết khác, tất cả thắt chặt vào nhau như cái dây Enrique Taillefer dùng để treo mình. Không dễ đâu, tôi bảo gã, vì trong văn chương chẳng bao giờ có ranh giới rõ ràng. Thứ này phụ thuộc vào thứ nọ, cái này chồng chập lên cái nọ. Tất cả luôn kết thúc giống như một trò chơi liên văn bản rối rắm trong đó ý nghĩa của mỗi đoạn văn được xác định bởi những đoạn khác, giống như hình ảnh trong phòng gương hay như những con búp bê người Nga. Xác minh một sự kiện cụ thể hay một nguồn chính xác luôn luôn kèm theo những rủi ro mà chỉ có những đồng nghiệp hoặc rất ngốc nghếch hoặc rất tự tin của tôi mới dám làm. Cũng bằng như tuyên bố rằng anh có thể nhận thấy ảnh hưởng của Quo Vadis chứ không phải của Suetonius[1] và Appollonius xứ Rhodes[2] tới Robert Graves[3]. Về phần mình, tôi chỉ biết là tôi không biết gì. Và khi muốn biết gì, tôi tra trong sách – trí nhớ của chúng chẳng bao giờ suy kiệt.
“Bá tước Rochefort là một trong những nhân vật tuyến hai quan trọng nhất trong Ba người lính ngự lâm”, tôi giải thích cho Corso khi gã đến gặp tôi. “Hắn là mật vụ của Hồng y giáo chủ, bạn của Milady và là kẻ thù đầu tiên mà d’Artagnan chuốc lấy. Tôi có thể chỉ ra ngày tháng chính xác: thứ Hai đầu tiên trong tháng Tư năm 1625, ở Meung-sur-Loire… Tất nhiên tôi muốn nói đến Rochefort hư cấu, mặc dù một nhân vật tương tự là có thật. Gatien de Courtilz đã miêu tả hắn trong cuốn Hồi ký được cho là của d’Artagnan thực, đó là một người có tên Rosnas. Nhưng Rochefort có sẹo thì không tồn tại trong đời thực. Dumas đã mượn nhân vật từ một cuốn sách khác, cuốn Mémoires de MLCDR (Monsieur le comte de Rochefort – Hồi ức về ngài Bá tước Rochefort), có khả năng được ngụy tạo và cũng được quy cho Courtilz. Có vài người cho rằng cuốn sách đó thuộc về tác giả Henri Louis d’Aloigny, Hầu tước Rochefort, sinh khoảng năm 1625, nhưng đó chỉ là suy diễn.”
Tôi nhìn ra đường phố lấp lánh ánh đèn xe ngoài cửa sổ quán cà phê nơi tôi ngồi với mấy bạn văn. Cả bọn tụ tập quanh cái bàn ngổn ngang cốc chén, gạt tàn thuốc và những tờ báo – hai nhà văn, một họa sĩ thất cơ lỡ vận, một nữ nhà báo gặp thời, một diễn viên kịch và bốn năm sinh viên, những người thường ngồi trong góc không hề mở miệng và nhìn ta như thể ta là Chúa Trời. Corso ngồi tựa cửa sổ giữa đám đông, vẫn mặc áo khoác, tay cầm ly rượu gin, thỉnh thoảng ghi chép.
“Chắc chắn rằng,” tôi nói thêm, “những độc giả xem xong sáu mươi bảy chương Ba người lính ngự lâm chờ đợi trận quyết đấu giữa Rochefort và d’Artagnan đều sẽ phải thất vọng. Dumas giải quyết chuyện này chỉ với ba dòng, và có phần không minh bạch. Bởi vì khi chúng ta gặp lại Rochefort trong Hai mươi năm sau, hắn và d’Artagnan đã đánh nhau ba lần và kết quả Rochefort có thêm ngần ấy vết sẹo. Tuy vậy, bọn họ đã hết căm thù nhau. Thay vào đó họ xoay sang kính phục nhau, cái kiểu tương kính kỳ quặc chỉ có thể có giữa hai kẻ cựu thù. Một lần nữa số mệnh bắt họ đấu với nhau trên phương diện khác, nhưng lúc này họ là bạn bè, là đồng chí hướng, là hai đấng trượng phu đã biết nhau suốt hai mươi năm… Rochefort thất sủng dưới thời Hồng y Mazarin, trốn khỏi ngục Bastille và giúp Công tước de Beaufort chạy trốn. Hắn âm mưu cùng với phe nổi loạn trong nội chiến và chết trong tay d’Artagnan, chàng đã đâm hắn một nhát gươm do không nhận ra hắn giữa cảnh hỗn chiến. ‘Anh là số mệnh của tôi,’ hắn bảo chàng trong cơn hấp hối. ‘Tôi hồi phục được sau ba lần bị thương vì gươm của anh, nhưng không thoát khỏi mũi gươm thứ tư.’ Rồi hắn chết. ‘Tôi vừa giết chết một người bạn cũ,’ sau đó d’Artagnan nói với Porthos. Đây là lời ai điếu duy nhất gã cựu mật vụ của Richelieu nhận được sau khi chết.”
Lời phát biểu của tôi dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi giữa nhiều phe phái. Suốt buổi chiều, người diễn viên không rời mắt khỏi cô nhà báo. Đó là một ông già đa cảm từng sắm vai Monte Cristo trong một xê ri truyền hình nhiều tập. Được họa sĩ và hai nhà văn khuyến khích, ông liền hùng hồn kể một thôi dài hồi ức của ông về các nhân vật. Cứ như thế chúng tôi chuyển từ Dumas qua Zevaco và Paul Feval, rồi kết thúc bằng việc khẳng định một lần nữa về ảnh hưởng không chối cãi được của Sabatini tới Salgari. Tôi nhớ hình như có ai đó rụt rè nhắc tới Jules Verne nhưng liền bị tất cả mọi người la ó át đi. Những người hùng lạnh lùng vô cảm của Verne không có chỗ trong buổi đàm luận về những chuyện ly kỳ hồi hộp với áo choàng đen và lưỡi dao găm.
