Số lần đọc/download: 1875 / 16
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 6 -
T
iếng guốc ba đứa tôi gõ lóc cóc trên hành lang vắng. Lòng tôi buồn mêng mang. Sân trường không còn một ai, những cánh lá khô nằm thật yên, cây không muốn rụng lá, không muốn động. Tôi muốn Thanh Mai và Loan dừng lại, đứng lặng nhìn sự bất động hoàn toàn của cảnh vật. Vài con sẻ chim chíp bay trốn nắng đầu nhà. Thật vắng, thật yên nhưng có một cái gì thật tràn ngập, choáng ngợt cả hồn. Có phải tại nắng đã loang đấy ở sân hay tại hơi nóng từ sân bốc phủ không gian?
Về đến nhà vừa đúng một giờ. Từ trong nhà vọng ra bản tin buổi trưa. Tôi chập choạng đẩy chiếc Solex vào trong, một khoảng nắng mầu vàng vẫn còn trước mắt. Thoáng thấy bóng mẹ tôi đứng nhìn ái ngại:
- Sao về muộn thế? Mệt quá hả con.
Chưa nhìn rõ mặt mẹ, tôi vẫn chào:
- Thưa bố mẹ con về.
Khoảng nắng vàng tan biến. Tôi mỉm cười cho mẹ yên lòng. Hình như mẹ vừa hôn lên trán tôi thật nhẹ.
- Ði thay quần áo, rửa mặt cho mát rồi ăn cơm, con.
Tôi dạ nhỏ, chạy lên lầu. Các chị tôi đang nằm, khẽ ngóc đầu lên nhìn rồi tiếp tục yên lặng ru giấc ngủ. Tôi để nguyên quần áo nằm vật ra giường. Con búp bê mở to mắt nhìn tôi. Tự nhiên nước mắt tràn ra má. Tôi khóc lặng lẽ một cách dễ dàng. Tôi muốn trách móc ai. Tôi muốn chịu lỗi với ai không hiểu nữa. À, tôi phải trách móc tôi, và muốn chính mình chịu lỗi với mình.
Ðôi mắt khóc càng làm dễ ngủ, tôi thiếp đi và mơ thấy mình bị giam trong căn nhà xây toàn bằng sách vở.
o O o
Giáo sư vừa mở sổ, cả lớp rào rào những tiếng ôn bài, những tiếng xuýt xoa lo sợ. Tiếng đọc bài càng lúc càng to. Cô Duyên, giáo sư Sử Ðịa kêu lên:
- Các em học ở nhà chứ. Vào đây mới học làm sao thuộc ?
- Bài khó quá cô. Hôm nay có Vạn Vật lại Lý Hóa nên nhiều bài quá cô ơi.
- Thì các em phải thu xếp chứ.
- Sử Ðịa ban A mà ngang với ban C. Bài vở đè nặng vỡ óc tụi em mất.
Cô Duyên cười:
- Làm sao ? Trên bộ đưa chương trình thế thì tôi phải dậy thế.
Tôi tụi nhao nhao tả oán:
- Mấy ông trên Bộ chả thông cảm tụi em gì hết, năm nay chương trình nặng hơn năm trước, thời gian lại ít nên giáo sư dạy dồn tụi em theo không kịp, cô.
Cô Duyên lắc đầu:
- Tôi hiểu các em chứ. Con tôi cũng than quá, nhưng tôi không phải là người giải quyết vấn đề đó, hay các em viết báo xin đi.
- Viết làm sao cô. Thôi cô viết giùm tụi em đi cô.
Chúng tôi cứ kéo dài thì giờ tán dóc ra cũng được 15 phút. Cô Duyên gạt đi:
- Thôi, tán nhảm hết giờ rồi. Vài cô lên đọc bài thử xem. Tất cả để sách lên bàn nhé. Ai lắp bắp tôi gọi đấy.
Nhìn cô đưa đầu cây bút dò dò trên sổ điểm tôi thấy run. Tháng này tôi chưa có điểm.
- Số 29. Cô Hoa Mai.
- Thôi rồi, đúng mục tiêu. Tao lên chào cờ rồi.
Tôi nhìn qua vào quyển vở và cố tình đi chậm chậm lên bảng.
- Thưa cô có khách ạ.
Giọng nói cứu nạn của nhỏ Tuyết. Cô Duyên nhìn ra cửa. Bác lao công đưa thông cáo đi vào.
- Mai nghỉ cô.
- Mai giáo sư họp nghỉ hai giờ cuối.
Lần nào cũng thế. Cứ có người vào lớp là chúng tôi tìm cách quấy rối. Năm thi mà chỉ cầu thông cáo nghỉ. Lười thế đó. Nhiều khi không muốn nghỉ cũng làm ồn ào lớp lên, như thói quen.
