Số lần đọc/download: 2875 / 89
Cập nhật: 2015-11-08 11:06:42 +0700
Chương 7
N
gôi nhà bà Mac Ginty bị giết cách điểm đỗ xe buýt có vài bước. Hai đứa trẻ đứng chơi trước cửa, một đứa ngoạm quả táo có vẻ bị sâu, đứa kia vừa hét những tiếng man rợ vừa cầm một đĩa sắt tây gõ ầm ầm lên tường. Poirot góp thêm vào tiếng ồn bằng cách gõ thật mạnh cánh cửa.
Một người đàn bà ló ra từ góc nhà, đầu tóc bù xù, và mặc chiếc tạp dề sặc sỡ.
- Emie, im ngay! - Bà ta hét.
Thằng bé vẫn làm ồn, như không nghe thấy. Poirot tiến về phía bà.
- Đồ mất dạy, không nói nổi nữa! - Bà ta chép miệng, rồi thản nhiên như không.
Poirot xưng danh và được mời vào nhà bằng cửa sau, vì cửa trước đã khóa từ bên trong. Người phụ nữ đi trước dẫn đường. Họ qua một gian bếp ẩm thấp, có phần bẩn thỉu. Người phụ nữ dừng lại, nói:
- Bà ấy không bị giết ở đây, mà trong phòng phía trước.
Không nhận thấy sự ngạc nhiên của Poirot, bà nói tiếp:
- Ông cần vào phòng ấy chứ gì? Có phải ông là người mới ở trọ nhà Summerhayes?
Bụng sướng rơn, Poirot hỏi:
- Ra bà đã biết tôi? Rất hân hạnh... Còn bà là bà...?
- Kiddle. Ông xã nhà tôi làm thợ nề. Mới dọn đến đây đúng bốn tháng. Trước, chúng tôi ở nhà mẹ của Bert... Có những người bảo chúng tôi: “Sao lại dọn đến ở cái nhà có người bị giết ấy?...” Chúng tôi bỏ ngoài tai! Nhà là nhà, ở đây rộng rãi hơn, chứ trước ấy à, cả đống người nhét cùng một phòng!... Với lại, nào có chuyện gì đâu. Người ta cứ bảo người giết sẽ hiện hồn về ban đêm... Có thể, nhưng bà này thì không... Ông muốn xem tận nơi chứ?
Như khách du lịch đến viếng một ngôi nhà lịch sử, có người hướng dẫn hẳn hoi, Poirot theo chân bà Kiddle bước vào một phòng linh kỉnh những đồ đạc, một kiểu phòng khách nhỏ... Bà Kiddle giới thiệu:
- Đây, bà ấy nằm chỗ này, đầu bị vỡ: Phải nói là bà Elliott hết hồn hết vía. Chính bà ấy đã phát hiện ra, cùng với Larkin, ông đưa bánh của hợp tác xã... Còn tiền, thì ở trên kia... Để tôi chỉ cho...
Theo sau bà Kiddle, Poirot lên gác. Buồng ngủ khá rộng: Ông liếc nhìn chiếc giường to có khung bằng đồng, một cái tủ lớn đầy quần áo chưa xếp gọn, cuối cùng đưa mắt xuống mảnh ván sàn có chân bà Kiddle dậm lên:
- Tiền dành dụm đặt dưới này!
Poirot cố hình dung căn phòng như lúc bà Mac Ginty còn sống, rất sạch sẽ, ngăn nắp. Ông hỏi:
- Số đồ đạc này, không phải của bà ấy?
- Không, của bà, bà cháu gái mang đi rồi.
Vậy không còn gì của bà Mac Ginty. Vợ chồng Kiddle đã ngự nơi đây, là những người chủ mới. Cuộc sống vẫn tiếp tục.
Dưới nhà, có tiếng trẻ khóc thét.
- Thằng út của tôi lại thức dậy rồi. - Bà Kiddle giải thích, dù chẳng cần thiết.
Bà lao về phía cầu thang. Poirot đi xuống theo.
Căn nhà này không cung cấp được tin tức gì. Ông sang gõ cửa nhà bên cạnh.
2
- Vâng, chính tôi đã phát hiện ra!
Bà Elliott nói bằng giọng lâm ly. Nhà bà sạch, xinh, có phần đỏm dáng nữa. Ở đây không có gì gợi lại tấn bi kịch, ngoại trừ chính bà Elliott đang tường thuật cái phút đáng nhớ nhất của đời mình. Bà có thân hình cao, gầy, tóc nâu, rất mau miệng.
