The mere brute pleasure of reading - the sort of pleasure a cow must have in grazing.

Lord Chesterfield

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 201 / 19
Cập nhật: 2020-07-08 19:36:02 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
LLEN MUỐN TÔI BẮT ĐẦU CÔNG VIỆC từ hôm qua, nhưng tôi nói với chị rằng tôi cần một tuần để ổn định. Tôi mất mấy ngày lục tung các loại quảng cáo cho thuê nhà. CM nói tôi có thể ở chung với cô, nhưng ý định tìm một chỗ riêng đã ăn vào tôi từ lâu. Tôi từng dọn khỏi nhà bố mẹ để thuê chung một căn hộ với CM. Hồi ở Pháp, tôi sống cùng gia đình Guillaume. Thời gian duy nhất tôi thực sự ở một mình là sáu tháng trước khi cưới David, khi ấy CM đi New York. Mà thật ra phần lớn thời gian tôi ở lại chỗ anh.
Rõ ràng là Seattle dư thừa những căn hộ một phòng ngủ vừa cũ vừa chật, sàn trải thảm nhăn, tường giả gỗ và gạch phòng tắm mốc meo. Có cảm giác như tôi đã xem hết lần lượt từng căn. Ngày nào cũng phải đến chiều tối mới vác xác về nhà CM, mệt bã và chán nản. Cuối cùng, ai đó ở hiệu bánh cho tôi số điện thoại của một người môi giới tên là Daisy Wardwell. Đó là một cô gái tóc vàng rất niềm nở, trang điểm hoàn hảo và dường như sở hữu bộ sưu tập đồ sộ các kiểu áo khoác gam màu nhạt. Daisy đưa tôi đi xem vài nơi chẳng được đăng quảng cáo ở đâu. Những chỗ này ổn hơn các căn hộ tôi đã xem, nhưng cũng đắt hơn, còn gồm cả chút phí hoa hồng cho Daisy. Khi tôi nói rõ mình muốn nơi như thế nào và có thể chi trả được bao nhiêu, Daisy nhìn tôi như thể tôi đang điên, nhưng vẫn nói cô sẽ xem có gì “ngoài đó” không.
Ngay hôm sau Daisy gọi điện, cho tôi một địa chỉ trên phố Fourth và hẹn gặp ở đó lúc mười rưỡi. Đứng trên phố, tôi chăm chú quan sát biển số nhà đã mờ. Chắc Daisy đưa nhầm địa chỉ, hoặc tôi đã nhầm lẫn khi viết lại. Khu nhà rộng mênh mông theo kiến trúc Victoria và đang trong giai đoạn phục dựng hoặc phá dỡ, khó có thể nói chính xác được. Với tường bao màu xám và mái vẩy trắng đã bạc màu và rạn nứt, ngôi nhà trông giống những bức ảnh “trước” trong các dự án cải tạo của tạp chí Nhà đẹp. Bức ảnh “sau” sẽ có thêm đồ đạc bằng gỗ liễu gai sơn trắng, dương xỉ Boston, và bữa trà chiều bày sẵn trên bàn.
Tránh những chỗ ván đã long hoặc bị mục, tôi nhón chân bước lên thềm và đi lại quanh hiên. Một trong những cửa sổ lớn ở mặt tiền bị vỡ và được đóng ván lên che; những ô cửa khác đều cáu bẩn. Tôi nhòm vào trong, hai bàn tay ôm hai bên má. Tất cả những gì tôi nhìn thấy là món đồ nào đó rất lớn ở ngay giữa nhà, được phủ vải kín bên ngoài. Cửa ra vào ngày trước đã được thay bằng cánh cửa kim loại hiện đại, khóa rất chắc chắn.
Chiếc Jeep màu đen của Daisy rít lên khi dừng lại, bánh xe húc vào hè. Daisy nhảy khỏi xe, thở không ra hơi.
- Này, chị. Xin lỗi em đến muộn.
- Hãy nói với tôi rằng không phải chỗ này đi.
Daisy cười lớn.
- Chị đúng một nửa. Đi với em.
Tôi theo Daisy trên lối đi rải đá dăm cho xe vào ở phía trái tòa nhà, qua một vạt độc cần, tới một căn nhỏ cất bằng ván còn rất mới, nằm bên rìa khu đất này.
- Họ làm căn này hồi mùa xuân năm ngoái, - Daisy giải thích. - Em nghĩ chắc chưa từng được sử dụng. - Ủy ban tiếp đón gồm toàn nhện và chi chít phân chuột trên sàn gỗ đã hùng hồn khẳng định nhận xét của Daisy. - Tất nhiên sẽ phải dọn dẹp sạch sẽ và diệt hết chuột bọ, nhưng chỗ này cũng xinh xắn, chị có thấy thế không?
Phòng khách nhỏ nhưng có lò sưởi đốt củi, một góc bếp đủ những vật dụng thiết yếu. Phòng ngủ có một tủ lớn rất đẹp, nhưng không có giá hoặc tủ treo tường. Thực ra hiện giờ tôi cũng chẳng có nhiều đồ mà cất. Có một đèn chùm trong phòng tắm, và bồn tắm hình vuông vẫn còn dán mác của nhà sản xuất. Tôi đi từ phía sau ra hiên trước nhà và hình dung các buổi sáng mình có thể ngồi đây với một tách cà phê espresso. Tiền thuê không đắt hơn một vài căn hộ trông như vừa bị đánh bom mà tôi đã xem.
- Vậy có gì bất tiện không?
Daisy mỉm cười.
- Bất tiện là ở chỗ nhà này cho thuê theo tháng. Em không chắc có thể thuê được đến bao giờ. Bà cụ sống ở tòa nhà lớn đã qua đời. Di chúc của bà đang được chứng thực; vợ chồng người con trai duy nhất tiến hành cải tạo nhà, nhưng chị vợ mới đâm đơn li hôn... Mọi chuyện hiện giờ đang hơi loạn xạ.
- Nghe có vẻ giống cuộc đời tôi đấy.
Có một chậu gốm rỗng không ở ngay cạnh cửa lưới, tôi hình dung phong lữ đỏ sẽ mọc lên xum xuê trong đó.
