We are too civil to books. For a few golden sentences we will turn over and actually read a volume of four or five hundred pages.

Ralph Waldo Emerson

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Thanh Hoa
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3581 / 116
Cập nhật: 2016-10-21 11:07:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
Ðời người như một giấc mộng.
Cô Hai Hương trước kia là một người đàn bà góa chồng ở trong chốn vườn ruộng. Nhờ cô còn trẻ tuổi, lại sót chút sắc đẹp, mà nhứt là nhờ cô có sẵn một gia tài lớn, nên phần cô được làm "bà Phủ", được thiên hạ kính trọng kiêng nể, còn phần con của cô cũng thì học đã thành nhơn, khỏi lo vất vả. Ðời đã đầy đủ, đã vui sướng như vậy, tưởng trăm năm hạnh phúc phủ phê, nào dè đường danh lợi đi chưa cùng chưa tột, thình lình bị bí ngang, rồi bức tranh gia đình trước kia rực rỡ lại hóa ra u ám, làm cho bà Phủ thương tâm tuyệt mang, chẳng khác nào nằm chiêm bao mà bị người thức tỉnh nên giấc mộng vỡ tan.
Tống táng bà Phủ vừa rồi, bà con trong thân tộc còn ở lại ít người. Ðến tối quan Phủ Bình kêu Hoàng mà hỏi:
- Hồi má con gần tắt thở, má có giao chìa khóa tủ sắt lại cho ai?
- Quan lớn hỏi việc đó làm chi? Nếu không phải tôi thì là em tôi, chớ người khác làm sao có quyền giữ chìa khóa được.
Quan Phủ nghe mấy lời ấy thì ngơ ngẩn, ngồi ngó Hoàng trân trân một lát rồi mới hỏi nữa:
- Thuở nay con kêu cậu bằng cậu, sao bây giờ kêu bằng quan lớn?
- Má tôi đã mất rồi, tôi phải kêu bằng quan lớn như thiên hạ mới trúng lệ chớ kêu bằng cậu nữa sao được.
- Cậu nuôi con từ nhỏ, cậu cho con ăn học, tuy cha ghẻ, song cậu cũng thương con như máu thịt; bấy lâu nay cậu tưởng con còn nghĩ chút tình dưỡng dục mà thương yêu cậu, té ra má con vừa mới nhắm mắt mà con đã dứt tình phụ tử gấp như vậy hay sao?
- Quan lớn có công lo cho hai anh em tôi, ơn ấy chẳng bao giờ tôi quên được. Nhưng vì tánh ý của tôi là người thiệt hành, chớ không phải tánh ý người đa cảm, bởi vậy tôi không thể tối ngày cứ ngồi nói "Cám ơn, cám ơn " hoài. Ðã vậy mà nếu lấy tâm lý mà xét cho tường tận, thì quan lớn thương anh em tôi là vì có má tôi, chớ không phải tự nhiên mà quan lớn thương. Còn sự nuôi dưỡng hai anh em tôi, thì chúng tôi có huê lợi của cha và bà ngoại chúng tôi để lại, tôi chắc chẳng bao giờ anh em chúng tôi làm tổn hao quan lớn đồng nào.
- Con nói như vậy thì có thể nào cậu còn ở chung với con nữa được.
- Quan lớn muốn tính ở đâu cũng được, tôi không có quyền liệu định việc ấy.
Quan Phủ châu mày, ngồi trơ trơ. Ngài suy nghĩ hồi lâu rồi mới nói:
- Từ hồi con còn nhỏ cho đến bây giờ, con mắc đi học, con không rõ việc nhà. Nay chẳng may má con đã mất rồi, vậy con để cậu nói hết công việc nhà cho con hiểu. Cậu kết nghĩa vợ chồng với má con đã được 25 năm. Tuy má con có gia tài riêng, nhưng mà trong khoảng ấy cậu cũng làm ra tiền nhiều lắm. Cách mười năm trước, cậu thấy người ta bán ruộng rẻ, cậu mới lấy tiền của cậu làm ra đó mà mua gần 400 mẫu. Vì cậu làm quan, cậu không được phép sắm điền thổ trong tỉnh, bởi vậy cậu mua ruộng mà cậu mượn má con đứng bộ giùm. Vợ chồng là cuộc trăm năm, cậu không nghi ngại chi hết, nên cậu mới làm vậy. Cậu không dè má con mạng vắn, đành bỏ cậu mà theo ông theo bà…Cậu lấy làm tức, lúc má con đau nặng, cậu không có ở nhà đặng má con trối lại việc nhà của với cậu trước mắt các con cho con hiểu. Thôi, việc đã qua rồi, chẳng nên than phiền làm chi. Bây giờ cậu muốn tính việc nhà với con như vầy: những ruộng đất của ông thân con và bà ngoại con đứng bộ thì cậu giao hết cho con. Còn những ruộng đất cậu mua mà cậy má con đứng bộ giùm đó, thì cậu lấy lại cậu hưởng. Bây giờ cậu hưu trí rồi, cậu có phép đứng bộ ruộng đất. Hai con là người kế nghiệp của má con, hai con làm tờ bán lại cho cậu đặng cậu đóng bách phần và xin cải bộ thì xong việc.