Riêng nữ nhà báo, một ả đỏm dáng đúng điệu thời trang phụ trách một chuyên mục trên một tờ báo Chủ nhật hàng đầu, với cô ta hồi ức văn chương bắt đầu từ Milan Kundera. Vì thế cô ta dè dặt trông chờ tán thành với vẻ nhẹ cả người khi nào có một nhan đề, một giai thoại hay nhân vật (Thiên nga đen, Yañez,Never’s sword wound) khơi dậy ký ức về một bộ phim đã xem trên truyền hình. Trong khi đó Corso, như một thợ săn lặng lẽ kiên trì, dán mắt vào tôi bên trên ly rượu gin, chờ cơ hội lái cuộc đối thoại về đề tài ban đầu. Và gã đã thành công bằng cách tận dụng khoảng khắc im lặng lúng túng khi nhà báo nói rằng, dù sao đi nữa, cô ta thấy những câu chuyện phiêu lưu này khá tầm thường, ý tôi là nông cạn, các bạn có thấy thế không?
Corso gặm đuôi bút chì. “Vậy ông nghĩ thế nào về vai trò của Rochefort trong lịch sử, thưa ông Balkan?”
Mọi con mắt đều đổ dồn vào tôi, đặc biệt là đám sinh viên, trong số đó có hai cô gái. Tôi không biết tại sao, nhưng trong phạm vi nào đó tôi được coi như một đức cha bề trên trong lĩnh vực văn học, ý kiến của tôi được dân chúng đón nhận như những khuôn vàng thước ngọc. Một bài phê bình của tôi trên một tạp chí thích hợp có thể đưa một nhà văn lên voi hay xuống chó. Ngớ ngẩn thật, nhưng đời là thế. Hãy hình dung người đoạt giải Nobel vừa rồi, tác giả cuốn I, Onan, cuốn In search of Myself và cuốn sách quá thành công Oui, C’est Moi. Mười lăm năm trước chính tôi đã giúp tên tuổi ông ta trở nên quen thuộc, bằng một trang rưỡi trên tờ Le Monde vào ngày Cá tháng Tư. Tôi sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho mình, nhưng bánh xe cuộc đời nó quay như thế đấy.
“Đầu tiên Rochefort là kẻ thù,” tôi nói. “Hắn đại diện cho bóng tối, cho thế lực ngầm luôn tiến hành những mưu ma chước quỷ xoay quanh d’Artagnan và các bạn chàng, thực hiện những kế hoạch ám muội của Hồng y giáo chủ đe dọa tính mạng họ…”
Tôi nhận ra một người ngồi trong đám sinh viên mỉm cười, nhưng tôi không thể chắc cô ấy có hoàn toàn bị thu hút hay không, thái độ giễu cợt nhẹ nhàng là vì ý kiến của tôi hay chỉ là do suy nghĩ của cá nhân cô chẳng liên quan gì đến cuộc tranh luận. Tôi chỉ ngạc nhiên vì, khi tôi nói, các sinh viên thường lắng nghe với nỗi kinh sợ của một biên tập viên tờ Ossesvatore Romano[4] khi được độc quyền những thông tin chính thức của Giáo hoàng. Điều đó khiến tôi nhìn cô đầy hứng thú. Mặc dù ngay từ đầu khi cô nhập bọn tôi đã để ý tới đôi mắt xanh khiến người ta bối rối. Mặc chiếc áo khoác len thô màu xanh dương, nách cắp một chồng sách, mái tóc màu hạt dẻ cắt ngắn, trông cô như con trai. Lúc này cô ngồi hơi tách ra, không hẳn là nhập cùng một hội với đám kia. Ở bàn chúng tôi thường có mấy sinh viên khoa văn được tôi mời tới uống cà phê. Nhưng trước đó cô gái này chưa bao giờ tham dự. Không thể nào quên đôi mắt cô. Tương phản với gương mặt rám nắng, màu mắt cô rất sáng, gần như trong suốt. Thân hình mềm mại mảnh khảnh chứng tỏ cô hoạt động ngoài trời rất nhiều. Chắc hẳn đôi chân dài trong lớp quần bò cũng rám nắng. Tôi còn nhận thấy một điều khác: cô không đeo vòng, không đồng hồ, khuyên tai, cũng chẳng có lỗ xâu khuyên tai.
“Rochefort cũng là một nhân vật chợt ẩn chợt hiện, không sao túm được hắn ta.” Tôi tiếp tục. “Diện mạo bí ẩn và một vết sẹo. Hắn đại diện cho nghịch lý và sự bất lực của d’Artagnan. D’Artagnan mải miết chạy theo hắn nhưng không bao giờ bắt kịp. Chàng cố giết hắn nhưng chỉ thành công nhờ một sự lầm lẫn hai mươi năm sau. Khi ấy Rochefort không còn là đối thủ mà đã trở thành bạn chàng.”
“Cái anh chàng d’Artagnan ấy của anh cũng thật xúi quẩy,” một người trong nhóm tôi, người lớn tuổi hơn trong hai nhà văn nói. Ông ta chỉ bán được vẻn vẹn năm trăm bản in cuốn tiểu thuyết mới nhất, nhưng lại kiếm được bộn tiền khi viết những truyện trinh thám dưới bút danh khó lòng chấp nhận được Emilia Forster. Tôi vui vẻ nhìn ông ta, hài lòng với một nhận xét đúng lúc.
“Hoàn toàn đúng. Người chàng ta yêu nhất đời bị đầu độc. Mặc dù có những chiến công chói lọi và những cống hiến cho ngai vàng nước Pháp, chàng ta đã phải sống trong âm thầm hai mươi năm với cấp bậc trung úy ngự lâm quân. Và ở phần cuối của Tử tước Bragelonne, khi vừa được vinh thăng thống chế, mục tiêu đã khiến chàng tiêu phí bốn tập và bốn trăm hai mươi lăm chương mới đạt được, thì một viên đạn của người Đức lại giết chết chàng.”
“Giống như d’Artagnan trong đời thật,” người diễn viên nói, ông ta đã đặt được bàn tay lên đùi cô ả phụ trách chuyên trang sành điệu.