- Vấn đề duy nhất em có thể nghĩ đến là khi không có ai sống trong nhà lớn, chị ở đây sẽ hơi bị tách biệt. Xung quanh đều có hàng xóm, nhưng không ai thấy được chỗ này từ hiên nhà họ hoặc từ đâu đó kiểu thế. - Daisy e dè nhìn tôi. - Khu này rất yên tĩnh. Có vẻ chị không thích thay đổi, nhưng đây là nơi có thể cân nhắc nếu chị...
Khi đứng đó trong nắng thu ấm áp, thực khó có thể tưởng tượng bọn đạo chích hay những kẻ sát nhân tâm thần đang rình mò lẩn khuất đâu đây. Tôi chỉ thấy cái lồng treo thức ăn cho chim và những chậu trồng hoa. Còn mình cuộn tròn trong lòng ghế mây với một cuốn sách hay, bản giao hưởng cho violon của Vivaldi vẳng ra từ cánh cửa để ngỏ. Tôi thích cách ngôi nhà này nép mình giữa những tán cây, như túp lều tranh của bác tiều phu trong cánh rừng cổ tích. Tôi hình dung các dây leo rủ xuống hiên, không biết phía trước có đủ nắng để trồng dàn hoa kèn màu đồng đỏ lửa không nhỉ. Tôi phải nhắc mình không đẩy trí tưởng tượng xa hơn. Ừ thì là nhà đi thuê thôi. Không cần phải quy hoạch lại cảnh quan như thế chứ.
- Tôi nghĩ chỗ này hợp với mình.
- Được rồi, vậy ta quay lại văn phòng hoàn tất các thủ tục. Em có thể sắp xếp để cuối tuần là nơi này đã sẵn sàng chào đón chị.
o O o
Linda LaGardia, người thợ làm bánh mì ở hiệu Queen Street, có cái tôi mênh mông như lãnh thổ Yukon*. Khi Ellen giới thiệu chúng tôi với nhau vài ngày trước khi tôi chính thức vào làm, Linda hỏi độp ngay rằng bà ngoại tôi thường làm thế nào để biết được sườn nướng bỏ lò đã chín tới hay chưa. Nghe xong bà xì một tiếng rồi nói: “Để xem cô này trụ nổi bao lâu”.
Tôi quan sát Linda xách hai xô có nắp đựng đầy bột từ trong kho ra, hai bắp tay bà cuộn lên. Nhìn từ phía sau, trông Linda như trụ nước cứu hỏa chân vòng kiềng; nhìn trực diện thì hệt như một con chó bun nòi Anh. Tóc bà mỏng, màu vàng ngả xám, trông như được tạo kiểu bằng dao cắt điện. Đôi mắt nhỏ màu xám đá. Và vài sợi lông đen tủa ra từ một trong mấy vết nám lớn trên má bà.
Ellen lúc lắc đầu, làm như ngạc nhiên.
- Linda ở đây được hai mươi lăm năm rồi.
- Chị có chắc là bà ấy cần người phụ việc không ạ?
- Nói thật, tôi chắc chắn là bà ấy không cần. - Ellen vỗ nhẹ lên cánh tay tôi. - Nhưng đừng lo, Linda mạnh miệng thế thôi chứ không ăn thịt cô đâu.
Còn tôi tự nhủ mình có thể bỏ việc bất cứ lúc nào.
o O o
Sáng thứ Bảy, dịch vụ chuyển phát nhanh đưa mấy thùng quần áo và sách của tôi tới nhà CM. Chiều hôm sau, bọn tôi chở tất cả đến căn nhà tranh để đoàn tụ với bộ sưu tập những đồ đạc cọc cạch mà tôi đã xoay xở mang về trong hai ngày qua. CM đặt một thùng các-tông nhỏ nhưng nặng trịch xuống và nhìn quanh, tay chống trên hông. Một ghế bành lớn màu lá cây với những họa tiết xoắn lượn; một cái nữa nhỏ hơn, màu vàng pha nâu trông rất xấu, kê trước lò sưởi, đều miễn phí từ cửa hàng giá rẻ của Cứu Tế Quân. Có một bàn tròn nhỏ ở giữa hai chiếc ghế. Tại một hàng đồ cũ ở Capitol Hill, tôi không chần chừ mua ngay cái bàn viết rất đẹp bị gãy chân, giờ đã liền lại nhờ keo dán siêu dính. Cái ghế đẩu và cây đèn đứng bằng đồng đã xỉn màu lọt vào mắt tôi hôm qua, trong một phiên bán hàng tồn kho gần đấy.
CM nhòm vào phòng ngủ trống không.
- Bồ lấy gì để nằm?
- Tôi đã đặt mua đệm và khung sắt, nhưng phải thứ Tư họ mới chở đến được.
- Tôi thấy thế này có được không, hay là bồ mua đệm gập và khung ấy? Như thế vừa có xô-pha vừa có giường.
- Sáng kiến đấy. Sao bồ thông minh đột xuất thế?
- Tôi đã kinh qua cơ man các màn chuyển nhà sắm đồ rồi. - “Còn bồ thì không” là điều có thể tự hiểu được.
Đi chuyến cuối ra xe, CM bê vào cây đèn bàn cổ bằng đồng, chụp đèn thủy tinh xanh lá cây mà cô bảo là quà mừng nhà mới của tôi, rồi đặt trên bàn bếp, ngay cạnh bồn rửa.
- Wyn ơi, thế này trông... - CM lựa lời cho khỏi mất lòng tôi -... thanh đạm quá. Bồ có chắc sẽ ổn cả không đấy? Bồ có quen phải... - giọng cô nhỏ đi.
- Tôi sẽ loay hoay được, - tôi nói cứng. - Sẽ ổn cả thôi. - Là thần kinh tôi đang hoang tưởng, hay đúng là CM đang bắt đầu nói giống mẹ tôi vậy?
Cô bật cười.
- Ờ, bồ biết là luôn có thể đến nhà tôi nếu thấy ở đây giống đi cắm trại quá. Tôi vẫn không hiểu sao bồ không ở đó ít nhất cho đến khi tôi về.
- Tôi chỉ muốn tự lo cho mình thôi.