- Quan lớn tính như vậy khó coi lắm. Má tôi sanh có hai anh em tôi mà thôi. Nay má tôi mất, thì hết thảy gia sản của má tôi phải về hai anh em tôi hưởng trọn. Quan lớn biểu làm tờ sang bộ ruộng lại cho quan lớn đứng, té ra quan lớn được hưởng một phần gia tài của má tôi hay sao? Việc đó không được. Quan lớn giận thì tôi chịu chớ những tài vật gì thuộc hoặc của cha tôi, hoặc của bà ngoại tôi hoặc của má tôi đứng bộ, thì hai anh em tôi được hưởng, tôi không chịu chia cho ai hết.
- Cậu đã nói ruộng đất má con đứng bộ đó là đứng giùm cho cậu. Thiệt cậu lấy tiền của cậu mà mua đó, chớ không phải tiền của má con đâu.
- Quan lớn có giấy tờ để làm bằng có ruộng ấy má tôi đứng bộ giùm cho quan lớn hay không?
- Vợ chồng tin nhau nên để đứng bộ giùm, chớ có giấy tờ gì đâu.
- Việc tài sản phải có giấy tờ đàng hoàng mới được. Xin quan lớn xét lại mà coi, ví như tôi thấy một người nào đó có ruộng nhiều, tôi đến mà biểu phải sang bộ lại cho tôi, có thế nào họ chịu sang đâu. Nếu tôi đến tòa mà kiện, tôi nói họ đứng bộ ruộng đó là đứng giùm cho tôi, song tôi không có nạp bằng cớ gì hết, thì có lẽ nào tòa xử người đó phải trả ruộng đất lại cho tôi đâu.
- Việc nhà mình tính êm với nhau là hay, chớ đi kiện thì tốt lành gì, con.
- Tôi ví dụ cho quan lớn nghe, cho kiện sao được mà kiện, mà quan lớn nói ruộng đó là quan lớn xuất tiền mà mua, tôi xin hỏi quan lớn vậy chớ quan lớn làm việc nhà nước lãnh lương bao nhiêu mà trong mười mấy năm qua quan lớn có dư tiền đến nỗi mua được 400 mẫu ruộng. Còn huê lợi của má và của bà ngoại tôi mỗi năm trên 30 ngàn giạ lúa, trong 25 năm nay dùng làm việc gì đâu mà mất hết đi. Tôi chắc má tôi lấy huê lợi nầy mà mua thêm ruộng đó thì phải hơn. Xin quan lớn nghĩ thử coi lời tôi nói đó có lý hay không.
Quan Phủ cưới vợ không lập hôn thú, mà thuở nay ngài tin vợ, làm có bao nhiêu tiền đều giao cho vợ hết; nay vợ chết, con ghẻ nắm chìa khóa, biết nói làm sao được bây giờ. Ngài tức giận nên ứa nước mắt, rồi đứng dậy đi ra ngoài sân. Ngài suy nghĩ biết mình đã thất thế, nếu làm dữ thì hư việc chớ không ích lợi gì, bởi vậy ngài đi qua đi lại cho hết giận, rồi mới trở vô nhà mà nói với Hoàng:
- Cậu thất thế nên cãi với con không được, chớ không phải không đủ lời mà cãi. Thôi, không cãi làm chi nữa, cậu xin con nghĩ tình dưỡng dục mà thương cậu. Bây giờ cậu đã già rồi, không thế gì mà gây sự nghiệp khác được. Vậy cậu xin con làm tờ để lại cho cậu chừng một trăm mẫu ruộng và con cho cậu chừng vài chục ngàn bạc đặng cậu an dưỡng lúc ngày già. Công cậu làm lợi cho má con thuở nầy nhiều lắm. Cậu xin bao nhiêu đó không phải là nhiều đâu.