Tôi chấp một ngụm cà phê trước khi gật đầu. Corso chăm chú nhìn tôi.
“Có ba d’Artagnan,” tôi giải thích. “Đầu tiên là Charles de Batz Castlemore, ta biết rằng ông ta chết ngày hai mươi ba tháng Sáu năm 1673 vì một vết đạn ở cổ trong trận bao vây Maastricht, như trong thông cáo của tờ Gazette de France hồi ấy. Một nửa số lính dưới quyền đi theo ông ta. Ngoài sự kiện này sau khi ông ta chết, trong đời thực ông ta chỉ may mắn hơn người cùng tên huyền thoại một chút.”
“Ông ta cũng là người xứ Gascon?”
“Phải, ở Lupiac. Làng này nay vẫn còn, có một tấm bia đá tưởng niệm ông ta ở đó: ‘D’Artagnan, tên thực là Charles de Batz, ra đời tại đây khoảng năm 1615. Chết năm 1673 trong trận bao vây Maastricht.’”
“Không phù hợp lắm với lịch sử,” Corso xem sổ ghi xong liền nói. “Theo Dumas, d’Artagnan mười tám tuổi khi tiểu thuyết bắt đầu năm 1625. Lúc đó d’Artagnan thực mới chỉ mười tuổi.” Gã cười như một chú thỏ con lanh lợi, đa nghi. “Còn trẻ quá, chưa thể mang gươm được.”
Tôi đồng ý. “Phải. Dumas đã sửa đổi sự kiện để d’Artagnan có thể tham gia trò chơi truy tìm kim cương dưới thời Richelieu và Louis XIII. Charles de Batz hẳn phải tới Paris từ khi rất trẻ: ông ta có tên trong danh sách quân cận vệ ở đại đội của ngài Essarts theo tài liệu về chiến dịch bao vây Arras năm 1640, và hai năm sau trong chiến dịch Roussillon. Nhưng dưới thời Richelieu ông ta không hề phục vụ trong màu áo lính ngự lâm, vì ông ta gia nhập trung đoàn danh tiếng đó chỉ sau khi Louis XIII chết. Người bảo hộ thực thụ của anh ta là Hồng y giáo chủ Jules Mazarin. Rõ ràng có một khoảng trống mười hoặc mười lăm năm giữa hai chàng d’Artagnan. Nhưng cùng với sự thành công của Ba người lính ngự lâm, Dumas đã mở rộng tầm hành động bao trùm gần như cả bốn mươi năm lịch sử nước Pháp. Trong những tập tiếp theo ông đã điều chỉnh để câu chuyện phù hợp hơn với những sự kiện thực.”
“Thực ra thì đã có bao nhiêu sự kiện được xác minh? Tôi muốn nói tới những sự kiện lịch sử có dính dáng đến d’Artagnan thực?”
“Rất ít. Tên ông ta xuất hiện trong thư từ của Mazazin và trong báo cáo của Bộ Chiến tranh. Giống như người anh hùng huyền thoại, ông ta là nhân viên chìm của Hồng y giáo chủ trong thời nội chiến với trách nhiệm quan trọng trong triều đình vua Louis XIV. Thậm chí anh ta còn được giao phó một nhiệm vụ phức tạp là bắt giữ và áp giải bộ trưởng tài chính Fouquet. Tất cả những sự kiện này được khẳng định trong thư từ của Madame de Sévigné. Anh ta cũng gặp họa sĩ Vélazquez trên Đảo Chim trĩ khi tháp tùng Louis XIV trong chuyến vi hành của nhà vua tới gặp vợ chưa cưới Maria Theresa nước Áo…”
“Lúc bấy giờ anh ta đã hoàn toàn biến thành người của cung đình. Khác hẳn với chàng lãng tử d’Artagnan của Dumas.”
Tôi giơ tay biện hộ rằng Dumas vẫn tôn trọng sự thật.
“Đừng ngớ ngẩn. Charles de Batz, hay là d’Artagnan tiếp tục chiến đấu đến hết đời. Anh ta phục vụ dưới quyền Turenne ở xứ Flandre, và năm 1657 được phong hàm trung úy ngự lâm quân áo xám, tương đương với sĩ quan chỉ huy đơn vị. Mười năm sau trở thành đại úy ngự lâm quân chiến đấu ở xứ Flandre, một chức vụ ngang với tướng kỵ binh.”
Hai mắt Corso nheo lại dưới cặp kính.
“Xin lỗi.” Gã nghiêng người qua bàn về phía tôi, tay cầm bút chì. Gã ghi lại một cái tên hay ngày tháng gì đấy. “Chuyện này xảy ra năm nào?”
“Anh ta được thăng tướng ấy hả? 1667. Cái gì khiến ông để ý đến chuyện đó?”
Gã cắn môi dưới để chìa ra mấy chiếc răng cửa. Nhưng chỉ trong một thoáng. “Không gì hết.” Khi nói, nét mặt gã lại trở nên dửng dưng. “Cùng cái năm ấy có người nào đấy bị hỏa thiêu ở Rome. Một trùng hợp kỳ lạ…” Lúc này gã nhìn tôi trừng trừng. “Cái tên Aristide Torchia có gợi nên cái gì cho ông không?”
Tôi gắng nhớ lại. Không có khái niệm gì hết. “Không gì hết,” tôi đáp. “Phải chăng người này có liên quan gì tới Dumas?”
Gã do dự. “Không,” sau cùng gã nói, mặc dù không có vẻ tự tin mấy. “Chắc là không. Nhưng xin cứ tiếp tục. Ông đang nói về d’Artagnan thật ở xứ Flandre.”
“Anh ta chết ở Maastricht, như tôi đã nói, khi dẫn đầu đơn vị tiến lên. Một cái chết anh dũng. Người Anh và người Pháp bao vây thành phố. Họ phải băng qua một con đường độc đạo nguy hiểm, và d’Artagnan xung phong dẫn đầu để tỏ ra lịch sự với quân đồng minh. Một viên đạn súng trường xé rách cổ anh ta.”