- Tôi không ở nhà thì có khác gì là bồ tự lo cho mình đâu. - CM nhìn tôi. - Ờ, thôi được, bồ lại trưng ra cái bản mặt thân lừa ưa nặng đó rồi. - Cô đưa tôi chìa khóa căn hộ và xe của mình. - Để đề phòng thôi. Tôi đã dặn bà quản lý khu căn hộ là có thể bồ sẽ ghé qua, cho nên bà ấy sẽ không bắt giam bồ đâu. Dù có khi bồ sẽ thấy dễ chịu hơn khi ở trong phòng giam vừa sạch vừa ấm đấy.
o O o
Phần lớn quần áo tôi diện ở Los Angeles đều vô dụng khi ở đây. Những thứ để xúng xính đi ăn trưa, mua sắm ở Beverly Hills, rất nhiều váy ngắn, đầm dạ tiệc, quần áo lót khêu gợi và giầy cao gót. Hầu như không có gì có thể mặc đi làm bây giờ được. Chưa kể tôi chẳng có chỗ mà cất những thứ này. Trời ơi, não tôi lâu nay không động đậy nên đã teo lại rồi. Tôi xếp sang một bên quần jeans, một chiếc quần nỉ và chừng hai, ba cái áo len, ba áo phông dài tay, vài bộ quần áo chạy, giày thể thao. Tất cả những thứ khác tôi cất trở lại thùng.
Trời tối và lạnh dần, tôi nhìn quanh tìm bộ điều khiển nhiệt độ. Dò kĩ từng mảng tường, trong tủ đứng, tủ bếp, thậm chí cả dưới bồn rửa mà vẫn không thấy. Mở tập hồ sơ Daisy đã đưa, tôi tìm tờ thông tin mô tả và tra cho đến khi tìm thấy từ “sưởi”. Ở cột đối diện là dòng chữ “không có”.
Ồ, phải rồi. Tôi láng máng nhớ đã nói đến vấn đề này, nhưng trong cơn cuồng dọn vào cái tổ mới của mình, hẳn tôi đã bỏ sót một vài chi tiết. Có một dấu hoa thị cạnh “không có”, và rồi dòng nhỏ xíu: “giữ ấm bằng lò đốt củi Jotul”. Thế cũng được, cơ mà tôi chẳng có khúc gỗ chết tiệt nào cho cái lò chết dẫm ấy.
Tôi ngồi xuống tấm thảm đan trải phía trước lò sưởi lạnh ngắt và im ắng, nhìn quanh căn phòng. Những thùng quần áo đắt tiền chẳng mặc được, vài món đồ đạc ít ỏi đến mức như lọt thỏm trong một nơi bé xíu thế này, cái giỏ bát đĩa ly cốc tôi bòn của CM.
Được rồi, tôi đang muốn chứng tỏ điều gì? Rằng tôi không phải là một nàng chảnh chọe quen được chiều ư? Rằng tôi có thể là quý bà Thoreau bên hồ Walden chăng?* Thực ra tôi có thể sắm thêm đồ đạc. Nhưng tất cả đều chỉ là tạm thời. Nếu anh David gọi điện và muốn tôi về nhà, thì tôi không muốn bị kẹt với cả đống đồ ở đây. Khi anh gọi. Không phải nếu.
Tôi mua pizza ở chợ Dan’s, ăn trên chiếc bàn viết, trong ánh sáng vàng như hổ phách từ cây đèn đứng. Tôi chăm chú nhìn bên chân bàn được dán lại, lơ đãng tự hỏi không biết nó đã bị gãy thế nào nhỉ? Trẻ con chơi bóng ném trong phòng khách chăng? Cãi cọ ẩu đả trong nhà chăng? Hay bị va đập trong khi vận chuyển?
Tôi quên không bật bình nước nóng nên rửa đĩa xong vẫn còn một lượt mỡ mỏng cứng đầu bám chặt. Tôi cố gắng đọc một lúc, nhưng sao mà lạnh thế. Có nên gọi cho CM bảo cô ấy hãy đến đón tôi không? Tôi đã nhấc điện thoại lên, nhưng rồi lại đặt ống nghe xuống. CM không cần một tình tiết tăng nặng, và tôi không muốn bất cứ ai, kể cả cô, lại nói với tôi rằng đã-bảo-rồi-mà.
Tám rưỡi tối, tôi mặc lên người quần tất, quần jeans, quần nỉ thể thao, áo cổ lọ, áo nỉ, và áo len. Lấy đệm ghế làm giường tạm, tôi đắp lên ba cái chăn mượn của CM từ trước. Có cảm giác mình giống như món đút lò mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn nấu vào tối thứ Bảy - heo cuốn chăn*. Tôi mặc nhiều lớp quần áo đến mức không co nổi chân. Đến chín giờ mười lăm, tôi đi thêm một đôi tất và mặc áo khoác dài.
Cô đơn và đau khổ đã dẫn đến sự điên rồ tạm thời. Không có cách giải thích nào khác cho hành vi của tôi. Sáng mai tôi có thể thức dậy, đóng gói hành lý và về nhà ở Los Angeles. Mất vài trăm đô-la tiền thuê nhà và chút thể diện, nhưng tôi sẽ được thoải mái.
Tôi trở mình nằm ngửa. Tôi có thể dọn ra ở riêng, tất nhiên rồi, nhưng vẫn phải đối mặt với những câu hỏi của mẹ, ít nhất cũng phải tỏ ra quan tâm đến ý kiến của mẹ, và chịu trận nghe những lý thuyết mẹ giảng về thẩm quyền đạo đức của phụ nữ. Tôi có thể kiếm được việc làm ở đó. Có thể không phải là làm bánh. Có thể tôi sẽ miễn cưỡng gia hạn chứng chỉ sư phạm và quay lại hò hét lũ học trò nghịch còn hơn giặc.
Và rồi một đêm nọ, phát điên vì quá bức bối, tôi nhận lời xem mặt một trong những bạn cùng phòng của anh họ của con trai của bạn mẹ - một chàng hiền lành ít nói tốt nghiệp trường Antelope Valley. Nhưng rồi té ra chàng chính là Sát Thủ Sepulveda, và ngày hôm sau người ta tìm thấy thi thể tôi bị cắt thành nhiều mảnh, rải trong khe vực ở rừng quốc gia Angeles Crest. Tôi sẽ lên trang nhất tờ Thời báo Los Angeles. David và Kelley sẽ biết chuyện trong khi đang ăn sáng. Hai mắt Kelley sẽ mở to tròn vo và cô ấy sẽ thốt lên: “Anh từng CƯỚI chị ta cách đây lâu lắm rồi phải không?”.
