Số lần đọc/download: 1577 / 35
Cập nhật: 2015-04-09 12:31:03 +0700
Chương 7/14
T
ưởng chuyện bí mật của Ðoan chỉ có Tín "điệu" và ba con bạn thân yêu của Ðoan biết mà thôi. Ai dè!...
Không biết từ một lỗ mọt nào mà chuyện đó bị... xì ra... Ban đầu còn xì ra in ít, cho đến một ngày...
Một ngày như mọi ngày, thầy Vĩnh nện gót giày lộp cộp từ hành lang vào lớp. Thầy đứng thật nghiêm trên bục, đảo mắt nhìn khắp "hang cùng, ngõ hẹp" của lớp rồi mới ngồi xuống ghế và giở sổ "sanh, tử" ra dò.
Cây bút trong tay thầy chạy lên, chạy xuống từ đầu đến cuối sổ làm những trái tim bê bối khóc hu hu trong lồng ngực. Chợt thầy ngừng lại ở đầu sổ, dõng dạc:
- Vân Anh! Thái Thụy Vân Anh!
Vân Anh cầm tập lên bàn thầy, rất tự tin ra dáng con nhà "lĩnh đạo".
- Em hãy đọc khổ thơ đầu trong bài thơ "Tây tiến".
- "Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi
Sài Khao, sương lấp đoàn quân mỏi...
...
Mai châu mùa em cơm nếp xôi..."
- Tốt! Bây giờ em cho thầy biết vài nét về nội dung bài thơ?
- Thưa thầy bài thơ nói về chân dung các chiến sĩ Tây tiến và cuộc hành quân của họ!
- Vân Anh rất thuộc bài, thầy ghi điểm chín!
Cây bút trong tay thầy lại tiếp tục hành quân và ngừng lại ở tên Lê Thị Tuyết.
Ở dưới có tiếng reo:
- Tuyết "lùn" dính đạn rồi!
Tuyết "lùn" đủng đỉnh đi lên bàn thầy. Tóc nó hôm nay được tém gọn gẽ hơn, đôi guốc cao bảy phân vẫn không làm cho nó cao thêm mấy tí!
Nhỏ Tuyết cười duyên với thầy Vĩnh một cái lấy hên. Nhưng thầy phớt lờ.
- Em cho tôi biết ý nghĩa của câu thơ "Sông Mã gầm lên khúc độc hành".
Tuyết "lùn" ỏn ẻn một chút rồi xụi lơ. Bởi nó chỉ thuộc lòng bài thơ chứ nó không hề nghe thầy Vĩnh giảng bài tuần trước và nó cũng đã lỡ không coi trọng môn Văn từ lâu.
Thầy giáo nén giận nói:
- Cán sự văn đâu, em giúp bạn "gỡ bí" câu này xem nào?
May phước, Ðoan đã soạn bài rất kỹ, dù tuần trước có lỡ "lo ra" chút đỉnh, Ðoan vẫn sợ thầy chiếu tướng bất ngờ nên không dám lơ mơ.
- Thưa thầy ý nghĩa của câu thơ "Sông Mã gầm lên khúc độc hành" là ý câu thơ muốn khẳng định tính chất bi hùng trong sự hy sinh của các chiến sĩ Tây tiến.
- Tốt!
Thầy nhắc thêm:
- Cán sự văn nhớ giúp đỡ các bạn nào còn yếu môn văn nhé!
Ðoan "dạ" và ngồi xuống. Thầy Vĩnh ghi điểm năm vào tập Tuyết "lùn".
- Lần sau em cố gắng học bài kỹ hơn và chú ý nghe giảng nhé!
Nó "dạ" lấy lệ rồi nguýt ông thầy một cái trước khi về chỗ.
Thầy Vĩnh lại rà cây bút và lôi thêm một tên:
- Mai Trung Tín.
- Thấy bố!
- Tiêu tùng... Tín "điệu" rồi.
Tuyết "lùn" kín đáo ngó Tín "điệu" thật nhanh. Nó thầm "oán" thầy Vĩnh.
Chàng "điệu" nhỏng nhảnh, õng ẹo lên bàn thầy. Một tay mân mê, vuốt vuốt cọng tóc "đuôi rùa" rất quái, được chừa lại khi hớt tóc và ép sát nó và một bên thái dương.
Mọi con mắt đều đổ dồn về Tín "điệu". Nhiều tiếng xầm xì to nhỏ và một vài ánh mắt len lén hướng về phía Ðoan làm Ðoan không khỏi bực mình.
Thầy Vĩnh hỏi:
- Câu thơ "Tây tiến đoàn quân không mọc tóc" có ý nghĩa như thế nào em?
Tín cười thầm "ồ dễ quá mà!" Tưởng thầy bắt đọc thơ thì nó thua. Bởi tuần trước đầu óc nó bận chuyện "thảo" một bức thư tình cho "người yêu dấu" nên một chữ trong bài thơ của thầy cũng không lọt vào đầu nó được. Còn chuyện giảng thơ... thì nó dư sức đi! "Ðoàn quân không mọc tóc là gì cà?...À, à!"