- Thuở nay tôi tập quen tánh ý thiệt hành, chẳng bao giờ tôi biết cảm động. Mà tôi nghe mấy lời quan lớn nói đó, tôi không thể làm ngặt quan lớn được. Tôi nói thiệt dầu tôi cho quan lớn hết mấy trăm mẫu ruộng của má tôi đứng bộ đó, anh em tôi cũng không đến nỗi nghèo. Tiếc vì nếu chiết ra chừng một mẫu ruộng mà chia cho quan lớn thì coi cũng kỳ quá, thiên hạ họ cười tôi dại, tại như vậy nên tôi xin quan lớn đừng có nói chuyện chia ruộng đất cho quan lớn nữa. Còn tiền bạc thì hôm má tôi tắt thở rồi, tôi có mở tủ sắt ra tôi đếm, thiệt còn tám mươi mấy ngàn đồng, quan lớn xin vài chục ngàn không phải là nhiều. Ngặt gì số bạc của má tôi để lại đó thuộc về gia tài chung của hai anh em chúng tôi. Em tôi còn khờ dại, tôi không phép cướp quyền của nó mà định đoạt về số bạc ấy theo ý tôi được. Vậy để tôi kêu em tôi ra đây hỏi ý nó coi, như nó chịu cho thì tôi chịu, còn nếu nó không chịu thì thôi.
Cô Loan ở trong buồng nghe anh nói như vậy thì cô bước ra mà hỏi anh:
- Quan lớn biểu phải giao bao nhiêu bạc cho quan lớn ?
- Vài chục ngàn.
- Nhiều quá như vậy sao được.
- Ý em muốn đưa cho quan lớn bao nhiêu?
- Vài ngàn là nhiều. Quan lớn có tiền hưu trí. Tiền ấy đủ dưỡng già mà.
- Còn ruộng đất em chịu chia cho quan lớn bao nhiêu?
- Ruộng đất chia sao được, em không chịu.
Hoàng cười và nói:
- Quan lớn có nghe không? Em tôi nói cũng không chịu chia ruộng. Còn bạc thì nó định đưa quan lớn hai ngàn mà thôi.
Quan phủ nổi giận, đứng dậy và nói lớn:
- Bây là quân phản, đã không biết công ơn tao nuôi dưỡng dạy dỗ hai mươi mấy năm nay mà lại còn cướp giựt tài sản của tao làm nữa. Tao có phải ăn mày đâu, nên theo xin bây từng đồng. Thôi, tao không thèm tiền bạc, ruộng đất gì hết, để anh em bây ăn cho nhiều. Tao cũng không thèm ở trong nhà nầy một phút nào nữa.
Quan Phủ ngoe ngoảy đi lấy một cái hoa ly lớn quăng trên ván nghe một cái xạch, tom góp quần áo xếp bỏ vô hoa ly, mở tủ bàn viết lấy cuốn sổ lãnh lương hưu trí và lấy giấy tờ gì đó nữa rồi cũng bỏ vô hoa ly. Sắp đặt hành lý xong rồi ngài biểu gia dịch đi kêu cho ngài một cái xe kéo.
Bây giờ Hoàng mới ăn năn về thói gắt gao, nên mở tủ sắt đếm bốn ngàn bạc để trước mặt cha ghẻ mà nói:
- Quan lớn không thèm ở với anh em tôi nữa thì tự ý quan lớn, tôi không dám cầm. Hồi nãy em tôi định cho quan lớn hai ngàn, tôi thêm phần tôi nữa hai ngàn, là bốn ngàn đó. Xin quan lớn vui lòng nhận số bạc ấy làm lộ phí mà đi chơi.
Quan Phủ trợn mắt đáp:
- Tao nói tao không thèm.
Hoàng cuời và nói:
- Quan lớn chê thì thôi. Tôi xin cho quan lớn biết, số bạc nầy tôi sẽ để dành cho quan lớn luôn luôn. Nếu lúc nào quan lớn cần dùng thì trở về mà lấy.
Xe kéo đem lại. Quan Phủ biểu gia dịch xách đem hoa ly ra xe rồi ngài lên xe mà đi, không thèm lấy bạc mà cũng không từ giã ai hết.
Hoàng đứng trong cửa ngó theo, rồi ngó em và rùn vai mà nói :
- Ở đời phải như vậy mới được. Nếu mình tử tế họ cười mình dại.
Cô Loan châu mày đáp:
- Vưng theo lời anh dặn, em phải làm gắt như anh. Nhưng mà thấy cậu Phủ ra đi, em động lòng quá. Vậy nếu cậu hết giận, cậu trở về xin năm mười ngàn, anh đừng có tiếc với cậu. Nghĩ cũng tội nghiệp chớ.
Hoàng gật đầu.
Về chiều.
Ở Vũng Tàu, phía Bãi Sau, nước đương lớn, gió đương thổi hiu hiu, hơi nước hơi gió hiệp nhau làm cho bầu không khí rất mát mẻ.
Xa xa ngoài khơi, mặt biển linh láng nổi lên cao, bị ánh mặt trời chiều giọi nên nhuộm màu vàng vàng. Mấy chiếc thuyền đánh lưới đều trương buồm nhắm bến mà về, thuyền chạy rề rề, cánh buồm trắng trắng.
Bên phía tay trái, núi miệt Long Hải, Long Phú nằm giăng ngang một dãy, uốn éo chỗ thấp chỗ cao, như ai phết một vết xanh lè nơi góc trời xám xám.