Và David sẽ nhô người qua vai Kelley, nhìn trang báo và nói: “Khuôn mặt không giống lắm, nhưng anh nhận ra mái tóc đó”.
o O o
Sáng thứ Hai, tôi co ro run cầm cập, vẫn còn cuốn nguyên chăn, lần mò tập hồ sơ thuê nhà. Daisy đã đính kèm một danh mục mấy hãng bán lẻ củi đốt lò. “Những chỗ có đánh dấu sao sẽ chở và xếp củi cho chị”, Daisy đã dặn như vậy. “Hơi đắt hơn một chút, nhưng trừ khi chị có xe bán tải hoặc biết ai có...”. Tôi không nghĩ CM sẽ đánh giá cao việc tôi lấy chiếc Camry của cô ra thồ củi.
Tôi gọi đến hãng có cái tên khiến tôi mỉm cười - Rừng Na Uy. Người đàn ông ở đầu dây nói rằng với loại lò đó thì tôi cần củi cứng, và chỗ họ có gỗ trăn, rồi báo giá của một nửa thùng chuẩn. Khị tôi nói muốn hỏi thêm vài chỗ khác nữa, anh ta đáp:
- Tôi nói luôn để chị khỏi mất thời gian, bên Guy Doyle và Raven Woods lấy giá tương tự, chúng tôi đều chở và xếp tận nơi. Khi nào chị cần?
- Bây giờ, - tôi đáp. Anh ta nói sớm nhất cũng phải sáng thứ Ba. - Tôi cần ngay. Hiện giờ tôi không có một cành củi nào và đang rét run.
- Xin lỗi chị, - anh ta nói. - Đang mùa cao điểm mà. Ai cũng muốn củi phải được chở đến từ hôm qua rồi
- Vậy tôi không đặt chỗ anh nữa, tôi phải tìm nơi nào giao được ngay hôm nay.
- Chúc chị may mắn, - anh ta lịch sự nói rồi đặt máy.
Tôi gọi đến tất cả các hãng khác có trong danh mục, nơi giao được sớm nhất là thứ Năm. Tôi bò trở lại đống đệm xộc xệch, trùm chăn lên, tấm tức khóc những giọt nước mắt nóng hổi, giờ là thứ ấm áp nhất trong nhà. Nơi này có lẽ hoàn toàn không có khả năng cách nhiệt.
Khóc cạn nước mắt, tôi bắt mình phải ngồi dậy, gượng đứng vững trên sàn, chỗ có một vạt nắng vàng óng chảy vào. Hơi ấm chạy dấn từ bàn chân lên, như từ từ thấm thấu vào cơ thể tôi. Tôi nhấc điện thoại, gọi lại đến Rừng Na Uy. Vẫn người đàn ông lúc trước trả lời.
Tôi mềm giọng, hi vọng anh ta sẽ không nhận ra.
- Cho tôi đặt nửa thùng gỗ trắc vào ngày mai được không?
- Được chứ, - anh ta đáp, mạn Fourth phải không chị? Bây giờ tôi có mấy đơn hàng phải giao trong sáng mai rồi, chắc khoảng ba giờ chiều sẽ tới chỗ chị.
o O o
Trời tối như bưng và lạnh tê tái khi đồng hồ báo thức kêu lúc mười một giờ rưỡi tối thứ Hai. Tôi bật ngay đèn lên để không bị cám dỗ ngủ trở lại rồi cởi bớt các loại áo ấm và quần tất. Lần đấu tiên phải cởi bỏ quần áo để đi làm. Tôi chải đầu, mặc áo khoác vào, thoáng chần chừ, ngái ngủ tự hỏi không biết mình có quên gì không. Nhẫn cưới. Gắn bột nhào lên nhẫn thì không đẹp.
Tôi đã nói với David rằng không thích nhẫn đính hôn gắn đá to sụ. Anh đã nêu ý tưởng một mẫu nhẫn cưới đơn giản - năm viên kim cương cắt hình chữ nhật nằm cạnh nhau trên vòng nhẫn vàng to bản. Đẹp lung linh. Thỉnh thoảng tôi vẫn lặng ngắm nó, mê mẩn những góc ánh sáng được phản chiếu. Tôi tháo nhẫn khỏi ngón tay, cất vào cái hộp nhỏ đựng mấy món nữ trang ít ỏi đã mang theo.
Rồi tôi bước lạo xạo trèn lối đi trải đá dăm, rẽ ra con phố tĩnh lặng.
Tôi đi thật nhanh từ cây đèn đường này đến cây đèn đường khác. Chúng nối nhau như những tảng đá gồ lên thành độc đạo trên một dòng sông đen đặc. Tiếng còi hụ phía trung tâm thành phố. Còi phà xa xa. Vài chiếc xe thưa thớt lướt qua tôi. Người ta đang về nhà. Đi ngủ. Những con người sáng suốt. Còn đây là tôi. Nửa đêm mò đi làm để kiếm tám đô-la một giờ. Với một người chẳng muốn tôi làm việc cùng.
Tôi đi ngang qua một ngôi nhà nhỏ kiểu Tudor có ngọn đèn vàng sáng rực trước hiên. Một người đàn ông ngồi nghiêng bên cửa sổ lớn, người cúi về phía trước, khuỷu tay tì lên đầu gối, khuôn mặt loang loáng phản chiếu ánh sáng từ màn hình ti-vi. Đốm lửa từ đầu điếu thuốc ông đang hút như bất động trong bóng tối. Tôi tưởng tượng ông đang ngồi đợi con gái về nhà sau buổi hẹn hò, cái cách bố từng vài lần đợi tôi. Có lẽ ông không thích cậu bạn trai của con, và cô cậu đã đi quá giờ cho phép. Vợ ông đã đi ngủ, nhưng ông vẫn ngồi trong phòng khách, cố gắng tập trung xem một chương trình phát lại vớ vẩn nào đó, lòng bực bội và lo lắng.
Tôi đi xuôi ngõ nhỏ đằng sau hiệu bánh, gõ lên cửa hậu. Khi Linda mở cửa, tôi mỉm cười.
- Chào chị.