- Ông Larkin đến báo tôi. Ông ấy đã gõ cửa bà Mac Ginty, cùng với cái tay ở trọ nhà bà ấy; không ai trả lời, ông sợ có tai nạn gì chăng. Có thể lắm... Bà ấy chẳng còn trẻ, mạch đập phập phù, tôi đã biết từ lâu, có thể ngất xỉu lúc nào không biết. Thế là, tất nhiên, tôi đi theo Larkin. Họ là đàn ông đàn ang, vào phòng ngủ người ta không tiện...
Poirot gật gù, vẻ hoàn toàn đồng ý.
- Tôi trèo lên cầu thang. Hắn đang đứng đó, mặt nhợt như xác chết. Sau này tôi mới nhớ lại, chứ lúc ấy tôi đâu đã biết chuyện gì xảy ra. Tôi gõ cửa, và không ai trả lời, tôi liền mở ra. Trong phòng lộn xộn, mọi thứ ngổn ngang, và tôi nhận ra ngay miếng ván sàn bị cậy. “Có kẻ cắp! Tôi kêu. Nhưng bà ấy đâu nhỉ?” Thì ra bà ấy nằm sóng sượt dưới nhà, trong phòng khách... Đã chết, đầu vỡ toang... Một vụ giết người, vừa nhìn, tôi hiểu ngay... Ở đây, tại Broadhinny này! Thế có chết không?... Tôi la ầm lên... và suýt ngất xỉu... Họ phải chạy ra quán Ba con vịt xin cônhăc về đổ cho tôi, thế mà mấy giờ sau, tôi vẫn còn run cầm cập... Rồi tôi về nhà, vẫn chưa hoàn hồn, cho đến khi ông xã tôi về hỏi có chuyện gì... Ông thấy không, từ bé, tôi đã rất sợ trông thấy người chết...
Poirot tìm cách kéo bà Elliott đi vào vấn đề.
- Vâng, điều đó rất tự nhiên. Thế lần cuối cùng bà gặp bà Mac Ginty là bao giờ?
- Có lẽ là hôm trước. Bà ấy đang ở ngoài vườn, hái mấy lá mùi, lúc đó tôi đang cho gà ăn.
- Bà ấy có nói chuyện với bà?
- Bà ấy chào tôi, hỏi gà có đẻ trứng không.
- Và đấy là lần cuối cùng bà nhìn thấy? Ngày hôm bà ấy chết, bà có gặp không?
- Không. Song, hôm ấy, tôi có thấy hắn. Lúc đó dễ đã mười một giờ. Hắn đang đi dạo trên đường, như mọi khi.
Poirot chờ xem bà có nói gì thêm. Không có, ông liền đặt câu hỏi nữa:
- Lúc người ta bắt hắn, bà có ngạc nhiên?
- Trời! Vừa có vừa không. Ông hiểu không, tôi vẫn có cảm giác là tay này không bình thường, và với những kẻ đầu óc không ổn định như thế, thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Đôi khi, chúng khùng lên... Tôi có một ông chú như thế! Lúc thường thì củ mỉ cù mì, nhưng có lúc như điên lên... Theo tôi, tay Bentley này đúng là một tên lẩn thẩn, nếu không treo cổ cũng phải nhốt hắn vào nhà thương điên... Chỗ hắn là ở đó. Hãy xem hắn giấu tiền ở đâu! Giấu ngay chỗ này, ở nơi chắc chắn người ta sẽ tìm thấy ngay lập tức, không điên thì là gì?
“Phải, hoặc hắn lại mong người ta tìm thấy ngay lập tức”
Poirot nghĩ bụng.
Rồi ông hỏi to:
- À này, tình cờ bà có thấy trong nhà mất cái gì, một con dao, một cái rìu?
- Không. Cảnh sát đã hỏi tôi, mà cũng hỏi cả làng rồi. Hắn chém bà ấy bằng cái gì, chưa ai tìm ra!
3
Hercule Poirot thong thả đi về trạm bưu điện.
Tên sát nhân đã muốn người ta tìm thấy tiền, không tìm thấy hung khí. Bởi vì tiền tìm thấy sẽ tố cáo James Bentley. Nếu tìm ra hung khí, ai sẽ bị tố cáo?