- Các em lộn xộn. Mai có gì mà nghỉ. Ðây cô Xã Hội lên nhận thông cáo đi rồi đọc cho các bạn nghe.
Nhỏ Hoàn mang bút lên ký rồi đọc thông cáo. Thế la tôi thoát được mấy phút để nhẩm dò bài.
- “Khối Xã Hội xin thông báo cùng các bạn: Cũng như mọi năm, Khối Xã Hội xin phép Ban Giám Ðốc tổ chức một buổi trại gói bánh chưng tại trường để góp vào Cây Mùa Xuân của chiến sĩ Trung Ðoàn 48 Biệt Lập. Trung Ðoàn mà trường ta đã nhận đỡ đầu từ trước đến nay . . .”
- Thế năm nay không may khăn hỉ mũi hở ?
- Thế không viết “sơ” (thư) cho các anh à ?
Cả lớp có đề tài lại nhao nhao:
- Thế năm nay may “kí rì”
- Chắc là may xà loỏng.
Cả lớp cười lăn cười bò. Cô Duyên cũng không nín được cười. Cô vừa cười vừa mắng át:
- Yên nào, các em làm gì mà nhao nhao lên thế.
Tôi ngồi ghé xuống ngay bàn nhất, chỗ 2 nhỏ Ngọc, Tuyết chờ nhập cuộc. Tuyết lên tiếng:
- Í, may xà loỏng mà không đo thì làm sao biết kích thước to nhỏ.
Cô lườm nhỏ Tuyết:
- Yên đi nào. Các cô chỉ nói lếu thôi, trừ điểm hạnh kiểm bây giờ
Nhỏ Hoàn từ nãy tới giờ chỉ đứng cười chịu trận. Thấy lớp bớt ồn nó liền lên giọng:
- Hình như việc may khăn chỉ từ đệ Tam trở xuống. Chúng ta là lớp thi nên được miễn. Tôi xin đọc tiếp thông cáo: “Số bánh chưng dự trù là 500 cái. Ban Giám Ðốc sẽ trích quỹ Xã Hội một nửa cho trại, một nửa chúng ta sẽ mua thuốc lá và bánh mứt để đi ủy lạo các chiến sĩ nằm điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa.”
- Ôi, sao lắm con đỡ đầu thế. Chết mất mẹ Trưng Vương rồi còn gì
Cả lớp lại ồn ào sau câu nói tếu của Ngọc. Cô Duyên lại lườm Ngọc:
- Yên nào, Ngọc phá đám, bị trừ hạnh kiểm nhé.
Hoàn đọc tiếp:
- “Khối Xã Hội kêu gọi các chị đóng góp mỗi người là 30 đồng để lo hai công việc trên vì quỹ chúng ta quá ít ỏi. Yêu cầu các chị trưởng ban Xã Hội nộp tiền Xã Hội vào sáng thứ bẩy là hạn chót.”
Cô nóng ruột:
- Xong chưa?
- Thưa cô còn ạ.
Tôi nháy nháy nhỏ Hoàn:
- Từ từ cho tao đỡ phải trả bài, còn 15 phút nữa.
Thường thường cô Duyên khảo bài mười lăm phút rồi giảng bài. Thông cáo xã hội đã hết mười lăm phút rồi. Tôi dụ Hoàn kéo dài thêm mười lăm phút nữa cho chắc ý.
- “Các chị muốn tham gia trại bánh chưng phải ghi tên tại văn phòng bà Tổng Giám Thị, điều kiện:
. Từ Đệ Tam trở lên.
. Phải có giấy cho phép của cha mẹ vì trại kéo dài một ngày một đêm.
. Phải biết gói bánh chưng.”
- Tao nghe Hoàn.
- Xí, tao biết nếm bánh.
Cô Duyên lại đập bàn dục:
- Yên nào. Thế lớp này có ai biết gói bánh chưng thì lên ghi tên.
- Cô có biết gói không cô.
Cô Duyên cười lắc đầu:
- Nói chuyện gia chánh thì tôi hàng. Tôi mà gói thì lá đi một nơi, bánh đi một nẻo.
Thôi xong chưa.
- Dạ chưa ạ.
Cả lớp vỗ tay cười rộn:
- Cô cho xả hơi hôm nay đi cô.
- Thôi lẹ lên, bà Tổng thấy ngồi chơi, bà Tổng la chết.
Hoàn chậm dãi đọc tiếp:
- “Thông cáo số hai của khối Xã Hội: Nhân dịp tất niên năm nay, Giáo Sư Trưởng Khối có dịp tiếp xúc với Bà Giám Ðốc Cô Nhi Viện Gò Vấp để xin cho 200 em cô nhi ra chơi tất niên với chúng ta. Mỗi lớp sẽ lãnh 5 em. Tất cả các lớp sẽ tổ chức tất niên cùng ngày và dự trù những cuộc vui và quà tết cho các em cô nhi. Ngày tất niên sẽ được thông báo sau.”