Linda không đáp, chỉ khừ mũi lùi lại để tôi vào. Bà vào kho và quay ra với hai xô bột, rồi lại đi tiếp chuyến nữa. Tôi lấy tạp dề từ một xấp đã giặt sạch ở cạnh bồn rửa, tròng qua đầu, thắt dây buộc quanh eo. Linda trở lại với hai xô bột nữa, trừng mắt nhìn tôi nhưng không dừng bước. Lần này tôi đi theo.
- Tôi giúp chị nhé?
Tôi theo được đến lối đi hẹp thì bà chìa thêm xô, gầm lên như đầu máy xe lửa trả lời; tôi phải nép vào tường cho khỏi bị bà thổi bay mất.
- Không thì cô ở đây làm gì? - Bà liếc xéo tôi.
Trong kho toàn những giá cao tới trần, xếp sin sít đủ loại xô, bao bố, hộp thiếc và hộp giấy. Linda sải bước tới và dúi một mẩu giấy nhàu nát vào tay tôi.
- Lấy những thứ này mang ra.
Tôi mất mấy phút mới luận ra được hệ thống sắp xếp trên các giá, nhưng cuối cùng cũng tìm được hết các thứ trong danh sách và dồn lại giữa sàn. Khi tôi lặc lè xách xô đầu tiên ra, Linda đứng chống nạnh nói:
- Gớm, lâu thế.
- Xin lỗi, tôi chưa quen nên hơi rối.
Bà cứ đứng nhìn tôi xách nốt các nguyên liệu còn lại ra, dù chúng tôi có thể tiết kiệm được nửa thời gian nếu bà giúp một tay.
- Có khi ta nên dùng xe kéo, - tôi đề xuất.
- Cái gì cơ?
- Cái dụng cụ thấp thấp mà có bánh xe ấy. Như thế lấy các thứ từ kho ra sẽ nhanh... - Linda trừng mắt nhìn tôi như thể tôi vừa hạ cánh từ sao Kim. Tôi phủi hai tay vào nhau. - Tiếp theo làm gì đây?
- Năm phút không hỏi một câu cô không chịu được à?
- Chị không tự nguyện nói ra thì tôi phải hỏi thôi.
Hai mắt bà híp lại, trông như con lợn rừng bị chọc giận.
- Đừng bày đặt lên mặt dạy đời tôi, - Linda nói.
- Tôi không lên mặt với ai hết. Nhưng chị phải cho tôi biết đại khái chị muốn gì.
- Tôi muốn cô quan sát và học. Và đừng lôi thôi với tôi. - Giọng bà tăng âm lượng lên vài đề-xi-ben. - Và quý cô đừng có mà tròn mắt lên thế.
Chắc bà quen bắt nạt mấy cô bé mười tám đôi mươi.
- Tôi tên là Wyn*.
- Tên với chả tuổi, buồn cười.
Dáng vẻ và cung cách nói năng của Linda giống hệt Darlene Grabinski, con bé tròn quay như hạt mít, chuyên gia bắt nạt và khủng bố tôi hồi lớp một. Vừa liên tưởng thế là tôi không nhịn được cười. Khi tôi bình thường trở lại, Linda lấy một cuốn sổ mỏng màu đen từ cái giá, phía trên bồn rửa xuống và đưa cho tôi.
- Làm bánh mì trắng và bánh nguyên cám với hạt óc chó trước. -Bà chỉ một chồng những bát trộn lớn bằng thép không gỉ. - Đong bột bằng cái cân kia rồi để lên bàn. - Tôi hỏi bật chút nhạc lên có được không, Linda gầm gừ đồng ý. - Miễn không bật mấy thể loại loi cha loi choi.
Khi dò qua một ngăn kéo đầy băng nhạc, tôi để ý thấy trên giá cạnh bàn của Ellen có mấy chục cuốn sách về nướng bánh, nhưng rất ít sách về bánh mì.
- Chị có tham khảo sách nào viết về bánh mì không?
- Không.
- Ở nhà tôi có mấy cuốn được lắm. Có khi lúc nào đó chúng ta thử làm mấy kiểu khác xem sao.
Không rõ Linda đang thực sự cân nhắc đề nghị của tôi, hay đang mải nghĩ việc khác, nhưng rồi bà hạ giọng hách dịch.
- Đừng có loe ngoe làm cái này mới cái kia khác. Cái gì không hỏng thì miễn sửa.
Linda không dễ gạt cái tôi to đùng của mình sang một bên, và lại bà chẳng mảy may hứng thú gì với tôi. Mọi nỗ lực bắt chuyện của tôi đều bị dập ngay tắp lự, nên tôi chẳng cố nữa và chỉ làm những gì bà bảo. Dựa trên trí nhớ mơ hồ của tôi về thời gian tại Pháp và kinh nghiệm nhặt nhạnh khi làm bánh ở nhà, tôi nghĩ Linda là thợ làm bánh có nghề, nhưng khả năng sáng tạo chỉ ở mức thường thường bậc trung, làm mọi việc theo lối mòn. Cùng loại bánh mì vào cùng những ngày trong tuần, cùng một cách bà đã làm trong hai mươi lăm năm qua. Có lẽ đấy cũng được coi là một truyền thống.
o O o
Sáu giờ sáng, tôi đang làm ẩm mặt bàn nhào bột và cắt bột nhào bằng dao chuyên dụng thì Ellen đến.
- Chào mấy chị em, - Ellen ríu rít, gạt công tắc đèn gian ngoài. Linda chỉ ừ hữ.
Ellen lăng xăng đi lại, bật máy pha cà phê, xay cà phê, lau mặt quầy, bỏ tiền vào máy tính tiền. Tôi xếp lại những ổ bánh mới thơm phức trên giá để nguội, có cảm giác rằng Ellen đang cố đọc biểu cảm trên mặt tôi.
- Mọi chuyện ổn cả không?
- Ít ra cô ấy biết dọn dẹp, - Linda cắm cảu.
- Ổn ạ. Bận ra phết. - Tôi cười xòa.
Ellen nhìn tôi thêm vài giây nữa, rồi xoa hai bàn tay vào nhau, cố nặn ra chút phấn chấn.
- Vậy uống cà phê espresso nhé? Chỗ ở mới của cô thế nào?
Khi biết tôi đang ở đâu, Ellen cười buồn.
- Ồ, ra là biệt thự Keeler. Ông Stanford với bà Adele. Chuyện như trong phim.
- Chị biết mọi người ở khu Queen Anne Hill ạ? - Tôi hỏi.