Mọi người thấy nó ngó trên trần nhà tìm... thằn lằn, rồi lại ngó ra cửa sổ tìm chim. Chợt mặt Tín cười hơn hớn:
- Thưa thầy, "Ðoàn quân không mọc tóc" là đoàn quân này... không có... tóc... à... à... có nghĩa là... đây là một đoàn quân... xuất chinh từ một ngôi chùa ạ.
Cả lớp cười nghiêng ngửa. Thầy Vĩnh thấy... ngao ngán cho nó quá bèn quyết định cho Bùi Kiệm gỡ huề câu khác gọi là chiếu cố con cháu nhà họ Bùi. Thầy khoác tay:
- Thôi được rồi! Em cho tôi biết tựa đề của bài thơ này đi.
Tín lại đứng đực ra. Nó không dám nhìn Ðoan, sợ quê... hai chục cục! Len lén nó khẽ đưa mắt cầu cứu đám bạn chí cốt, chí tình của nó ở xóm nhà tranh.
May thay Tín thấy Phát "ốc mày" đã nhận được "tín hiệu S.O.S". Nó ra dấu chỉ tay về hướng mặt trời lặn và trỏ vào thằng Tiến ngồi bên. Tín mở cờ trong bụng:
- Thưa thầy, bài thơ có tên là "Ðông Tiến" ạ!
Phát "ốc mày" giậm chân vì tức.
Cả lớp lại một phen cười nữa. Thầy Vĩnh bắt đầu tỏ vẻ buồn cho "số kiếp" của "Bùi Tín" phản động sẽ phải lãnh một chữ "O" tròn đỏ chét vào tập.
Sau này thấy các thành phần cách biệt có nhiều chuyển biến tốt, thầy Vĩnh ít khi rà soát chúng. Bởi thầy thường nhắc nhở cả lớp học tập tự giác là bổn phận của mỗi học sinh. Bây giờ Vĩnh mong chuyện Tín "điệu" không thuộc bài chỉ là một hiện tượng chứ không phải là một bản chất của nó nữa.
Bỗng trong tiếng ồn ào lộn xộn, thầy Vĩnh nghe một thằng phát biểu:
- Hi hi! Nếu thầy bắt nó đọc bài "Ðoan tiến" chắc chắn nó sẽ thuộc làu như cháo chảy. Hì, hì!
- Mày nói đúng đó! "Ðoan tiến" chứ Tây tiến, Ðông tiến có nghĩa lý gì.
Kín đáo nhìn về cô bé học trò cán sự văn thông minh, học giỏi đang cúi đầu bên trang sách mở một cách chăm chú vô tư, Vĩnh dần dần hiểu chuyện...
Vĩnh không ghi điểm vào tập thằng Tín mà cho nó nợ lại tuần sau.
Ở bàn trên, Nguyệt Quế thủ thỉ vào tai Hương Trầm:
- Chuyện kín như bưng mà sao lọt tới tai tụi nó vậy mày?
- Có chuyện gì khó hiểu đâu! Sao mày không nghĩ rằng chuyện bị "xì" do chính miệng thằng Tín "điệu" tung ra.
- Ờ há!
- Tội nghiệp con Ðoan.
- Sức mấy mà nó thèm.
- Ờ! "Ðũa móc mà đòi mâm son"!
- "Ðỉa mà đòi đeo chân hạc" chứ mày!
- Ðúng chóc!
Qua chuyện không thuộc bài thơ "Tây tiến" của thằng Tín, chuyện Tín cua Ðoan đã bị bể. Riêng Ðoan chỉ nhìn và nghe qua một số câu là Ðoan đã nắm bắt được sự việc.
Tuy nhiên Ðoan chẳng hề hấn gì đâu. Bởi trái tim của Ðoan vững như thành, Ðoan chỉ trao nó cho người mà Ðoan mến nhất mà thôi!
Nhưng Vân Anh tinh tường hơn. Cô nàng không những nắm bắt tình hình thật nhanh mà còn đang chăm chú theo dõi thái độ và những diễn biến trên mặt Tuyết "lùn". Trong lớp này ai mà không biết Tuyết "lùn" thích Tín "điệu". Cho nên mặt của Tuyết "lùn" "chù ụ". Khi nghe bọn con trai kháo nhau, Tín chỉ thuộc bài thơ "Ðoan tiến". Tuyết "lùn" thấy máu nóng bốc lên mặt. Nó hậm hực nhìn Ðoan xem nhỏ có nét gì khả ái mà "cướp" được trái tim Tín "điệu" của nó. Cũng vừa lúc đó Tuyết "lùn" bắt gặp thầy Vĩnh đang chăm chú nhìn Ðoan, cũng là lúc Ðoan từ từ ngước lên nhìn thầy.