- Trưng Vương thật bận rộn. Hết con đỡ đầu lại đến em đỡ đầu.
Cả lớp ồn lên bàn tán:
- Vui quá há. Sao tao muốn lẹ lẹ lên đến ngày tất niên để xem tụi nó ra sao?
- Chắc toàn những đứa học giỏi và ngoan. Chắc họ tuyển dữ lắm nhỉ.
- Vậy mình lo tất niên sơm sớm đi.
Tôi chợt bâng khuâng, nghĩ đến lúc đối diện với những đứa bé mất tình thương. Không biết chúng gặp tôi và các bạn có vui mừng hay đã biết buồn về sự chênh lệch số mạng?
Cô Duyên gật đầu:
- Ừ năm nay Xã Hội có mục này cũng hay hay và ý nghĩa đấy. Không biết giữ được mãi không, hay chỉ được có năm nay?
Sang giờ cô Vân, giáo sư chính, cô ngồi phê học bạ, chúng tôi xin phép ngồi bàn tổ chức tất niên.
- Hoa Mai tổ chức đi.
- Hoa Mai lên nói đi.
Tôi chả giữ chức gì trong lớp mà chúng nó cứ bắt tội. Vì từ năm đệ Lục tới giờ, tất niên trong lớp đều do tôi tổ chức. Nhỏ Tuyết, trưởng ban Khánh Tiết, từ bàn trên xuống kéo tay tôi lôi lên.
- Ði, tao với mày lên bàn với chúng nó cho xong đi.
Tuyết đứng giữa lớp trịnh trọng:
- Thưa mấy chị . . .
Một đứa lầu bầu:
- Gọi đại mày tao cho rồi còn chị chị em em.
Tuyết phì cười, kéo tay tôi:
- Nói đi mày.
Tôi thong thả từng tiếng một:
- Cũng như mọi năm, chúng ta sẽ tổ chức một buổi tất niên trước khi chúng ta chia tay nhau dịp Tết. Tôi nghĩ rằng cả lớp sẽ đồng lòng vì năm nay là năm cuối. dù đậu hay rớt chúng mình cũng sẽ không còn gặp nhau nữa, mỗi người một hướng đi. Đó cũng là lý do để chúng tao không còn tiếc nhau 1 điều gì. Sau khi xa trường chúng ta sẽ nhớ mãi những giây phút quí giá này, và khoảng thời gian chúng ta cùng chung sống dưới mái trường yêu dấu . . .
Giọng tôi chợt nghẹn ngào. Cả lớp chìm đắm trong nỗi niềm xúc động vừa ùa đến. Cô Vân cũng ngừng bút để nghe. Tự nhiên tôi run giọng và không nói gì được nữa. Tuyết khẽ dục:
- Tiếp đi Mai
- Tôi mong rằng trong buổi tiệc cuối năm, sẽ không thiếu một bạn nào, và chúng ta sẽ vui thật nhiều trong buổi tất niên cuối cùng đó. . .
Nước mắt tôi dàn ra. Tôi thoáng nghe tiếng ai đó thở dài. Tôi cúi đầu bảo Tuyết:
- Mày bàn vào chi tiết đi, tao xuống.
Tuyết thông cảm nỗi xúc động của tôi, nó cười nhẹ và đánh tan không khí yên lặng:
- Năm nay chúng ta có thêm năm em cô nhi để cùng vui, đó cũng là lý do để chúng ta tổ chức phong phú hơn mọi năm. Vậy từ ngày mai các bạn sẽ đóng góp ở Tuyết hoặc Hoa Mai để có quỹ tổ chức sớm, hầu tránh gặp trở ngại.
Loan góp ý:
- Tôi nghĩ hôm đó chúng mình mỗi người mang theo một món quà. Mình sẽ làm một cuộc bắt thăm để trao đổi cho nhau làm kỷ niệm.
Cả lớp vỗ tay tán đồng. Thế là cuộc bàn bạc tất niên đã tạm xong. Giờ học đã tàn. Buổi học sáng nay sao thấy ngắn.
Tôi chạy tung tăng qua các hành lang. Gặp tôi với những chân sáo, miệng hát nho nhỏ một bản nhạt vui, một cô giáo dạy tôi năm ngoái đang đi ngược chiều mắng yêu:
- Cô Hoa Mai, cô ca hát suốt ngày.
Tôi cười thật tươi. Lòng tràn đầy niềm yêu thương thầy, bạn, ngôi trường, đời cắp sách. Vẫn theo nhịp hát, tôi trả lời cô:
- Thưa cô. Em đang vui.