- Khá nhiều. - Chị nghiêm nghị đáp. - Bà Adele đẹp lắm. Từng là nghệ sĩ ba-lê. Bà ấy có mặt trong đủ loại quỹ từ thiện, các quỹ nghệ thuật. Cô hiểu chứ?
Tôi lặng lẽ gật đầu. Đúng, tôi hiểu quá rõ mà.
- Vậy bà ấy là người đã qua đời ạ? Di chúc của ai đang được thực chứng ạ?
Ellen vừa xay cà phê vừa lạc trong chuyện cũ.
- Ông Stanford ngày ấy là luật sư. Nhân vật có vai vế trong đảng Dân chủ cấp địa phương. Nhưng là một con người hết sức chính trực.
Nét mặt chị chuyến sang vẻ tột cùng khinh miệt.
- Ngược lại, bà Adele, nói xin lỗi cô, chỉ giỏi mồi chài quyến rũ người khác. Lại cực kỳ ích kỷ. Ông Stanford mê mẩn bà ấy. Trong mắt thiên hạ họ như một cặp hoàng tộc ở Queen Anne Hill. - Ellen ngừng lại cho thêm kịch tính. - Đùng một cái, ngay sau chiến dịch cuối cùng vận động bầu thị trưởng. Vợ của một chính khách nào đó bỏ ông ta, nói rằng ông ta dan díu với bà Adele. Không chỉ có thế, rõ ràng ông ta tiêu sai mục đích tiền trong quỹ dự phòng khẩn cấp, và cáo buộc bà Adele có nhúng tay vào. Rửa tiền bằng hoạt động từ thiện cao quý - dù cáo buộc này chưa bao giờ được chứng minh là xác thực đến đâu.
- Vậy chuyện gì đã xảy ra tiếp ạ?
- Ông Stanford tội nghiệp hoàn toàn suy sụp. Họ ly dị. Bà ấy chẳng nề hà chi li với ông ấy từng xu một. Đến lúc ấy, tôi nghĩ ông Stanford cũng chẳng thiết gì nữa. Hai năm sau ông ấy mất. Tất nhiên chẳng ai ở đấy còn dám dây vào bà Adele nữa. Thế là bà ấy thành người ở ẩn. Chỉ ngồi trong dinh cơ mà bà ấy đã quá ham muốn, và mặc nó tã đi. Cuối cùng năm ngoái cũng ra đi. Tôi nghe nói đang chứng thực gì đó vì bà ấy không để lại di chúc thì phải. Hồi ấy cậu con trai cũng hầu như không nói chuyện với mẹ.
Chị đưa cho tôi một chén gốm rất tinh xảo, đựng cà phê espresso.
- Bây giờ vợ chồng cậu con đang ly thân hay sao ấy nhỉ? Khéo chỗ đó bị yểm bùa rồi.
Bất kể điều đó có đúng hay không, tôi cũng đã nhanh chóng được mở mắt trước bất cứ niềm tin nào còn sót lại về những kết thúc có hậu.
o O o
Tôi quyết định rằng tắm nước nóng sẽ khiến tôi thấy mình là người hơn, và quả đúng là như vậy. Nhưng tôi đang với tay lấy khăn tắm thì nghe thấy có ai đó đập thình thình lên cửa trước.
Vẫn còn ướt nhẹp và run rẩy, tôi choàng áo khoác tắm, cuốn tóc trong khăn bông và đi vội ra. Tôi mở hé cửa. Một người đàn ông vừa dợm bước khỏi hiên.
-Vâng?
Anh ta quay lại.
- Chị muốn để củi đốt ở đâu?
Phải cố gắng lắm tôi mới không giật lùi lại. Anh ta trông như vừa bước ra từ phim trường và đến thẳng đây đóng tiếp vai sát thủ tâm thần. Lần cạo râu tiếp theo của anh lẽ ra phải là hôm qua rồi. Mớ tóc nâu rủ xuống gần chấm vai anh ta, từng lọn trông như mấy con rắn vừa béo vừa bóng lưỡng. Cái mũ bóng chày loang vệt nước sụp xuống trán nên tôi hầu như không nhìn thấy mắt anh ta. Sao mà tôi thấy giống kiểu sói già xuống núi quá.
- Đằng kia đi, - tôi chỉ phía ga-ra.
Tôi lau nốt người, mặc áo ấm và áo mưa, chạy ra cơn mưa bụi bên ngoài, khăn tắm vẫn còn cuốn trên đầu. Anh ta đang bò ra trước ga-ra, nghe thấy tiếng tôi thì đứng lên.
- Các anh hẹn ba giờ cơ mà.
- Chúng tôi có một đơn hàng bị hủy, và chị đang cần gấp thế nên tôi tưởng chị sẽ vui nếu tôi đến sớm. Chị có bạt che không?
- Ít ra các anh báo cho tôi một tiếng chứ.
Hàm răng anh ta trắng lóa trên khuôn mặt lem nhem.
- Tôi có thể gọi trước. Nhưng tôi đã không gọi mất rồi. Chị có bạt che không?
- Tôi có cần không?
- Trừ khi chị muốn thử đốt củi ướt. - Anh ta hất mắt nhìn ra màn mưa lây phây, hướng ngoài phố. - Trong xe tôi có mấy tấm nếu chị cần mua một. Mười hai đô-la.
- Cho một tấm ni-lông ư?
- Đấy không phải ni-lông. Là bạt chống thấm. Trường tồn mãi mãi.
Tôi những muốn nói với anh ta rằng chẳng có gì là mãi mãi.
- Ồ, đằng nào chắc củi cũng đã ướt rồi; phải không? Bây giờ tôi cũng chẳng cần che nữa.
Anh ta lắc đầu.
- Kho của chúng tôi kín lắm, chỉ hơi bị ẩm chút xíu trên đường đi thôi.
- Thôi được, cho tôi một tấm bạt.
o O o
Cứ vài phút, tôi lại đặt máy sấy tóc xuống, hé rèm cửa sổ ra nhìn anh ta đẩy từng xe cút kít củi từ ngoài phố vào, xếp gọn lại cạnh ga-ra. Tôi quên mất rằng anh ta không thể lái xe tải vào đây được. Khi nghe thấy tiếng ủng cồm cộp dận ngoài hiên, tôi ra mở cửa, tay cầm sẵn tấm séc.