“Khi đó anh ta chưa trở thành thống chế.”
“Không. Alexandre Dumas thật đáng khen khi trao cho d’Artagnan hư cấu cái mà Louis XIV đã từ chối không cho người tiền bối bằng xương bằng thịt của anh ta… Có mấy cuốn sách thú vị về đề tài này. Ông có thể ghi lại tên sách nếu muốn. Một cuốn của Charles Samaran, “D’Artagnan, capitaine des mousquetaires du roi, histoire véridique d’un héros de roman – D’Artagna, đại úy ngự lâm quân của nhà vua, chuyện thật về một anh hùng trong tiểu thuyết, xuất bản năm 1912. Một cuốn nữa là Le vrai d’Artagnan – Chàng d’Artagnan thật, tác giả là Công tước Montesquieu-Fezensac, con cháu trực hệ của d’Artagnan thật. Xuất bản năm 1963, hình như vậy.”
Chẳng có gì trong những thông tin này có liên quan rõ rệt đến bản thảo của Dumas, nhưng Corso ghi lại như thể cuộc đời gã phụ thuộc vào nó. Thỉnh thoảng gã rời mắt khỏi cuốn sổ ghi chép liếc nhìn tôi dò hỏi qua cặp kính cong. Hoặc có lúc gã nghiêng đầu sang bên như thể không nghe nữa mà đang đắm chìm trong suy tư. Lúc đó tôi đã biết toàn bộ sự thật về Rượu vang Anjou, thậm chí cả một số mấu chốt để giải đáp những bí mật mà Corso không biết. nhưng tôi không có chút khái niệm nào về mối liên hệ phức tạp giữa Chín cánh cửa với chuyện này. Chẳng biết gã có những ý nghĩ quỷ quái gì trong đầu, nhưng Corso đã bắt đầu có những ý niệm lờ mờ về mối liên hệ ám muội giữa những sự kiện gã có trong tay và – biết nói sao nhỉ - cái gốc văn học của những sự kiện này. Toàn bộ chuyện này xem ra vẫn khá lộn xộn, nhưng đừng nên quên rằng đối với Corso lúc ấy vấn đề có vẻ như thế. Và tuy rằng tôi thuật lại câu chuyện sau khi phân tích những sự kiện trọng yếu, song cái cốt lõi của cái vòng lặp này – hãy nhớ đến những bức họa của Escher hay thế giới của lão bợm già Bach[5] – buộc ta không ngớt quay trở về điểm xuất phát và tự giới hạn mình trong những hiểu biết hạn hẹp của Corso. Luật chơi là biết và im lặng. Ngay cả trong một trò gian lận, không có luật thì không có trò chơi.
“Ok,” Corso nói sau khi đã chép lại những tựa sách được gợi ý. “Đó là d’Artagnan thứ nhất, là người thật việc thật. Nhân vật huyền thoại của Dumas là người thứ ba. Tôi cho rằng quan hệ giữa họ là cuốn sách của Gatien de Courtilz ông đã cho tôi xem bữa trước, cuốn Hồi ký của ngài d’Artagnan.”
“Chính thế. Ta hãy gọi người ít nổi tiếng nhất trong ba người là mắt xích còn thiếu. Một chàng xứ Gascon làm trung gian giữa một nhân vật văn học và một người có thật. Chính là kẻ được Dumas dùng để tạo ra nhân vật của ông… Nhà văn Gatien de Courtilz de Dandras là người cùng thời với d’Artagnan. Ông ta nhận thấy tiềm năng tiểu thuyết hóa ở nhân vật này và bắt tay vào làm việc. Một thế kỷ rưỡi sau, Dumas kiếm được cuốn sách trong một chuyến du lịch Marseilles. Người chủ nhà ông thuê có một người anh em trông nom thư viện công cộng. Hình như người này trao cho Dumas cuốn sách xuất bản năm 1700 ở Cologne. Dumas nhận ra rằng ông có thể sử dụng cốt truyện nên liền hỏi mượn cuốn sách. Rồi chẳng bao giờ trả lại.”
“Chúng ta biết những gì về người tiền bối của Dumas, Gatien de Courtilz?”
“Khá nhiều. Một phần là do cảnh sát còn lưu một tập tư liệu khá lớn về ông ta. Ông ta sinh năm 1644 hay 1647 và là lính ngự lâm, một tay kèn trong Royal Etranger, một kiểu đội quân lê dương ngoại quốc thời bấy giờ, và là đại úy trung đoàn kỵ binh ở Beaupré-Choiseul. Khi cuộc chiến chống lại người Hà Lan kết thúc, trận chiến mà d’Artagnan bị giết, Courtilz ở lại Hà Lan và bỏ nghề binh theo nghiệp văn chương. Ông viết tiểu sử, chuyên khảo lịch sử, những cuốn hồi ký ít nhiều hư cấu, những chuyện tầm phào giật gân về những mưu mô trong cung đình nước Pháp. Việc này mang lại phiền toái cho ông ta. Hồi ký của ngài d’Artagnan thành công đáng kinh ngạc: năm lần xuất bản trong vòng mười năm. Nhưng cuốn sách khiến Louis XIV không vui. Nhà vua không thích giọng điệu bất kính thường xuyên kể hết chi tiết nọ về Hoàng gia và quần thần. Kết quả là Courtilz bị bắt khi trở lại nước Pháp và bị giam ở Bastille để Hoàng thượng vui lòng cho đến ít lâu trước khi ông chết.”
Người diễn viên tranh thủ khoảng thời gian tôi tạm dừng để chêm vào, không đúng lúc tí nào, một đoạn trích trong Mặt trời lặn ở xứ Flandre của Marquina“Đại úy của chúng ta,” ông ta ngâm, “bị thương nặng, vẫn dẫn đầu, bất chấp cơn đau khủng khiếp cuối cùng. Thưa các ngài, ngày ấy quả thực có một đại úy như vậy…” Hay là gì đấy tương tự. Đó là một nỗ lực dơ dáng nhằm tỏa sáng trước mặt cô nhà báo mà cái đùi đã nằm trọn trong tay ông ta với điệu bộ của người chiếm hữu. Những người khác, đặc biệt là nhà văn viết truyện dưới bút danh Emilia Forster, nhìn ông ta với vẻ hoặc đố kỵ hoặc căm tức không che giấu.