Gần trong bờ, bị gió đùa nên mặt nước guộn[1] có vồng[2] thành sóng, rồi lượn sau tiếp lượn trước mà tràn lên bãi, đập vô gành dội tiếng ồn ào, phun bọt trắng xóa.
Chưn trời xa mù, mặt biển mênh mông, sóng bủa lào xào, gió chiều hây hẩy. Người giàu tình cảm hoặc có viễn chí, ai ngồi ngắm cái cảnh nầy một hồi, cũng phải bồi hồi khoan khoái, rồi chẳng khỏi sanh tình lai láng như biển rộng, hoặc sanh chí cao xa như chơn trời, hoặc xét thân người như thuyền con lửng đửng ngoài khơi, hoặc nghĩ công danh như bọt nước rã rời trên bãi.
Quan Phủ Bình ngồi trên một cỗ xe ngựa mà ra Bãi Sau, thấy khách hứng gió đông đảo, kẻ chòm nhom ngồi trên bãi mà chơi, người lăng xăng lội đùa nhau dưới biển. Ngài muốn tìm nơi thanh tịnh nên xuống xe rồi đi bộ lên đường vòng chưn núi. Ngài thủng thẳng đi một hồi, đã xa Bãi Sau, tới một chỗ cao, thấy trong núi lồi ra một miếng đá lớn mặt bằng phẳng nằm tròi trọi dựa đường, ngài bèn ngồi trên đó đặng ngó mông ra biển.
Không hiểu ngài ngồi ngắm trời ngắm nước rồi ngài cảm xúc hay sao mà ngoài mặt ngài buồn hiu, trong lòng lại thắt thẻo. Con người đã trải qua một đời mặn lạt đủ mùi như ngài, nay lại gặp cảnh như vậy có lẽ nào mà không bồi hồi sao được. Ngài buồn chắc là tại ngài, chớ cái đời của ngài, trong khoảng hai mươi mấy năm vừa qua, chìm rồi lại nổi, nổi rồi lại chìm, chẳng khác nào biển lớn rồi lại ròng, mặt trời mọc rồi lặn. Lúc nhỏ có hai bàn tay trắng, lao thân mệt trí, lập kế lo mưu, lướt hổ dằn lòng, khum lưng uốn lưỡi mà làm cho trở nên giàu sang, rồi đến ngày già hai bàn tay trắng cũng trở lại hai bàn tay trắng, sự nghiệp chỉ có ít trăm đồng bạc với cuốn sổ hưu trí mà thôi.
Rõ ràng công danh là bọt nước, phú quí là mây bay, không rồi lại có, có rồi lại không, không hay có cũng vậy, chẳng ra gì hết.
Ngài đương bàng hoàng nghĩ ngợi, thình lình có một chiếc xe hơi thiệt đẹp ở phía Bãi Sau chạy lên, trong xe có một người đàn ông ngồi với một người đàn bà. Lúc xe chạy ngang qua chỗ ngài ngồi hai người ấy nói cười vui vẻ lắm. Ngài day mặt chỗ khác không muốn ngó. Xe qua khỏi rồi ngài rún vai mà chúm chím cười, dường như ngài khinh khi hai người ấy không biết sợ thế cuộc xây vần, cứ vui hưởng hạnh phúc hiện tại.
Ngài chưa quên chiếc xe ấy, bỗng có một ông già đầu bạc trắng mà bộ tướng còn mạnh mẽ, tay chống một cây ba ton[3] lớn, ở hướng Bãi Trước đi lại, đi thủng thẳng, vừa đi vừa ngó ngoài biển mà chơi.
Ngài cứ ngồi ngó mông ra khơi, không thèm để ý đến khách đi chơi ấy. Chừng người ấy đi ngang trước mặt ngài, người chăm chỉ ngó ngài rồi đứng lại mà hỏi:
- Phải me xừ Bình hay không?
- Phải. Tôi là Bình. Ông là ai mà biết tôi?
- Ồ, toa quên moa rồi hay sao? Quên thiệt hay là không muốn nhìn?
- Tôi quên thiệt.
- Người ta nói giàu bỏ bạn sang đổi vợ. Nếu toa quên tới moa nữa thì thiệt toa đúng với lời của người ta nói đó rồi.
- Có lẽ lâu quá nên tôi quên chớ.
- Thiệt quên à? Moa là Thanh ở Chí Hoà, ông mai của toa hồi trước đây.
Quan Phủ vừa nghe nói thì vùng đứng dậy bắt tay thầy Thanh và nói:
- Tôi xin thầy tha lỗi. Anh em không gặp nhau đã 25 năm nay, lại đã già rồi, tóc bạc hết, nên tôi nhìn không ra.