Bất chấp trời lạnh, mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt anh ta, và anh ta tỏa ra mùi quần áo tập bị nhét vài ngày dưới đáy túi đựng đồ thể thao. Tôi phải hô hấp qua đường miệng.
- Tôi để một ít ở đây. - Anh ta chỉ một đống nhỏ ngay cạnh cửa.
- Nên chị không cần phải chạy ra ga-ra.
- Tôi phải gửi anh thế nào đây?
- Rất vui được giúp chị.
Không thể tin được anh ta đang dạy tôi bài học về cư xử, nhưng tôi có đủ phần của mẹ trong mình để có thể cảm thấy xấu hổ. Tôi lí nhí đáp:
- Cám ơn anh. Còn tấm bạt che đâu rồi?
- Che trên đống củi rồi. - Anh ta nhìn tôi như thể tôi hết sức chậm hiểu. - Tổng cộng chín mươi tư đô-la. - Tôi điền vào séc và đưa, nhưng anh trả lại. - Xin lỗi chị, tôi không nhận séc ngoài bang được.
Tôi quên không hít vào qua đường miệng và suýt ngất xỉu vì mùi từ anh ta.
- Tôi chỉ có mỗi loại séc này thôi.
- Vậy tôi sẽ phải nhận tiền mặt thôi.
- Tôi không có chín mươi tư đô-la nhét trong bình đựng bích quy đâu, - tôi cáu. - Lúc tôi gọi điện các anh không nhắc trước gì cả.
- Tôi cứ nghĩ chị dùng séc của bang này. Chúng tôi không có nhiều đơn đặt mua nửa thùng củi chở tới California. - Anh ta nhấc mũ, một tay vuốt tóc và đội mũ lại. - Chị có bao nhiêu tiền mặt?
- Để tôi xem đã.
Tôi tua lại trong đầu lời cảnh giác của Daisy về sự biệt lập của ngôi nhà này, thực tế rằng không hàng xóm nào có thể thấy được cửa trước nhà tôi. Sương mưa thế này tôi cũng chẳng nhìn nổi ra phố. Như đọc được suy nghĩ của tôi, anh ta lùi lại, dựa vào lan can bao quanh hiên trong khi tôi lục ví.
- Tôi có bốn mươi lăm đô-la thôi.
Anh ta đưa tay ra.
- Tôi sẽ bù phần thiếu cho Rick, mai chị có thể trả nốt cho tôi.
- Như thế có được không? - Tôi hỏi.
- Phải được thôi. - Anh ta gấp tiền, nhét vào túi áo bông lấm lem. - Chắc chắn tôi không xếp lại lên xe đâu. - Anh nhìn qua tôi, đánh mắt chỉ cái lò sưởi Jotul. - Lò tốt đấy. Chị có biết dùng không?
- Tôi biết. - Tôi đáp nhanh. - Cô nhân viên môi giới nhà đã hướng dẫn tôi.
Không đời nào anh ta được vào nhà tôi. Ngoài việc trông anh ta bẩn một cách đầy mờ ám, tôi sẽ còn phải khử trùng toàn bộ căn nhà mất.
- Vậy mai tôi sẽ quay lại. Khoảng mười giờ.
Tôi đợi đến khi nghe thấy tiếng xe đi khỏi mới dám ra lấy ít củi vào.
o O o
Tôi vẫn lưỡng lự chuyện mở tài khoản ở đây. Có vẻ như nó sẽ gắn tôi với điều gì đó bền lâu hơn là một kỳ nghỉ dài. Rõ ràng là nhân viên chăm sóc khách hàng ở Washington Mutual cũng có băn khoăn như tôi. Bằng lái xe California của tôi khiến cô ấy quan ngại sâu sắc không biết tôi sẽ để được bao nhiêu tiền trong ngân hàng của cô ấy. Khi biết tôi đã đàng hoàng đi làm được một tuần, cô ấy muốn biết sao tôi chưa thi lấy bằng lái của bang Washington.
Tôi mỉm cười làm thân.
- Vì tôi không có xe.
Cô ấy nói tôi cần có giấy tờ tùy thân do bang này cấp.
- Sáng mai tôi sẽ làm ngay.
Chắc cô ấy biết tôi nói dóc, nhưng vì tôi có hộ chiếu nên cô ấy cũng mở tài khoản, đưa cho tôi séc tạm thời và một trăm đô-la tiền mặt.
Đến khu đồ vải ở Bon Marché mua chăn, tôi mới biết David đã hủy thẻ MasterCard của tôi. Người bán hàng nói anh được bên phát hành thẻ yêu cầu thu lại thẻ của tôi. Tôi thanh toán cho anh ta bằng séc mới, anh ta không thích lắm nhưng cũng chấp nhận vì không thấy có gì không rõ ràng cả.
Về đến nhà, tôi ngồi trên cái ghế bành không có hoa văn và gọi số văn phòng của David.
- Em đây. Anh nói chuyện được không?
- Tất nhiên rồi. Cả tuần nay anh đã cố gắng liên lạc với em.
- Thế ạ? - Dạ dày tôi rộn lên.
- Anh đã quyết định bán nhà. Anh cần biết em có muốn giữ đồ đạc gì không.
Đầu gối tôi sụn ra như xi-măng ướt.
- Vậy... thế nghĩa là anh muốn...
- Không, Wyn, không có nghĩa là anh muốn li hôn. - Kiểu giọng người lớn nói với trẻ con chậm phát triển trí tuệ. - Anh chỉ nghĩ khi chúng ta đang sống xa nhau thì tốt hơn hết là không nuôi căn nhà lớn như vậy nữa, nhất là khi anh kh... hầu như không ở nhà. –Rồi với vẻ lịch thiệp rất màu mè. - Anh hi vọng là em thấy không có vấn đề gì.
- Được thôi. - Rồi tôi nhớ ra lý do gọi điện của mình. - Sao anh lại hủy thẻ MasterCard của em?
- Vì em bắt đầu tiêu pha cả đống.
- Cái gì là cả đống?
- Bon Marché nào đó, năm trăm đô-la.
- Năm trăm đô-la không phải là cả đống. Em mua đệm gấp và khung. Với mấy đồ nhà bếp.
- Để làm quái gì?
- Vì em có chỗ ở riêng rồi. Em không thể ở nhờ CM mãi được.
Thoáng ngừng.