Sau một hồi im lặng lịch sự, Corso quyết định chuyển quyền kiểm soát tình hình cho tôi.
“D’Artagnan của Dumas lấy lại từ d’Artagnan của Courtilz bao nhiêu?”
“Cũng kha khá. Mặc dù trong Hai mươi năm sau và trong Bragelone Dumas sử dụng nguồn khác, song cốt truyện của Ba người lính ngự lâm là lấy từ Courtilz. Dumas áp đặt thiên tài của mình vào khai triển nó và thổi vào đó sức sống, song ngay trong bản phác thảo đầu tiên, những nét chung chứa toàn bộ các nhân tố của câu chuyện đã có sẵn rồi: cha ban phúc cho chàng, bức thư gửi Treville, vụ thách đố của mấy người lính ngự lâm tình cờ trở thành chiến hữu. Milady cũng lộ diện. Và hai chàng d’Artagnan giống nhau như hai giọt nước. Nhân vật của Courtilz hơi độc mồm hơn, bủn xỉn hơn và không đáng tin bằng. Nhưng họ là một.”
Corso hơi cúi mình về phía trước. “Trước đó ông nói rằng Rochefort tiến hành những mưu ma chước quỷ xung quanh d’Artagnan và các bạn anh ta. Nhưng Rochefort chỉ là một tên tay sai.”
“Quả vậy. Phục vụ cho Đức Hồng y giáo chủ Armand Jean du Plessis Richelieu…”
“Kẻ ác,” Corso nói.
“Linh hồn của cái ác,” người diễn viên quyết định xen vào.
Đám sinh viên bị kích động bởi cuộc đột kích của bọn tôi vào chủ đề truyện nhiều kỳ, vội lấy bút ghi chép hoặc há mồm lắng nghe. Nhưng cô bé mắt xanh vẫn bình thản ngồi hơi tách ra, như thể cô chỉ tình cờ có mặt ở đó.
“Với Dumas,” tôi tiếp tục, “ít nhất trong phần đầu của loạt truyện Lính ngự lâm, Richelieu giữ vai trò chủ đạo trong toàn bộ những vụ phiêu lưu tình ái và những chuyện bí ẩn: kẻ thù đầy quyền năng ẩn núp trong bóng tối, hiện thân của cái ác. Đối với nước Pháp, Richelieu là một con người vĩ đại. Nhưng trong Lính ngự lâm, ông ta chỉ được phục hồi danh dự sau hai mươi năm. Ông Dumas gian xảo đã khôn khéo sắp xếp cho phù hợp với sự thực nhưng vẫn không làm giảm tính hấp dẫn của tiểu thuyết. Ông đã kiếm được một nhân vật phản diện khác: Mazarin. Sự điều chỉnh này, ngay cả khi tác giả để cho d’Artagnan và các bạn nói ra lời bằng cách ca ngợi lòng cao thượng của kẻ thù cũ, cũng là đáng ngờ về mặt đạo đức. Với Dumas đó là một hành vi phù hợp với sự ăn năn. Tuy nhiên trong tập đầu của bộ truyện, khi lập mưu giết Buckingham và hạ bệ Nữ hoàng Anne nước Áo, hoặc khi trao toàn quyền hành động cho nàng Milady nguy hiểm, Hồng y giáo chủ Richelieu luôn là hiện thân của kẻ ác hoàn hảo. Đức Hồng y với d’Artagnan cũng như hoàng thân Gonzaga đối với Lagardère hay Giáo sư Moriarty với Sherlock Holmes. Là một thực thể ma quỷ và bí ẩn.”
Corso coi bộ muốn ngắt lời tôi, thật kỳ cục. Tôi đang dần dần hiểu gã hơn, gã có đặc điểm là không bao giờ ngắt lời người đối thoại chừng nào thông tin chưa được chuyển giao trọn vẹn, chừng nào chi tiết cuối cùng chưa được phun ra.
“Ông đã hai lần dùng từ ma quỷ,” gã nói và xem lại phần ghi chép. “Và cả hai lần đều là với Richelieu. Có phải ông ta là người say mê các trò huyền bí không?”
Câu hỏi của gã gây hiệu quả kỳ lạ. Cô gái trẻ quay lại tò mò nhìn Corso. Gã nhìn tôi, tôi lại nhìn cô gái. Gã chờ câu trả lời của tôi, không biết gì về cái tam giác khác thường này.
“Richelieu hứng thú với khá nhiều thứ,” tôi giải thích. “Ngoài việc biến nước Pháp thành một siêu cường, ông ta còn dành thời gian sưu tập tranh, tượng, thảm và đồ sứ. Ông ta cũng là một nhà sưu tầm sách lớn. Ông ta đóng sách thành tập bằng da dê và da Marốc màu đỏ…”
“Và còn có những thứ vũ khí bằng bạc và ba góc đỏ trên gia huy,” Corso ra hiệu tỏ vẻ sốt ruột. Những thông tin này rất vụn vặt, gã không cần tôi phải nói. “Có một catalô rất nổi tiếng của Richelieu.”
“Cuốn catalô đó không toàn vẹn, bởi vì bộ sưu tập đã tan nát. Hiện giờ chúng nằm rải rác ở Thư viện Quốc gia Pháp, thư viện Mazazin và trường Sorbonne, những cuốn sách khác thì thuộc sở hữu tư nhân. Ông ta có những bản thảo viết tay bằng tiếng Do Thái cổ và tiếng Syria, những tác phẩm quý trong lĩnh vực toán học, y học, thần học, luật và lịch sử… Và ông nói đúng. Nhiều học giả đã rất ngạc nhiên khi phát hiện những văn bản cổ về huyền học, từ phép cabbala của dân Do Thái cho tới ma thuật.”