Poirot đã nói chuyện với hai bà hàng xóm khác của bà Mac Ginty. Không lắm miệng bằng bà Kiddle và không lâm ly bằng bà Elliott, họ cho biết Mac Ginty là một bà già đàng hoàng, không hay dính mũi vào chuyện người khác, bà cháu gái ở Cullavon thường đến thăm bà. Theo họ, không ai có hiềm khích gì với bà. Họ cũng hỏi Poirot có phải mọi người đang làm kiến nghị xin tha cho James Bentley hay không. Poirot nghĩ bụng:
- Mình dậm chân tại chỗ. Không thêm được điều gì, thảo nào Spence sinh nản. Tuy nhiên, ta, ta không phải là Spence. Ông thanh tra là một cảnh sát tốt, trung thực, tận tụy, còn ta là Hercule Poirot. Với ta, mọi việc rồi phải sáng rõ!
Ông dẫm chân phải vũng nước, nhăn mặt. Ông là Hercule Poirot, vĩ đại, vô song, nhưng tuổi cũng đã cao, và đôi giày quá chật, chân rất đau.
Ông bước vào trạm bưu điện. Phòng chia làm đôi: bên phải dành cho công vụ; bên trái, một thứ cửa hiệu tạp hóa bán đủ loại: bánh kẹo, đồ chơi, vải vóc, đồ sừng và tã lót trẻ con.
Poirot thủng thẳng hỏi mua vài con tem. Bà nhân viên, mà ông đã biết tên là Sweetiman, khoảng bốn mươi tuổi, có đôi mắt rất thông minh.
- Tất cả bốn si linh mười xu. Ông còn cần gì nữa không?
Ở cánh cửa bên trong, ló ra bộ mặt một nữ nhân viên trẻ, tóc biếng chải, không ưa nhìn, cứ như người bị cảm.
- Ông từ London tới? - Bà Sweetiman hỏi.
- Vầng - Poirot mỉm cười, đáp - Và tôi chắc bà biết tôi đến là có việc gì.
Bà Sweetiman trả lời, đơn thuần vì phép lịch sự:
- Dạ, tôi đâu rõ.
- Bà Mac Ginty. - Poirot nói.
Bà Sweetiman gật đầu:
- Một chuyện buồn!... Tội nghiệp!
- Bà biết bà ấy?
- Ai ở Broadhinny này chả biết. Thỉnh thoảng bà ấy đến đây có việc, cũng chuyện trò vài câu. Thật là một cái chết thê thảm... Nhưng, nghe nói, vụ án chưa kết thúc...
- Phải, một số người không tin là James Bentley có tội.
- Đấy, đâu phải là lần đầu cảnh sát bắt người oan! Tuy nhiên, tôi nghĩ lần này không oan. Thực ra tôi đâu ngờ anh ta làm việc đó. Tính tình nhút nhát, không ngờ lại nguy hiểm đến vậy.
Poirot hỏi mua thêm tập giấy viết thư.
- Có ngay đây.
Bà Sweetiman đi về phía sau quầy tạp hóa, ngoái đầu lại:
- Nhưng nếu không phải Bentley, thì là ai? Thỉnh thoảng, có bọn lang thang qua đây, nếu cửa sổ không khép kỹ, biết đâu chẳng có đứa đột nhập vào nhà bà Mac Ginty. Nhưng thế thì sao hắn bỏ tiền lại? Mà toàn tiền một livrơ, rất dễ đổi.
Cầm tập giấy viết thư rồi, Poirot hỏi bà Sweetiman có thấy bà Mac Ginty lo sợ chuyện gì không.
- Ồ! Không, không bao giờ. Bà ấy thì còn sợ gì. Lắm hôm, bà giúp việc ở nhà bà Carpenter ở Holmeleigh, tận trên đỉnh đồi, về rất muộn, vì nhà chủ có khách. Bà vẫn về một mình, trong đêm tối... đến ngay tôi, tôi chẳng dám thế!
- Bà biết bà Burch, cháu gái bà ấy?
- Cũng gặp qua, chào hỏi vài câu thôi. Thỉnh thoảng bà ta có đến đây. Cả ông chồng.
- Họ được thừa kế của bà Mac Ginty đấy nhỉ?
Bà Sweetiman nhìn Poirot bằng con mắt nghiêm nghị:
- Lẽ tự nhiên rồi. Của cải, ai mang đi được, tự nhiên phải để lại cho người thân trong nhà. Ông cho thế là không phải?
- Ồ, phải, phải! Bà Mac Ginty có quý cháu gái?
- Rất quý. Bà ấy không lộ ra mặt đâu, nhưng tôi biết bà ấy rất quý.
- Cả chồng của bà cháu gái?