Thầy Thanh cười. Thầy ngồi ghé trên cục đá, một tay chống cây ba ton, một tay chỉ chỗ gần đó, mà mời quan Phủ ngồi rồi hỏi:
- Nghe nói toa làm việc tới chức tri phủ phải hôn?
- Phải mà tôi đã xin hưu trí rồi.
- Còn trẻ quá mà hưu trí giống gì?
- Làm việc lâu năm mệt mỏi, lại có chuyện buồn nên tôi xin hưu trí non cho rồi.
- Bây giờ toa ở đâu? Còn ở Cần Thơ hay không?
- Bây giờ tôi không có ở đâu hết. Chỗ nào vui thì tôi ở, hễ ở đã thèm thì đi chỗ khác..
- Nhà toa ở đâu chớ?
- Tôi không có nhà cửa chi hết.
- Ủa! Sao vậy? Hồi trước toa bỏ vợ con rồi cưới vợ khác giàu có sang trọng lắm mà. Lúc toa bỏ vợ bỏ con, moa có gởi cho toa một cái thơ mà xài xể toa, sao toa không trả lời?
- Tôi làm tầm bậy, thầy trách là phải lắm trả lời giống gì được.
- Toa biết toa làm bậy, sao toa không ăn năn rồi trở về với vợ con?
- Bây giờ mới biết, chớ hồi đó còn ngu quá, có biết gì đâu.
- Ạ! Toa nói như vậy té ra toa ham giàu sang quá, toa đổi vợ, rồi cũng không ích gì hết hay sao?
- Không ích gì hết.
- Tầm bậy quá! Già rồi toa mới biết ăn năn thì muộn lắm.
- Muộn mà biết ăn năn có lẽ còn dung chế được.
- Ngày toa thi đậu ký lục, moa lại moa mừng cho toa. Toa luận cách lập đường công danh, moa nghe moa biết không xong. Toa luận cách nào toa còn nhớ hay không?
- Còn nhớ.
- Ừ, toa có chí ý đó mà toa làm được tới ông Phủ, nghĩ cũng là may lắm đa toa, moa tưởng trong đường công danh toa bước ít bước rồi toa té gấp kìa chớ.
- Thầy còn làm việc hay không.?
- Hơn sáu mươi tuổi rồi còn làm chi nữa. Moa nghỉ từ hồi năm ngoái, bây giờ sắp con moa lớn rồi. Chúng nó làm mà nuôi moa mà.
- Nếu vậy thì thầy có phước lắm.
- Họ có của thì họ nhờ của, còn moa có con thì moa nhờ con chớ sao. Toa cưới vợ khác toa có được mấy đứa con?
- Không có đứa nào hết.
- Ủa! Vậy thì cưới vợ làm gì! Toa đi hứng gió với ai? Có vợ toa đi hay không?
- Không, vợ tôi chết rồi.
- À! Té ra bây giờ toa tròi trọi có một mình. Già mà không có vợ con thì buồn lắm. Toa bậy quá, toa tính trật toa đi lạc đường. Toa thấy hay chưa?
- Phải. Tôi đi lạc đường.
- Lạc rồi mới trở lại không được mới là khổ chớ.
Quan Phủ Bình lấy thuốc ra mời thầy Thanh hút. Ngài suy nghĩ một lát rồi hỏi:
- Thằng Nghiệp của tôi năm nay đã 25 tuổi, không biết bây giờ nó làm việc gì ở đâu?
- À! Bây giờ toa mới hỏi tới con! Moa tưởng toa quên nó chớ. Toa có phép kêu nó bằng con đâu mà hỏi.
- Sao vậy?
- Nó có cha khác. Cha nó nhìn tại toà đủ phép. Bây giờ toa có nói nó là con toa được đâu.
- Mẹ nó lấy chồng khác hay sao?
- Toa bỏ người ta mà cưới vợ khác; toa lại muốn người ta ở vậy mà chờ toa hay sao? Moa nhớ trong thơ moa gởi cho toa năm đó moa có nói mà. Moa có nói vợ toa phiền toa lắm, nhứt định lấy chồng khác liền, mà lấy chồng hạng lao động chớ không thèm lấy người học thức.
- Phải. Tôi nhớ trong thơ thầy có nói như vậy. Bây giờ ông già vợ và vợ tôi mạnh giỏi há?
- Còn mạnh giỏi hết. Anh Ba Chánh năm nay đã 75, 76 tuổi rồi. Ảnh già mà ảnh còn sỏi lắm. Còn Madame Huyền thì sung sướng tột bực, nên coi nheo nhẻo hoài, không thấy già.
- Không biết vợ tôi lấy chồng là ai ở đâu vậy?
- Bây giờ toa hỏi thăm làm chi?
- Hỏi cho biết vậy mà, đâu thầy thuật chuyện vợ con tôi cho tôi nghe một chút, thầy Hai.