Corso lặng lẽ chịu đựng ánh mắt tôi. Gã có vẻ thật căng thẳng, giống như sợi dây cung sắp bật.
“Không có cuốn sách nào đặc biệt ư?”
Tôi lắc đầu trước khi trả lời. Thái độ cố chấp của gã khiến tôi tò mò. Cô gái chăm chú lắng nghe, nhưng rõ ràng là cô không còn tập trung chú ý vào tôi nữa. Tôi nói, “Thông tin tôi có về Richelieu trong vai trò của một nhân vật của một bộ truyện nhiều tập không đi xa đến thế.”
“Thế còn Dumas? Ông ta cũng hứng thú với những trò huyền bí à?”
Đến đây, tôi nhấn mạnh:
“Không, Dumas là một người đàng hoàng, làm mọi việc giữa thanh thiên bạch nhật, gây niềm thích thú lớn lao và gây sốc cho tất cả mọi người xung quanh. Ông cũng có đôi chút mê tín. Ông tin vào Ác nhãn[6], gắn một tấm bùa hộ mệnh trên dây đeo đồng hồ và tin theo lời đoán mệnh của Madame Desbarolles. Nhưng tôi không nghĩ là ông thực hành ma thuật trong phòng kín. Thậm chí ông còn không phải là hội viên Hội Tam điểm, như ông từng thú nhận trong Thế kỷ của Louis XV. Ông mắc nợ và bị các nhà xuất bản cũng như chủ nợ săn lùng – những chuyện như vậy đủ khiến ông quá bận bịu rồi. Có lẽ khi tìm cách sáng tạo nhân vật, ông đã nghiên cứu chủ đề này, nhưng chưa bao giờ đi quá sâu. Tôi tin rằng tất cả những hoạt động của Hội Tam điểm mô tả trong Joseph Balsam và Người Mohican ở Paris được ông lấy ra trực tiếp từ cuốn Lịch sử huy hoàng của Hội Tam điểm của Clavel.”
“Còn Adah Menken thì sao?”
Tôi nhìn Corso kính nể. Đúng là câu hỏi của một bậc thầy.
“Đó là chuyện khác. Adah-Isaacs Menken, người tình cuối cùng của ông, là một nữ diễn viên Mỹ. trong Hội chợ triển lãm 1867[7], khi xem vở Những tên cướp biển ở Savannah, Dumas để ý một thiếu phụ trẻ đẹp bám theo con ngựa đang phi nhanh trên sân khấu. Cô gái này túm chặt lấy nhà văn khi ông rời rạp hát rồi nói huỵch toẹt rằng cô đã đọc tất cả sách của ông và sẵn sàng lên giường ngay lập tức với ông. Ông già Dumas không cần nhiều đến thế để say đắm một người đàn bà, vậy nên ông chấp nhận ngay sự dâng hiến của cô. Cô ta khẳng định từng là vợ của một triệu phú, người tình của quốc vương, phu nhân một vị tướng… Trên thực tế cô ta là người Do Thái Bồ Đào Nha sinh ở Mỹ và là người tình của một người đàn ông kỳ dị vừa là kẻ dẫn gái vừa là võ sĩ quyền Anh. Quan hệ của cô ta với Dumas gây nên một vụ tai tiếng lớn, vì Menken thích được chụp ảnh trong những bộ quần áo bó chẽn và thường xuyên qua lại số nhà 107 phố Malesherbes, ngôi nhà cuối cùng của Dumas ở Paris. Cô ta chết vì chứng viêm màng bụng sau một cú ngã ngựa ở tuổi ba mươi mốt.”
“Cô ta có hứng thú với ma pháp không?”
“Thấy nói vậy. Cô ta thích có mặt ở những buổi lễ nơi cô ta mặc áo khoác hở tay lưng chẽn, đốt hương dâng lễ cho Chúa tể của Bóng đêm… Đôi khi cô ta cầu được Satan chiếm hữu, bằng những cử chỉ điệu bộ mà ngày nay ta phải dùng từ khiêu dâm để miêu tả. Tôi tin rằng ông già Dumas chẳng tin một chút nào chuyện đó, nhưng ông hứng thú với toàn bộ trò diễn này. Có vẻ như khi Menken bị ác ma chiếm hữu, cô ta trở nên hết sức nồng nhiệt ở trên giường.”
Có tiếng cười quanh bàn. Thậm chí tôi tự cho phép khẽ mỉm cười, nhưng cô gái và Corso vẫn nghiêm trang. Cô gái có vẻ suy tư, đôi mắt nhạt màu chăm chú nhìn Corso khi gã chậm rãi gật đầu, mặc dù lúc này có vẻ như gã đang lơ đãng và xa xăm. Gã nhìn ra phố xá ngoài cửa sổ như đang tìm kiếm trong bóng đêm, giữa dòng đèn pha ô tô lặng lẽ phản chiếu trên đôi mắt kính gã đeo, tìm cái từ thất lạc, chìa khóa để hợp nhất toàn bộ những sự kiện khác biệt đang bềnh bồng trôi nổi như những chiếc lá chết trong đại dương thời gian tối sẫm.
LÚC NÀY MỘT LẦN NỮA TÔI lại lùi vào hậu cảnh, giống như người tường thuật gần như gì cũng biết về những câu chuyện phiêu lưu của Corso. Bằng cách này, với thông tin sau đó Corso tiết lộ với tôi, những sự kiện bi thảm tiếp theo có thể được sắp xếp theo một trình tự nào đó. Vì vậy chúng ta tới với thời điểm mà, khi trở về nhà, gã gặp người gác cổng vừa quét dọn xong hành lang và sắp sửa ra về. Gã đi ngang qua khi người này mang mấy thùng rác từ tầng hầm lên.
“Chiều nay người ta có tới sửa ti vi cho ông, ông Corso.”
Corso đã đọc đủ số sách và xem đủ phim để hiểu điều đó có nghĩa gì. Vì vậy gã không khỏi phì cười, khiến người gác cổng ngạc nhiên.
“Đã từ lâu rồi tôi không có ti vi.”