- Theo tôi biết, quý cả hai.
- Bà gặp bà Mac Ginty lần cuối khi nào?
Bà Sweetiman suy nghĩ một lát.
- Xem nào... Hôm bà ấy chết? Không, hôm trước... hoặc hôm trước nữa... Phải rồi!... Hôm ấy là thứ Hai... Đúng! Thứ Tư bà bị giết, thứ Hai bà đến đây mua lọ mực.
- Một lọ mực.
- Chắc bà cần viết thư.
- Chắc vậy. Và hôm ấy, bà ấy vẫn như bình thường? Có vẻ gì khác lạ không?
- Không, tôi không thấy gì.
Cô nhân viên trẻ có bộ tóc biếng chải - tên là Edna - đứng ở cửa và từ nãy nghe hết câu chuyện, lúc này mới tham gia:
- Không, hôm ấy bà không như mọi ngày. Có điều gì vui... rất vui là đằng khác.
- Có lẽ cô nói đúng - Bà Sweetiman nói - Lúc đó tôi không để ý ngay, nhưng bây giờ cô nói ra, tôi nhớ đúng là bà ấy có vẻ rất vui... Hôm ấy, chắc chắn có chuyện gì làm bà phấn khởi.
- Bà thử nhớ xem bà ấy có nói gì?
- Bình thường, thì tôi quên rồi, nhưng sau vụ án, cảnh sát hỏi lắm, rồi mọi việc cứ ồn lên, tôi có nghĩ lại lần gặp hôm ấy. Bà ta không nói gì về James Bentley, điều ấy là chắc. Bà ấy nói về nhà Carpenter, về bà Upward... Những gia đình bà ấy đến làm giúp.
- Bây giờ tôi mới nghĩ ra! Tôi xin hỏi, bà ấy đi làm cho những ai?
Câu trả lời có ngay:
- Thứ Hai và thứ Năm, làm ở nhà bà Summerhayes, ở Long Meadows. Ông trọ ở đấy thì phải?
Poirot thở dài:
- Vâng. Mà cũng không có chỗ nào hơn...
- Ngay cả ở Broadhinny, cũng không chỗ nào hơn. Bà Summerhayes là người khả ái, có điều giống những bà nhiều năm sống ở nước ngoài: không biết trông nom nhà cửa. Nghe đâu mỗi lần bà Mac Ginty đến là phải lau chùi, cọ rửa thật lực... Là bà ấy kể thế. Chiều thứ Hai bà làm ở đấy. Sáng thứ Ba, làm ở chỗ bác sĩ Rendell, chiều ở nhà bà Upward, ở Laburnums. Thứ Tư, đến lượt bà Wetherby ở Hunter’s Close, và thứ Sáu bà Selkirk, nay tức là bà Carpenter. Bà Upward đã già, sống với ông con trai. Bà có một cô hầu nhưng đã bắt đầu có tuổi, và bà Mac Ginty mỗi tuần đến một lần làm thêm cho kỹ. Nhà Wetherby không mượn ai được lâu, bà ấy ốm đau luôn. Còn gia đình Carpenter, nhà cửa to đẹp, lại hay có khách. Toàn những người sang trọng.
Poirot chia tay bà Sweetiman, đi bộ về Long Meadows. Tổng kết lại, cả ngày chưa thu thập được gì nhiều.
Tóm lại, biết thêm được những gì? Rằng James Bentley có một bạn gái, nhưng không có kẻ thù, bà Mac Ginty cũng không. Rằng hai ngày trước khi chết, bà này có vẻ vui và đã mua một lọ mực.
Poirot đột ngột dừng chân. Sự việc nhỏ này, phải chăng là điều ông đi tìm từ khi đặt chân đến Broadhinny?
Lạ là tại sao bà Mac Ginty cần một lọ mực; ông chỉ nghe biết điều này qua một câu hỏi gần như vô tình, và bà Sweetiman còn nói là chắc bà Mac Ginty cần viết thư! Lúc đó ông chưa để ý đến tầm quan trọng của chi tiết này, vì với ông và với nhiều người khác, viết thư là chuyện thường ngày, có gì phải quan tâm. Nhưng với bà Mac Ginty thì khác. Hẳn là hiếm khi bà viết, đến nỗi khi cần đến, bà phải đi mua một lọ mực.
Hai ngày trước khi chết, bà viết một lá thư. Cho ai? Để làm gì? Những câu hỏi có thể vớ vẩn, nhưng cũng nên đặt ra.
Một lọ mực...