- Dữ hôn! Ðã hai mươi mấy năm nay toa mới chịu hỏi thăm! Nếu thiệt toa biết ăn năn, moa nói cho toa nghe, thì toa còn ăn năn thêm nữa, chớ có ích gì.
- Không hại gì. Thầy cứ nói đi. Hồi vợ tôi xuống Cần Thơ nó hay tôi có vợ khác chắc nó oán tôi dữ lắm, phải hôn?
- Toa làm bạn với madame Huyền đã có một mặt con, mà toa không biết ý cô chớ. Có oán đâu. Không giận không buồn chút nào hết. Khinh thị toa lắm mà thôi. Cô bồng con ở Cần Thơ trở về, cô gặp moa tại nhà. Cô thuật chuyện lại cho moa với anh Ba Chánh nghe rồi cô nói toa với cô không còn tình nghĩa gì nữa hết, cô sẽ lấy chồng khác liền, mà lấy chồng trong hạng cu li. Người đàn bà đó coi bộ thiệt thà mềm mỏng, mà tánh khí thiệt can cường, moa không dè chút nào hết. Moa tưởng cô giận cô nói vậy, té ra cách vài tháng sau thiệt cô ưng thằng thợ Cang, làm thợ máy trong hãng xe hơi, dưới Sài Gòn đó, toa nhớ hôn?
- Tôi không nhớ.
- Coi kìa! Thợ Cang ở cái nhà ngói nhỏ hai căn, xéo xéo cửa ông Ba Chánh đó.
- Ờ, ờ tôi nhớ nó rồi. Người đi làm mặc bộ đồ màu vải xanh đó mà.
- Phải rồi. Thợ Cang nói cưới một trăm đồng bạc. Anh Ba Chánh còn thương toa, ảnh giục giặc không chịu gả, nói để đợi một ít lâu coi như thiệt toa bỏ đứt rồi sẽ hay. Madame Huyền cãi với ảnh dữ quá, nhứ định ưng thợ Cang, chẳng bao giờ thèm ngó mặt toa nữa đâu mà chờ. Túng thế anh Ba Chánh phải chiều theo ý con mà gả.
- Lấy thợ Cang có gì đâu mà thầy nói sung sướng tột bực?
- Nhờ ưng thợ Cang, nên mới sung sướng đó đa. Hồi mới cưới vợ, thợ Cang làm thợ ăn mỗi ngày có một đồng rưỡi. Thủng thẳng lên hai đồng, rồi hai đồng rưỡi, rồi ba đồng một ngày. Nghề máy xe hơi nó giỏi thật, nên ông chủ hãng cưng nó lắm. Nhờ nó ăn lương lớn lại nhờ vợ chồng nó tiện tặn, nên trong mấy năm nó có vốn đến năm bảy ngàn. Có vốn rồi thợ Cang mới tách ra mà lập riêng cái ga-ra để sửa xe hơi. Nó sửa giỏi nên xe nào cũng đưa lại cho nó sửa hết thảy. Bởi vậy làm trong ít năm nó có tới năm ba muôn. Nó mua một dãy phố ở đại lộ de la Somme, rồi mở hãng lớn mà sửa, và sơn xe hơi, lại cũng có mua bán nữa. Hãng của mông xừ Cang để hiệu “Grand Garage du Viet Nam”, toa không biết hay sao?
- Mấy năm nay tôi ít đi Sài Gòn, nên không biết.
- Hãng kinh dinh lắm mà, Chừng nào toa về Sài Gòn toa ghé lại đó mà coi. Bây giờ mông xừ Cang giao cho con của toa, là mông xừ Nghiệp cai quản. Mông xừ Cang coi chừng vậy thôi, vợ chồng dắt nhau đi chơi hoài, sung sướng lắm.
- Thằng Nghiệp của tôi cai quản một hãng xe hơi được hay sao?
- Ờ! Ði học bên tây chín mười năm, có bằng cấp bác vật về bá nghệ, lại có bằng cấp chuyên môn về máy xe hơi nữa, sao lại cai quản không được.
- Tôi không dè mà được vậy.
Thầy Thanh tiếp :
- Mông xừ Cang ở dễ chịu lắm. Tuy Nghiệp là con ghẻ nhưng y thương như con ruột. Y ra giữa tòa mà nhận là con, rồi cho ăn học hẳn hòi. Bây giờ Nghiệp kế chí cho y đó.
- Tại vợ chồng tôi hồi trước không có làm hôn thú, hồi sanh thằng Nghiệp phải khai theo họ mẹ, nên mông xừ Cang mới nhìn là con được.
- Vậy chớ sao! Con của toa mà bây giờ người khác nhờ. Thiệt uổng quá.
- Người ta có công nuôi dưỡng cho ăn học thì người ta nhờ, tôi không ức gì.