Người gác cổng tuôn ra một chuỗi lời lúng búng xin lỗi nhưng Corso hầu như không để ý. Đúng là khởi đầu của lời dự báo đáng ngạc nhiên. Bởi vì đây là chuyện những cuốn sách, gã phải tiếp cận vấn đề như một người đọc sáng suốt, biết phê phán, không giống như người hùng trong tiểu thuyết ba xu, mặc dù có kẻ đang cố sao cho gã trở thành người hùng trong tiểu thuyết ba xu. Cũng không phải là gã không được quyền lựa chọn: bản chất gã là lãnh đạm và hoài nghi. Không phải là hạng người yếu đuối chỉ biết hoảng hốt kêu than, “Ồ không!”
“Tôi hy vọng tôi không làm cái gì sai, thưa ông Corso.”
“Không hề gì. Người thợ sửa chữa có nước da đen, đúng không? Anh ta có ria và vết sẹo trên mặt?”
“Đúng vậy.”
“Đừng lo. Anh ta là bạn tôi. Anh ta thích đùa.”
Người gác cổng thở phào nhẹ nhõm. “Tôi thật nhẹ cả người, ông Corso.”
Corso không lo gì về Chín cánh cửa hay bản thảo của Dumas. Khi gã không mang chúng theo trong cái túi vải buồm, gã để chúng trong két an toàn ở quán bar Makarova. Đấy là nơi an toàn nhất để cất đồ. Thành thử gã điềm nhiên leo lên cầu thang, cố gắng hình dung cảnh tượng mình sắp thấy. Bây giờ gã đã thành cái thứ mà một số người gọi là độc giả cấp hai, gã sẽ thất vọng nếu như gặp phải một màn kịch được dàn dựng theo khuôn sáo cũ rích. Gã nhẹ người khi mở cửa ra. Không thấy giấy tờ vương vãi trên sàn, không thấy những ngăn kéo mở tung, thậm chí không thấy những vết rạch trên mấy ghế tựa. Tất cả vẫn ngăn nắp như khi gã ra khỏi nhà chiều hôm trước.
Gã bước tới bàn làm việc. Mấy hộp đĩa mềm vẫn ở chỗ cũ, giấy tờ tài liệu vẫn ở trên khay đúng như gã còn nhớ. Người đàn ông mặt sẹo, Rochefort hay bất kỳ thằng khốn nào dứt khoát là đã thành công. Nhưng mọi cái đều có giới hạn. Khi bật máy tính lên, Corso mỉm cười đắc thắng.
DAGMAR PC 555K (S1) ELECTRONIC PLC
LAST USED AT 19:35/THU/3/21
A> ECHO OFF
A>
Sử dụng lúc 19:35, màn hình báo. Nhưng Corso không mó vào máy tính suốt hai mươi tư giờ qua. Lúc 19:35 gã ngồi với bọn tôi ở quán cà phê, trong khi cha mặt sẹo đàng hoàng có mặt trong căn hộ của gã.
Corso thấy một thứ mà lúc đầu gã không nhận ra, nằm bên máy điện thoại. Nó hẳn không tình cờ được đặt ở đấy, trừ phi do sự thiếu thận trọng của vị khách bí ẩn. Trong gạt tàn, giữa đám đầu mẩu do chính Corso để lại, gã tìm được một đầu mẩu thuốc còn mới không phải của chính mình. Đó là một điếu xì gà Havana đã cháy gần hết, nhưng dải băng vẫn còn nguyên vẹn. Gã nhấc nó lên. Không tin được. Rồi, từ từ, khi hiểu ra, gã cười to, răng cửa nhe ra như một con sói đói tức giận và hiểm ác.
FLAVIO LA PONTE cũng có khách tới thăm. Một tay thợ ống nước.
“Chẳng có gì đáng cười, mẹ kiếp,” hắn nói thay cho lời chào. Hắn đợi Makarova rót gin rồi trút hết mọi thứ trong cái gói giấy bóng kính nhỏ lên mặt quầy. Cái đầu mẩu điếu xì gà giống hệt, và dải băng cũng y nguyên.
“Edmond Dantès lại tấn công.” Corso nói.
La Ponte không làm sao nắm được tinh thần của câu chuyện. “Ui cha, hắn hút xì gà đắt tiền, đồ con hoang.” Tay hắn run rẩy, làm dổ cả rượu gin ra bộ ria xoắn màu vàng. “Tôi thấy nó trên cái bàn đầu giường.”
Corso chọc hắn. “Cậu phải cầm các thứ cho chắc, Flavio. Cứng rắn lên.” Gã vỗ nhẹ lên vai hắn. “Hãy nhớ đến Câu lạc bộ những Người phóng lao Nantucket.”
La Ponte nhăn mặt xua tay. “Hồi xưa tôi cứng rắn, cho đến lúc tám tuổi. Sau đấy tôi hiểu sống sót vẫn tốt hơn, tôi liền mềm đi.”
Corso dẫn Shakespeare giữa những ngụm rượu gin. Một thằng hèn chết một ngàn lần và gì gì đấy. Nhưng La Ponte không định bảo đảm mạng sống của mình với một đoạn trích. Ít nhất cũng không theo kiểu đó.
“Tôi không sợ, thật đấy,” hắn trầm ngâm nói, mắt cụp xuống. “Tôi chỉ lo mất gì đấy… ví dụ như tiền. Hoặc sức mạnh nam tính kỳ diệu của tôi. Hoặc là mạng sống.”
Đó là những lý lẽ rất nặng cân, và Corso phải thừa nhận rằng sự việc có thể sẽ tiến triển không hay ho gì. La Ponte thêm vào những manh mối khác: khách hàng kỳ lạ muốn mua bản thảo của Dumas với bất cứ giá nào, những cú điện thoại bí ẩn trong đêm…
Corso quan tâm hỏi, “Cậu nhận được những cuộc gọi lúc nửa đêm ư?”
“Phải, nhưng họ không nói gì. Vài giây im lặng, rồi họ gác máy.”
Trong khi La Ponte thuật lại những rủi ro của mình, Corso sờ soạng cái túi vải buồm gã vừa lấy lại ban nãy. Makarova để nó dưới quầy hàng suốt ngày, giữa những hộp chai và thùng đựng bia.