- Em sống luôn ở đó à?
- Vâng. Một thời gian. Em đã có việc làm.
- Làm gì?
- Bánh mì.
- Bánh mì á? - Anh nói chậm, đầy ngờ vực. - Wyn, vì Chúa, em đang cố gắng chứng tỏ điều gì?
- Chẳng gì cả. Và em tự trả hóa đơn của mình, cho nên em tiêu bao nhiêu thì liên quan gì đến anh?
- Anh không muốn thẻ tín dụng của anh liên quan gì đến thẻ của em. Phòng trường hợp em không thanh toán tín dụng đúng hạn. Bây giờ đi làm rồi thì em tự mở thẻ riêng đi.
- Với thù lao tám đô-la một giờ, gần như chắc chắn em không thể mở được loại thẻ em vẫn dùng.
- Nghe này Wyn, anh không muốn tranh luận với em về...
- Tất nhiên anh không muốn rồi. Anh chỉ muốn em yên lặng biến đi thôi.
- Ôi, vì Chúa. Anh không như vậy. - David hạ giọng. - Và anh không thể nói những chuyện như thế này ở chỗ làm được. Sao em không gọi về nhà cho anh?
- Vì em không bao giờ biết ai sẽ nhấc cái điện thoại chết tiệt ấy lên trả lời.
- Nghe này, anh phải đi đây. Anh bị muộn họp rồi. Chúng ta sẽ phải nói chuyện này sau thôi.
- Khi nào hả David? - Chính xác là tôi gào lên, nhưng anh đã đi mất rồi.
Tôi muốn giật tung điện thoại khỏi tường và thẳng tay quăng qua cửa sổ, nhưng rồi lại nghĩ, như thế chỉ phản tác dụng mà thôi.
o O o
Mấy tiếng thình thình đánh thức tôi. Thoạt đầu tôi còn chẳng biết mình đang ở đâu. Tôi liêu xiêu ra mở cửa, mệt mỏi ngước nhìn một người cao lêu nghêu, đầu húi cua, mặc quần jeans yếm và cái áo len bẩn bẩn.
- Vâng?
- Chào chị, tôi là Rick. Chỗ Rừng Na Uy. Chị có tiền mặt rồi chứ? - Anh ta lần túi rút ra mẩu giấy lem nhem. - Bốn mươi chín đô-la phải không?
- Ồ. - Tôi quay nhanh vào lấy bốn mươi chín đô-la trong ví ra. Anh ta đếm rồi đút bừa vào túi.
- Tôi mang cho chị ít gỗ tuyết tùng. - Anh ta cười, phô ra hàm răng thiếu mấy chiếc. - Phòng khi chị cần.
Tôi theo ánh mắt anh ta, thấy dăm súc gỗ nhỏ ở cạnh đống gõ trắc.
- Để làm gì vậy?
- Để mồi lửa. - Anh ta đáp. - Tuyết tùng khô và giòn, vỏ bong ra từng lớp mỏng. Mồi lửa là nhất. Cũng thơm lắm. Giống mùi lửa trại.
- Ôi, cảm ơn anh. Cảm ơn nhiều nhé.
Anh ta đưa cho tôi tấm danh thiếp trông như vừa bị xe tải chẹt qua.
- Nếu chị cần gì thì cứ gọi cho chúng tôi.
Nhìn anh ta thủng thẳng đi ra phố, tôi tự hỏi không biết chuyện gì đã xảy ra với gã sát nhân tâm thần.
o O o
Tối thứ Năm, vừa đến chỗ làm một chốc, tôi đã lao vào phòng tắm nôn thốc.
- Nếu cô ốm thì tôi không muốn cô ở đây, - Linda nói bằng giọng thông cảm nhất có thể.
-Tôi không sao.
Bà nhíu mày.
- Cô có ngủ được không đấy?
- Ơ, cũng không tốt lắm vì tôi đang cố ổn định mọi thứ.
- Mấy giờ cô đi ngủ? - Bà dựa cái xẻng xúc bánh bằng gỗ vào cạnh lò.
- Hôm thứ Hai tôi đi ngủ lúc tám rưỡi. Thứ Ba tầm trưa. Thứ Tư năm giờ. Hôm nay lúc hai giờ.
- Vấn đề của cô đấy, chính ở đấy. - Bà khoanh tay, ném cho tôi cái nhìn bực dọc. - Cô phải sinh hoạt đều đặn vào, ngày nào cũng ngủ cùng một giờ, nếu không cơ thể cô sẽ quen vật vờ.
- Chị đi ngủ lúc mấy giờ?
- Về đến nhà tôi ngủ luôn. Ăn mấy miếng bánh với trà, rồi lên giường. Khoảng bốn giờ dậy.
- Thế còn ngày nghỉ của chị?
- Cũng thế.
- Nhưng làm sao chị có được cuộc sống bình thường khi thức cả đêm, rồi ngày nghỉ cũng ngủ cả ngày thế?
- Ai bảo cô nghề làm bánh là có cuộc sống bình thường? Tôi đã biết ngay là cô sẽ không thích đâu mà.
- Không phải là tôi không thích... - Tôi thấy mặt mình nóng dần lên.
- Tụi trẻ các cô như nhau cả thôi, cả đời chẳng đi làm được một ngày thật thà.
- Trước hết, tôi không phải là trẻ con, và tôi không cho rằng chị ở vào vị trí biết được những gì tôi làm trong cuộc đời tôi.
- Lảm lảm lý sự vừa thôi. Nhìn cô xem. - Linda hua hua hai tay.
- Móng tay gọt giũa thế kia. Lại còn quần hàng hiệu. - Bà trợn to mắt, hàng mi cong lên trông thật tức cười.
- Sao ạ? - Tôi nhìn lại mình và thấy lô-gô Ralph Lauren trên cái quần nỉ đang mặc. - Chỉ là quần nỉ thể thao thôi mà.
Linda quay lưng, làm như không thèm quan tâm đến đứa lì lợm như tôi. Bà đi thẳng vào kho.
- Chị muốn nghĩ sao cũng được, - tôi lớn tiếng với theo. - Chừng nào tôi vẫn hoàn thành công việc thì chị phàn nàn gì được.
Bánh Mì Cô Đơn Bánh Mì Cô Đơn - Judith Ryan Hendricks Bánh Mì Cô Đơn