- Mông xừ Cang ở đời coi được lắm, lo cho con ghẻ ăn học hoàn toàn, mà lại có cất một cái nhà thật tốt trên Chí Hoà để cho anh Ba Chánh ở. Chúa nhựt hãng đóng cửa nghỉ thì vợ chồng y mới về trển.
- Cất nhà chỗ nào?
- Cất tại miếng đất của ông Ba Chánh đó.
- Thằng Nghiệp có vợ rồi hay chưa?
- Nó ở bên tây mới về vài tháng nay, vợ đâu mà cưới gấp vậy! Cách mấy bữa rày moa có lại nói chuyện với anh Ba Chánh. Ảnh nói có người ở miệt Lục Tỉnh muốn gả con cho thằng Nghiệp. Người đó giàu lắm. Sự làm sui coi bộ cũng gần thành rồi. Vậy thì chắc trong ít tháng nữa nó sẽ có vợ.
- Nó được vậy thì tôi cũng mừng cho nó.
- Còn phần toa bây giờ có ruộng đất phố xá gì đâu. Toa nói cho moa nghe thử coi.
- Không có gì hết. Bây giờ có ít trăm đồng bạc với cuốn sổ để lãnh tiền hưu trí mà thôi.
- Hừ! hồi làm việc, toa làm tới ông Phủ, mà kiếm tiền không được hay sao?
- Tôi làm ra tiền nhiều lắm chớ; tại không có mạng làm giàu, nên tiêu hết.
- Toa thấy hay chưa? Ở đời tranh danh trục lợi cho lắm, nghĩ không có ích gì. Có chí như mông xừ Cang cũng làm giàu rồi sung sướng được, không cần phải sanh sự, phải lo làm ông nầy ông kia làm chi.
Quan Phủ ngồi buồn hiu không nói nữa.
Thầy Thanh đã thấy mặt trời chen lặng, bèn đứng dậy rủ quan Phủ về. Hai người cùng đi xuống Bãi Sau rồi trở vô chợ, thủng thẳng đi bộ mà nói chuyện .
Quan Phủ Bình đương buồn vì số mạng của ngài không được hưởng phú quý trọn đời, mà ngài còn nghe chuyện vợ con như vậy nữa thì ngài hổ thầm, bởi vậy vô tới chợ rồi ngài kiếm cớ từ biệt thầy Thanh.
Ðêm đó ngài ngủ không được, cứ ngồi trên Bãi Trước cho tới sáng.
***
Cách một tháng sau, quan phủ Bình ở Vũng Tàu trở vô Sài Gòn, tính ở đây chơi ít bữa rồi sẽ ra Huế hoặc lên Ðà Lạt. Ngài mướn một căn phòng ở khách sạn mà nghỉ.
Chiều mát, ngài thủng thẳng đi bộ mà chơi. Ngài muốn đi lại hãng xe hơi của Cang đặng coi cuộc làm ăn của vợ con như thế nào, mà rồi ngài sợ gặp vợ cũ, nên dục dặc không dám đi. Ngài bèn leo lên một cỗ xe kéo mà ngồi, biểu xe phu đi thủng thẳng cho ngài hóng gió. Xa phủ tưởng ngài muốn xuống mé sông cho mát nên ở trên chợ Bến Thành đi thẳng qua Ðại lộ de la Somme đặng có xuống mé cột cờ Thủ Ngữ.
Quan Phủ giật mình, sợ đi đường đó gặp vợ cũ. Mà rồi ngài nghĩ mình ngồi trên xe mà đi ngoài đường không lẽ vợ nhìn được, bởi vậy ngài không cần, cứ để cho xa phu đi.
Ði được một khúc đường bỗng thấy có một dãy phố lầu năm căn. Trên cửa có một tấm bảng đề mấy chữ lớn: “Grand Garage du Viet Nam”. Quan Phủ biết chỗ đó là hãng xe của Cang. Ngài ngồi xe đi ngang qua; ngài ngó vô thì thấy hai căn để xe cũ, thợ đương sửa lăng xăng, đồ chất dẫy đầy từ trong ra tới cửa. Qua khỏi rồi ngài biểu xa phu ngừng lại. Ngài xuống xe đi bộ trên lề đường, đi trở lộn lại hãng xe hơi coi chơi. Ngài dòm vô hãng thì không thấy cô Huyền mà cũng không thấy ai quen hết.
Ngài đứng coi chơi một hồi rồi lên xe kéo bảo xa phu chạy lên Chí Hoà. Trời đã chạng vạng. Ðường lên Chí Hoà thiên hạ qua lại dập dìu, xe hơi, xe thổ mộ chạy liên tiếp, tiếng kèn với tiếng chuông nghe không dứt.