“Tôi không biết phải làm gì nữa,” La Ponte kết luận đầy bi quan.
“Sao cậu không bán quách bản thảo đi cho rồi? Sự việc đã ra ngoài tầm tay.”
La Ponte lắc đầu rồi kêu thêm rượu gin. Một suất đúp.
“Tôi đã hứa với Enrique Taillefer là sẽ bán công khai bản thảo.”
“Taillefer chết rồi. Với lại, cậu có bao giờ giữ lời hứa đâu.”
La Ponte ủ rũ gật đầu, như thể hắn không nguyện ý nhắc lại nữa. Chợt hắn tươi tỉnh hẳn, một chút ngỡ ngàng thoáng hiện trên bộ ra. Miễn cưỡng có thể coi đó là một nụ cười.
“Tiện thể anh đoán coi xem ai gọi?”
“Milady.”
“Gần đúng. Liana Taillefer.”
Corso chán nản nhìn tên bạn. Rồi gã làm một hơi dài cạn ly. “Cậu biết không, Flavio?” Gã hỏi và lấy mu bàn tay quệt miệng. “Đôi khi tôi tưởng như mình đã đọc cuốn sách từ trước rồi.”
La Ponte lại cau mặt.
“Ả muốn lấy lại Rượu vang Anjou,” hắn giải thích. “Cứ như thế, chả cần chứng thực gì hết…” Hắn uống một ngụm, rồi ngập ngừng nhìn Corso cười. “Chẳng lạ lắm sao, bỗng dưng lại quan tâm thế?”
“Cậu nói gì với cô ta?”
La Ponte nhướn mày. “Rằng nó không ở trong tay tôi. Rằng anh giữ bản thảo và tôi đã ký hợp đồng với anh.”
“Thế là dối trá. Chúng ta chẳng ký cái gì hết.”
“Đương nhiên là dối trá. Nhưng như vậy mọi chuyện sẽ trút hết lên đầu anh nếu sự việc xấu đi. Và thế không có nghĩa là tôi không thể cân nhắc những mời chào. Rồi một chiều nào đấy tôi sẽ đi ăn tối với bà góa xinh đẹp. Để bàn công việc. Tôi là một thợ săn cá voi táo bạo mà.”
“Cậu chẳng phải là thợ săn cái cóc gì hết. Một thằng con hoang bẩn thỉu dối trá mà thôi.”
“Phải. Nước Anh sinh ra tôi, lão bợm già Graham Greene đã nói thế. Ở trường tôi có biệt danh là Không phải tôi… Tôi đã kể với anh bằng cách nào tôi qua được môn toán chưa nhỉ?” Hắn nhướng mày lần nữa, âu yếm nhớ lại những kỷ niệm xưa. “Tôi sinh ra đã là kẻ dối trá mà.”
“Được rồi, cẩn thận với Liana Taillefer đấy.”
“Tại sao?” La Ponte say sưa ngắm mình trong cái gương ở quầy bar. Miệng cười dâm đãng. “Tôi đã chuẩn bị những trò rất hot cho người đàn bà này kể từ lúc bắt đầu mang những cuốn truyện nhiều kỳ tới cho lão chồng. Ả chơi với đủ hạng người.”
“Phải rồi. Đủ mọi hạng xoàng xoàng.”
“Anh ác cảm với cô ta à?”
“Sẽ còn có trò lạ xảy ra.”
“Với tôi thế lại hay, nếu trò đó dính dáng tới một nàng tóc vàng xinh đẹp.”
Corso lấy ngón tay gõ gõ lên cái nút thắt cà vạt của La Ponte. “Nghe đây đồ ngốc. Trong truyện trinh thám, bạn của nhân vật chính thường mất mạng. Cậu không thấy sao? Đây là một truyện trinh thám, và cậu là bạn tôi.” Gã nháy mắt với hắn để nhấn mạnh. “Và như vậy cậu sẽ toi đời.”
Khăng khăng bám chặt vào giấc mơ về người đàn bà góa, La Ponte chẳng hề phát hoảng. “Ồ, cứ thử coi. Tôi còn chưa bao giờ trúng mánh nào cho ra hồn. Dù gì tôi cũng từng bảo anh là tôi dự định sẽ nhận một viên đạn vào vai.”
“Nghiêm túc đấy. Taillefer đã chết.”
“Lão tự sát.”
“Ai biết được? Sẽ còn có thêm người chết.”
“Đồ chết tiệt, anh làm tôi mất cả hứng.”
Từ đó cho đến hết buổi tối câu chuyện vẫn xoay quanh chủ để ấy. Họ ra về sau năm hay sáu chầu rượu và thỏa thuận sẽ nói chuyện qua điện thoại khi Corso tới Bồ Đào Nha. La Ponte loạng choạng bỏ đi quên trả tiền, nhưng vẫn nhớ đưa đầu mẩu xì gà cho Corso. “Giờ thì anh có cả cặp rồi nhé,” hắn nói với Corso.
-----------------------
[1] Suetonius: sử gia La Mã (69/75-130 Công nguyên).
[2] Appollonius of Rhodes: người quản lý thư viện Alexandria, nhà thơ, nổi tiếng với sử thi Arganautica, một tác phẩm bậc thầy trong lịch sử thi ca.
[3] Robert Graves: nhà thơ, nhà văn Anh (1895-1985).
[4] Ossesvatore Romano: tờ báo chính thức của Tòa thánh Vatican.
[5] Ở đây nhắc tới cuốn Gõ del, Eshcer, Bach: An Eternal Golden Braid(thường được viết tắt GEB) của Douglas Hofstadter, Giải thưởng Pulitzer 1980.
[6] Evil eye: ác nhãn, ma thuật ở phương Tây, người ta tin là có thể gây tổn thương hay bất hạnh cho người.
[7] Hội chợ triển lãm tổ chức do ý nguyện của Napoléon III ở Paris năm 1867. Là hội chợ lớn nhất trên thế giới tính từ thời điểm đó trở về trước.