Quan Phủ Bình thấy cảnh cũ đường xưa thì ngài bồi hồi trong lòng. Cách hai mươi mấy năm trước, mỗi buổi chiều ngài đều đi qua quãng đường nầy, tuy hồi đó thiên hạ qua lại ít hơn, nhà cửa hai bên đường thưa thớt hơn song mùi danh lợi chất chứa đầy lòng, tranh tương lai chớn chở trước mắt. Bây giờ ngài trở lại đường nầy, tuy dân cư đông đảo hơn, nhà cửa tốt đẹp hơn, song thấy cảnh ấy lòng lại lạnh tanh, trí lại chán ngán.
Ði gần tới nhà ông Ba Chánh. Quan Phủ thấy bên lề đường có một gốc xoài thiệt lớn. Ngài nhớ gốc xoài ấy đứng ngay sân của cha vợ ngài hồi trước thì trong lòng càng thêm ngần ngại. Bây giờ người ta đi đứng ngoài đường lại càng thêm đông, bên đường lại có một đoàn xe hơi nối đuôi nhau mà đậu một hàng dài. Quan Phủ nghi nhà ông Ba Chánh có đám tiệc, nên mới có xe hơi đậu đông như vậy. Ngài biểu xa phu đi chậm chậm đặng cho ngài coi. Ði tới gốc xoài lớn ngay nhà ông Ba Chánh, ngài ngó vô thì thấy một toà nhà ngói xinh đẹp, cất theo kiểu tối tân, đèn đốt sáng trưng, chưng dọn hực hỡ. Từ trong nhà ra ngoài sân khách khứa ngồi chật ních, lại trước đường thiên hạ coi đông đầy.
Quan Phủ biểu xa phu dừng lại, rồi ngài leo xuống mà hỏi một ông già đứng bên đường:
- Nhà nầy có phải là nhà của ông Ba Chánh không vậy ông?
- Phải.
- Nhà có đám gì mà khách khứa đông dữ vậy?
- Ðám cưới của ông Bác vật Nghiệp, là cháu ngoại của ông Ba.
- Ạ! Mới nhóm họ hay rước dâu về rồi?
- Rước dâu về hồi chiều rồi bây giờ mới đãi tiệc mời hai họ đó chớ.
- Cưới con của ai, ở đâu vậy ông biết hay không?
- Nghe nói hồi ông bác học Bác vật Nghiệp học bên tây có quen ông Bác vật gì đó ở dưới Cần Thơ, bây giờ hai người trở về bên nây, ông Bác vật Cần Thơ đó gả em gái cho ông Bác vật Nghiệp.
Quan Phủ nghe nói như vậy thì nghi Hoàng gả cô Loan cho Nghiệp. Ngài chăm chỉ ngó vô sân rồi ngó vô nhà, thấy một ông già tay cầm cây quạt lông trắng ngồi giữa nhà mà quạt hơi, ngài mới hỏi nữa :
- Phải ông già ngồi trong đó là ông Ba Chánh hay không?
- Phải. Ông Ba Chánh đó đa.
- Còn dâu rể là người nào đâu?
- Ông không biết hay sao?
- Không.
- Ở ngoài sân nãy giờ, mới dắt nhau đi vô trong nhà. Kia kìa. Bà đương đứng trước cửa kia là mẹ của Bác vật Nghiệp đó.
- Phải. Bà đó tôi biết. Còn cha của Bác vật Nghiệp ở đâu.
- Kia kìa, người ngồi bàn giữa ngoài sân, đương nói chuyện với thầy hai Thanh đó! Ông thấy hôn?
- Ờ, ờ, tôi thấy rồi. Người bận áo màu xanh đó phải không?
- Phải. Kia kìa, dâu rể đương bước xuống thềm đi ra sân kìa.
Quan Phủ ngó kỹ, thiệt quả cô Loan, không còn nghi ngờ gì nữa. Ngài chăm chỉ ngó Loan, ngó Nghiệp rồi ngó cô Huyền cũng ra sân lại đứng sau lưng chồng, hai tay vịn vai chồng và nói chuyện với thầy Hai Thanh và nói và cười, bộ hân hoan mãn ý lắm.
*
Thấy vợ, thấy con, thấy cảnh gia đình đương chứa chan hạnh phúc, mà vợ con ấy bây giờ mình không được gần, mình không quyền nhìn, hạnh phước ấy không phải của mình tạo ra, quan Phủ Bình bồi hồi đứng ngó trân trân, sắc mặt buồn xo…
Ngài bỗng thầy Hai Thanh đứng dậy rồi xâm xâm đi ra đường. Sợ thầy nọ ngó thấy mình, ngài lật đật bước lên xe kéo và biểu xa phu trở về Sài Gòn.
Vĩnh Hội, 11-1938
Chú thích
[1] cuộn
[2] chỗ được đắp cao và dài nằm song song với nhau: cuốc vồng, đắp vồng, vồng khoai, vồng mía.
[3] baton: gậy
Bỏ Vợ Bỏ Vợ - Hồ Biểu Chánh Bỏ Vợ